Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần
1): sự thôi thúc của phần con
Anh Nguyễn
Nhân vật Giả Thụy, tên chữ Giả Thiên
Tường, là một trường hợp tương đối đặc biệt của Hồng Lâu Mộng. Y xuất
hiện ở hồi thứ chín, đến hồi thứ mười hai đã qua đời đột ngột theo kiểu “sét
đánh không kịp bưng tai.” Cuộc đời – cái chết Giả Thụy tuy chỉ gói gọn trong
vài chương ngắn ngủi nhưng diễn biến hấp dẫn, tình tiết ly kỳ, lại có nhiều ý
nghĩa sâu xa khó nói hết, hoàn toàn xứng đáng dựng thành một vở bi hài kịch
riêng. Câu chuyện gió trăng của Giả Thụy khiến tôi liên tưởng nhiều đến những
tác phẩm của Shakespeare như The Comedy of Errors hay Love’s
Labour’s Lost.
Tranh vẽ Giả Thụy
Giả Thụy là cháu nội Giả Đại Nho, thuộc
một chi tương đối nghèo của họ Giả. Y đóng vai trò trông nom trường học của
dòng họ, trách nhiệm không phải nhỏ. Nhưng dưới sự cai quản của y, nơi này trở
thành chỗ yêu đương đồng giới của bọn học sinh, chữ nghĩa thánh hiền thảy đều bị
thổi bay đi đâu mất cả. Trong truyện đã giới thiệu về Giả Thụy rõ ràng:
Giả
Thụy vốn người không đứng đắn, chỉ thích lợi, khi ở trong trường hắn thường hay
mượn việc công làm việc tư, hạch sách đám học trò phải mời hắn ăn uống. Hắn vào
hùa với Tiết Bàn, mong kiếm tiền, kiếm rượu, nên tha hồ để mặc cho Tiết Bàn
ngông nghênh làm càn, không những hắn không ngăn cấm mà còn nối giáo cho giặc để
lấy lòng Tiết Bàn.
Hồng Lâu Mộng có nhiều cung bậc của tình: có
tình trong sáng, tình tri kỷ, cũng có tình dâm ô và nhơ bẩn. Nói thẳng ra là Giả
Thụy đã biến trường học thành ổ giai bao cho họ Tiết, bản thân y lãnh nhiệm vụ
ma cô dắt khách. Khổ nỗi anh chàng Tiết Bàn là kẻ không đứng đắn, có mới nới
cũ, chán chê với Kim Vinh lại chuyển sang hai nam sinh Hương Lân và Ngọc Ái. Về
sau y cũng hết yêu hai cậu này, thế là Giả Thụy trở nên “bơ vơ không nơi nương
tựa.” Tiết Bàn chính là kẻ thô tục bậc nhất trong Hồng Lâu Mộng, y
một thân hào phú nhưng bị con lợn lòng hoàn toàn chi phối. Giả Thụy dính dáng với
Tiết Bàn là đủ biết y thuộc hạng người nào. Kết cục của Giả Thụy khó mà tốt đẹp
được.
Thế nhưng cuộc đời Giả Thụy chỉ hoàn
toàn xoay chuyển khi y gặp phải Phượng Thư. Quả đúng là… người đâu gặp gỡ làm
chi.
[…]
rồi dẫn bọn người hầu và người nhà phủ Ninh ra quanh cửa đi tắt vào vườn hoa,
nhìn thấy:
Hoa
vàng giải đất, liễu trắng quanh bờ. Suối Nhược Gia cầu nhỏ bắc qua; núi Thiên
Thai đường con rẽ tới. Khe đá dòng trong róc rách, hàng giậu đều thơm; trên cây
lá đỏ rập rờn, rừng thưa như vẽ. Gió tây thổi mạnh, oanh còn thỏ thẻ bên tai;
ngày ấm vui dồn, dế cũng rì rầm nói chuyện. Kìa phía đông nam, mấy tòa lầu nhấp
nhô dựa núi; nọ nơi Tây bắc, ba gian hiên thấp thoáng kề sông. Vang tiếng phách
sênh, tình riêng khôn tả; chen màu là lụa, cảnh đẹp nên thơ.
Phượng
Thư đi thong thả xem cảnh trong vườn. Đương lúc ngắm nghía, chợt thấy một người
ở sau núi giả chạy ra, đứng trước mặt, nói:
–
Xin chào chị!
Phượng
Thư giật mình, lùi lại hỏi:
–
Có phải chú Thụy đấy không?
Giả
Thụy nói:
–
Chị không nhận ra tôi à?
–
Không phải tôi không nhận ra, đương lúc bất thình lình không ngờ chú lại ở đây.
Giả
Thụy nói:
–
Có lẽ tôi với chị có duyên hay sao? Tôi vừa ở trong tiệc lẻn ra, đến chỗ thanh
vắng này cho khoan khoái một tí, không ngờ lại gặp chị. Thế chẳng phải có duyên
là gì.
Vừa
nói, mắt hắn vừa chòng chọc nhìn Phượng Thư.
Lần đầu Giả Thụy gặp Phượng Thư
Đoạn trên rất hay, có thể nói Tào Tuyết
Cần đã vận dụng biện pháp “foreshadowing” (báo trước) một cách tuyệt diệu.
Về thời điểm, cảnh này diễn ra sau khi Phượng Thư thăm nom Tần thị, nàng dâu lẳng lơ dưới trần kiêm
“người tình nhân thứ nhất” ở cõi tiên (hồi một trăm mười một), nên không khỏi
dính dáng tới chuyện mây mưa. Sân khấu diễn ra tấn trò lại chính là vườn hoa của
Ninh quốc phủ, một nơi đầy chuyện tục khí, mờ ám, đến mức Liễu Tương Liên từng
nhận xét hoạ may chỉ có hai con sư tử đá bên ngoài là còn sạch! Những địa danh
được nhắc đến trong cảnh cũng có ý tứ nhạo báng: suối Nhược Gia là nơi Tây Thi
giặt lụa gặp Phạm Lãi, núi Thiên Thai là nơi Nguyễn Triệu diện kiến tiên nữ. Thế
nhưng Phượng Thư bụng dạ độc ác, ăn nói chua cay không xứng với danh hiệu mỹ
nhân, còn Giả Thuỵ lại càng không phải anh hùng cái thế hay tài tử phong nhã.
Cuộc tao ngộ này chỉ là kẻ cắp bà già gặp nhau mà thôi.
Phượng
Thư là người thông minh, thấy dáng bộ ấy đã đoán được tám chín phần, liền nhìn
Giả Thụy, giả cách mỉm cười, nói:
–
Không trách anh chú thường nhắc đến chú luôn, bảo chú tốt lắm. Nay được gặp,
nghe nói mấy câu, biết ngay chú là người thông minh hòa nhã. Bây giờ tôi phải đến
chỗ các bà, không tiện nói chuyện. Lúc nào rỗi, chúng ta lại sẽ gặp nhau.
Giả
Thụy nói:
–
Tôi muốn đến thăm chị, nhưng sợ chị trẻ tuổi không chịu tiếp khách dễ dàng.
Phượng
Thư lại giả cách cười nói:
–
Chỗ anh em ruột thịt trong nhà, sao lại nói trẻ tuổi với không trẻ tuổi?
Giả
Thụy nghe thế, trong bụng mừng thầm: “Không ngờ hôm nay lại có cuộc gặp gỡ lạ
lùng thế này!” Tình cảnh ấy càng làm cho Giả Thụy ngẩn ngơ ngơ ngẩn. Phượng Thư
lại nói:
–
Thôi, chú vào tiệc ngay đi. Coi chừng họ lại bắt uống phạt đấy!
Giả
Thụy nghe xong, tê tái cả người, đi chầm chậm rồi cứ quay đầu lại nhìn. Phượng
Thư cố ý đi thong thả. Thấy hắn đi xa rồi, trong bụng nghĩ: “Thế mới là: Biết
người, biết mặt, biết lòng làm sao? Đâu lại có hạng người chó má như thế! Nếu vậy
có lúc nó phải chết với ta cho nó biết tay!”
Hai người từ biệt nhau
Vậy là kết thúc hồi mười một “Gặp
Hy Phượng, Giả Thuỵ động lòng dâm dục”. Khi Tào Tuyết Cần nói về sự thức tỉnh
tình dục (sexual awakening) của Bảo Ngọc, ông dùng những cụm từ hết sức
tinh tế, ý nhị “mộng kín,” “tình ngây.” Còn đối với Giả Thụy, tác giả gọi thẳng
bản chất sự thôi thúc trong y – sự khao khát phần con chứ không phải phần người.
Đoạn sau không cần nói rõ. Giả Thụy lần mò đến gặp Phượng Thư, say sưa mê mẩn,
rạo rực sàm sỡ. Phượng Thư khéo léo cầm chừng, lại hẹn y một nơi vắng vẻ buổi
đêm. Vở kịch bắt đầu đến hồi gay cấn. Giả Thụy đi gặp gái ra sao?
(Còntiếp)
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét