Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Kiến trúc đền thờ Hindu giáo



 “Ấn Độ là xứ sở của tôn giáo, tôn giáo của tăng lữ,

đồng thời là tôn giáo của vũ nữ” *


Thời cổ đại
Các sử gia nói đền Hindu đã không tồn tại trong thời kỳ Vê Đa (1500 – 500 trước Công nguyên). Những phần còn lại của cấu trúc ngôi đền đầu tiên được phát hiện ở Surkh Kotal, một nơi ở Afghanistan bởi một nhà khảo cổ học người Pháp vào năm 1951. Nó đã không dành riêng để thờ cúng cho một vị thần nhưng lại dành để thờ cúng vua Kanishka (127-151)
Các cấu trúc ngôi đền đầu tiên không được làm bằng đá hoặc gạch. Trong thời cổ đại, đền thờ công cộng hoặc cộng đồng đã có thể làm bằng đất sét với mái lá được làm bằng rơm hoặc lá. Đá chỉ trở thành vật liệu được ưa thích trong những giai đoạn xây dựng sau này, hình thức ban đầu là những những đền thờ khắc sâu vào trong đá tạo thành các hang động – đền thờ,  là hình thức kiến trúc đục ngầm trong đá  (rock-built hoặc rock-cut).

The Undavalli Caves

Thời trung đại. Phù điêu và thần tượng đã được tìm thấy trong khoảng thế kỷ thứ II và III, nhưng không có một kiến trúc đền thờ nào còn sót lại.  Các học giả đưa ra giả thuyết rằng những ngôi đền cổ của Hindu giáo được mô phỏng theo cấu trúc một ngôi nhà của cư dân bản địa, hoặc một cung điện.  Những ý tưởng thiết kế và xây dựng đền thờ Hindu giáo giai đoạn này được cho là lấy hình mẫu từ những đền thờ của đạo Jain và Phật giáo,  nhưng sau đó đã có sự phát triển và tiến hóa mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh của các tôn giáo với nhau.
Đặc điểm các phong cách kiến trúc
Phong cách Nagara
Còn gọi là phong cách Bắc Ấn, hình thành từ thế kỷ thứ IX, mái đền có cấu trúc hình dáng những đường cong mềm vươn lên, trên đặt cái mũ hình lẳng bẹt, có một tháp cao gọi là Shikhara; công trình không có sân, đặt đơn độc trên những khu đất trống, bao gồm mặt bằng môn sảnh, thần đường, phòng cầu phúc đều có hình dáng vuông. Phong cách Nagara được xây theo lối hướng thượng, các tháp cao dần đều từ cổng vào đến tháp chính.

Đền thờ Kandariya Mahadeo, Khajuraho
Phong cách Dravida
Còn gọi là phong cách Nam Ấn, hình thành từ thế kỷ thứ XI đến thể ký XVIII mái đền có cấu trúc hình kim tự tháp đỉnh bằng, đặt trong những tường bao nhiều lớp hình thành các sân trong, tháp cổng cao lớn gọi là Gopura. Kiến trúc Nam Ấn có tính truyền cảm mãnh liệt, nhiều mái tháp cao đến 50-60m, tổ hợp bởi những đường thẳng khúc chiết, vươn lên sừng sững, khiến cho tổng thể công trình rất có sức mạnh, mang tính chất hướng về trung tâm.
Đền thờ mang phong cách Dravidian cơ bản có 4 phần, có thể thêm bớt tùy theo điều kiện từng vùng và từng giai đoạn lịch sử: (1) chính điện được gọi là Vimana (2) Các cửa hoặc Mandapas (3) Cổng – kim tự tháp, gọi là Gopurams (4) Hội trường, Chawadis. Bên cạnh đó, một ngôi đền luôn có hồ nước hoặc giếng nước, sử dụng cho các mục đích thiêng liêng, hay phục vụ sinh hoạt cho các tu sĩ.


Đền thờ Meenakshi Amman
Phong cách Vasara
Còn gọi là phong cách Trung Ấn, phát triển ở cao nguyên Decan.Đây là tên được đặt cho một phong cách kiến trúc phát triển trong những thế kỷ thời trung cổ và kết hợp cả hai phong cách Nagara và phong cách Dravida.
Phong cách này làm giảm chiều cao của các tầng riêng biệt mà không làm giảm số lượng của các tầng. Các cấu trúc hình bán nguyệt của Phật giáo cũng được kết hợp trong một số các ngôi đền của phong cách này. Các ngôi đền của Halebid, Belur, Somanathapura và Pattadakal là một số ví dụ về phong cách này.

Đền thờ Halebidu
Kiến trúc cơ bản của một ngôi đền Hindu giáo
Cấu trúc đền Hindu hầu như giống nhau trên khắp đất nước Ấn Độ. Mặc dù có thể có thêm bớt một số công trình phụ khác nhau theo ảnh hưởng của từng vùng đất, do khả năng tài chính của từng ngôi đền, thỉnh thoảng là do ảnh hưởng chính trị. Chẳng hạn, trong chính điện có thể có cùng lúc hai pho tượng (một tượng thật, một phiên bản) hoặc những bức tường cao xung quanh các ngôi đền ở Nam Ấn ban đầu là để bảo vệ đền trước những người Hồi giáo xâm lăng, về sau trở thành đặc trưng cho phong cách kiến trúc Nam Ấn.
Người Hindu cúng bái không theo nhóm, chủ yếu là cúng riêng, trừ những dịp lễ đặc biệt. Vì vậy cấu trúc đền thờ dựa theo nguyên tắc chỉ có một chính điện nhỏ gọi là Garbha Griha (phần A trong sơ đồ), nơi đặt tượng thần. Có một lối đi xung quanh chính điện này. Đây là trung tâm của ngôi đền, trên đó thường là mái vòm tròn hoặc mái xoắn ốc, trừ những ngôi đền Nam Ấn, mái xoắn thường ở ngay lối vào. Sau khi cầu kinh, nhất thiết phải đi xung quanh chính điện, cho nên lối đi xung quanh tượng thần là phần cốt yếu trong cấu trúc ngôi đền.
Có một lối đi nhỏ gọi là antrala (B) nối giữa chính điện và mandapa (C), tức là sảnh lớn với những hàng cột, nơi các tín đồ tập hợp để cầu cúng. Những cái cột phần lớn bằng cẩm thạch trên đó chạm khắc hình những nữ thần, những tiểu thần, những hoạt động trong đời sống của các vị thần chính, thỉnh thoảng là cảnh trong những thiên trường ca.

Sơ đồ cấu trúc cơ bản một đền thờ HIndu giáo
Ở một số ngôi đền hình chạm khắc thường xuất hiện trên rất nhiều cột đá cẩm thạch và trên bề mặt các bức tường bên ngoài đền. Cổng vào đền gọi là ardha mandapa (D). Những ngôi đền lớn còn có những khu vực gọi là maha mandapa (E) và kalyana mandapa (F) tăng thêm chỗ cho nhiều tín đồ trong dịp lễ hội.

Sự khác biệt giữa phong cách kiến trúc Nam Ấn và Bắc Ấn
Thiết kế
Đền thờ Hindu được thiết kế theo hình học gọi là Vastu-Purusha-Mandala.  Mandala có nghĩa là những đồ hình có dạng đối xứng, cân đối quanh một trục trung tâm, như hình vuông và hình tròn. Purusha là bản chất phổ quát ở cốt lõi của Hindu giáo truyền thống, nghĩa là linh hồn vũ trụ – đại ngã, trong khi vastu nghĩa cấu trúc nhà ở. Các thiết kế đưa ra một ngôi đền Hindu trong một cấu trúc tự lặp đi lặp lại đối xứng bắt nguồn từ niềm tin trung ương, thần thoại, hài hòa và nguyên tắc toán học.

Hình đồ Vastu-Purusha-Mandala
Bốn hướng chính giúp tạo ra các trục của một ngôi đền Hindu, xung quanh hình thành một hình vuông hoàn hảo trong không gian có sẵn. Các vòng tròn của Mandala tạo thành quảng trường. Hình vòng tròn được lấy ý tưởng từ những gì con người quan sát trong cuộc sống hàng ngày (mặt trăng, mặt trời, chân trời, giọt nước, cầu vồng). Các hình vuông được chia thành những ô vuông nhỏ gọi là padas (thường có 64, hoặc 81 ô vuông). Mỗi padas là khái niệm được gán cho một nguyên tố tượng trưng, ​​đôi khi là một vị thần. Trung tâm của hình vuông dành riêng cho Brahman, và được gọi là Brahma padas.
Các ngôi đền có cửa hướng về phía mặt trời mọc, và lối vào cho các tín đồ cũng thường là phía đông, một số ngôi đền Nam Ấn có cửa vào phía Nam.
Bên dưới Mandala là Garbha-Griya, một khoảng không gian khép kín, hình vuông, không cửa sổ. Trong không gian này thường là một Murti – tượng thần. Đây là Murti của các vị thần chính, và điều này thay đổi tùy theo mỗi ngôi đền.
Phía trên Vastu-Purusha-Mandala là một cấu trúc thượng tầng với một mái vòm gọi Shikhara ở phía Bắc Ấn Độ, và Vimana ở miền Nam Ấn Độ. Đôi khi, trong những ngôi đền tạm, mái vòm có thể được thay thế bằng tre. Mái vòm dạng chóp tròn hoặc mái vòm được thiết kế như một kim tự tháp, hình nón hoặc hình dáng núi. Các học giả cho rằng hình dạng này được lấy cảm hứng từ ngọn núi vũ trụ của Meru hay đỉnh núi Kailash của Himalaya, nơi các vị thần ngự trị.
Ngôi đền lớn có đại sảnh với hàng cột gọi là Mandapa phục vụ như phòng chờ cho khách hành hương và tín đồ. Các mandapa có thể là một cấu trúc riêng biệt trong các đền thờ cũ, nhưng trong ngôi đền mới hơn không gian này được tích hợp vào cấu trúc thượng tầng đền thờ. Những ngọn tháp có nhiều kiểu dáng và hình dạng, nhưng tất cả đều có độ chính xác toán học và các biểu tượng hình học, chủ đề và nguyên tắc thường thấy là hình tròn và hình vuông.
Những bức tường của đền thờ được trang trí trực quan với nghệ thuật chạm khắc, tranh vẽ hoặc hình ảnh để truyền cảm hứng cho các tín đồ. Các trụ cột, tường và trần nhà thường cũng có chạm khắc rất công phu. Những hình ảnh này xuất xứ từ những sử thi của người Ấn Độ, những câu chuyện thần thoại Veda về đúng và sai, đức hạnh và ngược lại. Họ là những vị thần, hay những vị anh hùng.
Đôi khi, những tác phẩm điêu khắc trên các bức tường bên ngoài đền thờ miêu tả cảnh quan hệ tình dục, như ở đền thờ Khajuraho, thể hiện triết lý của đạo Hindu về sự phân cách mong manh giữa thiêng liêng và phàm tục, không gian bên trong (thiêng liêng) và bên ngoài đền thờ (phàm tục) chỉ ngăn cách nhau bởi một bước chân.
Một bức điêu khắc trên tường bên ngoài đền thờ Khajuraho, 

mô tả cảnh quan hệ tình dục tập thể


Một ngôi đền Hindu điển hình là nơi thể hiện sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật tạo hình Ấn Độ – từ những bức tranh điêu khắc, từ các biểu tượng tượng trưng để chạm khắc, cho đến cách bố trí chu đáo của không gian để phản ánh sự tổng hợp của các nguyên tắc toán học với tinh thần Hindu.
Văn bản tiếng Phạn cổ phân loại thần tượng và hình ảnh trang trí trong đền thờ theo nhiều cách. Ví dụ, một trong những phương pháp phân loại theo hình thức:
– Chitra – hình ảnh có 3 chiều và hình thành hoàn chỉnh, tức là những bức tượng tròn.
– Chitrardha – hình ảnh được khắc trên mặt phẳng, những bức phù điêu.
– Chitrabhasa – hình ảnh có 2 chiều như những bức tranh trên tường và các loại vải vóc.
Một cách khác để phân loại là bởi tình trạng biểu cảm của hình ảnh:
– Raudra hoặc ugra – là những hình ảnh mang ý nghĩa sợ hãi. Những vị thần thường mắt tròn, mang vũ khí, đem những vòng trang sức bằng hộp sọ và xương. Những vị thần này được thờ cúng bởi những người lính trong chiến tranh, trước khi ra trận, hoặc những người trong những lúc đau khổ hay có lỗi. Đền thờ loại này không được thiết lập bên trong làng và thị trấn, chúng được xây dựng bên ngoài và ở các khu vực xa xôi.

Nữ thần Durga giết quỷ Mahishasu
– Shanta và saumya – là những hình ảnh yên tĩnh, thái bình và diễn đạt tình yêu, lòng từ bi, lòng tốt và đức tính tốt đẹp khác trong đền thờ Hindu. Những hình ảnh này sẽ mang biểu tượng của hòa bình, kiến thức, âm nhạc, sự giàu có, hoa, gợi cảm…. Ở Ấn Độ cổ đại, những ngôi đền này là yếu tố nổi bật trong làng và thị trấn.

Nữ thần Lakshmi mangd đến tài lộc
Đặc điểm của kiến trúc đền thờ Hindu giáo
Sự tượng trưng của trung tâm và phương hướng.
Đền thờ Hindu xuất hiện muộn hơn kiến trúc Phật giáo, do thời kỳ đầu của tôn giáo này là sát sinh tế lễ, làm các dàn tế là chính, nguyên nhân thứ hai là do các đoàn thể tôn giáo Hindu thành lập muộn, đến thế kỷ thứ IX mới xuất hiện.
Đặc điểm của hình thức mái là giống như đỉnh núi Meru, là dạng Nagara ở phía Bắc hay dạng Doravida ở phía Nam. Núi Meru là nơi ở của thần quyền Hindu giáo, được coi là trung tâm của vũ trụ, vì thế việc biểu hiện trung tâm là chủ thể quan trọng nhất của đền thờ Hindu giáo.
Phần ngoài của các ngôi đền hình đỉnh núi được trang trí rất phức tạp, đa phần thể hiện tinh thần ham muốn nhục dục, điều đó phụ thuộc vào tâm lý hảo phồn của người Ấn Độ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng sự nhấn mạnh tính biểu trưng của núi Meru mới là quan trọng nhất.

Đền thờ Arunachaleshwara, Tiruvannamalai
Hình thức mái (tường ngoài) của đền thường có gấp khúc để chứa đựng được nhiều hình điêu khắc hơn, hình thức này gọi là Ratha. Trong khi đó, mái đền (Shikhara) thì được thu dần về phía trên , tạo cảm giác động thái mãnh liệt để nhấn mạnh ngôi đền mang ý nghĩa tượng trưng là trung tâm vũ trụ. Ý nghĩa tượng trưng này sau này còn được gắn vào  một dạng tháp cổng lớn có tên là Gopura của các ngôi đền Nam Ấn.
Ví dụ tiêu biểu cho sự biểu tượng trung tâm của đền đài Ấn Độ là ngôi đền Kandariya Mahadeva ở Khajuraho. Ngôi đền này có hình thức mái vươn mạnh mẽ và kết thúc bằng một phần đỉnh gọi là bảo tháp.
Chủ đề trung tâm không chỉ thể hiện ở ngoại thất mà còn thể hiện ở nội thất. Các mặt thất nhỏ để cúng các vị thần luôn chiếm các vị trí quan trọng. Phần quan trọng nhất trong một ngôi đền Hindu là chánh điện Garbhagriha. Căn phòng được xây dựng ở ngay chính trung tâm ngôi đền với rất ít cửa sổ, trong đó đặt biểu tượng của vị thần mà ngôi đền thờ phụng. Ví dụ: trong ngôi đền của thần Shiva, thường đặt Linga cho biểu tượng của vị thần này. Năng lượng tuôn trào từ chánh điện.  Ba cửa của căn phòng chỉ là cửa giả để nguồn năng lượng của thần linh được lưu giữ trong Garbhagriha. Kiểu xây dựng này cũng phản ánh cho toàn bộ phần bao quanh ngôi đền.
Các đền thờ Hindu khi xây dựng đều tuân thủ nghiêm ngặt cấu trúc hình khối như kiểu Mandala thị Hindu giáo thường được quy hoạch theo một trật tự nhất định với đồ hình vuông. Mandala/Mạn-đà-la trong tư tưởng Ấn Độ là một đồ hình huyền thuật tượng trưng cho vũ trụ, hoặc vuông hoặc tròn đồng tâm tượng trưng cho vị trí trung tâm. Bình đồ bố cục hình vuông của ngôi đền Ấn Độ giáo dựa trên đồ hình này mà hình thành gọi là Vatsupurusa-mandala/Mạn-đà-la của hiện thể con người vũ tru (Kramrisch 1978: 46-50; Michell 1988: 71-3, fig. 28). Ngôi đền Prambanan ở Indonesia được kiến thiết rất cẩn trọng bởi các kiến trúc sư tài ba dựa trên quy hoạch chính của một đồ hình Mandala mà sau này thường thấy trong Phật giáo Mật Tông. Theo những luận thuyết Ấn cổ, các kiến trúc đền đài, nhà ở, đô thị Hindu giáo thường được quy hoạch theo một trật tự nhất định với đồ hình vuông.
Tính phương hướng của đền thờ Hindu giáo có hai cách thể hiện: cách thứ nhất là biểu hiện ở bố trí cửa đền ở hướng Đông, cửa của sự sống.  Cửa hướng đông là cửa mở duy nhất, ba cửa còn lại của mỗi ngôi đền đều được bít kín, gọi là cửa dụ, vì người Hindu giáo quan niệm rằng cửa mở chỉ dành cho người phàm, còn thần linh có phép thần thông sẽ ra vào các cửa dụ. Lối vào từ hướng Đông là dành cho hầu hết các thần. Lựa chọn thứ hai là các hướng khác ngoại trừ hướng Nam. Tuy nhiên những thần như Shree Kali Mata và Shree Hanuman lại thíc quay về hướng Nam.  Người dân Ấn Độ tin rằng 4 hướng được canh giữ bởi 4 vị thần:
1) Shree Indra ở hướng Đông : vua của các vị thần

2) Shree Varuna ở hướng Tây: thần mưa, nước
3) Shree Kubera ở hướng Bắc: thần của cải
4) Shree Yama ở hướng Nam: thần chết chóc.

Đền thờ mỗi vị thần khác nhau sẽ quay về những hướng khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Cách thứ hai là phần bên trong các Garbhagriha bao giờ cũng có một hành lang dành cho “nghi thức xoay phải”, người đến thăm đền sẽ di chuyển dọc các hành lang theo chiều kim đồng hồ.
Quan niệm chính và phụ, âm và dương.
Kiến trúc “tạc đá” của Ấn Độ có hai loại chính là “kiến trúc động đá” (kiến trúc đục ngầm trong đá” và”kiến trúc đá tảng”.
“Kiến trúc đá tảng” là kiến trúc tạo thành từ việc tạo khắc các khối đá khổng lồ, kiến trúc đá tảng thường chỉ có không gian bên ngoài, không có không gian bên trong hay có một phần rất ít. Ví dụ tác phẩm “Chiến xa” ở Mamallapuram, một tác phẩm kiến trúc tạc đá nổi tiếng  khác là đền thờ số 16 Kailasa Shiva thuộc quần thể động đá Ellora (756-773 sau CN), cách thi công đền thờ này  là đầu tiên người ta tạc phần ngoài  của tảng đá lớn trên một vách núi, sau đó mới tạc không gian bên trong nó.
Về quan niệm, kiến trúc động đá và kiến trúc đá tảng là bộc lộ hình thức kiến trúc “chính”, “phụ”. Kiến trúc động đá bộ lộ quan niệm “phụ”(âm) vào không gian kiến trúc, còn kiến trúc đá tảng bộc lộ quan niệm “chính” (dương) vào thực thể kiến trúc.
Quan niệm âm dương còn thể hiện qua kiến trúc của một đền thờ. Đền thờ Nagara có hình dạng như 1 nữ thần đang ngồi và phần chính điện thờ “linga” cũng chính là “yoni” của nữ thần. Lối kiến trúc này thể hiện sự hòa hợp về âm dương giữa thần Shiva và vợ  nữ thần Kali.

Quan điểm âm – dương trong kiến trúc đền thờ Hindu giáo
Ở đền thờ Nam Ấn, kiến trúc lại có hình dạng của 1 vị thần đang nằm nếu nhìn nghiêng và có dạng Mandala hình vuông khi nhìn từ trên xuống. Chân thần tượng trưng cho những tháp cổng Gopuram và qua chiếc cổng  đó, đi dần vào bên trong sẽ là trung tâm Mandala, chính điện Kalasha.
Hình ảnh tượng trưng của nước và bậc cấp
Nước có ý nghĩa quan trọng đối với một đất nước có khí hậu nóng nực và oi bức. Tầm quan trọng của nước đã ăn sâu vào tư tưởng cũng như tôn giáo Ấn Độ. Ý nghĩa của nước chính là nguồn gốc của sinh mệnh. Do đó, giếng nước đóng vai trò quan trọng trong làng quê Ấn Độ, giếng nước có ở đền thờ đạo Hindu, đạo Hồi, cung điện hay pháo đài, thành quách. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng  nói đến văn hóa Ấn Độ mà không nói đến giếng nước hay hồ nước là một thiếu sót thật sự. Vì vậy, những hồ chứ  nước thường được tìm thấy trong các đền thờ Hindu. Nguồn nước được cho là nước thánh từ sông Hằng được sử dụng đề thanh tẩy hoặc dùng trong những nghi lễ hiến tế.
Bậc cấp trong đền thờ Nagara cũng là một yếu tố quan trọng khác của văn hóa kiến trúc  Ấn Độ. Muốn vào được bên trong đền thờ phải vượt qua những bậc cấp này, thể hiện tinh thần hướng thượng. Kiểu kiến trúc lộ thiên này rất gắn bó với đời sống của người Ấn  Độ, họ thường ngồi nghỉ hoặc ngủ trên kiến trúc lộ thiên này. Bậc cấp tại bến phà sông Hằng ở Varanaxi là một ví dụ, ở đó người ta tắm rửa, trừ tà, nghỉ ngơi, giao lưu, hỏa táng, tồn tại, đó là nơi giao tiếp công cộng quan trọng.
Đền thờ Nam Ấn cũng có bể tắm nghi lễ hoặc hồ bơi, có thể có mái vòm rộng, được bao quanh bởi tường và tháp cổng gopura. Những kiến trúc vòng ngoài này thường trở nên mở rộng và hùng vĩ hơn theo thời gian, thậm chí to hơn cả kiến trúc bản thân ngôi đền. Những đặc điểm này hiện còn tồn tại trong ngôi đền Brihadishvara ở Tanjavur.
Ở Ấn Độ, các yếu tố gắn bó với tập quán sống và môi trường sống đều được coi là quan trọng, mang tính chất đa năng và đồng nhất với văn hóa. Yếu tố nước như vậy đã tạo thành tính cách của văn hóa kiến trúc Ấn Độ.
Kết luận
Các tôn giáo đều là nguồn gốc tạo nên các biểu hiện của nghệ thuật với mục đích là tỏ lòng thành kính với các vị thần. Các tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất trong kiến trúc Hindu giáo đều thể hiện sự hòa hợp giữ thiêng liêng và trần tục, giữ con người và thần linh.
Đền thờ Hindu phản ánh các lĩnh vực nghệ thuật, các bổn phận, niềm tin, giá trị và cách sống của những người theo đạo Hindu. Đó là sự liên kết giữa con người, thần thánh, và Vũ trụ Purusa.
Cấu trúc “Parama Sayika” ,9×9 (81), được tìm thấy ở hầu hết những ngôi đền Hindu tế lễ rộng lớn. Theo cấu trúc hình học này, mỗi vòng tròn đồng tâm mang 1 ý nghĩa khác nhau. Lớp ngoài cùng, Paisachika tượng trưng cho Asura và cái ác; lớp tiếp theo là Devika tượng trưng cho Deva và cái thiện. Giữa lớp thiện và ác là Munusha tượng trưng cho đời sống con người. Tất cả những lớp đó bao quanh vòng Brahma, tượng trưng cho năng lượng sáng tạo. Trung tâm vòng tròn là Grabhgriya tượng trưng cho nguồn gốc của vạn vật trong vũ trụ.
Trong các văn bản cổ xưa của Ấn Độ, đền là nơi để hành hương – Tirtha. Ngôi đền chứa đựng những giáo lý của đạo Hindu, đồng thời thể hiện toàn bộ những nhân tố tự nhiên giúp tạo ra và duy trì cuộc sống – từ lửa đến nước, từ những hình tượng thiên nhiên đến các vị thần, từ nữ tới nam, âm thanh, mùi vị cho đến hư vô.
Susan Lewandowski nhấn mạnh rằng yếu tố cơ bản trong một đền thờ Hindu được xây dựng trên niềm tin rằng vạn vật đều là một, chúng có sự kết nối với nhau. Một cuộc hành hương được thực hiện trong một không gian theo cấu trúc toán học cấu trúc 64, 81, một tập hợp đầy nghệ thuật của những cột trụ được điêu khắc và những bức tượng được trưng bày và tôn vinh 4 mục tiêu đời sống: Artha (của cải), Kama (Ái dục), Dharma (bổn phận), Moksha (giải thoát).
Ở giữa đền, thông thường là bên dưới hay bên trên và có khi là bên cạnh các vị thần, có một khoảng trống tượng trưng cho Purusa, “nguồn gốc tối cao” (Supreme Principle), đó là vũ trụ linh thiêng, không hình dạng, tượng trưng cho mọi nơi, kết nối mọi thứ, và là bản chất của mọi người. Một ngôi đền có ý nghĩa trong việc giúp những người mộ đạo thấy được bản thân của mình, thanh tẩy tâm trí và hình thành quá trình nhận thức của họ. Các vị thần trong từng ngôi đền khác nhau phản ánh những khía cạnh tinh thần khác nhau. Đó là nơi để những người theo đạo Hindu giải phóng tâm trí của họ và tập trung vào những thế lực tâm linh bên trong ngôi đền.
Theo truyền thống Hindu, không có ranh giới giữa cái phàm và cái thiêng. Chính vì vậy, đền thờ Hindu không chỉ là những nơi linh thiêng mà còn là nơi thế tục. Ngoài cuộc sống tinh thần, ý nghĩa và mục đích đền thờ Hindu còn được thể hiện trong những nghi lễ xã hội và cuộc sống hằng ngày, vì vậy chúng có chức năng xã hôi. Đền còn là nơi để tổ chức lễ hội, những tiết mục nghệ thuật như ca hát, nhảy múa, lễ kết hôn, sinh nhật, tang ma, những sự kiện quan trọng trong đời người. Ngoài ra nó còn là nơi chứng kiến sự kế vị của các triều đại và các vùng lãnh thổ cùng với sự phát triển kinh tế của những triều đại đó.
Những ngôi đền Hindu đóng vai trò hạt nhân trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, nghệ thuật và tri thức trong suốt thời kỳ cổ-trung đại ở Ấn Độ. Burton Stein nói rằng những ngôi đền Nam Ấn nắm giữ chức năng phát triển vùng, như là hệ thống tưới tiêu, khai hoang đất và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Những hoạt động này được trả bằng đóng góp của những người mộ đạo. Những ngôi đền này có một lượng lớn tài sản, chúng còn có chức năng như những ngân hàng.
Ngày nay, khi những người di cư và những cư dân Do Thái từ Nam Á xây dựng một đền thờ Hindu, họ cũng đã góp phần tạo dựng một cộng đồng xã hội, giúp làm giảm những định kiến, đồng thời xây dựng quyền công dân cho vùng đất này.Kiến trúc truyền thống Ấn Độ đã để lại nhiều bài học lớn cho thế hệ sau, nhất là các kiến trúc sư đương đại Ấn Độ.
Có nhiều vấn đề đặt ra cho thấy nền kiến trúc cổ đại Ấn Độ có thể tạo tiền đề cho việc tìm ra một cái cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, như vấn đề cộng sinh đa nguyên và vấn đề hình học trong kiến trúc. Việc ứng dụng quan niệm trung tâm và phương hướng, việc gợi lại những triết lý về nước trong đời sống Ấn Độ, việc gợi lại sơ đồ hình học Mandala không chỉ thấy trong nhiều tác phẩm kiến trúc mà còn thấy trong nhiều các mặt bằng đô thị.
(theo Lạc Hoa Viên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét