Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Chiến Quốc Sách

 


CHIẾN QUỐC SÁCH

ĐỌC THÊM


... Do tính chất của nội dung (chép mưu mô của bọn biện sĩ), Chiến Quốc sách thiên về tự sự hơn là miêu tả. Tuy nhiên trong tự sự, tác giả cũng thường xen những đoạn miêu tả cho câu chuyện thêm linh động, mà sự phân biệt tự sự và miêu tả nhiều khi cũng khó định được.

Thuật miêu tả cao nhất là trong Truyện Tô Tần (Tần I 2) và truyện Thái tử Đan và Kinh Kha (Yên III 5).

Truyện Tô Tần bố cục rất chặt chẽ, có hai phần dài gần ngang nhau và đối xứng nhau.

Phần trên chép sự thất bại của Tô Tần khi đem kế liên hoành ra thuyết Tần Huệ Vương. Lý luận cũng đã chặt chẽ (vạch những ưu điểm của Tần cho Tần Tin ở sự thành công, rồi dẫn những truyện đời trước để thuyết vua Tần dùng võ lực), nhưng Huệ Vương không có chí lớn, gạt đi, rốt cuộc Tô Tần mười lần dâng thư mà thất bại cả mười, tới nỗi:

“Áo cừu đen đã rách, trăm nén vàng đã tiêu hết, thiếu tiền chi dụng, phải bỏ Tần mà về quê nhà, đùi quấn xà cạp, chân đi dép cỏ, đeo đẫy, hình dung tiều tuỵ, mặt mày xanh xạm, có vẻ xấu hổ. Về tới nhà, vợ thản nhiên không rời khung cửi, chị không nấu cơm cho ăn, cha mẹ không hỏi han tới”.

Phần dưới chép sự thành công rực rỡ của Tô Tần. Tủi thân, kích phẫn, Tô Tần học thêm mấy năm nữa, rồi đi du thuyết các chư hầu, lần này đem kế hợp tung ra thuyết, được vua Triệu tán thành liền, phong làm tướng quốc, ngồi xe cưỡi ngựa theo hầu vua Triệu mà liên kết lục quốc. Khi đi du thuyết Sở, ngang qua nhà ở Lạc Dương, thì:

“Cha mẹ Tô Tần hay tin, cọ nhà quét sân, bày nhạc đặt tiệc ra ngoài bốn chục dặm để đón rước, vợ chỉ dám liếc trộm nghe trộm, còn chị thì bò như rắn, lạy bốn lạy, quỳ xuống tạ tội”.

Mỗi chi tiết trong phần dưới đều tương phản với một chi tiết trong phần trên. Tô Tần tuy mưu mô, ham phú quí công danh, nhưng tương đối đứng đắn, đàng hoàng, không xảo trá, phản phúc, nghênh ngang như Trương Nghi.

Trương Nghi nuốt lời, gạt vua Sở, hứa cắt cho Sở sáu trăm dặm, rồi lại chối, nói chỉ hứa có sáu dặm; lúc nghèo túng thì dám xoay tiền cả của hoàng hậu và ái phi của vua Sở mà vua Sở đành ngậm miệng (Sở III 4); lúc đắc thế, thay mặt vua Tần đi thuyết lục quốc thì dùng cái giọng doạ nạt, cơ hồ như bảo nếu không nghe tôi thì bị diệt đấy, đừng có trách là không bảo trước (Triệu II 3, Yên I 6…). Tâm lý đó rất hợp với một vị tướng quốc của một nước mạnh; và nếu Tô Tần, Trương Nghi là những nhân vật tưởng tượng thì tác giả thực là khéo cho họ những tính tình, tâm lý khác nhau đó, vừa hợp với vai trò của họ, lại vừa gây cho ta mối thiện cảm với phe hợp tung và mối ác cảm với phe liên hoành.

Nhân vật Lỗ Trọng Liên chỉ xuất hiện ba bốn lần, nhưng để lại cho ta một ấn tượng sâu và đẹp. Khi Lỗ Trọng Liên can đảm vạch sự tàn bạo của Tần, nói khích Tân Viên Diễn, tướng của Nguỵ, khiến Tân Viên Diễn phải bỏ ý thờ Tần đi – nhờ vậy Tần không dám đánh Triệu nữa. Bình Nguyên Quân muốn phong Lỗ Trọng Liên, Lỗ ba lần từ chối:

“Kẻ sĩ sở dĩ đáng quí ở trong thiên hạ là vì giải trừ được hoạn nạn, cởi bỏ được mối rối loạn mà không nhận một chút báo đáp nào cả. Nếu nhận sự báo đáp thì thành con buôn rồi. Lỗ Trọng Liên tôi không nở làm như vậy”. Rồi ông từ biệt Bình Nguyên Quân, tới chết không còn ai được thấy ông nữa” (Triệu III 12).

Ta có cảm tưởng được ngắm một ngôi sao chổi hiện lên rực rỡ trên nền trời rồi biến mất 4 .

Những truyện Đường Thư không nhục sứ mệnh (Nguỵ IV 25), Phùng Uyên làm thực khách nhà Mạnh Thường Quân (Tề IV 1), Nhan Súc thuyết Tề Tuyên Vương (Tề IV 5), Dự Nhượng (Triệu I 4), Nhiếp Chính (Hàn II 19)… cũng đều đạt tới một mức rất cao về nghệ thuật kể truyện và miêu tả tính tình nhân vật, đều được chép lại gần đúng từng chi tiết, không sửa đổi thêm bớt bao nhiêu, trong những tác phẩm đời sau, chẳng hạn trong bộ Đông Chu liệt quốc.

Cảm động nhất là truyện Điền Đan và Kinh Kha (Yên III 5) đã được người sau viết lại thành tiểu thuyết hoặc dựng lại thành kịch 5 . Trong toàn bộ, truyện này dài nhất. Tần lúc đó đã diệt được Hàn, Nguỵ, đương tiến vào Triệu và sắp tới Yên. Đọc đoạn đầu ta thấy rõ nỗi lo lắng bồn chồn của thái tử Yên là Điền Đan; mấy lần xin quan thái phó tìm cho một kế nào để cứu nước:

“Mưu kế của thái phó mất nhiều thì giờ lắm, lòng tôi lo lắng, rối loạn, sợ không đợi được một khoảnh khắc nữa (…). Gấp quá rồi, vận mệnh Đan tôi quyết định lúc này đây, xin thái phó tính lại cho”.

Khi đã tìm được một hiệp sĩ là Kinh Kha và Kinh Kha nhận qua uy hiếp vua Tần, uy hiếp không được thì giết, Điền Đan đối đãi với Kinh Kha còn hơn bề tôi đối với chúa: đích thân ngày ngày tới vấn an, cung cấp mọi vật trân kỳ, xe ngựa cùng mỹ nữ, và nóng lòng mong Kinh Kha qua Tần.

Cảnh Phàn Ô Kỳ chịu hy sinh, tự vẫn để Kinh Kha chặt đầu mình đem dâng Tần Thuỷ Hoàng đã là cảm động, mà cảnh dũng sĩ qua sông Dịch mới thê thảm làm sao:

“Thái tử (Điền Đan) cùng với khách khứa (…) đều chít khăn tang, bận đồ tang để tiễn đưa (Kinh Kha). Tới bờ sông Dịch, tế thần Đường sá rồi, Cao Tiệm Ly gảy cây đàn trúc 6 , Kinh Kha ca để hoạ nhạc, thanh âm thê thảm, ai nghe cũng nhỏ lệ, sụt sùi. Rồi lại tiến lên trước mà ca rằng:

Gió hiu hắt hề, sông Dịch lạnh tê, 
             Tráng sĩ một đi hề, không trở về.

Lại ca một điệu khảng khái bi tráng, ai nấy đều trợn mắt, tóc dựng đứng, đâm lên mão, rồi mới lên xe đi, không hề ngoái cổ lại”.

Kinh Kha như đã đoán được trước là sẽ thất bại, sẽ chết mà vẫn khảng khái ra đi để tạ lòng tri kỷ là Điền Đan. Và cái chết của Kinh Kha mới hiên ngang làm sao:

“…Kha bị hết thảy tám nhát (kiếm) tự biết là việc không thành, dựa cột mà cười, ngồi xoạc chân ra mà mắng vua Tần”.

Kết cục câu chuyện gây một mối hận môn đời: vua Yên phải giết con là Điền Đan để mong Tần tha tội cho mình, mà Tần cũng không tha. “Về sau bạn của Kinh Kha là Cao Tiệm Ly, gảy cây đàn trúc vào yết kiến Tần Hoàng đế, lấy cây đàn đập Tần Hoàng đế để báo thù cho Yên, đập không trúng, bị giết”.

Con người thời đó quả coi thường cái chết.

Tác giả chỉ khách quan chép lại như vậy, không phê bình gì cả, vì có khéo phê bình tới đâu thì cũng chỉ là làm cái việc vẽ rắn thêm chân, mà đứt mất cái mối cảm xúc triền miên của người đọc.

----
[4] Đời sau Lý Bạch vịnh Lỗ Trọng Liên: “Minh nguyệt xuất hải để, nhất triêu khai quang diệu (…) Ý khinh thiên kim tặng, cố hướng Bình Nguyên tiếu”.

[5] Ở nước ta thời tiền chiến, Trần Huyền Trân đã viết lại thành truyện dài, nhà Tân Dân xuất bản, chúng tôi quên mất nhan đề. Và thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đã viết lại thành kịch thơ.

[6] Một thứ đàn cổ có nhiều dây.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét