Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Quê

Đồng Rộc làng Vừng
                  
 
Nói đến quê, dễ bị dán nhãn hoài cổ và không hiện đại. Quê bị xem là cái gì đó thụt lùi so với thành thị, từ tiện nghi, kỹ thuật cho đến cách thức phục vụ nhu cầu con người. Quê là nơi mỗi con người phải tự phục vụ bằng đôi bàn tay của mình, gần như chẳng mấy khi được ngơi nghỉ. Thường người thành phố nhìn quê hương nếu có đẹp là cái đẹp của những cảnh bát ngát đồng lúa, hay mênh mông sông nước, hoặc hội hè đình đám chùa chiền này nọ. Còn quê hương của những khắc nghiệt lề thói, của vất vả cực nhọc bùn lầy ngày thường, cư dân thành phố thế hệ mới khó mà chia sẻ tự nhiên được. Sự tham gia của họ nếu có cũng lại rất “Tây”: nhập cuộc để thử sức, xem bản thân chịu đựng được đến đâu. Việc “ba cùng” hay đi thực tế ngày xưa cũng vẫn còn tự nhiên chán, những người trí thức lúc ấy cũng chia sẻ cảnh nghèo chung, và đa phần họ cũng mới thoát ly nông thôn chưa lâu. Còn thử nhìn đám 9x, sinh ra ở Tây, đến khi đi học mới về nước, lại sống trong các căn hộ chung cư đô thị mới hay nhà phố, khám phá đồng đất quê hương khéo cũng giống như đi “phượt”.
.
Quê đặt bên cạnh thành phố là hình ảnh có phần âm tính. Vì lẽ nó luôn gây cảm giác hoặc mềm mại dịu dàng, hoặc yếm thế trước cái ồ ạt vật chất của cơ sở hạ tầng đô thị. Quê hương là một vùng rộng lớn nhưng lặng lẽ, đang mất dần vị trí trong dòng thông tin truyền thông, mà truyền thông thực chất là sản phẩm của đô thị. Người thành phố mỗi lúc thấy quê hương là một nơi chốn đang tàn lụi, nhưng dường như họ không can thiệp vào quá trình đó. Dù cho họ có những mong muốn bảo tồn không gian xưa cũ, nhưng cái yêu cầu tiện nghi mà họ cho là văn minh dần tác động vào bộ mặt nông thôn, dần dà nơi này tiến lại gần đô thị. Ngày xưa việc về quê là một hành trình gian nan, xe đạp đèo nhau mướt mồ hôi, hoặc khổ sở với xe khách quốc doanh, thì quê thật xa ngái về địa lý. Bây giờ xe máy phóng nửa ngày về đến cổng làng, hoặc xe khách chất lượng cao mười lăm phút một chuyến, quê thật gần lại biết bao. Nhưng cái quê hương trong tâm tưởng, nghĩ đến kiểu “rộn ràng lòng con, đường quê mong nhớ”, đã mất hút nơi nào.
          
(Trích bài viết của Nguyễn Trương Quý)
        
Còn thời bây giờ, nhớ quê hương sẽ là nhớ một cái gì không định hình được, những đứt đoạn như “ôi quê tôi không còn mái nhà… tìm lại bài hát quê mình trong điệu múa cánh cò song tình lả lơi”. Bài hát lời ca u buồn, nuối tiếc ... (Ôi quê tôi - Lê Minh Sơn).

               



Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Bạn đã đọc “Đaghextan của tôi”?

Hai tập “Đaghextan của tôi” trong tủ sách gia đình
            
“Đaghextan của tôi” viết về một đất nước xa lạ nhưng lại thật thân quen. Tôi tìm thấy chính mình trong Raxun, tuổi trẻ của tác giả đôi khi ngốc nghếch, đôi khi sai lầm, nhưng cũng tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu. Tôi nhận ra hình bóng những người xung quanh trong người dân Đaghextan. Những người mẹ dành hết tình yêu cho con, những cụ già đầy triết lý, con trẻ hồn nhiên và tinh nghịch. Có lúc tôi lại thấy thấp thoáng lời dạy bảo của bố trong câu chuyện của Gamzat Xadaz hay Abutalip. Và dường như, dù ở Viêt Nam hay ở Đaghextan, hay ở bất kỳ đất nước nào khác, tình yêu thương con người, lòng yêu nước luôn luôn hiện hữu.


              
Nhà văn Raxun Gamzatov

Raxun Gamzatov đã sáng tác bằng tiếng Avar địa phương, một ngôn ngữ chỉ có hơn 500.000 người sử dụng. Những người Avar cùng với người Darghin, Lezghin và Kumyk là những nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất trong tổng số 2 triệu cư dân của Đaghextan, nơi người ta nói 36 thứ tiếng khác nhau. Theo truyền thuyết, người kỵ sĩ cưỡi ngựa khắp thế giới, phân phát các loại ngôn ngữ và khi đến đây, núi non hiểm trở và đã quá mệt nên ông ta đã ném cả một túi chứa đầy ngôn ngữ vào các hẻm núi rồi nói với người dân: “Các người hãy chọn lấy cho mình!”.

                     
                  
                                                             
Rất nhiều câu ngạn ngữ của dân Avar, thật ý nghĩa.

- Con người ta nếu mất 2 năm học nói, thì phải mất 60 năm học im lặng;
- Gươm chỉ rút ra khỏi vỏ một lần, nhưng luôn phải mang bên mình;
- Nếu anh bắn vào quá khứ bằng một phát súng trường thì tương lai bắn vào anh một viên đại bác;
- Đời người con trai được hai lần quỳ gối: uống nước nguồn và hái hoa.
- Trong tay người hiểu biết thì nọc rắn cũng có ích. Trong tay kẻ ngu si thì mật ong cũng thành tai vạ.

và ...
    
“Người miền núi thường nói: vị trí thích hợp nhất đối với dao găm là vỏ bọc, đối với lửa là bếp lò, đối với đàn ông là nhà mình. Nhưng một khi lửa bứt ra khỏi bếp lò và cháy bùng trên đỉnh núi cao, thì dao găm nằm yên trong bao không còn là dao găm và người đàn ông ngồi yên bên bếp lò nhà mình không còn là đàn ông nữa”
“Con người cần 2 năm để học nói và 60 năm để học cách im lặng.
Tôi không phải hai tuổi và cũng không phải sáu mươi. Tôi đang ở giữa độ đường. Tuy nhiên, có lẽ tôi gần điểm sau hơn vì lời chưa nói của tôi quý hơn tất cả những lời nói rồi.”
“Anh hãy tập hợp ý nghĩ của mình thành những đàn ngựa quý, không con nào thua kém con nào. Anh hãy thả đàn ngựa ấy lên cánh đồng cỏ của những trang giấy trắng. Hãy để cho ý nghĩ của anh phi trên trang giấy như những con ngựa cuống quýt, như đàn dê rừng.
Đừng giấu những ý nghĩ của mình. Nếu giấu đi thì anh sẽ quên mất đã để ở đâu. Giống như kẻ hà tiện đôi khi quên mất nơi giấu tiền và cuối cùng bị mất tiền chính vì sự keo kiệt của mình.
Nhưng cũng đừng trao ý nghĩ cho người khác. Không thể đưa nhạc cụ quý cho trẻ con thay đồ chơi. Đứa trẻ hoặc sẽ làm gãy hỏng, hoặc sẽ đánh mất, hoặc sẽ bị đứt tay vì thứ nhạc cụ đó.”
“… ánh lửa trên khung cửa nhỏ đã soi rọi cho tôi qua bao năm tháng, những lúc tôi đi khắp thế gian. Còn khi tôi trở về ngôi nhà thân thuộc và từ trong nhà nhìn ra ngoài, tôi thấy cả thế giới rộng lớn …”

NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY


                       Trịnh Công Sơn
   
Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui

Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn

...



=

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Tượng chùa làng.

Tượng Đức Ông
Trong đời sống cộng đồng của người dân Việt, ngôi chùa làng trở thành tâm điểm của cả làng. Hàng năm vào các dịp lễ, Tết người dân trong làng đến thắp hương cầu nguyện. Những người dân quê hiền lành cùng với những lời cầu nguyện mùa màng tươi tốt, gia đạo bình yên, cuộc sống ấm no hạnh phúc, đó cũng chính là lời cầu nguyện mẹ cha sức khỏe, gia đình yên vui. Ngôi chùa làng đã trở thành một mái ấm tinh thần của cư dân cả làng. Ai cũng đều có thể đến đây thỉnh một tiếng chuông, thắp hương lễ Phật, tìm thấy nơi đây sự bình yên và thanh thản trong tâm hồn. Cũng từ những dịp gặp gỡ tại chùa mà tình bà con, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn.
                 
Tượng Mẫu

Tượng Quan Âm Thị Kính

Giếng làng mùa Xuân

Giếng làng Vừng
  

Quê hương, đơn giản với mình, gần gũi với mình, có thể nhìn thấy, nắm thấy.

               
Thiếu giếng làng là thiếu đi một thành viên tâm linh, một thành viên vật chất của văn hoá gia đình, văn hoá làng xã. Giếng làng tồn tại với những trái ngang càng làm tăng lên giá trị gấp bội của hình ảnh giếng làng trong muôn vàn thế hệ người Việt.
            
Nghe bài hát "Lời quê" thấy câu.
... Ru gì giữa cõi thinh không
Ru gì thêm nỗi trông mong
Ru đặng sâu vào nỗi nhớ
Quê nghèo đâu nỡ như vôi
Duyên tình đất trời không cạn
Để ca dao mãi cùng người.

... như tăng thêm nỗi nhớ làng quê, giếng làng, mà bạn gái ta thường mỗi lần qua đình ngả nón...

Đền Quýt trong lễ xuân


Chiêm nghiệm nét xưa



Cây bàng cổ thụ, lá đỏ, chờ Xuân ra lộc biếc
                 
Tháng Giêng là tháng của mưa xuân. Gọi là mưa xuân, không chỉ vì mưa vào mùa xuân, mà còn vì những cơn mưa này mang đến cho cây cối, cho sự vật sự hồi sinh. Trong cái tiết trời sương khói đó, sẽ dần xuất hiện những chồi non, những lá xanh, và có cả những nụ, những hoa khoe sắc.
    
Cây hoa Gạo tôi trồng lối vào cổng đền,
xin từ đền Cả- khu di tích đền Cao- Chí Linh
  
Mẹ con học trò vãn cảnh đền

Tháng Giêng, như các cụ ta thường bảo, là tháng ăn chơi. Mà cũng đúng. Tháng Giêng Tết đến xuân về, làng nào cũng bắt đầu mở hội. Ăn Tết, ăn hội làng, đền đình, miếu mạo,…cũng hết tháng Giêng. Và đó cũng là một phong tục đẹp của người dân Việt Nam mỗi độ Tết đến xuân về.

Chùa Muống đầu xuân


Vườn Tháp

Trước Chùa là sông Trà Xuyên

Ngày mồng Hai, Chùa vắng khách

Sân chùa tĩnh lặng

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Tháng Giêng đi lễ chùa.

Tĩnh lặng khói sương, Xuân chùa Cả
Đã có bao nhiêu thăng trầm, buồn vui, biến đổi qua thời gian mà con người phải nếm trải. Và, tôi vẫn nghe thấy trong tâm tưởng mình, tiếng chuông chùa từ một nơi thẳm sâu nào đó vọng về, gợi lại hình ảnh của mẹ tôi và các chị tôi ngày xưa ấy.
    
Tháng giêng mưa trên tóc
Những người đi lễ chùa
Theo giọt mưa cầu phúc
Tiếng chuông từ bi mơ...






                                 

Chùa Cả, Phúc Thành, Hải Dương
     

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

PHÁO TẾT


Nghệ thuật ăn Tết

Bài viết của nhà văn Thạch Lam
Hưởng, đấy là khôn ngoan; khiến hưởng, đấy là đức hạnh
(Cách ngôn Ảrập)
Viên mãn
Ngày Tết, đối với nhiều người, chỉ có thú vị khi nào nghĩ lại- Người ta thường hay cùng nhau nhắc tới những Tết năm ngoái, năm xưa với một vẻ mến tiếc âu yếm, lẫn với đôi chút ngậm ngùi. Nhất những Tết ngày còn nhỏ… Lúc ấy, cùng với những nỗi vui ngày Tết đã qua, còn vướng niềm thương tiếc tuổi niên hoa, cái tuổi mà người ta nhận là vô tư lự”, ngây thơ và sung sướng.
Nhưng nỗi nhớ tiếc ấy chẳng ích lợi gì, mà lại ngăn chúng ta không toàn hưởng được thời khắc hiện giờ. Đậm đà, mạnh mẽ hơn bao nhiêu là sự hưởng thụ ngay hiện tại, thêm vào cái thú hưởng những giờ vui, cái thú vô song của sự mình biết mình đương hưởng.
Ngày còn ít tuổi, tôi không hiểu biết được cái thú uống trà. Chén trà thơm lúc đó như sao bằng được những mộng đẹp tôi đang mơ tưởng trong lòng. Bây giờ tôi đã có biết rồi - và thỉnh thoảng một buổi sớm hay trưa, nâng chén trà lên để nhìn qua hương khói. Hưởng hương vị chén trà thì ít, nhưng hưởng cái thú ở đời, và nhất là hưởng cái giờ khắc nghỉ ngơi, nhàn nhã, mà tự mình cho phép - (người ta chỉ có thể hưởng được cái khoái lạc của nghỉ ngơi, khi biết cái nghệ thuật nghỉ ngơi cũng như biết cái nghệ thuật làm việc).
Tôi hiểu là vô ích và điên dại cuộc theo đuổi mộng ảo không cùng, việc lần để ngày lại ngày hạnh phúc. Tôi hiểu rằng hoa nở sớm nay cũng tươi đẹp chẳng kém hoa nở ngày mai, thời tiết xuân nay êm dịp hơn xuân bao giờ hết, và trời trong cùng ánh nắng kia hiện giờ đã đẹp vô ngần…
Tết! Còn dịp nào trong đời ta nhiều thú vị vui tươi hơn nữa. Ngày Tết nhắc ta nhớ lại những Tết đã qua, và khuyên ta an hưởng ngay cái Tết bây giờ. Đêm giao thừa thời gian qua nghỉ bước trên từng caolà giờ khắc say sưa êm dịu nhất. Hưởng mùi thơm thuỷ tiên, cánh hồng hoa đào nở, hưởng làn khói trầm vấn vít đủ lên cao. Hưởng đi, trong cái khoái lạc của sáng suốt, trong cái minh mẫn của tinh thần, trong sự thư thái thảnh thơi của lòng bình tĩnh. Tiếc thương như gia vị và mong mỏi như làm ấm nóng cái thú vô cùng.
Rượu sánh trong cốc pha lê trong trộn mùi khói pháo với hương thuỷ tiên. Tiếng pháo nổ vui từ nhà nọ sang nhà kia, liên tiếp, đi mãi vào trong đêm để làm vang động bầu không khí xuân của khắp cả các gia đình. Đó là tiếng hiệu lệnh của sự thông đồng chung hưởng.
Lúc đó mỗi nhà đều uống rượu thưởng năm mới. Rồi chiếc bánh chưng đầu năm mang lên, xanh mịn trên đĩa trắng. Bánh chưng gói khéo thì vuông và chắc rắn: gạo  mềm và nhiễn, nhân đậu và mỡ quánh vào nhau. Chỗ nạc thì tơi ra như bông gạo. Có nhà gói lắm nạc, nhưng nhiều mỡ vẫn ngon hơn: mỡ phần, chỗ giọi, lúc chín thì trong, và không có thớ. Bánh chưng kể mặn là phải vị. Nhưng có dăm bảy chiếc gói ngọt cũng hay. Chỉ khó làm sao cho đừng sượng, và đường với đậu phải biến với nhau mà thôi.
Tưởng lúc xén đũa đưa miếng bánh chưng lên, thoảng mùi lá dong thơm và mùi nếp cái, ăn với dưa hành trong như ngọc thạch, hoặc với củ cải đậm và ròn như pháo xuân! Đó là tất cả hương vị của cái tết Annam, ngày nay và ngày xưa.
Sáng mồng một, chúng ta uống rượu và ăn mứt. Rượu hẳn là phải rượu tây: những thứ vang cũ ngọt như Porto, nồng chua như Vermouth, hay say như Cognacq. Uống những thứ ấy thích hơn liqueurs. Nhưng sao ta không có rượu ngon của ta? Tiếc vì bây giờ cái gì của người mình cũng vụng về và giả dối. Còn đâu thứ rượu cau có tiếng ở Hoàng Mai, thứ rượu cúc nổi danh ở tỉnh Bắc? Cái hào nhoáng, cái lộng lẫy bề ngoài đã thay cái chân thực, cái cẩn thận của người xưa. Đơn sơ và cẩu thả đã cướp chỗ của tốt bền, ở tất cả những sản phẩm của nước mình.
Mứt ngày trước cũng ngon và khéo léo hơn mứt bây giờ. May gần đây, sự làm đã khá. Đã có mứt sen Cự Hương, mứt khoai Việt Hương, vị cũng nhã, mà trình bày lại sạch sẽ, tinh tươm. Đem làm quà ngày Tết kể cũng tạm được.
Mứt phải đủ ngũ vị: ngọt, bùi, đậm, béo và cay. Thứ mứt gừng cay là quý nhất. Chỉ tiếc thay mứt gừng ngoài Bắc thô và mạnh quá. Tôi ước ao được một ngành mứt gừng ở trong Trung - mứt gừng của Huế, làm bằng mầm gừng non và cả nhánh, trong như ngọc và cay, mềm dịu cũng như con gái Huế.
Thế rồi đi du xuân ngày mồng một, nhìn cây nêu phấp phới trước các nhà, tiếng khánh sành reo theo gió. Một cuộc hoà nhạc của sắc màu: quần áo mới của bầy trẻ, xác pháo đỏ trên gạch rêu, màu hồng nhạt hay đỏ tươi của câu đối giấy dán trên cổng, và màu củ cẩm (hay cánh sen) trên những tranh tết - nhất cái màu tím mát ấy, màu của đất nước Annam, của thời xưa chân thật mà không bao giờ nhìn tôi không thương nhớ ngậm ngùi…
Trong lúc đó, trời xuân đầy mây thấp và gần gụi, thời tiết êm ả như đợi chờ, gió xuân nhẹ như hơi thở, và cây cối đều nở mầm non, lộc mới - tất cả cái gì như đầm ấm, như dịu dàng. Còn hưởng cái thú nào man mác và thanh cao hơn nữa?
Cho nên ngày Tết, tôi mong các bạn cùng vui vẻ tươi sáng như ánh mùa xuân, trong khi lần giở những trang của tập báo vì các bạn này.
Theo blog của nhà văn Vương Trí Nhàn

Mừng Xuân Nhâm Thìn


Chúc các Bạn gần xa, năm mới  Nhâm Thìn
An Khang Hạnh Phúc

Cháu nội đón xuân



Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Thầy giáo Hoàng Năng Thân


Tổ Toán trường phổ thông năng khiếu Hải Dương (20-11-1993)
Thầy Hoàng Năng Thân, đứng hàng trước, thứ năm, từ phải.
                                 
Đọc “nét bút tri ân”, nhớ thầy Hoàng Năng Thân
         Bài viết của thầy giáo Nguyễn Hoàng Đạo

 Tôi biết thầy từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Lúc ấy, tôi là cậu học sinh nhỏ của trường cấp III Hồng Quang - Hải Dương, và thầy, một giáo viên toán mới ra trường.
 Khác với bây giờ, thời chúng tôi học “đồng môn” chứ không “đồng tuế”. Sự chênh lệch về tuổi tác khiến thầy chỉ hơn các anh chị lớn trong lớp chừng vài ba tuổi mà thôi. Điều ấy tạo nên sự gần gũi giữa thầy và trò nhưng trong ứng xử thì lại vô cùng tế nhị.
 Thầy nhỏ người, dáng rất thư sinh. Mùa hè, chiếc áo cộc tay xanh nhạt, mùa đông, chiếc áo bông xanh thẫm… lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Con người thầy như toát lên sự giản dị và chính xác của toán học!…
 Năm 1965, Mỹ leo thang bắn phá ác liệt miền Bắc. Thầy theo trường Hồng Quang đi sơ tán, còn chúng tôi tốt nghiệp cấp 3. Theo sự sắp đặt của tổ chức: người cầm súng ra chiến trường, người đi học trong nước, ngoài nước…không mảy may tính toán thiệt hơn, hồ hởi bước vào cuộc chiến như những người lính xung kích. Câu nói nổi tiếng của bạn Lê Mã Lương*: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, được khắc ở trong tim mỗi người.
 Tôi ở lại địa phương, vào đội Thanh niên Xung phong K5, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ tuyến đường 5 huyết mạch với cây cầu Phú Lương huyền thoại. Thời gian sau, tôi được cử đi học tại trường Đại Học sư phạm Hà Nội I. Tốt nghiệp Sư phạm,  lên Hà Giang công tác…
 Năm 1984, được phân công giảng dạy tại trường Phổ thông Năng khiếu tỉnh Hải Hưng, tôi lại được gặp thầy sau 20 năm xa cách. Thầy già đi nhưng rất ít thay đổi. Vẫn nhẹ nhàng, giản dị và chính xác, vẫn đỏ mặt trong những tình huống khó xử (điều này làm chúng tôi thêm yêu quý thầy hơn). Do sức khoẻ và tuổi tác, thầy không dạy chuyên nữa nhưng thầy vẫn là cây đại thụ trong làng toán Hải Dương, là hạt nhân của tổ toán nhà trường. Còn với  học sinh thì bài tri ân “Xin thầy tha lỗi” của Việt Nga viết trong cuộc thi “Nét bút tri ân” lần thứ nhất đã nói lên tất cả.
                     
Thầy Hoàng Năng Thân, thầy Lê Ngọc Khoái
Chủ nhiệm lớp Toán đặc biệt tỉnh Hải Hưng (66-69)

Ảnh chụp dịp kỷ niệm 30 Toán đặc biệt - 1995

Tôi còn nhớ, ngày xưa thầy đã trọng chuyên môn lắm rồi, rất yêu những học sinh giỏi toán, lúc dỗi dãi ôn lại chuyện cũ, thầy hay nhắc đến Nguyễn Đình Bin (sau làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) có máu làm chính trị từ thuở bé; Nguyễn Kỳ Quân,  loắt choắt, giỏi toán, làm thơ hay, đã hy sinh ở biên giới năm 1967; Phạm Huy Khanh, đẹp trai, học giỏi, hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1968.… Tôi vô cùng ngạc nhiên, thầy còn nhớ đến học sinh cũ của thầy hơn cả chúng tôi nhớ bạn cũ của mình! Học toán dốt, tôi không nằm trong số những học sinh được thầy yêu quý nhưng: “Thầy ơi! Thầy có biết không? Phong cách giảng dạy của thầy đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời dạy học của em! Trường Năng khiếu của mình có biết bao nhiêu học sinh thành đạt, chúng đến tri ân với em, nhưng chúng có biết đâu, trong sự thành đạt nơi chúng còn có bóng hình của một người ông mà chúng chưa một lần gặp mặt!…”
 Bây giờ trong cương vị Hiệu trưởng một trường THPT, tôi vẫn đem lời thầy dạy ngày nào để nói với giáo viên trong trường : “Dạy học là quá trình biến cái phức tạp của bài giảng thành cái đơn giản cho học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu”.
 Ngày thầy ốm, học sinh lớp 12 văn đến thăm, thầy ân cần dặn từng tí một, rằng chương trình lớp 12 khó lắm, phải cố gắng chú ý trong giờ học. Rằng cuối năm nay thi tốt nghiệp, cả lớp phải cố gắng lên. Nếu môn văn được 10 điểm mà môn toán được 1, 2 thì cũng trượt tốt nghiệp, làm sao đi thi đại học được, công lao bố mẹ nuôi ăn học thế là đổ xuống sông xuống biển. Thầy còn bảo, học chuyên văn, giỏi văn những vẫn cần học toán, nếu không giỏi được thì cũng đừng dốt. Thầy dặn từng đứa, chỉ ra từng cái lỗi. Đứa thì hấp tấp, hay tính toán sai, đứa thì đoảng, cứ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, đứa có tư chất thông minh nhưng lười…Còn đồng nghiệp đến thăm, thầy vui lắm, nói cười luôn miệng. Thầy nói về y học thì đến bác sĩ ngồi nghe cũng tròn xoe đôi mắt, chẳng thể thêm bớt được câu nào… Thầy cố giấu đi cái điều mà mọi người không ai dám nghĩ đến! Nhưng giấu làm sao được! Thầy đâu có cái tài ấy! Ra về, chúng tôi, ai nấy lòng nặng trĩu.
 Cả cuộc đời gần 40 năm dạy học, lúc ra đi cũng chỉ là một thầy giáo thuần tuý.  Ra trường như thế nào thì trở về với cõi Vĩnh hằng cũng vẫn như thế. Giàu về sự trong sạch, thanh cao, nghèo về bổng lộc.
 Đã đành rằng: Để trở thành một Giáo sư, Tiến sĩ, một Nhà giáo Nhân dân, một Nhà giáo Ưu tú đã khó, nhưng để trở thành một nhà giáo chân chính được lớp lớp học sinh kính trọng thì còn khó hơn nhiều…
 Cặp kính lão  bỗng nhòa đi,  tôi cảm thấy chạnh lòng, thương thầy tôi quá!


 * Năm 1965 Lê Mã Lương được cử đi học tập ở nước ngoài, anh từ chối, xin được đi bộ đội trực tiêp chiến đấu. Câu nói nổi tiếng của anh ngày ấy: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” được học sinh, sinh viên cả nước học tập. Hiện nay ông là Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Giám đốc Bảo tàng Quân đội

Lớp Toán đặc biệt khóa II (1966-1969), tỉnh Hải Hưng vô cùng cảm ơn thầy Nguyễn Hoàng Đạo, nguyên giáo viên Địa Lý trường phổ thông năng khiếu Hải Dương.
Cảm ơn anh vì những ngày anh được gần gũi, cùng công tác với thầy và anh đã viết về người thầy giáo vô cùng yêu mến của chúng tôi.
Nhân dịp Xuân mới Nhâm Thìn, chúng tôi kính chúc Anh Chị và gia đình an khang hạnh phúc!

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Xuân & tết với con người tiền chiến

  Bài viết của Vương Trí Nhàn.

 Chuyện buồn giữa đêm vui là tên một thiên truyện của Nam Cao trong đó có nhân vật chính sau khi mời họ hàng đến ăn bữa cơm cuối, kể lại cho vợ nghe về một người cô hôm ấy không có mặt.

   Để nội dung cụ thể sang một bên, hãy nới tới cái ý nghĩa khái quát nằm sau đầu đề thiên truyện: cuộc đời chung quanh chúng ta chẳng bao giờ trọn vẹn. Bởi vậy, hình như trong những ngày vui, những người không quá vô tâm, những người có lương tri thường không khỏi nhớ tới những gì chưa được hoàn thiện, những bất công khổ sở còn đầy rẫy quanh mình. Cái buồn ở đây không phải bi quan, càng không phải để làm dáng. Ngược lại, nó là tình cảm tự nhiên ở những con người lành mạnh, có yêu cầu cao về đời sống, và nhạy cảm với những gì đang diễn ra chung quanh.
   
  Nếu không phải tất cả, thì một số nhà văn Việt Nam, nhất là nhưng cây bút hàng đầu của nền văn học dân tộc trong thế kỷ này – Nguyễn Công Hoan và Khái Hưng, Thạch Lam và Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Thanh Tịnh… đã nghĩ như vậy. Khá nhiều thiên truyện mà họ đã viết nhân những ngày tết và nội dung có liên quan đến tết, lại là những truyện gợi cảm giác buồn bã.
    
  Người ngựa và ngựa người của Nguyễn Công Hoan có hai nhân vật chính thì một là anh  phu xe đói khách, hai là cô gái làng chơi ế hàng, không có tiền cũng cứ gọi xe để dử mồi. Cuối cùng cả hai đều thất vọng. Cô ả trốn biệt. Anh phu xe bị quỵt tiền. Giữa lúc ấy “tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch”.
    
  Tối ba mươi của Thạch Lam được xây dựng từ một cảm hứng hoàn toàn khác, song cũng buồn không kém. Cả hai nhân vật chính “sống đời truỵ lạc” (chữ của tác giả) song thực ra họ đều là người tử tế, do sa cơ nhỡ bước mà rơi vào vũng bùn. Đêm tất niên, không có khách lai vãng, hai người càng cảm thấy lạnh lẽo. Họ mua các thứ về thắp hương, cúng tổ tiên, cha mẹ và tủi về thân phận của mình, ôm nhau khóc.
   
  Ngày tết là ngày của hy vọng. Các nhân vật chính trong thiên truyện mang tên Đón khách của Nam Cao cũng không nghĩ khác. Ông bà đồ Cảnh ở đây chỉ mong kiếm cho đứa con gái của mình một tấm chồng sáng giá. Họ nhịn nhục đi vay tiền làm bữa cỗ thật to chờ anh chàng rể tương lai. Nhưng chính lúc đó, họ nhận ra sự thật: anh chàng Sinh, mà họ định bẫy, chỉ buồn tình đùa bỡn gia đình họ cho vui. Anh đã có đám khác. Điều oái oăm là ở chỗ tin thất thiệt đổ ụp xuống gia đình ông đồ Cảnh giữa ngày mồng hai tết.
   
  Có thể kể thêm ra đây nhiều thiên truyện tương tự ở đó, cái nền xảy ra câu chuyện là những ngày xuân chỉ khiến cho những nỗi đau khổ của các nhân vật thêm nổi bật. Thanh Tịnh từng miêu tả cái vui gượng gạo trong đêm giao thừa của những hành khách trên một chuyến xe lửa cuối năm. Khái Hưng trong một thiên truyện pha hồi ký, kể lại cảnh mình bị khám nhà giữa đêm ba mươi tết (ấy là hồi ông còn làm đại lý xăng dầu ở Ninh Giang). Trong Quê người của Tô Hoài, có một nhân vật tên là Thoại. Do quá nghèo túng, giữa đêm tất niên, Thoại xoay ra đi lùng chó, những con chó sợ pháo chạy lung tung giữa đồng. Nhưng cái mưu đồ ấy cũng không thành. Thoại bị một trận đòn nhừ tủ, đến nỗi xấu hổ quá, dắt vợ con bỏ làng ra đi. Tóm lại, “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết – Giàu có đến ba mươi tết mới hay” – hình như trong những ngày tết, ai đã vui lại vui hơn, ai đã buồn lại càng buồn hơn. Ngày xuân ngày tết chỉ làm rõ hơn cái tình thế mà mỗi người sẵn có. Và chỉ cần để ý kỹ chung quanh một chút thôi, người ta sẽ nhận ra ngày những cái tết eo hẹp, đạm bạc của những nguời quanh mình để không bao giờ đẩy sự vui vẻ tới mức quá trớn – hình như các nhà văn muốn nói thêm với bạn đọc điều ấy.
    
  Thế cái quy luật này có tồn tại trong thơ, như đã tồn tại trong văn xuôi tiền chiến? Câu trả lời: cũng gần như thế! Cố nhiên, thơ vui ngày tết thì nhiều rồi, nhưng thơ buồn cũng không phải không có. Lấy một ví dụ: Có lần, các nhà sưu tầm thơ Nguyễn Bính đã chọn những bài thơ ông viết về mùa xuân và cảnh tha hương làm thành một tập riêng gọi là Xuân tha hương, trong đó, riêng những bài đầu đề có chữ tết, chữ xuân đã đến hơn chục bài: Xuân về, Vườn xuân, Thơ xuân, Xuân thương nhớ, Hội xuân, Mùa xuân, Rượu xuân, Nhạc xuân, Tết của mẹ tôi, Tết biên thuỳ… Những người quen biết Nguyễn Bính trước 1945 thường kể ông là người duy nhất hồi ấy có thể sống được bằng nhuận bút thơ. Vậy nên có thể dự đoán khá nhiều bài thơ nói về xuân về tết này được làm theo com-măng của các báo. Song, mặc dù được làm theo đơn đặt hàng, đây vẫn là những bài thơ khá hay. Có điều, nếu thời gian mới làm nghề, thơ Nguyễn Bính về xuân và tết thường là những bài thơ vui, thơ về sau, âm hưởng chính lại là buồn bã.

- Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh
- Dang dở một thân nơi đất khách
Tết này ta lại ngắm hoa suông
- Huyền Trân ơi!
Mùa xuân mùa xuân mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi.

Những câu thơ vui, nhí nhảnh của Nguyễn Bính viết về xuân kiểu như Mùa xuân là cả một mùa xanh - Trời ở trên cao lá ở cành… được nhiều bạn đọc trẻ tuổi ghi nhớ. Nhưng cũng có phần chắc chắn không kém là những câu thơ xuân kể lại cảnh cô quạnh, đơn độc của tác giả cũng đã là bàu bạn của lớp người từng trải, hơn thế, là lời an ủi cho những người cùng cảnh ngộ.

  Bài viết này mượn nhan đề một tập thơ của Tú Mỡ. Điều may mắn cho chúng tôi là đọc lại tập thơ trào phúng đó cũng có mấy bài viết về tết, mà cũng là dòng nước ngược, với nghĩa: tuy tác giả không tả những cảnh buồn đau thất vọng, song ông cũng không hùa theo đời, tô vẽ cảnh tết, mà lại nhìn thấy trong ngày vui này những cái nhố nhăng nhếch nhác. Đây là một ví dụ.

Ghét tết
(thơ yết hậu)
Thiên hạ sao ưa Tết?
Hẳn vì mặc áo đẹp
Tớ đây bảo Tết phiền
Ghét!
Tiêu pha thực tốn tiền
Chè chén cứ liên miên
Hết Tết đâm lo nợ
Điên!
Mồng một đi mừng tuổi
Chúc nhau nghe inh ỏi
Toàn câu sáo rác tai
Thối!
Mừng tuổi đèo phong bao
Năm xu lại một hào
Ai sinh cái lệ đó?
Hao!
Kiết xác như vờ rồi
Còn ngông đốt pháo mãi.
Pháo kêu: Tiền hỡi tiền
Dại!
    
  Cố nhiên, nghĩ như Tú Mỡ cũng có phần cực đoan. Sau một năm lao động vất vả, chúng ta có quyền vui tết. Điều có thể chia sẻ với Tú Mỡ trong trường hợp này là: có được một cái Tết cho hợp lý, có ý nghĩa mà cũng là có văn hoá- cái đó không phải dễ.

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Yêu nhau về Buôn Ma Thuột


Ngã sáu bây giờ, xe tăng nhựa
           
Cách đây 36 năm, ngày 12/3/1975, quân đội Bắc Việt Nam chiếm thành phố Buôn Ma Thuột sau hai ngày tấn công.
                   
Đường Y Ngông

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên (10 - 24/3/1975) đã tạo ra bước ngoặt trên chiến trường, kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh Việt Nam và một lần nữa khẳng định vị trí chiến lược của vùng đất Tây Nguyên.
                                      
Đường Lê Duẩn
Nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu là ‘Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương’.

Phố cao nguyên thanh bình
Khi nói về Việt Nam , người ta thường đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế.
    
Tuan Vu hotel, nơi đoàn Hải Dương ở

Dai Hung Restaurant, nơi gặp trường chuyên Nguyễn Du
Người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng: Tây Nguyên là “nóc nhà của Đông Dương”.

Sân bay Hòa Bình, ảnh chụp khi về.
Nơi anh trai ông Sùng cùng đoàn tử trận tháng Ba 1975
   
Về mặt quân sự, vùng Tây Nguyên được đánh giá quan trọng tới mức nếu ai chiếm được Tây Nguyên thì coi như đã làm chủ được Nam Việt Nam .

Cafe cao nguyên

Nơi nắng ấm, nơi gió mát. Ta yêu người, người ơi!

Nếu làm chủ được Tây Nguyên sẽ dễ dàng tiến xuống làm chủ dải đồng bằng hẹp ven biển Nam Trung bộ, hình thành thế chia cắt chiến lược, khiến hai đầu không ứng cứu được cho nhau. 
                         
Nơi hát có chữ. Ta hết lòng, cao nguyên ơi!

Trên phạm vi rộng hơn, vùng đất này liền kề ngã ba Đông Dương. Khi chiếm lĩnh được khu vực này thì cũng dễ dàng chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương.

Trường chuyên PTTH Nguyễn Du.
Hội đồng thi có hai em người dân tộc, thi môn Lịch sử