Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Tống biệt


Tống biệt. Bài chầu văn trong phim Mê Thảo thời vang bóng, dựa theo bài thơ Tống biệt của Tản Đà.
        
Đoạn đầu là ngâm thơ, phú nói trong chầu văn, làn điệu này mượn từ điệu hát nói trong ca trù. Sau là điệu xá. 
  


      
Hoa đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Ngõ hạnh suối đào xa cách mãi
Ngàn năm thơ thẩn bóng giăng soi
Trần ai tri kỷ
Luống ngậm ngùi
Đôi lứa sắp phân ly
Cõi nhân tâm dan díu nghiệp tơ tằm
Say cũng lụy, không say thời cũng lụy.
            
Ơ à ơ ... 
Nhị Hà ơi nước tự lưng trời tuôn ra biển rộng 
Không vời được đâu 
Ấy con thuyền ai kia bến nước sâu thăm thẳm 
Giữa chập chùng bao con sóng ngoài xa 
Ngẩn ngơ một bóng thông già chơ vơ sườn núi mơ xa mây ngàn
      
Đàn ai gảy như mưa rơi gió cuốn 
Nợ nhân tình càng vướng càng đau 
Yêu nhau yêu mấy nhau càng tan nát 
Chờ ai biển rộng sông dài tang tính tình tang 
Ai ơi có biết đêm tàn 
Ai ơi có biết đêm tàn.
              
Ai ơi có biết đêm tàn
Lòng yêu càng nặng trái ngang càng nhiều

Dù tan nát cũng liều thân cỏ
Xin nhận về sóng gió muôn nơi
Lênh đênh góc bể cuối trời
Lênh đênh góc bể cuối trời
Tình như ngọn lửa ngoài khơi bão bùng
Ngày tận cùng so giùm khúc hát
Điệu càng đau như hạt mưa bay
Thì giòng sông trôi lấp lửng chân mây
(ới a ới a...) 
                   
Thôi xin, xin chàng về nơi núi mờ xa
Nhận em một lạy cho qua một đời
Đường khúc khuỷu khung trời rạn vỡ
Mùi yêu thương nặng nợ ấm êm
Thôi anh về đi chân cứng đá mềm 
Xin đừng nhìn chi đau thắt lòng nhau
Xin đừng lưu luyến nát tan lòng nhau
Tình hãy hẹn trùng hoan trong gió
Xin hẹn tình trùng vút trong mây
(í a ới a ới a)......

Chiến binh thành cổ



Ngày cuối tháng 7 này như nhập đồng, viết lung tung. Nhưng cứ thấy Q.Trị là đọc, cơ khổ, mộng du. Vào Blog PP thấy “chiến binh Quảng Trị”, thẫn thờ, chuyện kể về thời của mình, của ông Nguyễn Như Thìn, chắc cũng là lính SV chiến trường QT. Ai đang vui, xin đừng đọc, nó vận vào khó nghe...

*****
Khánh "voi"
Đầu tháng 12 năm 71 hai tiểu đoàn sinh viên 5, 6 chia nhỏ bổ sung về các quân binh chủng. Còn lại một số anh em chưa vể đâu phấp phỏng chờ đợi, đoán già, đoán non đơn vị mình sẽ được điều về. Trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Thạc ngày 6-12 có ghi lại thời điểm đó. Hắn chê tôi sợ vào hỏa lực trợ chiến phải mang vác nặng gù lưng. Hắn chê tôi sợ chết muốn vào binh chủng tăng thiết giáp vì có vỏ thép dày che chở. Ôi, sợ chết âu cũng là lẽ thường tình của những thằng lính trẻ, 18 đôi mươi chúng tôi, chửa biết cái chi chi, chết thì tiếc lắm.

Song, cả tôi và hắn đều nhầm. Sau này, tôi nhận ra có thứ còn đáng sợ hơn cái chết. Đó là sự đầy đoạ về thân xác.

Người ta thường nói, "ghét của nào trời trao của ấy". Cuối cùng tôi lại được điều về tiểu đội 12 ly 7, đại đội 12 trợ chiến thuộc trung đoàn 101 sư đòan bộ binh 325. Một tiểu đội 12,7 ly biên chế từ 10 đến 12 người. Trừ A trưởng mang kính ngắm và một khẩu AK, còn lại chia thành 3 tổ có nhiệm vụ mang ba phần chính của súng. Tổ 1 mang thân súng nặng 33 kg và một thùng đạn khoảng 10 kg. Tổ 2 mang chân súng nặng 34 kg và một thùng đạn. Tổ 3 mang bệ súng nặng khoảng 21 kg một hộp tiếp đạn và một thùng đạn cũng nặng chừng ấy. Khi hành quân, thân và chân súng được hai cặp khiêng bằng hai chiếc đòn tre dài nặng chình trịch. Bệ súng hình thù kỳ dị đầy góc cạnh được một người vác. Những cạnh sắc như băm từng thớ thịt. Hơn ba chục cân có vẻ không quá nặng. Nhưng xin thưa, hành quân cả ngày trời dưới cái nắng miền trung, cộng với tư trang khoảng 30 cân nữa thì lừa cũng phải chào thua. Khi khiêng súng, người đi sau còn đỡ chứ người đằng trước thật khốn khổ. Sức nặng của balo và súng phía sau cứ kéo ngửa người ra. Trèo đèo lội suối, rồi trong rừng rậm, súng móc bên này mắc bên kia tiến cũng chẳng được mà lùi cũng không xong. Hồi còn đi học, ngoài cái tên bố mẹ đặt cho, tôi còn mang thêm biệt danh các bạn tặng là “còm”, vì cân nặng cả bì chỉ có hơn 40 kg. Khiêng súng bị phồng, rồi loét, hai vai, mãi không lành. Mỗi lần hành quân mang vác, đối với tôi không khác gì hành xác.

Đêm ấy, bên cánh rừng ở Cự Nẫm Quảng Bình, nhận quân trang đi B balo hơn 40 cân, tôi phải đẩy lên ngôi mộ hoang, luồn hai vai vào hai quai mới gượng đứng lên được. Vậy mà lại đến phiên khiêng súng. Cố gắng bước dược chừng 50 chục mét thì ngã chúi xuống, nửa quì nửa ngồi, tôi ôm mặt khóc. Y tá Cận chạy lại, mở túi thuốc lấy ra một vốc vitamin B1 bảo tôi uống. Nghi ngờ về khả năng tăng lực của nắm B1 ấy, song tôi cũng tống đại vào mồn nhai trệu trạo. Thực tình lúc ấy tôi chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Họặc giả có một quả pháo biển lạc vào giải thoát cho tôi thì âu cũng là số phận.

May thay trong tổ tôi còn có Khánh "voi". Trong số các anh em quê Phủ Cừ, Hải Hưng, Khánh "voi" nổi bật vì dáng cao to như cây chuối hột trong vườn toàn chuối tiêu. Nghe nói nhà hắn nghèo lắm, ăn uống kham khổ, vậy mà hắn lại có một thân hình khá lý tưởng. Cao trên một mét bẩy lăm. Bắp thịt săn chắc. Đôi vai gấu hơi xuôi, hai hàm răng trắng đều, nước da sáng hơn că lũ bạch diện thư sinh chúng tôi. Hắn ghé vai đỡ tôi dậy, rút chiếc đòn khiêng ra quẳng sang một bên, đặt thân súng nặng như cùm lên vai lầm lũi bước tiếp. Tôi vớ lấy chiếc đòn khiêng cố bám theo. Cuộc hành quân 5 ngày không thể nào quên, từ tây Quảng Bình theo dãy Trường Sơn qua giới tuyến 17 vào Quảng Trị tham chiến. Lính rơi rớt dọc đường. Không còn ra đội hình gì nữa, các đơn vị trộn lẫn vào nhau. Tiểu đội tôi đến nơi tập kết đầy đủ, có lẽ nhờ một phần bởi Khánh "voi".

Sau trận đầu, đêm 23 ngày 24 tháng tám năm 72, tiểu đội bị thiệt hại nặng nề, thương vong non một nửa, tạm bị trưng dụng làm lính vận tải. Làm gì cũng được, miễn là không phải khiêng súng. Nhưng tôi lại nhầm. Gọi là vận tải cho oai chứ thực ra là gùi gạo, đạn. Mấy chục cân trên vai chẳng khác gì khiêng 12ly7. Trên một cung đường chừng 4, 5 cây số trống trải, phải luôn vận động thật nhanh qua những tọa độ chết người của pháo bầy và máy bay cường kích. Vô phúc dính B52 thì coi như chấm hết. Vậy mà với Khánh "voi" dường như chẳng hề hấn gì. Bao giờ hắn cũng về trước tôi cả tiếng đồng hồ, chui tọt vào hầm không ra ngoài. "Trên mặt đất không có lợi", hắn bảo tôi thế. Biết vậy mà đành vậy. "Trên mặt đất không có lợi"...

Một tuần sau, tiểu đội lại nhận khẩu súng khác, chế tạo tại Liên Xô, nòng xoắn, tản nhiệt tốt hơn, nhưng cũng nặng hơn khẩu trước khoảng chục ký. Ngay đêm ấy lại vào chốt. Tâm trạng mọi người khá nặng nề. Nõi ám ảnh trận trước không thể bỗng chốc mà quên ngay được. Tiểu đội chốt trong một vườn chuối nhỏ lá xác xơ. Giũa vườn hiện lờ mờ một ngôi nhà, thực ra là phế tích của một ngôi nhà tan hoang. Phía trước là một bụi tre rách bươm. Nghe đâu trước bụi tre là lính đại đội 9 bộ binh. Chúng tôi vội vàng đào hầm trú ẩn, công sự pháo và một đoạn hào chừng 4 mét nối hầm trú ẩn với hầm pháo. Gần sáng công việc cũng tạm xong. Trong khung cảnh chết chóc như vậy, mà vẫn thấy một tiếng gà lạc lõng, cô đơn, gáy yếu ớt báo hiệu một ngày mới băt đầu. A trưởng Thành phân công người đứng cảnh giới dưới hào cách hầm trú ẩn khoảng một mét, còn lại tạm nghỉ. Rồi cũng đến phiên tôi đứng gác Trận địa hai bên thật yên tĩnh. Tôi nghe rõ cả tiếng con chim sâu bay chúi vào bụi cây trước mặt. Thì ra nó bị mù từ bao giờ. Chừng một tiếng sau, Khánh "Voi" đổi gác. Đôi vai gấu của nó cố nghiêng, lách ngườì cho vừa đoạn hào vừa hẹp vừa nông. Tôi chui vào hầm, chợp mắt một lúc. Bỗng một tiếng nổ vang phía cửa hầm. Minh "già" kêu thất thanh: 'Khánh chết rồi". Giật mình nhìn ra, một cảnh tượng thật hãi hùng. Khánh "voi" đang từ từ ngồi xuống, lưng tựa vách hào, đôi tay buông xuôi. Cái đầu nó bay đâu mất. Phía trên cổ, giữa một mớ xương vụn, máu ồng ộc tuôn ra ngập một đoạn hào. Trên vai Khánh, một mảng da đầu còn nguyên tóc vắt ngang, như khoác một chiếc khăn nửa đen nửa đỏ.

Cả tiểu đội chết lặng. Mặt Minh "già" thường ngày vốn đen thế, mà lúc đó trắng bệch, đôi mắt thất thần. Sau ít phút trấn tĩnh, tôi quyết định ra ngòai. Để tránh vũng máu, tôi nắm hai cổ chân Khánh, làm động tác như đu xà kép dướn người nhoài ra. Bên mép hào, một hố vát hình nón vừa bị khoét còn vương vài mảnh gang vụn. Cối 81, Khánh chết vì một quả đạn cối của địch bắn vu vơ. Phía đối diện, một tấm gỗ ép dựng bên gốc chuối bê bết máu và óc. Giá mà Khánh thấp hơn một chút, giá mà Khánh đổi gác chậm hơn một chút thì cái thằng đang ngồi kia chính là tôi.

Mãi đến khuya mới có hai lính vận tải tiểu đoàn đến mang Khánh đi. Trăng thượng tuần tháng cô hồn trút ánh sáng vàng vọt xuống vườn chuối. Trên ngực Khánh, nắp chiếc bút máy Pilot mạ vàng, mới nhặt được hôm qua, “để viết thư”, hắn nói thế, cứ lấp lánh thứ ánh sáng ma quái.
Nhiều năm sau, ánh sáng ma quái ấy cứ ám ảnh tôi trong những đêm mất ngủ vì bệnh tật. Hình ảnh Khánh "voi" với đôi vai gấu lại chập chờn hiện về. Giá mà hắn thấp hơn một chút, giá mà hắn đổi gác chậm một chút. "Ở trên mặt đất không có lợi". Biết vậy mà đành vậy.

***
Báu vật của đời.


Đúng là “chim sa cá nhảy” đen quá, tại con chim mù sa vào bụi cây hay sao mà tiểu đội ra quân lần thứ hai, ngay ngày đầu đã mất luôn “cây chuối hột” Khánh ”Voi“. Để giải đen, anh Thành quyết định rời trận địa sang trái, cách trận địa cũ chừng 50 mét. Lợi dụng hai hầm trú ẩn của đơn vị nào bỏ lại, chúng tôi hối hả đào công sự. Lần này, không ai bảo ai, đào rõ sâu. Đến tầm trưa, một tốp f4 bay đến. Chúng lượn một vòng rồi chiếc đầu bổ nhào. Tiếng bom rít thật khủng khiếp. Tôi chỉ mới quen với tiếng đạn pháo và xác định điểm rơi khá chuẩn xác, nhưng với bom, đây là lần đầu. Cộng hưởng với tiếng gầm rú của động cơ, như khoan vào óc, ruột gan như thắt lại. Hai quả bom trùi trũi lao xuống, ½ thân rồi ¼ thân. Hai tiếng nổ đinh tai dường như cùng một lúc, cách công sự chừng vài chục mét, đất đá rơi rào rào. Chiếc thứ hai vòng lại chúc đầu, anh Thành vội kéo tôi vào hầm pháo. Một quả bom, từ dưới bụng máy bay bung ra. Lần này hình chiếu của nó như quả bưởi, to dần từng tíc tắc. Chân tôi díu lại, như muốn chạy mà không được. Tôi nghe thấy văng vẳng một tiếng hô "… bổ nhào... bắn”. Bình tĩnh lại, đưa máy bay vào kính ngắm số không, tôi xiết một tràng dài. Một ánh chớp loé lên bên trái trận địa, kèm theo một tiếng nổ lộng óc, xô tôi dúi vào vách công sự. Chiếc máy bay chẳng hề hấn gì, bay lên, mất hút vào bầu trời. Vậy mà, anh Thành vẫn khẳng định, nó đã dính đạn, bằng chứng là không dám quay trở lại. Tôi cho rằng, nó đã hết bom, chẳng qua anh muốn động viên tôi mà thôi. Hứng chí hơn, anh tuyên bố, từ nay tôi sẽ là tiểu đội trưởng, còn anh là trung đội trưởng tự phong, thay anh Châu đã hy sinh.

Làm A trưởng cũng hay, đỡ phải khiêng súng, nhưng cả tiểu đội còn có 5 mống không ghé vai cùng anh em thì ai mang, tôi chợt buồn. Nhưng nõi buồn của tôi cũng sớm được giải toả. Mấy đêm sau, liên lạc đại đội dẫn đén ba lính mới bổ sung. Một, Tên là Thắng nhà ở Hà Nội, một, tên Chính, Thái Bình còn lại là Định, Quảng Ninh. Trời tối đen như mực, dưới ánh sáng nhập nhoạng của hoả châu, tôi chỉ kip thấy lờ mờ ba khuôn mặt.

Sáng hôm sau, Chính biến mất để lại khẩu AK. Thắng người chắc, đậm, hứa hẹn một thợ khiêng súng tốt. Nhà hắn ở ngõ Thanh Miến, con ngõ nhỏ cong như một dấu ngoặc đơn, nối phố Nguyễn Thái học với Văn Miếu. Thằng Định, chân tay quyềnh quàng, da ngăm đen, dáng dấp khoẻ mạnh. Tự dưng tôi thấy rất buồn cười, ngắm hai thằng lính mới, mà như mộ phu đi Tân thế giới không bằng. Thằng Định, quê hắn ở tít mãi biên giới Việt Trung. Làng hắn có đến 80% là người Hoa. Có lẽ tiếp xúc với người Hoa nhiều nên giọng hắn cũng lơ lớ như mấy ông Tầu bán lạc rang phố Hàng Giày. Hầm chữ A, ba thằng nằm trở đầu đuôi chật cứng, chân tay thằng Định như thừa thãi. Thỉnh thoảng hắn lại rên lên: “xịt ra một chút nào” thật buồn cười. Vì thế tôi gọi hắn là Định “xịt”. Định “xịt” có một thói quen khá lạ lùng. Thỉnh thoảng hắn móc trong balo, một chếc gương honda gấy ra soi, ngày không dưói chục bận rất ngứa mắt. Tôi bảo hắn: ”Vứt mẹ nó đi, mày định gọi máy bay đến à “. Hắn lẳng lặng cất gương đi, nhưng chỉ được vài ngày, đâu lại vào đấy. Một lần trực chiến, hắn ngắm khẩu 12,7 ly rất kỹ và rụt dè nói: ”lúc nào có dịp anh cho em bắn nhé” “Bắn máy bay thì phải học còn bắn bộ binh thì dễ thôi, như bắn AK vậy” tôi bảo hắn, đai khái thế.

Chúng tôi lại chuyển chốt ra sát bờ sông Thạch Hãn, giá súng bắn bộ binh. Nghe trinh sát nói, cứ ngược theo bờ sông là Thành Cổ, nơi có tiếng súng vọng về không ngớt, suốt đêm ngày. Mặt trận phía đông chúng tôi, không có gì lạ, ngoại trừ vài trận đấu súng lẻ tẻ. Có lẽ do thời tiết. Những cơn mưa đầu mùa trút xuống liên miên. Nước từ thượng nguồn đổ về đục như máu. Mà có khi lẫn máu thật. Đêm đêm, tôi nghe thấy tiếng lạch xạch của xuồng máy chở thương binh từ Thành Cổ xuôi ra, nhiều chiếc dính phải bom từ trường, không đến được trạm phẫu tiền phương. Vào một chiều tạnh ráo hiếm hoi, phía trước pháo sáng bắn lên rực trời, chẳng hiểu chuyện gì. Hôm sau mới biết, Thành Cổ đã bị mất. Từ đấy thấy vắng dần tiếng xuồng lạch xạch xuôi dòng.

Nằm trong hầm, nghe mưa rơi mà buồn thấu ruột. May có thằng Định “xịt” hay chuyện. Hắn kể chuyện làng, chuỵện xóm, chuyện nhà, chuyện cửa với những phong tục khá lạ kỳ. Nhưng kể mãi cũng hết chuyện, đôi khi thấy hắn thừ người ra, lại móc gương soi. Có lẽ cu cậu nhớ nhà. Một bận tôi nảy ra một ý nghĩ tinh quái, hỏi hắn:

- Này, năm nay mày bao nhiêu tuổi rồi? Hỏi thực, đã bao giờ mày thấy cái ấy của phụ nữ chưa? Đừng ngượng cứ kể đại ra đi.

Hắn đỏ mặt, thẫn thờ một lúc rồi nói:
- Nhưng anh cũng phải kể chuyện của anh cho em nghe.

Tôi cứ ừ bừa vì hy vọng sẽ được nghe một câu chuyện thật nhảm nhí. 
- Em, tháng tới là vừa tròn mười chín tuổi. Đã một lần được thấy cái ấy…

Hắn kể: 
“… Hồi còn ở quê, em có thằng bạn thân hàng xóm, nó có một cô em gái rất xinh. Cũng vào cữ này năm ngoái, tháng ngâu, mưa cả ngày, chẳng đi đâu được. Em sang nhà nó chơi. Hai thằng nằm trong buồng tán chuyện tào lao, ngủ quên lúc nào không hay. Bỗng em nghe thấy một tiếng động mạnh ngoài cưả, giật mình, tỉnh dậy. Thằng bạn đi đằng nào mất, hoá ra cô em nó đi chợ về, quần áo ướt sũng. Ngỡ nhà không có ai, cô ấy ra bể nước dội ào mấy gáo, rồi vào buồng cởi tung quần áo lau người. Em nằm im như chết, nín thở mà tim cứ đập thình thịch. Lần đầu tiên em được thấy một thân hình trắng như thế. Hai bầu ngực căng tròn. Em liếc xuống phía dưới, thú thực, chỉ thấy như một nắm thuốc lào. Cô ấy lại đầu giường lấy quần áo, bất ngờ phát hiện ra em, kêu thất thanh, ôm vội đống quần áo chạy bổ ra ngoài. Em ngượng quá, lồm cồm bò ra khỏi giường lủi một mạch về nhà. Kể từ đấy mỗi bận gặp em là cô ấy lại đỏ mặt chạy vụt đi. Nhiều lần em muốn gặp xin lỗi mà không được, cô ấy cứ tránh mặt… Rồi cũng đến cái ngày em đi bộ đội. Cô ấy không tránh nữa, cùng thằng anh trai đi tiễn em. Lúc lên ô tô, bất ngờ cô ấy níu lấy balo của em khóc tức tưởi. Thằng bạn ngạc nhiên nhìn hai đứa. Em hết sức bối rối. Cô ấy dúi vào tay em một gói nhỏ. Lên xe mở ra là một chiếc khăn tay …”

Tôi thán phục nói:
- Truyện tình của mày hay thật đấy.
Hắn trả lời:
- Nhưng chúng em đã nói được gì với nhau đâu.
- Cần quái gì phải nói. Nó yêu mày rồi 
Tôi nói tiếp.
- Hồi vào trong này, em viết liền mấy lá thư về mà chẳng thấy cô ấy trả lời.
- Mày cứ chuyển đơn vị xoành xoạch thì làm sao mà nhận được.
Tôi an ủi hắn.
- Thế còn chuyện của anh.
Hắn hỏi.
- Chuyện của tao chẳng có gì. Hồi ở đầu Kênh, tao có chôn cất một gia đình bị trúng bom. Chị chủ nhà áo thì còn, mà quần bay đâu mất. Tao cứ thấy ghê ghê. Căn cước của chị ghi tên Huệ. Có đôi hoa tai tao chôn cả. - Tôi kể.
- Chuyện anh kinh bỏ mẹ, toàn chết chóc. - Hắn nói thế.

Đầu tháng 11 chúng tôi được lệnh bàn giao chốt cho đơn vị khác. Một đêm mưa bão, tiểu đoàn vượt sông cửa Việt sang bờ bắc. Sông rộng thật. Bơi giỏi như tôi mà hàng tiếng mới dìu được súng sang tới bờ. Thỉnh thoảng một quả trái phá rít qua đầu. Pháo sáng chập chờn như ma đùa trên bầu trời.

Sau mấy tuần nghỉ ngơi, bổ sung quân, chúng tôi lại được lệnh vượt sông sang bờ nam tham chiến. Gói ghém súng đạn quân trang cho tiểu đội xong, chuẩn bị xuống nước thì bất ngờ chính trị viên đại đội gọi tôi lên. Anh bảo, bàn giao tiểu đội cho A phó, còn tôi nhận nhiệm vụ mới. Chuyện quái gì thế nhỉ? Nghĩ mãi không ra. Hoá ra, tôi được đi an dưỡng ở tuyến sau nửa tháng.

Làng an dưỡng cách Quán Ngang, chừng 3 km. Ngày ngày, từng tốp B52 ném bom miền Bắc trở về. Không biết ngoài ấy ra sao, lại thấy nhớ nhà cồn cào. Tôi có làm quen với mấy lính sinh viên trường Xây Dựng. Trong đó có Dũng C3, nhà ở phố Hàng Bạc. Cùng tâm trạng, hai đứa sớm thân nhau. Một sớm, gặp Bảo tiểu đội cối 82 đi lấy gạo. Trông thấy tôi, hắn gọi thất thanh: “Anh Thìn ơi, tiểu đội anh hy sinh gần hết rồi”. Tôi choáng váng. “Thế còn ai”. Tôi hỏi? Hắn nói, không được rõ vì ở tuyền khác. 

Ruột gan như lửa đốt. Rồi cũng đến ngày trở về. Liên lạc tiểu đoàn dẫn tôi ra chốt. Chỉ một dải cát dài bên trái thấp thoáng bóng phi lao, “kia là Tám Cát “ hắn nói. Đến một đoạn hào bị pháo cày nham nhở, tôi thấy bệ của khẩu 12,7 ly quen thuộc bị vặn quăn hình số tám. Đón tôi ở cửa hầm là Bình “Méo” bàn chân băng trắng xoá và Hùng ngơ ngơ điếc vì tiếng nổ. Chúng kể lại . “Trận Tám Cát diễn ra thật ác liệt. Pháo địch bắn suốt đêm, sáng ra bộ binh bám theo xe tăng ủi liền mấy chốt của ta. Bên này khẩu 12,7 ly phát huy tầm xa, bắn chéo vào đội hình của địch. Chúng chết khá nhiều. Chiếc xe tăng quay nòng pháo lại, bắn liền hai phát. Phát đầu trúng cửa hầm, anh Tẹo toang bụng. Phát thứ hai hất tung khẩu 12,7, Định đang bắn sang một bên. Thằng Định bị …” “Tao hiểu rồi” tôi khoát tay ra hiệu, đừng kể nữa.

Một cơn gió từ biển thốc vào khiến tôi thấy lành lạnh sống lưng. Lần trứơc là Khánh “Voi”, lần này là Định “Xịt”. “Chúng mày chết cho tao sống Định ơi. Bắn bộ binh không dễ đâu… khó nhất là cơ động. Không đại khái được. Tao đã nói dối mày… Nếu không đi nghỉ hai tuần thì xạ thủ số một chính là tao”.

Nhớ lại truyện tình đẹp như truyền thuyết nó kể cho tôi bên bờ Thạch Hãn lại thấy quặn lòng. Ước gì, những lá thư tỏ tình của mày không tới được nàng “Tiên Dung” miền sơn cước, Định ơi.

Em vừa tròn mười chín. Đã một lần nhìn thấy … Báu vật của cuộc đời.

Geisha


Một đất nước, một xã hội Nhật Bản thật kỳ lạ. Bị tàn phá qua Đệ nhị Thế chiến... hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố mà họ vẫn là đồng minh chiến lược của Mỹ. Họ chịu đựng sóng thần trong chia sẻ và nhẫn nại. Một xã hội luôn nhấn mạnh “Chúng tôi” thay vì “Tôi", chịu ảnh hưởng cùng lúc của Thần Đạo và tam giáo Nho Phật Lão...
Tôi đã tìm hiểu về thế giới các Miko, còn bây giờ là các Geisha, một nét văn hóa ở đất nước Nhật Bản hiện đại, nền kinh tế đứng thứ ba thế giới.
Chúng ta có thể nuối tiếc "xẩm chợ" “ả đào” “ca trù”… mai một, nhưng bù lại thời nay chúng ta đã có “ca ve” “ karaoke ôm” với những "chân dài".
Chắc rằng UNESCO còn được công nhận "di sản phi vật thể" nhiều nhiều…

Bài sưu tầm và  tổng hợp các thông tin về Geisha trong văn hóa Nhật Bản.


Bức tranh vẽ geisha, năm 1811
Geisha (tiếng Nhật: Nghệ giả, là "con người của nghệ thuật"), nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện, một nghệ thuật giải trí tuyền thống của Nhật Bản.
.
Phát âm tiếng Anh (gei- phát âm như ghi), như trong nhóm từ geisha girl, mang nghĩa rộng là gái mại dâm. Điều này liên quan đến thời kỳ Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản sau Đệ nhị thế chiến, khi những phụ nữ trẻ cần tiền đã tự gọi mình là geisha và bán dâm cho lính Mỹ.
.
Ở Việt Nam, có người dịch geisha là "kỹ nữ Nhật". Tuy nhiên, cách dịch này dễ gây hiểu nhầm, vì trong tiếng Việt, từ "kỹ nữ" có ý chỉ phụ nữ hoạt động mại dâm. Có từ điển dịch geisha là "vũ nữ Nhật". Tuy nhiên, cách dịch này không chính xác vì múa chỉ là một trong các loại hình nghệ thuật truyền thống mà geisha biểu diễn. Ngoài ra, có ít người sử dụng cách dịch này.

Hình thành và phát triển


Geisha khởi nguồn là những người giải trí chuyên nghiệp, ban đầu họ hầu hết là nam giới. Geisha sử dụng kỹ năng nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, trong đó có âm nhạc, múa và kể chuyện. "Geisha thành phố" (machi geisha) hoạt động tự do tại các buổi tiệc bên ngoài các khu phố giải trí, trong khi các "geisha khu phố" (kuruwa geisha) làm giải trí cho khách trong các buổi tiệc.

Theo truyền thống, geisha bắt đầu được huấn luyện từ khi còn nhỏ. Các cô gái đã được bán cho các nhà geisha từ khi còn là trẻ con và bắt đầu học nhiều thể loại nghệ thuật truyền thống gần như ngay lập tức.

Giai đoạn đầu tiên, đôi khi geisha làm việc với vai trò người hầu gái hay người giúp việc cho các geisha có kinh nghiệm, và tiếp trong giai đoạn huấn luyện là vai trò geisha học việc (maiko).

Theo truyền thống, geisha không được liên quan đến các hoạt động tình dục.

Một geisha thực thụ 

Geisha hiện đại

Các geisha hiện đại vẫn sống trong những ngôi nhà truyền thống gọi là okiya tại các khu vực gọi là hanamachi ("hoa nhai" - khu phố hoa), trong thời gian học việc của họ. Tuy nhiên, nhiều geisha giàu kinh nghiệm lại chọn cách sống trong những căn hộ của chính mình. Thế giới thanh lịch và văn hóa cao mà các geisha là một phần trong đó được gọi là karyūkai ("hoa liễu giới" - thế giới của hoa và liễu).


Khu phố của các geisha
  
Hiện nay, phụ nữ trẻ muốn được trở thành geisha sau khi đã hoàn thành THCS, THPT hoặc ĐH, nhiều người khi đã ở tuổi trưởng thành. Geisha học những nhạc cụ truyền thống như shamisen, shakuhachi (sáo trúc) và trống, cũng như những bài hát truyền thống, múa cổ điển Nhật, trà đạo, ikebana (cắm hoa Nhật), văn học và thơ ca. Từ việc quan sát các geisha khác cùng với sự giúp đỡ của chủ nhà geisha, những người học việc cũng trở nên điêu luyện trong các truyền thống xung quanh việc lựa chọn và mặc kimono, cũng như cách cư xử với khách hàng.


Kyoto là nơi có truyền thống geisha còn lại mạnh nhất. Hai trong số các khu phố geisha truyền thống và danh tiếng nhất là Gion và Pontochō đều ở Kyoto. Geisha trong các khu phố này được gọi là geiko. Các "khu phố hoa" Shimbashi, Asakusa và Kagurazaka tại Tokyo cũng nổi tiếng.


Nhật Bản ngày nay, hiếm khi nhìn thấy geisha và maiko. Vào năm 1920, tại Nhật Bản có trên 80 nghìn geisha, ngày nay dưới 1000 người. Tuy nhiên, các du khách đến khu Gion ở Kyoto rất dễ nhìn thấy một maiko đang trên đường đến hoặc về từ một cuộc hẹn.

Một geiko đang tiếp một thương gia
tại một cuộc tụ họp tại Gion, Kyoto
 

Geisha thường được thuê để tham dự các buổi tiệc và tụ họp tại các quán trà (chaya) hoặc tại các nhà hàng Nhật Bản truyền thống (ryōtei). Thời gian làm việc của họ được đo theo thời gian một cây hương cháy hết và được gọi là senkōdai (tuyến hương đại) hoặc gyokudai (ngọc đại - "giá ngọc").
Ngọai hình
Ngoại hình của một geisha thay đổi theo nghề nghiệp, từ kiểu trang điểm trẻ trung, đậm của một maiko, cho đến diện mạo được trang điểm trầm hơn của một geisha lớn tuổi và đã có tiếng.


Trang điểm
Ngày nay, trang điểm truyền thống của một geisha tập sự là một nét đặc trưng, tuy nhiên, chỉ trong các buổi trình diễn đặc biệt, các geisha từng trải vẫn được trang điểm với bộ mặt dày lớp phấn trắng mà tạo nên tính cách của maiko.

Trang điểm truyền thống của một geisha tập sự bao gồm một lớp phấn nền dày, màu trắng với thỏi son màu đỏ và phần sắc đỏ và đen quanh mắt và lông mày.


Trang điểm trước khi mặc trang phục để tránh làm bẩn bộ kimono. Đầu tiên, một ít sáp ong hoặc dầu, bôi lên da. Tiếp, phấn trắng được trộn với ít nước và được bôi lên mặt với một cây cọ được làm từ tre. Lớp phấn trắng này sẽ bao phủ khắp mặt, cổ, ngực và đôi bàn tay, và để lại hai hoặc ba vùng tối (vùng có dạng hình chữ "W" hoặc "V") bên trái gáy, để làm nhấn mạnh vùng gợi dục truyền thống, và có chừa lại một đường viền không đánh xung quanh chân tóc, đường này tạo nên cảm giác "mặt nạ" của khuôn mặt sau khi trang điểm.

Sau khi đã phủ xong lớp phấn nền, bọt biển sử dụng để dặm cho phấn đều khắp mặt, cổ, ngực và gáy để làm mất độ ẩm dư thừa và lớp phấn được mịn. Phần mắt và lông mày được vẽ lại. Bút chì than truyền thống được sử dụng để vẽ mắt, nhưng ngày nay, người ta sử dụng các dụng cụ trang điểm hiện đại. Lông mày và các viền mắt được tô màu đen; một maiko thường tô một màu đỏ quanh mắt.






Một cây cọ nhỏ để tô đôi môi. Màu đỏ lấy từ một ống nhỏ, màu có thể tan trong nước. Đường kết tinh sau đó được cho thêm vào để đôi môi được bóng hơn.

Trong ba năm đầu tiên, một maiko luôn phải trang điểm dày như thế này, được một "người chị" giúp đỡ. Dần dần, maiko sẽ tự trang điểm lấy cho bản thân.

Sau khi geisha đã làm việc được ba năm, cô sẽ thay đổi trang điểm sang phong cách dịu hơn.



Khi đã trở thành một geisha thuần thục, kiểu trang điểm đơn giản sẽ cho thấy nét đẹp tự nhiên. Trong một vài buổi tiệc trang trọng các geisha thuần thục sẽ vẫn trang điểm kiểu lớp phấn trắng dày.

Trang phục
Geisha thường mặc kimono. Geisha tập sự mặc bộ kimono có nhiều màu sắc với nơ lưng (obi) rất to. Geisha lớn tuổi hơn mặc trang phục với kiểu dáng và hoa văn dịu nhẹ hơn.

Màu sắc, hoa văn và kiểu kimono cũng phụ thuộc vào mùa trong năm và sự kiện mà geisha tham dự. Vào mùa đông, bên ngoài áo kimono, geisha có thể khoác một chiếc áo choàng có chiều dài khoảng bằng 3/4 so với kimono, áo choàng này được lót bằng lớp vải lụa có hoa văn vẽ bằng tay. Để may một chiếc kimono có thể cần đến 2 hoặc 3 năm do phải thêu và vẽ lên vải.



Khi ra ngoài, geisha đi dép có đế phẳng zori, còn khi ở nhà chỉ đi tabi (tất chân có sẻ ngón màu trắng). Vào lúc thời tiết khắc nghiệt, geisha sẽ đi một đôi guốc bằng gỗ, được gọi là geta. Maiko thường đi đôi guốc gỗ được sơn màu đen, gọi là okobo.

Kiểu tóc
Kiểu tóc của geisha đã thay đổi nhiều qua các thời kỳ lịch sử. Trong quá khứ, có thời kỳ phụ nữ thường để xoã tóc, có thời kỳ họ lại vấn tóc lên. Trong thế kỷ 17, những người phụ nữ lại bắt đầu cột tóc lên lần nữa và trong thời gian này đã phát triển kiểu tóc truyền thống shimada - một dạng của kiểu tóc chignon mà đa số geisha thực thụ sử dụng.


Kiểu tóc quen thuộc của các Geisha

Có 4 loại kiểu tóc shimada chính: kiểu taka shimada, kiểu này thường có búi tóc cao, được những cô gái trẻ, chưa chồng sử dụng; kiểu tsubushi shimada, có búi tóc thấp hơn được những người phụ nữ nhiều tuổi hơn sử dụng; kiểu uiwata, kiểu tóc có búi tóc được vấn với một mảnh vải bông màu; và kiểu tóc mà được chia múi tương tự như quả đào, chỉ được các maiko sử dụng.

Các kiểu tóc được trang điểm cầu kỳ với lược và trâm. Vào thế kỷ 17 và thời kỳ sau cải cách Minh Trị, những chiếc lược khá to và dễ thấy, nói chung là với phụ nữ thuộc tầng lớp càng cao thì kiểu dáng lược càng lộng lẫy hơn. Sau thời kỳ cải cách Minh Trị và đến giai đoạn hiện đại, những chiếc lược nhỏ hơn và ít lộ liễu hơn đã trở nên thông dụng hơn.

Thế giới kì bí của Geisha
Phương Tây cho rằng geisha là một dạng gái điếm cấp cao nhưng với người Nhật, geisha là các nghệ sĩ thực thụ với khả năng đàn, hát, múa và kỹ năng chuyện trò với khách.


Geisha 23 tuổi, trước gương để chuẩn bị cho một cuộc hẹn.
Trên người cô là chiếc kimono dài 1,5m làm bằng lụa.

Chiếc thắt lưng to bản bằng lụa, còn gọi là obi,
phải nhờ đến đôi bàn tay khỏe mạnh của đàn ông.


Komomo lướt đi trên con phố cổ kính của cố đô Kyoto để đến chỗ hẹn với khách. Trong quan niệm của người phương Tây, geisha có nghĩa là gái điếm. Nhưng trên thực tế, các kỹ nữ mua vui cho khách bằng việc đàn, hát, múa và nói chuyện giải khuây.
  


Các maiko, người đang học để trở thành geisha, trình diễn trong lễ hội mùa xuân ở nhà hát Kaburenjo ở Kyoto. Muốn trở thành geisha phải bắt đầu từ khi còn rất nhỏ. Maiko là bước thứ ba trong quá trình và thông thường kéo dài 5 năm trước khi trở thành geisha thực thụ.

Komomo biểu diễn trong nhà hát Kaburenjo.
Bộ kimono bằng lụa được thêu tay có giá hơn 10- 20.000 USD
. 


Mái tóc được vấn cầu kỳ của geisha.
Để giữ được dáng tóc trong vài ngày, khi ngủ,
các geisha phải dùng loại gối đặc biệt kê ở cổ.


Một geisha biểu diễn màn múa quạt.


Phân biệt giữa Geiko và Maiko

Maiko: được ghép bởi từ "mai" (nhảy múa) và “ko” (trẻ con), maiko là cách gọi các thiếu nữ mới vào nghề, đang ở giai đoạn học tập, rèn luyện. Sau đó khi đến 20 tuổi các cô sẽ phải quyết định theo nghề để trở thành Geiko hay không.
Geiko: là cách gọi một geisha đã hành nghề thuần thục của cố đô Kyoto (vùng mà đến nay vân gìn giữ được phần lớn những phong tục cổ truyền về giới geisha của Nhật Bản)

Một geiko đứng cạnh hai maiko tại cố đô Kyoto 

Phân biệt qua trang phục
Các maiko thường mặc kimono sặc sỡ mầu sắc còn kimono của geiko sẽ có màu sắc nhã nhặn hơn. Chiếc thắt lưng (obi) của maiko được thắt theo kiểu dáng gọi là ‘darari’ (thắt thành bản dài phủ qua hông) trong khi các geiko sẽ thắt obi theo các kiểu dáng nơ mà thông thường ta vẫn gặp ở người mặc trang phục kimono.


Kiểu thắt lưng đặc trưng của các maiko 

Phân biệt giữa kiểu tóc
Kiểu tóc tùy thuộc vào mỗi giai đọan trong nghề của maiko nhưng đều được quấn bằng tóc thật của các cô và được trang trí bằng trâm hoa rực rỡ hơn trong khi geiko sử dụng búi tóc giả. Và tùy theo mùa trong năm mà hoa trang điểm trên mái tóc maiko có sự thay đổi.


Các trâm hoa cài đầu sặc sỡ của maiko  

Phân biệt qua trang điểm



Trong các buổi tiệc đặc biệt trang trọng, giữa maiko và geiko không có sự khác biệt về mặt trang điểm. Tuy nhiên, thật dễ để phân biệt họ trong đời thường vì các maiko thường trang điểm thật đậm hàng ngày trong khi geiko lại trang điểm nhã nhặn hơn để thể hiện sự trưởng thành của mình.

Maiko múa phụ cho geiko tại các bữa tiệc 

…và từ đôi guốc họ đi 

Các maiko ở Kyoto ngày nay trên đôi guốc okobo cao lênh khênh 
Các geiko đi guốc gỗ truyền thống geta trong khi các maiko sẽ đi loại guốc gỗ cao hơn gọi là okobo (độ cao khoảng 11-15cm). Màu sắc của quai guốc okobo này cũng cho ta biết thời gian thực tập của một maiko.
Các maiko ở Kyoto ngày nay trên đôi guốc okobo cao lênh khênh. Okobo màu đỏ là dành cho các maiko mới vào nghề được 1 năm.


Riêng mùa hè, okobo của maiko sẽ có màu đen.
Sau thời gian luyện tập vất vả và nghiêm túc kéo dài trong 3-5 năm,
họ chuyển qua okobo màu vàng và đi nó cho tới khi được chứng nhận là một geiko.

Một số hình ảnh Geisha.


Geisha trong trang phục mùa đông(1885)

Hai geikos

Memoirs_of_a_Geisha_Poster

Three maikos (1885)




----------------

Theo soi.today.
Tranh “Anh đào đêm” nhân vật chính lại là các cô “anh đào” di động xiêm áo sặc sỡ bên dưới cành hoa. Ba cô này trông có vẻ đều là oiran cả. Cô ở giữa có lẽ là chị đại, có áo (hay khăn?) hình hổ, lại đội cả đống trâm trên đầu. Còn cô bên trái thì lại không rõ là đội hay búi tóc kiểu gì mà nhìn giống như chùm nho.


Chi tiết ba kiểu đầu.


Trang phục trong tranh rất chi tiết và cầu kỳ, đôi khi lên đến mức bất thường. Tuy vậy, đó lại là thị hiếu thẩm mĩ của thị dân Edo thế kỷ 18 (thể hiện rõ nét nhất qua phục trang của kịch Kabuki), phô trương và màu mè, tuy rõ ràng rất mang tính kịch, nhưng lại đẹp và hài hòa, không mang vẻ kệch cỡm.

Utagawa Kuniyoshi, “Vui tuyết đầu mùa” (1847-52), thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Boston
Geisha là từ mà ai cũng bật lên trong đầu khi nghe nói về “kỹ nữ Nhật Bản”. Thế nhưng, nhiều sách du lịch của Tây khi viết về Nhật đã phải nhắc đi nhắc lại: geisha không phải gái điếm (nhẽ sợ khách đi vòi vĩnh các cô?). Vậy geisha là như thế nào?
Thời xưa có những cô gái hát hay, múa giỏi, biết đánh đàn, thường được gọi đến nhà các quý tộc để biểu diễn (dịch vụ này có từ thời xa xưa, trước cả khi thị dân phát triển rất lâu). Các cô này gọi là odoriko (dịch là con múa, tương tự như con hát trong tiếng Việt). Dĩ nhiên nếu các cô này đẹp thì sẽ được quý tộc mua thêm dịch vụ ngủ cùng.
Khi các khu “phố vui” phát triển vào thời Edo, các cô này trở thành các oiran. Nhiều cô kĩ nữ cấp thấp hơn, cũng hát hay múa giỏi, nhưng không có địa vị cao để làm oiran, thì tự gọi mình là geisha (nghệ giả, theo tên gọi những nghệ sĩ nam giới chuyên phục vụ mua vui cho giới nhà giàu).
Tuy nhiên, khi nói tới geisha, người ta nhắc đến Ngũ hoa nhai (Gokagai), năm khu phố hoa, ở Kyoto, chứ không nói đến Yoshiwara ở Edo. Hai khu phố hoa nổi tiếng nhất là Gion và Ponto-chō, với rất nhiều kỹ phường đào tạo maiko (cũng có nghĩa là con múa, từ này dành riêng cho geisha tập sự ở Kyoto).

Dần dần, geisha tách riêng ra thành một giới kĩ nữ thuần túy kĩ, không có dịch vụ đi kèm về đêm. Các cô geisha sẽ phục vụ trong các trà quán, còn ai muốn dịch vụ thêm thì vào thanh lâu (seirō). Đến sau Thế chiến thì chính quyền mới của Nhật(–Mỹ) cấm mại dâm, nên dù muốn dù không, geisha cũng chỉ được phục vụ nghệ thuật thuần túy. Còn các thể loại biến tướng trá hình (ví dụ soapland) thì là một câu chuyện khác.