Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Tranh cổ Nhật Bản

Cảnh công viên Ueno trong tranh sắc xanh aizuri-e.



Công viên Ueno có hồ Shinobazu

“Chiều mù sương tại hồ Shinobazu” của Kasamatsu Shiro
Kasamatsu Shiro là họa sĩ ukiyo-e sống từ thời Minh Trị đến tận thời hiện đại (mất năm 1991). Ông làm tranh về nhiều chủ đề: phong cảnh hoa điểu, mỹ nhân.


Trong bức tranh này, ta thấy được phong cảnh trong tranh chia làm ba lớp chính, tạo thành chiều sâu cho tranh.

Lớp gần mặt phẳng tranh nhất là cỗi cây rủ xuống mặt hồ với hai cây cột chống.


Tiếp theo là quang cảnh công viên ở giữa với những dáng người đang tản bộ và một cổng torii dẫn lên ngôi đền (Tōshō-gū).


Lớp xa nhất là đỉnh tướng luân của Ngũ Trùng tháp cổ còn sót lại từ chùa Kanei ngày xưa, nằm khuất sau tán hoa anh đào thấp thoáng.
Tranh được in với sắc xanh dương làm chủ đạo, gọi là aizuri-e. Màu xanh nhạt ở khoảng giữa tạo nên cảnh sắc lung linh mờ ảo cho một buồi chiều tà lãng đãng.
Trong không khí đó, ta cùng đọc thơ Nguyễn Công Trứ cho thêm phần nhã:
Bóng kỳ đài giăng mặt nước như in, 
Tàn thảo thụ lum xum toà cổ sát (1).
Chiếc cô vụ (2), mảnh lạc hà (3) bát ngát
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài (4).
_______
Chú:
(1) Cổ sát: Chùa cũ.
(2) Chiếc cô vụ: chiếc cò lẻ.
(3) Mảnh lạc hà: mảnh ráng chiều.
(4) Vũ quán điếu đài: quán múa đài câu (cá).
------
Nguồn: soi.today

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Làng Nha Xá

Làng dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam cách xa Hà Nội chưa đầy 60 km đường bộ, về phía Nam. Làng có vị trí nằm sát triền đê sông Hồng màu mỡ phù sa và thuộc vùng chiêm trũng của đồng bằng Bắc bộ, địa hình tự nhiên vốn lắm hồ nhiều ao và những gò đất nổi…

Đến thăm làng dệt lụa nổi tiếng đã có lịch sử lâu đời, một ấn tượng bất ngờ khi chứng kiến những ngôi nhà ở kiểu biệt thự thời Pháp thuộc mà ta vẫn quen gọi là “biệt thự Tây”, được xây dựng lên từ gần trăm năm nay lại đang tồn tại lay lắt giữa làng quê hưng thịnh này. Và khi được diện kiến nét đẹp cổ, vững trãi đến kiêu kỳ của những ngôi biệt thự kiểu Pháp của làng, thì sự hoài nghi về nguy cơ nay còn, nhưng mai sẽ mất đi vẻ đẹp tiềm ẩn, mất đi một quỹ di sản kiến trúc quý giá của làng quê Nha Xá có thể diễn ra!


Hiện còn đó những biệt thự vẫn đang ẩn mình tọa lạc trong những khuôn viên xanh rờn vườn cây ao cá, một số vẫn đang còn giữ vai trò chủ thể trong không gian xưa cũ…, tất cả đều xứng đáng giá trị là những dấu ấn một thời vàng son của làng nghề dệt truyền thống Nha Xá. Cũng bất ngờ thay, con số hiện còn đến 18 ngôi biệt thự nhưng đều chung số phận là bị xuống cấp nghiêm trọng. Những cơ ngơi này của thế hệ trước để lại đang bị bỏ rơi trong sự bất lực và thờ ơ của thôn làng và của chính những chủ nhân thuộc thế hệ con cháu đang sở hữu chúng.

Đình làng Nha Xá
Ngôi đình lạ nhất Việt Nam đúng như cố GS. Trần Quốc Vượng đã nói. Điều lạ nữa là cả làng chẳng ai biết đình xây năm nào theo kiến trúc gì, vừa Tây, vừa ta, vừa Tàu bề thế nhưng lại ấm cúng. Đình xây trên mảnh đất “chó đẻ” như lời thầy địa lý khuyên, tất nhiên đó là giai thoại mà chỉ GS. Vượng và các bậc cao niên mới nhớ.

Theo lịch sử của làng, xưa kia dân làng được Nhân Huệ vương – Phiêu kỵ đại tướng quân Trần Khánh Dư (?-1339) truyền nghề cá, trồng dâu nuôi tằm và dệt vải, nhờ vậy Nha Xá đã trở thành làng nghề phát triển và nổi tiếng về dệt lụa đến nay. Để tưởng nhớ công ơn, dân làng hàng năm vẫn tổ chức nghi lễ linh thiêng và tôn thờ Trần Khánh Dư làm Thành hoàng làng trong ngôi đình hiện có (do cố KTS Tạ Mỹ Duật thiết kế từ năm 1916-1920). Nghề dệt là nguồn sống chính luôn được người dân phát huy cao độ, Nha Xá hiện có đến 80% hộ dân có khung dệt, khoảng 65% vẫn giữ được thu nhập bằng nghề dệt. Lụa Nha Xá thuộc hạng đầu ở Việt Nam và chỉ xếp sau lụa Hà Đông, xưa nay không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Trong khoảng những năm 1920 (được coi là thời thịnh vượng nhất của làng dệt Nha Xá), khi đó lụa được sản xuất và xuất khẩu rất nhiều, nông dân nhiều người đổi đời từ thợ dệt thành những lái buôn đi vào nam và ra các nước Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chính việc buôn bán phát đạt trong thời gian dài đã làm cơ sở cho việc xây cất lên những ngôi biệt thự  có niên đại từ những năm 1920 đến năm 1940 ở khắp làng thời đó và một số đang còn tồn tại đến ngày nay.

Nhà Ông Phạm Khắc Tiệp
Đi trên con đường làng trải bê tông phẳng lỳ quanh co uốn khúc, tai nghe vui tiếng khung cửi lạch cạch xa gần, đến khoảng gần cuối làng chúng ta dễ thấy một ngôi biệt thự xưa hiện lên trước mắt. Ông Phạm Khắc Tiệp, chủ nhà ân cần giới thiệu cơ ngơi (mà ông nội của ông đã xây dựng lên từ năm 1930) cùng bản vẽ của ngôi nhà do người Pháp thiết kế mà ông đang lưu giữ. Căn biệt thự này còn gần như nguyên vẹn, bố cục cân xứng, cao 2 tầng, mái ngói. Quy mô nhà tuy không lớn nhưng tính chất và đặc điểm về nội ngoại thất công trình, về kết cấu sàn dầm gỗ, bộ cửa và bộ mái, ban công lan can sắt và cầu thang gỗ… thì đặc sệt lối kiến trúc cổ điển Pháp. Các hình trang trí và gờ phào đắp nổi khá đặc trưng về hình thưc và tỷ lệ, một vài chi tiết Á đông được cài vào mặt đứng như chữ nho trên chính giữa trán nhà hoặc chữ triện trên ô thoáng của cửa đi chính, đã cho thấy những pha trộn Tây – Tàu nhất định. Phần trống duy nhất trước nhà là khoảng sân nhỏ và một cây cổ thụ bên lối ra vào, luôn xanh tươi và tỏa bóng râm mát. Không gian dù không rộng nhưng ngôi nhà vẫn giữ vai trò chủ thể trong bố cục khuôn viên khu đất, được tôn vinh và thu hút tầm mắt người xem. Ngay kế bên biệt thự này là một khuôn viên khác có ngôi nhà một tầng, dài liên hoàn 3 khúc tạo thành hình chữ U hướng ngay ra phía đường. Ngôi nhà có một bố cục đẹp và được trang trí tinh xảo, những con số đắp nổi các năm 1923, 1932 trên các bề mặt cho mỗi khúc nhà không những chỉ ghi lại năm xây cất mà còn có một sức truyền cảm lạ lùng.




Rất tiếc, ngôi nhà này ban đầu là của một địa chủ, sau cải cách bị tịch thu và chia làm 3 phần cho 3 người nghèo khó khác nhau dùng, hiện đang bị hỏng nhiều chỗ và bị cấy vẩy lung tung… Cũng trong một khuôn viên khác của làng, ngôi biệt thự của bà Phạm thị Đằng được xây nên từ năm 1934 cho dù phần nội thất đã bị bong tróc gần như toàn bộ trần vôi rơm và một số hư hỏng khác, bà vẫn quyết giữ để ở và làm nơi thờ tự. Chính vì vậy nội ngoại thất của ngôi biệt thự này vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn dáng dấp xưa…

Mỗi ngôi nhà ở kiểu biệt thự Pháp cổ của làng Nha Xá được xây dựng vào thời hưng thịnh của làng, dù ở những vị trí khác nhau đều có sự tích gắn với những sự kiện riêng. Chuyện về mỗi ngôi biệt thự vẫn còn đọng sâu trong trí nhớ của nhiều người dân nơi đây. Ông Lê Như Thiều, nguyên là cán bộ lãnh đạo huyện, nay đã nghỉ hưu và đang làm Trưởng thôn hồ hởi dẫn chúng tôi đi quanh làng và cứ xuýt xoa nuối tiếc về một “điền trang thái ấp” gắn với ngôi biệt thự Đường Loan của một chủ nhân giàu vào loại “đệ nhất Nam Hà” xưa. Do hư hỏng nặng nên con cháu đã phá đi xây nhà khác từ mấy năm trước, nhà mới chỉ còn lưu chút vết tích cũ nên không còn để đến xem… Một số căn nhà khác đã qua cải tạo sửa chữa nhiều lần nhưng do không hiểu hết giá trị, không quan niệm phải bảo tồn nên cũng không còn nguyên vẹn …

Nhà thờ làng Nha Xá

Đình Nha Xá

Cổng làng Nha Xá

Nha Xá vẫn giữ nghề dệt truyền thống.
Cũng theo lời ông Thiều, vào khoảng năm 1980 làng vẫn còn nhiều biệt thự kiểu Pháp cổ, nhưng sau bị phá dần và đến nay chỉ còn khoảng 18 ngôi và phần nhiều đang bị hư hỏng nặng. Các chủ nhân ngôi nhà toàn thuộc diện nghèo khó, già cả…không có điều kiện kinh tế một phần nhưng một phần cũng do không hiểu giá trị hoặc không thích nhà cũ nên rất khó khăn trong việc gìn giữ cũng như tôn tạo ngôi nhà của chính họ. Theo bước chân ông, từ đường giữa làng rẽ phải, con đường nhỏ xinh xinh rợp bóng cây xanh chạy ngoằn ngoèo dẫn đến một trong những gò nổi có vườn cây lâu năm, bốn bề mặt nước. Thật quá ấn tượng, giữa vườn cây um tùm là biệt thự của cụ Nguyễn Thị Phúc được xây từ năm 1933, mặc dù bị rêu phong, hỏng vỡ nhiều chỗ nhưng ngôi nhà vẫn còn nguyên nét xưa và đẹp đến ngỡ ngàng. Ngôi biệt thự tọa lạc trong không gian chan hòa ánh sáng và nổi trội các yếu tố thiên nhiên, được lồng kết trong một bố cục lớp lang gồm cổng ngõ, sân vườn và ao cá bao quanh. Có thể thấy ở đây một khuôn viên mẫu mực về không gian ở sinh thái mà người dân nơi đây từ xưa đã tạo lập cho mình. Xế qua chừng vài trăm mét, phía bên kia bờ ao cũng thấp thoáng một vài khuôn viên tương tự và ngôi nhà thì cũng đang trong tình trạng cũ nát cần được tu bổ, sửa sang… Như vậy, riêng ở khu vực này đã có một chùm gồm 3-4 biệt thự đặc trưng kiểu kiến trúc Pháp cổ hiện đang tồn tại trong một quần thể cảnh quan sinh động và rất hấp dẫn không những để ở mà còn có thể phục vụ tốt cho tham quan khi khách đến thăm làng nghề. Đó cũng là một tiềm năng của dân, của làng quê này mà chính quyền và nhân dân địa phương cần đánh thức và sớm có giải pháp để hồi phục, khai thác sử dụng…


Không đồ sộ, hoành tráng hoặc diêm dúa.. so với nhiều ngôi biệt thự khác, nhà ở kiểu biệt thự Pháp cổ ở Nha Xá nhìn chung là nhỏ nhắn và khiêm nhường nhưng lại rất đẹp và thơ mộng trong khung cảnh làng quê. Chúng đã thể hiện sang trọng một thời vàng son của dân làng và cũng chính chúng đã tạo nên một diện mạo kiến trúc riêng, đặc trưng cho Nha Xá mà ở các làng quê khác khó có thể có được.


Trước nguy cơ nay còn – mai mất, số phận của những ngôi nhà ở kiểu biệt thự Pháp cổ ở Nha Xá mà chúng tôi đã có dịp tiếp cận, dù ở góc độ nào cũng cần sớm được xem xét, đánh giá để bảo tồn và phát huy giá trị. Từ mỗi ngôi nhà đến khuôn viên cục bộ cần nghiên cứu bổ sung, giữ nét đặc trưng riêng để lồng kết vào tổng thể chung của làng. Các biệt thự Pháp cổ của làng cần được ghi nhận là một quỹ di sản kiến trúc quý giá trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Mộc Nam. Hãy coi chúng như những báu vật của làng để gìn giữ không những làm vật chứng cho một thời phồn thịnh, về thế hệ người đi trước đã làm ăn tài giỏi và giàu lên từ chính nghề dệt, mà còn là bằng chứng của dân làng Nha Xá trong sự phát triển tiếp nối./.
KTS Doãn Đức 
----------------
PS. Các chi tiết kiến trúc.

Căn nhà gần như còn nguyên vẹn của Ông Phạm Khắc Tiệp

Họa tiết Chữ Vạn và hình Dơi (Phúc) trên cửa.

Gian thờ gia tiên trên tầng 2 nhà ông Tiệp.

Kiến trúc đặc trưng  ngôi biệt thự kiểu Pháp

Thức cột Hy Lạp

Niên đại các căn nhà

Hàng chữ Trung-Thiên- Địa 

Trang trí mặt tiền.







Họa tiết hoa sắt cửa.

Hồ sơ thiết kế

Cầu thang gỗ.
Bản lề cửa chính.

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

Trăng vào đêm cõng mẹ lên núi - Tsukioka Yoshitoshi

Gặp trên soi.today giới thiệu tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng. Có bức Trăng vào đêm cõng mẹ lên núi, chợt nhớ một truyện đã đọc ngày xưa: Huyền thoại núi Narayama.

Chuyện kể về một ngôi làng hẻo lánh trên núi cao của Nhật Bản. Ở đó, có một tập tục: Khi người già tròn 70 tuổi thì con cái đưa họ lên núi và bỏ lại. Chính cái đói triền miên ở ngôi làng nghèo khó này đã sinh ra cái tập tục đó: làm vậy để bớt đi một miệng ăn. Những người già, theo tập tục, luôn coi đó là một việc phải làm, dù vẫn tha thiết sống. Nếu có ai đó cưỡng lại, thì người ta sẽ trói họ lại để làm cái việc bắt buộc phải làm. Tập tục này còn quy định: Khi xuống núi không được ngoái lại đằng sau và không được nói một lời nào, dù là tạm biệt hay vấn an cha mẹ…
Trong Huyền thoại núi Narayama: Một bà cụ đã đến ngày phải lên núi. Bà đành phải làm việc đó theo tập tục, dù còn khỏe mạnh và minh mẫn. Người đàn ông cõng mẹ mình lên núi, lòng quặn đau vì quá thương mẹ. Đến đỉnh núi, anh để mẹ lại và xuống núi. Nhưng rồi anh đã phạm phải lời nguyền của tập tục, khi quay lại thăm mẹ, rồi hỏi chuyện mẹ khi bỗng dưng trời đổ cơn mưa tuyết bời bời… Dù đã đươc an ủi bằng quan niệm ngàn đời, là người già lên núi gặp tuyết sẽ là người hạnh phúc khi về thế giới bên kia, nhưng tình máu mủ ruột rà vẫn khiến lòng người đàn ông tan nát. Và, không thể khác được, anh đành xuống núi, để bà mẹ già lập cập vì lạnh giữa một màu trắng mênh mông của tuyết…
------
Phần giới thiệu về bức tranh này.

Trăng vào đêm cõng mẹ lên núi - Tsukioka Yoshitoshi.


Người đàn ông trong tranh cõng mẹ già lên núi để làm gì? Đây là cảnh trong một câu chuyện cổ của Nhật nói về tục lệ Ubasute, tức là việc bỏ người già lại ở nơi hoang vắng (núi cao), mỗi khi làng lâm vào cảnh hạn hán hay mất mùa, đói kém.
Tục lệ này được kể nhiều trong các câu chuyện cổ, chuyện Phật giáo, không chỉ ở Nhật mà còn ở cả Việt Nam hay Trung Quốc. Trong cổ tích phương Tây cũng có chi tiết tương tự khi cha và mẹ kế của Hansel và Gretel đưa hai bé vào rừng bỏ mặc khi làng mất mùa.


Chi tiết người con cõng mẹ
Truyện cổ kể: Khi người đàn ông đưa mẹ già lên núi, bà bẻ cành cây dọc đường rải xuống đất. Khi lên đến đỉnh, bà mẹ dặn dò, con về nhớ đi theo đường cây rải để khỏi lạc. Anh xúc động vì tình thương của mẹ, bèn cõng mẹ trở về nhà.
Và trăng trên cao, như mọi lần, vẫn bình thản chứng kiến mọi việc.


Chi tiết trăng sau tán cây.

*****

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Thiên đường và địa ngục

Thiên đường và địa ngục


(Xuân Bình). Trần gian quá khốn nạn nên con người luôn mơ đến thiên đường. Cuộc sống quá tàn khốc nên con người mô tả địa ngục hoàn hảo hơn cả một cơn ác mộng? Bản thân tôi thì nhìn thấy rằng con người vẫn và sẽ luôn loay hoay, lấn bấn xoay quanh giá trị của sự sống và cái chết. Và tôi mơ một Giấc Mơ để có thể hiểu rõ mọi thực hư của cuộc đời này.

Tây Tạng
Tây Tạng - tu viện Palchoi
Tranh thờ Đạo Lão Công đồng - sưu tập Phạm Đức Sỹ 2009
Tranh Đạo Lão - Dẫn hương lộ của người dân tộc Nùng
Tranh Đạo Lão- độ linh của người dân tộc Tày

Đó là một vài cảm nhận của tôi sau khi tới Trung tâm Việt Art Hà Nội xem triển lãm tranh thờ đạo giáo của nhà sưu tập Phạm Đức Sỹ.
Về đề tài này, năm 2000, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức trưng bày một bộ sưu tập tranh ở 65 ngõ Huế. Năm 2001 nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê hoàn thành cuốn sách Tranh Đạo Giáo ở Bắc Việt Nam. Năm 2002, họa sỹ Nguyễn Minh Thành lần đầu tiên sử dụng tranh thờ đạo Lão vào tác phẩm nghệ thuật xếp đặt ở Nhà sàn Đức. Năm 2003, Simon Redington họa sỹ người Anh triển lãm tranh khắc Thập điện Diêm vương ở Art VietNam Gallery. Năm 2006, một triển lãm tranh thờ được tổ chức khá chuyên nghiệp ở Đại học Mỹ Thuật…

Nhiều người quan tâm đến việc tranh thờ có chỉ dẫn nào về những ngày tiếp theo của cuộc đời? Đường lên tiên cảnh bao xa? Dưới sông Nại Hà có bao lối dẫn tới các mười Tòa đại hình? Vị thần nào có thể mau giúp ta phá ngục để giải thoát?

Bản thân tôi thì nhìn thấy rằng con người vẫn và sẽ luôn loay hoay, lấn bấn xoay quanh giá trị của sự sống và cái chết. Và tôi mơ một Giấc Mơ để có thể hiểu rõ mọi thực hư của cuộc đời này.

Lên cõi Thanh Hư

Tôi thích bức tranh “Dẫn hương lộ” của dân tộc Nùng hay Cao Lan. Ngay tên gọi cũng đã nhanh chóng gợi tả con đường giải thoát nhẹ nhàng như khói, quyến luyến hương xạ và lan tỏa một cách huyền hoặc.
Nơi ấy con người đã thành tiên nhân có thể cưỡi rồng bay lên thềm trời, hóa thành chim lướt trên mây, biến thành cá lặn xuống biển sâu, đi lại giữa trần gian mà người thường không thấy. Họ ăn cỏ linh chi, uống sương, hít gió, tâm như dòng suối, da trắng như tuyết, trường sinh bất lão, tiêu dao, tự tại…
Trong Dẫn hương lộ người ta tìm thấy cả trần gian, thế giới của chúng sinh còn nặng sắc dục, thế giới không sắc dục, Nhật phủ, Nguyệt cung. Có Dương minh tinh tượng trưng cho cõi sáng. Huyền minh tinh tượng trưng cho cõi tối. Hư vô Thanh cảnh tượng trưng cho cõi hư vô thanh khiết, vô tận, vô cùng nơi ánh sáng không bao giờ tắt. Đại lộ trình, con đường đi tới Thanh Hư có ba chặng và dài sáu vạn dặm. Linh hồn được chở đi trên xe dê, trâu, ngựa, hươu. Mỗi chặng lại có Chu Vũ coi giám cõi Hạ Nguyên. Cát Ủng coi sóc miền Trung Nguyên. Đường Hoàng cai quản miền Thượng Nguyên…
Nhưng cái bất ngờ của Dẫn hương lộ (rộng chừng 30cm, dài hơn 3m) lại là việc nó khắc họa con đường đưa hương hồn con người lên thiên giới thành chân dung hoàn chỉnh của một Con Người. Con Người ở đây được định vị rất rõ ràng bởi các huyệt đạo trên cơ thể. Địa phủ, thủy phủ phía dưới cùng bức tranh tương ứng huyệt Hạ đan điền- vị trí xương mu phía trước. Trung đan điền- vị trí rốn. Thượng đan điền- kinh huyệt ở vị trí cổ. Còn vị trí Thánh Chúa ngự ở Nê hoàn cung- nơi cao nhất của bức tranh thì tương ứng với huyệt Bách Hội ở chỏm đầu. Đây là huyệt dẫn nạp Khí- năng lượng của vũ trụ nhằm mục đích đạt tới trường sinh bất tử, hướng tới giải thoát. Đó cũng là quan niệm Thiên Nhân hợp nhất của Đạo Lão.
Tôi có ý so sánh y nghĩa triết luận này của Dẫn hương lộ với tranh khắc gỗ “Cửu phẩm liên hoa” của họa sỹ Lê Quốc Việt (2000). Trên bức tranh tác giả có đề đôi câu đối như một lời đề dẫn:
Bốn tám lời nguyện của Phật Di Đà giảng giải, tiếp dẫn chín loài cùng sinh lên chín phẩm Hoa sen.
Mười hai ánh hào quang hiển hiện, soi tỏ chúng sinh ba nẻo ác đều chứng được ba thân.
Theo quan niệm nhà Phật, họa sỹ lý giải: cấp chứng ngộ từ thấp lên cao, từ chúng sinh lên thành Phật có 9 phẩm. Ai chứng ngộ được cấp bực nào trong 9 phẩm thì sau khi chết đều được lên cõi Tây phương Cực lạc của Phật Di Đà. Còn ba nẻo Địa ngục, Ngạ quỷ (quỷ đói) và Súc sinh giành cho chúng sinh gây tội ác nghịch thì không được vãng sinh hoặc tái đầu thai làm người.


Ba thân là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, tương tự như ba vị Phật ở 3 thời Quá khứ, Hiện tại và tương lai.

“Cửu phẩm liên hoa” được hoàn thành trong thời gian họa sỹ lưu trú ở chùa Bút Tháp. Trong chùa có cây Cửu phẩm xoay, biểu thị sự chuyển nghiệp từ ngu sang trí, từ trói buộc đến giải thoát, từ chúng sinh lên Phật. Cũng như hình ảnh cây Cửu phẩm, mộc bản “Cửu phẩm liên hoa” chính là toàn hình của đức Phật Di Đà.
Vậy là trong những tác phẩm của Đạo Giáo hay Phật Giáo, nghệ thuật truyền thống hay hiện đại thì người nghệ sỹ không chỉ dừng lại mô tả cái hiện thực mà còn luôn phóng chiếu những khát khao thay đổi số phận. Có bao nhiêu nhân vật trong tranh là từng ấy ham muốn, khát vọng. Đó là không gian siêu thực, một phối cảnh lạ lùng giữa thức tỉnh và hư ảo, cái mà người ta không thể Nhìn mà chỉ có thể tìm thấy trong những Giấc Mơ.

Rẽ xuống địa ngục

Nepal Kathmandu- thành cổ Patal- điêu khắc các hình phạt với đàn bà



Hưng Yên-Phố Hiến- Chùa Chuông




Sưu tập của họa sỹ Lê Thiết Cương.




Tranh tường Đôn Hoàng Trung Quốc
Con người ta cũng luôn tin rằng ngoài dương gian còn có Âm phủ nơi các vong hồn vẫn có một cuộc sống tiếp theo.
Sau khi chết vong hồn được dẫn qua sông Nại Hà- cảnh giới Dương gian và Âm phủ. Mọi vỏ lốt, phục sức, đẳng cấp, giàu sang, hèn khó đều bị trút bỏ để trở lại cái nguyên sơ ban đầu. Các vong hồn được dẫn qua Nghiệt kính đài để nhìn lại không sót một công hay tội nào. Từng công tội lại được các phán quan, lục sự cân đong. Tùy mức công tội mà vong hồn sẽ có sáu nẻo đường chuyển kiếp và giải thoát. Ba nẻo Thiện làm đế vương, công hầu, khanh tướng; giàu sang, phú quý; góa bụa, cô quả, nghèo hèn. Ba nẻo Ác là: đầu thai thành chim; thú; côn trùng, sâu bọ, cua, cá. Chặng cuối của đầu thai, chuyển kiếp các vong hồn lại một lần nữa phải vượt qua và uống nước sông Mê, bến Lú để rũ bỏ hết mọi Thiện, Ác, sang, hèn… của kiếp trước.
Người ta thống kê một cách phiếm chỉ con người thường phạm 108 tội lỗi. Tội lỗi được phân loại theo việc phạm vào ngũ giới của nhà Phật như sát sinh, trộm cướp, tà dâm, dối trá lường gạt và… uống rượu.
Tương ứng với các tội là một hệ thống các khung hình phạt như phanh thây, cưa chân, đưa thân vào cối giã, móc mắt, dùng kìm nung đỏ rút lưỡi, bỏ vào vạc dầu sôi, ngâm trong ao máu bẩn, dồi thuốc pháo vào rốn, cột pháo quanh thân rồi đốt…
Tôi không có khoái cảm với cái Ác nhưng thường đứng lại rất lâu trước các tranh Thập điện Diêm vương. Sau nhiều lần trở lại chùa Chuông, Phố Hiến, Hưng Yên, chùa Trăm gian Hà Nội hay viếng thăm các tu viện Tây Tạng, chùa đền ở Nepal, Myanmar… điều kỳ lạ là tâm trạng trở nên bình thản đến lạ lùng. Tôi đã dần dần gác lại những câu hỏi đại loại: các đại hình là diễn nôm những ác mộng? Hitle, Saadam Hussein thì đã bị xử ngay trên trần gian. Nhưng những kẻ hiếu sát như Vờ La đi Mỉa, phạm tội ác chống nhân loại hay Sờ Ta Lỉn, Mảo Trạch trấu, Pôn Pốt…cùng một vài lãnh tụ đuôi to (vỹ đại) thì sẽ được Diêm Phủ áp khung hình nào? Hiện nhiều kẻ vẫn chềnh ềnh trong lăng tẩm thì quỷ Vô Thường đầu trâu mặt ngựa làm sao dẫn độ? Mười phiên tòa có đủ sức để ghi chép tội ác của bọn này? Hậu duệ của chúng đang cướp đất của dân đen, đàn áp trí thức mai này có đường thứ bảy cho chúng giải thoát?
Lần đầu tiên tôi có cảm giác rằng mình sẽ xóa bỏ được những thù hận với lũ quỷ mặt người ấy là dịp tới Đôn Hoàng. Tranh tường vẽ cảnh cân phúc, cân tội ở hang 254 Đôn Hoàng Trung Quốc (thời Bắc Triều, 356-534) được thể hiện một cách nhẹ nhàng, ít tạo cảm giác bị trấn áp, đe dọa hay gây sốc.
Hơn thế nữa, sau khi tập hợp tư liệu khá đa dạng, tôi “phát giác” phần lớn gương mặt, thần thái các vong hồn trong khi thụ hình lại có vẻ an nhiên. Rất nhiều vong hồn trong tranh thờ Đạo Lão còn cười rất tươi tắn. Thân hình của các vong hồn nữ trong điêu khắc ở chùa Patal Nepal lại còn khá… quyến rũ. Ngỡ tưởng các nghệ sỹ tạo hình còn mang theo cảm hứng lãng mạn trong từng nhát đục hay cách day ngọn bút.
Về nhận thức, tôi tự thấy mình cần phải học hỏi các tiền nhân. Họ đã quá thấu hiểu địa ngục trần gian. Những bi kịch, đau khổ trong Thập điện là bi kịch thực, đau khổ thực. Đã chứng ngộ nên họ vẽ Đời và đặt tên tác phẩm là Thập điện Diêm vương? Có những tranh vẽ, điêu khắc đã tồn tại và tiếp tục phát sinh từ hàng nghìn năm trên các chùa đền. Vậy là những cực hình để đày đọa số phạn từng con người lại là một phần tất yếu của cuộc sống. Điều đó có lý giải cho hiện tượng phần lớn những khẩu hiệu hay ho nhất về quyền tự do lại được gương cao bởi những kẻ độc tài. Những lời hiệu triệu quyến rũ nhất về giá trị độc lập của dân tộc lại thoát ra từ miệng những kẻ sẵn sàng bán đứng quyền lợi của Tổ Quốc…

Giấc mơ ban ngày

Tác phẩm của Dali trưng bày ở bên bờ sông Theme London 2006
Tác phẩm của rob Gonsalves


Palm Island


Gyatse Tây Tạng

Thiên Đàn Trung Quốc


Đàn Nam Giao Huế
Tuy nhiên về hành động tôi chưa biết làm thế nào để

Tôi bắt chước trò chơi cắt dán của trẻ con nhưng cố gắng sắp xếp theo lối đồng hiện như Dẫn hương lộ hay “Cửu phẩm liên hoa”. Tôi lựa chọn phép so sánh giữa quan niệm siêu thực xưa cũ của người phương Đông với quan niệm về siêu thực hiện đại của phương Tây….

Tôi thử đặt những bức ảnh chụp tranh thờ Đạo Lão của các thày Tào bên tranh khắc Thập điện Diêm vương của họa sỹ người Anh Simon Redingto; đặt điêu khắc gỗ quỷ Vô Thường đầu trâu mặt ngựa ở chùa Trăm gian bên cạnh điêu khắc đồng của Dali; Đặt tranh vẽ của Rob Gonsalves (Canada) một họa sĩ tiêu biểu của phong cách siêu thực bên cạnh hình ảnh nội thất trong Trung tâm khoa học Rujong Singapore; Đặt đàn Nam Giao bên đỉnh Olympia; Đặt Kim tự tháp bên cạnh Bảo tàng Louvre Paris của Ieoh Ming Pei; Đặt thơ của Đặng Trần Côn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du bên cạnh thơ của André Breton ….
Sau hàng loạt xáo trộn, trò chơi xếp hình ấy bất chợt chỉ ra giúp tôi khoảng cách rất khác biệt giữa hai không gian nghệ thuật. Cái siêu thực của phương Đông vẫn cố khu trú trong lãnh địa tín ngưỡng, tôn giáo hay cô đặc lại trong một góc nhỏ trong đời sống tinh thần một bộ phận trí thức. Xu hướng siêu thực phương Tây lại có xu hướng lan tỏa tới nhiều không gian nghệ thuật cũng như các ngõ ngách của đời sống. Siêu thực phương Đông đi theo vòng xoáy tình cảm, tâm linh, chiêm nghiệm và còn phương Tây lại hướng đến lý trí , khoa học và trong chừng mực nào đó chủ nghĩa siêu thực còn là hạt nhân cho những xu hướng cách mạng xã hội.
Cho đến hôm nay, những bất công của một xã hội chuyên quyền, suy đồi đã mãi mãi chôn chặn cảm xúc siêu thực của Nguyễn Trãi trong một tinh thần tiêu dao của một nhân sỹ bất đắc chí.

Còn trong một môi trường mà tự do được ngợi ca, André Breton đã lên tiếng: ” Siêu thực là thao tác tự động thuần túy tâm linh. Là bài chính tả mà tư tưởng đọc ra mà vắng mọi kiểm soát của lý trí… “. Tuyên ngôn siêu thực này đã mau chóng trở thành một chủ thuyết có ảnh hưởng bao trùm trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật cũng như đời sống.

Hơn nửa thế kỷ sau, cũng trong một môi trường ngợi ca tự do và khát vọng cá nhân, những tác phẩm “Thời đại hoàng kim” (1930), “Sự dai dẳng của ký ức”, “Giấc mơ” (1931)… của Salvador Dali đã mách lối, thúc giục Rob Gonsalves chối bỏ lối vẽ phá phách, diễn tả cái khác lạ mà không lập dị, bất ngờ mà không phi lý, đầy ảo giác mà không hoang tưởng.

Đến lượt mình, các tác phẩm “ Bước trên đá hay trường thành?”, “Chiếc chăn màu trắng”, “Dòng suối”… của Rob Gonsalves ở Bắc Mỹ xa xôi đã gợi ý cho các kiến trúc sư, các nhà thiết kế nội thất của Trung tâm Khoa học Rujong ở Nam Á mang đến cho trẻ em những giấc mơ thần tiên.
Biết đâu những quan niệm siêu thực này đã lan tỏa, ảnh hưởng tới lối thiết kế theo phái Giải tỏa kết cấu mà Zaha Hadid đã thể hiện trong tác phẩm Trạm cứu hỏa Vitra, Weil am Rhein, Đức (1993), Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Rosenthal, Cincinnati, Ohio, Mỹ( 1998 )
Những thống kê trên không chỉ diễn đạt khả năng biến đổi cảm nhận thị giác, về ý tưởng, về không gian vô hạn, hữu hạn. Nó minh chứng cho sự cao siêu trong trí tưởng tượng, những khát vọng thay đổi trật tự mới cho đời sống.

Thức tỉnh
Tác phẩm của Phan Cẩm Thượng

Tranh khắc gỗ của Lê Quốc Việt


Kiến trúc của ZAHAHADID
Suy đi ngẫm lại, tôi nhận thấy André Breton, Dali, Rob Gonsalves hay Zaha Hadid… có làm gì mới hơn cái cách thầy Tào đã vẽ dẫn hương lộ hay Lê Quốc Việt khắc “Cửu phẩm liên hoa” đâu?
Vậy mà sao từ tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc, khoảng TK13)*, một số bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi (TK 15), một số tứ thơ trong Kiều của Nguyễn Du thế kỷ 19 đến thơ Hàn Mặc Tử, Hoàng Cầm, nhạc Trịnh Công Sơn hôm nay… không gian siêu thực của Việt Nam cứ teo tóp. Hình hài những khát vọng, ước mơ lớn của dân tộc cũng chỉ có thể lộ ra như một tam giác ngược đang chao đảo, chới với trên một chóp đáy, một tiếp điểm mong manh và rệu rã?
Vậy là thân xác chúng ta bị Ngạ quỷ đày đọa, Súc Sinh xui khiến? Tinh thần, cảm xúc chúng ta thiếu một sự chay tịnh, thanh sạch như cách thầy Tào trước khi ngồi vào vẽ tranh thờ? Kiếp trước chúng ta quên uống nước ở sông Mê, bến Lú nên tri thức không đủ sức giải tỏa bao sợ hãi vẫn găm lại trong tiềm thức? Hay là chúng ta không đủ tự tin để mơ một giấc mơ giữa ban ngày. Giấc mơ của những Con Người dám đập bỏ mọi gông cùm, trói buộc. Giấc mơ đi tới cùng Trời cuối Đất để tìm và phác họa cho mình cùng cộng đồng một vóc dáng siêu hình?

*Cũng như mỹ thuật, thi ca, các kiến trúc tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng truyền thống phương Đông (chùa tháp, lăng mộ, đàn, miếu…) là không gian mà người thiết kế diễn đạt khả năng kết hợp giữa nhận thức và mộng ảo, hướng tới những sáng tạo mang tính siêu thực. Đó cũng là giải pháp tác động tới những vùng tiềm thức, thỏa mãn nhu cầu tâm linh và khát vọng tự do của con người.
Một số bức tranh thờ.