Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2):
Là gương nên không thể cùng người
Anh Nguyễn
(Tiếp theo phần1)
Bảo Ngọc có
tính nhẫn nại, thậm chí thụ động, song lại có khả năng tác động đến những nhân
vât khác. Điều này khiến học giả Andrew Plaks cho rằng: mệnh Thổ của Bảo Ngọc
được thể hiện qua sự gắn bó của chàng với những tấm gương trong truyện.
Bảo Ngọc cũng giống như một tấm gương: bản chất tĩnh lặng
nhưng lại phản ánh đúng bản chất của những người khác. Cậu thường đóng vai trò
quan sát, chiêm nghiệm. Nhiều sự việc và con người trong Hồng Lâu Mộng được
nhìn nhận, đánh giá qua con mắt Bảo Ngọc: sự tàn nhẫn của Phượng Thư, sự yếu đuối của Vưu nhị thư,
tính cao ngạo của Diệu Ngọc, tính
ghen tuông của Hạ Kim Quế,..
Không những thế Bảo Ngọc còn mang trong mình nhiều sự trái ngược: tính nữ trong
hình hài nam giới, thần trên trời đổi kiếp làm người, là viên ngọc thật (chân)
nhưng lại mang tên “giả”. Chất nửa hư nửa thực này làm người ta liên tưởng đến
bóng người trong gương. Thế giới mà ta sống chưa chắc đã có thật, có khi lại
chính là phản chiếu của thế giới trong gương chưa biết chừng.
Giả Bảo Ngọc và mười hai thoa
Trong Hồng Lâu Mộng có ba tấm gương quan
trọng, ít nhiều có liên quan đến Bảo Ngọc:
– Tấm gương thứ nhất là của Võ Tắc Thiên, được bày trong buồng Tần Thị. Võ Tắc Thiên là nữ
hoàng nổi tiếng truỵ lạc, tấm gương này ắt đã phản chiếu nhiều điều hay ho, lại
được bày trong buồng Tần Thị và “chứng kiến” lần vào đời trong mơ của Bảo Ngọc
– ý nghĩa xuân tình từ ấy lại càng tăng thêm nhiều lần.
– Tấm gương “Tây dương” được bày trong viện Di Hồng. Đây
là một tấm gương lớn có thể phản chiếu cả thân hình người. Già Lưu từng bị nhầm
lẫn vì tấm gương này. Chính Bảo Ngọc khi nằm mê man nhìn gương cũng tưởng tượng
ra cuộc hội thoại với Chân Bảo Ngọc. Về mặt ẩn dụ, Chân Bảo Ngọc và Giả Bảo Ngọc
thực ra là hai mặt thật-giả của một cá thể duy nhất, vì thế có thể nói đó là cuộc
đối thoại của Bảo Ngọc với tiềm thức của chính bản thân mình. Katherine
Alexander đã nhận xét rằng những tầng ý nghĩa phức tạp của Hồng Lâu Mộng khiến
người đọc không khỏi rơi vào trạng thái mơ hồ như Lưu lão lão, tay bấm vào mép
gương tự hỏi “làm sao ra được khỏi nơi đây?”
– Tấm gương Phongnguyệt bảo giám.
Sự tương đồng của Bảo Ngọc và những tấm gương được khẳng
định qua hội đố đèn ở chương 22. Tại đây, câu đố của Bảo Ngọc là: “Ngươi nhìn về
phía bắc thì ta nhìn về hướng nam. Ngươi buồn ta buồn, ngươi vui ta cũng vui
theo.” Câu đố này thể hiện tính cách nhạy cảm, dễ lây lan cảm xúc của Bảo Ngọc.
Trong suốt Hồng Lâu Mộng, Bảo Ngọc thường xuyên để ý đến những trạng
thái hỉ nộ ái ố của những người đẹp xung quanh mình. Dường như chàng có một thứ
“ăng ten” đặc biệt với tâm tình nhi nữ. Chàng vui niềm vui của họ, buồn nỗi buồn
của họ, sẵn sàng xả thân để đem đến hạnh phúc cho họ. Có điều người trong gương
luôn bị cách trở với người bên ngoài, Bảo Ngọc cũng vậy, chàng chỉ có thể quan
sát những cô gái đó từ xa, vĩnh viễn không thể gắn bó với một ai thật sự.
Như vậy Bảo Ngọc đã trải qua đầy đủ những biến thể của
hành Thổ: đất, bùn, ngọc, đá, gương. Vùng vẫy trong chốn bụi hồng đủ khiến cậu
ngộ ra nhiều điều về nhân tình thế thái. Khi câu chuyện kết thúc, Bảo Ngọc nhận
ra thất tình lục dục chỉ là phù du, rũ áo trở về chốn Đại Hoang không còn gì tơ
luyến. Hòn đá sau khi đi một vòng luân hồi lại quay trở lại làm hòn đá.
*
Nhân đây tôi cảm thấy cần phải làm rõ một vấn đề lớn. Ở bài trước, có độc giả thắc mắc
vì sao bài thơ “Áo chầu đầy khói…” bản tiếng Việt gán cho Bảo Thoa mà
tôi lại nói là của Đại Ngọc. Tôi phải khẳng định lại một lần nữa rằng, bản dịch
tiếng Việt không đúng. Chúng ta thử nghĩ mà xem, hội thi đố đèn đã có những bài
thơ của Giả Hoàn, Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Bảo Thoa, Giả
Chính, Giả Mẫu. Vậy mà lại thiếu hai nhân vật quan trọng nhất là Đại Ngọc và Bảo
Ngọc ư? Khi đối chiếu lại với nguyên tác và hai bản dịch tiếng Anh khác nhau (của
H. Bencraft Joly và David Hawkes,) tôi nhận thấy bản tiếng Việt đã mắc sai lầm
nghiêm trọng: thiếu hai câu đố của Bảo Ngọc, Bảo Thoa và biến câu đố của Đại Ngọc
thành của Bảo Thoa. (???)
Minh họa về hội đố đèn của Sun Wen
Không những thế, mỗi câu đố lại nói lên tính cách và số
phận của người ra đề, như câu đố của Giả Hoàn (đầu con thú – Anh Cả có tám sừng,
anh Hai hai sừng, anh Cả ngồi chồm chỗm trên giường) vừa không thông, vừa thô lỗ,
cục súc như con người y. Câu đố của GiảChính (cái nghiên mình vuông vắn, chất cứng rắn) cũng nói lên sự chỉn
chu, mực thước đến mức cứng nhắc của ông. Những câu đố ảm đạm của tứ Xuân cũng ẩn
ý về số phận long đong, bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Vì thế việc nhầm lẫn các
câu đố là một thiếu sót lớn. Xin được nhắc lại:
– Câu đố “Áo chầu đầy khói…” là của Đại Ngọc. Những
hình ảnh tàn tro, héo úa, tang thương trong bài thơ này vừa ẩn dụ cho kết cục
não nề của mối tình Đại Ngọc-Bảo Ngọc, vừa ám chỉ số mệnh ngắn ngủi của Đại Ngọc.
Vật được nhắc đến trong câu đố là cái đèn canh hương, một thứ đồng hồ sơ khai
đánh dấu thời gian bằng cách đốt hương trầm. Hương thơm đấy nhưng mau tàn lụi,
đã đốt là cháy hết không để lại gì. Cuộc đời vắn số của Đại Ngọc cũng ngắn dần
đi như những đốt hương tàn.
Đèn canh hương
– Câu đố thứ hai của Bảo Thoa có thể dịch nôm na như sau:
“Ta có mắt nhưng không thể nhìn, bên trong ta trống rỗng. Khi hoa sen nở thì
ta ở bên người, khi lá thu rơi thì ta cũng bỏ đi. Ân ái lứa đôi mặn nồng không
thể kéo dài đến mùa đông.” Câu đố này không chỉ ẩn dụ cho tính cách bàng
quan, cô độc của Bảo Thoa mà còn báo trước cảnh chăn đơn gối chiếc, xa lìa phu
quân của nàng. Vật được nhắc đến trong câu đố là “trúc phu nhân” (bà vợ trúc) –
một thứ gối ôm làm bằng tre dùng khi ngủ mùa hè cho mát. Đến mùa đông người ta
cất nó đi không dùng tới nữa.
Hình dáng của một “trúc phu nhân”
– Giống như “trúc phu nhân,” Bảo Thoa đem đến sự lạnh lẽo, trống
trải thay vì cảm giác ấm áp của một hiền thê thực thụ. Vai trò của nàng chỉ có
thời vụ, tư cách người vợ của nàng cũng hữu danh vô thực.
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét