Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Tình yêu đơn phương và thầm lặng của Trương Tam Phong dành cho Quách Tương

Bạch Y Ngũ Bút

(Dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung) - Trên chốn võ lâm giang hồ, có hai môn phái lừng danh là Nga My và Võ Đang. Sư tổ sáng lập ra Nga My là cô gái xinh đẹp Quách Tương, thứ nữ của cặp đại hiệp nữ anh hùng lừng danh thiên hạ Quách Tĩnh - Hoàng Dung. Sư tổ sáng lập ra Võ Đang là chàng trai Trương Quân Bảo, sau này đổi tên thành Trương Tam Phong, nguyên là một đứa trẻ mồ côi, đệ tử của Giác Viễn thiền sư trên núi Thiếu Thất, thuộc môn phái Thiếu Lâm. Nếu như Quách Tương sáng lập ra Nga My chẳng qua là vì quá cô đơn buồn bã, tìm lối thoát trong mối tình đơn phương với Thần điêu đại hiệp Dương Quá, thì Trương Quân Bảo sáng lập ra Võ Đang phải chăng cũng là vì thất tình với Quách tỷ muội muội?

Quách Tương là người trong mộng của Trương Tam Phong

Trong Thần điêu hiệp lữ (Thần điêu đại hiệp) và Ỷ thiên đồ long ký (Cô gái đồ long), xét về tuối tác thì Trương Quân Bảo nhỏ hơn Quách Tương khoảng 2 tuổi, và cả hai đều còn rất trẻ.  Nếu như Quách Tương vừa chớm 18 tuổi, đã trót biết yêu thầm nhớ trộm Dương đại ca, thì Trương Quân Bảo mới chỉ là một cậu bé 16 tuổi, lại suốt nhiều năm ròng rã làm chú tiểu, quét lá trong chùa Thiếu Lâm, tối ngày đọc kinh niệm phật, mặc áo cà sa, chẳng bao giờ tiếp xúc với người bên ngoài, chứ đừng nói là nữ giới, thì làm sao có thể nói là biết yêu và yêu Quách Tương?

Nhưng chuyện ấy là có thật và có nguyên căn của nó.

Hẳn các fan Kim Dung không quên ở phần cuối Thần điêu hiệp lữ, Trương Quân Bảo khi ấy theo sư phụ là Giác viễn thiền sư xảy ra chuyện làm mất bộ sách kinh Lăng Già vô cùng quý giá, đã lần đầu tiên tiếp xúc với cô gái Quách Tương xinh đẹp, vừa tuổi trăng tròn 16. Ngay khi ấy, mặc dù chỉ là một cậu bé, nhưng Trương Quân Bảo đã rất "ngưỡng mộ" Quách Tương, vì vẻ yêu kiều, tính tình phóng khoáng, cởi mở của nàng.

(Thực ra cũng cần nói luôn, là không chỉ riêng Trương Quân Bảo, mà có thể nói là bất kỳ đấng nam nhi anh hùng nào, nếu cô dịp tiếp xúc với Quách Tương thì đều chắc chắn sẽ đều có tình cảm, yêu quý và ngưỡng mộ nàng. Đơn giản là vì Quách Tương không chỉ xinh đẹp tuyệt trần, mà phong cách anh hùng, hào sảng, tính tình bảy phần vô tư tốt bụng, lại có ba phần hài hước duyên dáng. Không chỉ có các bậc cao thủ võ lâm như Dương Quá, Côn luân tam thánh Hà Túc Đạo có cảm tình đặc biệt, mà ngay cả tác giả Kim Dung và chính tại hạ cũng ... còn mê. Hê hê).   

Nhưng khí ấy cậu bé Trương Quân Bảo còn quá nhỏ, nên chưa biết yêu hay phát lộ tình cảm theo kiểu nam ái nữ. Tuy nhiên chắc chắn trong lòng đã có ít nhiều sự quyến luyến, vấn vương. Thi thoảng thì nhớ, nhớ đến thì lòng cảm thấy mơ màng, thân thiết ...

Duyên phận rui rủi thế nào, ba năm sau Trương Quân Bảo tình cờ gặp lại Quách Tương ngay trên chùa Thiếu Lâm, khi nàng trên đường hành tầu giang hồ, đi tìm Dương Quá - Tiểu Long Nữ. Lần đó nàng đi ngang qua chùa Thiếu Lâm, bỗng nhớ đến Vô sắc đại sư - là hảo bằng hữu của Dương Quá, nên muốn tìm đến hỏi tin về Dương đại ca.
Quách Tương

Khi lên chùa, vì hiểu lầm chuyện Giác Viễn thiền sư bị phạt gánh nước và tịnh khẩu do làm mất kinh Lăng Già, Quách Tương đã ra mặt bênh vực Giác Viễn thiền sư, gây nên một cuộc đại náo ngay tại sân chùa Thiếu Lâm. Cụ thể Quách Tương đã dùng gươm chém đứt ngón tay một nhà sư, sau đó trải qua một cuộc tỷ thí thách đấu rất thú vị và hấp dẫn với Vô Sắc thiền sư. (Vô Sắc thiền sư thách nàng qua 10 chiêu sẽ nói rõ lai lịch, thân thế của nàng. Quách Tương bèn liên tục xử 10 chiêu thuộc 10 môn phái khác nhau, khiến Vô Sắc thiền sư vô cùng ngạc nhiên, khâm phục và không làm sao đoán biết được cô gái này thuộc môn phái nào).

Đặc biệt, trong khi tỷ thí với Vô Sắc thiền sư, Quách Tương vừa quá xinh đẹp mảnh mai, lại thân thủ phi phàm, võ công tuyệt mỹ, đã "trình diễn" những kiếm pháp không những cao siêu mà còn vô cùng uyển chuyển đẹp mắt - như Lạc Anh kiếm pháp do ông ngoại nàng là đảo chủ Đào Hoa Hoàng Dược Sư sáng tạo, hay Ngọc nữ kiếm pháp của môn phái Cổ Mộ - đều là dạng "nữ kiếm", đạt đến đỉnh cao của vẻ đẹp nghệ thuật. Cho nên Quách Tương khi ấy đích thị là một tiên nữ giáng trần. Quá đẹp, đến phiêu diêu. Ngay chính Vô Sắc đại sư, vốn là một nhà sư đã tu cao, trong tâm không phân biệt nam nữ, coi con chó con mèo cũng như con người - đều là sinh vật, vậy mà khi nhìn nàng xử chiêu ngọc nữ kiếm đã tắc lưỡi vì thấy quá đẹp. Lại quyết ý muốn được xem nàng xử lại một lần nữa! Thì hẳn nhiên chàng trai nhỏ tuổi Trương Quân Bảo, lúc này đã khoảng 17 tuổi, sẽ còn "mê mệt" đến mức nào!

Thế nên, chính trong giây phút thần tiên ấy, giây phút Quách Tương tỷ thí, biễu diễn võ công, cộng với cuộc nói chuyện với nàng ngay trước đó, đã khiến trái tim Trương Quân Bảo bị "hạ gục" mất rồi! Một tiếng sét tình yêu!

Chính vì vậy, khi Vô Sắc đại sư tiễn Quách Tương xuống núi, dù chỉ là một đệ tử thấp kém vô danh trong chùa Thiếu Lâm, Trương Quân Bảo đã len lén đi theo nàng cùng xuống núi một cách vô thức! Nếu không say mê Quách Tương, chắc chắn bước chân của Trương Quân Bảo không thể nào lạc đường lạc lối như vậy!

Thế rồi sau đó (khi Vô Sắc thiền sư nhận được hung tin có kẻ dán giấy thách đấu với Thiếu Lâm, phải quay về chùa) Trương Quân Bảo có được cơ hội "ngàn vàng" gặp riêng và nói chuyện với Quách Tương. Chàng ta dù vẫn không dám sánh bước ngang hàng với nàng, nhưng cũng đã kịp nói tiếng lòng "không bao giờ  quên hảo ý của Quách tỷ đã dành cho thầy trò tại hạ".

Rồi kế đó, vì buồn bực không có tin tức gì về Dương Quá, Quách Tương đã bất thình lình tặng cho Trương Quân Bảo cặp tượng La Hán mà ngày xưa Vô Sắc thiền sư gửi tặng cho nàng nhân ngày sinh nhật. Thì hẳn trái tim của Trương Quân Bảo đã bị trúng mũi tên tình cảm gây vết thương tình vĩnh viễn không thể lành.

Tiếp đó, Quách Tương và Trươg Quân Bảo đã cùng trải qua một đêm vô cùng đặc biệt trong sa mạc, cùng nghe Giác Viễn thiền sư trước khi viên tịch đọc bộ võ công bí kíp Cửu âm chân kinh (mà nhà sư cứ tưởng là kinh phật Lăng Già). Sáng ra, hai người đã chia tay nhau, vĩnh viễn không còn bao giờ gặp lại nhau nữa.

Quách Tương vì lòng vẫn luôn đăm đắm hướng về Dương Quá, nên quyết định tiếp tục một mình rong ruổi đi tìm, vô phương bất định. Nàng cương quyết chối từ dù Trương Quân Bảo năn nỉ xin đi theo.

Trương Quân Bảo khi đó đã rất bơ vơ và buồn bã. Nhưng chắc chắn trong trái tim giàu tình cảm của mình, đã và chỉ khắc ghi hình bóng một người con gái xinh đẹp và duy nhất: muội tỷ Quách Tương!

Trương Quân Bảo sau đó lập ra môn phái Võ Đang, đổi tên thành Trương Tam Phong, trở thành một bậc đại cao thủ, dành được sự kính trọng của võ lâm giang hồ, sống trên 100 tuổi. Nhưng trong lòng ông vẫn luôn khắc sâu, vẫn chưa bao giờ nguôi nhớ về Quách Tương tỷ muội. Ông đã dành những tình cảm "đặc biệt" cho Quách Tương.

Tình cảm, hay có thể nói là tình yêu, của Trương Tam Phong đối với Quách Tương là hoàn toàn có thật. Đơn phương, thầm lặng. Thanh khiết, vĩnh hằng. Tình yêu ấy chính là động lực tinh thần để chàng trai Trương Quân Bảo trưởng thành, vững bước tiến bước vào cuộc đời đầy sóng gió. Chàng ta luôn vững lòng tin và thấy ấm lòng mỗi khi nghĩ về Quách Tương tỷ tỷ của mình.

Chính vì tình yêu ấy không phải là tình yêu có hình thức bình thường như thường thấy. Không phải là tình yêu ngang hàng hay theo kiểu anh - em, người con trai già dặn hơn người con gái theo lẽ thông thường. Mà tình yêu ấy là còn có chút nhuốm màu tình cảm em - chị. Nhưng vì họ không phải là chị em ruột thịt, nên đó là thứ tình cảm nam nữ, yêu đương vậy. Dù chỉ là đơn phương từ phía Trương Quân Bảo, và Quách Tương có lẽ cũng hoàn toàn không hay biết chăng? Hay nàng biết, nhưng không thèm để ý?

70 năm sau, cho đến những giây phút cuối cuộc đời, và có lẽ khi ấy Quách Tương xinh đẹp ngày xưa cũng đã không còn trên cõi đời nữa, thì Trương Tam Phong có những lời nói, hành động thể hiện tình cảm đặc biệt của mình dành cho nàng. Ai từng đọc Ỷ thiên đồ long ký hẳn thấy rất rõ điều đó.

Trương Tam Phong về sau sống trên trăm tuổi, trở thành bậc bắc đẩu trên võ lâm,
 lòng vẫn luôn dành những tình cảm đặc biệt và không bao giờ nguôi nhớ về Quách Tương
Trên chốn võ lâm giang hồ của Kim Dung, có thật nhiều mối tình tuyệt đẹp - như Quách Tĩnh - Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ - Dương Quá, Triệu Mẫn - Trương Vô Kỵ, ... Lại có những cuộc tình đầy đau khổ vì "lầm đường lạc lối" như Nhạc Linh San  - Lâm Bình Chi, Vương Ngữ Yên - Mộ Dung Phục ... Và còn có cả những mối tình đơn phương, thầm lặng, mơ hồ như ảo ảnh, khói mây, nhưng không kém phần mãnh liệt, dạt dào. Tình cảm của Trương Tam Phong dành cho Quách Tương chính là một trong số đó vậy! Than ôi, đuổi tình thì tình đuổi, theo tình thì tình theo!

Vì trái tim của mỗi người là riêng rẽ, và chính vì luôn có những lý lẽ riêng, con đường riêng trong tình cảm yêu thương, nên xin đừng cười chê, phản bác.

...........

Trương Tam Phong

Trương Tam Phong là một nhân vật có thật, tên thật là Trương Quân Bảo, là một đạo sĩ, người sáng lập Võ Đang - môn phái võ thuật lớn ở Trung Quốc. Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, ông là người sáng tạo Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm. Ông còn được gọi dưới nhiều tên khác như: Trương Thông, Trương Toàn Nhất, Huyền Huyền Tử (tên hiệu), Trương Lạp Thác tức Trương bẩn thỉu do ông ăn mặc đơn giản, dù nóng hay lạnh, chỉ mặc một áo nạp và một nón mê (theo Minh sử, Phương Kỹ truyện). Phần thông tin dưới đây là nói về nhân vật Trương Tam Phong trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung.

Trong "Thần Điêu Hiệp Lữ", lúc đó ông mới có 14 tuổi, là tăng nhân của chùa Thiếu Lâm. Ông cùng sư phụ mình là Giác Viễn đại sư đuổi theo Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây vì hai tên này đã lẻn vào Tàng Kinh Các Thiếu Lâm ăn cắp bộ sách "Cửu Dương Chân Kinh". Đuổi nhau đến núi Hoa Sơn thì gặp đôi vợ chồng Quách Tĩnh-Hoàng Dung, Dương Quá-Tiểu Long Nữ, và rất nhiều cao thủ võ lâm khác như Chu Bá Thông, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư, Anh Cô... và cả Quách nhị cô nương Quách Tương vừa ở trên Hoa Sơn viếng mộ Hồng Thất Công và Âu Dương Phong đi xuống. Quân Bảo và Giác Viễn đại sư liền kể về việc kinh thư bị trộm cho mấy người kia nghe. Thấy không ổn, Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử dùng gian kế nhét kinh thư vào bụng của một con vượn trắng to để nhằm hòng chối tội. Nên Giác Viễn đại sư và Quân Bảo đành phải quay trở về Thiếu Lâm chịu tội làm mất kinh thư.

Trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", ông xuất hiện cả ở thời niên thiếu lẫn cả lúc về già. Khi ông gặp lại Quách Tương ở thời điểm hai, năm 16 tuổi, hai năm sau "Thần Điêu Đại Hiệp", Quách cô nương liền hỏi vì sao mà Giác Viễn thiền sư lại bị xích chân tay như vậy. Quân Bảo liền kể lại vì làm mất kinh thư nên sư phụ Giác Viễn bị phương trượng bắt gánh nước bổ củi, xích tay xích chân, lại cấm không cho được nói chuyện với người khác. Quân Bảo vốn cùng tuổi với Quách Tương nên cô rất quý cậu ta bèn tặng ngay đôi La Hán bằng sắt mà Vô Sắc thiền sư (bạn thân của Dương Qúa đại hiệp) tặng cho mình mấy năm trước (khoảng gần cuối "Thần Điêu Đại Hiệp"). Quách Tương vốn tính ngang bướng thấy vậy liền lên chùa Thiếu Lâm đòi tìm phương trượng và Vô Sắc thiền sư (để xin tha tội cho đại sư Giác Viễn. Giữa lúc Quách Tương đang cãi cọ với các nhà sư Thiếu Lâm thì từ đâu xuất hiện một cao thủ võ công vô cùng lợi hại có biệt danh "Côn Lôn Tam Thánh" tên là Hà Túc Đạo tới gây rối, đòi gặp mạt Giác Viễn đại sư để tỉ thí. Giác Viễn đại sư liền giao đấu với y, đến lúc tưởng thua tới nơi thì đột nhiên Quân Bảo ra chiêu "Tứ Thông Bát Đạt" do thửơ trước Dương Qúa có chỉ dạy cho, khiến cho Hà Túc Đạo thua Giác Viễn đại sư.

Y tức mình liền đấu võ với Quân Bảo nhưng đánh tới tận hiệp thứ mười mà gã vẫn không thể đánh ngã nổi cậu. Hà Túc Đạo liền nhận thua và trước khi đi y nói Doãn Khắc Tây muốn chuyển tới Giác Viễn đại sư lời xin lỗi vì đã ăn cắp Cửu Dương chân kinh và y còn nói: "Sách ở trong hầu nhưng Hà Túc Đạo lại nghe ra là Sách ở trong dầu (đầu). Đơn giản vì Doãn Khắc Tây vốn là người Tây Vực nên giọng nói đã rất khó nghe, lại là lời nói trước lúc chết nên Hà Túc Đạo nghe nhầm cũng là lẽ đương nhiên. Sau khi Hà Túc Đạo đi rồi, phương tượng Thiếu Lâm liền sai người bắt Quân Bảo vì tội học võ công mà chưa được phép. Giác Viễn đại sư vốn yêu thương Quân Bảo như con đẻ, sợ nếu như cậu mà chịu hình phạt của chùa thì sẽ khó bảo toàn tính mạng nên ông đã liều chết cứu Quân Bảo và Quách Tương cho vào hai thùng nước rỗng, sau đó ông chạy khỏi chùa Thiếu Lâm. Khi tới chân núi, thoát khỏi sự truy đuổi của tăng nhân, Giác Viễn đại sư do đã bị trọng thương lúc giao đấu với Hà Túc Đạo nên đã kiệt sức và viên tịch. Trước lúc mất ông đã đọc lại toàn bộ Cửu Dương chân kinh cho Quách Tương và Quân Bảo nghe.

Quách Tương nghe xong nhớ khoảng ba phần, còn Quân Bảo do vốn đã biết một nửa Cửu Dương chân kinh nay lại biết thêm hai phần nữa do Giác Viễn đại sư nên anh đã biết được sáu, bảy phần của bộ kinh này. Sau khi chôn xong Giác Viễn sư phụ, anh liền chia tay Quách Tương. Anh liền lên núi Võ Đang kiếm một cái hang luyện tập chăm chỉ Cửu Dương thần công mà Giác Viễn để lại, trong mười năm sau nội lực đã tiến bộ vượt bậc. Về sau lại học Đạo Tạng, tâm đắc phép luyện khí của Đạo gia. Rồi có một ngày, ông bỗng nhận ra cái lẽ nhu khắc cương trong vỗ học, sung sướng quá liền ngửa mặt lên trời cười một hồi dài. Chính tiếng cười đó đã khai sinh ra một vị đại tông sư trước không có ai mà sau thì cũng không ai theo kịp. Về sau ông đi du ngoạn nhìn thấy ba ngọn núi hùng vĩ vươn lên đâm vào mây, lại ngộ ra sở học võ công nên đã tự đặt cho mình tên hiệu Tam Phong. Sau đó ông sáng lập ra Võ Đang phái danh trấn thiên hạ với "Võ Đang Thất Hiệp" gồm Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu, Du Đại Nham, Trương Tòng Khê, Trương Thuý Sơn, Ân Lê Đình, Mạc Thanh Cốc.

Trương Tam Phong còn sáng tạo ra 1 bộ võ học có tên là Cửu Tiêu Chân Kinh trước khi sáng tạo ra Thái Cực Quyền Và Thái Cực Kiếm. Cửu Tiêu Chân Kinh gồm 9 chương tu luyện nội công,điển tịch võ học này sử dụng cương nhu nhị kình (giống như Thái Cực) để hóa giải các thế đánh của đối phương và phản đòn, sức mạnh được sánh ngang Dịch Cân Kinh.



Góc dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung

1 nhận xét:

  1. Trương Tam Phong thần thái tinh anh, tuấn tú, tướng mặt thần kỳ, xương hạc hình rùa, tai to mắt tròn, quả là bậc Tiên phong Đạo cốt. Khi năm tuổi ông mắc một loại bệnh kỳ quái về mắt, thị lực ngày càng kém. Lúc đó có một vị đạo sĩ từ phương xa đến nhà Trương Tam Phong, tự xưng là Trương Vân Am, trụ trì Cung Bích Lạc, hiệu là Bạch Vân Thiền Lão, nói với cha mẹ của Trương Tam Phong rằng:

    “Đứa trẻ này có phong thái Tiên phong Đạo cốt, tự có khí chất phi phàm, nhưng hiện tại gặp phải ma chướng này, cần bái bần Đạo làm Sư phụ, thoát khỏi trần tục, mắt sáng liền đưa về trả lại”.

    (Trích “Tam Phong Tiên Sinh Bản Truyện” của Uông Tích Linh đời Thanh).

    Xem thêm tại: Trương Tam Phong

    Trả lờiXóa