Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

27. Tiết Bảo Thoa: “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

 

Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng 

Anh Nguyễn


Tiết Bảo Thoa, như chúng ta đã từng bàn ở đây, có thể được coi là một “lãnh mỹ nhân” (người đẹp lạnh lùng) điển hình. Từ cái tên (Tiết đồng âm với tuyết), nơi ở (được ví như một hang tuyết: xuedong yiban – tuyết động nhất phần), cho tới món thuốc lạnh lẽo Lãnh hương hoàn, dường như Bảo Thoa là một khối băng thuần túy. Thế nhưng đọc kỹ mà xem, ta sẽ phát hiện thấy bên dưới lớp vỏ giá buốt đó là một trái tim nồng cháy, thậm chí trong Bảo Thoa có hiện diện cả những sắc thái khác nhau của “tình”, của “dục”, và “ý dâm.”

                                                                  Tiết Bảo Thoa

Đối lập với Đại Ngọc buồn giận yêu ghét đều rõ rệt, Bảo Thoa kín đáo hơn. Nếu câu thơ ứng với Đại Ngọc là Ngọc đới lâm trung quải – đai ngọc treo giữa rừng, thì Bảo Thoa là Kim trâm tuyết lý mai – trâm vàng vùi trong tuyết. Người đời có thể nhìn thấy Đại Ngọc, khóc cùng nàng, tôn thờ nàng, còn Bảo Thoa thì sao? Nàng là cành thoa quý bằng vàng vô giá, nhưng đã bị lấp đi dưới lớp tuyết lạnh lẽo. Nàng giấu kín cảm xúc, lặng lẽ im lìm. Chỉ người nào biết giá trị của nàng, lại có lòng tìm kiếm, mới có thể chạm đến phần quý báu, sâu sắc nhất của Bảo Thoa. Nói cách khác, Bảo Thoa mong chờ một người tri kỷ. Tiếc thay cho đến cuối Hồng Lâu Mộng, người đó vẫn không xuất hiện, khiến trâm vàng – bản thể thực sự của Bảo Thoa – mãi mãi không được lộ diện.

Ở một ví dụ khác, hãy cùng xem lại lần GiảChính vào thăm vườn Đại Quan:

Giả Chính nói:

– Tòa nhà này ở đây chẳng có nghĩa lý gì!

Rồi bước vào cửa. Chợt thấy mặt trước có một quả núi đá lấp lánh cao ngất trời, xung quanh bao bọc bằng các thứ đá đủ các màu, che kín hẳn những nhà cửa bên trong. Ở đây, không có một gốc cây, toàn những cỏ lạ hoặc leo lên núi, hoặc bò ra đất hoặc từ trên núi rủ xuống, hoặc luồn qua khe đá chui ra; lại có những dây từ mái nhà bò xuống, leo quanh cột chằng chịt cả bờ hè, như vải xanh phất phơ, như sợi vàng uốn khúc, quả đỏ hoa vàng, hương thơm ngào ngạt, không một thứ hoa nào có thể bì được.

                                                  Giả Chính đến thăm Đại quan viên.

Khi mới nhìn thấy nơi ở tương lai của Bảo Thoa, ấn tượng đầu tiên của Giả Chính là nhạt nhẽo, đáng chán, “chẳng có ý nghĩa gì”. Thế nhưng khi bước chân vô, ông lại thấy một quả núi đá cao ngất che lấp những nhà cửa, thực vật đẹp đẽ bên trong. Càng vào sâu, Giả Chính và mọi người càng khám phá thêm nhiều điều kỳ thú, đặc biệt là một loài hoa có mùi hương quyến rũ “không hoa nào có thể bì được”. Không những loài hoa này làm ta liên tưởng đến mùi thơm đặc biệt của Bảo Thoa khiến Bảo Ngọc ngây ngất ở hồi 8, nó còn là ẩn dụ về vẻ đẹp giấu kín của nàng. Để cảm nhận nét duyên ngầm của Bảo Thoa, phải vượt qua được thành lũy bên ngoài, bởi nàng không phô bày, diêm dúa. Thế nhưng một khi đã tiếp cận được phần cốt lõi, tính túy ấy, ta mới nhận ra Bảo Thoa mới chính là “chúa hoa,” đứng đầu phái nữ. Không phải ngẫu nhiên mà Bảo Thoa lại ứng với mẫu đơn, thứ hoa được mệnh danh là 花王 – hoa vương.

Bảo Thoa không những ý thức được giá trị của mình, nàng còn tự hào một cách kín đáo về điều đó. Khí chất của nàng được biểu lộ rõ qua bài thơ vịnh hoa hải đường trắng với những câu như “Cửa khép vì hoa khép suốt ngày”, “Phấn son rửa sạch thềm thu nọ”, “Lạt thếch hoa càng thêm được vẻ”. “Băng tuyết vời về bực móc đây”. Tinh thần băng thanh ngọc khiết mà không cao ngạo này là lý do bài thơ của Bảo Thoa được xếp trên tác phẩm ủy mị, sầu bi của Đại Ngọc một bậc, khiến nàng trở thành quán quân đầu tiên của Hải đường Thi xã. Có thể nói tuy người đọc và Tào Tuyết Cần đều có lòng thương yêu, thiên vị Đại Ngọc, nhưng chính Bảo Thoa mới là nhân vật toàn mỹ, cao quý nhất trong thập nhị thoa.


*

Trong phạm vi tác phẩm, tính nhị nguyên (duality) của Bảo Thoa là một điểm đặc sắc. Tình cảm nóng bỏng của nàng không thể được khắc họa quá lộ liễu, bằng không nó sẽ phá vỡ thế cân bằng của bộ ba Bảo Ngọc-Đại Ngọc-Bảo Thoa.

Bảo Ngọc vén rèm vào, thấy Bảo Thoa đương ngồi trên giường thêu kim tuyến, đầu vén, tóc đen nhánh, mặc áo bông màu gụ, cái khoác vai màu tím nhạt viền kim ngân tuyến, quần lụa bông lót màu vàng. Tất cả đồ mặc đều đã rung rúc, giở cũ giở mới, nhìn không có vẻ xa hoa mà lại thêm nhũn nhặn, môi không tô mà đỏ, mày không kẻ vẫn xanh, mặt như mâm bạc, mắt sáng long lanh. Điềm đạm ít lời, có người cho là giả dại; tùy thời đối xử, tự mình chỉ biết phận mình.

[…]

Bảo Thoa xem xong, lại giơ mặt trước xem kỹ, mồm lẩm nhẩm đọc: “Mạc thất mạc vương, tiên thọ hằng xương”. Sau đó Bảo Thoa quay lại bảo Oanh Nhi:

– Mày không đi pha nước à? đứng ngẩn ra đấy làm gì?

Oanh Nhi cười hì hì nói:

– Tôi nghe hai câu này như là đối với hai câu khắc ở cái khóa cổ của cô.

Bảo Ngọc nghe nói, vội cười hỏi:

– Thế ra khóa của chị cũng khắc tám chữ à? Cho tôi xem nào?

Bảo Thoa nói:

– Anh đừng nghe nó, chẳng có chữ gì cả.

Bảo Ngọc nằn nì mãi:

– Chị ơi, chị coi tôi như thế nào?

Bảo Thoa không từ chối được mới nói:

– Đó chẳng qua vì có hai câu chúc tụng tốt lành, nên ngày nào tôi cũng đeo, nếu không thì nó nặng chình chịch, đeo có thú gì!

Bảo Thoa vừa nói vừa cởi dây, lấy cái chuỗi ngọc có kết hạt châu ở trong cổ áo đại hồng ra.

Bảo Ngọc vội đỡ lấy xem, quả nhiên mỗi mặt có bốn chữ, hai mặt thành hai câu tám chữ: “Bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế”.

Bảo Ngọc xem xong lẩm nhẩm hai lần, lại nhẩm câu của mình hai lần, cười nói:

– Chị ơi! Tám chữ này với tám chữ của tôi thành một câu đối.

Oanh Nhi cười nói:

– Đó là hòa thượng chốc đầu cho đấy. Người bảo phải khắc vào cái khóa vàng.

Bảo Thoa ngắt lời mắng:

– Sao mày không đi pha nước đem lại đây?

Rồi hỏi lảng Bảo Ngọc ở đâu đến.

                                                   Giả Bảo Ngọc và Tiết Bảo Thoa

Có thể Bảo Thoa không cố tình bày mưu sắp đặt cùng Oanh Nhi, nhưng rõ ràng nữ tỳ này rất hiểu lòng chủ nhân. Trước tiên Bảo Thoa đòi xem mặt ngọc của Bảo Ngọc, lẩm nhẩm đọc tám chữ khắc trên đó. Liền sau đó, nàng lại mắng Oanh Nhi sao đứng ngẩn ra đó mà không “làm gì đi”, ấy chính là một lời nhắc khéo vậy. Hành động tiếp theo của Oanh Nhi là kể về cái khóa cổ của Bảo Thoa, và Bảo Ngọc đã cắn câu một cách dễ dàng. Chủ-tớ hai người phối hợp nhịp nhàng như hai diễn viên đóng theo kịch bản đã soạn trước. Thật tự nhiên, thật tài tình. Đường đường là tiểu thư ngàn vàng, đương nhiên Bảo Thoa có chết cũng không dám mở miệng động đến vấn đề nhạy cảm như ước định hôn nhân. Có điều Bảo Thoa tuy mới gặp Bảo Ngọc chưa lâu nhưng đã hiểu rõ tính cách tò mò, si mê, mộng mơ của anh chàng. Bằng cách mượn lời Oanh Nhi và dẫn dắt Bảo Ngọc, Bảo Thoa đã thành công trong ba việc: giới thiệu cho Bảo Ngọc mối duyên khóa vàng-viên ngọc, gieo rắc những cảm xúc mơ hồ, say sưa trong lòng chàng ta, mà vẫn giữ dáng vẻ thanh cao quý phái, có thể nói là một mũi tên trúng ba đích.

*


(Kỳ sau, phần 2: Vài ví dụ về tính “trong nóng ngoài lạnh”)

*

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét