Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

19. Giả Nghênh Xuân: rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

 

Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

Anh Nguyễn

“Giả phủ tứ xuân” trong Hồng Lâu Mộng giống như một bộ tranh tứ quý: Nguyên Xuân phong lưu quý phái, Nghênh Xuân văn nhã ôn nhu, Thám Xuân sắc sảo khôn ngoan, Tích Xuân thanh tịnh khác đời. Thế nhưng chữ đầu của bốn cái tên hợp lại (Nguyên Nghênh Thám Tích – 元迎探惜) lại hài âm với cụm từ “đáng phải thở than” (Nguyên Ưng Thán Tức – 应叹息) đủ thấy cuộc đời họ trước sau đều không có hậu.

Trong bốn cô Xuân thì Nghênh Xuân là người có tính cách hiền lành nhất. Những tưởng ông trời sẽ rộng lòng cho nàng được bình an, nhưng Nghênh Xuân lại chết trong cô đơn và đau đớn. Số phận Nghênh Xuân quả thật dễ khiến người ta chán ngán và mất niềm tin vào cuộc đời.

.

Nghênh Xuân là con gái của ông cả Giả Xá với nàng hầu, lại là phận nữ, thế nên địa vị của nàng kém xa người anh cùng cha khác mẹ Giả Liễn và cô vợ đanh đá Vương Hy Phượng. Nhưng điều đó không khiến Nghênh Xuân phải bận lòng. Trong ba người chị em họ của nàng, Nguyên Xuân “số đẻ bọc điều” nhưng lại muốn từ bỏ sự xa hoa, Thám Xuân là con phượng hoàng cao quý bất mãn với số phận, Tích Xuân coi tất cả danh lợi đều là không. Chỉ có Nghênh Xuân thực sự hài lòng với những gì mình có, không hề buông lời ca thán. Ngay từ vẻ bên ngoài, Nghênh Xuân đã tạo cho người đối diện cảm giác gần gũi dễ chịu:

Cô thứ nhất, người nở nang, tầm thước, nước da nõn nà, má đỏ hồng hào như quả vải tươi, mũi loáng như xoa mỡ, tính nết ôn hòa kín đáo, thoạt nhìn đã thấy mến.


Đại Ngọc mới đến gặp các chị em, Nghênh Xuân là cô cao nhất trong ba cô áo đỏ bên trái

Bề mặt Giả Phủ tưởng chừng sóng yên gió lặng nhưng bên trong đầy cạm bẫy. Từ tiểu thư bà lớn đến con hầu người ở đều giành giật, đấu đá, trên đội dưới đạp hòng nâng cao địa vị. Đến cả Đại Ngọc cao quý là thế vẫn ngấm ngầm so sánh ghen tuông với Bảo Thoa, Tương Vân. Riêng Nghênh Xuân đứng ngoài tất cả. Giả Xá và Hình phu nhân thờ ơ bỏ bê nàng, nàng cũng không màng tới. Các chị em trong Đại Quan viên đều có tài riêng: Đại Ngọc, Bảo Thoa văn hay chữ tốt, Tích Xuân có năng khiếu hội hoạ, Thám Xuân tính toán khôn ngoan,… riêng Nghênh Xuân mờ nhạt. Mỗi khi tụ tập thi xã nàng thường lép vế, khi Quý phi truyền các chị em làm câu đố gửi vào cung nàng cũng xếp hạng chót. Thế nhưng Nghênh Xuân cũng không vì thế mà ấm ức phiền muộn. Dường như Nghênh Xuân đã đạt đến mức “vô vi.” Sau đây là nhận xét của bọn người dưới về Nghênh Xuân:

Còn cô Hai thì gọi đùa là “cô hai gỗ”, châm kim vào người cũng không biết “ái” lên một tiếng.

[…] Nghênh Xuân… một người thì có xác không hồn, tự mình không trông nom chu tất nổi mình, còn trông nom người khác sao được.


                    Nghênh Xuân thường đươc mô tả nho nhã dịu dàng, tay cầm sách đọc

Nghênh Xuân lựa chọn cách sống như vậy, thật ra cũng chẳng có hại gì tới ai. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, thấy nàng như con cừu non yếu đuối nên kẻ dưới bèn tự tung tự tác. Dấu hiệu “có vấn đề” đầu tiên là khi bà vú nuôi của Nghênh Xuân ăn cắp đồ trang sức của nàng để đi đánh bạc.

Vì vú nuôi bị tội, Nghênh Xuân trong bụng khó chịu, thấy mẹ đến, liền ra mời vào. Uống nước xong, Hình phu nhân nói:

– Con đã lớn rồi, vú nuôi của con làm bậy như thế, sao con không răn bảo. Hiện giờ người ta đều tử tế cả, riêng người nhà mình là xấu thôi. Thế là nghĩa thế nào?

Nghênh Xuân cúi đầu mân mê tà áo, một lúc mới thưa:

– Con đã bảo bà ấy hai lần, nhưng bà ấy không nghe, con cũng chẳng biết làm thế nào cả. Vả chăng bà ấy là vú nuôi, chỉ có bà ấy bảo được con thôi, chứ con không thể bảo được bà ấy.

Hình phu nhân nói:

– Nói nhảm! Con có điều không phải thì vú ấy bảo con; nhưng vú ấy phạm pháp, thì con phải lấy tư cách là cô mà răn bảo. Nếu vú ấy không nghe, con trình mẹ biết mới phải. Bây giờ vỡ lở ra, người ngoài biết, còn ra làm sao nữa! Hơn nữa vú ấy là nhà gá bạc, cũng đã nói khôn nói khéo, mượn trâm vòng quần áo của con đi cầm để làm tiền vốn. Con là người nhẹ dạ cả nể, chắc đâu không giúp đỡ ít nhiều. Nếu bị vú ấy lừa mất, thì ta một đồng không có, rồi đây ngày tết, con lấy gì mà ăn mặc?

Nghênh Xuân cúi đầu mân mê tà áo không nói gì cả.


                                 Nghênh Xuân lúc nào hình như cũng đọc sách.

Thừa dịp vú nuôi Nghênh Xuân bị tội, Hình phu nhân bèn tranh thủ nói xấu một loạt từ Giả Liễn, Phượng Thư, Thám Xuân, nhân tiện chửi xéo cả dì Triệu. Hình phu nhân vốn là người nhỏ nhen, đứa hầu bên cạnh lại thừa dịp đổ thêm dầu vào lửa:

[…]

Hình phu nhân thấy vậy cười nhạt:

– Rút cuộc, chỉ có anh con, chị dâu con là tiếng tăm lừng lẫy thôi! Cậu hai Liễn! Mợ Phượng! Cả hai làm trời làm đất, việc gì cũng thu xếp đâu vào đấy, nhưng có một cô em thì lại chả để ý gì đến. Nếu như con ta đẻ ra, thôi thì mặc kệ chúng. Nhưng con lại không phải con đẻ của ta. Con với anh con, dù khác mẹ, vẫn là cùng cha, phải nên chăm sóc lẫn nhau một chút, đừng để người ngoài chê cười. Ta nghĩ, việc đời khó mà liệu định được. Con là con nàng hầu của ông Cả, con Thám Xuân là con nàng hầu của ông Hai. Hai đứa đều như nhau cả. Mẹ con đã chết rồi. Nhưng kể ra, mẹ con còn giỏi gấp mười dì Triệu, đáng lẽ con cũng phải hơn con Thám Xuân mới phải.

Một người đứng hầu bên cạnh thừa dịp nói:

– Cô tôi hiền lành phúc hậu, có đâu như cô Ba là người mồm mép láu lỉnh, làm em lại cứ đành hanh. Biết chị như vậy, cô ấy chẳng vị nể chút nào.

Hình phu nhân nói:

– Anh chị ruột còn như vậy, trách gì người ngoài.


.

Một đoạn ngắn ngủi ấy đủ cho ta thấy tình trạng hằn thù ganh ghét, “thập diện mai phục” trong Giả phủ như thế nào, nhưng Nghênh Xuân vẫn kiên quyết đứng ngoài. Đỉnh điểm của vụ lùm xùm này là khi nhà bà vú Nghênh Xuân to gan… kiện ngược lại Nghênh Xuân, vu oan rằng nàng vay tiền của họ. Chứng kiến sự láo xược đó không ai khỏi tức đầy trong ruột, nhưng Nghênh Xuân lại vẫn bình chân như vại. Đoạn sau thật là một vở bi hài kịch:

Ngờ đâu nàng dâu vú nuôi Nghênh Xuân là vợ Ngọc Trụ, vì mẹ chồng có tội, đến nhờ Nghênh Xuân xin hộ. Thấy họ đương nói chuyện mất dây vàng, nên chưa vào vội. Biết Nghênh Xuân ngày thường là người nhu nhược, nên chúng không coi vào đâu.

[…]

Nghênh Xuân nói:

– Chị ơi, chị đừng có nghĩ mơ hồ như thế! Nếu đợi tôi đi xin hộ, thì chờ đến sang năm cũng chẳng ăn thua gì. Vừa rồi chính chị Bảo và cô Lâm đến xin hộ, cụ còn chẳng nghe nữa là nữa tôi. Tự tôi đã thấy ngượng rồi, lại đi mua thêm lấy cái ngượng nữa sao?

[…]

Vợ Ngọc Trụ thấy Nghênh Xuân dứt khoát từ chối, Tú Quất nói lại đanh thép, không biết trả lời ra sao, bị bẽ mặt quá, nhưng biết rõ Nghênh Xuân xưa nay là người dễ dãi, liền quay lại bảo Tú Quất:

[…]

Nghênh Xuân nghe thấy vợ Ngọc Trụ nói lộ việc riêng của Hình phu nhân, liền gạt đi, nói:

– Thôi, thôi! Không đòi được dây vàng về thì thôi, chị đừng có vơ quàng vơ xiên làm ầm lên nữa. Tôi cũng chẳng cần đến dây vàng. Nếu các bà có hỏi, tôi chỉ nói là đánh mất, cũng chẳng can hệ gì đến chị. Chị về nghỉ thôi.

Rồi cô ta sai Tú Quất đi pha nước. Tú Quất tức giận, nói:

– Cô tuy không sợ, nhưng còn cháu đây để làm gì? Họ đã làm mất đồ vật của cô, lại còn nói bậy là cô tiêu tiền của họ, bây giờ phải khấu trừ đi. Nếu bà Hai hỏi cô tại sao tiêu hết bấy nhiêu tiền và cho là chúng cháu nhờ bão bẻ măng, ăn bớt xén gì chăng? Như vậy sao được.

Tú Quất vừa nói vừa khóc. Tư Kỳ nghe thấy không chịu được cố gượng dậy, bênh vực Tú Quất, hỏi vặn lại vợ Ngọc Trụ. Nghênh Xuân không can nổi, đi lấy quyển “Thái thượng cảm ứng thiên” ra xem.


                         Nghênh Xuân đọc cuốn sách “Thái thượng cảm ứng thiên”

“Thái thượng cảm ứng thiên” là pho sách dạy chúng sinh bỏ ác hướng thiện, câu đầu tiên như sau: Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình. (Họa và phúc đều không có cửa mà là do lòng người tự gây, làm ác thì gặp họa, làm lành thì được phúc, sự báo ứng như hình đi với bóng, không sai một mảy may.) Nghênh Xuân tin vào quy luật rạch ròi trong sách, nàng cho rằng chỉ cần mình một lòng hướng thiện ắt sẽ được báo đáp như vậy. Mỗi khi có chuyện xảy ra, phản ứng duy nhất của Nghênh Xuân là bưng tai bịt mắt, không nghe không thấy, chúi vào đọc sách như con đà điểu rúc đầu trong cát. (Thám Xuân nhìn qua cửa sổ, thấy Nghênh Xuân ngồi tựa trên giường xem sách, như không nghe thấy gì. Thám Xuân cũng buồn cười). Nếu Thám Xuân không xắn tay vào can thiệp thì chẳng ai biết sự việc sẽ đi tới đâu. Sau khi mọi việc đã được giải quyết êm đẹp, Nghênh Xuân vẫn điềm tĩnh như không:


             Nghênh Xuân đọc sách khi bị bọn người dưới bắt nạt, Thám Xuân đến can thiệp

Nghênh Xuân vẫn ngồi xem “Thiên cảm ứng” với Bảo Thoa, không để ý đến những câu nói của Thám Xuân. Thấy Bình Nhi nói thế, liền cười:

– Chị hỏi tôi à, tôi cũng chẳng có cách gì cả. Họ làm bậy thì họ phải chịu lấy tội, tôi không thể xin hộ được. Tôi chẳng đi xin ai và cũng chẳng trách họ là được rồi. Những vật ăn cắp, đưa trả thì tôi nhận, nếu không trả tôi cũng chẳng cần. Các bà có hỏi, tôi che chở được thì phúc cho họ, nếu không giấu nổi, tôi cũng không biết làm sao được. Không có nhẽ vì họ mà tôi lại dối trá các bà, tất là phải nói thẳng ra. Các chị cho tôi là dễ tính, không biết quyết đoán, có cách gì chu toàn được mọi mặt, không để các bà giận thì tùy các chị định liệu, tôi cũng thây kệ.

Mọi người nghe nói đều bật cười. Đại Ngọc cười nói:

– Thật là “hùm sói đã ngồi trên thềm nhà vẫn còn nói chuyện nhân quả”. Nếu chị Hai là đàn ông thì những người trong nhà này cai quản thế nào được họ?

Nghênh Xuân cười:

– Đúng đấy! Biết bao nhiêu là đàn ông cũng còn như thế, huống chi là tôi.

Những cô gái trong Hồng Lâu Mộng đều là hạng phong lưu thoát tục, không dính vẩn đục mà còn thấy Nghênh Xuân ngô nghê đến tức cười, thì đủ biết sự hiền lành của nàng đến đâu. Câu nói của Đại Ngọc tưởng vô tình nhưng thực ra lại là điềm báo trước cho cuộc hôn nhân của Nghênh Xuân, bạn đọc nên lưu ý chỗ này.

(tiếp theo)

*

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét