31. Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh
Anh Nguyễn
(Tiếp theo bài : Đại Ngọc mệnh mộc)
Nhân vật nữ quan trọng thứ hai trong Hồng Lâu Mộng là Tiết Bảo Thoa, thuộc mệnh Kim. Tên nàng có nghĩa là chiếc thoa quý, trên cổ lại đeo chiếc khóa vàng khắc tám chữ bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế. Tám chữ này hợp với tám chữ trên viên ngọc của Bảo Ngọc mạc thất mạc vong, tiên thọ hằng xương, vì thế cuộc hôn nhân của hai người bọn họ còn được gọi là kim ngọc lương duyên. Theo bài thơ ở đầu hồi thứ 8 thì Bảo Thoa chính là “kim nương” sánh vai cùng “ngọc lang” Bảo Ngọc. Trong ngũ phúc (Thọ, Khang, Ninh, Phú, Quý) thì mệnh Kim ứng vào Phú, vì vậy gia tộc Bảo Thoa giàu có ức vạn. Tuy nhiên các sự kiện trong Hồng Lâu Mộng, hầu hết đều tuân theo quy tắc “vật cực tất phản” nên tài sản nhà Bảo Thoa rốt cuộc cũng tiêu tán hết.
Khi Bảo Thoa lần đầu xuất hiện, phục trang nàng nhã nhặn nhưng vẫn điểm chút ánh kim:
Bảo Thoa đương ngồi trên giường thêu kim tuyến, đầu vén, tóc đen nhánh, mặc áo bông màu gụ, cái khoác vai màu tím nhạt viền kim ngân tuyến, quần lụa bông lót màu vàng. Tất cả đồ mặc đều đã rung rúc, giở cũ giở mới, nhìn không có vẻ xa hoa mà lại thêm nhũn nhặn, môi không tô mà đỏ, mày không kẻ vẫn xanh, mặt như mâm bạc, mắt sáng long lanh.
Trắng là màu bản mệnh của người mệnh Kim. Các loại hoa lấy nhụy trong thuốc Lãnh Hương Hoàn của Bảo Thoa đều có màu trắng: mẫu đơn trắng, sen trắng, phù dung trắng, hoa mai trắng, tất cả được nhào với đường trắng.
Đối trọng với cảnh “Đại Ngọc chôn hoa” là “Bảo Thoa đùa bướm trắng.”
Bảo Thoa bắt bướm ở đình Trích Thuý, được ví với Dương Quý phi
Trong Hồng Lâu Mộng có ba khoảnh khắc Bảo Ngọc bị quyến rũ bởi nhan sắc Bảo Thoa, và chúng đều có liên quan đến màu trắng.
Ở chương 28:
Nhưng vì Bảo Thoa da thịt nõn nà, mập mạp, tháo mãi không được. Bảo Ngọc đứng bên cạnh thấy bắp thịt trắng muốt, đâm ra thèm muốn, nghĩ thầm: “Nếu cái bắp tay này mà ở vào người cô Lâm, may ra có lúc được mó một cái; nhưng lại ở vào tay cô Bảo thì ta thực là kém phúc”. Chợt nghĩ đến chuyện vàng và ngọc, Bảo Ngọc ngắm nghía đến dáng điệu Bảo Thoa, thấy da mặt nõn nà, khóe mắt long lanh, không đánh sáp mà làn môi vẫn đỏ, không kẻ mày mà nét ngài vẫn xanh, so với Đại Ngọc lại có vẻ phong lưu thùy mị riêng, Bảo Ngọc bất giác đứng ngẩn người ra.
Ở chương 97:
Bảo Ngọc trừng mắt nhìn, thấy giống như Bảo Thoa, trong bụng không tin, một tay cầm đèn, một tay dụi mắt, trông kỹ lần nữa, thì chẳng phải Bảo Thoa là gì! Thấy cô ta ăn mặc lộng lẫy, thân thể đẫy đà, mái tóc rủ nghiêng, mặt mày e lệ. Rõ ràng:
Vẻ thanh nhã bông sen sương rủ,
Dáng yêu kiều hoa hạnh khói lồng.
(Trong nguyên tác là “hà phấn lộ thùy”, có nghĩa “sen hồng đẫm sương rủ xuống.”
Ở chương 110:
Bảo Ngọc nhìn thấy cô ta, cũng khôn xiết đau lòng, nhưng tới khuyên thì không tiện, thấy cô ta án mặc đồ trắng, son phấn không xoa, mà so với lúc chưa đi lấy chồng còn đẹp hơn nhiều. Ngoảnh lại, thấy bọn Bảo Cầm cũng đều ăn mặc đồ trắng mà phong vận tuyệt vời. Riêng nhìn đến Bảo Thoa thì thấy chị ta mặc toàn đồ tang, cái dáng điệu phong nhã so với khi ăn mặc hoa hòe lại càng khác hẳn. Bảo Ngọc nghĩ bụng: “Người xưa nói: muôn hồng ngàn tía. rút cục phải nhường hoa mai làm đầu. Xem ra thì chẳng những hoa mai nở sớm, mà bốn chữ “Sạch, trắng, trong, thơm” thật không có gì bì kịp.
Hành Kim chủ về mùa thu. Mệnh của Bảo Thoa vì thế cũng gắn với thu, nhưng vì có “tuyết” nên là giai đoạn thu chớm đông giá rét chứ không phải thu lá vàng phe phẩy. Trong hội đố đèn, câu đố của Bảo Thoa có đoạn: “Ân ái phu thê bất đáo đông” (Ái ân vợ chồng không kéo dài đến mùa đông) ám chỉ rõ về tiết thu muộn. Loài cỏ hành vu trong khu vườn của Bảo Thoa có hương thơm mát như hoa mai và chỉ nở hoa trắng về cuối thu, đầu đông. Cái lạnh của Bảo Thoa đã được chúng ta bàn kỹ lưỡng nên có lẽ không cần nói thêm nữa.
Sự liên kết của Bảo Thoa và mùa thu còn được thể hiện rõ qua bài thơ Bàng giải vịnh (Vịnh cua) được giải quán quân của nàng:
Chén mời dưới bóng quế đồng,
Trùng dương khao hát, khắp vùng Trường An,
Trên đường nào thấy dọc ngang,
Khen chê chỉ thấy đen vàng trông ra.
Rửa tanh rượu với cúc xoa,
Muốn phòng chứng lạnh thì ta thêm gừng,
Vò dốc cạn mùi còn chăng?
Bến trăng kia những lúa lừng mùi thơm.
Cua và hoa cúclà chủ đề mùa thu ưa thích của hội hoạ và văn chương Trung Quốc
Những hình ảnh cây ngô đồng, hoa quế, tiết Trùng dương, thịt cua, rượu cúc, lúa thơm, trăng sáng góp phần dựng lên một bức tranh mùa thu lãng mạn. Trong bài thơ còn có ý tứ mai mỉa giai cấp thống trị, nhưng đó là chủ đề cho một bài khác.
Một bài thơ khác của Bảo Thoa lặp lại các chi tiết thu, trăng lạnh, tiết Trùng dương, hoa cúc. Mệnh Kim thuộc hướng Tây, sương mát, nên trong bài có nhắc đến gió tây và sương trong mộng.
ỨC CÚC
Ngóng gió tây về luống ngẩn ngơ,
Nhìn lau liễu tốt ruột vò tơ.
Vườn hoang, giậu vắng thu đâu nhỉ,
Trăng lạnh, sương trong mộng thấy chưa?
Lòng vướng vít theo đàn nhạn khuất,
Tai văng vẳng lọt tiếng chày thưa.
Thương mình gầy cũng vì hoa đấy,
Này tiết trùng duơng hãy đợi chờ.
Mối quan hệ của Bảo Thoa và các nhân vật khác cũng tuân theo quy tắc ngũ hành. Nếu Đại Ngọc là thảo mộc mùa xuân tươi xanh thì Bảo Thoa là cành mai thu khô lạnh. Kim khắc Mộc nên họ luôn đối chọi nhau, Đại Ngọc nồng nàn bao nhiêu thì Bảo Thoa lãnh đạm bấy nhiêu. Thế nhưng chính vì “vật cực tất phản” mà Đại Ngọc không thể thọ lâu. Nàng là cây đèn cháy lên rực rỡ nhưng quá mau cạn dầu. Cuộc đời Đại Ngọc giống như cỏ cây – chỉ bừng nở tươi thắm một thời gian rồi trở về cát bụi. Không phải ngẫu nhiên mà khi Đại Ngọc (xuân) qua đời cũng là lúc Bảo Ngọc (thu) lên ngôi. “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua. Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.”
Ngược lại với Đại Ngọc, Bảo Thoa tuy bề ngoài lạnh lẽo nhưng bền bỉ và cứng cáp. Bên dưới lớp vỏ giá lạnh của nàng có tiềm tàng hơi ấm nồng cháy của sự sống. Chính vì thế mà Bảo Thoa không những có thể sống sót qua mùa đông (gia đình suy sụp, ly tán, chồng bỏ đi) mà còn mang trong mình mầm sống của mùa xuân (có thai với Bảo Ngọc). Trong Hồng Lâu Mộng, hình ảnh hoa mai nở trên tuyết là tuyệt đích của vẻ đẹp cao quý. Tiết Bảo Thoa chính là hoa mai vững vàng, cốt cách thanh cao, bừng nở trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Trăm thứ hoa trong vườn đua nở
Đã chơi hoa nên biết đủ mùi hoa
Kìa hoa lan, hoa sen, hoa huệ, hoa trà
So sánh có mai là đệ nhất. (Thơ khuyết danh)
Trong mối quan hệ Tương sinh, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy. Bảo Ngọc chủ về Thổ, vì thế hai người Bảo Ngọc-Bảo Thoa kết duyên, nâng đỡ, nương tựa vào nhau. Thủy là nữ tính, nhưng khi đặt vào Bảo Thoa thì biến thể thành tuyết cứng lạnh. Nữ tính đã bị đ óng băng nên Bảo Thoa giản dị, không thích điểm trang, cũng không mềm yếu như “nữ nhân thường tình”.
Trong mối quan hệ Tương khắc, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc. Bảo Thoa (Kim) có phần lấn lướt Đại Ngọc (Mộc) nhưng lại phải chịu nhún nhường trước nhân vật có mệnh Hoả ghê gớm nhất gia tộc – Phượng Thư.
(Bài sau: Phượng Thư và mệnh Hỏa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét