Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Mai Hương và Lê Phong

Với truyện trinh thám, Thế Lữ đã sáng tạo ra cặp nhân vật thám tử Lê Phong và Mai Hương – một chàng và một nàng - được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích. Họ là những người thông minh, có óc phán đoán và khả năng suy luận cao. Họ say mê nghề nghiệp, họ quyết liệt trong việc truy tìm cái ác để bảo vệ và đề cao cái thiện. Nhưng cũng cần phải nhìn ra rằng, cặp nhân vật Lê Phong và Mai Hương chính là hiện thân cho kiểu con người lãng mạn có tính lý tưởng của Tự Lực văn đoàn: trẻ trung, được giáo dục theo mô hình châu Âu, yêu tự do dân chủ, yêu khoa học và luôn hướng tới sự tiến bộ xã hội. (vi.wikipedia)


Mai Hương và Lê Phong

Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ


I

Người phải chết

Trời lạnh nhưng nắng ráo.

Ánh mặt trời buổi sáng tươi cười gội xuống những chòm lá cây thu, tươi cười chiếu lên các mặt tường cao lộng lẫy, vuốt ve màu áo của những cô nhan sắc đi cạnh những cậu lịch sự, và soi lấp loáng những xe hơi tối tân đang đỗ ở trước Đông Dương đại học đường.

Lớp dinh cơ nghiêm trang yên lặng này hôm đó bỗng như nhuộm màu trai trẻ.

Một người thiếu niên ăn mặc chải chuốt quần áo "flanelle" xám, đầu trần mượt láng, tay đeo một chiếc máy ảnh contax nhỏ, nhanh nhẹn bước lên thềm.

Chàng ta vui vẻ chào bọn người đứng tụ họp ở bên cửa chính, nhẹ nhàng len qua mấy bọn người khác, lúc vào tới"phòng đợi" -một cái phòng trống trơn rất cao và rất rộng-Chàng ta đứng ghé vào cần bên phải là cửa giảng đường.

Hai tay xoa vào nhau ra chiều thích ý, người thiếu niên lẩm bẩm:

- Mình đã tưởng đến muộn thế mà chưa có gì.

Ngoắt quay ra, chàng ta nhìn mấy ông giáo sư, mặc áo rộng đen bằng đôi mắt kính cẩn, nhưng hơi có vẻ ranh mãnh khôi hài rồi lại nhìn mấy người sinh viên trường y học đứng gần đấy. Họ đạo mạo trong bộ lễ phục mới và khấp khởi sượng sùng như mấy chú rể đến nhà tân nhân. Đó là mấy ông y khoa bác sĩ mới đỗ kỳ vừa rồi.

Những tiếng nói chuyện vang lên. Câu chuyện phần nhiều nói về cuộc phát bằng long trọng đầu tiên ở nước Việt Nam và về bài luận án rất có giá trị của Trần Thế Đoàn một người đỗ đầu y khoa bác sĩ.

Mấy người trông đây trông đó tỏ ý ngạc nhiên:

- Gần chín giờ rồi. Mà này, anh có thấy Đoàn đâu không?

- Không, có lẽ chưa đến.

- Sao bây giờ chưa đến nhỉ? Anh này có vẻ một danh nhân muốn cho mọi người chờ đợi mình...

Mấy tiếng cười lanh lảnh ở gần đó. Người thiếu niên chú ý thì thấy một cô thiếu nữ đang đọc tấm bảng yết tên những nhà tân khoa.

- Trần Thế Đoàn. Cái tên nghe lạ nhỉ.

Rồi cô hỏi một người bên cạnh:

- Người thế nào anh biết không?

- Biết. Người còn trẻ lắm, giỏi trai nữa. Anh Đoàn không có vẻ một nhà thông thái như các cô tưởng đâu.

- Thế chúng tôi tưởng thế nào? Anh chỉ hay nói mò. Một nhà thông thái cũng như người thường chứ sao? Mà nhà thông thái bây giờ có lẽ lại lịch sự hơn các anh nữa.

Nhưng không để ý đến vẻ náo động ấy, người thiếu niên cứ đi đi lại lại một cách lơ đãng, thỉnh thoảng đứng lại biên mấy chữ lên một cuốn sổ tay. Rồi lại thản nhiên lững thững đi trong phòng như đi giữa chỗ vắng. Tuy vậy, ai nhận kỹ, cũng thấy đôi mắt anh ta vẫn tinh nhanh và quan sát từng cử chỉ của mọi người, quan sát rất chóng nhưng rất chu đáo. Nét mặt linh động với cái miệng mím lại chốc chốc thoáng qua một nụ cười tỏ ra anh đương nghĩ đến một chuyện gì, mà chuyện ấy hẳn là vui lắm.

Đi tới cạnh bọn phóng viên, họ đến đó để làm bài tường thuật, người thiếu niên bỗng trông ra ngoài đường, vẻ mặt sáng hẳn lên, rối vội vã như có việc khẩn cấp vô cùng, anh chàng chạy ra cửa, ở đó, người ta đang dồn lại bắt tay một người mới đến, hấp tấp và lúng túng trong bộ Smoking mới may.

Người thiếu niên đến trước mặt người kia lễ phép nói:

- Thưa ông, nếu tôi không nhầm, ông chính là ông Trần Thế Đoàn?

Người mặc Smoking nhã nhặn thưa:

- Vâng, chính tôi.

- Còn những ba phút nữa mới mở cuộc phát bằng, vậy tôi muốn xin ông ba phút ấy.

- Nhưng...

- Ông đừng từ chối, ông Toàn quyền chưa đến. Tôi có một việc rất quan trọng muốn thưa với ông.

Rồi dìu Đoàn vào một góc phòng, người thiếu niên mỉm cười rút sổ tay đưa mắt nhìn Đoàn và nói:

- Xin ông thứ lỗi cho, tôi biết ông vội lắm, nhưng ông còn đủ thời giờ. Tôi là một người đi nhặt tin cho báo "Thời Thế" và muốn phỏng vấn ông ở đây.

Đoàn có vẻ ngạc nhiên và tỏ ý khó chịu:

- Ông phỏng vấn tôi?

- Vâng, tôi biết ông vẫn khiêm tốn, ông không ưa việc vô ích ấy, và không nhận cho ai phỏng vấn bao giờ. Nhưng báo "Thời Thế" là một báo đứng đắn rất xứng đáng được truyền những lời quý hóa của một nhà thông thái của quốc dân.

Không để Đoàn ngắt lời, người thiếu niên lại nói:

- Vả lại cuộc phỏng vấn sẽ rất nhanh chóng. Hai phút là cùng. Tôi sẽ đề tựa là: "Cuộc phỏng vấn vội vàng hai phút với bác sĩ Đoàn, tác giả tập luận án về những ánh sáng trong sự kinh nghiệm của y học Đông Dương". Thưa ông, những điều dẫn chứng trong y lý đó là do sách tây dịch hay ông đọc trong nguyên bản?

Giọng nói thành thực và đôi mắt vui vẻ của người thiếu niên, khiến bác sĩ Đoàn không nỡ cự tuyệt. Đoàn ôn tồn đáp:

- Tôi đọc toàn ở các sách Tàu.

- Tôi cũng đoán thế. Nhưng chữ nho ông mới học, hay trước kia ông đã học rồi…

Trần Thế Đoàn đáp:

- Tôi tưởng điều đó có quan hệ gì...

- Có chứ, xin ông cứ cho biết...

- Tôi cần phải khảo cứu đến các sách Tàu nên mới để tâm học cẩn thận, trước kia thì không.

- Đó là một điều chưa báo nào biết mà nói đến. Ngoài việc y học, ông còn để tâm đến khoa học nào khác nữa không

- Có, có vật lý học và hóa học tôi vẫn chuyên chú đến, có hai khoa ấy giúp ích cho những cuộc nghiên cứu của tôi sau này rất nhiều, nhưng bây giờ hết giờ rồi, nếu ông muốn, tôi xin đáp sau khi về nhà.

Người thiếu niên bỗng hỏi một câu đột nhiên:

- Lúc nãy ông ở nhà viết một bức thư dài phải không? Ông cần viết đến nỗi chút nữa thì lỡ mất một việc quan trọng là hôm nay có cuộc phát bằng long trọng.

Đoàn kinh ngạc nhìn người thiếu niên thì anh ta tiếp:

- Mà lại vừa nhận được một bức thư lạ, một bức thư làm cho ông bối rối có phải không?

Vẻ kinh ngạc của Đoàn lại càng rõ rệt, nhưng người thiếu niên cứ bình tĩnh nói, tiếng hạ thấp, có ý chỉ riêng Đoàn nghe.

- Thưa ông, bức thư ấy nói những gì, xin ông cho biết.

Bây giờ Đoàn mới trấn định được tâm trí, hỏi lại người thiếu niên:

- Những điều ấy có liên lạc gì với việc ông phỏng vấn tôi?

- Vâng! Không có liên lạc gì, hay chỉ liên lạc ít thôi, nhưng đó là điều rất quan hệ. Thưa ông Trần Thế Đoàn, xin ông nghe tôi và trả lời cho tôi rành mạch. Ông có những kẻ thù ghê gớm toan hại ông, những kẻ thù ấy ông có biết không và nếu biết,ông có rõ được một chút gì về mưu mô của họ không?

Đoàn lúc ấy lại nhìn người thiếu niên một cách rất kỳ dị, chưa kịp đáp thì anh ta lại nói:

- Xin ông cho biết, đó là những điều cực kỳ quan trọng, vì…

Đoàn bỗng hỏi:

- Nhưng ông là ai?

- Tôi là phóng viên báo "Thời Thế".

- Vâng. Nhưng là người... Tên ông là gì?

- Tên tôi là Lê Phong, và là người rất có cảm tình với ông.

- Ông Lê Phong! Tôi vẫn biết tiếng ông... Tôi định đến thăm ông để hỏi những việc riêng và cần ông giúp.

Lê Phong đáp:

- Càng hay, vì những việc riêng ấy chính lúc này là lúc ông nên nói ra.

- Không, tôi không nói ở đây được xin mời ông lại chơi nhà hay chốc nữa ra, tôi sẽ xin đến báo "Thới Thế". Bây giờ (Đoàn nhìn đồng hồ) bây giờ gần đến giờ rồi, xin lỗi ông. à mà tại sao ông biết?

- Biết gì kia?

- Biết các điều ông hỏi tôi. Ông biết từ bao giờ?

- Vừa rồi.

- ...? ...

- Vâng. Vết mực ở ngón tay ông, ông viết bức thư dài, ông chưa kịp rửa tay, và đến muộn, còn bức thư mới nhận được, ông nhét nó vào túi áo một cách cũng vội vã đến nỗi để tôi trông thấy mé phong bì nhô lên… Còn về những kẻ thù của ông thì tôi cũng vừa mới thấy trong lúc tôi nói chuyện với ông, tôi vẫn để ý đến hai người lạ mặt đứng cách đây ngót 10 thước và nhìn ông một cách hằn học không biết ngần nào. Chúng lẩn xa rồi.

Nhưng tôi vẫn nhận được: một người ăn vận quần áo tím thẫm,đeo kính trắng, quấn phu la tuy trời không rét lắm, còn người kia thì rỗ hoa mặc quần áo màu tro, cao lớn, và cụt một tay.

Đoàn kêu sẽ lên một tiếng:

- Trời ơi? Người cụt tay!

- Vâng cụt tay trái, tay ấn thọc luôn vào túi, nhưng tôi vẫn chú ý nên không giấu được tôi...

Đoàn nhắc đi nhắc lại:

- Người cụt tay? Trời ơi? Tôi hiểu rồi, suốt mấy ngày nay, khi ở trường ra, khi sắp bước vào nhà, khi đi xem chiếu bóng hay ở hiệu cao lâu, lúc nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, tôi thường gặp hắn, tôi cũng chú ý đến cái tay cụt ấy, nhưng tôi không ngờ gì... Đến bây giờ...

Mặt Đoàn tái xanh đi. Chàng hốt hoảng nhìn ra, không trả lời những tiếng chào hỏi của những người bạn qua đấy như trước nữa. Chàng thốt nhiên nắm lấy tay Lê Phong:

- Ông Lê Phong, nếu vậy thì tính mệnh tôi nguy mất, tính mệnh tôi nguy thật, ông… Tôi nhờ ông tìm giúp kẻ thù tôi nhé … ông ngăn cản hộ, tôi biết chỉ ông ngăn cản nổi...

Giọng nói mỗi lúc một thêm van vỉ:

- Vâng, xin ông giúp tôi, ông cứu tôi... Trời! Đến lúc này, việc tôi sắp thành, kết quả gần thấy rồi, mà... Hôm nay là một ngày quan trọng trong đời tôi, nhưng tôi cũng không được vui mấy.

- Thế ra ông biết cách hành động của kẻ thù đã lâu.

- Tôi biết gì? Có lẽ tôi ngờ thôi... Tôi vẫn ngờ rằng có kẻ muốn hại tôi, nhưng mãi hôm nay, mãi lúc này, tôi mới biết rõ.

- Thế sao ông không đi trình sở Liêm phóng

- Tôi cũng định thế, nhưng xét ra có điều bất tiện. Ông Lê Phong, ông tìm ra nhé! ông đi bắt ngay hộ hai đứa nhé. Tôi đến điên cuồng lên mất?

Lê Phong ôn tồn nói:

- Đi bắt! Tôi chỉ là người nhà báo… Vả lại chúng nó không ở đây nữa, chúng hẳn tránh xa rồi.

- Ông chắc không?

Lê Phong toan trả lời "Tôi đoán thế". Nhưng muốn an ủi Đoàn, anh ta nói:

- Chắc. Nhưng ông vẫn phải đề phòng cẩn thận. Bây giờ xin ông cứ yên tâm vào giảng đường vì hình như đến giờ rồi. À quên, ông đứng lại để tôi chụp ông bức ảnh.

Bấm xong bức ảnh. Lê Phong bắt tay người thiếu niên bác sĩ lúc đó vừa có người ra gọi, rồi lững thững đến ngồi lên một cái ghế dài gần cửa, cặm cụi viết lên cuốn sổ tay.

Anh ta vừa viết được cái đầu đề:

- "Một cuộc phỏng vấn vội vàng. Mấy phút cùng thiếu niên bác sĩ Trần Thế Đoàn, một nhà thông thái kỳ dị..."

Bỗng đập tay xuống ghế chép miệng:

- Ồ ngốc chưa! Vội gì thì vội, nhưng quên không xem bức thư lạ lùng kia thì ngu thực...

Ngẫm nghĩ một lát, lấy đồng hồ xem. Lê Phong toan đứng dậy, nhưng vẫn ngồi yên. Anh tắc lưỡi một cái, rồi viết rất nhanh, vừa viết vừa đưa mắt nhìn mấy người đến chậm vội vã bước vào giảng đường.

Lúc bốn trang giấy nhỏ đã đầy chữ. Lê Phong bước ra ngoài, đến bên một người ghếch xe đạp đợi ở vệ đường, đưa cái "Tin" mới xé ở sổ tay ra cho hắn và dặn:

- Anh về ngay tòa báo, bảo sửa qua bài tôi viết, rồi đăng ngay, cần lắm. Trang nhất, đầu đề rất to, mau lên cho kịp số hôm nay.

Rồi ngoắt quay vào, anh lẩm bẩm nói một cách rất sung sướng:

- Nào! Lê Phong, đem hết sức hết trí ra! Câu chuyện không đến nỗi tầm thường lắm.

Sắp bước lên thang để vào chỗ dành riêng cho các phóng viên, Lê Phong chợt để ý đến một mảnh giấy nhỏ rơi dưới đất.Anh nhặt lên và bất giác kêu lên một tiếng sẽ: "Ô! lạ chưa!".Trên mảnh giấy có nấy hàng chữ này, lối chữ in hoa, vạch bằng bút chì:

"Lê Phong, anh coi chừng đó, đứng dúng tay vào việc này mà mang họa. Hôm nay Trần Thế Đoàn phải chết, nhưng anh không được tìm, được hiểu, được trông thấy, nghe thấy một điều gì".

 

Thế Lữ

 


                                                                                → Người thiếu nữ kỳ dị

 


II Người thiếu nữ kỳ dị

 Mai Hương và Lê Phong



 Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ

II

Người thiếu nữ kỳ dị

Lê Phong đọc lại mảnh giấy, anh ta chau mày ngẫm nghĩ một lát, đôi mắt đen láy có vẻ sắc sảo lạ thường:

- Hừ! Một bức thư đe dọa! Hay lắm, câu chuyện với Đoàn. . .

Cái trường hợp kỳ dị vừa rồi làm kích động tâm trí người thiếu niên.

Lê Phong cảm thấy cái nguy hiểm, đoán thấy những việc gian ác ghê gớm sắp xảy tới, và thấy lòng sôi nổi lên... Ngay trong giây phút đó, cả một chuyện bí mật diễn qua trí tưởng tượng của Lê Phong, anh nóng ran cả người lên, lẩm bẩm nói một mình:

- Trời! Ta biết lấy gì cảm ơn sự tình cờ nó làm cho ta được gặp việc này! Một người bác sĩ giỏi nhất nước Nam lại là một người có không biết bao nhiêu chuyện kín... Có bao sự nguy hiểm nó vây bọc. Rồi còn phải chết nữa. Chết ngay bây giờ,trong giữa lúc được thấy cảnh rực rỡ nhất đời... cái câu: "Hôm nay Trần Thế Đoàn phải chết" ta cầm trong tay đây thực là những lời viết bằng máu. Không, không thể là một việc mơ hồ được vẻ lo sợ của Đoàn, cái dáng điệu bối rối, hai người lạ mặt trong đó vẫn có một người theo đuổi Đoàn, một người mà Đoàn nghe nói đến đã khiếp sợ, bằng ấy điều đủ bảo cho ta biết sẽ có những việc dị thường, với lại bức thư đe dọa này nữa. Bức thư như khiêu khích ta, như thách thức ta... Lê Phong ơi, mi thực là một tay phóng viên có diễm phúc...

Cái tràng diễn thuyết cho mình nghe ấy, Lê Phong nói lên một cách sôi nổi và kiểu cách như người diễn kịch. Không bao giờ anh nhiều lời đến thế, nhất là không bao giờ anh lại văn hoa đến thế. Anh còn lẩm bẩm nói nữa, nói mãi, hình như những tiếng thao thao ở miệng anh mỗi lúc mỗi thêm nhiều ra...

Trong lúc đó thì đôi mắt linh hoạt vẫn không bỏ sót một vật gì quanh mình. Cái phòng rộng thênh thang lúc đó không có qua một người nào, nhưng Lê Phong hình như cố ý cho người ta trông thấy cử chỉ mình, cố ý cho người ta biết rằng anh đương toan tính.

Đột nhiên, Lê Phong ngừng lại. Anh vẫn giữ nguyên cái cử chỉ lúc nãy. Tay vẫn cầm mảnh giấy nhỏ, cái đầu vẫn cúi,nhưng mắt không rời cái cánh cửa trái ở bên kia lối bước vào sân trong. Trong mắt kính mờ, anh như thấy bóng một người đứng ngoài đang rình anh và tay cầm một vật mà anh chưa thể nhận được rõ. Lê Phong nghĩ bụng:

- Trong này không tối hơn ngoài kia mấy. Ta trông thấy được bóng nó thì nó cũng trông thấy bóng ta, nó và ta tuy cách tường, nhưng nhờ có cửa kính phản chiếu, nên rình được nhau. Vậy thì nó là ai... Sao nó lại dò xét ta...

Rồi, không nghĩ gì thêm, anh nhét vội mảnh giấy vào túi, giả tảng bước lên thang gác, rồi thoắt một cái, nhảy ra.

Lê Phong sững sờ đứng lặng, ngượng nghịu không biết chừng nào. Vì người đứng bên ngoài, người mà anh tưởng đương chú ý rình anh, chỉ là một cô thiếu nữ óng ả . Cô ta lúc ấy đứng ở bao lơn bên lối xuống sân tennis tay cầm một cái máy ảnh nhỏ hình như mới chụp xong.

Thấy Lê Phong đột ngột hiện ra, vẻ mặt đổi hẳn đi, cô ta ngạc nhiên và hơi mỉm cười như chế riễu. Lê Phong ấp úng:

- Thưa cô?

Thì người thiếu nữ giương đôi mắt đẹp, dưới đôi mày kẻ rất thanh lên nhìn anh ta, khiến Lê Phong bối rối không nói được gì nữa. Cô ta tinh quái se sẽ hỏi lại:

- Thưa ông ạ . . .

Lê Phong nhận biết vẻ lố bịch của mình, cố trấn tĩnh lại rồi hỏi:

- Thưa cô... cô đứng đây một mình.

Miệng cười của người thiếu nữ lại cho anh thấy rõ câu hỏi kỳ khôi của anh là vô nghĩa lý. Lê Phong vội chữa:

- Nghĩa là... tôi muốn hỏi, cô có thấy người nào đứng... đợi tôi ở đây

- Nếu tôi thấy thì ông không thấy được sao. Mà đứng... đợi ông ở đây? ông hẳn có nhiều người đứng đợi nhỉ?

Lê Phong khó chịu về câu nói giọng mai mỉa, nhưng anh không thể nào không thầm khen cái nhan sắc đằm thắm, tươi trẻ của người thiếu nữ, thứ nhan sắc tuyệt mỹ, cao quý, khiến cho người ta chỉ trông giây lát cũng không đời nào quên.

Anh ta muốn nói lên một câu gì, nhưng không tìm được lời nào hết, mà người thiếu nữ thì vẫn yên lặng nhìn anh không chớp, trên cặp môi, trong đôi mắt, trên cả nét mặt yêu kiều,Phong thấy có vẻ tinh ranh ngạo nghễ, làm cho anh càng bối rối thêm.Trời ơi? Con người tình tứ làm sao?

Anh nghĩ thế rối toan lại gần, lấy cớ xem cái máy ảnh cô cầm ở tay để hỏi mấy câu, nhưng người thiếu nữ đã quay vào, đi qua trước mặt anh và thoăn thoắt bước vào giảng đường. Lê Phong mắm môi, nắm tay tự đấm vào vai mình một cái.

- Từ giờ thì chừa nhé! Mồm miệng để đâu?

Rồi vừa giận mình vừa lẩm bẩm câu:

"Đỗ tồi? Mình thực là đồ tồi?" Anh vội vã bước lên thang gác, vào chỗ ngồi của nhà báo, đưa mắt nhìn khắp giảng đường một phút, cố ý tìm người thiếu nữ, nhưng không thấy, ngẫm nghĩ nửa phút rồi ngồi xuống ghế, mỉm miệng cười:

- Được, có ngày ta sẽ gặp nhau.

Bấy giờ đã hơn mười giờ.

Công chúng trong giảng đường, trên những hàng ghế bắc thành từng bậc thấp dần, đang yên lặng nghe bài diễn văn của các vị giáo sư ngồi ở mấy hàng ghế đối diện.

Lúc đó đến lượt ông giám đốc trường y học đứng lên nói, ông thuật lại những công nghiệp của các thiếu niên bác sĩ và ngợi khen họ đã đem nghị lực và tài trí ra phụng sự một khoa học cao nhất, một thứ nghệ thuật để cứu giúp nhân loại v.v...

Lê Phong nghe bằng cái tai lơ đễnh nhất của anh vì anh còn đương nghĩ đến cái nghệ thuật giản tiện hơn, là tìm hiểu sự liên lạc của hai việc gặp gỡ kỳ dị vừa rồi; mảnh giấy đe dọa anh bỏ dưới cầu thang với người thiếu nữ cầm máy ảnh.

Cái nhan sắc diễm lệ hiếm có ấy cũng làm cho anh băn khoăn hồi hộp như câu chuyện kín của Trần Thế Đoàn, tại sao cùng trong một khoảng thời gian ngắn, sự tình cờ dẫn đến cho anh một việc anh cho là bí mật nhất, cùng một người thiếu nữ lạ lùng nhất, mấy lời hăm dọa trong mảnh giấy kia thoạt tiên anh cho là kẻ thù của Đoàn viết, nhưng theo một thứ cảm giác mới lạ và theo luận lý của những trường hợp lúc đó, anh lại ngờ là chính mảnh giấy của người thiếu nữ...

Anh giở mảnh giấy ra coi chữ vạch từng nét thoáng theo lối chữ hoa in, nhưng vạch bằng thứ bút chì máy nhỏ và có cạnh. Mảnh giấy lúc viết đặc lên một vật màu, gờn gợn như những tấm da đen vẫn làm bìa sách hay ví tiền của đàn bà.

Anh chợt nghĩ đến cái ví đầm mà người con gái đặt ở bờ lan can.

Lê Phong kinh ngạc tự hỏi:

- Nhưng chính cô ta hăm dọa mình ư? Chính cô ta là kẻ thù ghê gớm táo tợn đến thế ư? Ồ có lẽ nào? Thế còn hai tên lạ mặt kia, đồng đảng của cô ta chăng? Người chân tay của cô ta, hay người sai khiến của cô ta? Bằng ấy câu làm cho trí Lê Phong rối tung lên như mớ chỉ lộn.

Anh cố trấn tĩnh lại, cố sắp đặt tư tưởng cho nó thứ tự và nghĩ thầm:

- Việc đó sau này sẽ tìm ra. Điều cần nhất bây giờ là mở hết sức mắt ra mà trông, mà tìm xem trong bọn người dưới kia, trong bao nhiêu công chúng đến dự lễ phát bằng, trong bọn giáo sư với trong đám bạn hữu ngồi với Đoàn ở phía tường trong cùng kia, ai là người có thể ám sát Đoàn giữa lúc này được.

Lê Phong chăm chú quan sát một lúc rất lâu rồi kết luận:

- Công chúng họ ngồi rất xa. Trong đám ấy kẻ nào muốn giết Đoàn tất phải đến gần dùng súng lục bắn. Hai điều đó cùng không thể làm được, trừ khi hung thủ chịu hy sinh tính mệnh mình. Các giáo sư (Lê Phong lắc đầu). Người ta dẫu là kẻ thù của học trò cũng không chọn lúc này để hạ thủ; không, không sợ các ông này. Còn các bạn hữu của Đoàn? Đáng ngờ hơn, nhưng xem ra ông nào cũng tưởng đến sự tình bằng hữu, vả lại ta không thấy họ có một cử chỉ nào khác lạ hết, không? Mặc dầu bức thư kia! Đoàn chưa chết bây giờ được.

Lúc đó, Đoàn ngồi nghiêm trang trên một chiếc ghế dựa áp tường, phía tay phải các giáo sư. Lê Phong trông rõ vẻ bình tĩnh của Đoàn, nhưng anh ái ngại lắc đầu. Bình tĩnh ngoài mặt thôi! Trong lòng ông ta bây giờ thực đủ các điều lo sợ...

Nhận thấy trong giảng đường chốc chốc lại chớp lòe vì ánh sáng magnésium của bọn thợ ảnh, Lê Phong cũng giơ máy ảnh ngắm trước rồi đợi những làn chớp khác để chụp, mấy bức ảnh in kèm bài tường thuật mà anh sẽ viết về một cuộc phát bằng.

Bỗng nhiên anh tái hẳn mặt đi. Đôi mắt mở cực lớn nhìn trừng trừng vào mặt Trần Thế Đoàn. Hai tay cầm máy ảnh của anh run bật lên như người bị xúc cảm một cách phi thường, miệng sẽ sẽ kêu:

- Trời ơi! Trời ơi! Có ai ngờ?

Làm cho mấy người ngồi gần cũng nhìn theo phía anh nhìn, phải lấy làm lạ. Lê Phong vẫn lẩm bẩm:

- Chậm mất quá rồi; mình có ngờ đâu...

Mọi người hỏi:

- Gì thế?

Lê Phong nói như trong giấc mơ:

- Trần Thế Đoàn...

- Sao?

- Chết rồi?

Mấy người kia càng ngạc nhiên. Trông lại thì Đoàn vẫn yên lặng ngòi yên trên ghế:

- Ồ! ông nói gì lạ vậy?

Vừa tìm lối len ra cửa. Lê Phong vừa đáp:

- Chết rồi! Bác sĩ Đoàn bị ám sát rồi.

Như một thằng điên, Lê Phong chạy ra ngoài, đâm bổ xuống cầu thang, rẽ sang tay phải, mở cửa chính giảng đường, cố len qua mấy người cảnh sát Tây họ cản anh ta lại.

Ngay lúc đó, một tràng vỗ tay dữ dội hoan hô cái tên nhà thiếu niên bác sĩ mà ông giám đốc vừa đọc tới, rồi một câu nghiêm trang trịnh trọng xướng lên:

- Ông Trần Thế Đoàn, trường Đại học Đông Dương xin tặng ông bằng y khoa bác sĩ.

Tiếng vỗ tay lại ran lên lần nữa, nhưng trái với điều mọi người trông đợi, Đoàn vẫn không đứng dậy, không nhúc nhích, ngồi trơ như bức tượng.

- Chết rồi? Bị ám sát rồi?

Lê Phong nói câu đó một cách tuyệt vọng rồi bỗng trừng trừng nhìn về mọi phía. Anh vừa thoáng thấy bóng người thiếu nữ đang tìm cách lẻn ra.

Trong giảng đường, nhất là gần chỗ các giáo sư, người ta xôn xao lên. Ai cũng nhìn dồn về phía Đoàn ngồi, một vài người đứng lên, những tiếng hỏi nhau, những tiếng đáp lại với những tiếng ngạc nhiên mỗi lúc một thêm nhiều.

- Mọi người ngồi yên?

Tiếng quát của viên giám thị tạm dẹp được sự náo động trong một lát.

Lúc ông hiệu trưởng nhận ra rằng Trần Thế Đoàn đã chết thực thì tiếng ồn ào lại nổi lên.

Bọn sinh viên với những người ngồi xem đều dần dần đứng đậy cả. Các viên chức sở Cảnh sát sở Liêm phóng cố giữ lại trật tự cũng không được. Người ta kinh dị nhắc lại câu mà Lê Phong nói trước nhất:

- Chết rồi! Đoàn chết rồi!

Thoạt tiên, Lê Phong muốn xông vào, nhưng người ta chen nhau chật cả lối đi, anh đành đứng lại nép vào một phía cửa, đợi cho người thiếu nữ bước ra. Anh nhận ra rằng trước cô ngồi lẩn vào đám phụ nữ ở đầu hàng ghế thứ tư, chỗ ấy ở phía trái giảng đường và cách bọn tân khoa chừng hai chục thước. Lê Phong lúc này không tìm thấy người thiếu nữ có lẽ vì cô ta cố ý không để anh trông thấy, và chỗ của phóng viên ngồi hơi khuất và xa.

Một tay người thiếu nữ vẫn cầm cái ví đầm con màu phớt xanh và tay kia, cái máy ảnh lại trông khắp giảng đường một lượt mặt có vẻ bối rối; lưỡng lự một lát rỗi bước ra ngoài.

Lê Phong chạy theo liền. Người thiếu nữ thoăn thoắt đi về phía cầu thang, chực bước lên, nhưng biết có người theo, cô liền chạy thẳng ra phía cửa sau, rẽ xuống sân, ngoắt về tay trái qua nhà người "gác" rối toan ra khỏi cái cổng riêng các sinh viên vẫn ra vào thường ngày. Lê Phong tiến lên rất nhanh, đứng án ngữ trước mặt cô ta, rồi đường đột nói:

- Tôi hỏi câu này không phải . . .

Thì người thiếu nữ yên lặng trả lời:

- Ông hỏi câu nào bây giờ cũng không phải... Một cái án mạng xảy ra một cách rất lạ. Một việc rất quan trọng trong trường cao đẳng. Mà ông là người làm báo. Phận sự của ông là ở đó, sao ông lại theo hỏi một người đàn bà?

Lê Phong đáp liền:

- Vì người đàn bà ấy là. . . (Lê Phong muốn nói là người khả nghi, nhưng anh đổi tiếng ngay) là một người có những cử chỉ lạ lùng tôi muốn hỏi cho biết rõ hơn... tôi thấy lạ hơn việc án mạng.

Người thiếu nữ cất tiếng cười giòn, miệng cười tươi phô ra hai hàm răng nhỏ và trắng nuột.

Lê Phong nghiêm sắc mặt lại:

- Thưa cô, tôi tưởng lúc này cười không phải dịp.

- Ồ! Thế ra ông muốn tôi khóc?

- Không. Nhưng…

- Nhưng ông cấm tôi cười? Người ta cấm một người thiếu nữ cười, chỉ vì người ta là một nhà phóng viên... mà nhà phóng viên đạo mạo? ông là phóng viên phải không?

- Phải.

- Lê Phong, phóng viên kiêm trinh thám?

- Phải, thế rồi sao nữa?

Người thiếu nữ nghiêm nghị một cách tinh nghịch:

- Thưa ông Lê Phong, phóng viên trinh thám, tôi xin kính chào ông!

Rồi ngoắt quay ra mở cổng, người thiếu nữ vừa cười vừa bước lại gần chiếc “Nervasport” mới màu tro dịu, đỗ lẻ loi bên vệ đường.

Cái áo hàng thẫm trên chiếc thân kiều lệ vừa lọt vào trong xe, thì tiếng máy bắt đầu chuyển động rất êm. Một tiếng còi điện réo lên, Lê Phong chỉ còn kịp trông thấy hàng: “C.T.8.228”.



   ←  I Người phải chết                                                          → III Phóng viên và trinh thám

 


III Phóng viên và trinh thám

 


Mai Hương và Lê Phong

Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ

 

III

Phóng viên và trinh thám

Một mình đi một chiếc xe tối tân. Người lại tối tân hơn.

Miệng cười như hoa hồng nhung nở, mắt hình như ngọc huyền dưới hỗ nước trong. Ăn nói bạo dạn làm sao, ý vị biết chừng nào... Mà cũng kỳ dị biết chừng nào? Trời ơi, sao ta lại gặp cái bóng tiên nga bí mật kia, trong những trường hợp ghê gớm này? Tại sao họ lại biết ta, lại có ý ngại ta... Một khách qua đường ư? Hay là một thứ bẫy cạm.

Lê Phong vừa lững thững bước vừa thầm nói những câu đó- những câu đẹp đẽ, kiểu cách mà người thiếu niên nào cũng thường nói đến khi thấy cảm động vì một nhan sắc yêu kiều.

Anh mỉm một nụ cười rất tình tứ rất có duyên. Nhưng cái duyên đó phai dần, miệng cười biến dần, nét mặt tươi sáng của anh dần dần như ám bóng mây. Đôi mày mỗi lúc một chau thêm, môi mím chặt lại, mắt đăm đăm nhìn xuống đất lơ đãng như người nghĩ tận đâu đâu.

Bỗng anh ngửng lẽn như người tỉnh dậy.

Điệu bộ quả quyết, anh bắt tay lên gió và nói: "Lê Phong ơi? Đừng thở than nữa". Rồi nhảy ba bước vào cửa sau trường Đại học, ba bước nữa tới cửa giảng đường.

Nhưng ngẫm nghĩ thế nào, Lê Phong lại quay ra chạy lên cầu thang bên phải, bên phòng thư ký, gõ lên cánh cửa mấy cái rồi ngả mũ bước vào:

- Thưa ông đây là phòng giấy trường cao đẳng phải không?

Người thư ký đáp:

- Phải, ông hỏi gì?

- Tôi muốn gọi nhờ điện thoại về báo "Thời Thế"..: Tôi là phóng viên của nhà báo. Việc cần lắm.

- Mời ông…

Phong cám ơn rồi quay chuông:

- Allô! 874 s.y.p. 874.

- Allô! Tòa soạn "Thời Thế? Lê Phong đấy à. Phải rồi...

Trường cao đẳng. Cần lắm, gọi Văn Bình đến cho tôi dặn đây. Tin sau cùng: Bác sĩ Trần Thế Đoàn chết giữa lúc đang dự lễ phát bằng... Phải... Chết. Bị giết, bị ám sát. Phải phải, vừa bị giết xong… 10 giừ 45 phút … Bị giết, bị giết, anh cứ đăng thế… Án mạng rất bí mật, tôi biết rằng họ sẽ không thể tìm ra hung thủ ngay được. Anh phải nhớ kỹ, các báo sẽ đăng là bác sĩ chết đột nhiên… Có lẽ sở Liêm phóng cũng vậy. Nhưng tôi biết… ám sát, phải của tôi, tin của tôi, anh viết thêm rằng phóng viên của báo "Thời Thế" đang ra công điều tra. Phải... được... à, tý nữa quên. Anh đổi đầu đề bài phỏng vấn ra thế này: cuộc phỏng vấn vội vàng. Những lời tuyên bố cuối cùng của bác sĩ Trần Thế Đoàn... Phải, cuối cùng được... càng hay, cho in thêm bao nhiêu số nữa cũng… Ừ… Phải … anh cứ viết đoạn đầu, khuôn hai tiếp theo tôi sẽ nói tường tận … Được, tôi sẽ viết ngay… được được…Thôi chào!"

Vừa ra khỏi cửa, Lê Phong gặp một người vội vã bước tới, anh nhoẻn cười và hỏi:

- Chào ông T. Phụng ông vẫn mạnh?

- Chào ông Lê Phong.

Ông T. Phụng đứng lại, ông này vào trạc hăm chín, ba mươi tuổi, mặc xám gọn ghẽ, lịch sự. người nhỏ nhắn nghiêm nghị, nhưng dễ thương, khuôn mặt xương xương, vẻ mặt thông minh và thành thực, ông T. Phụng làm ở sở liêm phóng Hà Nội, một người thiếu niên làm việc rất cẩn thận và minh mẫn, thường gặp Lê Phong trong các vụ bí mật mà ông ta khám phá được rất chóng ít khi chịu trái ý kiến Lê Phong. Lê Phong không bao giờ giấu những "bí thuật" của mình. Anh khéo bày diễn những điều xét đoán của anh một cách khiêm tốn, khiến cho nhà trinh thám của sở Liêm phóng bao giờ cũng không bị tổn đến lòng tự ái, và thường nhất nhất theo lời chỉ dẫn của người phóng viên. Tuy hai bên nhiều khi cũng không ăn ý nhau, tuy thỉnh thoáng sự ganh cạnh nhà nghề có làm cho họ coi nhau như hai địch thủ, và tuy một đôi khi Lê Phong có trêu tức “nhà liêm phóng” vì bài tường thuật lý thú hóm hỉnh, nhưng bao giờ gặp mặt, hai người cũng chào hỏi nhau một cách thực như hai người bạn thân.

Lần này Lê Phong cũng tươi cười một cách rất thực thà, song trong đôi mắt của anh ta lại có vẻ ranh mãnh, Lê Phong hỏi:

- Ông đi đâu mà hấp tấp thế?

Thấy vẻ ung dung của người phóng viên ông T. Phụng hơi lấy làm lạ, ông ta hỏi lại:

- Ồ! Vậy ra ông chưa biết? Chả nhẽ ông lại chưa biết?

- Biết gì kia, cái chết bí mật của bác sĩ Trần Thế Đoàn?

- Phải.

Tôi vừa đánh tin về nhà báo xong... Tôi lại biết đó là một vụ ám sát nữa.

Ông T. Phụng trừng mắt hỏi:

- Ông bảo sao? Một vụ ám sát

- Có lẽ ông lấy làm lạ?

- Tôi không lấy làm lạ. Tôi chỉ cho là một điều vô lý, một điều vô lý ông bịa ra để nói đùa. Chứ có lẽ nào một việc ám sát, một án mạng xảy ra trong giữa một hội lễ, xảy ra trước mặt tôi?

Không, việc náo động vừa rồi không có điều gì đáng quan tâm. Đó chỉ là một cái chết tự nhiên, chết đột nhiên, đứt mạch máu, trúng cảm, hay một duyên do nào khác, còn ám sát? Thế hung thủ ở đâu? …

Lê Phong nhìn thẳng vào mặt ông T. Phụng, hơi nhách miệng. Một lát anh mới nói:

- Hung thủ đâu? Không có, hay không thấy, hay chưa tìm thấy đó thôi. Phải, việc ám sát xảy ra trước mắt mọi người, trước cả đôi mắt tinh tường của nhà thám tử đại tài T. Phụng nữa. Chính vì thế mà việc này bí mật vô cùng. Có lẽ ông biết rồi, ông vội vã bước đến đây hẳn là để gọi điện thoại báo tin ghê gớm này đi.

- Không phải. Nhưng ông chắc là một án mạng thực?

- Chắc.

- Tự sát?

- Người ta không tự sát ở đây?

- Mà sao ông chắc rằng bác sĩ Đoàn bị ám sát đã?

Lê Phong hỏi lại:

- Tử thi bác sĩ Đoàn ở đâu?

- Ở nhà thuốc trường Cao đẳng.

- Xem xét cẩn thận chưa?

- Rồi. Không có thương tích gì. Viên y sĩ nói là bị trúng cảm... Bác sĩ Đoàn vẫn là người không được khỏe mạnh luôn.

- Nhưng ông, ông đã khám tử thi chưa?

- Tôi xem qua thôi. Vả lại cuộc khám nghiệm bây giừ mới đơn sơ chưa biết kết quả ngay... Nhưng này, sao ông biết là bị ám sát?

- Vì có người báo cho biết

Ông T. Phụng kinh ngạc:

- Hừ? Có người báo cho ông biết?

- Phải. Chứng cớ đây.

Lê Phong đưa mãnh giấy đe dọa ở dưới bực thang cho ông T. Phụng xem và thuật qua hình dạng hai người lạ mặt anh thấy đứng rình Đoàn, nhưng không nói đến sự kinh ngạc của Đoàn mà anh biết chính Đoàn cũng muốn giấu sở Liêm phóng, anh cũng không nói gì đến người thiếu nữ kỳ dị, chỉ kết luận một câu:

- Trong khi tôi nói chuyện với bác sĩ Đoàn, bác sĩ vẫn khỏe mạnh như thường, không có một triệu chứng nào có thể cho mình tin rằng sau đó không đầy một giờ, Đoàn bị chết được.

Ông T. Phụng trách:

- Thế sao ông không cho sở Liêm phóng biết với?

- Biết gì?

- Cái giấy nầy!

- Trước hết, tôi không sợ những lời đe dọa quá đến nỗi phải cầu cứu sở Liêm phóng. Còn về phần bác sĩ Đoàn thì tôi cũng không ngờ rằng hung thủ dám giữ đúng lời đe dọa của chúng “Trần Thế Đoàn sẽ bị giết hôm nay”. Nhưng hôm nay có thể là bây giờ, là chốc nữa là chiều, là tối... cho đến mười hai giờ đêm... Vừa rồi ông cũng không tin như tôi rằng bác sĩ Đoàn có thể bị ám sát được… Bởi thế, tôi tưởng rằng sớm ra thì cũng phải sau khi Đoàn ra khỏi trường kẻ thù của Đoàn mới hạ thủ …

- Nhưng bác sĩ bị giết bằng cách nào mới được chứ?

Lê Phong đáp:

- Cho đến lúc ông với tôi tìm ra được thì có trời biết. Nhưng thế nào cũng tìm ra được, trước thì tìm ra cái lối giết người rất khéo của hung thủ, sau sẽ tìm ra chính hung thủ. Vâng, thế nào ta cũng tìm được nếu không ông, thì tôi.

Câu ấy nói ra bằng thứ giọng quả quyết và ngạo nghễ như thách tranh đấu. Ông T. Phụng nhìn người phóng viên mỉm cười:

- Vâng, chính thế. Nếu thực là việc án mạng thì hung thủ sẽ bị bắt... bởi tôi.

Lê Phong cũng cười:

- Và bởi cuộc điều tra của báo "Thời Thế”. Trong lúc đợi đến cái ngày mà tôi mong là gần tới đó, tôi hãy xin phép ông đi xem qua tử thi bác sĩ Đoàn.

Lê Phong nói rồi quay đi, nhanh nhẹn vui vẻ như đứa trẻ con, nhưng bỗng ông T. Phụng gọi giật lại:

- Ông Lê Phong?

- Tôi đây.

Lê Phong vừa quay trở lại vừa nghĩ thầm: "Lòng tự phụ của nhà nghề đấy? ông này hắn muốn chiếm công một mình, thế nào cũng cản trở ta".

Quả nhiên, ông T. Phụng nói:

- Ông Lê Phong, bây giờ là lúc theo lời ông tôi biết đó là việc án mạng, thì tôi không thể cho phép ông tự tiện xem tử thi được. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng luật phải thế xin ông hiểu cho.

- Vâng, tôi hiểu rồi.

- Vậy ông sẽ đợi cuộc xem xét của tôi, tôi sẽ cho ông biết tin ngay, biết trước báo khác.

- Còn việc xem tử thi thì không phải là việc của tôi, vì tôi chỉ là một nhà báo. Vâng, tôi hiểu.

- Ông thông minh lắm.

- Cám ơn ông.

Lê Phong có vẻ thất vọng, bắt tay ông T. Phụng lần thứ hai. Anh chậm chạp vừa bước xuống phòng vừa thở dài, trong lúc ông T. Phụng cũng thở dài, nhưng thở một cách khoái trí.

Ông T. Phụng đợi cho Lê Phong đi khuất mới vào phòng giấy trường Đại học. Ông đánh điện thoại ra sở Liêm phóng báo một việc không quan hệ lắm, rồi ngẫm nghĩ một lúc, ông lại gọi điện thoại cho ông dự thẩm tòa án là bạn ông. Ông nói đến cái chết của người thiếu niên bác sĩ bằng những lời dè dặt, nhưng cũng đủ làm cho ông bạn ở đây bên kia dây phải ngạc nhiên.

Ông cố ý cho ông bạn biết rằng cái chết đột nhiên đó là một án mạng mà không ai ngờ đến, trừ có ông. Ông sẽ khám phá ra được.

Lúc ra, ông T.Phụng nhìn qua xuống phòng đến, trước giảng đường: ở đó, người ta đương ồn ào, bàn tán về cái chết lạ lùng của bác sĩ Đoàn.

Ông ta không chú ý lâu, rẽ sang tay phải, qua sân quần của trường cao đẳng vừa đến phòng trước là chỗ để xác người thiếu niên bác sĩ.

Trước khi bước vào ông mời những người tấp nập đi đi lại lại trước cửa xuống cả sân đợi, rồi gọi hai người gác ngoài đó dặn cấm không ai được vào đấy.

Rồi trịnh trọng, đạo mạo ông mở cửa bước đến bên giường người chết, gật đầu chào mấy người sinh viên mặc áo khán hộ đứng cạnh đấy, và lật tấm khăn xem lại tử thi. Một sinh viên lễ phép đến gần, trỏ lên mặt và tay bác sĩ Đoàn mà nói:

- Xin ông thanh tra mật thám chú ý đến những chỗ tím tím ở dưới làn da xanh nhợt này. Từng đốm tròn bằng đồng hào, thoạt trông thì không ai ngờ gì nhưng xem kỹ thì đó là những triệu chứng của sự trúng độc. Người chết tất uống phải một thứ thuốc độc mạnh, giết người một cách nhanh chóng ghê gớm, thứ thuốc độc ngấm nhanh vào máu, nên người chết chưa chắc đã phải chịu đau lâu nhưng bác sĩ Đoàn - xin ông để ý đến điều này - có uống gì trong hơn một giờ lúc ngồi dự lễ phát bằng đâu? Thế mà cái thứ thuốc độc kia lại ngấm nhanh chóng, ngấm nhanh "như nọc rắn độc". Vậy tất nhiên thuốc độc ấy phải vào máu Đoàn bởi chỗ khác trong thân thể. Tất nhiên phải vào bởi... thí dụ... chỗ này...

Người sinh viên mặc y phục khán hộ, sẽ lật tấm khăn phủ phía dưới lên và trỏ vào một điểm nhỏ ở đùi bên trái bác sĩ Đoàn, màu bầm đỏ, như nốt muỗi đốt, chung quanh cũng có những đám tròn tím như ở trên tay và trên mặt, nhưng mau hơn và nhỏ hơn nhiều.

- Cái điểm nhỏ này, thưa ông, nếu nhìn rất cẩn thận sẽ biết rằng đó là một thứ thương tích nguy hiểm vô cùng, chứ không phải là một nốt muỗi đốt như người ta tưởng. Do chỗ đó mà thuốc độc ghê gớm ngấm vào được và giết chết Đoàn... Mà, theo luận lý và sự kinh nghiệm của tôi thì, thưa ông T. Phụng.

Nhưng không để người sinh viên nói hết, ông thanh tra mật thám xẵng tiếng hỏi:

- Tôi đã bảo ông không được phép vào khám… ông lợi dụng lúc tôi không có đây để...

- Để tự tiện vào? Không. Thực ra thì không ai cho tôi vào đây, người ta nhất định gác lối cửa vào mà tôi thì thế nào tôi cũng phải vào vì việc điều tra của tôi bắt phải thế. Cho nên tôi mới phải dùng cái mưu nhỏ này, mượn được cái áo "blouse" của một người bạn thân tức là mượn được cái phép vượt qua các điều nghiêm cấm.

Ông T. Phụng cưới:

- Ông Lê Phong, ông thực là người tinh quái!

Lê Phong (vì người đó chính là anh ta) se sẽ ngả đầu:

- Vâng, tôi chính là Lê Phong và là người muốn giúp ông hết lòng, vì nếu không nhờ thế lực và trí minh mẫn của ông thì một mình tôi …

Bỗng anh ngừng lại nhìn trân trân ra phía cánh cửa chợt mở, nhưng chợt khép ngay lại anh thoáng thấy một người chực lẻn vào trong nhà thuốc.

Người ấy là cô thiếu nữ dị kỳ.



   ← NGƯỜI THIẾU NỮ KỲ DỊ

      → MỸ CHÂU VÀ TRỌNG THỦY