39c. Hai thế giới trong Hồng Lâu Mộng (Kỳ cuối)
DƯ ANH THỜI
Chúng tôi nhấn mạnh ý hai thế
giới trong Hồng lâu mộng là sự đối chiếu mạnh mẽ giữa thanh
sạch và nhơ bẩn. Các dẫn chứng đã nêu ủng hộ cho quan điểm cơ bản này - ít nhất
là trên phương diện nhận thức logic.
Thế nhưng cuối cùng
chúng ta vẫn phải giải đáp một vấn đề có tính kinh nghiệm cụ thể. Đó là, vậy
thì cuộc sống Đại Quan Viên quả thật có thanh sạch? Nếu Đại Quan Viên cũng nhơ
bẩn như cuộc sống bên ngoài thì sự đối lập mà chúng tôi nhấn mạnh khó tránh
được tiếng bắt bóng bắt gió trong nghiên cứu tác phẩm.
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta
đương nhiên không còn có thể vận dụng phương thức chứng minh như trên đây nữa.
Bởi vì không thể tìm được chứng cứ ở chỗ không tồn tại cái mà ta tìm để làm
chứng cứ, đây muốn nói đến cái gọi là “nhơ bẩn” trong thế giới Đại Quan. Trên
nguyên tắc, Tào Tuyết Cần khoanh riêng một vườn Đại Quan là để viết Tình chứ
không phải viết Dâm. Trong lúc đó ông lại cố tình miêu tả tường tận cái dâm uế
của thế giới bên ngoài, dường như là để đối chiếu với cuộc sống tình cảm trong
sạch trong địa đàng Đại Quan.
Chúng ta đều biết Đại Quan Viên
về cơ bản là thế giới của các kim thoa. Trừ mỗi Bảo Ngọc ra còn thì không có
một chàng nào sống trong vườn này cả.[1] Vì vậy chỉ cần chúng ta
chứng minh được cuộc sống của Bảo Ngọc là trong sáng thì tính thuần khiết của
thế giới lí tưởng Đại Quan Viên đã được chứng tỏ. Liên quan đến chuyện này, tác
giả tiểu thuyết từng cố ý lưu lại cho độc giả một manh mối nhỏ trong tình tiết
Bảo Ngọc bảo Tình Văn lấy nước hầu tắm ở hồi 31. Tình Văn cười đáp: “Còn nhớ
hôm chị Bích Ngân xua cậu đi tắm. Lâu đến hai, ba canh giờ, không biết làm
những gì. Chúng tôi cũng không tiện vào đấy. Khi tắm xong, vào xem thì thấy
nước tràn đến tận chân giường, ngay đến chiếu cũng ướt dầm dề, cũng chả biết
tắm táp kiểu gì nữa!”[2] Đoạn này thoạt trông như tuồng có ẩn ý gì. Kì thực đấy chỉ
là cái “giảo hoạt” của ngòi bút trần thuật lừa dẫn độc giả vào chỗ nhầm đường.
Tập Nhân vì được Vương phu nhân tin tưởng, thành ra kể từ sau khi Bảo Ngọc vào
ở trong Đại Quan Viên lại càng đâm ra giữ khoảng cách hơn. Đêm hôm hầu hạ Bảo
Ngọc vẫn chỉ là Tình Văn. Nếu như Bảo Ngọc quả có làm gì quá ngưỡng thì Tình
Văn là người mang tiếng nhất. Tình Văn sau cùng bị đuổi cũng chính là vì nghi
có gì bất chính với Bảo Ngọc. Thế nhưng sự thật ta đều biết hai người luôn giữ
một quan hệ trong sáng thuần khiết. Thế cho nên Tình Văn trước lúc chết còn nói
mình “mắc phải cái tội suông tiếng hão”. Tác giả có ý chứng minh cho sự thuần
hậu thanh khiết cho hai nhân vật này khi xây dựng tình tiết “Đăng cô nương” –
dâm phụ vợ ông anh con cậu của Tình Văn lén rình theo dõi Bảo Ngọc đến thăm
Tình Văn lúc bị đuổi khỏi Đại Quan Viên, ốm nằm ở nhà ả ta. Chính ả ta phải
thừa nhận: “Tôi về đứng bên ngoài cửa sổ nghe được một hồi rồi. Trong phòng chỉ
có cậu và Tình Văn, nếu mà có chuyện mèo chuột gì há đã chẳng nói đến rồi. Ai
hay quả hai người thật chẳng có gì dan díu với nhau cả. Thế mới biết chuyện oan
uổng trên đời kể cũng không ít vậy”.[3] Thật đúng như nhận xét
của Giải Am cư sĩ: “Ngoài song nghe trộm, chứng minh cho sự trinh khiết của
Tình Văn. Nếu không hai chữ “tiếng hão” ai mà tin được”.[4] Trên
thực tế lời nói của “Đăng cô nương” không chỉ rửa oan cho Bảo Ngọc và Tình Văn
mà còn tỏ rõ cho ta thấy đời sống thuần khiết trong Đại Quan Viên. Giữa Bảo
Ngọc với người gần gũi nhất mà cũng mang lấy tiếng tăm nặng nề nhất - Tình Văn,
trên thực tế lại “thật chẳng có gì dan díu với nhau cả” thì đủ thấy những
mối quan hệ tình cảm khác của Bảo Ngọc cũng không có gì là ám muội cả.[5]
Cuối cùng còn một vấn đề khó
cần phải trao đổi nhiều hơn. Đó chính là chuyện con hầu ngốc nhặt được túi tú
xuân hồi 73. Chuyện này thoạt trông có vẻ mâu thuẫn với luận điểm cho rằng Đại
Quan Viên là thế giới lí tưởng thanh khiết. Thế nhưng phân tích kĩ lượng, lại
vẫn là phù hợp với nhận định chung của chúng tôi về hai thế giới trong tác
phẩm. Cái túi tú xuân đó là chuyện hồi 71: Tư Kì và anh họ của cô ta là Phan
Hựu An hò hẹn với nhau trong vườn rồi đánh rơi túi mà không hay.[6] Thế
nhưng khi hồi 72 mới bắt đầu tác giả đã nói rõ đôi trai gái cũng chỉ mới vừa
gặp mặt thì đã bị Uyên Ương làm kinh động, mỗi người mỗi ngả.[7] Đủ
thấy Đại Quan Viên cho tới khi cập kề bên bờ tan vỡ vẫn không biến màu thanh
khiết lí tưởng. Đáng chú ý hơn là, đến hồi 74 sau khi tra tìm được Tư Kì, cho
nàng là nghi can của “vụ án” thì nàng cũng chỉ cúi đầu nín ngậm, không chút sợ
hãi ân hận gì cả. Vậy thì dũng khí của cô gái đến từ đâu? Câu trả lời đương
nhiên chỉ có tìm trong sự phân biệt tình và dâm mà chúng tôi đề xuất trong bài
này. Tư Kì là người mê luyến chữ tình vậy. Căn cứ vào quan điểm “tri tình càng
dâm” và “tình đã tương phùng tất chủ dâm” mà xét thì cái mà thế tục gọi là
“gian tình” đó cũng không hẳn là tội lỗi gì. So với những chuyện dâm ô của thế
giới bên ngoài thì cũng khó mà nói đó là bẩn thỉu.
Thử đổi sang phân tích nhìn
nhận vấn đề từ một góc độ khác. Nếu tác giả muốn xử lí đề tài trên theo hướng
khẳng định câu chuyện có tính chất tiêu cực thì chúng ta bắt buộc phải nói đó
chính là sự phát triển nội tại phải có trong bi kịch Hồng lâu mộng.
Chúng tôi đã chỉ rõ trong các phần trước, thế giới lí tưởng trong Hồng
lâu mộngsẽ đi đến chỗ tiêu tan trước sức xâm hại không ngừng của các thế
lực đến từ thế giới hiện thực. Sự xuất hiện của túi tú xuân trong Đại Quan Viên
là kết quả của sự xâm nhập sức mạnh từ bên ngoài. Thế nhưng, thế lực ngoại tại
sở dĩ có thể tác động vào trong Đại Quan Viên ấy là do những nguyên nhân tự bên
trong. Tức chính là do một chữ tình trong thế giới lí tưởng
chuốc rước lấy. Tình trong thế giới lí tưởng đương nhiên là thanh khiết, nhưng
nó cũng như nước trong Đại Quan Viên rồi cũng không tránh khỏi phải trôi chảy
ra thế giới bên ngoài. Theo nghĩa này mà nói, tính cách bi kịch của Hồng
lâu mộng đã được quyết định ngay từ đầu. Chúng tôi từng nói, giữa hai
thế giới mà Tào Tuyết Cần sáng tạo ra tồn tại một mối quan hệ động. Giờ đây đã
có thể bổ sung thêm một câu – mối quan hệ trong trạng thái động đó được xây
dựng trên nên tảng “tình đã tương phùng tất chủ dâm”.
Rất nhiều dấu hiệu cho thấy,
Tào Tuyết Cần đã sắp tính thế giới lí tưởng Đại Quan Viên sẽ tiêu tàn trong
khoảng từ hồi 71 đến hồi 80. Tình tiết tiêu biểu nhất chính là bài thơ liên tác
của Đại Ngọc cùng Tương Vân trong đêm trung thu ở hồi 76. Câu cuối bài Đại Ngọc
viết: “Lãnh nguyệt táng hoa hồn” (trăng lạnh chôn hồn hoa). Diệu Ngọc nghe ngâm
vội ra cản lại nói: “Vừa nãy nghe ngâm, các câu tuy hay thật, nhưng giọng thơ
quá suy đồi buồn thảm, đấy cũng là quan hệ đến khí số con người, cho nên tôi ra
ngăn lại”.[8] Chúng ta đều biết, hoa chính là tượng trưng cho các cô trong
Đại Quan Viên. Giờ đây khi Đại Ngọc ngâm lên khúc vãn ca “táng hoa hồn”, là lúc
ta thấy khí số của vườn Đại Quan đã sắp đến hồi tận rồi. Xem ra, vụ túi tú xuân
xảy ra trong vườn Đại Quan không phải là chuyện ngẫu nhiên. Hạ Chí Thanh so
sánh chuyện này với sự xuất hiện của rắn trong vườn Ê đen. Sau khi rắn xuất
hiện trong vườn Địa Đàng thì Adam và Eva đã phải đọa lạc xuống trần gian. Tống
Kì dẫn lại chuyện này, khen so sánh thật sắc sảo.[9] Chúng tôi cũng rất tán
thưởng với hai học giả.
Hồng
lâu mộng bản 120 hồi hiện hành
không phải là của cùng một tác giả, chuyện đó đã được công nhận ít nhất là cho
đến giai đoạn nghiên cứu hiện thời. Trong 80 hồi của Tào Tuyết Cần, Đại Quan
Viên bề ngoài vẫn là chốn “hoa phồn liễu thịnh”, vì vậy chúng ta không có cách
nào để biết tác giả rốt cuộc sắp xếp ra sao cuộc điêu tàn của ngôi vườn. Điều
có thể hơi phỏng đoán được, đó là tác giả có lẽ muốn dùng cách đối chiếu mãnh
liệt để làm nổi bật kết cục bi thảm. Cho nên Hồng lâu mộng-Tịnh Ứng
Côn tàng bản ở hồi 42 có lời bình của Chi Nghiên Trai: “Từ đây về sau, không nỡ
đọc hết”.[10] Chu Nhuận Xương phán đoán “Trong nửa sau tiểu thuyết thân
phận, địa vị vốn có của tất cả các nhân vật đều bị “đảo lộn” đi”.[11] Phần
đa các nhà nghiên cứu đều đồng tình với phán đoán đó. Hiện tượng đảo lật đó
không chỉ diễn ra ở các nhân vật. Theo người, vườn Đại Quan cũng vật đổi sao
dời, đổi từ phồn hoa sang điêu linh.[12] Vả chăng sự “đảo lộn” của
con người cũng không chỉ ở trong phạm vi thân phận địa vị. Nhìn trên quan điểm
hai thế giới trong tác phẩm mà chúng tôi triển khai trong suốt bài này, còn có
thể nói đến sự đảo lộn khác nữa – sự đảo lộn từ thanh khiết sang nhơ bẩn.
Các nhân vật trong Đại Quan
Viên đều yêu sự sạch sẽ, điều này mọi người ai cũng công nhận. Thế nhưng càng
là người mắc chứng thích sạch sẽ càng hay bị dây bẩn. Hồi 40, 41 cho ta một dẫn
chứng. Giả Mẫu dẫn một nhóm trong đó có già Lưu vào xem nơi ở của Thám Xuân.
Giả Mẫu cười nói: “Chúng ta đi thôi, chị em chúng nó không thích người đến đứng
ngồi chỗ của chúng, sợ bẩn mất nhà. Chúng ta biết thừa đi rồi, ra chỗ thuyền
uống rượu đi”. Thám Xuân xã giao lưu bọn họ ở lại, Giả Mẫu còn đế thêm: “Ba con
nha đầu chỗ ta thế mà khá, chỉ Bảo Ngọc Đại Ngọc hai đứa cháu này đáng ghét,
hồi nữa rượu say rồi đến phòng chúng quấy chơi”.[13] Chi tiết này dẫn mở cho
đoạn “Già Lưu say nằm Di Hồng Viện” ở hồi kế tiếp. Bảo Ngọc hiềm ghét nhất đàn
bà có chồng bẩn thỉu. Thế mà tác giả lại để cho già Lưu say rượu nằm bò ra trên
giường Bảo Ngọc, lại còn làm cho cả phòng ngạt nồng mùi rượu thịt.[14] Trong
hồi này còn kể chuyện già Lưu đến uống trà ở am Lũng Thuý. Tình tiết này cũng
là để làm nổi bật “bệnh sạch” của ni cô Diệu Thuý. Về sau như ta đã biết, Diệu
Thuý kết cục hết sức bi thảm. Chính sách của Diệu Thuý viết: “Dục
khiết hà tằng khiết, vân không vị tất không; Khả liên kim ngọc chất, chung hãm
náo nê trung”. Còn trong Hồng lâu mộng khúc tử thì nói Diệu
Ngọc “Đáo đầu lai y cựu thị phong trần khảng tang vi tâm nguyện, hảo nhất tựa
vô hà bạch ngọc tao nê hãm, hựu hà tu vương tôn công tử thán vô duyên”.[15] Đây
chính là bằng chứng nói trước chuyện 80 hồi sau Diệu Ngọc trầm luân đọa lạc.
Diệu Ngọc là một người thanh sạch đệ nhất trong thế giới lí tưởng Đại Quan
Viên, và sau khi thế giới đó tan vỡ lại là người lưu lạc vào chốn ô uế
nhất của thế giới hiện thực. Chỉ riêng ở trường hợp nhân vật này cũng có thể thấy
được bút pháp tạo thế tương phản mãnh liệt trong tạo dựng hình tượng hai thế
giới đối lập trong tác phẩm.
Nói tóm lại, tiểu thuyết Hồng
lâu mộng chính là một sự miêu tả quá trình hình thành, phát triển và
cuối cùng tan vỡ của thế giới lí tưởng. Nhưng thế giới lí tưởng đó ngay từ đầu
đã không tách rời khỏi thế giới hiện thực: Vườn Đại Quan hương thanh quả khiết
vốn là kiến thiết trên nền bẩn thỉu Hội Phương Viên. Mà trong suốt quá trình
vun đắp phát triển của vườn, hoa thanh quả khiết của vườn cũng không ngừng bị
rình rập phá bẻ bởi bao bàn tay nhớp nhúa bên ngoài. Thanh khiết mọc lên từ ô
uế, sau cùng cũng đành rũ rụng giữa ô uế. Xem ra, đó chính là ý nghĩa trung tâm
của bi kịch Hồng lâu mộng, và đó cũng là bi kịch lớn nhất mà Tào
Tuyết Cần từng thấy giữa nhân gian.
-----------------
Vinh, 2007- 2009, HàNội
Lê Thời Tân dịch từ nguyên bản tiếng Trung
Xem phần chú thíchLê Thời Tân dịch từ nguyên bản tiếng Trung
[1] Tống Kì cho rằng trong 80 hồi đầu của tác phẩm, trừ Giả Lan
còn là một đứa trẻ ra, còn lại không có người đàn ông nào được vào vườn. Đối
với trường hợp ngoại lệ – Giả Vân, tiên sinh cũng lí giải rất hợp lí (xem Luận
Đại Quan viên, tr.5-6). Trên nguyên tắc Đại Quan viên quả có một điều luật
không thành văn như vậy, thế nhưng trong thực tế hai thế giới trong Hồng
lâu mộng liên hệ dây mơ rễ má với nhau, khó có thể hoàn toàn đoạn
tuyệt với nhau. Tống tiên sinh có nói trong 80 hồi đầu Giả Chính, Giả
Liễn đều không có vào Đại Quan viên. Điều này không phù hợp với thực tế
câu chuyện. Không tính lần vào vườn nói chuyện đề biển viết câu đối ở hồi 17
(vì lúc này Đại Quan viên chưa quyết định cho người đến ở) thì như ta đọc thấy-
tất cả bọn đàn ông của hai phủ đều có mặt ở trong vườn nhân dịp Giả Mẫu làm cỗ
trung thu tại Đột Bích Sơn Trang hồi 70. Cho nên chúng ta cũng không nên nói
đinh đóng cột rằng không có người đàn ông nào ngoài Bảo Ngọc được vào vườn
trong 80 hồi đầu tác phẩm. Có điều quả đúng tác giả cố gắng hết sức không viết
chuyện đàn ông trong Hồng lâu mộng vào Đại Quan viên. Cho nên
cách nói của Tống tiên sinh trên tinh thần chung vẫn là phù hợp nguyên ý
của tác giả bộ sách vậy (tác giả chú).
[2] Bát thập hồi hiệu bản, tr.372 (tác giả chú). Tương
ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, bản in năm
2002, tập 1, tr.443.
[3] Bát thập hồi hiệu bản, tr. 372.(tác giả chú). Tương
ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, bản in năm
2002, tập 2, tr.281-282.
[4] Thạch đầu kí ức thuyết, xem Hồng
lâu mộng quyển, tập 1, tr. 196 (tác giả chú). Tình Văn chua chát
cho rằng cái tiếng được gần gũi cậu Bảo là “tiếng hão”. Xin đọc đoạn Bảo
Ngọc trốn đến thăm Tình Văn. Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt,
Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 2, tr.280-281.
[5] Ở đây cần phải thảo luận một chút quan điểm của Tào Tuyết
Cần về ranh giới giữa “tình” và “dâm”. Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, hai thế
giới trong Hồng lâu mộng một mặt khác biệt rõ ràng, mặt khác
cũng quan hệ chặt chẽ với nhau. Quan hệ giữa tình và dâm cũng
như vậy. Tào Tuyết Cần không phải là môn đồ của thuyết cấm dục, vì thế nhà văn
chưa từng quan niệm một cách vô điều kiện rằng vật dục là điều ác. Ông cũng
không phải là một kẻ nhị nguyên luận, tách rời hoàn toàn tìnhvà dâm.
Trong hồi 5 của tiểu thuyết, tác giả tuyên bố “Háo sắc tức dâm, tri tình cánh
dâm”, và phản đối luận điệu kiểu như “Háo sắc bất dâm”, “Tình nhi bất dâm”. Nói
đại thể, họ Tào cho rằng tình có thể, thậm chí là bao gồm
cả dâm. Từ tình mà dâm thì
tuy dâm mà cũng tình. Cho nên tình có
thể gọi là “ý dâm”. Nhưng mặt khác dâm quyết không thể bao
gồm tình. Dâm hiểu theo nghĩa hẹp này được Tào gọi
là “dâm đãng xác thịt” (xin xem Bát thập hồi hiệu bản, tr.57)
(nguyên văn: “bì phu lạm dâm”). Bảo Ngọc sở dĩ tiếc thương cho Bình Nhi là vì
“Giả Liễn chỉ biết có mỗi lấy dâm xác thịt để vui khoái bản thân mà thôi” (Bát
thập hồi hiệu bản, tr.471). Nói cách khác, chỉ mỗi dâm mà
không có tình. Niềm đồng tình của Bảo Ngọc đối Hương Lăng cũng xuất
phát từ lí do tương tự (Bát thập hồi hiệu bản, tr.693). Thậm chí ngay
đến Giả Liễn cũng cho là Tiết Bàn làm ô nhục Hương Lăng (Bát thập hồi hiệu
bản, tr. 153), huống nữa là Bảo Ngọc?
Tào Tuyết Cần giữ quan điểm “Biết tình càng dâm”. Trong trường hợp này ta không
đánh đồng cái gọi là tình của họ Tào với cái tình thuần tuý
của phương Tây (Platonic love). Cho nên trên Chính sách phần
cho Tần Khả Khanh mới có những dòng như “tình dĩ tương phùng tất chủ dâm” (Bát
thập hồi hiệu bản, tr.52). Nhận thức được điều này ta mới ngộ ra tại sao
lại có màn tiên cô cảnh ảo lại mật truyền Bảo Ngọc chuyện mây mưa (Bản dịch
tiếng Việt: “thầm dạy cách “mây mưa”, Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học,
bản in năm 2002, tập 1, tr.95) rồi sau đó lại có đoạn Bảo Ngọc đòi diễn lại
chuyện trong mơ đó với Tập Nhân. Đó chính là biểu thị Tào Tuyết Cần nói với
chúng ta rằng Bảo Ngọc là một người có tình có dục.
Chỉ khác là dục ở nhân vật này là mãi mãi phục vụ cho tình,
là kết quả chứ không phải là nguyên nhân. Hồng lâu mộng có bản
bên dưới câu “bèn mật truyền chuyện mây mưa” có lời bình “Đó là tình chưa hết,
không thể không nói rõ ra” (Du Bình Bá, Tập bình. tr.128). Không
biết đó có đúng là lời bình của Chu Nghiên Trai hay không, nhưng dù sao cũng tỏ
ra hiểu được lòng tác giả tiểu thuyết. Cho nên, từ góc độ này mà nói, chúng ta
cũng không nhất định phải nói chuyện Bảo Ngọc và đám các kim thoa đó càng không
có chuyện nam nữ nữ nam với nhau. Bản Giáp Tuất bên cạnh câu “Vì thế gặp mặt
non Vu, vui chuyện mây mưa, thảy đều từ chỗ đã vui với sắc để lại mê luyến với
tình mà dẫn đến” (tương ứng bản dịch tiếng Việt Hồng lâu mộng,
Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.94) có lời bình “Những chuyện sau màn
là phòng the đều từ đó mà nên” (Du Bình Bá, Tập bình. tr.127), đủ
thấy nhà bình điểm cũng không né tránh nói chuyện đó. Bảo Ngọc vì tình sinh dâm,
suy cho cùng là khác với “bì phu lạm dâm” (dâm xác thịt) thông thường trong thế
giới hiện thực. Bảo Ngọc mơ vào cõi Thái Hư Cảnh Ảo với người dẫn đường là Tần
Khả Khanh. Đây có việc lợi dụng sự hài âm giữa tần và tình (tiện
thể nói thêm: tình âm miền Nam Trung Quốc đọc thành tần,
chuyện đó các nhà Hồng học nhiều lần nhắc tới, chúng tôi khỏi phải nhắc lại).
Các nhà Hồng học xưa nay vẫn có ý ngờ Bảo Ngọc và Tần thị có chuyện ám muội, ấy
là vì chưa hiểu cho sâu sự phân biệt của tác giả đối với hai chữ tình và dâm.
Tác giả vẫn thường trần thuật một cách hiểm hóc, bạn đọc hơi không lưu tâm là
có thể bị nhầm lẫn ngay.
Nói tóm lại, Tào Tuyết Cần xây xựng nhân vật Bảo Ngọc gồm cả tình lẫn dâm,
kiêm có cả trong lẫn đục cũng là để phù hợp
hai thế giới mà ông dựng lên trong tác phẩm. Bởi vì chỉ như vậy thì nhân vật
này mới trở thành bản lề giữa hai thế giới. Đối với tác giả mà nói, màn Bảo
Ngọc và Tập Nhân lén diễn lại chuyện mây mưa vừa trải trong cõi tiên bố trí ở hồi
6 là có thâm ý. Theo phán đoán của cá nhân tôi, đấy là để chứng tỏ rằng Bảo
Ngọc và các thanh thiếu nữ thanh tịnh trong vườn Đại Quan về sau không có
chuyện dan díu ám muội ấy là vì họ không muốn làm chứ không phải là không thể
làm. Giả sử không viết rõ chuyện mây mưa ngay từ hồi 6, e là thêm khiến độc giả
càng nghi ngờ những chỗ khác. “Thanh tịnh vô vi”, đó chính là cái mà Lão gia
gọi là “tri ngã giả hi, tắc ngã giả quý” vậy (tác giả chú).
[6] Bát thập hồi hiệu bản, tr.839 (tác giả chú).
[7] Bát thập hồi hiệu bản, tr.804-805 (tác giả chú).
[8] Bát thập hồi hiệu bản, tr.804-805 (tác giả chú).
Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, bản
in năm 2002, tập 2, tr.262. Riêng câu thơ trên bản tiếng Việt dịch “Hồn
hoa chôn chặt dưới vành trăng trong”.
[9] Xem Tống Kì, Luận Đại Quan Viên, tr.9 (tác giả
chú).
[10] Xem Chu Nhữ Xương, Hồng lâu mộng cập
Tào Tuyết Cần hữu quan văn vật tự lục nhất thúc, Văn vật, 1973,
kì II, tr.22. Lời bình này cũng được dẫn trong Trần Khánh Hạo, Tân
biên Hồng lâu mộng Chu Nghiên Trai bình ngữ tập hiệu,
Hương Cảng, 1972, tr.421 (tác giả chú).
[11] Chu Nhữ Xương, Hồng lâu mộng cập
Tào Tuyết Cần hữu quan văn vật tự lục nhất thúc, Văn vật, 1973,
kì II, tr.25 (tác giả chú).
[12] Hồng lâu mộng bản Canh Thìn hồi 26 bên dưới câu
tả Tiêu Tương Quán “Phượng vĩ thâm thâm, Long ngâm tế tế” có lời bình “sau này
cùng với câu “Lạc diệp tiêu tiêu, hàn yên mạc mạc” thành cặp câu đối. Trước
thịnh sau suy, cám thương biết mấy” (Du Bình Bá, Tập bình, tr.432)
(tác giả chú).
[13] Bát thập hồi hiệu bản, tr.804-805 (tác giả chú).
Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, bản
in năm 2002, tập 1, tr.582.
[14] Bát thập hồi hiệu bản, tr.441-442. Liên quan đến
chuyên Bảo Ngọc có thành kiến với các bà có chồng xin xem hồi 59 (tác giả chú).
Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, bản
in năm 2002, tập 1, tr.601.
[15] Chính sách tức Kim lăng thập nhị thoa chính sách. Còn Hồng
lâu mộng khúc tử tức 14 khúc hát diễn cho Bảo Ngọc nghe khi mộng lên
cõi tiên. Cả hai tình tiết này xin xem hồi 5 (Hồng lâu mộng, bản dịch
tiếng Việt, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, các trang 83 và 87). Bản dịch
tiếng Việt không phiên âm Hán Việt tên của hai “văn bản” gọi là chính
sách và khúc tử này. Phần chính sách về
Diệu Ngọc theo bản dịch tiếng Việt:
Muốn sạch mà không sạch,
Rằng không chửa hẳn không.
Thương thay mình vàng ngọc,
Bùn lầy sa vào trong.
Rằng không chửa hẳn không.
Thương thay mình vàng ngọc,
Bùn lầy sa vào trong.
Khúc hát của Diệu Ngọc là khúc thứ bảy nhan
đề Thế nan dung (Đời không ưa):
Ngán cho cái kiếp phong trần,
Sau này cũng lại xấu dần mãi đi.
Ngọc kia bùn trát đen sì,
Vương tôn công tử còn gì là duyên.
Lưu ý: Chỉ có thể chấp nhận chú thích trên trong bối cảnh đã đọc xong Hồng Lâu Mộng. Riêng dẫn giải về nhân vật trong tiểu thuyết của tác giả bài viết thì đặt trên cơ sở chấp nhận Hồng Lâu Mộng 120 hồi, nhưng vẫn giả định câu hỏi tác giả 80 hồi đầu – Tào Tuyết Cần sẽ đưa câu chuyện về đâu nếu tự mình hoàn thành Giấc Mộng Lầu Hồng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét