39a. Hai thế giới trong Hồng Lâu Mộng (Kỳ 1)
DƯ ANH THỜI
Tào Tuyết Cần đã sáng tạo nên trong tác phẩm Hồng lâu mộng hai thế giới đối sánh rõ ràng. Chúng tôi sẽ lần lượt gọi chúng là “thế giới mộng tưởng” và “thế giới hiện thực”. Cụ thể trong tác phẩm, đó chính là thế giới Đại Quan Viên và thế giới bên ngoài Đại Quan Viên.
Tào Tuyết Cần dùng rất nhiều các kiểu biểu tượng khác nhau để mách bảo với độc giả sự khác biệt giữa hai thế giới đó. Chẳng hạn “thanh” và “trọc”, “tình” và “dâm”, “chân” và “giả”, mặt trái và mặt phải của “phong nguyệt bảo giám”.[2] Ta có thể nói hai thế giới này chính là tuyến mạch chính quán xuyến toàn tiểu thuyết. Nắm vững tuyến mạch đó, chúng ta coi như đã thâu tóm được phần cốt lõi của ý đồ sáng tác tiểu thuyết.
Khung cảnh Hồng Lâu Mộng |
Đương nhiên, do chỗ hai thế giới đó hiển hiện một cách sắc nét, đối sánh nhau một cách mạnh mẽ, thành thử độc giả xưa nay cũng đã từng hoặc ít hoặc nhiều, hoặc sâu hoặc nông ý thức được sự tồn tại của chúng. Thế nhưng nghiên cứu Hồng lâu mộng trong khoảng thời gian nửa thế kỉ lại nay về căn bản là một thứ nghiên cứu của sử học. Mà phần đa các Hồng học gia đều là nhà sử học.[3] Hoặc tuy không phải là nhà sử học, nhưng thực tế công tác vẫn là sử học. Hứng thú của các nhà sử học lẽ tự nhiên tập trung vào thế giới hiện thực trong tác phẩm. Họ căn bản không để ý đến cái thế giới mộng tưởng – thế giới của toà lâu đài trong mây mà tác giả tiểu thuyết đã mất “mười năm cay đắng” tạo dựng.[4] Đã vậy công việc chủ yếu của họ ngược lại chính là dỡ bỏ toà lâu đài đó, đổi trả hoàn nguyên thành gạch đá của thế giới hiện thực. Bị chi phối bởi “thuyết tự truyện”[5], công việc hoàn nguyên đó càng bước một bước xa hơn trên con đường chuyển từ thế giới hiện thực trong tiểu thuyết sang thế giới đời thực của tác giả. Vì vậy cái gọi là “Hồng học” nửa thế kỉ qua kì thực chỉ là “Tào học” nghiên cứu gia thế và bản thân Tào Tuyết Cần. Dùng “Tào học” thay cho “Hồng học”, việc đó cũng có cái giá của nó. Một trong những cái giá phải trả lớn nhất, theo tôi chính là làm lu mờ đi ranh giới giữa hai thế giới lí tưởng và hiện thực trong tác phẩm. Trong khoảng những năm 1961 đến 1963, các nhà Hồng học ở đại lục lên cơn sốt tìm kiếm “Đại quan viên ở chỗ nào của Bắc Kinh?”. Đây có thể nói là đỉnh cao của công việc hoàn nguyên lịch sử. Việc này đem lại cho người ta ấn tượng xác thực rằng Đại quan viên của Tào Tuyết Cần vốn ở giữa trần gian này, nó là một bộ phận của thế giới hiện thực. Và thế là cái thế giới lí tưởng trong Hồng lâu mộng đã bị thủ tiêu, quả đúng như tác giả từng nói: “sạch trơn một cõi mênh mông mịt mùng”.[6] Thế nhưng, cũng trong mấy mươi năm vừa qua, không phải là không có người chú ý đến thế giới lí tưởng trong Hồng lâu mộng. Ngay từ năm 1953 hoặc 1954, Du Bình Bá[7] đã nhấn mạnh phần lí tưởng của Đại quan viên. Xét trên cấp độ tưởng tưởng, Đại quan viên chính là một lâu đài trên không. Du Bình Bá viện dẫn câu thơ của Giả Nguyên Xuân (hồi 18) “Thiên thượng nhân gian chư cảnh bị” (Trên trời dưới đất muôn cảnh đủ) để nói rõ quan điểm cho rằng Đại quan viên chỉ là một địa đàng lạc viên mà tác giả tốn nhiều giấy mực để mô tả nên. Trong lịch sử của Hồng học, cách nói của của Du Bình Bá có cái nghĩa mà Thomas S. Kuhn từng gọi là “điển phạm” (paradigm).[8] Đáng tiếc, hoàn cảnh lúc đó đã không cho phép ông phát huy đầy đủ quan điểm học thuật có tính cách mạng này. Năm 1972, Tống Kỳ công bố tiểu luận Bàn về Đại quan viên. Đây có thể xem là công trình đầu tiên trịnh trọng thảo luận vấn đề thế giới lí tưởng trong Hồng Lâu mộng. Tống Kỳ nhấn mạnh Đại quan viên quyết không tồn tại trong thế giới hiện thực, đó chỉ là toà lâu đài lưng chừng trời mà Tào Tuyết Cần tạo dựng đặng biểu hiện cho một ý đồ sáng tạo mà ông theo đuổi. Họ Tống nói kĩ hơn:
“Đại Quan Viên là một ngôi vườn giữ cho đám con gái được cách biệt với thế giới bên ngoài. (Tác giả) hi vọng bọn họ ở lại trong vườn đó, sống tháng ngày tiêu dao vô ưu vô sầu, không nhuốm mùi bẩn thỉu của lũ đàn ông. Tốt nhất là các nàng giữ mãi tuổi thanh xuân, không gả mất đi đâu cả. Đại quan viên – theo nghĩa này mà nói, chính là toà thành giữ gìn cho các cô. Nó chỉ tồn tại trong lí tưởng, không có cơ sở hiện thực gì cả.” (Tống Kỳ, Bàn về Đại quan viên, đăng trên Minh báo nguyệt san, kì 81, tháng 9/1972, tr.4).[9]
Những lời trên vừa chân thực giản dị mà lại đích đáng. Chúng tôi muốn lấy đó làm xuất phát điểm cho những thảo luận của mình về vấn đề hai thế giới trong Hồng lâu mộng. Liên quan đến những thay đổi có tính cách mạng sẽ xảy ra cũng như logic nội tại trong sự phát triển của Hồng học trong nửa sau thế kỉ XX, chúng tôi đã kiểm thảo bước đầu trong bài Sự phát triển của Hồng học cận đại và cuộc cách mạng trong Hồng học – một sự phân tích lịch sử học thuật. Trong bài này xin được miễn nêu lại các luận chứng và căn cứ cụ thể.
