Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Chu Chỉ Nhược thất bại thảm hại vì đặt Nga My phái lên trên tự do và tình cảm cá nhân

Bạch Y Ngũ Bút

(Dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung) - Chu Chỉ Nhược là nhân vật chính trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung. Các fan kiếm hiệp hẳn biết rõ đây là một cô gái rất xinh đẹp, có địa vị cao ngất là Chưởng môn của Nga My phái. Vốn là người rất thông minh, dịu dàng và tốt bụng, Chu Chỉ Nhược lại nhận lấy kết quả thất bại thê thảm, từ chuyện tình yêu, đối nhân xử thế, cho đến võ công. Qua đó, còn làm thê thảm cho chính môn phái của mình.


Chu Chỉ Nhược là nhân vật gây nhiều tranh cãi, với những sắc thái tình cảm và đánh giá đa dạng. Thậm chí đối lập nhau. Ai ghét nàng thì rất ghét, mà ngược lại, ai đã thương thì cũng rất thương. Lại có người lẫn lộn vừa ghét, vừa thương, còn thêm giận.

Suy cho cùng, Chu Chỉ Nhược cũng chỉ là một cô gái còn rất trẻ, nàng mới trên 20 tuổi, ít kinh nghiệm sống. Chính do vốn là một cô bé quá đỗi ngoan ngoãn, chỉ biết vâng và làm theo lời người lớn, không có, hay chính xác hơn là không dám có chính kiến của riêng mình, nên nàng đã ngày càng lún sâu vào vòng luẩn quẩn, bế tắc trong phương hướng cuộc đời. Để kết quả là nhận lấy sự thất bại thê thảm, bẽ bàng.


Hãy thử xem Chu Chỉ Nhược đáng thương ra sao?


Hoàn cảnh mồ côi, nhà nghèo (con người lái đò trên sông Hán Thủy), được Trương Tam Phong cứu đưa lên núi Võ Đang. Nhưng rủi xui là môn phái Võ Đang không nhận đệ tử nữ, nên nàng "bị" đem gửi vào Nga My, khi ấy do Diệt Tuyệt Sư Thái là chưởng môn. Đây chính là sự run rủi tiền định của đời nàng. Một bé gái mới 10 tuổi, Chu Chỉ Nhược đâu thể tự quyết được chuyện gia nhập hay không vào Nga My phái.


Chu Chỉ Nhược vốn rất thông minh, lại xinh đẹp tuyệt trần, phong thái dịu dàng và tốt bụng. Lúc còn bé xíu khi gặp Trương Vô Kỵ, Chu Chi Nhược đã thể hiện là một người đảm đang, nhân hậu. Đút cháo, ấy khăn tay lau nước mắt cho chàng (khi đó cũng chỉ là một cậu thiếu niên). Về sau nhiều lần Chu Chỉ Nhược ra tay, dùng trí thông minh cứu mạng sống cho Trương Vô Kỵ. Như lần Trương Vô Kỵ bị người của sáu môn phái liên thủ ra tay sát hại trên đỉnh Quang Minh, Chu Chỉ Nhược đã mưu trí vờ hỏi chuyện võ công với Diệt Tuyệt Sư Thái, cốt nói lớn, mách nước cho Trương Vô Kỵ đối phó võ công của đối phương.


Ai cũng thấy Chu Chỉ Nhược thật sự rất yêu và chỉ yêu duy nhất một người là Trương Vô Kỵ. Đó là một mối tình trong sáng, không vụ lợi, có ngọn nguồn hợp lý và thủy chung như nhất. Nhưng đó lại chính là cái xui rủi thứ hai cho nàng. Giá như Chu Chỉ Nhược gặp và yêu người khác, thì có lẽ đã bớt bất hạnh hơn. Vì Trương Vô Kỵ tuy là một anh chàng tốt bụng, cũng rất yêu nàng. nhưng đồng thời cũng là một người có trái tim "tổ ong", có thể chia thành nhiều ngăn. Trương Vô Kỵ cùng lúc yêu hai người đẹp (Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn), thậm chí còn tơ tưởng yêu tới cả 4 người đẹp, gồm thêm Tiểu Chiêu và Ân Ly.


Chu Chỉ Nhược đã an bài số phận khi "rơi" vào một môn phái rất nổi tiếng là Nga My, nhưng đang trong giai đoạn có đường hướng ích kỷ, lấy võ công làm trọng, mục tiêu đứng đầu thiên hạ làm tiêu chí hoạt động. Điều này xuất phát từ quan điểm của vị chưởng môn có thể nói là quá độc ác, lạnh lùng - Diệt Tuyệt sư thái. Bà này không hiểu vì sao, là phụ nữ nhưng không có khái niệm và hiểu biết gì về tình cảm nam nữ, hay tình người. Mà chỉ biết có võ công, tự cho mình, tự cho môn phái của mình là quang minh chính đại. Diệt Tuyệt Sư Thái không có tình yêu, không chồng không con nên toàn bộ trí lực và thời gian đều chỉ dành "hy sinh" cho Nga My. Điều này đã làm khốn khổ và hệ lụy đến biết bao người, bao số phận.


Chính Diệt Tuyệt sư thái đã tàn nhẫn ra tay giết chết đệ tử yêu là Kỷ Hiểu Phù, chỉ vì nàng từ chối không giết người yêu của mình là Dương Tiêu - vốn bị Diệt Tuyệt Sư thái xem là kẻ thù. Diệt Tuyệt sư thái đã ép Chu Chỉ Nhược phải thề độc là không được yêu, mà phải giết chết Trương Vô Kỵ, lấy bằng được Ỷ thiên kiếm Đồ long đao để chiếm lấy bộ võ công đệ nhất thiên hạ là Cửu Âm Chân Kinh dấu bên trong hai vật ấy.


Tức là Chu Chỉ Nhược đã bị sư phụ ép đến đường cùng, với chỉ hai lựa chọn: Hoặc là phải hết lòng vì môn phái Nga My - với lời hứa được ngồi vào ngôi vị chưởng môn, hoặc là phải chết. Cái chết ở đây không hẳn là chết về mặt thể xác, mà giới giang hồ vốn coi nhẹ như lông hồng. Mà "chết" trong tự do, tư tưởng một con người. Đó còn đáng sợ hơn cái chết thật. Đây có lẽ là điều xui xẻo lớn nhất của Chu Chỉ Nhược.


Nói khác đi, Chu Chỉ Nhược đã bị sư phụ mê hoặc, thậm chí "ngu muội" hóa. Bà ta đã "nhuộm màu" tư duy và suy nghĩ của cô học trò yêu Chu Chỉ Nhược - theo suy nghĩ và ý chí chủ quan của mình. Một "vòng kim cô" mà Chu Chỉ Nhược đã không thể thoát ra.


Cuối cùng, cái xui xẻo rất lớn, cục nghẹn không thể nuốt trôi của Chu Chỉ Nhược, là nàng đã gặp một "đối thủ" quá lớn và hơn hẳn, trong cuộc chiến tranh giành trái tim Trương Vô Kỵ - đó là quận chúa Triệu Mẫn - một cô gái cũng quá xinh đẹp, lại quá thông minh, sắc sảo.


Còn nhớ trong phần đầu câu chuyện, Triệu Mẫn đã không biết bao lần chèn ép, đẩy Chu Chỉ Nhược vào vòng thảm bại. Thậm chí Chu Chỉ Nhược còn bị hạ nhục ngay trong lễ thành hôn. Trong ngày đại hỷ của cuộc đời, đang mặc áo cô dâu, Chu Chỉ Nhược đã bị Triệu Mẫn ngang nhiên vào ... phá ngang! Triệu Mẫn đã dùng mưu mẹo "dắt" Trương Vô Kỵ đi theo mình, bỏ cả đám cưới đang tiến hành, bỏ một hôn thê xinh đẹp, lại đang là chưởng môn phái Nga My. Thử hỏi sao Chu Chỉ Nhược không căm giận thấu xương. Không đau đớn và tan nát cõi lòng. Một cô gái có tình yêu chung thủy, tất phải có máu ghen, nên Chu Chỉ Nhược sự căm hận, quyết trả thù và quyết sống chết với Triệu Mẫm cũng là điều dễ hiểu. Rơi vào cảnh hai cô gái đẹp phải tranh nhau một gã đàn ông, ấy là cái xui xẻo quá lớn của Chu Chỉ Nhược vậy.


Nếu Chu Chỉ Nhược không bị vướng vào những chiếc vòng sắt khắc nghiệt và  xui rủi đó (nàng đâu có lỗi gì trong chuyện yêu Trương Vô Kỵ, hay gia nhập phái Nga My, hay gặp sư phụ Diệt Tuyệt sư thái) - thì có lẽ đời nàng đã khác. Khác rất nhiều. Chu Chỉ Nhược đáng thương là vậy.



Nhiều người cho rằng Chu Chỉ Nhược là một con người hai mặt, giả dối

Song Chu Chỉ Nhược cũng không hoàn toàn đáng thương, đáng được thông cảm tất cả. Nàng cũng có không ít điểm đáng ghét, đáng bị trừng phạt.

Là một chưởng môn, tư chất thông minh, lại ở vào vị trí đứng trên tất cả, mọi người trong phái Nga My đều phải nghe lời, nể phục, Chu Chỉ Nhược hoàn toàn có khả năng thoát ra khỏi "vòng kim cô" trong nhận thức, mà Diệt Tuyệt sư thái đã áp đặt cho nàng. Chu Chỉ Nhược hoàn toàn có thể và có khả năng đưa Nga My và chính bản thân mình đi theo một con đường khác, tốt đẹp và hài hòa hơn. Có thể lấy những nhân vật tiền bối như Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ ... cũng vốn là những cô gái ngoan hiền, nhưng đã vì tình yêu, lẽ phải mà phá vỡ và thay đổi môn quy. Nhưng Chu Chỉ Nhược thì không như vậy. Nàng thích có địa vị cao, được giàu sang sung sướng. Có lẽ xuất thân từ cảnh nghèo hèn nên nàng thích sự giàu sang, nổi trội chăng? Nhớ lúc Trương Vô Kỵ nói sau này sẽ cưới nàng, nhưng sẽ về ở ẩn chứ không làm vương, Chu Chỉ Nhược đã rất thất vọng.

Càng đi sâu vào con đường tà đạo, Chu Chỉ Nhược nghiễm nhiên sẽ ngày càng trở nên độc ác và ích kỷ hơn. Thật đáng ngạc nhiên khi chuyển biến về tính cách giữa Chu Chi Nhược và Triệu Mẫn đi theo hai hướng ngược nhau!

Nếu như quân chúa cô nương Triệu Mẫn từ chỗ là một cô gái tinh quái, độc ác dần trở nên nhân ái, tốt bụng. Đặc biệt luôn tranh đấu, hết lòng trong tình yêu, thậm chí chấp nhận rời bỏ cả cha và anh trai để đi theo tiếng gọi trái tim, thì Chu Chỉ Nhược hoàn toàn ngược lại. Xuất phát từ di mệnh của sư phụ, Chu Chỉ Nhược âm thầm chiếm giữ Ỷ thiên kiếm và Đồ long đao, qua việc ra tay hạ sát Ân Ly, bỏ trôi Triệu Mẫn để che dấu hành vi xấu xa của mình. Lại còn rắp tâm đổ tội cho Triệu Mẫn ... Ngay khi đang yêu, đang sống với người mình yêu ( đã hứa hôn) trên hoang đảo, Chu Chỉ Nhược vẫn âm thầm bí mật và gấp gáp luyện Cửu Âm chân kinh, che dấu mọi việc. Liệu đó có phải là hành động của một người đàng hoàng ngay thẳng? Hay là một cô gái sống hai mặt, giả dối?

Chu Chỉ Nhược có lối suy nghĩ luôn theo chiều hướng tiêu cực, và nghi kỵ người khác. Lối hành xử của nàng nhiều khi khá nhỏ nhen, ích kỷ. Chẳng hạn thay vì đấu tranh giành tình cảm của Trương Vô Kỵ, thì nàng ghen tức, thiếu tự tin, thậm chí tìm đến việc treo cổ tự vẫn! Nếu thật sự yêu Trương Vô Kỵ đủ lớn, Chu Chỉ Nhược hẳn sẽ không làm như vậy. Dù Trương Vô Kỵ đã hứa sẽ cưới nàng, sau này cũng đã xin lỗi nàng ... nhưng Chu Chỉ Nhược không chấp nhận! Chính là vì nàng không có niềm tin vào người khác, niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Chu Chỉ Nhược cũng đã đã trực tiếp ra tay và ra lệnh sát hại nhiều người thậm vô lý. Nhiều người trong số đó không hề có thù oán gì với nàng. Trên núi Thiếu Lâm ở phần cuối truyện, Chu Chỉ Nhược đã ra lệnh dùng thuốc nổ hạ sát hàng loạt ao thủ võ lâm chỉ vì họ nói vài lời chế dễu nàng. Trong khi Triệu Mẫn không hề có những hành động như vậy.

Có thể nói, chính do không có lập trường riêng, không hết mình vì tình yêu, hay thậm chí vì sự tự do của chính mình, mà Chu Chỉ Nhược đã phải gánh chịu những thất bại thảm hại. Tại sao một người đã trưởng thành, đứng ở ngôi vị chưởng môn, mà trong nhận thức và suy nghĩ cứ cố giữ như là một "cô gái nhỏ" - chỉ biết nhắm mắt nghe theo những giáo huấn (phi lý) của sư phụ. Mà không biết lẽ đúng sai.

Công bằng mà nói, Chu Chỉ Nhược có một cuộc sống nội tâm rất đáng thương, khốc liệt. Nàng luôn phải sống nội tâm, đau khổ, đấu tranh trong suy nghĩ. Nàng suy nghĩ và xử lý một mình, không có người chia sẻ. Mà bề ngoài luôn phải sống giả dối, để che dấu bí mật xấu xa của mình.

Cuộc đời của Chu Chỉ Nhược rồi sẽ kết thúc như thế nào thì không ai biết được. Ở phần cuối truyện, nàng đã thất bại toàn diện và bẽ bàng: bị Hoàng y mỹ nữ dùng Cửu Âm Chân Kinh chân chính đánh bại và vạch mặt âm mưu giết Tạ Tốn diệt khẩu. Hình ảnh Chu Chỉ Nhược lủi thủi bỏ đi trong nhục nhã, giữa chốn quần hùng thật thảm hại. Đó cũng là hình ảnh tượng trưng cho sự thất bại của phái Nga My vậy.

Thực ra, chính Chu Chỉ Nhược cũng đã dự đoán được số phận thê thảm của mình trong một lần tâm sự với Trương Vô Kỵ. Nàng biết việc nghe và thực hiện theo lời sư phụ là độc ác, là sai. Trong lòng nàng về sau cũng không hề có sự yêu thương hay kính trọng gì Diệt Tuyệt sư thái. Mà chính là nàng sợ, nàng bị lạc lối trong cõi u mê của trí tuệ.

Các fan hẳn sẽ nhẹ lòng hơn ở phần cuối truyện. Khi Chu Chỉ Nhược ngả vào vòng tay Trương Vô Kỵ, vượt qua được sự đấu tranh giằng xé trong nội tâm, thú nhận mình là người đã sát hại Ân Ly, Tạ Tốn. Với lời thú nhận đó, nàng đã trút bỏ được gánh nặng cản trở đời mình, sẽ thanh thản hơn rất nhiều - và mở ra cơ hội được sống cho mình, theo suy nghĩ của mình.

Thất bại thảm hại của Chu Chỉ Nhược mà tại hạ nói ở đây, là chỉ ở trong Ỷ thiên đồ long ký. Thế mới thấy đời người sẽ thảm hại và thất bại. Nếu như đặt Môn phái mà mình theo lên trên cả tự do và tình cảm cá nhân. Trong một đời người, TỰ DO mới chính là chân giá trị cao nhất.

-------------------

Diệt Tuyệt Sư Thái

Diệt Tuyệt Sư Thái là chưởng môn nhân đời thứ ba của phái Nga Mi, võ công thuộc hàng thượng thừa, nổi danh cùng báu vật trấn sơn Ỷ Thiên kiếm. Nhưng Diệt Tuyệt Sư Thái cũng nổi tiếng là người cứng nhắc, giáo điều, nặng nề định kiến và quan điểm hắc bạch phân minh. Đến chết vẫn không chịu đứng ngang hàng Minh Giáo và cũng không chịu nhận lấy sự giúp đỡ của Trương Vô Kỵ, khi đó là giáo chủ của giáo phái này.

Diệt Tuyệt Sư Thái có cô học trò yêu là Kỷ Hiểu Phù, người đã đính ước hôn nhân với đệ tử thứ sáu của Trương Tam Phong là Ân Lê Đình. Tuy nhiên, trong lúc thực hiện mệnh lệnh của sư phụ là đi tìm tung tích thanh Đồ Long đao, Kỷ Hiểu Phù đã thất thân với Dương Tiêu (là Quang Minh Tả Sứ của Minh Giáo) và sinh ra một bé gái đặt tên là Dương Bất Hối (Dương là họ cha, Bất Hối là ý nói nàng không hối hận vì đã yêu Dương Tiêu). Sợ sư phụ trách tội, Kỷ Hiểu Phù đã không dám trở về Nga Mi, cùng con gái Dương Bất Hối lưu lạc giang hồ.

Diệt Tuyệt Sư Thái tình cờ gặp lại Kỷ Hiểu Phù, sau khi nghe câu chuyện của nàng và biết Dương Tiêu chính là kẻ thù của phái Nga My, bà đã yêu cầu nàng phải giết Dương Tiêu. Vì tình yêu, Kỷ Hiểu Phù không thể vâng mệnh sư phụ. Diệt Tuyệt Sư Thái đã lạnh lùng xuống tay vung một chưởng đánh vào thiên linh cái, giết chết học trò yêu trong sự bàng hoàng của nhiều môn hộ.

Diệt Tuyệt Sư Thái còn có một đệ tử nhỏ tuổi khác mà bà cũng đặt rất nhiều kỳ vọng là Chu Chỉ Nhược. Chu Chỉ Nhược vốn một cô gái cũng có bản tính nhu mì, hiền thục như Kỷ Hiểu Phù. Khi bị Triệu Mẫn giam trong Vạn An Tự, Diệt Tuyệt Sư Thái đã truyền chức chưởng môn cho Chu Chỉ Nhược và nói rõ bí mật về Đồ Long Đao, Ỷ Thiên Kiếm cho cô. Vì biết đệ tử có tình yêu sâu nặng với Trương Vô Kỵ, người mà bà luôn cho là một đại ma đầu, bà bắt Chu Chỉ Nhược phải lập lời thề độc không lấy Trương Vô Kỵ làm chồng, phải chiếm đoạt Đồ Long Đao và Ỷ Thiên Kiếm, luyện thành võ công cái thế Cửu Âm Chân Kinh để tận diệt Minh Giáo và đánh đuổi quân Mông Cổ. Chính sự ép buộc này đã đẩy Chu Chỉ Nhược vào bi kịch, bế tắc trong tình yêu và cuộc sống.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến gọi Diệt Tuyệt Sư Thái là "quái tượng chốn thiền môn": "Có lẽ chỉ có một con người quái dị đến với của thiền bằng cả tấm lòng thành, nhưng sát tâm còn nặng hơn cả những ma đầu ngoài đời: đó là Diệt Tuyệt Sư Thái. Cảnh tượng một ni cô cầm Ỷ Thiên kiếm lạnh lùng chém những giáo đồ Minh giáo giữa sa mạc mà không một chút băn khoăn, khi những người này không còn khả năng chống cự. Rồi thản nhiên ngồi tụng kinh siêu độ nói về cõi thế vô thường. Cảnh tượng đó nói lên được toàn bộ sự bất lực của bạo lực trước đức tin. Là môn đồ cửa Phật, lẽ ra chính Diệt Tuyệt sư thái phải hiểu được điều đó hơn ai hết. Nhưng bà vẫn làm điều đó có lẽ vì tự trong thâm tâm bà hiểu rằng bà chỉ tiêu diệt "tà ma ngoại đạo" trên danh nghĩa, nhưng thực ra là để báo thù riêng. Thậm chí bà còn biến mối tư thù của mình thành tôn chỉ cho môn đệ. Thân nương nhờ cửa Phật mà tâm chỉ toan tính chuyện báo thù, đó quả là điều gây kinh hãi suốt cổ kim".

Nhà nghiên cứu Đỗ Long Vân cho rằng Diệt Tuyệt Sư Thái là một nhân vật tiêu biểu cho "Nghi vấn đạo đức trong Kim Dung": "Lẽ dĩ nhiên vẫn có những nhân vật tự xưng là đại diện cho chính nghĩa và những kẻ mang tiếng là của Tà đạo. Nhưng truyện Kim Dung sẽ cho người ta thấy sự phân biệt ấy là vô thực. Những người của tà đạo, ông cho tất cả những cám dỗ của nhan sắc, của sự thông minh, của tính anh hùng. Ấy là không kể người nào võ công cũng cao cường, cuộc đời cũng sôi nổi, tâm hồn cũng khoáng đạt. Cái tội duy nhất của họ là không coi đạo lý của thiên hạ vào đâu. Nhưng so với họ thì những người có trách nhiệm duy trì truyền thống đạo lý của võ lâm mới ương ngạnh, mới ngoan cố, mới câu nệ làm sao! Tiêu biểu cho thứ người này là Diệt Tuyệt Sư Thái - thà chết chứ không để cho Vô Kỵ đụng tới vạt áo của bà, khi tên "tiểu dâm tặc" này định vận chưởng lực giúp bà nhảy xuống từ một lầu cao đang phát hoả. Diệt Tuyệt sư thái chính là một cô gái già gàn dở."

----------------------

Phản hồi:

Thông tin về gia cảnh Chu Chỉ Nhược chưa chính xác

Sau khi bài viết này đăng lên, 1 ngày sau chúng tôi có nhận được phản hồi (qua email) của anh B. Lam, góp ý như sau:

" Chu Chỉ Nhược là con Chu Tý Vương khởi nghĩa chống quân Mông (chứ không phải: hoàn cảnh mồ côi, nhà nghèo con người lái đò trên sông Hán Thủy), được Thường Ngộ Xuân đưa đi trốn chạy khi bị quân Nguyên truy đuổi cùng với người anh ruột bị tên bắn chết. Vì Thường Ngộ Xuân gọi Hồ Thanh Ngưu là bá phụ nên đề nghị Trương Tam  Phong để anh ta mang Vô Kỵ lên Hồ Điệp Cốc chữa bệnh (bị Huyền Minh Thần Chưởng của Hạc bút Ông), đổi lại Tam Phong mang Chu Chỉ Nhược về Võ Đang.....

Xin cám ơn ý kiến đóng góp của anh. Chúng tôi sẽ trao đổi với tác giả và sẽ điều chỉnh sau khi kiểm tra lại một lần nữa cho thật chính xác. 

........................

Góc dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét