Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng,
ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn
Anh Nguyễn
(Tiếp theo phần1)
Một hình dung về Tiết Bảo Thoa
Như bài trước đã dẫn, những khía cạnh
tình-ý-dục của Bảo Thoa vì vậy chỉ thấp thoáng, lấp ló trong truyện, giống như
tia óng ánh của chiếc thoa vàng vùi trong tuyết, chớp mắt một cái thôi là biến
mất, nhưng chính vì thế mà càng trở nên sâu sắc, ý vị. Có thể kể ra bốn ví dụ
sau về đặc tính “trong nóng ngoài lạnh” của nàng.
Ví dụ thứ nhất là lần gặp mặt tại khuê
phòng giữa Bảo Thoa và Bảo Ngọc. Trong khi mối quan hệ Bảo Ngọc-Bảo Thoa đang
chớm nở những nụ hoa đầu tiên quanh câu chuyện chiếc khóa vàng nêu trên thì Tào
Tuyết Cần khéo léo chuyển cảnh để Đại Ngọc xuất hiện! Nếu tình huống “giằng co”
giữa Bảo Ngọc – Bảo Thoa có chút ý vị và e thẹn thì trạng thái này đã bị phá vỡ
khi Đại Ngọc chen vào, trở nên nhuốm màu ghen tuông và căng thẳng.
Nói
chưa dứt lời thì Đại Ngọc đã tha thướt tới nơi. Trông thấy Bảo Ngọc, Đại Ngọc
cười nói:
–
Ối chào! Tôi đến không đúng lúc rồi? Bảo Ngọc vội đứng dậy mời ngồi. Bảo Thoa cười
nói:
–
Sao chị lại nói thế?
Đại
Ngọc nói:
–
Nếu biết anh ấy ở đây, thì tôi chẳng đến làm gì!
Bảo
thoa hỏi:
–
Thế là thế nào?
Đại
Ngọc nói:
–
Thế nào à? Khi đến thì cùng đến, khi không đến thì chẳng ai đến cả; hôm nay anh
ấy đến, ngày mai tôi đến, cứ cắt lượt nhau, thế có phải là ngày nào cũng có người
đến không? Như thế thì không có lúc nào buồn quá, mà cũng không có lúc nào vui
quá. Có gì mà chị không hiểu?
Bảo
Ngọc thấy Đại Ngọc khoác một cái áo đoạn ngoài bằng lông chim màu đỏ sẫm, liền
hỏi:
–
Có tuyết à?
Bọn
hầu già ở dưới nói:
–
Có tuyết từ lúc nãy.
Tiếp theo là một trong những trích đoạn
đáng nhớ nhất của Hồng Lâu Mộng: bên ngoài là trời tuyết (lạnh,) nhưng tình cảnh
ba người quây quần bên trong lại đầy cảm xúc rực cháy (nóng.) Bảo Ngọc muốn uống
rượu (lạnh,) nhưng Bảo Thoa đã ngăn cản:
Bảo
Thoa cười nói:
–
Anh Bảo, hàng ngày anh học hỏi được nhiều điều, thế mà anh lại không biết tính
rượu rất nóng à? Phải uống nóng thì phát tán nhanh; nếu uống lạnh thì đọng lại ở
bên trong, ngũ tạng sẽ bị lạnh, như thế chẳng có hại hay sao? Từ rày anh nên chừa
đi, đừng uống rượu lạnh nữa.
Bảo
Ngọc nghe nói có lý, bỏ rượu lạnh xuống, sai người hâm nóng mới uống.
Đại
Ngọc đương cắn hạt dưa, nhếch mép mỉm cười. Vừa lúc đó a hoàn của Đại Ngọc là
Tuyết Nhạn mang đến cái lồng ấp, Đại Ngọc cười hỏi:
–
Ai bảo em đem đến cho ta thế? Thật là em chu tất quá. Nhưng ta đã chết rét đâu
mà sợ!
Tuyết
Nhạn nói:
–
Chị Tử Quyên sợ cô lạnh, bảo tôi mang đến đấy.
Đại
Ngọc cầm lấy lồng ấp để vào lòng, cười nói:
–
Khen cho em cũng khá đấy! Lại biết nghe lời nó. Xưa nay ta bảo em câu gì, em đều
để ngoài tai. Thế mà bây giờ nó bảo em, em vâng lời, nhanh hơn chiếu chỉ nhà
vua!
Bảo
Ngọc nghe nói thế, biết Đại Ngọc mượn cớ nói chọc mình, nhưng không biết trả lời
ra làm sao, chỉ hì hì cười mà thôi.
Bảo
Thoa vẫn biết Đại Ngọc xưa nay quen lối nói cạnh nói khóe, nên không để ý. Tiết
phu nhân cười nói:
–
Cháu người vốn yếu, không chịu được lạnh, thế mà nó lại nghĩ đến cháu, chẳng tốt
hay sao?
Đại
Ngọc cười nói:
–
Dì không biết: may mà ở nhà dì đấy, chứ ở nhà khác, chẳng làm cho người ta phát
bực hay sao? Nhà ai chẳng có lồng ấp, việc gì phải mang từ nhà đến? Dù rằng bọn
a hoàn chu tất thật đấy, nhưng người ta lại cho cháu ngày thường quen thói
ngông cuồng đi rồi.
Giống như âm-dương, hàn-nhiệt là một cặp
phạm trù đối xứng và gắn kết bất diệt, luôn xuất hiện cùng nhau trong y học,
văn chương, triết học,… của người Trung Quốc. Mặc dù Bảo Thoa bị chứng “nhiệt độc
từ trong tim” và phải uống Lãnh Hương Hoàn để điều trị, nàng lại nhắc nhở Bảo
Ngọc rằng chất nóng trong rượu nếu không được phát tán hết sẽ làm hại đến ngũ tạng.
Cũng theo triết lý nóng-lạnh sóng đôi ấy, Bảo Thoa giải thích cho dì Chu rằng
Lãnh Hương Hoàn (lạnh) cần được uống cùng “nhiệt thang” (nóng.) Bảo Thoa vốn
luôn được miêu tả như một nhân vật trí tuệ và thông thái. Nàng ý thức được rằng
“nhiệt” là một phần không thể thiếu trong cơ thể, cũng như “tình” là một phần
không thể thiếu của sự sống. Tìm cách triệt tiêu nó một cách hoàn toàn là một
việc làm sai lầm, trái với tự nhiên. Bởi vậy có thể suy ra Bảo Thoa cũng ngoài
lạnh trong nóng như ly rượu kia vậy.
Câu chuyện “nóng nóng lạnh lạnh” giữa
Bảo Thoa-Bảo Ngọc khiến Đại Ngọc trở nên khó chịu, thậm chí ghen tức. Trong
hoàn cảnh này, Đại Ngọc lại chính là “mỹ nhân băng tuyết”. Đại Ngọc từ bên
ngoài trời tuyết đi vào, phá vỡ không khí ấm áp trước đó của Bảo Thoa-Bảo Ngọc.
Nàng lạnh nhạt, thờ ơ, kiêu kỳ, mai mỉa. Nàng tỏ ra bất cần, không sợ cái lạnh,
thậm chí còn đón nhận nó. Ngay cả cái tên của Tuyết Nhạn cũng góp phần làm tăng
sự giá buốt của nàng. Ngược lại, Bảo Thoa lại toả ra sự nồng ấm. Dường như
chương này đã báo trước sự rạn nứt của cặp đôi cây-đá và sự kết hợp của cặp đôi
vàng-ngọc về sau. Theo giáo sư Martin W. Huang của đại học UC Irvine, đây là
trích đoạn trong Hồng Lâu Mộng mà cặp phạm trù nóng-lạnh có
tính biểu tượng đậm đặc nhất. Ông cũng chỉ ra rằng việc đặt các hình ảnh nóng-lạnh
kề nhau là một truyền thống của văn học Trung Hoa, có từ những tác phẩm
như Thủy Hử và Kim Bình Mai.
Ví dụ thứ hai về tính “trong nóng
ngoài lạnh” của Bảo Thoa là lúc nàng tới thăm Bảo Ngọc sau khi bị cha đánh. Đoạn
này diễn ra ở chương 34:
Bảo
Thoa thấy Bảo Ngọc mở mắt ra nói chuyện, đã khá hơn lúc nãy, trong bụng cũng đỡ
lo, chỉ lắc đầu thở dài:
–
Nếu cậu sớm chịu nghe lời mọi người thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay? Chả cứ cụ
và dì mà ngay chúng tôi trông thấy cũng phải đau lòng.
Bảo
Thoa nói được nửa chừng thì nín hẳn lại, hối hận không nghĩ kỹ, tự nhiên má đỏ
lên, đầu cúi xuống, không nói nữa. Nghe những lời thân mật, có ngụ ý sâu xa, lại
thấy Bảo Thoa nín bặt không nói, má đỏ, đầu cúi xuống, tay mân mê dải áo, có
dáng e lệ thẹn thò, không thể nào hình dung hết được, Bảo Ngọc trong lòng càng
thêm cảm động, bao nhiêu đau đớn hình như đã trút sạch ra ngoài chín tầng mây.
Bảo Thoa đến thăm Bảo Ngọc sau trận đòn
Đôi má đỏ của Bảo Thoa được Tào Tuyết
Cần nhắc lại hai lần để nhấn mạnh ý nghĩa của nó. Má đỏ là đào hoa chỉ diện, là
biểu hiện của người phụ nữ đa tình. Dáng vẻ, điệu bộ, lời nói của Bảo Thoa dành
cho Bảo Ngọc có lãnh tình không? Hoàn toàn không. Thuốc Lãnh Hương Hoàn thế là
không có tác dụng rồi!
*
(Phần cuối: “Con sâu chủ động chuivào với hoa“)
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét