Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

BÔNG LÚA CHÍN LÀ BÔNG LÚA CÚI ĐẦU


BÔNG LÚA CHÍN LÀ BÔNG LÚA CÚI ĐẦU
Thành ngữ Nhật: – 実(みの)る程頭(ほどあたま)の下(さ)がる稲穂(いな.

"...Câu thành ngữ của người Nhật :"Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu " chính là từ các thế hệ đi trước muốn răn dạy thế hệ sau hãy làm người và sống như bông lúa. Lúc bông lúa bị sâu bệnh hạt bị lép bông lúa sẽ vươn lên đứng thẳng còn khi bông lúa được mùa và trĩu bông, bông lúa sẽ cúi đầu, con người cũng vậy khi khó khăn hãy vươn lên đứng thẳng còn khi thành công hãy biết cách cúi đầu và không kiêu ngạo. 

Chính triết lý về bông lúa ấy đã được lưu truyền và làm nên một nước Nhật như ngày nay, một nước Nhật khiêm nhường, một nước Nhật biết đứng lên làm cả thế giới phải ngưỡng mộ..."


Văn hóa cúi đầu của người Nhật
"...Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu " được người Nhật áp dụng vào rất nhiều trong cuộc sống, khi chào hỏi người Nhật dùng tư thế cúi đầu đặc biệt của mình để thể hiện sự tôn trọng đối phương. Trong rất nhiều trường hợp cúi đầu còn thể hiện sự biết ơn hay xin lỗi của người Nhật, người Nhật cúi đầu giống như bông lúa cúi đầu vậy.


MỘT BÀI CA MÙA THU BẤT TỬ




MỘT BÀI CA MÙA THU BẤT TỬ

ĐINH KỲ THANH

Trải qua bao thập niên rồi nhưng nhiều thế hệ khán, thính giả yêu nhạc Việt Nam vẫn say mê thả hồn mình vào giai điệu mượt mà, thanh khiết và quyến rũ của Phạm Duy cũng như những vần thơ tình tứ và mê đắm của Bùi Giáng qua tác phẩm “Mùa Thu chết”.
Có lẽ không một ai khi nghe bài hát này không nhớ những câu ca:
…. Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: mùa Thu đã chết rồi….

Nhiều khán, thính giả thưởng thức bài ca bất hủ này đã không để ý tới xuất xứ kỳ lạ của nó và không hề nghĩ rằng đây chính là một minh chứng điển hình của sự kết hợp từ Thơ tới Nhạc, một sự liên kết xuyên qua không gian và thời gian của niềm cảm hứng và của sự liên tưởng thiên tài của những thế hệ tác giả sống rất cách xa nhau.

Nguyên tác ban đầu của “Mùa Thu chết” chỉ là một bài thơ ngắn mang tên L’ Adieu của nhà thơ Guillaume Apollinaire (1880–1918), một thi hào Pháp nổi tiếng sống vào đầu thế kỷ XX. Ông là một nhà thơ Pháp gốc Ba Lan có tên thật bằng tiếng Ba Lan là Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris de War – Kostrowitcki, khi chuyển từ Ý về sống tại Paris đã đổi qua tên Pháp là Guillaume Apollinaire do sự kết hợp hai chữ Wilhelm và Apollinaris.
Bài thơ tuyệt tác L’Adieu của ông chỉ có năm câu như sau:

“ J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends”

Nhà thơ Bùi Giáng sống tại Sài Gòn trong khoảng nửa cuối thế kỷ XX đã đồng cảm tài tình với tứ thơ của đại thi hào Pháp để chuyển ngữ qua tiếng Việt thành bài thơ “Lời vĩnh biệt” đầy tính cách thơ tình Việt Nam duyên dáng như sau : 
“ Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ chẳng tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian, mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé, ta vẫn chờ em đó…”

Cảm được tứ thơ của người xưa, chuyển tải tài hoa qua vần thơ tám chữ Việt Nam hết sức kiêu sa và lãng mạn, lại rất phù hợp với hơi hướng Mùa Thu hoa mộng thường được coi là mùa của chia ly và của nỗi buồn man mác lòng người, Bùi Giáng đã như truyền nguồn điện thiêng liêng gợi mở tâm hồn của Phạm Duy để người nhạc sĩ lãng mạn và đa tình này ngân rung lên giai điệu tuyệt vời da diết, khắc khoải của “Mùa Thu chết”….
Phổ thơ Bùi Giáng (phóng tác Apollinaire) song Phạm Duy đã nâng lên không cùng sự tưởng tượng với nỗi đau xa cách người yêu và khóc hận vì mùa Thu đã chết .
Lời của bài ca bỗng mở rộng và biến hóa như sau :
“ Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo
Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi…
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho Mùa Thu đã chết…
Đã chết thật rồi…
Em nhớ cho 
Hai chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này…
… Từ nay mãi mãi không thấy nhau…
… Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta mãi chờ em
Mãi chờ em
Mãi chờ em
Mãi chờ
Mãi đợi….
Đợi chờ em…”
Từ bài “L’Adieu” Pháp ngữ êm đềm và truyền cảm của Guillaume Apollinaire chuyển qua thơ Việt tài tình và mê đắm của Bùi Giáng, đến bài ca “Mùa Thu chết” của Phạm Duy, tác phẩm đã có một sự “thoát xác” hoàn toàn và chuyển hóa thành một bản tình ca Việt lâm ly, tiêu biểu cho cuộc sống đô thị của miền Nam nước ta vào một thời lãng mạn song cũng còn nhiều bất trắc… 
Biết được những bước đường từ Thơ tới nhạc của bài ca này chúng ta càng thêm yêu thêm quý và trân trọng sự đồng điệu của ba tâm hồn nghệ sĩ xuyên qua không gian từ Âu sang Á và xuyên suốt thời gian từ đầu tới nửa cuối thế kỷ XX.
Mỗi độ Thu về, tiết trời se lạnh, lòng dạ bâng khuâng, tâm hồn ta chợt ngân rung lên giai điệu bài ca Mùa Thu chết của Phạm Duy chúng ta hãy kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới hai thi sĩ Việt và Pháp đã để lại cho chúng ta những vần Thơ bất hủ “Lời vĩnh biệt”…
----


Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Bên lề trang sách Osho

Bên lề trang sách Osho

 Hồ Anh Thái



Tôi chưa thấy cuốn sách nào viết về khía cạnh triết học của tình dục lại thấm thía, có sức thuyết phục như cuốn sách của Osho, Quà tặng của tạo hóa(*). Đây là cuốn sách có thể đọc nhiều lần, và tôi rất muốn mời mọi người đọc lại.
Osho chủ trương một nhân loại mới, một nhân loại hiểu sâu sắc về tình dục, tự do tình dục, không đè nén tình dục, từ đó mà thoát khỏi bị tình dục ám ảnh, hướng đến một đời sống độc thân và sáng tạo. Nhưng để độc thân thì phải hiểu và trải nghiệm đầy đủ tình dục, không bị kiềm chế kìm hãm. Sự trải nghiệm có thể ở kiếp này nhưng cũng có thể là từ nhiều kiếp trước. Bản thân Đức Phật là người cực kỳ mạnh mẽ để rồi sau đó mới tự do vượt lên tình dục, thành một trí tuệ siêu việt.
Nhân loại luôn luôn bị ám ảnh bởi tình dục, bởi vì bị các tôn giáo đè nén. Tôn giáo nào cũng tuyên truyền tình dục là xấu xa tội lỗi. Họ cần tạo cho nhân loại ấn tượng là nhân loại tội lỗi, như vậy nhân loại mới cần đến tôn giáo, cần đến Thượng Đế. Một khi nhân loại trải nghiệm tình dục một cách triệt để, được giải phóng thân thể và tư tưởng, nhân loại không cần đến tôn giáo và Thượng Đế nữa.
Khi con người được giác ngộ về tình dục, một nhân loại mới sẽ ra đời. Đời sống độc thân khi ấy vẫn sinh ra trẻ con, nhưng là cách sinh sản có ý thức để tạo ra nhân loại. Khi ấy trẻ con sinh ra không phải là hậu quả của tình dục, như khách không mời mà đến, mà như một chủ thể được chờ đón, có dự tính hẳn hoi. Nhân loại ấy đã được giải phóng khỏi tình dục, và năng lượng sáng tạo sẽ ở mức độ cao hơn gấp nhiều lần.
Khi tôi đến Ấn Độ năm 1988, đã biết Osho có một thiền viện ở Bombay. Đồ đệ của ông hầu hết đều là người phương Tây mắt xanh tóc vàng. Còn có nhiều người từ Đông Á sang. Họ mặc đồng phục màu vang đỏ boocđô, cả thiền viện đỏ rực như kết thành một giáo phái. Khi ông qua đời năm 1990, ở tuổi 59, môn phái này thông báo: Osho không hề ra đời, không hề chết, mà chỉ đến viếng thăm trái đất hành tinh này từ 11-12-1931 đến 19-1-1990:
OSHO
Never Born
Never Died
Only Visited this
Planet Earth between
December 11, 1931 – January 19, 1990

Báo Sunday Times xếp Osho trong số 100 nhà kiến tạo của thế kỷ XX. Nhà văn Mỹ Tom Robbins nói: Osho “là người nguy hiểm nhất kể từ Đức Jesus Christ" (the most dangerous man since Jesus Christ). Nguy hiểm theo nghĩa sự xuất hiện của các vị có thể làm rung chuyển cả thế gian này.
Không phải triết thuyết nào của Osho cũng dễ hiểu, điều đó khiến tôi ngạc nhiên khi thấy sách của ông lại được tiếp nhận khá rộng rãi trong giới trí thức Việt Nam, ở cả phương Tây là nơi nhiều khái niệm triết học Ấn Độ và phương Đông không dễ hiểu.
Khác với nhiều nhà truyền giáo, nhiều bậc thầy dẫn dắt đồ đệ, tư tưởng của Osho ít tính bình dân, không theo tiêu chuẩn dễ hiểu, dễ lôi kéo. Thế mà, tư tưởng ấy lại được tiếp nhận khá rộng rãi. Chỉ có thể tạm nghĩ ngợi rằng trí tuệ của nhân loại đã đạt tới một cái tầm khá lạc quan.

*
*   *
Ấn Độ thời nay vẫn còn duy trì việc sắp đặt hôn nhân. Chỉ trừ những người Âu hóa trong những thành phố lớn, còn thì ở đâu cũng là cha mẹ thu xếp dựng vợ gả chồng cho con cái. Nhờ mối lái đưa tin. Cha mẹ trực tiếp xem mặt và nghe ngóng về đối tượng. Giáo sĩ xem sao tính tuổi. Rất nhiều cặp phải đến đêm tân hôn chú rể gỡ mạng che mặt cô dâu ra mới biết mặt nhau. Ấy thế, tỷ lệ hòa hợp giường chiếu là rất cao. Hòa hợp là cơ sở cho sự bền vững. Một cuộc hôn nhân sắp đặt, đích đến mong ước của nó bao giờ cũng là sự bền vững, trật tự, ổn định. Đích đến của nó không theo tiêu chuẩn tự do của phương Tây: sự chia sẻ tư tưởng, sự cảm thông tinh tế, tự do cá nhân và tính tự quyết.
Tôi từng biết những cặp sinh viên Ấn Độ, đi học xa nhà, khuất mắt phụ huynh, họ có thể tự do yêu đương. Nhưng khi học xong thì chia tay nhau, trở về quê nhà, lấy ai là do cha mẹ sắp đặt. Họ chấp nhận. Họ vừa là người của thời đại mới, lại vừa thuộc về những tập quán hàng nghìn năm.
Trong hôn nhân sắp đặt, người ta lấy nhau trước hết là để đẻ con, mục đích ấy đặt cao hơn mục đích theo đuổi khoái lạc. Còn lâu mới đạt tới chủ trương tạo ra một nhân loại mới như Osho đề cập. Nhưng hôn nhân sắp đặt kiểu Ấn có thể manh nha trong ấy yếu tố làm ra những đứa trẻ theo lối tạo dựng một nhân loại mới, theo chủ ý của cha mẹ, không phải vì tính toán sai.
Thực tế là vẫn có những tính toán sai. Rất nhiều.

*
*    *
Ở phương Đông, nếu là hôn nhân tự do, hôn nhân tự nguyện, tự lựa chọn, thì cuộc hôn nhân đầu tiên thường là do sức ép của tình dục.
Dù là đời sống hiện đại thì con người vẫn lùng nhùng trong đám mạng nhện truyền thống. Vẫn còn đấy những thành kiến lâu đời với tình dục. Một người con trai sau bao đắn đo quyết định lấy vợ là để thoát khỏi tình trạng chăn gối cô đơn và những ám ảnh tình dục. Rất nhiều người chưa thực sự hài lòng với đối tượng, chẳng qua kết hôn là vì tuổi tác đã chín, điều kiện kinh tế đã chín. Cắm sào đợi nước bao giờ mới trong. Thôi thì nhắm mắt đưa chân. Có gì thì đổ cho số phận, đổ cho tạo hóa sắp đặt.
Từ tình trạng giường đơn gối chiếc chuyển sang góp gạo thổi cơm chung. Như vậy là có đồ ăn sẵn trong nhà, nó làm nguôi dịu những ám ảnh tình dục của tuổi sung mãn. Ám ảnh và áp lực ấy từng gây nên những nổi loạn ở tuổi mới lớn. Làm ngược với lời người lớn, xung đột với phụ huynh, muốn bỏ đi thật xa, có xu hướng tự tử… rất nhiều khi là biểu hiện của một cơ thể không được thỏa mãn tình dục.
Ngày trước, người đàn ông có năm thê bảy thiếp. Một ông đồ nho, một bá bác phó mộc đi hành nghề tỉnh này qua tỉnh khác, đến đâu có vợ đấy. Vợ như một thứ cơm nguội, một thứ lương khô, được dự trù, được để dành cho những cơn đói bất chợt.
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng
Người vợ ngày xưa chỉ dám nhìn nhận thân phận mình như cơm nguội để sẵn trong nhà, đói lên thì ăn, và là ăn tạm. Dù có cao lương mỹ vị ngoài thiên hạ thì vẫn phải giữ lấy cơm nguội trong nhà mình, phòng khi ngày nắng ngày mưa, phòng khi tháng tám ngày ba giáp hạt.
Ngày nay người ta tự do lựa chọn bạn đời. Nhưng như đã nói, hầu như các cuộc hôn nhân đều là hùng hục xông tới, do sức ép của tình dục. Nói nôm na: người ta lấy nhau là vì đói và cần có cơm nguội để sẵn trong nhà. Rất ít cuộc hôn nhân thản nhiên tự nhiên mà đi tới. Càng ít những cuộc hôn nhân trầm tĩnh tính toán rằng đã đến lúc phải tạo ra một nhân loại mới như ý tưởng của Osho.
Như một hệ quả tự nhiên, con cái sinh ra từ những cuộc hôn nhân ấy đều là “những con người do vô ý sinh ra”. Đấy là bắt chước một câu thơ phổ biến một thời.
Những con người do vô ý sinh ra. Tôi nhìn thấy cặp mắt thấu hiểu của Osho đang nhìn chằm chằm vào nhân loại này - không phải cái nhân loại mới mẻ được sinh ra một cách có ý thức, trước khi hoài thai đã được chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng và vật chất. Đây là một nhân loại tùy tiện của hai yếu tố âm dương gặp nhau và cứ thế trôi nổi vào một thế giới vô minh.
Ta không cần hình dung thêm về chặng đường sau đó, trong một thế giới chục tỉ người. Chỉ biết rằng nói đến đây thì biết đang có phản biện, rằng cái nhân loại mới mà Osho chỉ ra đó, nhân loại ấy rất có thể chỉ là sản phẩm của một quan niệm máy móc, của sinh sản kỹ nghệ.
Làm ra cả một nhân loại mới ư? Bao nhiêu tôn giáo đã phấn đấu cho điều này, nhưng con người vốn là cộng đồng chia rẽ thiếu đồng tâm.
Tuy vậy trong phạm vi từng gia đình thì cái dự án nhân loại mới ấy biết đâu cũng có lúc thành tựu. Ở chỗ này có khi cũng cần nói thêm, những cặp vợ chồng muộn con, lấy nhau mãi mà không sinh con được, phải đi cầu tự, phải cúng vái, phải thuốc tây thuốc nam thuốc bắc, phải nghiên cứu kỹ lưỡng những phương pháp sinh con. Những cặp vợ chồng ấy, rốt cuộc sau dăm bảy năm hoặc một vài chục năm cũng sinh được con bằng cách thức tự nhiên. Như vậy, rất có thể chính là họ đã tạo ra một nhân loại mới, một nhân loại không phải do vô ý sinh ra, mà được tính toán kỹ, quá kỹ. 

*
*   *
Osho từng hàm ý một nhân loại sinh ra trong bầu khí quyển không kỳ thị tình dục, các tôn giáo không áp chế con người về chuyện tình dục, con người được tự do cởi mở về tình dục. Một nhân loại được giải phóng như vậy thì giao hoan là khi hòa hợp được cả các yếu tố thiên địa nhân. Chỉ một cuộc giao hoan như sấm sét ấy có thể đủ mang đến sự thỏa mãn và khoái cảm cho cả cuộc đời. Từ đấy về sau, người ta không còn vướng bận ám ảnh về tình dục nữa, người ta có thể tập trung năng lượng để sáng tạo. Từ đấy, tình dục, khi cần thiết, chỉ là thứ để tạo ra con người, tạo ra một nhân loại mới. Và cũng chỉ bằng cách ấy mới có một nhân loại thực sự sáng tạo.
Người theo chủ nghĩa hưởng lạc có thể nói rằng, khác với Osho, tình dục là thứ càng uống càng khát càng ăn càng đói. Đấy là một kiểu lập luận suy bụng ta ra bụng người, trong khi nhân loại mà Osho đề cập là một nhân loại khác, với những điều kiện thiên địa nhân khác. Phải là một nhân loại lý tưởng thì mới có thể sinh ra những đứa con từ tính toán tỉ mỉ kỹ càng, không phải từ thăng hoa ngẫu hứng, mà những đứa con ấy khi lớn lên lại càng trưởng thành về trí tuệ và tinh thần sáng tạo.

*
*   *
Hôn nhân do áp lực của tình dục còn có một hệ quả: sớm xảy ra khủng hoảng quan hệ vợ chồng. Thông thường một cuộc hôn nhân sau mười năm thì rơi vào cuộc khủng hoảng tình dục. Con cái đã tương đối cứng cáp, đã bắt đầu đến trường, cái lo cho con đã không còn là quan tâm hàng đầu. Khi ấy bắt đầu sự nhàm chán trong đời sống vợ chồng. Đấy chính là giai đoạn người ta dễ sa vào quan hệ ngoài hôn nhân. Không thế thì cũng có nhiều xích mích va chạm, dễ dẫn đến tan vỡ.
Thời đại mới, yêu nhau dễ dàng, lấy nhau dễ dàng, tan vỡ cũng dễ dàng. Sau cuộc hôn nhân đầu, mục đích sâu xa là để giải tỏa tình dục, thức ăn nhanh và thức ăn sẵn ở trong nhà cũng nhanh chóng gây nhàm chán. Đấy là lý do những cuộc hôn nhân thời nay thường nhanh hợp mà cũng nhanh tan. Cơm nguội đã sẵn có trong nhà nhưng tâm trí người ta luôn hướng ngoại, cuộc đời triền miên là một cuộc hướng ngoại và săn tìm đối tượng mới. Ám ảnh chỉ nguôi đi khi đến tuổi mãn dục, lúc ấy con người mới có thể thôi sôi sục điên cuồng, mọi khát khao đã lắng dịu, để đạt tới một sự trầm tĩnh đầy phẩm hạnh. Sự lắng dịu ấy cần thiết cho nhân loại để tập trung làm những việc lớn lao của cuộc đời. Nhưng lực bất tòng tâm, lúc ấy tinh thần và thể chất đã suy nhược.
Một thế giới mà những cuộc ghép đôi phần nhiều đều do áp lực của tình dục, của hưởng thụ vội vàng, ở thế giới ấy chưa thể đặt ra vấn đề tạo dựng một nhân loại mới. Có lẽ vẫn chỉ là một ý tưởng mà thế giới càng vận động thì nó càng trở nên xa xôi.

*
*    *
Ở cuốn Quà tặng của tạo hóa đã nhắc ở trên, có hai cuộc đối thoại mà tôi xin tóm tắt lại:
Một giáo sĩ hỏi sư phụ:
- Con có thể hút thuốc trong khi thiền định được không?
- Không bao giờ.
Một giáo sĩ khác hỏi:
- Con có thể thiền định trong khi đang hút thuốc được không?
- Đó là ý tưởng tuyệt vời.

Cũng như vậy, Osho dẫn ta đi đến một chân lý: có thể thiền định khi đang làm tình, nhưng không phải là làm tình khi đang thiền định.
Quá trình thiền định được thực hiện như thế nào thì ta phải tự đọc cuốn sách này để trực tiếp nghe Osho diễn giảng.

Nguồn: Văn nghệ quân đội, 7-4-2018


(*) Quà tặng của tạo hóa – Minh triết tình yêu & siêu thức, Lê Tuyên dịch, NXB Văn hóa Dân tộc 2009.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Mộ Phạm Đăng Hưng trong Lăng Hoàng Gia

Thật trùng hợp. Cụ nội, danh Phạm Đăng Hưng, ông nội danh Phạm Thế Ứng. Thông tin lăng mộ cụ Phạm Đăng Hưng, tên trùng tên cụ nội. Một xúc cảm ơn nghĩa tổ tiên, đăng lại hình ảnh này. Không gì ngoài nhớ tổ tiên xưa.Kiến trúc khu mộ thật đẹp, một miền đất Gò Công yêu dấu.

Đã có 13 người qua đời được xây lăng mộ tại đây trong khoảng thời gian từ năm 1811 đến đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, trong đó có mộ của Phạm Đăng Hưng được xây dựng từ năm 1825, là một kiến trúc tâm điểm, độc đáo với diện tích hơn 800m², cách nhà thờ khoảng 500 m phía bên phải. Tương truyền, ông Hưng được chôn ở tư thế ngồi và trong quan ngoài quách.


Mộ được xây dựng với kiểu kiến trúc hình bát giác mang dáng dấp của một chiếc mũ triều phục. Bốn trụ thấp cách điệu giữa búp sen và chiếc nón cùng biểu tượng đôi cá vượt vũ môn được đặt phía trước. Sau bức hoành phi là bốn con rồng ngự trị trên cao giương cặp mắt sáng quắc (hiện tại chỉ còn ba con, một con bên phải đã bị hư hỏng vì thời gian). Phía dưới là hình tượng ngũ lân (tượng trưng cho ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam; ngụ ý năm đời đều danh giá) khảm trai hình độc đáo (hiện con ba con đã bị hư hỏng nặng phần đầu và chân).

Đặc biệt nơi đây có đến hai nhà bia ghi lại công trạng của Phạm Đăng Hưng, với lý do sau:
Nhà Bia phía bên phải mộ được làm bằng đá cẩm thạch trắng (đá Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng) có khắc bia văn do Phan Thanh Giản soạn năm 1858. Nhưng khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn thì bị quân Pháp lấy làm mộ bia cho Đại úy Barbé vừa bị nghĩa quân Trương Định chém chết 1860. Năm 1999, tấm bia này đã được chuyển về đây. Tính ra tấm bia đá mang tên hai người chết một Pháp một Việt này đã luân lạc đúng 140 năm (1859-1999).
Nhà bia phía bên trái mộ dựng tấm bia bằng đá hoa cương (đá Ganis) do vua Thành Thái sai làm năm 1899, sau khi tấm bia đầu đã bị quân Pháp chiếm đoạt. Nội dung tấm bia này giống y tấm bia trước.
-----------
Xem thêm

THE POWER OF LOVE

POWER OF LOVE – JENNIFER RUSH, LAURA BRANIGAN, CELINE DION 


(Theo Đọt chuối non)
Bản Power of Love do Jennifer Rush viết cùng 3 người bạn (Gunther Mende, Mary Applegate, Candy De Rouge) và thu âm năm 1984, lên đỉnh các danh sách nhạc hay ở Mỹ và các nước Âu châu ngay năm sau 1985.
Đến năm 1987 Laura Brenigan thu âm bản này và khá thành công nhưng không thể qua mặt Jennifer Rush. Hầu như trong mọi thị trường Laura Brenigan không đạt đến mức Jennifer đã đạt trước đó.
Celine Dion thu âm bản này năm 1993. Bản nhạc được dự tranh giải Grammy năm đó, và dự tranh American Music Award năm 1995. Đây là một trong nhưng bản Celie Dion hát thường nhất.
Dưới đây chúng ta có videos của Jennifer Rush, Laura Branigan và Celine Dion.

Quyền lực của tình yêu

Lời thì thầm buổi sáng
Của tình nhân đang ngủ yên
Giờ đang cuồn cuộn như sấm động
Khi em nhìn vào mắt anh
Em ôm thân thể anh
Và cảm được mỗi chuyển động của anh
Lời anh ấm và dịu
Cuộc tình em không thể bỏ
Vì em là của anh
Và anh là của em
Bât kì khi nào anh cần em
Em sẽ làm mọi điều em có thể
Em cảm thấy mất hút, nằm trong tay anh
Khi thế giới bên ngoài
Thật là quá sức
Mọi sự đều chấm dứt khi em bên anh
Dù đôi khi
Có vẻ như em rất xa
Nhưng anh đừng bao giờ thắc mắc em ở đâu
Vì em luôn bên cạnh anh
Vì em là của anh
Và anh là của em
Bât kì khi nào anh cần em
Em sẽ làm mọi điều em có thể
Chúng ta đang đi về điều gì đó
Nơi nào đó em chưa từng đến
Đôi khi em sợ
Nhưng em sẵn sàng học
Về quyền lực của tình yêu
Tiếng đập của tim anh
Rất rõ
Bỗng nhiên cảm giác em không thể đi tiếp
Thành xa cả nhiều năm ánh sáng
Vì em là của anh
Và anh là của em
Bât kì khi nào anh cần em
Em sẽ làm mọi điều em có thể
Chúng ta đang đi về điều gì đó
Nơi nào đó em chưa từng đến
Đôi khi em sợ
Nhưng em sẵn sàng học
Về quyền lực của tình yêu
(TĐH dịch)

The Power Of Love

Songwriters: Gunther Mende, Jennier Rush, Mary Applegate, Candy De Rouge
The whispers in the morning
Of lovers sleeping tight
Are rolling like thunder now
As I look in your eyes
I hold on to your body
And feel each move you make
Your voice is warm and tender
A love that I could not forsake
‘Cause I am your lady
And you are my man
Whenever you reach for me
I’ll do all that I can
Lost is how I’m feeling, lying in your arms
When the world outside’s too
Much to take
That all ends when I’m with you
Even though there may be times
It seems I’m far away
Never wonder where I am
‘Cause I am always by your side
‘Cause I am your lady
And you are my man
Whenever you reach for me
I’ll do all that I can
We’re heading for something
Somewhere I’ve never been
Sometimes I am frightened
But I’m ready to learn
Of the power of love
The sound of your heart beating
Made it clear
Suddenly the feeling that I can’t go on
Is light years away
‘Cause I am your lady
And you are my man
Whenever you reach for me
I’ll do all that I can
We’re heading for something
Somewhere I’ve never been
Sometimes I am frightened
But I’m ready to learn
Of the power of love
Helene Fischer   -The Power of Love 

--------

Jennifer Rush - 1984


-----

Laura Branigan – 1987


------

Cydel Gabutero - "The Power of love" (Cover)


Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

tượng nữ thần Athena


Tạp chí chuyên dành cho phái đẹp “Zoom Manner” của Đức viết: Nếu bạn đã từng đặt chân tới đất nước Hy Lạp, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy bức tượng nữ thần Athena xinh đẹp. Đứng ngay sau nữ thần là một người đàn ông, đó hẳn không phải là chồng nàng, thần Athena chưa bao giờ và không bao giờ kết hôn bởi nàng là nữ thần trí tuệ.

PS. 
Cái tên váy, áo Peplum đã trở nên thân thuộc với cô nàng công sở nói riêng và các tín đồ thời trang nói chung ngay từ khi ra đời.
Peplum là từ ngữ chuyên môn của giới thời trang, xuất phát từ từ Peplos - theo tiếng Hy Lạp, nghĩa là trang phục của phụ nữ Hy Lạp từ năm thứ 300 trở lại. Loại trang phục này được làm từ một mảnh vải rộng quấn quanh thân, với một chiếc đai lưng quấn quanh vùng eo, làm xòe rộng cho phần diềm vải phía dưới. Hình ảnh của những chiếc váy peplos này có thể nhìn thấy ở trang phục của nữ thần Athena.

Phan Kim Liên


Ngô Nguyệt Hữu
HỒNG NHAN!
Mỗi lần đọc đến Phan Kim Liên không thể không có chút bùi ngùi. Phan Kim Liên được miêu tả là, “Xuất thân là một hầu gái trong nhà phú hộ ở Thanh Hà. Lấy họ Phan theo mẹ, hơn hai mươi tuổi, nhan sắc đã ưa nhìn. Phú hộ có ý muốn gạ gẫm, song Kim Liên nhất định không nghe, toan đi mách với vợ phú hộ. Nhân thế, lão tức giận, bèn đem Kim Liên gả không cho Võ Đại Lang - một anh chàng bán bánh bao vừa lùn vừa xấu xí”.

Phan Kim Liên bị ép vào tay Võ Đại Lang, Võ Đại Lang vớ được Phan Kim Liên.
Nhẽ nàng như thần vật, Võ Đại Lang phải biết phúc mình mỏng không sở hữu được cần buông bỏ. Đằng này, Võ Đại Lang trăm phương nghìn kế níu giữ.
Kết cục, để lại tiếng xấu muôn đời cho người phụ nữ chỉ muốn mưu cầu cho một giấc tương tư trọn vẹn.
Giai nhân không được toại ý, cứ loay hoay trong mớ hỗn độn của kiếp người. Chịu được thì cố nuốt nước mắt cho qua ngày đoạn tháng, không chịu được thì vẫy vùng theo lối ngã về không.
Ngựa Xích Thố không dành cho Lữ Bố, thì là vật cưỡi của Quan Vân Trường.

Bảo kiếm Trạm Lư không dành cho Ngô vương Hạp Lư thì là vật của Sở Chiêu Vương.
Tây Thi không hết theo Ngô Phù Sai thì về với bậc đại trí Phạm Lãi.
Xưa nay, thần vật, bảo kiếm hay giai nhân đều xứng với bậc trượng phu quân tử, khí chất lẫm lẫm.
Phải đâu ngựa Xích Thổ lại để Ngụy Diên dùng, Tây Thi về ở trọ cùng Đạo Chích hay thanh kếm Trạm Lư lại vào tay kẻ mê hát xướng A Đẩu, con trai của Thục chủ Lưu Bị.
Mấy lần xót Phan Kim Liên, tính viết để hậu thế nhìn về nàng theo một hướng khác, minh định hơn.

Tiếc thay, thạch tín của Vương Bà đã hòa vào thuốc của Võ Đại Lang mất rồi.
Lại thêm nữa, hồng nhan nào không bị gièm pha trong chốn quần thoa(?!).

Nhân vật trong thực tế

Lối viết ám chỉ lại dùng chính xác tên người, tên đất có thật rất không nhân văn và không trung thực của nhà văn đã khiến nhân vật liên quan bị oan suốt bao năm tháng.
Phan Kim Liên là thiên kim tiểu thư, con của quan tri châu Hàm Đan, nhà ở Phan Gia Trang (sau đổi là Hoàng Kim Trang) huyện Thanh Hà, Hình Đài , chỉ cách thôn Võ Gia Na 1,5 km. Vì thương Võ Đại Lang là người nghèo mà có chí nên Phan Kim Liên hết lòng giúp đỡ, sau hai người nên nghĩa vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau, có bốn con trai.
Chuyện oan uổng của gia tộc Võ và Phan ở Thanh Hà, Hình Đài cũng khiến cho con cháu của Thi Nại Am trăn trở. Ngày 18 tháng 12 năm 2009, họa sĩ Thi Thắng Thần, hội viên Hội Mỹ thuật Trung Quốc, Phó hội trưởng Hội Nghiên cứu tranh liên hoàn tỉnh Hà Bắc, là hậu duệ dòng đích của Thi Nại Am đã đến đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà, Hình Đài. Ông thay mặt cho hậu duệ của họ Thi bày tỏ sự xin lỗi và mong con cháu họ Võ, họ Phan tha thứ. Cùng với việc xin lỗi nói trên, họa sĩ hậu duệ họ Thi đã xin đúc lại tượng Võ Đại Lang và Phan Kim Liên, vẽ 16 bức tranh liên hoàn và đề thơ xin lỗi treo trong từ đường.
Hậu duệ dòng đích của Thi Nại Am đã đến đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà
để xin lỗi và mong con cháu họ Võ, họ Phan tha thứ.

Tại bức họa Phan Kim Liên, Thi Thắng Thần viết: "Kẻ hậu sinh từng kính họa 16 bức tranh chính truyền hai vị Võ và Phan treo nơi vách từ đường họ Võ để phá cái oan khuất bao đời cho thiên hạ rõ. Nhưng nơi chín suối hai vị Võ, Phan hẳn không tha thứ cho tội làm hoen ố thanh danh trong "Thủy Hử truyện" của tiên nhân... nay kính xin chỉnh lại dung nhan, hoàn lại dáng hình vốn có. Nguyện hai vị Võ, Phan linh thiêng chứng giám. Họ Thi đốt hương kính bái".

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Before We Go

Before We Go

Phim khoảng 150'. Lời thoại (dù qua biên dịch) nhưng rất hay. Cái âm thanh tiếng Anh Mỹ thật cuốn hút. Phim tràn đầy lời thoại và nét mặt (rất đáng yêu).

Chỉ có 1h30'(tên phim lúc đầu là vậy), hai bạn đã thay đổi cả suy nghĩ nông nổi xưa. Vượt qua trăn trở hướng về tình yêu và chấp nhận khó khăn, trắc trở. Phim rất nhân văn. Phim nhà mình toàn thấy khoe giàu, khoe quần áo, cảnh đẹp (mà có đẹp đâu).
------------------------
Một đêm có thể nào thay đổi toàn bộ cuộc đời ta hay không? Chắc là có, vì đã hơn một lần điện ảnh kể lại câu chuyện ấy, mà Before Sunrise của đạo diễn Richard Linklater là một trong những bộ phim đầu tiên bật lên trong đầu ta khi nghĩ đến chủ đề này. 


.....

Câu chuyện bắt đầu tại ga Grand Central vào buổi tối muộn...



Bạn đừng quá trông đợi vào một chuyện tình như Jesse và Céline (Before trilogy). Lý do Nick ngồi ở sân ga không phải vì anh… thổi kèn dạo để kiếm tiền, mà vì anh không dám đến dự tiệc, nơi người bạn gái đã chia tay sáu năm trước đang ở đó, và anh thì vẫn yêu nàng xiết bao. Lý do Brooke phải về Boston gấp vội, không kịp chờ chuyến tàu 5 giờ sáng là vì cô phải cứu vãn cuộc hôn nhân của mình. Vậy đó, họ không “rảnh” để dành cuộc đời cho nhau. Nhưng như vậy thì họ va vào đời nhau làm gì? Và câu tagline của bộ phim: “One night can change your whole life” có ý nghĩa gì?





Bạn sẽ dần cảm nhận được cái gọi là “cuộc gặp gỡ định mệnh” ở những phút cuối phim, khi Nick đưa Brooke đến một phòng khách sạn của người bạn để cô nghỉ ngơi trước khi trời sáng. Họ sẽ lựa chọn điều gì sau tất cả những mở lòng với nhau suốt một đêm lang thang khắp các nẻo đường? Họ sẽ rẽ cuộc đời mình sang đâu, khi ngày còn chưa sáng và tương lai còn chưa thể nói trước?


Không ai biết Nick đã viết gì ở mặt sau mảnh giấy mà Brooke giữ trong túi áo, lúc cô lên xe buýt. Bạn chỉ có thể thầm đoán từ nụ cười và ánh mắt của cô. Phim kết thúc ở đó, không một lời gợi mở nào cả. Không after credit. Thật ra, cái kết thực sự của bộ phim chính là lựa chọn của riêng mỗi người chúng ta. Và nhờ vậy mà Before We Go giữ cho mình một sự ngọt ngào – hoặc nỗi buồn man mác, còn tùy bạn chọn điều gì. 


(Phim rất hay, bạn đã xem chưa ?)




============

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

La cumparsita


"La cumparsita" (tiếng Tây Ban Nha dịch ra tiếng Việt: "Cuộc diễu hành nhỏ") là một bản nhạc tango không lời được nhạc sĩ người Uruguay Gerardo Matos Rodríguez sáng tác vào năm 1916. Thực tế, Roberto Firpo (giám đốc kiêm nghệ sĩ vĩ cầm của dàn nhạc biểu diễn ra mắt bản nhạc này) đã bổ sung những đoạn trong các bản tango "La Gaucha Manuela" và "Curda Completa" của ông vào bản hành khúc dành cho carnaval của Matos ("La Cumparsita"), từ đó tạo nên bản "La cumparsita" như được biết đến hiện nay.

Bản nhạc vốn dĩ không có lời, về sau Pascual Contursi và Enrique Pedro Maroni đặt lời, biến nó thành bài hát. "Lacumparsita" được coi là một trong những khúc tango nổi tiếng nhất và dễ nhận ra nhất.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời tiếng Việt dưới tựa đề "Vũ nữ thân gầy".



----------
Đọc thêm. (bài trên DKN)

Trong gần một thế kỷ qua, La Cumparsita là bản Tango được ưa chuộng nhất trên thế giới, dưới hình thức bản hòa tấu hay ca khúc.



Song tấu Violin và Cello réo rắt, la Cumparsita có một sức lôi cuốn đặc biệt.





La Cumparsita, tiếng Tây-ban-nha có nghĩa là buổi diễn hành nho nhỏ (the little parade) trong đó người tham dự mang mặt nạ. Lời hát do Rodriguez đặt có nội dung thở than cho kiếp sống bi thảm của những con người bất hạnh.




(William Holden thủ vai)
trong cuốn phim bất hủ Đại lộ Hoàng hôn (Sunset Boulevard), năm 1950.
Trong số những lần La Cumparsita được sử dụng trong phim ảnh, nổi tiếng nhất phải là cảnh nhân vật Norma Desmond (Gloria Swanson thủ vai), một nữ minh tinh màn bạc về chiều nhưng không chấp nhận thực tế mình đã hết thời, nhảy Tango theo bản La Cumparsita với chàng tình nhân trẻ.



La Cumparsita trong giai điệu mandolin dịu dàng.



-----
Vũ nữ thân gầy bản tiếng việt của La Cumparsita

Bản Tango La Cumparsita, trước năm 1975 được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Vũ nữ thân gầy, với những suy tư xót xa cho số phận người vũ nữ.


Ðàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi
Ðàn khóc ai hoài, cho héo hon lòng tôi
Ðàn nhớ nhung người, như sắc hương tàn phai
Ðàn cố nuôi lời, cho giấc mơ còn lơi
Ôi ! Nghe tiếng đàn réo mà thương người
Nghe tiếng cười reo xót xa đời
Nhớ nhung đau thương mà thôi
Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi
Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười
Nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi.
Người vũ nữ ngồi bên cốc lên men
Bát ngát hương môi cho anh say mềm
Nhịp nhàng gieo trên sàn êm
Rộn ràng nghe bao lời điên
Của khách giang hồ say triền miên.
Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
Cho người ăn chơi nhíu đôi lông mày
Ta cười cho xanh ngát kiếp lưu đầy
Cho người vũ nữ khóc tấm thân gầy.
Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau
Chưa nói mê say mà tình đã bay
Chưa biết môi em mà hồn đã quên
Ðã qua một đêm…


Vũ nữ thân gầy cũng có nội dung thật buồn, và đã trở thành ca khúc Tango nhạc ngoại quốc lời Việt phổ biến nhất ở miền Nam Việt Nam, trước khi bản Tango “thời thượng” L’amour c’est pour rien (Tình cho không, cũng do ông đặt lời Việt) làm mưa gió.
Geraldo Matos Rodriguez là ai?

Geraldo Matos Rodriguez (1897-1948), một nhạc sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc kiêm ký, ông là công dân của Uruguay.
Là con trai của chủ nhân phòng trà Moulin Rouge quen thuộc ở thủ đô Montevideo, Rodriguez được gia đình cho theo học ngành kiến trúc, nhưng sau đó bỏ dở.

Cho tới nay, La Cumparsita của Geraldo Rodriguez vẫn giữ vững vị trí, giữ nguyên sự cuốn hút đặc biệt của mình và được xem là ca khúc theo thể điệu Tango phổ biến nhất thế giới.
Hoàng Thái