Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

18. Giả mẫu: may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

 

Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

Anh Nguyễn

 

(Tiếp theo phần1 và phần 2)

Như đã nói ở phần trước, Giả mẫu tính tình trẻ con chưa nguy hại bằng việc người nhà dung túng điều đó. Nếu Giả mẫu chỉ ngồi một chỗ tĩnh dưỡng, thi thoảng bày cuộc vui chơi thì có lẽ cũng chưa đến nỗi. Điều đáng nói là Giả mẫu còn trực tiếp nhúng tay, gây ảnh hưởng đến việc vận hành của gia tộc. Thử nghĩ mà xem, một người già dù có minh mẫn sáng suốt đến mấy cũng khó có đủ trí lực để quyết định những việc lớn trong nhà, nữa là một bà cụ nông nổi như Giả mẫu. Việc này để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thứ nhất, trong nhà, Giả mẫu yêu thích và giao phó hết việc nhà cho Phượng Thư cũng bởi nàng có cái miệng giỏi bông đùa, biết cách làm Giả mẫu bật cười. Nàng lại khéo đón ý, đưa đẩy, bày trò, tỷ như lúc mời già Lưu vào nói chuyện với Giả mẫu… Phượng Thư lợi dụng sự yêu chiều, tin cậy của Giả mẫu để lạm quyền, góp phần đưa nhà họ Giả lâm vào cảnh bi đát thế nào thì không cần nói nữa.


                                       Già Lưu kể chuyện để mua vui cho Giả mẫu


Thứ hai,
 Giả mẫu quá yêu chiều Bảo Ngọc đến mức bất chấp cả những quy tắc ứng xử thông thường. Bảo Ngọc từ nhỏ đã sống ở cạnh các chị em, điều này đến khi cậu ta lớn vẫn không thay đổi. Giả Chính, Nguyên Xuân đều thấy điều này không hợp tình hợp lý, nhưng mấu chốt là họ vẫn muốn chiều ý Giả mẫu, thế nên mới có cảnh một cậu công tử dọn vào Đại Quan viên ở với một dàn tiểu thư:

(Nguyên Xuân) Lại nghĩ đến Bảo Ngọc không như các anh em khác, từ bé đến lớn vẫn ở luôn với đám chị em; nếu không cho sang đây, sẽ làm cho cậu ta buồn, mà Giả mẫu và Vương phu nhân cũng không được vui. Vậy nên cho Bảo Ngọc ở luôn đấy mới phải.

Giả Chính chẳng ưa Bảo Ngọc, nhưng không có nghĩa ông ta hoàn toàn phó mặc đứa con trai này. Trong lòng Giả Chính luôn canh cánh nỗi lo sợ Bảo Ngọc sẽ đi vào con đường sai, vì thế ông thường xuyên tìm cách uốn nắn Bảo Ngọc mỗi khi có cơ hội. Nhưng sự dạy dỗ của ông luôn vướng phải sự cản trở của Giả mẫu. Khi Giả Chính bắt Bảo Ngọc làm một việc đơn giản (đặt câu đối), ông cũng không dám giữ cậu ta lại lâu vì sợ Giả mẫu “không yên lòng”. Mỗi khi Giả Chính tìm gọi Bảo Ngọc thì một tấn trò hề sẽ xảy ra như sau:

Bảo Ngọc sa sầm nét mặt, mất vui, ngồi ngẩn ra một lúc, rồi uốn éo níu chặt lấy Giả mẫu, không chịu đi.

Giả Mẫu an ủi:

– Của quí của bà này! Cháu cứ đi, đã có bà. Cha cháu không dám làm rầy rà cháu đâu.

Giả mẫu nói xong, gọi hai bà già đến dặn: “Đưa cậu Bảo sang, và chớ để ông làm cho cậu ấy sợ”.

Lần duy nhất Giả Chính dùng đòn roi để răn đe Bảo Ngọc thì vấp phải sự cản trở quyết liệt bằng… nước mắt của Giả mẫu. Kết quả là Giả Chính, Giả Xá sợ Giả mẫu khóc lóc sinh ốm, vừa tốn công lại mất của, quá trình dạy con của Giả Chính lại một lần nữa trở thành công cốc công cò. Ngay cả khi Bảo Ngọc bị ốm, bị đau, nỗi lo đầu tiên của Vương phu nhân không phải sự an nguy của con trai mà là sợ Giả mẫu biết! Sự nâng niu của Giả mẫu với Bảo Ngọc khiến cậu ta bị Giả Hoàn căm ghét, rồi bị dì Triệu thuê phù thủy hãm hại đã đành, nó còn tạo ra một khoảng cách không thể cứu vãn với Giả Chính, khiến Bảo Ngọc mãi mãi không thể trưởng thành về mặt nhận thức. Mà đây lại là niềm hy vọng của cả nhà họ Giả! Đủ biết Giả phủ người tuy nhiều nhưng đã không còn ai nữa rồi.


Giả mẫu tức giận doạ bỏ về phương Nam khi Bảo Ngọc bị đánh (Bảo Ngọc nằm vắt trên ghế, lưng rướm máu)

Cuối cùng, văn hóa sùng bái cá nhân (Giả mẫu) trong xã hội nhỏ (Giả phủ) đã tạo nên sự chia rẽ không hề nhỏ. Trong số những người xu nịnh, chiều chuộng Giả mẫu, mấy ai thực sự yêu quý bà? Số đông vây quanh Giả mẫu chỉ vì muốn nâng cao địa vị bản thân, nhân đó o ép người khác. A hoàn Uyên Ương lúc sống gắn bó với Giả mẫu, lại tự tử sau khi Giả mẫu qua đời, nhưng lý do thực là nàng sợ Giả Xá không còn úy kị mẹ già sẽ nhân đó làm ô uế thân nàng. Những kẻ bị “ra rìa” lại càng không tránh khỏi bị cô lập, ghẻ lạnh, thậm chí ngược đãi (Hình phu nhân, Vưu nhị thư). Ta thấy một gia tộc bề thế, giàu có, “tứ đại đồng đường,” nhưng bên trong rặt những mưu mô, xảo trá, đố kỵ lẫn nhau, chẳng hề thấy tinh thần đoàn kết hay sự quan tâm thực lòng. Dù Giả mẫu không hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc này, nhưng khi hệ thống thưởng-phạt và bộ máy vận hành của một gia tộc đều dựa trên sự chiếu cố của một bà lão thì gia tộc đó chỉ là hữu danh vô thực.


Giả mẫu lạnh nhạt với Hình phu nhân


Cuối truyện, Giả mẫu đã “bù đắp” lại cho gia đình lụn bại bằng cách phân phát hết tài sản ki cóp cho con cháu. Có thể nói đây là một sự chuộc tội nhằm cân bằng lại những thiếu sót trong tính cách của nhân vật này:

Giả mẫu gọi Hình phu nhân và Vương phu nhân cùng bọn Uyên Ương mở rộng đổ hộp lấy ra hết cả những đồ vật dành dụm từ khi làm dâu đến nay, lại gọi bọn Giả Xá, Giả Chính, Giả Trân đến chia cho từng phần rõ ràng. Giả mẫu cấp cho Giả Xá ba ngàn lạng và nói:

– Số bạc hiện có ở đây, anh đem đi hai ngàn làm tiền tiêu để một ngàn cho chị ấy tiêu riêng. Đây có ba ngàn lạng cho cháu Trân, nhưng chỉ được đưa đi một ngàn lạng, để lại hai ngàn lạng cho vợ cháu giữ lấy. Ai nấy tự lo lấy sinh sống. Nhà cửa thì ở chung với nhau, cơm nước thì ăn riêng. Việc hôn nhân của con Tư sau đây cũng là việc của ta. Tội nghiệp con Phượng lo liệu bấy lâu bây giờ sạch không, cũng cho nó ba ngàn lạng, giao cho nó giữ lấy không cho cháu Liễn tiêu. Giờ đây nó còn ốm mê mệt thì bảo con Bình đến mà nhận về. Đây là xiêm áo của cha ông để lại cả áo quần và đồ trang sức của ta dùng khi còn nhỏ, nay ta không dùng đến. Đồ đàn ông thì bảo ông Cả, cháu Liễn, cháu Trân, cháu Dung đem ra mà chia nhau. Đồ đàn bà thì bảo bà Cả, vợ cháu Trân và con Phượng đem mà chia nhau. Đây có năm trăm lạng bạc giao cho cháu Liễn, sang năm đưa linh cữu con Lâm về Nam.

Giả mẫu phân phát xong, lại nói với Giả Chính:

– Anh nói còn mắc nợ người ngoài, việc đó cũng không thiếu được. Anh bảo đem số vàng này bán đi mà trả cho người ta. Đó là bọn chúng nó phá mất của ta đấy. Anh cũng là con ta, ta không hề có thiên vị. Bảo Ngọc đã nên cửa nên nhà, những vàng bạc và đồ vật còn lại đây ước chừng mấy ngàn lạng, đều đã cho nó cả. Vợ cháu Châu xưa nay ăn ở hiếu thuận với ta, thằng chắt Lan cũng tốt, ta cũng chia cho mẹ con nó ít nhiều. Thế là công việc của ta xong xuôi.

Bọn Giả Chính thấy Giả mẫu phân xử sáng suốt như thế, đều quỳ xuống khóc và nói:

– Tuổi già như thế, bọn chúng con chưa có chút gì hiếu thuận. Giờ đây lại chịu ơn của người thế này. Thật bọn chúng con lấy làm xấu hổ!


Giả mẫu phân phát của để dành cho các con. Hoạ sĩ thật khéo khắc hoạ vẻ suy sụp gầy yếu của Giả mẫu, trái ngược hẳn sắc thái tươi tắn đầy đặn của bà trong những bức tranh trước

Phải nói người viết đã rủ lòng thương Giả mẫu, vẫn để cho bà được lần cuối sưởi ấm trong sự kính trọng (lần này mới tự đáy lòng) của con cháu. Chúng ta cũng vì cử chỉ đẹp ấy mà quên đi những sai lầm của Giả mẫu. Nếu không vì chi tiết này, có lẽ hình ảnh của Giả mẫu đọng lại trong người đọc chỉ là sự tủi hổ của tuổi già!

 

*

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét