Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Hư Trúc hòa thượng


Thiết nghĩ. Chúng sinh không có bản ngã nên vui buồn sướng khổ đều là do duyên mà thành. Nếu được những điều vinh dự cũng là do tích nhân từ trước tạo ra nên hôm nay mới được như thế. Đến khi duyên hết rồi thì trở lại là không, có gì mà vui đâu? Được hay mất cũng đều là do duyên chứ cái tâm không hề tăng hay giảm.
Chàng Hư Trúc này là ví dụ điển hình và rõ nét nhất của chữ "Duyên"

Trong tiểu thuyết Thiên long Bát bộ của Kim Dung, chàng Hư Trúc khi ở trong hầm băng cùng Thiên Sơn Đồng lão, bị bà ép ăn thịt, uống rượu rồi ngủ cùng Mộng cô, câu niệm cửa miệng của nhà sư trẻ này là "sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị" (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành thức cũng là như vậy). 
Hư Trúc đã đọc câu kinh được xem là thâm ảo nhất trong Bát nhã Ba la mật Tâm kinh.

Giới luật được Thiên Long Bát Bộ bàn đến là giới luật thuộc bộ phái phát triển Phật giáo, hay gọi là Đại thừa, gồm giới của Tỷ kheo (250 giới), giới của Bồ tát (58 giới) - Thập nhân cũng là hạnh của Bồ tát hành các ba - la - mật khá rành rẽ. 

- Về căn bản của đường tu phạm hạnh, tác giả đã phát biểu qua lời lẽ của tiểu Tăng Hư Trúc: 
"Đệ tử nhà Phật lấy từ bi làm căn bản, lấy phổ độ chúng sinh làm tâm nguyện, cốt sao cho minh tâm kiến tánh. Còn luyện võ công được cao thâm cũng là hay, mà luyện chẳng tới đâu thì cũng không ngại gì đến việc tu thành chánh quả. Kẻ tu hành không thể chuyên tâm luyện võ mà xao lãng việc chính yếu là tu tâm dưỡng tính" 
Lời lẽ đã nói đủ hạnh tu chân chánh của Phật giáo là tự độ song hành với độ tha để mình và người đều minh tâm kiến tánh, đắc được trí tuệ giải thoát, cái trí tuệ thấy rõ sự thật của vạn hữu và chặt đứt sạch mọi phiền não khổ đau. Lời lẽ Hư Trúc đã phản ảnh trung thực giáo lý nhà Phật. 

- Khi Hư Trúc đang vướng ngại, chấp thủ cái tướng tiểu cô nương và đại cô nương, thì mường tượng nhớ đến một lời kinh Kim Cương rằng: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" (cái gì có tướng tức là hư vọng). Lời kinh này nhất thời giúp Hư Trúc đi ra khỏi cái tâm vướng ngại về cái tướng cô gái nhỏ, cô gái lớn để tự tại hơn trong học hỏi và cứu giúp Đồng Mỗ. 

Trao đổi với Đồng Mỗ, Hư Trúc nói: 
"Tiền bối! Nhân sinh vô thường, vô thường là khổ. Người ta chịu khổ phần nhiều là do ba cái độc tham, sân, si mà ra. Giả sử tiền bối cố gắng tự tiêu trừ ba cái độc này, đừng nhớ đừng hận sư đệ sư muội của tiền bối nữa, thì trong lòng sẽ thấy dễ chịu hơn". 
Lời trao đổi nghe rất Phật giáo! Rất trung thực đối với giáo lý nhà Phật, nói lên tính chất thiết thực hiện tại: an lạc ngay trong hiện tại. 

- Khi bị hành khổ, Hư Trúc đọc lời kinh để tự tỉnh: 
"Tu đạo cực khổ, phải nghĩ kiếp trước, bỏ gốc theo ngọn, sinh lòng yêu ghét, kiếp này không lỗi, nhưng lỗi ở kiếp trước, sao thì phải vậy, không nên oán trách, gặp khổ chẳng buồn, mới là đạt đạo". 

(sưu tầm và biên soạn, tháng 11/2012)

*****

Mời đọc thêm về "chàng" tiểu hòa thượng Hư Trúc.
Hư Trúc
Hư Trúc vốn là người có võ công và nội lực cao nhất Thiên Long. Tu hành từ thưở mới lọt lòng mẹ tại Chuà Thiếu Lâm, vào sân khấu Thiên Long với số tuổi mười sáu, mười bẩy nên anh không còn là chú tiểu, song anh vẫn chưa phải là Sư bác, Sư ông. Ta gọi anh là Sư chú.
Hư Trúc trạc tuổi Đoàn Dự, Mộ Dung Phục, Du Thản Chi. Anh chỉ muốn tu hành suốt đời và tuy tu trong chuà Thiếu Lâm, nơi ai cũng võ nghệ cùng mình, võ từ Phương Trượng Đại sư đến ông bếp già quanh năm và cả đời chỉ đánh lộn với đám nồi niêu, xoong chảo; Sư chú Hư Trúc hoàn toàn không có chút xíu võ công nào cả. Như đã nói anh chỉ muốn tu thành chánh quả, không muốn học võ.
Hư Trúc được đi theo hầu hạ Sư phụ, một cao tăng chùa Thiếu Lâm đi vân du. Khi ấy trên giang hồ có tin Tổng Đàn Vô Vi Phái ở Hồ Nam mở cuộc tuyển lựa người làm Chưởng Môn Nhân. Sư phụ của Hư Trúc đến đó chứng kiến cuộc tuyển người. Vì uyên nguyên ấy Sư chú Hư Trúc cũng đến Tổng Đàn Vô Vi Phái ở Hồ Nam.

 Cảnh trong phim Thiên Long Bát Bộ
Vô Vi Phái có thủ tục lạ kỳ: không tuyển người trong phái làm Chưởng môn nhân mà lại tuyển người ngoài. Cách tuyển người cũng không giống ai: một bàn cờ đã sắp sẵn được đặt ra, ai phá được thế cờ, thắng được ván cờ sẽ được Vô Vi Phái nhận làm Chưởng môn nhân.
Tô Tinh Hà, một nhân vật cao cấp trong Vô Vi Phái, chủ trì bàn cờ. Nơi đấu cờ được tổ chức trên bãi cỏ rộng lưng đồi, trước một căn nhà gỗ, bên hàng thông xanh. Được tin biểu huynh của nàng là Mộ Dung Công Tử sẽ đến dự cuộc tuyển lựa, Vương Ngọc Yến đến Tổng Đàn Vô Vi Phái. Đoàn Dự đi theo nàng nên Đoàn Dự cũng đến Tổng Đàn Vô Vi Phái.
Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh đến dự tuyển. Lão ngồi vào bàn cờ trước nhất. Lão rất cao cờ — cờ này là Cờ Vi, không phải Cờ Tướng — nhưng thế cờ bí hiểm làm lão đầu váng, mắt hoa, kinh mạch đảo lộn. lão đành chịu thua. Đoàn Dự rồi Mộ Dung Công Tử được Tô Tinh Hà long trọng mời vào bàn cờ. Tô Tinh Hà rất muốn một trong hai chàng trẻ tuổi đẹp trai, hào hoa phong nhã Đoàn Dự, Mộ Dung Phục giải được thế cờ, làm Chưởng môn Tinh Tú phái.
Đoàn Dự không thích võ công, cũng chẳng ham làm Chưởng môn bất cứ bang phái nào trên cõi đời này. Chàng đến đây chỉ vì chàng đi theo Vương Ngọc Yến. Và chàng xây sẩm mặt mày khi nhìn thấy tình yêu của Vương Ngọc Yến với biểu huynh của nàng, chàng còn tinh thần đâu mà cờ với quạt. Chàng ngồi vào bàn cờ vì được Tô Tinh Hà trịnh trọng mời.
Đây là lần thứ nhất Mộ Dung Công Tử xuất hiện bằng xương, bằng thịt trên sân khấu Thiên Long. Trước đó Kim Dung toàn diễn tả chàng qua lời những nhân vật Thiên Long nói đến chàng và bản lãnh gọi là ” Đẩu chuyển, tinh di” của nhà Mộ Dung.
Kim Dung cho Mộ Dung Phục xuất hiện đẹp như rồng, như phượng. Chàng đứng trên đỉnh hàng thông xanh gần đó tự lúc nào không ai hay. Từ xa một chiếc lá bay tới lơ lửng trên bàn cờ rồi rơi xuống một ô cờ. Mọi người quanh bàn cờ ồ lên một tiếng kinh ngạc và thán phục. Nước cờ quá hay. Người vừa đi nước cờ tuyệt diệu ấy phải là một Vô Địch Kỳ Vương.
Vương Ngọc Yến bèn kêu lên:
– Biểu huynh của ta đến… Biểu huynh của ta là Mộ Dung Công Tử… Biểu huynh của ta chắc sẽ giải đuợc thế cờ này…
Quần hùng biết người vừa ném chiếc lá là Mộ Dung Công Tử, và Công Tử sắp đến. Công Tử đến thật. Công Tử thần thái hào hoa, phong nhã, ung dung ngồi vào bàn cờ. Công Tử còn điển trai hơn cả Đoàn Vương tử nước Đại Lý. Mọi người nín thở. Tô Tinh Hà bồi hồi chỉ mong Công Tử phá được thế cờ. Nhưng chỉ sau vài nước cờ có vẻ sáng sủa, thế cờ của Công Tử lập tức đi vào ngõ bí. Mộ Dung ngồi lặng trước bàn cờ. Chàng thấy thế cờ giống như tình trạng mộng ước khôi phục ngai vàng Yên quốc của gia đình chàng. Chàng chỉ còn một nhúm tàn quân bị quân địch bao vây kín mít. Chàng tiến lên là chết, lùi lại cũng chết, sang phải chết, sang trái cũng chết, ở yên cũng chết. Biết làm sao đây? Sự suy nghĩ và tuyệt vọng làm Mộ Dung Phục mắt hoa, đầu váng, máu tươi ứa ra trong miệng chàng.
Đến lượt Sư chú Hư Trúc ngồi vào bàn cờ. Anh ta không có ý định ngồi vào bàn cờ vì anh hoàn toàn mù tịt về cờ quạt. Anh ngồi vào bàn cờ chỉ vì nghe có tiếng người bảo nên ngồi vào. Anh tưởng người ra lệnh cho mình là Sư phụ của anh. Nhưng người ra lệnh cho anh lại là Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh. Lão dùng phép “truyền âm nhập mật” nói vào tai Hư Trúc. Truyền âm nhập mật là phép người nói không nói ra tiếng, và người nói muốn nói với ai thì chỉ người được cho nghe mới nghe được tiếng.
Lão Ác Ma đã thua cuộc, ra đứng chầu rìa, nhưng lão còn cay cú. Lão cho nhà sư trẻ vào cuộc để phá chơi cho bõ ghét. Lão vẫn dùng phép truyền âm nhập mật, chỉ cho Hư Trúc đánh bậy, đánh bạ. Mọi người lại ồ lên ngạc nhiên khi thấy nhà sư trẻ đi một nước cờ.


Đây là nước cờ tự sát: đẩy quân mình vào chỗ chết. Không ai, kể cả những tay cờ cao đến đít vịt xiêm lai, lại đi nước cờ ngu ngốc này.
Tô Tinh Hà liền giận dữ quát lên:
– Đây không phải là nơi mấy người đến rỡn chơi đó nha!
Lão đánh một chưởng lên tảng đá gần bên. Tảng đá vỡ tan tành làm nhiều mảnh…
Hư Trúc ngồi chết trân. Anh ta muốn xin lỗi nhưng chưa mở miệng ra nói được. Thái độ mọi người bỗng trở thành khác lạ. Người ta thấy nhà sư trẻ vừa đi một nước cờ tuyệt diệu. Cờ lâm thế bí, phải hy sinh một số quân mới có thể thoát được trùng vi, mới có đường thoát ra trung thổ để tranh thắng, tranh hùng. Mà đúng như vậy. Sau nước cờ thí quân, thế cờ bí của Hư Trúc bắt đầu được giải. Từ nước này trở đi là dễ rồi. Đoàn Diên Khánh dùng truyền âm nhập mật chỉ tiếp, Hư Trúc thắng ván cờ.
Nhà sư trẻ không muốn được tuyển làm bất cứ chức tước gì trên cõi đời này, định mệnh an bài cho anh trở thành Chưởng Môn Vi Vô Phái. Anh được Tô Tinh Hà đưa đến trước căn nhà gỗ. Hư Trúc chợt ngẩn ngơ:
– Nhà không có cửa! Làm sao mà vào..?
Tô Tinh Hà nói lớn:
– Không có cửa thì phá vách mà vào…
Lão đẩy mạnh Hư Trúc. Nhà sư trẻ lao vào vách gỗ. Vách bể, nhà sư ngã vào trong căn nhà. Khi ngồi lên được Hư Trúc nhìn quanh. Trong nhà tối mờ. Anh sợ hãi khi thấy bóng người lơ lửng giữa chừng. Ban đầu anh tưởng là ma. Sau đó anh nhìn kỹ mới biết đó là một người được treo vào sợi dây buộc lên mái nhà. Người được treo xếp vòng tròn, chân ở trên, đầu ở dưới. Anh nghe tiếng người đó gọi:
– Tiểu tử.. Mau lại đây…
Anh rón rén lại gần. Người treo lơ lửng là một ông già đẹp lão, sắc mặt hồng hào, ánh mắt sáng long lanh. Ông này là Vô Nhai Tử, Chưởng Môn Vô Vi Phái. Thời trẻ ông rất đẹp trai. Ông sắp từ trần, ông chỉ còn sống để chờ truyền nhân. Một lần nữa người đọc thấy điểm độc đáo của Vô Vi Phái: muốn Chưởng Môn nhân là người đẹp trai. Vô Nhai Tử nhìn truyền nhân của ông, thấy Hư Trúc xí trai quá, thất vọng ông thở dài:
– Sao ngươi lại có thể xấu xí đến thế được?
Hư Trúc mắt trố, mũi huyếch, răng hô, bị chê nên tự ái dồn dập, anh nói:
– Tôi không muốn vào đây. Nếu tiền bối không thích, tôi xin kiếu…
Anh định quay ra. Vô Nhai Tử dơ một ngón tay. Hư Trúc không bước đi được. Vô Nhai Tử nhìn Hư Trúc kỹ hơn. Ông lại thở dài:
– Mười việc ở đời có đến chín việc không được như ý. Ngươi vào được đây là ngươi có uyên nguyên với ta. Đành vậy. Tiểu tử.. Lại đây…
Hư Trúc bị một sức mạnh kéo tới chỗ Vô Nhai Tử. Ông già tung người lên, đặt đỉnh đầu ông lên đỉnh đầu Hư Trúc. Nhà sư bị đè xuống ngồi trên sàn. Bằng cách đặt đỉnh đầu mình lên đỉnh đầu Hư Trúc, Vô Nhai Tử truyền công lực gọi là Bắc Minh Chân khí cho Hư Trúc. Hư Trúc mê người trong thời gian được truyền công lực không biết là bao lâu. Khi tỉnh lại, anh thấy ông già Vô Nhai Tử ngồi trước mặt. Thần sắc ông thay đổi khác hẳn, da ông răn reo, khô héo, mắt ông lạc thần. Ông khẽ nói:
– Con đã nhận công lực tám mươi năm tu dưỡng của ta. Từ nay con là Chưởng Môn Vi Vô Phái. Ta là Sư phụ của con. Con lậy ta đi…
Hư Trúc chỉ nhận Sư phụ Thiếu Lâm của anh là sư phụ, nhưng lòng dạ anh thương người. Người sắp chết có ước muốn cuối cùng được anh gọi là Sư phụ, thấy việc đó cũng chẳng có gì quan trọng, anh quỳ gối lậy ông và gọi ông ba tiếng:
– Sư phụ..
Hài lòng, Vô Nhai Tử thở hơi cuối cùng.
Hư Trúc đi ra khỏi căn nhà. Trời đã tối, quần hùng đã đi hết. Trên bãi cỏ rộng đang diễn ra trận đấu chưởng lực giữa Đinh Xuân Thu, Chưởng Môn Tinh Tú phái và Tô Tinh Hà, cao thủ Vô Vi phái.
Đinh Xuân Thu và bọn đồ đệ Tinh Tú phái dàn hàng ngồi một bên, Tô Tinh Hà và đám môn đồ Vô Vi phái dàn hàng ngồi một bên. Đống lửa cháy ở giữa. Đinh Xuân Thu và Tô Tinh Hà dùng chưởng lực đẩy ngọn lửa sang phía nhau.
Hư Trúc thấy Tô Tinh Hà sắp bại đến nơi. Chưởng lực của Tô Tinh Hà yếu hơn chưởng lực của Đinh Xuân Thu, ngọn lửa bị đẩy tới sắp táp vào mặt Tô Tinh Hà. Bên kia bọn đồ đệ Tinh Tú phái thổi kèn, đánh trống ca tụng Sư phụ của chúng rầm rĩ…
Hoàn toàn không biết mình có Bắc Minh chân khí, cũng không biết mình có thể giúp được Tô Tinh Hà, Hư Trúc chỉ thấy Tô Tinh Hà sắp bại, phải ngả người về phía sau tránh lửa táp vào mặt nên thương hại. Chú đến ngồi sau lưng Tô Tinh Hà, đặt bàn tay lên lưng Tô Tinh Hà để đỡ cho ông ta khỏi ngã. Và như thế là Bắc Minh Chân Khí trong người Hư Trúc, Chưởng Môn Tinh Tú Phái, cuồn cuộn trôi sang người Tô Tinh Hà. Chân khí lập tức đánh bạt ngọn lửa về phiá Đinh Xuân Thu, mạnh như bão tố. Đinh Lão Quái bị lửa đốt cháy râu tóc phải lộn nhào ra đằng sau. Lão bỏ chạy luôn. Bọn đồ đệ của Lão bị lửa đốt kêu chói lói. Bỏ trống kèn lại chúng theo Sư phụ đi một đường chạy vắt giò lên cổ…

Đa tình tự cổ không dư hận
Dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ
***
Từ Tổng Đàn Vô Vi phái bước ra Sư Chú Hư Trúc đi một mình trên giang hồ. Giờ đây anh có công lực kinh người nhưng vì chưa có võ công, anh chưa biết sử dụng pho công lực ấy. Đời anh chỉ thực sự thay đổi khi định mệnh an bài cho anh gặp được Thiên Sơn Đồng Mỗ. Thiên Sơn Đồng Mỗ, nữ nhân vật kỳ quái nhất trong toàn bộ tiểu thuyết Kim Dung : Võ Lâm Ngũ Bá, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Kiếm–Đồ Long Đao, Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký…
Quần hùng ba mươi sáu đảo, bẩy mươi hai động bị Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt phải thần phục, đàn áp, họp đại hội tính chuyện gỡ bỏ ách thống trị của Đồng Mỗ. Họ bị Đồng Mỗ thống trị, chế ngự bằng cách cấy Sinh Tử Phù vào người họ. Mỗi năm họ phải lên Linh Thứu Cung trên đỉnh Thiên Sơn nộp cống cho Đồng Mỗ. Họ thuận phục, Đồng Mỗ sẽ cho họ thuốc giải. Nếu không Sinh Tử Phù sẽ phát tác, làm họ phát điên.
Thiên Sơn Đồng Mỗ luyện một thứ võ công làm cho Mụ trẻ mãi không già, dung nhan Đồng Mỗ dừng lại ở số tuổi 25–30 cái xuân xanh. Vì lúc luyện công Mụ bị tẩu hoả nhập ma nên thân hình Mụ chỉ bằng em gái muời ba, mười bốn tuổi. Vì vậy Mụ có xước hiệu là Thiên Sơn Đồng Mỗ tuy số tuổi thực của Mụ khi Mụ vào sân khấu Thiên Long là khoảng Sáu Bó Gập đến Bẩy Bó.
Quần hùng 36 đảo, 72 động dò biết cứ mười năm một lần Thiên Sơn Đồng Mộ phải bế môn để luyện công. Khi tái luyện công như thế Đồng Mỗ trở thành đứa nhỏ bẩy, tám tuổi yếu sìu, công lực Mụ cùng cơ thể Mụ tăng trưởng dần với số ngày Mụ luyện công. Lại dò biết đúng lúc Thiên Sơn Đồng Mỗ đang luyện công nên quần hùng tấn công vào Linh Thứu Cung. Họ không thấy Đồng Mỗ đâu cả. Trong mật cung họ bắt được một đứa con gái chừng mười tuổi. Họ nghi đứa nhỏ chính là Thiên Sơn Đồng Mỗ.
Đại hội bất thường của quần hùng 36 đảo, 72 động họp ban đêm ở bãi biển. Đoàn Dự, Vương Ngọc Yến, Mộ Dung Phục đến dự. Hư Trúc đi tìm Sư phụ của Hư Trúc cũng đến dự. Người chủ trì cuộc họp là Ô Lão Đại. Trong ánh lửa bập bùng Hư Trúc thấy Ô Lão Đại mở cái túi vải, trình diễn với quần hùng một cô bé. Cô bé sợ hãi chỉ biết khóc.
Thấy quần hùng bị Sinh Tử phù phát tác, phát điên, có thể giết cô bé, Hư Trúc thương hại bất ngờ nhẩy đến ôm cô bé trong túi vải lên vai, bỏ chạy.
Nhờ có Bắc Minh Chân Khí Hư Trúc chạy thật nhanh. Anh cõng cô gái chạy lên đỉnh Thiên Sơn. Cô gái trong túi vải chính là Thiên Sơn Đồng Mỗ. Bà chỉ cho Hư Trúc cách vận công nhẩy lên và chạy trên những ngọn cây tùng. Rồi bà dậy Hư Trúc cách đối phó với đám quần hùng đuổi theo bằng cách vận công ném những trái tùng. Quần hùng bị trái tùng bắn trúng rụng ngã hàng loạt. Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt Ô Lão Đại phải hầu hạ bà.
Đồng Mỗ ở lại trên đỉnh Thiên Sơn để tiếp tục luyện công, Hư Trúc, Ô Lão Đại cũng phải ở lại đó để phục vụ Bà. Mỗi ngày Ô Lão Đại phải đi bắt sống một thú rừng - hươu nai, hoẵng - đem về cho Đồng Mỗ luyện công. Đồng Mỗ ngồi xếp bằng tròn, cắn cổ con vật hút máu, rồi một tay chỉ lên trời, theo cách chỉ tay của Thích Ca trong tư thế “Thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn”, mắt nhắm lại, luyện công. Khi ấy có làn sương trắng hiện lên trên đầu Đồng Mỗ. Sau mỗi lần luyện công như thế công lực Đồng Mỗ phục hồi mấy thành, dung nhan già thêm mấy tuổi. Một đêm Đồng Mỗ đánh thức Hư Trúc dậy, bà sợ hãi nói:
– Tử thù của ta tìm đến. Cõng ta chạy mau..
Hư Trúc cõng Đồng Mỗ chạy. Trời sáng, chú đặt Đồng Mỗ xuống bên môt dòng suối.
Đồng Mỗ nói:
– Nếu ta luyện công thêm được mấy ngày nữa, ta chẳng sợ gì con tiện tì. Nhưng nay công lực ta còn yếu, ta phải tạm tránh nó…
Nhìn thấy cái nhẫn sắt Chưởng Môn Vô Vi Phái ở tay Hư Trúc, Đồng Mỗ kinh ngạc hỏi:
– Sao ngươi có cái nhẫn sắt đó? Đưa đây ta coi..
Hư Trúc kể uyên nguyên việc chàng được Chưởng Môn Vô Nhai Tử truyền công lực và trao nhẫn sắt Chưởng Môn. Đồng Mỗ khóc khi nghe kể Chưởng Môn Vô Nhai Tử đã chết. Bà là người trong phái Vô Vi. Vô Nhai Tử là Sư đệ của bà. Tử thù của bà, người Đồng Mỗ gọi khinh miệt là con tiện tì, người sắp đuổi tới, là Lý Thu Thủy, Hoàng hậu nước Tây Hạ, sư muội của bà và cũng là sư muội của Vô Nhai Tử.
Cuộc tình rắc rối tơ, Đồng Mỗ yêu Vô Nhai Tử, Lý Thu Thủy cũng yêu Vô Nhai Tử. Vì tranh dành tình ái Sư tỉ, sư muội thù nhau. Lý Thu Thủy hại Sư tỉ bằng cách làm Sư tỉ bị kinh hoàng trong lúc luyện công, thân hình đứng lại ở số tuổi mười ba, mười bốn, Đồng Mỗ hại Sư muội bằng cách dùng kiếm để thẹo trên mặt Sư muội.


Hư Trúc là đồ đệ của Vô Nhai Tử, phải gọi Đồng Mỗ là Sư bá, Lý Thu Thủy là Sư thúc.
Lý Thu Thủy dò biết Sư tỉ đang luyện công dở dang nên tìm đến để giết. Nhờ có Hư Trúc bảo vệ, bà không làm hại được Đồng Mỗ ngoài việc đánh Đồng Mỗ gẫy chân. Hư Trúc lại cõng Đồng Mỗ chạy trốn. Lần này Đồng Mỗ chỉ đường cho Hư Trúc đưa mình vào ẩn nấp trong hầm chứa băng trong hoàng cung nước Tây Hạ. Bà đi nước cờ cao: Sư muội của bà có thể đi tìm bà ở bất cứ đâu nhưng sẽ không ngờ bà lại lọt vào ẩn náu trong chính hoàng cung Tây Hạ.
Hoàng cung Tây Hạ có một hầm chứa băng lạnh. Mùa đông người ta lấy những tảng băng đá ngoài trời chứa vào hầm này, để dành đến mùa hè trời nóng lấy đá lạnh ra ăn. Đây lại là một vụ mà “kiếm hiệp gia” Kim Dung pha chế sa tế, sì dầu hơi quá nặng tay, tưởng tượng quá lố: người Á đông không có thói quen ăn nước đá lạnh, ăn cà-rem dù trong mùa hạ, người Á Đông ngày xưa không uống rượu pha đá lạnh.
Bị gẫy một chân Đồng Mỗ chống nạng đi lại được. Bà đã có đủ công lực để đêm đêm vào Vườn Ngự Uyển bắt chim về lấy máu tươi luyện công, vào nhà bếp hoàng cung lấy thức ăn. Hư Trúc chán ngán Sư bá của chàng vì thấy bà thù hận, sân si quá đỗi. Chàng từ biệt bà để ra đi, Đồng Mỗ không cho. Hư Trúc cứ đi. Đồng Mỗ điểm huyệt cho Hư Trúc ngã nằm trong hầm băng.
Đồng Mỗ đem thức ăn về cho Hư Trúc, nhưng đó toàn là thịt cá, Sư chú ăn chay, nhất định nhịn đói đến chết, không ăn thịt cá. Đồng Mỗ nói với anh:
– Ngươi chưa biết thủ đoạn của ta đâu. Ta rất ghét những kẻ nào chống lại ta. Với những kẻ chống ta, ta làm cho phải phục tòng ta ta mới chịu. Ngươi cũng vậy. Ngươi không chống nổi ta đâu.
Hư Trúc cứng đầu, chỉ nằm niệm kinh chờ chết. Để đánh gẫy sự phản kháng của nhà sư trẻ kiên cường, Thiên Sơn Đồng Mỗ sử dụng một tuyệt chiêu…
Tuyệt chiêu đúng là… tuyệt chiêu. Chiêu thức này mà đánh sợ trên cõi đời này khó có chú thiếu niên mười bẩy, mười tám nào không gục. Thoạt đầu Đồng Mỗ tỏ ra nhân nhượng, Bà chịu lấy thức ăn chay về cho Hư Trúc ăn. Và đây là tuyệt chiêu của Đồng Mỗ: Hoàng cung Tây Hạ khi đó có nàng Công chuá mới mười lăm, mười sáu tuổi. Nửa đêm Đồng Mỗ vào phòng ngủ của Công chuá, điểm huyệt cho Công chuá ngủ mê, cuộn nàng trong mền bông, bồng nàng vào hầm băng, thả nàng vào nằm chung chăn với Hư Trúc.
Chuyện tả rằng Hư Trúc đang ngủ bỗng thấy có người thiếu nữ khoả thân nằm ôm mình, mùi da thịt trinh nữ thơm phức bay vào mũi làm chàng ngây ngất — Từ đây trở đi chúng ta phải gọi Hư Trúc Tử là chàng — Chàng ôm nàng và nàng ôm chàng. Họ yêu nhau như họ yêu nhau trong mơ. Gần sáng, Đồng Mỗ lại điểm huyệt cho Công Chuá Tây Hạ ngủ mê, cuốn nàng trong mền gấm, đưa nàng trở về phòng ngủ.
Từ đó Hư Trúc sống để chờ đêm đến lại được ân ái với người thiếu nữ. Có đêm Công chúa nửa tỉnh, nửa mơ hỏi người tình:
– Chàng ơi… Chúng ta đang ở đâu? Đây là đâu? Sao em thấy lạnh quá?
Hư Trúc cho nàng biết họ đang ở trong hầm băng, Công chuá lại hỏi:
– Chàng là ai? Tên chàng là gì?
Diêm Vương có ra lệnh Nhà Sư Trẻ phá giới cũng không dám nói mình là ai, Công Chuá không hỏi tới, nàng mơ màng:
– Em gập chàng trong mộng. Em gọi chàng là Mộng Trung Lang…
Sau năm bẩy đêm ái ân thần tiên, ngà ngọc, Hư Trúc quen mùi. Bỗng đêm ấy chàng nằm chờ suốt sáng không thấy Sư bá thân thương đưa người đẹp đến. Chàng đành chờ đêm sau. Đêm sau không thấy rồi đêm sau nữa, đêm sau nữa… Trong bụng chàng như có lò lửa hồng mà Sư bá của chàng thì cứ tỉnh queo coi như trên cõi đời nói chung và trong hầm băng nói riêng chẳng có chuyện gì quan trọng cả.
Xấu hổ, ngượng ngùng nhưng sau cùng Hư Trúc cũng phải lên tiếng xin Sư bá cho mình được gặp lại người thiếu nữ. Đồng Mỗ hừ lên một tiếng:
– Bây giờ ngươi mới chịu mở miệng năn nỉ ta ư? Ngươi còn chống ta nữa thôi?
Thôi… Nhất định là thôi rồi… Hư Trúc đầu hàng không điều kiện. Kiếp này chàng không thể tu thành chánh quả được, đành để kiếp sau. Để kiếp sau thì Hư Trúc cũng chẳng có gì khác người. Trên cõi đời này có đến tỉ tỉ người vẫn kiếp nào cũng hẹn để dành kiếp sau sẽ tu hành. Chàng ăn thịt, ăn mỡ, ăn cá, ăn tôm, chàng ngoan ngoãn làm theo lời Sư bá.
Nhưng cuộc tình Hầm Băng không thể kéo dài. Thời gian không đứng về phe Đồng Mỗ– Hư Trúc. Một đêm Lý Thu Thủy vào hầm băng. Lần này Thiên Sơn Đồng Mỗ, tuy cụt một chân, đã đủ sức đấu chưởng ngang tay với Lý sư muội. Hai bà long tranh, hổ đấu kịch liệt trước sự chứng kiến bất động của Hư Trúc. Lý Thu Thủy sợ Hư Trúc đánh giúp Thiên Sơn Đồng Mỗ nên bà điểm huyệt cho chàng nằm đó.
Hai bà già giết giặc loạn đả trong hầm băng, chưởng lực hai bà đánh ra làm những cây đuốc rơi xuống những bành rơm giữ cho đá lạnh trong hầm không tan. Lửa đuốc làm những bành rơm bốc cháy. Băng tan thành nước, chẩy đầy trong hầm. Hai bà cùng hết công lực, cùng nằm ngay đơ, cán cuốc. Nước dâng lên đưa hai bà đến nằm gần nhau, Hư Trúc vẫn bị điểm huyệt nằm giữa hai bà. Đến lúc ngay đơ cán cuốc này hai bà vẫn còn đánh nhau bằng cách truyền công lực qua người Hư Trúc.
Băng đá bị lửa đốt tan thành nước. Lửa tắt, hầm băng trở lại lạnh giá. Nước đóng lại thành băng. Hai bà già cùng Hư Trúc như ba người nằm trong những cây nước đá.
Bắc Minh chân khí trong người Hư Trúc tự hành làm chàng giải khai được huyệt đạo.
Chàng mỗi tay ôm một bà già chạy ra khỏi hoàng thành Tây Hạ. Trời sáng, Hư Trúc nghỉ lại trong rừng. Chàng cẩn thận để hai bà già mỗi bà nằm một bên bờ suối, đề phòng khi tỉnh lại hai bà lại tiếp tục đánh nhau.
Đúng như Hư Trúc sợ, vừa tỉnh lại Thiên Sơn Đồng Mỗ và Lý Thu Thủy lại chửi nhau, đe dọa giết nhau rồi hai bà xoay ra đấu võ mồm. Vì mỗi bà nằm một bên bờ suối, cả hai cùng kiệt sức không thể vượt qua dòng suối để kết liễu đời nhau, hai bà dùng anh sư điệt Hư Trúc để đánh nhau. Bằng cách mà như Thiên Sơn Đồng Mỗ nói:
– Nếu ta đánh chiêu Niêm Hoa Vi Tiếu thì con tiện tỳ chỉ có nước chắp tay chịu chết. Hư Trúc… Ngươi thay ta biểu diễn cho con tiện tỳ thấy chiêu thức này, xem nó đối phó ra làm sao…
Đồng Mỗ chỉ chiêu thức cho Hư Trúc, Hư Trúc qua bờ suối bên kia biểu diễn chiêu thức với Lý Thu Thủy. Bà già này cười nhạt:
– Tưởng gì. Chiêu thức của Mụ Lùn ta hoá giải cái một. Mụ ra chiêu, ta sẽ đỡ như vầy.. như vầy. Ta sẽ đánh lại như vầy.. Ngươi biểu diễn chiêu thức của ta cho Mụ coi, để Mụ hết còn vênh váo…
Cứ như thế hai bà già truyền những chiêu thức võ công cao siêu nhất của mình cho Hư Trúc. Tuy không muốn Hư Trúc nghiễm nhiên trở thành đệ nhất cao thủ võ lâm. Thế rồi cuối cùng hai bà già ác liệt cũng phải tắt thở…
Người tắt thở trước là bà Lý Thu Thủy, môn đồ Vô Vi phái, Hoàng Hậu nước Tây Hạ.
Bên kia suối bà Thiên Sơn Đồng Mỗ nở nụ cười hài lòng:
- Con tiện tỳ cuối cùng cũng chết trước ta. Ta được thấy Mụ chết. Vậy là ta mãn nguyện. Ta cũng đi thôi…
Đồng Mỗ truyền chức Chủ nhân Linh Thứu Cung, trao nhẫn sắt cho Hư Trúc. Dù không muốn định mệnh an bài cho Hư Trúc trở thành Chưởng môn Vô Vi phái kiêm Chủ nhân Thiên Sơn Linh Thứu Cung, một môn phái chỉ có toàn là nữ đồ.
Thiên Sơn Đồng Mỗ chết rồi, Hư Trúc thấy bà Lý Thu Thủy động đậy. Thì ra bà già này chưa chết, bà chỉ giả chết để đánh lừa bà Sư tỉ ác ôn của bà. Bà nói với nụ cười:
– Mụ Lùn chết rồi. Ta mãn nguyện vì ta được thấy Mụ chết. Ta đã đánh lừa được Mụ…
Trong lòng bất nhẫn Hư Trúc nói:
– Thì Sư bá cũng đã giả chết đánh lừa được Sư thúc một lần rồi…
Trong trận kịch đấu dưới hầm băng Đồng Mỗ đã giả chết, nằm chịu đòn, Lý Thu Thủy tưởng Sư tỉ chết thật nên tới cúi xuống gỡ nhẫn sắt Chưởng môn Vô Vi phái ra khỏi tay Sư tỉ - Đồng Mỗ lấy nhẫn sắt này của Hư Trúc - bà bị Sư tỉ của bà quay lại đánh bà một chưởng vào ngực làm bà cũng nằm thẳng cẳng. Lý Thu Thủy thở dài:
– Ngươi sống gần Sư bá ngươi nên ngươi có thiên về Sư bá ngươi mấy thành..
Đến phút cuối cùng này Lý Thu Thủy mới nhìn thấy cuộn tranh trong mình Hư Trúc rơi ra. Bà hỏi chàng:
– Ngươi có cái gì đó?
Hư Trúc trả lời đây là bức tranh do Sư phụ Vô Nhai Tử của chàng trước khi tịch diệt trao cho chàng. Chàng mở tranh cho Lý Sư thúc xem. Tranh vẽ hình một nữ lang thật đẹp trạc hai mươi tuổi. Lý Thu Thủy xúc động nhìn người đẹp trong tranh…
Kim Dung lại dành cho ta một ngạc nhiên: Nữ lang trong tranh là Vương phu nhân, bà mẹ của Vương Ngọc Yến. Bà này cũng là môn đồ Vô Vi phái, là sư muội của Đồng Mỗ, Lý Thu Thủy. Chưởng môn Vô Nhai Tử là sư huynh của bà. Sự đời rắc rối tơ… Đám sư huynh, sư tỉ, sư muội của cái gọi là Vô Vi phái yêu nhau, thù nhau loạn cào cào. Đồng Mỗ, Lý Thu Thủy cùng yêu Vô Nhai, thù nhau, hại nhau vì Vô Nhai. Trong khi đó Vô Nhai Tử - coi bộ - yêu Vương Sư muội, và Vương Sư muội lại yêu Đại Lý Nam Vương Đoàn Chính Thuần… Chưởng môn Vô Vi - coi bộ - thất tình Vương Sư muội, trọn đời không có đàn bà nên chân khí, công lực còn nguyên vẹn chăm phần chăm.
Thương nhớ nàng Chưởng môn họa hình nàng mang theo trong người. Trước khi chết ông trao nhẫn sắt Chưởng môn cùng bức họa cho truyền nhân của ông là Hư Trúc.
Bức họa mỹ nhân của Vô Nhai Tử làm Lý Thu Thủy ngậm ngùi. Bà nói:
– Người trong hình là sư muội của ta và của Sư bá ngươi. Thì ra Sư huynh ta yêu Sư muội của ta…
Rồi khóc nức lên, bà kêu lớn:
– Sư tỉ ơi.. Hai chị em ta cùng bị con người vô lương tâm ấy lường gạt.. Chàng không yêu chị em mình, chàng yêu Vương sư muội của chúng ta..
Kêu lên mấy tiếng thê thảm ấy Lý Thu Thủy ngã ra chết. Lần này bà chết thật, bà chết đến nỗi trên đời này không ai còn có thể chết hơn bà được nữa…

Tại hạ sung sướng nhất khi ở trong hầm băng.
***
Những mùa tuyết rơi, tuyết phủ, tuyết tan theo nhau đến trên đỉnh Thiên Sơn. Vào một mùa xuân quần hùng tấp nập kéo nhau đến kinh đô Tây Hạ dự cuộc Công Chuá Tây Hạ tuyển phu, tức Công Chúa kén chồng.

Trong số quần hùng có mấy người bạn quen của chúng ta: Mộ Dung Phục - Mộ Dung Công Tử rất muốn làm Phò Mã Tây Hạ để có thể mượn binh lực Tây Hạ về khôi phục ngai vàng nước Yên, Đoàn Dự đến kinh đô Tây Hạ không cốt ý dự cuộc tuyển phu, chàng đến vì Vương Ngọc Yến đang ở trong hoàng cung Tây Hạ, Vương phu nhân là sư muội của Lý Hoàng hậu nên Vương cô nương và Công chúa Tây Hạ là chị em, Hư Trúc trở lại kinh đô Tây Hạ để sống lại những đêm ngà ngọc xưa trong hầm băng. Người dự cuộc tuyển phu của Công chuá chỉ phải trả lời có một câu hỏi:
– Ở đâu Các hạ thấy mình sung sướng nhất?
Mộ Dung Công Tử trả lời:
– Tại hạ sung sướng nhất khi ngồi trên ngai vàng nước Yên.
Đúng thôi. Nhưng đúng với Công Tử, không đúng với Công Chuá Tây Hạ. Công chuá chung tình ra câu hỏi để tìm Mộng Trung Lang, người tình trong mộng của nàng, nàng không cần người thích ngồi trên ngai vàng bất cứ nước nào. Đoàn Vương tử nước Đại Lý trả lời:
– Tại hạ sung sướng nhất khi ở dưới đáy giếng khô.
Cũng đúng thôi, Vương Ngọc Yến cô nương bị đánh rơi xuống giếng, Đoàn Vương tử nhẩy xuống giếng để cùng chết với nàng. Giếng cạn, không những chàng và nàng không chết mà chàng và nàng còn yêu nhau ra rít ở đáy giếng. Vương Ngọc Yến dự cuộc tuyển phu bên cạnh Công Chuá Tây Hạ. Nàng nghe được câu trả lời của Đoàn Vương tử. Xúc động nàng bằng lòng để chàng xúc tiến hôn lễ. Chàng gửi thư về kinh đô Đại Lý xin phép Phụ vương, Mẫu hậu cưới Vương Ngọc Yến, cuộc tình dẫn đến chuyện đổ bể tùm lum làm chàng lăn đùng, ngã ngửa: Vương Ngọc Yến cô nương là em cùng cha, khác mẹ với chàng…
Hư Trúc Tử, Chưởng Môn Vô Vi phái, Chủ nhân Linh Thứu Cung, cựu Tu sinh Thiếu Lâm Tự, trả lời:
– Tại hạ sung sướng nhất khi ở trong hầm băng.
Chuông trống nổi lên, hoàng gia hoan hỉ loan báo Công Chúa đã tuyển được Phò Mã. Giấc mơ tu thành chánh quả, dứt dục căn, thoát luân hồi, thuyền Từ thuận gió về Tây Trúc của Sư Chú Thiếu Lâm kiếp này tiêu tan trong tiếng pháo động phòng hoa chúc…

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Khi thấy buồn bạn cứ đến chơi...

Bao yêu mến trong vườn nhà tôi...


Viên đá mua khi có cháu nội. Đặt tên HOA MUỐI BIỂN
Bể đá xanh, đá núi KÍNH CHỦ

Chú tên Capi, theo truyện Không gia đình của văn hào Pháp Hector Malot

Các đệ tử của chú Capi
Hoa cau man mát thơm lối về

Chúng em không phải trông nhà.


Nô đùa dưới cây Cúc Mốc

Đêm đêm tỏa mùi hương
*****
Hậu duệ của Mèo Pôn
Pôn bị trộm mèo bắt

Bên viên đá cùng mầu

Chờ trong cơn mưa

Hoa Tầm Xuân bên ngõ vắng

Hoa nắng bên thềm

Ngó xem bọn "chíp" nô đùa

Mai Chiếu Thủy hồn nhiên soi bóng
Hoa Khế nở trong lối ngõ
Mộc Hương e ấp

Tất cả hình ảnh đều chụp qua máy Canon của tôi
(còn tiếp theo)

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Thiên long bát bộ

Ba vị anh hùng trượng nghĩa, si tình: Kiều Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc.

Mỗi lần đọc xong, tôi thả rơi cuốn sách, rồi thẫn thờ buồn đến mấy ngày. Trong đầu tôi cứ lởn vởn hình ảnh tội nghiệp của Mộ Dung Phục. Những gì chàng thanh niên này vọng tưởng và cố sức đạt cho được bằng mọi cách nhưng bất thành, thì Hư Trúc và Đoàn Dự đều có được một cách đương nhiên hoặc ngẫu nhiên dễ dàng. Thật là:
Tháng giêng ngồi quán, quán thu phong
Gió Nhạn Môn quan thổi chạnh lòng
Chuyện cũ nghe đau hồn tứ xứ

Thương Kiều Phong, nhớ tiếc Kiều Phong.
(Thơ Nguyễn Bắc Sơn)



Thiên long bát bộ là một tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung.
Tác phẩm được bắt đầu được đăng trên tờ Minh báo ở Hồng Kông và Nam Dương thương báo ở Singapore vào ngày 3 tháng 9 năm 1963, liên tục trong 4 năm. Đây là tác phẩm viết với thời gian lâu nhất và cũng là tác phẩm dài nhất của Kim Dung (gần hai triệu chữ). Nội dung tác phẩm thấm đượm tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ, tiếng nói của Phật giáo trong tác phẩm vừa dịu dàng sâu lắng vừa thật hiển minh, quán xuyến từ đầu chí cuối tác phẩm. Có thể nói Thiên long bát bộ là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà văn Kim Dung.
Thiên long bát bộ cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều lần bởi cả các nhà sản xuất Trung Hoa đại lục và Hồng Kông.

Hai cô Mai kiếm và Trúc kiếm
Ý nghĩa tên Thiên Long Bát Bộ.
Tựa đề của Thiên Long bát bộ xuất phát từ kinh Phật, nói về cái phức tạp và đa dạng của con người trong xã hội. Đó là tám loại phi nhân có sức mạnh hơn người nhưng không phải là người: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Gia. Tám loài này do Thiên và Long đứng đầu nên gọi là Thiên Long bát bộ.
Thiên: thiên thần (Deva), đứng đầu bởi Đế Thích. Thiên thần trong Phật giáo vẫn còn trong cõi sinh tử, có sống có chết, có tất cả mười hai thiên thần quan trọng nhất tượng trưng cho tám hướng và bốn tinh thể của vũ trụ: mặt trời, mặt trăng, bầu trời và mặt đất.
Long: rồng (Naga) nhưng không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn, là chúa tể các loài trong nước. Kinh Phật kể rằng một con rắn tên là Mucilinda da cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão.
Dạ Xoa: (Yaksha) quỷ thần (thần ăn được quỉ), có thể tốt hoặc xấu. Dạ Xoa Bát Đại Tướng có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh.
Càn Thát Bà: (Gandharva) nhạc thần thân thể tỏa mùi thơm, phục thị Đế Thích, không ăn thịt, không uống rượu.
A Tu La: (Asura) đại diện tính xấu xa của con người.
Ca Lâu La: (Garuda) chim đại bàng cánh vàng đầu có một cái bướu to gọi là Như Ý Châu, tiếng kêu bi thảm, được người Trung Hoa bản địa hóa thành Đại Bàng Kim Sí Điểu. Ca Lâu La thích ăn rồng, khi chết chất độc xông lên cháy tiêu thành tro, chỉ còn một trái tim xanh biếc.
Khẩn Na La: (Kinnara) nhạc thần của Đế Thích, đầu có sừng, giỏi múa hát.
Ma Hầu La Gia: (Mahoràga) là thần rắn, mình người đầu rắn.


Tóm tắt.
Kim Dung đã chỉnh sửa truyện này ba lần, lần gần nhất là vào năm 2009 để truyện có tính bắc cầu với Anh hùng xạ điêu. Có tổng cộng 50 hồi, tên các hồi hợp lại thành 5 bài từ, mỗi bài từ bao gồm tên của 10 hồi.
Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa nhiều nhân vật đến từ nhiều nước khác nhau: Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc. Với tác phẩm này, Kim Dung muốn nói đến mối quan hệ nhân - quả giữa chính bản thân các nhân vật với gia đình, xã hội, dân tộc, đất nước. Câu truyện xảy ra vào thời Bắc Tống và còn bao gồm các cuộc chiến tranh giữa nhà Tống, Đại Lý, Đại Liêu, Thổ Phồn và Tây Hạ.
Nhân vật.
Chính diện.
Kiều Phong (喬峰)
Tiêu Phong (喬峰) - sau này được gọi là Kiều Phong. Giới giang hồ còn gọi là "Bắc Kiều Phong". Tiêu Phong là một người có võ công rất cao cường và đã từng là bang chủ Cái Bang.

Đoàn Dự (段譽)
Đoàn Dự (段譽) - hoàng tử Đại Lý, anh em kết nghĩa của Tiêu Phong và Hư Trúc, không biết võ công nhưng sau này may mắn trở thành một trong những người có võ công cao nhất trong truyện.
Hư Trúc (虚竹)
Hư Trúc (虚竹) - đầu tiên là một hòa thượng chùa Thiếu Lâm, may mắn học được võ công cao cường, trở thành chưởng môn của phái Tiêu Dao chủ nhân Linh Thứu Cung phái Thiên Sơn.

Vương Ngữ Yên (王語嫣) - thần tiên tỷ tỷ.
Vương Ngữ Yên (王語嫣) - là một cô nương hoàn hảo từ dung mạo cho đến trí tuệ và lai lịch. Xuất thân từ gia đình hoàng tộc Đại Yên, nhan sắc của nàng làm cho anh chàng si tình Đoàn Dự phải ngẩn ngơ ngay lần đầu gặp gỡ. Vương Ngữ Yên được trời phú cho một trí tuệ thông minh mẫn tiệp hơn người, thuộc làu mọi kinh sách võ thuật trong thiên hạ. Khiếm khuyết duy nhất trong đời nàng chỉ là đã từng quá si mê người anh họ Mộ Dung Phục.

A Châu



A Châu - người con gái duy nhất mà Kiều Phong yêu quý nhưng nàng vì cứu cha mình (Đoàn Chính Thuần) đã giả trang thành ông và đã không may bị Kiều Phong đánh chết. Nhà thơ dịch giả Nguyễn Tôn Nhan cảm khái A Châu:
"Linh hồn thục nữ bao dung
Nhạn môn quan hẹn mộng trùng lai xưa
Lệ thương biết mấy cho vừa"







Phản diện.
Mộ Dung Phục - Vương Ngữ Yên
Mộ Dung Phục - hay còn được gọi là "Nam Mộ Dung". Hắn là dòng dõi người Tiên Ti, người kế tiếp ngôi vị của triều đại Hậu Yên đã bị sụp đổ. Hắn tìm mọi cách để khôi phục triều đại của mình. Cuối cùng hắn trở nên điên mà luôn mơ tưởng là mình là hoàng đế.

Du Thản Chi - "Thiết Sửu"
Du Thản Chi - hay còn được gọi là "Thiết Sửu" (Hề Sắt) - cha hắn đã bị Kiều Phong đánh chết trong cuộc đại chiến tại Tụ Hiền Trang nên từ đó hắn luôn muốn giết Kiều Phong để trả thù. Vô tình được A Tử bắt được, mặc dù nhiều lần bị A Tử làm hại nhưng hắn vẫn yêu A Tử và luôn phục tùng nàng. Hắn đã đeo mặt nạ để làm vui nàng, cho nàng đôi mắt. Nhưng những điều hắn làm đã không được đền đáp. Nhà thơ dịch giả Nguyễn Tôn Nhan cảm khái Du Thản Chi:
"Cuồng điên máu lệ tình câm
Bước chân A Tử xa xăm muôn trùng
Bóng chiều quan ải mông lung"

Cưu Ma Trí
Cưu Ma Trí - một hòa thượng nước Thổ Phồn, bằng hữu của Mộ Dung Bác. Hắn lúc nào cũng muốn được học các bí kíp võ công cao siêu. Hắn được Mộ Dung Bác, sau khi đã lén lấy đi và học các bí kíp trong chùa Thiếu Lâm, truyền lại cho hắn. Cuối truyện hắn bị tẩu hỏa nhập ma vì chỉ học phần ác mà không học phần thiện của các môn võ công đó. Hắn đã may mắn thoát chết khi Đoàn Dự hút hết nội công.

Đinh Xuân Thu
Đinh Xuân Thu - một đồ đệ phản bội của Tiêu Dao phái. Hắn rất giỏi dùng độc dược và đã vô tình làm mù A Tử khi đánh nhau với Mộ Dung Phục. Cuối cùng bị Hư Trúc Chưởng môn nhân phái Tiêu Dao trừng phạt.
Mộ Dung Bác - cha của Mộ Dung Phục, người đã giả chết để trốn vào chùa Thiếu Lâm lén học các bí kíp võ công. Chỉ có nhà họ Đoàn và nhà sư quét rác biết hắn vẫn còn sống.

Đoàn Chính Thuần và  các bà vợ.
Từ trái qua: Bạch Phượng, Tần Hồng Miên,
Vương phu nhân, Nguyễn Tinh Trúc, Cam Bảo Bảo
Đoàn Chính Thuần và vợ con
Đoàn Chính Thuần đã có nhiều cuộc tình vụng trộm và có nhiều con mà không hay biết. Để rồi hóa ra người yêu của Đoàn Dự lại là anh em cùng cha khác mẹ (nhưng thật ra cuối truyện Đoàn Dự chỉ là con hờ của Đoàn Chính Thuần).
Đoàn Chính Thuần - em trai của hoàng đế Đại Lý đương triều. Tất cả người tình của Đoàn Chính Thuần cuối truyện bị Mộ Dung Phục giết chết và rồi ông cũng tự tử theo.
Vợ:
Đao Bạch Phượng - mẹ của Đoàn Dự. Vì ghen ghét Đoàn Chính Thuần có nhiều người tình, bà cũng ngoại tình với Đoàn Diên Khánh, và Đoàn Dự là kết quả của chuyện này, sau khi Đoàn Chính Thuần chết bà cũng tự tử theo.
Lý Thanh La - Vương phu nhân, mẹ của Vương Ngữ Yên
Lý Thanh La - Vương phu nhân, mẹ của Vương Ngữ Yên. Bà là con gái của tiểu sư muội Lý Thu Thủy và chưởng môn phái Tiêu Dao - Vô Nhai Tử; họ Vương là họ của chồng bà.
Cam Bảo Bảo - mẹ của Chung Linh.
Tần Hồng Miên - mẹ của Mộc Uyển Thanh.
Nguyễn Tinh Trúc - mẹ của A Châu và A Tử.
Mã Phu Nhân - (Khang Mẫn). Bà không có con và cũng là một người tình độc ác của Đoàn Chính Thuần. Bà đã mưu sát chồng mình là Mã Đại Nguyên, phó bang chủ của Cái Bang vì chồng không chịu tiết lộ bí mật của Tiêu Phong và sau này bà ta cho biết bà ta làm điều đó chỉ vì Tiêu Phong không thèm ngắm nhìn mình.
Con:
Vương Ngữ Yên chính ra phải là Đoàn Ngữ Yên (bản sửa chữa trước là Vương Ngọc Yến)- mới 16 tuổi nhưng được coi là bách khoa toàn thư về võ thuật. Và được coi là mỹ nhân đẹp nhất trong Thiên Long Bát Bộ.
Đoàn Chung Linh
Chung Linh chính ra phải là Đoàn Chung Linh - Có thể coi là người ngây thơ, dễ thương nhất trong các con của Đoàn Chính Thuần.
Đoàn Uyển Thanh
Mộc Uyển Thanh chính ra phải là Đoàn Uyển Thanh - con lớn nhất của Đoàn Chính Thuần, xinh đẹp, võ công cao, nghi ngờ đàn ông và tính tình có phần đanh đá. Đoàn Dự là người đàn ông đầu tiên được nàng cho xem mặt. Trong lần sửa đổi mới đây của Kim Dung vào năm 2005 chàng lấy Mộc Uyển Thanh làm quý phi.
Nguyễn A Châu chính ra phải là Đoàn A Châu - người dịu hiền nhất trong số các con của Đoàn Chính Thuần. Nàng là người yêu và được Kiều Phong yêu, có tài cải trang rất giỏi. Chỉ vì lời vu oan của Mã Phu Nhân mà nàng đã giả trang để cứu cha rồi chết dưới tay chính người yêu mình, Kiều Phong.
Đoàn A Tử
Nguyễn A Tử chính ra phải là Đoàn A Tử- Em gái của A Châu, tuy rất xinh đẹp nhưng tính tình hoàn toàn ngược với người chị A Châu, bướng bỉnh và độc ác. Yêu Kiều Phong đến mức mù quáng mà không hề để ý gì đến mối tình của Du Thản Chi.
Đoàn Diên Khánh nguyên là thái tử của nước Đại Lý. Có một lần, gian thần phản loạn Cao Thăng Thái đã tiếm ngôi, giết chết vua Đại Lý. Đoàn Diên Khánh bị nạn, tuy không chết nhưng đã trở thànhkẻ tàn phế nhưng võ công và nội công vẫn còn.