Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

thơ hơ ... Mông



Chớm heo may về. Tranh Mường Mán
Xưa, rừng Trường Sơn gặp cô TNXP, khi nói chuyện, tay kín đáo kéo ống quần che đi những vết sẹo vắt cắn, nghĩ lại thương sao ... thời chiến trận.
Em xanh gầy gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao dốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói đến tương lai tươi thắm ngọt lành... 
Nay lại thương những đồng nghiệp của mình, vùng cao dạy học, theo "Đường của Đảng xóa mù tăm tối...".
Em hát.
Chân em đi rừng nhiều đường lắm lối
Này này ơi
Nhưng em chọn lối này
Em đây chọn lối này thôi.
Gặp bài thơ này, tôi đăng lại để các Bạn hiểu thêm những nẻo đường Nghề Giáo chúng tôi.

Có cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học
Tuổi thanh xuân
chôn giữa chốn rừng già.
Tuổi hăm vùn vụt trôi qua
Tuổi băm ào ào ập tới
Không có tiền thưa gửi
làm sao được chuyển vùng.
     
Bỗng một hôm,
Trưởng phòng gọi cô giáo đến.
Thấy bụng cô giáo lùm lùm.
Ái chà chà gay thật!
Hội đồng họp liên tục.
Phải kỷ luật, kỷ luật!
Kẻ giáo ít, dục nhiều!
   
Cô giáo bước liêu xiêu
Nước mắt nhòe nước mắt.
*
Có chàng trai chân đất
Người con của núi rừng
Lưng cài con dao sắc
Đến trước mặt Trưởng phòng.
Cái mày nghe tao hỏi
Giết người có tội không?

Trưởng phòng cười ung dung
Giết người là trọng tội.
   
Giết người là trọng tội
Vậy làm ra người thì sao?
*
Cái lý người Mèo tao
Hẳn cái mày phải biết
Cô giáo thích đứa con
Lẽ nào tao lại tiếc,
Con gấu trong rừng
không cho cô giáo được,
Không tham ô Nhà nước
Chẳng ăn cắp của ai
Tao rút từ trong người
Tao tặng cho cô giáo.
*
Trưởng phòng cười mếu máo
Cúi đầu chắp hai tay
Bụng thằng Mèo nói phải
Tao làm theo cái mày.
(blog bình địa mộc)
        

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

NHÂN DÂN


Trích "Hoa Lục Trong Mười Chữ"
"Người biểu tình vô danh" (Tank Man)

Dư Hoa
Vũ Công Hoan dịch
Khi viết từ vựng này, tôi cứ cảm thấy mình viết sai, hay nói một cách khác viết không được giống “nhân dân” cho lắm. Tôi nhắm mắt nghỉ một lát. Sau khi mở mắt ra, tôi cảm thấy nó đã có một chút giống. Tôi lại nhắm mắt, khi tôi mở mắt ra lần nữa, cuối cùng xác định mình không viết sai. Từ vựng này là thế đấy, nó khiến tôi lúc thì xa lạ, lúc thì thân quen.
Tôi không biết trong hán ngữ ngày nay còn có từ vựng nào kỳ lạ như số phận  của “nhân dân”. Nó không ở đâu là không có, đồng thời lại bị con người nhìn mà không thấy. Trung Quốc ngày nay, hình như chỉ có các quan chức là mở mồm ngậm mồm nói “nhân dân”, còn nhân dân rất hiếm  đề cập đến từ vựng này, hay nói cách khác đang quên nó. May nhờ  có nước bọt của các quan chức, từ vựng này mới tỏ ra mình vẫn tồn tại.
Trước kia từ vựng này đã từng hiển hách biết chừng nào. Nhà nước  chúng ta gọi: “Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa”. Mao chủ tịch nói: Vì “nhân dân phục vụ”. Lúc bấy giờ tờ báo quan trọng nhất gọi là “Nhân dân nhật báo”. Những cá nhân chúng ta, ngày ngày nói: Từ sau năm 1949 nhân dân đã trở thành người làm chủ.
Trong những năm tháng thơ ấu của mình, “Nhân dân” là từ vựng  thiêng liêng giống như “Mao Chủ tịch”. Lúc tôi vừa học chữ, trước hết là học hai từ vựng này, sau đó mới học viết tên mình và tên bố mẹ. Tuổi thơ ấu  tôi đã từng cho rằng: “Nhân dân chính là Mao Chủ tịch, Mao Chủ tịch chính là nhân dân”.
Thời đó đang diễn ra cuộc đại cách mạng văn hoá, tôi dương dương đắc ý tuyên bố phát minh của mình khắp nơi, tôi nhìn thấy rất nhiều nét mặt nghi hoặc, hình như họ cảm thấy phát minh của tôi còn phải bàn thêm, nhưng không ai tỏ vẻ phản đối rõ ràng. Lúc bấy giờ ai cũng  hết sức cẩn thận giữ mồm giữ miệng, chỉ cần nói sai một câu, là sẽ có thể trở thành phần tử phản cách mạng, từ đó mà tan cửa nát nhà. Khi bố mẹ tôi nghe thấy phát minh của tôi, cũng tỏ vẻ như vậy, bố mẹ hết sức thận trọng nhìn tôi nói vòng vo: câu này hình như nói không sai, nhưng tốt nhất không nói.
Đây là phát minh quan trọng nhất ở tuổi nhi đồng cuả tôi, tôi đâu có xá đi tuyên truyền, tôi tiếp tục nói ra ở cửa miệng. Một hôm tôi đột nhiên tìm được chứng cứ cho phát minh của mình. Thời đó thịnh hành một câu nói: Mao Chủ tịch trong trái tim nhân dân. Tôi đã phát huy câu nói này. Tôi nói: Trong tim mỗi người dân đều có Mao Chủ tịch. Trong tim Mao Chủ tịch có gỉ? Có mỗi người dân chúng ta. Cho nên nhân dân là Mao Chủ tịch, Mao Chủ tịch là nhân dân.
Những nét mặt nghi hoặc tôi nhìn thấy đã mất dần trên thị trấn của chúng tôi, có người bắt đầu gật đầu tỏ vẻ đồng ý, có người bắt đằu cũng nói như thế. Đầu tiên là các bạn nhỏ của tôi, sau đó đến bọn người lớn.
Khi rất đông người đều nói: Nhân dân là Mao Chủ tịch, Mao Chủ tịch là nhân dân, tôi có cảm giác khùng hoảng. Trong những năm tháng cách mạng không có độc quyền, tôi phát hiện mình là người phát minh đang nhanh chóng mất đi tên tuổi. Ở đâu tôi cũng bày tỏ: Mình nói câu ấy đầu tiên. Nhưng không ai tỏ ra hứng thú. Cuối cùng ngay đến các bạn nhỏ bên tôi cũng không thừa nhận tôi phát minh câu nói đó. Trước cãi lý của tôi, hay nói cách khác, trước sự van nài đáng thương của tôi, bọn chúng đều lắc đầu nói: Mọi người ai cũng nói như thế.
Tôi bắt đầu đau lòng, thậm chí hối không kịp. Tôi hối hận đã công bố phát minh của mình trước dư luận. Tôi cảm thấy nên  mãi mãi dấu kín phát minh của mình trong lòng để độc quyền hưởng thụ suốt đời.
Những năm qua, phương Tây kinh ngạc trước sự thay đổi to lớn của Trung Quốc. Lịch sử ở Trung Quốc quay quắt giống như trong kịch Tứ Xuyên, chỉ ba mươi năm ngắn ngủi, một đất nước Trung Quốc lấy chính trị làm trên hết, chỉ rung người một cái đã biến thành một Trung Quốc lấy tiền bạc làm chí tôn.
Trước bước ngoặt lịch sử thường xuất hiện sự kiện có tính chất đánh dấu. Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 chính là sự kiện như vậy. Sinh viên Bắc Kinh đi ra khỏi cổng trường, đến tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn, yêu cầu tự do dân chủ, đồng thời phản đối quan phe, do chính phủ giữ lập trường cứng rắn, từ chối đối thoại với học sinh, sinh viên bắt đầu tuyệt thực, dân chúng đổ ra đường phố ủng hộ sinh viên tuyệt thực. Thị dân lúc đó quả thực không có hứng thú lớn đối với tự do dân chủ, cuốn hút họ gia nhập phong trào này trên quy mô lớn là khẩu hiệu  phản đối quan phe. Thời đó cuộc cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình dẫn dắt đã bước sang năm thứ mười một. Tuy cải cách dẫn tới tăng vật giá, nhưng kinh tế tăng trưởng ổn định, mức sống  ngày càng nâng cao, nông dân là người được lợi của cải cách mở cửa. Các nhà máy phá sản đổ vỡ trên quy mô lớn trong những năm chín mươi vẫn chưa diễn ra, rất đông công nhân vẫn chưa trở thành nạn nhân. Mâu thuẫn xã hội lúc đó vẫn chưa nổi trội, khác với xã hội thời nay đâu đâu cũng bùng lên ngọn lửa căm giận. Xã hội lúc đó chỉ tràn ngập không khí oán thán, tỏ ra bất mãn đối với những con em quan chức cao cấp lợi dụng tài nguyên nhà nước phát tài làm giầu, trước tình hình bất mãn như thế họ đã tụ tập lại dưới khẩu hiệu  phản đối quan phe. Bây giờ xem ra, nạn tham nhũng của một số ít quan phe hồi đó so với nạn tham nhũng nhiều mầu sắc trên quy mô lớn hiện nay quả tình chưa thấm vào đâu. Từ những năm 1990 đến nay tốc độ tăng trưởng tham nhũng ở Trung Quốc cũng kinh  khủng như tăng trưởng kinh tế.
Phong trào quần chúng như lửa như trà loang rộng khắp Trung Quốc  đã rất nhanh chóng lắng xuống trong tiếng súng lúc sáng sớm ngày 4 tháng 6. Tháng 10 cùng năm, khi tôi đến trường đại học Bắc Kinh một lần nữa, đã là một cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn. Sau khi mặt trời lặn, bên hồ Vị Danh xuất hiện từng đôi từng cặp bóng người yêu. Trong nhà tập thể của sinh viên vang lên những tiếng đánh mạt chược và tiếng học thuộc từ đơn tiếng Anh. Chỉ qua một mùa hè, tất cả đều thay đổi, y như lúc sang xuân không xảy ra chuyện gì. Sự khác biệt lớn như thế dường như nói lên một sự thực: Sư kiện Thiên An Môn đánh dấu một lần bùng nổ tập trung lòng nhiệt tình chính trị của người Trung Quốc, hay nói cách khác đánh dấu nhiệt tình chính trị tích luỹ từ cách mạng văn hoá đến nay cuối cùng đã được một lần phóng thích sạch sẽ, tiếp theo là nhiệt tình kiếm tiền đã thay thế nhiệt tình chính trị. Khi muôn người như một đều kiếm tiền, sự phồn vinh kinh tế của những năm 1990 tự nhiên đã đến.
Sau đó những từ vựng mới toanh bỗng dồn dập ập đến. ví dụ dân mạng thường xuyên lên mạng, dân cổ phiếu chơi cổ phiếu, dân quỹ mua quỹ, những kẻ tôn sùng chạy theo các ngôi sao, công nhân mất việc làm, nông dân đi làm thuê vv…, đang xâu xé chia tách từ vựng: “nhân dân” đã phai mầu xuống nước. Trong thời kỳ cách mạng văn hoá, định nghĩa nhân dân vô cùng giản đơn, đó là “công nông binh học thương”. “Thương” ở đây không phải chỉ thương nhân mà là chỉ đám người  làm công tác thương nghiệpnhư người bán hàng trong cửa hàng. Tôi nghĩ, sự kiện Thiên An Môn năm 1989 chính là đường ranh giới để nội dung “nhân dân” thoát thai đổi cốt, hay nói cách khác để “nhân dân ” tiến hành tổ chức lại tài sản. Nội dung cũ  bị bóc tách, nội dung mới được thay vào.
Trong hơn bốn mươi năm  bắt đầu từ cách mang văn hoá đến nay, từ vựng “nhân dân” trong hiện thực của Trung Quốc hình như trống rỗng, nói theo thuật ngữ kinh tế thịnh hành ở Trung Quốc hiên nay, “nhân dân” chỉ là tài nguyên vỏ, mỗi thời đại khác nhau dùng nó làm cái vỏ tung ra thị trường với nội dung khác nhau.
Bắc Kinh mùa xuân năm 1989 là một thiên đường của những người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Cảnh sát đột nhiên mất hút, sinh viên và thị dân tự phát đảm nhiệm trách nhiệm của cảnh sát. Tôi nghĩ, một Bắc Kinh  như vậy có lẽ cũng không bao giờ xuất hiện nữa. Mục tiêu chung và nguyện vọng chung làm cho một thành phố không có cảnh sát có trật tự nề nếp, chỉ cần đi ra ngoài đường, bạn sẽ cảm thấy không khí thân thiết hữu hảo ập đến trước mặt, khỏi cần mua vé  là có thể  ngồi tầu điện ngầm và xe giao thông công cộng, tất cả mọi người đều mỉm cười với nhau, giữa người với người không có cảm giác xa lạ. Không có những cuộc cãi vã ở đường phố chúng ta thường thấy: Những chủ tiểu thương tính toán chi ly cung cấp thức ăn và nước uống miễn  phí cho đám đông diễu hành, những người già nghỉ hưu rút tiền mặt ít ỏi của họ  trong sổ tiết kiệm ngân hàng, quyên góp cho sinh viên tuyệt thực trên quảng trường. Còn có cả bọn ăn cắp lấy danh nghĩa hiệp hội ăn cắp ra tuyên bố: Để chi viện cho sinh viên tuyệt thực đã dừng mọi hành vi trộm cắp… Có thể nói Bắc kinh lúc đó là một thành phố người trong bốn bể đều là anh em.

Sống trong thành phố Trung Quốc có một cảm thụ mạnh mẽ: tức là người đông, nhưng sau khi trải qua cuộc biểu tình lớn hàng triệu quần chúng ở quảng trường Thiên An Môn, bạn sẽ thật sự cảm nhận Trung Quốc là một nhà nước đông người nhất thế giới. Quảng trường Thiên An Môn ngày nào cũng là một cảnh tượng hoành tráng núi người biển người. Một số sinh viên ở tỉnh ngoài kịp đến đứng ở một góc quảng trường, hoặc đứng ở đường phố diễn giảng hết ngày này sang ngày khác, nói đến khản cổ, thậm chí mất tiếng. Những người vây xem là già trẻ trai gái, cho dù là các bậc  lão giả nếm trải phong sương, hay là những bà mẹ bế trẻ con, đứng trước những khuôn mặt sinh viên  non trẻ, thậm chí những lời nói ấu trĩ, họ đều tỏ vẻ tôn trọng, luôn gật đầu và vỗ tay nhiệt liệt.
Cũng có lúc tôi cảm thấy buồn cười. Buổi chiều hôm ấy, tôi đến một gian nhà lớn tối om của Viện khoa học xã hội Trung Quốc ở cửa Kiến quốc, tham dự một cuộc họp mặt của Hội liên hiệp giới trí thức thủ đô, khi chờ đợi Nghiêm Gia Kỳ đến muộn, tôi trông thấy mấy người đang chỉ trích ông phó tổng biên tập của một toà báo, toà báo này vừa cho đăng một bản tuyên bố của Hội liên hiệp giới trí thức thủ đô. Mấy người này bất mãn là bởi vì vị trí ký tên của họ trong tuyên bố sát phía sau quá. Trong chỗ ký tên phía trước họ có vài người không có danh tiếng bằng họ. Họ trách hỏi tại sao lại để trước họ những người không có tên tuổi? Ông phó tổng biên tập xúi quẩy kia cứ giải thích mãi không phải trách nhiệm của ông, thậm chí còn có lời xin lỗi, thế nhưng mấy vị kia đâu có chịu buông tha. Mãi đến khi Nghiêm Gia Kỳ xuất hiện, vở kịch vui này mới  coi như kết thúc.
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Nghiêm Gia Kỳ, từ đó về sau không gặp lại ông ấy nữa. Tôi còn nhớ rất rõ cảnh tượng chiều hôm đó. Vị học giả nổi tiếng gần gũi Triệu Tử Dương lúc đó đi vào gian nhà tối tăm đầy vẻ lo âu. Mọi ngừơi yên tĩnh trở lại, Nghiêm Gia Kỳ đem đến một tin xấu, giọng ông nói trầm buồn:
-  Triệu Tử Dương  đã nằm  viện.
Trong môi trường chính trị lúc đó, nhân vật chính trị chỉ cần lấy lí do bị ốm đi bệnh viện là có ý đã mất đi quyền lực, hoặc có ý lảng tránh. Nghiêm Gia Kỳ  đem đến tin Triệu Tử Dương đi viện, anh chị em trí thức trong gian nhà lớn lập tức hiểu đã xảy ra chuyện gì, có người bắt đầu lẳng lặng chuồn thẳng, sau đó mọi người nhanh chóng  xẻ nghé tan đàn như lá rụng mùa thu.
Sau sự kiện Thiên An Môn, Triệu Tử Dương không xuất đầu lộ diện, mãi đến năm 2005 qua đời, Tân hoa xã mới đăng một tin ngắn gọn về nhân vật chính trị quan trọng này: “Đồng chí Triệu Tử Dương bị nhiều loại bệnh về hệ thống hô hấp và hệ thống tim mạch hành hạ lâu dài, nhiều lần phải nằm viện điều trị, gần đây bệnh tình xấu đi, trải qua cấp cứu không có công hiệu, đã qua đời tại Bắc Kinh ngày 17 tháng 1, hưởng thọ 85 tuổi”.
Ở Trung Quốc ngay đến một bộ trưởng về hưu qua đời, phía nhà nước ra thông báo còn phong phú hơn nhiều bản tin này. Trong bản tin này không có giới thiệu thân thế và sự nghiệp của nhà lãnh đạo trước kia của đảng và nhà nước, cũng không đề cập đến ngày tháng làm lễ truy điệu từ biệt di thể, nhưng một quần thể  sống ở ga nam Bắc kinh, những người đi kiện bị xưng là nạn dân của nền tư pháp Trung Quốc lại biết ngày tiễn biệt di thể Triệu Tử Dương. Tôi không biết những “nhân dân” yếu thế nhất trong xã hội Trung Quốc này  biết tin từ nguồn nào, họ đã tự phát tổ chức lại đi tiễn biệt di thể Triệu Tử Dương. Đương nhiên cảnh sát đã không cho họ vào cổng, bởi vì họ không có giấy phép cho vào dự lễ tiễn biệt di thể, họ liền căng ngang bức khẩu hiệu lớn ở bên ngoài tưởng nhớ và truy điệu Triệu Tử Dương.
Trung Quốc có một chế độ khiếu kiện xây dựng ngoài pháp luật để cho những ai chịu oan khuất khác nhau có một hy vọng còn lại, để cho những nạn nhân bất công  của nền tư pháp và tham những ảo tưởng vẫn có sự tồn tại của quan thanh liêm. Đây là ảnh hưởng của truyền thống nhân trị lâu dài  trong lịch sử Trung Quốc. Sự mong mỏi của người ta đối với thanh quan vượt trên cả sự tín nhiệm đối với pháp luật. Những người khiếu kiện này chạy vạy khắp nơi một cách khuynh gia bại sản, mộng tưởng sẽ có ngày xuất hiện một ông quan thanh liêm giải oan cho họ. Trong năm 2004 nhà nước công bố có mười triệu vụ khiếu kiện. Đời sống gian nan của những người  khiếu kiện này người thường khó mà tưởng tượng nổi. Họ chịu đói chịu rét ngủ nghỉ ở đầu đường xó chợ, giống như kẻ ăn mày  bị cảnh sát xua đuổi khắp nơi, lại còn bị số ít  những phần tử trí thức có đời sống ưu việt gọi là kẻ mắc bệnh tâm thần. Chính những nhân dân yếu thế này đã đến tiễn biệt di thể Triệu Tử Dương tháng 1 năm 2005. Họ cho rằngTriệu Tử Dương là người oan nhất Trung Quốc, còn oan hơn họ. Tuy họ chịu nhiều oan khuất, nhưng vẫn có cơ hội  đi khiếu kiện, họ nói, Triệu Tử Dương oan uổng đều không có nơi nào để khiếu kiện.
Cuối tháng 5 tôi trở vể Triết Giang thu xếp việc nhà. Chiều ngày 3 tháng 6 tôi đáp tàu hỏa  trở lại Bắc Kinh. Tôi nằm trên giường toa ghế cứng nghe tiếng bánh xe xình xình trên đường ray. Trong toa tầu sáng ánh đèn, tôi biết trởi đã tối. Lúc ấy tôi cảm thấy phong trào sinh viên  kéo dài đằng đẵng chẳng  khác nào cuộc chạy đua ma ra tông, tôi không biết khi nào mới kết thúc. Nhưng lúc sáng sớm khi tôi thức dậy, đoàn tàu đã đến gần Bắc Kinh, tôi nghe thấy tiếng loa trong toa tàu nổi lên, giọng sôi nổi của phát thanh viên khiến tôi hiểu quân đội đã vào đến quảng trường Thiên An Môn.
Sau tiếng súng ngày mùng bốn tháng sáu, sinh viên Bắc Kinh, hay sinh viên đến từ tỉnh ngoài bắt đầu rút lui. Tôi nhớ rất rõ cảnh tượng biển người núi người đi ra ga Bắc Kinh lúc sáng sớm ngày hôm đó, trong khi dòng người rút khỏi Bắc Kinh trên quy mô lớn, thì tôi lại trở về Bắc Kinh một cách không đúng lúc. Không hiểu gì hết, tôi đeo túi hành lý đi ra quảng trường trước nhà ga, luôn luôn va vào đám đông ùa tới như ong vỡ tổ, tôi liền hiểu mình cũng nên lập tức rời khỏi nơi này.
Ngày mùng bảy tháng sáu tôi rời Bắc Kinh, lúc đó vì đoàn tàu Thượng Hải bị đốt cháy, tuyến giao thông đường sắt Bắc Kinh Thượng Hải tạm thời bị cắt đứt, tôi định đi tàu vòng qua Vũ Hán rồi từ Vũ Hán đi thuyền trở về quê Triết Giang. Mấy người chúng tôi ngồi trên một chiếc xe ba bánh chở  hàng thuê đi dọc phố Tràng An đến nhà ga Bắc Kinh. Mấy hôm trước còn là một Bắc Kinh náo nhiệt, vậy mà mấy hôm sau đã là một cảnh tượng vắng tanh vắng ngắt, trên đường phố hầu như không có người qua lại, một số ôtô bị đốt cháy vẫn còn đang âm ỉ nhả khói đen, khi đi qua cầu vượt tại cửa Kiến Quốc, một chiếc xe tăng đỗ trên cầu, nòng pháo đen ngòm chĩa thẳng vào chúng tôi. Đến nhà ga Bắc Kinh mọi người xô đẩy nhau chen lấn trước cửa bán vé, khó khăn lắm cuối cùng tôi đã mua được vé đứng, lúc đó đã không còn chỗ đứng, khi vào ga bị quân nhân trực ban kiểm tra chặt chẽ, sau khi xác định nét mặt tôi không giống ảnh của những người chụp trên lệnh truy nã, họ mới cho tôi vào.
Xưa nay tôi chưa bao giờ ngồi phải đoàn tàu chen chúc như vậy. Trong toa toàn là sinh viên chạy khỏi Bắc Kinh. Người và người chen nhau hầu như không còn khe hở. Phiền toái nhất là sau khi đoàn tàu ra khỏi Bắc Kinh một giờ, tôi cần phải ra nhà vệ sinh, tôi chen mạnh ra hướng nhà vệ sinh của toa tàu, khi chen được nửa đường, tôi biết có chen nữa cũng vô  ích. Tôi nghe thấy có người quát và đấm mạnh vào cửa nhà vệ sinh, nhưng trong nhà vê sinh cũng chật ních người, bên trong có người kêu không mở được cửa. Tôi đành phải nín nhịn suốt 3 tiếng đồng hồ. Khi đến Thạch Gia Trang tôi lập tức xuống tàu tìm nhà vệ sinh, sau đó tôi tìm đến  chỗ gọi điện thoại công cộng, gọi cho ông tổng biên tập tạp chí văn học của Thạch Gia Trang xin được viện trợ. Nghe xong lời tôi trong điện thoại, ông tổng biên tập nói:
- Đang loạn lạc thế này anh đừng đi đâu hết, hãy ở lại đây viết cho chúng tôi một truyện ngắn.
Tôi sống ở Thạch Gia Trang hơn 1 tháng, viết tiểu thuyết trong tâm trạng thấp thỏm không yên. Lúc đầu trên tivi ngày nào cũng phát họ tên sinh viên bắt được theo lệnh truy nã, hơn nữa còn phát đi phát lại theo hình thức nóng bỏng. Lối phát thanh nóng bỏng tới tấp này từ đó về sau chỉ xuất hiện trên tivi khi vận động viên Trung Quốc đoạt huy chương vàng trong thời gian diễn ra Olimpic quốc tế. Trong gian phòng của khách sạn xa lạ nơi đất khách quê người, tôi nhìn nét mặt thẫn thờ của sinh viên bị bắt trên tivi, nghe giọng nói sôi nổi của phát thanh viên, tôi cảm thấy hoảng sợ. Đột nhiên có một hôm, màn hình tivi thay đổi hẳn, không có những pha sôi động bắt được sinh viên theo lệnh truy nã, cũng không có lời giải thích dương dương tự đắc. Tuy hành động lùng  sục truy bắt vẫn đang tiến hành, nhưng phát thanh trên tivi đã trở về những pha quen thuộc: Tổ quốc của chúng ta chỗ nào cũng cảnh tượng phồn vinh. Giọng của phát thanh viên hôm trước còn xơi xơi cực lực lên án các tội ác của sinh viên bị bắt,hôm sau đã biến thành giọng điệu vui vẻ ca tụng tổ quốc hưng thịnh. Bắt đầu từ hôm ấy, sự kiện Thiên An Môn đã mất tăm mất tích trên đài báo của Trung Quốc, cũng giống như sự mất tích của Triệu Tử Dương, từ đó trở đi tôi cũng không nhìn không nghe thấy một lời nào có liên quan tới nó, hình như chưa từng xảy ra sự kiện này, nó bị vùi lấp hoàn toàn. Cho dù là những người đã từng trải qua cuộc mít tinh biểu tinh xuân hè 1989, hình như cũng lãng quên, có thế là sức ép đời sống sau đó đã khiến họ không còn thời gian để nghĩ lại chuyện cũ. Sau 20 năm đã qua đi,một sự thực đã xuất hiện. Đó chính là trong thế hệ tuổi trẻ Trung Quốc hiện nay, rất ít người biềt đến sự kiện Thiên An Môn 1989, cho dù có biết họ cũng nói một cách hàm hồ, nghe đâu có rất đông người  tham gia diễu hành.
Thoáng cái đã 20 năm trôi qua, tôi tin rằng ký ức của lịch sử không mất đi trong chốc lát. Tôi nghĩ, mỗi người đã từng tham gia sự kiện Thiên An Môn 1989, mặc dù hôm nay họ đứng trên lập trường như thế nào, thì  một ngày nào đó đột nhiên nhớ lại chuỵên xưa, họ cũng có cảm thụ sống để lại chết mang theo.
Cảm thụ khắc cốt ghi xương của tôi chính là nó đã khiến tôi hiểu được từ vựng “nhân dân”. Sự gặp gỡ chân chính của một người và một từ vựng có khi cần phải có một cơ hội. Điều tôi muốn nói là mỗi con người gặp rất nhiều từ vựng trong cuộc đời mình, có những từ chỉ nhìn một cái đã hiểu ngay,lại có những từ tuy chung sống hết đời nhưng vẫn không hiểu nổi.
“Nhân dân” chính là vấn đề khó khăn như thế. Nó là từ vựng tôi nhận biết sớm nhất và sau đó lại nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên đường đời của mình, nó luôn luôn xuất hiện trước mắt tôi, nhưng chưa bao giờ nó thật sự đi vào trái tim tôi. Mãi đến năm tôi 29 tuổi, một từng trải đến từ một đêm khuya cuối cùng đã khiến tôi thực sự hiểu ra từ vựng vĩ đại này. Khi tôi và từ vựng này có sự gặp nhau thật sự, chứ không phải hư cấu. Điều tôi muốn nói không phải sự gặp nhau trên ý nghĩa ngôn ngữ học, xã hội học hoặc nhân loại học, mà là sự gặp gỡ thật sự trong sự từng trải của cuộc đời, một sự gặp gỡ sinh động sau khi đã loại bỏ mọi lý luận và định nghĩa, sau đó tôi mới có thể nói với mình: từ vựng “nhân dân” không phảỉ trống rỗng, bởi vì tôi đã từng nhìn thấy nó có xương có thịt hẳn hoi, đã nhìn thấy trái tim nó đang đập mạnh.
Sự lý giải của tôi đối với hai tiếng “nhân dân” không phải đến từ cuộc diễu hành lớn của một triệu người trên quảng trường Thiên An Môn, mà là xảy ra từ sự từng trải nhỏ trong đêm khuya hạ tuần tháng 5. Bắc Kinh lúc đó đã giới nghiêm, sinh viên và thị dân đã đứng lên bảo vệ các tuyến giao thông trọng yếu của Bắc Kinh cùng tất cả cửa ra đường sắt ngầm và cầu vượt nhằm ngăn cản quân đội được vũ trang hiện đại. Lúc ấy tôi đang ở học viện văn học Lỗ Tấn cách phía đông Bắc Kinh 10 dặm, gần như trưa nào tôi cũng đến quảng trường Thiên An Môn ở đó đến khuya hoặc sáng sớm mới đạp xe về trường.
Bắc Kinh hạ tuần tháng 5 năm 1989, buổi trưa rất nóng, nhưng đêm khuya lại lạnh. Tôi còn nhớ một hôm, vì nóng quá, tôi chỉ mặc chiếc áo cộc tay, đến đêm tôi cảm thấy lành lạnh, đạp xe từ quảng trường về trường, gió lạnh thổi thốc vào mặt khiến cơ thể tôi run rẩy. Tôi đạp xe  trên  phố tối om, ánh trăng chỉ lối cho tôi. Tôi càng đạp càng thấy lạnh. Dần  dà khi gần về đến Hô Gia Lâu, tôi đột nhiên cảm thấy làn khí nóng ập tới, càng đạp làn khí nóng càng mạnh lên.Tiếp theo tôi nghe thấy từ xa xa có tiếng hát vọng tới, tiếp theo nữa, tôi thấy xa xa có ánh đèn nhấp nháy, rồi một cảnh tượng kinh khủng đã xuất hiện, khi làn hơi nóng ập đến tôi đã nhìn thấy cầu vượt Hô Gia Lâu ánh đèn sáng choang, trên cầu dưới cầu có hơn một vạn người đang canh giữ, dưới bầu trời đêm, họ say sưa hát quốc tế ca:
“…Đem xương máu của chúng ta xây nên bức trường thành mới! Dân tộc Trung Hoa đã đến lúc nguy hiểm nhất,mỗi người buộc phải hét lên tiếng thét cuối cùng! Vùng lên!  Vùng lên!  Vùng lên! Chúng ta muôn người như một…”
Tuy họ không có tấc sắt trong tay, nhưng tự tin kiên định, họ nhận thấy xương thịt của mình có thể cản trở quân đội và xe tăng. Họ tụ tập với nhau, không khí sôi bỏng, hình như mỗi con người là một bó đuốc đang cháy  rừng rực.
Đây là lúc quan trọng trong đời tôi. Trước đó tôi luôn luôn cho rằng ánh sáng truyền đi nhanh hơn tiếng nói của con người, tiếng nói của con người lại truyền đi nhanh hơn năng lượng trên thân người. Nhưng cái đêm khuya năm tôi 29 tuổi, tôi phát hiện mình đã sai, khi nhân dân đoàn kết lại, tiếng nói của họ truyền nhanh hơn ánh sáng, còn nhiệt lượng trên thân họ lại truyền xa hơn tiếng nói của họ. Cuối cùng tôi đã thật sự lý giải được từ vựng “Nhân dân”.

MỘT THỨ THÓI QUEN


Trương Vũ Phàm
Vũ Công Hoan dịch
Vào một quán ăn của Nhật Bản, mấy đứa chúng tôi tháo giầy để ở cửa. Động tác này rất quen và tự nhiên. Nhưng sau đó có một bà già đi ra, cúi xuống  khẽ nhấc từng đôi giầy của chúng tôi xếp lại ngay ngắn, mũi quay ra ngoài. Sau đó bà đi vào. Đầu tiên chúng tôi cứ tưởng bà là nhân viên phục vụ. Nhưng sau mới biết bà cũng là khách hàng đến ăn như chúng tôi.
Tôi không biết bà là ai, nhưng tôi biết đất nước này có hàng triệu người như bà. Động tác này rất giản đơn. Nhưng đằng sau động tác đó có một ý nghĩa không hề đơn giản, không phải sẽ làm được trong một sớm một chiều. Trong con mắt của họ, bên cạnh phải sạch sẽ và gọn gàng, đời sống không cho phép có một chút  lộn xộn, bởi vì họ hiểu, sống trong rác, mình cũng trở thành rác.
Ở Nhật Bản, học sinh bắt đầu từ vườn trẻ khi vào lờp đã phải bỏ dép xếp gọn gàng, rồi mới thay dép trong lớp màu trắng.
Cuộc sống có đến gần một phần ba thời gian để tìm đồ dùng. Ngoài tìm đồ dùng có  mục đích, một phần rất lớn thời gian chúng ta lãng phí vào việc tìm đồ
dùng. Bởi vì ngay từ còn bé, chúng ta đã tạo thành thoí quen tuỳ tiện vứt đồ dùng lung tung, về sau trong công tác đã thường gặp phiền toái tìm không thấy đồ dùng.
Nhưng người Nhật Bản cho chúng ta biết, hiệu suất chính là để đồ dùng vào nơi cố định, túi bên phải va ly  bao giờ cũng để vé máy bay, túi bên trái bỏ sổ tay, lớp ngăn giữa bỏ chìa khoá, tài liệu quan trọng để ngăn thứ hai…
Một hôm tôi lên Thượng Hải họp ở công ty Si ti zen, khi đỗ xe, tôi cứ tự nhiên lái xe vào vị trí. Lúc này đột nhiên có một anh bảo vệ vừa gọi vừa chạy đến.
Thì ra đỗ xe ở đây cũng có quy định, xe không những đỗ đúng vị trí, mà còn phải quay đầu xe ra ngoài. Cho nên xe nào cũng quay đầu ra ngoài... Đây chính là sức hình tượng, sức hình tượng không phải trời sinh, mà do con người quản lý nghiêm chỉnh hình thành.
Nghe bạn bè kể, người Nhật bản ăn cơm xong gấp  gọn gàng khăn mặt ướt đã lau, cho đũa trở lại túi đóng gói, bát nào có nắp thì đây nắp lại, họ quyết không vứt lung tung, bắt người khác đi thu dọn. Người Nhật Bản ở khách sạn, sáng hôm sau dứt khoát gấp chăn và áo ngủ lại tử tế, bỏ giấy vụn vào bồ rác và xếp lại cẩn thận bàn chải đánh răng, thuốc đánh răng và khăn mặt trong nhà tắm gọn gàng.
Đối với họ đó là truyền thống. Truyền thống tức là định thế, được hình thành nhận thức chung của hàng triệu người  trong hàng triệu năm theo một quy ước. Người hiện đại chúng ta gọi đó là văn hoá.

(Theo “Tân văn vãn báo” ngày 24 tháng 1 năm 2008)

LÃNH TỤ



Trích "Hoa Lục Trong Mười Chữ"
 

Dư Hoa bảo rằng để nói cho tận tường mọi khía cạnh về đất nước của ông, có lẽ quyển sách sẽ dài như quyển Một Ngàn Lẻ Một Đêm. Ông chọn mười chữ như mười đôi mắt đặt ở những vị trí thuận lợi giúp ông quan sát và phân tích nhiều khía cạnh, tích cực lẫn tiêu cực của xã hội, lịch sử, chính trị, văn hóa, và kinh tế của Hoa Lục. Với sự nhạy cảm của một nhà văn, Dư Hoa đau cùng với cái đau của Trung quốc. Nói đến nỗi đau của Hoa Lục, thoạt tiên nghe chừng như nghịch lý, vì Hoa Lục hiện nay là một quốc gia siêu cường đứng hàng nhất nhì trên thế giới; nhưng theo Dư Hoa, xã hội Hoa Lục chứa nhiều ung thối, bệnh hoạn đến mức đang ở bên bờ vực tự hủy hoại. (Lời bình của Haiha)
LÃNH TỤ
Dư Hoa
Vũ Công Hoan dịch
Lãnh tụ tôi nói ở đây có một đặc quyền, đó là khi đứng trên thành lầu Thiên An Môn, kiểm duyệt đội ngũ diễu hành lớn chào mừng lễ quốc khánh, chỉ có một mình ngài được vẫy tay với quần chúng diễu hành, các vị lãnh đạo khác không có quyền vẫy tay, chỉ có thể đứng bên ngài vỗ tay. Không còn nghi ngờ gi nữa, vị lãnh tụ ấy chính là Mao Trạch Đông.                                                       

Thời kỳ đại cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông mặc quân phục bước lên thành lầu Thiên An Môn, không biết vì trời quá nóng, hay vì cao hứng? ngài thường bỏ mũ quân phục, cầm mũ trong vẫy chào quần chúng diễu hành. Cảnh tượng Mao Trạch Đông vẫy tay có sức hấp dẫn nhất, là phải kể đến sau khi bơi sông Trưởng Giang, Ngaì mặc quần áo tắm, đứng trên đầu thuyền, vẫy chào quần chúng hai bên bờ.               
Vị lãnh tụ này tập trung vào mình cả phong cách nhận định thời thế của một nhà chính trị lẫn ý chí của một nhà thơ, việc ta cứ ý ta ta làm, mặc ai nói gì thì nói. Mưu sâu lo xa của Ngài thường biểu đạt bằng phương thức tức hứng. Lúc cách mạng văn hoá mới diễn ra, báo chữ to vừa mới xuất hiện, đây là hành vi đầu tiên của quần chúng yếu thế thách thức các quan chức mạnh thế. Hành vi này sau khi bị trung ương đảng cộng sản và một số quan chức cao cấp ở Bắc Kinh áp chế, nhân vật có cường quyền Mao Trạch Đông đã không dùng uy quyền tối thượng của mình để uốn nắn, mà dùng cách làm giống như quần chúng yếu thế, cũng viết một tờ báo chữ to: Nã pháo vào Bộ tư lệnh. Trong tờ báo chữ to của mình, Ngài chỉ ra, trong Đảng cộng sản Trung Quốc đang tồn tại hai Bộ tư lệnh, một Bộ tư lệnh của giai cấp vô sản và một Bộ tư lệnh của giai cấp tư sản. Có thể tưởng tượng sự cuồng nhiệt của quần chúng lúc đó, lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch cũng viết báo chữ to, điều này có ý nghĩa gì? Nó chứng tỏ Mao Chủ tịch cũng gặp cảnh ngộ như quần chúng bình thường. Khỏi cần nói, cuộc đại cách mạng của giai cấp vô sản như ngọn lửa bùng cháy đã lập tức nuốt trửng cả Trung Quốc.
  


Nhìn suốt lịch sử Trung Quốc, mặc dù xuất thân là quí tộc, hay từ dân đen, phàm đã trở thành hoàng đế, đều là bộ mặt hoàng đế và lời nói hành động của hoàng đế theo ước định, chỉ có Mao Trạch Đông ngoại lệ. Sau khi trở thành lãnh tụ, ngaì thường không ra chiêu theo phương thức của lãnh tụ, khiến những người lãnh đạo Đảng cộng sản bên cạnh ngaì thường thường trở tay không kịp. Mao Trach Đông biết sâu sắc châm ngòi đốt lửa kích động quần chúng như thế nào. Thời kỳ đầu của cách mạng văn hoá, Ngài luôn luôn xuất hiện trên thành lầu Thiên An Môn tiếp kiến quần chúng cách mạng và học sinh cuồng nhiệt, khiến làn sóng đại cách mạng văn hoá cứ dâng cao mãi, đợt sau cao hơn đợt trước.

Bơi sông Trường Giang càng thể hiện phong cách độc đáo của vị lãnh tụ này. Ngày 16 tháng 7 năm 1966 Mao Trạch Đông đột nhiên xuất hiện trong hoạt động bơi sông Trường Giang của quần chúng cách mạng Vũ Hán, giữa tiếng hoan hô như sấm dậy của quần chúng hai bên bờ, trong tiếng hát “Đông phương hồng ”phát ra từ chiếc loa phóng thanh tần số lớn, Mao Trạch Đông 73 tuổi và năm ngàn quần chúng cùng cưỡi sóng đạp gió bơi dọc sông Trường Giang. Quần chúng cùng bơi sông Trường Giang với Mao Trạch Đông xúc động muôn phần. Họ vừa bơi vừa ra sức hô to “Mao Chủ tịch muôn năm” trong tiếng nước xô đẩy. Nước sông đục ngầu bẩn thỉu sặc vào trong mồm hô khẩu hiệu, rồi đổ vào dạ dày của họ. Nhưng sau khi họ lên bờ, ai cũng bảo “nước sông ngọt vô cùng”. Sau khi bơi sông Trường giang, Mao Trạch Đông leo lên thuyền, mặc áo tắm, với phong độ nhanh nhẹn, vẫy tay chào quần chúng đứng chật ních đen ngòm hai bờ sông. Mao Trạch Đông chỉ vẫy tay trong chốc lát rồi chui vào thuyền thay quần áo. Về sau, phim tài liệu, qua cắt xén, cảnh tượng Mao Trạch Đông vẫy tay đã biến thành Mao Trạch Đông vẫy tay với nhân dân thời gian dài. Cảnh tượng Mao Trạch Đông vẫy tay trong tranh tuyên truyền cổ động càng dài đến hơn mười năm không biết mệt.

“Nhân dân nhật báo” ngày hôm sau đã viết: Mao Chủ tịch lãnh tụ kính yêu của chúng ta khoẻ mạnh như thế đấy, đây là hạnh phúc lớn nhất của nhân dân toàn Trung Quốc! Là hạnh phúc lớn nhất của nhân dân cách mạng toàn thế giới! Về cuộc bơi sông Trường Giang thoả thích của mình, trong thơ từ “Thuỷ điệu ca đầu”, Mao Trạch Đông đã viết: “Mặc cho gió thổi sóng xô, còn hơn cưỡi thuyền đi dạo”. Đây chính là lãnh tụ mà tôi nói, chỉ trong vài nét sơ sài dã đẩy đại cách mạng văn hoá đến chỗ điên cuồng.

Quang cảnh Mao Trạch Đông bơi thoả thích trên sông Trường Giang đã quay thành phim tài liệu chiếu đi chiếu lại ở Trung Quốc và các khu vực ngoài Trung Quốc, cũng được chế tác thành tranh cổ động tuyên truyền dán đầy trên tường từ thị trấn thành phố đến nông thôn Trung Quốc. Trên tranh cổ động tuyên truyển, Mao Trạch Đông mặc áo tắm được công nhân, nông dân, bộ đội giải phóng, học sinh và những người làm công tác thương nghiệp ùa theo. Mao Trạch Đông mỉm cười vẫy tay, công nông binh học thương làm động tác hăng hái vươn lên phía trước một cách hạnh phúc. Thử nghĩ xem có nhân vật chính trị nào mặc áơ tắm vẫy tay với nhân dân? Chỉ có Mao Trạch Đông có phong độ khác thường như thế!

Thật ra từ thời kỳ kháng chiến ngài đã có phong cách này. Khi đó ngài vẫn chưa trở thành lãnh tụ của Trung Quốc, còn sống gian khổ trong nhà hầm ở Diên An. Khi tiếp nhà báo Mỹ phỏng vấn, Mao Trạch Đông nghĩ thế nào cứ làm thế, một tay sờ mò đũng quần, vừa bắt rận, vừa nói chuyện thoải mái, chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc nhất định sẽ đi đến thắng lợi.

Sau khi đại cách mạng văn hoá bắt đầu, mỗi lần Mao Trạch Đông vẫy tay xuất hiện, các vị lãnh đạo đảng cộng sản đi theo ngài không còn vỗ tay nữa, họ cũng dơ tay phải lên khẽ vẫy, bởi vì tay phải họ đang cầm quyển “Mao Chủ tịch ngữ lục”, thời ấy gọi là sách bìa đỏ. Sách bìa đỏ cho họ cũng có cơ hội vẫy tay. Đương nhiên tay họ dơ lên không cao bằng Mao Trạch Đông, biên độ vẫy tay cũng không rộng bằng Mao Trạch Đông.

Thời gian cách mạng văn hoá, cho dù trường hợp không có Mao Trạch Đông xuất hiện, các vị lãnh đạo này cũng tay phải khẽ vẫy sách bìa đỏ chào quần chúng cách mạng, giống như các nữ ngôi sao màn bạc hiện nay không hoá trang tuyệt đối không xuất hiện trước công chúng. Các vị lãnh đạo đảng cộng sản lúc đó trong tay không có quyển sách bìa đỏ cũng tuyệt đối không xuất hiện công khai, Sách bìa đỏ là đồ hoá trang chính trị của họ.

Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay đã là lãnh đạo tập thể. Khi chín vị thường vụ Bộ chính trị cùng xuất hiện trong cuộc họp báo, họ đồng thời vẫy tay chào các nhà báo, tay họ cũng dơ cao, biên độ vẫy tay cũng lớn. Lúc này tôi liền nghĩ đến Mao Trạch Đông đứng trên thành lầu Thiên An Môn. Cảnh tượng người bên cạnh vỗ tay, một mình Mao vẫy tay hết sức nổi bật. Nhìn nay nhớ xưa, tôi cảm thấy Trung Quốc hiện giờ không có lãnh tụ nhà nước, chỉ có những người lãnh đạo quốc gia.

Sau khi Mao Trạch Đông lãnh tụ chính bản qua đời đã nhiêù năm, lãnh tụ bản dân dã sơn trại đã đội đất mọc lên như măng mọc sau trận mưa xuân tại Trung Quốc. Từ sau những năm 1990, đi đôi với các cuộc thi chọn người đẹp lan rộng khắp đất nước, những cuộc thi bình chọn lãnh tụ cũng nối tiếp diễn ra, các cuộc bình chọn lãnh tụ thời thượng, lãnh tụ phong thái, lãnh tụ có sức hấp dẫn, lãnh tụ mỹ nữ, cũng đua chen sắc thắm với các cuộc thi chọn người đẹp.   
Thi chọn người đẹp tuy kiểu cách có đổi mới, nhưng trứơc sau vẫn giới hạn trên cái đẹp, thí dụ thi chọn “Ngân mỹ nhân” giành cho người tham gia thi tuyển từ 60 tuổi trở lên, thi tuyển “Tuý mỹ nhân” giành cho các cô gái xinh đẹp uống rượu như điên, lại còn thi “Người đẹp nhân tạo” giành cho những ai đã trải qua phẫu thuật chỉnh hình sửa sang sắc đẹp vv .

Thi tuyển lãnh tụ không có giới hạn, cũng không có biên giới, thế là lãnh tụ trên các lĩnh vực tơi tới ra lò, lãnh tụ thanh niên, lãnh tụ thiếu niên, lãnh tụ tương lai vv, rồi lãnh tụ đổi mới, lãnh tụ nhà đất, lãnh tụ IT, lãnh tụ môi giới truyền thông, lãnh tụ giới buôn bán, lãnh tụ doanh nghiệp vv. Trung Quốc ngày nay lãnh tụ nhiều lắm, nhìn hoa cả mắt. Lãnh tụ nhiền như thế, đương nhiên các cuộc họp thượng đỉnh lãnh tụ cũng nhiều, ví dụ luận đàn thượng đỉnh lãnh tụ giới buôn bán, luận đàn thượng đỉnh lãnh tụ doanh nghiệp, luận đàn thượng đỉnh lãnh tụ môi giới tryền thông. Những luận đàn thượng đỉnh của lãnh tụ dân dã sơn trại này, mức độ ra vẻ ra dáng của nó cũng tốt đẹp không kém hội nghị thượng đỉnh G8. Đồng thời, bình chọn lãnh tụ còn đề cập đến cả lĩnh vực địa lý và vật chất, thí dụ lãnh tụ phong cảnh, lãnh tụ cầu thang điện. Đây là Trung Quốc hiện nay sau Mao Trạch Đông, ngay đến các cầu thang điện cũng có lãnh tụ của nó. Tôi không biết ngày mai, sau khi trời sáng còn chui ra hàng đống lãnh tụ mới toanh ở các xó xỉnh nào nữa.

Nếu bình chọn một từ vựng của Trung Quốc có tốc độ giảm giá trị nhanh nhất và biên độ giảm giá trị lớn nhất trong ba mươi năm qua, theo tôi, không hề băn khoăn gì nữa, từ vựng “Lãnh tụ” sẽ trúng tuyển trăm phần trăm là cái chắc.

Khi cách mạng văn hoá, “lãnh tụ”là một từ vựng thiêng liêng và vĩ đại nhất, là đại danh từ của “Mao Chủ tịch”, hay nói cách khác là tài sản tư hữu của Mao Trạch Đông, không có ai dám tự xưng mình là “lãnh tụ” gì, cho dù là trong mơ cũng không có gan. Từ “Lãnh tụ”, ngoài Mao Trạch Đông ra, đối với mọi người Trung Quốc là một vùng cấm. Thời ấy thịnh hành một câu nói: “Tổ quốc thiêng liêng bất khả xâm phạm”, sau đó “thiêng liêng bất khả xâm phạm” thường nói trên miệng chúng tôi: “Lãnh tụ” chính là một từ vựng thiêng liêng bất khả xâm phạm. Ngoài ra, cái họ “Mao” cũng thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Vợ tôi kể với tôi, trước kia trên thị trấn nhỏ vợ tôi sống, có một ông chủ tịch công đoàn họ Mao. Quần chúng trên thị trấn nhỏ cũng gọi ông là Mao Chủ tịch, đương nhiên ông cũng đồng ý. Kết quả sau khi diễn ra cách mạng văn hoá, ông bị đánh đổ. Tội của ông chính là khiến trên thế giới xuất hiện hai Mao Chủ tịch. Ông chủ tịch công đoàn của thị trấn nhỏ từ đấy bị xúi quẩy. Ông ấy vô cùng oan uổng, nước mắt lưng tròng, ông cãi lại, người ta gọi tôi như thế, chứ tôi có tự gọi mình đâu. Quần chúng cách mạng đánh đổ ông nói:

- Người khác có thể gọi như thế, ông không được đồng ý như vậy, ông đồng ý tức là phần tử phản cách mạng.

Thuở thơ ấu, tôi đã từng rất nuối tiếc mình họ “Dư”, chứ không phải họ “Mao”, trong lòng thường xuyên oán trách gia tộc của bố mẹ mình tại sao không có người họ “Mao”. Ngày đó tôi không biết, đối vớí loại dân thường, “Mao” vừa là một họ thiêng liêng vĩ đại, cũng vừa là một cái họ nguy hiểm.

Thời đó có một lối ví thịnh hành, đó là ví đảng cộng sản thành mẹ của nhân dân. Tôi nghĩ bụng, đã có mẹ, tất nhiên sẽ có bố, ai là bố của nhân dân Trung Quốc chúng ta? Lẽ đương nhiên là Mao Trạch Đông. Lô gíc tuổi thơ của tôi biến đảng cộng sản Trung Quốc thành Mao phu nhân, nhưng Giang Thanh phu nhân chính tông của Mao Trạch Đông sẽ thế nào đây? Lúc đó tôi là hồng tiểu binh của thời kỳ cách mạng văm hoá, chỉ biết nam nữ bình đẳng và chế độ một vợ một chồng, không biết Trung Quốc trứơc kia đàn ông có thể lấy nhiều vợ, càng không nghĩ đến đàn ông Trung Quốc hiện nay sẽ có vợ lẽ và người tình, tuổi thơ như tôi, nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ đau cả đầu cũng không nghĩ ra một phương án tốt đẹp cả hai.

Lúc còn bé, lãnh tụ trong con mắt và trái tim tôi, ngoài Mao Trạch Đông, còn có bốn vị lãnh tụ nước ngoài. Trong lớp một tiểu học, trên bảng đen trước mặt treo chân dung Mao Trrạch Đông, trên tường phía sau treo ngang hàng ảnh chân dung Mác, Ăng Ghen, Lê nin và Stalin. Mác, Ăng Ghen, Lê nin và Stalin là người nước ngoài tôi nhìn thấy sớm nhất. Chúng tôi đã từng tỏ ra hiếu kỳ trước mái tóc dài của Mác và Ăng Ghen, còn dài hơn mái tóc của đàn bà trên thị trấn chúng tôi. Đàn bà Trung Quốc thời đó đều để kiểu tóc ngắn ngang tai, Lê nin và Stalin đối với chúng tôi xem ra còn coi là kiểu tóc đàn ông bình thường. Lúc còn nhỏ chúng tôi lấy mái tóc ngắn hay dài để phân biệt giới tính nam nữ. Cho nên kiểu tóc của Mác, Ăng Ghen khiến chúng tôi hiếu kỳ, nhất là Mác, mái tóc xuăn để xoã của ông gần như che kín tai. Tai của đàn bà trên thị trấn chúng tôi giống như tai của Mác khi ẩn khi hiện, được cái ông Mác vẫn còn có bộ râu sồm trên mặt, ngăn chặn chúng tôi tiếp tục xét đoán giới tính của ông. Nhưng trong lớp chúng tôi có một bạn học lại không nhìn thấy bộ râu quai nón trên mặt Mác, đã ngang nhiên tuyên bố:

- Mác là đàn bà.

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Đọc Hoa Lục Trong Mười Chữ của Yu Hua (Dư Hoa)




Vài nét về nhà văn Dư Hoa
   
Nhà văn Dư Hoa
 

Sinh 1960 tại Hàng Châu, bắt đầu viết vào khoảng 1983 sau khi hành nghề nha sĩ 5 năm, Dư Hoa quan niệm: “Tôi viết để gần hơn với những gì là thật. Ý tôi là hiện tại chân thật chứ không phải hiện thực cuộc sống.

Thực ra, tôi cho rằng cuộc sống là không thật, nó lẫn lộn cả sự thật lẫn những điều giả dối”.

Ông đã xuất bản 4 truyện dài, 6 tập truyện vừa và truyện ngắn, 3 tập tùy bút, được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước. 

Tiểu thuyết "Huynh đệ" khiến văn đàn Trung Quốc không khỏi xôn xao. Nói về sách của mình, Dư Hoa, nhà văn được giới phê bình Trung Quốc đánh giá là người “kế thừa và phát triển tinh thần Lỗ Tấn tiêu biểu nhất”, tiết lộ đây là “chuyện kể về một thế kỷ”.

Ông nói: “Một người phương Tây phải sống bốn trăm năm mới trải qua hai thời đại khác nhau một trời một vực, nhưng người Trung Quốc chỉ cần bốn mươi năm”.

Chúng ta sẽ hiểu hơn Dư Hoa trong tác phẩm mới “Hoa Lục Trong Mười Chữ”. Bạn Haiha giới thiệu. Xin cảm ơn Bạn.

Đọc Hoa Lục Trong Mười Chữ của Yu Hua (Dư Hoa)


Ảnh tác giả bài viết
Nhà văn Hoa Lục nổi tiếng ở Tây phương đa số đều đang sống ở nước ngoài; Cáp Kim ở Hoa Kỳ, Cao Hành Kiện - Pháp, và Mã Kiến - Anh. Nhà văn Hoa Lục hiện đang ở trong nước được giới Tây phương biết đến hầu như chỉ có Yu Hua (Dư Hoa). Từ mấy năm nay, có tin đồn Dư Hoa được đề nghị trao giải văn chương Nobel. 

Dư Hoa là nhà văn tạo nhiều dư luận sôi nổi ở Hoa Lục. Là một trong những nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực, Dư Hoa dùng tác phẩm để phê phán những điều cực đoan của xã hội Hoa Lục. Có lẽ vì cách phê bình của ông gián tiếp, dùng sự châm biếm, chế nhạo, và khôi hài trong tiểu thuyết, hoặc là những điều ông phê bình không chọc vào chỗ hiểm của các nhà lãnh tụ độc tài, nên thay vì bị cầm tù như Lưu Hiểu Ba hay sống cuộc đời lưu vong như Cao Hành Kiện và Mã Kiến, Dư Hoa hưởng thụ địa vị một nhà văn có tác phẩm bán chạy ở Hoa Lục với hằng triệu ấn bản và được Trương Nghệ Mưu, nhà đạo diễn nổi tiếng trên thế giới, chuyển thể thành phim. Quyển sách mới nhất của Dư Hoa “China in Ten Words (Hoa Lục Trong Mười Chữ)” được xuất bản ở Đài Loan và bằng tiếng Anh ở Hoa Kỳ năm 2011.

Được viết theo thể loại tiểu luận pha hồi ký, quyển sách có mười chương; mỗi chương dùng một chữ làm tiểu đề, bao gồm People (Nhân Dân), Leader (Lãnh Tụ), Reading (Đọc Sách), Writing (Viết Văn), Lu Xun (Lỗ Tấn), Revolution (Cách Mạng), Disparity (Chênh Lệch), Grassroots (Dân Quèn[1]), Copycat (Bắt Chước), và Bamboozle (Lường Gạt). Dư Hoa bảo rằng để nói cho tận tường mọi khía cạnh về đất nước của ông, có lẽ quyển sách sẽ dài như quyển Một Ngàn Lẻ Một Đêm. Ông chọn mười chữ như mười đôi mắt đặt ở những vị trí thuận lợi giúp ông quan sát và phân tích nhiều khía cạnh, tích cực lẫn tiêu cực của xã hội, lịch sử, chính trị, văn hóa, và kinh tế của Hoa Lục. Với sự nhạy cảm của một nhà văn, Dư Hoa đau cùng với cái đau của Trung quốc. Nói đến nỗi đau của Hoa Lục, thoạt tiên nghe chừng như nghịch lý, vì Hoa Lục hiện nay là một quốc gia siêu cường đứng hàng nhất nhì trên thế giới; nhưng theo Dư Hoa, xã hội Hoa Lục chứa nhiều ung thối, bệnh hoạn đến mức đang ở bên bờ vực tự hủy hoại.

Dư Hoa tin rằng phải nhờ duyên mệnh ông mới có thể hiểu tận tường một chữ mà ông đã nghe từ thời niên thiếu. Mãi đến năm ba mươi tuổi ông mới thấy thấm thía nghĩa của chữ “Nhân dân.” Trong chương đầu tiên của quyển “Hoa Lục Trong Mười Chữ” qua chữ “Nhân dân,” Dư Hoa nhắc lại sự kiện lịch sử Thiên An Môn, tuy đẫm máu lúc xảy ra năm 1989 nhưng ngày nay không còn ai biết hay nhắc đến. Không phải cái đẫm máu và lớn lao của sự kiện Thiên An Môn giúp ông hiểu thấu đáo nghĩa chữ Nhân dân mà vì ông chứng kiến một sự kiện xảy ra ở Hujialou, con đường huyết mạch dẫn vào Thiên An Môn; nơi đó người ta đứng sát vai nhau chung một niềm tin là bằng xương thịt của thân xác, họ có thể chặn đứng xe tăng thiết giáp. Họ là hiện thân của nhân dân với hơi ấm của thân thể và nhịp đập của trái tim chứ không phải là chữ nằm trên đầu môi chót lưỡi của các nhà chính trị, bị dùng như một món hàng trưng bày qua nhiều triều đại làm vật quảng cáo cho chính khách. Điều đặc biệt người đọc tìm thấy trong chương này là, cuộc biểu tình ở Thiên An Môn trở nên rộng lớn có tầm mức lịch sử, không phải chỉ do giới học sinh sinh viên đòi tự do ngôn luận và sáng tác, mà phần chính yếu là do sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt là giai cấp công nhân lao động đã trở nên phẫn uất cực điểm trước sự tham nhũng thối nát của chính quyền.

Ba chương, hay ba chữ, “Đọc Sách” “Viết Văn” và “Lỗ Tấn” đưa người đọc xuyên qua sơ lược quá trình Dư Hoa từ lúc là một cậu bé nghịch ngợm thành nha sĩ rồi trở nên nhà văn trong bối cảnh lịch sử Hoa Lục từ thời Cách Mạng Văn Hóa đến nay. Khi được so sánh văn phong của ông với văn phong giản dị của Hemingway, Dư Hoa đã dí dỏm bảo rằng có lẽ Hemingway cũng như ông có số vốn ngữ vựng ít oi. Dư Hoa lớn lên trong cuộc cách mạng văn hóa, giới trí thức nếu không bị bắt đi tù cải tạo thì cũng bị thất nghiệp hay đi làm ruộng. Bố mẹ của Dư Hoa cũng là Bác sĩ đã phải bỏ trốn thành phố về làng quê xa xôi sinh sống để tránh nạn bài trừ trí thức. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa chỉ có hai nhà văn mà dân chúng được quyền đọc và học là Mao Trạch Đông và Lỗ Tấn. Do bị cưỡng bách nên Dư Hoa không thích đọc Lỗ Tấn khi còn trẻ, mãi đến khi ba mươi sáu tuổi Dư Hoa mới thật sự kính phục văn tài của Lỗ Tấn người để lại dấu ấn sâu đậm trong nghệ thuật sáng tác của Dư Hoa.

Thu hút sự chú ý của tôi nhiều nhất trong tập tiểu luận Hoa Lục Trong Mười Chữ là chương “Cách Mạng.” Điểm đặc biệt của bài tiểu luận này, với tôi, không phải ở lời văn hay cách lập luận mà là những chi tiết ông đã cung cấp trong bài. Qua những chi tiết này tôi nhìn thấy xã hội Hoa Lục và trong xã hội Hoa Lục có phần nào bóng dáng của xã hội Việt Nam hiện nay.

Thế giới khi nghĩ đến Hoa Lục là hình dung ngay một địa điểm du lịch với Vạn Lý Trường Thành, những ngôi chùa cổ trên các đỉnh của Ngũ Đại Danh Sơn, mấy ngàn năm văn hóa, và một nền kinh tế phồn thịnh nhất nhì trên thế giới sẽ ngạc nhiên vô cùng khi nhìn thấy một Hoa Lục thật ảm đạm đen tối qua mười chữ của Dư Hoa. Hoa Lục qua mười chữ là một Hoa Lục hỗn loạn, tàn bạo, tham lam, độc ác, khắc nghiệt với những ung nhọt của xã hội đang xuất đầu lộ diện. Trong chương “Cách Mạng,” Dư Hoa đưa người đọc băng ngang hơn năm chục năm lịch sử, từ cuộc Cách Mạng Bước Tiến Nhảy Vọt năm 1958 đến cuộc Cách Mạng Văn Hóa năm 1966 đầy bạo động. Theo ông, hai cuộc cách mạng trong quá khứ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng vượt bực của Hoa Lục hiện nay và ông e ngại kết quả tương lai cũng sẽ đầy thảm kịch như đã xảy ra trong quá khứ. Dư Hoa mở đầu bài tiểu luận “Cách Mạng” như thế này: “Các nhà trí thức Tây phương cho rằng một nền kinh tế có thể hưởng thụ sự phát triển nhanh chóng chỉ xảy ra trong xã hội có hệ thống chính trị hoàn toàn dân chủ. Họ kinh ngạc khi thấy ở một quốc gia có chế độ chính trị nhá nhem thế mà nền kinh tế có thể phát triển nhanh chóng đáng thán phục. Nhưng các nhà trí thức này đã bỏ sót, tôi nghĩ thế, một điều tối quan trọng: đằng sau cái phép mầu kinh tế của Hoa Lục có đôi bàn tay đầy quyền năng đã thúc đẩy mọi việc, và chủ nhân của đôi bàn tay ấy có tên là Cách Mạng.”
               
Waiting, Tranh Han Wu Sen
         
Dư Hoa cho rằng, từ một quốc gia bị cai trị bằng chính trị trở thành một quốc gia bị cai trị bằng tiền, nền kinh tế đương đại của Hoa Lục, tuy tiến triển rất mạnh, đã gây nhiều thương tích trong xã hội và người dân Hoa Lục bị chà đạp tàn tệ qua những vụ cưỡng chế đất đai. Những thương tích xã hội này đó là dấu ấn của hai bài học, Bước Tiến Nhảy Vọt (Great Leap Forward, 1958) và sự bạo động của cuộc Cách mạng Văn Hóa (Cultural Revolution, 1966). Trong Bước Tiến Nhảy Vọt, người dân đã bỏ cả ruộng vườn để tham gia sản xuất thép. Gạo lúa thối rữa trên đồng. Người thành phố đóng cửa hiệu mở lò nung thép ở sân sau nhà. Toàn dân nhất nhất tham gia sản xuất thép vì sợ bị mang tiếng phản động và cản trở bước tiến nhảy vọt. Để vượt chỉ tiêu sản xuất người ta tháo gở cả song cửa sổ và thành giường để nấu chảy ra làm thép vì thiếu quặng mỏ đưa đến hậu quả một phần ba sản lượng thép là phế phẩm. Cuộc cách mạng Bước Tiến Nhảy Vọt cũng đưa đến bệnh thổi phồng thành tích, thiếu người làm nông nghiệp, thiếu lúa gạo thực phẩm nhưng thông tin tuyên truyền láo khóet làm người dân mang ảo tưởng thừa mứa thực phẩm đưa đến chỗ lãng phí. Kết quả, chỉ riêng tỉnh Tứ Xuyên, có tám triệu người chết đói theo tỉ lệ cứ chín người thì có một người chết vì đói. Đặc tính của cuộc Cách Mạng Bước Tiến Nhảy Vọt là quá khích đến cuồng điên, bệnh thành tích đưa đến chỗ mị dân, số cung cấp vượt quá mức nhu cầu đưa đến thặng dư và lãng phí. Chẳng những lãng phí vật chất người ta còn lãng phí nhân mạng. Trong tác phẩm Anh Em, Dư Hoa đã đề cập đến sự tàn bạo và đẫm máu của cuộc Cách mạng Văn hóa. Người dân Hoa Lục triệt để tin theo sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, người đã định nghĩa hai chữ cách mạng như sau: “Một cuộc cách mạng không phải là một buổi dạ tiệc, hay viết một bài luận văn, hay vẽ một bức tranh, làm một bức thêu; Cách mạng không thể hoàn mỹ, nhàn nhã hay dịu dàng, hòa thuận, nhân hậu, lễ độ. tự tiết chế, hay cao thượng. Một cuộc cách mạng là một sự nổi dậy, một hành vi bạo động.” Cuộc Cách Mạng Văn Hóa đưa nhân dân Hoa Lục đến chỗ ngu dốt, học sinh sinh viên không được đến trường, họ bị đưa về nông thôn để học chữ từ giai cấp nông dân, hay những người chỉ trên mức mù chữ một chút. 

Nền kinh tế phồn thịnh của Hoa Lục hôm nay bắt đầu từ năm 1990, thời mở cửa của Đặng Tiểu Bình, bắt đầu một cuộc cách mạng kinh tế không được tuyên bố công khai. Dư Hoa đưa ra nhiều thí dụ cho thấy sự đồng dạng của nền kinh tế hiện đại với Bước Tiến Nhảy Vọt, hiện nay số lượng thép được sản xuất hàng đầu thế giới (ba mươi hai phần trăm tổng sản lượng của thế giới) gây ra nạn thặng dư hàng hóa, hải cảng, phi trường đường cao tốc được xây cất rất nhiều nhưng không được tận dụng. Hoa Lục tự hào đã có bước tiến nhảy vọt trong cải cách giáo dục, đào tạo tổng số sinh viên qua mặt Anh Mỹ. Kết quả của cuộc cách mạng giáo dục này là tiền vay ngân hàng để xây cất đại học phát triển giáo dục, đã hơn hai trăm tỉ yuan (khoảng 6 yuan bằng một Mỹ kim) trong tương lai nhà băng có thể vỡ nợ vì các trường đại học không có tiền để trả nợ. Tiền học phí tăng từ 25 cho đến 50 lần so với trước năm 1990. Để nuôi dưỡng một sinh viên đại học người ta cần 4.2 năm lợi tức ròng (net income) của một người dân thành phố, hay 13.6 năm lợi tức ròng của người ở nông thôn. Sinh viên ra trường không có việc làm phải cuốn chiếu đi lao động hoặc gia nhập bộ đội. Cha mẹ phải tuyên bố phá sản vì số nợ khổng lồ đã vay để nuôi con đi học. 

Sự bạo động trong hai cuộc cách mạng trong quá khứ cũng thể hiện rõ ràng trong cuộc cách mạng kinh tế hiện nay. Điểm thu hút của chương “Cách Mạng” không nằm trong lý thuyết, lý luận cao siêu hay những biện giải thuyết phục bằng con số thống kê, mà nằm trong một số thí dụ ông cung cấp qua những mẩu tin tức ông thu thập trên báo chí. Để thực hiện các dự án đô thị hóa, nhà cầm quyền Hoa Lục giải tỏa nhà dân, cưỡng chế đất đai, bồi thường không xứng đáng; khi người dân phẫn nộ phản đối, nhà cầm quyền địa phương dùng bạo lực giải tán họ. Công an xông vào nhà người bị lấy đất lúc họ đang ngủ say, lùa họ ra khỏi nhà, đấm vào mặt họ nếu họ chống lại, không cho thay quần áo hay rửa mặt, không được mang theo đồ dùng cá nhân. Họ bị giam giữ cho đến khi nhà cửa đã bị giật sập mới được về và khi không còn chỗ ở họ đành buông tay vâng lệnh. Những cuộc phản kháng của người dân càng lúc càng dữ dội. Người dân đã tập hợp lại với nhau, đã làm bom tay để kháng cự, trong cơn tuyệt vọng người dân phản đối bằng cách tự thiêu, rất nhiều người bị hăm dọa đuổi việc nếu người thân của họ không chịu tuân theo việc cưỡng chế đất đai. Có cả trường hợp xe ủi đến giật sập nhà dân khi người ta đang ngủ làm chết người. Bạo động, giúp cuộc cách mạng kinh tế thành công dễ dàng và nhanh chóng. Điều đáng lo sợ là mặc dù người dân cố chống trả, cố kêu gào, mong có người bố thí cho chút nhân quyền nhưng các nhà cầm quyền Hoa Lục không có vẻ gì suy xét lại, tình hình càng lúc càng tệ hại hơn.

Hoa Lục Trong Mười Chữ không phải là một quyển biên khảo về xã hội học hay có tầm nghiên cứu chính trị sâu sắc của một học giả. Những chi tiết Dư Hoa đưa ra trong tập tiểu luận này không được chứng minh bằng trích dẫn từ những tác phẩm hay tác giả danh tiếng trong giới học thuật. Trái lại những chi tiết ông cung cấp giống như những bức ảnh tinh thần chụp nhanh bằng đôi mắt quan sát của nhà văn. Dư Hoa kể lại một câu chuyện có lẽ ông dự định viết thành truyện ngắn. Có hai vợ chồng, thất nghiệp đã lâu, dẫn cậu con trai bốn tuổi đi ngang qua một cửa hàng bán chuối. Cậu bé đòi ăn chuối nhưng bố mẹ không có tiền mua. Cậu bé khóc ầm lên nên người bố nổi cáu tát tai cậu bé. Khi về đến căn hộ cậu bé vẫn còn khóc người chồng gắt, người vợ bênh con, hai vợ chồng cãi nhau, trách móc nhau về tình trạng không việc không tiền. Người chồng chạy ra lan can không nhìn vợ con nhảy xuống tự tử. Người vợ chạy xuống mấy tầng lầu ôm thân thể nát nhừ của chồng trên tay nghe hơi thở của chồng đang lìa thân xác. Bỏ xác chồng nằm đó, chị chạy lên phòng, bắt ghế cột dây lên quạt trần để tự tử. Đang lúc cột dây bắt gặp cặp mắt của cậu bé con nhìn thắc mắc và vẫn còn đang ư ử khóc. Chị leo xuống, xoay cái ghế cậu bé đang ngồi sang hướng khác để tránh cặp mắt của cậu bé, rồi lại leo lên ghế, thắt nút thòng lọng và lạnh lùng dùng chân hất đổ ghế. Bằng cái nhạy cảm của nhà văn, Dư Hoa trình bày được cái bi kịch, và hài kịch trong những bức ảnh như thế.

Điều thú vị khi đọc tập tiểu luận này có lẽ cũng nằm trong những điều Dư Hoa không, hay chưa, đề cập đến. Thông thường, người ta viết về những điều người ta biết. Những điều Dư Hoa nhìn thấy trong xã hội Hoa Lục cũng có thể xảy ra ở một xã hội theo chế độ tư bản thí dụ như sự chênh lệch thu nhập lợi tức giữa người giàu và người nghèo quá rộng lớn, giả mạo hàng hóa, hay lường gạt người tiêu thụ. Tuy nhiên Dư Hoa không thể nói về cái mà ông suốt đời không nhìn thấy, đặc biệt khi cái đó chỉ là một khái niệm trong lý thuyết. Trong “Hoa Lục Trong Mười Chữ” Dư Hoa nói về “Nhân dân” nhưng không nói về Nhân Quyền. Khi được hỏi nếu thực hiện chữ thứ mười một ông sẽ viết về chữ gì, Dư Hoa cho biết sẽ là chữ “Freedom” (Tự Do). Người ta có tự do không khi nhân quyền không được tôn trọng? Dư Hoa cũng không đề cập đến chính sách đối ngoại của Hoa Lục đối với các quốc gia lân cận như Miến Điện và Việt Nam. Nếu Pamuk nói về những người Kurd bị đàn áp, người Armanie bị thảm sát chủng tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Coetzee nói về nạn kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi, thì Dư Hoa không thể được xem ngang hàng với những nhà văn lớn trên thế giới nếu ông không lên tiếng về thái độ của Hoa Lục với các nước láng giềng. Phải chăng cái nhìn của Dư Hoa vẫn còn là cái nhìn của một người dân bị chính quyền Hoa Lục bịt mắt?

Dư Hoa sinh năm 1960. Tác phẩm của ông gồm có bốn truyện dài, sáu tập truyện ngắn, ba tập tiểu luận. Tác phẩm của ông được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ. Năm 2002, ông là tác giả Hoa Lục đầu tiên được trao giải thưởng James Joyce. Truyện dài “Brothers (Anh Em)” được vào chung kết của giải thưởng Văn học Man Asian và được trao giải thưởng Prix Courrier International của Pháp. Truyện dài “To Live (Muốn Sống)” được trao giải Premio Grinzane Cavour của Ý. Truyện dài “Muốn Sống” và “Chronicle of a Blood Merchant (Nhật Ký của người Bán Máu)” được Wen Hui Bao, nhật báo lớn nhất của Thượng Hải, đánh giá là hai trong mười quyển sách có ảnh hưởng rộng lớn nhất ở Hoa Lục trong mười năm gần đây. Bản Anh ngữ của dịch giả Allan H. Barr.

[1] Chữ grassroots thường được hiểu là thành phần căn bản của xã hội, nhưng Dư Hoa dùng với tính cách nhấn mạnh có phần nào phóng đại là thành phần nghèo bị gạt qua bên lề xã hội, do đó tôi dịch là Dân quèn, cố theo ý của tác giả.

Đưa em tìm động hoa vàng




Nhà thơ Phạm Thiên Thư có vài ba trăm ngàn câu thơ, kỷ lục về số lượng trong nền văn chương tiếng Việt, vượt xa Bùi Giáng.
Nhưng câu thơ được biết nhất.

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

trích trong trường ca Động hoa vàng, gồm 100 đoạn 4 câu, làm theo thể lục bát cổ điển, nhưng qua hàng lên xuống theo nhiều dạng khác nhau.

Những bài thơ tình này là của một nhà sư có pháp danh Tuệ Không, tu tại Thiền viện Pháp Vân 1964-1975, Sài Gòn, giúp ta hiểu thêm tâm tưởng Phạm Thiên Thư, hơn là những bài thơ đôi khi trầm bổng qua vần điệu.

Động hoa vàng hoài vọng hướng về quá khứ xa xưa của dân tộc, nhớ nhung nhiều kỷ niệm cũ càng, có thật hay hư tưởng, từ quê hương thôn dã, một thuở thanh bình đã phôi pha.

Rằng xưa có gã từ quan…

Và “gã” đây là ai?

Học đòi theo gã Từ quan
Bên chùa cởi áo chuộc nàng dưới hoa
Mái chèo lãng đãng yên ba
Thần Phù xõa tóc la đà rong chơi.

Rõ là chuyện Từ Thức trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Mạc. Từ Thức làm quan tri huyện, có hôm đi chùa xem hội hoa. Một cô gái trẻ, lỡ làm gãy hoa, bị bắt đền, Từ Thức đã “cởi áo cừu gấm trắng” để chuộc lỗi cho người con gái. Người xưa “khen quan huyện là người hiền đức”. Ngày nay ta gọi là hào hoa, thậm chí bay bướm. Sau đó, không chịu sự ràng buộc của quan trường, Từ “bèn cởi trả ấn tín, bỏ quan mà về”, rồi dong buồm chơi cửa bể Thần Phù, lạc vào động tiên, gặp lại cô gái vốn là tiên, tên Giáng Hương, cưới làm vợ, rồi trở về trần. Trong động tiên cũng có “hoa vàng” lọt vào cửa sổ.

Một đêm gió thổi nguyệt đầy non
Rèm cuộn hoa vàng lọt cửa son
(Trúc Khê dịch)

Điển cố này, ta hiểu sâu sắc hơn hai câu thơ.

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan…

Những lời thơ chấp chới đào vong vào một giấc mơ dài, kết nối nhiều hình ảnh thi vị của một trần gian xa cách. Quê hương thanh bình, con người an vui, trong một nền văn hóa đã quá khứ. Hạnh phúc đơn sơ.

Ngày xưa trên giậu vàng hoa
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
(…)

Gây giàn thiên lý vàng hoa
Lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
Xuống đầm tát cá xâu cây
Bới khoai vùi lửa nằm dài nghe chim.
Khách xa nhớ đến nhau tìm
Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
Hứng nước suối thết bình trà
Hái bầu nấu bát canh hoa cười khàn

Nhưng đây chỉ là cảnh tưởng tượng mà thôi.

Chiều chiều kê chõng… nằm dài nghe chim.

Mộng mơ có khi vươn đến cõi bờ siêu thực.

Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động Nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn

Nét hóm hỉnh tạo không khí thoáng nhẹ, niềm vui thầm lặng, cho toàn tập thơ, một không khí “thiền”.

Ái tình ở đây chỉ làm đề tài cho thơ hồi tưởng. Những cô áo hồng, áo xanh phơ phất, cho dù có mang một ít sắc màu ký ức, cũng chỉ là đề tài thi ca, kết hợp nhuần nhuyễn với toàn bộ tập thơ. Tình yêu ở đây là mơ mộng, trắc trở, xa cách, nhớ nhung.

Có lúc chàng kể.

Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa

Hồi khác chàng lại kể.

Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang

Thì không ai biết cô nàng mặc áo màu gì. Thậm chí nàng có thực hay không, hoặc nàng chỉ là ảo ảnh của thiên nhiên, thường xuyên thay áo.

Khi tình yêu chỉ là điển cố văn chương, như mượn ý ca dao, Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay.

Thôi thì em chẳng yêu tôi,
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm thê thiết.

Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

Ý thơ dàn trải, không có gì cao siêu. Nhưng lời thơ da diết chỉ vì những thì thôi, thế thôi, luyến láy, dằn vặt.

Nói ít, nhưng đầy đủ về Phạm Thiên Thư, có mấy câu thơ Bùi Giáng tặng ông.

Chạy quanh khu vực thần tiên
Mỗi chân mười ngón kết liên bốn mùa
Vườn cây trái ngọt trái chua
Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên.