Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè
nén sống đời vờ nhạt nhẽo
Anh Nguyễn
Trương Khánh Thiện đã nhận xét về Lý
Hoàn trong cuốn Mạn đàm về Hồng Lâu Mộng như sau: “Quãng đường
bi kịch của nàng càng dài, cuộc sống nhân sinh của nàng càng cay đắng”. Cùng với
Lâm Đại Ngọc và Hương Lăng, nàng là một trong những nhân vật vừa xuất hiện đã
mang nỗi bất hạnh đeo đẳng. Xét về địa vị và lai lịch, nhân vật Lý Hoàn lại
càng có điểm độc đáo đáng được bàn tới. Nàng là một tấm gương phản chiếu xã hội
phong kiến bóp nghẹt quyền sống của người phụ nữ. Có thể nói số phận của Lý
Hoàn có ba phần do thiên định, nhưng tới tận bảy phần nằm ở những xiềng xích ăn
sâu từ trong tiềm thức cộng đồng.
Lý Hoàn
Xiềng xích ấy bắt nguồn từ đâu? Trong
truyện đã nói rõ:
Nguyên
họ Lý là vợ Giả Châu. Giả Châu chết sớm, có đứa con trai tên là Giả Lan, lên
năm tuổi, đã đi học. Họ Lý cũng là con nhà danh hoạn đất Kim Lăng, bố là Lý Thủ
Trung là Quốc tử Tế tửu. Trong họ, con trai, con gái đều được đi học. Đến đời
Lý Thủ Trung thì cho “con gái bất tài, ấy là đức”. Vì thế, ông ta không cho con
gái đi học đến nơi đến chốn, chỉ cho đọc “Nữ tứ thư”, “Liệt nữ truyện” để biết
một số chữ, nhớ một số truyện hiền nữ đời trước là đủ, cốt sao chú trọng về
thêu thùa canh cửi và việc vặt mà thôi. Nhân vậy đặt tên con là Lý Hoàn, tên chữ
là Cung Tài.
Cái quan điểm “nữ tử vô tài tiện thị đức”
này đã ám ảnh xã hội Trung Quốc mấy nghìn năm, đẩy bao thế hệ phụ nữ vào hố sâu
của sự tăm tối và phục tùng. Lý Hoàn là tiểu thư của một gia đình quan lại mà
còn như vậy, thì đủ biết những người đàn bà ở tầng lớp thấp hơn sẽ ra sao.
Không được tự chủ về học vấn và của cải thì đương nhiên hôn nhân cũng phải để
người khác định đoạt. Lý Hoàn trở thành vợ Giả Châu, con dâu của Giả Chính và
Vương phu nhân, lại sinh được một con trai là Giả Lan. Nàng là chị dâu của Bảo
Ngọc, Nguyên Xuân, Thám Xuân, là mợ cả của Giả phủ.
Lý Hoàn dạy con học
Truyện không nói rõ cuộc hôn nhân của
hai vợ chồng Lý Hoàn êm đềm hay trúc trắc, chỉ biết Giả Châu là con người đức hạnh,
nên có lẽ Lý Hoàn cũng được “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân. Tuyết sương che chở
cho thân cát đằng.” Có điều ngày xuân ngắn chẳng tày gang. Giả Châu chết đột ngột,
Lý Hoàn – một người con gái tuổi trẻ mơn mởn – bỗng chốc trở thành góa phụ.
Quãng đường đời tươi đẹp của nàng đóng sập cửa từ lúc ấy.
Lý
Hoàn trẻ tuổi, góa chồng, mặc dầu ở chỗ cao lương gấm vóc, nhưng lòng lạnh như
tro tàn, cây cỗi, hết thảy không buồn hỏi, không buồn nghe việc gì; chỉ biết hầu
bố mẹ chồng, nuôi con, lúc rỗi thì khâu vá, đọc sách với các cô em.
Theo bài Vãn thiều hoa (Cảnh
xuân về cuối) ứng với Lý Hoàn thì cuộc hôn nhân của nàng trôi qua nhanh như một
giấc mộng:
Còn
gì ân ái trong gương
Còn
gì giấc mộng trên đường công danh
Cảnh
thiều hoa đi sao nhanh
Chăn
uyên màn gấm thôi đành bỏ qua
.
Cũng như với các nhân vật khác, Tào
Tuyết Cần đã dụng công đặt tên cho Lý Hoàn. Lá số tiền định của Lý Hoàn mở đầu
bằng câu “Đào lý xuân phong kết tử hoàn,” chính là
ám chỉ tên của nàng. Biện pháp chơi chữ ở đây rất hay. Chữ Lý trong
tên nàng có nghĩa là cây mận, quả mận. Đào và mận thường đi chung một cặp để chỉ
vẻ yêu kiều của người phụ nữ, cũng là biểu tượng cho tuổi trẻ nở hoa kết trái
và tình yêu đôi lứa (Đào chi yêu yêu. Chước chước kỳ hoa,…) Đào mận gặp
gió xuân kết thành quả, chữ “tử” nghĩa là đứa con trai, chữ “hoàn 完” ở đây có nghĩa
là hoàn chỉnh, lại đồng âm với chữ “Hoàn 紈” trong tên nàng.
Chữ Hoàn này mang nghĩa khác: lụa trắng. Một tấm lụa trắng nõn
nà không tỳ vết vừa gợi đến sự cao nhã của thú chơi thư pháp, lại là biểu tượng
cho sự trong sạch của người quả phụ một lòng thủ tiết. Thế nhưng nó cũng ám chỉ
cái chết và tang tóc, khiến ta không khỏi liên tưởng đến những dải lụa vua ban
để tự tử.
Trạng thái “sự đời đã tắt lửa lòng” của
Lý Hoàn được mặc định là đương nhiên, nhất là trong một gia đình quyền quý như
nhà họ Giả. Chẳng ai bận tâm hỏi han Lý Hoàn xem nàng có vừa lòng ở vậy nuôi
con, không màng tình duyên hay không. Có lẽ ngay bản thân Lý Hoàn cũng không hề
nghĩ, hoặc dám nghĩ đến điều đó, bởi nàng chẳng có lựa chọn nào khác. Sự ghẻ lạnh
của xã hội với những người đàn bà tái giá đủ làm nàng chùn bước, chưa kể sự “rớt
hạng” về địa vị mà nàng cùng Giả Lan sẽ phải gánh chịu. Ví dụ rõ nhất trong
truyện là kế mẫu của Vưu thị cùng hai đứa con gái riêng: Vưu nhị thư, Vưu tam
thư. Ba mẹ con bọn họ bị đối xử chỉ hơn những người hầu một chút, chẳng có thế
lực gì, khi bị chèn ép cũng chẳng biết kêu ai. Lý Hoàn chấp nhận sống một cuộc
đời góa bụa kiểu mẫu để đổi lấy sự an toàn, bao bọc, và danh dự. Thế nhưng Tào
Tuyết Cần đã khéo cho chúng ta thấy tất cả chỉ là lớp vỏ bề ngoài.
Lý Hoàn và con
Ở hồi mười bảy, Giả Chính và Bảo Ngọc
cùng các môn khách vào thăm vườn Đại Quan. Xin chú ý đến đoạn sau:
Mọi
người vừa nói chuyện vừa đi, đã đến một ngọn núi xanh chênh chếch. Đi vào trong
núi, thấp thoáng có một bức tường thấp, đất vàng, trên tường có rơm che, có mấy
trăm cây hoa hạnh, trông như lửa phun, ráng phủ. Mặt trong có mấy gian nhà
tranh, mặt ngoài có những cây dâu, dâm bụt và găng mơn mởn tốt tươi theo nhau
chỗ nhô ra, chỗ lượn vào, đan thành hai hàng rào xanh. Dưới chân núi, ngoài
hàng rào có cái giếng khơi, bên cạnh có gầu và trục kéo nước; mé dưới có mảnh rộng
phẳng lì, có luống rau tươi tốt, trông bát ngát mênh mông.
Giả
Chính nói:
–
Chỗ này thế mà có ý nghĩa lắm. Tuy tự tay người ta bày đặt ra, nhưng nhìn đến
ai cũng phải cảm xúc, khêu gợi lòng ta muốn về hưởng thú điền viên. Chúng ta
hãy vào đấy nghỉ ngơi xem
[…]
Nói
xong, dẫn mọi người vào trong nhà tranh. Ở đây, cửa sổ dán giấy, giường gỗ đơn
sơ, không có gì là hào hoa phú quý cả.
Giả
Chính trong lòng rất sung sướng, lại nhìn Bảo Ngọc nói:
–
Chỗ này thế nào?
Mọi
người thấy hỏi, đều khẽ đẩy Bảo Ngọc, xui Bảo Ngọc nói là đẹp. Bảo Ngọc không
nghe, nói ngay:
–
Xem ra chỗ này kém xa “Hữu phương lai nghi”.
Giả
Chính nói:
–
Hứ! Đồ ngu xuẩn! Chả biết gì. Mày chỉ thích lầu son gác tía đẹp đẽ một cách thô
tục, biết đâu được cái cảnh u nhã này.
[…]
Bảo
Ngọc nói:
–
Thế thì chỗ này đặt thành trang trại, rõ ràng là do người bày đặt ra. Xa thì
không có hàng xóm, gần thì không có thành quách, dựa vào núi thì không có mạch,
trông ra nước thì không có nguồn, chỗ cao thì không có tháp nhà chùa, chỗ thấp
thì không có cầu ra chợ, trơ trọi đứng một mình, không phải là nơi bao la rộng
rãi. Sao bằng mấy nơi trước có vẻ tự nhiên hơn. Tuy có giồng trúc, khơi suối
cũng hơi xuyên tạc, nhưng không hại gì. Cổ nhân có bốn chữ “bục tranh thiên
nhiên”, sợ chỗ này không đáng có thôn trang, và sơn thủy, mà gượng bày đặt ra,
dù khéo léo đến đâu cũng vẫn không hợp.
Bảo
Ngọc nói chưa dứt lời, Giả Chính nổi giận thét lên:
–
Thôi, bước ngay!
Giả Chính cùng Bảo Ngọc đi thăm vườn Đại Quan
Đoạn này tả sự việc tưởng chừng vô thưởng
vô phạt nhưng lại có hàm ý sâu xa, bút pháp kín đáo hết sức tuyệt vời. Nơi được
nhắc đến sau này chính là Đạo Hương thôn – nơi ở của Lý Hoàn. Bề ngoài Đạo
Hương Thôn được bố trí bình dị, quê mùa, không châu ngọc hào hoa, chẳng lụa là
phú quý, chính là để phản chiếu cuộc sống phẳng lặng, giản tiện của góa phụ Lý
Hoàn. Giả Chính – bố chồng Lý Hoàn là một Nho gia theo quan điểm truyền thống,
thậm chí như Trương Tráng Niên nhận xét là một nguỵ quân tử, đương nhiên là ông
ta ưng ý trước cảnh tượng nền nếp, khiêm nhường đó. Nhưng Bảo Ngọc với “tuệ
nhãn” trong sáng và trái tim thấu hiểu tình người, đã nhìn ra sự giả tạo, gán
ghép của nó.
Nên nhớ trong giấc mơ nơi Ảo Cảnh, Bảo
Ngọc đã uống vào bụng hai thứ thức uống “Thiên hồng nhất quật” (đồng âm với Thiên
hồng nhất khốc – ngàn bóng hồng cùng khóc) và “Vạn diễm đồng bôi” (đồng
âm với Vạn diễm đồng bi – vạn vẻ đẹp đều buồn,) lại được thưởng
thức mười hai khúc Hồng Lâu Mộng. Từ đáy lòng Bảo Ngọc có sự thấu hiểu vô hạn với
những nỗi khổ của nữ nhi. Bằng trực quan, cậu linh cảm được sự miễn cưỡng, gò
ép của Lý Hoàn nhưng không thể diễn tả bằng lời mà phải biểu hiện bằng việc chê
trách Đạo Hương Thôn – nơi các bậc trưởng bối phân cho Lý Hoàn ở. Đương nhiên
những câu phê bình của Bảo Ngọc khiến Giả Chính nổi xung, bởi qua đó Bảo Ngọc
đã hạ thấp cả một phần của ý thức hệ phong kiến!
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét