Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Địa danh gốc Chăm ở Trung Bộ


Địa danh gốc Chăm ở Trung Bộ

Gần một nghìn năm cộng cư với người Chăm, người Việt đã tiếp thu hàng trăm địa danh ở dọc dải đất miền Trung. Cà Ná là tên núi ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cao 339m. Sau đó, Cà Ná trở thành tên xã của huyện Thuận Nam cùng tỉnh. Cà Ná, có nhiều cách lý giải, nhưng cách được tin tưởng nhiều là Canah/Canaq Klou (Canah: tẽ ra; Klou : ngã ba) vì hòn núi nằm ở chỗ có ngã ba tẽ ra.
Ở gần Cà Ná, núi Chà Bang ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cao 432m. Người Việt gọi Tam Sơn. Chà Bang gốc Chăm Cabang, nghĩa là “núi chẻ”. Còn Tam Sơn, vì núi “có ba đỉnh vươn lên trên cao”.
Một số địa danh bắt nguồn từ tên cây.
Là A là tên làng ở tỉnh Ninh Thuận. Là A mang dạng gốc Laa, nghĩa là “cây là-a». Tên cây này chưa được các từ điển Việt Nam ghi nhận.
Sông Mao ở tỉnh Bình Thuận. Mao gốc Chăm Pa-auk, nghĩa là “cây xoài”. Vậy âm P- trong tiếng Chăm được người Việt nói thành M-.
Tâng Hơkek là vực ở phía tây tỉnh Phú Yên. Tâng Hơkek có nghĩa là “vực cây dứa dại” vì hai bên vực có nhiều cây này.
Vực cũng ở phía tây tỉnh Phú Yên, Tâng Hra, dài 20m, rộng 6m, sâu 2m. Tâng Hra nghĩa là “vực cây sung” vì bên cạnh vực có cây sung lớn.
Tên vịnh Nha Trang cũng là tên thành phố du lịch thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nha Trang gốc Chăm Ia Tran, chỉ sông Ngọc Hội, và có nghĩa là “sông có nhiều lau sậy”.Địa danh này xuất hiện lần đầu năm 1653. Ý kiến cho rằng Nha Trang do Nhà Trắng biến thành bởi người Pháp là hoàn toàn sai vì địa danh này đã có trước khi người Pháp đến.
Có quan hệ nguồn gốc với Nha Trang là Nha Me và Nha Phu.
Nha Me là suối ở tỉnh Ninh Thuận, nước suối có lẫn diêm mà người Chăm xem như nước thánh, dùng để rửa các pho tượng cho trơn láng. Nha Me do Ia Moemith, nghĩa là “ nước ngọt”.
Vịnh Nha Phu ở phía nam thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, diện tích 4.500ha, có nhiều hải sản giá trị. Nha Phu gốc Chăm (paley) Ia Ru, nghĩa là “(xứ) thác nước”, và có nhiều tên phiên âm khác nhau: Nha Du, Nha Lỗ, Nha Tù; đến năm 1833, phiên thành Nha Phu. Trên đảo Hòn Khỉ tại vịnh này, người ta thấy một thác nước tràn qua mỏm đá.
Tên ba con sông lớn ở tỉnh Quảng Ngãi là Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu đều có quan hệ tới tiếng Chăm. Trà trong tên ba con sông trên bắt nguồn từ tiếng Chăm Ia, nghĩa là “sông, nước”.
Trà Khúc là do tên Trà Giang Cửu Khúc (“sông Trà có 9 khúc”, dài 135km) nói rút gọn; Trà Bồng do sông này bắt nguồn từ làng Thanh Bồng; còn Trà Câu là vì sông ngắn (40km) so với hai sông kia, nên ghép từ Câu (“rãnh nước”) vào sau từ Trà.
Sông ở miền núi tỉnh Phú Yên mang tên Cà Lúi . Sau đó, là tên xã của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Cà Lúi gốc Chăm Ta Lui, nghĩa là “bé nhỏ”.
Chà Vang là vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng. Chà Vang có âm gốc Rivang, nghĩa là “viếng thăm”.
Xóm ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Chá. Chá gốc Chăm Cwah, nghĩa là “cát”.
Di Om là vùng đất ở thuộc tỉnh Lâm Đồng. Di Om gốc Jăm, nghĩa là “lấp”.
Hà Ra là cửa biển có hải tấn ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và là cầu trên quốc lộ 1A, tại xóm Bóng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Tên cũ của địa danh là Hà La, cách phiên âm Hà Ra sang từ Hán Việt. Hà Ra gốc Chăm Kauthara, tên tiểu quốc của Chiêm Thành nằm về hướng bắc Bình Thuận.
Làng ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Lô Ông. Lô Ông có dạng gốc Liong, nghĩa là “vực sâu”.
Lúi là sông ở tỉnh Ninh Thuận. Lúi gốc Chăm Luic, nghĩa là “cuối cùng”.
Nha Trinh là đập của người Chăm xưa, đưa dòng nước của sông Dinh về tưới cho  cánh đồng ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Nha Trinh gốc Chăm Chaklin, tên ông bà nuôi vua Pô Klong Girai lúc còn nhỏ, cộng đồng Chăm cứ bảy năm làm lễ tế một con trâu để tạ ơn ông bà.
Một làng ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Nhà É. Nhà É phiên từ Ia Aik, nghĩa là “nước hạt quế”.
Ba địa danh nổi tiếng nhất nơi cực nam vùng Chăm là Phan Rang, Phan Thiết, Phan Rí.
Phan Rang bắt nguồn từ Panduranga, tên một vương quốc cũ của người Chăm.
Phan Thiết do từ tổ Hamu Lithit mà thành. Hamu là «ruộng»; Lithit là «gần biển». Vậy Hamu Lithit là «vùng ruộng ở ven biển».
Phan Rí là sông chảy qua thị trấn Phan Rí, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Còn gọi là sông Luỹ, Man Rí.
Phan Rí gốc Chăm. Phan có lẽ mượn tiếng đầu của Phan Rang; còn Rí có thể mượn tiếng sau của Man Rí.
Ría là đập ở vùng Bình Thuận-Ninh Thuận. Ría gốc Chăm Riya, nghĩa là “lớn”.
Sông Quao là công trình thủy lợi ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận với 24km kênh chính, 54km kênh cấp 1, gần 100 công trình trên kênh chính, hàng trăm km kênh nhánh, mỗi năm đã cứu 8.200ha đất Bình Thuận có nguy cơ khô hạn, sa mạc hóa, thu hoạch 70.000 tấn lúa.
Sông Quao còn là hồ ở xã Thuận Hoà, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, xây dựng trong thời gian 1988-1997, dung tích 73 triệu m3 nước.
Có người cho rằng Sông Quao gốc Chăm Krong Nao, nói chệch mà thành. Nao chưa rõ nghĩa là gì; Nao rất khó chuyển thành Quao; có lẽ Quao vốn là tên cây như Gò Quao ở tỉnh Kiên Giang. Quao là “tên giống cây, lá có chất nhuộm màu đen”.
Tánh Linh là huyện của tình Bình Thuận, diện tích 1.174,2km2, dân số 92.600 người (2006), gồm thị trấn Lạc Tánh và 13 xã: Bắc Ruộng, Đồng Kho, Đức Bình, Đức Phú, Đức Tân, Đức Thuận, Gia An, Gia Huynh, Huy Khiêm, La Ngâu, Măng Tố, Nghị Đức, Suối Kiết. Cũng gọi Tấn Linh, Tính Linh.
Tánh Linh, có hai cách lý giải: 1. Một phần gốc Chăm Danaw Haling, nghĩa là “ao haling”. 2. Gốc Chăm T’nao Linh, nghĩa là “bàu nước thiêng” theo tín ngưỡng của người Chăm.
Cảng ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định mang tên Thị Nại.  Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục  nơi này. Thị Nại còn là tên cầu vượt đầm, nối thành phố Qui Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, cầu dẫn dài 771m, cầu chính dài 2.477,3m-dài nhất VN tính đến thời điểm này-rộng 15,5m, với tổng kinh phí 530 tỉ đồng, khởi công ngày 3-11-2002, khánh thành ngày 12-12-2006. Tên chữ là Hải Hạc đàm “đầm hạc biển”.
Thị Nại còn là tên phường của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, diện tích 1,86km2, dân số 10.367 người (1999). Âm gốc của Thị Nại là Cri Banoi, nên thường phiên là Thi Lị Bị Nại, chưa rõ nghĩa.
Trà Co là làng ở tỉnh Ninh Thuận. Trà Co gốc Chăm Cako, nghĩa là “móng (tay, chân)”. Chưa rõ vì sao có tên gọi như thế.
Vực ở phía tây tỉnh Phú Yên mang tên Tâng Lơ Boang, nghĩa là “vực quan tài” vì trước kia có người chèo cái mảng chở quan tài qua vực, quan tài rớt xuống sông chìm, ba ngày sau mới kéo được lên bờ.
 Tâng Pơyưa là vực ở phía tây tỉnh Phú Yên. Tâng Pơyưa nghĩa là “vực cá sấu” vì dưới vực trước đây có một cặp cá sấu sống.
Với sự gia nhập của một số địa danh gốc Chăm, địa danh Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng.  
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1-Ka Sô Liễng, Các con sông, con suối thuộc miền núi tỉnh Phú Yên, trong “Văn hoá sông nước miền Trung”, HN, Nxb KHXH, 2006, tr. 155 – 165.
2-Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh Trung Bộ, Hà Nội, Nxb KHXH, 2015.
3-Moussay, G., Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais (Từ điển Chăm-Việt Pháp), Phan Rang, Trung tâm Văn hóa Chăm, 1971. Phú Văn Hẳn dịch một số địa danh Chăm trong từ điển này.
(Nguồn: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 914, ngày 1-1-2016, tr. 16-18)

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

ĐỒ SƠN


ĐỒ SƠN

Ngài có biết lịch sử Đồ Sơn không?  Cái bãi biển thu hàng triệu bạc mỗi vụ hè, nguyên là một ổ trộm cướp không đáng đồng xu nhỏ!

Đó là một sự thực mà khắp thảy Bắc Kỳ đều biết: hiện nay, cứ mỗi khi mùa hè đến, hồ bàn nhau đi tắm bể và lấy gió, người ta đã tính ngay chuyện đi đến Đồ Sơn. Nguyên do không phải là vì Đồ Sơn kém đẹp hay làn sóng ở Đồ Sơn khéo lượn hơn các chốn thừa lương khác. Cũng không phải vì Đồ Sơn đã mất giá rồi. Đó chẳng qua chỉ là vì người ta ham lạ, cái gì cũ quá thì chán, muốn tìm cái mới hơn. Người ta đi nghỉ mát ở Đà Lạt, Chapa, Tam Đảo, Kiênchinh, Văn Lý, Đồng Châu, Bãi Cháy[1]… nhưng dù sao ta cũng phải công nhận rằng đã không nói đến nghỉ mát thì thôi, chứ đã nói đến nghỉ mát bãi biển thì Đồ Sơn hiện ra trong trí óc chúng ta trước hết. Tại sao? Đó là bởi Đồ Sơn là bãi biển có trước nhất ở Bắc Kỳ hay, nói cách khác, thì người Bắc Kỳ mình sở dĩ biết đi tắm biển như người Âu Mỹ, ấy cũng là vì Đồ Sơn vậy.

Vạn Hương 1983
Trước khi người Pháp đến bảo hộ xứ ta, Đồ Sơn chưa có mà cũng chẳng có bãi biển nào để cho chúng ta đi nghỉ mát về mùa hạ. Riêng nói về Đồ Sơn thì lúc ấy Đồ Sơn chỉ là một mảnh đất hoang vu có lưa thưa mấy làng đánh cá nhỏ chui rúc dưới chân những trái đồi cằn cọc chỉ có ròng lau sậy. Ở đằng sau những trái đồi ấy, những ruộng bùn và những vũng nước hôi thối chạy ngút ngàn. Người ta không thấy một con đường đi, một cái nhà gạch. Chỉ toàn là những túp lều dựng tạm để cho dân chài tạm trú lúc đêm hôm, còn thì toàn là những cái bí mật chờ người ta bởi vì Đồ Sơn lúc đó thực là nhiều trộm cướp ở Cát Bà và những nơi lân cận đến tụ họp nhau ở đó. Ông Jean Dupuis, do đường Hồng Kông đi lại đã lao tâm khổ tứ vô cùng mới đến được đất này. Địa đồ thì chưa có, hay có mà vẽ không được rõ. Sông ngòi thì nhằng nhịt chẳng rõ cái nào vào cái nào. Lại những quân cướp tìm hết cách để cản trở công cuộc của nhà thám hiểm. Ông Jean Dupuis để chân lên Đồ Sơn từ 1880 thực đấy, nhưng phải đến mãi tận năm 1886, người Pháp trong số đó có các ông Georges Vlavéanos, Costa và Gouma, mới nghĩ làm Đồ Sơn thành một nơi nghỉ mát trong những ngày viêm nhiệt. Ối, nói đến chuyện nghỉ mát hồi ấy thì thực là giản dị: người ta đi từ Hải Phòng ra ở với bọn dân chài lưới. Một vài người gan lắm mới dám cất ở trên những ngọn đồi một vài cái nhà lá đáng giá dăm đồng bạc; người ta chèo thuyền ra hoặc là đi ngựa qua những con đường đất nhỏ; người ta nghỉ mát ngay ở những bờ ao bụi rậm và tiếng là nghỉ đấy nhưng không lúc nào không phải nghĩ: nghĩ lo về trộm cướp. Nghỉ mát ở Đồ Sơn như thế, trước sau người ta tính mất có đến mười năm lận!

Vạn Hoa 1983
Mãi sau, vào khoảng 1896, một công ty buôn mới tổ chức những cuộc đi Đồ Sơn bằng sà-lúp. Hồi ấy mỗi vụ hè, người ta đã thấy số người đi nghỉ mát lên tới cái mức hai, ba mươi người. Riêng sở thương chính mỗi tuần lễ vào chiều thứ bảy lại tổ chức một cuộc đi Hải Phòng Đồ Sơn đến sáng thứ hai về sớm, cũng đi bằng sà-lúp; cái sà-lúp ấy hồi bấy giờ người ta gọi là sà-lúp của những ông chồng. Người nào muốn đi nghỉ mát Đồ Sơn khởi hành từ Hải Phòng vào lối 3-4 giờ chiều; độ 8-9 giờ tối thì đến Đồ Sơn, những hôm thuận buồm xuôi gió thì đi chỉ mất độ 2-3 giờ. Đến Đồ Sơn, sà-lúp không vào bờ được, người ta phải đem những thuyền nan ra “túc trực” để cho “những ông chồng” đổ bộ; những ông nào nóng muốn gặp mặt vợ con thường nhảy phứa cả xuống nước để lội vào hay thuê dân chài lưới cõng như cõng trẻ. Người ta ở suốt một ngày chủ nhật như kiểu Lỗ Bình Sơn phiêu lưu ký, đến sáng thứ hai thì cái sà-lúp của các ông chồng lại đến đón để đem trả cho công việc của các ông ở Hải Phòng.

Nói cho thực thì đi nghỉ mát như thế mãi cũng vất vả, cũng ốm xác. Người Pháp đã sống quen với sự dễ dãi phong lưu, tìm hết cách để cho những cuộc đi nghỉ mát ấy dễ chịu hơn một chút. Cái khách sạn thứ nhất được dựng lên, bằng lá: đó là “Khách sạn của những người đi tắm biển” (Hôtel des Baigneurs). Ít lâu sau chính khách sạn có sà-lúp chở khách đi đi lại lại, nhưng tuy vậy người ta vẫn thấy sự bất tiện nên dân Pháp ở Hải Phòng hồi ấy nhất loạt yêu cầu chính phủ đắp cho một con đường đi cho tiện. Đó là vào năm 1891. Đồng thời người ta bắt đầu phá những cái nhà lá lụp sụp đi và xây dựng nhà gạch; cái nhà gạch thứ nhất xây năm 1888. Đến 1891 thì khắp Đồ Sơn đã có tới 11-12 cái nhà gạch trông có vẻ khả quan rồi. Toà sứ cũng xây cái biệt thự Joséphine, cái biệt thự này sau đổi lấy cái biệt thự St Mathurin của một người Pháp trồng thuốc phiện ở Trung Kỳ. Con đường nối liền Hải Phòng với Đồ Sơn khởi công từ 1891 và khánh thành năm 1892. Bây giờ thì tiện lợi lắm rồi: muốn đi từ Hải Phòng đến Đồ Sơn người ta chỉ mất độ một hai tiếng đồng hồ mà thôi, đi lại chắc chắn không sợ những nạn sông nước nữa. Hồi ấy người ta đi xe độc mã, đi xe kéo, nhưng phần nhiều là cưỡi ngựa. Nhưng gọi là chắc chắn đó thôi, chứ thực ra lúc mới có con đường Hải Phòng – Đồ Sơn đất hay lún lắm, người ta thường được chứng kiến lắm vụ xe bò và xe kéo tùng-bê cùng là cả người và ngựa tụt hố và lăn bò xuống ruộng. Con đường ấy mỗi ngày được sửa sang thêm; đến khi kha khá rồi thì sà-lúp mất hẳn. Đến năm 1906 thì người ta thấy bóng những cái ô-tô đầu tiên. Đến năm 1914 thì ô-tô ít hẳn vì chiến tranh nổi lên ở trời Âu, có mấy ngàn bạc trong túi thực đấy, nhưng mua được cái ô-tô không phải dễ. Mãi đến tận hết chiến tranh, vào khoảng 1920, 1921 thì ô-tô mới đi lại đông đúc; những người sang trọng không đi xe thổ mộ ra nghỉ mát ở Đồ Sơn nữa, xe thổ mộ lúc ấy để cho người An Nam ít xu dùng. An Nam đây là kể cả những người cực phú quý đi nghỉ mát lẫn những người chở rau chở hoa và đồ ăn thức đựng từ Đồ Sơn về Hải Phòng và từ Hải Phòng đến Đồ Sơn. Đồng thời nhà nước lúc ấy hết sức mở mang Đồ Sơn cho mỗi ngày mỗi đẹp hơn mỗi rộng hơn. Bao nhiêu nhà lá nhất loạt đều bị rỡ hết; đâu đâu cũng là nhà gạch; là biệt thự; Đồ Sơn không cằn cọc nữa, người ta đã thấy ở trong những căn vườn của người Pháp những cây cối xanh tươi mọc xum xê. Nối gót khách sạn Les Baigneurs, nhiều khách sạn khác được lập ra. Đồ Sơn vui hẳn lên, tươi hẳn lên và từ đó Đồ Sơn bắt đầu xứng với câu hát này: Đồ sơn vui thú xiết bao…
Nhưng đến tận lúc ấy, Đồ Sơn cũng chưa có nhiều đường lối lắm. Trong một thời gian khá dài, người ta chỉ có thể đi được tới biệt thự Marty là hết. Mươi năm sau mới có con đường đến biệt thự Saint Mathurin và mãi tận gần đây người ta mới làm những con đường đến Hòn Dấu vậy.

Song loan
Tại sao những cái đường đó lại chậm làm như thế? Đó là bởi vì người ta không thấy cần dùng. Đi lại ở trong Đồ Sơn, thời ấy, người ta thường đi bằng song loan như kiểu những cái song loan mà các bà các cô vẫn ngồi về vụ trảy hội chùa Hương bây giờ: trên hai cái đòn dài có một cái ghế mây; bốn người đàn bà, hoặc cả đàn bà đàn ông khênh nghễu nghện lên vai đi hết cả bờ tre bụi rậm. Bây giờ, người ta đã bỏ cái lối người nghèo vác người giàu lên vai rồi. Đó là một sự tiến hay lùi về nhân cách con người, ta không bàn đến làm gì vội. Chỉ biết rằng song loan mà bỏ thì Đồ Sơn cũng có mất vui đi chút ít: người ta không còn được thấy cái quang cảnh những người khiêng song loan đứng ở trước cửa những khách sạn đợi những ông tây bà đầm đi chơi. […………….][2]

Kiến trúc Đồ Sơn hôm nay chỉ còn vài lâu đài,
biệt thự ảnh hưởng lối kiến trúc Pháp được xây dựng trước năm 45 là đáng kể
Đến thời này, Đồ Sơn đã tiến một bước dài. Đồng ruộng như bàn cờ, dân cư ngày đông đúc; người ta dệt lụa và trồng khoai tây mỗi năm lợi tức có hàng vạn. Lúa má tốt, dân nhiều. Người Pháp lấy làm lạ về cái tài làm ruộng của người nhà quê Việt Nam, về đức tính cần lao của họ. Vì thế ở Nam Kỳ một phái bộ đã được cử ra để học nghề nông tang của người Bắc Kỳ ở Đồ Sơn. Số làng mạc tăng lên trông thấy. Người ở Hà Nội về nghỉ mát mỗi ngày một đông hơn. Có lẽ vì sự đông đúc ấy mà cách đây ngót ba chục năm một chuyện rất tức cười đã xảy ra ở đó: chuyện quân cướp tầu đến đánh phá Đồ Sơn.
Đã đành đó chỉ là chuyện bịa, chuyện vu vơ. Ây thế mà nghe đâu hồi đó ở Đồ Sơn cũng nhặng lên mất mấy ngày, gớm quá.
Những chuyện đó rút lại chỉ làm cho không khí Đồ Sơn mỗi ngày mỗi vui hơn. Trừ mấy trận bão lớn ra không kể, Đồ Sơn tiến một các rất êm đềm từ một cái bãi hoang vu không đáng đồng xu nhỏ đến một chỗ thừa lương mỗi năm thu hàng triệu bạc, có 5 cây số đường rải nhựa và hàng trăm ngàn nhà gạch, biệt thự và hiệu buôn.
                                                           VŨ BẰNG
                              Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 117 (28/6/1942)
(copy từ FB Lí Học‎)
-----------------------
PS. Phu kiệu Đồ Sơn


Đầu thế kỉ XX, tại các điểm nghỉ mát ở Việt Nam như Tam Đảo, Sapa, Bà Nà, Đồ Sơn… có đông đảo một đội ngũ phu gánh kiệu. Nếu tại các khu nghỉ mát miền núi, phu gánh kiệu thường là nam giới, thì tại Đồ Sơn công việc kiếm sống nặng nhọc này phần lớn lại do phụ nữ đảm nhiệm.

Khách hàng là những ông Tây, bà Đầm thực dân



























Những người Việt giầu có

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

VẬT THỰC CẨM GIANG KÊ


Chuyện vui về 'tứ vật' ở Kinh Bắc

TP - Có lần trò chuyện lan man về văn hóa làng, tôi được một cụ người Bắc Ninh kể Bắc Ninh có tứ vật, tóm tắt lại là bốn câu sau: “Vật giao Phù Lưu hữu/ Vật thú Đình Bảng thê/ Vật ẩm Đồng Kỵ thủy/ Vật thực Cẩm Giang kê”.


Có nghĩa là: Không kết bạn với người Phù Lưu/ Không lấy vợ người Đình Bảng/ Không uống nước làng Đồng Kỵ/ Không ăn thịt gà của người Cẩm Giang.


Minh họa: Đỗ Đức

Bốn nơi này là bốn làng cổ của đất Kinh Bắc. Và câu chuyện bốn không nói đến mặt khuất của cuộc sống, chưa thấy đề cập ở sách báo nào. Có lẽ người ta e ngại nếu thành văn tự sẽ gây phiền toái, cãi vã mất lòng, mà chỉ lưu truyền trong dân gian.

Vật giao Phù Lưu hữu (không kết bạn với người Phù Lưu), là vì người Phù Lưu bị cho rằng có cách sống đãi bôi. Khách đến chơi không được mời vào nhà, chủ nhà cứ đứng chắn trước cửa hết chuyện nọ chuyện kia rất thân tình.

Khách quay lưng ra về mới chèo kéo: Hôm nào bác lại chơi ạ. Hoặc khách đến nhà quá trưa không mời ở lại ăn cơm như thói quen của người nông thôn Bắc Bộ. Khách nhổm đứng dậy thì lại đãi bôi: Hay để em nấu cơm bác ăn.

Vật thú Đình Bảng thê (không lấy vợ người Đình Bảng) vì hai lẽ: Con gái Đình Bảng tháo vát, đi chợ buôn chuyến rất giỏi, nên thường làm chủ về kinh tế, có vị thế trong nhà, không dễ để chồng lên mặt. Điều đó rất kị với thói gia trưởng của dân Kinh Bắc.

Còn điều thứ hai mới quan trọng: Đi buôn chuyến thì phải ăn đường nằm chợ dễ chung chạ với giai.

Vật ẩm Đồng Kỵ thủy (không uống nước Đồng Kỵ) vì người Đồng Kỵ xưa có nghề nhặt phân tươi, gọi là Kẻ cời (cời, tiếng cổ có nghĩa là cái gắp, cái kẹp thường làm bằng tre). Họ đem về trữ làm phân bón, nên môi trường bị ô nhiễm dễ làm bẩn nước ăn (là người thiên hạ nghĩ thế). 

Vật thực Cẩm Giang kê (không ăn thịt gà ở Cẩm Giang). Theo giải thích thì người Cẩm Giang hay đãi khách bằng gà ăn trộm của hàng xóm, nên có khi vừa ăn lại phải vừa nghe chửi mất gà, vậy tránh đi là hơn.

Đó là những câu chuyện xưa, chỉ để lại trong tục ngôn. Bây giờ về những nơi ấy chẳng thấy dấu vết gì. Cuộc sống thay đổi, nếp sống văn hóa thân thiện.

Một bạn ở Sài Gòn nghe chuyện nói với tôi: “Người trong Nam chỉ biết Bắc Ninh là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, quê hương quan họ. Không ngờ trong văn hóa ứng xử lại có nét chi ly như vậy?

Những thói xấu đãi bôi, lờn mặt chồng, ăn uống mất vệ sinh, ăn cắp vặt thì vùng nào cũng có. Nhưng nâng tầm “văn hóa địa phương” thì đây là trường hợp đặc sắc”.

Tôi bảo anh: “Bắc Ninh quả là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Như nhà văn Kim Lân, người Kinh Bắc, sinh thời từng bảo: “Đất có lề quê có thói, đâu cũng có cái tốt cái xấu, chỉ có điều người Bắc Ninh dám nói ra còn nơi khác thì không.

Đó là nét văn hóa đặc biệt Kinh Bắc, sòng phẳng và lành mạnh, chẳng giấu cái xấu cái dở của đất mình, biết sai thì sửa được. Nên bây giờ còn có chuyện đó đâu”.

Có lẽ vì thế mà văn hóa Kinh Bắc không mai một, văn hóa vùng Kinh Bắc vẫn rạng rỡ tới ngày nay.

ĐỖ ĐỨC

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

KHOẢNG TRỜI NGƯỜI LÍNH

Trận lụt đồng bằng sông Hồng năm 1971 (hay còn được biết đến với tên gọi Đại hồng thủy 1971) là một đợt lũ lụt rất lớn xảy ra ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào giữa tháng 8 năm 1971. Do chịu tác động của một tổ hợp thời tiết nguy hiểm nên ở khu vực trên đã xuất hiện các trận mưa lớn, gây vỡ đê và khiến lũ trên các sông lên nhanh, nhiều khu vực đạt tới mức báo động 3. Lũ lụt đã khiến khoảng 100 nghìn người thiệt mạng và gây thiệt hại về tài sản khoảng 70 triệu đồng theo thời giá bấy giờ.Đây được xem là trận lũ lụt lớn nhất trong vòng 250 năm qua ở miền Bắc Việt Nam, trong 100 năm qua ở vùng đồng bằng sông Hồng và nó đã đi vào ký ức không thể xóa nhòa của rất nhiều người dân sinh sống ở khu vực này. Trận lũ lụt được một cơ quan thời tiết của Hoa Kỳ xếp vào một trong những thiên tai lớn nhất của thế kỷ 20, và mức độ thảm khốc do nó gây ra chỉ đứng sau trận lụt trên sông Dương Tử ở Trung Quốc làm hàng triệu người chết xảy ra năm 1931. Một số nguồn thông tin khác, đi xa hơn, còn xếp trận lũ lụt lịch sử tại đồng bằng sông Hồng này trong danh sách 10 trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử lũ lụt thế giới. (theo Wikipedia)
Tháng 9 năm 1971, từ Hải Dương, tôi và người bạn lúc đi bè chuối, lúc đi bộ từ Kim Thành lên TX Hải Dương (cầu Cất) để lên phà về Hanoi vào năm học năm thứ 3 ĐHSP. Khi lên cũng là tiễn những bạn SV đầu tiên của HN lên đường vào Nam (lớp tôi có bạn Vẻ đi mãi không về). Giữa năm thứ 3 (1972, ngày 16/4, B52 Mỹ nén bom Hải Phòng khi tôi đang học bên đê làng Viên Nội, ngày 12, tháng 5 vào lính, đợt lính SV thứ 2 của HN vào trận (chủ yếu đi QT). Đọc bài thơ của bạn, SV ĐH Cơ Điện, đợt lính SV đầu tiên ra trận, thấm thía và nhớ thương. Anh đã mất rồi, cầu mong linh hồn anh siêu thoát.

-----------------
Xin giới thiệu thơ của một đồng đội nhập ngũ năm 1971 - Lê Anh Quốc. Anh đã mất và để lại một tập thơ chép tay chưa xuất bản, tập hợp dưới cái tên KHOẢNG TRỜI NGƯỜI LÍNH.
Chúng tôi đánh máy theo sổ tay của anh, nhân bản và truyền nhau đọc. Tôi yêu thơ của bạn tôi vì qua đó, anh đã nhắc lại cả một thời Trai trẻ của chúng tôi; Những năm tháng Dân Ta dường như dồn Tổng lực vào cho cuộc chiến Giữ Nước. Chúng tôi đã đưa thơ của anh lên các trang lính (http://ccb1040.blogspot.com/2013/ của Lính Đại học Cơ điện và trang FB - Lính 6971; Trang Lính Xe tăng), Trang Đến với những bài thơ hay, Trang CLB Đẹp mãi tuổi Thanh xuân, Trang CLB Tình yêu Người lính, Trang Thơ Tình còn mãi với thời gian ... Hôm nay mời các bạn đọc bài thứ nhất của anh với mong ước rằng Tình cảm của lứa tuổi U70 đến được với các bạn ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhất là với các bạn Thanh Niên... (
Hang Khach)

----
Và đây là bài viết của bạn Phan Chí Thắng (người cùng lứa trê
n FB)

Phan Chi

Đọc NHỮNG NGƯỜI LÍNH SINH VIÊN của Lê Anh Quốc
Tôi hoàn toàn không quen biết người lính Lê Anh Quốc, càng không biết có nhà thơ tên là Lê Anh Quốc. Vô tình đọc được thơ anh trên Facebook, tôi không thể làm được việc gì khác ngoài việc viết cảm nhận về trường ca hơn 500 câu “Những người lính sinh viên” của anh.
Tôi rất ít khi bình thơ, phải xúc động lắm mới viết.
Được biết anh nhập ngũ năm 1971, khi đang là sinh viên. 
Một người lính sinh viên, một nhà thơ lính. Một người trong số hơn 10.000 sinh viên các trường đại học của Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu từ năm 1970 đến năm 1972. Hơn một nửa đã hy sinh tại các mặt trận, nhưng nhiều hơn cả là hy sinh tại chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị những tháng ngày đỏ lửa.

Tôi gõ tên anh cùng tên bài trường ca của anh trong Google. Không thấy.
Nghĩa là anh không nổi tiếng, thơ anh thuộc loại “chưa được xếp hạng” theo cách xếp hạng của giới tự phong cho mình là chuyên nghiệp.
Thơ về chiến tranh có hai giai đoạn. Giai đoạn trong chiến tranh và giai đoạn sau chiến tranh.
Thơ chiến tranh trong chiến tranh mang tính động viên ca ngợi với âm hưởng chủ đạo là cảm hứng sử thi. Phạm Tiến Duật: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!” hay Nam Hà “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!”.
Thời kì hậu chiến, khi đã có độ lùi của thời gian, bối cảnh xã hội và tâm thế sáng tạo cho phép người viết được tái hiện chiến tranh thiên về chất trữ tình triết lí, chiêm nghiệm. Cốt truyện không còn là điều quan trọng như trong trường ca truyền thống mà mang yếu tố tự sự nhiều hơn.
Trường ca Những người lính sinh viên nằm trong số đó.
Tác giả không nhận mình là thi sĩ chuyên nghiệp:
“Chúng tôi đi đánh giặc những tháng năm dài
Phút khuây khỏa
Làm thơ trên báng súng.
Đời chẳng tĩnh
Nên câu thơ quá động.
Lục bát trèo
Lên võng
Đung đưa…”
Lục bát trèo lên võng đung đưa là thơ nó tự trèo lên người lính. Câu thơ thật hay, chuyên nghiệp chắc gì nghĩ ra.
Thơ anh tự sự nhưng không phải tự sự của “tôi” mà là của “chúng tôi”, những người người lính có học mà anh gọi là lính sinh viên, từ ruột gan người lính. Những vần thơ mộc mạc, tự nhiên như chính đời lính gian khổ, đói rét, hy sinh, ngời sáng tình đồng đội thiêng liêng cao thượng.
Nói về thế hệ mình, anh tự hào:
“Thế hệ chúng tôi !
Ai cũng dễ thương,
Thơm thảo như hoa,
Ngọt ngào như trái.
Tình đồng đội lòng không cỏ dại,
Nghĩa đồng bào - Bầu, Bí thương nhau.”
Anh nói về sự hy sinh của các chị các em các mẹ mà anh cho là cao cả hơn sự hy sinh của người đàn ông:
“Thế hệ chúng tôi phụ nữ muộn chồng
Nhiều đứa quá thì nên cầm lòng vậy
Đời con gái chín dần trong cây gậy
Rụng xuống đường lọc cọc tiếng đơn côi.”
Chỉ người đàn ông đích thực mới nhìn thấy cái mất mát đáng sợ do chiến tranh mang lại cho người đàn bà:
“Con dâu nằm chung với mẹ chồng,
Tay bó gối phòng lúc mình mê ngủ.
Hai cái thiếu chẳng làm nên cái đủ.
Dưới mái nghèo năm tháng vắng đàn ông.”
Hình ảnh chiếc võng được lính liên tưởng như vầng trăng khuyết, như con thuyền chở lòng căm thù giặc, như cánh cung mà mỗi người lính là một mũi tên.
Người lính còn biết mơ mộng một ngày đỗ đạt vinh quy bái tổ ngồi trên võng. Thương quá những chàng sinh viên gác bút nghiên đi đánh giặc!
Nói về sự lạc quan của người lính, khó ai có thể nói hay hơn:
“Chúng tôi cười
Cười chật đất
Cười chật sông
Cười chật suối...”
Về cái đói của lính, anh cũng có cách nói rất độc đáo đồng thời lại rất thật:
“Không sợ giặc, không sợ đạn bom rơi,
Cái sợ nhất lúc này là đói.
Đói vàng mắt,
Đói long đầu gối,
Đói phạc phờ,
Đói thừa cả chân tay...!
Mà lạ chưa?
Vào chính lúc này,
Chúng tôi lại đánh lui quân giặc.”
Kết thúc chiến tranh, anh không quá say sưa chiến thắng mà nói về làng quê, về đời sống của người dân và đương nhiên là nói về mẹ:
“Bây giờ mắt mẹ đã mờ,
Nhìn tôi bằng “ngón tay rờ” run run”
Câu thơ tuyệt hay. Cần gì phải nói bao năm chờ đợi mẹ khóc đến mù hai mắt, chỉ cần hình ảnh nhìn bằng tay là đủ lay động lòng người.
Anh có một “nỗi buồn chiến tranh” giống mọi người:
“Bao cô gái
Bao chàng trai
Lứa tuổi đôi mươi
Đã nằm xuống dưới bạt ngàn nấm mộ
Những cái tên…
ngày nào xanh nhãn vở
Giờ xếp hàng
Đỏ rực nghĩa trang.”
Không phải rất nhiều nấm mộ mà là chỉ một nấm mộ thôi nhưng bạt ngàn. Thơ đấy chứ đâu, nghệ thuật đấy chứ đâu nữa!
Và một nỗi buồn rất khác. Các anh trở về với luống cày cây lúa. Thời trai trẻ đã qua đi, không được học hành như mơ ước. Trong thời đại công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, các anh bị lạc hậu:
“Không thể đem việc đổi xạ - bóp cò,
Làm công nghiệp trong thời mở cửa.
Ta sẽ chẳng vượt qua đói khổ,
Nếu chân mình còn nặng đế cao su!”
Đau hơn cả là cái tương lai tươi sáng mà vì nó các anh đã chiến đấu hy sinh vẫn còn xa chưa đến:
“Ta đã qua dài rộng rừng sâu,
Chân đã thuộc những nẻo đường ngang dọc,
Mà bây giờ trước đồng, trước ruộng
Sao ta đi, đi mãi... chẳng đến bờ?
Vẫn chỉ là muôn thuở: Đói hay No?
Mà lăn lóc cả đời với đất
Từ mặt trận,
mang Cái còn - Cái mất
Trở về làng đánh đổi Cái có - Cái không...”
*****
Tôi bỏ cả ăn sáng, viết cho xong bài này.
Hãy cho tôi một lần được làm người bình thơ, hãy cho tôi thắp nén tâm nhang cho anh, người lính thơ, nhà thơ lính.
Có thể anh không có danh xưng nhà thơ (tôi không rõ lắm) nhưng anh là nhà thơ trang trọng trong tôi, trong những người bình thường và những người yêu thơ.
Chúng ta căm ghét chiến tranh, chúng ta mong con cháu mình không bao giờ phải cầm súng, không muốn rồi sẽ có những người lính sinh viên như anh. Nhưng để mong muốn đó thành hiện thực, chúng ta phải trân quý những người như anh - người lính vô danh, nhà thơ thầm lặng!
Bài thơ rất dài nhưng tôi khuyên bạn nên đọc
KHOẢNG TRỜI NGƯỜI LÍNH
Chương 1 : KHÚC DẠO ĐẦU
Thế hệ chúng tôi!
Chưa kịp lớn lên,
Bom đạn Mỹ xé rách trời, nát đất.
Vừa buông nách đứa em bé nhất,
Trên đầu mình,
Già dặn khoảng trời xanh.
Thế hệ chúng tôi- Thế hệ chiến tranh.
Hoa lau trắng những ngày tiễn biệt
Người lên đường - Đất Nước là Tiền tuyến
Người ở nhà – Tổ quốc hóa Hậu phương
Thế hệ chúng tôi !
Ai cũng dễ thương,
Thơm thảo như hoa,
Ngọt ngào như trái.
Tình đồng đội lòng không cỏ dại,
Nghĩa đồng bào - Bầu, Bí thương nhau.
Thế hệ chúng tôi con gái cũng “mày râu”
Chẻ lạt lợp nhà, đốn cây, bổ củi
Đêm trăng lên nhoi nhói câu thầm hỏi:
- Mình đàn bà sao bóng tựa đàn ông?
Thế hệ chúng tôi phụ nữ muộn chồng
Nhiều đứa quá thì nên cầm lòng vậy
Đời con gái chín dần trong cây gậy
Rụng xuống đường lọc cọc tiếng đơn côi.
Thế hệ chúng tôi...
Meo mốc bình vôi,
Mùa cau lại vàng,
Mùa trầu lại đỏ,
Mẹ cần chổi gom những mùa lá đổ,
Đợi con về …
Run rẩy quét thời gian.
Ngôn ngữ Tình Yêu
thời của chúng tôi:
Một đôi chim bay trên áo gối,
Một bông hồng thả hương bối rối,
Một khoảng tròn quanh những chiếc khung thêu.
Thế là thương
Là nhớ
Là yêu
Là gánh vác việc nhà người ra trận.
Dẫu không hóa làm thân Núi Vọng,
Cũng một đời chín đợi, mười trông.
Đêm.
Con dâu nằm chung với mẹ chồng,
Tay bó gối phòng lúc mình mê ngủ.
Hai cái thiếu chẳng làm nên cái đủ.
Dưới mái nghèo năm tháng vắng đàn ông.
Thệ chúng tôi,
Ra ngõ gặp Anh hùng.
Đâu cũng thấy hy sinh cho Tổ quốc.
Người trước ngã,
Người sau không bỏ cuộc.
Trận đánh này,
Phải TOÀN THẮNG ngày mai …
Ngày mai
Ngày mai
Ngày mai…
Có thể là gần
Có thể xa vời vợi...
Sẽ chẳng tới nếu ta ngồi chờ đợi.
Chỉ con đường duy nhất phải vượt lên !
Dù ngày mai sẽ chẳng vẹn nguyên,
Những cô gái, chàng trai tuổi xuân hơ hớ.
Dù ngày mai sẽ bạt ngàn nấm mộ.
Những con người của thế hệ chúng tôi.
Mặc gian nan!
Mặc đạn bom rơi!
Đích phải đến là TỰ DO - ĐỘC LẬP.
Là Đất Nước sạch bóng quân xâm lược.
Là Bắc – Nam sum họp một nhà.
Mẹ sẽ vui
Ngày mai .
Khải hoàn ca !
Chúng con hát dọc đường về thăm mẹ.
Ta tưng bừng,
Ta thương người lặng lẽ.
Bởi
Mất - Còn,
Cũng đến một ngày mai…
Chương hai: KHOẢNG TRỜI NGƯỜI LÍNH
1- ĐƯỜNG VÀO
Đêm đầu tiên,
Ngủ giữa rừng cây
Chúng tôi níu rừng vào hai đầu cánh võng.
Chống chếnh thế,
Những ngôi nhà của Lính,
Gió hướng nào thổi đến cũng thông thênh.
Khoảng trời vuông trên mỗi “mái tăng”
Không che được hạt mưa xiên xối xả.
Đêm đầu tiên nên ai cũng lạ,
Giấc ngủ chập chờn như lá rừng rơi ...
Anh lính gác hết đứng lại ngồi,
Nghe tí tách mưa rơi trên áo bạt;
Cách dăm nhà có ai khe khẽ hát.
Đêm bỗng òa...
Một thoáng nhớ xôn xao ...
Lại đằng kia có tiếng rít thuốc lào,
Đêm vo lại,
đỏ lừ mắt điếu.
Ước gì có chiếc Hồ lô Kì diệu,
Hút Đêm vào cho Lính khỏi chờ lâu...
Đêm không ngủ.
Là đêm rất sâu,
Lính hóm hỉnh nghĩ ra đủ chuyện.
Đứa thì bảo,
Võng như hình trăng khuyết
Treo giữa rừng và thức với ngàn cây.
Đứa thì bảo,
Võng như con thuyền đầy,
Chở hờn căm trên dòng sông cạn.
Dòng sông ấy là Đường ra Mặt trận.
Bao Con Thuyền mải miết vượt bằng chân...
Đứa lại nói
Võng như cánh cung.
Đêm để ngửa,
bình minh lên sẽ “úp”
Còn Người Lính
là mũi tên vun vút,
Phút bình minh
là lao thẳng ngực thù!
Có đứa láu lỉnh đến lạ chưa?
Bảo,
Mái Tăng giống như chiếc lọng,
Lính xếp bằng ngồi trên cánh võng,
Chẳng khác gì Quan Trạng ngày xưa.
Thì, bây giờ nào có kém chi
Khoa Đánh giặc,
đậu nhiều Dũng sĩ.
Ngày bái tổ,
Ngày Ta thắng Mỹ,
Dũng sĩ về còn hơn Trạng vinh qui...
Đêm va vào xoong chảo đằng kia
Vỡ từng tiếng.
Lanh canh trên bếp lửa...
Chúng tôi hiểu,
Bình Minh về gọi cửa,
Chỉ tích tắc thôi,
Nhà Lính dỡ xong rồi.
Chúng tôi lại đi...
Náo nức những dòng người.
Bình tông nước nối hai đầu Binh trạm.
Nắm cơm vắt tòng teng trên lưng bạn,
Biết độ đường còn mấy “đoạn dao quăng”.
Gửi Đại Ngàn,
những đêm phía sau.
Phía Nỗi nhớ cứ dài vào vô tận.
Bao gương mặt cỏ cây chưa kịp nhận.
Đã vội ào đi trước lúc trời hừng.
Để lại những địa danh
- Khắc lên cây rừng.
Những dấu thời gian còn tươi roi rói.
Hàng Lốc lịch treo trên lưng chừng núi.
Dọc đường vào
Năm tháng cũng vào theo !
-----
2. TÂN BINH
Thắc thỏm quá.
Trận đánh đầu tiên.
Những tân binh chưa thạo bắn.
Giặc tràn lên
sọc sằn như đàn rắn.
Chúng tôi rợn người!
Nhắm mắt!
Ngồi im...!
Bên chiến hào, người Lính Cựu thản nhiên.
Anh thủ thỉ,
” Lần đầu, ai chả thế!”
Nói cho biết,
” Tớ chẳng bằng Cánh Trẻ.
Còn tệ hơn. Tè cả ra quần!...”
Tôi thoáng nhìn, những cựu quân nhân.
Gương mặt các anh như tạc bằng đá núi.
Nét phong trần, làn da xẫm lại.
Trước chúng tôi. Các anh hóa thiên thần!
Bọn giặc ào lên!
Mỗi lúc một gần.
Lệnh phát hỏa!
Chúng tôi ào ào bắn!
Những viên đạn xả nòng không cần ngắm ...
Phía bên nào cũng có tiếng rên la ...
Nghe gằn đầy âm thanh AK
Mà trận đánh tưởng chừng còn rất dữ ...
Mãi sau này chúng tôi mới rõ,
Cánh tân binh,
đã bắn phứa lên trời.
Rồi trận đánh nào cũng kết thúc thôi.
Chỉ huy bảo:
“ Chúng ta đã thắng...”
Bãi chiến trường ngổn ngang xác giặc.
Ta cũng nhiều chiến sĩ hy sinh
Chúng tôi đi tìm Đồng đội của mình.
Lóng ngóng quá,
Những vòng tay ôm bạn.
Người Lính Cựu đã dạn dày bom đạn,
Bế đứa này...
Rồi bồng đứa kia ...
Chàng lính ví mình như Quan Trạng xưa,
Một trận thôi đã thành liệt sĩ.
Ngày trở về,
Ngày Ta thắng Mỹ
Anh chẳng thể làm “Trạng vinh qui”
Trước mộ các anh,
chúng tôi lặng đi.
Nhớ chuyện hôm xưa làm ai cũng khóc...
Hoàng hôn xuống.
Đỏ mọng từng con mắt.
Đêm nặng đè lên mỗi “cánh cung” ...
-----
3. TIẾNG CƯỜI CỦA LÍNH
Cuộc đời lính.
Đạn trước mặt.
Bom trên đầu.
Mìn vùi dưới đất ...
Sống và chết đo bằng gang tấc.
Thắng và thua đọ ở sức người.
Có phải thế?
Chúng tôi cười
Cười chật đất
Cười chật sông
Cười chật suối...
Đường ra trận nào ai tính tuổi ?
Nên tiếng cười cứ lẫn cả vào nhau ...
Nếu gom được
- Xin giữ cho mai sau.
Phòng có giặc hãy phát làm vũ khí,
Nếu còn sống nhớ mang về quê tớ,
Những trận cười rừng rực sức trai ...
Những nụ cười
hình hoa mơ, hoa mai
Rụng trăng gốc
vẫn khát ngày xây quả
Những nụ cười thấm cả vào máu đổ
Chôn dưới mồ
vẫn cứ vút bay lên!
Những nụ cười mang hình mũi tên
Làm thế trận bủa vây quân giặc
Những nụ cười nối phương Nam - Phương Bắc
Cứ trùng trùng …
Theo bước những đoàn quân
Những nụ cười nuôi từ Lòng Dân
Thành sức mạnh
Kẻ thù nào thắng được?
Những nụ cười của Bốn ngàn năm Dựng nước.
Hóa thành đồng
Muôn thuở
Việt Nam ơi!
Những nụ cười làm khô giọt lệ rơi.
Ngày TOÀN THẮNG nếu con không về nữa
Mẹ lắng nghe trong từng làn gió
Có tiếng cười của đứa con yêu …
4. THI SĨ
Chúng tôi đi đánh giặc những tháng năm dài
Phút khuây khỏa
Làm thơ trên báng súng.
Đời chẳng tĩnh
Nên câu thơ quá động.
Lục bát trèo
Lên võng
Đung đưa…
Có phải vì quen với nắng mưa
Nên câu thơ biết xòe ô cho bạn?
Có phải quanh mình ùng oàng bom đạn,
Nên trong thơ
khao khát một nụ hồng!
Có phải vì thương,
vì nhớ cháy lòng
Nên lửa cứ bập bùng nơi ta viết?
Có phải vì anh yêu da diết
Nên bài nào cũng nói về em?
Chẳng tài đâu!
Làm mãi rồi quen
Như đánh giặc lâu ngày thành lính cựu.
Trước cuộc sống
Bao cái Hùng tề tựu
Dẫu chẳng là Thi Sĩ ...
Cũng Thơ!
Ẫy là nói những đứa ngu ngơ
Chứ thế hệ thì thiếu gì đứa giỏi.
Đánh giặc cừ
Làm thơ cũng sõi,
Dũng Sĩ và Thi Sĩ rất xứng danh.
Đêm bồi hồi bên cánh rừng xanh
Náo nức quá!
Nghe Chương trình văn nghệ
“ Thơ Chiến sĩ ”?
Sao nhạc buồn đến thế?
Lính nhớ nhà...
càng nhớ nhà hơn!
Ơi!
Tiếng đàn bầu
Nỉ non
Nỉ non…
Đem thân phận thả vào đêm chiến trận
Này Cung Nhớ!
Này Cung Thương!
Này Cung Hờn!
Này Cung Hận!
Hỏi cung nào Người Lính chẳng từng qua ???
------
5. ĐÓI
Trận đánh này.
Chúng tôi giữ điểm cao,
Quần cả tháng,
lương ăn không còn nữa!
Giặc vây chốt đông như đàn kiến lửa
Phía chúng tôi ...
Còn lại mấy đứa thôi.
Không sợ giặc, không sợ đạn bom rơi,
Cái sợ nhất lúc này là đói.
Đói vàng mắt,
Đói long đầu gối,
Đói phạc phờ,
Đói thừa cả chân tay...!
Mà lạ chưa?
Vào chính lúc này,
Chúng tôi lại đánh lui quân giặc.
Có lẽ vì chẳng cách nào khác được!
Có lẽ vì... Còn - Mất đó thôi...
Phía chân đồi, giặc đã rút rồi.
Cái Đói lại xông lên ngợp chốt.
Không thể bắn,
Và cũng không thể giết
Muốn cầm hòa...
Cái Đói
Chẳng buông tha !
Đồng đội tôi gục xuống giữa chiều tà...
Gạo vừa tới, cơm còn đang nấu dở
Boong canh rừng lục bục sôi trên lửa
Bạn đi rồi...
Chẳng kip bữa cơm no !
Ôm xác bạn chúng tôi khóc hu hu!
Người đói chết trên tay người đói lả
Chôn bạn xong... Đói tràn lên cỏ
Tôi cầm cành cây,
đói lả trước mồ ...
Chúng tôi thường cúng bạn cả nồi to
Cơm đấy, canh đấy...
Bạn ăn đi khỏi đói !
Sống giữ chốt
Chết thành ma đói
Đêm đứt rời ...
Bởi những cơn đau....
6. TIẾN VỀ THÀNH PHỐ
Từng trận đánh,
cứ nối tiếp nhau
Như mùa lũ ngập dần đôi bờ đất
Từng chiến dịch mở bung mặt trận
Như gió ngàn ồ ạt thổi võng thung.
Mùa mưa đi qua.
Khô khát những cánh rừng.
Cây trút lá bên đường tơi tả.
Đất như choàng tấm chăn màu đỏ.
Những nấm mồ đồng đội rực lên!
Tiến về Sài gòn
Từ khắp nẻo Trường Sơn.
Đại bác
Xe tăng
Chuyển rung thành phố
Rầm rập những Binh đoàn
Ào ào thác đổ
Cả nước dồn về
Trùng điệp quân đi.
Các hướng tấn công
Thần tốc – diệu kỳ
Ngày mai hiện dần
Bằng xương
Bằng máu
Ngày mai sẽ về
Gang tấc nữa thôi!
Gang tấc nữa thôi!
Cờ giải phóng tung bay dinh Độc Lập
Tổ quốc tưng bừng niềm vui thống nhất
Chúng con sẽ về
Bên mẹ
Mẹ hiền ơi!
Gang tấc nữa thôi!
Ác liệt lại ngàn lần ác liệt
Sào huyệt cuối cùng
Sào huyệt lửa bung ra.
Máu Người Lính đã thấm rừng già,
Nay lại đổ dọc đường vào Thành Phố !
Người lính cựu,
Mang nửa đời chữ thọ,
Có ai ngờ!
Ngã xuống,
Trước ngày mai.
Chúng tôi nghiêm trang
Đứng trước thi hài
Người Đồng đội,
Người Anh,
Người Thầy trong trận mạc.
Giữa Sài Gòn - 30 THÁNG TƯ.
Chương ba: SAU CHIẾN TRANH
1. LÀNG XƯA
Giặc tan rồi
Chúng tôi trở về quê
Bồi hồi quá!
Những bàn chân lính
Chiếc ba lô trên lưng nhẹ tếch
Chỉ nặng nhiều là mấy búp bê.
Khao khát gì mà bồng bế thế kia?
Hay ở rừng lâu ngày không bóng trẻ?
Ngoài mặt trận nào ai thành bố - mẹ
Tìm đâu ra tiếng bé khóc chào đời.
Hay tuổi xuân ta
trầm bổng cuối trời?
Như hạt mưa sa xuống vườn đồng đội
Hay vì thương cây
tháng năm ngóng đợi?
Mùa hoa về
cho tươi lại cành xanh.
Thôi!
Gác lại một thời chiến tranh,
Ào về nơi chôn nhau, cắt rốn.
Để ngắm Mẹ
Cho hả hê nỗi nhớ.
Để nhìn Cha
Cho đã buổi thương Người.
Để được gặp,
Nàng mặc áo nâu tươi
Khoe với Em rằng: chỉ thêu vẫn thắm,
Rằng: hai đứa chẳng còn xa ngàn dặm,
Rằng: hôm nay thuyền đã cập bến rồi.
Đây mái nhà tuổi thơ của tôi.
Đây bậu cửa chắn ngang thời lẫm chẫm.
Đây hình vẽ ngu ngơ thời chấy rận,
Màu than đen còn nhánh đến bây giờ.
Đây hàng cau cha trồng từ ngày xưa.
Rụng đỏ đất...
Những mùa đành để lỡ.
Đây vườn trầu mẹ ươm hồi ta nhỏ,
Rơi vàng trời
như thể khát tìm cau.
Đây con đường nối sang nhà nhau.
Bên ấy, bên này
đi về một ngõ.
Đêm.
Họp Đoàn cùng chung đuốc tỏ,
Ta soi cho Em về tới sân nhà.
Đây xóm làng lam lũ của ta.
Những bữa cơm còn đầy mâm rau má.
Người ra trận vẫn mang manh áo vá.
Trẻ tới trường,
quyển sách đọc thay nhau.
Mùa đông về chăn chưa đủ ấm đâu,
Mùa hạ đến chẳng đủ màn ngăn muỗi.
Ta gặp ai cũng già trước tuổi.
Biết: Hy sinh đâu chỉ ở chiến trường!
Ơi! Xóm làng mà ta gọi Quê hương,
Người ra trận đông hơn người ở lại,
Đã kín vách BẢNG VÀNG DANH DỰ,
Giờ lại nhiều BẰNG TỔ QUỐC GHI CÔNG.
Bao hố bom chằng chịt trên đồng,
Nghe lành lạnh tiếng cá cờ búng nước.
Hiểu hạt gạo nuôi quân ngày chiến cuộc,
Đã chan hòa,
Máu với Mồ hôi.
2. MẸ
Con về với Mẹ hôm nay
Thật đây! Sao Mẹ tưởng ngày…mình mơ.
Bây giờ mắt mẹ đã mờ,
Nhìn tôi bằng “ngón tay rờ” run run.
Như là để thật tôi hơn
Mẹ rờ vết sẹo vai con ngày nào.
Nhận ra, mắt Mẹ lệ trào
Rưng rưng...
vào khoảng khát khao con về.
Và tôi cứ thế lặng đi
Trước pho Tượng Phật từ bi giữa nhà.
Mấy năm đánh giặc đường xa
Chẳng ngờ đâu
Mẹ tôi già thế kia?
Hàm răng đen nhánh ngày xưa
Đi đâu vội,
để nắng mưa cối trầu?
Hạt sương kéo sợi trên đầu
Bảo tôi:
Đời Mẹ dãi dầu đấy thôi.
Mắt huyền xưa buộc Cha tôi
Bây giờ,
Mẹ buộc lá rơi ngoài thềm.
Mỏng manh chiếc áo vải mềm,
Tuổi thơ tôi để trong nền yếm nâu.
Yếm Người nào có rộng đâu.
Mà sao như thửa đất giàu mênh mông…
Ở đây cũng thể Thành đồng
Ở đây nuôi những Anh hùng nước non.
Yếm vuông cho giọt sữa tròn
Đọng trong mỗi dấu chân con tháng ngày.
Con về với Mẹ hôm nay
Thật đây!
Sao Mẹ tưởng ngày mình mơ!
Mẹ tôi giờ, mắt đã lòa
Nhìn tôi bằng ngón tay già…
rưng rưng…
3. MẶT TRẬN KHÔNG TIẾNG SÚNG
Chúng tôi về với việc nhà nông,
Đông hơn cả,
Vì đồng rộng lắm
Những người lính một thời chiến trận
Giờ lại về cuốc bẫm cày sâu.
Ruộng có bờ,
Việc chẳng có bờ đâu
Buổi lật cỏ đã lo ngày bắc mạ.
Gieo trên đất những mầm vui hối hả,
Những lo toan, thắc thỏm, trông chờ.
Tưởng đã quen rồi, sao vẫn gặp bất ngờ?
Bất ngờ hạn - mặt đồng khô như ngói.
Bất ngờ úng - lúa chìm trong tê tái.
Bất ngờ sâu - đau thắt ruột người trồng.
Cấy cây lúa
Là cấy phận nhà nông.
Xòe bàn tay tính từng ngày, từng tháng.
Mặt trời lên
đến thâu đêm
lại sáng.
Bóng người còng,
mơ…
lúa tròn bông.
Hạt gạo dẻo thơm?
nào dễ hiểu đồng,
Khi chưa có một lần với lúa.
Khi cuộc đời lượt là trong nhung lụa,
Đã chắc gì hiểu nổi bát cơm bưng ?
Đã chắc gì biết cái rét cuối đông?
Chân mẹ nẻ ngậm bùn rét giá.
Đã chắc gì biết những chiều nắng hạ?
Áo cha dầy thêm mỗi bận mồ hôi.
Về với đồng mới hiểu hết đồng ơi!
Bát cơm chan mồ hôi - nước mắt
Lại có chuyện... những người khuất tất
Lại bão giông… rình rập trên đầu...
Ta đã qua dài rộng rừng sâu,
Chân đã thuộc những nẻo đường ngang dọc,
Mà bây giờ trước đồng, trước ruộng
Sao ta đi, đi mãi... chẳng đến bờ?
Vẫn chỉ là muôn thuở: Đói hay No?
Mà lăn lóc cả đời với đất
Từ mặt trận,
mang Cái còn - Cái mất
Trở về làng đánh đổi Cái có - Cái không...
Phải vượt lên thôi!
Mình tự cứu mình.
Than phận làm gì cho thêm yếu lính?
Đất Nước chiến tranh ra đi đánh giặc.
Đất Nước hòa bình, tất cả dựng xây.
Nào tập đi!
Cho thẳng những đường cày
Cho con trâu khỏi nhắc người: vắt - diệt
Cho vụ mùa gối tiếp nhau mải miết
Cho đồng làng bông lúa gọi : đời no!
Nào học đi!
Ta mới chỉ i tờ.
Nghề nhà nông còn bao điều mới lạ,
Muốn xênh xang từ cọng rơm, gốc rạ.
Phải hiểu đồng,
như hiểu chiến trường xưa.
Ta đã nghe !
Nhiều đồng đội gần, xa
Bát ăn đủ rồi, giờ thêm bát để.
Đã rộng cửa nhà,
Đã yên dâu - rể,
Đã ông - bà…
còn rất lính mà Em!
Ta lại nghe.
Từ phía mặt trời lên
Tiếng tần tảo gõ vang đường xuống chợ
Những mảnh vườn cho mùa chín đỏ
Thơm chật gùi…Đồng đội địu trên lưng.
Và đằng kia,
trên khắp nẻo núi rừng,
Bao trang trại mở đường vào giàu có.
Nhiều người lính đã thành ông chủ.
Cũng đình huỳnh xe máy hon đa.
Vườn-Ao-Chuồng xây cất Vi la,
Ai bảo lính không biết làm kinh tế?
Bao doanh nghiệp tư nhân
Bao nhiêu nhà tỷ phú
Cũng đều từ những Cựu Chiến binh.
Ta dõi theo vóc dáng những công trình.
Bao người lính trở về xây thủy điện
Đời lại thắp những NGỌN ĐÈN trước biển
Sóng gầm gào…
Đèn vẫn sáng lung linh.
Ấy là khi
Ta tự biết vượt mình
Trước cuộc sống
Có bao điều Cầu ước.
Nếu được ước
Xin ước cho tất cả
Đừng hóa mình xa lạ với Nhân Dân.
Chương 4: HỒI TƯỞNG
Thế hệ chúng tôi, Đi qua Chiến Tranh.
Đời mỗi đứa là một thời để nhớ
Về đồng đội,
Về những ngày khói lửa
Về những hy sinh,
… không nói hết bằng lời.
Bao cô gái
Bao chàng trai
Lứa tuổi đôi mươi
Đã nằm xuống dưới bạt ngàn nấm mộ
Những cái tên…
ngày nào xanh nhãn vở
Giờ xếp hàng
Đỏ rực nghĩa trang.
Có những hy sinh
Âm ỉ với thời gian
Người trở về trên mình đầy thương tích
Chiếc nạng gỗ gõ dọc chiều cơn lốc
Hiểu con đường đang chín giọt mồ hôi.
Có đứa về lành lặn hẳn hoi
Nào ai hay?
Chất độc vùi trong bạn
Lúc làm cha mới biết mình trúng đạn
Vết thương
- Là con anh.
“Vì Nhân Dân quên mình! Vì Nhân Dân hy sinh!”
Bài hát gọi ta về quân ngũ.
Cuộc sống Lính có khi nào đầy đủ?
Thiếu thốn nhiều nên cũng phải quen đi!
Cũng phải quen.
Như thể chẳng thiếu gì
Vì khi ấy chiến trường cần phải thế!
Ngày trở về Ta không còn trai trẻ.
Giữa đời thường cái thiếu lại thiếu thêm.
Những hy sinh không thể bắc lên cân.
Càng không thể quy thành tem phiếu.
Những người lính có bao giờ định liệu
Cái giá mình trước Tổ Quốc, Nhân Dân!
“Vì Nhân Dân quên mình!
Vì Nhân Dân hy sinh!”
Lẽ sống ấy làm nên Nhân cách Lính.
Ngay cả khi mình không mang quân phục,
Nhưng Lính thì chẳng lẫn với ai đâu?
Không biết người ta sống mai sau,
Có đời hơn thời chúng tôi đang sống?
Rồi đến lúc phải quên đi tiếng súng,
Ta vẫn tin!
Đồng đội chẳng quên nhau!
Nhân Dân mình sống có trước có sau.
Cứ nhìn những Nghĩa trang, những Tượng đài thì biết.
Và cả những Tượng đài thơm hương tha thiết,
Cho người sống,
Cho người còn
mà chết tuổi thanh xuân.
Nếu Cuộc đời biết vì Nhân Dân
Thì Nhân Dân cũng vì ta năm tháng.
Như mặt trời cho cỏ cây nguồn sáng,
Cỏ cây nào chẳng cho đất những mùa hoa?
Bom đạn tạnh đi rồi
Chiến tranh đã lùi xa!
Cuộc sống mới bảo chúng tôi đổi mới!
Không thể đem những ngày lửa khói
Giữa thị trường đánh đổi lấy ấm no!
Không thể đem việc đổi xạ - bóp cò,
Làm công nghiệp trong thời mở cửa.
Ta sẽ chẳng vượt qua đói khổ,
Nếu chân mình còn nặng đế cao su!
“Vì Nhân Dân quên mình! Vì Nhân Dân hy sinh!”
Bài ca ấy đã trở thành lẽ sống!
Chúng tôi hát từ buổi tò te lính.
Đến bây giờ vẫn hát
- Những Cựu binh.
Lê Anh Quốc
Thị xã Yên Bái - Tháng 1-2000