Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

11. Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng

 

Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng 

Anh Nguyễn

Ngày hôm trước, bác Phúc Bồ có nhắc đến cái túi thơm thêu hình trai gái trong Hồng Lâu Mộng. Bạn nào thích đọc truyện lấy bối cảnh Trung Quốc thời xưa chắc thỉnh thoảng sẽ thấy nhắc đến món này. Trong Lộc Đỉnh Ký, Vi Tiểu Bảo lôi ra mấy tấm Xuân Cung Đồ khiến Đa Long chúi mũi vào, Vi Tiểu Bào thừa cơ đánh tráo tù nhân Mao Thập Bát. Trong Gót sen ba tấc, lúc Qua Hương Liên đi lấy chồng bà nội dúi cho cô đôi hài có thêu hình nam nữ bằng chỉ đen, chỉ đỏ để cháu gái cùng xem với chú rể. Minh sử cho biết Gia Tĩnh (Vào năm Gia Tĩnh triều Minh…) cũng là một người nghiện thị dâm – nhà vua ra lệnh cho lò gốm Cảnh Đức Trấn làm ra những món chén uống trà ngự dụng, khi đổ nước sôi vào sẽ hiện hình nam nữ ái ân. Xuân Cung Đồ đạt đến cực thịnh ở cuối thời nhà Minh. Thể loại tranh Shunga (tranh xuân) tương tự của người Nhật cũng bắt nguồn từ Xuân Cung Đồ Trung Quốc.


Một bộ Xuân Cung Đồ có nhiều hình minh hoạ hướng dẫn,
gọi là “pillow book” – sách gối đầu giường?

Xuân nghĩa là… mùa xuân, ẩn dụ cho sex, vì mùa xuân là mùa trai gái hợp hoan, nên có câu “lòng xuân phơi phới”. Cung là… cung điện, gọi thế cho có vẻ quý tộc và đỡ thô thiển. Ngoài ra, vua chúa, quan lại đều có năm thê bảy thiếp, những câu chuyện kì bí về đời sống phòng the của họ có sức hấp dẫn đặc biệt với tầng lớp thị dân, nên bối cảnh của Xuân Cung Đồ thường mượn dáng vẻ trong cung là vì vậy. (Cũng như thời nay chúng ta theo dõi tin tức về giới hoàng thân quốc thích và siêu sao, tin tức càng dính dáng chút mùi sex càng bán chạy). Đồ là bức vẽ, như trong đồ hình, đồ họa.


                              Tranh vẽ trên mặt trong của lọ thủy tinh đựng thuốc lá

Xuân Cung Đồ có nhiều thể loại phong phú, từ tranh giấy, tranh thêu, cốc tách sứ, hộp sơn mài, giày dép, hộp thuốc lá,… Tuy nhiên Xuân Cung Đồ vẽ trên giấy hoặc lụa vẫn được ưa chuộng hơn cả vỉ nhỏ nhắn, dễ dàng cuộn lại mang đi hoặc… giấu đi trong ống tay áo, dưới gối. Ngày nay hiếm có Xuân Cung Đồ nguyên bản, vì rất nhiều tác phẩm đã bị phá hủy trong chiến tranh, cách mạng Văn hóa, và bởi những nhà Nho cổ hủ (như ông Giả Chính). Đó là một điều đáng tiếc, vì qua những tác phẩm này chúng ta có thể học được không ít về y phục, kiến trúc, lễ nghi,… thời xưa.

Bàn chân nhỏ xíu của đàn bà có sức quyến rũ đặc biệt với người Trung Quốc. Tục bó chân ở Tàu là một phong tục dã man, giết chết ít nhất 10% trẻ em gái trước tuổi vị thành niên. Thế nhưng gót sen… bốc mùi vẫn được sùng bái cho đến hết đời nhà Thanh, thậm chí người ta đi xin hỏi cưới chỉ xem chân chứ không xem mặt. Nhắc đến sự gợi cảm của người phụ nữ, đa số chúng ta liên tưởng tới bộ ngực căng đầy, eo nhỏ xinh xinh, đôi môi mọng,… nhưng bàn chân mới là bộ phận khiến người đàn ông Trung Hoa hồi xưa mê mẩn. Thế mới thấy tiêu chuẩn cái đẹp quả thật là một thứ “social construct”. Nói đến đây tôi chợt nghĩ đạo diễn Quentin Tarantino (một kẻ mê bàn chân phụ nữ) ắt là sinh nhầm thời và nhầm quốc gia.


                                 Tranh tố nữ Trung Hoa – thiếu nữ thêu hài hoa sen

Ngày nay ta coi việc bó chân là một tàn dư văn hóa, một hủ tục đáng sợ, nhưng thời xưa người Trung Quốc lại coi những dân tộc không bó chân là kém văn minh. Đối với họ, việc sờ mó bàn chân là hành vi tính dục tối gợi cảm. Lý Lạp Ông liệt kê 48 cách âu yếm bàn chân. Lâm Ngữ Đường, tác giả cuốn Sống đẹp, đã học đến bậc tiến sĩ ở Harvard, nhưng vẫn ủng hộ việc bó chân. Trong Kim Bình Mai có đoạn Tây Môn Khánh cố tình làm rơi đũa để sờ mó bàn chân Phan Kim Liên. Càng hấp dẫn thì lại càng bị cấm kị, vì thế trong nhiều bức Xuân Cung Đồ thậm chí phụ nữ có lõa thể thì bàn chân cũng không để lộ. Một câu hỏi lớn trong Hồng học khiến nhiều học giả tranh cãi là: các nữ nhân trong Hồng Lâu Mộng có bó chân hay không?


                  Nữ giới trong Xuân Cung Đồ vẫn không cởi bỏ hài và vải bó chân

Bàn về cái “hư” của Hồng Lâu Mộng chắc phải mất một cuốn sách, hay ít ra là một luận án thạc sĩ văn học. Theo cảm nhận còn hời hợt của tôi, thì trong Hồng Lâu Mộng cái đẹp của tính dục tỉ lệ nghịch với sự phô trương. Tác giả và Giả Bảo Ngọc coi những cuộc dâm loạn của Giả Trân, Giả Xá như hành vi lợm giọng của những con vật. Nhân vật Tiết Bàn với những trò bậy bạ với cả trai lẫn gái bị mọi người chán ghét, coi thường. Những chuyện xấu xa tồi bại như Tần Khả Khanh quan hệ với bố chồng, lũ ni cô ở am Thủy Nguyệt tơ tình được nguỵ trang khéo léo nhưng rồi vẫn có ngày vỡ lở và bị trừng phạt. Đại Ngọc không xem Xuân Cung Đồ nhưng đọc sách “gió trăng” như Tây Sương Ký đã bị Bảo Thoa trách cứ. Giả mẫu cũng không quên giáo huấn lũ con cháu khi nghe hát về cách cư xử đúng đắn của bậc tiểu thư. 

Trở lại câu chuyện con Ngốc nhặt được túi tú xuân ở hồi 73. Việc này gây nên một vụ náo loạn từ trên xuống dưới ở Giả Phủ, khiến Thám Xuân nổi giận đùng đùng, chả khác nào một vụ “cách mạng Văn hóa” nho nhỏ. Trong một chừng mực nào đó, nó báo trước sự suy tàn, rệu rã của nhà họ Giả cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông Hạ Chí Thanh so sánh việc này với sự xuất hiện của con rắn trong Eden. Sau khi loài rắn xuất hiện thì Adam và Eve mắc tội bị đọa xuống trần. Như đã nói ở bài trước, Đại Quan viên chính là hiện thân dưới hạ giới của “Thái Hư ảo cảnh,” một vườn địa đàng nơi trần thế. Bất chấp những sự việc bẩn thỉu diễn ra trong hai phủ Ninh, Vinh, Đại Quan viên là một khu vườn cấm tuyệt đối tinh khiết, cái tình giữa Bảo Ngọc và các chị em luôn dừng ở lễ chứ không khi nào đi quá giới hạn. Nhưng sự xuất hiện của túi tú xuân đã phá tan sự trong sạch đó, báo trước khí số nhà họ Giả tới hồi cạn kiệt. “Adam” Bảo Ngọc và các “Eve” tiểu thư lần lượt người thì chết, người bị bắt cóc, người mất trí, người bỏ đi tu, người lấy chồng xa, người bị ngược đãi,… Ở đây, tính dục chính là một thứ “nguyên tội”, là nơi bắt nguồn nỗi thống khổ của các cư dân Đại Quan viên – một nhân gian thu nhỏ.


                                           Bảo Ngọc hưởng lạc thú ở Thái hư ảo cảnh

Bất chấp điều đó, Tào Tuyết Cần hoàn toàn không lên án tính dục, ông vẫn mô tả nó với tất cả những cung bậc từ lãng mạn đến thô phàm. Từ hồi thứ năm, Tào Tuyết Cần đã để cho Bảo Ngọc vui vầy với nàng tiên trong giấc mộng, rồi lại nếm mùi đời với Tập Nhân ngoài đời thực. Nhưng trong truyện của ông, tuyệt đỉnh của tính dục nằm ở sự ẩn ý, là chiếc vòng đeo sát vào bắp tay mũm mĩm của “Dương Quý Phi” Bảo Thoa khiến Đại Ngọc phát ghen, là thắt lưng đỏ kết nối nhân duyên Tập Nhân-Tưởng Ngọc Hàm, hay kín đáo hơn là cành hồng mai Diệu Ngọc tặng cho Bảo Ngọc. Ân ái với nhau chưa chắc đã là có tình – tình nằm ở một cái chạm tay, một ánh nhìn, và cao hơn cả là ở trong lòng, trong suy nghĩ hướng về nhau.


                                         Cặp đôi trời sinh Bảo Ngọc – Đại Ngọc

Nàng tiên trong giấc mộng đã nói với Bảo Ngọc: “Dâm dù một lẽ, nhưng ý thì khác nhau. Những kẻ hiếu dâm trên đời chẳng qua là ưa sắc đẹp, thích múa hát, đùa bỡn không chán, ‘mây mưa’ bừa bãi không chừng, chỉ sợ thiên hạ không đủ mỹ nữ để cung thú vui chốc lát cho mình, đó là những hạng ngu xuẩn, chỉ biết thú vui bề ngoài thôi. Như anh, khi mới sinh ra đã mang một mối si tình, chúng ta gọi thế là ‘ý dâm’. Hai chữ ‘ý dâm’ chỉ có thể hiểu ngầm trong lòng, chứ không thể nói ra miệng được”.

Trong Hồng Lâu Mộng, một chiecs lá, một bông hoa cũng tràn đầy tình ý. Có lẽ đấy mới thật sự là đẹp, mà cũng thật sự là “hư” vậy.

 

*

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét