Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Sông cứ chảy. Ừ, sông cứ chảy !

Phạm Hữu Quang (1952 - 2000)
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín kể: "Bữa nhậu ở Hà Nội có Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, bỗng Nguyễn Đình Chính đọc lại hai câu thơ
   Giang hồ ta chỉ  giang hồ vặt
   Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà
  
Rồi hỏi :
- Biết thơ ai  không ?
- Không.
- Của Phạm Hữu Quang. Mọi người hãy uống gởi cho Quang một ly đi."
  
Rất nhiều người thuộc bài Giang hồ mà không hề biết tác giả là ai. Có lần người bạn tôi ở Huế vào chơi, hứng lên ngâm :
   Tàu đi qua phố, tàu qua phố
   Phố lạ mà quen, ta giang hồ
   …
   Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
   Mây trắng trời xa trắng cả lòng
   …
   Giang hồ ba bữa buồn một bữa
   Thấy núi thành sông biển hóa rừng
    
Trời ơi, cái giọng Huế buồn đẫm, quán vắng chiều mưa lai rai không dứt, sao mà buồn, mà nhớ bạn tôi Phạm Hữu Quang quá thể !
... 

Phạm Hữu Quang đi xa rồi, thơ anh vẫn còn có người nhớ, vẫn đọng lại ít nhiều trong lòng bạn đọc, thơ anh giống như dòng sông Hậu quê nhà : "Sông cứ chảy. Ừ, sông cứ chảy !". (Trần Hữu Dũng)
 
Phạm Hữu Quang, tuổi Nhâm Thìn
GIANG HỒ
   
                        Phạm Hữu Quang
  
Tàu đi qua phố tàu qua phố
Phố lạ mà quen ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi trèo thang với… giặt đồ

Giang hồ đâu bận lo tiền túi

Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình


Giang hồ có bữa ta ngồi quán

Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si

Giang hồ mấy bận say như chết

Rượu sáng chưa thưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu

Giang hồ ta chẳng hay áo rách

Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở vệ đường

Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc

Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!
   
5-1991

Bài thơ hay

Phận gái lớn rồi phải thế

Tiễn con gái về nhà chồng
                      Nguyễn Hoàng Sơn

Hóa ra Bố lại yếu lòng hơn Mẹ
Lúc người ta đến đón dâu
Mẹ cười rất tươi
Mà Bố thì rưng lệ
Lời thơ ngập ngừng nghẹn giữa câu . . .



Của hồi môn.


   
    
Bố chẳng buồn đâu
Ai lại buồn trong một ngày như thế
Bố chỉ thương con
Vất vả hồi thơ bé        
Thuở ấy nhà ta thật nghèo

Con vừa sinh ra đã phải cùng chia sẻ
Một quả trứng ba người nhường nhau
Mền bông rách truyền hai thế hệ


 
Thuở ấy nhà ta thật nghèo.
                






Thời khốn khó tránh sao điều nặng nhẹ

Con buồn nhiều không khi bố mẹ bất hòa ?
Giờ con thành con người ta
Phận gái lớn rồi phải thế
 
                                      

Hương Thảo. Saturday, ‎August ‎01, ‎2009
                        

 
       
Con mặc váy cưới kiêu sa
Cổ mang vòng vàng sang quý
Bố không ưa bày vẽ
Nhưng ngày vui con không thua kém bạn bè ...
Xe hoa đưa con đi

Căn nhà đột nhiên trống trải
Vẫn biết mai các con lại về
Nhưng có điều gì đã rời xa ... xa mãi ... 
Nâng ly rượu một mình trong căn nhà trống trải

Ta già rồi ...                 

                
Mamma Robertino Loretti

Hai cây hoa

A Soft Spring Evening. Tranh Han-Wu  Shen
Đề thi văn của tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc.
   
Đọc câu chuyện ngụ ngôn sau đây, rồi viết bài văn không ít hơn 800 chữ theo yêu cầu.
    
Một con chim Ưng từ trên đỉnh núi Tựu lao như cắt xuống, quặp luôn một chú cừu non rồi bay đi. Quạ trông thấy hết sức thèm muốn, nó nghĩ bụng: Giá như ta cũng có bản lĩnh như vậy thì tốt biết chừng nào. Thế là quạ ta liền bắt chước động tác lao xuống của gã chim ưng, cứ thế mà dày công luyện tập. Quạ ta cảm thấy mình tập đã khá lắm rồi, liền từ trên cây vừa kêu "quạ quạ" vừa lao xuống, nó xà xuống mình chú cừu non, muốn quặp lấy chú cừu non bay lên, thế nhưng thân mình nó nhẹ quá, móng chân nó bị cuốn vào lông chú cừu non, cho dù quạ ta gắng sức vỗ cánh thế nào đi nữa cũng không thể bay lên được, rốt cuộc nó bị người chăn cừu bắt đi.
Đứa con của người chăn cừu trông thấy, liền hỏi cha đây là loại chim gì, người chăn cừu nói: "Đây là loại chim nó quên mất cả tên mình là gì". Đứa bé vuốt ve mình quạ và nói: "Nó cũng rất đáng yêu đấy chứ."

Yêu cầu. Phải lý giải toàn văn câu chuyện ngụ ngôn cho sẵn, song có thể dàn bài từ một khía cạnh, một góc độ để viết. Tự xác định dàn ý, xác định thể loại bài văn và xác định tiêu đề; không được thoát ly hàm ý của tài liệu cho sẵn, không được bắt chước, không được sao chép lại.
                            
Bài làm.
Hai cây hoa
   

Emile Munier, Essai de l'Eau
                
Trong sân có cây hoa. Gọi nó là cây hoa vì nó là cây Hòe cao to sừng sững thẳng đứng dưới bầu trời trong xanh, tán lá xum xuê dang rộng ra che phủ thành một khoảng đất râm mát. Sương sớm quá dày đặc, những chùm hoa Hòe cứ từng chùm từng chùm chen chúc nhau, xô đẩy nhau. Hương hoa quá nồng, nồng đến nỗi ngát thành một mảng màu trắng, có những chùm như từng sợi dây xiên nhau đắm chìm trong gió, rồi rủ xuống trong như những chiếc chuông gió tinh tinh tang tang đung đưa dưới ánh nắng mặt trời.
Hoa đẹp như vậy, cứ đến tháng ba hằng năm thu hút biết bao trẻ con lớn nhỏ đến chơi với nó.
Thế nhưng, bé Lạc, đứa em họ tôi lại nói: "Em cũng trồng một cây hoa."
Tôi trêu nó: "Thế Lạc trồng hoa gì nào?"
Nó nhìn quanh một lượt, rồi chỉ tay vào chậu hoa màu xám để ở một chỗ rồi nói: "Kia kìa, hoa đấy."
Tôi đưa mắt nhìn theo, cười đến xuýt ngã ngửa. Đấy là một chậu cây Văn trúc sống dở chết dở, bị mẹ tôi bỏ vào một xó. Đừng nói đến thân cây mềm oặt, mà ngay cả đám lá hình kim cũng ỉu xìu xìu, còn cây Văn trúc có thể nở hoa hay không, cũng đủ khiến đứa em họ tôi bé Lạc vắt óc rồi.
"Không thể được đâu, em biết không, cây Văn trúc là cây Văn trúc, còn cây Hòe là cây Hòe, Văn trúc không bao giờ nở hoa đâu."
Thế là từ đó, bên ngoài cửa sổ là cây Hòe diêm dúa, bên trong cửa sổ là chậu Văn trúc héo hon ỉu xìu.
Mùa xuân trôi qua. Cây Bạch dương quyến luyến nhau, cỏ lên xanh rờn, chim Ưng gấp bằng giấy bay bay, lũ trẻ vui vầy. Chỉ có mỗi bé Lạc em họ tôi đưa ra kế hoạch trồng cây hoa của nó, nó thi hành rất nghiêm chỉnh không lười biếng chút nào. Hoa sen thoang thoảng hương thơm, tiếng côn trùng kể rỉ rả, đâu đâu cũng trăm hoa đua nở, lá cành xum xuê. Chỉ mỗi đứa em họ tôi, yêu hoa chăm sóc hoa, xới đất tưới cây.
Mùa thu trôi qua. Gió thu lành lạnh, cây cối rụng lá, trái quả trĩu cành, hương lúa ngất ngây. Chỉ mỗi đứa em họ tôi, nó cứ thủ thỉ nói chuyện với cây Văn trúc, dán mắt ngắm cây.
Mùa đông trôi đi. Tuyết phủ trắng xóa, băng đóng trĩu cành, mọi vật im ắng, muôn nhà đoàn tụ. Chỉ mỗi mình đứa em họ tôi, vẫn ngồi ngắm cây hoa, hoa với người làm bạn.
Lại đến mùa xuân của một năm mới. Cây hoa của bé Lạc không ra hoa gì cả, mà bé lại bị ốm rồi. Dì Hai nói với tôi rằng: " Rõ thật, trồng hoa với hoét gì cơ chứ, nếu cây Văn trúc mà ra hoa, lại chẳng thành chuyện nực cười hay sao?" Lúc này, lại đang là tháng ba, mùa hoa Hòe lại nở rộ. Tôi sợ bé Lạc buồn lòng, định kéo rèm che đi. Nhưng bé kêu lên: "Chị ơi, đừng kéo, đừng kéo, chị ôm chậu Văn trúc lại đây cho em."
Nó chỉ cây Văn trúc nói: "Chị xem, cây hoa đẹp không nào?" tôi nghĩ bụng, đâu có phải là cây hoa cơ chứ? Có lẽ nó sốt cao đến nỗi hồ đồ rồi chăng? Bé Lạc lại chỉ vào ngọn cây vừa nhú lộc non nói: "Đây chẳng phải là hoa hay sao?" Chỉ thấy lộc non nhú ra từ ngọn cây, như hoa đang nở lại chưa nở vây ... Đây là hoa thật ư? Thì cứ coi là hoa thật vậy. Đôi mắt tôi bỗng cảm thấy nong nóng, tôi ôm bé Lạc vào lòng, nói: " Ừ, hoa đấy, Văn trúc và cây Hòe đều là hai cây hoa rất đẹp."
Bên ngoài cửa sổ, bên trong cửa sổ, hương hoa thoang thoảng.
                                      
Lời bình. Đề bài văn này then chốt là ở chỗ người chăn cừu trong tài liệu cho sẵn và hai câu nói của bé Lạc. Thí sinh có thể dàn ý như sau.
1- Con quạ không xuất phát từ thực tế của bản thân mình, cuối cùng bị người chăn cừu bắt đi, qua đó có thể thấy, mọi việc đều phải xuất phát từ thực tế của bản thân.
2- Con quạ đã làm một việc mà người khác không dám làm và cũng không dám nghĩ, mặc dù không thành công, nhưng vẫn đáng để động viên.
3- Kêu gọi hãy đối xử thân thiện với những người yếu kém. Quan tâm đến tâm lý và nguyện vọng của cộng đồng yếu kém.
4- Trước cùng một đối tượng, cùng một hành động, những người khác nhau có thể nhìn bằng con mắt hoàn toàn khác nhau.
"Hai cây hoa" là một bài tản văn rất hay, mang ý nghĩa sâu xa, nói lên thí sinh có trình độ làm văn tương đối cao. Trong bài văn, không có một chữ nào liên quan đến tài liệu câu chuyện ngụ ngôn "Con quạ bắt chước chim Ưng già bắt con cừu", nhưng điều không khó phát hiện ra là, bài văn không thoát ly ngụ ý của câu chuyện ngụ ngôn. Phần kết của bài văn viết: "Đây là hoa thật ư? Coi như hoa thật vậy", "Văn trúc và cây Hòe đều là hai cây hoa rất đẹp", vừa bất ngờ, nhưng lại hợp tình hợp lý, khiến ý nghĩa của bải văn này được thăng hoa.


Khát vọng mùa xuân.
Phạm Tuyên viết lời Việt trên lời thơ của Christian Adolf Overbeck, nhạc Mozart.
            

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Rồng rắn lên mây

Xin khúc đuôi.
                                 Tha hồ thầy đuổi.
Ông ngồi làm thầy thuốc, ba cháu sắp hàng một, đứa sau nắm vạt áo đứa trước. Tất cả đi lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi vừa hát.
             
Rồng rồng dắt rắn lên mây
Có cây lúc lắc, có nhà hiển vinh.
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?           
 

Rồng rồng dắt rắn lên mây
Có cây lúc lắc, có nhà hiển vinh.
Ồm ồm, ông nói.
- Thấy thuốc đi dạy học rồi!
Rồng rắn lại vừa đi vừa hát tiếp cho đến khi 'thầy thuốc' thấy 'rồng rắn' lấm chấm mồ hôi. 

- H... ừm ... thầy thuốc có nhà!

- Rồng rắn đi đâu?

- Rồng rắn đi lấy thuốc chữa bệnh cho con anh hùng.
- Con lên mấy ?
- Con lên một
- Thuốc chẳng hay
- Con lên hai.
- Thuốc chẳng hay
... cho đến khi:
- Con lên mười.
- Thuốc hay vậy.

+ Xin khúc đầu.
- Những xương cùng xẩu.
+ Xin khúc giữa.
- Những máu cùng me.
+ Xin khúc đuôi.
- Tha hồ thầy đuổi.

Tha hồ mà đuổi bắt khúc đuôi, 'rồng rắn' mệt phờ, kéo nhau lên tầng tắm mát. 
  
Quê tôi - Thùy Chi hát     

Schubert's Serenade ♫(violin: Joshua Bell)

Blaas, Eugene de (1843-1931) - The Serenade,
Guarisco Gallery, Pennsylvania

Serenade qua tiếng vĩ của danh cầm Joshua Bell

 

 

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Bóng chiếc thoi đưa ...

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
                 
Hà Tây ơi !

Đưa Người về một miền kí ức, Quốc Hương còn “Bóng chiếc thoi đưa”

Hay đời thường sớm nắng chiều mưa, chỉ “sông Tích, sông Đà giăng lụa”
                                                                              (Phạm Việt Long)
   
Mảnh đất kỳ tích này, địa linh nhân kiệt, mang khí thiêng sông núi. Đất cỗi cằn đá ong nhưng sao mía nơi này lại ngọt?
Nơi đó có ngô non, lạc luộc, cá kho gừng, cơm nếp, rượu gạo, nhà tre mái rạ, tường đất đá ong, giàn mướp, giếng đồi… và cả cái thổ âm không có thanh huyền của vùng Ba Vì hồn hậu.
                  
             Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
            Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
            Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
            Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng 
                  
Đất Hà Đông có Hương Sơn suối Yến lững lờ, Sơn Tây là xứ Đoài mây trắng. Sông Tích, sông Đáy hiền hòa trôi xuôi như những dải lụa mềm vắt qua vùng gấm vóc.
Năm 1965, Nhật Lai viết ca khúc Hà Tây quê lụa. Giai điệu của bài hát mềm mại, êm mát như tấm lụa làng Vạn Phúc, ta như được đưa mình tới Hà Tây bằng chiếc xe âm nhạc.
Bây giờ về Hà Nội. Hà Tây quê lụa, bức tranh bằng âm nhạc về một vùng đất của Việt Nam với lụa là gấm vóc, với “sông Tích, sông Đà giăng lụa mênh mông…” đã khắc sâu trong lòng người yêu nhạc, như một kỷ niệm khó mờ phai …
Cảm ơn Nhật Lai, người con đất Tuy An, Phú Yên. Tây Nguyên mãi nhớ thương một “già làng” âm nhạc, Hà Tây quê lụa mãi tự hào về món quà âm nhạc ông gửi lại cho mảnh đất “cửa ngõ Thủ đô” này.
               

Tôi nhớ những người bạn: Anh Trọng, Trịnh Minh Tề, Trần Hòa Bình ... mãi  vẫn thân thương.

         

Điều thú vị

Bấm vào hình, nhìn thật kỹ, khoảng một phút, bạn sẽ thấy.

Photobucket

Theo các kết quả nghiên cứu, bán cầu não trái điều khiển nửa thân người bên phải, bán cầu não phải thì ngược lại.
Sẽ có 3 trường hợp xảy ra khi bạn xem tấm hình ở trên.
1. Ngược. Bạn luôn luôn hoặc trong đa số trường hợp thấy cô gái quay ngược chiều kim đồng hồ. Điều này có nghĩa là bạn sử dụng não trái nhiều hơn (hay bạn là người thiên về não trái).
2. Thuận. Bạn luôn luôn hoặc trong đa số trường hợp thấy cô gái quay theo chiều kim đồng hồ. Điều này có nghĩa là bạn sử dụng não phải nhiều hơn (hay bạn là người thiên về não phải).
3. Bạn thấy cô gái lúc quay chiều này lúc quay chiều kia. Điều này có nghĩa là bạn sử dụng đều cả não trái và não phải.
Tôi nhìn thấy quay cả hai chiều.Tự mừng!

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Tôi ru em ngủ

Tôi Ru Em Ngủ
Trịnh Công Sơn
        
Tôi ru em ngủ một sớm mùa đông
Em ra ngoài ruộng đồng
Hỏi thăm cành lúa mới
Tôi ru em ngủ một sớm mùa thu
Em đi trong sương mù gọi cây lá vào mùa
Con đường thật buồn một ngày cuối đông
Con đường mịt mù một ngày cuối Thu
Em vào mùa Hạ nắng thắp trên cao
Và mùa xuân nào ngẩn ngơ tình mới
Đi nhẹ vào đời thầm thì gót chân
Em gọi nụ hồng vừa tàn cuối sân
Nghe tình chợt buồn trong lá xôn xao
Để mùa xuân sau mua riêng tình sầu
Tôi ru em ngủ một sớm mùa xuân
Em hôn một nụ hồng
Hỏi thăm về giọt nắng
Tôi ru em ngủ hạ cũng vừa sang
Em hôn lên tay mình để chua xót tình trần.

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Hoài Vân 'rắn rỏi' trong "Tứ quái cô nương"
Mình phục bà này trong "Tứ quái cô nương", tên hay- Hoài Vân, blog nhuốm LỐI THU XƯA. Nguyễn Trọng Tạo viết: "Hoài Vân thích thăm thú những kỳ quan, và không thích cỡi ngựa xem hoa nên nàng thường mệt mỏi sau cơn khám phá bí mật của kỳ tích. Nói chung, nàng làm việc gì cũng hết sức, đến nơi đến chốn. Nàng thích truy căn nguyên nên ghét kẻ dối trá. Muốn đùa với nàng thật khó. Đùa vô duyên sẽ bị nàng hờn. Mà nàng đã hờn là hờn muôn kiếp, he he. Nhưng văn nàng lại dịu dàng và giàu tình thương mến."
Riêng tôi cảm nhận, Hoài Vân viết blog giản dị, dịu dàng, hiểu biết, kĩ lưỡng, ảnh chụp rất đẹp, tuyển ảnh cẩn thận. Chùm ảnh 'Vạn lý trường thành mùa thu', mang cái nhìn riêng của LỐI THU XƯA. Còn tôi, khi đến đó, chỉ muốn khoe 'bất đáo trường thành phi hảo hán'. Bạn đã đọc 'Tin nhắn một chiều' chưa nhỉ?
                    
Những ảnh này, Hoài Vân tuyển trong photo.net, chú thích ảnh chủ yếu của chị, tôi chỉ thêm một chút cho 'hoàn cảnh'. Bài đăng 'nhuốm màu quan san' trong Kiều. Cảnh người, hồn thơ Việt.

             
Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm -dôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Hình ảnh 'Vạn lý ... mùa thu' gợi nhớ nàng Mạnh Khương đan áo cho chồng, lặn lội tìm chồng trao áo, tiếng khóc vang xa 800 dặm trường thành. Gợi nhớ 'Chiêu quân xuất tái' cống Hồ, vì nét vẽ 'sát phu trích lệ', lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh, thân lìa xa quê mà tiếng đàn thành điển tích "Hồ cầm' nơi Nhạn môn quan xưa ấy. Mà thấy màu quan san biền biệt trong tiếng ru của mẹ: 'Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trảy nước non Cao Bằng' trong hóa đá "vọng phu".
                  
Những ảnh trong Lối Thu Xưa.
                               
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Hai bên tường thành dài miên man là những khu rừng
đang vào độ chuyển sắc vàng đỏ óng ánh trong nắng thu vàng rực rỡ.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Một mái gác canh lặng lẽ giữa Trường Thành, cô đơn và buồn man mác.

Hãy cố lưu lại đến buổi hoàng hôn, bạn sẽ cảm nhận sắc màu xanh thẳm của bầu trời
như hòa quyện tuyệt vời với sắc đỏ của rừng thu.

Đây đó có những đám cây đã trút hết lá
xen lẫn với sắc vàng ngay bên chân Trường Thành.

Những Phong Hỏa Đài vươn cao trên nền trời xanh thẳm.

Trường Thành như thay hình đổi dạng liên tục theo mỗi bước chân bạn đi qua,
vừa mềm mại và duyên dáng như một dải lụa,
vừa không kém phần uy nghi giữa rừng thu rực rỡ hay núi non trùng điệp.

Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

đầy trắc ẩn với khoảnh khắc cuối thu thật đẹp, buồn và lãng mạn...

                     

Serenata- Enrico Toselli

          ... Người ôi ! Nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn ...




Serenade - Franz Schubert
                   

Nghìn năm Chó đá làm duyên

Chó đá
                       Thơ Vua Lê Thánh Tông
 I.                         
Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài,
Cửa nghiêm chem-chẻm một mình ngồi.
Quản bao xương tuyết nào chi kể,
Khéo giữ cao lương cũng chẳng nài.
Mặc khách thị-phi giương tráo mắt,
Những lời trần-tục biếng vào tai.
Một lòng thờ chúa, nghìn cân nặng,
Bền vững ai lay cũng chẳng dời.




Trước thềm nhà tôi

 

 

II.

Lần kể xuân thu biết mấy mươi
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt
Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi
Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng
Chào người quân tử chẳng phe đuôi
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng
Dấu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.




Cổng chùa động Hàm Long, Nhị Chiểu

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Tóc dài ..., ngày xưa ơi!

Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương.
Trong blog Hoanglan206, câu blast "Yếm rách còn ngăn được gió. Tình em dang dở yếm nào che???", tự nhiên khi đọc mà lòng đầy tâm trạng. Lời ca "Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi" như quấn quýt, dàn trải nỗi day dứt khôn nguôi. Xót xa "Yếm rách còn ngăn được gió", thốt cao như tiếng nấc nghẹn, nhức nhối tận cùng.

Hôm nay, nghe tiếng hát buồn, điệp khúc "Thương lắm tóc dài ơi! Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi”, hòa lẫn trong tiếng mưa dai dẳng đầu đông, tái tê từng chấm lạnh.

Vẫn biết Phú Quang sáng tác trong một nỗi niềm riêng, ông kể khi trình bày ca khúc, cũng như viết "Người đàn bà dấu đêm vào trong tóc".

Riêng tôi nhớ lại đến những 'tóc dài ơi' thời chiến trận. Ở tuổi chiều xế bóng, ta thường muốn tìm về 'ngày xưa ơi', vì ở đó đầy ắp vô tư, đâu vụ lợi. Đại đội trinh sát C21 Hóa học của tôi, đều là sinh viên ĐH Sư phạm, hàng năm họp ngày 19 tháng Mười Hai tại Hà Nội mà mỗi năm vơi đi một ít, vì vết thương, vì chất độc, cả nữa vì già. Và giữa những câu chuyện không đầu không cuối/ bao nhiêu người lại nhắc đến em.

Nhớ sao ríu rít, tiếng lanh chanh 'em đưa anh đi hái măng rừng' như lời thơ xưa ấy. Mặt em đẹp xinh, môi tái thâm vì sốt rét, em kéo ống chân che vết sẹo vắt rừng, có phải là em tìm 'hạnh phúc', mà khi bên anh, em kể về yêu dấu quê nhà.

Em như trong thơ Dương Hương Ly khóc, kể.

Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao dốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh...
Em nói tới tương lai tươi thắm ngọt lành...


Bây giờ, chúng mình, những người còn sống sót, tuổi đã sáu, bẩy mươi rồi nhỉ. Bài này, tôi muốn nhớ lại một thuở, những cô gái xã viên hợp tác, sinh viên, văn công ... đi chiến trận ngày nào.

Những câu thơ, hình ảnh đều là tư liệu xưa, không sắp đặt, không là lời sau này ca ngợi, nhưng cũng phải hiểu là 'ngày ấy ở chiến trường, tiếng bom nghe rất nhỏ'. Như Hiền Giang nhắc tới "... giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc/ Là những tâm hồn có nhạc ở bên trong ...". Như dangba, lính chiến xưa, buồn khóc Chương hôm nay mà đầy thế sự...
Ước mong bạn cũng ngậm ngùi và thương cảm như tôi.

Một chút thông tin về bức tranh những người còn lại. Như là lời tựa. "Tóc dài..., ngày xưa ơi!"

Đại đội "Hoa Trường Sơn", 40 "nữ xế" trên đường Trường Sơn ngày nào bây giờ ở tuổi lên bà, tóc lấm tấm bạc. Sổ ghi chép của Trưởng ban liên lạc Nguyễn Thị Hòa: 3 chị đã mất vì di chứng chiến tranh, 19 chị là thương binh, 2 chị sống đơn thân, 5 chị sống ly hôn, 7 chị lấy chồng đã qua đời vợ. Chị Hòa, chị Dung hơn 40 tuổi mới lập gia đình. Đến giờ chị Dung vẫn chưa có con. Nhiều chị thôi không lái xe là về quê làm ruộng, nhưng bệnh tật liên miên, cơ cực. "Tìm được nhau là may lắm rồi ...". (Bắc Giang online)

             
Giữa một vùng đất bụi khô rang
Em bỗng đến như dòng sông đầy nước.


Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà

Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu.
Các chiến sỹ nghe em hát say sưa
Ngày mai ngày kia sẽ chuyện trò vô khối
Giữa những câu chuyện không đầu không cuối
                      Bao nhiêu người lại nhắc đến em

Câu hát màu chi mà khuôn mặt màu hồng...
Tiếng hát xa rồi, không nhớ nữa...
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều ...

Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay...
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chit sao giăng
"Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm"



Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.


Thương lắm tóc dài ơi!
                                Cánh chim chiều đã mỏi.
                             
Viết nhớ, tặng Quang-TX.Tuyên Quang.              
Thương lắm tóc dài ơi. Phú Quang-Lê Dung, nghe thương lắm...