5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị
Anh Nguyễn
Tiếp theo bài 1
… Tần Thị ốm, rồi chết. Gia đình tổ chức đám ma linh đình. Một
cái chết đơn giản? Không hẳn. Theo ý nhiều người, Tào Tuyết Cần đã khéo léo
giấu đi một câu chuyện đen tối hơn giữa những con chữ: Tần Khả Khanh thực sự có
quan hệ với bố chồng, bị hai tỳ nữ phát hiện, nên tự tử chết. Lúc chết còn có
mang thai hai tháng. Các dẫn chứng sau cho thấy giả thuyết này không hoang
đường như ta tưởng.
Tranh của Gai Qi (1816) vẽ một cảnh trong Hồng Lâu Mộng
5 dẫn chứng, xếp từ ít “đáng nghi” nhất:
1. Dẫn chứng một: thái độ của mẹ chồng Tần Khả Khanh.
Mẹ chồng Tần Khả Khanh là Vưu thị, qua lời nói có vẻ rất thương
yêu con dâu. Ta hãy xem đoạn bà ta nói chuyện với Kim thị về bệnh tình Tần thị:
Tôi lại trông cho nó ăn hết nửa bát yến sào rồi mới về đây. Thím
tính thế có sốt ruột không? Lại thêm bây giờ không có thầy thuốc nào hay. Nghĩ
đến bệnh nó lúc nào, là ruột tôi đau như kim châm. Thím có biết ai chữa thuốc
giỏi không?
Thật là mối quan hệ mẹ chồng-con dâu kiểu mẫu! Cũng không quá
khó tin, vì tác giả đã thiết lập cho Tần Khả Khanh là con người dịu dàng khéo
léo, rất được lòng người. Song khi con dâu chết thì bà ta thế nào? Không xuất
hiện lấy một lần. Tác giả khéo léo để cho Vưu thị “bị bệnh dạ dày tái phát, ốm
liệt giường,” không thốt ra một câu một chữ nào về con dâu nữa. Ngay cả trong
đám tang Khả Khanh, Vưu thị vẫn ốm nằm trong buồng! Tác giả nhắc đến điều này
ba lần, ắt phải có dụng ý. Sự IM LẶNG và VẮNG MẶT của Vưu thị tương phản rõ rệt
với nỗi ai oán, gào khóc xé ruột gan của ông bố chồng.
Giả thuyết: Vưu thị phát hiện mối quan hệ nhơ
nhuốc của chồng và con dâu, nhưng phải giữ thể diện, nên không thể làm rùm
beng, đành chọn cách nghiến răng giấu mặt.
2. Dẫn chứng hai: thái độ của chồng Tần Khả Khanh.
Tần Khả Khanh là vợ của Giả Dung, cháu của Phượng Thư. Hồng Lâu
Mộng xác lập Giả Dung là một thanh niên bảnh bao, khéo nói, lại rất hay đùa bỡn
phụ nữ. Tuy nhiên trong toàn bộ câu chuyện, ta không hề thấy một giây phút ân
cần nào giữa hai vợ chồng. Cách Tào Tuyết Cần viết khiến Giả Dung giống như một
người câm điếc khi có mặt vợ vậy. Ngược lại, khi Giả Dung ở cùng Vương Hy
Phượng, anh ta lả lướt, lúng liếng, sống động, nhấm nháy. Thái độ “đầu mày cuối
mắt” của hai người không qua được mắt chồng Phượng Thư là Giả Liễn, càng không
qua được mắt bạn đọc. Giả Dung và Vương Hy Phượng ngọt ngào với nhau thế nào?
Xin xem đoạn Giả Dung đến mượn Phượng Thư cái bình phong pha lê:
Giả Dung nghe nói cười hì hì, quỳ lom khom ở trên bục nói:
– Nếu thím không cho mượn, cha cháu sẽ bảo cháu không khéo nói,
lại bị một trận đòn thôi. Thím ơi! Thương cháu với.
– Không lẽ cái gì của nhà họ Vương cũng đều đẹp cả. Ở bên nhà
cháu bao nhiêu đồ đẹp, nhưng hễ thấy cái gì của ta là chỉ chực cuỗm thôi.
Phải chăng Phượng Thư cố tình nói kháy, ví Khả Khanh là “đồ đẹp”
nhà Giả Dung, còn nói móc chàng ta tham lam, cái gì cũng muốn “cuỗm về”? Chắc
hẳn vậy, bởi chỉ vài câu sau, ta có đoạn văn đầy tình ý:
Phượng Thư chợt nghĩ đến một việc, vội ngoảnh ra cửa sổ gọi :
– Cháu Dung hãy trở lại đây.
Mấy người bên ngoài gọi theo:
– Cậu Dung hãy trở lại.
Giả Dung vội quay lại, buông thõng tay đứng đợi.
Phượng Thư cứ lẳng lặng uống nước, rồi ngẩn một lúc rồi mặt tự
nhiên đỏ bừng lên, cười nói:
– Thôi cháu hãy về đi. Cơm chiều xong lại đây sẽ nói. Bây giờ
đương có người, ta chẳng bụng nào nghĩ đến nữa.
Sao má nàng ta lại đỏ, sao lại không dám nói chỗ đông người mà
hẹn đến cơm chiều xong gặp lại? Không cần nói cũng đoán được. Và khi Tần Khả
Khanh chết thì sao? Xin thưa, trong ba chương nói về cái chết và đám tang của
vợ, Giả Dung cũng không xuất hiện lấy một lần! Anh ta chỉ xuất hiện qua lời của
ông bố, vì Giả Trân muốn mua cho con một chức quan để viết lên tờ phướn cho
đẹp. Rõ thật đáng sợ chưa! Cũng như trên, sự lãnh đạm, vô tình, thậm chí bạc
tình của Giả Dung đối nghịch rõ rệt với sự thương tiếc của Giả Trân. Đây không
thể là một mối quan hệ vợ chồng bình thường được. Không những thế, sau khi vợ
chết, anh ta liền mau chóng đi lấy vợ khác, lại tằng tịu cả với hai người em
gái của Vưu thị.
Giả thuyết: Hoặc Giả Dung thờ ơ khiến Tần Khả Khanh ngoại tình, hoặc Tần Khả
Khanh gian dâm khiến Giả Dung chán ghét vợ.
Phượng Thư
3. Dẫn chứng ba: thái độ của bố chồng Tần Khả Khanh
Đương nhiên đã tìm cách chứng minh Tần Khả Khanh thông gian với
Giả Trân thì không thể nào bỏ qua sự “quá đà” của nhân vật này. Ai đọc Hồng
Lâu Mộng chắc cũng phải cảm thấy “gờn gợn” vì sự vồ vập thái quá của
Giả Trân đối với nàng dâu. Cũng như Giả Dung thờ ơ với vợ mình, Giả Trân cũng
thờ ơ với Vưu thị, song lại hết sức hết lòng với Tần Khả Khanh. Gia đình Tần
Khả Khanh không giàu có, về mặt môn đăng hộ đối không thể sánh với nhà họ Giả,
song nàng ta được hết mực cưng chiều như nàng công chúa, thậm chí em trai là
Tần Chung cũng được tự do ra vào trong phủ, đi học cùng Bảo Ngọc. So ra mà nói,
Tần Chung còn được đối xử tốt hơn cả Giả Hoàn – em cùng cha khác mẹ của Bảo
Ngọc. Sự phân biệt này là do đâu? Nếu chỉ vì Tần Khả Khanh tốt tính, tận hiếu
với bố mẹ chồng, thì xem ra cũng chưa đủ.
Hãy xem một số ví dụ.
Khi Tần Khả Khanh bị ốm, Giả Dung thõng tay không can dự, còn bố
chồng là Giả Trân thì xông xáo đi tìm thầy thuốc. So với thái độ thờ ơ, vô tâm
với đàn bà trong nhà của Giả Kính, Giả Chính, Giả Xá, Giả Liễn thì thật khác
một trời một vực! Đến khi Tần thị chết rồi, ông ta thế nào?
Giả Trân khóc sướt mướt, nói với bọn Giả Đại Nho:
– Tất cả lớn bé trong nhà, bè bạn gần xa, ai cũng khen con dâu
tôi khôn ngoan hơn con trai nhiều. Nay nó mất đi, đủ biết nhành trưởng này lụn
bại mất!
Nói xong lại khóc, mọi người khuyên giải:
– Người đã chết rồi, khóc cũng vô ích, ông nên lo liệu ngay việc
ma chay là hơn.
Giả Trân đập tay, nói:
– Lo liệu gì! Chẳng qua có bao nhiêu tiền làm hết bấy nhiêu thì
thôi!
Giả Trân thấy cha không nhìn đến tiền bạc, thì tha hồ phung phí.
Lúc tìm áo quan, nghe Tiết Bàn gạ gẫm, liền mua ngay loại gỗ quý nhất, vốn chỉ
dành cho bậc vương công. Có một câu vô cùng đáng nghi:
Giả Trân nghe nói, cảm tạ luôn mồm, sai cưa ra và gắn sơn ngay.
Giả Kính khuyên:
– Người thường thì không nên dùng thứ này, tìm thứ gỗ tốt là
được.
Giả Trân không thể chết thay cho Tần thị, khi nào lại chịu nghe.
Giả Trân lại còn “thương xót quá không ăn uống được,” rồi “đang
ốm, lại vì quá thương xót, nên chống gậy bước vào.” Nếu một người không biết
đầu đuôi câu chuyện, chỉ đọc mấy câu trên, ắt tưởng Giả Trân là tình nhân của
Tần Khả Khanh, chứ nào phải cha con chồng! Qua những chương sau, ta lại càng
thấy rõ bộ mặt của Giả Trân. Ông ta cùng con trai Giả Dung có quan hệ bất chính
với hai cô em gái của Vưu thị, thậm chí ngay lúc để tang cha ruột còn mở xới
đánh bạc, thuê kỹ nam trẻ tuổi về chơi bời. Tư cách của Giả Trân quả thực rất
đáng khinh bỉ.
Giả thuyết: không cần nói cũng hiểu quan hệ của Giả Trân-Tần Khả Khanh không
phải mối quan hệ cha con bình thường.
4. Dẫn chứng bốn: thái độ hai người hầu gái của Khả Khanh
Đến đây lại phải nhờ đến ông Du Bình Bá, một trong những nhà
Hồng học kỳ cựu, lỗi lạc. Các tác phẩm nghiên cứu của ông đã mở ra một con
đường mới của phái Tân Hồng học, đổi lại bản thân ông phải chịu không ít gian
nan trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Trong phần bàn về cái chết của Tần Khả
Khanh, ông có nêu lên một thuyết mới lạ, nhờ phân tích đoạn dưới đây:
Thấy Tần thị chết, a hoàn Thụy Châu cũng đập đầu vào cột chết
theo, câu chuyện hiếm có ấy làm cho cả họ đều thở than khen ngợi. Giả Trân cho
làm ma theo lễ “cháu gái”, cũng rước linh vào gác Đăng Tiên trong vườn Hội
Phương. Lại có một a hoàn tên là Bảo Châu, thấy Tần thị không có con, xin làm
con nuôi giữ tang lễ như con đẻ. Giả Trân mừng lắm, cho gọi là tiểu thư. Bảo
Châu theo lễ con gái chưa gả chồng ngồi bên linh cữu khóc than thảm thiết.
Mới đọc qua, không có gì lạ. Nhưng một chữ “cũng” trong câu
“Thấy Tần thị chết, a hoàn Thụy Châu cũng đập đầu vào cột chết theo, câu chuyện
hiếm có ấy làm cho cả họ đều thở than khen ngợi.” khiến ta phải ngẫm nghĩ. Khi
tôi kiểm tra lại, chữ “cũng” này có mặt trong cả nguyên bản tiếng Trung và bản
dịch tiếng Anh nên không thể là do lỗi của dịch giả. Có thể bảo, ừ thì a hoàn
cùng chết theo chủ, nhưng phải chăng Tào Tuyết Cần ngụ ý rằng Tần Khả Khanh đã
tự vẫn trước? A hoàn thứ hai xin làm con nuôi, vì sao? Theo thuyết của Du Bình
Bá, chính hai a hoàn này đã chứng kiến cảnh gian díu của Tần Khả Khanh với Giả
Trân, dẫn đến việc Tần Khả Khanh xấu hổ tự sát. Vì quá hối hận, một a hoàn tự
tử, a hoàn kia xin làm con nuôi để chuộc tội. Nếu không có gì bất thường, một a
hoàn sao dễ làm con nuôi nhà chủ được, kể cả chủ có quy tiên đi chăng nữa! Sự
“mừng lắm” của Giả Trân càng khiến ta phải nghi ngờ. Ở cuối hồi 15, a hoàn Bảo
Châu còn không chịu về lại phủ, quyết ở lại chùa Thiết Hạm. Hoặc cô ta bị Giả
Trân đe dọa, tống đi xa khuất mắt, hoặc chính cô ta sợ về phủ Giả nhiều cạm
bẫy, tóm lại, chi tiết này cũng thật kỳ lạ.
Giả thuyết: hai nữ tỳ này góp phần không nhỏ dẫn tới kết cục thảm thương của
Tần Khả Khanh.
Tranh của Gai Qi (1816) vẽ một cảnh trong Hồng Lâu Mộng
5. Dẫn chứng năm: cuốn sổ Kim lăng thập nhị thoa chính sách
Đây là bằng chứng quan trọng nhất. Khi Bảo Ngọc lạc vào Thái Hư
ảo cảnh, có được nàng tiên mở tủ cho xem cuốn sổ ghi số mệnh mười hai cô gái
đẹp trong truyện. Lần lại, có thể đoán ra số phận từng người một. Ví dụ:
Giàu sang cũng thế thôi.
Từ bé mẹ cha bỏ đi rồi.
Nhìn bóng chiều ngậm ngùi,
Sông Tương nước chảy mây Sở trôi.
Là Sử Tương Vân
Chim phượng kìa sao đến lỗi thời,
Người đều yêu mến bực cao tài,
Một theo hai lệnh, ba thôi cả
Nhìn lại Kim Lăng luống ngậm ngùi.
Là Vương Hy Phượng
Than ôi có đức dừng thoi,
Thương ôi cô gái có tài vịnh bông.
Ai treo đai ngọc giữa rừng
Trâm vàng ai đã vùi trong tuyết dày?
Đích thị là Lâm Đại Ngọc
Thế nhưng trong quần thoa đó, không ai có số phận hợp với mỹ
nhân cuối cùng:
Lại có một tòa lầu cao, trên có một mỹ nhân treo cổ tự tử. Có
mấy câu phán:
Trời tình, bể tình là mộng ảo,
Mà tội dâm kia cũng bởi tình.
Đầu têu nào phải “Vinh” hư hỏng,
Mở lối khơi nguồn, thực tại “Ninh”.
Chiếu theo bài thơ này, thì Tần Khả Khanh là phù hợp nhất. Trong
những chị em còn lại, không có ai tự tử. Cái chết của Tần Khả Khanh lại là cái
chết đột ngột. Theo tiên lượng của thầy thuốc, nàng ta có thể cố trụ qua mùa
đông, hơn nữa căn bệnh của Tần Khả Khanh (triệu chứng giống ho lao), không phải
căn bệnh có thể đột tử qua đời. Chính vì thế mà khi nghe tin nàng chết, cả phủ
đều “bàng hoàng, không ai tin là thật.” Phượng Thư nghe tin thì “thất kinh,
toát mồ hôi, ngẩn người ra một lúc,” Giả Bảo Ngọc thì “vội vùng trở dậy, ruột
đau như cắt, không ngờ ọe một cái, khạc ra một cục máu.” Nếu cái chết của Tần
Khả Khanh không quá bất ngờ thì phản ứng của mọi người không thể dữ dội như
vậy! Do đó nói Khả Khanh chết vì bệnh là vô lý. Trước khi mất, Tần Khả Khanh
còn có các triệu chứng giống như đã mang thai. Vấn đề này được các bà các cô
trong phủ suy đoán không ít, thậm chí Vưu thị còn bảo ít nhất một thầy thuốc
bảo rằng cô ta có bầu. Vì vậy có thể loại bỏ khả năng Tần Khả Khanh bị lên cơn
bệnh đột ngột mà chết. Ngược lại, trường hợp Khả Khanh có thai với bố chồng,
lại bị người hầu phát hiện, quẫn trí tự sát rất có thể đã xảy ra.
Tần Khả Khanh
Lại xét câu “Trời tình, bể tình là mộng ảo.” Nhân vật Khả Khanh
trong giấc mơ Thái hư ảo cảnh của Bảo Ngọc chính là cái tôi thứ hai của Tần Khả
Khanh (alter ego), cô ta cũng là đối tượng si mê trong mộng của Bảo Ngọc – một
sự kéo dài từ tình yêu của Bảo Ngọc với chị ruột của cậu ta, Nguyên Xuân. Khả
Khanh trong mơ và Khả Khanh ngoài đời tuy hai mà một, tuy một mà hai. Cái
“tình” của Khả Khanh “thật” ở cõi diêm phù này cũng chỉ là một giấc mộng mà
thôi.
Lại xét câu “Mà tội dâm kia cũng bởi tình.” Trong mười hai thoa,
chỉ có duy nhất mỹ nhân này bị gắn chữ “dâm.” Trừ Tần Khả Khanh, mười một người
kia, có kẻ độc ác, có kẻ vô tình, nhưng thật khó dùng chữ “dâm” để gán cho bất
kỳ ai trong họ. Chính bởi chữ “dâm” này mà Tần Khả Khanh bị xếp hàng gần bét
trong mười hai thoa, chỉ hơn có Giả Xảo Thư. Lật lại Hồng Lâu Mộng nguyên
cảo còn có đề mục “Tần Khả Khanh dâm táng Thiên Hương Lầu” ở hồi mười ba, lúc
Khả Khanh qua đời cơ mà! Đủ thấy ý Tào Tuyết Cần đã cho số phận Tần Khả Khanh
không thoát khỏi chữ “dâm,” dù sống hay chết.
Xét hai câu cuối:
Đầu têu nào phải “Vinh” hư hỏng,
Mở lối khơi nguồn, thực tại “Ninh”.
Để dễ phân biệt, bên Giả Chính, Giả Bảo Ngọc là phủ Vinh, còn
bên Giả Trân, Giả Dung là phủ Ninh. Hai câu này có thể hiểu rằng: Bảo Ngọc “hư
hỏng” quan hệ với nàng Khả Khanh trong mộng, xong cái nghiệp của nàng ta là do
phủ Ninh gây ra. Nếu không vì Giả Trân “đầu têu” làm nhơ nhuốc nàng thì nàng đã
không trở thành một “dâm nữ” và phải tự kết liễu cuộc đời.
Kết thúc lại, khúc hát Hồng Lâu Mộng của Tần Khả Khanh nói rõ hơn
hết:
Xuân đi hương vẫn còn rơi,
Nguyệt hoa gây vạ suy đồi vì ai ?
Nhà suy bởi tại Kính rồi,
Nhà tan trước hết tội thời tại Ninh.
Gây nên oan trái vì tình.
Em trai Tần Khả Khanh là Tần Chung rồi cũng chết vì trót yêu cô
tiểu Trí Năng. Tên của hai chị em, Tần Thị – Tần Chung lại đồng âm với Tình
Thủy (đầu) – Tình Chung (cuối), nên có thể coi họ là hai đầu của quang phổ tình
ái vậy. Cái chết của Tần thị, Tần Chung, và Giả Thụy là những “câu chuyện cảnh
giác” đầu tiên của Hồng Lâu Mộng, ám chỉ bóng gió đến những bi kịch còn ở phía
trước. Tần Khả Khanh là một nhân vật mang tính biểu tượng hơn là thực tế, vừa
như Vệ Nữ, vừa là kẻ đầu tiên hy sinh vì tình trong truyện.
Kết luận: dựa trên những dẫn
chứng trên, có thể kết luận mười phần chắc đến tám, chín về sự thật đằng sau
cuộc đời, số phận, và cái chết của Tần Khả Khanh. Tuy nhiên những tầng lớp vô
cùng tinh tế của Hồng Lâu Mộng luôn là thử thách lớn cho những
kẻ đam mê. Người viết xin được nhận sự góp ý, tranh luận của người đọc để chúng
ta cùng phân tích, khám phá thêm tác phẩm này một cách trọn vẹn nhất có thể.