Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Lan man miền Tây [kỳ 1]




Lan man miền Tây, tùy bút đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc [kỳ 1]
----------------------------
Dạ Ngân đến nay vẫn thường đùa:

- Hồi đó chú Ngọc vô cư trú chính trị ở miền Tây Nam Bộ!

(Cô khăng khăng một mực gọi tôi bằng “chú”, trong khi Nguyễn Khải già hơn hai tuổi lại được gọi “anh” ngon lành).

Tôi hỏi:

- Sao thế?

Cô cười:

- Chiến thuật phòng ngự từ xa mà, chú!

Sau vụ Đề dẫn năm 1979, đến Đại hội Nhà văn năm 1983 tôi lại được bầu ban chấp hành, nhưng không nhận công việc cụ thể gì ở Hội. Đúng là hồi đó, với tôi, sống Hà Nội buồn và ngột ngạt thế nào ấy, tôi bỏ đi vào Nam, lang thang mấy năm gần khắp miền Tây: Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Bến Tre, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc… Đi cho khuây khỏa và hình như cũng để lấy sức cho một “cuộc” mới mà tôi linh cảm chắc thế nào rồi cũng sẽ đến, khó tránh.

Bắt đầu cũng là do Nguyễn Trọng Oánh.

Lan man miền Tây [kỳ 2]

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Thái Hạo.

Lan man miền Tây, tùy bút đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc [kỳ 2]

-----
Ở Cà Mau - Minh Hải tôi có một người dẫn đường tuyệt vời - theo nghĩa đen và nghĩa bóng, Nguyễn Trọng Tín. Đi Cà Mau với Tín, thì cũng giống như đi Angkor với Vik Keo[1].

Nguyễn Trọng Tín có một cuốn sách rất hay tên là Bè trầm, bị tạp chí Tác phẩm văn học làm hỏng, năm 1984. Tôi được đọc quyển sách ấy trong bản thảo, do Tín tin mà giao cho, thích quá, liền đem khoe với anh Nguyễn Văn Bổng. Anh Bổng cũng thích lắm, vội giới thiệu với Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Nhà xuất bản đang chuẩn bị in, thì tạp chí Tác phẩm văn học do anh Nguyễn Đình Thi làm tổng biên tập vừa ra đời giành lấy để in vào số 1 của nó. Nhưng trên tạp chí, cuốn sách bị cắt đầu, cắt đuôi, cắt cả đoạn giữa, đến chẳng ra hình thù gì nữa, chỉ còn như một thân cây trong rừng bị bão lụt lớn nhổ lên, đánh cho tơi bời, rụi cành rụi lá, trôi lờ phờ trên dòng sông đục ngầu. Tạp chí đã in rồi, Nhà xuất bản Tác phẩm mới ngại in lại, cứ để dầm dề mãi đấy. Cho đến năm 1988 Nhà xuất bản Mũi Cà Mau mới in trọn vẹn. Nhưng Mũi Cà Mau thì xa tít, thị trường sách lại đang lúc hỗn loạn, Bè trầm, cái cây gỗ quý nổi trôi ấy chìm luôn đi mất!

Số phận một cuốn sách cũng như số phận một con người. Có người hưng thịnh, có kẻ nổi trôi, thậm chí chết chìm lặng lẽ trong dòng đời. Có lần tôi trách Nguyễn Đình Thi về chuyện này. Anh ấy bảo:

- Có cắt gì lắm đâu, chỉ vài ba đoạn nhỏ không đáng kể.

Tôi có cảm giác anh, tổng biên tập, anh chưa hề đọc trọn nguyên bản.

Tín có buồn, nhưng anh là dân Cà Mau, dân xứ Mũi. Đối với dân xứ Mũi, trên đời này chẳng có gì là quan trọng. Một trận say, coi như mọi sự phủi đi, xong!

Theo tôi, Bè trầm là một trong những quyển tiểu thuyết hay nhất ở ta từ sau 1975.

Lan man miền Tây [kỳ 3]


Lan man miền Tây, tùy bút đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc [kỳ 3]
-----
Tôi còn có một chuyến đi thấm thía ở Cà Mau, chắc chỉ là Cà Mau thuở ấy nay khó còn. Chuyến này Nguyễn Trọng Tín bận, tôi đi với Nghĩa, em ruột Tín, trắng trẻo, đẹp trai và cao lớn hơn anh.

Hóa ra mũi Cà Mau không phải là điểm cực Nam của đất nước, nhìn bản đồ thì rõ, bởi cái mũi ấy cuối cùng lại cong ngược lên. Điểm cực Nam là một nơi gọi là Kinh Năm, và cạnh đó, Rạch Gốc. Tôi muốn đi Rạch Gốc vì đọc tài liệu của lữ đoàn 125 biết còn xác một chiếc tàu sắt của Đường mòn trên Biển Đông nằm lại ở đấy.

Lỗ Tấn viết mặt đất vốn không có đường, người đi mà thành đường. Nhưng đi trên biển thì sao? Biển nhấn chìm, xóa sạch tất cả trong màu xanh phẳng lì, thản nhiên và bất tận của nó. May còn một xác tàu trong một rạch kín bùn lầy, tôi muốn thử đi tìm, để được nhìn. Ấy là vào đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, tôi là người hoài cổ, tôi yêu và nhớ những gì chưa bị cái gọi là hiện đại vốn kiêu căng xóa mất…

Ngày ấy đi từ thị xã Cà Mau xuống tới Rạch Gốc mất trọn hai ngày. Đi tàu đò tư nhân, không hiểu sao thường do phụ nữ lái. Xuống tàu từ mờ sáng, và tàu đò thì giống hệt chiếc xe đò trên bộ cùng thời. Lúc khởi hành khách mới lơ thơ, tàu ghé lấy khách và trả khách suốt dọc đường, người đông dần lên. Ông Lê Duẩn từng ở lại miền Nam sau 1954, hoạt động lặn lội nhiều ở vùng này có nhận xét rất đúng: ở đây chưa có làng như ở Bắc và Trung, và con người còn đi, chưa dừng lại định hình, đến đất cũng chưa định hình. Người ta còn sống thành từng nhóm nhỏ dọc các kênh rạch, mỗi nhóm chỉ năm ba nhà, đúng ra là chòi, sơ sài tạm bợ trống huơ trống huếch, các nhóm cách nhau có khi đến năm ba cây số, nhà gọi là “nhà đá”, không ở nữa thì đá một đá bỏ đi, tới chỗ khác, đất mới. Hỏi thế thì trẻ con học hành thế nào, người ta bảo xóm nào cần thì thuê thầy tới ở dạy riêng.

Lan man miền Tây [kỳ cuối]

Ảnh. Nhà văn Nguyên Ngọc (phải) tại nhà riêng ở TP Hội An.



Lan man miền Tây, tùy bút đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc [kỳ cuối]

-----
Số là đến năm 1972, lần đầu tiên hải quân Sài Gòn công khai vây đánh một tàu không số của ta trên vùng biển quốc tế, mạn từ Balaban của Indonesia, vòng qua sát ranh giới hải phận Thái Lan, định đâm về Cà Mau; chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu hy sinh, thuyền trưởng Lê Hà và tất cả thủy thủ bị bắt. Chiến thuật dùng tàu sắt cao tốc, đi vòng thật xa, lởn vởn trên vùng biển quốc tế, nơi theo luật họ không được đánh ta, đến đêm tăng tốc tối đa đâm thẳng vào các bến bí mật ở miền Nam, vứt những bó vũ khí đã được gói kỹ trong vải không thấm xuống biển, du kích sẽ lặn mò vớt sau, còn tàu thì phóng nhanh trở ra biển quốc tế, vũ khí vớt được được 50%, mất 50% coi như thắng lợi - phương thức mạo hiểm ấy và việc dùng tàu sắt bí mật vận chuyển nói chung cơ bản phải chấm dứt. Bèn chuyển sang cách khác: anh Tư Mau, vốn trong số lãnh đạo các bến bí mật miền Tây, cả bến Rạch Gốc, cải trang, tranh thủ được một nhân viên hành chính của chính quyền Sài Gòn ở Rạch Giá làm một loạt giấy tờ giả, công khai về đóng vai tư sản lớn ngay giữa Sài Gòn, lập một tập đoàn đánh cá đóng ở Vũng Tàu, ngư phủ toàn dân Đường mòn 125 nay thay hình đổi dạng, dùng tàu có hai đáy, rập rình đánh cá gần vùng nam vĩ tuyến 17, bất ngờ vượt ra Bắc, nhận vũ khí giấu dưới đáy kép mang về… Được hơn năm thì bị lộ vì có điệp chui vào hàng ngũ, tổ chức bị đánh bắt tan tành, anh Tư Mau may thoát vì lúc ấy đang ở miền Bắc. Nhưng chiến trường vẫn khát vũ khí. Chuẩn bị chiến dịch Mùa xuân 1975, Tư Mau vào bệnh viện 108, nhờ bác sĩ Nguyễn Huy Phan mổ cho biến dạng hoàn toàn khuôn mặt, mổ xong về gặp ông Lê Đức Anh, ông Anh bảo chưa ăn thua, tao vẫn nhận ra mày mà. Tư Mau lại vào 108 nhờ bác sĩ Phan mổ lần nữa, xoay hẳn mái tóc từ trước ra sau. Lần này thì không còn ai nhận ra. Anh theo đường bộ về Tây Ninh, lại vào Sài Gòn, lại xuất hiện một nhà tư sản lớn, chủ một tập đoàn đánh cá, và hàng trăm tấn vũ khí lại được đưa vào… Sau 1975 anh về làm Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang.

Kiên Giang có huyện đảo Phú Quốc, ai cũng biết, nhưng hình như không nhiều lắm những người biết tỉnh này còn có một huyện đảo nữa, gồm trên một trăm đảo lớn nhỏ, có người ở và không có người ở, gọi là huyện Kiên Hải. Đảo lớn nhất là Hòn Tre, nơi đóng huyện lỵ, một số đảo khác hoặc đông đúc hoặc lác đác có người, Hòn Nghệ, Hòn Sơn Rái, Hòn Củ Tron, Hòn Mấu, dãy đảo Nam Du, quần đảo Hải Tặc… Khi bắt đầu tổ chức Đường mòn trên Biển Đông đã từng có ý định chọn một số đảo không có người ở Kiên Hải, bí mật đưa vũ khí vào đấy, trong đất liền sẽ ra lấy dần… Tôi muốn thử đi lại con đường mò mẫm mấy chục năm trước đó. Chiều ý tôi, anh Tư Mau giao cho anh Bảy Nam, từng là thuyền trưởng tàu không số dạn dày thời chiến tranh, nay về sống ở Rạch Giá, làm nghề đánh cá, có đến hai tàu khá hiện đại, tổ chức một chuyến vừa đi cào tôm như thường lệ vừa đưa tôi đi khắp Kiên Hải theo ý muốn. Anh Tư Mau cung cấp toàn bộ xăng dầu. Vậy là tôi có một cuộc lang thang suốt mười sáu ngày đêm không chỉ trên một vùng biển chưa từng biết, mà còn khám phá ra một mảng xã hội không thể tưởng, ít ra là cho đến thời ấy. Cùng đi còn có Trần Hoàng Sơn, người Rạch Giá nhưng trong chống Mỹ lại hoạt động ở Khu 5 vì anh là họa sĩ của đoàn văn công được đưa vào chiến trường Khu 5 hồi 1967 tôi đã kể. Rồi tôi sẽ nói cùng lang thang với một anh họa sĩ ở những vùng như thế này lợi hại đến thế nào…

Tôi thích Kiên Hải hơn Phú Quốc. Ngay từ hồi đó, những năm 1980 của thế kỷ trước, đã có thể thấy xu thế ham hố chạy nhanh lên hiện đại của Phú Quốc, Kiên Hải thì vẫn còn rất hoang sơ. Ngay cả các đảo không có người ở cũng thật bất ngờ. Thỉnh thoảng tàu vừa ngoặt qua một khúc cua, mở ra một góc nhìn khác, bỗng nhác thấy trên sườn đá cheo leo của một đảo hoang một ngôi miếu đơn độc, hỏi ra mới biết thời tẩu quốc Gia Long Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ rượt đuổi đã chạy khắp hàng trăm hòn đảo lô nhô này, mang theo các bà phi, và có bà xấu số đã mãi mãi nằm lại trên một hòn đảo chơ vơ nơi đây. Mười sáu ngày không đủ để tôi có thể đi khắp được hơn trăm đảo Kiên Hải, vậy mà tôi cũng đã nhìn thấy được ba ngôi miếu như vậy. Có bao nhiêu nàng Kiều bạc mệnh của Gia Long, không có hậu và không có tên, ai biết…

Tàu chỉ cào tôm về đêm, thường bắt đầu từ sẩm tối và kết thúc vào rạng sáng, mỗi lần thả cào kéo dài từ hai đến ba tiếng, mỗi đêm chỉ hai đến ba đợt. Cào là một kiểu lưới quét sát đáy biển, chủ yếu vét tôm sống lẫn dưới bùn, nhưng cũng quét được cá đủ loại, cả những con đẻn, tức rắn biển rất độc nhưng ngâm rượu không gì quý bằng. Trên tàu bao giờ cũng có một nồi cháo to tướng sùng sục suốt đêm; mà dân biển thì khác hẳn dân đồng, dân đồng trồng nuôi được chút gì ngon nhất cúp cum dành dụm mang ra chợ bán, mình ăn những thứ còn lại hạng hai hạng ba; dân biển ngược hẳn, vốn bạt mạng, sống nay chết mai, kéo lưới lên, được con gì ngon nhứt ném liền vào nồi cháo đang sôi ùng ục và chén ngay tại chỗ, đương nhiên cùng với rượu trắng nặng tới cháy cổ chẳng bao giờ thiếu. Những thứ còn lại, trộn ướp với đá xay, tống xuống hầm tàu, chờ ngày trở về bến. Cũng có khi thất bát, đi biển chẳng được con cá nào, đói meo ra thì… lên chợ đi ăn xin…

Siêu lý của tình yêu




Siêu lý của tình yêu – Bút ký của Nguyên Ngọc


Gần đây, Bảo tàng Quân đội đã công bố bức thư của Đặng Thùy Trâm gửi người yêu và cả trang nhật ký của Khương Thế Hưng, tức M. trong nhật ký của Trâm. Tôi biết cả hai người ấy gần như là từ đầu, cuộc chiến đấu anh hùng, tình yêu đẹp, buồn của họ, và từ lâu tôi cũng suy nghĩ nhiều về câu chuyện đau đớn này.

Đúng ra thì tôi chỉ quen Hưng, anh là em Khương Thế Xương, bạn thân của tôi, con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng. Xương và tôi cùng học từ lớp đồng ấu cho đến tú tài, cùng đi bộ đội một năm. Xương hy sinh sớm, trong trận đánh đồn Tú Thủy ở Đông Gia Lai đầu năm 1953. Trong kháng chiến chống Pháp, Hưng cũng đi bộ đội chỉ sau Xương và tôi vài tháng, chiến đấu ở chiến trường cực Nam tức Ninh Bình Thuận khó khăn nhất của Liên khu 5 thời bấy giờ.
Kháng chiến chống Mỹ, Hưng lại trở về Khu 5 cùng một năm với tôi, chiến đấu ở Quảng Ngãi, cũng là một chiến trường nổi tiếng ác liệt. Sau chiến tranh, trở ra Hà Nội, chúng tôi ở cạnh nhà nhau, cách không đến mươi mét, đi đâu vắng thì thôi, khi cùng ở nhà hầu như không chiều nào không ngồi với nhau rỉ rả bao nhiêu tâm sự, chuyện quá khứ chiến tranh, chuyện nhân tình thế thái thời bình.

Vậy mà chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau về Trâm, dù Hưng hiểu rằng tôi có biết cô ấy, biết câu chuyện của hai người. Hình như không chỉ một lần Hưng đã định nói với tôi một điều gì đó, tôi đoán anh nghĩ rằng tôi có phần trách anh trong chuyện ấy, khi tôi viết thiên ký sự về Đường mòn trên Biển Đông, có nhắc đến Đặng Thùy Trâm, cô bác sĩ phụ trách bệnh xá Đức Phổ – Quảng Ngãi đã lặng lẽ cứu chữa cho các chiến sĩ tàu không số của Nguyễn Đức Thắng sau trận ác chiến của họ trên bãi biển phía Đông núi Dâu Phổ Hiệp.

Tôi đã viết rằng cô bác sĩ Hà Nội ấy đã xung phong vào Nam, về chính chiến trường Quảng Ngãi một phần vì người yêu của cô đã về trước và đang chiến đấu ở đấy, cô đi vào cuộc chiến đấu của dân tộc mà cũng là đi đến với người cô yêu bằng một mối tình nồng cháy; nhưng rồi ở chiến trường, tình yêu của hai người đã tan vỡ, không hiểu vì sao. Tôi cũng viết rằng chính Nguyễn Đức Thắng đã yêu cầu tôi có nói gì về chiến công của các anh thì nhất thiết phải nhắc đôi điều đến người bác sĩ anh hùng, ân nhân của các anh, đã hy sinh, anh vẫn mong tìm được gia đình cô ở Hà Nội để nói một lời biết ơn…
Nhà thơ Khương Hữu Dụng và con trai - Đại tá Khương Thế Hưng (bên phải)


Hưng đã đọc thiên ký sự đó, những dòng đó, đấy là lần đầu tiên tên Thùy Trâm được nhắc đến trên sách, kỷ niệm về Thùy Trâm được gợi lại. Và tôi chắc anh nghĩ tôi viết thế nghĩa là tôi có ý trách anh. Tôi thấy anh đắn đo, nhưng rồi cuối cùng anh không nói nữa. Tôi cũng im lặng. Chúng tôi ngồi im hồi lâu, rồi chuyển qua chuyện khác. Hưng là người hết sức tự trọng. Anh không muốn thanh minh.

Chúng tôi không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa… Mấy năm sau, anh mất (*). Rất đột ngột. Buổi chiều, anh còn ngồi trước hiên đùa với mấy cháu nhỏ trong xóm, tối lên một cơn đau tim, và đi ngay. Khi tôi chạy sang thì mọi động tác cấp cứu đều đã vô vọng. Gia đình và bạn bè giao cho tôi viết điếu văn. Tôi đã viết rằng nhà thơ Khương Hữu Dụng có hai người con trai, cả hai đều đã hy sinh cho đất nước.

Hưng chết không chỉ vì một cơn đau tim. Tất cả chúng tôi hồi ấy ở chiến trường đều bị phơi nhiễm không biết bao nhiêu lần chất độc hóa học, di họa nhằm vào ai, phát ra lúc nào, chẳng thể biết, tôi thì không, hay chưa, Hưng bị trước. Trong người Hưng lại còn hàng chục vết thương của hàng trăm trận đánh. Đó là một người con trai không hề bình thường. Đánh giặc giỏi, nổi tiếng và cũng nổi tiếng tài hoa.

Những năm anh chiến đấu ở Ninh Thuận, Bình Thuận là những năm vô cùng khó khăn, lực lượng ta ở đấy yếu, vật lộn với địch tương quan một chọi với một trăm; lại đói, mà đói thì ốm, sốt rét, phù thũng. Đấy cũng là vùng hết sức khô cằn. Ở chiến khu, mỗi người lính mỗi ngày chỉ được phát một ca nước, cả một vùng khô cháy mênh mông chỉ có một vũng lầy, ta và địch từng ngày đánh nhau đẫm máu để vét lấy từng xô nước đục ngầu bùn đất ở đó, người ta bảo nơi này máu còn nhiều hơn nước.

Hưng đã sống suốt cuộc chiến tranh trên một chiến trường như vậy. Và thật lạ, thật tài, chính trong những năm đó, gắn bó với người Chăm bản địa, anh đã sưu tầm, cải biên và sáng tác điệu nhạc và điệu múa Chàm Rông, về sau từng được giải thưởng quốc tế. Những tác phẩm ấy ký tên Nguyên Mộc, M. của Thùy Trâm sau này chính là từ đó. Khi bản nhạc và điệu múa Chàm Rông nổi tiếng, có một người tự xưng là nhạc sĩ đã mạo nhận mình là tác giả.

Lúc ấy Hưng đang ở chiến trường miền Nam. Hết chiến tranh, biết chuyện, anh chỉ cười. Cụ Khương Hữu Dụng là một nhà nho thâm thúy. Hai người con trai của cụ, tôi biết đều phảng phất đôi chút cái khí chất nhà nho ấy, họ biết sâu sắc cái phù du của danh vọng…

Đấy cũng là một cán bộ rất khác thường trong chống Mỹ. Hưng làm trưởng đoàn văn công của tỉnh Quảng Ngãi vì anh có sáng tác nhạc, múa, làm thơ. Và văn công ở chiến trường ấy thì chẳng khác mấy chiến sĩ đánh giặc, không phải là cán bộ quân sự từng trải nhất thiết không thể phụ trách, bảo đảm cho đoàn tồn tại, hoạt động có hiệu quả và không bị tiêu diệt.

Rồi từ văn công, anh chuyển sang làm chính trị viên tiểu đoàn đặc công, loại binh chủng tinh nhuệ nhất, dũng cảm nhất của quân đội ta, chuyên đảm nhiệm những mũi mạo hiểm và ác liệt nhất trong các trận đánh. Tôi không sợ quá lời khi nói điều này: Đấy là một người lính anh hùng. Và lại là một người anh hùng rất nghệ sĩ. Quả thật sẽ rất lạ nếu một cô gái như Thùy Trâm không yêu người con trai đó khi họ đã biết nhau. Mà số phận thì đã được sắp xếp để họ gặp và gần nhau từ tuổi mới lớn: Hai gia đình có họ hàng xa…

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

Giờ Thứ 25 - Thái Kế Toại giới thiệu


 CUỐN SÁCH ĐI TÌM 33 NĂM

THÁI KẾ TOẠI

Tôi vào ngành anh ninh văn hóa đã phải nhập tâm ngay những cái tên gọi là tác phẩm văn học phản động nhất chống chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Xếp hàng đầu là tiểu thuyết Giờ thứ 25. Không chỉ ở miền Bắc Việt Nam mà tất cả các nước xã hội chủ nghĩa được cơ quan an ninh Liên Xô quán triệt như thế. Sau này khi internet phát triển tôi có đọc các cuốn sách này trên mạng nhưng chưa hề biết mặt chúng như là một cuốn sách. Tôi được biết tại miền Nam Giờ thứ 25 đã được dịch và xuất bản, đã đi tìm nhưng không thấy, có lẽ nó hầu hết đã bị thiêu hủy trong các chiến dịch truy quét sau 30-4-1975.

Từ sau đổi mới trong danh sách gọi là phản động bậc nhất đó nhiều cuốn đã xuất hiện bản tiếng Việt trong đời sống xã hội Việt Nam: Trại súc vật, Bác sỹ Jivago, 1984, Vòng tròn ma thuật, Ngày của binh nhất Ivan…

Riêng Giờ thứ 25 thì chưa có.

May mắn một người bạn sưu tầm sách trên FB là Nguyễn Đỗ Bôn đã biết tôi đang tìm cuốn sách, đã đi tìm và có được một bản sách tặng tôi. Trưa nay cầm Giờ thứ 25 cảm xúc của tôi thật khó tả. Đúng là niềm mong mỏi 33 năm đã thành sự thực. Bôn ở Sài Gòn mà cuốn sách đươch gửi từ một người tên Trịnh Hùng Cường ở 146 Ngô Gia Tự Thành phố Bắc Ninh. Bản sách đã có tuổi đời hàng nửa thế kỷ, nhàu nhĩ, bị đóng gáy lại theo kiểu sách của các hiệu cho thuê sách, bị gỡ mất trang mang tên người dịch, nhà xuất bản, năm xuất bản. Với mẫn cảm nghề nghiệp tôi hiểu rằng bản sách đã chui lủi, trốn chạy từ miền Nam ra tới Bắc Ninh dưới sự kiểm soát, dòm ngó của bao người. Sự tồn tại của nó nói lên rất nhiều điều, trong đó có sự bất tử của văn hóa.
Tôi đã có cuốn sách lịch sử.

Constantin Virgil Gheorghiu sinh ngày 15 tháng 9 năm 1916 tại Războieni, Romania – mất ngày 22 tháng 6 năm 1992 tại Paris, Pháp) là một nhà văn Romania, được biết đến nhiều nhất với tiểu thuyết năm 1949, Giờ thứ 25, đầu tiên do Plon xuất bản tại Pháp.

Constantin Virgil Gheorghiu sinh ra ở Valea Albă, một ngôi làng ở xã Războieni, hạt Neamț, ở Romania. Cha của ông là một linh mục Chính thống giáo ở Petricani. Là một học sinh xuất sắc ông theo học trường trung học ở Kishinev sau đó học triết học và thần học tại Đại học Bucharest và tại Đại học Heidelberg.

Ông đã đi du lịch và ở lại Ả Rập Saudi để học ngôn ngữ Ả Rập và văn hóa Ả Rập, trước khi viết tiểu sử về nhà tiên tri Muhammad. Cuốn sách được dịch từ tiếng Rumani sang tiếng Pháp và tiếng Ba Tư ở Iran và tiếng Urdu ở Pakistan; thật không may, cuốn sách này không bao giờ được dịch sang tiếng Anh. Bản dịch tiếng Hindi của nó đã được in ở Ấn Độ và dự kiến sẽ có vào tháng 1 năm 2020, với tiêu đề tiếng Hindi là "Một nhà tiên tri mà bạn không biết".

Từ năm 1942 đến năm 1943, dưới chế độ của Tướng Ion Antonescu, Gheorghiu phục vụ trong Bộ Ngoại giao Romania với tư cách là thư ký đại sứ quán. Ông sống lưu vong khi quân đội Liên Xô tiến vào Romania vào tháng 8 năm 1944. Bị quân Mỹ bắt giữ vào cuối Thế chiến II, cuối cùng ông định cư ở Pháp vào năm 1948. Một năm sau, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết Ora 25 (tiếng Pháp: La vingt- cinquième heure; tiếng Anh: The Twenty-Fifth Hour), được viết trong thời gian bị giam cầm. Nhằm lúc đồng mark mất giá, không thể sống ở Đức, vợ chồng ông đi bộ sang Pháp, đem quyển này dịch ra Pháp-văn và cho xuất bản ở Paris (1949).

Gheorghiu được phong chức linh mục của Nhà thờ Chính thống Romania ở Paris vào ngày 23 tháng 5 năm 1963. Năm 1966, Đức Thượng phụ Justinian đã trao tặng ông thánh giá của Tòa Thượng phụ Romania cho các hoạt động phụng vụ và văn học của ông.
Ông được chôn cất tại Nghĩa trang Passy , ở Paris.

Giờ Thứ 25
Cuốn sách nổi tiếng nhất của Gheorghiu miêu tả hoàn cảnh của một nông dân ngây thơ người Romania, Johann Moritz, dưới sự chiếm đóng của Đức, Liên Xô và Mỹ ở Trung Âu. Johann bị đưa đến trại lao động bởi một đội trưởng cảnh sát, người luôn thèm muốn vợ mình, Suzanna. Lúc đầu, anh ta được gắn thẻ là "Jacob Moritz", một người Do Thái. Sau đó, anh ta và các tù nhân Do Thái trốn thoát đến Hungary, nơi anh ta bị thực tập với tư cách là công dân của một quốc gia kẻ thù. Chính phủ Hungary gửi những cư dân nước ngoài của mình với tư cách là những người Hungary "lao động tình nguyện cho Đức Quốc xã". Sau đó, "Moritz Ianos" được "giải cứu" bởi một sĩ quan Đức Quốc xã, người xác định anh ta là một mẫu vật Aryan hoàn hảo, và buộc anh ta phục vụ trong Waffen SS như một hình mẫu cho tuyên truyền của Đức. Bị bỏ tù sau chiến tranh, anh ta bị đánh đập dã man bởi những kẻ bắt giữ người Nga của mình, sau đó bị quân Đồng minh đưa ra xét xử vì công việc của anh ta cho Đức Quốc xã. Trong khi đó, Traian, con trai của linh mục Koruga, người đã thuê Moritz ở làng Romania của họ, là một tiểu thuyết gia và nhà ngoại giao nhỏ nổi tiếng, người có kỳ thực tập đầu tiên khi anh ta bị người Nam Tư bắt. Sau khi bị giam cầm, hai anh hùng bắt đầu một cuộc phiêu lưu tra tấn và tuyệt vọng. Traian Koruga vô cùng bất an vì thứ mà ông coi là chủ nghĩa máy móc và vô nhân đạo của "xã hội kỹ thuật phương Tây", nơi các cá nhân bị coi như thành viên của một chủng loại. Trong khi đó, Koruga đang viết một cuốn sách, "Giờ thứ 25", về Johann Moritz và thử thách đang chờ đợi nhân loại. Cuối cùng, Traian tự kết liễu đời mình trong một trại tập trung Mỹ-Ba Lan, trong khi Johann bị người Mỹ buộc phải lựa chọn giữa nhập ngũ ngay khi Thế chiến III sắp bắt đầu, hoặc bị giam trong trại (cũng như gia đình của anh ấy), với tư cách là một công dân đến từ một đất nước kẻ thù.
Giờ Thứ Hai Mươi lăm là cuốn sách bán chạy nhất Âu châu sau Thế chiến thứ hai, ngay vài tuần lễ đầu đã bán được hơn nửa triệu cuốn, đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới. Truyện cũng đã một thời làm say mê cả một lớp thế hệ Sài Gòn năm xưa thập niên 50, 60, độc giả miền Nam xa xưa đã thấy trong tác phẩm không khí của thời binh đao khói lửa và thân phận bi thảm của con người thời chiến, nó rất gần với hoàn cảnh đất nước ta thời ấy. Cuốn sách đã khiến cho người Tây phương vô cùng xúc động hãi hùng về những tội ác rùng rợn của quân Nga gây ra khi họ tràn sang xâm chiếm Đông Âu.
Năm 1967 Giờ Thứ Hai Mươi Lăm đã được quay thành phim, nhà sản xuất Ý Carlo Ponti và đạo diễn Pháp Henri Verneuil thực hiện, hãng MGM phát hành. Tài tử nổi tiếng Mỹ gốc Mễ Anthony Quinn đóng vai Moritz, Virna Lisi vai Suzanna, Liam Redmond vai mục sư Koruga, Serge Reggiani vai Traian. Nhạc hay cảnh đẹp, mầu sắc lộng lẫy.
Giờ Thứ Hai Mươi Lăm là cuốn tiểu thuyết luận đề thể hiện niềm sợ hãi sự diệt vong của loài người, hậu quả do xã hội kỹ thuật máy móc mang lại. Một xã hội máy móc, tôn sùng kỹ thuật có nguy cơ tận diệt nhân loại. Moritz, Traian, Koruga.. những nạn nhân của xã hội máy móc, những con người vô tội nhưng đã phải cam chịu nhiều oan khiên đầy đọa vô cớ, nhất là Moritz, người thể hiện thân phận bi đát nhất của thời đại máy móc mà giá trị con người đã xuống thấp đến chỗ không còn gì cả. Một nông dân chất phác, hiền lành như anh, con người hoàn toàn vô tội bị kẻ gian hãm hại, đi đào kênh. Moritz bị ghi nhầm là Do thái trong danh sách đưa tới gia đình tan nát, trốn sang Hung bị công an tra tấn dã man vì tình nghi làm gián điệp, bị bán cho phát xít Đức, được chúng cho vào lính, coi tù rồi cứu được năm người tù binh Pháp nhưng vẫn bị Mỹ giam cầm hết trại tù này sang trại tù khác. Khi chiến tranh chấm dứt, anh chỉ thấy toàn là trại giam, những hàng rào kẽm gai…

Hậu quả của văn minh máy móc là sự tiêu diệt xã hội loài người, đó là ngày tận thế, Giờ thứ hai mươi lăm. Nhân vật Traian trong truyện, người viết cuốn Giờ Thứ Hai Mươi Lăm, cho biết đó là giờ mà mọi cấp cứu đều vô vọng, dù Chúa Cứu thế ra đời cũng không không thể cứu vãn được, đó không phải là giờ chót mà giờ kế sau giờ cuối cùng. Giờ của xã hội, văn minh Tây phương.

Đối với Xã hội kỹ-thuật-hóa, đây là một mặt thật của Kiếp người, sống trong thời buổi giá trị con người bị tiết-giảm xuống con số không: nhân vị, cá nhân, tình cảm hầu như không còn nữa.

Máy móc. Tất cả đều sử dụng theo máy móc, đều hành động một cách máy móc, nên con người cũng bỏ lần nhân cách để theo kịp đà tiến-hóa kỹ-thuật rồi trở thành nô lệ cho kỹ-thuật và lôi cuốn đồng loại mình vào trận cuồng phong, vào vực thẳm.

Có còn chăng chút hy vọng lập lại xã hội loài người, như lời mục sư Kogura, trong truyện:

"Sau rốt, Chúa lại đến phải xót-thương con người, như Chúa đã "từng thương-hại nhiều lần. Và, giống chiếc thuyền của ông Noé trên "lượn sóng trận đại-hồng-thủy, vài người thật là người, còn giữ được "chân tính, sẽ nổi trôi trên trận vận xoáy nhiễu loạn của đại nạn tai-"ương tập thể này. Và chính nhờ mấy người ấy mà loài người sẽ được "bảo tồn cứu vãn, như đã trải qua bao lần trong lịch sử".

Đây là một trong những tác-phẩm bi-đát nhứt của thời đại. Gabriel Marcel, trong bài tựa, đã viết: "Tôi tưởng không còn tìm ra một tác-phẩm nào ý-nghĩa hơn, phác họa rõ-ràng hơn tình-trạng hãi-hùng mà nhân-loại đang bị chìm-đắm".

CƠN ÁC MỘNG SÔ VIẾT

Một khía cạnh bi đát thứ hai của thân phận con người thời chiến tranh máy móc được Gheorghiu diễn tả một cách chân thực nhất, nó đã khiến cho thế giới Tây phương thời hậu chiến vô cùng sững sờ kinh ngạc trước sự tàn bạo dã man của Hồng quân Sô viết khi họ tràn qua làm cỏ Đông Âu.

Ngày 23-8-1944 khi chiến xa và bộ binh Nga vượt biên giới chiếm Romania, dân làng Fantana hốt hoảng ghê sợ bọn ngọai xâm vô cùng tàn ác, nhiều người trốn vào rừng kháng chiến không để giặc bắt. Quân Nga thả tù và dùng bọn tay sai thân Cộng Sản lập tòa án nhân dân xử tử hình mục sư Koruga, trưởng đồn an ninh, và tám người nhà giầu…. Tiếp theo sau chân quân Nga là những chuyện kinh hoàng: đàn bà bị hãm hiếp, đàn ông bị đánh dập ngoài đường phố, ngoài chợ … cướp bóc bắn giết ngay giữa ban ngày y như quân Hung Nô Mông cổ từ châu Á tràn sang làm cỏ châu Âu từ những thế kỷ xa xưa.

Cộng quân đi tới đâu người dân chạy như vị đến đấy, họ đều chạy trối chết để sang phía Mỹ, phía Anh hay Pháp. Họ không nghĩ đi đường nào mà chỉ nhắm mắt chạy trốn Hồng quân, trốn sự tàn bạo dã man, trốn cảnh khủng bố giết chóc tra tấn của chúng. Họ nhắm hướng nào không có quân Nga và nhắm mắt chạy về hướng ấy không bao giờ quay gót trở lại vì phía sau lưng họ chỉ toàn là cảnh tối đen như mực và đẫm máu, sau lưng họ là chém giết, họ ôm chầm lấy vùng đất không còn bóng dáng quân Nga. Những người tỵ nạn không cần biết đó là nơi nào miễn là chạy thoát khỏi tay bọn sát nhân Sô viết.

Người ta thường nói một bức hình bằng nghìn lời nói, nhưng với bút pháp điêu luyện tuyệt vời của Gheorghiu một bức thư đã trị giá bằng một vạn, một trăm nghìn lời nói như trong vài trang giấy của Suzanna gửi cho chồng Moritz khi anh sắp được trả tự do.

….Suzanna nói chắc anh tưởng em đã chết, đã chín năm trôi qua chúng ta không có tin tức nhau nay nhờ Hội Hồng thập tự em bèn gửi thư cho anh, lòng em bao giờ cũng nghĩ anh vẫn còn sống, em xin cầu nguyện Đấng thiêng liêng che chở phù hộ cho anh vì anh chưa làm gì nên tội.

Nàng nói trong chín năm qua biết bao chuyện đã xẩy ra, hiện nay em ở nước Đức, hôm anh bị bắt đi em vẫn nghĩ anh sẽ được trở về vì thế đêm nào, ngày nào em cũng mong thấy anh trở về. Ít ngày sau người trưởng đồn cảnh binh cho biết anh là Do thái, hắn sẽ tịch thu nhà cửa, em phải ký giấy ly dị để giữ nhà nhưng em vẫn chờ anh như trước.

Nàng kể tiếp, khi quân Nga đến chúng bắn mục sư Koruga và mấy người khác, em và mẹ anh đã lôi mục sư ra đường, ngài chưa chết, em và mẹ đã giao cho đoàn xe nhà binh Đức chở ngài đi. Hôm sau mẹ bị bọn tay sai Nga bắn chết vì cứu mục sư, em phải dẫn con trốn khỏi làng sợ chúng giết, em chạy xa đến tận nước Đức. Quân Nga bắt được em, chúng cho các con bánh mì, kẹo và quần áo, bốn ngày sau em bị bệnh thì một bọn lính Nga tông cửa vào nhà tìm đàn bà con gái, chúng bắt em và cô con ông chủ nhà mới mười bốn tuổi, chúng bắt tụi em uống rượu và cưỡng hiếp chúng em cho đến sáng.

… em kể lại cho anh nghe chuyện ấy vì em không muốn dấu anh điều gì, em ngất xỉu khi tỉnh dậy thì các con khóc như ri, đêm sau bọn lính trở lại hãm hiếp chúng em. Hôm sau em trốn xuống hầm nhưng chúng cũng tìm được và lại làm chuyện tồi bại như mọi khi, hai tuần liên tiếp dù trốn ngoài vườn, bên những nhà lân cận chúng cũng đều tìm được em và cưỡng hiếp em trước mắt các con. Em định tự tử cho xong nhưng nghĩ tới các con, nếu em chết chúng sẽ bơ vơ xứ lạ nên bỏ ý định quyên sinh nhưng khi ấy em tự coi như đã chết rồi.

Suzanna kể tiếp … em phải lánh xa quân Nga, chạy trốn về vùng chiếm đóng của quân Anh hay Mỹ nhưng dọc đường quân Nga bắt được em nhiều lần, hãm hiếp em trước mắt trẻ con, đàn bà con gái nào bị chúng bắt được đều chịu chung số phận. Trước khi vào được vùng do Anh kiểm soát bọn Nga giữ em lại ba ngày và hãm hiếp em ngày đêm, lần chót này em có thai với chúng nay đã năm tháng ..

…. mình có thể tha thứ cho em được không, mình còn nhìn nhận em là vợ nữa hay không? em khóc ròng khi viết thư này và chờ tin anh…

Chuyện lính Nga hãm hiếp đàn bà dã man tại các nước Đông Âu nay cũng chẳng xa lạ gì, sáu năm trước đây, phim ảnh, sách báo đã tố cáo năm 1945 có tới hai triệu phụ nữ Đức bị quân Nga hãm hiếp nhưng bức thư của Suzanna vẫn gây xúc động hơn bao giờ hết, sau thế chiến nó đã khiến Tây phương vô cùng kinh ngạc, người ta không thể ngờ quân Nga mọi rợ dã man đến thế.

Gheorghiu thể hiện nỗi ám ảnh sâu xa của người Đông Âu với chế độ độc tài Sô viết cũng như niềm cay đắng oán hận Hoa kỳ, Tây phương đã bán đứng Đông Âu cho quỉ đỏ để họ phải làm thân nô lệ cho Cộng Sản một nửa thế kỷ qua.

Đó chính là lí do Giờ thứ 25 không được ra mắt ở Romania dưới chính thể cộng sản. Mãi đến năm 1991 nó mới được in ra ở Bucharest. Không những thế nó bị cấm xuất bản ở tất cả những nước xã hội chủ nghĩa.

Nghệ thuật của Gheorghiu cho tới nay vẫn còn mới lạ, những hình ảnh biểu tượng của ông đã diễn tả một cách hiện thực nhất, bi đát nhất tình trạng hãi hùng bên bờ vực thẳm mà loài người đang vươn tới. Giờ Thứ Hai Mươi Lăm nay đã thành một từ quen thuộc, được nghe nhắc đến rất nhiều, người ta thường hiểu đó là những giờ phút cuối cùng nhưng theo ý nghĩa của luận đề trong tác phẩm nó là giờ sau giờ chót, giờ tận thế mà con người đang tiến đến.

Thấm thoắt đã nửa thế kỷ trôi qua, Giờ Thứ Hai Mươi Lăm vẫn là một trong những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất, hàng trăm năm mới có tác phẩm hay như vậy.

Lược thuật 7-2022

MỤC LỤC








GIỜ THỨ 25: LỜI GIỚI THIỆU, CHƯƠNG THỨ NHỨT

 




Constantin Virgil Gheorghiu

Giờ Thứ 25

GIÓ BỐN PHƯƠNG xuất bản 1967


Hay là Uất - Hận … Trần Gian


Bản Việt Văn Của Lê Ngọc Trụ Và Võ Thị Hay

Theo Bản Dịch La Vingt - Cinquième Heure Của Monique Saint - Côme

Nxb Gió Bốn Phương, Saigon 1967


THAY LỜI TỰA

Đối với Xã hội kỹ-thuật-hóa, đây là một mặt thật của Kiếp người, sống trong thời buổi giá trị con người bị tiết-giảm xuống con số không: nhân vị, cá nhân, tình cảm hầu như không còn nữa.

Máy móc. Tất cả đều sử dụng theo máy móc, đều hành động một cách máy móc, nên con người cũng bỏ lần nhân cách để theo kịp đà tiến-hóa kỹ-thuật rồi trở thành nô lệ cho kỹ-thuật và lôi cuốn đồng loại mình vào trận cuồng phong, vào vực thẳm.

Có còn chăng chút hy vọng lập lại xã hội loài người, như lời mục sư Kogura, trong truyện:

"Sau rốt, Chúa lại đến phải xót-thương con người, như Chúa đã "từng thương-hại nhiều lần. Và, giống chiếc thuyền của ông Noé trên "lượn sóng trận đại-hồng-thủy, vài người thật là người, còn giữ được "chân tính, sẽ nổi trôi trên trận vận xoáy nhiễu loạn của đại nạn tai-"ương tập thể này. Và chính nhờ mấy người ấy mà loài người sẽ được "bảo tồn cứu vãn, như đã trải qua bao lần trong lịch sử".

Lời dịch giả



TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Thi sĩ kiêm văn sĩ Constantin Virgil Gheorghiu sanh ngày 15-9-1916 tại Razboeni-Neamtz xứ Roumanie, con của một vị linh mục ở Moldavie.

Học triết-lý và thần-học tại Đại-học-đường Bucarest và Heidelberg (Đức).

Ông sáng tác nhiều quyển sách mà thi-phẩm Calligraphie sue la neige được giải-thưởng Hoàng-gia về thi-ca (Prix Royal de Poésie) năm 1940, ở Roumanie.

Ông cưới vợ là nữ sĩ, năm ngày trước trận Thế-chiến thứ Hai. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thi-sĩ công phẫn và xúc động khi bọn thân phát-xít ám sát thủ-tướng dân-chủ Armand Calinesco, nên viết quyển thi binh-vực tự do, chống phát-xít, lấy tên là Armand Calinesco (1939). Hậu quả của thi-phẩm này là ông suýt bị bọn "cơ-quan sắt" thủ tiêu.

Và cũng với lòng công phẫn mà ông viết quyển "Bờ sông Dniestr bừng lửa", xuất bản ở Bucarest, chống bọn chống phát-xít đã tàn sát một phần ba dân số miền Bessarabie, quê hương ông. Tác-phẩm này về sau, đã làm dư luận Pháp chống lại ông. Nhưng theo ông, "đứng trước những tàn phá giết chóc dã man, bất cứ từ đâu đến, thi-sĩ không thể không công phẫn".

Năm 1943, hai vợ chồng phụ trách về liên lạc văn hóa tại bộ ngoại giao Roumani ở Zaghreb. Được một năm, nước Roumanie theo phe Nga. Quân Đức bắt vợ chồng ông giam trong một trại giam các nhà ngoại giao tại Đức. Kế Đức-quốc-xã thua, vợ chồng ông bị quân Mỹ giam mỗi người một nơi, mãi hai năm sau (1947), mới được thả ra và gặp nhau ở Heidelberg (Đức).

Trong thời gian bị giam cầm, ông viết quyển "Giờ thứ hai mươi lăm". Nhằm lúc đồng mark mất giá, không thể sống ở Đức, vợ chồng ông đi bộ sang Pháp, đem quyển này dịch ra Pháp-văn và cho xuất bản ở Paris (1949).

Đây là một trong những tác-phẩm bi-đát nhứt của thời đại. Gabriel Marcel, trong bài tựa, đã viết: "Tôi tưởng không còn tìm ra một tác-phẩm nào ý-nghĩa hơn, phác họa rõ-ràng hơn tình-trạng hãi-hùng mà nhân-loại đang bị chìm-đắm".

Tác-giả quyển sách bán chạy nhất- bán 600.000 quyển trong vài tuần lễ, riêng tại Pháp đến 300.000 quyển- lại bị dư luận Pháp chống đối (1950), khi biết ông là tác-giả quyển Bờ sông Dniestr bừng lửa, nghĩa là ông binh-vực phát-xít.

Trong một bài tự thuật, Virgil viết: "...Dấu ô nhục chống phát-xít đốt cháy da thịt "ta ở Bucarest, và dấu ô nhục phát-xít bị đóng ở Paris chỉ là duyên-cớ giản-dị để quần "chúng bóp chết ta...

"Phải chăng người ta chỉ được lên án những sự độc ác dã man của một bên...

"Không, nhà thơ ấy chỉ lấy vĩnh-cửu làm khuôn vàng thước ngọc..."

Thi sĩ đã đi tu.

Lễ thăng thiên, ngày 23-5-1963, ông được Đức giám mục từ Nữu-ước đến làm lễ thụ phong linh-mục giáo-hội Chính-thống tại nhà thờ Lô-ma-ni ở Ba-lê.



Làng Fântâna

- Em không thể tin rằng anh đi được!

Suzanna vừa nói vừa ôm siết Iohann Moritz vào mình. Nàng để tay lên đầu anh và vuốt nhẹ mớ tóc đen. Moritz lùi một bước, nói:

- "Tại sao em không tin? Ngày mốt, sáng sớm thì anh đi". Chàng trả lời, giọng cứng cỏi. Nàng đáp nhỏ:

- Em biết rồi.

Họ đứng gần một hàng rào. Trời mát lạnh vì đã quá nửa đêm. Moritz cầm tay Suzanna, rồi bỏ xuống, nói:

- Bây giờ, thôi, chào em!

- Ở nán thêm chút nữa, anh.

- "Sao em cứ muốn anh ở nán thêm?". Giọng chàng quả quyết hơn: "Đã khuya quá rồi. Mai anh còn phải đi làm sớm".

Nàng không trả lời, nép sát mình vào Moritz. Mở hở áo anh ra, nàng đặt gò má vào ngực anh và ngó lên trời, nói:

- Sao đẹp quá!

Moritz chờ một chuyện quan hệ hơn. Anh tưởng nàng biểu ở nán lại để nói chuyện ấy, thế mà nàng lại nói chuyện sao trên trời. Anh xê ra, muốn rời nàng, nhưng nhớ lại mình phải ra đi, và phải vắng mặt ít lắm là ba năm, nên anh bèn nhìn sao để nàng vui lòng. Suzanna hỏi:

- Phải chăng mỗi người đều có một vì sao bổn mạng, và khi họ chết thì sao rụng không anh?

- "Anh chẳng biết gì cả!". Và chàng nhứt định đi về, nên nói: - Thôi chào em!

Nàng cố hỏi thêm:

- Phải chăng chúng ta cũng có ngôi sao của chúng ta trên ấy không anh?

- Cũng như mọi người. Ở trên ấy, hay ở trong ta.

Moritz nâng đầu Suzanna ra khỏi ngực. Anh bước đi. Nàng cầm tay anh đưa đến đầu đường. Nàng nhìn sao, ngó Moritz rồi nói:

- Em chờ anh tối mai.

- Nếu trời không mưa!

Suzanna muốn đi theo anh và van anh phải đến, dẫu trời mưa. Nhưng Moritz đi quá mau, đã khỏi khúc quanh đường, khuất sau miếng vườn. Nàng đứng yên lặng, vuốt áo, phủi mấy cành nhỏ dính ở hông. Trước khi vô sân, nàng nhìn lại đám cỏ nhàu nát, dưới cây gồi lúc nãy hai người đã nằm kề. Mũi nàng còn giữ hơi của Moritz, một thứ hơi lẫn các mùi cỏ nát, thuốc lá và hột trái anh đào.

Moritz băng đồng về nhà, vừa đi vừa huýt sáo. Anh mặc quần lính đen, áo sơ-mình trắng cổ hở, đi chân không. Đã mấy lần, anh ngưng huýt sáo và ngáp dài. Đoạn nhớ lại người đàn bà anh vừa chia tay, nghĩ đến Suzanna, anh muốn mỉm cười: "Hừ! Chuyện ngôi sao... Đàn bà thật trẻ con. Họ hỏi toàn những chuyện vô ích!". Rồi nhớ tới cuộc hành trình anh định đi trong hai ngày nữa. Anh nghĩ tới nước Mỹ. Thét rồi không thèm nghĩ ngợi chi hết. Anh lại huýt sáo. Buồn ngủ quá! Phải mình được ở nhà liền bây giờ để ngủ. Mai còn phải dậy thật sớm, ngày làm công chót mà! Kìa trời đã hừng đông. Còn vài giờ nữa là sáng. Nghĩ đến đó, Moritz rảo bước thật mau.

Vừa hừng sáng, Moritz ghé lại máy nước trong làng, mở rộng áo sơ-mi ra, đưa tay bụm nước rửa mặt, rửa cổ. Anh vừa đi ra giữa lộ vừa vuốt tóc cho tay khô, sửa lại bâu áo chớ không gài nút. Anh nhìn cảnh làng, sương mù màu sữa đục tan lần. Đó là làng Fântâna xứ Roumanie. Moritz sanh trưởng nơi đây được 25 năm rồi. Và hiện giờ, trong lúc anh ngắm quê nhà chỉ có những nóc gia bé nhỏ với ba gác chuông của ba nhà thờ: Chính thống giáo, Thiên Chúa giáo và Cơ đốc giáo, anh lại nhớ đến câu nói của Suzanna hôm qua: "E rằng anh phải tiều tụy vì không sống ở đây nữa!". Anh đã cười, cho là câu nói đùa và trả lời rằng, anh đã thành nhơn, chỉ có đàn bà mới tiều tụy thôi. Nhưng bây giờ anh cảm thấy một cái gì luyến tiếc xâm chiếm anh. Anh vội huýt sáo, ngoảnh mặt đi.

°

GIỜ THỨ 25: CHƯƠNG THỨ HAI

 


GIỜ THỨ 25 Constantin Virgil Gheorghiu

CHƯƠNG THỨ HAI

Moritz qua xứ Hongrie được hai giờ. Ba người Do-thái và anh chờ xe trước một sân ga. Họ sợ không dám vô phòng khách của nhà ga. Xe lửa tới.

Bác sĩ Abramovici, Strul và Hurtig leo lên một toa hạng nhì. Moritz đứng dưới trao đồ cho họ, qua cửa sổ xe. Đến phút chót, anh nhảy lên bàn đạp. Hurtig nắm tay anh, kéo vô trong và đóng cửa lại. Mặt Moritz tái xanh. Anh sợ, khi nghĩ đến phải bị bỏ ở lại sân ga. Rồi anh sẽ làm sao một mình, không có bác sĩ và hai người kia. Anh thầm cám ơn Chúa được leo lên xe kịp.

Bác sĩ và Hurtig kiếm được chỗ ngồi liền. Strul và Moritz dòm khắp các toa xe. Đèn tắt, hành khách ngủ hết, không còn một chỗ trống nào. Hai người bèn ngồi lên va-li, để chỗ đường đi trong toa xe. Một lát có người đàn bà xuống xe. Strul liền ngồi vào chỗ trống trong buồng xe, chỉ còn Moritz ở ngoài. Bác sĩ mở cửa buồng xe kêu anh dặn: "Đừng ngủ quên, họ ăn cắp đồ nghe!".

Moritz đáp:

- "Tôi không ngủ đâu!". Nhưng bác sĩ vừa đóng cửa thì Moritz ngủ liền. Anh buồn ngủ quá, nên nhắm mắt ngủ mê mệt, đến Budapest mới thức giấc.

Khi xuống xe, trời sáng trắng. Moritz khát nước quá, nhưng Hurtig không cho anh vô quán giải khát, sợ lính tuần thành gặp và biết anh vượt biên giới, thì cả bốn người sẽ bị bắt luôn.

Bác sĩ nói: "Để rồi chị tôi sẽ cho anh một ly to, đầy nước!".

Họ đi ra xa. Khỏi ga, họ đứng lại một lúc, trước dãy xe cộ. Hurtig nói:

- Cẩn thận hơn hết là ta nên đi bộ. Người lái xe có thể nhìn ra chúng ta và tố cáo. Đừng khờ dại đến đỗi bị bắt khi tới được Budapest!

Họ liền đi bộ. Moritz vác va-li trên vai và xách ở tay. Đồ rất nặng, nhưng anh đi dễ dàng hơn đêm trước, lúc vượt qua biên giới. Anh nghĩ thầm: "Chắc đồ này ít nặng hơn là bởi mình đi trên con đường nhựa", và anh ấn mạnh bàn chân trên đường nhựa lạnh, vì anh không mang giày. Xe điện chưa chạy, vì còn sớm. Moritz ngó mấy đèn đường tự nhiên tắt bèn hỏi Hurtig, ai tắt đèn. Hurtig nổi giận, rầy:

- Đồ con lừa! Đừng nói tiếng Roumain nữa! Ai mà nghe được thì ngồi tù cả lũ.

- Vậy cấm tôi nói tiếng Roumain sao?

- Không cấm, nhưng người Roumain ở xứ này đều bị đày đi trại giam hết. Xứ Hongrie nghịch với xứ Roumanie, anh biết chưa?

- Vậy phải nói bằng tiếng gì bây giờ?

Bác sĩ xen vô đáp:

- Nói bằng tiếng Do-thái. Ở Hongrie, dân Do-thái không bị bắt như ở Roumanie. Tới bây giờ thì chưa thấy có luật bài Do-thái.

Moritz không dám nói tiếng Roumain, nhưng anh cũng không nói tiếng Do-thái. Anh mệt lử rồi.

Tới nhà bà chị của bác sĩ, ở đường Petofi, thì Moritz mệt luỗi, lảo đảo sắp ngã vì mấy va-li quá nặng. Anh để nó xuống trước cửa. Một chị ở phụ xách lên lầu. Moritz đi theo chị vô bếp. Chị này mặc áo xanh, màu áo làm cho Moritz nhớ lại có thấy đâu đây. Thì ra anh nhớ lại Suzanna lúc trước cũng mặc cái áo giống màu này.

Chị bác sĩ Abramovici, người mập mạp, mặc một cái áo ngủ bông to màu đỏ. Bà nói chuyện huyên thiên và lẹ lắm. Bà cho gọi Moritz lên phòng có bác sĩ, Hurtig, Strul và Nagy, anh rể của bác sĩ, để uống nước suối. Moritz đứng uống, vì không đủ ghế cho mọi người ngồi. Chị bác sĩ đem một bình trà để giữa bàn, và ngó Moritz, nói:

- Không đủ chỗ, thôi anh bưng trà xuống nhà bếp uống đi.

Nagy nó bằng tiếng Hongrois:

- Ừ, như vậy được, ta còn nói nhiều chuyện quan trọng với nhau.

Moritz biết mấy người này không muốn anh ngồi cùng bàn với họ. Nhưng anh không phật lòng. Chị ở tên Iulisca vui mừng thấy Moritz xuống nhà bếp. Chị lấy ba lát bánh mì thoa bơ và thịt jambon đưa cho Moritz. Anh ăn ngấu nghiến, vì đói quá. Xong, anh muốn đi tắm, nhưng chị ở bảo anh:

- Anh đi chợ với tôi, lúc về sẽ tắm.

Moritz xách giỏ và đi mua đồ với Iulisca. Và từ đó về sau, mỗi sáng anh đều đi chợ với chị này.

Đi chợ về, anh bửa củi, ôm vô nhà bếp. Khi ăn xong, anh rửa chén với chị ở. Chị ấy vui tính, giễu cợt luôn nên Moritz lấy làm thích mà ở nhà này.

Mải làm việc ở nhà bếp và nói chơi với Iulisca mà Moritz quên rằng trọn buổi sáng anh không gặp bác sĩ cùng mấy người kia. Trưa lại, anh hỏi thăm, chị bác sĩ nói ông này còn ngủ. Moritz lo làm công chuyện và không nhớ tới nữa. Tối đến, khi đi ngủ, anh nhớ lại, trọn ngày anh không có nói chuyện với họ tiếng nào. Họ có ăn tại nhà, vì sau buổi điểm tâm anh nhớ chắc đã rửa nhiều dĩa. Chiều năm giờ uống cà-phê, họ cũng còn ở đó, vì anh đã rửa năm cái tách. Nhưng anh không nhớ bữa ăn mấy người, vì chị ở bưng xuống nhà bếp một chồng dĩa, anh lo rửa nên quên đếm. Anh không ngủ được vì lo lắng. Anh nhớ, hình như số dĩa ít hơn, khi ăn buổi tối.

Anh nghĩ: "Chắc Hurtig đi về nhà bà con rồi". Anh tiếc sao Hurtig đi mà không từ giã anh. Nhưng không biết chừng y có ăn buổi tối, mà mình lại tưởng tượng dĩa ít hơn chăng? Bữa sau, Moritz mới thấy mình đoán trúng. Hurtig đã đi hôm qua. Chiều đó, y không có dùng bữa ở nhà Nagy. Bác sĩ và Strul thì còn ở lại. Lối mười giờ, chị Iulisca đem giày của họ xuống và hai người đánh bóng kỹ lưỡng. Moritz muốn đem giày lên nhà trên, nhưng chị ở cản anh và xách đem lên một mình. Lúc trở xuống nhà bếp, chị nói:

- Bà chủ cấm tôi đừng để cho anh lên nhà trên. Tính bà như vậy đó. Bà cứ sợ bị ăn cắp đồ.

Trưa lại, bác sĩ Abramovici kêu Moritz lên phòng văn, và biểu:

- Anh xách va-li này và đi với tôi.

Moritz vui mừng vì thấy bác sĩ không quên anh.

Ra tới đường, bác sĩ nhìn anh rồi giận dữ, hỏi:

- Tại sao anh đi chân không?

Moritz hổ thầm, nhưng anh không có giày. Anh dòm chung quanh thấy những người đi đường không ai đi chân không cả. Anh cúi đầu lầm lũi đi. Anh ngó kỹ từng cặp chân mỗi người qua lại. Ai ai cũng mang giày hoặc mang ủng. Anh thẹn quá, muốn đất sụp chôn anh cho rồi. Anh tìm cách để xin lỗi bác sĩ, nhưng ông này đi trước anh, tay thọc vô túi, như không biết tới anh nữa.

Hai người đi đến một ngôi nhà cũ, có vườn hoa nhỏ. Bác sĩ xách va-li vô nhà một mình. Moritz đứng chờ ngoài cửa. Anh đọc tấm bản treo trên tường có chữ "Sứ quán"; rồi ngó kẻ qua người lại trên đường.

Không bao lâu, bác sĩ trở ra, tay không. Ông vừa xuống nấc thang vừa cười. Chợt thấy đứng dựa tường, ông không cười nữa, đứng lại, thọc tay vô túi, ra dáng nghĩ ngợi. Trán ông xạm lại. Trên đường về, ông không hé môi.

Moritz đi cách xa ông, để người qua lại không biết ông đi chung với người không mang giày. Anh không muốn bác sĩ thẹn vì anh.

Đến trước cửa nhà Nagy, bác sĩ ngừng lại chờ Moritz đi tới, và nói:

- Yankel, trường hợp anh khó lắm. Ủy ban Do-thái ở Budapest lo giấy tờ chúng tôi sang Mỹ, không muốn làm cho anh. Tôi có năn nỉ và nói giúp giùm anh, vì anh cũng đi với chúng tôi, nhưng vô hiệu. Họ không muốn giúp người có đạo. Ủy ban Do-thái chỉ lo cho người Do-thái thôi. Vì thế nên người ta gọi ủy ban ấy là "Ủy ban Do-thái". Còn anh, anh không phải Do-thái. Phải vậy hôn?

- Tôi không phải Do-thái, bác sĩ à!

- Vậy thì họ có lý. Nhưng tôi tiếc là chuyện thật như thế. Tôi muốn đem anh sang Mỹ với tôi. Vì tôi không phải là người bỏ bê anh đâu.

Bác sĩ Abramovici mở bốp lấy một xấp giấy bạc ra đếm. Moritz nhìn giấy bạc Hongrois và lấy làm lạ sao khuôn khổ nhỏ quá.

Bác sĩ nó:

- Đây là 20 pengoes để trả công anh. Số tiền này nhiều. Ở đây phải làm trong một tuần lễ mới lãnh số tiền này được. Anh chỉ có vác va-li trong vài giờ mà lãnh được tới bấy nhiêu đấy.

Moritz không hề nghĩ đến việc đòi tiền vác va-li bao giờ. Anh làm việc không phải vì tiền, nhưng bác sĩ cứ đưa hoài, thành thử anh phải lấy cất vô túi áo. Bác sĩ nói tiếp:

- Điều quan trọng hơn hết là đem anh được ra khỏi trại giam và dẫn anh đến đây. Nếu chúng tôi không giúp anh vượt khỏi trại giam, thì chắc anh sẽ chết rục trong ấy. Nhưng tôi không đòi công anh chút gì, bởi tôi không phải là người đi kể ơn đã làm giùm cho người khác.

Moritz ở Hongrie được một tuần. Ngày ngày anh đều làm công việc như buổi ban đầu: đi chợ với Iulisca, bửa củi, đổ rác và rửa chén. Chiều, anh rửa nhà bếp, lau gạch và nấc thang lầu.

Một buổi sáng chúa nhựt, Nagy gặp anh trong hành lang, bèn gặt gỏng hỏi:

- Mày chưa tìm được chỗ làm sao? Đã một tuần nay mày ăn ở đây. Bộ muốn tao nuôi mãn đời à?

Rồi y đi ra, không nói gì thêm. Moritz ăn năn sao không đi kiếm việc làm. Chính anh cũng không nghĩ đến nữa. Anh tưởng làm như vậy thì kể như anh là người giúp việc trong nhà Nagy rồi.

Anh tự mắng: "Sao mình ngu dại đến thế, chẳng lo kiếm chỗ làm. Họ nói có lý. Họ không thể nào nuôi mình hoài!".

GIỜ THỨ 25: CHƯƠNG THỨ BA


 GIỜ THỨ 25 Constantin Virgil Gheorghiu

CHƯƠNG THỨ BA

Viên chức của xưởng nói:

- Anh được cắt làm một công việc dễ. Anh còn đau. Vả lại người ta đưa đến đây toàn kẻ đau yếu.

Y ngó Moritz một cách thù ghét. Y đọc lại mảnh giấy cầm tay, rồi nghi ngờ ngó Moritz nữa. Từ hai năm nay ở Đức, Moritz đều bị nhìn như thế. Anh luôn luôn bị nghi có can án, mặc dầu anh không có tội gì, nhưng chắc chắn một ngày kia anh sẽ phạm tội.

Viên chức hỏi:

- Anh là Hongrois hả? Tôi có nhiều dân Hongrois rồi, nhưng họ không làm vừa ý tôi. Phần anh, chắc có khác hơn.

Rồi y mỉm cười và đọc lớn lên:

- Moritz Ianos, dân Hongrois, 32 tuổi, thợ không chuyên môn, tới nước Đức ngày 21-6-1941.

Moritz tự biết từ hai năm nay, đã trở thành dân Hongrois, vì giấy tờ biên như vậy. Anh ngó theo viên chức đang đọc bảng các xưởng các hãng và trại giam ở Đại Đức Quốc xã, những nơi mà anh đã làm công việc từ trước tới giờ. Bảng kê dài lắm. Các loại xưởng kỹ nghệ đều có trong ấy. Moritz thấy tự hào đã làm trong lắm nơi như vậy. Một lúc, anh thoáng thấy lại hàng chục trại giam có rào dây kẽm gai, hàng chục trại anh có làm việc, các hãng, các thành phố, các nỗi đau đớn anh đã chịu đựng. Anh tưởng viên chức sẽ thán phục lòng can đảm của anh đã đương đầu với bao thử thách đau khổ trước khi đến đây. Nhưng viên chức chỉ xem sơ qua tên các chỗ Moritz đã khổ sở trải qua, và đọc đoạn chót: "Ra nhà thương, thợ ngoại quốc, số 707, ngày 8-3-1943".

Moritz lạ lùng thấy một người đọc bảng kê khai những nỗi đau khổ của anh mà không chút chạnh lòng. Viên chức đó chỉ lấy viết chì gạch thêm ở góc, nơi chỗ còn trống: "Trình diện tại xưởng làm nút áo Knopf Und Sohn, ngày 10-3-1943". Đoạn y cất tấm thẻ trong hộc tủ với mấy thẻ khác và ngó Moritz, nói:

-  "Kỷ luật, vâng lời, làm việc, trật tự!". Đó là châm ngôn của các thợ ngoại quốc tại xưởng này. Trong xưởng cũng có thợ đàn bà Đức. Chuyện này quan trọng. Anh phải để ý: mỗi liên lạc với đàn bà Đức là bị phạt ít lắm năm năm tù. Ông giám đốc xưởng rất nghiêm khắc về khoản này. Mỗi đàn bà Đức đều có dán trên da một miếng giấy nhỏ, giấy ấy cho anh được quyền lãnh năm năm tù. Nếu một khi anh đặt tay và đng những chỗ không được phép rờ đến trong thân mình họ, thì anh đã biết cái gì chờ anh rồi. Đừng tưởng anh sẽ được cái gì khác. Tên Hongrois, trước anh, đã ngồi tù. Tôi có cho nó biết, hồi mới tới, như tôi cho anh biết hôm nay, nhưng nó không chịu đếm xỉa đến lời cảnh cáo của tôi. Nó tưởng trời tối và đã trốn trong cái mền với người đàn bà thì không ai thấy được. Nhưng ở tai Đại Đức Quốc này, anh không thể làm một cử động gì mà không bị bắt liền. Dầu ở trong mền cũng vậy. Anh không thể hành động mà chúng tôi không hay tức khắc. Chúng tôi đoán được những gì anh suy nghĩ trong đầu. Ý tưởng của anh. Tất cả những ý tưởng của anh! Sang qua điểm thứ nhì: xưởng làm việc cho chiến tranh. Tất cả những gì anh thấy và nghe đều là cơ mật quân sự. Thợ ngoại quốc không được quyền biết xưởng sản xuất thứ gì, được bao nhiêu, và phương pháp sản xuất như thế nào. Nếu anh muốn tìm hiểu, thì đầu anh sẽ rơi. Tháng giêng rồi, một thợ dân Ý bị hành hình. Hiện giờ một thợ dân Tchèque sắp bị xử vì muốn biết bí mật của xưởng Knopf Und Sohn.

Viên chức đứng nói chuyện rồi đi ra cửa, Moritz theo sau. Y nói:

- Tới bây giờ, không một người thợ Hongrois nào làm ở đây mà tôi bằng lòng. Họ ngồi tù cả. Một trong bọn ấy bị hai chục năm khổ sai, vì muốn phá hoại. Ước mong anh là một ngoại lệ, dẫu rằng tôi không tin có ngoại lệ!

Viên chức ngừng trước một cái máy chở thùng chạy trên đường rày. Tại đầu đường rày, một người thợ lấy từng thùng và chồng lên trên chiếc xe nhỏ gần y. Lúc viên chức đến gần người thợ, thì cái xe nhỏ chất đầy thùng, chạy trên đường rày. Một cái xe khác, trống không, chạy tiếp đến gần người thợ. Người thợ như không thấy có sự thay đổi, cứ tiếp tục lấy từng thùng, cái này đến cái khác, do dây trân chuyền tới, và chất đầy trên chiếc xe nhỏ trống không ấy, như anh đã làm lần trước. Mấy thùng đồ xem nặng lắm.

Viên chức nói:

- Đấy là công việc của anh kể từ ngày mai. Dễ lắm. Anh chỉ lấy mấy thùng đầy đồ trong xưởng chuyền ra và để lên trên chiếc xe trống đặng nó chở vô kho. Trật tự rất nghiêm xác, đó là luật quan trọng hơn hết. Anh có làm việc trong xưởng chưa?

Moritz ngó người thợ cúi xuống một cách máy móc, gồng tay một cách máy móc, ôm thùng nút để trên xe, không nghĩ đến việc y làm, và cũng không nghĩ đến việc gì khác cả. Y cũng chẳng tưởng đến những người đang đứng gần y. Không chừng y cũng chẳng thấy họ nữa.

Viên chức cắt nghĩa:

- Máy móc không dung tha cái gì vô trật ự. Máy móc không dung tha tình trạng hỗn loạn, s lười biếng, trễ nãi của con người đâu!

Moritz ngó viên chức. Y nói tiếp:

- Anh không được phép nghĩ đến chuyện khác. Máy móc sẽ phạt anh ngay. Trí óc anh phải chăm chú theo người máy, bạn đồng nghiệp anh, người thợ kỹ thuật đã đem cái thùng tới đưa anh. Anh chỉ phải cúi xuống đỡ lấy trên tay nó và đặt lên xe!

Viên chức mỉm cười.

Moritz ráng kiếm cánh tay của người máy, bạn thợ kỹ thuật của anh, nhưng anh không thấy đâu cả. Anh ngó viên chức. Y vẫn mỉm cười, nói tiếp:

- Người máy không tùy theo người ta. Anh phải tùy nó và điều hòa những cử động của anh cho ăn khớp với những cử động của nó. Sự ấy đương nhiên phải vậy, vì nó là một người thợ hoàn bị, còn anh thì không. Không một người nào có thể là một người thợ hoàn hảo hết. Chỉ có máy móc! Ta phải học nó để làm việc. Anh hiểu chưa? Nó sẽ dạy anh kỷ luật, trật tự và sự hoàn mỹ. Có bắt chước nó, anh mới trở nên một người thợ nhứt hạng. Nhưng anh chẳng khi nào thành thợ nhứt hạng được. Anh là dân Hongrois, mà trong xưởng này, dân Hongrois nhìn ngó đàn bà, chớ không nhìn ngó máy móc.

Moritz muốn nói anh là dân Roumain, chớ không phải dân Hongrois. Anh định muốn thuật trở lại đời anh, các khám đường anh bị giam, sự đánh đập anh đã chịu đựng ở Budapest, nhưng viên chức đang trầm trồ ngó máy móc lần lượt đưa đến mấy thùng trắng tươi, lặng lẽ và cách khoảng đều đều. Ngó máy móc, rồi y ngó qua Moritz, tỏ vẻ khinh bỉ. Moritz cảm thấy sự khinh bỉ bao trùm anh, nên anh thôi, không thuật chuyện ngồi tù ở Budapest và chuyện viên thanh tra Varga.

Viên chức nói:

- Con người là một tên thợ hạ đẳng. Nhứt là dân Phương Đông. Tụi anh là dân Phương Đông, tụi anh thua kém máy móc. Anh chẳng những là một người, anh còn là người Phương Đông và dân Hongrois, vả lại anh mới vừa ra nhà thương nữa! Một bịnh nhơn! Anh chỉ là một kẻ bịnh hoạn thôi!

Moritz thấy rõ viên chức khổ sở, anh muốn nói với y rằng anh ráng hết sức mình để làm việc. Nhưng hắn lại nói tiếp:

- Anh làm sao bì lại với máy móc. Anh phải biết tự xét lấy anh!

Rồi ngó Moritz từ đầu đến chân, y nói:

- Thật là bất kính, thật là ngạo mạn đối với máy móc, mà có ý tưởng dám so sánh máy móc với anh. Chúng nó hoàn toàn tuyệt xảo. Còn anh... Người ta không nên đưa cho nó những tay sai như vầy! Thôi, theo tôi. Tôi sẽ phát quần áo làm việc cho anh. Anh chỉ được vô xưởng khi mặc sắc phục thợ. Sắc phục thợ như sắc phục mục sư. Nhưng về chuyện ấy, anh không thể nào hiểu được. Tụi anh, dân Hongrois, chỉ lo ngó đàn bà. Toàn là đồ dã man!

GIỜ THỨ 25: CHƯƠNG THỨ TƯ

 


GIỜ THỨ 25  Constantin Virgil Gheorghiu

CHƯƠNG THỨ TƯ

Mục sư Koruga trả lời thơ Traian liền, cho hay ông và bà mạnh giỏi, tại làng Fântâna tất cả đều như trước. Chỉ riêng Moritz vẫn chưa về, và không ai biết nó trở nên thế nào.

Ông biện lý Damian vô sân lúc mục sư đọc lại bức thơ vừa viết xong. Ông về đồng nghỉ hai ngày với mục sư. Thường thường, mỗi tuần ông đều về chơi với mục sư. Hai người đi ra nhà bưu điện bỏ thơ.

Dọc đường, mục sư đưa thơ của Traian cho ông biện lý xem và nói:

- Traian rất lo sợ cho chúng tôi.

Ông biện lý đọc bức thơ và mỉm cười đáp:

- Anh Traian là thi sĩ. Anh cứ thêm thắt cho to chuyện. Chắc anh sẽ bịnh vì làm việc quá sức nhiều!

Trong sân tòa thị sảnh có nhiều người tụ họp. Xe của trạm phu chưa đi. Mục sư muốn đưa thơ gởi, nhưng người phu trạm từ chối nói:

- Chúng tôi không nhận thơ gởi ra nước ngoài. Sáu giờ chiều nay, nước Roumanie đầu hàng. Xứ sở ta bị binh Nga chiếm. Vua có loan tin trên đài phát thanh rồi!

Mục sư cất thơ vô túi.

Chiều hôm ấy, thôn dân tựu trong sân nàh mục sư để hỏi ý kiến. Binh Nga đã vô thành kế cận, thiên hạ chạy về đồng trốn. Họ thuật lại nhiều chuyện ghê gớm. Đàn bà bị hãm hiếp, bị thắt cổ. Đàn ông bị bắn ngoài đường phố.

Mục sư bước ra bao-lơn. Thôn dân buồn rầu lo sợ. Mục sư nói:

- Rồi người khác sẽ đến cai trị nước ta. Họ còn tàn ác hơn mấy người trước, vì họ là kẻ ngoại bang. Nhưng người sùng đạo biết rằng tất cả nền thống trị dưới trần đều tàn khốc, ta phải đau đớn chịu đựng. Chân lạc-quốc chỉ là Thiên đàng ở trên Trời.

Một dân làng hỏi:

- Ta có nên trốn trong rừng để chiến đấu chống kẻ xâm lăng không? Cha dạy thế nào?

- Thiên Chúa giáo không xúi tín đồ đánh giặc để giành lại quyền hành ở thế gian.

- Vậy Thiên Chúa giáo khuyên ta đưa tay cho họ xiềng xích sao? Thiên Chúa giáo có muốn ta phải khoanh tay điềm nhiên nhìn kẻ khác hãm hiếp vợ con, đốt thiêu nhà cửa ta không? Đạo Thiên Chúa không đòi hỏi như thế được. Nếu mà bắt buộc, thì chúng tôi không về với Thiên Chúa giáo nữa!

Các thanh niên trong làng đều tán thành. Mục sư điềm tĩnh nói:

- Chúa Jésus dạy tín đồ phải phục tùng quyền thống trị trên thế gian. Các con nói sự thống trị hiện nay ở xứ Roumanie là của kẻ ngoại bang, tàn bạo và tà giáo. Tôi cũng biết, nhưng khi xưa những người cai trị tại xứ Chúa Jésus giáng sinh cũng là kẻ ngoại bang, tàn bạo và tà giáo vậy. Các con hãy nghĩ đến muôn ngàn trẻ nít bị cắt cổ ở Judée, theo lịnh của vua Hérode sau ngày giáng sinh của Chúa Jésus. Cách thống trị thật tàn ác. Có lẽ cũng tàn ác như cách thống trị của Cộng sản. Nhưng Chúa Jésus không phản kháng và không xúi giục ai phản kháng. Ngài nói: "Trả cho César cái gì của César, trả cho Trời cái gì của Trời".

Một thanh niên hỏi:

- Vậy Cha đọc kinh cầu nguyện cho Staline sao? Nếu Cha đọc kinh cầu nguyện cho Staline tức là Cha đọc kinh cầu nguyện cho Quỷ vương, kẻ phản đối Đạo Thiên Chúa sao? Và như thế, chúng tôi không để chân tới Nhà thờ nữa!

- Nếu nhà cầm quyền ra lịnh tôi đọc kinh cầu nguyện cho Staline, như ngày nay tôi đọc cho vua, thì tôi tuân lịnh. Tôi biết Staline vô thần và ngoại đạo. Nhưng kẻ ngoại đạo cũng là người. Nếu linh hồn họ đầy tội lỗi là vì họ đi lạc hướng, xa đường lối của Chúa. Một mục sư phải đọc kinh cầu nguyện cho tất cả mọi người, và nhứt là cầu nguyện cho những linh hồn đầy tội lỗi.

Một thanh niên nói:

- Cha tha hồ đọc kinh cho Staline, nhưng phần chúng tôi, chúng tôi không đi Nhà thờ nữa.

Với giọng phản đối, anh hỏi gằn thêm:

- Còn nếu chúng tôi rút vô rừng chống lại Cộng sản để giành tự do, ngày chúa nhựt tại Nhà thờ, Cha cũng đọc kinh cầu nguyện cho chúng tôi nữa sao?

- Mục sư cũng đọc kinh cầu nguyện cho những ai chiến đấu trong rừng, trên núi, chẳng những ngày chúa nhựt mà mỗi ngày hai lần, vì cuộc đời tranh đấu của họ luôn luôn bị nguy ngập, nên họ cần phải có lời cầu nguyện của mục sư và lòng nhân ái của Đức Mẹ.

Tất cả thôn dân đều im lặng. Apostol Vasile nói:

- Nếu Cha đọc một kinh cầu nguyện cho chúng tôi, Cha sẽ bị bắn!

- Đó không phải là một lý do để tôi ngưng cầu nguyện cho các anh. Sự chết không làm nao lòng người có đạo.

- Chúng tôi rút vô rừng kháng chiến. Trước khi đi, xin Cha ban phước lành và làm lễ cho chúng con. Rồi không biết rồi đây sẽ ra sao và chúng con có trở về được chăng? Chúng con đi tranh đấu cho Thập tự giá và cho Giáo hội.

- Nếu các con tranh đấu cho Thập tự giá và cho Giáo hội với gươm giáo thì các con đi trong đường tội lỗi, vậy tốt hơn các con nên ở nhà. Giáo hội và lòng tín ngưỡng Chúa không phải bảo vệ bằng khí giới cầm tay.

- Chúng con sẽ tranh đấu cho xứ Roumanie là một nước có đạo Thiên Chúa.

Apostol Vasile chia dân làng thành từng nhóm. Phần đông quyết định rút vô rừng. Đó là những phần tử ưu tú trong làng, có cả phụ nữ và thiếu niên còn đi học.

Họ quỳ gối xuống sân cỏ.

Mục sư Koruga đọc kinh cầu nguyện và ban phép lành cho từng người.

Ông biện lý Damian cũng quỳ xuống trước mặt mục sư, nói:

- Xin Cha ban phép lành cho con nữa. Con cũng rút vô rừng với họ, để tranh đấu cho tự do loài người và cho nhân loại!

Mục sư đáp:

- Giáo đường ban phép lành cho tất cả ai đến xin.

Ông biện lý hỏi:

- Giáo đường cũng ban phép lành cho kẻ muốn làm chuyện quấy sao? Hoặc giả Cha nhìn nhận chính nghĩa của chúng con là hợp lý chớ!

- Hãy thương xót và hành động theo ý anh muốn. Nếu chuyện làm của anh chân thành phát tự cõi lòng, thì đừng sợ tội lỗi. Anh đã đi trúng đường!

Ông biện lý hôn tay mục sư như các dân làng, theo nhóm người ra khỏi sân, và rút vô rừng!

Trong nhà, bà mục sư khóc.

Các dân làng đi được hai giờ. Mục sư đọc sách để trấn tĩnh lo ngại. Nhưng hai thôn dân, không phải người trong làng, bước vô phòng sách, không cần gõ cửa. Họ mang dây băng ba màu và súng lục. Mục sư làm như không thấy khí giới, vui cười tiếp họ và nói to lên, cố ý để cho bà ở phòng bên cạnh nghe, và không muốn làm cho bà sợ hãi:

- Phải ở toàn thị sảnh kêu tôi không?

Một người nói:

- Chúng tôi có lịnh bắt ông dẫn đến Tòa án Nhân dân.

Mục sư ngó qua phòng vợ, và nghĩ thầm: "Chắc bà không nghe gì cả". Ông để cuốn sách trên ghế và ra đi.

Trước khi ra khỏi sân, ông còn ngó ngoái lại, như để vĩnh biệt.

Hai thôn dân đi giữ kèm hai bên mục sư.

Ông bước qua ngưỡng cửa, đầu ngẩng lên. Ông đi không giống như một người có tội. Ông có vẻ như trán ông đụng trời.

Và ông đi như thế trên đường làng, từ nhà ra tòa thị sảnh...

Tòa án Nhân dân do Marcou Goldenberg chủ tọa. Anh ngồi trên ghế ông Đô trưởng, trong gian phòng rộng lớn của thị sảnh.

Đầu anh cạo trọc như một tên tù. Quân Nga vừa thả anh vài ngày trước, từ trong khám giam, vì anh can tội giết ông già Lengyel. Ngồi bên mặt anh là bà Aristitza, mẹ Moritz. Marcou lựa bà làm thẩm phán vì bà là người nghèo hơn hết trong làng Fântâna. Bên trái là Ion Calugaru, đã can án giết một viên hiến binh bằng búa, cách mấy năm nay. Vì thế, nên Marcou mới chọn y.

Mục sư chào họ. Marcou ngó ông chăm chăm, không chào đáp lại.

Aristitza và Calugaru ngó xuống, như không thấy mục sư. Họ đã xử nhiều người khác, trước khi mục sư đến. Lúc ấy trong phòng chỉ còn có mấy vị thẩm phán và hai thôn dân mang dây băng ba màu.

Marcou hỏi tên, tuổi và nghề nghiệp của mục sư, rồi nói:

- Làm mục sư không phải là có một nghề! Thợ giày đóng giày, thợ may may áo. Mỗi thợ sản xuất một món đồ. Ông có thể nói với tôi, mục sư sản xuất cái gì không?

Aristitza và Calugaru vẫn cúi mặt xuống. Hai thôn dân cười sau lưng mục sư.

Marcou nói:

- Ông không có một nghề gì hết! Thật là một trọng tội mà chẳng học lấy một nghề gì cả. Ông sống ăn nhờ các thợ!

Mặt Marcou vàng như vỏ chanh. Môi mỏng dánh và tím ngắt. Mục sư nhớ đến lão già Goldenberg, cha Marcou, cũng có đôi môi như vậy, cũng mỏng dánh, nhưng môi lão già thì cười, môi của Marcou lại mím chặt.

Marcou hỏi:

- Ông biết tại sao ông bị đòi ra Tòa án Nhân dân không?

- Không.

- Thật câu trả lời khuôn mẫu của kẻ phản động! Không bao giờ họ biết lý do nào đem xử họ. Ông có nhìn nhận đã tổ chức đoàn phát xít đi vô rừng không?

- Tôi không có tổ chức. Tôi nhìn nhận có đọc kinh tại sân nhà tôi cho những thanh niên trong làng đến xin cầu nguyện cho họ.

- Không phải bọn phát xít? Tại sao ông đọc kinh cầu nguyện cho họ, nếu không chẳng phải người rửa tội cho bọn phiến loạn ấy?

- Tôi biết mấy thanh niên đến xin tôi cầu nguyện đang ở trong một tình thế khó khăn. Tôi cầu nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh giúp họ, chỉ dẫn họ con đường chân lý và công bằng!

- Tòa án Nhân dân xử treo cổ ông. Ông có tội tổ chức cuộc võ trang phản nghịch phá rối trật tự công cộng.

Aristitza và Calugaru ngước mặt lên, sợ hãi, ngó Marcou, nhưng hắn mắc viết, không ngó họ.

Hai người xây lại nhìn mục sư, thấy ông đang hiền từ mỉm cười với họ.

Marcou nói:

- Cuộc hành quyết sẽ thi hành ngày mai, sáng sớm, trước dân chúng.

Phiên xử của Tòa án Nhân dân bế mạc.