Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Điêu khắc, những chu kỳ đổi thay

(Trao đổi trên FB, nhà báo Xuân Bình góp ý về một bức ảnh tôi chụp trên Cổng Trời Quản Bạ, Hà Giang. Qua câu chuyện, biết được bài báo này. Vốn ham mê điêu khắc, tôi chép lại cùng các bạn thưởng lãm. Cảm ơn bạn Xuân Bình nhiều.)
--------------------------------------

Điêu khắc, những chu kỳ đổi thay
Cùng với chính trị biến động, văn hóa hưng suy, nghệ thuật thăng trầm, điêu khắc cũng có những phát triển hoặc phân hóa dữ dội.
Ngay từ xa xưa, trong những không gian vật chất luôn có mối quan hệ cộng sinh giữa điêu khắc và kiến trúc. Đôi khi hình thức điêu khắc thoát ly đặc trưng kiến trúc, nhưng về cơ bản chúng không tách rời nhau, luôn bổ sung cho nhau và cùng tập hợp lại trong một trật tự hay cấu trúc có ý thức nhằm tạo nên một chỉnh thể thiên nhiên văn hóa.

Tượng Nhân sư ở Ai Cập



Điêu khắc ở Hong Kong
Điêu khắc gần với kiến trúc theo nghĩa nó gọt đẽo một vật cảm quan. Điêu khắc cho phép ta chiêm ngưỡng cơ thể người và tinh thần được dung hợp thành một toàn thể gắn bó.. Kiến trúc tạo phông nền, thỏa mãn mọi nhu cầu của một đời sống thực; điêu khắc hướng tới việc gây dựng một thế giới ảo, khó định tính hay đong đếm. Kiến trúc khống chiếm diện tích lớn rộng; điêu khắc tìm về một kích cỡ nhỏ bé, khiêm tốn hơn. Kiến trúc thỏa mãn công năng; điêu khắc nhỉnh hơn ở khả năng thoát bỏ những vỏ bọc vật chất, hình hài, màu sắc chất liệu để  bày tỏ một quan niệm nghệ thuật cũng như thái độ sống của một thời đại. Kiến trúc hướng tới không gian; điêu khắc không chỉ mô tả thời gian…
Hiện diện của thần quyền
Trải qua nhiều biến động, lịch sử cổ đại vẫn kịp để lại dấu ấn khó phai trên những tác phẩm điêu khắc và kiến trúc. Khao khát dâng hiến niềm tôn kính và nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ – kiến trúc sư đã hòa quyện, hợp thể kiến trúc và điêu khắc thành những lời tụng ca sức mạnh siêu nhiên của một đời sống ngoài hiện thực trần gian, chỉ thực sự trú ngụ trong trí tưởng tượng của con người. Cùng với kinh kệ, giáo lý, ngôn từ, hội họa…, kiến trúc và điêu khắc trở thành một cầu nối giữa ước vọng sống, giữa niềm tin, đức tin và thế giới tôn giáo, tâm linh.

Điêu khắc “Đàn bà nằm” của Henri Moore

Sẽ hình dung ra thế nào một Ai Cập cổ đại đã bị thời gian, sự hoang dã của sa mạc phế bỏ, vùi lấp mất những lăng mộ Pharaon hay tượng Nhân sư? Các đền đài Hy – La sẽ chẳng lưu giữ được bao nhiêu vẻ quyến rũ, nếu bên các hàng cột, dọc theo các hành lang hay chạy suốt chính điện thờ lại thiếu đi những câu chuyện bằng đá mô tả đời sống huyền hoặc của các vị thần? Văn minh Ấn Độ sẽ nhạt nhòa đến thế nào, nếu vắng bóng những điêu khắc phồn sinh trên những đền thờ từ thời Sanchi? Thật khó hình dung dọc bờ biển Trung Hoa ở Macao, Hong Kong hay Đà Nẵng ở Việt Nam lại thiếu những điêu khắc Quán Thế Âm Bồ Tát?


Điêu khắc Quán Thế Âm Bồ tát ở Macao

Trên một hiện trường xa thẳm của văn hóa, lịch sử chỉ có thế giới Hồi giáo là từ chối điêu khắc như một công cụ để vinh danh Thượng đế và đấng tiên tri.
Môi giới quyền lực thế tục
Lịch sử điêu khắc cận đại, hiện đại thì ghi nhận một thời đoạn mà thần thánh dần nhường chỗ, hoán đổi và chuyển giao vai trò tự trị cho con người. Con người – những sinh linh nhỏ bé, đáng thương đã vội vàng nắm bắt lấy những phương tiện, công cụ hữu hiệu nhất để tự giải thoát bản thân khỏi những nhọc nhằn mưu sinh, cố giành đoạt quyền lực, luôn thèm muốn mở rộng lãnh địa chiếm hữu. Máy móc, công nghệ, vũ khí, chiến tranh… dần mách mối cho con người tự khám phá và phát lộ ra những sức mạnh, quyền năng ghê gớm của chính mình. Chỉ một thoáng mong manh ấy thôi cũng đủ khiến đồng hồ văn minh vùn vụt lướt qua hàng thế kỷ. Điêu khắc và kiến trúc đã gắng hết mọi nỗ lực để thay đổi, biến hóa gương mặt đô thị hoặc tất cả các trung tâm mà con người tụ sinh.
Vết dấu mà hậu sinh còn cơ hội chứng kiến và khám phá những giá trị tinh thần từ quá khứ, chính là các tượng đài cực kỳ hoành tráng.


Trích đoạn đài phun nước Người Áo chinh phục biển cả ở mặt tiền Quảng trường Hofburg

Tác phẩm kiến ​​trúc cảnh quan của KTS John Nash đã làm nền cho Cột Nelson cao vút ở Quảng trường Trafalga London (Anh). Tác phẩm điêu khắc ghi nhớ vị anh hùng vĩ đại nhất của Anh quốc trong chiến tranh và cũng là vị chỉ huy thủy binh kiệt xuất nhất trong lịch sử nước này. Trận chiến này không chỉ là chiến thắng quan trọng nhất của quân Anh trong những cuộc đối đầu chống Napoléon. Nó mở ra một kỷ nguyên mới, trật tự thế giới mới.


Tượng đài Hoàng đế Wilhelm I ở thành phố Koblenz (Đức)

Hoặc là tượng đài Hoàng đế Wilhelm I ở thành phố Koblenz (Đức). Trước sự hòa hợp của hai con sông lớn Mosel và Rhein, tổ hợp kiến trúc – điêu khắc hoành tráng này là nơi tưởng niệm và nhắc nhở đến một nước Đức thống nhất.
Trong Khu Tưởng niệm Quốc gia trên núi Rushmore gần thành phố Keystone, bang South Dakota (Mỹ) là một tác phẩm điêu khắc bốn vị Tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln. Tác phẩm được tạc vào khối đá granite của cha con Gutzon Borglum đã trở thành biểu trưng cho lịch sử 150 năm đầu tiên của Hoa Kỳ.
Ở đại điện Hendelplatz (Áo), nổi bật điêu khắc của Thái tử Karl. Con ngựa chiến tung vó như báo hiệu những bất an của cả châu Âu và thế giới khi Đại chiến thứ nhất bùng nổ…
Hướng tới giá trị nhân bản
Mấy thế kỷ qua, cùng với chính trị biến động, văn hóa hưng suy, nghệ thuật thăng trầm, điêu khắc cũng có những phát triển hoặc phân hóa dữ dội. Sự tôn vinh các anh hùng dân tộc, khúc khải hoàn ngợi ca những con người tạo nên chuyển biến lịch sử nhân loại và sự khẳng định uy quyền thế tục đã dần biến đổi.


Điêu khắc Thời gian của Dali
Ở không ít các xứ sở của độc tài, toàn trị, điêu khắc đã mau mắn góp phần bơm bít, tạo dựng những giá trị ảo, phi nhân. Mỗi tác phẩm đều hớt hơ hớt hải, cuống cuồng biến thái thành công cụ cho một thứ chủ nghĩa sùng bái cá nhân. Nghệ thuật lạnh lùng trở thành phương tiện khủng bố tinh thần dân chúng.
Trong khi đó, ở những xã hội có xu thế tiến bộ, điêu khắc hướng tới âm thầm ca ngợi vẻ đẹp sâu kín trong tâm hồn con người. Tiếp đến, vẻ đẹp lãng mạn được thay thế bởi những cảm xúc đa dạng, đa chiều, phức tạp hơn của con người thời hiện đại. Những biến cố trong đời sống, những bi kịch, đau khổ trong tâm thức, nỗi hoang mang lo sợ về hiện tại, khả năng mất định hướng trong tương lai cũng được khai thác như những đề tài đầy nhân văn.
Hình thể nhường chỗ cho cảm xúc. Sự suy ngẫm, chất trí tuệ được đề cao. Cái bắt mắt được thay thế bởi khả năng nhận thức sâu sắc hơn những biến đổi về thân phận con người. Ý thức khai sáng trong từng tác phẩm điêu khắc như được hiện diện trong mỗi góc gallery, bảo tàng, công viên hay quảng trường…


“Alison Lapper mang thai” của Marc Quinn

Nguồn cơn đó, xu thế đó đã thúc đẩy điêu khắc “Alison Lapper mang thai” của Marc Quinn – điêu khắc gia hàng đầu của nước Anh xuất hiện tại Quảng trường Trafalga, London. Đặt bên cạnh và ngang bằng với các vị thần, các bậc anh hùng nước Anh trong thế kỷ 19 như vua George IV, Sir Charles Napiner, tướng Henry Havelock… là một cô gái tật nguyền, một nghệ sĩ tạo hình, một biểu tượng của cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, mệt mỏi trước những rủi ro, bất hạnh của phận người.
Marc Quinn đưa ra một thái độ, cách cảm nhận từ tác phẩm của mình: “Thay vì sáng tác hình tượng một ai đó chinh phục thế giới bởi sức mạnh của quân đội, tôi muốn thể hiện một người đang phải đương đầu với bất hạnh trong cuộc sống hằng ngày, một người đang sống một cách viên mãn và cũng để thể hiện tương lai”

 Bài & ảnh: XUÂN  BÌNH
KTNĐ tháng 12-2012

Nguồn ở đây

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Tinh thần Phật giáo­­ trong Thiên long bát bộ


Tác giả Anh Nguyễn
Thiên Long Bát Bộ là tác phẩm dài nhất của Kim Dung. Với gần hai triệu chữ được đăng liên tục trong vòng bốn năm trên Minh báo Hồng Kông và Nam Dương thương báo Singapore, Thiên Long Bát Bộ có cấu trúc phức tạp, hệ thống nhân vật rộng lớn, phạm vi trải dài mênh mông từ Đại Tống đến Thổ Phồn, Tây Hạ, Đại Lý, Đại Liêu, … Nhà phê bình Trần Mặc đã gọi Thiên Long Bát Bộ là một cuốn “Lục Quốc diễn nghĩa” có bối cảnh võ hiệp. Ngoài ra Thiên Long Bát Bộ còn nổi bật vì chứa đựng tinh thần Phật giáo hết sức rõ rệt. 
Ngày 27. 10. 1994 tại đại học Bắc Kinh trước sự đón chào của hơn một ngàn sinh viên hâm mộ, Kim Dung đã trả lời câu hỏi của khán giả: “Thiên Long Bát Bộ phải chăng là biểu đạt quan niệm nhân sinh của ngài?”. Ông đáp: "Trong Thiên Long Bát Bộ, có phần biểu đạt quan niệm nhân sinh của tôi. Lúc ấy trong tôi có tư tưởng triết học Phật giáo. Phật giáo khá bi quan đối với nhân sinh, cho rằng đời người là bể khổ. Vô luận nhân sinh tốt đẹp đến thế nào, cuối cùng rồi cũng chết. Nhưng Phật giáo còn có quan niệm khác, tuy con người không tránh được cái chết, nhưng vẫn còn có lúc tái sinh, sau này có thể đời sống tốt hơn, có thể cống hiến được sức mình, có thể giúp đỡ được người khác.”
Bìa sách Thiên Long Bát Bộ thời kỳ đầu
Tinh thần Phật giáo của Thiên Long Bát Bộ được biểu đạt ngay từ tựa đề tác phẩm. Thiên Long Bát Bộ là cụm từ chỉ tám bộ chúng sinh, trong đó có loài giống người nhưng không phải người (nhân- phi- nhân) thường đến nghe Phật thuyết giảng trong kinh Đại Thừa. Các loài này đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Trước khi Phật giáo ra đời, người dân Ấn Độ đã thờ phụng tám loại thần linh đó rồi. Về sau chúng được kết nạp vào đạo Phật, trở thành các vị thần hộ trì thế gian nhưng vẫn chưa thoát khỏi kiếp luân hồi.
Tựa đề Thiên Long Bát Bộ rất khó dịch ra tiếng Anh, hiện tại có ba cách dịch chính: Demi-Gods and Semi-Devils, Eight Books of the Heavenly Dragons, và phiên âm Tian Long Ba Bu. Khi mới bắt đầu bắt tay viết Thiên Long Bát Bộ, Kim Dung đã có ý định dựng tám nhân vật chính theo tám vị thần Hộ pháp nhà Phật, thế nhưng câu chuyện càng đi sâu càng phức tạp và việc phân loại “ai là ai” trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đây vẫn là một chủ đề được ưa thích trong giới Kim học. Bài viết này không nhằm nỗ lực phân chia rạch ròi các nhân vật theo tám bộ chúng sinh mà trên hết muốn khơi gợi một cuộc đối thoại giữa những người am tường Kim Dung và Phật học.
Phần 1: Ai là Thiên, ai là Long? 

1. Thiên

Đứng đầu trong tám bộ chúng sinh là Thiên, còn gọi là Thiên chúng hay Thiên thần. Trong tiếng Ấn Độ, phiên âm của Thiên là Deva, bao gồm các chúng sinh ở sáu cung trời có thân hình phát hào quang rực rỡ. Deva luôn là nam (dạng nữ của Thiên là Devi) làm thiện, nói thiện, và nghĩ thiện. Chư thiên tuy được hưởng phúc báu to lớn hơn người thường nhưng vẫn nằm trong vòng sinh tử. Trước khi chết, chư thiên sẽ có năm triệu chứng: quần áo mủn nát, hoa trên đầu tàn héo, thân thể bốc mùi, nách đổ mồ hôi, đứng ngồi không yên, đó là thời kỳ đau khổ nhất của chư thiên. Vua trời Đế Thích (Indra) là thủ lĩnh chư thiên.

Tượng Đế Thích (Indra) ở Myanmar
Dựa theo miêu tả trên, có thể kết luận nhân vật tương ứng với địa vị chư thiên chính là Tiêu Phong. Khi Tiêu Phong lần đầu tiên xuất hiện, uy vũ của chàng đã khiến Đoàn Dự chấn động tâm thần, không kiềm được nảy lòng ngưỡng mộ.
Một đại hán ngồi ở phía tây nghe thế quay đầu lại nhìn, đôi mắt lạnh lùng sáng quắc lướt qua mặt chàng. Đoàn Dự thấy người đó thân thể thật là cao lớn, chừng trên dưới ba mươi, mặc áo vải màu tro cũ kỹ đã sờn rách, mày rậm mắt to, mũi cao miệng rộng, khuôn mặt vuông vức hình chữ quốc, tuy nhuốm vẻ phong sương nhưng đầy vẻ uy nghiêm.Đoàn Dự trong bụng tấm tắc khen thầm: “Quả là một đại hán hiên ngang! Hẳn đây là một tráng sĩ bi ca khẳng khái của nước Yên nước Triệu nơi miền bắc chứ Giang Nam hay Đại Lý không thể có được người như thế này. Bao Bất Đồng tự mình huênh hoang anh khí ngất trời nhưng phải người như thế này mới xứng đáng bốn chữ đó”.
Tranh vẽ Tiêu Phong trên bìa sách “Thiên Long Bát Bộ”
Nếu coi vị sư già quét chùa Thiếu Lâm công phu siêu phàm nhập thánh, từ bi vô hạn là Phật sống, thì chỉ còn Tiêu Phong xứng đáng vị trí số một trong “thế giới chúng sinh” của Thiên Long Bát Bộ. Từ võ công, phẩm chất, đến tính cách anh hùng, chàng đều khiến nhân sĩ Tống Liêu, giang hồ hai phe hắc đạo bạch đạo phải nghiêng mình thán phục. Tiêu Phong hào sảng mà không thô lỗ, anh phong lẫm liệt mà vẫn kín đáo khôn ngoan. Chỉ một lộ Hàng Long Thập Bát Chưởng đủ để Tiêu Phong trấn áp quần hào Tụ Hiền Trang, về sau lại đánh cho bọn Mộ Dung Phục, Đinh Xuân Thu lác mắt. Tiêu Phong trước là bang chủ Cái Bang nhà Tống, sau lãnh chức Nam Viện đại vương nhà Liêu, khí chất lãnh tụ luôn hiển hiện. Chàng vì một mảnh chân tình với A Châu mà hết lòng chiếu cố cho cô em gái điêu ngoa của nàng là A Tử, phần đời còn lại không màng nữ sắc lẫn danh vọng, lại đem thân mình đánh đổi cuộc sống yên lành cho nhân dân hai nước.

Tiêu Phong thỏa mãn tất cả những tiêu chí hào quang, nhân hậu, vĩ đại của một bậc chư thiên, và cũng không tránh khỏi cái chết. Nếu năm triệu chứng trước khi qua đời của chư thiên được gọi là “thiên nhân ngũ suy,” thì Tiêu Phong cũng trải qua năm bi kịch cá nhân: cha mẹ bị hại, Cái Bang khai trừ, bằng hữu tuyệt giao, giết lầm A Châu, phản lại Khiết Đan. Cái chết của Tiêu Phong là sự dâng hiến cho hoà bình, nhưng cũng là cách tự kết thúc đau khổ.


Một bìa sách Thiên Long Bát Bộ 
2. Long:

Đứng thứ hai trong tám bộ là rồng, còn gọi là Long chúng hay Long thần.

Trong Ấn Độ giáo, Long chính là Naga, là chủ các loài thuỷ tộc sống ở biển. Loài rồng có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo và cũng được người dân Ấn Độ tôn sùng. Theo truyền thuyết, rồng của Ấn Độ không có chân nên hình dáng giống loài rắn, nhưng ở đây là loại rắn chúa, rắn thần để phân biệt với rắn thường Sarpa. Nhiều khi rắn Naga còn là loại hổ mang bành bảy đầu. Trong kinh Udana, khi Đức Phật thiền định dưới gốc cây Bồ đề thì trời đất tối sầm, mưa to ập xuống kéo dài suốt bảy ngày liền, lúc đó một con rắn thần tên là Mucalinda xuất hiện quấn quanh đầu ngài, bảo vệ cho đức Thế Tôn khỏi mưa gió. Trong các kinh khác thường xuất hiện rắn thần đến lễ Phật; rắn cũng là sinh vật đầu tiên (ngoài người) quy y Tam bảo. Khi Naga du nhập vào Trung Hoa thì trở thành Long vương và gắn liền với hoàng gia cao quý. Thiên tử mặc áo long bào, ngồi ghế long ỷ, mặt mày gọi là long nhan, thân mình gọi là long thể, đó là bắt nguồn từ sự kính trọng với loài rồng mà ra.

Long thần Naga bảy đầu che cho Đức Phật ngồi thiền
Nhân vật tương ứng với Long thần của Thiên Long Bát Bộ là Đoàn Dự.

Đoàn Dự là nhân vật có thật trong lịch sử, chính là vị vua thứ 16 của Vương quốc Đại Lý. Ông trị vì từ 1108 đến 1147, cũng là quân vương tại vị lâu nhất trong lịch sử Đại Lý. Cháu nội Đoàn Trí Hưng của ông cũng được tiểu thuyết hóa thành Nam đế trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện. Suốt phần lớn chiều dài Thiên Long Bát Bộ, Đoàn Dự là một vương tử trẻ trung có phần ngờ nghệch nhưng đã có uy của loài rồng.

Thứ nhất, chàng là con trai duy nhất của Đoàn Diên Khánh chính tông nhà Đại Lý, là thái tử chân truyền. Cuối truyện chàng lên ngôi đường hoàng làm vua Đại Lý, chính là trở về “nguyên bản” loài rồng.

Thứ hai, hoàng gia Đại Lý sùng đạo Phật, các triều hoàng đế khi rời ngôi đều xuất gia ở Thiên Long tự. Bản thân Đoàn Dự cũng có tấm lòng hướng Phật, chàng thường xuyên trích dẫn kinh Phật, ghét bạo lực, nhân ái thương người, coi thường vật chất.

Thứ ba, Đoàn Dự học được Bắc Minh Thần Công có thể hút nội lực người khác, nhờ cơ duyên kì ảo lại luyện môn Lăng Ba Vi Bộ, di chuyển thoắt ẩn thoắt hiện, chẳng khác nào loài rồng kỳ bí và mạnh mẽ.
Tranh minh họa Đoàn Dự
Theo kinh Phật, trong tám loại thần chỉ có Thiên được hưởng phúc vi diệu, và Long có thần nghiệm màu nhiệm nhất, còn sáu loài còn lại tuy có tài biến hóa nhưng tâm chưa đủ tốt. Thế nên Thiên và Long đứng đầu tám bộ chúng sinh, dẫn đến gọi tắt là Thiên Long Bát Bộ. Trong tác phẩm này của Kim Dung, Tiêu Phong và Đoàn Dự cũng là hai nhân vật chính số một, số hai ăn khớp với thứ hạng của Thiên và Long.

Phần 2: Ai là Dạ Xoa, ai là Atula? 

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

HOA SỮA NGÀY XƯA

Nghe nói, năm 1992, Đồng Hới trồng hoa sữa thay cho những cụm hoa hồng bên thềm từng căn nhà, dọc phố. Những con đường xưa gió nồm, từ buổi xế trưa, mát hây hẩy, lại nồng nàn mùi bọt sóng, mùi cánh buồm chằm bằng đệm cừa xứ Nghệ, xứ Thanh khô nẻ, dính đầy vẩy cá chợt lóa chói trong ánh mặt trời. 
Cái đặc trưng cho Đồng Hới như Vinh trong xanh những tán lá bàng. 
Báo viết, bây giờ nơi Đồng Hới dân đóng cửa cả đêm, hoa sữa rơi như lá me bay, lả tả những đốm hoa hình sao trắng trên ly café sáng.  Tìm đâu thấy những con đường gió nồm ngày xưa. Phố nơi đây, mất cả gió nồm.

Dân Đồng Hới kêu quá trời nhưng chính quyền chưa có tiền để chặt.

Xứ Tam Kỳ “nghe hay mang về trồng tạo nét riêng cho mình”. Chắc lại nghe đồn thơm, say yêu nhạc sĩ Đồng Đăng, thổn thức trong thơ của nữ sĩ Hải Như: “Thành phố ngủ riêng hoa sữa thức/ Như tình yêu hoa sữa thơm nồng ...”.

Đông Hà, với ngổn ngang sắc lính, xe cộ, tiếng ồn, bụi bặm, những khu vực sống xen kẽ giữa người dân và trại lính thời VNCH, nay lại khác. Họ thực tế hơn, bây giờ thời cây sữa, cứ đêm đêm chặt trộm. Đà Nẵng thì đang lùng tùng tìm cách chữa bệnh dị ứng hoa sữa …

Căn nhà của tôi ở An Ninh (nơi phố huyện), chủ cũ trồng một cây hoa sữa, cổ thụ rồi. Có lần một hàng xóm không ngủ được, lén sang cắt bóc tròn vỏ gốc, chú cạnh nhà vác dao sang hỏi chuyện (vì cây này ngay sát cổng nhà ông ấy – cắt cây là độc lắm !?). Mình nghe kể lại mới biết. Bây giờ cây hoa sữa đã liền da, đầy thịt và đêm đêm dữ dội lắm.

Tôi có một thời cũng yêu hoa sữa như tình yêu. Cái thời “Máu và hoa” ấy, cái thời rất đỗi “Hồn bướm mơ tiên”. Một “Vụng dại và tôi”. Các bạn có cùng cảm nhận? Đọc bài viết hơi “ngố” của tôi ngày xưa nhé.

HOA SỮA
(bài viết năm 2011)

"Tôi thích dạo đêm cùng anh dưới trời đêm mùa thu hoa sữa". 
Chúng tôi bồi hồi cùng nghĩ về hoa sữa ngày xưa qua câu trả lời của bạn đồng hành "Vượt qua thử thách". Không bàn về cuối thu hay chớm đông của mùa hoa ấy. 
Những năm đó, chúng mình nắm tay nhau nơi đường Nguyễn Du hoa sữa, hồ Thiền Quang trăng và sương. Mùa này, hoa sữa nồng nàn. Hoa trong mùi phở đêm thèm muốn, cồn cào gọi cái bụng đói khuya của những năm đại học. “Thôi chúng mình chia tay, hai đứa cười nóng mặt” (thơ VĐV). Em về Yết Kiêu, còn ta lang thang đường Cầu Giấy ... 

Cả mùa hoa ấy, với bao nhiêu ngọt ngào, kín đáo, tha thiết  gom hết vào nồng nàn, da diết nhớ thương, ngào ngạt của đôi lứa chúng mình. Khi ở chiến trường, lòng người xa nhớ về sắc thu và mùi hoa sữa cuối mùa dữ dội mỗi đêm. Gọi nhớ nhung về trong cơn gió lạnh đầu mùa, co mình mảnh chăn đơn bộ đội, mà sao thấy cần hơi ấm biết bao nhiêu.

Loài hoa ấy chưa bao giờ ngừng toả hương trong tâm trí chúng mình, lại tự hỏi hương của hoa sữa hay hương của ký ức thân thương.
Rồi thời gian qua mau cho chúng mình những điều ước nguyện. Nhớ câu viết trong Văn nghệ quân đội những năm đọc ở chiến trường: "Hạnh phúc như chùm hoa sữa nồng nàn đưa ta vào tháng Mười và cứ đêm đêm tỏa hương dữ dội trên đường phố"
Ngày ấy nhà mình thật nghèo.

... Đã xa rồi năm tháng thương yêu, đã xa rồi một thời say đắm. Ta còn lại ngát thơm của hoa cau vườn mỗi sớm mai, chút dạ hương còn vương vấn  bên cửa sổ thềm nhà, còn lại chúng mình với bao kỷ niệm đẹp ngày xưa ...
(trích bài viết trên blog thời “Hồn bướm mơ tiên”- trích đăng thành entry này.)