Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

25. Giả Thụy: bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc

 

Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc 

Anh Nguyễn

(Tiếp theo phần1phần2)


                                                 iả Thụy bị quỷ bắt xuống địa ngục

Theo thiển ý của tôi, đoạn trích ở phần 2 là một trong những đoạn có nhiều tầng ý nghĩa nhất của Hồng Lâu Mộng.

Thứ nhất, nếu hành trình chịu đựng của Giả Thụy có nhiều bậc thì đây chính là nấc thang cuối cùng. Nỗi thống khổ y chịu đựng theo độ mê đắm mà tăng lên, y dần đánh mất sức khỏe, danh dự, ý chí, cuối cùng là mạng sống. Thứ “tinh” được nêu trong truyện là ẩn dụ cho tinh khí, tinh thần, tinh hoa của Giả Thụy. Kết cục của Giả Thụy là bài học cảnh tỉnh về sự mê muội tình dục. Sự dâng hiến cho tình của Giả Thụy tuy không đẹp đẽ thơ mộng nhưng hoàn toàn triệt để. Giả Thụy quả thực không còn gì để mất nữa rồi!

Tiếp theo, cần bàn về bộ xương người. Trong triết học phương Tây, đây là motif thường bắt gặp trong những memento mori – sự nhắc nhở về tính hữu hạn của đời người. Ai ai rồi cũng phải chết.


                                     Tác phẩm “All is vanity” của Charles Allen Gilbert

Đặt trong bối cảnh Hồng Lâu Mộng, bộ xương lại mang thông điệp Phật giáo rõ rệt. Trong Đại Trang Nghiêm Kinh từ thế kỉ thứ năm đã có câu chuyện tương tự: một vị Phật dùng pháp lực biến một kỹ nữ thành bộ xương cho các đệ tử nhìn rõ bản chất của nhan sắc. Chữ “sắc” trong tiếng Hán vừa chỉ sắc đẹp, vừa chỉ hình tướng mà con người có thể cảm nhận được, đối ngược với không là hình tướng mà mắt phàm không thấy được. Nhưng vạn vật luân chuyển, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Muôn vật đều là không có thật, là phù du. Phượng Thư tươi đẹp thật nhưng má hồng môi son rồi cũng thành cát bụi cả. Ngoài ra bộ xương còn là lời cảnh tỉnh: nếu Giả Thụy không quay đầu, tất mau có kết cục như bộ xương này. Ở hồi đầu truyện Chân Sĩ Ẩn khi giải nghĩa bài thơ “Hảo Liễu ca” đã nói:

Xưa sao phấn đượm hương nồng.

Mà nay sương nhuộm như bông trên đầu?

Bãi tha ma có xa đâu,

Là nơi màn thắm là lầu uyên ương.

 

Tất cả “sắc” đều sẽ tan biến, chỉ có sự tan biến là bất biến. Đã biết tình, sắc, dục là vô thường mà vẫn mê đắm, chẳng phải ngu ngốc sao? Thế nhưng Giả Thụy không dám đối mặt với thực tế đó. Một mặt y sợ cái chết, mặt khác y quá quyến luyến chữ “sắc” đến nỗi không thể rời bỏ. Oái oăm thay, chính việc không chịu thừa nhận tính vĩnh hằng của sự chết đã đẩy Giả Thuỵ nhanh tới nó.

Thứ ba, không thể bỏ qua chiếc gương “Phong nguyệt bảo giám”. Gương vốn là biểu tượng cho tâm hồn. Nhưng thế giới song đôi trong gương cũng là ẩn dụ cho sự gắn bó mật thiết giữa các cặp phạm trù sắc-không, thực-hư, âm-dương. Nếu Phượng Thư ngoài đời là sắc, thì Phượng Thư trong gương lại càng mơ hồ, là hư huyền của hư huyền. Phượng Thư trong gương là do trí tưởng tượng của y hun đúc nên, không có quan hệ với mợ Hai Liễn ngoài đời kia. Thay vì nhìn vào mặt trái để thấy rõ chân lý, Giả Thụy lại đắm chìm vào thế giới ảo của mặt phải. Công cuộc mò trăng đáy nước này khiến y phải trả giá bằng mạng sống. Đến phút chót, y vẫn muốn mang chiếc gương theo mình xuống âm ti, thật đáng cười mà cũng đáng thương.

Khi Giả Đại Nho, ông nội Giả Thụy định đem đốt chiếc gương, trong gương có tiếng nói vọng ra“Ai bảo soi mặt phải! Các ngươi tự mình lấy giả làm thực, việc gì lại đốt gương của ta? Đại Nho nghĩa đen là “nhà nho lớn,” nhưng lại họ “Giả,” ý nói lão chỉ là nhà nho giả hiệu. Tào Tuyết Cần đã dựng lên hình ảnh Giả Đại Nho để giễu cợt những kẻ theo đạo Khổng nhưng đầu óc xơ cứng, hủ lậu, không nhìn ra được bản chất của sự vật. Nhân vật này lúc trước rèn dạy Giả Thụy bằng cách đánh đập, sau lại muốn đốt chiếc gương, đúng là chữa bệnh từ ngọn, mê lầm không lối thoát.

Cuối cùng, chúng ta cần phân tích hình ảnh Giả Thụy khi chết. Hồng Lâu Mộng không thiếu những chi tiết phòng the, nhưng chỉ hai lần Tào Tuyết Cần nhắc đến chi tiết “giấc mơ ướt” một cách trần trụi như vậy: Giả Thụy khi chết, và khi Bảo Ngọc tỉnh dậy sau khi ân ái với nàng tiên.

Tập Nhân đến buộc hộ thắt lưng, vừa thò tay vào đùi Bảo Ngọc, thấy một đám dính như hồ lành lạnh, Tập Nhân giật mình co tay lại hỏi:

– Cái gì thế này?

Bảo Ngọc đỏ bừng mặt, bấm mạnh tay Tập Nhân một cái.

Theo các nhà Hồng học như Jinsheng Yi đã chỉ ra, sự giống nhau giữa Bảo Ngọc và Giả Thụy có ý nghĩa quan trọng. Nói một cách đơn giản, Giả Thụy chính là bài học cảnh giác cho Bảo Ngọc. Tên chữ của Giả Thụy là Thiên Tường”, nghĩa đen là “điềm báo của trời”. Bảo Ngọc là ngọc quý, Thụy cũng là ngọc. Con đường tình ái mà Bảo Ngọc bước chân vào ở hồi năm, tuy phần nào trong sạch hơn Giả Thụy, về bản chất không khác gì nhau. Bảo Ngọc lần đầu trải qua sự mất mát tinh lực của người đàn ông sau giấc mơ với nàng tiên. Nếu Bảo Ngọc không biết kiềm chế, để điều đó lặp đi lặp lại, ắt sẽ phải chết như Giả Thụy. Nói rộng hơn, tính cách “phong lưu gây lấy nợ vào thân” của Bảo Ngọc chính là tiền đề cho những đau xót, thất vọng, nhục nhã trong đời cậu ta sau này: bị bố đánh, người hầu yêu và người tình phải chết, phải chứng kiến cảnh tan tác của các chị em,… Nỗi khổ mà Bảo Ngọc cũng như Giả Thụy gánh chịu, nói cho cùng, đều bắt nguồn từ một chữ “si.” Về cuối truyện, Bảo Ngọc đã kịp thời nhận ra chân lý “sắc sắc không không,” từ đó rẽ ngang, thoát khỏi luân hồi, đó vừa là bi kịch vừa là may mắn của Bảo Ngọc.

Kết luận lại, Giả Thụy là một nhân vật phụ nhưng số phận của y hàm chứa triết lý nhân sinh to lớn, có thể nói là đã hóa thành truyện ngụ ngôn răn dạy người đời. Mang Mang đạo sĩ và chiếc gương “Phong Nguyệt bảo giám” xứng đáng nhận giải bác sĩ phân tâm học của năm!

 

*

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét