Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Bạn tôi.


Nữ sinh K14- Khoa Vô tuyến ĐH Bách Khoa HN
(1969-1975). Bạn Ông chủ blog k14vt.
Tôi có bạn, đại tá quân đội đã về hưu. Xưa ông học cùng trường huyện (1966). Nhà nghèo, mồ côi bố mẹ. Ông có một em gái, anh em ông được Cụ đặt cho cái tên với ước mong giản dị của tổ tiên xưa. Tên là Văn Hớn (em gái tên tục là Hở, vì xưa không có lệ đặt từ ghép nên em đã đổi tên là Luyến), anh em ông  đầy cơ khổ.

… Ông kể, đi cày về thấy có giấy báo vào đại học Bách khoa (khoa Vô tuyến điện tử hồi đó oách lắm), chỉ biết đó là ở Hà Nội và đi tầu hỏa lên đó...

Ơn trời, trong cõi tạm, rồi đến đầu năm 1975, có bằng kỹ sư BK, ông vào quân đội, làm to và oách lắm, giầy “côsơgin” thuở nào nện rầm rầm vỉa hè Hà Nội, “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Cũng nhờ đó mà lấy được vợ, các cháu đã trưởng thành, ông lại lên chức Ông Nội (bỏ qua chức ông tướng). Về hưu, lập bờlốc bờleo, cái “ních” rất ta đây: phothuongdan; lập đến 3 blogspot, nhà văn (Quechoa) còn tặng sách. Ông cùng bạn bè tụ tập, để nhớ xưa, nhớ cái thiên đường của cuộc sống sáng trong không vụ lợi, của một thời bom đạn dữ dội- chỉ biết trong ước mơ bằng những câu hát cực kỳ buồn bã.

Bây giờ ông (lão) hưu, lúc nào cũng thấy cầm điếu thuốc, tạng gầy còm dặt dẹo, nhưng thấy còn tí tởn lắm.

Vào blog, thấy lão hát:

Giá tôi đừng ước đừng ao,
Thì đâu đến nỗi lạc vào bến mê!
Hôm nay lại thấy lão nhớ Trung Thu, mà lại chỉ nhớ chị Hằng cô đơn. Không biết là thèm nhạt hay buồn thế sự. Tôi khuyên lão, nếu có “tiếc đời”, chỉ cần ông ra ngoài nhà, phố Hà Nội ối “mặt hằng” cho niềm tâm sự “khát khao” nghe các “chân dài về hưu” vừa nặn mụn cá vừa tỉ tê “… đã kỳ lương hưu mà sao không thấy anh…”.

Lão chui vào blog làm chi cho cơ khổ.

Ôi nỗi chung, những người bạn cùng thời!

*****
Một bài thơ hai đoạn đầy tâm sự của lão. Các Bạn đọc để cùng vui buồn, mát mặt ngắm Trăng Thu.

Tơ lòng I

“Trung thu trăng sáng như gương” (1)
Em ngồi em ngắm nhớ thương Chị Hằng
Một mình treo tận cung trăng
Khiến đời hoang vắng quá bằng đơn côi...
    ***
Tơ lòng II
Trung Thu tìm bóng Chị Hằng
Lại thương Chú Cuội nhọc nhằn quá xa
Cả đời chăm sóc cây đa
Để cho Trăng sáng, nhởn nha tung hoành ! 

(1) Câu thơ trên bài báo “Tết Trung Thu với nền độc lập”, Bác Hồ  viết trên báo Cứu quốc số 45, ngày 17, tháng Chín, năm 1945 gửi các cháu thiếu nhi.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Tôi sẽ đi với Mèo



Tôi không bôi bác người già, không chống lại sự già. Tôi viết chỉ muốn chiêm nghiệm thêm cái nhìn của mình, cho thấu đáo mọi nhẽ xem lúc già mình sẽ như thế nào. Lường trước mọi điều may ra tránh được những bỡ ngỡ, những “bất cập” khi mình già thật.

Người già chả cười chả khóc gì mà mắt cũng tự nhiên nhoèn ướt, nói chuyện lúc hăng lên văng cả nước bọt, câu trước quên sau, húp bát canh thì… rớt xuống cằm…
Có nhiều khi ta mơ màng “thơ ngây” kể lại chuyện ngày xưa cho bọn trẻ nghe về “ơn xưa” hay "nỗi niềm đau chôn dấu”, “ôm một khối tình" qua những chứng tích anh dũng của mình…
Chắc rằng ta sẽ nhận được sự ngạc nhiên của “chúng nó” về câu chuyện lãng mạn vào thời xưa của các tiền nhân. Tình yêu gì lạ quá vậy? chỉ mắt liếc, rụt rè trao thư, hoạ hoàn nắm được tay nhau chốc lác thôi... mà bồi hồi suốt kiếp ... Oh! my god? truly?
Viết đề dẫn câu chuyện “Tôi sẽ đi với Mèo”, truyện dịch của Bác Vu Nho.
Có một lần ba ông: VuNho (VN), Bulukhin (Bu), VanPham (Van) chát chít.. Nội dung như vầy.
@ VN: Tôi có dịch truyện ngắn Ytalia : Tôi sẽ đi với Mèo!/ Câu chuyện về ông già không được con trai, con dâu, cháu trai, cháu gái quan tâm nên đã quyết định đi vào thế giới loài MÈO. Tôi nghĩ đúng là tuổi nào cũng có "vấn đề", bất kì là già hay trẻ!
@ Văn: Bác ơi hãy quên mình đi, chát chít, viết blog cho đỡ phiền/ Thôi hãy đừng hoài cổ nữa, chúc Bác vui!/ Что это не важно, важно то, что у него есть ...                               (viết câu này vì Cụ Nho là TS Văn học, tiếng Nga, cụ đang ở BGD)
@ VN: He he he lời khuyên của bạn già quý giá. Chẳng quên thì cũng phải quên. Chủ động quên trước cho nên... nhẹ người./ Ta viết Blog ta chơi
@ Từ miền mèo có đầy nắng ấm, Bu viết: Cô đơn là thuộc tính của con người, với người già thì sự cô đơn càng tệ hại hơn. Anh ta ngày càng vo tròn mình lại, ngại đi xa, ngại tiếp xúc, thường trực mặc cảm không còn ai nghĩ đến mình nữa. Nhà thơ Lưu vũ Tích cách nay gần 1200 năm cũng có cái tâm trạng ấy. Uống rượu ngắm hoa mà cứ nghĩ là hoa nở ra không phải cho cái thân già mình thưởng thức. Thiên hạ quên ta rồi đến hoa lá cỏ cây cũng quên ta nốt....huhuhu!
***
Nhớ xưa “bát phố, o mèo …”, giờ đây ba lão “lèo nhèo” luận chương.

Sau khi luận bàn "Anh hùng thiên hạ cóc thằng nào bằng ta", thấy "Tam hầu", lão bịt tai, lão bịt mồm, lão thì nằm bẹp bịt mắt. Thật thảm hại, thương thay...

Tôi sẽ đi với Mèo
 Đ. Rôđari (Ytalia) – Vũ Nho dịch từ tiếng Nga

Xinhor Antonio bây giờ đã về hưu, vốn là một trưởng ga đường sắt, có một gia đình lớn–  con trai, con dâu, cháu nội đích tôn tên là Nino và cháu gái Daniela. Nhưng chẳng ai thèm đoái hoài đến ông, dù chỉ là chút xíu.

- Bố nhớ là…, Ông bắt đầu hồi tưởng – Khi đó bố là Phó trưởng ga ở Potdiponxi…

- Bố này– con trai ông cắt ngang– hãy để con yên thân đọc báo. Con rất quan tâm tin khủng hoảng chính phủ ở Veneduela.

Ông Antonio quay sang chỗ con dâu và bắt đầu lại từ đầu:
- Bố nhớ, khi bố là trợ lí cho Trưởng ga ở Galarate…

- Bố à- cô con dâu ngắt lời ông– Sao bố không đi dạo một chút hả? Bố không thấy là con đang bận đánh bóng sàn nhà hay sao.

    Ông không có được một chút thành công nào với thằng cháu Nino. Nó đang mê đọc truyện tranh cấm trẻ em dưới mười tám tuổi ( cu cậu mới mười sáu). Ông rất hi vọng vào đứa cháu gái. Chính ông đôi khi cho phép nó đội mũ trưởng ga để chơi trò tai nạn đường sắt, vụ tai nạn làm chết 47 người và 120 người bị thương. Nhưng Daniela cũng rất bận.

- Ông ơi! – cô bé nói với ông – Đừng quấy rầy cháu xem chương trình truyền  hình thiếu nhi rất chi là hay.

    Daniela bảy tuổi, nhưng cô bé rất chăm học. Ông Antonio thở dài:

- Hừm, rõ rồi, trong nhà này không có việc gì cho ông già về hưu, cựu nhân viên đường sắt! Thật là bực mình, lúc nào đó tôi sẽ đi. Tôi thề, tôi sẽ đi với Mèo.

    Thật vậy. Một buổi sáng ông đi khỏi nhà, sau khi nói rằng sẽ đi chơi bài loto, nhưng thực tế là nhằm hướng quảng trường Achentina, nơi giữa đống tro tàn của thành Rom cổ đại tụ tập hàng nghìn con Mèo. Ông tụt xuống theo cầu thang, bước qua thanh chắn bằng sắt ngăn cách vương quốc Mèo với vương quốc ô tô và trở thành Mèo. Và ông lập tức bắt đầu “liếm chân” mình để không mang theo vào cuộc đời mới bụi bặm từ đôi giày của thế giới loài người. Có một con Mèo quen quen đi qua và chăm chú nhìn ông. Nhìn nhìn rồi nói:

- Xin lỗi, có phải ông trước đây là ông Antonio?

- Tôi không muốn hồi tưởng đến ông ta!

- Nghĩa là, hình như tôi thấy quen. Ông biết không, tôi vốn là giáo viên về hưu sống ở nhà đối diện. Ông nhất định là thấy tôi, hoặc giả có thể thấy em tôi.

- Vâng, tôi thấy bà. Bà luôn luôn cãi nhau vì chuyện chim bạch yến.

- Đúng! Nhưng tôi đã chán cái trò cãi nhau và tôi quyết định đi với Mèo.

    Ông Antonio rất ngạc nhiên. Ông nghĩ rằng chỉ có mình ông có ý nghĩ tốt đẹp thế này. Bỗng nhiên, hóa ra là giữa tất cả những con Mèo sống ở quảng trường này chỉ có một nửa là Mèo thật, nghĩa là những con Mèo mà bố mẹ thực sự là những ông Mèo đực và những bà Mèo cái. Số còn lại là tất cả những người chán cảnh làm người và biến thành Mèo. Ở đây có kẻ đổ rác chạy khỏi nơi nương thân của những người già cả, những  quý bà  cô đơn không hòa thuận với người phục vụ. Ở đây có cả một vị Thẩm phán – một người khá trẻ, có vợ, có con, có ô tô và căn hộ bốn phòng, hai buồng tắm và chẳng ai hiểu vì sao anh ta lại đi làm Mèo. Tuy nhiên, anh ta không “quan dạng” khi “những bà mẹ Mèo” mang đến những mẩu vụn đầu cá, giò, pho mát, mì sợi, lòng gà. Anh ta nhận phần mình và tót lên bậc thang cao nhất của cái nhà thờ cổ.

    Mèo- mèo không ghen với Mèo- người. Chúng đối xử với họ hoàn toàn bình đẳng, không cao ngạo. Tuy nhiên, chúng thường hay nói với nhau:

- Chúng mình không có ý định làm người – Dù người ta có đem giăm bông mà nhử!

- Chúng tôi ở đây có một hội rất lừng danh – Mèo- bà giáo nói với ông Antonio- Chiều nay có bài giảng về thiên văn. Ông đi chứ?

- Tất nhiên- Thiên văn chính là niềm say mê của tôi. Tôi nhớ, khi tôi là trưởng ga ở Kaxchi den Lago, thì tôi đã dựng ở ban công một ống kính phóng đại hai trăm lần và đêm đêm tôi xem vòng sao Thổ, các vệ tinh của sao Mộc, chúng được sắp thành hàng hệt như chuỗi hạt, tinh vân của Andromed, giống như dấu phảy.

    Nhiều Mèo tụ tập lại nghe chuyện của ông ta. Trong nhóm của chúng, chưa bao giờ có một cựu trưởng ga. Bọn chúng ham muốn hiểu nhiều về đường sắt. Chúng hỏi, chẳng hạn, vì sao trong nhà vệ sinh của toa hạng hai không bao giờ có xà phòng.v.v. Khi trời đã tối, trên trời, sao hiện rõ, Mèo- bà giáo bắt đầu bài giảng của mình:

-  Đây– bà ta nói- Hãy nhìn đây. Đây là chòm sao Gấu lớn. Còn kia là chòm sao Gấu bé. Hãy quay lại như tôi, hãy xem bên phải tháp Achentina. Đó là sao Rắn.

- Hừ, hệt như vườn bách thú – Mèo- đổ rác nhận xét.

- Ngoài ra, chỗ kia là sao Ma- kết, sao Dê trắng,  hay sao Cừu đực, sao Bò cạp.

- Lại thế nữa! – Ai đó  sửng sốt.

- Còn kia là chòm sao Cẩu.

- Quỷ bắt nó đi! Những con Mèo xúc động. Bực hơn tất cả là chú Mèo Hung- Kẻ cướp. Nó được gọi thế mặc dù nó hoàn toàn màu trắng, nhưng khác biệt bởi thói quen nhà binh. Anh ta bỗng hỏi:

- Thế có chòm sao Mèo chứ?

- Không – bà giáo đáp.

- Không có sao, dù chỉ là một ngôi nhỏ được gọi là sao Mèo à?

- Không.

- Thế đấy – Mèo Hung –Kẻ cướp  giận dữ - Người ta cho sao cho Chó, cho Lợn, còn bọn mình không ư? Lịch sử mới hay làm sao!

    Vang ầm tiếng meo meo giận dữ. Mèo- bà giáo cao giọng bào chữa cho các nhà thiên văn– Họ biết phải làm gì– mỗi người có nghề nghiệp của mình. Và nếu như họ đã quyết định không cần thiết gọi một tiểu hành tinh là Mèo, nghĩa là họ có cơ sở của mình.

- Cơ sở của họ không đáng giá bằng cái đuôi chuột!

- Cơ sở không đáng giá bằng cái đuôi chuột! Mèo Hung- kẻ cướp xẵng giọng- Chúng ta hãy xem, Thẩm phán nói về chuyện ấy thế nào.

    Mèo- Thẩm phán giải thích rằng anh ta từ nhiệm chính là để không bao giờ kết tội ai về điều gì. Nhưng trong trường hợp này, anh ta kết luận:

- Ý kiến tôi là thế này – Các nhà thiên văn là đồ đểu cáng!

    Vang lên những tiếng vỗ tay điếc tai. Mèo-bà giáo tỏ ý tiếc rằng đã bênh vực họ và hứa là sẽ xem lại quan điểm nhân sinh của mình. Hội nghị quyết định tổ chức cuộc tuần hành chống đối. Những thông điệp riêng được gửi cấp tốc cho tất cả dân cư Mèo của thành Rom đến Pho ri, vào các quán địa phương và vào bệnh viện Xanh-Kaminlo, nơi dưới cửa sổ có một chú Mèo ngồi đợi những người bệnh có vứt cho chúng bữa ăn tối không, nếu họ cảm thấy rất kinh tởm.

    Thông điệp cũng bay đến chỗ những con Mèo ở Tractever và những con Mèo lang thang ngoại ô thành Rom, đồng thời cho những con  Mèo đẳng cấp Trung lưu, nếu như chúng mong muốn thống nhất lại (sau khi tạm thời quên đi thực đơn, gối đệm lông tơ và nơ trên cổ). Cuộc gặp gỡ được ấn định vào lúc nửa đêm ở Koliday.

- Tuyệt diệu! – Mèo – Antonio nói- Tôi đã ở đó với tư cách người du lịch và người thăm thuần túy, nhưng là Mèo thì tôi chưa bao giờ. Cái đó sẽ là sự trải nghiệm  xúc động mới đối với tôi.

    Sớm hôm sau, Koliday có người Mĩ đến xem (đi bộ và đi ô tô). Người Đức đi ô tô buýt và xe Phaeton cổ; người Thụy Điển có túi da đeo chéo qua vai; dân chúng vùng Abruzi mang cá nướng, dân Milan mang máy quay phim Nhật. Nhưng không ai có thể ngó thấy cái gì vì thành phố đã bị bao bọc bởi Mèo. Tất cả các lối vào, lối ra, diễn đàn, cầu thang, dãy cột và vòm cuốn. Không thể ngó thấy một viên đá cổ. Khắp nơi chỉ toàn Mèo, rặt Mèo. Hàng ngàn Mèo. Theo hiệu lệnh của Mèo Hung- xuất hiện tấm băng rôn (tác phẩm của Mèo- bà giáo và ông Antonio) trên đó viết: “Koliday đã bị chiếm! Chúng tôi muốn có ngôi sao Mèo!”.

    Những người du lịch, tham quan, khách qua đường đã bị dừng lại và quên mất rằng họ cần đi xem tiếp, vỗ tay khoái trá. Nhà thơ Aphonxo Mèo đọc diễn văn. Không phải tất cả hiểu anh ta muốn nói điều gì, nhưng chỉ dáng vẻ anh ta thuyết phục tất cả tin rằng nếu như nhà thơ có thể là Mèo, thì từ lâu phải có ngôi sao Mèo. Một ngày hội lớn bắt đầu. Từ Koliday, các thông điệp Mèo được gửi đi Pari, Lonđon, Niu-ooc. Việc tuyên truyền được tiến hành trên toàn thế giới. Mèo đực và Mèo cái toàn hành tinh hướng về các nhà thiên văn với lời kêu gọi của mình bằng tất cả các thứ tiếng. Và vào một ngày tuyệt diệu, đúng hơn là vào một đêm, chòm sao Mèo đã rực rỡ chiếu ánh sáng riêng.

    Trong khi chờ đợi các tin tức mới, những Mèo đực, Mèo cái thành Rom tản mát về “các ngôi nhà” của mình. Ông Antonio và Mèo- bà giáo vội vã về quảng trường Achentina, vừa đi, vừa lập ra những kế hoạch mới.

- Thật là tuyệt – ông ta nghĩ và nói – Nếu như xung quanh vòm nhà thờ thánh Pi-ôt có những chú Mèo đứng dựng thẳng đuôi lên!

- Nhưng ông bảo sao – bà giáo hỏi – nếu tôi đề nghị chiếm sân vận động Olimpic đúng vào hôm ở đó hai đội bóng Roma và Lazio sẽ chơi?

Ông Antonio đang định nói “ Chấn động!” cùng với cử chỉ khâm phục, nhưng ông không kịp nói nửa lời, vì bỗng ông nghe thấy tiếng gọi:

- Ông ơi! Ông ơi!

- Ai nhỉ? Daniela! Cô bé tan học và nhìn thấy ông.

Ông Antonio đã có được một chút kinh nghiệm của loài Mèo, và làm ra vẻ không nghe thấy. Nhưng Daniela khẩn khoản:

- Ông làm sao thế ông! Ông đi với Mèo làm gì? Cháu đã đi tìm ông mấy ngày khắp mọi nơi- ở đất liền và ở ngoài biển – Bây giờ thì về nhà thôi ông ạ!

- Con bé tốt làm sao! Mèo- bà giáo nói – Nó học lớp mấy? Hẳn là nó có kết quả học tập giỏi chứ? Nó rửa tay sạch chứ? Ồ, hẳn là nó không trong số những đứa trẻ viết lên cửa nhà vệ sinh “Đả đảo cô giáo!” chứ?

- Không. Nó là con bé rất thông minh – Ông Antonio đáp đã hơi bớt xúc động- Tôi  đi tiễn nó. Tôi xem xét để nó không đi qua đường khi đèn đỏ.

- Tôi hiểu cả - Mèo- bà giáo nói – Nào, thì tôi cũng đi xem em tôi sống ra sao. Có lẽ nó bắt đầu viêm khớp biến chứng và cô ấy không thể tự đi giầy.

- Nào, ông ơi, đi thôi!  Daniela ra lệnh. Mọi người nghe thấy điều đó chẳng hề ngạc nhiên. Họ nghĩ rằng tên con Mèo là thế. Có gì đặc biệt đâu, vì có những con Mèo được đặt  đủ loại tên.

    Khi đến nhà, Mèo Antonio lập tức ngồi lên chiếc ghế bành yêu thích và vẩy tai làm hiệu chào.

- Cả nhà thấy không? – Daniela hỏi – cô bé rất hài lòng- Đây chính là Ông!

- Đúng rồi! – Nino khẳng định – Ông cũng biết vẫy tai.

- Được rồi, được rồi – Bố mẹ nói hơi ngượng – Nào, bây giờ thì ngồi vào bàn!

    Nhưng họ chuyển cho Mèo- ông những mẩu thức ăn ngon nhất. Họ thết ông thịt, sữa đặc, bánh quy, vuốt ve và hôn ông. Họ nghe xem ông gừ gừ, yêu cầu ông đưa chân cho. Họ  vuốt ve tai ông, đặt lên gối  nhồi lông tơ, làm  cho ông nhà vệ sinh có mùn cưa.

    Sau bữa trưa, ông đi ra ban công. Nhìn sang nhà đối diện, ông thấy trên ban công, Mèo- bà giáo đang liếc nhìn chim bạch yến.

- Thế nào? – ông hỏi bà.

- Tuyệt – Bà đáp- Em gái đối xử với tôi còn tốt hơn là với Cha tòa thánh La Mã.

- Nhưng mà bà đã thừa nhận bà là ai à?

- Tôi là gì – Có phải con ngốc đâu? Cô ấy biết thì lại tống tôi vào nhà điên. Cô ấy cho tôi tấm chăn của bà mẹ đáng thương của chúng tôi. Trước đây, đến nhìn nó cô ấy cũng chẳng cho.

- Còn tôi thì không biết làm thế nào – ông nói- Daniela muốn tôi lại thành Ông. Tất cả bọn họ đều yêu tôi.

- Này, đồ ngốc! Khám phá ra châu Mĩ rồi lại bỏ! Hãy xem! Ông sẽ hối tiếc!

- Thật tình tôi không hiểu – ông lặp lại- thế nào cho phải. Tôi sẵn sàng đầu hàng, tôi thèm hút thuốc quá!...

- Tuy nhiên, ông nghĩ làm thế nào lại biến từ Mèo thành Ông nội?

- Ồ, cái đó đơn giản hơn cả điều đơn giản – ông Antonio nói.

    Và thật thế. Ông ta ra  quảng trường, bước qua thanh chắn bằng sắt theo hướng ngược lại, và thay cho Mèo là một ông già đứng tuổi đang hút thuốc lá. Ông quay về nhà hơi hồi hộp. Daniela sau khi thấy ông, nhảy lên vì vui sướng. Trên ban công ngôi nhà đối diện, Mèo- bà giáo lim dim một mắt tỏ ý chúc tốt lành, nhưng tự nhủ thầm “Thật là lão ngốc!”.

    Cạnh bà ta trên ban công là em gái bà ta. Cô ấy dịu dàng nhìn con Mèo và nghĩ “Không nên quá gắn bó với nó. Bởi vì nếu mà nó chết, ta sẽ rất đau khổ, và ta sẽ bị loạn nhịp tim”.

    Còn sau đó đến lúc tất cả Mèo sống ở Pho ri, tỉnh dậy và đi bắt chuột. Còn Mèo ở quảng trường Achentina tụ tập lại chờ đợi những người đàn bà tốt bụng mang đến cho chúng những túi to đựng đồ ăn ngọt. Mèo đực và Mèo cái sống ở bệnh viện Xanh-Kamilo, tản ra các luống hoa và đường trồng cây và dưới mỗi cửa sổ, hy vọng rằng bữa tối sẽ không ngon và bệnh nhân sẽ bí mật ném qua cửa sổ. Và những chú Mèo lang thang, trước đây là người, hồi tưởng lại. Một thời trước, họ điều khiển ô tô ray, làm việc bên máy tiện, đánh máy chữ như thế nào. Họ vốn là những chàng trai trẻ đẹp và say mê những cô gái tuyệt vời.

 Vũ Nho dịch theo bản tiếng Nga (chuyển ngữ từ tiếng Ytalia) của I.Konxtantinovna. Báo Tuần lễ, số 32, 1982.

Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ.


Ông bạn Phạm Hoài Nhân ra Bắc, ổng là... chuyên gia tin học. Có một ngày chớm thu, dự buổi ra mắt tiểu thuyết Sông của người miền Tây Nguyễn Ngọc Tư. Bạn Hai Ẩu là một VIP, (nghĩa là Very Important Patient- Bạn mới mổ tim). Ra Bắc, được Chuồn chuồn và mẹ Bụ dẫn đi Hà Nam, Phủ Lý, thăm nhà Bá Kiến (vì đất nhà anh Chí đã vào dự án) và loanh quanh Phủ Tây Hồ. Rất tiếc anh em không gặp được nhau. Bài viết này kể lại một lần trong những ngày đó.

Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ.


Khăn quàng cũ cuối mùa thu,
Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ

là lời ca bài Phố nghèo của nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát gợi lên một không gian đậm chất Hà Nội. Hà Nội nghèo chứ không phải Hà Nội sang, Hà Nội lãng mạn của Phú Quang, Trịnh Công Sơn...

Phủ Tây Hồ là gì? Ở đâu? Thật ra thì không cần biết điều này vẫn cảm được bài hát qua giọng ca da diết của Trần Thu Hà. Thế nhưng biết vẫn thích hơn. Vì thế, ra Hà Nội lần này lúc chớm thu, tôi đưa tôi ra phủ Tây Hồ....

 Hồ Tây, nhìn từ phủ Tây Hồ

Tôi đọc rất kỹ Sơn Nam, ông già Nam bộ giải thích rất chi tiết về các nơi thờ cúng như đền, chùa, miếu, đình...  Có cả dinh (như dinh Cô ở Long Hải, Vũng Tàu), nhưng tuyệt nhiên không thấy ông nhắc đến phủ. Nói đến phủ, tôi nghĩ đến dinh thự, như phủ tổng thống, phủ thủ tướng... Và như vậy phủ Tây Hồ phải chăng là một dinh thự của vị quan nào đấy trên bờ hồ Tây?

Không, không phải vậy! Chùa là nơi thờ Phật, đền là nơi thờ các bậc danh nhân, miếu là nơi thờ các vị thần thánh, cònPhủ là nơi thờ Mẫu, mà tiêu biểu là Mẫu Liễu Hạnh. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh giải thích chữ phủ ở đây nghĩa là cõi. Miền Nam không có phủ thờ mẫu nên Sơn Nam không có giải thích điều này.
Phủ Tây Hồ là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, và tuy cùng nằm ven bờ hồ Tây nhưng phủ nằm tận bên kia hồ, chứ không phải chỗ chùa Trấn Quốc nơi du khách thường lui tới.

 Phủ Tây Hồ

Truyền thuyết kể rằng thuở xưa quan trạng Phùng Khắc Khoan cùng hai bằng hữu dạo chơi trên Hồ Tây đã tao ngộ chúa Liễu. Đôi bên xướng họa cùng nhau. Phùng Khắc Khoan cho lập phủ Tây Hồ tại nơi gặp gỡ để thờ bà chúa Liễu và nhớ nơi hội ngộ.

Thành tâm khấn nguyện
  
Phủ Tây Hồ trở nên một chốn linh thiêng, người dân thường đến đây cầu tài cầu lộc, nam nữ đến đây cầu duyên cầu tình.

Níu giữ cây si cổ thụ, buông rể xuống ven hồ
Ngày nọ, ở phủ Tây Hồ, có một gã trung niên từ Nam ra, ngắm hồ Tây mênh mang sương mờ, tưởng nhớ cuộc tao ngộ lung linh năm nào giữa người và tiên, ngắm khách thập phương thành tâm khấn nguyện.
 Suy tư- Phạm Hoài Nhân



Thoảng đâu đây qua làn sương mỏng lời ca:
Khăn quàng cũ cuối mùa thu,
Mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ 


Nhờ mẹ Bụ ngắm trời, thoáng heo may xứ bắc.

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Sự tích những ngày đẹp trời

Rồng cất mình bay lên từ núi Ba Vì, phía sau là sông Đà


Bất chợt tôi nhớ đến nhà văn Hòa Vang và câu chuyện “Sự tích những ngày đẹp trời” rất nổi tiếng của anh. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một gã cuồng ngông đứng lên dùng dăm ba con chữ, cảm xúc và những trải nghiệm thế tục để bào chữa, minh oan cho Thủy Tinh.

Trong truyện ngắn kỳ lạ này, Thủy thần không phải là giặc giã. Đó là một nhân thần không chút  duyên may và vẫn đang sở hữu một tình yêu đầy trắc ẩn với Mỵ Nương. Câu chuyện giải thích cho rõ hơn cái tình ngay lý gian của những thảm họa lũ lụt vốn là quy luật hiển nhiên của muôn đời. Câu chuyện có luận giải sâu sắc về sự thiên vị của vua Hùng nhưng cũng ngầm nhắc những người có quyền lực đừng bao giờ hành động theo cảm tính. Truyện cũng chỉ dẫn hậu sinh và dạy các nhà đầu tư đừng bất cẩn như Thủy Tinh để trở thành người đầu tiên trong lịch sử  làm….  hàng giả để muôn đời bị nhân gian nguyền rủa (thủy cung lấy đâu ra voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao). Dẫu có thất bại, đau khổ hãy học Thủy Tinh ở cách luôn nhận thấy và tôn vinh Sơn Tinh “quả thật, thâm trầm, điềm đạm như núi và khôn ngoan vững vàng như đất”.

SỰ TÍCH NHỮNG NGÀY ĐẸP TRỜI

Hòa Vang

Như mọi người đều biết: trong hội thi kén rể của Hùng Vương, phần thắng về Sơn Tinh, Thủy Tinh là người bại. Rồi theo cái lẽ thắng thua, định phận, định phần ấy mà Mỵ Nương theo Sơn Tinh về núi Tản, nên vợ nên chồng. Còn nước các triền sông lớn thì cứ hằng năm, đến kỳ, lại sôi sục, cuồn cuộn dâng lên như ghen cuồng, uất hận khôn nguôi... 

Lại cứ theo thế mà suy, sai cũng coi là cố nhiên, không còn gì phải đôi hồi, bàn cãi, và không thế, thậm chí không được nghi ngờ; vợ chồng Sơn Tinh sống rất hạnh phúc, tốt đẹp, mẫu mực tuyệt vời...

Mà sự thực quả đúng là như thế. 

Nhưng, có điều, còn có một cái lẽ cố nhiên khác nữa, riêng nhỏ âm thầm, cái lẽ cố nhiên trong lòng những người con gái lấy chồng xa: nỗi nhớ nhà.

Mỵ Nương nhớ nhà, nhớ cha mẹ lắm. Mà Sơn Tinh thì bận lắm. Vợ lại hết mực trọng chồng, không muốn một bợn nhỏ làm bận lòng chồng. Chồng thì xiết bao tin vợ và tự tin mình. Niềm tự tin lúc nào cũng dày dặn, bền chắc. Cho nên nỗi nhớ của Mỵ Nương cũng phải chịu phận sống len lỏi âm thầm, có lúc còn phải tàng hình, tan biến vào những ánh mắt chào đón rạng rỡ, vào những nụ cười hơn hớn tươi vui. Mà càng như thế, thì nỗi nhớ ấy, cái lẽ cố nhiên ấy, lại càng day dứt, ngún cháy nồng đượm, cồn cào.

Mỗi năm, Sơn Tinh đưa vợ về thăm lại quê nhà một lần. Là người trí lực kiên cường, quảng kiến và ngăn nắp, đã bao nhiêu năm Sơn Tinh chưa một lần thực hiện sai chệch những ấn định của mình. Những ngày về thăm Phong Châu ấy bao giờ cũng thật huy hoàng, chu đáo, tuyệt hảo. 

Mỵ Nương biết ơn chồng lắm. Nàng cố nương theo, khuôn mình, không để cợn cạo trong cái dòng chung huy hoàng, chu đáo, tuyệt hảo ấy... Để chờ cái phút được chạy gấp tới, ùa vào lòng cha mẹ, mặc những giọt nước mắt mừng tủi ứa ra... Chưa nói đến những ngày vui ấy trôi qua thật nhanh, thật bé xíu, ngắn ngủi. Bao giờ, bao giờ cho đến ngày này sang năm nữa?

Tự nhiên một hôm Mỵ Nương đánh bạo xin phép Sơn Tinh cho nàng về thăm quê một mình. Và Sơn Tinh, như thường khi, lập tức bằng lòng. 

Đường về Phong Châu, Mỵ Nương đi như gió chạy, nhẹ bỗng, tung tăng. Miệng chỉ chực cười, chực reo, chực hát.

Về được một ngày, trọn vẹn riêng tư với cha mẹ, anh em, sớm hôm sau, buổi sớm đầu tiên thức dậy tại quê cha, chợt Mỵ Nương xốn xang muốn dạo ngược lên núi, tới tận con suối nhỏ đầu nguồn, nơi nàng nhớ mình đã tắm lần đầu, từ khi biết nhớ, biết nghĩ, từ khi mình còn là một cô bé. Từ xa, đang còn nhón gót lướt trên những giọt sương mai long lanh đầu những ngọn linh thảo xanh mởn, Mỵ Nương đã nghe tiếng róc rách. Tiếng róc rách như cả tuổi thơ thóc mách, giòn giã mà thổn thức, đang đợi nàng đã bao nhiêu năm... 

Khoang suối trong vắt như vành gương trước mặt. Hơi nước lượn vờn như sương khói khơi vơi huyền ảo. Cái mát tinh khôi thấm vào da thịt. Tự nhiên Mỵ Nương nghẹn ngào. Diềm mi ấm dội lên, nước mắt ứa ra. Mà môi nàng là nét cười, nét cười thơ dại, ngây ngây.

Ngoắt đầu, phẩy tay điệu đàng và thoáng chút nghịch ngợm, ra hiệu cho những thị nữ theo hầu cuối cùng rời gót. Bước xuống viền suối, để nước vờn liếm quanh bàn chân đỏ dậy của mình. Mắt nhìn xuống, như hút lên, như thấm cái mầu đỏ hồng ấy lan tỏa cả lên gương mặt. Thong thả ngoái lại sau... không còn ai cả. ... 

Mỵ Nương cởi xiêm y. 

Ngấn nước vừa chớm chạm ngực thì, như không nén nổi nữa, Mỵ Nương bất giác đưa hai tay vuốt xõa đổ suối tóc mây bồng bay lên, giang hai tay, mắt nhắm nghiền lại, nàng nhảy ào, trằn mình uốn lượn giữa dòng suối và buột lên tiếng hát trong vắt.

Chợt tiếng hát ngừng bặt, Mỵ Nương thốt rùng mình. Nàng hoàn toàn cảm thấy, không thể nhầm lẫn, dòng suối đang ôm xiết vuốt ve lấy thân thể nàng là một đôi tay cường tráng mà đắm đuối, dịu dàng của một da thịt, một con người... Mỵ Nương thoáng nghe thấy, lọc qua tiếng nước rì rào, róc rách, có tiếng đập gấp gáp rộn ràng, như dưới đáy suối có một trái tim bồi hồi. Tự nhiên, Mỵ Nương giang rộng đôi tay ôm nước, như đón nhận... rồi đột ngột quẫy mình, quay ngoắt vào bờ, với lấy váy áo. 

Mỵ Nương đã ở trên bờ đá. Những giọt nước tí xíu vẫn đang trôi bịn rịn trên da thịt nàng, trước khi tuột hẳn, nhập lại vào dòng suối. Những giọt nước ấy ánh sắc hồng ngọc, dần tụ lại và đột khởi, trong không gian tĩnh lặng, như dội cả dòng suối lên. Nước suối cuộn sóng, dựng đứng lên, thành một chàng trai tuyệt vời đẹp và buồn. 

"Trời, Thủy Tinh... Sau biết bao nhiêu năm rồi..." Mỵ Nương khẽ cúi đầu, bắt gặp bờ vai trần của mình vẫn ngời ngợi sáng lên và nàng thấy không còn một chút sợ hãi bỡ ngỡ nào nữa trong lòng. Nàng chợt thấy mình e ấp mà chủ động, mà ở ngoài mọi cương tỏa, như phút nàng đứng sau rèm ngày vua cha kén rể. Nàng thấy mình trinh nguyên. Mắt tai thông thính sáng láng lạ thường... 

- Mỵ Nương em có nhận ra tôi không? 

- Dạ... 

- Vậy thì tôi là ai? Em hãy gọi tên tôi. Hãy gọi tên tôi một lần. 

- Chàng đã không tin em rồi... 

Mỵ Nương khẽ ngước mắt lên. Mắt nàng không định mà hơi chau lại. Mỵ Nương không tự ái, nàng chỉ nghĩ rằng mình có quyền nghịch ngợm một chút. Nhanh nhẹn, dứt khoát, Mỵ Nương mặc váy áo, đứng dậy chắp tay, thi lễ: 

- Em về. 
Mỵ Nương bước đi và lắng nghe sau lưng mình, tịnh không có một tiếng động. Chỉ một làn sương bụi nước ấm thơm ngát bỗng lan tỏa, hồng hồng bao lấy Mỵ Nương mà không lấp, không che lối về của nàng. 

Nhưng chỉ bền gan được chừng mươi bước chân, Mỵ Nương quay phắt lại. Làn sương ấm đã cuồn cuộn thành một bồng mây óng ánh ngũ sắc chợt tan biến. Gương suối lặng tờ. Thủy Tinh đã biến mất.

Mỵ Nương chạy ào xuống suối, thảng thốt: 

- Ôi, Thủy Tinh...

Suối cuộn sóng, một bồng nước dâng, đưa Mỵ Nương giạt lên bờ, ở chỗ lúc nãy nàng ngồi. Những đọt nắng sớm xuất hiện, tãi ấm trên xiêm y, thân thể nàng. Những giọt nước óng ánh trên tóc Mỵ Nương, như châu ngọc li ti. 

- Thế là được rồi. Tôi đã được nghe tiếng em gọi tôi thật lòng... Sau bao năm... 
Tiếng Thủy Tinh vang lên, trầm ấm. Và Mỵ Nương thấy chàng lại sừng sững đứng đó, giữa tim suối. Thật đẹp và thật buồn. 
oo0oo

