Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng



"... Tô Hoài từng đi một chuyến công tác với Nguyên Ngọc lên Tây Bắc. Ông nhận xét, Nguyên Ngọc về tình cảm thì mềm, chỉ lý luận và cách ứng xử thì cứng. Nguyên Ngọc là đối tượng hấp dẫn của một cô gái Mèo xinh đẹp tên là Vàng Thị Mỹ ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang. Cô làm phiên dịch cho bộ đội. Tô Hoài nói, ba mươi năm gặp lại Vàng Thị Mỹ, thấy vẫn đẹp. Cô ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi! (Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng là tên một tác phẩm của Nguyên Ngọc). Chắc nhớ và yêu Nguyên Ngọc lắm mới viết như thế. Và Nguyên Ngọc chắc cũng yêu cô. Vì anh tả Thào Mỵ đẹp tuyệt vời, đẹp như tiên “Khi im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc, khi lẳng lơ như những bông hoa thuốc phiện quyến rũ, khi phấp phới như ngọn gió ào ạt trên đỉnh Săm Pun…”  Văn như thế thì cũng đa tình đáo để." (trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)



"Lần ấy, Thào Mỷ nhắn mời bác Nguyễn Tuân và tôi sang Mèo Vạc. Nhưng chúng tôi không sang được. Mấy năm sau, tôi lên Mèo Vạc, đi với Nguyễn Văn Bổng. Lần đầu tiên, Nguyễn Văn Bổng đặt chân đến Hà Giang. Những năm vừa qua, Nguyễn Văn Bổng đi chiến trường miền Nam, vào hoạt động bí mật trong Sài Gòn. ở Sài Gòn trở ra Bắc đi hộ chiếu giả theo đường bay Nôm Pênh - Quảng Châu - Hà Nội của hãng hàng không Pháp. Lưu lạc đã lắm đường đất thế, nhưng đến Mèo Vạc lại là chuyến xa nhất của anh lên biên giới phía bắc. Thào Mỷ cũng nghỉ hưu đã lâu. Đầu năm 1991 hơn ba mươi năm đã qua. Nguyên Ngọc trở lại cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc. Nguyên Ngọc kể cho tôi biết Thào Mỷ bây giờ mở ngôi hàng nước ở chợ Mèo Vạc. Ôi, thế mà còn nhớ nhau, còn có lời thăm hỏi một thời sôi nổi và sóng gió. Thào Mỷ bị ép lấy chồng từ thuở bé theo phong tục. Khi lớn, Thào Mỷ bỏ về nhà mình - một việc mà chưa người đàn bà Mèo nào dám làm. Trong chiến dịch tiễu phỉ 1954, Thào Mỷ đi dịch tiếng địa phương giúp bộ đội. Gặp Nguyên Ngọc lần ấy trên mặt trận. Cũng chưa có dịp nào hỏi xem cái truyện ngắn Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của Nguyên Ngọc có dây mơ rễ má với Thào Mỷ thế nào mà trong sổ tay công tác của Thào Mỷ, giữa một trang giấy thấy ghi một câu gọi thật lạ lùng: Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi. Thào Mỷ hỏi thăm tôi về Nguyên Ngọc, về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Chắc là Thào Mỷ thầm yêu cả hai người một đam mê khác đời của Thào Mỷ, người cầm bút, người cầm đàn ấy đã gặp Thào Mỷ trong trận tiễu phỉ trên núi. Tôi bảo Thào Mỷ ạ, Nguyên Ngọc đương ở chiến trường miền Nam. Thì đôi mắt xanh nâu của người con gái đẹp im lặng..


Rồi Thào Mỷ trở thành cán bộ huyện Mèo Vạc - một phụ nữ dân tộc Mông tiên tiến. Thào Mỷ cũng như cô Mỹ nhân viên cửa hàng bách hoá ở Lũng Phin và con gái nuôi Ly Chờ của tôi. Chao ôi, con đường tình của người ta thì mấy ai biết được rồi ra hướng nào. Như quả báo và ám ảnh truyền kiếp, xưa kia Thào Mỷ ruồng rẫy thằng chồng ranh con, bây giờ Thào Mỷ chỉ đeo đuổi những người trai trẻ ít tuổi. Cái anh chàng mà cô lăn lóc sau cùng là một cảnh vệ ở huyện đội, người Tày quê Chợ Rã bên hồ Ba Bể Bắc Cạn. Chú cảnh vệ lệch với cô đến mười tuổi. Trong khi ấy Thào Mỷ từ chối người ta làm mối cho một cán bộ Kinh mà cả tuổi trẻ đã để vùi vào công tác rừng núi trên này. Nhưng ở thời ấy, một huyện uỷ viên đương phơi phới hứa hẹn như Thào Mỷ, làm sao đoàn thể lại có thể bằng lòng cho cô đẹp duyên với chú cảnh vệ trống choai kia.

Cái ngày tôi lên Mèo Vạc lần đầu, mọi chuyện về Thào Mỷ đương còn bời bời như vừa xẩy ra. Thào Mỷ tháo vát nhanh nhẹn, được làng xóm tin cậy. Thào Mỷ đưa tôi lên những núi trong huyện. Có lần về Nhá Sủa, làng quê Thào Mỷ. Tôi hỏi nửa thật nửa đùa: cho tôi nhìn cái mặt thằng chồng trẻ con ngày trước. Thào Mỷ nói: Nhìn nó làm gì, nó có trẻ con nữa đâu. Nó đã có vợ mà mình thì chưa được chồng. Rồi Thào Mỷ cúi mặt, dường như thở dài. Sớm mai, trên đường đầu xóm, một người vác cây vầu trong rừng ra. Người ấy đã đi khuất sang núi bên kia. Thào Mỷ nói: Nó đấy. Nó đấy cũng như mọi người tron làng, tôi làm sao biết được. Tôi vẫn thấy trong tưởng tượng cái thằng lỏi con cởi trần, đánh quay chơi trước nhà rồi bị vợ bỏ, ngoe ngoảy khóc thút thít. Kể cả ngày Nguyễn Văn Bổng và tôi lên Mèo Vạc lần ấy, nhiều năm đã qua rồi. Thào Mỷ đã làm phó chủ tịch huyện, phụ trách văn xã. Không ngờ rồi gầy yếu đến thế. Có lẽ vốn người nhỏ nhắn, lại xưa kia khi chê chồng đã ăn lá ngón tự vẫn nhiều lần nhưng được giải độc, không chết. Thào Mỷ đã có chồng. Tôi được tin mừng ấy từ lâu. Lại biết được người chồng ít tuổi hơn Thào Mỷ. Thoả lòng nhé. Nhưng nay mới tường mặt. Anh ấy người dân tộc Lô Lô, công nhân lâm trường, chưa biết chữ. Hôm đầu đến, không gặp. Anh lên quê trên Lũng Cú đã mấy hôm. Tôi hỏi: Hôm nào nó về?. Thào Mỷ sa nước mắt. Tôi không hỏi nữa.

Đêm ấy, chúng tôi uống rượu ngô bằng những cái bát mắt vầu. Nhắm với thịt dê nước suýt thắng cố. Chảo thắng cố bắc giữa gian phòng ban văn xã của huyện. Cái đầu dê nổi lềnh bềnh, nước sôi lăn tăn xung quanh. Thào Mỷ uống rượu từng bát. Rồi khóc. Lại khóc. Khổ lắm. Nó đánh em. Đánh luôn, vừa đánh vừa chửi: tao đánh con mèo già, tao đánh phó chủ tịch huyện. Uỷ ban gọi nó lên. Nó xin chừa, nhưng rượu vào rồi, nó vẫn chửi thế, đánh thế. Biết làm thế nào bây giờ?

Biết làm thế nào? Hôm trở về, Nguyễn Văn Bổng bảo tôi:

- Heo hút, ảm đạm quá. Mình đến đây lần đầu, mà chắc cũng là lần cuối cùng thôi.
... " ( trích Cát bụi chân ai - Tô Hoài)


Dốc Thẩm Mã - Đồng Văn, Hà Giang

Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng


Anh Ngọc ạ, đây là mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của vùng tôi đấy. Đến hè sang năm thì chỗ này đã trắng cờ ngô rồi!

Tôi đi cùng chị Vàng Thị Mỹ, chủ tịch xã Miêu Cao, một buổi sáng ở biên giới. Chị Mỹ là một thiếu phụ Mèo, tuổi có lẽ khoảng 27, 28, người nở nang và gọn. Chị không cạo tóc như những phụ nữ Mèo tôi thường tiếp xúc; mặt chị đúng hình trái xoan, đôi mắt màu nâu rất ướt, sắc nhưng vẫn dịu dàng.Hai hàng lông mày nhẹ phơn phớt bay lên như đôi cánh chim. Chị đi rất nhanh, khi xuống dốc cũng như khi lên dốc, tôi cố lắm mới theo kịp. Đôi bắp chân chị hôm nay không quấn xà cạp, khỏe quá, cứ lướt phăng phăng. Đã nhiều lần chúng tôi vượt cả những đoàn ngựa thồ chở hàng mậu dịch lên rẻo cao, những đoàn ngựa đặc biệt là Hà Giang, lúc nào cũng trầm mặc và quy củ; tiếng nhạc ngựa rộn rã sau lưng chúng tôi xa dần trong sương cho đến khi chỉ còn là một thứ âm vang như vọng từ một chuyện cổ tích Mèo trở về.

Lên khỏi dốc Phó Lương, chị Mỹ dừng lại. Chị đưa tay chỉ cho tôi một cánh nương lởm chởm đá tai mèo ở lưng chừng sườn núi còn vướng đầy sương. Chị nói, tôi ngạc nhiên nghe giọng chị như có hơi run run:

– Anh Ngọc trông kìa, thế mà hoa thuốc phiện đã nở rồi!

Hoa thuốc phiện đã nở rồi thật. Các bạn đã thấy hoa thuốc phiện nở trên những nương đá bao giờ chưa? Thật là đẹp! Thoạt đầu là một đóa trắng, trong sáng và trinh bạch, nở một mình giữa đám thuốc phiện còn xanh. Rồi lốm đốm những hoa trắng nở đây đó; rồi thì đột ngột, bừng nở một bông hoa tím quyến rũ, lẳng lơ và yếu đuối lạ lùng. Cần đài hoa màu tím sẫm lại như ướt. Gió thổi bạt cánh hoa mong manh. Trời ấm lên một chút. Thế là mùa hè đã bắt đầu! Tôi bảo:

– Ờ, mà hoa thuốc phiện nở rồi nhỉ, nhanh thật!

Tôi bỗng thấy đôi mắt chị Mỹ long lanh. Chị lại nói với tôi, vẫn giọng run run ấy – người nữ cán bộ Mèo đó vẫn thế, chị nói chuyện với ta nhưng ta vẫn tưởng như chị đang tự trả lời những suy nghĩ nào đó dồn lên trong lòng chị. Chị bảo:

– Anh Ngọc ạ, đây là mùa hoa thuốc phiện cuối cùng của vùng tôi đấy. Đến hè sang năm thì chỗ này đã trắng cờ ngô rồi!

Chúng tôi lại đi. Bây giờ chị càng đi nhanh hơn, hai bắp chân như hai con chim, ức rất trắng nhảy nhảy trong cỏ sương dày của đường núi. Hai bên đường lác đác đã có những hoa thuốc phiện màu tím nhạt, màu hồng, màu đỏ thắm, màu vàng, và màu gì đó nữa, gần như là xanh. Chị Mỹ lại nói, tôi không nhận ra được tiếng nói của chị nữa vì giọng nói bỗng có chen rất nhiều những tiếng vui phấp phới, nhảy nhót, và lời nói thì hoạt bát, trau chuốt hẳn đi:

– Anh Ngọc ơi, này, thế là từ nay phụ nữ Mèo chúng tôi không làm nô lệ cho nó nữa đấy, anh Ngọc ạ. Anh mới lên trên này, anh ạ, anh chưa rõ đấy, đời người con gái Mèo ấy mà, như là chôn dưới gốc cây thuốc phiện. Tôi ghét hoa thuốc phiện từ bé. Mỗi lần hoa thuốc phiện nở là đời người con gái Mèo chúng tôi tan nát thêm một lần, anh Ngọc ơ!…

Thế rồi, rất đột ngột và từ nhiên, chị cất tiếng hát. Tôi mới học lắp bắp đôi tiếng Mèo, chỉ nghe được bài hát láy đi láy lại mãi một câu:

“Tu tè chi dù ừ mưng!
Tu tè chí dù ừ mưng!”

(HỠI ANH THANH NIÊN MÈO ƠI!)

Nhưng rõ ràng tiếng hát không đựng hết một nỗi thèm khát trời xanh và sự sống xao xuyến lạ lùng. Tôi thật lấy làm lạ. Mới tối hôm qua chị cán bộ Mèo ấy còn nói với tôi những câu tiếng Kinh vụng về làm cả cơ quan huyện ai cũng cười bò ra: “Anh ơi, tôi ngủ không có màn, con muỗi nó ăn tôi rồi!”. Thế mà bây giờ…

Tôi bỗng sực hiểu ra rằng tôi đang đi với một người con gái có rất nhiều tâm sự chất chứa trong lòng. Đến lúc chị ngừng hát, tôi bảo:

– Chị Mỹ ơi, chị kể cho tôi nghe về cây thuốc phiện đi, cây thuốc phiện với người con gái Mèo ấy mà!


Một nhan sắc của núi rừng: Thào Mỹ ngày xưa

…Từ đó đến chiều tối, tôi không còn nhớ là chúng tôi đã vượt qua mấy cái dốc đá rất cao của dãy núi Tây Côn Lĩnh. Chị Mỹ đi rất khỏe, những lúc lên dốc ngược chị vẫn không chậm chân chút nào, câu chuyện không hề bị ngắt quãng, chỉ có chen nhịp thở hơi dồn dập mà vẫn kín đáo của người phụ nữ…

Hôm ấy là một phiên chợ Mèo. Chợ Miêu Cao như một bàn tay, nằm trong lòng một thung lũng hẹp và sâu chẳng khác gì một cái giếng. Từ tảng sáng, trên các sườn núi, người ta đã đổ xuống chợ từng dòng. Trong sương, nghe thấy tiếng nhạc ngựa loong coong, tiếng cười ríu rít, tiếng nói ồ ồ của những thanh niên Mèo, tiếng khèn dập dìu. Loáng thoáng những váy trắng, những ô hoa. Người ta đổ xuống chợ, đổ xuống chợ, như là sau một cơn mưa lớn nước không biết ở đâu ra mà nhiều thế dồn dập chảy về một chỗ trũng. Người ta đi chợ để bán đôi thứ lặt vặt: một củi tấu rau cải, vài đấu đỗ răng ngựa, một chõ xôi vàng rực gói lá dong, vài cân hoàng tinh, một ít củ từ…

Người đi bán rất ít, người đi chợ để chẳng bán gì cả lại nhiều hơn gấp bội. Cũng chẳng để mua gì cả. Người ta đi chợ để chơi, thế thôi! Đối với người Mèo, chợ là ngày hội.

Vàng Mi Xử, ông già ấy hôm nay cũng đi chợ, để chơi. Cũng như tất cả những người Mèo nghèo khổ, Vàng Mi Xử chọn đỉnh núi cao nhất để làm nhà, từ sau khi mảnh ruộng độc nhất của ông mất vào tay bọn chúa đất. Núi cao đến nỗi những ngày quang đãng nhất nhà ông cũng vẫn ở trong mây dày. Chung quanh nhà suốt năm chỉ có sự im lặng lạnh lùng của những dãy núi mênh mông. Mỗi lần ông nói, chỉ có những vách núi đá sừng sững ấy nghe ông nói, chúng trả lời ông bằng những tiếng âm vang ồ ồ nghe chẳng ra tiếng gì cả. Rồi thì lại im lặng. Những lúc buồn quá, ông nói chuyện với đứa con gái của ông, người thân thuộc độc nhất của ông còn lại ở đời. Năm nay nó lên mười một. Mắt nâu và ướt, cũng như mắt mẹ nó ngày trước, nó cũng ít nói, nó chưa được đi ra khỏi mấy cái vách núi đá vây quanh cuộc đời nhỏ hẹp của nó kia bao giờ. Ông già Xử rất buồn, ông sống im lặng, cô độc như một con thú…

Nhưng ông già vẫn thèm khát con người. Ông vẫn thèm khát được gặp con người, đông người, nhiều người, được nói với họ, hát với họ, cãi nhau với họ, say rượu với họ, đánh nhau với họ nữa cũng được, miễn là trong vài giờ đồng hồ, ông thoát được sự im lặng bằng đá sừng sững quanh năm này. Ông cặm cụi làm, đứa con gái của ông cũng cặm cụi làm. Hai cha con moi từng hốc đá cằn cỗi, cắm xuống đấy một cây bắp, một cây tam giác mạch, một cây bo bo. Năm nay, lần đầu tiên ông già Xử cắm thêm vào đấy một cây thuốc phiện. Bắp, tam giác mạch, bo bo thì để cho hai cha con ăn. Còn thuốc phiện, thuốc phiện thì là mơ ước của ông. Ông sẽ đem bán, đó là vàng đen, ông sẽ có tiền, ông sẽ tậu lại miếng ruộng đã mất dưới thung lũng kia. Cha con ông sẽ trở về dưới ấy, sẽ thoát khỏi cái im lặng cô độc bốn bề trên đỉnh núi cao này. Nửa đêm sương muối xuống dày như tuyết, ông già Xử trở dậy, đi ra nương. Ông phủi sương cho từng cây thuốc phiện non như những cây cải cúc hiền lành. Ông thức suốt đêm, vuốt ve từng gốc thuốc phiện, vuốt ve những ước mơ đẹp đẽ nhất của ông… Đến khi trời ấm lên một chút, trên nương đá lởm chởm của hai cha con bừng nở đóa hoa thuốc phiện trắng đầu tiên thì đứa con gái mười một tuổi thấy trong đôi mắt đục và giận dữ của cha nó một cái cười đầy hy vọng. Ông già vuốt tóc nó, nói với nó giọng ồ ồ:

– Năm nay ma quỷ giúp đỡ, may ra có thể đi chợ được, con ạ. Cha cho con đi chợ với cha nhé!
– Đi chợ à, là đi đâu, hở cha?

– Là đi đến chỗ đông người, hà hà, ồn ào lắm, vui lắm con ạ. Không im lặng như ở đây đâu…

Hôm nay ông già Xử đi chợ. Thỏi thuốc phiện giấu kín trong lưng quần. Ông đi tay không, áo rách bươm, đầu tóc hung hung đỏ của ông lờm xờm. Đứa con gái chạy theo sau, gấu váy của nó đã ướt đẫm sương. Chân nó ríu lên, nó hỏi:

– Cha ơi, chợ đây à?

Nó chỉ những hàng cây chằng chịt ở chân trời mà lần đầu tiên nó thấy. Cha nó cười:

– Không phải đâu, đấy là cây. Chợ là người kia! Hiểu chưa?

– Là người à!

Nó vẫn chưa hiểu…

Bây giờ thì nó hiểu rồi. Chợ nghĩa là người, người chen chúc nhau và cười nói, cãi nhau, đánh nhau, say rượu, là những con ngựa đực buộc ở mấy gốc cây gạo đánh hơi cái hý lên lanh lảnh, đá chân sau lia lịa lên trời; là tiếng khèn dìu dặt ôm lấy tất cả cái đám đông hỗn loạn ấy, là những cặp trai gái nữa, họ uống rượu với nhau, hát với nhau, rồi họ dẫn nhau đi đâu đấy, vào những hốc núi trong xa kia… Cha nó cũng chen vào giữa đám người đông như kiến, nó nắm chặt gấu áo cha, cố chen theo. Nó thấy cha nó nói thì thầm gì với một người nào đó. Người ấy lắc đầu quày quảy rồi quay đi. Một lát sau cha nó lại nói thì thầm với một người khác, người này có râu quai nón cạo rất nhẵn, và chỉ có độc một con mắt long lanh. Cha nó lấy gói gì giấu ở trong lưng quần, dúi vào tay người kia.

Người kia hỏi:

– Bao nhiêu?

– Mười đồng.

– Hứ hừ, năm thôi.

– Bảy vậy.

– Thêm một đồng cũng không.

Cha nó lắc đầu:

– Thế thì không được.

Ông lại nhét cái gói vào lưng quần. Người kia bỏ đi. Cha nó cũng bỏ đi. Bỗng người kia quay lại, con mắt độc nhất của hắn long lanh lên, hắn nắm tay ông cụ:

– Uống rượu đi! Hà hà! Uống rượu đã!

Cha nó bảo:

– Nhưng tao không có tiền!

– Cần gì, tao đãi, hà hà!

Nó đứng bên cạnh cha nó suốt từ trưa đến chiều, cho tới khi ông cụ say mềm, nằm vật ra giữa hàng rượu đã tàn. Chợ đã vãn. Nó khóc. Không ai dỗ. Nó khóc cho đến khi trời tối mịt. Sương đêm xuống, ướt đầm mái tóc ngắn của nó. Cha nó tỉnh lại, nó dìu cha nó về…

Đường núi đêm trăng heo hút, không một bóng người. Nó không hiểu gì cả về những việc đã xảy ra trong ngày hôm nay, ngày đầu tiên nó gặp người. Nó chỉ thấy một cái gì như là một sự tủi cực không cùng mà nó không giải nghĩa được, không nói ra được, tràn ngập tấm lòng nhỏ bé của nó. Có cái gì chưa thành hình đã vỡ đi, nó khóc, cha nó cũng sụt sịt khóc, không biết vì sao…

Bỗng, từ hốc đá bên đường bước ra một người. Dưới ánh trăng, nó nhận ngay ra đó là người có râu quai nón cạo nhẵn thín ở chợ lúc sáng. Người ấy to lớn, dạng chân đứng choán cả đường đi, ngửa một bàn tay rộng và lởm chởm những u những cục ra trước mặt cha nó, con mắt độc nhất cười hiểm độc:

– Đưa đây!

Cha nó tỉnh rượu hẳn rồi. Ông cụ nói:

– Bảy đồng, thiếu một xu cũng không được.

Tiếng cười của người kia rung chuyển cả sự im lặng của núi đá bốn bề:

– Bây giờ thì một xu cũng đừng hòng. Đưa đây!

Ông cụ chợt hiểu ra rồi. Mắt ông cụ long lên, đỏ như hai hòn máu, đó là cặp mắt của một con thú dữ bị lấn vào thế cùng. Ông cụ thét lớn:

– Tao vất vả một năm trời nay, mày muốn cướp của tao à, thằng chó chết!
Đứa bé chỉ kịp thấy cha nó chồm tới, nhưng người kia đã hoa lên một mũi súng kíp sáng loáng. Tiếng nổ xé rách bóng đêm biên giới…

Thế rồi nó chạy, nó chạy lạc trong rừng đá mênh mông, rừng đá tai mèo lởm chởm vô tận, nó chạy đi trốn người, nó gọi: “Cha ơi! Cha ơi!”, và những vách đá sừng sững kia trả lời nó bằng những tiếng vang ồm oàm nghe không ra tiếng gì cả…

…Chị Mỹ vẫn đi nhanh nhưng tiếng nói của chị bỗng nghẹn tắt đi. Tôi đi sau nên mãi đến lúc chị lại cất tiếng nói tôi mới biết rằng giọng nói của chị đá ướt đầm nước mắt giàn giụa. Chị hỏi:

– Anh Ngọc có biết tên con bé ấy không?

Tôi im lặng một lát rồi trả lời:

– Tôi biết rồi, chị Mỹ ạ… Có đến mười bảy, mười tám năm rồi ấy nhỉ?
Chị nói, vẫn nghẹn ngào:

– Đó là mùa hoa thuốc phiện đầu tiên trong đời tôi. Còn bây giờ thì là mùa hoa thuốc phiện cuối cùng.

Chúng tôi lại im lặng rất lâu. Bước chân chị Mỹ vẫn thoăn thoắt trên đường đá lởm chởm. Sương đã tan hết. Hai bên đường những hoa thuốc phiện diêm dúa đủ màu nở rực trong mùa thuốc phiện cuối cùng trên mảnh đất này. Năm nay, thuốc tốt quá, có lẽ cũng tốt như mùa thuốc 18 năm về trước, ngày cô bé Mỹ bắt đầu tiếp xúc với cuộc đời và mất cha… Chị Mỹ lại kể tiếp, giọng đã bình tĩnh trở lại, nhưng không còn thanh thoát như lúc đầu, bây giờ nó đằm xuống hơn, nặng hơn…

Một bà cụ già góa bụa đem Mỹ về nuôi. Được hai năm, Mỹ vừa đúng mười ba tuổi, bà cụ gả chồng cho Mỹ. Chồng Mỹ là một cậu bé bảy tuổi, con tên chúa đất ở bên kia sườn núi. Ngày đi về nhà chồng, Mỹ khóc nhiều lắm, Mỹ khóc vì từ nay Mỹ đã mất sự cô độc giữa bốn vách núi đá kia rồi. Mỹ lại phải đi đến với người, cái loài thú dữ mà Mỹ đã biết ở chợ năm kia. Mỹ ôm lấy gấu váy bà cụ mà khóc, bà cụ đẩy Mỹ ra, rồi người ta trói Mỹ lại, khiêng đi. Ít lâu sau, bà cụ ấy cũng bị chết, trên đường từ chợ về nhà, trong mùa thuốc phiện…

Hoa thuốc phiện lại nở xanh đỏ tím vàng trên những sườn núi Mèo lởm chởm. Cánh hoa mong manh của nó có sức quyến rũ lạ lùng. Năm này qua năm khác, những người Mèo cùng khổ lại phá nương bắp của mình đi, cắm thay vào đấy những cây thuốc phiện đầy ước mơ. Đêm đêm sương muối sa trắng như tuyết, những bàn tay cằn cỗi vuốt ve từng lá thuốc như vuốt ve những ước mơ đẹp đẽ nhất. Thuốc phiện, thuốc phiện, vàng đen của người Mèo, sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh khốn cùng. Đối với họ không còn con đường nào khác nữa. Họ thức thâu đêm biên giới dài, họ liều chết chống lại thú rừng, họ giữ nương thuốc phiện ra hoa, quả thuốc phiện xanh mọng căng tròn nhựa thơm, rồi những đêm nấu thuốc trong rừng sâu, những ngày náo nức đi chợ, và xác họ lại rải đầy những con đường núi quanh co, hiểm trở…

Bây giờ thì cô bé Mỹ đã hiểu những mơ ước của cha ngày trước. Nhưng còn thuốc phiện ấy đi đâu? Mỹ không tài nào hiểu được…
Đêm vẫn còn dày trên núi non trùng điệp. Mây bay rất thấp, đến nỗi Mỹ nghe có cả hơi ướt của nó phả lạnh vào mặt. Mỹ ngồi ở một góc nhà chồng, một căn nhà ngói có tường cao vây kín bốn bên, Mỹ nghe tiếng cối nước giã gạo ngoài vườn lâu lâu lại đổ xóa xuống rồi tiếng chày đập vào cối gạo khô khan. Mỹ ngồi dậy, Mỹ không ngủ, Mỹ đếm tiếng chày buồn tẻ. Đêm nào cũng thế, dỗ chồng ngủ xong, Mỹ lại lén ra đấy ngồi một mình, Mỹ suy nghĩ…

Bỗng con chó trước cổng gầm gừ. Một tiếng huýt sáo thoang thoảng, một bóng người từ ngoài đi vào, dừng lại một lát ở trước cửa nhà. Bố chồng Mỹ mở cửa. Bóng người ấy in lên khung cửa, rất cao lớn. Mỹ rùng mình, Mỹ nhận ra rồi: người có râu quai nón, một mắt.

Cánh cửa khép lại. Mỹ lén đến khe cửa, nhòm vào. Dưới ánh đèn le lói, bố chồng Mỹ ngồi giữa, năm sáu người xúm lại chung quanh, cả người một mắt. Từng người lần lượt móc túi áo, lấy ra những thỏi thuốc phiện, đặt lên bàn tay béo múp của bố chồng Mỹ. Bọn chúng bỗng cãi nhau những gì đấy, ầm lên một lúc, nhưng khi bố chồng Mỹ thét lớn: “Im” và đập mạnh tay xuống bàn thì tất cả im lặng. Mắt chúng xanh đi vì sợ…

Mỹ đứng sững ở ngưỡng cửa. Mỹ hiểu ra rồi: thuốc phiện, niềm mơ ước vuốt ve những đêm trắng toát sương muối của những người dân Mèo nghèo khổ, thuốc phiện đẫm máu ấy chạy về đâu, Mỹ đã hiểu ra rồi.

Trong nhà đã tắt đèn. Bọn chúng ngủ hết rồi. Mỹ vẫn đứng ở đấy, bóng đêm biên giới đầy bí mật và hăm dọa bao trùm lấy cô gái Mèo nhỏ bé. Nhưng Mỹ không thể quay vào nhà được nữa. Mỹ muốn trở về, trở về căn nhà cô độc, im lặng quanh năm trong mây dày trên đỉnh núi. Mỹ bước đi, Mỹ đã ra đến ngõ, con chó gầm gừ rồi im lặng nhận ra người quen, mây bay thấp quá thổi một luồng lạnh lên đôi vai nhỏ bé của Mỹ. Mỹ ù té chạy vào trong đêm tối mờ mịt, không biết đâu là đường. Mỹ chạy như có người, như có thú dữ đuổi theo sau. Đá tai mèo xé rách tả tơi gấu váy, những cành cây dại đầy gai rạch ngang, rạch dọc trên mắt. Mỹ chạy đi, chạy đi, không biết về đâu, không biết tới đâu. Cuộc đời không còn chỗ sống được cho cô gái Mèo mười ba tuổi ấy nữa rồi!

Mặt chị Mỹ lại đầm đìa nước mắt. Nhưng lần này chị không giấu, chị bảo tôi:

– Anh cho em mượn cái khăn tay.

Lau nước mắt rồi, chị cười:

– Đáng lẽ em chết lần đó rồi đấy, anh Ngọc ạ. Anh nghĩ, em chạy trong núi ba ngày, vừa chạy vừa khóc, đói thì có thể đào củ rừng mà ăn, khát đã có nước suối đấy, nhưng em chả thiết ăn uống gì cả. Cứ chạy như thế, hễ thoáng thấy làng, thấy người là lánh đi ngay. Cho đến buổi tối ngày thứ ba…

…Mệt lả, Mỹ dừng lại trước cửa một hang đá, Mỹ định ngồi sụp xuống đấy, ngã xuống đấy rồi chết lả đi. Nhưng vừa lúc đó, Mỹ nghe thấy trong hang có tiếng động. Mỹ đứng thẳng dậy: người! Lại gặp người rồi! Mỹ vùng chạy, nhưng đôi chân bé nhỏ không bước được nữa. Mỹ quỵ xuống ở cửa hang…

Khi tỉnh dậy, vẫn còn là đêm, Mỹ thấy mình nằm trên vai một người to lớn. Anh ta cõng Mỹ đi một mình trong núi, một tay anh đỡ lưng Mỹ, một tay anh cầm một khẩu súng dài. Mỹ vùng ra, nhưng không còn chút sức lực nào. Khi người to lớn ấy đặt Mỹ xuống đất thì Mỹ đã lại ngất đi…

Mỹ tỉnh lại lần thứ hai trong một hang đá. Vây chung quanh em, có rất đông người, toàn là những người đeo súng, họ ngồi hơ tay lên một đống lửa cháy bập bùng. Người to lớn ấy cúi xuống nói tiếng Mèo lơ lớ:
– Tỉnh rồi à, em? Ăn cháo nhé!

Mỹ nhìn vào mặt người đó. Có lẽ anh ta không phải người Mèo, khuôn mặt chữ điền xương xẩu, hai gò má bạnh ra, đôi mắt lá răm rất hiền, mũi hếch lên trông rất lạ…
Chị Mỹ quay lại hỏi tôi:

– Đố anh Ngọc, ai đấy?

Bị hỏi đột ngột, tôi bảo:

– Tôi biết thế nào được.

– Sao lại không biết, gặp mãi rồi mà.

– A… Thế ra… đồng chí Tiến Quân à?

– Còn ai nữa!

– Thế ra chị lại chạy đúng vào vùng hoạt động của đội quân đồng chí Tiến Quân lúc đó!

– May quá, không thì bây giờ em đã thành ma rồi…

Bước chân chị Mỹ lại thoăn thoắt như nhảy trên đường. Chị bỗng im lặng, không nói gì nữa. Chờ lâu quá, tôi hỏi:

– Rồi sau thế nào nữa, chị Mỹ?

Chị quay lại phía tôi, đôi mắt rất nâu, như ngạc nhiên:

– Còn sao nữa! Từ đấy em không biết sợ người nữa. Em biết quý người, em làm liên lạc cho các anh ấy.

– Khoảng năm 45 ấy nhỉ?

– Em không nhớ năm đâu, anh tính xem.

Trong khi tôi đang lẩm nhẩm tính thì bỗng chị Mỹ dừng lại:

– Đến kia rồi!

Trước mặt chúng tôi là một thung lũng sâu và hẹp như một cái giếng, dưới lòng thung lũng một xóm nhỏ như bàn tay, xúm xít hai mươi nóc nhà: chợ Miêu Cao. Tôi đứng sững lại vì cảm động. Đây rồi sao? Cái chợ con mà chị Mỹ đã theo bố đi đến lần đầu trong đời, ở đấy lần đầu chị biết con người trong xã hội ngày ấy đối với con người chỉ là thú dữ, ở đấy chị đã mất cha. Mười mấy năm qua, cô gái tội nghiệp ngày ấy nay đã trở thành chủ tịch xã Miêu Cao rộng và phức tạp, có trên tám nghìn dân này. Chị Mỹ cũng nghẹn ngào. Từ đấy cho đến khi xuống tới chợ, chúng tôi không nói với nhau câu nào nữa…

Tối hôm ấy chúng tôi nghỉ lại ở trụ sở ủy ban xã. Sẩm tối, đồng chí Lô Vàng, phó chủ tịch xã, một đồng chí bộ đội phục viên còn trẻ lắm, vai đeo súng, đầu đội mũ nồi tím than, đến tìm chị Mỹ:

– A, đồng chí Mỹ đã về rồi! Chờ nóng ruột lắm đấy nhé. Này, đồng chí Mỹ nè, chốc nữa tập trung nhân dân ở đây đấy, tiết mục thứ nhất đả thông một lần nữa về việc bỏ trồng thuốc phiện ấy mà, tiết mục thứ hai là bàn kế hoạch trông thay ngô và thầu dầu chứ.

Chị Mỹ hỏi tôi:

– Anh góp ý kiến cho em với, vấn đề thuốc phiện học nhiều lần rồi, nhân dân căn bản cũng đồng ý cả rồi, bây giờ nói thế nào nữa?

Tôi bảo:

– Chị cứ kể chuyện ngày hôm nay chị kể cho tôi nghe ấy, kết quả nhất đấy…

Đêm đó chị Mỹ lại kể cuộc đời của chị. Tôi ngồi trong một góc tối, nhìn những khuôn mặt người Mèo chăm chú nghe chị nói, rồi tôi nhìn chị. Chị vừa nói vừa chỉ từng gốc cây mà chị đã đứng ngày ấy, cách đây đã mười tám năm, từng góc chợ chỗ ấy bố chị đã ngồi uống rượu trong ngày cuối cùng của đời ông… Đồng chí phó chủ tịch bộ đội phục viên ngồi cạnh tôi dịch cho tôi nghe những câu nói của chị. Đồng chí ấy thúc vào đùi tôi bảo nhỏ:

– Gớm bà ấy nói lang bang thật, lại nói cả sang vấn đề lập nhóm giữ trẻ nữa kìa… Lại chuyển sang vấn đề hợp tác hóa rồi, giỏi thật!

– Đồng chí dịch cho tôi nghe đi!

– Này nhé, bà ấy nói thế này: ngày xưa người đối với người coi nhau như thú dữ, bây giờ có Đảng, có chính phủ, có Cụ Hồ, người với người mới tin nhau, giúp nhau như thể là anh em một nhà vậy. Đó là chủ nghĩa xã hội đấy, bà con ạ…

----
Đọc thêm . Trở lại Mèo Vạc -Nguyên Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét