Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Kiss The Rain – Yiruma


Đến với âm nhạc Yiruma nói chung, có cảm giác đó là những giai điệu tình yêu, sâu lắng và lãng mạn.
    
"Kiss the rain" nằm trong album "From the yellow room", bản nhạc được viết trên những cung bậc cao vút mang cảm giác tinh tế và rung động trong tiếng mưa rơi. Rồi từ đoạn giữa và cuối giai điệu vẫn không hề biến đổi như những hạt mưa đều đặn nhưng phần gam tay phải được bổ sung thêm, nặng hơn và nhiều hơn.
    
Hãy nhắm mắt lại để cảm nhận bản nhạc rõ hơn. Bây giờ có là 6h, 12h hay 00h gì nữa cũng không còn quan trọng. Nhẹ nhàng và mềm mại, tiếng đàn ... từng giọt ... từng giọt trong vắt rơi vào không gian, lan tỏa đến tận những ngõ ngách sâu thẳm nhất của con tim.. Lắng đọng vào đâu đó để rồi vang vọng mãi xung quanh ...
   
Mưa mang lại cho tâm hồn thật nhiều cung bậc cảm xúc ... nhưng dù là gì chăng nữa, thì mưa vẫn mang lại trong lòng ai đó một khoảng lặng, một chốn bình yên.. trong trái tim mỗi người.

Tặng Bạn.

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Khúc Tình Ca Xứ Huế

Nếu nghe nhạc sáng tác về Huế thì nhiều lắm. Bài hát Khúc Tình Ca Xứ Huế rất hay và rất xưa nói về xứ Huế đẹp và mộng mơ với giọng hát của ca sĩ gốc Huế nổi tiếng một thời trước 1975 - ca sĩ Hà Thanh. từng câu chữ luyến láy được ca sĩ thể hiện rất rõ ràng giọng Huế và các bạn nghe tiếp cũng bài hát này ca sĩ Bảo Yến, thế hệ sau 1975 hát để cảm nhận cho riêng mình về hai giọng hát và hai cách hòa âm phối khí bản nhạc này cách nhau mấy chục năm.
------





Chuyện tử tế


 Hãy dành chút thời gian xem phim này Bạn nhé!
                                                                                 
CHUYỆN TỬ TẾ
              
 1. Cách đây hơn hai chục năm, tại khu điều trị phong Quy Hoà (Quy Nhơn), đạo diễn Trần Văn Thủy cùng đoàn làm phim Chuyện tử tế gặp mặt đông đảo các thầy thuốc và hỏi:
-Thưa các thầy thuốc, ở đây ai là người tận tâm chạy chữa, chia sẻ với người bệnh phong?
- Các bà soeurs! Chuyện đó phải kể đến các bà soeurs.
   
Các thầy thuốc, trong đó có nhiều người từ khi rời ghế trường y, cho đến bây giờ đã hai thứ tóc, làm việc ở các khu điều trị phong, đều trả lời như vậy.Gặp các soeurs, những người làm phim sực nhớ lại lời thề Hypocrate treo ở giảng đường Viện Da liễu: “Tôi xin hứa và thề nhất luật tuân theo những ước lệ của tính thanh cao và lòng chính trực trong khi hành nghề. Tôi sẽ chữa bệnh không lấy tiền cho những người nghèo khó và không bao giờ được đòi hỏi thù lao quá với công sức của mình. Tôi chỉ mong mọi người dành cho sự quý mến, nếu tôi làm đúng lời thề”.
Lời thề Hypocrate là một lời thề tử tế.
                
2. Năm 26 tuổi, A.Yersin viết thư gửi mẹ: “Con không muốn hành nghề bác sĩ, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi một bệnh nhân trả công khi săn sóc cho họ. Con xem ngành y như là một thiên chức, tương tự vai trò của mục sư. Đòi tiền công săn sóc bệnh nhân, như có phần nào nói với người ấy: tiền hay cuộc sống! Con biết không phải tất cả các đồng nghiệp của con đều chia sẻ những ý nghĩ này, song đấy vẫn là những điều con nghĩ và sẽ khó lòng mà từ bỏ chúng”.
Tâm sự của A.Yersin cũng là trăn trở của nhiều thầy thuốc tử tế.  
     
 3. Vậy tử tế là gì? Một bô lão giảng giải: “Tử tế, các nhà làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”.
   
 Người biên tập bộ phim Chuyện tử tế cho hay: “Từ rất xa xưa, cha tôi có dạy rằng tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế - trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm”.

4. Một cảnh trong phim.
(Bờ biển - người hủi ngồi cô độc)

Đồ hủi.
Không dây với hủi.
Xấu như hủi.
Bẩn như hủi.
Lười như hủi.

(Bầu trời)

Cũng là để hiểu những người mắc bệnh phong, mà người đời vẫn gọi là người hủi – ăn ở với nhau ra sao – chúng tôi đã gặp vài ba cảnh đời, thiết nghĩ cũng nên kể lại.

(Hai bà cháu)

Cháu có tên là Tú Anh. Nhưng bà bảo cái tên Tú Anh nó Hà-nội quá ! Mình thì người nhà quê - Bố cháu là Chiện, Bà gọi cháu là Chiền.

Thằng Chiền một thời ít bạn vì tiếng đồn khắp vùng : Mẹ nó là người hủi.

Mẹ nó là người hũi thì bố nó bỏ đi luôn.

Mẹ nó, chị Nguyễn Thị Hằng phải bỏ quê lang thang bờ bụi. Kiếm được đồng tiền, bát gạo đêm đêm chị lần mò, mang về cho nó. Nỗi đau thể xác và nhất là sự sỉ nhục về tinh thần đã đẩy chị tới một quyết định : phải tự vẫn.

(Cậu bé)

Nhưng còn thằng Chiền ?

Thằng Chiền phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời.

(Phim négatif)

Vậy là, đêm đêm chị lần về và bằng hai bàn tay cùi cụt, co quắp, không đủ ngón đốt, đã đóng một vạn tám ngàn viên gạch.


5.
Người quay phim của bộ phim này, một lần đi tìm cảnh ở phố chợ đầu ô, tình cờ gặp lại một người mà thời ngồi trên ghế nhà trường, anh ta hằng kính trọng.

(Một đàn ông)

Đó là thầy chủ nhiệm Lê Văn Chiêu.

Cũng phải nói ngay rằng : Thầy Chiêu không bằng lòng cho quay những cảnh thầy bán rau. Lòng thầy trong sáng, thầy cho rằng như vậy là bôi bác chế độ.

(Đi xe máy)

Do vậy, những cảnh này, trò của thầy không dám bấm máy, mà nhờ một người khác quay lén.

    
Thầy Chiêu đã nhiều năm gắn bó với ngôi trường này, trường phổ thông Tô Hiệu, huyện Thành Tín. Ở dây, thấy là giáo viên dạy toán giỏi, chuyện luyện cho các em ở cuối cấp đi thi.

(Học bạ)

Những nhận xét của thầy chủ nhiệm Lê Văn Chiêu trong học bạ của trò – Nay là người quay phim của bộ phim này.

(Người bên xe máy)

Người học trò, cậu bé chăn vịt đểnh đoảng năm xưa, thì trở thành người quay phim.

Người thầy chủ nhiệm, giáo viên dạy toán giỏi, chẳng hiểu đã đi bán rau tự bao giờ.

Bây giờ thầy hiểu rau quả, thời vụ chẳng kém gì hiểu môn toán mà thầy đã yêu. Mùa rau rút, thầy bán rau rút – Mùa cà chua, thầy bán cà chua – Mùa rau muống, thầy bán rau muống.


6. (Đám ma)

và cuối cùng thì sau một cuộc đời tử tế hoặc không tử tế, dài lâu hoặc ngắn ngủi, mọi người đều được tạo hoá cho một cái quyền bình đẳng là : Trở về với Đất.

Có người cứ nói bừa rằng : Chết là hết. Nhưng thực ra, chết và con đường đi đến cái chết cũng nhiều chuyện lắm. Ví như trong đám có giọng thành kính xót thương : "Tiếc thay, ông ta là một người ăn ở tử tế" hoặc bật ra "Hừm, cái lão chúa xu thời".

(Những người đào mồ)

Có lẽ chẳng mấy ai biét lắm chuyện về những người chết bằng người đào mồ. Âu cũng là một dịp để làm quen. Cái công việc nắng mưa, nặng nhọc này, đôi khi bị coi là tận cùng của xã hội, lại cần cho bất cứ ai. Cho ông, cho bà, cho tôi và cho tất cả". Và không hiểu, bởi một lý do gì, chúng ta thiếu đi một tấm lòng cần thiết đối với họ.

(Khênh quan tài)

Người đào mồ gửi vào đất cả quan chức lẫn thường dân, cả nhà học giả và thằng vô lại – Có điều, người ta trở về với đất trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những con đường khác nhau, mang theo mồ những điều thiện và ác khác nhau.

(Mồ xây)

Nhân đây cũng nói thêm rằng : người tử tế ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên, mả đẹp – vì mồ yên mả đẹp an ủi được con người.

Nhưng mong muốn hơn là an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức của người quá cố để lại cho đời.

Đừng để rồi mai mốt, mang theo xuống mồ một nỗi buồn có thể to hơn cả phần mộ của mình.

(Một ngươì đào mồ)

Cùng với người đào mồ có nên nghĩ ngợi rằng :

Làm sao, để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn.

Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế - Nếu không bắt đầu bằng tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người.

Khi bấm những cảnh cuối cùng của bộ phim này, người trông coi mồ mả, giám đốc các nghĩa trang Hà-Nội – cháu gọi nhà văn Ngô Tất Tố là bác, đã chép miệng bảo chúng tôi rằng :

"Rõ chán, chuyện các anh cũ như trái đất. Tôi ở với người chết đã lâu, tôi thấy có cái hay là họ chẳng thèm tranh cãi với ai bao giờ. Dĩ nhiên, nếu họ có thể tham gia tranh cãi, thì ối điều phải bác bỏ - kể cả tôi là người quản lý họ và cả cái phim mà các anh đang làm".

Vâng ! 

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

FREE HUGS

                     
Free Hugs, chiến dịch dưới hình thức hiện tại của nó được bắt đầu bởi Juan Mann vào ngày 01 tháng 12 năm 2004 khi ông bắt đầu đưa ra những cái ôm tại Trung tâm Mua sắm Pitt Street ở trung tâm Sydney. Trong những tháng trước đó, Mann đã cảm thấy chán nản và cô đơn như là một kết quả của nhiều khó khăn cá nhân. Tuy nhiên, một cái ôm ngẫu nhiên từ một người lạ đã thực hiện một sự khác biệt rất lớn, với Mann nói rằng "... tôi đã đi dự tiệc một đêm và một người hoàn toàn ngẫu nhiên đến với tôi và đã cho tôi một cái ôm. Tôi cảm thấy giống như một vị vua! Nó là lớn nhất - điều đó từng xảy ra ".

Chiến dịch Free Hugs là một phong trào xã hội liên quan đến cá nhân cung cấp những cái ôm với người lạ ở nơi công cộng. Ôm ấp vuốt ve nghĩa là có hành vi ngẫu nhiên của lòng nhân ái vị tha, hành vi thực hiện chỉ để làm cho người khác cảm thấy tốt hơn. Quốc tế Tháng Free Hugs được tổ chức vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng Bảy và tiếp tục cho đến tháng tám đầu tiên. (theo Wikipedia)


Mình không dám "hỉ xả" kiểu này. Bị mắng đấy!

FREE HUGS in JAPAN(Tokyo) part1 フリーハグ


Kiệt tác của đời - Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Giờ thì đi đâu lão cũng chỉ chăm chăm nhìn xuống,
sao cho ... "kiệt tác của đời" đừng ngã, đừng ...
 
Chân dung bạn bè

Lão tên Nguyễn Đình Phong, lão hơn mình hàng chục tuổi. Sau tên lão, đời gắn cho những biệt hiệu như “già”, “gàn”, “cô sỹ”, “chập”... Nhà mình với nhà lão gần nhau. Lão học ở trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5, mình học ở Mỹ thuật công nghiệp, hai trường cạnh nhau. Nên mình với lão thành thân nhau.

Tính lão đại luộm thuộm. Nhà to không ở, lão dọn ra gian để xe, làm cái gác xép bốn mét vuông như chòi chim, cho tự do. Cái chòi này chẳng bao giờ khóa, bạn bè ai đến cứ việc tùy tiện leo lên tụ bạ hoặc ngủ, kể cả chủ nhân không có nhà.

Lão là người tốt tính, chị em phụ nữ nhiều người quí lão, nhưng không yêu. Đến thăm chỗ lão ở, khi về họ bảo: "Nghiêng 23 độ 5". Chẳng hiểu nói chòi hay nói chủ!

Năm 34 tuổi, lão nói với mình “Đời tao 34 năm rồi, chưa một lần được nắm tay người con gái nào!”, nghe giọng lão rất thương.

Năm 35 tuổi, lão nói với mình “Đời tao 35 năm rồi, chưa một lần được nắm tay người con gái nào!”, nghe giọng lão cực kì thương.

Năm 36 tuổi, lão nói với mình “36 năm rồi nhé, đéo một đứa con gái nào được phép động vào tay tao!”. Lúc nói câu này giọng lão cực kì hợm hĩnh.


Lão là loại lắm lý sự, lại thích uống bia và không thù dai. Mọi bàn nhậu có lão đều vui, vì có người để cãi vặt. Mình và lão hay cà kê hàng bia, chuyện thế thái nhân tình đến nắm xôi cái kiến đều có thể gom, ném vào nồi lẩu cho ngọt nước. Mình mà nói, lợn kêu eng éc, lão sẽ bảo lợn kêu ụt ịt. Nhưng lần nào đó, mình bảo lợn kêu ụt ịt, lão tức thì quay ngoắt chứng minh rằng lợn kêu eng éc. Mặc kệ lúc trước vừa khản cổ kêu mình kém thẩm âm, chẳng hiểu gì về lợn.

Cuộc đấu mồm của cả hai cứ lủn mủn liên miên. Cũng có lúc cãi nhau to. Hôm sau tỉnh, lại gặp nhau làm hòa. Lão bảo mình: “Cái kiểu uống bia của tao với mày nó không hề tầm thường, mà là hình thức thể dục cho trí óc, có cãi nhau thế nơron thần kinh mới hoạt, mới chống được bệnh đần!!!”.

Nhiều bận trên chòi chim, mình với lão mua bia về, khoát luận cao đàm. Có con chó nhà hàng xóm chạy sang nằm chồm hỗm dưới chân cầu thang dự khán. Những bận nôn, chó thè lưỡi dọn. Lòng dạ ai ngọt, ai cay, ai trắng, ai nhờ nhờ… nó biết. Chó bỗng thành tri âm!

Một lần cũng đang uống bia, mình tự nhiên cảm thán:

- Ở đời này mà nghèo thì dễ hèn lắm anh ạ!

Lão khi đó chưa vợ, nhiệt huyết văn chương như dòng nham. Lão hùng hồn:

- Phong này dẫu nghèo, nhưng xin hứa, nếu đời không cho Phong nhìn lên, Phong cũng sẽ nhìn thẳng,... chứ quyết không nhìn xuống!

Thế là mình với lão lại có đề tài để cãi nhau và tu bia. Con chó nghe, rồi chả biết có phải chối quá không mà nó nguẩy nguẩy đít bỏ đi, để lại bãi cứt. Nửa can bia đã cạn, mà mình với lão cãi nhau vẫn đang hăng, lão liền đi mua bia tiếp. Lát sau mình nghe lão đứng dưới chòi rống lên chửi con chó hôm nay chơi khăm chơi bẩn, ỉa ngay chân cầu thang, làm lão dẫm phải. Mình bảo:

- Tại anh cứ nhìn thẳng với nhìn lên, chứ đéo nhìn xuống, nên mới thế!

Lão tự nhiên nghền nghệt mặt, rồi bảo:

- Thằng này nói câu này sâu!

Lâu lắm mới nghe lão tán đồng với mình một câu, mặt mình đâm cũng nghền nghệt theo, vì lạ và cảm động!




Năm 37 tuổi, lão đi chụp ảnh đám cưới. Lúc lão vào bếp, có một nàng đổ ụp chậu nước rửa bát thừa, làm cái quần của lão ướt sũng từ chân đến đầu gối. Cô nàng vội vàng vừa phủi cặn thức ăn dính trên quần lão, vừa lí nhí xin lỗi. Thấy lão cứ đứng sừng sững không nói không rằng, nàng đâm hoảng. Nàng đâu ngờ: lão đã yêu!

Khi về nhà lão kể với mình: "37 năm nay lần đầu tiên tao được một người con gái cầm chân mày ạ!"

Lão rủ mình đến nhà nàng. Từ đầu buổi tới cuối buổi lão chỉ ngồi cười hề hề, thế mà nàng đổ. Một tháng sau, lão với nàng lấy nhau. Hôm cưới, mình hỏi lão: "Anh có bùa bả gì không mà tại sao cứ ngồi cười như thằng dở hơi, mà gái vẫn đổ thế?". Lão bĩu môi: "Anh mày tích nội công 37 năm chỉ để ra một đòn, cao siêu lắm, trình như mày đéo thể hiểu được!"

Vợ lão đẻ sòn sòn ba năm hai đứa, gái trước trai sau. Lão gọi hai đứa con là "kiệt tác của đời". Giờ thì đi đâu lão cũng chỉ chăm chăm nhìn xuống, sao cho hai "kiệt tác của đời" đừng ngã, đừng dẫm cứt...

Vài lần gặp lão mình cũng có nhắc chuyện văn chương, lão nghe vài câu rồi bảo:

- Nói với cái đít tao đây này!



                     
Trong lời em ca
Có một cánh chim bay ngược mùa đông
Cánh chim chết giữa trời hoa tuyết...


… và khi tuyết tan, nơi ngực con chim chết
Trái tim hồng như ngọc giữa bài ca.


Mười năm bên người
Em hát một mình trong tóc bài ca
về loài chim biết chết.
Tóc một ngày em cắt... mười năm.



Những miền không tên trôi qua đời anh
Ngã ba nắng bỗng thành em một đóa
Lời cũ từ môi em bỗng lạ
Em tóc ngắn rồi! Thôi anh,... mười năm...


Tóc dẫu ngắn vẫn còn em dễ khóc
Vai nghe đau hơi thở em mềm
Đôi mắt khép sau chùm hoa lỗi hẹn.
Anh của chiều, em một nét mưa.


Anh ôm em, mà em xa xôi thế!
Lông ngỗng vốn bay trong thân phận câu thề.
Và anh biết..., ngoài em, riêng anh biết
Có một căn phòng khép chặt,
giữa lòng em.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên



Tống biệt. Bài chầu văn trong phim Mê Thảo thời vang bóng, dựa theo bài thơ Tống biệt của Tản Đà
Đạo diễn: Việt Linh

        
Đoạn đầu là ngâm thơ, phú nói trong chầu văn, làn điệu này mượn từ điệu hát nói trong ca trù. Sau là điệu xá. 
      
Hoa đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Ngõ hạnh suối đào xa cách mãi
Ngàn năm thơ thẩn bóng giăng soi
Trần ai tri kỷ
Luống ngậm ngùi
Đôi lứa sắp phân ly
Cõi nhân tâm dan díu nghiệp tơ tằm
Say cũng lụy, không say thời cũng lụy.
            
Ơ à ơ ... 
Nhị Hà ơi nước tự lưng trời tuôn ra biển rộng 
Không vời được đâu 
Ấy con thuyền ai kia bến nước sâu thăm thẳm 
Giữa chập chùng bao con sóng ngoài xa 
Ngẩn ngơ một bóng thông già chơ vơ sườn núi mơ xa mây ngàn
      
Đàn ai gảy như mưa rơi gió cuốn 
Nợ nhân tình càng vướng càng đau 
Yêu nhau yêu mấy nhau càng tan nát 
Chờ ai biển rộng sông dài tang tính tình tang 
Ai ơi có biết đêm tàn 
Ai ơi có biết đêm tàn.
              
Ai ơi có biết đêm tàn
Lòng yêu càng nặng trái ngang càng nhiều

Dù tan nát cũng liều thân cỏ
Xin nhận về sóng gió muôn nơi
Lênh đênh góc bể cuối trời
Lênh đênh góc bể cuối trời
Tình như ngọn lửa ngoài khơi bão bùng
Ngày tận cùng so giùm khúc hát
Điệu càng đau như hạt mưa bay
Thì giòng sông trôi lấp lửng chân mây
(ới a ới a...) 
                  
Thôi xin, xin chàng về nơi núi mờ xa
Nhận em một lạy cho qua một đời
Đường khúc khuỷu khung trời rạn vỡ
Mùi yêu thương nặng nợ ấm êm
Thôi anh về đi chân cứng đá mềm
Xin đừng nhìn chi đau thắt lòng nhau
Xin đừng lưu luyến nát tan lòng nhau
Tình hãy hẹn trùng hoan trong gió
Xin hẹn tình trùng vút trong mây
(í a ới a ới a)......

Con Công hay múa.

dây dợ lằng nhằng rối tung
Mấy ông cháu đọc đồng dao.

Con Công hay múa
Nó muá làm sao
Nó cụp cánh vào
Nó xòe cánh ra.

Phần múa phụ họa, các cháu yêu cầu:

Áo phải có dây xanh đỏ như TIVI cơ!
                
Ừ! sau này lớn đi mà tivi!

(Nghĩ bụng! Rõ đồ kệch cỡm, Ông không nói cháu.)

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Số e

Thi miệng. Giáo sư bảo sinh viên.
− Em hãy biểu diễn số e thành chuỗi.
     
Sinh viên.
− Một cộng một trên MỘT cộng một trên HAI cộng một trên BA cộng một trên BỐN …
     
− Làm sao em cứ phải hét tướng lên như thế?
      
− Vì những cái dấu chấm than …
   
Dam Thanh Son's Blog
...
        
Ghi chú. Công thức số e dạng chuỗi.
    


Bach, Toccata and Fugue in D minor, organ


Thật tuyệt vời!

Danh ngôn của Johann Sebastian Bach

Chơi loại nhạc cụ nào cũng dễ dàng: tất cả những gì bạn phải làm là chạm vào đúng dây đúng phím vào đúng lúc và rồi nhạc cụ sẽ tự chơi.
  
It's easy to play any musical instrument: all you have to do is touch the right key at the right time and the instrument will play itself.

Johann Sebastian Bach - Canone 1 a 2 trên băng Moebius


Đúng là sự kỳ lạ của Toán học và Nghệ thuật đối âm.
Nguồn.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Mầm nắng của Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Nắng của tuổi thơ chẳng bao giờ biết lớn

            

Nguyên đăng bài thơ này trên blog laothayboigia, 18:08 07-12-2011, câu thơ "Nắng của đời ba xanh", bây giờ đọc lại thấy xót xa. Nguyên ra đi đúng vào sinh nhật 37 tuổi - 2h30 sáng ngày 23/3/2012 (2/3 âm lịch). 

Nguyên nói với chị minhtmap: em đã viết bài thơ theo cái mạch thả lòng mình thật lỏng, để những câu chữ tự nó rơi ra, như lời nói tâm tình. Nói với con mình mà chị, cần gì những vỏ lời óng ả!
Chị trích đoạn thơ em thích nhất. Thật đấy! Mình mất "nắng" tự lúc nào đâu biết. Đôi khi nghĩ về tuổi thơ, cứ như nghĩ về một điều gì chưa hề có thực!
Thế rồi một đứa trẻ sinh ra, nó cứu vớt mình!

Nguyên nói với bác Uyển  Văn:
Cái bài thơ này của bác Lê Uyển Văn nói hết toàn bộ mọi điều ba Bũm muốn trao gửi Bũm rồi. Qúy quá!
Bũm yêu bác Uyển Văn!!!

"Tôi bắt gặp nơi này lấp lánh tình yêu
Trong trẻo, tự nhiên, bình thường như thở
Vòm nắng xanh ươm từ vì sao biếc
Của đêm thơm thủ thỉ tiếng muôn trùng

Có gì đâu, sao lòng rưng rưng
Điều giản dị mà diệu kỳ muôn thuở
Nhìn con lớn, nắng đời ba lại nở
Chập chùng hoa, thêu thắm những thiên đường!"
...

Và Nguyên nói...

Vâng, đúng là cái "nắng" của đời mình dài ra, nhờ nó anh ạ. Hihi...
                 
Nhìn cái ảnh ứa nước mắt: Nắng của đời ba xanh…

Mầm nắng

                         
Khi ba cầm tờ kết quả siêu âm
bác sỹ ghi: “Có tiếng tim thai”.
Trong bụng mẹ, con chỉ mới bằng hạt đỗ.


Ba đã áp tai tìm tiếng tim con
dù biết, chẳng thể nào nghe được.
Thì có sao con nhỉ,
Ba sẽ nghe tim con trong nhịp trái tim mình!


Có một thời
Khi ba viết bài thơ
về
những nắng lò cò
những nắng ú tim
năng nghịch, nắng ngoan
nắng bàng hoa
nắng sấu…
Nắng của tuổi thơ chẳng bao giờ biết lớn.
Thế rồi ba lớn
Một ngày, ba quên!


Bụng mẹ kết thành đêm
Ủ hạt mầm nắng ngủ
Nơi bầu đêm con thở
Nắng của đời ba xanh…


Đinh Vũ Hoàng Nguyên


(Hồi biết tin có Bũm, ba Nguyên có vài câu thơ lưu trong điện thoại. Vì cứ nghĩ được câu nào thì ghi vào máy câu ấy, nên nó lộn xộn, chẳng có đầu có đuôi. Giờ Bũm đã tám tháng, ba lục những câu thơ hồi ấy, sắp xếp lại thành bài, giữ cho cả ba và Bũm)

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Gió từ Nguyên

Laothayboigia
“Anh khép cửa cho mùa thu cởi áo
Còn em, trút lá…
… giữa phòng anh
Lá chưa chạm đất
Mà đông đã về!…
    
lão thầy bói già Đinh Vũ Hoàng Nguyên đã “Khép cửa” sáng nay, đi bói nơi khác rồi. Đăng lại bài viết của tác giả Lê Minh Hà như một lời chia tay với anh.

Lê Minh Hà
Tôi là người đến muộn. Với chữ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên.
Thì biết làm sao. Là đàn bà, lại còn sắp cán đích già, chắc chắn là khó tính. Một cái avatar trên mạng: nào kính đen, nào khăn xếp, nào môi tím lưỡi đỏ, cái tên chủ nhân đọc đã đoán là quá trẻ so với mình, dễ gì hấp dẫn nổi tôi ngay.
Vậy mà đọc thì khó dứt.
              
Nhìn cái ảnh ứa nước mắt

Đinh Vũ Hoàng Nguyên có quá nhiều người biết và ngưỡng mộ. Vào blog laothayboigia, hay vào nhà Nguyên ở facebook, có cảm giác đem in thì lời bình về các bài viết của chủ nhân khéo nhiều lần dài hơn chính các bài viết ấy.
   
Đinh Vũ Hoàng Nguyên chỉ quăng một status thôi là kéo giật được bao nhiêu người nhào vào đọc, rồi bình.
Cứ nghĩ đến chuyện mình mang hết góc nọ góc kia của cõi lòng của miền tâm cảm bày ra trên mạng mà thiên hạ coi như nước ao bèo không thèm ném cho hòn sỏi, đọc thống kê lượng người vào thăm nhà Nguyên, khéo buồn khéo tủi khéo ghen.
Quả trên mạng chưa thấy ai có được những Status hài hước thế. Đây không hẳn là cái duyên, giỏi nhìn ngó và biết kể, mà là hẳn một kiểu tư duy, không thể nào bắt chước được.
Nguyên, trong những Status hay entry, tưởng bỗ bã, suồng sã, tợn tạo, tục nữa, nhưng đằng sau những dòng chữ ngắn ngủi là một bầu tâm cảm trước thế sự xa gần, trong tư cách một công dân, nhưng trên hết và sau cùng, là ý thức làm người.
Đọc, biết người viết yêu cuộc đời này lắm, thương cuộc đời này lắm, văng tục vào mặt đời cũng vì một sự biết yêu biết thương này.
Đấy là tố chất đầu tiên của một người muốn tận hiến mình cho nghệ thuật.
Nguyên là họa sĩ, nhưng Nguyên không viết theo kiểu người có một nghề khác tạt ngang văn chương, quăng cho văn chương đôi ba mảnh tâm tình, đôi ba mẩu tài không dùng hết trong nghề, như một cách thí xả. Đọc lại trọn vẹn blog laothayboigia, dễ nhận ra ở đó một tâm thái nghệ thuật nghiêm cẩn và đa diện.
Nghịch ngợm, phá phách, tinh quái đến điều là Nguyên ở các entry viết về bè bạn. Chuyện là của riêng, mà viết ra khiến người không can dự phải đọc không dứt được, thế có nghĩa là tài. Thế có nghĩa là người viết đã mở được cửa cho đời vào.
Những “y và những gã”, những “hiệp hội sản xuất bàn là”, đọc rồi cứ nghĩ chỉ cần công bố rộng nữa rộng mãi là giúp khối người khỏi phải đi tới các lớp dưỡng sinh tập nhe răng. Chữ nghĩa của người viết ở đây hệt như nhất dương chỉ, cù nhẹ một cái là khiến bao nhiêu cơ quan đoàn thể trong người đọc nhất loạt khởi động tập trung vào một tư thái duy nhất: Cười.
Không có nội lực bằng thế, nhưng người có thể kể chuyện hài, viết hài hài thì cũng chẳng hẳn là khó kiếm. Tuy nhiên, hài được, với cả một chủ ý nghệ thuật thì cực khó. Tôi, tôi thử chán ra rồi. Chịu.
Điều ấy, Nguyên đã thể hiện trọn vẹn trong nhiều entry, khi có khi không được chú là truyện ngắn.
Và ở đó, cái hài quay về điểm khởi hành: Nỗi đau đời, của một kẻ trời sinh bắt phải biết thương đời.
Một chuyện tình” là một truyện ngắn hoàn hảo trong nghĩa này.
Phảng phất như Nam Cao, trong cái dịu dàng tít tắp đằng sau câu chữ. Nhưng cái khùng khùng của nhân vật đang to tiếng mình yêu và thất ái thì đúng là của bọn thời nay, rất trẻ, rất vui, cái Nam Cao, do thời thế và do thể tạng xúc cảm, không bao giờ phát lộ.
Ở những entry khác, mà có lúc Đinh Vũ Hoàng Nguyên cũng chú trước là truyện ngắn, tưởng chừng như tác giả “Số đỏ” có truyền nhân.
Nhưng, cả Nam Cao, cả Vũ Trọng Phụng trong thời của mình mới chỉ phơi bày cái khổ, cái đáng khinh, niềm yêu thương phẫn hận, và cả niềm tin dù đã thấm mùi hoài nghi nặng của mình trước cuộc đời, cho cuộc đời, mà có khi thời ấy mới chỉ đáng bị, đáng được như thế thì Đinh Vũ Hoàng Nguyên đi xa hơn trong cái thời mình.
Đinh Vũ Hoàng Nguyên, trong truyện ngắn Chuyện vụn xóm bụi,  Khu cũ (1 và 2) mà tôi nhìn thấy ở đó tầm vóc của một tiểu thuyết đã phơi bày sự phá sản trọn vẹn của một lí tưởng xã hội độc tồn qua ít nhất ba thế hệ ở Việt Nam dường như vẫn đang chỉ đạo bằng quán tính không tâm thế thì là hoạt động thường nhật của không ít người.
Xã hội trong thời thịnh đạt của văn học hiện thực phê phán 1930 -1945 quả thối nát nhưng vẫn còn giữ được trật tự, vô trật tự nhất, loạn nhất cũng chỉ là cả làng hào hứng kéo nhau đi nghe thằng say chửi cụ tiên chỉ, xem Chí Phèo tự tử và tràn trề hưng phấn trong phỏng đoán bố con Bá Kiến ngã trâu.
Hôm nay, qua Đinh Vũ Hoàng Nguyên, khác, là sự thu nhỏ một xã hội quăng bỏ kỉ cương, luân lí, người người hoặc như Chí Phèo hoặc trong dạng tiềm năng thành Chí Phèo, không say nhưng hồn nhiên hơn cụ Chí ngày xưa, chẳng ai băn khoăn về Thiên Lương.
Nhân vật ở Khu cũ chửi như tập thể dục miệng, nghe chửi như một hình thức luyện tai và luyện tâm. Hoạt động trong ngày của nhóm cư dân nhân vật này được tác giả túm trong ba chữ: chửi chào cờ, đầy tính nghi thức.
Cách mô tả này đã nhấc toàn bộ hiện thực của tác phẩm ra khỏi môi trường sống tưởng chừng vẫn như là nối dài hiện thực thời 30 – 45, cho chúng ta nhận diện đó là hôm nay của chúng ta, trì đọng, sống động, cũng cho chúng ta thấy Đinh Vũ Hoàng Nguyên là hậu bối chứ không là truyền nhân của dẫu có là Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao. Tác giả Sống mòn và Số đỏ vẫn còn giữ mình (trong tư cách người kể chuyện) bên ngoài hay bên trên hiện thực mình mô tả. Đinh Vũ Hoàng Nguyên, khác rồi, đặt mình vào sống thoải mái giữa dòng đời mình mô tả cực kì trào lộng, trào lộng đến mức nhi nhiên.
Tôi đọc các entry có tên hoặc đơn giản chỉ được đặt tít là viết ngắn rồi đánh số của tác giả này, cứ mong Nguyên viết tiếp và tập hợp lại, in ra, cho những người đọc thích cầm sách trên tay hơn là ngồi thiền trước màn hình máy tính.
Với Đinh Vũ Hoàng Nguyên, văn học Việt Nam đã có thêm sắc màu mới.
Có thể không nằm trong những quẫy cựa vô vọng về kĩ thuật nhưng không hẳn không cần thiết và thôi miên không ít người viết không muốn hiểu ra những trào lưu ta kêu gọi nhau hướng tới hôm nay là kết quả của sự vận động tâm thế ở một xã hội thời hiện đại văn minh hơn mình.
Nhưng cái tinh thần hài hước đậm chất phồn thực, cái sắc bén tỉ mỉ trong quan sát, mà đằng sau câu chữ chặt ra chặt thái ra thái ấy tôi luôn cảm thấy độ mong manh của một tâm hồn cưu mang lắm nỗi chắc chắn sẽ cắm được một giới hạn nữa trên tiến trình vận động của văn học nước nhà, nếu như tác giả…
Coi chữ nghĩa là một cuộc chơi nghiêm túc, Đinh Vũ Hoàng Nguyên hoàn toàn xa lạ với sự nhạt, là bi kịch của bất kì ai thiết tha với nghệ thuật, và là thảm họa cho người thưởng thức, chẳng cứ văn chương.
Thì phải có tài. Hẳn thế rồi. Đọc, rồi đọc lại, rồi hoang mang. Tài của kẻ đó là đâu? Văn xuôi? Nhưng hình như chưa hết.
Thơ? Đích thị. Thơ mới thật là Đinh Vũ Hoàng Nguyên.
Tiếc, cũng như văn xuôi, y công bố thơ chưa nhiều.
Nhưng thơ trong văn chương cũng là khúc nghịch trong nhạc, là một nét phảy màu mang lại hồn vía cho tranh, để đóng đinh vào tâm cảm chúng ta câu hỏi, cũng như lời giải ai người sáng tạo. Thơ, khác văn xuôi, đôi khi là một món ngon như nhất, hoặc đôi khi chỉ cần như là một cọng rau thơm đúng vị, trái mùa.
Chỉ với một “Có một phố vừa đi qua phố”, không dài, tôi nghĩ Hà Nội đã có thêm cho riêng mình một thi sĩ, như từng có một Hoài Anh mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến – chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô, một Lưu Quang Vũ trên ngày tháng trên trên cả niềm cay đắng thơ tôi là mây trắng của đời tôi, một Bằng Việt với chuông xe điện trong màn sương rạng sớm – và nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn – có thể nào không xui tôi nhớ em,một Hoàng Nhuận Cầm vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ – nhưng trong những ba lô kia ai dám bảo là không có – một hai ba giọng hát chú ve kim, và, mang mang nhất: Phan Vũ với Hà Nội phố, một thời chiến tranh, một thời hòa bình, đã xa chiếc lá lạc vào căn gác nhỏ – lá thư quên địa chỉ quay về…
Phải, Hà Nội đã có thêm cho mình một người thơ, trong từng chút tự sự, với mình, với ai, cũng cực kì Hà Nội: Đinh Vũ Hoàng Nguyên.
Bất chợt nghĩ rồi một ngày ta sẽ, tôi sẽ, và Nguyên sẽ…
Sẽ thiếu đi, vĩnh viễn, một người có thể lẩy ra vẻ đẹp tuyệt vời, giản dị, bất ngờ của thế gian nhọc nhằn này.
Sẽ còn lại mãi, một hồn người nửa đời chưa hết gió, một hồn người biết chạm khẽ làn rêu.
Phải không?

Thùy Dung - Biển nỗi nhớ và em

                               
Nhớ bóng dáng Thùy Dung tạo nên có khi thật ấn tượng trong "Hoàng hôn dang dở", lúc chỉ là những cảm giác nhẹ nhàng mang lại khi cô đơn trên sân khấu bên cạnh cây dương cầm...
    
Và cô sẽ bất ngờ xuất hiện, bất ngờ làm sửng sốt những người vẫn chờ đợi cô như đã từng nhiều lần "bất ngờ" như trước, như một "dấu ấn" Thùy Dung. Và ai nhớ cô thì hàng đêm hãy nghe cô hát Có bàn chân lặng lẽ, giữa dòng đời như nước cuốn... Thùy Dung lúc nào chẳng lặng lẽ chuẩn bị cho những "bất ngờ"!

...
Tôi yêu "Thơ viết ở biển". Một bài thơ hay được Phú Quang phổ nhạc, nó nhập vào hồn tôi như một lẽ tự nhiên, như muốn giữ mãi một Hữu Thỉnh nồng nàn, chung thuỷ với tình yêu giữa làng thơ bộn bề xáo trộn.

Thùy Dung ở trường Seedlink
THƠ VIẾT Ở BIỂN
Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu
Nếu không đưa em đến
Dù sóng có làm anh
Nghiêng ngả
Vì em


PS tặng Hà. Một clip đẹp hình ảnh "Biển nỗi nhớ và em", giọng ca đầy tâm trạng "bão tố", ca sĩ Ngọc Tân thể hiện khi "Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ". 


Tiếng đàn Tôn Nữ Tần Tranh




Trúc Lý Quán
 
Tôn Nữ Tần Tranh
Ðộc tọa u hoàng lý
Ðàn cầm phục trường khiếu
Thâm lâm nhân bất tri
Minh nguyệt lai tương chiếu.

  
Thơ Vương Duy
 -----
Quán Trúc Ly
 
Khóm trúc ngồi riêng bóng
Gảy đàn lại hát ca
Rừng sâu người đâu biết
Trăng sáng đến cùng ta.
  
Hữu Nguyên dịch.