Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Cuộc đời Ngô Đình Diệm (Kỳ cuối)


Những cuộc điện đàm cuối cùng
Tác giả: theo Tổng hợp (ANTG)

Sau khi Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn lần lượt bị hạ sát theo những cách khác nhau, nhóm tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính ngày 1.11.1963 lẫn người Mỹ đều tìm cách đổ vấy tội cho nhau.
KD: Đọc kỹ cả ba kỳ, mới thấy tác giả khai thác tính cách của ông Ngô Đình Diệm, coi như là góp phần vào sự thất bại của Triều đình họ Ngô. Một tính cách gia trưởng, độc đoán, phong kiến, ưa nịnh (ôi, nghe sao quen quen)  
Cho dù vật đổi sao dời, thì tính cách “gia trưởng, độc đoán , phong kiến” vẫn còn in đậm dấu ấn “đen” trong cách cai trị XH của người Việt  
Mà như vậy thì số phận dân tộc Việt còn lênh đênh lắm  
Khi còn làm việc, mỗi lần mình vào Sài Gòn, bạn mình đều đưa mình đến Nhà thờ Cha Tam (Q.5- SG), nơi ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã chạy đến đó, lánh nạn, nhưng rồi cuối cùng đã bị giết chết bởi lực lượng đảo chính. Mình thường đến đó, ngắm nhìn các giáo dân đến Nhà thờ cầu nguyện, ngắm nhìn cuộc sống và nghĩ về nhân tình thế thái, về dâu bể đời người …
Con người có số phận. Dân tộc cũng có số phận chăng?  
    
———-  
Người Mỹ nói, họ không muốn anh em họ Ngô phải chết. Nhóm tướng lĩnh đảo chính lại khăng khăng: “Chúng tôi không liên quan đến cái chết của gia đình ông Ngô Đình Diệm”.

Kỳ cuối bài viết này chủ yếu tập trung vào việc lý giải vai trò của người Mỹ trong cái chết của anh em nhà họ Ngô. 


Đại sứ Mỹ Cabot Lodge và Ngô Đình Diệm.

“Tuần trăng mật” đã kết thúc

Ngày 2.1.1963, quân đội của Ngô Đình Diệm thua trận tại chiến trường Ấp Bắc Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Đây là thất bại đầy đau đớn khiến người Mỹ không thể chấp nhận. Theo tài liệu thu thập được cho thấy, quân Việt Nam Cộng hòa đông hơn gấp 4 lần phía Cộng sản, với sự yểm trợ của thiết giáp và máy bay trực thăng, thế nhưng vẫn bị đánh cho tơi tả.

Sau lần thảm bại này, ngày 25.2, lần đầu tiên Tổng thống J.Kennedy nghĩ về một kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Việt Nam Cộng hòa. Tin này khiến Ngô Đình Diệm có cảm giác bị phản bội. Quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa và Washington đầy căng thẳng. Cả Ngô Đình Diệm lẫn người Mỹ đều bắt đầu xét lại mối quan hệ từ trước đó.

Cố vấn Tòa đại sứ John Mackelin, cấp báo về Bộ Ngoại giao Mỹ như sau: “Việc căng thẳng này có thể gây hậu quả tai hại cho chúng ta với ông Ngô Đình Diệm hơn cả một phản ứng công khai”. Cuối tháng 3, ông Ngô Đình Nhu bắt tay vào kế hoạch ngăn chặn đảo chính do Mỹ sắp đặt.

Thế nhưng, không gì có thể ngăn chặn được sự sụp đổ của Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa, hàng loạt biến cố xảy ra tính từ tháng 4.1963 trở đi chỉ là giọt nước làm tràn ly. Bởi về đối nội, gia đình ông Ngô Đình Diệm bị chống đối khắp nơi. Còn về đối ngoại, Mỹ muốn một sự thay thế người đứng đầu Việt Nam Cộng hòa.

Một tình tiết rất đáng chú ý, ngày 29.8.1963, vào thời điểm cao trào của sự mâu thuẫn giữa chính quyền Sài Gòn và Washington, Tổng thống Pháp Charles De Gaulle, lên tiếng kêu gọi hai miền Nam – Bắc tham dự một hội nghị hòa bình, thống nhất và trung lập.

Ông Diệm không mặn mà lắm với lời kêu gọi này. Ông Nhu lại tiếp tục bắn tín hiệu cho người Mỹ: “Nếu các ông ngưng ủng hộ chúng tôi, thì chắc chắn sẽ có một chính phủ trung lập xuất hiện để gạt bỏ sự ảnh hưởng của các ông”. Ông Nhu đã phạm sai lầm, tín hiệu này của ông càng khiến người Mỹ quyết tâm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Ngày 30.10.1963, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ Roger Hilsman gửi đến Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn một bức mật thư mà ông này gọi đó là “Hoàng hôn của các thần linh”.

Trong bức mật thư này có đoạn: “Chúng ta cần khuyến khích nhóm đảo chính chiến đấu đến cùng và phá tan Dinh Độc Lập (nếu cần) để đạt được thắng lợi. Điều kiện cho gia đình họ Ngô là đầu hàng vô điều kiện, vì nếu không họ sẽ tìm cách gạt bỏ được lực lượng đảo chính lẫn sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Nếu gia đình họ Ngô bị bắt sống, vợ chồng ông Nhu phải nhanh chóng bị tống xuất sang Pháp hay bất cứ nước nào muốn nhận họ. Riêng ông Diệm, tùy thuộc vào ý muốn của các tướng lĩnh tham gia đảo chính”.

Theo McCone, Giám đốc CIA thời đó, “Tổng thống Kennedy luôn nhấn mạnh, không được đối xử với ông Diệm cách nào tệ hơn là… lưu đày”.

Một tiết lộ khác của tướng Taylor: “Tổng thống đang họp và nhận được tin hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã bị hạ sát. Tổng thống đứng phắt dậy, chạy vọt ra khỏi phòng họp. Khuôn mặt Tổng thống lúc đó lộ ra vẻ xúc động và choáng váng mà tôi chưa từng thấy bao giờ”.

Tôi không hề tin cố Tổng thống J.Kennedy lại xúc động đến vậy khi nghe tin ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị bắn chết. Người Mỹ là những người diễn kịch giỏi. Mọi thứ biến động đều do họ giật dây nhưng bất cứ lúc nào họ đều mang khuôn mặt của một kẻ vô can.

Tài liệu cho thấy, sau khi anh em họ Ngô bị bắn chết, ngày 2.11.1963, Bộ Ngoại giao Mỹ có chỉ thị cho Lãnh sự Mỹ ở Huế, rằng: “Cần phải cho Ngô Đình Cẩn tị nạn nếu sinh mạng của ông ta bị nguy hiểm do bất cứ phía nào”.

Tiếp đến, ngày 4.11, Bộ Ngoại giao tiếp tục gửi điện hỏa tốc cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, nhắc lại: “Cần phải tránh việc hãm hại ông Ngô Đình Cẩn bằng mọi giá. Chúng ta phải tận dụng mọi phương tiện của chính chúng ta để đưa ông ấy rời khỏi miền Nam Việt Nam, nếu cần thiết thì đưa luôn mẹ của ông ấy đi”.

Ngày 5.11, tức là chỉ sau 1 ngày Bộ Ngoại giao Mỹ có công điện hỏa tốc gửi Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, tướng Đỗ Cao Trí xuất hiện trước Lãnh sự quán Mỹ ở  Huế, nói ngắn gọn: “Các ông giao Ngô Đình Cẩn cho chúng tôi, nếu không chúng tôi sẽ không đảm bảo sự an toàn cho Lãnh sự quán”.

Sau khi xin lệnh của Washington, phía Lãnh sự quán Mỹ đã giao Ngô Đình Cẩn cho tướng Trí, kèm theo lời đề nghị: “Các ông có quyền xét xử, nhưng không được phép xử tử ông ấy”. Chính Đại sứ Mỹ Cabot Lodge cũng trấn an Washington rằng: “Ông Cẩn sẽ không bị xử tử”. Thế nhưng, ngày 22.4.1964 Ngô Đình Cẩn đã bị chính quyền mới kết án tử hình và bị xử bắn vào ngày 10.5.1964.

Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn đều bị sát hại bởi nhóm đảo chính, bởi cả nhóm tướng lĩnh đảo chính lẫn người Mỹ đều sợ vào ngày mà gia đình họ Ngô có thể lật ngược thế cờ. Người Mỹ không muốn để lại hậu họa. Bởi họ thừa sức biết, Ngô Đình Diệm năm 1963 đã không còn là Ngô Đình Diệm của những năm trước đó. Ông Diệm thời điểm 1963, như một con hổ đã bị tước hết vuốt lẫn cắt gọn nanh.

Người hạnh phúc nhất sau cái chết của anh em họ Ngô chính là Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, Cabot Lodge. Cabot Lodge trước khi sang Sài Gòn đã rất muốn thay thế Ngô Đình Diệm. Thậm chí, cái chết của anh em họ Ngô cũng được Cabot Lodge đón nhận rất hân hoan. “Việc ông Diệm và ông Nhu bị bắn chết, là ngoài ý muốn của các tướng lĩnh tham gia đảo chính. Hơn nữa đây chỉ là chuyện không may, bởi không ai có thể giữ hết được trật tự khi đảo chính xảy ra”. (Báo cáo của Cabot Lodge gửi Washington sau ngày 1.11.1963).

Cabot Lodge còn minh chứng cho thói cáo già của mình, ông đã nhận lời với linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Đại học Huế rằng: “Tôi sẽ làm mọi cách để ông Cẩn không bị khép án tử hình. Lời tôi hứa với Cha hôm nay cũng là lời tôi hứa với Đức Giáo hoàng. Vậy bây giờ, trước mặt Cha tôi xin nhắc lại lời hứa đó”.

Kết quả, ai cũng đã biết, Ngô Đình Cẩn vẫn bị bắn chết

Sự tuyệt vọng của Ngô Đình Diệm

Trở lại thời khắc rạng sáng ngày 1.11.1963, sau một thời gian mật đàm với Conene – nhân viên cấp cao của CIA, tướng Dương Văn Minh quyết định cho nhóm đảo chính tấn công Dinh Độc Lập. Lực lượng phòng vệ ở Dinh nhanh chóng thất thủ, anh em Diệm-Nhu tháo chạy khỏi Dinh Độc Lập về ẩn náu tại Nhà thờ Cha Tam (Nhà thờ St Francis Xavier) ở khu Chợ Lớn.

Tại đây, Tổng thống Ngô Đình Diệm chính thức phát đi tín hiệu đầu hàng nhóm đảo chính. Trước khi chạy sang Nhà thờ Cha Tam, khi quân đảo chính đang bao vây Dinh Độc Lập, cả ông Diệm và ông Nhu đều rất bình tĩnh. Thậm chí, ông Nhu còn trấn an ông Diệm rằng cứ yên tâm, sẽ có một cuộc “phản – đảo chính” kiểu như Trần Thiện Khiêm và Huỳnh Văn Cao từng làm vào tháng 11.1960.

Niềm tin của ông Nhu chủ yếu dựa trên hai kế hoạch Baravo 1 và Bravo 2 đã được ông giao cho tướng Tôn Thất Đính, Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định thực hiện khi xảy ra chính biến. Nhưng, cái đau của anh em ông Diệm là đều không nhìn thấy rõ tướng Đính lại là người nằm trong nhóm tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chính. 


Cảnh sát dã chiến trên đường phố Sài Gòn, năm 1963.

Đến khi phát hiện ra sự thật, ông Diệm không còn cách nào khác là dựa vào niềm hy vọng cuối cùng là cái uy của một Tổng thống, người từng hất cẳng Bảo Đại, tống cổ Nguyễn Văn Hinh, dẹp loạn Bình Xuyên, trấn áp các giáo phái ở miền Nam, loại bỏ các đối thủ chính trị sừng sỏ lên làm Tổng thống, nhằm thương thuyết một cuộc ra đi trong danh dự với nhóm tướng lãnh cầm đầu.

Ông ta đã chủ động gọi cho tướng Trần Văn Đôn, cánh tay mặt của tướng Dương Văn Minh để thương lượng.

“- Tướng lĩnh các anh đang làm cái gì vậy?

– Thưa cụ, chúng tôi đã đề nghị với cụ nhiều lần rằng cụ cần cải cách chính sách theo nguyện vọng của nhân dân, nhưng đã không được cụ quan tâm. Bây giờ, đã đến lúc quân đội phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Mong cụ hiểu cho chúng tôi.

– Tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau để nói chuyện? Chúng ta sẽ bàn về cái mạnh và cái yếu của chế độ. Từ đó, tìm ra con đường nhằm củng cố lại chế độ.

– Có lẽ đã quá muộn để ngồi lại. Và việc bàn luận là không còn cần thiết nữa, thưa cụ!

– Chưa bao giờ là muộn cả. Do đó, tôi mời tất cả các anh đến dinh để cùng bàn những vấn đề. Và cuối cùng, đưa ra một giải pháp khiến cả hai phía đều thỏa mãn.

– Thưa cụ, tôi phải hỏi ý kiến của những người khác xem sao”.

Sau cuộc điện đàm với tướng Đôn, ông Diệm đã phần nào mường tượng được mình không còn là người nắm quyền lực tối thượng trong nền Đệ nhất Cộng hòa.

16h30’ ngày 1.11.1963, tức buổi chiều ngày đảo chánh. Ông Diệm gọi điện thoại cho Đại sứ Mỹ Cabot Lodge.

...
“- Một đơn vị quân đội đang làm loạn. Và thông qua ông Đại sứ, tôi muốn biết thái độ của người Mỹ về vấn đề này ra sao?

– Xin lỗi Tổng thống, tôi không nắm được thông tin đầy đủ về chuyện này để trả lời Tổng thống. Tôi có nghe tiếng súng nổ ở đâu đó, nhưng rất tiếc tôi không nắm chắc chuyện gì đang xảy ra.

Hơn nữa, thưa Tổng thống hiện tại đang là 4 giờ 30 phút sáng theo giờ của đất nước chúng tôi. Do đó, Chính phủ Mỹ không thể kịp thức dậy để bày đỏ quan điểm nào đó vào lúc này.

– Nhưng ông cũng phải có một số ý kiến rõ rệt chứ. Dẫu sao, hiện tại tôi cũng đang nắm quyền tối cao tại đất nước này. Tôi đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi muốn một thái độ hành xử đúng đắn vào lúc này, điều mà trách nhiệm và ý thức luôn đòi hỏi ở tôi. Tôi luôn tin tôi đã làm đúng bổn phận của mình.

– Chắc chắn ngài đã làm đúng bổn phận của ngài, thưa Tổng thống. Như tôi đã nói với ngài sáng nay, tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm cũng như sự đóng góp to lớn của ngài dành cho đất nước ngài. Không ai có thể phủ nhận những gì ngài đã làm. Nhưng thú thật, hiện tại tôi đang lo cho sự an toàn của ngài.

Tôi có một báo cáo cho biết những người chịu trách nhiệm tình hình hiện nay sẵn sàng cấp cho ngài và em của ngài giấy thông hành an toàn rời khỏi đất nước nếu như ngài từ chức. Ngài đã từng nghe nói đến việc này chưa?

– Không, tôi không biết. Ông Đại sứ có số điện thoại của tôi chứ?

– Vâng, tôi có. Nếu ngài cần đến tôi về những chuyện liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng của ngài, thì ngài hãy gọi điện thoại cho tôi bất cứ lúc nào.

– Cảm ơn ông, tôi đang cố gắng thiết lập lại trật tự.

– Biết không thể trông chờ từ “người bạn” Mỹ nữa, Tổng thống Diệm quay số của tướng Đôn, để tiếp tục thương thảo.
...

“-Các anh nghĩ gì về đề nghị của tôi?

– Thưa cụ, chúng tôi đã trao đổi kỹ cùng nhau theo đề nghị của cụ. Nhưng rất tiếc, chúng tôi không tìm ra điểm chung giữa hai phía để có thể ngồi vào bàn đàm phán với cụ. Tôi nghĩ, cụ cùng ngài cố vấn (tức Ngô Đình Nhu), nên rời khỏi đất nước…”.


Đó là tất cả những gì Tổng thống Ngô Đình Diệm có thể nói với thuộc cấp của mình, trước khi hai anh em ông Đại úy Nhung bị sát hại
————-


Cuộc đời Ngô Đình Diệm (Kỳ 2):



Những sai lầm chết người

Tác giả: theo Tổng hợp (ANTG)

Người Mỹ hoàn toàn bất lực trước quyết sách của Ngô Đình Diệm. Đại sứ Elbridge Durbrow, ngửa mặt than: “Cần phải có người thay thế ông Diệm trong tương lai gần”.
————  

Sau khi dẹp yên sự phản kháng của tướng Nguyễn Văn Hinh, bình định cuộc nổi loạn Bình Xuyên, phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đẩy các giáo phái chống đối vào hàng ngũ tạm thời có trật tự… Uy tín lẫn vị thế của Ngô Đình Diệm tăng lên rất cao.

Nhiều tờ báo bắt đầu quay sang ủng hộ Diệm, người Mỹ biểu hiện sự tin tưởng vào ông gần như tuyệt đối. Bên ngoài là như vậy, còn bên trong, ông Diệm là người cao ngạo.


 Ông Ngô Đình Diệm tiếp ký giả nước ngoài tại Dinh Độc lập.

Sự thành công quá sớm trên con đường quan lộ, biến ông thành một cá nhân cực kỳ tin vào quyết định của chính mình. Thêm nữa, ông luôn có những quyết định mà theo giới sử gia thì đúng nghĩa là “gia đình trị”.

Từ ba yếu tố này, ông Diệm bắt đầu bộc lộ những sai lầm nghiêm trọng.

Tính cách Ngô Đình Diệm

Ngô Đình Diệm là người rất kỹ tính trong việc ăn uống. Mỗi bữa 3 thức ăn phải có trên bàn ăn của ông gồm: bồ câu dồn yến, trứng gà lộn và xôi với muối mè. Những món khác thì có thể thay đổi, nhưng 3 loại thức ăn này thường buộc phải có trên mâm cơm của ông.

Theo hồi ức của tướng Trần Văn Đôn: “Ông Diệm là người tuy điềm đạm bên ngoài nhưng tính rất nóng. Một hôm tôi vào Dinh, thấy thức ăn, cơm canh văng tung tóe dưới sảnh, người bồi đang lau dọn. Sau khi trò chuyện với ông Diệm xong, tôi quay ra hỏi tùy viên có chuyện gì xảy ra, thì được biết ông Diệm hất đổ mâm cơm vì thiếu một món mà ông thích”.

Mỗi lần đi kinh lý bất cứ nơi nào, ông Diệm đều dùng cơm riêng đã nấu sẵn mang theo. Vì đã nhiều lần thoát hiểm khỏi các âm mưu bắt bớ, ám sát nên ông Diệm rất sợ bị đầu độc. Đầu bếp kề cận ông là một người gốc Huế, do Ngô Đình Cẩn tuyển chọn và gửi vào. Ông Diệm không có thói quen uống rượu, thức uống thường xuyên của ông chỉ là trà.

Quá đề cao bản thân lẫn người cùng huyết thống, ông Diệm có cách cư xử không khéo đối với thuộc cấp. Đa phần tướng tá, sĩ quan ông Diệm đều gọi bằng thằng. Ngoại trừ, Tổng tham mưu Trưởng Lê Văn Tỵ, ông Diệm gọi là ngài. Còn tướng Nguyễn Văn Đôn thì ông gọi khách khí bằng ông.

Ông Diệm tôn trọng ông Tỵ thật sự, riêng ông Đôn, ông Diệm nhớ cái ơn cưu mang của gia đình ông Đôn khi Ngô Đình Diệm lâm vào cơn bĩ cực trước lúc nắm quyền. Thêm sự phi lý trong tính cách của ông Diệm là ông hiểu rõ bản thân ông cần quân đội, nhưng ông luôn tỏ ý coi rẻ trình độ của quân đội. Trong lúc, ông rất thích những bộ trưởng dân sự biết cách nịnh hót.

Ngoài ra, ông Diệm là người phân biệt cá nhân theo vùng miền. Ông chỉ thích nâng đỡ người gốc Huế. Ngô Đình Diệm thường nói: “Chỉ có dân miền Trung mới có khả năng lãnh đạo quốc gia. Dân miền Bắc hợp với buôn bán, còn dân miền Nam chỉ làm tướng võ biền”.

Cách hành xử của ông Diệm cũng rất cao ngạo. Ông xem Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa là quốc gia của riêng ông và của gia đình ông. Ông ban phát ân huệ cho thuộc cấp theo ngẫu hứng, bất chấp năng lực lẫn tình hình thực tế. Không có gì là quá ngạc nhiên khi nhiều sử gia gọi Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa là Ngô triều.

Theo nhiều hồi ký của tướng lĩnh dưới thời ông Diệm kể lại, thì khi vào cửa Tam quan ở các đền thờ vua chúa, ông Diệm thường nói: “Các ông đi cổng hai bên, vì cổng giữa chỉ có vua mới được đi. Chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc này”.

Dứt câu, ông Diệm đi vào bằng cổng giữa. Nội chuyện xây dựng Dinh Độc Lập và ý định dời đô từ Sài Gòn lên cao nguyên đã khiến ông Diệm càng trở nên xa cách với giới tướng lĩnh. Ngay cả người gần gũi với gia đình ông như tướng Trần Văn Đôn còn bất mãn với sự độc đoán này của ông Diệm.

Trong số các anh em, người được ông Diệm trọng nhất là Ngô Đình Nhu. Người được ông cưng yêu nhất là Ngô Đình Cẩn. Còn người hay bị ông rầy rà nhất là Đại sứ lưu động Ngô Đình Luyện. Ông Diệm cưng yêu ông Cẩn, vì ông Cẩn thay mặt anh em ông, chăm sóc mẹ ruột ở Huế. Ông Nhu được xem như là bộ não của ông Diệm.

Còn ông Luyện, mất điểm với ông Diệm khi ông Luyện úp mở: “Nếu điều hành kiểu này, Việt Nam Cộng hòa sẽ sụp đổ”. Ông Diệm giận ông Luyện, vì cho rằng ông tin lời các phần tử trí thức bất mãn với chế độ tại Sài Gòn.

Với ông Nhu, ông Diệm trọng đến độ, khi ông Diệm trả lời phỏng vấn ký giả Pháp, phải gọi điện thoại cho ông Nhu để hỏi ý kiến xem nên trả lời như thế nào. Ông Nhu hướng dẫn ông Diệm từng chút một… Suốt 9 năm ông Diệm cầm quyền tại Việt Nam Cộng hòa, rất nhiều người đã nghĩ chính Ngô Đình Nhu mới là lãnh đạo thật sự.

Với người anh Ngô Đình Thục, ông Diệm đặt hết sự tin tưởng của mình vào vị giám mục này. Ông hay gọi ông Thục bằng danh xưng kính trọng: “Đức cha”. Ông Diệm thường nói: “Cả thế gian này có thể lừa dối tôi, người thân của tôi cũng có thể lừa dối tôi. Nhưng, riêng Đức cha thì không bao giờ lừa dối tôi cả”.

Ông Diệm cũng thực tâm quý mến bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu). Ông Diệm không có vợ, cũng không để ý đến nữ nhân nào khác. Mặc dù không thích những hành động thái quá của Trần Lệ Xuân, nhưng ông Diệm chỉ rầy la theo kiểu trong nhà, anh chồng mắng em dâu. Còn trước mặt mọi người, ông vẫn bảo vệ bà Trần Lệ Xuân hết mực.

Sự thất vọng của người Mỹ


Ngoài việc dung dưỡng cho những cá nhân trong gia đình như Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Trần Lệ Xuân… mặc sức hoành hành, ông Diệm còn có những động thái bảo vệ quyền lợi của cá nhân đó một cách cực đoan, bất chấp tất cả. Ngay cả việc điên cuồng chống lại những người Cộng sản từ miền Bắc cũng cho thấy sự bấn loạn của Ngô Đình Diệm trong giai đoạn ông cầm quyền.

Với Đạo luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam, ông đã không đập tan được ý chí của người dân trong việc chống đối ông, thay vào đó, ông gieo rắc nỗi sợ hãi, hoài nghi vào cái mà ông gọi là “Chính nghĩa Quốc gia”. Chính từ sự quá khích này, ông Diệm càng ngày càng khiến người Mỹ thất vọng, và đây có thể là sai lầm trọng yếu dẫn đến sự kết thúc của Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa.

Với những gì đã diễn ra tại miền Nam trong giai đoạn này, đặc biệt là cuộc đảo chính hụt ngày 11.11.1960, cho thấy rằng tất cả những biến động lớn trên chính trường Việt Nam Cộng hòa, đều phải có được cái gật đầu của người Mỹ. Bất chấp trước đó, người Mỹ nhìn nhận rằng: “Ông Ngô Đình Diệm là một con rối. Nhưng con rối ấy tự giật dây mình và giật dây luôn cả chúng ta”.

Cố vấn Edward G.Lansdale là một người rất có hảo ý với Ngô Đình Diệm. Bản thân Ngô Đình Diệm, cũng có tình cảm sâu sắc với ông Edward G.Lansdale. Họ coi nhau là bạn. Edward G.Lansdale có hảo ý với Ngô Đình Diệm đến độ, ngày 30.1.1961, về Mỹ được 2 tuần sau chuyến công du tại Việt Nam Cộng hòa, Edward G.Lansdale đã viết một lá thư riêng gửi cho Ngô Đình Diệm với hy vọng ông Diệm sẽ chân thành nghe theo lời khuyên của ông. Edward G.Lansdale viết:

“…Nguy cơ hiện tại của ngài xuất phát từ những hành động của chính ngài. Họ (những thuộc cấp, phe chống đối ông Ngô Đình Diệm – PV) nói rằng Ngài muốn tự làm quá nhiều việc, rằng ngài không chịu trao trách nhiệm thật sự cho người khác và cứ can thiệp vào việc của họ. Họ nói, Ngài cho rằng ngài không bao giờ mắc sai lầm, và có quá nhiều tổ chức của ngài là ép buộc người khác phải tham gia, người ta tham gia trong lo sợ chứ không phải tự nguyện… Một việc ngài có thể làm là thông báo sắp cải tổ chính phủ. Ngài hãy triệu tập một phiên Hội nghị với sự tham gia của các tư lệnh và quân đội. Ngài có thể tuyên bố điều này trước Hội nghị và cho truyền thanh đến nhân dân trên toàn quốc… Phiên họp sẽ rất có lợi cho Ngài, nếu có sự tham gia của một số người Mỹ đang muốn giúp ngài. Hãy mời những người mà ngài tin rằng là thành thật… Đàn áp đối lập chính trị bằng cách bắt giam người hay đóng cửa báo chí sẽ chỉ làm cho những lời chê trách biến thành những cảm xúc thù hận…”. 


 Bà Trần Lệ Xuân tại Dinh Độc lập sau cuộc oanh tạc tháng 2.1962.

Đọc toàn bộ lá thư, mới thấy hết thiện ý mà Edward G.Lansdale dành cho ông Diệm. Có những đoạn, Edward G.Lansdale miêu tả chi tiết kế hoạch lấy lại lòng dân đến độ, ông Diệm chỉ cần làm theo là ngay lập tức có thể thu phục nhân tâm, cải thiện tình hình. Tuy nhiên, với một cá nhân như ông Diệm thì quá khó để nghe lời chỉ dạy từ một người không phải là người trong thân tộc họ Ngô.

Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, người ủng hộ hết lòng giúp Ngô Đình Diệm khi ông cùng Ngô Đình Nhu sang Mỹ kiếm tìm sự ủng hộ trước đây, đã bắt đầu cảm thấy chán ngán với tính cách cũng như việc điều hành quốc gia của ông Diệm.

Nghiêm trọng hơn, sau chuyến đi thị sát tại Việt Nam Cộng hòa vào tháng 12.1962, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield đã viết một bản phúc trình đệ trình Tổng thống Mỹ thời điểm này là J.Kennedy, trong đó cho rằng: “Chúng ta nên rút hết quân tại miền Nam Việt Nam để khỏi rơi vào một cuộc chiến tranh tuyệt vọng”.

Không chỉ dừng lại ở bản phúc trình đầy bất lợi cho ông Diệm, Mike Mansfield còn liên tục trực tiếp gặp Tổng thống J.Kennedy để trình bày ý kiến của mình. Ở lần gặp thứ hai, Tổng thống J.Kennedy đã đồng ý với Thượng nghị sĩ Mike Mansfield rằng, Mỹ sẽ rút hết cố vấn quân sự ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng về sau, Tổng thống J.Kennedy đã không thể thực hiện ngay lời đồng ý của mình. Cho đến mãi sau năm 1965, Mỹ mới có dấu hiệu rút dần cố vấn quân sự Mỹ về nước.

Một cố vấn khác từng có mối quan hệ mật thiết với ông Diệm là Wolf Ladejinsky, người trước đây rất có thiện cảm đối với ông Diệm cũng đã bắt đầu xa lánh ông. Thay vì nói những lời tốt đẹp về Diệm, Wolf Ladejinsky quan tâm nhiều hơn đến những chính sách thái quá, sự yếu kém trong chính quyền của Ngô Đình Diệm.

Để cứu vớt người bạn mà mình yêu quý, cố vấn Edward G.Lansdale tha thiết thỉnh cầu Chính phủ Mỹ cho phép ông được trở lại Việt Nam để làm việc thêm lần nữa với Ngô Đình Diệm. Nhưng, thỉnh cầu này đã không được chấp thuận.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua Đại sứ Elbridge Durbrow liên tục kêu gọi Ngô Đình Diệm phải kiềm chế, cải thiện các điều kiện chính trị và bộ máy hành chính, nhưng đều không có kết quả.

Ngày 11.11.1960, Sài Gòn xảy ra đảo chính. Diệm – Nhu may mắn thoát nạn. Sau vụ đảo chính hụt này, Ngô Đình Diệm càng rốt ráo thực hiện những chính sách độc tài, mạnh tay hơn với những thành phần đối lập, kiểm soát sự trung thành của quân đội…

Ngày 27.2.1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc điều khiển máy bay oanh tạc Dinh Độc Lập. Vụ oanh tạc này khiến một nữ hầu cận của bà Trần Lệ Xuân thiệt mạng, bà Xuân bị thương nhẹ, còn anh em ông Diệm vẫn an toàn. Vài tháng sau, Phủ Tổng thống phát đi công văn của Ngô Đình Diệm, yêu cầu các nơi phải yểm trợ trong việc xây dựng lại Dinh Độc Lập.

Ngày 5.7.1963, 19 quân nhân trong vụ đảo chính ngày 11.11.1960 ra Tòa án Quân sự đặc biệt Sài Gòn. Ngày 8.7.1963, cũng Tòa án Quân sự này tiếp tục xét xử 35 đảng viên trong các đoàn thể, tôn giáo đã ủng hộ cuộc đảo chính ngày 11.11.1960.

Sau mỗi lần bị đảo chính, chống đối, Ngô Đình Diệm lại càng thẳng tay đàn áp phe đối lập lẫn bất kỳ ai có ý định phản kháng ông. Người Mỹ, đã hoàn toàn bất lực trước các quyết sách của Ngô Đình Diệm. Đại sứ Elbridge Durbrow, ngửa mặt than: “Cần phải có người thay thế ông Diệm trong tương lai gần”.
Theo Tổng hợp (An ninh thế giới)
—————– 


Cuộc đời Ngô Đình Diệm


Cuộc đời Ngô Đình Diệm (Kỳ 1): 
Bước đường từ Tri huyện lên Tổng thống

Tác giả: Tổng hợp (theo ANTG).Người Mỹ nhận định, Ngô Đình Diệm “là một con người luôn muốn được tất cả, hoặc không có gì”……..

KD: Tình cờ đọc được loạt bài này. Ngô Đình Diệm là một nhân vật lịch sử mà hậu thế còn tốn giấy mực để viết về ông và gia đình họ Ngô. Thời còn hai miền Nam- Bắc chiến tranh, Ngô Đình Diệm hiện lên trên báo chí miền Bắc thật quái dị, kinh khủng, với đủ thứ tàn ác, xấu xa . Giờ báo chí nước Việt viết về ông với cái nhìn, hy vọng khách quan hơn và đúng đắn hơn. Đó là điều cần thiết. Bởi sự thật lịch sử mới là điều con người- nếu có tư cách- phải tôn trọngXin đăng lên để bạn đọc chia sẻ, và cũng lưu giữ như một tư liệu cần thiết.Tuy nhiên bài này, mình không đưa lên FB. Vì mạng XH thì thích ném đá, chỉ trích, thậm chí chửi bới láo lếu, vô lý. Bởi còn không ít những não trạng hoặc bị nhồi sọ, hoặc quá khích vớ vẩn (của cả hai phía). Trong khi nhìn về lịch sử bi thương của dân tộc này cần có cái nhìn điềm tĩnh, tôn trọng thực tiễn khách quan.Thương xót vô cùng Dân tộc tôi!        
————— 
Giai đoạn lịch sử đầy biến động tại miền Nam từ năm 1945 đến năm 1975 gắn liền với tên tuổi Ngô Đình Diệm – Tổng thống đầu tiên của chính quyền Sài Gòn.

Khi tôi bắt đầu thực hiện loạt bài viết này, cũng là đúng 50 năm ngày hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị nhóm đảo chính quân sự bắn chết, 1/11/1963 – 1/11/2013.

Ngô Đình Diệm sinh ngày 3/1/1901, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha ông là Ngô Đình Khả, từng làm quan dưới triều Nguyễn. Sau khi Vua Thành Thái bị Pháp đày sang châu Phi, ông Khả trả ấn từ quan về quê làm ruộng. Một thuyết khác cho rằng, vì ông Khả không chịu ký vào đơn yêu cầu Thành Thái thoái vị, nên bị thực dân Pháp cách chức.


 Ông Ngô Đình Diệm.

Ngô Đình Diệm bẩm sinh thông minh, đường học vấn lẫn chốn quan trường đạt nhiều thuận lợi. Năm 1921, khi mới 20 tuổi, ông tốt nghiệp Trường Hậu Bổ tại Hà Nội, được phong chức Tri huyện Hương Trà, sau đó chuyển sang làm Tri huyện Hương Thủy, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế). Năm năm sau, năm 1926, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Hải Lăng (Quảng Trị).

Năm 1929, ông nhậm chức Tuần vũ tỉnh Phan Thiết (Bình Thuận). Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ lại dưới triều Vua Bảo Đại. Đó là năm 1933, khi Ngô Đình Diệm 32 tuổi, ông là Thượng thư trẻ nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ.

Ngay khi nhậm chức, ông Diệm đề trình việc thành lập Viện Dân biểu với quyền hành pháp, nhưng chính phủ bảo hộ không thừa nhận. Tháng 7/1933, Ngô Đình Diệm từ quan để phản ứng lại sự phủ nhận Viện Dân biểu của Pháp.

Rời quan trường

Sau khi rời khỏi quan trường, Ngô Đình Diệm lui về ở ẩn, nhưng vẫn ngấm ngầm ủng hộ Hoàng thân Cường Để đang sống lưu vong tại Nhật với ý định thực hiện một cuộc cách mạng lật đổ Pháp hoàn toàn.

Suốt từ năm 1933 cho đến năm 1940, ông Diệm được coi là một nhân vật quá khích, xếp chung với Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam.

Có hai nhận định về ông Ngô Đình Diệm rất đáng lưu ý, nhận định này được đưa ra từ người Mỹ, những người vốn được xem là dựng lên Ngô Đình Diệm. “Ông ấy (tức Ngô Đình Diệm) là một con người luôn muốn được tất cả, hoặc không có gì”, đây là tính cách nhất quán của ông Diệm từ khi ông làm quan cho đến lúc ông bị bắn chết, đúng nghĩa “được ăn cả, ngã về không”. Và, “ông Ngô Đình Diệm là một con rối. Nhưng con rối ấy tự giật dây mình và giật dây luôn cả chúng ta”. Điều này cho thấy, người Mỹ không xem ông Diệm là một kẻ bù nhìn, như bấy lâu nhiều người nhầm tưởng.

Khuya ngày 9/3/1945, người Nhật âm thầm thay thế vị trí của người Pháp tại An Nam. Thời điểm này, ông Diệm đang hoạt động tại Sài Gòn. Người Nhật thế chỗ người Pháp, ông Diệm rất hy vọng người Nhật sẽ đưa Hoàng thân Cường Để về để nắm giữ chính quyền, nhưng trái ngược với hy vọng của ông, người Nhật quay ngoắt sang ủng hộ Vua Bảo Đại. Bảo Đại mời ông Diệm làm Thủ tướng, nhưng ông từ chối. Sau cuộc thương lượng với người Nhật, ông Trần Trọng Kim ngồi vào vị trí này.

Ngày 17/4/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt nhân dân với dàn nội các toàn là những bậc trí sĩ, thức giả đầy uy tín. Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu, thừa về tinh thần dân tộc, khát vọng tự do, chính sách đổi mới nhưng lại thiếu nghiêm trọng về thực quyền.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Vua Bảo Đại thoái vị, Chính phủ Trần Trọng Kim tan rã theo. Rồi Pháp lại nhanh chóng tái chiếm Việt Nam, Bảo Đại tiếp tục được biến thành con cờ trong tay người Pháp.

Năm 1949, Hiệp định Élysée được ký kết, Bảo Đại thêm lần nữa mời ông Diệm đứng ra làm Thủ tướng thành lập nội các. Ông Diệm lại từ chối: “Tôi không tin người Pháp, lại càng không tin vào nền độc lập nửa vời mà người Pháp vẽ ra”.

Sau lần từ chối này, ông Diệm cùng Giám mục Ngô Đình Thục và người em ruột là Ngô Đình Nhu thành lập đảng Xã hội Thiên Chúa giáo. Ông Diệm muốn xây dựng đảng này thành một đảng độc lập với tất cả các thế lực khác trong nước. Thời điểm này, ông trông chờ vào sự giúp sức của Mỹ.

Năm 1950, ông Diệm cùng ông Thục sang Nhật, tìm cơ hội xin diện kiến Thống tướng Douglas MacArthur, tuy nhiên Thống tướng Douglas MacArthur tiếp kiến ông Diệm, ông Thục rất lạnh nhạt và tỏ ý khiên cưỡng, hoàn toàn không có động thái cho thấy sẽ ủng hộ.

Thất bại trong cuộc vận động Thống tướng Douglas MacArthur, nghe theo lời khuyên của Wesley Fishel, giáo sư chính trị Đại học Michigan, ông Diệm sang Mỹ, dùng đủ mọi cách để tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Eisenhower nhưng cũng không thành công vì hai lẽ. Thứ nhất, Mỹ đang bận tham chiến tại Triều Tiên. Thứ hai, người Mỹ không muốn làm mất lòng người Pháp.

Điều may mắn nhất của ông Diệm vào thời điểm tuyệt vọng này, chính là vị Hồng y Spellman nảy sinh hảo cảm với ông Thục và đồng ý nhận lời làm trung gian giúp ông Diệm có cơ hội diện kiến với những nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ.

Từ sự giúp đỡ của Hồng Y Spellman, ông Diệm đã tranh thủ được tình cảm của dân biểu Walter H. Judd, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Đặc biệt là Thượng nghị sĩ John F. Kennydy rất nhiệt tình với ông Diệm.

Suốt trong những năm dài ở Mỹ, thi thoảng ông Diệm sang các nước châu Âu, như Bỉ, Ý, Pháp… nên ông có thêm nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị.

Ngày trở về…

Đầu năm 1954, Pháp kẹt cứng tại trận địa Điện Biên Phủ. Bảo Đại liên tục bắn tín hiệu sang Hoa Kỳ, yêu cầu ông Diệm trở về nước để thành lập chính phủ mới. Vẫn với lý do, “Không tin người Pháp”, ông Diệm từ chối lời mời của Bảo Đại.
Thất bại ở trận địa Điện Biên Phủ, ngày 4/6/1954, Hiệp ước Laniel – Bửu Lộc được ký kết, Pháp đồng ý trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam. Ngày 16/6/1954, ông Diệm đồng ý trở về nước theo lời yêu cầu của Bảo Đại. Thế nhưng, ông Diệm vẫn buộc Bảo Đại phải đồng ý để chính phủ do ông thành lập được toàn quyền về chính trị và quân sự. Thêm lần nữa, Bảo Đại nhượng bộ ông Diệm.

Ngày Song thất, 7/7/1954, chính phủ do ông Ngô Đình Diệm thành lập chính thức ra mắt với nội các gồm 18 người, như: Thủ tướng kiêm Nội vụ và Quốc phòng: Ngô Đình Diệm; Quốc vụ khanh: Trần Văn Chương, Tổng trưởng Ngoại giao: Trần Văn Đỗ; Tổng trưởng Tài chính và Kinh tế: Trần Văn Của; Tổng trưởng Lao động và Thanh niên: Nguyễn Tăng Nguyên; Tổng trưởng Công chánh: Trần Văn Bạch; Tổng trưởng Y tế và Xã hội: Phạm Hữu Chương; Tổng trưởng Canh nông: Phan Khắc Sửu; Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục: Nguyễn Dương Đôn; Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Trần Chánh Thánh; Bộ trưởng Thông tin: Lê Quang Luật; Bộ trưởng Đặc trách Công vụ Phủ Thủ tướng: Phạm Duy Khiêm; Bộ trưởng Nội vụ: Nguyễn Ngọc Thơ; Bộ trưởng Quốc phòng: Lê Ngọc Chấn…

Ngay sau khi thành lập chính phủ, ông Diệm đã có những động thái kiên quyết đến độc đoán, theo đúng cá tính của ông. Ông dẹp yên chuyện tướng Nguyễn Văn Hinh công khai đối đầu và đòi đảo chính. Tướng Bình Xuyên là Bảy Viễn (Lê Văn Viễn) đòi tắm máu Sài Gòn nếu không được tham gia chính quyền cũng bị ông Diệm từ chối cương quyết.

Quốc trưởng Bảo Đại thấy không điều khiển được Ngô Đình Diệm cũng tán thành theo người Pháp, gây áp lực đòi Mỹ thay bằng được ông Diệm. Ý của Bảo Đại là muốn đưa Nguyễn Văn Xuân lên làm Thủ tướng, hoặc chí ít là Phó thủ tướng, Nguyễn Văn Hinh làm Tổng Tham mưu trưởng còn tướng Bình Xuyên Bảy Viễn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Các giáo phái lớn tại miền Nam thì chơi trò đi hàng hai, nửa ngã chiều này, nửa nghiêng chiều kia. Thậm chí, Đại sứ J. Lowton Collins cũng muốn thay thế gấp ông Diệm. Hơn một lần, Collins ngược về Mỹ, thuyết phục những người cầm quyền ở Washington thay thế ông Diệm.

Đại sứ Mỹ J. Lowton Collins nhận xét về ông Diệm: “Ông ấy quá quan tâm đến những vấn đề nhỏ nhặt, không có bất cứ sáng kiến đáng kể nào từ ngày nắm chính quyền. Những người có khả năng trong chính phủ đều khó chịu về thói quen quyết định trên đầu người khác của ông Diệm. Ông Diệm hoàn toàn không trông cậy vào họ, mà đặt hết niềm tin vào hai người em cùng những người chịu phục tùng ông ấy. Ông là người hoàn toàn không biết nhân nhượng và với thái độ của một người khổ hạnh, ông không thể đương đầu với những thế lực thực tại, điển hình nhất là Bình Xuyên…”. 


 Ngô Đình Diệm và Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge.

Thời điểm này, chính phủ của ông Diệm cũng như bản thân ông tồn tại được thực chất là nhờ những tác động hết sức cần thiết của những người bạn là dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ mà ông đã tranh thủ được họ khi ông sang Mỹ vận động vào năm 1950.

Điển hình nhất của mối thân hữu này, là khi Đại sứ J. Lowton Collins một hai yêu cầu Washington phải thay thế Diệm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là Dulles nhờ đến sự tham vấn của Thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Được hỏi, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield dành hết lời khen ngợi để nói về các ưu điểm của Ngô Đình Diệm. Kết quả, Ngoại trưởng Delles chỉ thị Đại sứ J. Lowton Collins phải nhất tâm ủng hộ Ngô Đình Diệm.

Thật ra, tất cả động thái của người Mỹ chỉ là nhằm câu giờ, để thông qua sự đối phó với các thế lực trong nước, họ sẽ có cái nhìn chính xác hơn về khả năng của Ngô Đình Diệm. Sau vụ dẹp yên tướng Hinh, bình ổn nhất thời các giáo phái và quan trọng hơn nữa là vụ bình định được cuộc nổi loạn của Bình Xuyên, ông Diệm trở thành một cá nhân khác trong mắt người Mỹ.

Một cứ liệu quan trọng khác, để xét về Ngô Đình Diệm, thông qua lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ là Dulles, ông Dulles nhận định: “Chúng tôi chỉ thị cho tất cả những nhân viên Sứ quán ở Sài Gòn bằng mọi cách trì hoãn việc thay thế ông Diệm. Bởi, nếu ông ấy không thoát ra được cuộc hỗn loạn thì ông ấy sẽ bị thay thế. Còn ngược lại, ông ấy sẽ trở thành nhân vật anh hùng trong buổi tao loạn. Một khi kết quả đã an bài, chúng tôi sẽ tính đến việc thay thế ông ấy bằng một trong hai nhân vật mà chúng tôi đã lựa chọn sẵn”.

Khi tập trung được quyền lực trong tay thông qua cuộc đối đầu sống mái, chuyện gì đến sẽ đến, ông Diệm nhân danh tập thể phế truất chức Quốc trưởng của Bảo Đại, bác bỏ yêu cầu tổ chức Hội nghị hiệp thương để thảo luận về tổng tuyển cử thống nhất đất nước, tổ chức cuộc bầu cử sặc mùi gian lận để khẳng định sự tín nhiệm của nhân dân…

Ngày 26.10.1956, Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Người ta gọi đây là nền Đệ nhất Cộng hòa…

(Còn nữa)
—————