Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

3 câu chuyện của Mạc Ngôn bị chính quyền coi là “bám gót nước ngoài”

 

3 câu chuyện ngắn thấm thía của nhà văn bị chính quyền coi là “bám gót nước ngoài” – Mạc Ngôn

Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, văn học nghệ thuật không phải là thứ công cụ dùng để hát bài ‘ca tụng’. Bởi vậy, không có tác phẩm nào của ông ca ngợi cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, hầu như tất cả đều phơi bày “mặt tối” của thực tế xã hội.

Mạc Ngôn là một nhà văn người Trung Quốc rất nổi tiếng, vốn xuất thân từ nông dân. (Ảnh: Nytimes)

Mạc Ngôn là một nhà văn người Trung Quốc rất nổi tiếng, vốn xuất thân từ nông dân. Ông được thế giới biết đến qua tác phẩm “Cao lương đỏ” đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Sau đó, bộ phim đạt giải “Cành cọ vàng” tại Liên hoan phim Cannes năm 1994. Năm 2012, ông nhận giải Nobel Văn học danh giá. 

Ở Việt Nam, Mạc Ngôn đã từng làm nên cơn sốt sách. Cách đây chừng 10 năm, độc giả Việt “săn lùng” Mạc Ngôn, sưu tầm Mạc Ngôn với những cuốn sách gây ám ảnh như “Đàn hương hình”, “Cây tỏi nổi giận”, “Rừng xanh lá đỏ”, “Báu vật của đời”, “Cao lương đỏ”… Ở Mạc Ngôn, người đọc nhìn thấy dũng khí của một cây viết vừa cay đắng vừa hài hước, vừa đả kích vừa xót xa.

Vào tháng 7 năm nay, hội Nhà văn Trung Quốc, tờ báo Đảng “Quang Minh nhật báo” và các tổ chức có thẩm quyền chính thức khác cùng với các phương tiện truyền thông trung ương đã chính thức loại nhà văn Mạc Ngôn ra khỏi danh sách “Các nhà văn Trung Quốc danh tiếng của 100 năm” vì không mang theo “gien đỏ” cách mạng, lại còn có xu hướng “bám gót nước ngoài”.

Truyền thông Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cùng lúc đã đăng các bài quan trọng, nhấn mạnh rằng văn học và nghệ thuật phải phục vụ ĐCSTQ. Nhấn mạnh rằng, phàm là những tác phẩm bôi đen chống phá Trung Quốc đều thiếu “gien đỏ” phải bị vứt bỏ.

Các tác phẩm của Mạc Ngôn đã phần lớn phơi bày mặt tối của xã hội Trung Quốc. Ông từng nói: “Nói sự thật là phẩm chất đáng quý của một nhà văn. Nếu nhà văn không dám nói thật thì nhà văn ắt phải nói dối, như vậy anh ta vô nghĩa đối với xã hội, đối với nhân dân…”

“Tôi nghĩ văn học, nghệ thuật không bao giờ là công cụ để tụng ca, văn học, nghệ thuật phải vạch trần bóng tối, phải vạch trần sự bất công xã hội, bao gồm cả việc vạch những u tối trong tâm hồn con người”. Bởi vậy, khẩu hiệu sáng tác của Mạc Ngôn dành cho bản thân là: “Tả nhân tính, nói lời thật”.

Dưới đây là 3 câu chuyện ngắn mà ông đã kể lại, rốt cuộc đó là “tả thực” hay “bám gót nước ngoài”, chúng ta hãy cùng nhau cảm nhận.

Câu chuyện thứ nhất

Trong những năm 1960, khi tôi học lớp ba, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đến tham quan một triển lãm về sự đau khổ. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, chúng tôi đều đã khóc.

Để giáo viên có thể nhìn thấy biểu hiện tốt của tôi, tôi thậm chí đã không nỡ lau đi nước mắt trên khuôn mặt của mình. 

Tôi còn thấy một số bạn cùng lớp lén lút bôi nước bọt lên mặt để giả mạo thành nước mắt.

Tôi cũng để ý thấy xen giữa những bạn khóc thật khóc giả đó, có một bạn không có một giọt nước mắt nào trên khuôn mặt, miệng cũng không phát ra âm thanh, cũng không dùng tay che mặt. Cậu ta tròn mắt nhìn chúng tôi, trong ánh mắt còn toát ra thần sắc kinh ngạc và bối rối.

Ngay lập tức, tôi đã báo cáo hành vi của bạn học đó cho giáo viên. Vì lý do này, nhà trường đã đưa ra một hình phạt cảnh cáo cho bạn cùng lớp ấy.


Việc “giáo dục yêu nước” mà Đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc đang cố gắng quảng bá bị các nhà phê bình lên án chỉ trích là tẩy não. (Ảnh: Fred Dufour / AFP qua Getty Images)

Nhiều năm sau, khi tôi sám hối với giáo viên về hành vi “mật báo” của mình, giáo viên nói rằng ngày hôm đó có hàng chục bạn cùng lớp đã đến để báo cáo với thầy về chuyện này.

Người bạn cùng lớp đó đã mất hơn 10 năm trước. Mỗi khi nghĩ về cậu ấy, tôi lại cảm thấy tội lỗi sâu sắc.

Điều này khiến tôi nhận ra một đạo lý: “Khi tất cả mọi người khóc, một số người nên được phép không khóc. Khi khóc trở thành một màn biểu diễn, thì nhiều người cũng nên được phép không khóc”.

Câu chuyện thứ 2

Hơn 30 năm trước, tôi vẫn còn công tác trong quân đội. Một buổi tối nọ, khi tôi đang đọc sách trong văn phòng thì có một vị từng là thủ trưởng đẩy cửa tiến vào, nhìn thoáng qua chỗ vị trí đối diện của tôi, tự nhủ “Ồ, không có người”.

Tôi lập tức đứng lên, cao giọng nói: “Chẳng lẽ tôi không phải là người hay sao?”.

Vị thủ trưởng kia bị tôi làm cho một phen đỏ mặt tía tai, xấu hổ mà rời đi.

Vì chuyện này, tôi dương dương đắc ý hồi lâu, cho rằng mình là một chiến sĩ anh dũng. Nhưng sau nhiều năm, tôi lại cảm thấy vô cùng áy náy.

Câu chuyện thứ 3

Đây là những gì ông nội đã kể với tôi từ nhiều năm trước. Có 8 thợ xây đi ra bên ngoài làm việc, trên đường đi, vì gặp cơn mưa lớn mà cùng nhau trú trong một ngôi đền đổ nát.

Bên ngoài tiếng sấm vang lên liên hồi, còn có một đám cầu lửa bay qua lại, trên không trung tựa hồ như còn có tiếng rồng đang gầm rú.

Tất cả mọi người trong lòng đều run sợ, mặt mày tái xanh. Có một người nói: “Trong 8 người chúng ta nhất định phải có một người đã từng làm những chuyện thương thiên hại lý. Ai đã từng làm chuyện xấu, hãy tự mình đi ra ngoài để nhận trừng phạt, tránh để người tốt phải bị liên lụy”.

Đương nhiên là không ai nguyện ý đi ra ngoài. Một lúc lại có người đề nghị: “Nếu tất cả mọi người đều không muốn rời đi, vậy thì chúng ta hãy cùng ném mũ rơm ra phía cửa miếu. Nếu mũ rơm của ai bị thổi ra ngoài, có nghĩa là người đó đã làm điều xấu, vậy thì mời anh ta ra ngoài để chịu trừng phạt”.

Mọi người liền lấy mũ rơm của mình ném ra phía cửa miếu. Mũ rơm của 7 người đã bị gió thổi trở lại trong miếu, chỉ có mũ rơm của một người bị cuốn ra ngoài.

Mọi người liền thúc giục người này đi ra ngoài chịu phạt, nhưng anh ta nhất quyết không muốn đi, mọi người liền túm lấy anh ta ném ra khỏi miếu. Nhưng thật không ngờ, người này vừa bị ném ra ngoài, ngôi miếu đột nhiên ầm ầm sụp đổ.

Tuệ Tâm (Theo Vision Times)


Mạc Ngôn: Cảm thấy bản thân không khác gì một con heo, con chó

 Mạc Ngôn: Cảm thấy bản thân không khác gì một con heo, con chó


“Tôi hồi tưởng lại những gì bản thân đã trải qua trong hơn 30 năm nay, cảm thấy bản thân mình không khác gì một con heo hay một con chó, cứ mãi kêu ăng ẳng, chạy quanh cái chuồng, tìm kiếm những gì có thể ăn được để lấp đầy cái động không đáy này…”

Mạc Ngôn, 61 tuổi, tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh ra tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc. Ông phải bỏ tiểu học do Đại Cách mạng Văn hóa và phải lao động nhiều năm ở nông thôn.

Năm 1976, ông nhập ngũ, bắt đầu học văn học và viết văn. Năm 1981, truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản trên một tạp chí văn học. Bút danh Mạc Ngôn của ông có nghĩa là “không nói”.

Các tác phẩm của ông mô tả sinh động một Trung Quốc đầy biến động trong thế kỷ 20, từ cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ chế độ phong kiến Trung Quốc cho đến những chính sách đất đai thất bại của chính quyền Bắc Kinh thập niên 1950 và thời kỳ động loạn, đẫm máu của Cách mạng Văn hóa 1966-1976.

Trong một bài viết kể về những hồi ức thời cái đói bao trùm toàn xã hội Trung Quốc, ông đã ví bản thân: “Cảm thấy bản thân mình không khác gì một con heo hay một con chó, cứ mãi kêu ăng ẳng, vòng quanh cái chuồng, tìm kiếm những gì có thể ăn được để lấp đầy cái động không đáy này…”

*** 

Vì miếng ăn, tôi đã lãng phí quá nhiều trí huệ, bây giờ vấn đề ăn uống đã được giải quyết rồi, nhưng đầu óc cũng dần dần không còn linh hoạt nữa.

Vào cái tuổi tôi cần dinh dưỡng nhất, lại là lúc đại đa số người dân Trung Quốc đói đến sống dở chết dở. Tôi thường nói với bạn bè rằng, nếu như không phải bởi đói khổ, thì tôi nhất định sẽ thông minh hơn bây giờ. Bởi vì lúc mới sinh ra đã ăn không no, vậy nên ký ức sớm nhất trong đầu đều có liên quan với đồ ăn.

Lúc đó nhà tôi có mười mấy người, mỗi khi dọn cơm, tôi đều phải khóc lớn một hồi. Con gái của chú tôi lớn hơn tôi 4 tháng tuổi, lúc đó chúng tôi đều khoảng bốn năm tuổi, mỗi bữa cơm bà nội đều chia cho tôi và người chị này mỗi người một miếng khoai lang khô đã nổi mốc, và tôi luôn cho rằng bà nội thiên vị, đem miếng lớn hơn cho chị. Thế là liền giành lấy miếng đó trong tay chị tôi, ném miếng của mình qua. Sau khi giật lại mới phát hiện miếng đó của mình lớn hơn, thế là lại giành lại.

Giành đi giành lại như vậy mấy lần, chị ấy đã khóc. Mặt của thím tôi cũng dài ra. Tôi từ khi lên bàn cơm đã nước mắt tuôn trào. Mẹ không biết làm sao chỉ thở dài. Bà nội tự nhiên đứng trước mặt chị dỗ dành an ủi. Lời của thím càng khó nghe. Mẹ tôi luôn miệng xin lỗi thím và bà nội, trách móc cái bụng của tôi sao mà lớn quá, nói nghìn lần vạn lần không nên sinh ra thằng con trai bụng lớn như vậy.

Ăn miếng khoai lang kho đó xong, chỉ còn lại những mớ rau dại. Những thứ đồ màu đen, đâm vào miệng đó quả thật nuốt không nổi, nhưng lại không thể không ăn. Thế là chỉ đành phải vừa ăn vừa khóc, nước mắt và đồ ăn trong miệng hòa quyện vào nhau cùng nuốt xuống. Lứa người chúng tôi, rốt cuộc là dựa vào nguồn dinh dưỡng gì để lớn lên đây? Tôi thật sự không biết. Lúc đó nghĩ rằng, khi nào có thể được ăn một bữa khoai khô no bụng thì trong lòng đã mãn nguyện lắm rồi.

Mùa xuân năm 1960, có thể nói là một mùa xuân đen tối nhất trong lịch sử nhân loại. Hết thảy những gì ăn được như: rễ cỏ, vỏ cây, cỏ trên mái hiên, v.v… đều đã ăn sạch cả rồi, trong làng gần như mỗi ngày đều có người chết. Đều là chết đói.

Mới đầu người chết rồi vẫn còn có người chôn cất, người thân còn có thể khóc lóc thảm thiết đi đến miếu Thổ Địa đầu làng để “báo miếu”, gạch bỏ nhân khẩu người chết với ông Thổ Địa. Về sau người chết không có ai chôn cất, càng không có người kêu khóc đi “báo miếu” nữa.

Nhưng vẫn có một số người khỏe mạnh gắng gượng khiêng thi thể người đã chết ra bên ngoài làng, rất nhiều chó dại ăn thịt người chết đang chờ đợi ở đó, thi thể vừa bỏ xuống, đàn chó liền ùa đến, cắn xé thi thể người chết. Trước đây tôi vốn không hiểu lắm về cái gọi là quan tài da lông được những người nghèo khổ sử dụng trong văn kịch, bây giờ đã hiểu được cái gì gọi là quan tài da lông.

Về sau có một số sách đã từng viết về chuyện người ăn thịt người vào thời đó, tôi cảm thấy chỉ có thể là hiện tượng vô cùng cục bộ. Nghe đồn rằng Mã Tứ trong làng chúng tôi đã từng cắt thịt đùi người vợ đã chết của mình nướng ăn, nhưng không có được chứng thực, bởi vì bản thân ông ấy cũng đã chết không lâu sau đó.

Lương thực à lương thực, lương thực đều đã đi đâu hết cả rồi? Lương thực đều đã bị những người nào ăn hết rồi? Người trong làng thật sự không biết phải làm gì, đói chết cũng không dám đi ra bên ngoài kiếm sống, đều ở trong nhà chờ chết. Về sau nghe nói loại đất màu trắng nơi vùng trũng phía nam có thể ăn được, liền có người đi đến đó đào ăn thử. Ăn xong không tiêu hóa được, khiến cho một số người bị ngột chết, thế là không còn ai dám ăn nữa.

Lúc đó tôi đã đi học, mùa đông, trong trường học kéo đến một xe than, sáng lóng lánh, là than tốt. Có một bạn học mắc bệnh lao nói với chúng tôi rằng than đó rất thơm, càng nhai càng thơm. Thế là chúng tôi đều đi bốc lên ăn thử, quả nhiên là càng nhai càng thơm.

Vừa lên lớp, cô giáo viết chữ ở trên tấm bảng, chúng tôi ở phía dưới ăn than, tiếng nhai “sột soạt, sột soạt” vang lên. Cô giáo hỏi chúng tôi đang ăn gì, mọi người đều đồng thanh nói là ăn than. Giáo viên nói than làm sao có thể ăn được chứ? Chúng tôi lè cái miệng đen sì ra, nói: “Cô ơi, than rất ngon, than là thứ ngon nhất trên đời này, rất là thơm, cô ăn thử một miếng thử xem”.

Cô giáo chúng tôi họ Du, cũng bị đói đến thê thảm, sắc mặt nhợt nhạt như sáp, dường như râu cũng mọc dài ra, đói thành người đàn ông rồi. Cô nghi ngờ nói, than làm sao có thể ăn được nhỉ? Than làm sao có thể ăn được nhỉ? Một học sinh nam nịnh bợ đưa một miếng than sáng lóng lánh cho cô, bảo cô hãy nếm thử đi, nếu như không ngon, thì cô có thể nhả ra.

Cô giáo Du thử cắn một miếng nhỏ xem thử, miệng nhai “sột soạt, sột soạt”, chân mày cau lại, dường như là đã cảm nhận được mùi vị, sau đó ăn một miếng lớn. Cô ngạc nhiên vui mừng nói: “À, thật sự rất là thơm ngon!”. Chuyện này có chút ma huyễn, bây giờ tôi cũng cảm thấy giống như không có thật, nhưng đây lại là chuyện hoàn toàn có thật.

Năm ngoái khi tôi về thăm lại quê nhà có gặp lại ông Vương người đã từng làm người gác cổng trường năm đó, nói về chuyện ăn than, ông Vương nói, đây là chuyện hoàn toàn chính xác, sao lại có thể giả được? Phân của mọi người chỉ cần bỏ lên trên lò nướng thì cháy khét thành cái gọi là bánh than.

Khi nạn đói lên đến cực độ, quốc gia mở kho lương cứu trợ, bánh đậu, mỗi người nửa cân (¼ kg). Bà nội chia cho tôi một miếng lớn cỡ như hạt hạnh nhân, bỏ vào trong miệng, nhai nhai, thơm ngon cực kỳ, không nỡ nuốt xuống thì đã biến mất, dường như đã tan mất trong miệng.

Ông cụ họ Tôn ở làng phía tây nhà tôi trên đường trở về nhà đã ăn hết hai cân bánh đậu phân phát cho nhà ông ấy, sau khi về đến nhà, liền bắt đầu khát nước, sau đó đã uống nước lạnh, bánh đậu trong bụng nở ra, dạ dày căng lên vỡ ra, đã chết.

Mười mấy năm sau, rút kinh nghiệm xương máu, mẹ tôi nói rằng con người thời đó, dạ dày mỏng giống như tờ giấy, không có lấy một chút mỡ. Người lớn phù thũng, những đứa trẻ chúng tôi đều ngửa ra cái bụng to giống như bong bóng nước, cái bụng đều là trong suốt, đường ruột màu xanh lúc nhúc bên trong. Những đứa trẻ đều rất có sức ăn, đứa trẻ năm sáu tuổi, mỗi một lần đều có thể uống tám chén cháo nấu với rau dại, cái chén thời đó là cái tô lớn bằng sứ thô.

Về sau, cuộc sống dần dần chuyển biến tốt hơn, cơ bản đã có gạo thô ăn trong nửa năm. Người chú của tôi làm việc mua bán ở hợp tác xã đã đi cửa sau mua được một bao tải bánh hạt bông, bỏ ở trong cái lu. Mỗi tối thức dậy đi tiểu, tôi cũng không quên đi lấy trộm một miếng, bỏ vào trong chăn, trùm đầu lại ăn, thơm ngon cực kỳ.

Gia súc trong làng đều đã đói chết cả, trong trại chăn nuôi trong đội sản xuất có bắc một cái nồi lớn. Có một đứa trẻ lớn tên Vận Du, dắt chúng tôi cao giọng hát ca khúc:

Mắng Lưu Bưu một tiếng đầu nhà ngươi thật là lớn,

Bố người mười lăm, mẹ người mười sáu

Cả một đời không vớt được bữa cơm no,

Chít chít rột rột mà gặm khúc xương bò dê.

Đại đội trưởng tay cầm khúc cây lớn rượt đuổi chúng tôi. Trong con mắt của đại đội trưởng, chúng tôi đại khái còn đáng ghét hơn những ruồi nhặng kia.

Nhân lúc đại đội trưởng đi nhà vệ sinh, chúng tôi lao lên giống như bầy sói đói. Anh ba tôi giành được một cái đùi ngựa, mang về nhà, giống như bảo vật vậy. Nhóm lửa lên, đốt cháy lông trên đùi ngựa, sau đó chặt ra, bỏ vào trong nồi nấu. Nấu chín rồi liền uống canh. Mùi vị của bát canh đó quả thật là quá đặc biệt, mấy chục năm sau vẫn khiến tôi không sao quên được.

Trong thời gian diễn ra Đại Cách mạng Văn hóa, vẫn là ăn không được no, tôi liền đi đến ruộng ngô đi tìm kiếm nấm mọc ở trên thân cây ngô. Lột xuống, đem về nhà nấu chín, thêm một ít muối, ăn cùng với tỏi giã nát, cảm thấy mùi vị thơm ngon vô cùng, tâm trí tôi lúc đó cảm thấy đây mùi vị thơm ngon nhất trên đời này.

Cuộc sống càng lúc càng khá hơn, cuối cùng cũng đã có thể  được ăn khoai lang khô no bụng. Lúc này đã là thời kỳ cuối của Đại Cách mạng Văn hóa. Có một năm, kết toán cuối năm, nhà tôi được chia hơn 290 đồng, đây là con số kinh người thời bấy giờ. Tôi còn nhớ thím sáu của tôi đã đánh vỡ đầu cô con gái của bà chỉ bởi khi đi chợ đã làm mất một hào.

Chia được nhiều tiền như vậy, đội đồ tể trong làng có bán thịt rẻ tiền, bố tôi đã hạ quyết tâm mua 2,5 kg, cũng có thể nhiều hơn một chút, để đãi chúng tôi một bữa. Cắt thịt ra thành từng miếng lớn, nấu chín, mỗi người một tô, tôi một hơi đã ăn hết một tô thịt mỡ, còn cảm thấy không đủ, mẹ tôi thở dài, đưa cho tôi chén của bà.

Ăn xong, trong miệng vẫn thấy thèm, nhưng bụng đã không thể ăn nổi nữa. Từng dòng từng dòng mỡ heo kèm theo miếng thịt chưa có nhai vụn như muốn phun ra ngoài, cổ họng giống như bị dao đâm, đây chính là cảm giác ăn thịt.

Tính tham ăn của tôi nổi tiếng khắp làng, chỉ cần trong nhà có chút đồ ăn ngon, không kể là giấu ở chỗ nào, tôi luôn nghĩ đủ mọi cách để lấy trộm ăn. Có những lúc đang ăn đang ăn thì không còn khống chế được bản thân mình nữa, dứt khoát hạ quyết tâm, không màng đến hậu quả, ăn hết toàn bộ, không đếm xỉa gì đến việc bị đánh bị mắng.

Ông bà nội của tôi sống ở nhà thím, cần tôi đưa cơm cho họ ăn. Tôi luôn là lợi dụng cơ hội đưa cơm, mở hộp cơm ra lén lấy chút ăn, bởi vậy mẹ tôi đã chịu không ít oan uổng. Chuyện này đến tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy day dứt. Tại sao tôi lại tham ăn như vậy? Đây e rằng không hoàn toàn là bởi đói khổ, mà có liên quan với phẩm chất của tôi. Một đứa trẻ tham ăn, thường thường là ý chí yếu nhược, năng lực tự chủ rất kém, tôi chính là như vậy.

Thời kỳ giữa những năm 70 của thế kỷ 20, đi lao động ở công trình thủy lợi, đội sản xuất hấp bánh màn thầu, nửa cân bột một cái, tôi một lần có thể ăn 4 cái, có người có thể ăn 6 cái.

Năm 1976, tôi đi lính, lúc này đã từ giã cơn đói bụng. Từ lính mới được điều đến đơn vị mới, bữa cơm đầu tiên, bưng lên một lồng bánh màn thầu trắng như tuyết, tôi một hơi đã ăn 8 cái. Trong bụng vẫn còn cảm thấy trống rỗng, nhưng ngượng ngùng không ăn tiếp nữa.

Tiểu đội trưởng bếp núc nói với sĩ quan hậu cần rằng: “Hỏng rồi, không ngờ đã đến một thằng bụng bự”. Sĩ quan hậu cần nói: “Không sao, ăn được một tháng thì không ăn nổi nữa”. Quả nhiên, một tháng sau, vẫn là món màn thầu đó, một lần chỉ có thể ăn hai cái. Còn giờ đây, một cái đã đủ rồi.

Dẫu cho bây giờ không còn bị đói nữa, trong bụng cũng đã có mỡ rồi, nhưng vừa lên bàn tiệc, luôn là có chút vội vã, vội vã giành giật giống như sợ không được ăn no bụng, cũng không kể người khác nhìn tôi như thế nào. Sau khi ăn xong cũng cảm thấy hối hận, tại sao tôi không thể ăn một cách từ tốn chậm rãi chứ? Tại sao tôi không thể ăn ít một chút chứ? Tại sao không để người khác cảm thấy xuất thân cao quý, phong thái ăn uống nho nhã của tôi, bởi vì trong xã hội văn minh, ăn nhiều là biểu hiện của việc không được dạy dỗ.

Rất nhiều người chỉ trích tôi ăn nhiều, hễ ăn cơm thì không còn màng đến thân phận nữa, chỉ vùi đầu vào ăn, tôi cảm thấy lòng tự tôn bị tổn hại rất lớn, bèn hạ quyết tâm lần sau ăn uống nho nhã hơn một chút, nhưng lần sau những người có thân phận đó vẫn công kích tôi ăn nhiều, ăn nhanh, giống như là sói vậy.

Lòng tự tôn của tôi càng bị tổn thương hơn. Lại một lần nữa ăn cơm, tôi luôn nhớ kỹ trong đầu, cần phải ăn ít, ăn chậm, không nên đi đến trước mặt người khác gắp đồ ăn, khi ăn miệng không nên vang lên, ánh mắt không nên dữ tợn, cần phải cầm đũa ngay ngắn, khi gắp đồ ăn chỉ gắp một cọng rau hoặc là một cọng giá, giống như là chú chim nhỏ, giống như là con bướm vậy, nhưng những người khác vẫn là công kích tôi ăn nhiều ăn nhanh, tôi tức đến chết đi được.

Bởi vì khi tôi cố gắng ăn uống một cách nho nhã, quan sát thấy các quý cô quý bà công kích tôi khi ăn cũng ăn giống như hà mã vậy, chỉ sau khi ăn no rồi mới bắt đầu tỏ ra nho nhã. Thế là ngọn lửa tức giận liền cháy bừng từ trong ngực tôi, lần sau khi ăn bữa tiệc không cần phải trả tiền như vậy, một đĩa hải sâm bưng lên, tôi liền bưng lấy cái đĩa, cho một nửa vào trong chén của mình, ăn nuốt ngấu nghiến, họ nói bộ dạng ăn uống của tôi hung ác, cơn giận trào lên, lại đem nửa đĩa đó đổ vào trong chén của mình, gắp qua giống như là khiêu chiến vậy. Lần này, họ lại mỉm cười một cách thân thiện, nói: “Mạc Ngôn quả thật là rất đáng yêu!”

Tôi hồi tưởng lại những gì bản thân đã trải qua trong hơn 30 năm nay, cảm thấy bản thân mình không có khác biệt gì so với một con heo hãy một con chó, cứ lủi thủi khắp nơi để tìm kiếm những gì có thể ăn được để lấp đầy cái động không đáy này. Vì miếng ăn, tôi đã lãng phí quá nhiều trí huệ, bây giờ vấn đề ăn uống đã được giải quyết rồi, nhưng đầu óc cũng đã dần dần không còn lanh lợi nữa.

Tác giả: Mạc Ngôn

Theo Soundofhope

“Sống đọa thác đày” của Mạc Ngôn

 “Sống đọa thác đày” của Mạc Ngôn: Trung Quốc một thời lầm than

Sinh ra năm 1955, và sống qua một thời đại đóng cửa đen tối, rồi mở cửa ồ ạt của Trung Quốc, nhà văn Mạc Ngôn đã dùng ngòi bút phát họa nên những kiếp người bị đày đọa trên chính quê hương ông.

Nhà văn Mạc Ngôn. 

Cuốn tiểu thuyết “Sinh tử bỉ lao” (Sống đọa thác đày) của tác giả nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn gần đây đã được nhà xuất bản Seuil của Pháp phiên dịch và xuất bản. Bộ tác phẩm này được dịch ra tiếng Pháp có tên gọi là “Quy luật nhân quả luân hồi tàn khốc”. Dưới đây là một đoạn phỏng vấn của ký giả người Pháp Ursula Gauthier của tạp chí “Nhà quan sát mới” (Le Nouvel Observateur) với tác giả Mạc Ngôn.

Tạp chí “Nhà quan sát mới” đã giới thiệu Mạc Ngôn cùng với tác phẩm “Sinh tử bỉ lao” của ông như sau: Mạc Ngôn được đông đảo quần chúng nhìn nhận là tác gia rất quan trọng của Trung Quốc hiện nay. Ông xuất thân từ nông dân, nhưng chính quân đội đã cho ông cơ hội để nghiên cứu và sáng tác. Trong số hơn 80 quyển tiểu thuyết của ông có cả tác phẩm “Cao lương đỏ” được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim ảnh.

Tác phẩm mới của Mạc Ngôn – “Sinh tử bỉ lao” xoay quanh lịch sử xây dựng đất nước Trung Quốc trong 60 năm trở lại đây, miêu tả cho độc giả những mưa gió mà Trung Quốc đã trải qua trong 60 năm qua, thể hiện sự đồng cảm của tác giả đối với phần đông người dân lao động khổ cực.

“Sinh tử bỉ lao” thuật lại, vào 50 năm đầu trong cuộc vận động cải cách ruộng đất, có một địa chủ tên Tây Môn Náo đã bị Đảng Cộng sản trung Quốc (ĐCSTQ) xử bắn. 50 năm sau trong câu chuyện đầu thai chuyển sinh, ông lần lượt đầu thai làm con lừa, trâu, heo, chó và khỉ, cuối cùng lại được đầu thai thành người.

Trong lúc phỏng vấn, Mạc Ngôn nói, trong “Sinh tử bỉ lao”, ông thông qua nhân vật chính Tây Môn Náo biểu đạt cách nhìn của ông đối với thời kỳ đầu kiến lập Trung Quốc với cuộc vận động xã hội to lớn quan trọng, cũng chính là vận động cải cách ruộng đất. Ông cho rằng, ngay lúc đó địa chủ phú nông bị đuổi tận giết tuyệt là tuyệt đối không công bằng. Bởi vì trong bọn họ có rất nhiều người đều dựa vào chính mình vất vả cần cù lao động cùng tính toán tỉ mỉ mới giàu có lên, bọn họ không nên bị xử tử.

Mạc Ngôn tiến thêm một bước chỉ ra rằng, nói một cách tổng thể, nông dân Trung Quốc với tư cách là một chỉnh thể phổ biến đã bị ĐCSTQ ngược đãi. Trong thời đại của Mao Trạch Đông, chính sách giá cả của quốc gia và dự toán phân phối bất hợp lý khiến nông thôn vì sự nghiệp công nghiệp hóa Trung Quốc đã phải bỏ ra một cái giá quá lớn. Mà cho đến hôm nay, con cái của những người nông dân năm đó, đã hợp thành quy mô công nông dân với hơn một tỷ người, bọn họ đã chịu lao động giá rẻ và đãi ngộ thấp kém giúp cho kinh tế Trung Quốc chắp cánh bay lên.

Mạc Ngôn nói: “Nhân vật chính Tây Môn Náo chuyển thế luân hồi vào năm 1949 gặp phải tai ương chính là khắc họa cảnh ngộ của nông dân Trung Quốc. Nông dân Trung Quốc từ năm 1949 trở về sau, hoàn toàn bị đối đãi như dê bò, bọn họ bị tước đoạt tự do, bị đuổi cả đàn cả lũ mà vào công xã nhân dân; bọn họ phải tuân thủ kỷ luật, khi âm thanh còi vang lên mới được nghỉ ngơi, người khác gọi họ trồng hoa màu gì thì họ trồng hoa màu đó.

Tuy rằng nông dân Trung Quốc trong thế kỷ 20 thập niên 80 đã từng có một chút tự do, nhưng mà hoàn cảnh của họ ngay sau đó liền ngày càng sa sút. Chính như nhân vật chính Tây Môn Náo, cho dù bản thân không có gì để chỉ trích, nhưng anh ta vẫn như người vô tội mà bị xử bắn, hơn nữa cho dù là ở địa ngục vẫn bị ngược đãi. Nếu như không phải ở anh có trí tuệ xuất sắc cùng tinh thần sống sót ngoan cường, thì sao có thể chịu nổi đãi ngộ như trâu ngựa đây?”.

Như vậy, Diêm La Vương ở âm phủ địa ngục vì sao lại giống như ở nhân gian, đối xử không công bình với Tây Môn Náo như thế? Mạc Ngôn trả lời: “Bởi vì Tây Môn Náo là một người phản kháng. Anh ta trước sau không ngừng kêu gào phải quay về nhân gian để tính sổ với những đao phủ đã sát hại mình. Diêm La Vương cũng như chính quyền Bắc Kinh, cũng sẽ nghiêm khắc trừng trị những người phản kháng”. Mạc Ngôn nói: “Địa ngục kỳ thực tượng trưng cho Trung Quốc, khác biệt duy nhất là ở chỗ, tại địa ngục, con người không thể bị một phát súng bắn chết, mà sẽ bị cưỡng bức đầu thai chuyển thế làm lợn, dê, bò, các loại động vật”.

Phóng viên của tạp chí “Nhà quan sát mới” chú ý tới việc Mạc Ngôn sử dụng rất nhiều từ ngữ Phật giáo trong tiểu thuyết của ông, liền hỏi thăm bản thân ông phải chăng đối với Phật giáo đặc biệt cảm thấy hứng thú. Mạc Ngôn trả lời rằng, Phật giáo, Đạo giáo cùng tư tưởng Khổng Tử là bộ phận trọng yếu tạo thành hệ thống đạo đức Trung Quốc, ông bà của ông tuy là những nông dân không biết nhiều chữ nghĩa, cũng chưa từng xem qua kinh Phật, nhưng cũng như đại đa số nông dân Trung Quốc vậy, có thể dùng giáo lý nhân quả báo ứng của Phật giáo mà giải thích sự thật trong cuộc sống.

Trên thực tế, quy luật nhân quả luân hồi khiến dân chúng có thể khắc chế những kích động phá hoại từ nội tâm, mà tiếp tục nhẫn nại đi tiếp. Mạc Ngôn bình thản nói, những lúc ông gặp phải khó khăn và trở ngại, cũng thường truy tìm giải thoát trong Phật giáo.

Ông còn nói, nếu như ông chấp chính, ông sẽ dẫn dắt đại đa số dân chúng tín phụng Phật giáo, như thế đất nước sẽ thái bình rất nhiều rồi, không có trộm cắp, không có mưu sát, không có thù hận, có thể cũng không có tình yêu. Tuy nhiên, ông cũng bổ sung con đường này không thể được rồi.

Trong tiểu thuyết “Sinh tử bỉ lao” còn một nhân vật chính khác là Lam Liễm cũng nhận được sự chú ý của tạp chí “Nhà quan sát mới”, vì Lam Liễm không chịu hòa nhập vào tập thể, cự tuyệt đem phần đất của mình giao cho công xã quản lý. Mạc Ngôn trong lúc phỏng vấn còn cường điệu nói, với ông, nhân vật Lam Liễm đưa ra một vấn đề hết sức quan trọng, đó chính là chủ nghĩa cộng sản có thực sự là một chế độ xã hội có thể thực hiện được không?

Mạc Ngôn cho là không thể được, đây là trái với nhân tính. Ông cho rằng, chỉ có xã hội mà một ngàn người cũng chỉ có một gương mặt mới có thể thống nhất cách ăn mặc trang điểm, cử chỉ ăn nói của mọi người. Mà trên thực tế, con người có tính cách đa dạng. Phóng viên hỏi, chẳng lẽ không thể tồn tại sự phát triển cá tính dựa trên sự nhẫn nhịn trên tinh thần của cả chỉnh thể sao? Mạc Ngôn cho rằng trong tình huống trước mắt là không thể được.

Tuy nhiên trước mắt xã hội Trung Quốc đối với việc sùng bái tư hữu tài sản khiến cho nhiều khuyết điểm của tư bản chủ nghĩa hiện ra, cũng từ đó mà lý luận chủ nghĩa Mác lại được lần nữa nhận được sự hứng thú từ dân chúng. Có lẽ đáp lại những người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan, xã hội Trung Quốc sẽ có diễn biến hình thức mới trên chỉnh thể. Có lẽ đây cũng là luân hồi có tính chu kỳ. Tuy nhiên, Mạc Ngôn hy vọng trong vòng luân hồi mới lần này, không còn giống như thời đại Mao Trạch Đông trước đây, khiến mỗi người Trung Quốc đều chịu đựng thống khổ to lớn như thế.

Ngày tháng tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa

 


Ngày tháng tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa

Tác giả: Mạc Ngôn

Xã hội nhân loại ồn ào náo nhiệt, đèn đỏ rượu xanh, xa hoa truy lạc, nhìn vào thì thấy vô cùng phức tạp, nhưng suy nghĩ kĩ một chút, cũng chẳng qua chỉ là những người nghèo khổ theo đuổi vinh hoa, người giàu có truy cầu hưởng lạc, cơ bản chỉ là một chuyện như vậy…

Tại sao mọi người đều chán ghét cái cảnh nghèo túng? Bởi vì người nghèo không thể thỏa mãn được cái dục vọng của bản thân. Không kể là ham muốn vật chất hay ham muốn hưởng lạc, không kể là cái tâm hư vinh hay tâm ham thích cái đẹp, không kể là đến bệnh viện khám bệnh không cần phải xếp hàng, hay là ngồi ở khoang hạng nhất trên máy bay, đều cần phải dùng tiền để thỏa mãn, dùng tiền để thực hiện.

Phú là bởi có tiền, quý là bởi xuất thân, dòng dõi và quyền lực. Đương nhiên, có tiền cũng chính là không cần lo lắng đến chuyện địa vị cao quý, còn có quyền lực rồi dường như cũng không cần lo lắng đến chuyện không có tiền. Bởi vì phú và quý là có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời, có thể dung hợp lại thành một phạm trù.

Người nghèo khó mong sao có được phú quý vinh hoa, đây là chuyện thường tình của con người, cũng là nhu cầu chính đáng. Phú quý là mưu cầu chính đáng của con người, nhưng phú quý nếu không dùng thủ đoạn chính đáng để có được thì không nên tận hưởng.

Nghèo túng là thứ mà người người căm ghét, nhưng ta cũng không thể dùng thủ đoạn không chính đáng để thoát khỏi cảnh nghèo túng. Trong cuộc sống hiện thực, những người dùng thủ đoạn không chính đáng để thoát khỏi cảnh nghèo túng để đạt được giàu sang đâu đâu cũng có, tuy có những người lớn tiếng mắng nhiếc những người dùng mưu mô thủ đoạn không chính đáng để thoát khỏi nghèo khó, nhưng chỉ cần bản thân hễ có cơ hội cũng sẽ làm như vậy, loại người này đâu đâu cũng có.

Dục vọng của con người là cái động không đáy, không sao lấp đầy được

Vợ của ông lão đánh cá ban đầu chỉ là muốn có một cái chậu mới, nhưng sau khi có được cái chậu mới rồi, thì bà ta lại muốn ngôi nhà gỗ, có ngôi nhà gỗ rồi, lại muốn được làm nhất phẩm phu nhân, sau đó lại muốn được làm nữ hoàng, sau khi được làm nữ hoàng rồi, bà ta lại muốn được làm nữ long vương nơi biển cả, muốn con cá vàng có thể thỏa mãn dục vọng hầu hạ bà ta, đây chính là đã vượt quá giới hạn, giống như thổi bọt xà phòng, thổi lớn quá mức rồi, tất nhiên sẽ vỡ ra.

Phàm là chuyện gì cũng đều có chừng mực, một khi đã vượt quá giới hạn rồi, thì ắt sẽ phải chịu sự trừng phạt, đây là triết lý nhân sinh giản dị nhất, cũng là quy luật của rất nhiều sự vật trong giới tự nhiên.

Rất nhiều câu chuyện có ngụ ý khuyên răn được lưu truyền trong dân gian đều đang nhắc nhở mọi người hãy khắc chế dục vọng của bản thân mình. Nghe nói Ấn Độ có người vì để bắt khỉ, đã làm ra một cái lồng, trong lồng có để thức ăn. Con khỉ thò tay vào trong lấy, tay nắm chặt lấy thức ăn, tay không rút ra được nữa. Nếu muốn rút tay ra, thì cần phải bỏ thức ăn ra, nhưng con khỉ nhất quyết không chịu bỏ đồ ăn ra.

Con khỉ không có trí huệ “buông bỏ”. Con người có trí huệ để “buông bỏ” hay không? Có người có, có người không. Có người có những lúc có, có người có những lúc không có. Con người ta sẽ luôn có một số thứ không nỡ buông bỏ, đây chính là nhược điểm của con người, cũng là bản tính sẵn có của con người.

Hơn 100 năm trước, các phần tử trí thức tiên tiến của Trung Quốc đã từng đưa ra khẩu hiệu dùng khoa học kỹ thuật cứu lấy đất nước, hơn 30 năm trước, các chính trị gia của Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu sử dụng khoa học kỹ thuật để phát triển đất nước. Nhưng thời gian đến tận hôm nay, tôi cảm thấy nhân loại đang đứng trước nguy hiểm lớn nhất, chính là khoa học kỹ thuật của nhân loại ngày càng tiên tiến thì dục vọng của con người ta ngày càng bành trướng thêm.

Dưới sự kích thích của bản tính tham lam tự tư của con người, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã đi ngược lại quỹ đạo bình thường nhằm để phục vụ cho sức khỏe của con người, mà là dưới sự thúc đẩy của lợi nhuận đã phát triển điên cuồng để thỏa mãn dục vọng của con người, thật ra đây là nhu cầu bệnh hoạn của một thiểu số những người giàu có.

Con người đang điên cuồng cướp đoạt mọi thứ từ Trái đất

Chúng ta khiến cho Trái đất chịu tổn hại nặng nề, chúng ta đã làm ô nhiễm sông ngòi, biển cả và không khí, chúng ta chen chúc chung một chỗ, dùng sắt thép và xi măng xây nên những kiến trúc cổ quái kỳ lạ, gọi những nơi này bằng cái tên đẹp đẽ là thành phố, chúng ta ở trong thành phố như vậy phóng túng dục vọng của bản thân mình, chế tạo nên các loại rác khó mà phân hủy được.

So với người dân nơi thôn quê, người trong thành phố là có tội nặng hơn; so với người nghèo khổ, thì người giàu có là có tội nặng hơn; so với bá tánh bình dân, thì các quan chức là có tội nặng hơn; từ một loại ý nghĩa khác mà nói, chức quan càng lớn, thì tội càng nặng. Bởi vì chức quan càng lớn, thì thói phô trương lãng phí càng nhiều, dục vọng càng to lớn, tài nguyên lãng phí chính là càng nhiều.

So với các nước không phát triển, thì các nước phát triển là có tội nặng hơn, bởi vì dục vọng của các nước phát triển lớn hơn, bởi vì các nước phát triển không chỉ hủy hoại trên quốc thổ của mình, hơn nữa còn đến những nước khác, đến biển cả, đến Bắc Cực và Nam Cực, lên trên mặt trăng, ngay cả bầu trời cũng bị họ hủy hoại một một cách mù quáng.

Trái đất bốc khói khắp nơi, toàn thân run rẩy, biển lớn gào thét, bão cát mù trời, hạn hán lũ lụt, cũng như các triệu chứng ác liệt khác đều có liên quan chặt chẽ với phát triển khoa học kỹ thuật dưới sự thúc đẩy bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển.

Trong thời đại như vậy, văn học của chúng ta kỳ thực gánh vác trách nhiệm to lớn, chính là trách nhiệm cứu lấy Trái đất, cứu lấy nhân loại, chúng ta dùng tác phẩm của mình để nói với mọi người rằng, nhất là những người giàu có dùng thủ đoạn không chính đáng để có được tài sản và quyền thế, họ là tội nhân, Thần linh sẽ không che chở cho họ. Chúng ta dùng tác phẩm của chúng ta để nói với những chính trị gia giả dối kia rằng, điều được gọi là lợi ích quốc gia vốn không phải là điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất thật sự chính là lợi ích lâu dài của nhân loại.

Chúng ta cần dùng tác phẩm của mình để nói với những người phụ nữ có hàng nghìn chiếc váy, hàng vạn chiếc giày, rằng họ có tội; chúng ta cần dùng tác phẩm của mình để nói với những người đàn ông có mười mấy chiếc xe sang trọng rằng họ là có tội; chúng ta cần phải nói cho những người đã mua máy bay riêng, du thuyền riêng rằng họ là có tội, dẫu rằng ở thế giới này có tiền thì chính là có thể muốn sao làm vậy, nhưng cái thói muốn sao làm vậy của họ là phạm tội đối với nhân loại, dẫu rằng tiền của họ là dùng phương thức hợp pháp để kiếm được.

Chúng ta cần dùng tác phẩm văn học của chúng để nói với những nhà giàu mới nổi, những kẻ đầu cơ, những kẻ cướp đoạt, những kẻ lừa gạt, những kẻ tiểu nhân, những tên tham quan, họ đều là cùng ở trên một con thuyền, nếu như chiếc thuyền đó chìm rồi, không kể là người bạn mặc đồ hiệu, khắp người đều là châu ngọc, hay làm áo quần lam lũ, không có lấy một đồng, thì kết cục vẫn như nhau.

Chúng ta cần phải dùng tác phẩm văn học của mình để truyền đạt nhiều đạo lý nhất có thể cho mọi người

Ví như nhà cửa là xây để ở, chứ không phải là để tranh chấp. Nếu như căn nhà xây lên không phải là để ở, thì đó không phải là căn nhà nữa. Chúng ta cần phải để cho mọi người nhớ lại, trước khi nhân loại còn chưa có phát minh ra máy điều hòa, thì những người chết bởi cái nóng cũng không nhiều như hiện nay. Trước khi nhân loại còn chưa có phát minh ra bóng đèn điện, thì những người bị cận thị ít hơn bây giờ rất nhiều.

Trước khi chưa có ti vi, thời gian nhàn rỗi của mọi người vẫn rất phong phú như thường. Sau khi có mạng internet rồi, trong đầu não của mọi người vốn không có tồn trữ nhiều thông tin hữu dụng hơn so với trước đây; trước khi chưa có mạng internet, những người ngu dốt dường như ít hơn hiện nay rất nhiều.

Sự tiện lợi của giao thông khiến cho mọi người mất đi sự vui sướng trong các chuyến du lịch, sự tiện lợi về phương diện truyền tải thông tin khiến cho mọi người mất đi hạnh phúc trong việc thư từ qua lại, quá độ trong ăn uống khiến cho mọi người mất đi mùi vị của món ăn, sự dễ dãi trong chuyện tình cảm khiến cho mọi người đánh mất đi hạnh phúc của tình yêu thương.

Chúng ta vốn không cần phải dùng đến tốc độ phát triển chóng mặt như vậy, chúng ta vốn không cần phải khiến cho động vật và thực vật lớn nhanh như vậy, bởi vì động vật và thực vật lớn nhanh như vậy sẽ ăn không còn ngon nữa, không có dinh dưỡng, chỉ có chất kích thích và các hóa chất độc hại khác. Sự phát triển bệnh hoạn của khoa học dưới sự kích thích thúc đẩy của lợi nhuận, dục vọng, quyền thế đã khiến cho cuộc sống của con người đánh mất đi rất nhiều niềm vui, thay vào đó là nguy cơ rộng khắp.

Kiềm chế một chút, chậm rãi một chút, mười phần thông minh dùng năm phần, để lại năm phần cho con cháu

Vật chất cơ bản nhất để duy trì sự sống của nhân loại là không khí, ánh mặt trời, thực phẩm và nước uống, những thứ khác đều là hàng xa xỉ, đương nhiên, quần áo và nhà cửa cũng là thứ cần thiết. Những ngày tháng tốt đẹp của nhân loại đã không còn nhiều nữa.

Đương nhiên, khi mọi người ở trong sa mạc, thì sẽ hiểu được rằng nước uống và đồ ăn còn quý hơn cả vàng và kim cương, khi động đất và sóng thần kéo đến, mọi người sẽ biết được rằng, không kể là biệt thự sang trọng bao nhiêu, trong bàn tay lớn của đại tự nhiên đều chỉ là một mớ bùn; khi mọi người giày xéo Trái đất thành nơi không còn thích hợp để cư trú nữa, đến lúc đó, cái gì là quốc gia, dân tộc, đảng phái chính trị, cổ phiếu, đều sẽ trở nên chẳng còn ý nghĩa gì, đương nhiên, tác phẩm văn học cũng sẽ không còn chút ý nghĩa gì.

Tác phẩm văn học của chúng ta liệu có thể khiến cho dục vọng của con người, nhất là dục vọng của quốc gia có thể bớt phóng túng hay không? Kết luận là bi quan, dẫu rằng kết luận là bi quan, nhưng chúng ta cũng không thể không cố gắng, bởi vì, đây không chỉ là cứu lấy người khác, đồng thời cũng là cứu lấy chính mình.

Theo Soundofhope

Mạc Ngôn - người vinh danh làng quê Cao Mật bằng bút pháp hậu hiện đại kiểu Trung Quốc

 


Nhà văn Mạc Ngôn nhận giải Nobel Văn học năm 2012 - Ảnh: vtc.vn

Nobel văn chương 2012: Mạc Ngôn - người vinh danh làng quê Cao Mật bằng bút pháp hậu hiện đại kiểu Trung Quốc

 

NGUYỄN THỊ TỊNH THY

 

Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, người Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sinh năm 1955.

Bỏ dở tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hóa, phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, luôn bị đói khát và cô đơn. Nhập ngũ năm 1976. Tốt nghiệp khoa Văn học Viện nghệ thuật Giải phóng quân (1984 -1986). Từ tháng 10/1987, hoạt động trong lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp.


Đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 22 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút..., tổng cộng trên 200 tác phẩm. Tác phẩm của ông được dịch ra khoảng 18 ngôn ngữ. Ông sở hữu trên 40 giải thưởng và danh hiệu cho sáng tác văn chương: giải Tiểu thuyết toàn quốc 1987, giải nhất tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc 1996, giải Laure Batailin của Pháp 2001, giải Văn học Hoa ngữ New York - Mỹ 2004, Huân chương Kỵ sĩ Nghệ thuật văn hóa Pháp 2004, giải Văn học quốc tế Nonino của Ý 2005, giải Hồng lâu mộng 2008, giải Mao Thuẫn, 2011, giải Nobel 2012...


Tác phẩm tiêu biểu: Gia tộc cao lương đỏ, Rừng xanh lá đỏ, Báu vật của đời, Cây tỏi nổi giận,  Đàn hương hình, Tửu quốc, Bốn mươi mốt chuyện tầm phào, Thập tam bộ, Sống đọa thác đày, Ếch,  Người tỉnh nói chuyện mộng du, Củ cà rốt trong suốt, Dòng sông khô khát, Mỹ nhân băng tuyết, Người đẹp cưỡi lừa trên phố Trường An, Nói đi, Mạc Ngôn...

 

Ngày 8/12/2006, “hội nghiên cứu Mạc Ngôn Cao Mật” đã thành lập tại Sơn Đông - Trung Quốc. Hội có trang web “Cao lương đỏ” http://www.gmmy.cn, tập san Nghiên cứu Mạc Ngôn. Ngày 2 tháng 8 năm 2009, tại thành phố Cao Mật đã diễn ra lễ khánh thành nhà Bảo tàng văn học Mạc Ngôn có tổng diện tích 1.900m2. Bảo tàng là nơi giới thiệu cuộc đời và thành tựu nghệ thuật của Mạc Ngôn, trình bày một cách sinh động quá trình trưởng thành và phong cách đỉnh cao của một tác gia nổi tiếng bao gồm các bộ phận chính là: “thành tựu văn học”, “con đường trưởng thành”, “vương quốc văn học”, “gắn bó với quê hương”, “giao lưu văn học”. Ngoài ra còn có nhà chiếu phim, phòng sáng tác, phòng trưng bày thư pháp và bản thảo, phòng tư liệu tác phẩm Mạc Ngôn…


1. Cao Mật – Trung Quốc – nhân loại: duy nhất và tất cả

Nhà thơ  Lưu Vũ Tích trong bài Lậu thất minh có hai câu đáng được gọi là “danh cú” như sau:

“Sơn tuy bất cao hữu tiên tắc danh

Thủy tuy bất thâm hữu long tắc linh.”

Nghĩa là: 

Núi tuy không cao nhưng nổi danh vì có tiên đến ở

Sông tuy không sâu nhưng hiển linh vì có rồng cư ngụ.

Quả vậy, hơn một ngàn năm trước, ngôi chùa Hàn Sơn nhỏ bé  nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc phía thượng nguồn ngoài thành Cô Tô bỗng chốc trở thành một  địa danh nổi tiếng nhờ bài thơ xuất thần Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế. Hơn một ngàn năm sau, mảnh đất Cao Mật nghèo khó, khắc nghiệt và hẻo lánh của tỉnh Sơn Đông lại được cả thế giới biết đến nhờ vào các tác phẩm văn chương của người con Mạc Ngôn. Mạc Ngôn nói rằng mọi thứ ông có đều “được moi từ chiếc bao tải rách của làng Đông Bắc Cao Mật” nhưng cũng có thể khẳng định ngược lại, mọi thứ có được ông đều dồn vào chiếc bao tải của làng Đông Bắc Cao Mật. Trong hầu hết các tác phẩm, nhà văn này đã đưa tất cả những gì mình từng biết, từng thấy, từng tưởng tượng ra đặt vào vùng đất Cao Mật, biến nó thành “nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất, siêu thoát nhất, thế tục nhất”; thành miền đất thánh trong sáng tác của mình. Ở đó có ánh trăng đẹp nhất, có rượu cao lương ngon nhất, có làn điệu Miêu Xoang bi thiết nhất, có nạn châu chấu đỏ khủng khiếp nhất, có những chiến thắng ngoại xâm bi hùng nhất, có những cuộc đấu tố oan khuất nhất của cải cách ruộng đất và cách mạng văn hóa, có những đổi thay lớn nhất và cũng trái khoáy nhất từ kinh tế thị trường và cải cách mở cửa. Đó còn là nơi sinh ra những con người “trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất, anh hùng hảo hán nhất, đểu giả mất dạy nhất, giỏi uống rượu nhất, biết yêu đương nhiều nhất ở trên trái đất này”(1). Cao Mật là một, là duy nhất nhưng cũng là tất cả. Nó vừa là của riêng Mạc Ngôn nhưng cũng là của Trung Quốc bởi vì mảnh đất và con người nơi đây đều tiêu biểu cho hồn phách, khí cốt Trung Hoa. Cao Mật của Mạc Ngôn trở nên sâu sắc hơn bởi ông không chỉ đã cố gắng “làm cho nó trở thành hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc” mà còn “khiến cho nỗi đau khổ và niềm vui sướng ở đây trở thành nỗi đau khổ và niềm vui sướng của toàn thể nhân loại”(2).


Mạc Ngôn từng nói rằng, làng Đông Bắc Cao Mật của ông chỉ  bé bằng con tem trên bản đồ Trung Quốc, vậy mà  bằng tâm huyết và tài năng của mình, qua góc nhìn lịch sử và văn hóa, ông đã biến nó thành một biểu trưng của đất nước.  

Tuy nhiên, Cao Mật không chỉ là Trung Quốc, Cao Mật còn là  nhân loại bởi trong không gian độc đáo này còn chất chứa những triết lý sinh tồn với nhiều bi kịch phận người: những con người thiểu năng, những người đàn ông bất lực, những người đàn bà không sinh nở, muốn làm một con người chân chính thì phải phản luân lý, trở thành anh hùng nhiều lúc không phải vì cứu được nhiều người mà vì giết được nhiều người (Báu vật của đời, Đàn hương hình, Rừng xanh lá đỏ, Ếch)... Đó là bi kịch của mối quan hệ giữa con người với định mệnh, giữa cá nhân và lịch sử. Con người đang ở đâu trong dòng chảy miên viễn của lịch sử? Họ là tinh hoa của tạo hóa hay là trò chơi của tạo hóa? Họ là chủ nhân hay là nạn nhân của lịch sử? Họ phải xác lập bản thể, bản ngã của mình như thế nào đây? “Thế nào là chính đạo? Thế nào là lương thiện? Thế nào là tà ác?”(3). Những câu hỏi không dễ trả lời này vẫn luôn là nỗi ám ảnh phiền muộn đối với con người từ muôn xưa cho đến muôn sau.


Để đưa Cao Mật bước ra thế giới, Mạc Ngôn đã sử dụng các sách lược tự sự linh hoạt, độc đáo và đầy ấn tượng, mà các sách lược ấy đều xuất phát từ bút pháp hậu hiện đại kiểu Trung Quốctừ đó xác lập nên một phong cách “tự sự kiểu Mạc Ngôn”.


2Kết hợp đặc trưng tự sự truyền thống của Trung Quốc với tự sự hiện đại và hậu hiện đại phương Tây


Sử dụng đến bốn hình thức người kể chuyện hạn tri, tự bạch, đa ngã  tự biếm từ các ngôi kể khác nhau, Mạc Ngôn đã tạo được sự đa dạng cho phương thức tự sự  trong các tiểu thuyết của mình. Đặc biệt, hình thức trần thuật ngôi thứ hai với người kể chuyện phân thân và hình thức trần thuật kiểu tác giả với thủ pháp pastiche - tự giễu nhại chính mình và cố tình để lộ hành vi tự sự theo lối tự sự hậu hiện đại - trong Rừng xanh lá đỏTửu quốcSống đọa thác đày… là một sự  “mạo hiểm của tự sự ” thể hiện ý thức cách tân, tài năng và sức sáng tạo của nhà văn này.


Việc chọn trẻ thơ, súc vật và người dân đen làm chủ thể mang điểm nhìn (Báu vật của đờiSống đọa thác đàyĐàn hương hìnhBốn mươi mốt chuyện tầm phàoTửu quốc…) vừa thể hiện quan niệm sáng tác trở về với dân gian, đứng trên lập trường dân gian để bình xét lịch sử và nhân sinh như sử gia Tư Mã Thiên thời cổ đại, vừa xác lập nên một dạng thức của trần thuật gắn với tên tuổi Mạc Ngôn. Từ các kiểu người kể chuyện và điểm nhìn trên, tác giả đã triển khai các sách lược gia tăng, đa tầng bậc và chứng nhân hóa người kể chuyện trong mối luân chuyển giữa sự di động, tham chiếu và hòa phối điểm nhìn. Các sách lược tự sự này đã giúp người đọc chiếm lĩnh hiện thực tác phẩm với tất cả bề rộng lẫn chiều sâu, cuốn hút họ bằng việc “kể như thế nào” một cách đích thực.

Cũng chính điểm nhìn bên trong đã chi phối việc tổ  chức trần thuật dẫn đến sự phá vỡ  trật tự và làm gãy đổ tính chất vật lý  của thời gian bằng các hình thức đảo thuật, dự  thuật và ngưng trệ (Báu vật của đờiĐàn hương hìnhRừng xanh lá đỏSống đọa thác đày…). Bằng những trải nghiệm, suy tư, triết lý trong cảm nhận về thời gian, người kể chuyện đã làm sai lệch dòng chảy tự nhiên của thời gian câu chuyện khiến cho thời gian tự sự trở thành một đối tượng thẩm mỹ của trần thuật. Đồng thời, kéo theo đó là sự phân mảnh, lồng ghép và dán ghép trong kết cấu như là một cách thể hiện quan niệm đa nguyên, đa chiều về sự tồn tại của thế giới và sự hỗn loạn của hiện thực theo tinh thần hậu hiện đại (Gia tộc cao lương đỏBáu vật của đờiĐàn hương hìnhThập tam bộTửu quốc…). Các hình thức kết cấu này thể hiện tài năng của Mạc Ngôn trong việc tổ chức nên những cuộc gặp gỡ giữa đặc trưng hiếu kỳ, tạp giao của tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc với đặc trưng liên văn bản của tiểu thuyết hậu hiện đại cũng như giữa văn học với điện ảnh.


Từ sự chi phối của điểm nhìn, với hai nhãn quan hiện thực và kỳ ảo, Mạc Ngôn đã xây dựng nên trong tiểu thuyết của mình một thế giới ngôn từ rất hồn nhiên, ngạo ngược, trần tục và đầy nhục tính nhưng cũng rất nhuần nhị, uyển chuyển, đa biến và ảo diệu. Việc sử dụng những từ ngữ và ngữ pháp tự sự đầy sáng tạo cũng đã làm tăng sức sống động cho ngôn ngữ và sự phong phú cho giọng điệu tiểu thuyết. Sáu kiểu giọng điệu chủ yếu là bỡn cợt, giễu nhại, khoa trương, bi cảm, tâm tình, lạnh lùng cất lên trong tột cùng của các cảm xúc khinh mạn, xót xa, kiêu hãnh, uất hận, cay đắng, đau đớn... đã biến các tiểu thuyết trở thành những bản hợp âm làm xao động và se thắt lòng người.


3. Tái sinh những sách lược tự sự cổ xưa nhất của Trung Hoa


Trong nhiều tiểu thuyết mà nhất là Thập tam bộĐàn hương hình và Cây tỏi nổi giậnTửu quốc…, Mạc Ngôn tái sinh những sách lược tự sự cổ xưa nhất của Trung Hoa và kết hợp chúng với những thi pháp tự sự hiện đại nhất. Đó cũng chính là chất dân gian và chất hiện đại, dân tộc và quốc tế của ông. Sự đan quyện giữa hý khúc Miêu xoang, lối kể theo hình thức biến văn đã thất truyền từ sau đời Đường, motif truyện truyền kỳ, chí quái… với các kỹ xảo tự sự hậu hiện đại như phân mảnh, dán ghép, liên văn bản của Mạc Ngôn rất nhuần nhuyễn. Đáng lưu ý là qua sự phối kết, đan quyện đó, người đọc có thể nhận ra quy luật “chu nhi phục thủy” của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Trung Quốc. Những điều vụn vặt, tầm thường, những mảnh vỡ, xáo trộn, hoang đường, huyễn hoặc trong thi pháp tự sự hiện đại và hậu hiện đại thực chất là “mệnh căn tử” của tiểu thuyết được khai sinh từ thời Tiên Tần. Vì vậy, qua sự cách tân bằng con đường phục cổ, Mạc Ngôn lại một lần nữa khẳng định sức sống thanh tân và trường cửu của tiểu thuyết nói chung và lý luận tự sự truyền thống của Trung Quốc nói riêng, xác lập nên một đặc trưng hậu hiện đại kiểu Trung Quốc: hậu hiện đại thực chất là sự phục sinh, phục hưng của hậu cổ đại kết hợp với yếu tố hậu hiện đại của phương Tây. Đó là ý thức và phương cách tầm căn của nhà văn Cao Mật này. Tầm căn không chỉ là quay về với cội nguồn văn hóa, lịch sử dân tộc ở phương diện đề tài, nội dung mà còn ở phương diện lý luận văn học, tự sự học theo phương châm “sử dụng kinh nghiệm Trung Quốc, dung hợp lý luận phương Tây, tạo ra một lý luận mang màu sắc Trung Quốc”(4).


4. Đặc trưng “cực hạn”


Trong tác phẩm Ếch, Mạc Ngôn có nói: “Khi viết về số phận cá nhân thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn người ấy; viết về nhân sinh thì phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình”(5). Đó là tôn chỉ sáng tác, là tuyên ngôn nghệ thuật mang đậm bản lĩnh “thẳng thừng và dấn thân” đã chi phối tất cả, làm nên đặc trưng “cực hạn” (6) cho tiểu thuyết của ông. Đó cũng chính là điều cốt tử của phong cách tác gia Mạc Ngôn. Giống như Lỗ Tấn, ông là người “hiệp sĩ múa kích một mình trên sa mạc”, cay nghiệt, dũng cảm, tha thiết, chân thành, và bền bỉ phê phán những điều “xấu xí” trong tính cách của dân tộc và những sai lầm của lịch sử Trung Hoa, đặc biệt là lịch sử hiện đại. Trong các tiểu thuyết của ông, những phẩm chất cao đẹp thường chỉ có ở những người cùng đinh, hạ cửu lưu, những người vốn bị quan niệm truyền thống cho là tiểu nhân, là đồ mạt hạn như con hát, ăn mày, thổ phỉ, trốn chúa lộn chồng… (Tôn Bính, Tám Chu, Út Sơn - Đàn hương hình; Từ Chiếm Ngao, Đới Phượng Liên – Gia tộc cao lương đỏ; Lỗ Thị - Báu vật của đời…). Người đọc Trung Quốc hẳn sẽ phải giật mình, phản tỉnh, nhức nhối bởi cái cách yêu dân tộc này của đứa con vừa là nghịch tử vừa là hiếu tử Mạc Ngôn.


Niềm vui, nỗi  đau, cái đói, cái rét, sự cô đơn, sự  độc ác, đức hy sinh, lòng vị tha, sự nhẫn nại, sự bỉ ổi, đồi bại… trong tác phẩm Mạc Ngôn đều được đẩy đến mức cực hạn, nghiệt ngã. Các trạng thái cảm xúc mà tác phẩm của ông mang lại cho người đọc hoặc thán phục, ngưỡng mộ, hoặc ghê tởm, sợ hãi, hoặc xót xa, tiếc nuối, hoặc kinh hãi, ngỡ ngàng… đều được đẩy đến tận cùng, đến mãnh liệt, đến quỷ khốc thần sầu. Đó là thứ phương pháp sáng tác mà Mạc Ngôn tự gọi là “Chủ nghĩa hiện thực dữ dội”, “Chủ nghĩa hiện thực yêu tinh”, “Chủ nghĩa hiện thực thần bí hoang tưởng” (Tửu quốc). Đó cũng là nội lực, là “quỷ tài”, là sự cực đoan, nghiệt ngã của Mạc Ngôn. Nhưng đằng sau sự cực đoan và nghiệt ngã ấy là cả một tấm lòng trăn trở và sự hoài nghi đầy trách nhiệm của nhà văn đối với “căn bệnh tinh thần của dân tộc”, đối với lịch sử, hiện tại và tương lai của đất nước Trung Hoa.

5. Những nét bại bút

Có thể  thấy tính chất cực đoan, quyết liệt và triệt  để, vốn rất thích làm những điều “nhất tuyệt” trong tinh thần của dân tộc Hán đã chi phối rất mạnh và làm nên thành công cho văn nghiệp của Mạc Ngôn. Tuy nhiên, “thái quá như bất cập”, khi được đẩy đến “cực hạn” cũng là lúc nhà văn này rơi vào quy luật “cực tắc phản” của Kinh dịch. Đó là sự dung tục thái quá mà hầu như khó có thể tìm thấy thông điệp hay “cái được biểu đạt” gì ở những đoạn miêu tả chuyện đại tiểu tiện của người Cao Mật trong Tổ tiên có màng chân dài đến mấy trang; là sự miêu tả quá khoa trương về nhân vật, sự việc hoặc so sánh thô lậu với giọng điệu bông lơn quá mức đến không giấu được vẻ ngạo mạn của người viết trong Thập tam bộTửu quốcSống đọa thác đày; là sự say sưa hướng dẫn tỉ mỉ cách chế biến món ăn từ con thú giống hình người trong Tửu quốc; là sự cố tình tạo ra những rối loạn ngôn từ theo lối tự sự hậu hiện đại nhưng chỉ là một nàng Đông Thi nhăn mặt trong Thập tam bộ và Tửu quốc... Tất cả những nét bại bút đó thực chất không đến từ sự non kém về nghệ thuật tự sự mà đến từ tính cách ngạo ngược và sự tự đắc của một tác gia vốn có sở trường “phi mã hành không”. Điều đó khiến cho những phát ngôn mang tính nhún nhường của Mạc Ngôn nhiều lúc rơi vào thế ngôn hành bất nhất và lộ ra chất “ngụy khiêm tốn”. Dẫu thấm nhuần câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Văn chương là của chung thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được, chứ không nên chê mắng”(7) nhưng thật khó để chiêu tuyết cho những tự do thái quá trên của nhà văn.


6. Phong cách “tự sự kiểu Mạc Ngôn”


Chân đất, lưng trần, bụng đói, tâm hồn chứa đầy những câu chuyện kỳ ảo của xứ sở Liêu Trai và khởi nghiệp văn chương bằng ước mơ nhỏ nhoi là một ngày được ăn ba bữa bánh sủi cảo có nhân thịt; đã từng nói “văn không nên nhất, võ không nên nhì” nhưng đến bây giờ, Mạc Ngôn đã có một sự nghiệp lẫy lừng. Ngoài huy chương và danh hiệu, có thể nói Mạc Ngôn đã xác lập được phong cách “tự sự kiểu Mạc Ngôn” mà ông cho là không giống một ai, kể cả ở phương Tây lẫn Trung Quốc. Đó là phong cách có được từ sự kết hợp giữa đặc trưng tự sự “cực hạn” và đặc trưng hậu hiện đại của văn học Trung Quốc. Và Mạc Ngôn đã đưa Cao Mật - quê hương Cao lương đỏ - của mình ra thế giới bằng bút pháp đặc thù và phong cách riêng có ấy.

N.T.T.T
(SH285/11-12)



CHÚ THÍCH:

(1)(3) Mạc Ngôn, Cao lương đỏ, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2000, tr.8, 144.


(2) Lâm Kiến Phát, Vương Nghiêu), Mạc Ngôn và những lời tự bạch, (Nguyễn Thị Thại dịch) Nxb Văn học, Hà Nội, 2004, tr. 194.


(4) Trần Đình Sử (chủ biên), Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử (phần 2), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008, tr. 16.


(5) Mạc Ngôn, Ếch, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010, tr. 94.


(6) Cực hạn: cực hạn ở đây là đẩy đến cực hạn, không có nghĩa theo “cực hạn” trong quan điểm hậu hiện đại của  Raymond Carver (Mỹ) là giản thiểu tối đa, hướng tới tiểu tự sự, phản ánh cuộc sống bằng hoán dụ.


(7) Nguyễn Minh Tấn (chủ biên), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1988, tr. 94.