Thái hư ảo ảnh- Giả Bảo Ngọc |
Nói Đại quan viên là thế giới lí tưởng mà Tào Tuyết Cần đã hư cấu nên, chắc sẽ không tránh khỏi khiến cho độc giả dặt câu hỏi: “Nếu Đại quan viên là một “tiên cảnh” “chưa cho phàm nhân bước chân tới”, thì “Thái Hư ảo cảnh”[10] mà tác giả sáng tạo ra trong hồi 5 – hồi có tính cách làm cương mục cho toàn sách, rốt cuộc nên giữ một vị trí như thế nào trong toàn bộ tiểu thuyết?” Chúng ta đương nhiên chỉ có thể nói “thái hư ảo cảnh” là mộng trong mộng, là hư huyền của hư huyền. Như vậy thì há chẳng nên nói rõ ra trong Hồng lâu mộng có 3 thế giới? Hồng lâu mộng - bản Canh dần, tức bản in kèm lời bình điểm của Chi Nghiên Trai có câu: “Đại Quan Viên là cõi thái hư ảo cảnh của chàng Bảo Ngọc và 12 cô thanh nữ, (nói như vậy) há chẳng phải là ẩu hay sao?”.[11] Trong câu bình này, chữ “ảo” trong “ảo cảnh” thực ra chính là chữ “ảo”, đây chắc chắn là chuyện chép nhầm của người sao sách, bởi vì trong cũng chính trong câu trên còn có rất nhiều chữ khác bị viết sai. Cho nên, ý của Chi Nghiên Trai chính là nói Đại Quan Viên chính là ảnh xạ nhân gian của Thái Hư ảo cảnh. Hai thế giới đó vốn là có thể trùng hợp. Cho đến nay, chúng ta vẫn không biết Chi Nghiên Trai là ai. Nhưng chuyện nhà bình điểm này có quan hệ mật thiết với tác giả, đồng thời cũng tương đối hiểu được ý hướng sáng tác của tác giả thì có lẽ đã không còn phải bàn cãi gì nữa. Đương nhiên chúng ta không thể quá tin vào bình điểm của Chi Nghiên Trai. Thế nhưng trong điều kiện chỉ có các căn cứ logic lập luận nội tại (tức chỉ suy luận dựa trên những chứng cứ từ bản thân tác phẩm mà không có thêm các chứng cứ khảo cứu bên ngoài - ND) thì bình điểm của Chi Nghiên Trai vẫn là chứng cứ bổ sung đáng tin cậy nhất.[12] Chúng ta thử xem xét các chứng cứ trực tiếp, các chứng cứ lấy từ văn bản tiểu thuyết. Một đoạn trong hồi 5 kể chuyện Bảo Ngọc nằm mơ thấy mình theo chân Tần Khả Khanh “đến một chỗ nọ. Chỉ thấy đá trắng, lan can đỏ, cây xanh, suối trong, quả là nơi không dấu vết con người, chốn bụi trần không đến. Bảo Ngọc trong mơ hết sức vui vẻ, nghĩ chỗ này thú thật. Ta hẵng sống một đời nơi đây, cho dù có mất đi gia đình cũng được”.[13] Chỗ đó kì thực chính là Đại quan viên về sau. Làm thế nào để chứng minh được điều này? Về cảnh mà nói, hồi 17 kể chuyện Bảo Ngọc theo Giả Chính vào Đại Quan Viên. Đi đến chỗ đình Thấm Phương, tả cảnh vẫn là mấy chữ “đá trắng, lan can đỏ, cây xanh, suối trong” (nguyên văn tám chữ “chu lan bạch thạch, lục thụ thanh khê”).[14] Về tình mà nói, chúng ta nên nhớ rằng hồi 23 khi kể chuyện Bảo Ngọc lúc mới vào ở Đại quan viên, tác giả viết: “Hẵng nói chuyện Bảo Ngọc từ khi vào Đại quan viên, tâm ý mãn nguyện, chẳng còn mơ ước gì khác nữa”.[15] Một độc giả tinh tế chỉ cần đối chiếu hai đoạn trước sau này ắt không khó phát hiện ra mối quan hệ giữa Thái Hư ảo cảnh và Đại Quan Viên.
Nếu bạn đọc cho rằng chứng cứ này tuồng như là uốn nắn theo chủ quan thì để củng cố hơn cho lập luận trên chúng tôi xin dẫn một chứng cứ khác trực tiếp hơn, hiển lộ hơn. Chuyện vẫn ở hồi 17: Bảo Ngọc và Giả Chính cùng cả bọn rời khỏi Hoành Vu Uyển đi đến trước một toà cổng đá “Giả Chính nói: “Chỗ này đề chữ gì được?” Mọi người nói: “Phải đề bồng lai tiên cảnh mới tuyệt!” Giả Chính lắc đầu không nói gì. Bảo Ngọc trông thấy chỗ này, trong lòng xúc động, nhớ lại như tuồng đã từng trông thấy ở đâu rồi, mỗi tội trong phút chốc không nghĩ ra là chuyện ngày tháng năm nào. Giả Chính lại bảo đề chữ, Bảo Ngọc chỉ mải ngẫm nghĩ chuyện trước, chẳng để tâm gì đến việc trước mắt”. Giả Chính còn đặc biệt nhấn mạnh: “Nơi này quan trọng, càng phải đề cho hay.”[16] Bảo Ngọc đã từng nhìn thấy cổng đá này ở đâu, bản thân chắc đã quyên mất rồi. Thế nhưng độc giả chắc còn nhớ hồi 5 kể chuyện Bảo Ngọc mơ dạo chơi Thái Hư ảo cảnh “theo tiên cô đi đến một nơi có toà cổng đá chắn ngang, trên đề bốn chữ Thái Hư ảo cảnh.”[17] Chỗ mà Bảo Ngọc tìm kiếm trong kí ức há chẳng phải là nơi này. Cho nên Chi Nghiên Trai đặc biệt lưu ý độc giả: “Vẫn là thuộc về chốn Thái Hư ảo cảnh đã từng đến trong giấc mê mộng ấy” Giả Chính nhắc Bảo Ngọc: “Nơi này quan trọng”. Quả có vậy! Trong Hồng lâu mộng còn có nơi nào quan trọng hơn Thái hư ảo cảnh? Trên cái cổng đá đó về sau Bảo Ngọc đề bổ sung bốn chữ thiên tiên bảo kính.[18] Cái cổng đá đó cũng là chỗ già Lưu ngộ nhận là Ngọc hoàng bảo điện và rập đầu lạy mãi.
Bảo Ngọc, Đại Ngọc đọc Tây sương ký |
Nói tóm lại “Bồng lai tiên cảnh” cũng được, “Thiên tiên bảo kính” cũng được, mà “Ngọc Hoàng bảo điện” cũng chả sao. Tác giả láy đi láy lại để nhắc độc giả rằng Đại quan viên không ở trần gian, mà ở trên lưng chừng trời; không phải là hiện thực mà là lí tưởng. Nói cho chính xác, Đại Quan Viên chính là “Thái Hư ảo cảnh”.[19]
Đại Quan Viên chính là Thái Hư ảo cảnh của Bảo Ngọc và một đám con gái, vì vậy trong thực tế việc kiến tạo nó phải mượn danh nguyên phi về thăm nhà - một sự kiện long trọng rất mực. Hồng lâu mộng bản Canh Thìn có một đoạn bình điểm đầu trang (hồi 16) rất lạ lùng:
“Đại Quan viên khởi sự từ chuyện Nguyên Xuân về thăm nhà. Đây là một chuyện rất mấu chốt. Như thế thì mới thấy được cái lập ý của cây bút lớn.”[20]
Kì công trong việc sắp xếp tự sự của Tào Tuyết Cần không chỉ dừng ở đó. Đoạn mở đầu hồi 17 cũng rất đáng để nghẫm nghĩ. Sau khi Đại quan viên hoàn công, Giả Trân mời Giả Chính đi thăm vườn, xem xem có chỗ nào còn phải sửa đổi đồng thời cũng thông báo là Giả Xá đã xem qua một lượt rồi. Chi tiết này dường như muốn nói Giả Xá là người vào vườn đầu tiên. Kì thực câu này là dùng để đánh lừa độc giả. Bởi vì đoạn sau lại nói rõ là: “Vừa khéo Bảo Ngọc dạo gần đây vì nhớ nhung Tần Chung, trong lòng thương xót mãi. Thấy vậy Giả Mẫu thường sai người dẫn vào vườn dạo chơi cho khuây khoả.” Tiếp đó kể chuyện Bảo Ngọc dạo chơi không kịp tránh mặt Giả Chính cũng đang vào vườn, rốt cuộc bị cha bắt theo hầu làm câu đối và đề biển cho các nơi trong vườn. Nửa sau đoạn trần thuật này ít nhất hàm chứa hai thâm ý. Thứ nhất, Bảo Ngọc là người đầu tiên vào vườn ngoạn cảnh. Bảo Ngọc sớm đã lui tới nơi này còn như Giả Xá và Giả Chính chẳng qua lúc vườn xây xong mới vào coi xét. Thứ hai, vườn Đại Quan – cõi tiên của Bảo Ngọc và đám cô nương là nơi thanh khiết. Đình đài lầu gác trong vườn đương nhiên phải do bọn họ đề chữ đặt tên vậy. Đại Quan Viên là tiên cảnh “không cho phàm nhân bước chân tới”. Thế nên lời bình cuối hồi của bản Canh Thìn mới viết:
“Bảo Ngọc đứng đầu diễm sắc, cho nên biển bảng câu đối trong vườn tất phải do chàng đề thảo.”[21]
Tóm lại, qua những chỗ như vậy bình điểm của Chi Nghiên Trai sẽ giúp độc giả hiểu được nguyên ý của nhà tiểu thuyết. Hồng lâu mộng rất ít những câu vô thưởng vô phạt viết ra cho có. Độc giả nhiều lúc phải chú ý đến các lời bình mới có thể lí giải sâu hơn ý tứ nhà làm truyện. Độc giả còn nhớ, Bảo Ngọc lúc theo phụ thân thăm vườn không đề hết được tất cả các câu đối và biển bảng trong Đại quan viên. Thực tế thì các kiến trúc trong vườn quá nhiều, đặt tên cho chúng không thể là việc một mình Bảo Ngọc có thể ôm đồm. Vậy thì còn ai tham gia vào nữa? Câu hỏi này phải đến hồi 76 mới có đáp án. Hồi này kể chuyện Đại Ngọc và Tương Vân trung thu thưởng nguyệt làm câu đối. Tương Vân khen hai tên gọi Đột Bích Đường và Ao Tinh Quán dùng chữ tươi mới. Đại Ngọc nói cho Tương Vân nghe:
“Tôi nói thực với cô: hai chữ này là tôi đặt ra đấy. Năm nọ thử tài Bảo Ngọc, bắt anh ấy phải nghĩ mấy chỗ: có chỗ nghĩ ra, có chỗ phải sửa bỏ, có chỗ chưa nghĩ được. Sau này chỗ nào chưa có tên, chúng tôi đều nghĩ và chú rõ xuất xứ, ghi rõ vị trí từng toà nhà, rồi đem cả cho chị Cả xem. Chị Cả lại bảo đưa cậu tôi xem. Cậu tôi xem xong cả mừng nói: “Biết thế này bảo chị em chúng nó nghĩ cho cả, chẳng thú hơn sao?” Thành ra những chữ tôi nghĩ đều lấy cả không sửa chữ nào.”[22]
Đoạn kể của Đại Ngọc đã bổ sung trọn vẹn cho tình tiết đề biển bảng, viết câu đối cho Đại quan viên năm xưa. Đủ thấy chuyện đặt tên đề chữ các nơi trong đại quan viên ngoài Bảo Ngọc ra còn có các chị em khác (thập nhị thoa), đặc biệt là Đại Ngọc. Hồi 76 và hồi 17 cách nhau 60 hồi truyện. Nếu ta chỉ nói trong trường hợp nguyên cảo 80 hồi của Tào Tuyết Cần thì kết cấu tình tiết như vậy cho thấy tiểu thuyết đã đi đến chỗ hô ứng trước sau, chuẩn bị gây tạo dư âm về sau. Tào Tuyết Cần luôn thường trực ý thức chế ngự toàn cục trong quá trình sáng tác.
Đại quan viên |
Tào Tuyết Cần sáng tạo nên một khoảng tịnh thổ trong mộng tưởng, nhưng ông cũng ý thức sâu sắc rằng mảnh đất đó thực ra không thể vô quan hệ với thế giới hiện thực. Không những không thể thoát khỏi những quan hệ chung, trên thực tế hai thế giới đó mắc mớ mãi mãi với nhau. Bất kì một dự tính tách biệt hoàn toàn và tìm hiểu một cách cô lập, cắt rời hai thế giới đó đều không giúp ta nắm được tính hoàn chỉnh nội tại của Hồng lâu mộng. Để làm rõ điều này ta hãy kiểm điểm lại một chút cơ sở hiện thực của Đại quan viên.
Hồi 16 trần thuật rõ ràng chuyện xây cất Đại quan viên. Nền gốc của vườn Đại quan này là “Khoảng đất tính từ phía đông nối liền với hoa viên phủ Đông kéo qua phía bắc dài độ ba dặm rưỡi”.[23] Sau đó còn có một đoạn trần thuật tường tận về quá trình dựng vườn: “Trước tiên, sai thợ dỡ hết tường rào lầu gác trong Hội Phương Viên ở phủ Ninh thông thẳng đến sân lớn phía đông phủ Vinh. (… …) Trong Hội Phương Viên có dòng suối từ góc tường phía bắc chảy qua, nay cũng chẳng phải lo chuyện khơi dẫn lại. Cây cối núi non tuy cũng chưa được đủ, nhưng được cái chỗ ở của Giả Xá là vườn cũ của phủ Vinh, nên đá cảnh cây cỏ tre trúc cho đến đình tạ lan can… đều có thể dời đến đây được cả.”[24] Trong những câu trần thuật đó chứa đựng nhiều điều đáng nói. Đáng tiếc, xưa nay do sự chi phối của “thuyết tự truyện” các nhà Hồng học đã không không tiếp tục một sự phân tích sâu hơn.[25]
Đại quan viên |
Như đã thấy, sự xuất hiện của Đại quan viên là một đại sự trong Hồng lâu mộng. Tác giả tiểu thuyết rồi sau đó là các nhà bình điểm đều trịnh trọng tô đậm chuyện này. Cho nên, việc Tào Tuyết Cần nói kĩ lai lịch thực tế của Đại quan viên quyết không phải là không có dụng ý. Nếu như “thuyết tự truyện” có thể giải đáp được vấn đề, khảo cứu được một cách xác đáng Đại quan viên chính là tạo nên từ nhà cũ họ Tào thì còn gì tốt bằng! Thế nhưng sự thực thì lối đi đó không thông, chúng ta đành phải mở một lối đi khác trong nghiên cứu vấn đề vậy.[26]
Như tiểu thuyết đã trần thuật ở trên, cơ sở hiện thực của Đại quan viên là hợp thành từ hai vườn vốn có: Hội Phương Viên của Ninh phủ và chỗ ở của Giả chính - Vinh phủ cựu viên. Hồi 17 bản Canh Thìn bên dưới câu “Phía trên rêu mốc lốm đốm, dây leo thấp thoáng” có lời bình của Chi Nghiên Trai:
“Đại Quan Viên dựng lên từ hai vườn cũ vốn có - tự sự như thế mới hợp lý. (Văn pháp) tinh tế đến cùng cực.”
Giả Lưu thăm Đại Quan viên |
Giờ lại nói vườn ở phủ Đông. Đây lại cũng là nơi bẩn thỉu không kém. Đúng như câu nói nổi tiếng của nhân vật Liễu Tương Liên: “Trong phủ Đông nhà chúng mày, ngoài hai con sư tử đá trước cổng phủ là sạch, còn thì đến mèo chó cũng bẩn cả”. Đây là nói chung chung. Ta hãy phân tích sâu hơn hình tượng vườn Hội Phương phủ Đông. Trước hồi 16, khi chưa có Đại quan viên, rất nhiều việc lớn trong Hồng lâu mộng đều diễn ra ở sân khấu này. Hội phương viên có Thiên Hương Lầu, Ngưng Hy Hiên, Đăng Tiên Các. Thiên Hương Lầu đương nhiên là nơi bẩn thỉu có tiếng. Hồi 13 trong Hồng lâu mộng nguyên cảo có đề mục là “Tần Khả Khanh dâm táng Thiên Hương Lầu”.[28] Hai chốn khác vừa kể trên cũng đều nhơ nhuốc thế cả. Ngưng Hy Hiên là nơi các lão thiếu gia rượu chè hành lạc. Vương Hy Phượng thường nói “Tụ tập làm những điều ám muội gì không biết” chính là chỉ nơi này. Chỉ cần xem cảnh tổ chức đánh bạc, uống rượu và dâm ô với hầu trai của bọn Giả Trân tại Thiên Hương Lầu ở hồi 75 thì đủ biết chốn đó sạch sẽ hay không. Còn như Đăng Tiên Các thì chính là nơi quàn Tần Khả Khanh và Thuỵ Châu. Hội Phương Viên cũng là nơi sinh chuyện bất chính giữa Hy Phượng và Giả Thụy (hồi 11).
Nói tóm lại, nơi ở của Giả Xá và Hội Phương Viên đều là những nơi ô uế của thế giới thực tại. Vậy mà đó cũng là nơi cung cấp mặt bằng và vật liệu để kiến tạo thế giới lí tưởng thanh sạch Đại quan viên. Một sự sắp xếp như vậy của nhà tiểu thuyết chả lẽ chỉ là ngẫu nhiên? Thậm chí thứ sạch nhất trong Đại quan viên là nước thì cũng chảy ra từ Hội Phương Viên. Về điểm này Hồng lâu mộng bản Giáp Tuất cũng như bản Canh Thìn đều có dẫn lời bình của Chi Nghiên Trai: “Quan trọng nhất của các cảnh trong vườn là nước – phải viết rõ mới hay.” Rõ ràng không nơi nào là tác giả không ngầm nói với người đọc rằng trong tác phẩm thế giới lí tưởng thanh sạch là xây dựng trên nền của thế giới hiện thực ô bẩn. Tác giả muốn bạn đọc đừng quên những thứ sạch sẽ nhất cũng chính là những thứ lấy ra từ chỗ bẩn thỉu nhất. Chúng tôi tin rằng Hồng lâu mộng nếu hoàn thành hoặc được truyền lại đầy đủ, thì chắc là sau cùng thanh khiết nhất lại trở lại chỗ bẩn thỉu nhất. “Dục khiết hà tằng khiết, vân không vị tất không” – câu thơ đó không chỉ là kết cục của ni cô Diệu Ngọc - người sạch đến độ bệnh hoạn trong Hồng lâu mộng mà cũng là bến về của toàn bộ Đại Quan Viên. Tào Tuyết Cần một mặt dốc sức sáng tạo một thế giới mộng tưởng. Theo chủ quan của mình, ông muốn thế giới lí tưởng đó mãi ở giữa nhân gian. Mặt khác, ông lại lạnh lùng miêu tả một thế giới hiện thực đối sánh với thế giới lí tưởng đó. Mà tất cả sức mạnh của thế giới hiện thực đó không ngừng tấn công phá huỷ thế giới lí tưởng. Hai thế giới đó trong Hồng lâu mộng quan hệ mật thiết với nhau, quan hệ trong một trạng thái động – một trạng thái vận động theo một phương hướng đã xác định. Khi quan hệ của chúng vận động đến tận cùng, ý thức bi kịch của tiểu thuyết cũng thăng tiến đến đỉnh điểm...
Lê Thời Tân dịch
[1] Bài này nguyên là một chương trong cuốn sách cùng tên của Dư Anh Thời, giáo sư đại học Harvard (Ying-shih Yu, Professor of Chinese History at Harvard University). Sách do Thượng Hải xã hội khoa học viện xuất bản xã xuất bản năm 2002. Bài trên được Diana Dư dịch sang tiếng Anh rồi sau đó khi sách xuất bản tại Trung Quốc thì đem vào làm phụ lục. Các chú thích trừ khi ghi rõ “tác giả chú” còn thì đều của người dịch. Các trích dẫn từ Hồng lâu mộng trong trường hợp người dịch bài này dịch lại sẽ chú rõ “tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập…, tr. …”
[2] Bản tiếng Anh dịch câu này như sau: “The two sides of the Precious Mirror of Romance”. Mấy chữ “phong nguyệt bảo giám” xuất hiện lần đầu ở tiểu thuyết này trong tình tiết là một đầu đề khác của Thạch đầu kí (xin xem Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.22), còn như là tên của một cái gương thì xuất hiện ở hồi 12 (Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.177).
[3] Bản tiếng Anh dùng chữ “Red-ology” kèm thêm một chú thích chỉ rõ Lâm Ngữ Đường có viết trong My Country and My People: “và một khoa học đã phát triển với tên gọi Hồng học – and a science has developed which is called Redology(Hunghsueh, from Red Chamber Dream)” (Bản dịch tiếng Việt sách Lâm Ngữ Đường: Trung Hoa - Đất nước con người).
[4] Câu cuối bài thơ của hình tượng nhân vật “tác giả/tôi” (hồi 1):
Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng
(Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.18). Bản dịch tiếng Việt chuyển dịch từ “tác giả” trong những dòng đầu tiên của tiểu thuyết (“Thử khai quyển đệ nhất hồi dã. Tác giả tự vân: Nhân tằng lịch quá nhất phiên mộng ảo chi hậu, cố tương chân sự ẩn khứ, nhi tá “thông linh” chi thuyết, soạn thử Thạch đầu kí nhất thư dã. Cố viết “Chân Sĩ Ẩn” vân vân. Đãn thư trung sở kí hà sự hà nhân? Tự hựu vân: “Kim phong trần...”) thành “nhà làm sách” ( “Hồi thứ nhất này là hồi mở đầu của cuốn sách. Người làm sách xin nói. ... .... Người làm sách lại xin nói...”). Riêng chúng tôi tạm gọi đó là “hình tượng nhân vật tác giả/tôi”.
[5] “auto biographical approach”. Hồ Thích được xem là đại biểu lớn nhất của thuyết này. Quan điểm cho rằng Hồng lâu mộng kể chuyện bản thân họ Tào thể hiện tập trung trong cuốn Hồng lâu mộng khảo chứng – một tác phẩm lớn của Hồ Thích. Lỗ Tấn dường như cũng là người ủng hộ thuyết này (xin xem Lỗ Tấn, Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, Nhân dân xuất bản xã, Bắc Kinh, 1973, tr.206).
[6] Nguyên văn cả câu “Hảo nhất tựa thực tận điểu đầu lâm, lạc liễu phiến bạch mang mang đại địa chân can tịnh”. Đây là câu cuối cùng trong khúc cuối cùng của Hồng lâu mộng thập tứ khúc nhan đề Phi điểu các đầu lâm. Bản dịch tiếng Việt dịch thành “Như chim khi đã hết mồi; Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành” (Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, bản in năm 2002, tập 1, tr.94).
[7] Nhà Hồng học tiếng tăm của đại lục. Một số học giả, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc (Đại lục hoặc Hoa kiều) nhắc đến trong bài này ngoài Lâm Ngữ Đường còn có Hạ Chí Thanh, Chu Nhữ Xương. Có thể tên tuổi của họ chưa được quen thuộc cho lắm ở Việt Nam. Độc giả không ngại đọc, chẳng hạn Văn học Trung Quốc hiện đại (1898 - 1960) của Nguyễn Hiến Lê. Chương I thuộc Phần V cuốn này thậm chí dành cả một trang giới thiệu Du Bình Bá và cuốn Hồng lâu mộngnghiên cứu của học giả này trong mạch điểm bối cảnh chung của văn học Hoa lục.
[8] Bản dịch tiếng Anh bài này chú rõ thuật ngữ này dẫn từ Thomas S.Kuhn, The Structure of Scientific Revolutions, University of Chicago Prtess, 1970.
[9] Xuất bản ở Hong Kong. Tống Kỳ chính là Stephen C.Soong.
[10] Bản tiếng Anh: “Land of Illusion”. Cùng một chữ Hán này âm Hán–Việt có hai cách đọc “huyễn” và “ảo”. Đào Duy Anh chú trong Từ điển Hán Việt, mục từ Huyễn: “Chữ này chính đọc là huyễn nhưng lâu nay đọc quen là ảo”.
[11] Dẫn theo Du Bình Bá, Chi Nghiên Trai Hồng lâu mộng tập bình, tr.248. Các chú thích sau gọi tắt Tập bình (tác giả chú).
[12] Tác giả công trình dùng cặp thuật ngữ “nội chứng” và “bàng chứng”. Nội chứng chỉ những chứng cứ có được trong quá trình suy luận dựa trên bản thân tác phẩm, bàng chứng chỉ các chứng cứ đến từ các phần bên ngoài tác phẩm.
[13] Du Bình Bá hiệu đính - Vương Tích Thời tham hiệu, Bát thập hồi Hồng lâu mộng hiệu bản, Bắc Kinh, 1958, tập nhất, tr.47. Các chú thích sau gọi tắt Bát thập hồi hiệu bản (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.78. Chúng tôi nói “tương ứng” là vì đã mạo muội dịch lại do yêu cầu phù hợp với dụng ý trích dẫn của tác giả bài viết.
[14] Bát thập hồi hiệu bản, tr.163. Hồng lâu mộng bản Giáp Tuất có lời bình in kèm đoạn tả Thái Hư ảo cảnh: “Đây chính là đã vẽ kiểu cho biệt thự tỉnh thân về sau vậy” (Dẫn theo Du Bình Bá, Tập bình, tr.248). Đủ thấy Chi Nghiên Trai đã chỉ ra Thái Hư ảo cảnh sẽ là Đại Quan viên về sau (tác giả chú). Bạn đọc đều biết “biệt thự tỉnh thân” chính là Đại Quan Viên. Tình tiết câu chuyện như sau: Giả Nguyên Xuân được vua cho về thăm nhà, Phủ Vinh khởi công xây dưng Đại Quan viên đón Nguyên Xuân (bắt đầu từ hồi 16, trần thuật chủ yếu trong các hồi 17, 18. Tiện thể nhắc thêm, bản dịch của nhà xuất bản Văn Học năm 2002 in gộp hồi 18 với hồi 17, tức bỏ mất đề mục hồi 18. Hồi 18 vốn đề mục là: “Hoàng ân trọng, Nguyên Phi tỉnh phụ mẫu; Thiên luân lạc, Bảo Ngọc trình tài tảo”).
[15] Bát thập hồi hiệu bản, tr.232 (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb. Văn Học, tập 1, tr.324.
[16] Bát thập hồi hiệu bản, tr.170 (tác giả chú). Dịch giả tiếng Việt cũng nhận thấy quan hệ giữa hai đoạn tả Thái Hư ảo cảnh và Đại Quan viên khi chú thích: “Chỗ này ý nói Bảo Ngọc nhớ lại giấc mộng đã nói ở trong hồi thứ năm” (Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.239).
[17] Bát thập hồi hiệu bản, tr.232 (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.80.
[18] Bát thập hồi hiệu bản, tr.178. Bốn chữ này về sau Nguyên Xuân sửa lại thành“Tỉnh thân biệt thự”. Bản in của Nhân dân xuất bản xã, 1973 sửa in chữ “cảnh” thành chữ “kính”, chưa biết căn cớ tại đâu (tr.204, hai chữ này chỉ khác nhau mấy nét - ND). Chữ “cảnh” cũng được, nhưng chỗ này “bảo kính” quả thật còn liên quan đến “phong nguyệt bảo giám” (giám và kínhđều có nghĩa là gương soi - ND). Cho nên chúng tôi vẫn cho rằng “kính” là đúng(tác giả chú).
Bản in năm 2002 của Nxb. Văn Học vẫn in là “thiên tiên bảo cảnh” (tr.250). Bản này ghi rõ “Dịch từ bản tiếng Trung Hồng lâu mộng bát hồi hiệu bản do Nhà xuất bản Văn học nhân dân Bắc Kinh ấn hành năm 1958” (Ở đây chắc in sót “bát thập hồi” thành “bát hồi”; Bản dịch tiếng Việt in thành hai tập, mỗi tập 60 hồi).
[19] Khi bài này viết xong, giở lại cuốn Độc Hồng lâu mộng tuỳ bút của Du Bình Bá đọc đến đoạn Ghi lời bình ở bản Gia Khánh mới phát hiện ra thuyết Đại Quan viên tức là Thái Hư ảo cảnh từ rất sớm đã được tác giả bình điểm bản Gia Khánh nêu ra. Bên dưới đoạn cổng đá ngọc thạch, nhà bình điểm này viết: “Đủ thấy cổng đá Thái Hư ảo cảnh tức là tỉnh thân biệt thự vườn Đại Quan.” Du Bình bá viết chêm vào: “Thực ra nói đảo lại - Đại Quan Viên là Thái Hư ảo cảnh – càng có ý nghĩa” (xin xem Hồng lâu mộng nghiên cứu chuyên san, kỳ 4, tr.56). Cả tôi và Du tiên sinh không hẹn mà nên đều cùng một cách nói. Đủ thấy một sự nghiên cứu khách quan có thể đưa đến những sự trùng hợp nhất định. Độc Hồng lâu mộng tuỳ bút là cuốn mà tôi từng đọc không chỉ lần, có điều thường vẫn chỉ để tâm đến mấy phần phía trước - những phần tâm đắc nhất của chính tác giả, không ngờ lại bỏ qua một câu quan trọng như thế. Nay bài viết đã hoàn thành, không tiện sửa lại, chỉ bổ sung mấy lời trong phần chú thích này, gọi là bày tỏ chỗ sơ suất của người đọc sách.
[20] Du Bình Bá, Tập bình, tr.243. Về chuyện này, Tống Kỳ đã chỉ ra trước tôi. Tiên sinh còn dẫn thêm mấy đoạn bình điểm nữa. Có thể xem Luận Đại Quan viên, tr.4-5 (tác giả chú).
[21] Du Bình Bá, Tập bình, tr.257 (tác giả chú).
22 Bát thập hồi hiệu bản, tr.860. Chi Nghiên Trai cũng đã sớm chú ý đến điểm này. Bản Canh Thìn sau câu “Về sau cũng đã từng nghĩ đề bổ sung” (hồi 18, chỉ chuyện nghĩ câu chữ đặt đề tên cho các nơi trong Đại Quan viên - ND) có lời bình: “Câu này bổ sung ý trước đây không kịp kể, gài lại cái mầm trần thuật sẽ mọc lên về sau. Đến đoạn ao tinh khê quán (hồi 76, đoạn vừa dẫn trên - ND) mượn mồm Đại Ngọc kể bổ sung cho chuyện cũ. Đây chính là cái gọi là “tiếng vang giữa lũng thẳm ứng động bốn phương” (tức chỉ thủ pháp trần thuật. Đại khái các nhà bình điểm Trung Quốc cũ hay dùng lối tỉ dụ như vậy trong phê bình - ND) (xem Du Bình Bá, Tập bình, tr.283-284).
[23] Bát thập hồi hiệu bản, tr.157 (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.219.
[24] Bát thập hồi hiệu bản, tr.158 (tác giả chú). Tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.221.
[24] Chu Nhuận Xương trong cuốn Hồng lâu mộng tân chứng có dẫn một đoạn trần thuật việc phá dỡ Hội Phương viên (tr.56). Nhưng mục đích của ông là khảo cứu xem Đại Quan viên rốt cuộc là chỗ nào ở Bắc Kinh. Độc Hồng lâu mộng tuỳ bút của Du Bình Bá dành một phần thảo luận “vấn đề địa điểm của Đại Quan viên”. Tác giả cũng chú ý đến việc hoa viên trong Ninh phủ gộp nhập vào Đại Quan viên. Luận điểm của ông là nhằm chứng minh vấn đề địa điểm thực tế của cái vườn Đại Quan trong tiểu thuyết đó là không có cách nào để khảo chứng, chỉ có thể xem đó là “lời lẽ hoang đường” như Tào Tuyết Cần từng nói. Đáng tiếc ông không tiến lên một bước đặt vấn đề vì sao tác giả lại viết “lời hoang đường” như vậy? (Bài của Du tiên sinh đăng lại trên kì 1 – Hồng lâu mộng nghiên cứu chuyên san, Tân Á thư viện xuất bản) (tác giả chú).
Nguyên văn: “hoang đường ngôn”, mấy chữ này láy lại chữ dùng trong một đoạn nổi tiếng giới thiệu “nguồn gốc hình thành bộ sách” ở hồi mở đầu tiểu thuyết:
(Không Không đạo nhân) … đổi tên Thạch đầu ký thành Tình tăng lục. Khổng Mai Khuê người miền Đông Lỗ lại đề là Phong nguyệt bảo giám. Sau Tào Tuyết Cần mười năm đọc sách này dưới hiên Điệu Hồng, thêm bớt năm lần, soạn mục lục, chia chương hồi, đề là Kim Lăng thập nhị thoa. Lại đề một bài tứ tuyệt: Mãn chỉ hoang đường ngôn, Nhất bả tân toan lệ; Đô vân tác giả si, Thuỳ giải kì trung vị? Bản dịch tiếng Việt chuyển dịch: Đầy trang những truyện hoang đường, Tràn trề nước mắt bao nhường chua cay. Đừng cho tác giả là ngây, Ai hay ý vị chứa đầy ở trong (Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.23).
27 Chỉ con đường giải mã văn bản tác phẩm, suy luận dựa trên những chứng cứ nội tại (nội chứng) trong tác phẩm. Xem lại chú thích 12.
[27] Tôi không phủ định hoàn toàn “thuyết tự truyện”. Điều mà tôi phản đối là việc lấy “tự truyện” thay thế cho tiểu thuyết. Chúng tôi đã trình bày về điểm này trong bài Sự phát triển của Hồng học cận-hiện đại và cuộc cách mạng của nó(tác giả chú).
[28] Bản hiện hành vế đầu hồi mục hồi này là “Tần Khả Khanh tử phong long cấm uý”. Bản dịch tiếng Việt: “Tần Khả Khanh chết được phong Long Cấm Uý” (Hồng lâu mộng, Nxb.Văn Học, tập 1, tr.179, bản in năm 2002 in “long cấm uý” thành “long cẩm uý”).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét