Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

36. Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Từ bức tranh trên tường

 

Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường 

 

Willow Wằn Wại

Việc Hồng Lâu Mộng bị gán danh “dâm thư” và “câu chuyện tình yêu Kim Ngọc” khiến nhiều người có xu hướng đánh giá hời hợt về nó. Mà thật ra cũng khó trách, khi Tào Tuyết Cần đã sử dụng bút pháp vi diệu để che giấu đi bi thương ai oán cùng những bài học về nhân sinh, về Đạo dưới những thứ trăng hoa tuyết nguyệt. Nhân lúc rỗi rãi, xin được bàn thêm về căn phòng bắt đầu sự “dâm”, “tình” và cả “Đạo” trong Hồng Lâu Mộng, mong được mọi người bàn luận thêm.

*


                                           Tần Khả Khanh trong phòng ngủ

Căn phòng phụ nữ đầu tiên không phải của người thân mà Bảo Ngọc ngủ là phòng của Tần Khả Khanh, được tác giả dụng công miêu tả kỹ đến từng chi tiết, từ vật trang trí đến cái gối cái rèm, tất cả đều toát ra sự khiêu gợi nhục dục:

“Đến buồng Tần thị, Bảo Ngọc vừa mới bước chân vào, đã thoảng có mùi thơm say sưa. Khi ấy mắt Bảo Ngọc dính lại, người nhũn ra, nói ngay:

– Mùi thơm thích nhỉ.

Trong buồng, trên tường treo bức họa “Hải đường xuân thụy” của Đường Bá Hổ vẽ, hai bên có đôi câu đối của học sĩ Tần Thái Hư đời Tống:

Lờ mờ giấc mộng hơi xuân lạnh,

Ngào ngạt mùi hương rượu khá nồng.”

 

Như tác giả Anh Nguyễn từng bàn ở một bài viết, bức vẽ “Hải đường xuân thụy” thật ra không phải vẽ bông hoa hải đường hay gì cả mà vẽ một người phụ nữ đang nằm ngủ, quần áo lả lơi. Một cậu nhóc mới lớn như Bảo Ngọc lớn lên trong gia đình gia giáo, bà mẹ và các chị em đều đứng đắn, lần đầu được thấy hình ảnh buông thả, ắt hẳn không tránh khỏi việc “Quân tử dùng đằng đi chẳng dứt” như trong bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” của Hồ Xuân Hương.


Một bức tranh vẽ người phụ nữ bên hoa mẫu đơn
của Đường Bá Hổ. Hình từ trang này

Bàn thêm về Đường Bá Hổ, được tác giả nhắc đến như là tác giả của bức Hải đường xuân thụy kể trên. Đường Bá Hổ nổi danh nhờ tài năng, là một danh sĩ nổi tiếng được nhiều người tán dương, tại sao một nhân vật lẫy lừng ấy lại được tác giả sắp đặt để xuất hiện ở trong căn phòng đầy hoa thơm cỏ lạ, lại còn được “gán” cho bức tranh khêu gợi này?

Tôi xin mạo muội đoán. Muốn giải được câu đố này phải so sánh với bức “Nhiên lê đồ” mà Bảo Ngọc đã thấy ở căn phòng trước đó. Cậu chán ngán căn phòng này và đòi sang nơi khác ngủ, từ đó mới dẫn đến việc vào ngủ ở phòng riêng của cháu dâu là Tần Khả Khanh. Trong khi “Nhiên lê đồ” là một bức tranh ngợi ca tinh thần học tập, một anh học trò nghèo nhờ chăm chỉ học hành mà sau này đỗ đạt công danh, thì cuộc đời của Đường Bá Hổ, tác giả bức “Hải đường xuân thụy” (theo Tào Tuyết Cần viết) lại có chiều hướng khác hẳn.

Ông sinh ra trong một gia đình giàu có dưới thời nhà Minh, bản thân học hành đỗ đạt nhưng con đường công danh cũng gặp ngã rẽ đột ngột, phải ngồi tù. Về sau ông từ bỏ chốn quan trường, tìm mọi cách để về nhà vui thú thơ ca nhạc họa, không còn dính dáng đến cuộc sống thế tục nữa.


                                                  Đường Bá Hổ, hình từ trang này

Câu chuyện số phận thay đổi không ngờ, từ một danh sĩ phải vào chốn tù lao, ước mong con đường đỗ đạt sau này cũng vứt bỏ, nghe thật sự có chút quen thuộc với Hồng Lâu Mộng và Giả Bảo Ngọc, khi gia tộc họ Giả đang ở ngưỡng cửa lao dốc, còn bản thân Giả Bảo Ngọc đã từ đầu chỉ thích vui thú với cái đẹp, chẳng bận tâm gì đến việc làm quan. Liệu đây có phải là một lời nhắn nhủ “thấy trước tương lai” mà Tào Tuyết Cần đã cài cắm?

Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Hồng Lâu Mộng mang tư tưởng “phản Thanh phục Minh”, việc tên một danh sĩ được gọi là “đệ nhất phong lưu tài tử” thời Minh được nêu lên, liệu có phải thể hiện sự tiếc nuối của tác giả với tiền triều? Cần lưu ý là trong khi bức “Nhiên lê đồ” không hề thấy tên tác giả thì bức “Hải đường xuân thụy” được Tào Tuyết Cần chỉ đích danh của Đường Bá Hổ.


                                                Một bức tranh của Đường Bá Hổ

Phía dưới bức “Hải đường xuân thụy” là một câu đối của Tần Thái Hư:

“Lờ mờ giấc mộng hơi xuân lạnh,

Ngào ngạt mùi hương rượu khá nồng.”

 

Rất tiếc khả năng của tôi chưa cho phép bàn luận sâu hơn về bút pháp hay tác giả. Nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể thấy sự đối lập với câu đố khuyến khích học tập ở căn phòng trước: ”

“Thế sự tinh thông đều là học vấn,

Nhân tình lịch duyệt mới gọi văn chương.”

 

Một bên là câu khuyên răn học tập, một bên thì chỉ có xuân, rượu, mộng (còn mộng gì thì chưa biết, chỉ biết Bảo Ngọc sau đó có một giấc mộng không… khô ráo chút nào).



                     Bảo Ngọc dan díu với nàng tiên trong mơ


(Còn tiếp phần2)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét