Căn phòng “dâm tình và chết chóc”
Phần 3 – Từ giường báu tới màn
châu
Willow Wằn Wại
(Tiếp theo bàitrước)
Giường báu Thọ Xương, màn châu Đồng
Xương
Lại đến đoạn tả kế tiếp:
“Đằng trước kê một cái giường báu của công chúa Thọ Xương nằm ở điện
Hàm Chương, mắc cái màn liên châu của Công chúa Đồng Xương dệt ra.”
Theo như phụ chú từ bản dịch thì Thọ Xương công chúa còn
có tên gọi khác là Thọ Dương. Nhân vật này trong lịch sử cũng có rất nhiều bí ẩn,
nhiều người nhất trí rằng đây chính là Lưu Hưng Đệ, con gái của Lưu Tống Vũ Đế
Lưu Dụ. Tương truyền lối trang điểm Mai hoa trang (vẽ hoa mai lên trán) là do
Lưu Hưng Đệ khi nhỏ bị hoa mai rơi lên trán tạo thành vết cánh hoa mà ra.
Công chúa Lưu Hưng Đệ. Hình từ trang
này
Lưu Hưng Đệ là công chúa rất mực được cưng chiều nhưng
không may góa chồng từ sớm. Một đứa con của bà sau này bị khép tội mưu phản. Bà
nổi tiếng vì tìm mọi cách để cầu xin em trai khác mẹ, khi đó là Lưu Tống Văn Đế,
để miễn tội cho con, từ ra mặt thị uy cho đến van nài khi hấp hối trên giường đều
có cả. Nhưng khi bà qua đời thì một trong hai đứa con trai cũng bị xử trảm.
Nếu quả thật Thọ Xương công chúa mà Tào Tuyết Cần viết là
Lưu Hưng Đệ, thì đây là một nhân vật có sự khổ tâm riêng, bản thân góa bụa, cả
đời lo lắng cho con, sau này con cũng chết. Tuy vậy cá nhân tôi vẫn nghĩ có một
hình ảnh hay câu chuyện nào khác ứng với số phận Kim Lăng thập nhị thoa hơn. Bởi
lẽ góa bụa nuôi con thì chỉ có Lý Hoàn, mà hình ảnh Lý Hoàn lẫn Lưu Hưng Đệ đều
chưa tương xứng với căn phòng toàn mùi ái ân.
May thay, nhân vật Đồng Xương công chúa có cái màn liên
châu trong căn phòng thì lại không khó tìm như Thọ Dương. Nàng chính là con gái
cưng nhất của Đường Ý Tông Lý Thôi (Lý Ôn). Mẹ nàng là Thục phi Quách thị, nổi
tiếng là Đệ nhất mỹ nhân thành Trường An.
Một hình dung về Đồng Xương công chúa
Số phận của Đồng Xương khá ngắn ngủi, nàng được gả cho Vi
Bảo Hành nhưng lại mất sớm, được vua cha vô cùng thương xót. Cuộc đời nàng vì bạc
mệnh thế nên cũng không có nhiều thứ để bàn, nhưng cuộc đời những người quanh
nàng thì lại rất đáng nói.
Cha nàng, Đường Ý Tông, từ khi còn là Vận vương đã ham mê
tửu sắc, chẳng được vua cha ban làm thái tử dù là con trưởng, thậm chí chỉ được
ở chỗ của các thân vương. Sau này khi lên ngôi, Đường Ý Tông ăn tiêu hoang phí
khiến nhà Đường vào bước diệt vong.
Đám cưới và đám tang của Đồng Xương công chúa đều cực kỳ
xa hoa, vàng ngọc lộng lẫy, đem cả tiền vàng mà đốt thành tro trong khi dân
chúng lầm than đói khổ, chiến tranh và loạn lạc khắp nơi. Khi con gái yêu mất,
ông vua này thậm chí còn giết 20 người ngự y vì nghĩ do họ không tận tâm chạy
chữa con mình, sau đó còn cho tống giam hàng trăm người nữa. Chẳng trách tại
sao Đường Ý Tông thường được coi là tội đồ, là vị vua đưa nhà Đường xuống vực.
Vua Đường Ý Tông
Chồng của Đồng Xương là Vi Bảo Hành, cực kỳ thông minh giảo
hoạt. Theo truyền lại thì Vi Bảo Hành thậm chí còn lén lút qua lại với mẹ vợ là
Thục phi Quách thị. Vi Bảo Hành khéo nịnh nọt nên rất được lòng Đường Ý Tông.
Khi Đường Ý Tông băng hà, nhường ngôi lại cho Đường Hy Tông và chiếu chỉ cho Vi
Bảo Hành nhiếp chính. Vậy là họ Vi đã leo lên đến vị thế quyền lực nhất vương
triều.
Chẳng ngờ Hy Tông lên ngôi không được bao lâu thì các thế
lực triều đình khác đã mau chóng có được vị thế, Vi Bảo Hành bị giáng chức và bị
ép chết. Mẹ của Đồng Xương công chúa sau này cũng mất tích trong loạn Hoàng
Sào, vậy là cũng chấm dứt cuộc đời của một sủng phi xinh đẹp.
Tóm lại, cả gia đình của công chúa đều thực khéo ứng với
cảnh chung của nhà họ Giả: đàn bà con gái xinh đẹp dù là tài năng hay tai tiếng
phóng túng thì cũng đều yểu mệnh, đàn ông thì bạc nhược bất tài ăn chơi, cuối cùng thì tất cả những gì tiền
nhân gây dựng cũng sẽ tan vỡ cả. Có tất cả và rồi lại mất hết, thật ứng với chữ
“vật cực tất phản”, tinh thần của toàn bộ tác phẩm Hồng Lâu Mộng.
Để Đồng Xương công chúa là cái tên nằm cuối đoạn văn này,
có thể cho thấy đây cũng là cái tên chốt sổ, một bản tóm lược của toàn bộ vở kịch
hỷ nộ ái ố diễn ra tại Giả phủ. Vẫn là những vai diễn quen, chỉ khác ở Giả phủ
thì “vở kịch” lần này dài hơn, đa dạng hơn nhờ sự có mặt của hòn đá vá trời Bảo Ngọc.
Giả Mẫu tổ chức tiệc
Vậy là đã xong chi tiết về Dương quý phi, công chúa Thọ
Dương và đỉnh điểm là công chúa Đồng Xương, con gái Đường Ý Tông, một chi tiết
hình tượng mang tính dự báo và cảnh báo cực cao cho người đọc lẫn cho Giả Bảo
Ngọc.
Trước lời cảnh báo đó, Bảo Ngọc đã làm gì? Cậu nhóc chỉ
thấy sướng tít mắt:
“Bảo Ngọc thấy vậy cười nói:
– Ở đây tốt! Ở đây tốt!
Tần thị cười:
– Cái buồng của tôi dù thần tiên cũng có thể ở được.”
Chiếc màn châu của Đồng Xương công chúa ở phòng của Tần Khả Khanh. Bảo Ngọc nói, “Ở đây tốt! Ở đây tốt!|”
Bảo Ngọc là cậu bé mới lớn, thích hoa trái lạ đã rõ. Căn
phòng toàn chuyện phòng the này đủ để hiểu cậu sẽ lột xác thành “người nhớn” từ
đây. Không những vậy, sự lột xác này dẫn dắt tới cơ man thất tình lục dục ở cõi
trần.
Cũng đáng lưu ý là sự thoải mái của Bảo Ngọc khi đắm mình
giữa những hình ảnh của những số phận lên voi xuống chó, về hoan lạc vinh quang
tột đỉnh rồi rơi xuống cùng cực phản ánh tiếng nói từ bản năng, mà ở đây là hòn
đá, đang muốn nếm trải hết mọi thứ vinh nhục của cuộc đời.
Khăn lụa Tây Thi
Tần thị nói căn buồng của nàng dù thần tiên cũng ở được.
Vậy ai là người đã ở trong căn phòng này: là Khả Khanh, và giờ là Bảo Ngọc. Khả Khanh là một trong những
nàng tiên giáng xuống trần trả nghiệp tình với dương gian. Còn Bảo Ngọc chính là
Thần Anh giáng thế. Hai người họ chính là những người mở đầu cho
vở kịch bi hài của Hồng Lâu Mộng.
“Nói xong, Tần Thị tự tay mở cái khăn lụa mà chính tay Tây Thi đã giặt,
và đặt sẵn cái gối Uyên Ương của Hồng Nương đã ôm khi xưa”
Bảo Ngọc chơi đùa cùng các tiểu thư
Điều khiến Hồng Lâu Mộng làm tôi mê mẩn
chính là việc tác giả viết rất cẩn trọng, không hề đặt bút đại khái. Bất cứ một
cái tên nào được lặp lại đều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Như cái tên Tây Thi
và Hồng Nương ở đây cũng vậy. Càng thú vị hơn vì hai cái tên này nằm ở đoạn
riêng, tách biệt hẳn với các mỹ nhân dâm loạn phía trên.
Trong suốt 80 chương đầu của Hồng Lâu Mộng do
Tào Tuyết Cần viết còn sót lại, chỉ có ba lần cái tên Tây Thi được nhắc đến: lần
thứ nhất là trong phòng Tần Khả Khanh, lần thứ hai là nói về nhan sắc của Lâm Đại Ngọc (lời khen)
và lần thứ ba là nói về nhan sắc của
Tình Văn (lời chê).
Đây là sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến hết 80 chương để chỉ
rõ mối quan hệ của Bảo Ngọc và Đại Ngọc.
Đại Ngọc đi chôn hoa
Cũng là tứ đại mỹ nhân nhưng Dương Quý Phi thì hình ảnh
đa dâm, được Tào Tuyết Cần đặt vào khổ văn liệt kê những người phụ nữ với danh
xấu. Và ai được so sánh đích danh với Dương Quý Phi? Chính là Tiết Bảo Thoa.
Giả Bảo Ngọc và Tiết Bảo Thoa
Đối lập với Dương Quý Phi-Bảo Thoa ở trên là Tây Thi-Đại
Ngọc nằm ở đoạn văn dưới. Tây Thi đứng đầu trong số bốn người đẹp khuynh thành,
nhưng danh tiếng của nàng chưa hề bị gán chữ “dâm”.
Tương tự là Tây Sương Ký – một trong những tác phẩm mang tính đột phá cực lớn trong lịch sử Trung Hoa khi ủng hộ tình yêu đôi lứa, chống lại tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” của xã hội. Đây là chi tiết rất đặc biệt khi bối cảnh tác phẩm xảy ra ở thời đại mà nam nữ yêu nhau bị phê phán gay gắt là “ma chẳng ra ma” “không xứng làm mỹ nhân” như lời Giả Mẫu nói. Chính Tiết Bảo Thoa cũng bài trừ Tây Sương Ký, mắng Đại Ngọc khi phát hiện ra Đại Ngọc đọc cuốn này.
Cặp đôi trời sinh Bảo Ngọc – Đại Ngọc
Đại Ngọc là nàng Tây Thi đa sầu đa bệnh, người đã đọc Tây
Sương Ký cùng với Bảo Ngọc. Cũng từ cuốn sách này mà hai người thấu hiểu
thêm về tình yêu đôi lứa, dần bộc lộ tình cảm cho nhau dù tư tưởng đó bị phản đối.
Bảo Ngọc chìm vào chiếc gối tình yêu, bao bọc trong tấm khăn của Tây Thi/Đại Ngọc.
Giữa khung cảnh dâm lại có tình ái chân thật. Cũng như giữa thời loạn lạc phủ
Ninh Vinh ăn chơi dâm loạn, ở giữa Đại Quan Viên lại có những mối tình khắc cốt
ghi tâm không chút dâm tà.
Gối ôm Hồng Nương
Vậy tại sao cái tên đại diện cho Tây Sương Ký lại
là Hồng Nương chứ không phải Thôi Oanh Oanh? Điều này cần liên hệ lại với việc Tình Văn cũng được so sánh là Tây
Thi. Ngoài việc xinh đẹp như cô Lâm, tính cách trong sáng thanh cao khác người,
Tình Văn còn là hình ảnh phản chiếu của Đại Ngọc và cũng đóng vai trò làm cầu nối
cho tình yêu của cậu Bảo-cô Lâm, giống như nhân vật Hồng Nương trong Tây
Sương Ký. Hãy nhớ chi tiết quan trọng Bảo Ngọc đưa khăn tay cũ cho Đại Ngọc
và bảo Tình Văn đem sang. Hay chính Tình Văn cũng luôn là người khơi gợi đem cô
Lâm ra để nói với Bảo Ngọc.
Chiếc gối còn ám chỉ chuyện chăn gối nam nữ, vì Hồng
Nương đem theo gối này mỗi khi Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy hẹn nhau tình
tứ. Vậy là trong dâm có tình, trong tình lại có dâm.
Vẫn là những cái tên, những câu tiếp theo cũng rất đáng
lưu ý:
“Thấy Bảo Ngọc ngủ yên, bọn bà già rủ nhau đi ra ngoài, chỉ để Tập
Nhân, Mỹ Nhân, Tình Văn, Xạ Nguyệt, bốn người ở lại túc trực. Tần thị gọi mấy a
hoàn nhỏ ra ngồi ngoài thềm, đừng cho mèo chó đến cắn nhau.”
Trong căn phòng vừa có dâm, vừa có tình, vừa có cái kết
đoản hậu chỉ còn Bảo Ngọc và người đẹp (Mỹ Nhân), có chuyện trăng hoa (Tập Nhân
họ Hoa, Xạ Nguyệt), có cả tình (Tình Văn) thì chẳng khác nào con đường dọn sẵn
chỉ chờ cậu Bảo lăn vào để đi đến đoạn kết. Giấc mộng vậy là đã được an bài, chẳng
có thế lực bên ngoài nào kéo Thạch huynh ra khỏi đó nữa.
Tình Văn trước khi chết và Bảo Ngọc
trong ngôi nhà lụp xụp
Đoạn sau thì Tần thị dẫn Bảo Ngọc vào cõi tiên, sau này lại
kết hôn với Bảo Ngọc dưới tên Kiêm Mỹ, khúc hát Hồng Lâu vang
lên, vở kịch của phủ Giả được kéo rèm.
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét