Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Thú chơi bạch điêu của Hoàng Dung

Bạch Y Ngũ Bút

(Dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung) Fan Kim Dung hẳn biết rõ Hoàng Dung là cô gái nhỏ mới 16 tuổi đã xinh đẹp tuyệt trần, thông minh tuyệt đỉnh. Ngoài tài nghệ công dung ngôn hạnh, nàng còn có kiến thức rất uyên thâm, đủ tài thi phú, hội họa... cái chi cũng suất sắc hơn người. Cha nàng, lão Đông tà Hoàng Dược Sư là người tinh thông bách nghệ, cổ kim cái chi cũng biết, cũng thích. Y đã xây dựng đảo Đào Hoa thành một nơi tuyệt đẹp như chốn thần tiên, bất khả xâm phạm, với những rừng cây, hoa đào tuyệt đẹp, đủ loại kỳ trân dị thảo, chim muông quý hiếm …

Từ nhỏ đã tiếp xúc với thiên nhiên giữa đảo Đào Hoa trời cao biển rộng, nên Hoàng Dung rất yêu thiên nhiên, cảnh đẹp. Tâm hồn cô trong trắng ngây thơ, giàu cảm xúc và rất biết thưởng thức!


Khi mới kết thân với Quách Tĩnh, chính Hoàng Dung là người rủ chàng ngốc cùng ngao sơn ngoạn thủy. Hẳn các fan còn nhớ lần đầu "hẹn hò" với Quách Tĩnh, Hoàng Dung đã chọn một nơi sơn thủy hữu tình, chèo thuyền chở Quách Tĩnh ra giữa hồ, nơi sóng nước sương khói mênh mông, tuyệt đẹp. Cũng tại đây cô đã "tỏ tình" với Quách Tĩnh bằng câu nói "từ nay ta không sợ nữa" khiến chàng ngốc ... chẳng hiểu chi! Hi hi.

Lại khi hai người đi đến Ngũ Hồ, Hoàng Dung say sưa cảnh đẹp, cao hứng rủ Quách Tĩnh bơi thuyền ra giữa hồ ngắm cảnh và ... uống rượu! Nàng tấm tắc khen phong cảnh nơi này đẹp “như một bức tranh thủy mặc”. Chàng ngốc hỏi: tranh thủy mặc là gì? Hoàng Dung nói: là tranh chỉ vẽ bằng mực màu đen trên giấy trắng. Quách Tĩnh nhìn nước xanh ráng mặt trời ánh vàng, muôn sắc rực rỡ, chẳng thấy gì là trắng đen! Hi hi.

Khi cùng Quách Tĩnh lên núi tìm đến nơi ở của Nhất Đăng đại sư, cậy chữa thương, thấy cảnh đẹp nàng thậm chí còn dặn Quách Tĩnh nếu mình không qua khỏi, thì hãy để xác ở đây mà không cần đem xuống núi nữa!

Lại khi dẫn Quách Tĩnh lần đầu đến đảo Đào Hoa, chỉ rừng hoa đào bạt ngàn, Hoàng Dung đã tự hào hỏi “ngươi thấy phong cảnh nơi đây có đẹp không?”, rồi còn chê lão nhân gia Hồng Thất Công "tiếc là chỉ biết có ăn, có phần … tục khí!" Hê hê.

Không chỉ yêu thiên nhiên, biết thưởng ngoạn cái đẹp, cô gái nhỏ xinh đẹp Hoàng Dung cũng rất yêu thích các loài chim thú, cá cảnh … Qua đoạn đối đáp trên đường lên núi, vượt qua bốn cửa ải đệ tử Ngư Tiều Canh Độc của Nhất Đăng đại sư, khi người câu cá hỏi Quách Tĩnh “ngươi có biết Kim Oa Oa là con gì? Kim Oa Oa dùng để làm gì không?” – Hoàng Dung nói ngay “là con cá có màu vàng, kêu oa oa như đứa trẻ. Chỉ để nuôi chơi thôi chứ có làm gì đâu” - khiến người đệ tử ngẩn người ra, nể phục, mọi người hẳn thấy rõ nàng hiểu biết về loài cá cảnh quý Kim Oa Oa như thế nào. Hê hê.

Hoàng Dung rất thích chim điêu (diễn viên Châu Tấn)


Tác phẩm Anh hùng xạ điêu, tựa truyện có chữ “xạ điêu” là ý chỉ người bắn hạ chim điêu – Quách Tĩnh. Trong phần đầu truyện, chúng ta nhớ rằng Quách Tĩnh thủa nhỏ sống ở hoang mạc trên thảo nguyên Mông Cổ, săn được một đôi chim điêu. Anh chàng rất quý đôi chim, xem chúng như những người bạn thực thụ, không khác chi con người.

Chim điêu còn gọi là đại bàng, một loài chim khổng lồ, lớn nhất trong các loài chim. Đây là loài chim rất dũng cảm và rất mạnh mẽ, chỉ sống trên những đỉnh núi cao, được ví là chúa tể bầu trời. Chim điêu chuyên săn bắt những con mồi sống cỡ lớn như chó sói, chồn, chuột, … Đôi chim điêu của Quách Tĩnh gồm một con đực một con cái, có bộ lông trắng như tuyết, nên gọi là bạch điêu, lại càng quý.

Khi Quách Tĩnh và Hoàng Dung lần đầu gặp nhau, ngồi ăn uống tám chuyện trên trời dưới đất trong quán rượu, Quách Tĩnh vui miệng đem kể cho Hoàng Dung nghe chuyện mình có một đôi bạch điêu khiến cho cô gái nhỏ Hoàng Dung mê mẩn, rất thèm muốn! Đến độ khi Quách Tĩnh nhắc Hoàng Dung hãy về nhà vì “cha ngươi chắc là đang nhớ ngươi lắm đó” (Hoàng Dung bị cha rầy, lén trốn cha vào đất liền rong chơi), thì Hoàng Dung tuy đồng ý, nhưng vẫn nói “Ta sẽ về. Nhưng phải đi Mông Cổ bắt một đôi chim điêu về chơi trước đã”. Để rồi khi thấy Quách Tĩnh nói “không dễ đâu” thì nàng ngây thơ hỏi lại “thế sao ngươi làm được?”  – đủ cho thấy cô bé xinh đẹp này mê chim điêu đến cỡ nào. Hê.

Cũng chính vì vậy, nên khi anh em công chúa Hoa Tranh từ Mông Cổ vào Trung Nguyên tìm Quách Tĩnh, có mang theo đôi chim điêu của chàng, ngay khi nhìn thấy, Hoàng Dung đã rất thích sán lại chơi với chim. Thậm chí cô nàng còn bạo gan mở miệng xin luôn “cho ta đôi chim này nhé” (Hi hi. Lúc đó Hoàng Dung chưa biết đó là đôi chim điêu của Quách Tĩnh. Ngay sau đó, Quách Tĩnh nói “đôi điêu đó là của ta đó. Nếu cô thích thì cứ lấy mà vui chơi”).

Trong quá trình bôn ba hành tẩu giang hồ, đôi chim điêu trắng này đã gắn bó và cứu nguy thoát chết cho Hoàng Dung và Quách Tĩnh không ít lần.

Tỷ như lần cả hai bị Cừu Thiên Nhận, chưởng môn Thiết chưởng bang truy đuổi lên tới đỉnh núi, lại còn dùng lửa đốt rừng, khói lửa ngút trời. Trong khoảnh khắc tưởng đã tuyệt vọng, khó tránh khỏi cái chết, Hoàng Dung đã nhớ tới đôi chim điêu bèn huýt sáo gọi. Rồi cả hai mỗi người đã bám vào chân một con chim điêu, nhờ chim chở bay lên trời thoát xuống núi.

Hay như lần sau đó cả hai ở trên chiếc trên thuyền cũng của bọn Thiết chưởng bang, đi qua đoạn vực sâu ghềnh thác, sự sống như ngàn cân treo sợi tóc, Hoàng Dung ỷ có đôi chim điêu sẽ đến cứu, nên hoàn toàn không sợ chi, cứ vui đùa.

Đôi chim điêu kết bạn với Hoàng Dung - Quách Tĩnh có lẽ thân thiết lắm. Nên sau này trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ, sau khoảng 20 năm, chính con điêu cái đã dũng cảm lao xuống vực thẳm Đoạn trường nhai cứu Quách Tương (con gái Hoàng Dung – Quách Tĩnh) thoát lên. 

Chưa hết, Hoàng Dung còn biết dùng đôi chim quý này vào rất nhiều việc hữu ích khác. Tỷ như việc nàng nhờ đôi chim điêu bay về đảo Đào Hoa xin cha cho “vận chuyển” một cặp cá quý Kim Oa Oa đến cho người đệ tử câu cá (Ngư) của Nhất Đăng đại sư...

Có thể nói, thú chơi chim muông cây cá cảnh tuy là tao nhã nhưng thường chỉ dành cho những người lớn tuổi, giới mày râu. Thế mà trong chốn giang hồ hiểm ác, lại một cô gái nhỏ xinh đẹp như Hoàng Dung có thú vui tao nhã như vậy thì kể cũng lạ và thú vị thiệt.

--------------------

Góc dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét