Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân

Bộ phim Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân (Spring, summer, fall, winter… and spring). Được New York Times của Mỹ ví là một bộ phim đáng xem nhất của điện ảnh Hàn Quốc. Phim là cái nhìn triết lý nhân sinh sâu sắc về kiếp người qua cách kể chuyện dung dị, đời thường của đạo diễn. Mỗi câu chuyện về mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mùa đông đều có thể khiến người xem… lặng đi. Lặng đi trước câu chuyện cuộc đời, lặng đi trước âm thanh tinh tế, lặng đi trước những khuôn hình đẹp như tranh thủy mạc, lặng đi trước mỗi góc nhìn đầy tính điện ảnh của một đạo diễn xuất sắc.           

Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân

Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân (phim Hàn Quốc) là một phim đạt cả hai bình diện: nghệ thuật và xiển dương (闡揚)(*) Phật pháp.
               
        

★ Về nghệ thuật, đây là bài thơ tuyệt vời kèm trong kỹ thuật "cận ảnh- gross plan", để diễn ý thay lời. Tài tử diễn xuất nhiều hơn đối thoại.

                   
Về "pháp" - như nội dung trong năm phân đoạn đã ghi lại ở trên, không đơn giản là đạo diễn chỉ muốn nói về sự cám dỗ, sa lầy của con người về "ái dục". Dù trong một cuộc phỏng vấn của ai đó, Kim Ki-Duk đã trả lời khiêm tốn rằng, "Tôi chỉ muốn mô tả sự hỷ nộ ái ố trong cuộc sống của chúng ta qua bốn mùa, và qua cuộc đời của một nhà sư trong ngôi chùa ở Hồ Pusan vây bọc bởi thiên nhiên", cuốn phim còn chất chứa sự mênh mông và huyền diệu theo với bài kinh Bát Nhã Ba-la-mật (Prajanaparamita Sutra). Nhưng hiểu Pháp thế nào qua một cuốn phim là sự tùy thuộc vào trí huệ, duyên ngộ Pháp của mỗi chúng sanh.

(*) 闡揚
Xiển dương
Xiển: Mở rộng và làm sáng tỏ ra. Dương: đưa lên cao.

Xiển dương là làm sáng tỏ và phát triển rộng ra.



*****


Vì cuộc đời là như thế.
                   
             
Blog Chị Ba Đậu
     
Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân là một bộ film hay, ít lời thoại nhưng truyền tải được một thông điệp khá xuất sắc. Tôi không dám bình film bởi tôi không thực hiểu hết hàm ý nó nhưng tôi chỉ ghi lại những cảm nhận của mình. Cuốn film cố ý mô tả sự hỷ nộ ái ố trong cuộc sống của chúng ta qua bốn mùa, và qua cuộc đời của một nhà sư – đó là theo lời của đạo diễn bộ film.
   
Cách đây hai tuần tôi tình cờ xem bộ film này. Tôi xem đi xem lại vài vẫn còn cái cảm giác hay, dù thực tình tôi chưa hiểu hết được tận tường. Fim được mở màng bằng một không gian rất yên tĩnh. Ngôi chùa nhỏ nằm giữa núi non sông nước, nơi có vị sư già và chú tiểu tu hành. Chi tiết đầu tiên đập vào mắt tôi là cái cồng chùa, trơ trọi, không tường không vách, với hai bức hình thiện ác hai bên.
           
            
Cộng thêm chi tiết cái cánh cửa ngăn giữa chánh điện và phòng ngủ. Cũng trơ trọi không tường không vách. Chỉ cánh cửa chổng chơ. Từ chỗ ngồi tụng kinh gõ mõ, vị sự già có thể nhìn thấy rõ chú tiểu đang nằm ngủ, Thế sao vị sư già vẫn phải đẩy cửa, bước qua để vào phòng đánh thức chủ tiểu con(??) Chi tiết này theo tôi chính là sự giữ giới. Dù không ngăn cách, dù có thể xông thằng vào phòng không cần mở cửa. Vị sư già nhất định giữ giới, đi cửa chính. Đúng đường. Dù không rào cản, dù chẳng ai ngăn. Tự vị sư ý thức việc nên giữ giới và tuân theo.
                     
Chú tiểu cuối phim ... "đến Xuân" có ác hơn?
Ai đó đã có lần nhận xét, cái cảm nhận cứ mỗi vòng tuần hoàn ở cõi thế, cái ác trong con người lại tăng lên một chút. Dường như chú tiểu ở cuối film có những hành vi ác hơn chú tiểu lúc ban đầu. Tiếng cười dường như bớt trong trẻo hơn, dường như khô khan hơn và thiếu luôn những giọt nước mắt hối hận. Tôi cũng thấy như vậy.
              



             
Trong film có một đoạn tôi còn thắc mắc. Tôi vẫn chưa hiểu rõ cảnh người đàn bà bịt mặt, mang con bỏ chùa nhưng lại bị chết cóng ngay chiếc hố do vị sư đào. Phải chăng đạo diễn muốn nói đến nhân quả? Nhân quả, có phải là do bà ta đem con bỏ lại chùa, nên phải chết để trả nợ trần gian. Nhưng tại sao bà phải chết? Ngay lúc vừa bỏ con? Lại chết do cái hố của vị sự? Có phải do cảm thấy mình là nguyên do của cái chết của bà, mà vị sư trung niên vác hòn đá leo núi, có phải là hình ảnh của sự xám hối do nghĩ mình chính là thủ phạm của cái chết kia??? Vòng tròn giữa nhân và quả, giữa thiện và ác cứ xoay cuồng không dứt?
 

Thiển nghĩ cái nặng do hòn đá đeo trên lưng, không nặng nề như cái nặng đeo đuổi trong tâm hồn. Trút bỏ hòn đá, có chắc trút bỏ được cái nặng mang canh cánh trong lòng? Trừ khi trút hết cái nặng trong lòng, mới mong sống thanh thản!
                                          
          
Tôi không dám chắc mình hiểu hết trọn bộ film cũng như hàm ý sâu sắc mà đạo diễn muốn truyền tải đến với người xem, nhưng những gì tôi lờ mờ hiểu được, tôi tin đây là một bộ film hay và đáng để nghiền ngẫm. Có rất nhiều chi tiết đáng nhớ trong bộ film cũng như có rất nhiều ý nghĩa sâu sắc sau mỗi cảnh quay, sau mỗi nhân vật.
Riêng một điều tôi nhớ rõ nhất là cảnh vị sư già bình thản ngồi viết chữ trên sàn gỗ, khi hai viên cảnh sát đang chỉa súng về phía gã thanh niên mưu sát tội đồ. Gã thanh niên lăm lăm trong tay con dao sát thủ còn đẫm máu. Sư bình thản bảo người cầm súng bỏ súng, người cầm dao bỏ dao, khắc hết lên những con chữ mà vị sư đang viết mực còn chưa kịp khô kìa. Thay vì bắn nhau, chém nhau, gây thêm thù chuốc thêm oán, đẫm máu trên sân chùa, kẻ sức môi thì kẻ cũng bể trán. Tôi thích cách vị sư già dạy cho cả ba người thanh niên cách giữ bình tĩnh, trút giận trên những con chữ thay vì bắn xối xả vào nhau. Một cách trút bỏ những ‘negative energy’ mà không gây tổn thương đối phương.
           

           
Khi lòng thù hận lên cao ngất ngưỡng, con người thường chỉ nghĩ đến những điều mình nên làm để thõa mãn cảm giác nhất thời, nhưng như thế kểt quả vẫn sẽ hoài kẹt trong vòng xoay của tạo thế.


Tôi ngưỡng mộ sự bình thản của vị sư già. Tôi cho rằng ông bình thản nhờ sự trãi nghiệm. Phải qua bao nhiêu trải nghiệm ngài mới có thể thản nhiên với dòng xoáy của cuộc đời như thế.

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Mùa Hè 1972

C21 F308 Trinh sát hóa học
Phạm Văn Thế, Đinh Văn Thi

Chuyện trăm năm ân tình cây và đất.

Sáng sớm trên cánh đồng Văn Giang, Hưng Yên. 24-4-2012. Nguồn: Nữ vương công lý

Xét về góc độ nghệ thuật thì đây là bức ảnh rất tuyệt. Có chiều sâu về không gian với những 5 lớp. Màu trời, màu nhà cao tầng, màu cây cối, màu đen của đoàn người và màu đất! Nhưng ngẫm lại thì nó lại chỉ có vài màu đó là màu nâu của đất, màu của máu loãng loang khắp không gian.
Tác giả đã dành cho phần trên của ảnh rất nhiều đất, và ngược lại, phần của đất lại rất ít đất (chỉ khoảng 1/8)! 1/4 bức ảnh là bầu trời, 1/4 là những tòa nhà kiên cố. 1/4 là cây cối um tùm. Và 1/4 còn lại là người và đất.
Những tòa nhà kiên cố, với điểm nhấn là cái tháp cao bầu bầu nhọn nhọn của kiến trúc Ả Rập lai căng, thể hiện sự xa hoa, phồn thịnh như đang muốn lấn át phần còn lại.
Hàng cây rậm rạp như một ranh rới rõ rệt và buộc người xem tập trung vào phần còn lại của bức ảnh. Với người và đất. Người ta vẫn nói ảnh phong cảnh mà không có người là vất!? Nay thì nó có đầy đủ rồi.
Thường thì buổi sáng sớm, trên cánh đồng Việt là những người nông dân lam lũ thức khuya dậy sớm. Nhưng trong ảnh này thì không phải. Đó là một đoàn người, có vẻ như đang đội mũ bảo hiểm, tay cầm gậy và khiên. Nông dân chắc hẳn không thừa hơi sáng sớm dậy đội mũ bảo hiểm và cầm gậy ra đồng tập thể dục được!
Vậy đoàn người này là những ai? Nhìn vào ảnh thì thấy họ vừa có vẻ trật tự, vửa có vẻ lố nhố, vừa tập trung, lại vừa có vẻ tản ra. Dường như họ đang tập hợp đội hình và đang tiến về phía còn lại của đám đất. Có cảm nhận như đoàn người này đi tới đâu, thì phần mặt đất nâu xám ít ỏi còn lại sẽ biến mất.
Có thể họ là đoàn quân tiên phong mở đường cho một trận đánh đẹp!
Người xem ảnh, có cảm giác như bị dồn ứ, cảm thấy thắt lại khi hình dung ra đoàn người kia tiến lại gần và nuốt mất phần mặt đất còn lại.
Có cảm giác như tất cả đã bị dồn vào phía chân tường!
Tất cả chỉ là cảm giác. Nhưng tôi xin bày tỏ sự nể phục với tác giả của bức ảnh trên. Vì những ấn tượng của nó đã in sâu vào trong não tôi.
Nguồn. Phair Zios

*****
Tình cây và đất
      Trần Long Ẩn - Tâm Đoan



Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở.
Cây thiếu đất cây sống sống với ai.
Chuyện trăm năm ân tình cây và đất.
Cây bám rễ sâu đất ôm chặt tận đáy lòng.

Những con đường trải dài bóng mát.
Những mảnh vườn trái ngọt cây xanh.
Ôi đẹp làm sao tình cây và đất, đem đến môi sinh mạch sống cho đời.

Trời xe duyên nên khiến anh gặp em, cho lứa đôi kết thành mộng ước của ngày xanh.
Rồi mai đây anh là đất em là cây.
Vinh phúc cho ai biết rằng từ đó mùa xuân vĩnh hằng...!

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Buồn tàn thu

... Có lần nằm võng mẹ tôi kể:
- Cạnh vườn nhà ông bà có dinh cụ Thượng. Cụ Thượng có nhiều hầu gái trẻ đẹp, không nhớ hết tên. Đêm đêm các cô gái hầu thay nhau vào nâng giấc cho cụ Thượng. Có những cô đẹp không được cụ “dùng” đến thì đêm đến tủi phận, mắc võng ngoài vườn, hát những câu bẽ bàng xa vắng. Các cô hát đến mức làm cho mẹ và các dì ở bên này vườn thuộc lòng cả bài. Mẹ hát chính là vì thương cảm cho thân phận các cô gái đẹp ấy. Cũng là để nhớ tuổi thơ sống cùng ông bà, trong khu vườn lạ lùng ấy…

… Ai bước đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng




... Nhưng năm tháng qua dần, Mùa thu chết bao lần.
Thôi tình em đấy, Như mùa thu chết rơi theo lá vàng ...

*****                                        
Võng mắc vào biển
                     
                                    Truyện ngắn của Phan Cung Việt
                               
              
Biển đêm. Ở cửa biển du lịch mới được khai phá này tựa như một đảo hoang. Biển thẫm đen như vục xuống tầng rất sâu với những tiếng trầm “oàm… oàm” rất kỳ lạ. Gió se se mát lạnh khác với mọi cửa biển khác. Triều rút rất nhanh, để lại những cọc đủ tầng đủ loại người ta cắm xuống để dùng cho công việc chài lưới và kinh doanh hàng quán, như trận địa thủy chiến thuở nào. Hàng cây mới đủ độ cứng cáp trước sóng gió trên mép bờ được dùng để buộc những chiếc võng dù. Đứng trong bờ nhìn mơ hồ cứ ngỡ một đầu dây võng được mắc vào biển. Gió giao qua lại, chúng hệt đàn chim về ngủ trước biển. Cách mắc võng như thể chúng đan cánh vào nhau.
Giọng trầm của người đàn ông chủ quán:
Anh nằm võng nghỉ cho mát!
Lại nói:
- Tối nay anh ngủ với em bé nhé!
Thường gặp ai, chủ quán cũng đon đả mời chào câu thứ nhất. Còn khi ánh lân tinh của biển hòa cùng ánh đèn điện tù mù từ quán hắt ra soi lên mặt ông khách nào đấy thấy được thì mới có câu mời thứ hai. Nói rồi thức thì tiếng sóng biển đêm vỗ lên oàm oạp một cái, xóa đi tất cả.
Tôi tên là Hấn, còn có biệt danh người đời đặt cho là “Cáo Hấn”. Suốt một đời xê dịch vất vả, được đồng đội đồng chí gọi là “cáo”, cũng chẳng hay ho gì. Thuở bé tôi hiền lành vô sự, ông bà nội ngoại vì thương yêu mà gọi vui là “Cá trưa chợ” tức là lờ đờ, ngây dại. Vào đời chẳng hiểu sao lại hóa “cáo”. ở cơ quan từ lâu lắm, có anh tổng kết mấy câu xanh rờn, chẳng ra yêu chẳng ra ghét.
- Thế giới “cáo” nhất là Phương Đông. Phương Đông “cáo” nhất là Châu á. Châu á “cáo” nhất là Việt Nam. Việt Nam “cáo” nhất là Bộ T. (tức bộ tôi làm việc). Bộ T. “cáo” nhất có “Cáo Hấn”.
Tôi tự thấy mình hiền khô, thậm chí có nét đần độn. Chẳng hiểu sao người ta lại đặt cho cái tên ranh ma vậy?
Toàn “cáo nhất” cả. Tôi cũng chẳng hiểu bản thân mình thế nào nữa.
Đi làm, chẳng rõ là quan hay dân, người ta dành hẳn cho tôi một phòng riêng, có điều hòa, điện thoại, máy vi tính tất tật… nhốt “Cáo Hấn” vào đó!
Trước cửa quán tôi ngồi lúc này có bốn năm cánh võng mắc xen vào nhau, quây quần rất đẹp. Chiếc võng ở giữa có người nằm, cuộn tròn đu đưa như một cánh dơi. Tôi đoán chắc là một cô gái, thuộc quán ông chủ. Người nằm võng vẻ nôn nao, một chốc lại nhổm dậy, nhìn ra biển rồi lại nhìn vào quán, cốt để tỏ khuôn mặt mình. Đúng là cô gái trẻ đẹp, có bộ ngực rất gợi, nhọn như hai hòn núi sót lại ngoài biển.
Bất chợt cô gái cất tiếng hát. Trước biển đêm, tiếng hát hoang dại thiết tha, đôi tai tôi bị thu hút lạ lùng không sao tả được.
Bài hát tôi thuộc từ nhỏ, do mẹ tôi hát vào đêm mưa. Lời bài hát như sau:
… Ai bước đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi ngày tháng em mơ hình bóng chàng…
Từ xa đường vắng
Qua mùa đông rớt, đến mùa thu chết
Rơi theo lá vàng…
Điệp khúc vút lên:
…Người ơi còn biết em nhớ mong!
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim quyên, nhờ gió đưa duyên
Chim theo gió bay về
Chàng quên hết lời thề…
Lại đến đoạn:
… áo đan hết rồi
Chưa quên dáng người
Chàng ngày nào tìm đến…
Còn nhớ năm xưa
Kề má say sưa
Nhưng năm tháng xa dần
Mùa thu chết bao lần!…
Cô gái cứ hát đi hát lại mãi không chán, theo nhịp võng đưa. Tôi xúc động bàng hoàng bởi nhiều lẽ, chất “cáo” biến mất, trở lại người xưa “lờ đờ cá trưa chợ”, mắt lại đỏ như cá, gieo mình vào chiếc võng bên cạnh cô gái, chạm cả vào đùi cô. Cô gái cứ hát, mê mẩn đến không biết gì. Tôi nghển cổ lên thì thấy chiếc võng bên kia quẫy lên như cá, một chốc thì có cái đầu người đàn ông cạo trọc hếu ngẩng lên, miệng há hốc, tựa cái đầu lâu người. Một chốc thì thấy cái đầu lâu như vùi hẳn vào tóc vào ngực cô gái. Cô gái cứ hát, một chốc thì xen câu nói tỉnh bơ, như là nói với riêng tôi:
- Anh đừng sợ. Đấy là anh Ngố, người xã này.
- Sao lại gọi là Ngố?
- Chính tên là Vâm, đi bộ đội đặc công về bị tâm thần, gọi là “Ngố Vâm”. Chúng em quen gọi là Ngố.
- Thế sao anh ta lại ở đây? Mất tiền không?
- Chừng năm nay rồi. Buổi tối nào, anh ta cũng đến đây nghe em hát. Chỉ nghe độc bài này thôi. Rồi ngủ ở đây luôn, mưa gió cũng mặc, cứ ngủ trên võng.
- Cô cho anh ta ngủ?
- Vâng. Cứ nghe hát là anh ta hiền khô, ngủ như trẻ con. Không thì hung dữ, quần đảo suốt đêm, có khi gây án mạng ấy chứ…
- Rồi sao nữa em?
- Nghe say quá, mỗi lần đổ cả vào người em, là anh ta ngủ. Quen rồi. Em phải “từ thiện” với anh ta đấy!
Biển vào đêm sâu lại vỗ lên, oàm oạp như tiếng quái vật, như tiếng đệm hoang dại cho tiếng cô gái hát. Cô gái càng hát càng mê hồn, nhất là những câu tỏ thân phận mình. Cuộc đời kỳ lạ không thể nói ra được. Hai bên tiếng hát của cô gái là hai đối cực, là hai thằng đàn ông khác nhau, một bên là “Cáo” – Cáo Hấn, một bên là “Ngố” – Ngố Vâm… Tôi day mình thức ngủ…
Trong mơ tôi nghe mẹ tôi hát. Nhưng mẹ tôi và cô gái cũng là hai “cực người”. Cô gái là người của gió sương giữa thời buổi kinh tế thị trường. Mẹ tôi là người của đạo Nho xưa, ông dạy chữ Nho, làm thuốc nổi tiếng. Mẹ là con gái nhà lành. Có lần nằm võng mẹ tôi kể:
- Cạnh vườn nhà ông bà có dinh cụ Thượng. Cụ Thượng có nhiều hầu gái trẻ đẹp, không nhớ hết tên. Đêm đêm các cô gái hầu thay nhau vào nâng giấc cho cụ Thượng. Có những cô đẹp không được cụ “dùng” đến thì đêm đến tủi phận, mắc võng ngoài vườn, hát những câu bẽ bàng xa vắng. Các cô hát đến mức làm cho mẹ và các dì ở bên này vườn thuộc lòng cả bài. Mẹ hát chính là vì thương cảm cho thân phận các cô gái đẹp ấy. Cũng là để nhớ tuổi thơ sống cùng ông bà, trong khu vườn lạ lùng ấy…
… Ai bước đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng…
Tôi mở mắt bàng hoàng. Cô gái đã ngưng hát mà sao tiếng hát vẫn quấn quýt đầy cánh võng. Biển trở mình mỗi lúc mạnh lên. Cô gái giật mình, đưa tay bê “cái đầu lâu” đặt vào võng bên, nghển đầu sang phía tôi. Tôi cũng nghển đầu lên:
- Anh không ngủ được à?
- Vâng! Tên em là gì?
- ở nhà gọi là Hảo, đến đây cải đi là Hiền. Còn anh? Cho em biết tên để sau còn nhớ nhau…
- Cáo. Tên anh là “Cáo”…
Cô gái ngẩng cao đầu, cười lên một tiếng rất lạ, lộ chiếc răng khểnh và đôi mắt long lanh. Khuôn ngực giờ đây mới căng hết sức trẻ:
- Anh không đùa đấy chứ? Sao anh lại tìm đến mãi tận đây?
- Còn em?
- Quê em ở Hoành Bồ. Em đến đây được một năm rồi. Hoành Bồ không có biển.
Rồi giọng cô chùng hẳn xuống, như biển vục xuống quãng sâu nhất, khác hẳn khi cô hát:
- Mai em về quê rồi, chấm dứt những “ngày sương gió”… Em về đi học nghề may!
Tôi có chút bàng hoàng. Cô gái ghé sát đầu tôi, tóc rất thơm:
- Em hát cho anh nghe rồi. Anh “thơm” em đi!…
Biển dào lên, đầy những ánh lân tinh ma quái.
Những chiếc võng nhất loạt bị gió biển đánh thức, như một đàn chim sắp vỗ cánh bay đi.

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Tiếng thở dài qua rừng kim tước

Cho đến nay, Tiếng thở dài qua rừng kim tước là tác phẩm hiện đại duy nhất của văn chương Việt về để tài Ấn Độ được đông đảo bạn đọc nhiều thế hệ đánh giá không kém cân lạng tác phẩm Mùa tôm của chính nhà văn Ấn Độ Thakawi Pilai đã dịch sang tiếng Việt.
Thân phận con người Ấn Độ thể hiện qua hai tác phẩm đều khiến người đọc rùng mình thương cảm. Thấy văn hóa Ấn vị tha cao cả nhưng cũng đầy ứ ác nghiệt của những chia rẽ tầng nấc xã hội.
Nhiều người cho rằng: Tiếng thở dài qua rừng kim tước có thể đọc lại bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào. Nó không hề bợn lên một cảm giác mòn cũ qua dòng chảy thời gian, bi ý nghĩa nhân bản của nó, không chỉ gói trong không gian văn hóa Ấn: sự băn khoăn có nghĩa và vô nghĩa của kiếp người.
Dù sau Hồ Anh Thái trở lại nhiều lần với đề tài Ấn Độ: Người Ấn, Người đứng một chân, Chuyện cuộc đời Đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua; thì Tiếng thở dài qua rừng kim tước vẫn là dấu mốc ám ảnh chói sáng. (Nguyễn Tham Thiện Kế)
 
Tiếng thở dài qua rừng kim tước

"... Đầu mùa khô là mùa hoa kim tước. Cả một vùng đồi sáng bừng lên hắt ánh vàng rực xuống làng khiến cho những cánh đồng hoa cải chỉ còn là một màu vàng hấp him nhợt nhạt hết sức thiểu não. Từng cây kim tước cao lớn rũ hết lá xanh chỉ còn giữ lại vòm hoa vàng buông xõa thướt tha như mái tóc vàng của đám con gái tuổi mười bảy..."
                    
         Truyện ngắn của Hồ Anh Thái
                                             
       Mười sáu tuổi Nilam đã làm cho lũ trai làng ngả nghiêng, đi đường thì sa chân xuống ruộng, đi cạnh hồ thì sẩy chân xuống hồ. Có đứa còn mang sáo đến thổi, thổi mà ngồi dưới gốc cây bồ đề tít tắp đằng xa, đến tai người đẹp thì chỉ còn là tiếng dế kêu hoang vắng.
      Sau mùa mưa, nhờ có người quen xin giúp, cha mẹ gửi Nilam lên thủ phủ học nghề hộ lý. Cô và một cô gái khác thuê chung một căn phòng nhỏ của một bà chủ trọ đầy ý thức giữ gìn gia phong nếp nhà. Người như bà ta một khi đã nhận đủ tiền thuê nhà thì lập tức trở thành viên cảnh sát mặc váy, thậm chí thành một mái gà xù lông xòe cánh che chở cho lũ vịt con ấp hộ mà chỉ sểnh ra là bị quạ và chuột tha đi mất.
      Cạnh phòng hai cô là hai chú sinh viên trường tổng hợp. Lạ gì cái thứ con trai như thế. Ở nhà trước mặt cha mẹ thì gằm mắt xuống, con gái đi qua trước mặt cũng chẳng dám nhìn, nhưng trọ học xa nhà thì như một lũ hổ đói sổng chuồng. Cả hai gã giống nhau là đều có một ánh mắt lục lọi. Khác nhau là một gã chỉ lục lọi nhìn Nilam, gã kia thì cái nhìn lục soát cả hai cô. Cô bạn gái tố cáo với viên cảnh sát mặc váy. Bà ta tức tốc gõ cửa một phòng trọ, vừa gõ vừa gọi một người nào đó tên là Ravi. Chàng Ravi mở cửa đi ra. Mắt sâu, râu quai nón, mỗi bước đi là một bước tự tin. Bà chủ giao cho Ravi việc để mắt trông chừng hai gã tổng hợp và hành động kịp thời khi cần. Thế là thành một cái dây: hai gã kia nhòm ngó hai cô. Ravi canh chừng hai gã, bà chủ thì bao quát tất cả. Cuối tháng bà xua hai gã đi nơi khác, lấy lại phòng trọ.
      Một sáng chủ nhật Ravi cho Nilam đi xem phim Mỹ. Cùng lúc cô phạm hai điều răn. Con gái quê không được phép có bạn trai trước khi lấy chồng, càng không được đi cùng bạn trai đến nơi công cộng. Con gái quê cũng không được xem phim Âu Mỹ. Nilam trước đây chỉ xem toàn phim Ấn Độ, có nhảy nhót hát ca, có những người hùng đi báo thù và giải thoát cho người đẹp. Phim Mỹ này thì người hùng chẳng ra người hùng, cũng chẳng có nhảy nhót hát hò í ới mà lại nhiều pha trần trụi ghê người. Nilam run rẩy bấu chặt tay vào vai Ravi lúc nào chẳng rõ. Anh điềm tĩnh gỡ tay cô ra, nắm chặt hồi lâu cho tới khi Nilam thật bình tâm mới nhẹ nhàng trả tay cô về chỗ cũ.
      Chủ nhật sau không phim Mỹ cũng chẳng phim Ấn Độ, hai người đi dạo trong khu vườn kim tước rậm rạp như rừng. Đang mùa hoa. Những chùm hoa kim tước rủ xuống như những chùm nho vàng tươi trong suốt, cả một vườn kim tước bừng sáng xõa ra như mái tóc vàng của người đẹp ngủ trong rừng. Ravi đột ngột ghé sát lại, má áp vào má Nilam. Cô nhắm nghiền mắt, môi mím chặt, sợ tái người cái cảnh môi bập vào môi trong phim Mỹ. Nhưng Ravi chỉ để cho chóp mũi chạm vào chóp mũi Nilam, rồi hai cái chóp mũi ấn Độ, hai tác phẩm tuyệt đẹp của tạo hóa cứ thế mà trườn lên nhau, cái này trơn trợt trên đường cao thanh tú của sống mũi người kia. Vào chính lúc mũi hai người gần như bắt cùng một nhịp thở, thì Ravi bỗng rung giật toàn thân, bật người ngồi thẳng dậy. Họ tựa vào nhau như hai con sóc đất gặp mưa cho tới khi qua cơn run rẩy.
      Tối đến, cô bạn gái chợt hỏi xem Nilam có coi Ravi là chàng trai tốt và người tốt có được phép đến khu vực đèn đỏ hay không. Khu vực đèn đỏ là thế nào? Cô bạn ghé tai giải thích một câu làm Nilam rùng mình. Đó là nơi những đứa con gái bị bắt cóc từ Nepal sang, hoặc gái quê được dỗ ngon dỗ ngọt là sẽ có việc làm ở thành phố, rốt cục phải bán thân nuôi chủ chứa. Chiều nay chính mắt cô thấy Ravi đi vào một nhà chứa, cách nơi họ ở mấy dãy phố. Nilam nhẩm tính và nhận ra rằng nếu thực sự Ravi tới đó thì anh đã tới sau lúc hai người chia tay.
      Cô bạn không muốn để Nilam coi mình là kẻ điêu ngoa dựng chuyện. Một buổi tối, cô ta từ đâu xồng xộc chạy về phòng, lôi tuột Nilam lao ra phố. Hai cô gái len lén bám theo sau Ravi, lẩn quất quanh co qua những đường phố tối. Đến trước ngôi nhà mờ mờ đèn đỏ có mấy cô gái Nepal đang chờ khách, Ravi rẽ vào.
      Nilam trở về, ngồi chờ Ravi trước cổng nhà. Chờ hơn một giờ, thời gian đủ để ứa hết nước mắt tới mức khi Ravi bước vào cổng thì mắt Nilam đã trở nên khô khốc. Ravi, anh đi đâu về? Ravi là người không thích nói dối, nên chỉ sững lại trước giọng nói ngàn ngạt và âm sắc quá lạnh lùng, và khi Nilam nói rằng cô biết rất rõ anh vừa từ đâu ra thì Ravi tin ngay rằng mình có lỗi. Một chàng trai Ấn đứng đắn là người trong cơn yêu vẫn biết giữ gìn sự trinh trắng cho người mình yêu. Đó là lời giải thích hợp lý đối với một cô gái Ấn Độ mặc dù không thể chấp nhận được.
      Sáng hôm ấy Nilam chuẩn bị tới bệnh viện thực tập thì bố mẹ từ quê lên. Nilam được phép thu xếp đồ đạc trong vòng nửa giờ để ra tàu về quê lấy chồng. Chú rể là Raja, không ai khác ngoài cái anh chàng dạo trước mang sáo đến thổi mà không dám đứng gần nhà, âm thanh xa xôi như tiếng dế kêu trên đồng bãi. Thực ra cha mẹ Nilam đã chọn Raja từ lâu, nhưng mãi tới nay mới tạm lo được khoản hồi môn trị giá 60.000 rupi nhà trai thách cưới. Đấy là khoản hồi môn phải chăng nhất ở làng mặc dù gia đình Nilam cũng phải bòn vét tới hạt lúa mì dự trữ cuối cùng để lo cho đủ. Lý do này khiến nhà gái chẳng thể trì hoãn bỏ lỡ. Chậm một vài năm nữa thì không thể cưới chồng cho Nilam với giá ấy.
      Cứ ào ào như nước tràn qua đập. Thôi thì bỏ hết, bỏ cả lớp y tá, chỉ cần bà chủ trọ biết là đủ, Ravi thì ở trường đến chiều mới về. Chỉ mới cách đây mấy hôm Nilam đã bắt anh phải thề trước thần tình yêu Kama và thần lửa Agni rằng sẽ không bao giờ mò tới khu vực đèn đỏ. Làm như vậy mà vẫn phải giữ trinh tiết cho người mình yêu là một việc quá đỗi khó khăn, nhưng Ravi đã thề. Thần Kama chứng giám cho tình yêu của anh. Và thần Agni sẽ nổi lửa hỏa thiêu Ravi nếu anh không giữ được lời thề.
      Nhưng từ đây Nilam không còn là của anh nữa, cô muốn nhắn anh rút lại lời thề. Nhắn cho trai qua bà chủ thì không có một cô gái nào dám làm.
      Lễ cưới được tổ chức tằn tiện trong ba ngày. Các cuộc tế lễ của ngày đầu tiên đều xuôi xẻ thuận chiều. Raja sướng phát cuồng, rủ bạn bè ra chân đồi, chui vào bụi uống hết chai rượu dấm dúi mua giấu các vị phụ huynh. Ngồi trên lưng con ngựa trắng đến nhà gái để làm lễ thề nguyền trước thần lửa, Raja hát rống lên trong nước mắt chan hòa. Anh em bằng hữu tháp tùng có thể nhảy múa hát hò tùy thích, chú rể thì không. Lại càng không được để rơi nước mắt. Người ta lôi Raja xuống, lau sạch nước mắt, trang điểm lại, nhưng anh ta vẫn hát ra rả đến mức có người định lấy giẻ nhét vào mồm, sợ nhà gái biết được. Rồi Raja nhất định không chịu leo trở lên lưng ngựa mà lao vào giữa đám bạn bè, nhảy múa cười hát như đi dự lễ cưới của một người khác.
      Tin bay tới nhà gái. Kẻ được kén làm rể hóa ra là một tên rượu chè be bét. Hắn lại còn không chịu leo lên lưng ngựa, khác nào hắn tự chối bỏ quyền được làm chú rể. Đám rước chú rể bị yêu cầu dừng lại giữa đường. Đại diện nhà gái đùng đùng kéo sang nhà trai, hùng hồn tuyên bố rằng Raja là một kẻ không được chấp thuận trong quan hệ thông gia. Phía nhà trai như bị sét đánh, rúm dó cả lại trong nhục nhã ê chề. Thôi thì rõ ràng là lỗi ở con trai chúng tôi, nhưng hủy bỏ một đám cưới thì làm sao cứu vớt được danh dự cho gia đình này, mong nhà bên ấy độ lượng suy xét lại. Giờ thì chúng tôi sẵn lòng chỉ nhận 55.000 rupi.
      Bớt được năm ngàn để nhận một món hàng kém phẩm chất như thế thì đến lượt nhà gái bị ô danh. Cứ xem hàng may sẵn ê hề ngoài chợ kia, lỗi mốt một cái là bị hạ giá năm mươi, sáu mươi phần trăm, thậm chí giảm tới tám mươi phần trăm mà có ma nào thèm nhìn tới.
      Cơ quan đầu não của nhà trai hoàn toàn bị tê liệt, nhưng hình như cái ngọ ngoạy của một ngón tay đã cứu được cái cơ thể gần chết cả mười phần. Amar, thằng em con chú của Raja, ghé tai ông bác thì thầm, từng lời như liều thuốc hồi sinh tưới vào cái tử thi xám ngoét của ông. Rồi cứ như kẻ bị nhập đồng, nghe được câu nào ông để nó văng ra cửa miệng câu ấy. Thằng Raja nó đốn mạt, chúng tôi xin nhận lại cháu để dạy trong nhà, nhưng nó còn hai đứa em trai, mười tám đôi mươi cả, thêm thằng Amar nữa là ba. Xin nhà bên ấy chọn cho một đứa làm rể để đổi lấy thằng Raja, và chúng tôi chỉ xin lấy 50.000 rupi hồi môn.
      Thôi cũng đành. Thầy tử vi lập tức được gọi đến kẻ kẻ vẽ vẽ. Ban đầu dường như Nilam hợp với cả ba ứng cử viên loại hai kia. Đến phép cuối cùng thì cung Song Ngư của Nilam loại bỏ không thương tiếc hai chú em ruột của Raja, mà chỉ còn hợp với cung Trinh Nữ của Amar. Cái thằng Amar tẩm ngẩm tầm ngầm, ai cũng bảo là hiền lành, đột nhiên thành cái đầu của cả họ, rồi nhảy lên lưng con bạch mã cứu vớt thanh danh cho cả họ.
      Nilam về làm dâu nhà Amar. Con chú con bác sống chung một nhà nên cô không làm sao tránh mặt Raja, ngày nào Raja cũng mang sáo ra thổi, giờ thì tiếng sáo rất gần, ở ngay trong nhà, thật là phẫn, thật là não nùng đến mức Nilam phải nhân lúc vắng người nói với Raja rằng nếu anh cứ thổi sáo như thế một tháng nữa thì cô sẽ phát điên lên mất. Raja không nói gì, lẳng lặng bỏ ra ngồi bên miếu thờ Siva cách xa nhà, tiếng sáo chỉ còn vo ve như tiếng muỗi.
      Cưới nhau gần một tuần, Nilam vẫn còn là gái trinh. Nhà không dành phòng riêng cho cặp vợ chồng mới cưới, nếp nhà trong những gia đình như thế buộc đàn ông ngủ ở phòng đàn ông, đàn bà ngủ bên phòng đàn bà. Nilam ngủ cùng với mẹ chồng và hai cô em chồng đã bắt đầu hấm hứ xét nét.
      Một hôm hai đứa em đã ra đồng thu hoạch hạt cải, nhà chỉ có mình Nilam và bà mẹ chồng, thì giữa buổi sáng Amar đột nhiên bỏ cửa hàng tạp hóa về nhà, kêu nhức đầu rồi vào phòng đàn ông đóng cửa lại. Nhìn căn nhà vắng, bà mẹ hiểu thời cơ đã đến, bèn bảo Nilam đun nóng một cốc sữa tươi bê vào cho chồng. Amar không hề nhức đầu. Anh ta cuống cuồng khóa trái cửa, ừng ực uống cốc sữa nóng, rồi sùng sục vồ lấy Nilam, vồ trượt mấy lần như vồ một con gà trên cái sân rộng. 
      Không có môi chầm bập lấy môi như trong phim Mỹ. Cũng chẳng có cử chỉ dịu dàng chạm mũi như của Ravi. Chỉ có tiếng sáo của Raja rên xiết ngoài xa.
      Tháng ngày cứ trôi, đàn ông cứ ngủ trong phòng đàn ông, đàn bà cứ ngủ phòng đàn bà, Nilam cứ thỉnh thoảng ê chề trên chiếc giường đàn ông, bất động như một xác người bị đâm chết. Bao giờ cũng vào buổi sáng, sau một cái đưa mắt đầy âm mưu của hai mẹ con Amar, sau một cốc sữa tươi tồng tộc vào miệng Amar, được xem như một liều tăng lực cho đàn ông. Tiếng sáo của Raja thì ngày càng lãng đãng phiêu diêu như một tiếng say, mặc dù anh chẳng khi nào động đến rượu nữa.
      Nilam sinh con gái. Sinh một đứa con gái tức là bắt đầu một cuộc ráo riết gom góp hồi môn cho nó lấy chồng mười mấy năm sau. Cả nhà đều thở dài ngao ngán trước sự khởi đầu không may mắn. Amar còn hai cô em gái đã đến tuổi gả chồng nhưng đánh tiếng mãi mà chưa ai đến. Nhà có hai con gái, của nả trong nhà sẽ phải chia đều thành hai món hồi môn. Giá như chỉ có một đứa con gái thôi thì chắc đã có người tới. Nay lại thêm một một đứa cháu gái nữa. Nilam bị nhiếc móc là cái thứ đàn bà đến đẻ cũng chẳng nên hồn.
      Lại nữa, sau khi Nilam đã về nhà chồng, người ta mới làm phép tính cộng đơn giản, cộng dây chuyền, vòng tay, vòng chân, nhẫn và hoa tai vàng với cái tivi và một số đồ dùng gia đình, cộng cả cái xe máy mua cho Amar, thì đáp số mới chỉ xấp xỉ 40.000 rupi. Dào ôi, không đủ tiền hồi môn thì cứ cho con gái ở nhà, cái lối đâu lại nhập nhằng gian dối như thế. Cha mẹ Nilam thú thực rằng đã bòn vét cả gia sản mới được chừng ấy, xin hãy tạm bằng lòng để chờ lo liệu trả nốt 10.000 rupi còn thiếu.
      Nilam lại mang bầu. Bà mẹ chồng vào ra gầm ghè. Quân này chỉ đẻ rặt con gái cho mà xem, rồi thành quân ăn tàn phá hại trong nhà bà. Của rẻ mạt, người ta nhận cho với cái giá đổ đi mà còn tính gian lận 10.000 rupi, nhà bên ấy thật đúng là phường lừa đảo. Đến lúc ấy, Nilam không im được nữa, vì người ta đã động đến cả gia đình cô. Ái chà, danh gia vọng tộc gớm nhỉ, bùn đất chui ra, sâu bọ lên làm người, muốn giỏi muốn tốt thì bà sẽ cho về làm bùn đất làm sâu bọ. Nilam bị cuốn vào việc ăn miếng trả miếng. Chưa biết ai phải làm sâu bọ phen này, các vị thần linh đều đã chứng giám đây là nhà chồng cô, cô sẽ không dễ để cho người ta đẩy đi đâu khác.
     

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

TRỜI HÀ NỘI XANH

         
Trời Hà Nội xanh
         Văn Ký - Vũ Hoa

Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội
Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh
Thân thương quá nụ cười người Hà Nội.
Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi ,Hà Nội ơi!

Ta chưa quên,ta chưa quên một mùa thu
Hà Nội vùng lên ,Hồng Hà cuộn sóng.
Ta chưa quên những ngày đêm mịt mù bão lửa.
Đêm pháo hoa anh lại gặp em.
Trời "Điện Biên Hà Nội" chiến thắng.

Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội.
Cầu Thăng Long soi bóng nước sông Hồng.
Tiếng người nói âm vang hồn sông núi
Hà Nội đi lên hôm nay trong nắng Ba Đình.

Cho mãi mãi một tình yêu Hà Nội
Rồi sẽ quen phút bỡ ngỡ ban đầu.
Tiếng người nói xôn xao mùa xuân tới
Hà nội reo vui hôm nay tiếng hát xây đời

BÀNG QUYÊN

       TẠ DUY ANH
          Một đời sống chết vì nước Ngụy, ai bảo Bàng Quyên không là một trung thần? Nếu không thế, với binh hùng tướng mạnh trong tay đến ngay cả Tần quốc hổ báo còn phải nhường một bậc, hỏi Ngụy Vương là cái thá gì mà không chém phăng đi để xưng Vương, chỉ còn dưới có trời nữa mà thôi?
   
Ai bảo Bàng Quyên không là một bậc trí? Ngồi trong trướng mà điều binh khiển tướng, kẻ địch bày kế gì biết kế ấy, sấm sét bên tai mặt vẫn điềm nhiên như không, trong bại đã tính được nước thắng, biết bỏ cái nhỏ cầu cái lớn, biết thả con sói để bắt con hổ, trí đến thế thiên hạ liệu được mấy người?
       Uy danh lừng lẫy đến nỗi bọn lân bang vừa nhắc đến tên đã rét run, chưa là bậc dũng hay sao?
          Dùng được hiền tài không thể không là bậc tín? Không vắt chanh ném vỏ, không thể không là bậc tín?
          Biết khoan dung kẻ dưới, lấy xương máu làm trọng, người thiếu nghĩa, không thể làm được.
         Kẻ có trung, có trí, có tín, có nghĩa, có danh... sao vẫn cứ là kẻ tiểu nhân, chết từ nghìn năm nay vẫn không thôi bị đem ra nguyền rủa?
          Bởi vì Bàng Quyên trung mà bất trung. Ông ta chẳng vì nước Ngụy mà vì chính bản thân mình. Kẻ đem Tổ quốc ra đánh cược là kẻ đại nghịch vô đạo.
          Ông ta trí mà bất trí. Tưởng mình biết mà hóa ra chẳng biết gì, biết cái bề ngoài mà không biết cái ẩn trong sâu xa; cái huyền diệu hư hư, thực thực... là kẻ giống như ếch ngồi đáy giếng, thùng rỗng kêu to, u tối lắm thay!
         Làm cho người khác sợ nhưng không khiến họ phục, cướp thiên hạ bằng gian kế tưởng được mà mất hết, bậc dũng thật sự trong kim cổ không làm thế. Đó là cái uy nhất thời của kẻ côn đồ.
          Đã nuốt lời với trời đất phản lại tình huynh đệ thì càng tín với người đời càng lộ chân tướng của kẻ giả dối đại bất tín. Chẳng qua cũng để mị dân mà thôi.
          Kẻ bất trung, bất tín, bất trí, bất dũng làm sao lại có nghĩa được.
          Cuối cùng sử chép: “Bàng Quyên chết bởi nghìn mũi tên” - linh ứng với lời thề cùng Tôn Tẫn. Xét kỹ ông ta chỉ thiếu một chữ “nhân” mà thôi. Người quân tử không thể không là bậc nhân; còn kẻ tiểu nhân, dù có tất cả vẫn không thể có nhân.
          Hơn kém nhau một chữ, kẻ lưu danh thơm thiên cổ, kẻ bia miệng đời đời. Đáng ngẫm lắm.

TÔN TẪN

   TẠ DUY ANH

          Một cơn lốc ào ào, cuốn theo bụi và lá vàng mù mịt. Quái, trời đầy sao mà lại có lốc xoáy? Còn đang ngơ ngác tự hỏi thì bỗng đâu một khuôn mặt người hiện ra, vầng trán vằng vặc, mặt thư sinh sáng sủa. Duy chỉ có cặp mắt là vẫn buồn, như hai ngàn năm trước.       
- Ta đây.
- Ngài còn việc gì ở thế gian này chăng?- Ta chả còn việc gì quan trọng cả. Tối qua ta bỗng thấy nóng ruột. Sau phát hiện ra hậu thế có kẻ khóc mình. Ngươi có thể nói vì sao ngươi khóc ta không?
- Tôi xem phim về ngài, thấy ngài là bậc nhân, nghĩa, trí, tín, dũng có thừa cớ sao phải khổ thế. Bị chính thằng em kết nghĩa đố kỵ mà vu oan giá họa, chặt mất hai cái bánh chè. Đàn ông mất hai cái bánh chè khác nào hổ bị trói! Đã thế lại còn phải giả điên, ở chung với lợn, ăn cả phân để người khác tin là mình điên. Nếu là kẻ hậu sinh này, sống nhục như vậy thà tôi chết quách cho rồi.
         - Ngươi nói xong chưa?
         - Tiện đây tôi còn có điều muốn hỏi ngài.
        - Được. Cứ từ từ. Để ta nói cho ngươi biết vì sao ta không chết. Nếu ta chết thì quá lắm sử cũng chỉ chép về ta được một dòng: Tẫn là kẻ có khí tiết, thà chết không chịu nhục. Thật đúng điệu phải không. Kẻ sĩ có thể đem giết, quyết không thể làm nhục! Thánh nhân chẳng dạy thế đó ư? Nhưng đấy là kẻ sĩ tầm thường, không phải kẻ anh hùng. Sống để lập công nghiệp mới khó chứ chết thì dễ ợt. Vả lại còn đức hiếu sinh. Trời cho ta làm người hẳn phải có ý gì chứ? Ta chết sớm thì đâu còn có lúc ngươi khóc ta.
- Thôi được! Kẻ hậu thế này trí lự thấp kém, không thể hiểu được ý nghĩa cao sâu ấy. Nhưng dám xin hỏi ngài người nước Tề, khi tổ quốc lâm nguy, kẻ sĩ dốc lòng vì xã tắc, không quản mệt nhọc, lao tâm khổ tứ, là hợp lẽ trời, có thể hiểu được. Nhưng cơ đồ nước Hàn còn hay mất, trời có trách tội ngài đâu. Vậy mà sao ngài cũng khổ thế, dốc trí phụng sự một lũ vừa ngu vừa hèn, lại kiêu ngạo đến đáng ghét. Ngài vì cái gì mới được chứ?
Im lặng.
- Ngài không trả lời tôi?
Im lặng.

        - Ngài sao thế? Trời ơi, kẻ trí dũng ngang trời mà khóc đỏ hoe cả mắt thế kia sao? Tôi có điều gì thất lễ chăng?

       - Lão Tạ này! Cảm ơn tấm lòng tri ngộ của ngươi. Về điểm này ít người hiểu ta lắm. Thực ra Tề Uy Vương cũng hèn nhát không kém, lại còn vụ lợi nữa, đâu có thực lòng cần ta. Nhưng dù ở đâu ta cũng phải dốc sức, hiến đủ kế lạ bởi chỉ cốt giữ cái mạng mình, chỉ cốt chứng tỏ ta còn có lợi cho họ, chưa thể giết hoặc đem trả Bàng Quyên...

          Tưởng như có tiếng sét vỡ trời vỡ đất, tỉnh dậy té ra vừa nằm mơ, nước mắt bây giờ mới ròng ròng... Vừa hay trời sáng.

LÃ BẤT VI

       TẠ DUY ANH
        Giầu có vào bậc nhất nước Triệu, có trong tay mỹ nữ vào loại nghiêng nước nghiêng thành, Lã Bất Vi có thể an nhàn, ngao du hưởng lộc trời, hưởng thiên hạ suốt một đời.
         Tưởng chẳng còn cấp nào sướng hơn?
        Có thể ra vào soái phủ như ra vào nhà mình. Bước một bước có kẻ nâng khăn sửa áo. Đầy tớ, gia nhân đầy nhà. Lầu son gác tía. Kẻ cầu cạnh nhờ vả luôn đầy đường, có thể ngồi một chỗ mà bắt thiên hạ theo ý mình.
        Tưởng chẳng còn cấp nào sang trọng, quyền quý hơn?

       Giữa buổi chinh chiến, tao loạn nhìn ra được cục diện thiên hạ của nhiều chục năm sau, biết ẩn thân chờ thời đợi thế để tung hoành.
        Tưởng chẳng còn ai trí lự hơn?
        Biến nguy thành an trong gang tấc, chạm mặt cái chết vẫn tĩnh lặng như không, uốn ba tấc lưỡi mà từ kẻ tiện dân thành thượng khách cung đình.
         Tưởng chẳng còn ai cơ mưu hơn?
        Dám đầu cơ Hoàng đế, thiên hạ chưa ai từng làm. Là một thương gia ngoại quốc mà ra tay sắp đặt triều chính nước khác, thiên hạ chưa ai từng thành công. Sử chép rằng về sau Lã Bất Vi được làm tướng quốc của nước Tần hùng mạnh, hưởng lộc như nước, đầy tớ môn khách trong nhà có đến hàng vạn. Lại viết cả sách gom hết chuyện trời đất đặt tên là Lã Thị Xuân thu, lưu truyền hậu thế.
         Danh được thế nào thiên hạ có mấy người?
        Sử chép tiếp: Do những tội tày trời mắc phải, Lã Bất Vi tự liệu sẽ bị Tần Thủy Hoàng (con trai mình) giết, nên uống thuốc độc tự tử trước.
        Chẳng rõ khi đó Lã Bất Vi nghĩ gì? Suốt cả nghìn năm sau thiên hạ nghĩ gì. Một kẻ làm bố mà không dám nhận con, tưởng chẳng còn cấp khổ nào hơn? Chết bởi tay con đẻ mình là đại vô phúc. Nhìn kẻ khác giày xéo vợ mình là đại nhục.
        Nhưng có lẽ cái sẽ còn lưu truyền hậu thế là hành động đại ngu của Lã Bất Vi: Đem dâng mỹ nhân cho một thằng nửa người nửa ngợm, với một hy vọng vô minh vào bậc nhất kể từ khi có sử chép chuyện thiên hạ.
        Hỡi ôi giấc mộng Hoàng Lương. Tiền tài mà làm gì! Danh vọng mà làm gì! Quyền lực mà làm gì! Chỉ đáng một cái phảy tay của trời đất.
        Nhưng mấy nghìn năm được mấy người tỉnh ra?

DƯ ÂM


***
Nhạc sĩ Văn Dung là người mê Thiền, nghe tiếng một ông sư chùa ở mạn Vĩnh Tuy ngộ Thiền sâu sắc liền cất công tìm để đàm luận, lần đầu tới không gặp, lần thứ hai tới phải chờ rất lâu ông ấy mới ra, từ chối đàm luận, chỉ nói ngắn gọn: Thiền là sự suy ngẫm im lặng của mỗi người. Suzuki cả đời ngộ thiền tới cuối đời lại giở chứng viết 3 cuốn Thiền luận dầy cộp thế là phá hết Thiền nghiệp. Văn Dung gặng hỏi thêm thì ông ấy nói: Ông là nhạc sĩ chắc biết ca khúc Dư âm của Nguyễn Văn Tý đó là thiền đích thực chứ đâu. Văn Dung giác ngộ liền quay về.
 
(Nguyễn Hồng Sinh)

Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925, gốc người Hà Nội, nhưng sinh ra và lớn lên tại Vinh. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, ông tham gia kháng chiến trong đoàn Văn Công, và sau này là một trong những nhạc sĩ thành lập Hội Nhạc Sĩ năm 1957 tại Hà Nội. Ông sáng tác nhiều ca khúc thuộc nhiều thể loại khác nhau, nhưng ca khúc trữ tình kiểu "tiền chiến" chỉ có bài Dư Âm.

Ông kể: "Lúc đó là năm 1950, tôi đang là Trưởng đoàn Văn công Sư đoàn 304 đóng ở Thanh Hoá. Một lần đi công tác vào Quỳnh Lưu (Nghệ An) có ghé vào một gia đình. Còn nhớ nhà đó có hai chị em, cô chị 22, cô em 16. Mới đầu là định tán cô chị. Đang ngồi nói chuyện với cô chị thì cô em ra, đứng sau ghế, giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. Tôi cũng sững sờ nhìn lại. Cô chị nhận thấy thế, quay lại, mắng và đuổi cô em xuống bếp.

Đêm đó, khoảng 11 giờ đêm tôi đến ngóng bên hàng rào. Cô em đang gội đầu ngoài sân, rồi hong tóc, tóc đổ dài như suối dưới ánh trăng, rồi lấy đàn guitar ra dạo và hát. Tôi ngồi nghe cách đó khoảng 30m. Không nhớ bài hát gì, chỉ biết là êm ả lắm. Suốt đêm tôi không sao ngủ được, và chong đèn viết Dư Âm. Bài hát được nhiều người thích. Nhưng tôi cũng khổ vì bài hát này lắm. Đơn vị lôi tôi ra kiểm thảo. Tại sao anh lại sáng tác một bản nhạc ủy mị thế này? Cả nước đang chiến đấu mà lại cứ anh anh, em em sướt mướt..."

YÊN TỬ

       

          Non nửa đường đi bằng cáp treo rồi mà phần còn lại vẫn bằn bặt trong thâm u. Những bậc đá cheo leo, dựng đứng ngay trước mũi. Vật vã chừng hai tiếng đồng hồ, gặp một nhà sư đẹp trai  thong dong bước xuống.
           “A di đà Phật! Đường còn xa không thầy”?
          “Gian nan đấy. Mà xem chừng đi như thế thì đến tối chưa chắc tới nơi”. Nhà sư cười, hàm răng trắng tươi. Ơ kìa, người tu hành mà cũng thích đùa nhỉ?
          Leo thêm tiếng nữa, dừng lại vuốt mồ hôi, thở. Người bạn cùng đi chỉ tay lên phía sườn núi xa mờ: qua chặng kia là đến! Nhìn theo tay bạn thấy tuyệt vọng. Một cô gái  cũng bỏ gậy, ngồi phệt xuống bậc đá. Mặt cô tái mét, vắt không ra giọt mồ hôi: “Thôi. Xuống. Không đi nữa”. Anh bạn trai của cô động viên: “Cố lên tí nữa. Sắp đến rồi”. “Sắp cũng thôi” - đột nhiên cô gái cau mặt, gắt - “Có gì đâu mà đi”?
          Không có gì thật. Chỉ có đá và những bụi cây dại. Rừng trúc đã ở lại dưới xa. Ở lại dưới xa “thăm thẳm mây ngàn”. Ở lại dưới xa “véo von con sáo sậu”. Những câu hát nổi tiếng lãng mạn đã tự tắt trong lòng từ lâu. Chùa Đồng, đỉnh núi, tận cùng con đường. Chỉ đá và cỏ. Và gió hoang sàn sạt thổi mòn núi từ bao thế kỷ.
          Anh chống gậy, ngửa mặt nhìn trời. Chợt hiểu vì sao bao nhiêu người bỏ cuộc ở lại dưới xa kia.
          Cứ đi cứ đi. Đừng nghĩ đến đích. Làm gì có đích.
             Đó không chừng là bài học câm lặng vĩ đại của Yên Tử.
    

TRẦN ĐỨC TIẾN