Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện
giàu sang
Anh Nguyễn
Giả mẫu là một nhân vật được tạo hình
đặc sắc vào bậc nhất trong Hồng Lâu Mộng. Giả mẫu có vị trí đứng đầu
Giả phủ, tầm ảnh hưởng bao trùm cả hai nhà Ninh, Vinh. Gầu như toàn bộ các cô
gái trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách (ngoại trừ Diệu Ngọc) đều là cháu
chắt của Giả mẫu, nếu không do huyết thống trực hệ thì cũng thông qua quan hệ
hôn nhân. Vì vậy Tào Tuyết Cần bỏ nhiều tâm sức miêu tả Giả mẫu cũng là điều dễ
hiểu. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, Giả mẫu quả là một bà cụ bao dung, hiền từ, thích
an nhàn như… bà nội của chúng ta vậy! Vì vậy e rằng nhiều người sẽ không đồng
tình khi tôi cho rằng: những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nhà họ Giả có một
phần lỗi của Giả mẫu.
Tào Tuyết Cần để Giả mẫu lần đầu xuất
hiện qua lời kể của Lãnh Tử Hưng ở hồi thứ hai, chính là áp dụng biện pháp
“chưa nhìn thấy người đã nghe thấy tiếng.” Giả mẫu sinh ra trong nhà họ Sử – một
trong bốn gia đình cự phú ở Kim Lăng (Cung A phòng xây lên ba trăm dặm đã đủ chưa? Họ Sử đất Kim
Lăng vẫn ở không vừa.) Lớn lên Sử tiểu thư kết hôn với Giả Đại Thiện ở Vinh
Quốc phủ, sinh ra Giả Chính và Giả Xá. Lang quân bà chẳng may mất sớm, nhưng
hai con trai Giả mẫu nhờ phúc ấm của ông cha mà đều được đặc cách phong quan, tập
tước. Giả mẫu cũng vì thế mà được hưởng thụ cuộc sống viên mãn, xa hoa không kể
xiết. Người ta còn gọi bà là Sử thái quân.
Giả mẫu trong một bữa tiệc cùng gia đình
Trước hết, hãy bàn về khía cạnh vinh
hoa phú quý của nhân vật này. Truyện có nhiều chi tiết nhỏ được cài đặt rất
khéo léo, tôi xin chỉ ra bốn ví dụ nho nhỏ.
Thứ nhất là khi một thầy thuốc được mời
vào thăm bệnh Giả mẫu.
Một
lúc, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung đưa thày thuốc họ Vương vào. Thày thuốc không
dám đi đường giữa, chỉ đi bên cạnh, theo Giả Trân bước lên thềm, có hai bà già
đứng hai bên vén rèm, hai bà già nữa dẫn vào. Bảo Ngọc ra đón. Giả mẫu mặc chiếc
áo khoác bằng da dê trắng, trong lót nhiễu xanh, ngồi trên sập. Hai bên có bốn
a hoàn bé chưa để tóc, cầm phất trần, ống nhổ đứng hầu; lại có năm, sáu bà già
đứng xếp hàng hai bên; đằng sau cái tủ bích sa, thấp thoáng có nhiều người mặc
đồ xanh đỏ và đeo vàng ngọc. Thày thuốc không dám ngẩng đầu lên, chạy lại cúi
chào.
Thế mới nói, muốn giàu chỉ cần một đời,
nhưng muốn sang phải ít nhất ba đời mới đặng. Giả mẫu chẳng bộn bề trang sức
trên người nhưng vẫn uy nghi như một vị thái hậu. Từ kiểu cách đón tiếp, a hoàn
bà già hầu hạ vây quanh, cho đến những người “đeo vàng ngọc” đứng sau (Phượng
Thư, Lý Hoàn, Vương phu nhân) – tất cả đều đóng vai trò bức nền làm toát lên vị
trí cao quý của Giả mẫu.
Giả mẫu cùng Phượng Thư và các người hầu vây quanh
Thứ nhì là ngày mừng thọ tám mươi tuổi của
Giả mẫu. Hồng Lâu Mộng có nhiều bữa tiệc xa xỉ đến hoa cả mắt, song chúng ta chỉ
cần chú ý đến chi tiết này:
Từ
đầu tháng bảy, người đưa lễ thọ đến mừng liên tiếp không dứt. Bộ Lễ vâng chỉ
ban cho một cái gậy bằng vàng dát ngọc, bốn súc đoạn màu, chén vàng bốn cái, bạc
năm trăm lạng. Nguyên phi lại sai Thái giám đưa đến một tấm thọ tinh bằng vàng,
một cái gậy trầm hương, một chuỗi hạt dà nam, một hộp hương phúc thọ, hai nén
vàng, tám nén bạc, mười hai tấm đoạn màu, bốn cái chén ngọc. Ngoài ra từ thân
vương, phò mã đến các quan văn võ lớn, nhỏ đi lại xưa nay đều có lễ mừng, không
thể kể xiết được. Trong nhà đặt một cái bàn lớn trải thảm đỏ bày hết những đồ
quý giá bên trên rồi mời Giả mẫu đến xem. Mấy hôm đầu, Giả mẫu còn cao hứng đến
nhìn qua, sau chán không xem nữa, chỉ nói: “Bảo cháu Phượng nhận cả, hôm nào rảnh
ta sẽ lại xem”.
Chỉ một con người đã quen sống trong sự
giàu có, thừa thãi đến cùng cực mới có thể bộc lộ một thái độ “phớt tỉnh” như
thế trước của cải. Có lẽ trong tám mươi năm cuộc đời, số lượng châu báu Giả mẫu
nhìn qua đã quá nhiều, tới mức chúng không còn đem lại cảm giác ngạc nhiên hay
thích thú gì cho bà nữa.
Giả mẫu trong ngày lễ mừng thọ
Thứ ba là tên gọi các a hoàn của Giả mẫu.
Ngoại trừ Uyên Ương, tên bốn cô còn lại lần lượt là: Hổ Phách, Trân Châu (sau đổi
thành Tập Nhân,) Phỉ Thúy, Pha Lê. Chi tiết này là ẩn dụ cho thân phận tôn quý
của Giả mẫu – người chủ sở hữu tất cả những viên ngọc kia. Vinh hoa phú quý
không dồn vào bà thì còn ai nữa.
Lại một bữa tiệc trong Giả phủ
Thứ tư là lần Giả mẫu cùng mọi người tới
thăm Tiết phu nhân. Chỉ qua cách chọn màn cửa, Giả mẫu đã bộc lộ từ khiếu thẩm
mỹ, biết người biết của, cho đến kiến thức sâu rộng:
Giả
mẫu nhân trông thấy bức màn the treo trên cửa sổ đã cũ, liền bảo Vương phu
nhân:
–
Bức màn này khi mới treo, trông đẹp đấy, nhưng để lâu phai màu. Ngoài sân không
có cây đào cây hạnh nào, mà trúc đã có lá xanh rồi. Cứ treo màn xanh không ăn
màu. Ta nhớ nhà ta có những bức màn treo cửa sổ bốn năm màu kia mà. Ngày mai, bảo
lấy thay bức màn này đi.
Phượng
Thư nói:
–
Hôm nọ cháu mở buồng kho, thấy trong hòm lớn có mấy tấm the “thuyền dực” (the mỏng
như cánh ve sầu): màu ngân hồng, tấm thì dệt lối hoa chiết chi, tấm thì lưu vân
biển bức (dơi bay theo đám mây), tấm thì bách điệp xuyên hoa (trăm con bướm hút
nhuỵ hoa), màu vừa tươi, lại nhã, nhũn nhẹ. Nhưng không thấy thứ the như bà
nói. Nếu có thứ ấy, đem ra làm nệm gấm thì chắc đẹp lắm.
Giả
mẫu cười nói:
–
Hừ! Người ta bảo mày cái gì cũng biết, cái gì cũng từng trải cả. Thế mà ngay thứ
the ấy mày cũng không nhận ra được, rồi lại còn nói láo!
Mọi
người đều cười, nhân nói:
–
Chị đã từng trải đến mấy cũng còn kém cụ? Sao cụ không dạy bảo chị ta để cho
chúng tôi cũng được nghe nhờ?
Phượng
Thư cười nói:
–
Bà ơi. Bà dạy cháu với!
Giả
mẫu cười nói với Tiết phu nhân và mọi người:
–
Loại the này có từ khi các người chưa đẻ kia. Chẳng trách được nó cho là thứ
the “thuyền dực”, vì hai thứ gần giống nhau. Ai không biết thì bảo là the “thuyền
dực”, nhưng tên nó là “nhuyễn yên la” (the mềm và mỏng như làn khói) kia.
Phượng
Thư nói:
–
Cái tên ấy cũng dễ nghe. Cháu đã lớn bằng này rồi, kể ra cũng đã được xem hàng
mấy trăm thứ the, nhưng chưa được nghe tên ấy bao giờ.
Giả
mẫu cười nói:
–
Mày đã bao nhiêu tuổi? Biết được bao nhiêu thứ the? Lại dám nói láo! Loại nhuyễn
yên la này chỉ có bốn màu: một là vũ quá thiên thanh (mưa tạnh trời xanh), hai
là thu hương sắc (màu hoa mùa thu), ba là tùng lục, bốn là ngân hồng. Nếu đem
ra làm màn hay che cửa sổ, trông xa như khói mù ấy, cho nên gọi là nhuyễn yên
la. Màu ngân hồng lại có tên là hà ảnh sa (màu ráng trời) nữa. Bây giờ ngay the
trong nội phủ nhà vua thường dùng, cũng không có thứ nào như thế.
Tiết
phu nhân cười nói:
–
Không cứ chị Phượng, chính tôi cũng chưa nghe thấy bao giờ.
Qua đoạn trên, không chỉ Phượng Thư mà
tất cả người đọc đều nhờ Giả mẫu mà được mở rộng tầm nhìn. Ai ngờ chỉ mấy miếng
the mỏng manh mà chứa cả một bề dày văn hóa! Qua nhân vật Giả mẫu, Tào Tuyết Cần
đã khắc họa sự cầu kỳ, tinh tế trong cách thưởng ngoạn của giai cấp quý tộc nhà
Thanh. Cái đẹp của Hồng Lâu Mộng nằm chính ở những chi tiết nhỏ
như vậy.
Thế nhưng nếu Giả mẫu chỉ có giàu
sang, sành sỏi thì quá đơn giản. Sự thực là Tào Tuyết Cần đã dựng lên một Giả mẫu
đáng yêu, đáng kính, nhưng cũng đôi lúc đáng ghét và cả đáng thương nữa. Sở dĩ
có nghịch lý đó là bởi Giả mẫu luôn cư xử như một đứa trẻ được nuông chiều, bất
chấp việc bà đã lên chức cụ và có các chắt riêng (Giả Lan, Xảo Thư.) Dựa vào
đâu để nói rằng Giả mẫu vẫn giữ tính cách trẻ con?
Chúng ta sẽ bàn tiếp ở bài sau…
*
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét