Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

Trường Trung học Albert Sarraut

 Trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội
 đầu thế kỷ 20

Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội là một trong những trường trung học nổi tiếng nhất ở Đông Dương, Trường được thành lập năm 1919, giải thể năm 1965. Đây là nơi nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Đông Dương từng học.

Năm 1902, chính quyền thực dân Pháp đã cho thành lập trường Paul Bert (Collège Paul Bert)tại Hà Nội để đào tạo bậc trung học bán phần cho con các quan chức Pháp tại Đông Dương, đồng thời các con quan chức cao cấp người Việt làm cho Pháp, nhằm đào tạo đội ngũ kế tiếp làm việc cho Pháp tại Đông Dương. Trường sở được đặt tại Boulevard Rollandes Nay là Trường Trung học Phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm.

Năm 1913, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã ra quyết định nâng bậc trường Paul Bert từ Collège lên bậc Lycée để thành lập một trường trung học toàn phần như các trường ở chính quốc với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học tại Hà Nội, là trường Albert Sarraut. Trường có nhiệm vụ thu nhận học sinh người Pháp và cả học sinh là con em các quan chức cao cấp người Việt Nam, người Miên, người Lào.

Năm 1914, công trình xây dựng trường sở mới được khởi công trên một khuôn viên rộng, vuông vắn, nằm trước Dinh Toàn quyền.


Toàn cảnh trường Trung học Albert Sarraut nhìn từ máy bay.
Công trình này ngày nay là Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.



Mặt tiền của trường nằm trên đại lộ Cộng Hòa (nay là đường Hoàng Văn Thụ), phía xa là Dinh Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch).

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Mấy vấn đề về vua Gia Long

 

Mấy vấn đề về vua Gia Long

Gs Trần Quốc Vượng

PHẦN MỘT

 

0.1. Tôi không phải là một chuyên gia về lịch sử, đặc biệt là về nhà Nguyễn, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có những nghĩ suy và thực ra là từ những năm giữa thập kỷ 70 cho đến gần đây, đầu xuân Bính Tý 1996. Tôi vẫn thường qua lại xứ Huế và viết dăm bẩy bài về vị thế địa – văn hóa của xứ Huế và vai trò của các chúa Nguyễn, bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến các vua đầu nhà Nguyễn, mở đầu là vua Gia Long (1802-1820) và kết thúc là vua Bảo Đại (1925 -1945).

Tôi đã nói và viết tản mạn nhiều vấn đề về xứ Đàng Trong, về thời Nguyễn và nhà Nguyễn.

 

0.2. Ông Nguyễn Khoa Điềm – thuộc dòng họ Nguyễn Khoa nổi danh từ các chúa Nguyễn mà bà nội ông (Đạm Phương Nữ Sĩ) là cháu nội vua Minh Mạng, sinh ra thân phụ ông là nhà Mác-xít và là một trong những người cộng sản đầu tiên, tức Hải Triều Nguyễn Khoa Văn – đã từng phát biểu ở trường Đại học viết văn Nguyễn Du trong dịp lễ khai giảng khóa 5 (1995-1998), rằng khi ông là tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương ở một thời chưa đổi mới lắm, ông đã cho đăng bài của tôi về “Xứ Huế và vị thế lịch sử của Huế” và đã cùng ban biên tập tạp chí ấy tặng tôi giải thưởng đặc biệt cho bài viết này, mà khi ấy người ta cho là một sự “xét lại” về mặt sử học. Bởi trước đó, theo giới Sử – Văn – Triết – Mỹ chính thống của Việt Nam, thì gần như là một sự “phủ định sạch trơn” (table rase) về thời Nguyễn và nhà Nguyễn, trong khi đó ở bài viết ấy và những bài tiếp theo, tôi cùng với các nhà nghiên cứu Dân tộc – Xã hội – Mỹ học như Nguyễn Đức Từ Chi, Trần Lâm Biền đã đề nghị một cách nhìn hơi khác, tóm tắt lại là:

– Cần phân biệt thời Nguyễn, đời Nguyễn và nhà Nguyễn.

– Cần phân biệt thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn.

– Và trong các vua Nguyễn, cũng cần phân biệt các vua đầu Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng (1820-1840) và các vua cuối Nguyễn như Tự Đức (1848-1883); và ngay cả các vua Nguyễn sau Tự Đức, cũng cần phân biệt những ông Đồng Khánh, Khải Định với những ông vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Lại càng nên phân biệt chính trị triều Nguyễn và học thuật, trước tác và mỹ thuật của nền Quốc học Nguyễn. Có “cộng đồng” triều đình và có các “cá thể” vua – quan nữa chứ !

 

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Cao lương đỏ

 RƯỢU, TÌNH DỤC, CÁI CHẾT

Bài viết của Peter Pho trên FB.


Em gái, em hãy mạnh dạn tiến bước
Đi về phía trước, đừng quay nhìn lại
Đường lên trời chín nghìn chín trăm
Chín nghìn chín trăm chín
Em hãy mạnh dạn bước đi, hỡi em
Đi về phía trước, đừng quay đầu lại...

Bộ phim “Cao lương đỏ" của Trương Nghệ Mưu đã xem đến vài chục lần, nhưng lần nào xem xong cũng phải đem rượu ra nốc, máu trong người vẫn cuồn cuộn, vẫn hừng hực trong tim một nỗi bi hùng máu lửa, nhìn đâu đâu cũng một màu đỏ, màu đỏ của rượu Nữ Nhi Hồng, màu đỏ của lửa, màu đỏ của máu, mầu đỏ của chiều tà...

Năm 1988, bộ phim này đã gây tiếng vang lớn khi ra mắt. Phim đã giành được giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 38. Đây là lần đầu tiên một nhà làm phim Trung Quốc giành được giải thưởng này, Trương Nghệ Mưu cũng bắt đầu sự nghiệp 32 năm của mình với tư cách là một bậc thầy điện ảnh.

Ba mươi hai năm trôi qua, có nhiều phim hay hơn "Cao lương đỏ", nhưng chỉ có một số ít phim có thể đánh bại nó về khả năng xử lý màu sắc. Đặc điểm cốt truyện mềm yếu được xử lý với phong cách “vũ phu” mạnh bạo, nam tính trong phim này cũng đã trở thành dấu ấn quan trọng của phim Trương Nghệ Mưu.

Kể chuyện sông Tô Lịch 2000 năm

 Kể chuyện sông Tô Lịch 2000 năm

Lê Văn Lan


Ai cũng nghĩ Tô Lịch là thủy danh, tức là tên sông. Trong khoa học định danh học có phân ra nhân danh, sơn danh, địa danh, thủy danh... Tô Lịch nay được biết là tên sông và ai cũng nghĩ nó là thủy danh. Nhưng hoàn toàn sai.

Đó là một nhân danh. Đó là một tên người.

Và đây là một nhân vật lịch sử đàng hoàng, có tiểu sử, có công tích, được chép vào chính sử. Ngoài ra chưa kể đến những thành tích, ngọc phả, thần phả, những nghi lễ thờ cúng rồi thì lễ hội… để thờ nhân vật lịch sử họ Tô tên Lịch.

Như vậy, có thể khẳng định điều đầu tiên khi nhắc đến Tô Lịch rằng đây là nhân danh được thuỷ danh hóa. Nguyên nhân làm sao?

Người ta hoàn toàn có thể làm được mấy tập phim rất hay, rất công phu về điều này. Bộ phim cần phải bắt đầu bằng cảnh xuất hiện núi Long Đỗ. Long là Rồng và Đỗ là Rốn. Rốn Rồng. Dân gian vẫn gọi đỗ là đậu, đều có xuất xứ của nó.

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Người chăn bò thần thánh

Người chăn bò thần thánh, là thứ hiện thực huyền ảo trắng trợn, vẽ hẳn một bức tranh khôi hài, hãi hùng: Tổ chức nhân đạo quốc tế gửi tặng đàn bò sữa cho một vùng mà nhà nghiên cứu của tổ chức này đã mục kích tận mắt cảnh cả trăm người cầm dao quắm xông vào tranh nhau xẻo thịt một con trâu chết, loáng cái hết nhẵn. Lễ "khánh thành bò" được tổ chức vô cùng trọng thể, vú bò được thắt nơ, cổ bò được đeo các khẩu hiệu kinh điển: "cần kiệm liêm chính", "học tập đạo đức Hồ Chí Minh", "cán bộ là đầy tớ của nhân dân", v.v... Mọi việc được phân công rành rẽ, đàn bò trở thành bò tập thể dưới sự quản lý của nông trường...
Người đọc giật mình, quái đản, không hiểu từ đâu ra lối huyền ảo này ?


Đàn Trâu đang nối nhau di cư ở Dallas (bang Texas, Mỹ).

Người chăn bò thần thánh 


Truyện ngắn của Võ Thị Hảo

Lời tác giả:
(...) (xin lỗi các bạn phải cắt bỏ 1 đoạn vì quá nhạy cảm)

Tôi đã viết về nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong nhiều bài báo của tôi trước đây.

Và đã viết về nó trong truyện ngắn “Người chăn bò thần thánh”. Truyện này đã đăng ở Việt Nam và dịch, in ở Nhật bản

Truyện ngắn này tôi viết đã cách đây cả chục năm. Gần đây nhất, nó được in trong “ Võ Thị Hảo- Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm”.

Tôi gửi lên đây. Vì nó, buồn thay, vẫn mang tính thời sự!

Tôi gửi bạn. Cũng như là tiếng kêu của con chim đỗ quyên về vận nước.
Nhà văn Võ Thị Hảo

Dân vùng ấy chẳng mấy khi biết đến miếng thịt. Nhất là thịt bò thì càng hiếm hoi. Hồi ức sang trọng của một vài kẻ sành điệu, là những lúc kẻ ấy lim dim nhớ lại những bữa cỗ có bát rượu nhấm thả cửa với thịt bò chết. Mùa rét, mùa trâu bò bị cước chân, ngã nước, ấy mới chính là mùa tràn trề hy vọng của dân nhậu trong vùng.

Thịt bò chết mà còn hiếm hoi đến thế, thì còn nói chi đến sữa! Phần lớn trẻ con trong vùng không phát âm được từ “sữa”, mà đều nói thành ”sứa”. Nghe quê đành đạch!

“Man rợ quá! Thảm thương! Rùng rợn quá!”.

Dây neo trần gian

Gieo quẻ- Tranh Lê Thiết Cương

Dây neo trần gian


Truyện ngắn Võ Thị Hảo

Nàng gục xuống những lá cháo, những lá gạo và muối bày la liệt trên mặt đất trong căn buồng tối mờ nghi ngút khói hương. Những muôi cháo lá đa. Cháo đổ vào lá để yên ủi những cô hồn váng vất.

Sao trước đây nàng chưa bao giờ để ý đến những mẹt lá đa đong đầy cháo nhỉ? Đựng vào bát không xuể, người ta phải đong vào lá để đủ ban phát cho những hồn côi?

Dưới ánh đỏ vàng của nến được uốn vặn qua làn khói hương, lung linh của một người đàn bà áo xanh khăn đỏ đang ê a trong nhịp phách điệu Bỉ:

… Sống đã chịu một đời phiền (a)… não (chứ)… Thác lại nhờ (hờ)… hớp cháo lá đa…

Nghiệt Kiếp



Nghiệt Kiếp

Truyện ngắn Võ Thị Hảo


Cứ chạng vạng, khi bóng tối đổ sẫm màu một góc rừng U Minh, những tia nắng rụng góc trời cháy rực. Khi đàn muỗi bắt đầu cất mình lên như đám mây nặng trĩu những giọt sương máu từ đầm lầy. Khi đàn quạ khạc ra tiếng khàn đặc rên rẩm trên những chạc cây bị sét đánh cụt ngọn. Đó là lúc người đi rừng chậm chân bắt đầu nghe từng tràng tiếng hú ghê rợn.

Không rõ cất lên từ đâu. Loạt tiếng hú làm nổi gai lưng này. Chúng rên từng hồi đứt đoạn. Luồn như rắn dưới những tàn lá rậm rịt. Dán mình trườn trên mặt bùn nhão sệt nham hiểm của đầm lầy rồi trôi dạt trong bầu không khí u uẩn bốc lên từ những xác cây mục, đe nẹt ngay cả những kẻ làm nghề sơn tràng táo gan nhất.

Dân quanh vùng chỉ dám kiếm ăn von ven ngoài bìa rừng, ruột cứ cuộn lên nỗi thòm thèm tiếc của. Đời ông đời cha họ truyền lại, ở trong sâu kia, có vô khối chim thú lạ mà chỉ cần bắt được một con cũng đủ để sung sướng cả đời. Chưa kể đến bao nhiêu trầm, kỳ nam đang lặng lẽ toả mùi thơm trong những thân cây huyền hoặc. Nhưng có thèm khát đến mấy, dân sơn tràng cũng chỉ dừng lại ở những lời than tiếc nắc nỏm. Đã không ít kẻ bạo gan chẳng chịu nổi sự cám dỗ, liều mạng dấn sâu vào đầm lầy, đặt chân lên lớp bùn mịn và lập tức cái lớp bùn gian manh kia sụt xuống nuốt từ chân đến bụng rồi đầu kẻ xấu số. Tiếng kêu cứu của người sắp chết chỉ còn ằng ặc sủi bọt trong cái đầm lầy không đáy trước khi mất dạng.

Người gánh nước thuê


Người gánh nước thuê

Truyện ngắn Võ Thị Hảo


Chẳng ai biết lai lịch của bà, chỉ biết tên bà là Diễm. Diễm là đẹp, là diễm lệ. Ngoài vẻ đẹp, còn mang vẻ sang. Có ai gọi một củ khoai là diễm lệ đâu. Hẳn bố mẹ xưa đặt tên cho con cũng thầm ao ước sao cho con vừa đẹp lại vừa khỏi lầm than. Nhưng trông bà cả một sự nhạo báng cái mong ước đó.

Dáng người bà Diễm bé loắt choắt, bộ mặt nhăn nheo, gầy sạm chỉ còn hai con mắt. Bà vừa đi vừa lắc lư cái lưng còng. Chiếc đòn gánh không bao giờ rời khỏi đôi vai còm cõi của bà. Nó bám chặt lấy bà như một thứ nghiệp chướng. Chiếc đòn gánh của bà cũng thật đặc biệt. Nó nhẵn bóng. Ngay cả những vết sẹo cũng đã nhẵn bóng và cũng khó đoán tuổi như chủ nhân của nó vậy. Nó đã tồn tại cùng bà không biết tự bao giờ. Nó được đẽo gọt từ một thân tre cong hằn dấu vết của những cơn gió táp và ra đời chỉ để đón đợi đôi vai còm cõi của bà Diễm mà thôi. Nó và chủ nhân của nó hợp thành một chỉnh thể của sự bất hạnh, hợp thành biểu tượng của một thân cây vừa mới ra đời đã bị gió mưa vùi dập. Cuối hai đầu đòn gánh là đôi thùng đầy nước lắc lư theo những bước chân không đều của bà Diễm và để lại những vệt nước rỏ ròng ròng như suối nước mắt cạnh đường đi. Những lúc đôi vai được rảnh rang, đôi môi bà lại lẩm nhẩm những câu không đầu không cuối. Bà đi và nói như người lẩn thẩn, nhưng những cử chỉ của bà vẫn chính xác một cách kỳ lạ. Đến máy nước bao giờ bà cũng đi sát mép đường bên phải và lặng lẽ đợi đến lượt mình, không xin xỏ, không tranh giành.

Vũ điệu địa ngục

Vũ Ðiệu Ðiạ Ngục là vũ điệu của bà mẹ điên, dơ tay với cầu vồng mà nhẩy. "Ðỏ lên trời đó con ơi!" Bà tìm trên khung trời đỏ áu tội lỗi hình dáng người con gái đã chết. Con bà, trong quãng thời gian ngắn ngủi tạm trọ cuộc đời, thất nghiệp triền miên, đã hành nghề bán máu nuôi thân, cho đến khi "cạn vốn". Tự tử.


Vũ điệu địa ngục

Truyện ngắn Võ Thị Hảo


Tôi ớn lạnh toàn thân khi nghĩ đến cầu vồng, ớn lạnh khi tưởng thấy những tia nắng vàng khé lao qua màn mưa. Khi đó, ngẩng nhìn thường đã thấy những chiếc cầu vồng bảy màu còng lưng trên trời.

Khi ấy, người đàn bà ở nhà đối diện bên kia đường sẽ chạy ra, mái tóc xổ bạc bời trong gió:

- Đỏ lên trời đó! Con ơi!

Và bà nhảy nhấp nhểnh trên đôi chân yếu như cẳng sậy. Hai cánh tay trắng nhợt dăn deo quào mười ngón lên trời, như hòng túm chặt lấy dải cầu vồng. Bà cố nhảy thật cao, rồi rớt xuống, rớt xuống lại nhảy lên.

Người qua đường dừng lại, hàng xóm đổ ra xem. Người điên xưa nay không hiếm. Nhưng điên chỉ muốn kéo cầu vồng thì quả thực chưa thấy bao giờ.

Khi ấy, tôi, một kẻ hèn, sẽ lủi vào nhà như một con chuột chũi và đổ ra giường.

Ngoài kia, người đàn bà tóc hoa râm vẫn nhảy lên kéo cầu vồng. Sẽ tiếp tục vũ điệu địa ngục ấy cho đến lúc bà kiệt sức, gục xuống như một tàu môn héo.

Vườn yêu



Vườn yêu

Truyện ngắn Võ Thị Hảo


Tôi nhón chân trên đôi giày giấy thiếu nữ đi vào Vườn Yêu.

Tôi bận trên người cũng một thứ quần áo bằng giấy không sột soạt, lóng lánh và nhẹ bỗng. Né người xa một chút vì sợ anh làm hỏng đôi giày và bộ quần áo tôi. Anh nhìn dáng đi liệng chiệng của tôi và cười hiểu biết. Tôi cũng vui thích cười vang. Thú vị quá, vì mình đã có một bộ quần áo và đôi giày dễ hỏng khiến người khác phải kiêng dè.

Đêm ấy trăng quánh lắm. Đến nỗi vướng víu vì trăng. Dưới những gốc cây to, trăng từng sợi chảy qua vòm lá, kết nhiều đôi trai gái trong vòng tay nhau. Đôi khi tôi nhìn thấy một bộ quần áo bằng giấy giống mình. Càng vững dạ. Mỗi gốc cây đã đơm đầy một đôi. Phần lớn họ đứng ngồi theo những hình khối kỳ cục và im lặng. Tôi không thể hiểu nổi tại sao họ lại có thể im lặng như thế mà không chán khi ngồi bên nhau. "Họ giận nhau đấy à anh?". Anh lại lần nữa mỉm cười ra dáng hiểu biết. Trông anh thật từng trải.


Biển cứu rỗi




Biển Cứu Rỗi, truyện một người lính trở về, nhưng số phận không dành cho anh một nàng Tô thị vọng phu. Mà đợi anh, chỉ có những đứa trẻ khác bố, không cha, tàn tích của những cuộc giao hoan vội vã -trên con đường quốc lộ số một, động mạch của chiến tranh- của người vợ lạc loài, ngơ ngác, bán trôn nuôi miệng, chờ chồng.

Chờ anh, còn có nụ cười hơi sữa, đổi chác của đứa con gái ruột 15 tuổi, đồng nghiệp của mẹ, gặp bố mà không biết là cha. Nụ cười chào khách của nó đuổi anh ra khỏi cõi người, cõi thanh bình. Anh bèn về với hoang đảo, sống như loài cầm thú, sống bệnh hoạn và hoang loạn. Nói chuyện với bóng mình trong gương để nghe rõ giọng nói lạ hoắc của chính mình, giọng nói thời sau chiến, giọng nói của những số phận quờ quạng đi cho hết nửa đời còn lại.

Nhưng, các tình tiết sau của câu chuyện thật đau xót.

Biển cứu rỗi

Truyện ngắn Võ Thị Hảo

Anh rùng rẩy toàn thân, thấy đôi chân mình đang veo dần, von veo dần, hóa ra cái đuôi nhọn hoắt của một con ốc mượn hồn và “òa… òa…” anh sẽ lẫn, lẫn trong muôn vàn con ốc, giữa tiếng sóng quét.

Thứ ốc mượn hồn đầy chặt đảo đèn. Mỗi sáng, trong bước chân đưa tang lượt thượt của gió, biển lại quật lên thềm đảo những ruột ốc nát bét - những ruột ốc câm lặng chẳng ai biết chúng từng sống cũng như từng chết.

Cách đây không lâu, anh chỉ mới hạ mình xuống địa vị của một con hạc biển, vì nhận ra rằng đôi đầu gối mốc xì của anh cũng giống đôi đầu gối xù xì mốc mác của chúng, và còn cảm được tầm vóc to lớn của mình trước đám đông đủ loài chim biển tẹp nhẹp kéo tới chí choé, lắm lời tranh nhau chỗ đậu, vào mỗi buổi chiều chạng vạng hay lúc trở trời. Đảo mang một màu trắng xỉn xo - màu phân chim biển vào ban ngày. Còn ban đêm, dưới ánh hải đăng lừ lừ không đổi, loài cua âm thầm bò lên. Ánh mắt tù đọng và lối đi ngang không một tiếng động của loài cua khiến trái tim anh càng tê dại trong tiếng rì rầm não ruột của sóng. Ở đâu anh cũng bị vây trong ánh mắt dò hỏi tù đọng của loài cua.

Một đôi lần như thế, khi vết thương cũ cắn nhức nhối, anh đã từng nổi điên, ngồi thu lu đầu gối quá tai, tay cầm gậy, rình đập nát bét dăm chục con cua mới lóp ngóp ló lên khỏi mặt nước trong một đêm cua động rồ, khiến cho đảo đèn tanh sặc mùi cua chết đến ba tháng ròng.

Anh từng lặng ngắt vì hoảng sợ, khi bất chợt mình truồng như nhộng qua một giấc mơ đêm, và cứ thế lừng lững đi. Anh đánh mất thói quen mặc quần áo do thiếu vắng đồng loại lâu ngày. Thiếu một đồng loại nhìn vào anh, khả dĩ giữ cho anh cảm giác xấu hổ, ranh giới cuối cùng nhằm phân biệt anh với một con cua hay một con bò.

Những khi ấy, anh xòa tay ôm mặt. Dòng nước rỉ qua hàng mi trắng xóa hơi muối biển, qua đám râu ria lồm xồm không cạo, và khi xuống đến môi, chúng đã mang màu đục nhờ nhờ của nước đá vôi.

“Ba năm thôi. Ba năm rồi sẽ có người thay”.

Người ta nói, tránh nhìn vào mắt anh khi lần đầu đặt chân lên đảo đèn.

Hồi ấy anh nhếch cười khinh thị. Từ giã đời lính anh trở về với một con mắt giả và thân hình tiểu tụy. Một con búp bê tóc vàng mắt xanh tòn ten đung đưa trên nắp ba lô. Con anh đã qua tuổi chơi búp bê từ lâu. Song búp bê là vật phẩm lộng lẫy nhất mà con người có thể tạo ra, dưới con mắt của những anh lính nhà quê chất phác ở rừng lần đầu tiên đặt chân vào thành phố.

Bàn tay lạnh


Bàn tay lạnh

Truyện ngắn Võ Thị Hảo

Đàn bà gì mà lòng bàn tay lạnh buốt - anh bạn cùng phòng tôi xoa xuýt hai bàn tay vào nhau, thốt lên. Không ngẩng đầu, tôi nói cho có chuyện: "Nghe nói: Ai có bàn tay lạnh thì có trái tim nóng".

Anh ta cúi xuống gần tôi:

- Trông tôi có đến nỗi nào không?

Tôi ngước lên nhìn anh như thầm cân đo, rồi nói khá chân thành:

- Rất được! Đẹp trai là đằng khác!

Anh ta nhếch cười, thẳng người lên mãn nguyện, nhưng tôi bỗng lập tức cau mày:

- Thế mà ánh mắt cô ta nhìn tôi cũng lạnh, còn lạnh hơn cả bàn tay. Lẽ nào cô ta không coi tôi là đàn ông?

Vừa gỡ nới nút cà-vạt mầu xám đậm nơi cổ, anh vừa kết luận:

- Tôi ghét những loại đàn bà như thế, mặc cho cô ta đẹp!

Tôi nhướng mắt nhìn anh, ngạc nhiên:

- Can gì tới anh cơ chứ?

- Sao không? Bạn tưởng chỉ có đàn bà mới đo ảnh hưởng của mình trong ánh mắt người khác giới? Đàn ông còn quan tâm tới điều đó hơn nhiều.

- Thôi được! Tôi dàn hòa - nhưng anh đang nói tới ai vậy?

- Kia kìa, - người đàn bà ngồi quay lưng lại đây, trên chiếc ghế thứ hai của hàng thứ ba.

Tôi vươn cổ nhìn theo tay anh ta. Một đôi vai thon nhỏ được phủ mềm mại một lần áo mầu khói nhạt bằng vải sít lạnh. Những nếp áo rủ trông thật yêu kiều. Thế nhưng dáng ngồi thì quá thẳng, thẳng đáng ngờ, với cái đầu ngẩng cao. Ký ức tôi thảng thốt, bắt chợt một nét quen quen nào đó tự ngày xưa.

Chắc linh cảm thấy ai đó đang nhìn mình chằm chằm từ sau lưng, người đàn bà ấy giật mình quay lại:

Làn môi đồng trinh


... cô gái mù hình dung cuộc đời qua âm thanh vọng lại từ chiếc tivi bên nhà hàng xóm, cẩn trọng đến từng hạt mưa rơi trong lòng bàn tay, thầm mong đủ mười giọt để tình yêu đến với mình ...
"Bao nhiêu kiếp đàn bà đã xoè tay hứng mưa dưới bầu trời nay, nhưng có ai đã hứng ngay được mười giọt mưa long lanh như ngọc rơi trọn vào lòng tay!"

Ngắm sen - Tranh Lê Thiết Cương
Làn môi đồng trinh

Truyện ngắn Võ Thị Hảo

Mưa rồi! Mẹ nói. Và Hằng chống gậy lần ra sân. Nàng ngửa mặt lên trời, để cho những giọt mưa lây phây nhẹ bỗng đậu xuống má.

Một vài giọt lớn vô tình đáp xuống làn môi hé mở, Hằng lại rùng mình bởi một cảm giác xao xuyến mơ hồ. Làn môi của nàng chưa một lần có được cảm giác ấy. Hằng thoáng nghĩ đến một thiên thần trong suốt vừa lướt qua và đặt lên môi nàng một chiếc hôn vô hình.

Mưa này sát vào Tết là đúng tiết lắm đây!

Mẹ lại nói vọng ra từ trong bếp. Hằng cứ ngước khuôn mặt nhỏ thoáng chút e lệ lên trời, mong những giọt mưa lại đậu xuống môi, để một lần nữa tìm lại cảm giác cái hôn của người trời. Nhưng những giọt mưa đã nặng, quất vào mặt Hằng những tia nước lạnh buốt. Hằng loạng choạng quờ gậy lùi vào hàng hiên.

- Con hứng mưa đấy ư? Vào nhà đi khỏi ướt. Hồi nhỏ mẹ cũng chơi trò hứng mưa. Bà bảo rằng nếu ngửa bàn tay ra trong một trận mưa mà hứng ngay được đúng mười giọt, không phải chín hoặc mười một đâu nhé, thì sẽ lấy được chồng sang, sẽ suốt đời được yêu chiều, sung sướng. Mẹ đã xòe tay hứng mưa dễ đến trăm bận, mà chẳng lần nào được đúng mười giọt…

Hằng nghe tiếng thở dài từ trong bếp. Phải rồi, nếu mẹ xoè tay hứng ngay được mười giọt mưa, thì mẹ đã không phải có một đứa con như Hằng. Một đứa con hai mươi chín tuổi mà mỗi khi ra đường, mẹ vẫn phải dắt. Ăn cơm, cô gái hai mươi chín tuổi ấy còn có lúc đưa nhầm thức ăn vào mũi. Và, đã hai mươi chín tuổi rồi mà chưa hề biết đến một nụ hôn!

Nói thế không có nghĩa là Hằng chưa hề biết đến đàn ông. Một lần, cả nhà đi vắng. Buổi trưa nắng, Hằng đang ngồi hóng mát ngoài hiên nhà, bỗng nàng vươn thẳng người lên, cảnh giác vì một mùi lạ khen khét bỗng từ đâu xộc vào mũi khiến nàng rùng mình sợ hãi. Liền đó, nàng nghe tiếng thở hồng hộc bên cạnh. Và rồi một bàn tay thộp vào ngực nàng, bóp mạnh. Hằng hét lên, ngã lăn ra thềm, ngất đi. Hàng xóm chạy sang chỉ còn kịp nghe thấy tiếng chân chạy thình thịch xa khuất sau hàng rào găng. Hằng tỉnh lại, nghe mọi người lao xao: “Thằng đàn ông nào lên cơn động rồ chắc! Khổ thân con bé!”.

Đêm bướm ma

Đêm bướm ma

Truyện ngắn Võ Thị Hảo

Riêng Thuận trông thấy nó. Đó là một con bướm to cỡ bàn tay. Đôi cánh đen điểm vằn nâu và xanh biếc của nó xoã im lìm trên bậc thềm mé lối đi. Đoàn người đi qua rầm rập. Vậy mà không bắt gặp con bướm. Thuận lại gần, ngần ngại chạm tay vào. Cánh bướm khẽ động đậy. Thuận lập tức rụt tay lại. Một luồng ớn lạnh người lên ngực. Từ bé Thuận vẫn vừa sợ vừa thích những bướm ma. Chúng đẹp một cách rầu rĩ, huyền bí thách đố. Và thông thường, chẳng bao giờ gặp chúng, trừ phi chúng sắp chết. Như hôm nay chẳng hạn. Con bướm ma này không biết từ đâu đến nằm xệ bên đường dưới gốc cây mộc lan trong biệt điện. Nơi đây, xưa kia đã in gót sen của các phi tần. Thuận ngước lên những vòm cây cổ thụ xanh thẫm tuyệt đẹp và tự hỏi: Ngày xưa, mỹ nhân nào đã được vua dìu trên cánh tay đưa về động phòng trong biệt điện thênh thang này? Bao năm đã trôi qua. Ông vua cuối cùng giờ đã sống nốt trong những ngày cuối đời tại một chung cư ở Pháp. Song biệt điện này vẫn phảng phất mùi đế vương. Trong vẻ hoang phí vẫn có chút gì đó thiêng liêng và thành kính. Lìa bỏ cõi đời trong một chung cư. Biết đâu hồn ông đã tìm về lơ lửng đêm nay trong biệt điện và phả vào buổi chiều sám sẫm này một nỗi buồn lạnh lẽo bể dâu?

Sợ run người lại xéo vào con bướm. Thuận cố nén sợ hãi, run run nâng cánh bướm ma để đặt vào tờ báo nàng vừa mua đang cầm trên tay, mang về phòng đặt bên cửa sổ. Nàng hé cửa. Cửa sổ được chắn bằng những song sắt uốn hoa lá màu xanh. Có lẽ đêm nay con bướm sẽ hồi lại. Và nếu hồi lại, nó sẽ bay đi. Nàng vẫn để con bướm trên bậu cửa, rồi quay ra bàn pha trà. Cảm thấy như có ai nhìn mình chằm chằm từ phía sau, nàng quay phắt lại. Nhưng không thấy gì khác. Trời đã tối. Cây ngoài vườn đứng lặng. Cánh bướm vẫn nằm im trên tờ báo. Nàng thở phào quay lại, rót nước ra cái chén sứ rẻ tiền trông thấy nhan nhản khắp hè phố, thong thả nhấm nháp thỏi kẹo mè xửng một người bạn ở Huế vừa cho.

Người sót lại của rừng cười

Truyện ngắn "Người sót lại của rừng cười". Câu chuyện phản ánh những ước mơ thầm kín nhưng mãnh liệt, đến độ bộc phát thành những cơn điên dại bản năng của những cô thanh niên xung phong giữ kho quân nhu giữa rừng sâu Trường Sơn thời chống Mỹ. Một sự thật tàn nhẫn mà theo gác giả, "chỉ những ai đã từng qua chiến tranh, trải nỗi cô đơn đặc quánh, qua cảm giác đang cựa quậy giữa chốn giáp ranh, giữa địa ngục và trần gian mới hiểu nổi"... Có người hiểu, có kẻ hoài nghi. Nhưng cái bạn đọc cần trước hết là một cách nhìn, một sự cảm thông. 
Và Rừng Cười, là cái cười méo mó man dại của chiến tranh, của những cô gái Trường Sơn mà "những dòng nước khe màu đen xanh thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc họ". Ở đây không có liệt oanh, liệt sĩ, chỉ tuyền rừng với người vượn lõa thể, vừa cười vừa khóc, tay dứt tóc xé quần xé áo. Ở đây chỉ có những nụ cười sằng sặc quánh đặc lá cây của "những người đàn bà vác cày, cầm súng, đi lấp hố bom", "bị buộc phải trở thành đàn ông". Và người con gái duy nhất may mắn sót lại của rừng cười sẽ mãn kiếp bị loại khỏi vòng tình ái, chỉ sống với những giấc mơ triền miên về mái tóc đã bị rừng già cướp giật: "từ trong đám tóc rối ấy lẩy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thủy tinh, đập mãi không vỡ".



Người sót lại của rừng cười

Truyện ngắn Võ Thị Hảo

Một kho quân nhu và bốn cô gái náu mình dưới tán cây rừng Trường Sơn. Bốn cô gái trẻ măng nhưng mái tóc chỉ còn là một dúm xơ xác. Dòng nước khe màu xanh đen thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc của họ.
Hôm đón Thảo – cô gái thứ năm về, bốn người cũ mừng rỡ khi nhìn thấy mái tóc óng mượt dài chấm gót của cô. Họ cưng Thảo như vàng, nhất trí rằng không thể để rừng cướp mất mái tóc ấy của họ. Nhưng rừng mạnh hơn.
Hai tháng sau, bất chấp đủ loại lá thơm mà đồng đội đã mang về cho gội, tóc Thảo chỉ còn là một túm sợi mỏng mảnh xơ xác.
Cả bố cô gái ôm nhau khóc cay đắng, còn Thảo thì cười: “Các chị khóc làm gì. Đằng nào thì em cũng đã có người yêu. Người yêu em chung thuỷ lắm nhá. Em thế này chứ giá như có bị trọc đầu thì anh ấy vẫn yêu cơ mà.
Và thế là các cô gái nín khóc, tròn xoe mắt nghe Thảo kể về mối tình của cô với chàng sinh viên Văn khoa Hà Nội. Người con trai ấy được khúc xạ qua bao lớp bụi và khói, cuối cùng đến lớp sương mù lung linh huyền ảo của ký ức Thảo, hiện lên như một chàng hoàng tử hoà hiệp thuỷ chung.
Cả bốn cô gái đều đem lòng si mê chàng trai ấy, nhưng không phải cho họ, mà là cho Thảo. Cái sự si mê người khác ấy không hy vọng cắt nghĩa nổi trong thời bình, dưới những ánh đèn màu huy hoàng, mà chỉ những ai đã từng qua chiến tranh, trải qua nỗi cô đơn đặc quánh, qua cảm giác đang cựa quậy giữa chốn giáp ranh, giữa địa ngục và trần gian mới hiểu nổi.
Họ ở đây đã qua ba mùa mưa rầu rĩ và đang ở giữa mùa khô thứ ba bỏng rát. Kho quân nhu im lìm nép trong vòng tay ma quái của rừng sâu. Thỉnh thoảng mới có một đoàn quân tạt qua lĩnh quân trang quân dụng rồi vội vàng đi. Họ đến mang theo những câu bông đùa suồng sã, dăm ba cái cấu véo của những người đàn ông sống xa thế giới người đàn lâu ngày có xu hướng trở nên hoang dã. Thảng hoặc cũng có những người lặng lẽ chiêm ngưỡng họ như những nữ hoàng, chăng vào lòng những cô gái bé nhỏ chút hy vọng mơ màng vương vấn như tơ nhện rồi thoắt biến cho các co gái càng thấm thía nỗi cô đơn.