Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Ngò mường

Rau mùi tàu

Cuối Xuân, trời xứ bắc đỏng đảnh, thoắt nắng thoắt mưa cả ngày. Như câu thơ của Việt Nga chép tặng: Nắng chỉ ngập ngừng quanh ngõ/ Thương từng lộc biếc trên cây.
Xuân đã già, mỗi bữa cơm đèn, hai ông bà thường bàn định cho món ngày sau. Cơm chiều nay canh bí ngô. Cùng nấu nướng, chợt bà Văn gọi: Ông ơi, ra vườn hái mấy lá Ngò Mường. Ngơ ngác, ngò mường là rau gì? Rau Mùi Tàu đó.
Tôi bước ra vườn, vạt rau mùi tàu nhỏ thấp mọc từng mảng xanh rờn, xòe những hình hoa Thị, phiến thuôn dài, răng cưa nhỏ, óng vàng nhẹ chan nắng chiều. Tay hái, mùi tàu thơm nồng nàn khác biệt, theo về tận bếp, nơi bà Văn tay xào tay nấu. Chắc là cái phim Mùi Ngò Gai cũng đậm thơm ẩm thực ngò mường.
Ngò mường, cái tiếng Trung (miền) bà Văn nói, tôi vẫn ngỡ ngàng. Bà ra Bắc từ khi 16 tuổi, học trung học, đại học, lấy chồng và dạy học đều Bắc (xứ), nói phương ngữ bắc. Sao không gọi mùi tàu mà lại ngò mường. Thôi, chắc già lại lẩn thẩn về xưa.
Bí đỏ
Bữa chiều ngon miệng, cơm cá khô rán (khô chiên- như câu gọi người nam, mà nhà hàng và những người hiện đại ngoài bắc giờ vẫn gọi là chiên cho dẻo giọng). Canh bí đỏ thơm vị mùi tàu. Nắng đã tắt, chập tối lại thấy mưa phùn gió bấc nhẹ, cơm nóng, cá khô, canh bù rợ, khác những món ăn thường chán lúc tuổi già. Nó nhàm như ngày nào cũng xem tivi truyền hình trực tiếp với phóng viên nói như nuốt chữ, tay giơ bên nọ, gạt bên khi, cả khuôn người, tay, mồm như chữ vuông Trung Quốc. Nhưng cái không nhàm là ngày nào trong bữa ăn cũng có rì rầm: Xưa nhà tôi… thế này, tôi đẹp (hình như nói vậy), tôi lấy ông, vất vả nuôi con. Sau bữa lại rì rầm bên bàn uống trà ngoài vườn, kể lại những xửa những xưa. Và khi chỉ còn rì rầm trong tiếng phim Hàn Quốc, khóc lóc chia ly, bệnh tật. Tôi rì rầm trong blog bạn và bình yên đóng lại một ngày thường, căn nhà thiếp đi trong ngõ nhỏ.
Đêm nay tôi rì rầm đọc, trong ‘nét’ viết: mùi tàu hay mùi gai, ngò gai hoặc ngò tây cũng vậy. Chỉ bây giờ mới nghe gọi ngò mường.
Mùi tàu thì hiểu, vì rau có mùi thơm chăng. Như rau mùi, hay còn gọi  ngò, ngò rí, ngổ, ngổ thơm, hồ tuy, nguyên tuy, hương tuy - tùy theo phương ngữ mỗi vùng (như người Ninh Bình gọi Châu chấu là Tôm bay vậy), là loài cây thân thảo. Xưa ngày Tết, u tôi thường vò cây mùi già cho cả nhà tắm tất niên. Ngọt bát canh bí đao (bí xanh) vị rau mùi nấu nước luộc gà khi mấy chị em nấu cúng giỗ thày u.
Ngò là gì? Những cái tên miền xa gọi nghe ngồ ngộ thân thương.
Rau ngổ
Rau Ngổ lại còn gọi là ngò om (chắc từ ngổ  không hàm chỉ là ngổ ngáo). Thấy nói có hai loại.
Rau om, ngò om hay ngổ hương, thuộc họ hoa mõm sói (dùng làm gia vị). Còn rau ngổ trâu, ngổ đất, ngổ dại. Cây thảo sống nổi hay ngập nước, dài hàng mét (cho lợn ăn). Hai loại này hình dáng lá gần giống nhau.
Vậy ‘ngò’ chắc là chỉ chung tên loại rau dại (mà quen ăn), có mùi? Ngò, ngổ, mùi là những cái tên thông dụng.
Ngổ Luông
Lại có xã tên Ngổ Luông huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Vậy Ngổ ở đây theo ngôn ngữ Mường.
***
Vẫn cảm vị canh bí đỏ (bí ngô) cơm chiều. Quê vợ miền Trung, bí đỏ được gọi là bù rợ.

Là giáo viên dạy Toán, tôi đã từng biết những ngôn ngữ tập bù (phần bù: tương đối hay tuyệt đối trong khái niệm tập hợp). Ví dụ, nếu AB thì B\ A được gọi là phần bù của A trong B, ký hiệu CAB (hay CBA). Hay như góc 100 bù với góc 1700, (cho đủ 1800). Nó vẫn theo nghĩa như ‘bù chì’ (cho con), câu chuyện về lòng hiếu, như dân được ‘đền bù’ đất bây giờ đến ‘bù lỗ’ cho v…vân... (tôi không hàm ý Vinashin đâu nhé)
Khái niệm Bù1 (one's complement) là một số trong hệ nhị phân mà nó chính là bù cơ số trừ 1 (radix-minus-1 complement) của một số khác. Một số bù 1 có thể có được do đảo tất cả các bit có trong số nhị phân (đổi 1 thành 0 và ngược lại). Hay Bù2 (two's complement) là một số trong hệ nhị phân là bù đúng (true complement) của một số khác. Một số bù 2 có được do đảo tất cả các bit có trong số nhị phân (đổi 1 thành 0 và ngược lại) rồi thêm 1 vào kết quả vừa đạt được. (Bây giờ chúng ta chẳng cần biết). Nó cũng chỉ là thêm, đổi.
Bù ở trong bù rợ được hiểu trong cách gọi quả bầu, bù rượu (bầu rượu) của người miền trung, chỉ một  một vật có hình thù như ta thấy. 
Canh rau ngót
Nhưng có vẻ chưa hợp khi quê vợ tôi gọi rau ngót là bù ngọt (bù ngót), nấu canh ngon. Xưa, thời trong rừng, rau ngót mọc từng vạt dài trong thung nắng, lính tôi tuốt lá, lèn đầy ống tre rừng, nướng ăn, bở và thơm mùi khói, tự hào như vợ chồng cụ An Tiêm ngoài hoang đảo. Nhớ lại bầu bạn lúc gian nan.
Thế còn câu ‘đầu bù tóc rối’ là bù gì?
Món canh bù rợ vẫn quẩn quanh thơm trong bài viết, không nói hết lòng sao đặng. Rợ có phải như là dây rợ (chỉ cái cây cho trái bù ngon). Quả bù rợ cho bát canh ngon ngọt sao ta lại nghĩ nó là mọi rợ (chỉ người dân tộc) hay như rợ Hung nô (rợ: chỉ sự khinh miệt).
Lu bù viết, vẫn yêu thương những địa danh trong nớ.
Bù Gia Mập
Tỉnh Bình Phước với đa số người  Stiêng sinh sống, ba huyện có tên đầu chữ Bù: Bù Gia Mập, Bù Đốp (hai huyện giáp Campuchia) và Bù Đăng có sóc Bom Bo nổi tiếng của đồng bào Stiêng, viết đến chỗ này vẫn cảm thấy rung rinh một bài hát xưa thời lính.
Viết cho vui bạn ạ. Cứ tưởng là chữ vuông có đồng âm dị nghĩa để các nhà Nho thâm thúy, luận bàn, hóa ra Tiếng Việt cũng vậy, do phương ngữ từng miền của một đất nước trải dài ba nghìn cây số, nhận và hưởng tinh hoa của bao nền văn hóa sống chung. Thật yêu thương.


 Nhà văn Võ Hồng viết “Đi trong bóng lá”:
“Quê mình kêu là củ sắn nước, ngoài Bắc gọi là củ đậu. (Tôi so sánh hai chữ củ Sắn nước và Củ đậu). Tôi thấy thương cho cái tên củ sắn nước. Nó quê mùa, chuyền trên miệng những người lam lũ chất phác của quê tôi, từ thế hệ này chuyển giao qua thế hệ sau. Nó hiện diện một cách vững chắc, bất chấp qui luật ngữ pháp hay văn phạm. Nó mang cá tính của một miền nên nghe nó, người ta hình dung đến một miền. Một miền với đầy đủ quá khứ hiện tại và tương lai.” (viết thêm vào ngày 8/4, nhà văn Võ Hồng qua đời 31/3/2013)
(Viết tặng con gái)

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Có một dòng Sông khác.

Sông Đà với mây bay trên núi Tản. Ảnh Xuân Bình

Nếu chỉ tính những dòng chảy có độ dài trên 10km, cả nước ta có khoảng 2860 dòng sông trong đó có 134 sông chính. Dọc bờ biển dài 3260 km, cứ cách khoảng 20km bờ biển lại có một cửa sông lớn. Có sông ở miền núi, đồng bằng, sông trên đầm lầy và sông chui qua các hệ hang động carter. Hướng của các dòng sông Việt Nam chủ yếu chảy từ Tây sang Đông, từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ đất liền ra biển Đông.
Sông Sêrêpôk
Sông Kỳ Cùng
Nhưng cũng có những dòng sông chảy ngược. Sê San (Krông Pơ Kô) và Sêrêpôk (Đắk Krông) hình thành ở khu vực Tây Nguyên rồi chảy ngược hướng Tây sang Camphuchia, đổ vào Mêkông. Sêrêpôk, khá đặc biệt vì nó là hợp lưu của hai sông Krông Knô và Krông Ana hiền hòa, khi hợp thành Sêrêpôk thì trở nên hung dữ với hàng loạt thác ghềnh liên tiếp như Gia Long, Dray Sap, Dray Nur, Trinh Nữ... Sông Kỳ Cùng, con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua thành phố Lạng Sơn, sang Trung Quốc. Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, xưa nàng Tô Thị bế con ngóng chồng trên núi, khóc nhìn sông chảy ngược


Bình minh trên sông Nhật Lệ. Ảnh Bulukhin

Nhật Lệ, con sông bắt nguồn từ núi UBò, CoRoi (Trường Sơn) chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Một con sông chảy dọc. Kỳ lạ, sông chảy từ Tây, Nam về Đông Bắc. Tôi, khi gặp sông, ngỡ ngàng, thảng thốt trong câu thơ của anh Duật: Bao nhiêu người làm thơ đèo Ngang/ Mà quên mất con đèo chạy dọc. Phải chăng, ngược vậy, bờ nhánh Kiến Giang là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngược đầu nguồn lên phía tây là quê hương cụ Ngô Đình Diệm- Tổng thống VNCN. Phải chăng địa danh ngày trước của Đồng Hới lại là Động Hải một từ cần được hiểu là biển sâu. Phải chăng là con sông chảy dọc (ngược) trên một cuộc đất phẳng mở ra, dài và hẹp, nên cách 80 km mới thấy một cửa Tùng, sông Bến Hải - con sông chia cắt. Có phải chăng, một nghịch lý Quảng Bình?

Làng cá bè Tân Mai (sông Đồng Nai). Ảnh Hoài Nhân
Đồng Nai, con sông mượn tên một cuộc đất có nhiều nai, nên tên chữ là Lộc Dã. Sông Đồng Nai dài nhất chảy trên lãnh thổ Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Có một địa danh của những người Hoa "phản Thanh phục Minh" được chúa Nguyễn cho vào lập nghiệp, họ gọi theo âm người Hoa là Nông Nại (Đồng Nai) đại phố, người Việt gọi là Cù lao phố.
Quan sát những con sông, vẫn có cảm giác dù sông trôi thật chậm, vẫn thấy đâu đó, cứ ám ảnh mình những số phận của quê hương, dân tộc, con người trong hình ảnh dòng sông. Của những nông sâu bãi bờ, của khúc rẽ, khúc quanh, bên đục bên trong. Của lòng ai tâm trạng rối bời.
Chuyến đi nào
                 không
                      tầm tã nhớ thương.  ("Đi, đây Việt Bắc", Trần Dần).
Tôi đọc tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư, lòng cảm nhận ‘Sông” với nhiều nỗi ‘ra đi’ của từng thân phận, như cuộc đời ‘trôi’. Xin trích để cùng các bạn ngẫm suy về nó, một dòng sông khác.
Rừng bần Hưng Hòa (sông Lam)
… Sông Di phát nguyên từ dãy Thượng Sơn, sườn đông bắc của Puvan, xuôi về phía nam. Đây là dòng sông duy nhất chảy dọc theo đất nước, qua nhiều địa hình phức tạp, độ rộng hẹp cũng thay đổi bất ngờ.
... Ba cây số trước khi sông Di ra biển, sông chỉ là con rạch quanh quanh giữa cồn cát, đôi bờ là những bãi bần. Nó không có vẻ ra đi, mà nhận biển vào lòng. Nước sông mặn quắt, nắng càng lâu thì nước biển sẽ thè cái lưỡi dài nhằng của nó liếm vào sông hàng chục cây số.
Hai bên bờ rạch là những cây bần lớp quỳ lớp đứng thành chòm, thành rừng. Cây lá thưa, cành rời nên có mọc dày cũng không thấy chen chúc, vẫn thấy những khoảng trống. Dầm chân trong sình lầy, mỗi cây là một đìu hiu … Ngửa mặt thấy phía trên những nhánh bần de ra lòng lạch là trăng chiều mỏng gai gai lạnh. Như một cô gái vừa qua cơn sốt, lả người tựa cửa sổ ngó ra sân nắng.
Cây bần lơ thơ làm người ta không nói nổi. Không hiểu vì sao bon đom đóm lại thích sống trong đám rừng này, có lẽ vì bọn chúng họp thành bầy cũng không thành hội, giống như loài cây kia.
Chợ Mù Sa nằm ngay cửa sông Di, ở bờ khác, cũng là một cái cồn cát lớn. Có cái gì đó hơi giống nhau ở cửa sông Di và những cửa sông mà cậu từng biết, là một bên sông có vẻ khá giả sầm uất, bên kia thì hiu hắt, tách biệt, như là ở một trời khác, đời khác, dù bên này ới bên kia nghe.
Những dòng sông luôn làm tốt cái việc chia cắt của nó.
… cồn cát này sắp bị nước biển nuốt mất, nhưng mấy thím đang ngồi làm cỏ rẫy thì lia mũi dao về phía trời ngó bộ rất coi thường, “ối người xứ này đất bồi thì ở đất lở thì đi, lo cũng không khỏi…. - trích ‘Sông’ NNT.
Sông Di xưa là dòng sông đẹp. Bây giờ, “dòng sông của những mảnh đời con con” của những vùng đất trôi qua luôn, những con người không còn gặp lại. Có chỗ, các cô gái ven bờ ‘ợ lên toàn mùi sương, vì họ ăn sương’…
***
Ẩn Long
Tháng Hai, xuân đã già. Đã có nắng chảy ròng bên thềm cửa. Cũng chẳng thấy vị thanh tao của nắng. Nhưng nỗi khao khát được chìm sâu vào một cái gì đó, mềm và diu ngọt, thỉnh thoảng lóe lên…


Ngày ấy bên bờ sông Lam. Ảnh VanPham


Bạn Bạch Dương và Minh Châu tặng đặc sản Sông rất tuyệt. Vì trang của tôi dở chứng nên không hiện, chép lại cho các bạn thưởng thức.
Món nào cũng ngon và hay. Cứ nắm mắt này lại he hé cả hai. bạn thích món nào.

 photo image020.gif



Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Khúc hát chôn hoa

Bao giờ đom đóm bay ra
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng. (ca dao)

**********



Táng hoa từ
Hoa tàn, hoa bay đầy trời, hoa rụng đầy đất, hương sắc đã phai tàn, còn ai là người thương tiếc. Hoa rụng quanh nhà, hoa rơi bên rèm, người thiếu nữ trong phòng khuê nhìn hoa rụng mà tiếc cho mùa xuân chóng tàn, bèn lấy tay nâng niu những cánh hoa rơi, đâu nỡ dẫm lên xác hoa.
Những cây liễu còn xanh tươi đâu có để ý gì đến những cánh hoa tàn, những cánh hoa đào hoa lý bay theo gió. Hoa đào hoa lý sang năm lại nở, nhưng sang năm, người ngồi trong phòng khuê sẽ là ai? Tiết tháng Ba, những tổ ấm của loài chim yến đã tàn tạ xiêu vẹo, hết mùa xuân, những con chim yến kia sẽ về đâu?
Một năm, có ba trăm sáu mươi lăm ngày, nhưng hầu hết chỉ toàn là sương và gió như những ngọn đao lưỡi kiếm tàn phá loài hoa và cả lòng người, khoảng thời gian ấm áp tươi sáng phỏng được bao lâu.
Hoa nở ra, rồi rơi rụng, biết đâu mà tìm.
Ngoài thềm, mối sầu đang giết dần tâm hồn của người yêu hoa, cầm xác hoa mà giọt lệ chan hòa .
Mùa hè tới, với tiếng đỗ quyên vang lên từ lúc hoàng hôn, với những bên sen nở đầy. Trong đêm vắng, ngọn đèn chiếu bóng người soi lên vách mà lấy làm lạ tại sao người lại sầu thương.
Sầu vì thương xuân, vì tiếc xuân. Thương xuân sao tới mau thế, tiếc xuân sao đi mau thế. Đến cũng như đi, không thấy một tiếng nói gì. Hôm qua nghe tiếng hát, tưởng như tiếng nói của muôn loài hoa. Hoa đã tàn rồi, hồn hoa cũng không ở lại nữa.
Ước gì có đôi cánh để cùng hồn hoa bay tới muôn nẻo trời xa.
Nay đem chôn những cánh hoa tàn mà lòng càng thấy xót xa. Nhìn xuân đi hoa rụng, chợt nghĩ đến lúc tàn tạ của kiếp hồng nhan.
Một ngày nào đó, mùa xuân của cuộc đời đi qua, nhan sắc về chiều. Hoa rụng, người không còn, ai sẽ thương ai?
(Bài "Khóc hoa" của Lâm Đại Ngọc- Hồng Lâu Mộng, bản dịch Nguyễn Quốc Hùng)



Vườn ở phủ Đông, đâu chỉ là trăng thanh gió mát. Liễu Tương Liên nói: “Trong phủ, ngoài hai con sư tử đá trước cổng là sạch, còn thì đến mèo chó cũng bẩn cả”.
Vậy mà nơi ấy có một thế giới thanh sạch. Cho dù sạch nhất trong Đại quan viên là nước thì cũng chảy ra từ Hội Phương Viên. Phải chăng thế giới là xây dựng trên nền của hiện thực ô bẩn. “Dục khiết hà tằng khiết, vân không vị tất không” (Muốn sạch mà không sạch, rằng không chưa hẳn không)– câu thơ là kết cục của ni cô Diệu Ngọc, người sạch đến độ bệnh hoạn trong Hồng lâu mộng mà cũng là bến về của toàn bộ Đại Quan Viên.
“Hôm đó đúng trung tuần tháng ba. Sau bữa sáng, Bảo Ngọc mang theo cuốn Hội chân kí (tức Truyện Tây Sương của Nguyên Chẩn, đời Đường) đến một tảng đá dưới cây hoa đào bên cầu Thấm Phương ngồi xem. Bảo Ngọc giở sách đọc từ đầu. Đọc đến đoạn “Lạc hồng thành trận” (Gió thổi hoa rơi từng trận một), chợt thấy cơn gió lướt qua, hoa đào rụng quá nửa rơi đầy trên sách, trên đất. Bảo Ngọc toan rũ đi, nhưng lại sợ bước chân giày xéo lên, đành hứng lấy đem thả xuống ao. Những cánh hoa đào nổi lênh đênh trên mặt nước rồi trôi qua đập Thấm Phương. Bảo Ngọc quay lại thấy trên mặt đất còn lại rất nhiều hoa. Đương lúc ngần ngừ chợt nghe có tiếng người hỏi: “Anh ở đây làm gì thế?” Bảo Ngọc quay đầu thấy Đại Ngọc vai vác một cái cuốc treo túi the, tay cầm cái chổi quét hoa. Bảo Ngọc cười nói: “Tốt quá, cô quét hết hoa chỗ này lại, mang thả xuống nước. Tôi mới thả xuống một ít.” Đại Ngọc cười đáp: “Thả xuống nước không hay. Anh xem nước ở đây sạch, chỉ là chảy ra qua nhà người ta chỗ làm bẩn chỗ làm hôi cả lên, thì vẫn phũ phàng với hoa kia. Trên góc gò tôi đã đào sẵn mồ cho hoa. Nay ta quét gom lại cho vào trong túi này, mang chôn xuống. Lâu ngày hoa hoá đất, như thế chẳng sạch hay sao?”
Đại Ngọc chôn hoa chính là chỗ để để nói rõ lằn ranh giữa hai thế giới. “Táng hoa” chính là sự cố đầu tiên trong Đại quan viên kể từ sau khi Bảo Ngọc dọn vào ở trong vườn. Ý là: Trong Đại quan viên là thanh sạch, nhưng ra khỏi vườn này là hôi hám. Chôn hoa lại trong vườn, để cho hoa tan vào trong đất vườn, như vậy mới có thể giữ cho thanh sạch mãi mãi. “Hoa” ở đây lẽ tự nhiên tượng trưng cho các cô gái trong vườn. 

Ôi cuộc đời vậy đó.

Tha niên táng nùng tri thị thuỳ 
Thí khán xuân tàn hoa tiệm lạc 
Tiện thị hồng nhan lão tử thì 
Nhất triêu xuân tận hồng nhan lão 
Hoa lạc nhân vong lưỡng bất tri.

Khi con người thật không còn sức hấp dẫn...

Ca sĩ ảo 3D Hanetsu Miku

Khi con người thật không còn sức hấp dẫn...

TTCT - Trong hàng chục ngàn thư gửi về ban tổ chức Thế vận hội mùa hè 2012 tại London (Anh), người ta tìm thấy không ít thư của người hâm mộ Hanetsu Miku từ khắp thế giới, trong một chiến dịch vận động cho nữ ca sĩ người Nhật này được trình diễn mở màn sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.
Hanetsu Miku là ai mà lại có sức hút như vậy?


Bước ra từ... đồ họa
Thật bất ngờ khi biết được Hanetsu Miku, khoảng 16 tuổi, cao 1,55m, chỉ là một nhân vật được tổng hợp bằng đồ họa 3D của Công ty Crypton Future Media và công nghệ tổng hợp giọng hát vocaloid 2 của Công ty Yamaha. Nhân vật có quốc tịch Nhật này đã làm hàng trăm cuộc trình diễn từ năm 2007 đến nay, từ video đến diễn trên sân khấu lớn, làm say mê hàng triệu khán giả đủ quốc tịch trên thế giới.
Trong các chương trình diễn live dài đến gần hai giờ rưỡi, cô ca sĩ này đã nhảy múa không mệt mỏi, hát không sai nhịp và nhạc, thoắt ẩn thoắt hiện với những trang phục mới mẻ như có phép thuật khiến khán giả như điên dại. Giọng ca của Hanetsu Miku được sáng tạo từ mẫu giọng của nữ ca sĩ Saki Fujita, vốn là một giọng ca ăn khách, vì vậy rất nhiều bài hát của Hanetsu Miku trở thành bài hit của giới trẻ Nhật.
Không mỏi mệt, thậm chí giữa chương trình khi thấy khán giả hò hét và nhảy theo đến hổn hển, cô ca sĩ 3D này còn dừng lại, mỉm cười và dịu dàng hỏi: "Các bạn mệt không? Có cần tôi hát một bài êm dịu không?".
Rất nhiều người chưa chứng kiến đã thắc mắc vì sao Hanetsu Miku có thể sống động và hát ở sân khấu thật? Lời giải đáp chính là khả năng dựng hình 3D bởi hệ thống ánh sáng tân kỳ của người Nhật mở ra những gợi ý kỳ diệu cho sân khấu ca nhạc tương lai.
Bằng từ khóa với chính tên ca sĩ này, bất kỳ ai cũng có thể xem được một trong những show diễn lạ lùng của cô trên các trang như YouTube. Nếu may mắn, bạn có thể còn xem được cả chương trình của Hanetsu Miku diễn tại Nokia Theater ở Los Angeles, Mỹ, một trong những chương trình gây sững sờ cả thế giới.

TUẤN KHANH

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Hán Hồ

(cảm nhận qua TQ, nhớ lần vào Saigon tháng Ba, 1992)

Thương Xá GMC trên quảng trường Francis Garnier và Boulevard Charner
Ảnh của phóng viên Jack Birns làm việc cho tạp chí TIME-LIFE Magazines. 1948 
Bác Trương Qúy viết trên blog.
Về đâu, cũng là về đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ.
   (Thơ Nguyễn Bắc Sơn)
Bạn nói, mượn chữ Hán Hồ là chỉ kiểu phiếm danh thôi. Chữ Hán Việt nghe hơi hoài cổ… vậy thôi.
Sài Gòn mùa này trời lúc dịu, lúc hoe hoe nắng “cho dzừa lòng nhau”
Bạn đã thấy nắng Sài Gòn chưa. Dạ thưa, đã thấy Trưng Vương qua khung cửa. Nhưng ngày nghỉ, không thấy cái vạt áo nào bay tốc lên trong gió rất sẵn và mây trời vần vũ. Thật nao lòng, Hà Nội trời mưa xuân trên phố.
Thời ông bà, khổ cực, nhưng sống bằng cái đẹp tự dệt lấy, cái hạnh phúc như lâng lâng. Thời nay biết nhiều hơn, phải chăng hơn nên nhìn đâu cũng thấy Hán Hồ!
Thấy nắng bừng lên, đường bỗng ầm ầm xe. Nguyễn Bính vui.
Sài lộ bừng lên dưới nắng vàng.

P/S. Hình ảnh cái nhà cổ nhất Sài Gòn hiện còn- tòa nhà do Nguyễn Ánh cho dựng năm 1790 để linh mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) ở. Lúc đầu nhà này ở chỗ Thảo Cầm Viên bây giờ, đến năm 1900, được chuyển về cùng với tòa Giám mục ở vị trí số 180 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 bây giờ. Ảnh TQ chụp  năm 2007, cũng "một mùa thu trước xa lăm lắm"


(Cảm ơn Bác Trương Quý)




















Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Này ai ơi chèo mở lái… ra…



Những ngày dịp 8/3, nhiều bài viết về phụ nữ, nhưng chung thì mang tính hài hước để vui đùa. Vẫn như là một cái gì đó ban phát lòng yêu trong thương mến.
Gần đây, giáo sinh về trường tôi thực tâp, các em nói về người bạn xưa của tôi (PĐT) cùng tổ Giải tích ĐHSPHN và kể: Thày (PĐT) viết văn trên facebook như thầy khoa Văn thực thụ. Tôi vào đọc, anh viết hay, tình đời và suy ngẫm…

Lan man một chút. Anh thuật những câu chuyện sưu tầm rằng: Người phụ nữ, ta vẫn thường mến yêu ngưỡng mộ, hóa ra, cứ một năm họ phải lột xác một lần và ngày đó họ sống đúng nghĩa của mình, chỉ đúng một ngày thôi. Sau ngày tuẫn nạn đó họ lại trở về nguyên nghĩa là người mẹ, người vợ, người chị gái thân yêu của chúng ta. Các nhà thông thái đã tra tìm ngày đó qua lịch Maya, lịch Julius và Gregory …và kết luận: Đó là ngày mồng 8 tháng Ba hàng năm. Rồi có câu chuyện người đàn ông vào quán, gọi cơm khê, canh mặn, đòi hỏi phục vụ bàn la mắng khi ăn và nức nở mà  rằng: tôi xa nhà một tuần rồi, tôi nhớ vợ tôi lắm, tôi muốn có bữa ăn như cảnh ở nhà… nhưng đó là kiểu câu chuyện hằng những 'tầm phào'.

Tôi đọc được một bài viết trên viet-studies, thấy lòng xót xa thương mến về những người đàn bà xứ Việt nơi xa, nó không theo những môtip về phụ nữ mà ta thường đọc. 

Họ không giống như những người trong cái chợ má hay ngồi bán mớ ngò gai, rau cần hái được trong vườn nhà để mua lại dầu hôi nước mắm, như một cuộc trao đổi cho nhau những gì mình có. 

Lịch sử đã từng xảy ra bao nhiêu cuộc rủ rê rồi, sức mạnh những người bị gạt ở bên lề nhiều khi không lường được. (Lời Nguyễn Ngọc Tư) 


Tôi buồn. Cái buồn gần như không giải tỏa được.

Đăng lại, mong các bạn suy ngẫm.

Những người đàn bà đi xa - Trung Bảo
(Đã đăng trên tạp chí Lifestyle)

 Nguyện. Ảnh Trần Văn Đông

Thanh, 22 tuổi, quê ở Cần Thơ, xởi lởi mời chúng tôi hai chai bia Đài Loan khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt một cách... ồn ào. Chồng Thanh, một người đàn ông Đài Loan trạc 40 tuổi, đưa cô sang Hoa Liên (Đài Loan) khi cô mới 20 rồi mở một quán ăn để hai vợ chồng cùng làm ăn. Không giống với tưởng tượng trước đó của chúng tôi trước khi đến Đài Loan, Thanh tỏ ra hạnh phúc với lựa chọn của mình. Hai vợ chồng buôn bán suốt ngày ở quán rồi đến tối về với đứa con trai mà ông chồng “cưng nó lắm vì tuổi này mới có đứa con nối dõi”, Thanh tự hào khoe.
Chất giọng miền Tây vẫn không có gì thay đổi khi cô nói "Qua đây làm ăn vậy mà coi được hơn ở nhà làm ‘guộng’. Thỉnh thoảng cũng gửi về nhà chút tiền cho ông bà già với mấy đứa em". Trong đêm mưa lạnh năm đó ở giữa Hoa Liên, chúng tôi được một bữa bia ra trò với đồng hương của mình. Mưa đã dứt nhưng câu chuyện phải kéo dài đến tận nửa đêm với vợ chồng chủ quán.
Đến giữa Đài Trung có một khu chợ đêm, trong khu chợ đêm đó có một gian hàng bán đủ thứ mắm muối, sách báo, phim ảnh... dành cho các cô dâu Việt Nam. Tôi bỏ một buổi tối ngồi cùng người bán hàng, cũng từng là một cô dâu Việt, để trò chuyện và nhìn ngắm người vào mua hàng. Đa số những người đàn bà trẻ Việt Nam khi đến gian hàng này đều chở theo một đứa con trai. Tò mò hỏi thăm, một cô lý giải rất “dân gian”, vì đàn ông Đài Loan hay ăn thịt còn người Việt ăn nhiều rau nên cưới nhau rồi rất… dễ sinh con trai.
Những bà mẹ Việt xí xô nói chuyện với con mình bằng tiếng Hoa, có khi bí quá bèn đổi sang tiếng Việt. Những đứa bé hiểu hết những gì mẹ chúng nói. “Mẹ con với nhau, nói gì mà hổng hiểu”, một cô vừa cầm chai nước mắm Phú Quốc vừa giải thích. Gian hàng này như một nơi họ gặp gỡ đồng hương để trò đôi câu chuyện.
Lang thang giữa Đài Bắc, nghe chúng tôi nói tiếng Việt, một ông chủ xe cá viên chiên vắt chiếc khăn dầu mỡ lên vai, liến thoắng nhận… “bà con bên ngoại” khi khoe cùng anh phiên dịch rằng ông ta có cô vợ Việt Nam đã gần 10 năm. Khi đó, vì tuổi trẻ, chúng tôi đùa với nhau : "Lão này qua Việt Nam chắc chắn phải nói mình có doanh nghiệp ăn uống ở trung tâm Đài Bắc thì mới cưới được vợ". Câu chuyện chẳng đi xa hơn vì hàng rào ngôn ngữ, nhưng qua điệu bộ và cử chỉ thì có vẻ ông ta rất hài lòng với người vợ Việt của mình.
Suốt chuyến đi ngang dọc Đài Loan năm đó, có hai điều ấn tượng. Thứ nhất, mỗi khi vào quán ăn, rất thường gặp những người phụ nữ Việt Nam làm phục vụ, cho dù đó là quán ăn ở cách xa các khu thị tứ, giữa vùng nông thôn. Thứ hai là những kiosk bán trầu cau dọc đường được mệnh danh là "Trầu cau Tây Thi" vì những cô bán trầu đều… mặc bikini.
Sau này, đôi bận dừng chân ngang qua sân bay Đài Bắc để tiếp tục bay đi hay để trở về nhà, tôi thường xuyên gặp những người phụ nữ đồng hương của mình. Điều dễ dàng để nhận ra họ, dù có khi họ chỉ ngồi im lặng bấm điện thoại nhoay nhoáy, bên cạnh là một vài đứa trẻ bi bô tiếng Hoa, đó là những bộ trang phục diêm dúa, lòe loẹt.
Những chuyến bay về nhà, đầy những người phụ nữ làm dâu xa quê, thường khiến tôi nhớ đến những chuyến xe đò ở miền Tây. Cũng chất giọng ồn ả đó, cũng câu hỏi: “Đà Nẵng có phải ở ‘Quế’ (Huế) không?” khi nghe tôi nói giọng miền ngoài. Lúc đó, có thiếu chăng là vài cái lồng gà hay những đoạn cải lương mùi mẫn mà tôi đã quen nghe trên những chuyến xe đò đi Sa Đéc, Rạch Giá, Hậu Giang...
Trước đây, mỗi lần đi ngang qua cổng của Lãnh sự quán Hàn Quốc ở Sài Gòn, tôi tự trào cho mình đỡ buồn mỗi khi nhìn cảnh xếp hàng dài các cô gái trẻ nước tôi trước cổng, gọi đó là "trước cổng thiên đàng". Các cô gái xếp hàng cho một chuyến đi tránh nghèo của cuộc đời. Chẳng biết có bao nhiêu cô tìm được thiên đàng cho mình sau cánh cổng sắt lạnh lùng dường kia.
Có bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam đi ra nước ngoài để mình đỡ khổ, gia đình đỡ cực! Có bao nhiêu người trong họ hạnh phúc và bao nhiêu cô phải khổ đau! Tôi không biết và tôi cũng chẳng có quyền gì thương vay khóc mướn cho họ. Để họ ở lại quê nhà, liệu có chắc gì sung sướng hơn đâu.
Chỉ có điều, thỉnh thoảng vẫn cứ xót xa như mỗi khi nghe câu ca :"Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu". Cho dù được sống nơi giàu có như xứ Mỹ, có ai muốn phận tha hương đâu, phải hông!

8-3-2013






Lục bình trôi, sao không trôi mãi mà lại tấp bãi tình sầu ...