Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Thượng đế thì cười

 

Thượng đế thì cười


Nguyễn Khải


tự truyện


Con người suy nghĩ còn Thượng đế thì cười
(Ngạn ngữ Do Thái,
theo lời dẫn của Milan Kundera trong
Diễn văn Zérusalem - Nguyên Ngọc dịch)



1.

Hắn không thể tin được đã sang tuổi bảy mươi lại phải đối mặt với những câu hỏi hết sức vô lý, buồn cười, chỉ có thể hét lên vì giận dữ chứ không thể trả lời. Tại sao hắn phải trả lời, người hỏi đã không có cái quyền được hỏi thì việc gì hắn phải trả lời. Nhưng hắn vẫn không thể không trả lời vì người hỏi là vợ hắn, là người bạn đời từ năm hắn mới ngoài hai chục tuổi, đã ăn ở với nhau gần hết một đời người, đã có con chết con sống, con sống đứa lớn đã ngoài bốn chục tuổi, đứa nhỏ đã ba mươi tuổi, lớn hơn năm hắn làm bạn với mẹ nó những ba tuổi. Năm mới về tạp chí hắn mới hăm nhăm tuổi, anh Thanh Tịnh khoảng ngoài bốn mươi, anh Văn Phác, chủ nhiệm tạp chí cũng mới ba mươi, anh Chính Hữu trẻ hơn một tuổi mới hai mươi chín. Nếu thằng con đầu của hắn còn sống thì nó đã bốn mươi tư tuổi. Nói thế, tức là vợ chồng hắn đã ăn ở với nhau lâu lắm, cùng sống hết một thời, gần hết một kiếp lại chưa đủ để hiểu nhau ư? Chả lẽ từng ấy năm tháng sống bên nhau mà chưa thể là một sao? Hắn và vợ còn là một cặp vợ chồng may mắn, chưa từng phải xa nhau lâu, ngay trong những năm có chiến tranh hắn vẫn đi đi về về, chưa hề ở một chiến trường nào dài quá hai tháng. Còn thời đó nhiều cặp vợ chồng phải xa nhau năm, bảy năm, cả chục năm cũng là chuyện thường. Có một sĩ quan của quân chủng hải quân, từ năm 1960 đã nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển trên những con tầu không số, đi về vài chuyến rồi mất tích. Ðã có giấy báo tử, vợ đã đi lấy chồng khác, đã có một con với người chồng mới thì người chồng cũ đột ngột hiện ra ở khuôn cửa căn hộ tập thể, tóc bạc, da nhăn, chân tay lòng khòng giống hệt ông bố chồng lúc con trai vào chiến trường. Mười lăm năm đã trôi qua, một đời người đã trôi qua. Với người chồng cũ, người vợ cùng sống mới có dăm năm, còn với người chồng mới họ đã sống với nhau gần mười năm. Vậy mà người đàn ông đến sau sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc đang có, tự nguyện ra đi để người ở chiến trường về được bù đắp mọi mất mát. Cặp vợ chồng tái hồi ấy đã sống rất yên ấm bên nhau cho đến tận bây giờ. Cái đạo làm người của một thời cũng đẹp nhỉ, rất đẹp. Còn vợ chồng hắn suốt bốn mươi lăm năm chưa một lần ăn tết lẻ loi, năm ăn tết ở Hà Nội, năm ăn tết ở nơi sơ tán, trong chiến tranh mà lúc nào cũng cặp kè bên nhau nhìn bà con trong xóm cũng ngượng. Ðã vui lẻ là không thể vui hoàn toàn, vẫn cứ phải lén lút thế nào, chả lẽ giữa cảnh chia ly của nhiều nhà lại trưng ra cái cảnh đoàn tụ, cứ như những kẻ đã tách khỏi cộng đồng. Vậy mà tới tuổi già, cả vợ lẫn chồng đã biến hoá thành hai cái túi xương thịt dăn deo, dúm dó, người vợ còn hỏi chồng: "Anh có còn yêu tôi không? Anh có định ruồng bỏ tôi không?" Câu hỏi thì vô lý và buồn cười nhưng người hỏi thì đau đớn, nghiêm trang, mắt nhìn tuyệt vọng như kẻ vừa bị tuyên án tử hình. Lần đầu hắn nghe câu hỏi ấy liền trả lời nửa đùa nửa thật: "Bà nghĩ tôi với bà còn ở tuổi đôi mươi à? Bà đã lẫn rồi à?" - "Anh đừng nói thế, tôi chưa lẫn, tôi hỏi thật đấy". Mặt hắn đã cứng lại: "Sao lúc trẻ không hỏi, nay đã sắp xuống lỗ mới hỏi. Tôi có chung thuỷ với bà hay không thì bà cũng biết, gần nửa thế kỷ sống với nhau lại còn chưa đủ để biết sao?" Người vợ vẫn nhìn hắn bằng lòng mắt đã đục bạc, cặp môi nhăn nhúm tím lợt run khe khẽ: "Thuở trẻ anh không thế, về già đốc chứng nên mới thế, tôi không nói vu cho anh đâu". Chồng bảy chục, vợ sáu mươi lăm, thời trẻ sống với nhau chả ai phải nghi ngờ lòng chung thuỷ của ai, bây giờ sắp chết lại giở trò ghen tuông bóng gió! Cứ như một chuyện hài, một trò hề, không dè lại có ngày là chuyện đau đầu của chính hắn! Hắn vốn thích cười, thích nói đùa, thích thầm thì vào tai bạn bè nhiều nhận xét ngộ nghĩnh về những hành vi buồn cười, những cảnh ngộ dễ bật cười của người này người kia, cũng là những cái cười hiền lành, thư giãn chứ không có ác ý, nếu đương sự có nghe được cũng đành cười rồi bỏ qua. Nhưng cái thằng hay gây cười rồi cũng có lúc trở thành trò cười của thiên hạ, bạn bè đã đe thế, nhưng hắn vẫn cười vì tự nghĩ mình là người biết cách lui tới đời nào chịu làm bung xung để ngươì khác có dịp chọc cười. Mà hoá ra đã từng là một nhân vật gây cười, khi diễn trò thì không tự biết, năm tháng qua đi nghĩ lại mới thấy tức cười. Vậy mà bạn bè lại không nỡ cười, chỉ trách nhẹ, thì ra các vị ấy còn thương hắn thật. Ấy là hai lần xuất chính của một thằng nhà văn vốn được khen là không hám danh. Cả hai lần hắn đều thất bại, mặt mũi lem luốc vì từ chỗ quyền lực chui ra làm sao còn giữ được gương mặt sạch. Người khác bôi lem mặt mình, tự mình cũng vẽ bậy vẽ bạ lên mặt mình, như thằng hề, lại còn nghĩ không ai biết mình đã là hề nên mới dám lên mặt thuyết lý về tâm hồn, về đạo đức, cả về lý tưởng để có được những tác phẩm văn chương để đời! Nó buồn cười là ở chỗ ấy. Nhưng cái buồn cười ở chốn ba quân, nói gì thì nói, mình chỉ là một vai diễn cùng với nhiều vai diễn khác, dẫu là buồn cười thì vẫn có nhiều tiếng vỗ tay, có cả tiếng la hét nên có cái say, cái xuất thần khoảnh khắc của vai diễn, nên mới nói được nhiều câu rất tâm huyết, rất chân thành, nếu ngồi vài người mà thốt lên những lời lẽ đó thì xấu hổ chết được. Ðó là cái buồn cười không tự biết, vì tự mình cũng chưa lần nào dám nhìn thẳng vào cái nghịch lý ấy để thấy hết được tính hài hước của nó. Có lẽ vì hắn là người đã từng làm trò cười trong vai diễn hào hứng của mình, tự thấy mình là người rất quan trọng nên vui lắm, nói nhiều hơn, cười nhiều hơn, da thịt như nở ra vì sự mãn nguyện nên không chỉ đóng vai một lần, còn tiếp tục tình nguyện đóng vai những hai lần, lần sau còn ê chề hơn lần trước, tất nhiên lúc hết vai cũng hơi buồn, cũng hơi xấu hổ, mà nói cho cùng cũng chả có gì đáng xấu hổ, có phải chỉ có một mình hắn tự ra sân khấu, tự múa may mà bảo phải xấu hổ. Riêng lần này thì ngay từ lúc bắt đầu đã thấy nực cười rồi, vì cái trái nghịch, cái vô lý đã được bày ra một cách trơ trẽn, chả có một cái nhân danh đẹp đẽ nào che đậy cả. Chả lẽ nhân danh cái tình yêu vĩnh cửu, già rồi, sắp chết rồi vẫn không trốn khỏi những trói buộc của mình yêu. ở người già hắn chỉ chấp nhận những mối tình ân nghĩa, sự hàn nối, sự bù đắp những cơ hội bị trượt đi thời họ còn rất trẻ. Như mối tình bị trượt đi của bà chị hắn với ông anh rể muộn mằn. Có cái gì rất lặng lẽ, rất ngậm ngùi làm nên cái ý vị riêng trong chút hạnh phúc vớt vát lúc cuối đời. Vợ hắn vừa mếu máo vừa nói: "Lúc nào tôi cũng yêu anh, lúc nào tôi cũng sợ mất anh!" Giọng nói đã thiểu não, cái nhìn càng thiểu não, là cái nhìn tuyệt vọng của một người đã gần mất cả chỗ bám víu cuối cùng. Nhưng sao lại có thể nghĩ được thế nhỉ? Tuổi ba mươi có thể lo sợ sẽ mất hết nếu bị chồng ruồng bỏ. Còn ở tuổi bảy mươi người chồng đã gần như vô nghĩa nếu như họ muốn ra đi. Vì ở tuổi già người đàn bà chỉ cần biết có con với cháu thôi. Mà cái thằng đàn ông là hắn cũng chỉ tha thiết có con với cháu. Nếu như con trai hắn lại nói: "Con rất yêu bố, con rất sợ bị mất bố", thì hắn phải xúc động cả nhiều ngày sau. Vì con cái với tuổi già là tất cả, nó bỏ mình tức là cả cuộc đời của mình đã rời bỏ mình. Ở nó mình đã nuôi trồng chăm bón bằng tất cả máu huyết của mình, tất cả hãnh diện và hy vọng một đời, chúng nó quay lưng lại thì mình chỉ còn là cái túi rỗng rách chứ còn gì nữa. Cũng như tình yêu với tuổi trẻ là tất cả. Tuổi trẻ có thể chết vì sự tan vỡ của một cuộc tình. Ấy là nói cái thời sự lãng mạn còn chi phối toàn xã hội. Còn ở thời này tất cả đã là sự tính toán rất tỉnh táo, thì mất một mối tình chàng trai hay cô gái chỉ buồn nhiều lắm khoảng một tháng, có bao nhiêu trò chơi rất công nghiệp sẽ bù đắp nhanh chóng khoảng trống ấy. Tiếng kêu rất não nuột của người vợ chỉ làm hắn kinh ngạc và thương hại. Nghĩ lại một chút còn hơi buồn cười. Cái buồn cười bao giờ cũng nảy sinh từ sự trái nghịch. Người đã già lại thốt ra những lời yêu đương của bọn trẻ là dễ buồn cười vì nó không thuận tai. Người đã già lại cố có những biểu hiện của tuổi thanh niên, bước đi nhảy nhót, mắt mũi đong đưa, nói năng ỏn ẻn lại càng dễ gây cười vì nó vừa nghịch tai vừa nghịch mắt. Trong cái trò chơi ghen tuông lạc điệu nếu một người bật cười phảy tay đứng lên thì trò chơi lập tức chấm dứt. Mọi màn hài kịch sẽ sớm chấm dứt nếu một người trong cuộc chợt nhận ra cái buồn cười của thân phận phảy tay bước ra. Nhưng hắn đã không bật cười, không phảy tay đứng lên mà lại tự trói mình bằng những lời thanh minh dài dòng, càng nói càng mất bình tĩnh, càng giống một người có tội thật đang cố gắng tự biện hộ. Và tấn hài kịch gia đình không những không thể chấm dứt ngay mà còn kéo dài tới hai năm sau, tới tận bây giờ.




2.

Người bảy mươi tuổi lại phải đối mặt với một nghịch cảnh, thoạt nghĩ là chuyện buồn cười, chuyện trẻ con, muốn chấm dứt lúc nào cũng được, không dè cứ phải dấn sâu vào mãi, mỗi ngày một trầm trọng thêm, mỗi ngày càng tự làm mình hao mòn đi, tự đánh mất mình đi, và có lúc đã nghĩ chỉ có cái chết mới tự giải thoát được. Một đời người lại được kết thúc bằng cách ấy thì buồn cười lắm, oan uổng lắm. Với hắn vẫn tự xem là người biết lui tới, luôn luôn tìm được lối thoát trong mọi thế kẹt thì cái tình huống hiện tại còn là một đòn trừng phạt rất cay nghiệt, rất đáng đời, một tiếng cười dài trong những trò chơi bất tận của thượng đế. Bởi vì hắn là một thằng đàn ông rất lãnh đạm, rất nhạt nhẽo trong địa hạt tình yêu những năm còn trẻ thì lại bị vu là có ngoại tình lúc đã về già; là người thích lý lẽ, lý lẽ trong văn chương, lý lẽ trong ứng xử thì lại va đầu vào sự câm lặng và điếc đặc trước mọi lý lẽ; là người thích sống bằng sự tỉnh táo thì lại bị bọc chặt bởi sự phi lý khiến hắn dần dần cũng trỏ nên ngu muội. Như người bị nhấc khỏi môi trường sống quen thuộc quăng vào một môi trường sống rất khác lạ, trong đó hắn bị tước đoạt mọi kinh nghiệm, mọi thói quen, mọi phán đoán, kể cả cái lợi khí vẫn giúp hắn vượt qua mọi trở ngại là ngôn ngữ cũng hoá ra bất lực. Tức là hắn đã rơi vào một hoàn cảnh mà tất cả đều đối nghịch với hắn, đều trở thành khắc tính, thậm chí một nửa của hắn cũng thù ghét với cái nửa còn lại. Cứ như đang bị đuổi bắt trong một giấc mơ mà kẻ đuổi bắt mình không rõ hình thù là người hay là vật, là người sơ hay kẻ thân, là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Chỉ là một cái khối luôn thay đổi hình dạng dồn đuổi mình, và hắn do bản năng tự vệ cứ thế chạy, cũng chả hiểu sao lại phải chạy nhưng nếu không chạy thì hắn sẽ bị tan biến trong nó, thành chính nó, trở thành một phần tử của cái khối khủng khiếp ấy. Nhưng dẫu sao thì hắn vẫn cứ chạy được, dưới mặt đất cùng đường thì hắn vọt bay lên, bao giờ cũng bay cao hơn, bay xa hơn cái khối sát nhân một quãng. Trong nhiều giấc mơ dài ngắn từ trẻ đến già hắn hay bị vây bủa trong những tình huống bị mất danh dự đến tột cùng. Chẳng hạn như ăn nằm với một người đàn bà xa lạ và bị bắt quả tang. Hoặc lấy cắp tiền và cũng bị bắt quả tang. Trong đời một người đàn ông hắn chưa từng ân ái với một người đàn bà nào ngoài vợ hắn. Nhưng phản bội vợ trong tưởng tượng, trong thèm muốn thì luôn luôn có, gặp một người đàn bà đẹp lớn tuổi hơn hoặc nhỏ tuổi hơn là hắn lập tức nghĩ ngay tới những mối quan hệ bất chính dẫu biết chắc rằng sẽ không bao giờ có thể có. Những ẩn ức của đời thường đã tìm được lối thoát bằng những giấc mơ chăng? Nhưng cả đời hắn chỉ phạm tội ăn cắp có một lần, lấy một cuốn truyện tại nhà thầy giáo năm còn học tiểu học. Còn khi đã trưởng thành hắn chưa từng lấy cắp công của ai, lấy cắp danh của ai, lấy cắp tiền của ai. Riêng trong nghề văn, nói cho thật, cũng có lấy cắp một cách nghĩ, một cách nhìn, một cách viết không chỉ của một vài vị tiền bối mà còn của mấy bạn văn mới bước vào nghề. Lấy cắp của người khác chưa từng là một ám ảnh trong hắn tại sao nó lại biến hoá vào những giấc mơ của hắn. Chắc là cái ám ảnh phạm tội thời còn thơ ấu. Những người gây nên nỗi ám ảnh dai dẳng này lại là bố hắn, mẹ già của hắn, các chị hắn và ông anh rể của hắn. Một đời người chưa lúc nào hắn quên được toà án gia đình ngồi quây quanh cái bàn ăn trong ngôi nhà cổ của phố Hàng Nâu, Nam Ðịnh, và cái giọng lên án lạnh lùng của ông bố: "Tại sao mày lại lấy tiền của các chị mày..." Và bà mẹ già nói nhẻ nhót trong cái nhếch mép như hơi cười: "Con thiếu tiền sao không nói với mợ? Hay là đẻ con cần tiền?" Những lời nói lạnh buốt ấy khiến hắn, một thằng trẻ con mới lớn, vỡ ra thành những mảnh băng nhỏ, và cái nhúm băng nát vụn ấy ngay lập tức đã tan thành nước. Trong mấy chục giây hay lâu hơn hắn không rõ, hắn đã mất biến trên cõi thế gian này, đã chưa từng tồn tại, cho tới lúc bà gắt to với các cô con gái: "Có làm gì thì làm đi! Từ nay có tiền thì phải giữ!" Vì từ nay trong gia đình đã xuất hiện một thằng ăn cắp! Hắn bàng hoàng mất mấy ngày nhưng rồi hắn cũng vượt qua được, vì hắn đã nhận ra cái tội của hắn không phải tội ăn cắp mà là cái tội khó nói hơn, cái tội là con thêm con thừa, đứa con không mong đợi của một ông bố vì chót mê say thêm một người đàn bà mà có đứa con thêm này. Ðó là lầm lỗi của người lớn, hắn chả có tội gì trong cái lỗi của họ. Nửa năm sau hắn lại bị vu là thằng ăn cắp ở nhà ông anh rể. Anh là ông chủ của một cụm cửa hàng bách hoá ở một đường phố lớn của Hải Phòng. Anh kéo hắn vào căn phòng làm việc của anh vào một buổi sáng, nói thẳng với hắn là hắn đã mở cửa dắt người quen vào lấy đi một cúp-pông len ở quầy bán len dạ. Cũng vẫn cái lý lẽ, ở nhà này trước đây chưa hề mất mất bất cứ cái gì, từ ngày hắn đến ở mới... Rồi anh giúi vào túi áo hắn một tờ bạc một trăm, tiền Ðông Dương, bảo hắn về Hà Nội ở với mẹ chữa cho khỏi cái bệnh lở rồi anh chị sẽ gọi là ra Phòng. Trên chuyến tàu trở lại Hà Nội hắn chả buồn một tí nào, chả xấu hổ một tí nào, vì hắn tự biết cái tội của hắn không thuộc về hắn, chỉ là mưu mô của những người lớn tìm cớ đuổi hắn đi để họ khỏi gai mắt, mà mẹ hắn cũng chả có cớ gì để trách oán họ cả. Nó hư thế thì anh chị nào dám giúp, chứ không phải không muốn giúp.


Nỗi kinh hoàng bị vỡ ra, bị tan ra thành những mảnh băng nhỏ trong những giây đầu của một người lương thiện bỗng dưng bị vu là phạm tội mãi mãi hằn sâu trong tiềm thức của hắn, mãi mãi hắn hãi sợ mọi yếu tố có thể cấu thành tội phạm. Hắn sợ đã vô tình đắc tội với Nhà nước, với Ðảng, với tổ chức, với cả bạn bè. Nhưng với vợ con thì không, vợ con là của riêng hắn, sống cho hắn, vì hắn, và hắn cũng đã tự nguyện hy sinh một đời mình cho họ. Có đúng thật thế không? Hình như không hoàn toàn là thế. Vợ hắn đã nói trong một lần giận dữ (giận dữ vì hắn cứ khăng khăng nói rằng hắn không hề có ngoại tình, hắn chỉ biết có vợ với con, hắn phản đối mọi sự vu khống!): "Nếu anh ruồng bỏ tôi để sống với một người đàn bà khác lúc cuối đời thì tôi sẽ viết thư cho tổ chức Ðảng yêu cầu khai trừ anh ra khỏi Ðảng, tôi sẽ viết thư gửi các tờ báo lớn tố cáo cái bộ mặt đạo đức giả của anh cho bạn đọc cả nước biết anh là một thằng chồng phản bội, một ông bố khốn nạn, một người đáng khinh bỉ, không xứng đáng cầm bút". Thì ra vợ hắn vẫn còn một chỗ dựa khác vững chắc hơn nếu bà ấy muốn loại bỏ hắn, đó là tổ chức Ðảng, là dư luận bạn đọc qua báo chí. Bà vẫn còn đủ sức mạnh để kết tội hắn, dẫu bà chẳng có chứng cớ gì để xác minh là hắn đã phạm tội. Vợ hắn nói: "Tôi cần gì phải có chứng cớ, tự tôi là một chứng cớ. Ai chả biết năm còn trẻ tôi rất khoẻ mạnh rất xinh đẹp, sau mấy chục năm hầu chồng hầu con tôi mới ra nông nỗi này, không còn là người nữa, là một con vật xấu xí, bệnh tật, bẩn thỉu như nắm giẻ. Nên anh mới phụ tôi, mới chê tôi..." Hắn vẫn còn khoẻ mạnh, vẫn là một ông già đẹp lão ngồi cạnh một bà vợ còm cõi, hai tay run rẩy, tóc bạc quá nửa, mắt luôn nhìn xuống, quả thật bố con hắn hết sức có tội, chả cần chứng cớ gì thêm, chỉ thế thôi cũng đủ là người có tội, dẫu là một cái tội chưa bao giờ hắn có, tội ngoại tình. Nhưng cũng chả nên trách vợ hắn, vì muốn tự cứu bà phải tách khỏi hắn ra, để tự do lên án cái nửa kia vốn vẫn là của riêng bà. Còn hắn thì sao? Ðã có nhiều trường hợp tự hắn cũng phải nói ngược lại niềm tin của mình, tự kết tội mình, dẫu hắn chả có tội gì cả để cứu lấy cái nghề mà hắn không thể rời bỏ. Nếu hắn không có tội vậy tổ chức nói sai ư? Dư luận xã hội nói sai ư? Có thể trước đó cái tội của hắn còn mơ hồ, đe nẹt phòng ngừa trước chứ chưa hẳn đã là tội, nhưng vì hắn cố cãi rằng hắn không có tội, vậy cái tổ chức kết án hắn có tội hay sao? Chính là sự tự biện hộ, tự bào chữa một cách ngang bướng đã khiến cái tội mơ hồ thành một tội cụ thể, tội chống đối lại tổ chức! Nên hắn thường tự nhận tội trước khi tổ chức chính thức kết tội. Vả lại chính hắn cũng tự thấy mình là có tội, cái tội đã làm tổ chức phải phiền lòng, phải khó nói vì mình, chả lẽ như thế lại không phải là một tội sao?

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Đi tìm cái tôi đã mất

Đi tìm cái tôi đã mất

Tuỳ bút chính trị cuối cùng (2006) của nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008)

1.

Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết, người rã ra, đọc sách cũng nằm, đọc được mười lăm phút chữ nghĩa đã loè nhoè, chả rõ mình đang đọc cái gì. Rồi ngủ. Ngủ như chim, một chớp mắt đã tỉnh, tiếp tục đọc nốt cái nửa trang đọc dở vẫn cứ lờ mờ vì chả còn nhớ họ viết cái gì trong cái nửa trang vừa đọc. Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc. Thế là lại buồn, ra vào ngẩn ngơ cả tháng. Rồi quyết định ra chơi ngoài Bắc, trở lại quê ngoại là nơi tôi đăng ký tòng quân năm 1946, cũng là nơi tôi tập tọng viết những bài báo kháng chiến đầu tiên in litô vào năm 1949. Nó mở đầu cho nhiều chục năm tiếp theo, vừa là anh bộ đội vừa là nhà báo nhà văn. Cái thị xã quạnh quẽ, tơi tớp, tối tăm, toàn một màu xanh và đen những năm nào, giờ đã biến hoá thành một quận của Hà Nội hay Sài Gòn hôm nay. Lại nhớ tới những dãy phố ngắn ngủi, nhà thấp, hè hẹp, rợp bóng nhãn, mặt người hiền lành, dáng đi thong thả, thị xã như cái làng lớn, đi một đoạn đường phải chào hỏi không biết bao nhiêu là người vì toàn người quen cả. Năm chục năm sau, trở lại cái thị xã của tuổi mới trưởng thành, mà là trở về lần thứ ba (hai lần trước cách đây đã hơn hai chục năm) , cái mảnh đất thân thuộc đã hoá ra xa lạ. Đạp xe cả ngày chả gặp người quen nào, hoặc có gặp nhưng đã là hai ông già ở tuổi bảy mươi làm sao nhớ lại gương mặt của nhau cái thời mới mười tám đôi mươi. Lần về thứ hai vẫn còn ba người quen cũ, một người là Thuận, đại tá về hưu, một người là Tùng, trung đội phó, một người là Mễ, tiểu đội trưởng là những cấp chỉ huy đầu tiên của tôi trong cuộc sống quân ngũ. Lần này về gặp anh Thuận, cũng là ông chủ báo đầu tiên của tôi, anh hơn tôi vài tuổi. Còn hai người kia đều mới mất ở tuổi ngoài bảy mươi cả. Đường phố không quen, mặt người không quen, còn lại một ông bạn thân tối ngày đi họp, đủ các thứ hội hè để ông đến họp, vẫn là cái khát khao của người đã già, đã nghỉ hưu có dịp gặp lại bạn cũ, trò chuyện là chính, nhắc lại chuyện ngày xưa là chính, rồi than thở, đủ thứ than thở, chuyện nhà chuyện nước. Cũng buồn nhỉ ? Chuyện người già có vui bao giờ, người đã xong một việc có làm gì cũng không thể vui. Vì tôi là người có gốc địa phương nên tỉnh uỷ có gặp và mời ăn một lần cho phải phép. Nhưng nhìn những gương mặt quan chức của tỉnh hôm nay mà kinh ngạc. Mặt người nào cũng đầy những múi thịt, sần sùi, nói nhiều, cười to, lời lẽ nhạt nhẽo, dung tục, và không bao giờ nhìn thẳng vào mặt mình để nói, cứ như là đang nói với một ai khác ngồi cạnh mình hoặc ngồi sau mình. Bữa sắp về Hà Nội, bí thư tỉnh uỷ lại mời gặp, không phải là gặp chính thức mà là cùng ngồi ăn sáng với ông vì ông cũng đang bận. Buổi gặp vừa hình thức vừa khó chịu vì chỉ có người lãnh đạo của tỉnh nói, nói như người rao hàng, mắt nhìn đâu đâu, bụng nghĩ đâu đâu. Tôi chỉ còn nhớ một chuyện, có một ông tướng, là danh tướng, người địa phương, có đem một giống hoa lạ từ Hà Nội về, tự tay ông trồng ở vườn hoa của tỉnh uỷ vì phải chọn đúng ngày, đúng giờ, cả đúng hướng nữa mới đem lại thịnh vượng, hạnh phúc cho dân trong tỉnh. Thật vậy sao ?

Trong mấy ngày xuống xã vừa vui vừa buồn. Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn dở, dở nhiều hơn hay. Tôi về một xã, xã cho tôi ở nhà một anh bưu tá, lúc rảnh rỗi hỏi chuyện gì anh cũng bảo không biết. Ở xã ba ngày, đảng uỷ, uỷ ban không ai tiếp cả. Có một buổi tối có một anh chàng to béo đến chơi với gia đình, cả vợ lẫn chồng nhà chủ ăn nói thưa gửi, bộ điệu khúm núm. Anh ta ngồi ưỡn người trên ghế tựa, hai chân xoạc rộng, hai bàn tay đặt lên bụng, nói hỏi trống không, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi nhưng không hỏi gì, chào cũng không, mắt nhìn cứ lừ lừ, mà hắn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu. Tôi cứ nghĩ tay này hẳn là dân buôn bán ở tỉnh có họ hàng gì với anh chủ nhà, tạt qua chốc lát rồi đi. Nhưng anh bưu tá lại bảo đó là ông chủ tịch xã. Lại một ngạc nhiên nữa ! Mấy ngày sau lại về một xã thuộc phía Bắc tỉnh. Cách đây đã ba chục năm tôi đã đi đi về về xã đó khoảng một năm để viết về một anh chủ tịch xã chưa tới ba mươi tuổi trong cái thời có cao trào lập hợp tác xã nông nghiệp. Ngồi chơi ở phố huyện kề liền xã bất ngờ lại gặp người quen cũ của mấy chục năm trước. Hiện giờ ông ấy đã ngoài sáu chục tuổi, có cửa hiệu chụp ảnh ở ngay phố, to béo, rềnh ràng, chuyện gì cũng biết, lại biết cách thuật lại về mọi cái biết của mình một cách sống động, tươi rói, nghe chuyện mà tưởng như chính mình cũng được chứng kiến. Nhà văn mà gặp được một người như thế là có thể nghĩ ngay một cuốn sách sẽ viết, viết cũng nhanh thôi, vì mọi vật liệu đã sẵn sàng. Bao nhiêu chuyện xui xẻo, buồn bã của chuyến đi bất thần được đền bù quá hậu hĩ nhân một lần gặp lại người quen cũ. Đang mừng khấp khởi liền bị mấy ông xã nhảy vô phá đám, đi một bước có trưởng công an xã theo một bước, vừa là người hướng dẫn vừa là người bảo vệ. Chỉ được trò chuyện với người đã được xã giới thiệu và ăn ngủ tại nhà ông bí thư xã. Nhưng tôi đâu có chịu thua hoàn toàn. Xuống cái xã bị ghẻ lạnh thì tôi chơi với dân, viết về một ông nông dân bị giời hành, được bạn bè khen là rất khá. Về cái xã được chiều chuộng quá mức tôi viết được cái bút ký “Mất toi một cuốn sách”. Sang tuổi 70, mọi hoạt động của con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người.


2.

Tôi là một đứa trẻ khi bước vào đời có nhiều điều thua thiệt nhưng tôi đã biết níu chặt lấy thời thế mà leo dần lên. Tôi nói thế chả phải vì cái thói cơ hội, thời này có mấy ai thích nói mình thành tài là nhờ cách mạng. Nhưng có nhiều người được cách mạng ôm hẳn vào lòng nâng niu, vỗ về mà vẫn không nên người thì sao ? Là vì họ còn thiếu một yếu tố nữa, thiếu cái đó dầu họ có được bước trên thảm đỏ, kẻ nâng người dắt một đời vẫn không ra con người tử tế. Mà tôi thì có, có dư thừa. Ấy là cái tính hài hước bẩm sinh, trước hết là biết giễu mình, theo dõi từng bước đi, từng câu nói của chính mình bằng cái nhìn của người khác vừa nghiêm khắc vừa bỡn cợt. Sau mình đến người, tôi cũng hay nhìn ra cái khía cạnh buồn cười ở người khác dầu họ xuất hiện dưới cái vỏ trang trọng đến thế nào. Cái buồn cười là cái trái nghịch trong cùng một người, kẻ vô luân nói chuyện đạo đức, tên ăn cắp dạy dỗ phải bảo vệ của công, người hống hách lại là tên nịnh bợ bậc nhất. Nếu tán rộng ra thì còn vô vàn chuyện buồn cười mà ta bắt gặp ở mọi nơi, trong mọi thời gian của cuộc sống. Anh dốt thường làm ra vẻ thông thái, thằng nhát rất thích xuất hiện như người anh hùng, một chính khách đầu óc rỗng tuếch luôn tỏ ra uyên bác bằng những lời nói vô nghĩa. Nếu những người đó có được một chút hài hước, có khả năng tự ngắm mình trong khi diễn trò thì họ sẽ biết cách tự kiềm chế trong một giới hạn nào đó.

Muốn có cái mình không thể có không chỉ là chuyện buồn cười mà còn là căn bệnh không thể cứu chữa của nhân loại. Các triết gia, giáo chủ cũng không thoát khỏi cái trò cười ấy. Họ muốn cho nhân loại cái họ không thể có, muốn cứu nhân loại bằng những phương tiện nhiều lắm chỉ đem lại mê say tự huyễn hoặc mà thôi. Học thuyết xã hội hay tôn giáo khôn ngoan phải là học thuyết mở, có thể là thế này mà cũng có thể là thế khác, luôn luôn biến hoá, lấy sự biến hoá của thời thế và con người làm mục tiêu tối thượng để tự điều chỉnh. Học thuyết là do con người làm ra, một trí tuệ sáng láng nhất vẫn cứ bị ràng buộc bởi nhiều vòng tự giác và không tự giác của thời thế, của cuộc đời. Bởi vì họ không thể là Thượng Đế để biết hết vô vàn nguyên nhân những tác động qua lại, uốn éo, bất ngờ của nó đưa đẩy mọi sự vật tới những thay đổi rất nhỏ, không mấy ai chú ý, cuối cùng là những biến thiên cực lớn. Chả có học thuyết nào dự đoán đúng những gì sẽ xảy ra trong tương lai và cũng chẳng thể dự đoán được cái kết cuộc của nhiều sự việc đang xảy ra trong hiện tại. Mọi lời tiên tri đều có tính mê sảng, đồng cốt. Dành cả một thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy, về già nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì.

Đường chúng ta đi




Đường chúng ta đi 

LTS: Hơn 40 năm trước, Nguyễn Trung thành (Bút danh đi B của nhà văn Nguyên Ngọc) gửi tới Tòa soạn Báo Văn nghệ Tùy bút Đường chúng ta đi. Tác phẩm ngay lập tức được bạn đọc nồng nhiệt chào đón bởi hơi thuở hùng tráng và trữ tình của đất nước – Hơi thở của người lính ngày mai ra trận chiêm nghiệm về vận nước, nghĩ suy về thời đại. Không ai tính được bao nhiêu người đã ra trận giành chiến thắng bởi các tác phẩm văn học; Nhưng người ta tính được cái giá của độc lập tự do bằng máu của nhiều thế hệ Việt Nam, trong đó có các nhà văn xung trận. Đường chúng ta đi với những người trẻ tuổi hôm nay cũng gian khổ. Nhưng, là sự gian khổ đã có vinh quang của ngày 30.4 để mà bước tiếp trên con đường xây dựng một đất nước giàu mạnh...


Đêm nay là một đêm chuẩn bị. Ngày mai chúng tôi sẽ ra trận.

Chúng tôi đóng trong làng. Bây giờ đã khuya, bốn bề đều im lặng. Cho đến ngôi sao xa ngoài khung cửa cũng đứng im, lóng lánh như giọt nước mắt vui lặng lẽ của người vợ ở quê ta gặp chồng sau mười năm trời gian lao và cách biệt. Gió se lạnh, thoang thoảng hương lúa lên đòng, thơm như sữa một người mẹ trẻ.

Tôi nằm đã lâu, không ngủ. Không sao ngủ được. Có gì đấy, vừa êm ả vừa trào sôi đang dậy trong lòng tôi, người lính đêm nay.

Sáng mai chúng tôi sẽ ra trận. Đội trưởng của chúng tôi nói:

- Ngủ đi, ngủ cho ngon. Mai sẽ làm một trận tiêu diệt thật gọn!

Tôi nghe lời, nhắm mắt, rồi mở mắt. Không ngủ được. Sáng mai chúng tôi sẽ ra trận. Tôi bồi hồi suy nghĩ vì việc đó ư? Không, tôi là một người lính cũ. Trong đời tôi, đêm nay là đêm chuẩn bị ra trận lần thứ bao nhiêu rồi, cũng không còn nhớ rõ. Điều gì đây? Có gì đây đang trào dậy trong lòng tôi, như một linh cảm mơ hồ, như một hơi men cay, một cơn sóng ngầm xao động ở tận chỗ sâu kín của tâm hồn.

Tháng Ninh Nông


Tháng Ninh Nông


Nguyên Ngọc


Tôi đã làm một chuyện dại dột: Tôi đi Mường Hon đúng giữa mùa mưa... Nhưng bạn đã nghe nói đến Mường Hon bao giờ chưa? Thế này nhé: Tây Nguyên cao nhất có ngọn Ngok Linh, đâu những trên hai ngàn rưỡi mét. Còn Mường Hon thì là cái làng cao nhất, thuộc một tộc người gọi là người Tơ Trá, treo lơ lửng trên sườn ngọn núi quanh năm trắng mây đó, ở độ cao gần hai nghìn mét trên mặt biển.

Đi Mường Hon bao giờ và bằng đường nào, hoặc từ phía Trà My Quảng Nam vượt một đèo thẳm mà sang, hoặc từ phía Dak Tô, Dak Glei, Dak Pét leo ngược lên, cũng là một cuộc phiêu lưu. Vậy mà dám đi giữa mùa mưa, thế mới liều.

Mùa mưa rừng Tây Nguyên ai đã từng nếm qua, hẳn nhớ đời. Dầm dề, dai dẳng, mịt mùng, một tháng, hai tháng, ba tháng, bốn tháng, năm tháng trời. Mỗi mùa mưa lại như một lần khai thiên lập địa trở lại. Từng trái núi khổng lồ đổ ập xuống, và lưng dãy núi dài cao vút mọc lên (?), những hố sâu hun hút đột nhiên toác ra ở chỗ mới hôm trước là đất bằng, rừng già. Những con sông lớn ngoắt một cái, đổi ngược dòng... Nước, nước, nước, mênh mông, miên man, bất tận...

Đi Mường Hon mùa này, ắt phải có một tiếng gọi nào đó da diết, dữ dội, sâu thẳm lắm. Tôi có một tiếng gọi như vậy: Năm 1968, bị giặc phản công đánh tan tác, chúng tôi đã chạy lên đây. Và cái làng Tơ Trá xơ xác bấy giờ đâu chỉ có mười nóc nhà ấy đã nuôi chúng tôi. Ôi cái làng Mường Hon nhỏ bé ấy của tôi. Họ cũng đang bị đói và bị giặc đánh tơi tả rồi, ấy mà họ vẫn nuôi chúng tôi, nhịn từng hạt bắp cọng rau mà nuôi. Mà ít gì đâu, cả mấy đại đội. Ai từng ở rừng cũng biết: đã đói thì bệnh, sốt rét rừng tấn công kịch liệt. Tôi bị một trận sốt ác tính, cái chết mười phần đã cầm chắc đến tám, chín. Về sau nghe anh em nói lại là đã hôn mê, khi tỉnh lại suốt mấy ngày vẫn còn trong trạng thái mơ mơ mòng mòng. Nhưng tôi không tin rằng vì cái trạng thái mơ mòng đó mà tôi thấy cô ấy đẹp đến vậy.

Vâng, có một cô gái, một cô gái Tơ Trá ngồi bên tôi lúc tôi tỉnh dậy.

Ngày nay nhớ lại, tất cả đều như trong một giấc mơ; chắc chắn là thực chứ, bởi vì chính là tôi mà, cuộc đời tôi, số phận của tôi, cuộc phiêu lưu của tôi, nhưng sao vẫn có cái gì đó cứ như là hư ảo vậy, như một ảo ảnh tôi thoáng được rồi thoáng mất, thoáng có rồi thoáng không, hiện thực đến da diết, đôi mắt ấy, bởi vì khi vừa tỉnh lại thì điều đầu tiên tôi nhận ra là một đôi mắt đen lạ lùng, âu yếm và thương yêu lạ lùng. Và tôi chợt hiểu ra ngay rằng tôi còn sống, đó là sự sống và tôi đã gặp lại được nó, bởi vì chỉ có sự sống mới có thể đen láy đến vậy, long lanh thương yêu mặn nồng và âu yếm đến vậy. Rồi mái tóc hơi xoăn vốn đặc trưng của người Tơ Trá. Khuôn mặt trái xoan gầy, và cả khuôn ngực thanh xuân nữa. Con gái Tơ Trá ngày trước vốn để ngực trần, khoe sắc xuân kiêu hãnh như hai chồi xà-nu nhọn hồng của họ, từ khi có bộ đội đến họ mới khoác hờ một tấm vải thô pha trộn e thẹn và táo bạo, cả khiêu khích hay khao khát nữa cũng có thể, kỳ lạ... Không, có thật mà, cô gái ấy, tôi đoán đấy. Bởi vì chính cô mớm cho tôi chút nước bắp nhai nhỏ đầu tiên. Tôi đã nói rồi đấy, còn gì có gạo cái thời sau Mậu Thân quân thù lồng lên điên dại cố cắn nát ta ra ấy. Một hạt cũng không còn, mọi người đều ăn rau rừng. Những trái bắp cuối cùng là chỉ dành cho người già, trẻ sơ sinh, thương binh và bệnh binh thật nặng. Cô gái đã nhai nhão những hạt bắp khô mớm cho tôi. Tôi hứng từng tí một và nghe rõ lắm cái vị đắng đậm đà của bắp già hong lửa xà-nu, vị nước miếng mặn ấm và vị mát ngọt của đôi môi cô gái... Tôi đang ở ranh giới bấp bênh giữa cái sống và cái chết. Đôi môi khô cháy sốt rừng ác tính của tôi như níu lấy đôi môi cô gái; đôi môi vừa mát vừa ấm, vừa mặn vừa ngọt ấy kéo tôi về phía sự sống.

Hồi bấy giờ gọi là làng Mường Hon, nhưng thực ra làm gì còn có làng. Chỉ còn những căn lều chui lủi trong các bụi lau lách um tùm, cố phân tán thật xa nhau để đỡ bớt tổn thất vì B52.

Cô gái nuôi tôi trong một căn lều nấp trong một bụi lách già, tôi cũng không thể biết ai đưa tôi đến đây, đồng đội của tôi đang ở đâu, vì sao chỉ có mình cô với tôi trong căn lều này, và cô một mình đã giành giật tôi với thần chết như thế này đã bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm. Vật lộn giành giật một mình, bằng thương yêu và can trường. Tôi chết đi rồi sống lại, mê rồi tỉnh, không biết bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần tỉnh, lại thấy một nụ cười trên khuôn mặt đầm đìa nước mắt và đẹp lạ lùng ấy. Và sau đó áp xuống môi tôi là đôi môi mặn ngọt mát ấm của sự sống, tôi cố đưa cánh tay để níu lấy, ôm lấy, siết chặt và giữ mãi sự sống ấy...

Bọn lữ dù 101 Mỹ chưa chịu buông tha chúng tôi. Đánh bật chúng tôi từ bên kia núi Ngok Linh sang bên này rồi, biết chúng tôi đã đuối sức, chúng tiếp tục truy tìm ráo riết. Và chúng phát hiện ra được dấu vết của chúng tôi ở cái làng Mường Hon cheo leo sườn núi thẳng đứng này. Lại B52, lại phản lực ném bom cháy núi, cháy rừng. Lại trực thăng cá nóc vãi rốc-két như mưa. Và trực thăng sâu róm đổ quân vây bủa...

Tôi không nhớ được người ta đã khiêng tôi đi như thế nào, ai khiêng, đi đâu và làm sao mà thoát được vòng vây của chúng nó dày đặc thế... Đến lúc tôi tỉnh hẳn, ngồi dậy và nói được, thì đơn vị xơ xác của chúng tôi đã ở cách xa Mường Hon đâu đến bốn hay năm mươi cây số đường rừng rồi. Và không còn cô gái Tơ Trá nào bên tôi nữa...

Chẳng lẽ tất cả chỉ là một ảo ảnh trong lúc tôi đang đứng chênh vênh lơ lửng giữa sự sống và cái chết, như cái làng Mường Hon nhỏ bé kia muôn đời treo lơ lửng trong mây trắng sườn Ngok Linh? Nếu vậy thì tôi ở lại mãi trên cái mép sinh tử chênh vênh ấy, chẳng thèm trở về bên cõi sống trần thế này làm gì đâu!...
Một phần tư thế kỷ đã qua rồi đấy. Cô gái ấy là ai, tên là gì, có thật không?... Chẳng ai trả lời tôi được cả...

Nước ta vốn cong hình chữ S, nên chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn, chọn đường ngắn nhất, đã bay nửa chặng đầu băng qua biển, còn nửa chặng sau, từ Đà Nẵng về phía nam, nó bay qua Tây Nguyên. Hai mươi năm nay đã biết bao nhiêu lần tôi bay Hà Nội - Sài Gòn, Sài Gòn - Hà Nội, lăng xăng bận bịu trăm nghìn công chuyện nhiều khi rất có thể là vô tích sự. Lúc nào qua Ngok Linh tôi cũng chong mắt nhìn xuống, thường chỉ thấy một biển mây. May mắn cũng có đôi lần trời quang, cả một dải sườn Ngok Linh thăm thẳm hùng vĩ trải dài ra dưới xa kia, cách ba nghìn, năm nghìn hay tám nghìn mét. Cái làng Tơ Trá ngày xưa của tôi ở đâu, trong thời gian hun hút và trong không gian trập trùng, hỡi rừng?... Có cô gái Tơ Trá nào, không, người đàn bà Tơ Trá nào dưới kia đang ngước nhìn lên chiếc máy bay đang thản nhiên bay qua kia, mà biết rằng trên đó có một người con trai một phần tư thế kỷ trước mình đã dùng đôi môi trinh nữ mớm từng chút sữa ngô nghĩa tình mà nuôi sống, nay đã bạc quá nửa mái đầu rồi, vẫn không sao nguôi được nỗi canh cánh như một món duyên nợ tiền kiếp vừa thực lại vừa hư?...

Tôi có một tiếng gọi như thế đấy ở Mường Hon. Cho nên tôi có điên khùng liều lĩnh đi Mường Hon đúng giữa mùa mưa, thì cũng đáng điên một lần trong đời, phải không? Tôi có chút việc lên huyện Đak Glei và từ Đak Glei đi Mường Hon chừng sáu hay bảy chục cây số. Ở tuổi tôi, hầu như chắc chắn đây là cơ hội cuối cùng để trở về Mường Hon...

*

- Ông điên hả? Đi Mường Hon mùa này, bộ muốn chết à?

Anh bí thư huyện ủy trố mắt hỏi.

- Muốn chết thì chưa, nhưng điên thì có - Tôi cười.

- ... Nói thiệt, mình có một nhiệm vụ quân sự mật, nhất thiết phải đi. Các ông cho mình mượn chiếc U-oát kha khá, mọi trách nhiệm mình chịu...

Cậu lái xe rất trẻ, tên là Ngọc Anh. Mưa như thác đổ. Đường thăm thẳm dốc, cua tay áo liên tiếp, be bét bùn đất đỏ như máu, suốt mấy chục cây số toàn một bên vách đứng một bên vực sâu đen ngòm. Ngọc Anh nổi tiếng là tay lái lụa khắp vùng rừng núi này, lái như múa... Chúng tôi đã đi được hơn bốn phần năm đường. Tôi bảo:

- May quá, mọi sự suôn sẻ.

Ngọc Anh nói:

- Chưa chắc đâu anh ơi, đừng có vội mà mừng...

Vừa dứt lời, bỗng nghe một tiếng động rất kỳ lạ ở phía sau lưng. Rất nhỏ, kéo dài, trầm nặng, âm u và dữ dội, mỗi lúc một dữ dội, rất chậm nhưng rõ ràng không gì chặn lại được, mỗi lúc một đe dọa... cuối cùng như một cơn sấm, rung chuyển cả đất trời, ào ào, ầm ầm, mênh mông, bao trùm hết cả không gian... Rồi đột nhiên im bặt. Lặng ngắt. Thậm chí tiếng mưa xối xả lúc này cứ như là gõ vào sự im lặng như tận thế vậy.

Ngọc Anh kêu lên:

- Thôi chết rồi!

Chúng tôi quay nhìn lại phía sau. Trong mưa tối tăm trời đất, tôi kinh hoàng nhận ra: ngay trên đoạn đường chúng tôi vừa đi qua, cả một trái núi lớn đã đổ ụp xuống. Chúng tôi thoát chết trong gang tấc, nhưng bị chặn hết mọi đường về. Chúng tôi đã bị vây chặt trên lưng chừng núi Ngok Linh...

Chỉ còn mỗi một cách: bỏ xe đó, lội bộ vào làng. Và cứ ở trong ấy chờ. Cũng có thể mươi ngày, có thể nửa tháng. Có thể một tháng. Cũng có thể ba tháng. Chờ dân công đến phá núi mở đường cho xe quay ra.

Đã nói rồi, biết làm sao được. Đi Mường Hon mùa này có họa điên!

*

Mường Hon ngủ trong mưa. Tất nhiên bây giờ không phải là những túp lều chui rúc trong lau lách như thời chiến tranh nữa, đã có làng, nhưng cũng xơ xác lắm, chỉ hơn mươi nóc nhà sàn lụp xụp, trên một nền đất lầy lội. Tôi bước vào ngôi nhà đầu làng. Lúc đầu chỉ thấy giữa nhà một bếp lửa xà-nu um khói. Mãi một lúc sau, quen mắt, mới nhận ra có người đang ngồi bên bếp lửa. Một người đàn ông không thể đoán ra tuổi, khoác một tấm “dồ” (tấm chăn dùng khoác lên người của đàn ông Tây Nguyên) mầu sẫm, đóng khố, miệng ngậm ống điếu dài.

Tôi cất tiếng chào, anh chỉ ngửng lên nhìn, khẽ gật đầu, rồi lại cúi xuống chăm chú nhìn bếp lửa, không trả lời. Tôi nói:

- Mình lên thăm bà con, bị sập núi, xe mình còn nằm ngoài đó, mình lội bộ vô đây, cho hai anh em mình ở lại đỡ vài bữa, được không?

Anh lại ngửng lên, lần này rút tẩu thuốc ra khỏi mồm, nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi gật đầu, vẫn không nói gì.

Tôi không ngạc nhiên. Người Tây Nguyên vốn rất ít nói. Họ im lặng như núi rừng. Khi vui, khi buồn, khi giận, đều vậy. Không có cái lối vồ vập ôm chầm lấy nhau khi gặp nhau, dẫu là sau xa cách hàng chục năm. Hồi chiến tranh ở đơn vị tôi có anh chiến sĩ người Tơ Trá thiện xạ vào hạng siêu. Anh có thể đứng bên này sông, chỉ cần nghe tiếng động, bắn một phát CKC trúng con heo bên kia sông, xuyên từ tai bên này sang tai bên kia. Anh đi săn, chiều tối về, vào nhà, không nói một lời, chậm rãi đàng hoàng tắm rửa sạch sẽ, vào bếp lấy cơm ra ăn bình thản, ăn xong bưng cả nồi nước chè xanh ngửa cổ uống một hơi, đặt xuống, phủi tay, bấy giờ mới thong thả bảo:

- Thủ trưởng cho tám người đi với mình.

- Để làm gì?

- Khiêng con heo rừng. Mình bắn chết ngoài suối. To, bốn người không khiêng được đâu!...

Tôi biết người Tơ Trá rồi. Tôi không chờ anh chủ nhà niềm nở vồ vập. Thậm chí tôi sẵn sàng chờ anh chửi cho một trận nữa: Mày còn vác mặt lên đây làm gì! Bây giờ chúng mày ở thành phố nhà to cửa lớn, ô-tô, nhà lầu, chúng mày có còn nhớ gì tới chúng tao nữa đâu. Chúng mày quên hết đồng bào rồi...

Chửi sa sả, như cha chửi con, như mẹ mắng con. Mà chúng ta bị chửi cũng đáng kiếp quá. Chúng ta lăng xăng lít xít bao nhiêu thứ hằng ngày hơn hai mươi năm qua, có mấy ai đã trở lại với những người cha, người mẹ, người chị, người em ở chốn hang cùng hóc núi này đã đùm bọc mình, sống chết vì mình ngày xưa đâu...

Tôi lặng lẽ đến ngồi xuống bên cạnh anh chủ nhà, xoa xoa hai bàn tay hơ lên ngọn lửa xà-nu, rồi vụng về bắt thân:

- Mưa quá trời, anh he...

Một hồi lâu, anh mới nói hai tiếng đầu tiên:

- Ừ, mưa...

Bây giờ, quen mắt, tôi mới để ý nhận ra: căn nhà này không giống nhà người Tơ Trá chút nào. Không phải kiểu nhà Tây Nguyên. Nhà Tây Nguyên không bao giờ ngăn thành từng buồng kín riêng biệt. Nhà dài đến năm ba chục mét, hàng chục hộ cùng sinh sống, cũng cứ thông thống từ đầu này đến đầu kia, mỗi hộ một cái bếp, cả nhà là một cộng đồng thông thương và khăng khít, cái riêng nằm chan hòa giữa cái chung. Nhà này khác. Cách chỗ chúng tôi đang ngồi chừng vài thước là một căn buồng, phên nứa thôi nhưng che kín ba mặt, mặt thứ tư là cửa có một tấm dồ phủ xuống làm rèm.

Và tôi chợt nghe có tiếng trẻ con khóc ngoe ngoe: có người, chắc là chị chủ nhà, mới đẻ.

Anh chủ nhà đặt một bàn tay lên tay tôi, tay kia rút tẩu thuốc ra khỏi mồm. Tôi nghe bàn tay anh siết chặt cánh tay tôi một lúc một chặt, đến đau điếng. Và anh nói, vừa nói, vừa cười, tiếng nói nhỏ thôi nhưng rõ mồn một, nhanh, rất lạ, sao lại cứ như run lên thế này:

- Bà xã mình mới nằm chỗ đó mà. Đứa thứ năm. Ông ở Hà Nội mới vô chớ gì, liếc qua một cái mình biết liền mà, dân Hà Nội đố mà lẫn đi đâu được. Bà xã mình đẻ đứa thứ năm rồi đó, ba thằng cu, hai cái hĩm, thông cảm cho mình nghe, chính sách đặc biệt với vùng dân tộc mà, không như vùng Kinh được đâu...

Trời hỡi, sao thế này? Tôi đã biết nhiều người Tây Nguyên nói tiếng Kinh rất sõi, nói lóng nói lái đủ kiểu đến anh dân Bắc Hà chính cống cũng phải nể. Nhưng trước mặt tôi lúc này đây ở cái làng Tơ Trá lơ lửng trong mây trắng cheo leo hai nghìn mét sườn Ngok Linh này, cùng ngồi với tôi giữa mưa rừng mịt mù mênh mông lúc này, chắc chắn là một người Kinh chính cống.

- Dân Vĩnh Phú phải không? Việt Trì hay Lâm Thao? Lính Trường Sơn cũ phải không?

- Ông cũng tinh đấy. Nhưng bây giờ thì mình là người Tơ Trá rồi, một nghìn phần trăm... Còn ông, làm sao mà liều mạng leo Mường Hon giữa mưa gió này? Không bỏ mạng trận sụp núi sáng nay là số ông còn cao đó. Này, hỏi thật nghe, cũng là dân lính và có mắc nợ một cô gái Tơ Trá nào từ mấy chục năm trước, đúng không?...

Từ trong buồng, lại có tiếng trẻ khóc.

- Còn bọn nhóc, bốn đứa, đi đâu hết rồi?

- Chúng nó đi thăm họ hàng dưới Đak Glei. Các ông bây giờ hư đốn lắm, cứ mỗi bước một ô-tô, tắc đường là chết gí. Chúng nó lội bộ, lở núi lấp sông cũng chẳng sợ... Thôi đêm nay cứ ở đây với mình đã. Trời này sáng mai sẽ bớt mưa đó. Sẽ qua thưa với già làng sau. Mình bây giờ là trưởng bản, báo cáo qua với mình cũng được, đêm nay thức trắng nghe, ta tâm sự...

Chuyện những anh lính người Kinh, sau chiến tranh, lấy vợ Tây Nguyên và ở lại với núi rừng, tôi cũng từng có biết dăm ba trường hợp. Nói chung đều ly kỳ. Và đều đẹp (...)

Nhưng câu chuyện này... Thôi, để anh ấy nói vậy... Anh bảo anh là người đã gắn bó với Tây Nguyên lâu đời, tôi hỏi anh điều này: Anh có biết Tây Nguyên tháng Ning Nông là gì không?... Không hả, thế mà cũng gọi là biết Tây Nguyên. Ning Nông nghĩa là không làm ruộng, không làm rẫy. Tháng Ning Nông là tháng không làm rẫy, tức là khi mùa lúa trước đã thu hoạch hết rồi, cửa kho đã cài rồi, mẹ lúa đã ngủ yên rồi, lễ ăn cơm mới đã làm rồi, một mùa lao động đã xong. Mùa lễ hội bắt đầu. Mùa người ta làm lễ bỏ mả. Người ta hỏi chồng, hỏi vợ, người ta cưới xin. Người ta đi thăm nhau, anh em, bạn bè, họ hàng đi chơi nhà nhau. Người ta múa hát và làm đàn tơ-rưng, đàn klông-pút, đàn ksí, kèn đing nam. Người ta dệt váy khố và đan lát, để chuẩn bị cho mùa sản xuất mới... Cho đến khi sấm ra. Ai chưa cưới vợ cưới chồng thì phải cưới nhanh lên. Sấm ra, mẹ lúa nghe tiếng sấm, mẹ lúa thức dậy là mùa lao động mới bắt đầu...

Tháng Ning Nông ở Tây Nguyên lạ lùng nhất là tiếng cồng chiêng. Không phải cái lối cồng chiêng dỏm, giả Tây Nguyên, Tây Nguyên tân thời như trên sân khấu, trên ti-vi bây giờ đâu. Ầm ì, vang động sâu thẳm, huyền bí... suốt ngày suốt đêm là tiếng cồng chiêng từ sườn núi bên này vang lên, vọng qua sườn núi bên kia, lại dội lại sườn núi bên này, vọng vang như tiếng ngân nga của hồn đất, hồn rừng, hồn núi và sông. Không phải loại chiêng nhỏ cầm tay đâu. Loại chiêng khổng lồ kia, cao quá đầu người, đường kính người lớn dang thẳng hai tay với không hết. Tiếng trầm như vọng lên từ lòng sâu thăm thẳm của đất và từ chiều sâu bất tận của thời gian...

Tôi là dân Lâm Thao, anh ạ, anh tinh đấy, đất Vua Hùng mà. Không biết sao, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ là tự thuở Vua Hùng kia tổ tiên ta cũng từng đánh chiêng hay đánh trống đồng đúng như vậy, và tiếng chiêng tháng Ning Nông bây giờ chính từ thuở ấy vọng về. Là cái chân trời thời gian, bức phông thời gian còn mãi mãi bao bọc quanh ta... Tôi là lính thông tin, anh cũng từng là lính, anh biết rồi đấy, lính thông tin hồi chiến tranh ấy mà, có chừa rừng núi nào đâu. Tôi đi khắp rừng Tây Nguyên, tôi biết tháng Ning Nông và tôi mê nhất tháng Ning Nông, tiếng chiêng khổng lồ tháng Ning Nông Tơ Trá.

Tôi thề với anh đấy, hồi chiến tranh, trẻ trung và lãng mạn vậy, nhưng tôi không có mắc nợ cô gái Tơ Trá nào đâu... Cho đến hết chiến tranh. Và hết chiến tranh, hết đạn bom khói lửa chết chóc rồi, thì tôi lại... đào ngũ, anh ạ. Tôi trốn về vùng Tơ Trá, định bụng sẽ ở chơi cho được một mùa Ning Nông Tơ Trá rồi mới về chịu tội với đơn vị và gia đình.

Tháng Ning Nông ở Tơ Trá không chỉ có cồng chiêng. Còn có một phong tục lạ lùng nữa: đến tháng đó, vào một ngày nhất định, cả làng vứt bỏ lại hết mọi thứ mà công cuộc tiến hóa hàng vạn hay hàng triệu năm đã đem lại cho con người: rìu rựa, dao mác, nhà cửa, chiêng ché, gạo bắp, nồi niêu... tất cả, tất cả..., người ta nói ngày trước cả quần áo nữa, cả làng theo người già làng kéo nhau đi vào rừng thật sâu. Ở đó họ hú gọi linh hồn tổ tiên về cùng mình và họ sống lại đời sống nguyên thủy, hái lượm và săn bắt. Mươi ngày, có khi nửa tháng, hay một tháng. Để làm gì vậy? Người ta bảo đấy là trở về với tổ tiên và với tự nhiên, tắm gội toàn bộ con người trong suối sông cội nguồn đó... Mười ngày, nửa tháng. Rồi người ta trở về làng, và đời sống bình thường lại tiếp diễn. Cũng là sắp đến lúc sấm ra. Mẹ lúa thức dậy. Một năm mới trong cuộc sống vạn đại của con người lại bắt đầu...

Tôi đã được đồng bào làng Tơ Trá cho tôi đi theo trong cuộc tắm lại ở cội nguồn năm đó.

Và đã xảy đến một việc làm xoay chuyển cả cuộc đời. Trong một đêm nguyên thủy nằm trong một hốc đá giữa rừng sâu, một cô gái Tơ Trá đã thổn thức nói với tôi rằng, anh ơi, em biết anh rồi, mà anh thì cứ một mực làm ngơ, giấu em, anh chính là người lính trẻ mùa xuân giặc đánh tơi bời đó, chạy dạt về đây, bị sốt nặng, làng giao cho em nuôi anh, anh chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, em đã nhai bắp dùng đôi môi em mà mớm vào đôi môi khô cháy của anh, giành giật lại anh từ tay cái chết... Rồi anh ra đi, không để lại cho em đến cả một cái tên. Mà tên em, anh cũng không biết phải không? Nhưng cần gì biết tên nhau. Em chờ... Em chờ...

Câu chuyện của tôi là vậy đó, anh ạ. Tháng Ning Nông năm ấy, trong rừng nguyên thủy, tôi đã được thay chỗ cho một anh bộ đội hạnh phúc nào đó mà tôi không hề được biết, tôi chưa từng được gặp. Còn anh ấy, rất có thể anh ấy đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại ở đâu đó trên những ngả đường (...)

*

Tôi cũng chưa đến nỗi hư đốn quá đâu, cứ mỗi bước mỗi ô-tô. Sáng hôm sau, Ngọc Anh ở lại giữ xe, còn tôi, tôi băng mưa rừng vẫn tầm tã, lội bộ, băng sườn Ngok Linh dốc đứng, tôi bỏ ra đi. Một mình, lần này nữa, như một thằng điên. Tôi không gặp lại chị.

Tôi đi như chạy trốn.

Chạy trốn điều gì, tôi cũng không biết.

Đi đâu nữa bây giờ? Số phận đã không dành cho tôi tháng Ning Nông Tây Nguyên.

Thôi, tôi quay về đây, với thành phố, với trăm sự eo xèo, nhiễu nhương, hữu tích sự và vô tích sự của cuộc đời.

Bỏ lại phía sau một mùa Ning Nông, mùa xuân của Tây Nguyên, đang đến.


12 - 1996