- Hãy nghe tôi... Hãy ngồi yên đó và nghe tôi thôi. Không thì không sao tôi bình tĩnh nổi... Tôi hoàn toàn hiểu rằng chỉ có lần gặp gỡ này thôi, muôn đời tôi sẽ không còn gặp được em nữa. Tôi hiểu em là gái đã có chồng, em sống tuyệt vời hạnh phúc và mẫu mực. Còn tôi: một kẻ bị muôn đời gớm ghiếc, nguyền rủa và cô đơn. Nỗi cô đơn mênh mông, cồn cào, như cả xứ sở đầy sóng gió, biển cả và đại dương của tôi. Nhưng tôi yêu... Tôi đã yêu em, từ lâu lắm rồi cho đến mãi mãi. Từ khi em còn là một cô bé con... Ngày ấy, ngày em lần đầu tiên lên tắm ở tận con suối đầu nguồn này, em còn bé và tôi còn trẻ lắm, tuy cũng đã là Chúa Biển rồi... Ngày ấy, tôi đã biết em, đã tan hòa trong những giọt nước, nô giỡn, cười vui thỏa thích cùng em. Vì ngày ấy, tôi đã tự nhiên cứ muốn một lần được lang thang từ biển vào sông, muốn đi ngược lên mãi và tôi đã đến tận đây, tận nguồn này, gặp đúng ngày đầu tiên em được phép phụ vương nhào mình xuống suối. Rồi tôi phải về biển... Nhưng lòng ước tính từng năm để rồi quyết, để rồi không nén được sẽ phải đến nói cho em, cho phụ vương em rõ tình yêu của tôi. Tôi lên bờ đất Phong Châu để nhận tin phụ vương đã dựng lầu kén chồng cho em. Tôi đã gặp Sơn Tinh nơi quán dịch. Biết bao chàng trai khi nhìn thấy hai chúng tôi đã đành ắng lặng xếp khăn gói, lủi thủi ra về. Thật tội, nhưng biết làm sao? Họ là những người thường và họ biết rõ thứ hạng của chúng tôi: những thần nhân. Sơn Tinh thì chỉ nói với tôi: Chàng nghe nói vua Hùng kén rể, lại cũng nghe nói cô con gái vua ngoan lắm, đẹp lắm. Sơn Tinh còn nói thêm: "Người thần mà lấy con vua, thực là một việc hợp lẽ". Rồi chàng đi ngủ, thật thanh thản, đàng hoàng, dáng nằm thật thư thái, uy nghi. Chàng ngủ rất ngon. Còn tôi lúc ấy, tôi đã không sao ngủ được, lòng chỉ còn cồn cào một ý nghĩ làm sao gặp được em, thấy được em. Đã bao lần tôi định lẻn trốn ra ngay trong đêm tìm đến chỗ em. Nhưng rồi tôi biết em đã ở trong cung cấm. Và... ý nghĩ cuối cùng khiến tôi đành nén lòng nằm yên chờ sáng... "Biết đâu, em cũng đang ngủ rất ngon, rất say. Thực vô duyên nếu quấy rầy em, nếu làm em dở giấc".
 

- Không, thưa chàng, đêm ấy em cũng không sao ngủ được... 

- Cảm ơn, cảm ơn em. Đó, tôi và em cứ có những cái giống nhau, những cái trùng nhau vô bổ, vô tích sự, những cái tương hợp chẳng để làm gì ấy như thế đấy... Ô hô! Cuộc đời... Và buổi sáng đã đến... Cả hai chúng tôi được gọi vào chầu phụ vương em cùng một lúc. Cái đường bệ, thong thả ung dung của tôi chỉ là cái dáng vẻ bên ngoài. Mắt tôi đầu tiên đã đặt vào khoảng rèm thoáng lay động sau lưng nhà vua. Có phải em đứng chỗ đó không? 

- Dạ, đúng...

- Chợt nhớ phải giữ ý, không thể nhìn vào đó mãi, tôi đành đăm đăm dõi vào gương mặt cha em. Và như đền bù cho tôi, hai cha con em giống nhau lắm. Tôi gạn được biết bao nét từ cha em thành em. Tôi quên mất, ánh mắt của tôi đã làm ông ở ngay phút đầu dễ có gì ngài ngại, thậm chí khó chịu với tôi. Vừa thi lễ xong, đã nghe lời cha em hỏi: "Chẳng hay hai vị tới đây có việc gì?". Tôi đã không hiểu ngay lúc ấy. Mãi sau này tôi mới thấy trong câu hỏi ấy có cái oái oăm của một đấng quân vương, cái nếp quen triệu tập mọi người đến vì ý mình rồi lại bâng quơ hỏi nói như phải miễn cưỡng tiếp người ta như không, lẫn cái lối giữ giá của nhà có con gái, dẫu đang ở ngôi chúa tể... Và điều không may mắn nhất, điều lú lẫn nhất của tôi là tôi đã không thấy trước ở đó một lời gợi ý, một điểm nếu thuận theo thì lợi, nếu trật thì mất điểm, thua thiệt ngay thuở đầu. Tôi chỉ lăm lăm bộc bạch, không màng tới đua tranh, khi thua rồi, khi mất em rồi, mới nghĩ lại tất cả. Tôi đã không để ý tới tiếng "việc" (chẳng hay hai vị tới đây có việc gì?) Và Mỵ Nương ơi, có phải là hôm ấy, tôi đã bước lên trước và trả lời trước...

- Vâng, thưa chàng, đúng như vậy. Em cũng có thể nói thêm để chàng rõ: chính vì thế mà trong hai chàng, kỳ thực và tính thật đúng đến từng khắc, thì chàng lại là người mà em biết trước, biết tên, nhìn được mặt, được người trước. Bởi vì chỗ em đứng khuất một thân cột và viền rèm, khiến chỉ có ai bước lên một bước nữa hôm ấy mới qua chỗ khuất và em mới được nhìn thấy. Vì vậy mà em hoàn toàn nhớ: chính chàng đã bước lên trước, đã trả lời trước...

- Và em có còn nhớ câu trả lời của tôi không?

- Thủy Tinh ơi, em không muốn một lần nữa nhắc rằng: chàng đã không tin em, cũng không muốn một lần nữa rời gót khỏi nơi đây, để rồi lại phải chạy lại... Em muốn nói với chàng một lời: Vì sao chàng cứ thích nhắc lại những lời ấy, nó có làm cho chàng dịu bớt được một điều gì đâu? Không nhắc lại thì nói cũng có làm cho chàng mất mát thêm điều gì đâu?... Thủy Tinh ơi, chàng đừng giận nhé, em cảm thấy chàng chẳng có gì khác ngày ấy cả. Chả có gì lớn hơn, từng trải hơn, điềm đạm hơn, thiết thực hơn cả...

Không nên như thế, em cảm thấy thế, mong cho... 

- Thôi thì tôi sẽ đè bẹp nốt cả cái mong muốn cứ chốc lát lại được nghe tiếng em, dù chỉ một tiếng "có" hay "không"... Thôi thì em lại nghe tôi nhé...

Tôi đã bước lên, nói ngay điều có từ hơn mười năm trước. Tiếng tôi là tiếng sóng cồn lên, va đập: 

- Tôi đến đây để bộc bạch với Người tình yêu của tôi với Mỵ Nương, con gái Người. 

Và Sơn Tinh, quả thật, thâm trầm điềm đạm như núi và khôn ngoan vững vàng như đất, đã thong thả cất tiếng sau tôi:

- Kính thưa bệ hạ, thần đến đây để xin được cưới công chúa Mỵ Nương, được trở thành con cái trong nhà của triều Hùng.

Thế đấy! Tôi thoáng thấy nhà vua khẽ gật đầu, ánh mắt dành cho Sơn Tinh mềm mại, ưu ái lắm. Tôi cảm thấy mình bị thất thiệt. Phụ vương em quả không hổ tiếng là người đứng đầu trăm họ, lo toan biết bao công việc. Cho nên đã trọng việc hơn trọng tình. Cái việc nó cộn lên lồ lộ, còn cái tình thì vô hình vô ảnh. Tôi thì thổ lộ cái tình, Sơn Tinh xin lo việc và còn hứa sẽ xếp mình vào cùng đội ngũ. Thế là dường như không thể khác, các món sính lễ đã được đặt ra thật dễ hiểu: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao... 

Đúng bình minh hôm sau... Ai đến trước sẽ được đón Mỵ Nương về... 
Tôi không thể ngờ phụ vương em lại thiên lệch, lại thiếu công bằng, lại rẽ tình tôi với em tàn nhẫn và không trong sáng đến như vậy. 

- Thủy Tinh, chàng chớ quên em là... 

- Chính vì thế... Và đây, em hãy gắng trả lời tôi từng câu nhé. Một: voi ở núi hay ở biển? - Dạ, ở núi. - Ngựa ở núi hay ở biển? 

- Dạ, ở núi. 

- Gà ở núi hay ở biển? 

- Dạ, cũng ở núi. 

- Hừ, câu cuối cùng: Núi Tản và Biển Cả, nơi nào xa Phong Châu hơn? 

- Dạ, biển xa hơn, xa hơn nhiều. Chàng ơi... đừng hỏi em nữa. 

- Thế đấy, tôi ngước lên thì phụ vương em đã phất áo quay vào nội điện rồi. Vả lại, dù cho Người còn đứng đấy thì phỏng tôi nói được gì? Làm sao tôi có thể cãi lại cha của người mình yêu ngay trong lần đầu gặp gỡ. Chưa nói làm sao tôi có thể bộc lộ cái kém cỏi của tôi trước Sơn Tinh ngay tức khắc như thế.

Tôi chỉ thấy ngực mình nóng dội lên, hình như có lửa cháy trong tim tôi. Tôi nhìn vào khoảng rèm, không còn thấy lay động nữa, tôi cảm thấy em không còn ở đó nữa. 

- Vâng, cha em vào là vẫy tay bắt em theo sát gót ngay. Người cũng thấy em muốn nán lại, và chắc chính vì thế mà nhất định gọi em cùng vào nội điện ngay...

- Em đã muốn nán lại. Vì sao vậy? 

- ... Em cũng không biết nữa, cho đến tận bây giờ...

- Còn tôi thì cứ đứng sững bên thềm đại điện. Mãi một lúc lâu, khi giật mình quay ra thì chỉ thấy trống trơ có một mình mình. Sơn Tinh đã ra về tự lúc nào.

Tôi về biển, lòng rầu rĩ, thẫn thờ. Cầm bằng như đã bị cướp mất em. Đám bầy tôi, đàn em của tôi xúm lại hỏi mãi, tôi mới dật dờ nhớ lại được, kể lại mọi việc lần lần. Tức thì có ba đứa bước ra, đập đầu loang máu: Thuồng luồng, Ba ba, Cá Ngực. Chúng tôi xin nguyện hiến mình cho tôi, cam hóa thân thành voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Quyền phép thì tôi có tu luyện đủ đầy, nhưng phàm việc hóa thân thì phải có lửa. Mà dưới Thủy Tinh cung của tôi, chẳng lửa nào cháy được. Tôi ôm lấy lũ đàn em, nước mắt cứ vỡ ra. Bỗng lồng ngực tôi nóng rực. Tôi sững sờ: trái tim tôi đã cháy lên, ngùn ngụt. Ngọn Hỏa Tâm ấy đã làm được tất cả. Đêm ấy, ba tầng nước Thủy Tinh cung thẩy đều sôi động. Tầng trên cùng đen cháy, sôi sục, hứng trọng lều bều những lớp vẩy vỏ của những xác hóa thân. ở tầng giữa, nước đỏ bầm mầu máu cháy. Và ở dưới cùng, cõi nước lung linh sáng rực nơi lò luyện. Gần sáng thì cả ba con vật đã hiện hình, đã đi, đã thở rống lên, đã gục gặc đầu vai, đã ra hẳn sự sống voi, ngựa, gà... Lồng ngực tôi thoáng đãng như những buổi sớm mai ở biển. Tôi dẫn đầu đoàn sính lễ vội trẩy ngược Phong Châu, nghe gió lướt tràn rạt hai bên mang tai mình.

Nhưng tôi đã đến chậm bốn khắc.

Tôi đến để vừa kịp nhìn Sơn Tinh cưỡi ngựa đi trước, kiệu hoa của em uyển chuyển theo sát, như có dây buộc, đằng sau... Cái uyển chuyển do vai một cỗ bốn người khênh tài giỏi theo nhịp nhạc lễ, mà tôi lại cứ nghĩ từ em, em uyển chuyển theo sau Sơn Tinh.

Lòng tôi tuyệt nhiên không một mảy may oán hận Sơn Tinh. Tôi chỉ đau xót cho tôi. Tôi đứng chết sững, và không thể cầm được nước mắt ào ào dâng lên, túa ra giàn giụa. Tôi khóc như một người thường. Tôi quên mất mình là thần Biển, thần Nước... Mỵ Nương, em có thấy không, hôm ấy, mưa trước hay nước dâng lên trước, hãy nói tôi nghe!

- Chàng đã nói lại hoàn toàn đúng... Em ngồi trong kiệu, đã thấy chàng đến sau, rồi đứng sững nơi ngã ba Phong Châu... Và trước lúc khuất hẳn, em ngoái lại, khẽ vén rèm kiệu nhìn về phía chàng lần cuối thì thấy trên mái kiệu của em, tiếng nước rơi, tiếng mưa mỗi lúc một dồn dập, rào rào... Cũng lúc ấy, Sơn Tinh giục cả đoàn phải đi mau. Chồng em bảo: "Phải đến được địa giới núi Tản trước khi Thủy Tinh kịp dâng nước lên...". Và đúng như thế, vừa khi ngước lên thấy ngọn Tản Viên, thì nhìn xuống đã thấy sóng trắng cuồn cuộn sôi sục, gần bén sát chân ngựa... Chồng em đã nói đúng. Chàng làm sao chối được tội lỗi tàn sát bao sinh linh, hoa lợi, mùa màng, chỉ vì một chút... em...

- …Tôi đã chỉ đứng khóc. Tôi không bao giờ cho lệnh dâng nước lên... Nhưng phía sau tôi lúc ấy đã có nhiều điều xảy ra. Tôi không biết rằng khi tôi vừa sững sờ thấy cảnh Sơn Tinh đón mất em, khi tôi vừa rùng mình lần đầu, thấy mất hết sức mạnh lần đầu, thì cũng lúc ấy, cả thuồng luồng, ba ba, cá ngựa đã cùng thoắt rùng mình trút lốt, hiện lại nguyên hình. Những thân hình mạnh mẽ duyên dáng khi uốn lượn giữa sóng nước ấy nay đột ngột chềnh ềnh ra trên cạn, trông quằn quại, nhãy nhợt, gớm ghiếc, tanh tưởi lắm. Và những người dân Phong Châu đã kéo ra xem đám cưới em, lúc ấy cũng cất tiếng cười ồ cả lên. Tôi vĩnh viễn trở thành kẻ gian manh, giả trá, kẻ làm đồ giả đầu tiên, từ phút ấy. Thật kinh khủng. Một thần nhân mà đang tâm lừa vua, dối Chúa, toan cướp đoạt công chúa đẹp xinh nhất nước bằng quỷ kế, bằng thủ đoạn đốn mạt, lập lờ đánh lận con đen. 

Tiếng cười ồ lan rộng vang mãi của bao người Phong Châu hôm ấy khiến tôi không thể đứng mãi đó mà nhìn theo em được. Tôi đành gạt nước mắt, giơ tay ra hiệu cho các bầy tôi quay trở lại biển khơi.

Nhưng không được, các bầy tôi, đàn em của tôi vốn đều là những Thủy thần, Thủy quái có uy lực nhất định. Những kẻ đã sẵn sàng hóa thân vì tôi nay hoàn toàn có lý phẫn nộ trước tôi - vị thủ lĩnh thất bại và cam bó tay, nước mắt chan hòa, đầu cúi, chân rã rời lê bước về chỗ xuất phát.

Tôi đã một mình về biển. 

Và Thuồng luồng, Ba ba, Cá ngựa cùng muôn loài Thủy quái đã phẫn nộ ào ạt dâng nước lên, ngược với chiều tôi đi, xối xả nghiêng về núi Tản.

Sơn Tinh cùng em và muôn loài ở núi đã vất vả chống chọi như thế nào và đã chiến thắng vẻ vang ra sao, tất cả mọi người đều đã biết. 

Nhưng đấy hoàn toàn không một chút gì là chiến thắng Thủy Tinh. Thủy Tinh không hề có mặt trong những con nước ấy.

Tôi biết Sơn Tinh có thể khiến nước dâng đến đâu núi cao lên đến đấy. Nhưng đấy chỉ là nước do sức của loài Thủy thần, Thủy quái dưới tôi. 

Trời ơi! Nếu quả thật có một chút tôi điên cuồng triển hết sức mình động biển, thì, Mỵ Nương ơi, cơn đại hồng Thủy ấy sẽ biến tức khắc tất cả núi Tản, nơi đây, Phong Châu nữa, thành lãnh địa của tôi, nghìn trùng sóng vỗ, mãi mãi. Nhưng như thế để làm gì? Tôi sẽ mất em, nỗi nhớ em, lòng mong muốn hướng về em, mất hết, mất vĩnh viễn.

Và... Lại lần nữa, tôi không thể chối bỏ được trách nhiệm của người thủ lĩnh. Người Phong Châu và mãi mãi đến sau này, lớp lớp cháu con những người thường, đời đời nguyền rủa tôi: tên chúa trùm của nạn lụt hung bạo. Người đời đã vẽ hình tôi, truyền lại cho con cháu, găm vào bia cho các tráng sĩ tập bắn, tập ném đá, cho nên ác độc, xấu xí, hung tợn dị thường. Nanh tôi mọc dài, mặt tôi xanh lét, mắt tôi ti hí gian giảo, đầu tôi úp một con ốc vặn xoắn xuýt hèn mọn. May sao... hôm nay, em vẫn nhận ra tôi, cái tôi thật là của tôi.

Đã bao lần tôi can ngăn, thậm chí có lần tôi đã van xin các bầy tôi, đàn em của mình, đừng tháng tháng năm năm, đến kỳ lại dâng nước về đất liền như thế nữa. Nhưng Mỵ Nương ơi, đến mùa ấy, những vết đau nhức của một lần hóa thân lại tấy lên dữ dội. Cơn điên khùng bệnh lý của muôn loài Thủy tộc lại kịch phát... Những ngày ấy, tôi náu mình trong biệt điện tận cùng Thủy Tinh cung, day dứt nhớ về em và tin ở những triền đê ngày càng vững chắc của Sơn Tinh.
Bây giờ thì tôi đã từ bỏ tất cả. Tôi đã quyết trả lại ngôi Chúa Biển. Tôi về đây, cố hướng mãi, cố nhỏ bé mãi con người mình đi tìm được tận đến suối nguồn này, hy vọng gặp em. Và... duyên phận đã cho tôi... Em đây rồi. Tôi đã được nói hết lòng mình, những lời phải nén sâu chôn chặt bao năm, riêng em... Thế là hết, tôi chả còn gì để nói nữa, để mong nữa. Tôi chẳng biết mình sẽ làm gì bây giờ. Chỉ biết rằng chưa chắc tôi đã có thể trở nên có ích hơn, nhưng sẽ được sống thanh thản hơn, nhẹ nhõm hơn. Lại biết đến bao giờ, đến bao giờ nữa, tôi mới có thể gặp lại em... 

- Thủy Tinh ơi... em hiểu chàng và mong chàng hiểu em. Em phải về ngay bây giờ đây. Em không thể khuyên chàng điều gì. Những thần nhân như chàng và chồng em, làm sao em lại có thể có lời khuyên. Em chỉ mong chàng đừng rời biển cả. Em chưa thấy biển bao giờ... Nhưng... nếu không có chàng thì ngọn Hỏa Tâm ấm nóng, sức sống, tiếng gọi hóa thân ở biển sẽ ở đâu, biển còn trong sạch, phóng khoáng, đẹp, quyến rũ, tràn đầy tình yêu nữa hay không? Biển có còn đáng hướng tới nữa hay không? Em không hiểu, em không biết là mình vừa nói gì nữa. Thủy Tinh ơi, đừng nghĩ là em muốn đuổi chàng, đừng nghĩ là em không muốn gặp lại chàng nữa, đừng... Nhưng, cũng đừng để em thấy như mình đã bắt đầu có lỗi, bắt đầu mang tội với... 

- Hãy bình tâm, Mỵ Nương. Tôi hiểu em hoàn toàn. Hãy trở về đi và gắng sống như đã sống. Tôi cũng vậy. Tôi sẽ nghe lời em. Còn nếu nhớ tôi, thì mỗi năm một lần, đúng tiết thu, ngày này, em hãy ở một mình và mở cửa sổ phòng riêng. Em sẽ thấy những giọt mưa đầu trong vắt thả như buông rèm trước mặt. Đó là tôi, là Thủy Tinh này. Chúng ta sẽ gặp nhau như thế. Và chỉ gặp nhau như thế. 

oo0oo

Hố Suối Hai _Ba Vì

Mỵ Nương đã thầm lặng, riêng tư theo lời ấy. Và đó chính là nguồn gốc của những giọt mưa thu thánh thót ngoài hiên, đem cái se lạnh gợi nhớ để tôn thêm giá trị cái ấm áp của những ai đang trong khuôn cửa. Độ phong sương trong vắt của tiết giao mùa kề bên mái ấm, thế thôi.

Mỵ Nương mở cửa, không đừng được, đưa tay hứng một giọt mưa. Hạt nước mọng tròn đọng giữa lòng bàn tay nàng tiếp hơi ấm bàn tay, tỏa bụi nước ấm. Chút bụi trắng tinh lấp lánh giữa lòng bàn tay, Mỵ Nương đưa lên môi. Vị mặn của muối. Mỵ Nương mấp máy, gọi thầm: "Thủy Tinh! Thủy Tinh!...". 

Những giọt mưa Thủy Tinh ấy nhỏ bé, tí xíu mà vẫn trọn vẹn mang hồn biển, nên nó rây bột muối lên cả thành cửa sổ, làm mặn cả ngoài hiên... Và, dẫu chỉ có một ngày mà khiến quanh năm vách gỗ phía đông cứ ầm ì tiếng sóng. Chỉ riêng Mỵ Nương nghe thấu tiếng sóng ngậm trong các thớ vách gỗ ấy. Hằng giờ, hằng ngày, nàng áp má vào vách gỗ phía đông ấy, nghe, mà cồn cào tưởng đến biển, mà khát khao được thấy biển một lần... 

Nàng đã không thể sống như đã sống.

Và Sơn Tinh - thần nhân trầm tư, chắc chắn, đầy khôn ngoan và thiên lương - thấu hiểu tất cả. Chàng không mảy may thấy lạ lùng, sửng sốt.

Nhưng nỗi niềm của Mỵ Nương là nỗi niềm của mỗi một người thường... Chàng chỉ thầm nhủ: "Rõ ràng bên cạnh những việc lớn bộn bề ta phải có trách nhiệm, phải để ý đến vợ ta hơn. Nàng đi đâu, chạy đến đâu, làm gì, hãy để nàng đi, nàng chạy, nàng làm, nhưng đừng để nàng thiếu ánh sáng chỉ có thể chiếu ra từ mắt ta, từ tâm não ta, ánh sáng chưa bao giờ vẩn đục, chưa một phút mờ ám. ánh sáng lúc nào cũng tinh khôi của núi, ánh sáng soi rọi mọi nẻo đường cho nàng, từ khi nàng về với ta".

Rồi đến một buổi sớm quang mây, Sơn Tinh thấy Mỵ Nương đứng kề bên cửa sổ, chàng đứng sau cất tiếng gọi mà không nghe nàng trả lời... Có một ngọn gió thơm mát, không từ ngoài trời thổi vào, mà vừa từ trong phòng riêng này cộn lên và bay qua cửa sổ, tung tăng bay đi, chạy đi. Mắt Sơn Tinh bừng lên, sáng trong và khoan dung, dõi theo ngọn gió thơm đang chạy. Chàng biết: người thường giao duyên với thần nhân lâu ngày thì đến lúc nào đó, hội với khát vọng, cũng đủ sức phân thân. Ngọn gió ấy chính là Mỵ Nương đấy! 

Trong ánh sáng trầm tư trong như lọc của núi, ngọn gió thơm mát bay dọc theo suối, ùa tới cánh đồng rộng, vập vào những triền đê cao vững chắc - những triền đê che chắn bình yên một thời, và cũng che khuất tầm mắt một thời - ngọn gió rướn lên, bay dọc triền đê, hồ hởi ào theo những con sông tới biển. 

Biển mênh mông, xanh thẳm đến tận mí trời, cợn lên những cụm hoa trắng muốt, trải đến tận bờ đón ngọn gió nhỏ. Những tiếng rì rào khe khẽ lặn vào tĩnh mịch vô biên... 

oo0oo

Người ở biển bảo tôi: 
- Đó là những ngày đẹp trời.