Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và
thiên vị
Anh Nguyễn
(Tiếp theo phần 1)
Trong bài trước chúng
ta đặt câu hỏi: Dựa vào đâu để nói rằng Giả mẫu vẫn giữ tính cách trẻ con?
Thứ nhất, Tào Tuyết Cần đã tóm lược tính
cách Giả mẫu một cách chính xác: “Giả mẫu tuy có tuổi, nhưng vẫn thích
các cuộc vui”. Đọc Hồng Lâu Mộng là thấy rõ Giả mẫu hầu
như luôn là người khởi xướng các buổi liên hoan, tiệc tùng, xướng ca,… Bà thích
tụ họp đông người, nếu không “đánh bài với vợ bọn quản gia,” thì cũng lịch kịch
dẫn mọi người đi thăm các cháu gái, thăm bà dì, thăm cô Diệu Ngọc,…
Ưa xôm tụ, sợ cô đơn là tính cách thường thấy ở người
già, nhưng trong cái ham vui của Giả mẫu còn có sự tùy hứng và vô tư của trẻ
thơ. Quý phi Nguyên Xuân gửi về nhà câu đố đèn ngày Nguyên tiêu, Giả mẫu cũng
sai làm gấp một cái đèn lồng to đẹp để mở hội, lại bày chè thơm, quả tươi, đồ
chơi làm phần thưởng. Thấy Bảo Cầm mặc áo đỏ đứng cạnh hoa mai lộng lẫy quá, bà
lập tức ra lệnh cho Tích Xuân phải họa lại cảnh tượng đó bằng được, để cô cháu
thừ ra chẳng biết vẽ sao. Nhân dịp cây hải đường trổ hoa trái mùa, bà đòi bày
tiệc thưởng hoa dù cảnh nhà đang khó khăn. Ngay cả khi gia đình đã lụn bại đến
cùng kiệt, bà vẫn khăng khăng tổ chức sinh nhật cho cháu dâu là Bảo Thoa, và giận
dỗi khi mọi người tỏ vẻ buồn! Như một đứa trẻ hay đòi hỏi, Giả mẫu muốn tất cả
những ước muốn (nhiều khi là ích kỉ của bà) được thực thi, bất chấp hoàn cảnh
thực tế có cho phép hay không.
Một buổi xem hát của Giả mẫu cùng con cháu
Thứ hai, Giả mẫu lớn tuổi song cách bà đối
xử với con cháu lại không công bằng như một người từng trải lẽ ra phải thế. Có
con yêu, con ghét cũng là thường tình, song Giả mẫu dường như không buồn giấu
giếm sự thiên vị của mình. Khi bà cưng ai (Bảo Ngọc, Tương Vân, Bảo Thoa,…) thì
đối xử với họ như thiên thần, khi bà hắt hủi ai thì người đó phải chịu ấm ức. Sự
lệch lạc trong cách Giả mẫu chia sẻ tình cảm không qua mắt được các nhân vật
trong Hồng Lâu Mộng. Cô nàng Phượng Thư cũng ỷ mình được Giả mẫu
yêu chiều nên mới có thể pha trò trêu bà, mặc dù trong sự đùa cợt có hàm ý nói
Giả mẫu biệt đãi Bảo Ngọc:
–
Bà làm lễ sinh nhật cho các cháu, thế nào không được, còn ai dám nói? Nhưng bà
lại sửa cả tiệc rượu nữa kia à? Muốn cho bữa tiệc vừa vui vừa nhộn, bà cũng nên
bỏ ra một số tiền nữa! Nay chỉ trơ có hai mươi lạng bạc mốc meo này chi vào tiệc
rượu, ý chừng bà muốn bắt các cháu phải bù nữa chăng? Nếu quả không có tiền đã
đành, nhưng vàng bạc, thoi tròn, thoi dài, để phũng cả đáy hòm, chỉ tội làm phiền
cho các cháu. Bà thử nghĩ xem, ai chẳng là cháu? Sau này chẳng lẽ chỉ có một
mình chú Bảo rước bà lên Ngũ Đài Sơn thôi à? Sao cái gì bà cũng ki cóp để dành
cho chú ấy! Chúng cháu tuy không đáng được dùng của này, nhưng bà cũng không
nên làm rầy chúng cháu. Món tiền này liệu có đủ sửa tiệc rượu và bày trò chơi
không?
Thế nhưng đối với ông cả Giả Xá thì khác. Mẹ yêu em trai
Giả Chính hơn ông ta, lại yêu con trai Giả Chính (Bảo Ngọc) hơn con trai ông ta
(Giả Liễn). Sự uất ức của Giả Xá được giấu rất kín, thậm chí chưa chắc Giả Xá
đã dám tự thừa nhận với bản thân. Người đọc chỉ thấy nỗi niềm của Giả Xá được
hé lộ qua câu chuyện vui ông ta kể nhân một buổi tiệc:
–
Một nhà có một đứa con rất là hiếu thuận. Không may bà mẹ bị bệnh, tìm thầy chạy
thuốc các nơi không được. Người con mời ngay một bà biết châm cứu đến. Bà này
không biết xem mạch, chỉ bảo là bệnh tâm hỏa, châm một mũi là khỏi thôi. Người
con sợ quá, hỏi: “Tim mà gặp phải sắt thì chết, châm thế nào được?” Bà lang
nói: “Không cần phải châm vào tim, chỉ châm vào bên hông là được rồi”. Người
con nói: “Hông cách tim xa, châm vào đó khỏi thế nào được?” Bà lang nói: “Không
việc gì đâu. Anh không biết thiên hạ làm bố mẹ, nhiều tim rất là thiên lệch.”
Mọi
người nghe nói đều cười lên. Giả mẫu cũng phải uống nửa chén rượu, ngồi một lúc
rồi cười bảo:
–
Nếu ta được bà lang ấy châm cho một cái thì cũng tốt đấy.
Giả
Xá nghe vậy, biết là mình nói sỗ sàng để Giả mẫu nghi ngờ, liền đứng dậy cười,
dâng chén mời Giả mẫu rồi nói lảng sang chuyện khác. Giả mẫu cũng không tiện nhắc,
lại làm luôn tửu lệnh.
A hoàn Uyên Ương cắt tóc vì không muốn làm nàng hầu cho ông cả Giả Xá. Vốn đã không ưa đứa con trai này, Giả mẫu vì việc này lại càng lạnh lùng với ông ta hơn
Đối với Đại Ngọc thì còn bi kịch hơn thế, bởi khi mới về
nhà họ Giả nàng được Giả mẫu vô cùng thương yêu. Chính truyện đã viết:
Nay
nói Lâm Đại Ngọc từ khi đến phủ Vinh, được Giả mẫu thương yêu muôn phần, ăn ở
đi đứng, nhất nhất đều như Bảo Ngọc, ngay Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân
cũng không bằng.
Lần đầu Đại Ngọc gặp bà ngoại, được cưng chiều xiết bao
Thế nhưng vật đổi sao dời, Đại Ngọc dần rớt khỏi vị trí
được cưng chiều trong tim Giả mẫu. Giả mẫu không thẳng thắn hắt hủi cô cháu
gái, nhưng thái độ lạnh lùng, xa cách của bà đủ khiến tâm hồn nhạy cảm của Đại
Ngọc rỉ máu. Đại Ngọc lại càng không thốt ra nửa lời oán trách, nhưng nỗi ê chề,
tủi hổ chất chứa trong tâm nàng không có chỗ giải toả đã hóa thành một cơn ác mộng,
khiến cho người đọc không khỏi xót xa thương cảm:
Đại
Ngọc vội vàng qùy xuống, ôm lấy chân Giả mẫu mà nói:
–
Bà cứu cháu với! Về Nam thì chết cháu cũng không về. Vả lại đó là kế mẫu không
phải mẹ đẻ cháu. Cháu xin ở đây với bà thôi.
Nhưng
thấy Giả mẫu mặt mày lạnh lùng cười nói:
–
Cái đó không can gì đến ta.
Đại
Ngọc khóc nói:
–
Bà ơi, sao lại thế?
–
Làm vợ kế cũng tốt, lại được thêm một bộ đồ nữ trang.
–
Cháu ở đây với bà, quyết không tiêu pha quá đáng đâu, chỉ xin bà cứu cháu.
–
Không ăn thua đâu! Làm con gái nhất định là phải đi lấy chồng, cháu còn bé
không biết đấy thôi, không thể ở đây mãi được đâu cháu ạ.
–
Cháu ở đây tình nguyện làm người con hầu làm lấy mà ăn, cũng cứ vui lòng, xin
bà làm chủ cho.
Thấy
Giả mẫu không nói gì cả. Đại Ngọc lại ôm lấy Giả mẫu mà khóc:
–
Bà ơi xưa nay bà rất từ bi, lại rất yêu cháu, sao đến khi nguy cấp bà lại bỏ
cháu đi như thế? Cháu tuy là cháu ngoại bà, đã cách một tầng, nhưng mẹ cháu là
con đẻ của bà, bà nghĩ đến mẹ cháu xin bà bênh vực cho cháu với.
Đại
Ngọc vừa nói vừa đâm đầu vào lòng Giả mẫu, khóc lóc thảm thiết. Nghe Giả mẫu gọi:
“Uyên Ương, mày đưa cô đi nghỉ, nó quấy tao mệt quá”.
Lần cuối Giả mẫu gặp Đại Ngọc trước khi nàng qua đời, khi nàng bộc bạch “bà thật hoài công thương cháu,” Giả mẫu tỏ ra vô cùng khó chịu
Vậy thì nhà họ Giả có một bà cụ thích vui chơi hội họp,
trong đám con cháu có thiên vị đứa này đứa kia, đôi lúc còn trẻ trung yêu đời đến
mức “chọn một cành cúc đỏ cài lên mái tóc” (hồi 40.) Xét cho cùng, đấy
cũng không phải bi kịch gì lớn lắm. Vấn đề của gia đình này nằm ở chỗ: từ ông
trưởng tộc cho đến đứa hầu, đều răm rắp làm theo mọi ý nguyện của bà. Mọi ý muốn
to nhỏ của bà đều được coi là thánh chỉ. Nói có sách mách có chứng, tôi có thể
chỉ ra vô số trường hợp Giả mẫu được o bế chiều chuộng như một “Lão phật gia.”
Giả
mẫu hỏi Bảo Thoa thích nghe vở hát gì? Muốn ăn thức ăn gì? Bảo Thoa vốn biết Giả
mẫu tuổi già, thích nghe những vở hát vui nhộn, thích ăn những đồ ăn nhừ, ngọt,
liền chọn cái gì Giả mẫu thường thích, kể ra một lượt. Giả mẫu lại càng vui.
Khi
chấm vở, Giả mẫu bảo Bảo Thoa chấm. Từ chối mãi không được, Bảo Thoa đành phải
chấm một hồi trong vở Tây Du Ký. Giả mẫu vui lắm, lại bảo Phượng Thự. Phượng
Thư biết Giả mẫu thích vui, thích cười đùa, nên chấm ngay vở “Lưu Nhị đương ỳ”.
Giả mẫu lại càng vui.
Giả mẫu đã già, nhưng sở thích “vở hát vui nhộn, ăn đồ nhừ
ngọt” của bà rõ ràng là ám chỉ cho tính cách trẻ thơ. Bảo Thoa tính tình khôn
ngoan đã sớm nắm rõ điều này, đó là lý do nàng dễ dàng chiếm được cảm tình Giả
mẫu, trở thành một ứng cử viên nặng ký cho ngôi vị nguyên phối của Bảo Ngọc.
Giả
Chính vội cười:
–
Vâng, xin chịu phạt; nếu đoán đúng, xin bà thưởng cho.
–
Cái ấy cố nhiên.
Rồi
giả mẫu đọc luôn:
–
Con khỉ lơ lửng bám trên cành (Đố tên một thứ quả).
Giả
Chính biết ngay là quả vải, nhưng cố ý đoán sai, để chịu phạt mấy thứ rồi mới
đoán đúng. Giả mẫu lại thưởng cho mấy thứ. Sau Giả Chính lại đọc một câu đố để
Giả mẫu đoán:
–
Mình thì vuông vắn, chất thì cứng rắn, tuy không biết nói, trả lời đúng đắn. (Đố
một thứ đồ dùng).
Ông
ta đọc xong, rồi khẽ bảo Bảo Ngọc. Bảo Ngọc biết ý, khẽ đến gà Giả mẫu. Giả mẫu
nghĩ một lúc cho là đúng, liền nói:
–
Đó là cái nghiên.
Giả
Chính cười nói:
–
Bà đoán một lần đúng ngay.
Rồi
quay lại bảo đem đồ mừng đến. Bọn hầu vâng lời mang hết khay lớn, khay nhỏ lên.
Giả mẫu xem từng cái một, đều là đồ mới đẹp, để dùng vào ngày hội hoa đăng cả,
trong bụng rất vui.
Đây là một đoạn đặc biệt thú vị. Chỉ là một trò đố vui giữa
người nhà thôi mà đã lắm trò giả vờ như vậy! Xuất phát từ lòng hiếu thảo, Giả
Chính đã vô tình đối xử với Giả mẫu như một đứa trẻ cần được che chở, lại lôi
kéo cả Bảo Ngọc vào. Hành vi bợ đỡ Giả mẫu rõ ràng có tính chất “cha truyền con
nối,” nên không có gì lạ khi nó bao trùm luôn cả câu chuyện. Qua sự kiện này,
việc người nhà họ Giả bao che, giấu giếm, lừa dối Giả mẫu khi gia cảnh suy sụp
không còn đáng ngạc nhiên nữa. Đến tận khi gia tộc gặp cảnh kiệt cùng nhất, Giả
mẫu mới ngỡ ngàng:
Giả
mẫu thấy chức tước của cha ông để lại bị cách mất, con cháu đang bị
giam, chờ ngày tra hỏi. Hình phu nhân và Vưu thị đêm ngày khóc lóc.
Phượng Thư bệnh tình nguy cấp, tuy có Bảo Ngọc, Bảo Thoa ở bên cạnh,
nhưng chỉ có thể khuyên giải chứ không thể chia nỗi lo âu được. Vì
thế, đêm ngày phiền muộn, lo trước nghĩ sau, nước mắt không bao giờ
khô.
[…]
Giả
mẫu nghe nói hoảng hốt, chảy nước mắt, và nói:
–
Làm sao thế? Nhà mình mà đến nông nỗi ấy à. Ta tuy chưa từng trải, nhưng nghĩ
bên nhà ta ngày trước so với bên này còn hơn gấp mười. Cũng chỉ vì lo tô điểm
hảo bộ mặt bề ngoài, nên sau mấy năm không xảy ra việc như ở bên này. Nhưng
cũng đã suy sụp. Không đầy hai năm là sạch cả! Theo như anh nói, thì nhà mình
không thể chèo chống được một vài năm nữa à.
Giả mẫu thắp hương giữa sân, cầu trời khấn Phật cho nhà họ Giả tai qua nạn khỏi.
*
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét