Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Khu đĩ và lồn mèo

Nguyễn Hoàng Văn
Khu đĩ và lồn mèo

Hồi còn ở quê tôi đã lấy làm thắc mắc với "khu đĩ", tiếng dùng để chỉ hai đầu hồi tam giác của những căn nhà bốn mái, tranh hay ngói, nhà ở hay miếu đường v.v... Sang Úc lại tình cờ, trong một tiệc cưới, nghe một anh Đại Hàn lấy vợ Việt kể về sự ngạc nhiên của mình khi, trong một căn nhà ở phố cổ miền Trung mùa lụt, được chỉ cho con đường thoát hiểm: "Không lo, cứ ở yên trong nhà, nước lên thì leo lên gác. Nước lên nữa thì chui qua khu đĩ trèo ra!"

Không tiện hỏi nhưng tôi đoán là trong cái lần “va chạm văn hoá” đó, không ít thì nhiều đầu óc anh chàng họ Kim hay Phác kia cũng bật ra mấy câu hỏi như tôi,"Đĩ ở đâu vậy cà?", "Đĩ gì cái nơi ấy?", chẳng hạn. Thậm chí, nếu tiếng Việt đã khá rồi anh ta sẽ còn đi xa hơn với "khu dành cho đĩ” hay “cái... khu của con đĩ” vì, ngoài "khu" như là vùng miền, tiếng nói của chúng ta còn có "khu" là thứ mà người ta thường... chổng lên trong một tình cảnh trớ trêu bất đắc dĩ hay một tư thế hưởng thụ đầy chủ động nào đó. Mà chưa hết: "đĩ" nhưng là lăng loàn con đĩ hay chỉ thân yêu... mẹ đĩ, má sắp nhỏ, cái chữ “đĩ” bình thường như hồi Tây chưa qua, chưa có mấy me tây dùng dằng bộ tịch “Tháo nhẫn ma-nhê vứt xuống sông / Thôi thôi tôi cũng mét-xì ông”? Dù sao thì -- bất kể là khu miền, bất kể là khu của con đĩ hay mẹ đĩ -- những hình tượng gợi nên đều có cái gì đó dung tục và kiêng kỵ đối với một mái nhà nền nếp, nhất định lấy trung hiếu làm đầu, nhất định không thể thiếu một vị trí trang trọng cho việc thờ tự.

Lê Văn Đức, trong Việt Nam Tự Điển, cho đó chỉ là sự đọc trại của "thu kỷ", và "thu kỷ", đến lượt, lại được giải thích như là: "rường, trính, giàn hay cây xà đâm ngang hai cột cái để chịu sườn nhà cho chắc."[1]

Vốn liếng phương ngữ miền Trung, ít ra là của đất Quảng, cho tôi thấy có điều gì lấn cấn. Cũng là những vật dụng làm nên cái nhà cả thôi nhưng thứ gì phải ra thứ đó, bộ phận này chẳng thể nào lẫn lộn hay... đồng nghĩa với bộ phận kia: “khu đĩ” là “khu đĩ”, “rường” là “rường”, “trính” là “trính” mà "cây xà đâm ngang hai cột cái" là... cây xà, được người miền Trung gọi là "đòn đông" và cụ Lê, trong bộ tự điển, gọi là "đòn dông". Làm sao cái "khu đĩ" hình tam giác ấy lại gộp vào mình toàn bộ mái sườn, từ rường tới trính, giàn và cây xà, gần như toàn bộ hệ thống cấu trúc gánh vác mái nhà?

Mà người Bắc cũng gọi hai cái đầu hồi ấy là... "khu đĩ", cụ Vương Hồng Sển, một người đặc... Nam kỳ, đã dò hỏi được thế. Mà cụ lại nghi ngờ rằng cái sự tầm nguyên "khu đĩ - thu kỷ" kia chẳng qua là sự chấp nhận vô điều kiện từ một ước đoán chưa chắc gì chính xác của Huỳnh Tịnh Của, trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895).[2] Ám ảnh với cái sự tầm nguyên chưa hẳn đúng nên, suốt “nhiều năm và nhiều sách", cái cụ già say mê đồ cổ và... chữ cổ đã dày công lục lạo mà chẳng hề lần ra một đầu mối khả tín cho đến khi vớ được mấy trang viết của Trương Vĩnh Ký. Thì ra là thế. Thì ra, "khu đĩ" vốn là "cu đẻ". Thì ra, cái khoảng trống hình tam giác ấy lại là nơi trăng thanh gió mát, cái nơi mà bầy cu tranh nhau chọn làm nơi lót ổ để lâu ngày bị trại thành “khu”!

Song song với "khu đĩ" còn có "lồn mèo": cụ Vương gọi nơi cu đẻ có hình tam giác ấy là "cái khu lật ngược" còn cụ Lê, rõ hơn, gọi là "lồn mèo”. Xin trích: "Lồn mèo: đầu hồi, góc giụm hình tam giác nơi hai mái nhà giáp nhau: Dán bùa lồn mèo."

“Khu đĩ” rồi “lồn mèo”, nhưng cái hình tam giác của giống mèo này xuất phát từ đâu? Bên cạnh mấy con cu bay vào đẻ, đó còn là nơi mèo trèo lên rình chuột hay giấu con chăng? Khi mà đa số soạn giả tự điển đều e ngại cái sự đụng độ với "lồn", chẳng hạn như Nguyễn Lân trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam chỉ dám mon men cưỡi ngựa xem hoa với hai lần "lồn" và "lồn lột", cái sự tra cứu hay tầm nguyên “lồn mèo” hẳn là chuyện khó.

Mà khó thật. Tìm mãi thì không thấy sách vở nào nói thêm. Hỏi những người Bắc có tuổi thì ai cũng lắc đầu, không biết “lồn mèo” là cái chi chi mà cũng chẳng biết “bùa lồn mèo” dùng để yểm thứ quỷ mị gì.

Dù sao thì cũng còn có cụ Lê: ít ra là, nhờ cụ, chúng ta cũng biết được dăm ba đồng loại của “lồn mèo” về mặt từ vựng. Tỏ ra vô tư và khoa học trước cái cơ quan đảm nhận những chức năng thầm kín của người phụ nữ, bộ tự điển cụ Lê khởi sắc hẳn lên với một loạt những từ ngữ nép bóng sau... "lồn", nào là "lồn lá tre", "lồn lá vông", "lồn xa", rồi “lồn trâu”. Ba danh từ đầu chỉ những dụng cụ trong khung cửi, như một loại con thoi đặc biệt nào đó. Danh từ thứ tư chỉ một kiểu cổ áo bà ba. Rồi cả cùng hiện diện, cùng bình đẳng với cái “lồn mèo” có hình tam giác ở hai đầu hồi căn nhà bốn mái.[3]

"Lồn mèo", như thế, có lẽ cùng thời với cái khung cửi, thứ “tư liệu sản xuất” mà hôm nay chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong viện bảo tàng; với áo bà ba, kiểu áo càng ngày càng vắng bóng chủng giữa một thời đại tiêu thụ theo kiểu mì ăn liền.

Thế nhưng, cho dù cái sự tầm nguyên "khu đĩ" hay "lồn mèo" quan trọng đến đâu đi nữa, ý nghĩa của công việc này chẳng có gì là sâu sắc cho lắm. Có chính xác và thú vị cách mấy đi nữa thì nó cũng chỉ đóng khung trong dăm ba từ riêng biệt thế thôi: chúng ra đời như thế nào? chúng đã bị đọc trại ra sao? đã bị biến âm như thế nào? vân vân... Vấn đề là chúng ra đời rồi được sàng lọc trong những cung cách hay lớp lang nào đó để trở thành một bộ phận của tiếng Việt? để được con người thời đó chấp nhận một cách hồn nhiên, chẳng hề đỏ mặt, tía tai?
Cái chính là cái “lớp lang” ấy!

Kể ra thì cũng lớp lang thật. Nếu "lồn" hay "khu đĩ" -- dù là "khu đĩ" như một cách nói trại -- xuất hiện ê hề trong nhà thì hình ảnh đối cực của nó, “con cặc”, không là như thế. Cái giống của người đàn ông hiếm khi ru rú ở xó bếp trong nhà mà là chan hoà với thiên nhiên khác với thứ của đàn bà chỉ ru rú trong xó bếp. “Cặc” cho chúng ta thấy sông suối, thấy cây xanh, thấy những mầm chồi tiếp dưỡng sự sống; “lồn” chỉ cho chúng ta thấy cái khung gỗ ngày nay bị phủ bụi trong viện bảo tàng. “Cặc” thoải mái đi ra giao tế bên ngoài. “Lồn” ru rú bên trong cái không gian chật hẹp giữa hai “khu đĩ”.

Sông rạnh miền Nam có loài bần với những sợi rễ ngoi lên từ mặt sình trông khá gợi tình: tiếng nói chúng ta có"cặc bần". Bên bờ những lạch, suối ở miền Trung có những cội dứa hoang với những rễ cây thon thon nhô đầu đâm ra rồi trườn xuống, lăm le đâm vào bờ suối: chúng ta có “cặc dứa”. Cốm thèo lèo dài và tròn cỡ gần nửa tất, bày bán ê hề ngoài chợ: tiếng nói chúng ta giàu thêm với "cặc khỉ". Rồi khi Tây đến làm biến nghĩa từ “mẹ đĩ” thì, bên chai rượu chát lạ mang theo, tiếng Việt giàu lên với "cặc vịt", thứ dụng cụ khui rượu có đoạn thép cứng loắn xoắn như cái giống của con vật lúc nào cũng có thể mở mồm quang quác “cặc cặc cặc” như thể những anh chàng tứ thời bất mãn!

Vấn đề là: tại sao, tại sao khi đi chúng ta ra ngoài thì gặp toàn là “cặc” mà về nhà chỉ thấy toàn “lồn”, dù là những cái “lồn” trên khung cửi? Tại sao đàn ông thì "dương vật", tức cái "vật" mang tính "dương", thật là chung chung bao quát trong khi đàn bà thì lại trần xì cụ thể là "âm hộ" hay "cửa mình", với "hộ" hay "cửa" gắn bó với căn nhà có hai “lồn mèo” ở hai đầu? Thậm chí, thiêng liêng như cái “bùa lồn mèo” thì cũng chỉ là “dán bùa lồn mèo”, dán lên cửa hay lên vách tường thế thôi; còn như phóng khoáng, bành trướng, ngang tàng hay thách thức cho lắm, kiểu “Gái Mỹ Tho lồn kho ba trách / Con trai xứ này nhóc nhách đòi ăn” thì cũng chỉ bó buộc trong phạm vi ba cái “trách”, thứ vật dụng nấu nướng ở xó bếp chứ đâu thể xa hơn? Số phận người phụ nữ đã được định sẵn trong phạm vi căn nhà và xó bếp hay chăng?

Có lẽ thế thật. Thời đó, cái thời của những cái khung cửi cũng là thời đại hầu như tuyệt đối của quan niệm "Nam nội, nữ ngoại", của "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Giữa một xã hội độc tài kiểu dương vật trị (phallocratic) như thế, khi mà nữ giới phải cam chịu một số phận hẩm hiu và phục tùng dưới sự áp chế của nam giới thì những biểu tượng giới tính của họ trở phải gắn bó với những hình ảnh thể hiện sự cam chịu và phục tùng đó. Họ thức khuya dậy sớm bên cái khung cửi hay lẩn quẩn trong cái không gian tối tăm ở giữa hai cái đầu hồi thì biểu tượng của họ cũng phải lẩn quẩn bên trong cái không gian đó. Cùng lắm, khi phải thay thế cho đàn ông ở những sứ mạng cực chẳng đã bên ngoài -- tỷ như đòi nợ hay tranh giành nhau những chuyện đầu tôm xương cá chẳng hạn –- họ mới được phép mang biểu tượng giới tính của mình ra dương oai diễu võ với đời: “Bà vặt cái lông lồn thứ tám, bà chẻ tạm làm tư, bà chẻ dư làm mười, bà trói cổ mầy lại.” [4]

Có đi ra, người phụ nữ chỉ được phép mang những gì của mình để đảm nhiệm cái việc mà gã đàn ông khinh khi làm cao, không muốn dây vào. Còn người nam có đi ra, có hướng ngoại thì đó là một biểu hiện, một ràng buộc và là một tiêu chí phái tính:
     Chồng người vượt lạch qua ngòi
     Chồng em giữ bếp cho bòi ăn tro
"Bòi" chính là "buồi", là sinh thực khí của nam giới: đàn ông phải vượt lạch qua ngòi, phải bay nhảy, hướng ngoại mới là đàn ông, mới xứng đáng để hưởng những cái dành riêng cho đàn ông. Đàn ông mà cứ ru rú trong xó bếp chính là niềm tủi hổ của người phụ nữ. Đó là thứ đàn ông vứt đi, chỉ xứng đáng cho bòi ăn tro!

Như thế, phải chăng là, trong một xã hội đầy tinh thần độc tài dương vật chế như thế thì, vô tình, khi mượn những biểu tượng giới tính để diễn tả cái gì đó cụ thể, người ta cũng phải tuân theo một lớp lang lệ bộ đã in hằn sâu trong vô thức? Không phân công mà sao bên thì khinh khoát bay nhảy mà bên thì ru rú một xó? Không phân công mà sao chính những thân nam nhi chân cứng đá mềm phá lệ, chấp nhận thân phận ru rú trong nhà lại bị chính chị em mai mỉa và xem thường?

_________________________
[1] Lê Văn Đức, (1970), Việt Nam Tự Điển, Khai Trí, Sài Gòn.
[2]Vương Hồng Sển, (2003), Tạp bút năm Nhâm Thân 1992 – Di Cảo, Nhà Xuất bản Trẻ, TPHCM, (tr. 132-136).
[3]Lê Văn Đức, sđd.
Xin trích những từ ngữ liên quan trong tự điển này:
     -Lồn lá tre: Thứ lồn xa hẹp bề ngang, để gác con quay kéo vải
     -Lồn lá vông: Thứ lồn xa bầu bầu, để gác con quay kéo vải
     -Lồn mèo: Đầu hồi, góc giụm hình tam giác nơi hai mái nhà giáp nhau: Dán buà lồn mèo.
     -Lồn trâu: Cổ áo bà ba rộng mà thon.
     -Lồn xa: miếng gỗ xẻ một đầu, dùng gác con quay kéo vải.
     -Cặc bần: Rễ cây bần, rễ cứng đuôi nhọn đâm ngược và ngay lên chơm chởm khỏi mặt đất từ 20 đến 40 cm
     -Cặc khỉ: Cốm thèo lèo bằng bột chiên dầu hình tròn lối 4 cm, bằng đầu đua ăn.
     -Cặc vịt: vật dùng khui rượu, rút nút ra khỏi ve (tire-bouchon)
     -Bòi: Dương vật, vật kín của đàn ông (dùng tránh tiếng tục)
[4]Dẫn theo Vương Hồng Sển, sđd, tr. 53. Tác giả cho biết là khi đi ngang một khu phố ở Sài Gòn, nghe một người đàn bà chửi lộn nên ngừng lại để ghi chép.


Chùa Bồ Đà

Xem thêm.


2b Ngô Thời Nhậm Hanoi


LỒN của kiến trúc ( bài viết của Xuân Bình)
Người miền Trung, có nơi gọi cái cửa sổ nhỏ gần nóc nhà là Lồn.
Người miền Bắc gọi chái nhà, đầu hồi có cửa như thế là khu Đĩ.
Không biết người Pháp gọi không gian này là gì nhưng cái mà họ hơn hẳn người Việt là hồn nhiên ngửa Lồn ra ... mặt tiền.


Hơn 100 năm qua, sau khi công nghệ vật liệu phương Đông gồng minh giao và hợp với phương Tây, kiến trúc Việt có nhiều loại Lồn hơn. Lồn gỗ, đá, xi măng, vôi chạt. Tạo hình có Lồn tròn, vuông, tam giác, đa giác hay ô voan. Có đủ loại Lồn cao thấp, to nhỏ. Có Lồn nấp kín sau ván gỗ điêu khắc rồng, phượng, lá đề, mặt quỷ. Có Lồn vén hết đủ loại con sơn, tênh hênh, tơ hơ ...


Không biết đùi và vú kiến trúc nằm nơi nao nhưng nghe dân gian luận về không gian sống phồn thực đến cữ như vầy thì dâm hết cả GIAN.
Vâng, LỒN chính là cái Quạt của chị Hồ Xuân Hương, là tiền thân của máy điều hòa. Là giải pháp đối lưu gió tự nhiên. Là nơi điều hòa nóng lạnh. Là chốn đào thoát khí... hư... ẩm... Là chỗ để những ánh dương cứ sướng lên là nhấp nhổm, chui sâu, lẻn vào...
So với ngày xưa, nhều kiến trúc xanh ví èn nổi danh thế giới bây giờ, noay hoay mãi cũng không tạo nổi cho bản thân được một cái Lồn tử tế.


Ví dụ như cái nhà không cho người chỉ dành cho cây, vừa đoạt giải cao ở Phét ti vồ ách thế giới 2014. Cứ ngắm mãi, cũng có tùm hum nóc nhưng chẳng thấy cái lỗ hay cái khe nào. Chỉ ăn cắp, chôm chỉa, tái chế cẩu thả, không đủ tầm để nhận thấy, không biết thượng tôn, không hướng tới cái đại đạo "Thuận thiên" của Lồn như tiền nhân nên kiến trúc chỉ trơ ra như cái... LỒN?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét