Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Thú vị nghe Quách Tương luận về đại anh hùng võ lâm

Bạch Y Ngũ Bút



(Dành cho fan kiếm hiệp Kim Dung). Trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung, Quách Tương là một cô gái nhỏ tuổi trăng tròn thông minh, tính tình hiền lành, ngây thơ và rất dễ thương. Nghe đồn chốn giang hồ có vị "thần điêu đại hiệp" (chính là Dương Quá) nàng quyết đi tìm gặp mặt cho bằng được. Rồi lẳng lặng âm thầm đi theo phía sau, để xem chàng đi bắt con cửu vỹ linh hồ như thế nào. Khi bị phát hiện, Dương Quá đưa ra yêu cầu là nàng phải kể được tên của bốn vị "anh hùng trong thiên hạ" thì mới cho nàng đi theo. Thật thú vị là trong số 4 vị anh hùng mà Quách Tương kể tên, thì có tới 3 là người trong nhà nàng, gồm cha mẹ (Quách Tĩnh và Hoàng Dung) và ông ngoại (Hoàng Dược Sư). Còn người cuối cùng thì lại là chính ... Dương Quá! Hi hi.

Quách Tương là cô con gái út của cặp đôi anh hùng hiệp nữ Quách Tĩnh - Hoàng Dung. Nàng cũng chính là người sau này đã lập ra (sư tổ) giáo phái Nga My. Nếu như Quách Phù, chị nàng, là một cô gái cao ngạo, tính khí hay ganh tỵ, nhỏ nhen và có phần độc ác thì Quách Tương hoàn toàn ngược lại. Nàng rất dễ thương, thẳng thắn, tính tình từ nhỏ đã rất ngây thơ trong trắng. Đặc biệt Quách Tương có một trái tim vô cùng nhân hậu, nàng luôn sẵn sàng quên mình vì người khác mà không bao giờ phải đắn đo, so sánh thiệt hơn.



Quách Tương dung mạo xinh đẹp tuyệt trần. Dù không phải là nhân vật chính trong tác phẩm, Kim Dung hầu như cũng ít mô tả về dáng vẻ bề ngoài của nàng như nhiều nhân vật nữ khác. Nhưng chỉ qua lần gặp gỡ đầu tiên giữa nàng và ông ngoại là lão đông tà chủ đảo Đào Hoa Hoàng Dược Sư, khi lão nhìn nàng và buồn rầu nói "giống quá giống quá" - ý nói nàng rất giống bà ngoại của mình, tuy vốn chỉ là một nhân vật "ảo"- nhưng chính là người đã sinh ra "tiên nữ" Hoàng Dung, đủ cho thấy Quách Tương rất xinh đẹp.


Nhà văn Kim Dung trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã từng cho biết Quách Tương chính là nhân vật nữ mà ông có nhiều tình cảm nhất. Quả thật những ai đã một lần gặp Quách Tương, dù chỉ là qua trang sách, không thể không yêu mến nàng. Vì vậy, thậm chí còn cảm thấy xốn xang, chũng buồn cùng nàng - trong mối tình cô đơn và tuyệt vọng của nàng với thần điêu đại hiệp Dương Quá.


Sau khi gặp Dương Quá lần đầu, dù chưa biết rõ dung mạo vì Dương Quá lúc nào cũng đeo một chiếc mặt nạ che mặt, nhưng Quách Tương đã rất cảm mến và vô cùng tò mò về con người mà thiên hạ gọi là "thần điêu đại hiệp" này". Vì vậy, nàng đã âm thầm lén lút đi theo chàng đến đầm Hắc Long, chỉ là để xem chàng bắt con cửu vĩ linh hồ như thế nào. Nhưng theo tại hạ đó là nàng nghĩ như vậy, chứ thực ra là vì lòng nàng đã không thể nào rời xa được Dương Quá mất rồi. Cho nên dù Dương Quá không đi bắt con cữu vĩ hồ ly mà làm chuyện khác, bắt con gì, thì Quách Tương cũng sẽ quyết đi theo. Hi hi.


Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhớ lại chuyện Quách Tương chọn lựa và luận về các vị anh hùng trong võ lâm thiên hạ.


Trước hết, hẳn mọi người cùng đồng ý rằng khái niệm thế nào là "anh hùng" trong võ lâm giang hồ thực ra hết sức trừu tượng và cũng khó mà chính xác, khách quan được. Một người có thể là anh hùng, ân nhân đối với người này, nhưng hoàn toàn có thể lại là một kẻ tiểu nhân độc ác, là kẻ thù đối với người khác.


Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có ai xứng được gọi là anh hùng - đối với cả hai phe chính - tà. Theo tại hạ, người xứng đáng được gọi là anh hùng trong chốn võ lâm giang hồ thì ít nhất phải đáp ứng được một vài trong số những "tiêu chuẩn" sau đây:


- Võ công cái thế: có nhiều chiêu thức vô song vô đối, từng đả bại nhiều cao thủ, danh trấn giang hồ.


- Hành hiệp đại nghĩa: có lòng ái quốc, cứu giúp người bị kẻ khác ức hiếp, trừng trị kẻ tàn ác, ra tay can thiệp việc bất bình ngang trái. Bản thân không làm những việc ác như giết người vô cớ, phá phách lung tung.


- Có tư cách đạo đức tốt: phân biệt chính - tà, tính khí khiêm tốn, không tham chức quyền, ít yêu đương lăng nhăng, hãm hại, lừa dối người khác ...


- Được nhiều người trên chốn giang hồ, đặc biệt là những nhân vật lừng danh nể phục, yêu mến.


Với tiêu chí như trên, thiết nghĩ chắc chắn sẽ không có nhiều người xứng được tôn là anh hùng trong chốn võ lâm giang hồ.


Tỷ như một số nhân vật trong Anh hùng xạ điêu như Âu Dương Phong tuy võ công rất cao siêu, nhưng tính khí lại quá tàn ác, giết người không cần lý do, chỉ vì muốn có bộ võ công bí kíp Cửu âm chân kinh mà giết người hàng loạt ..., sao xứng danh anh hùng. Hay như Âu Dương Khắc cháu y cũng vậy. Kẻ này võ công rất giỏi, nhưng tính tình quá trăng hoa, đã hãm hại biết bao nhiêu con gái nhà lành. Hoặc như Dương Khang cũng không thể gọi là anh hùng, vì danh lợi cá nhân mà phản bội đất nước, thậm chí không nhìn nhận cha ruột của mình ...


Quay lại chuyện Quách Tương lén đi theo Dương Quá, sau khi bị chàng phát hiện Quách Tương bèn nói Dương Quá là một nhân vật anh hùng nên không thể có hành động hãm hại mình.


(Ghi chú: những đoạn chữ nghiêng là nguyên văn trong tác phẩm)


"Dương Quá bèn nói: "Ta đâu có gì là anh hùng?

Quách Tương nói: Đại hiệp không được coi là anh hùng thì còn ai xứng chữ “anh hùng” nữa? Nói xong, Quách Tương liền cảm thấy câu này không ổn, nàng tự nghĩ nếu vậy chẳng hóa ra mình coi cha mẹ không bằng chàng hay sao, bèn nói thêm: "Đương nhiên, trừ đại hiệp ra, thì cũng còn vài vị đại anh hùng, đại hào kiệt, song đại hiệp là một người trong số đó".



Chỉ là Dương Quá nghĩ một cô bé mười mấy tuổi như nàng thì làm sao mà lại có thể biết đến vài vị đại anh hùng.  Bèn hỏi: Cô nương bảo vài vị đại anh hùng, đại hào kiệt ấy là những ai?


Quách Tương nghe giọng chàng có ý coi thường nàng, bèn nói: Muội nói ra mà đúng, đại hiệp phải đem muội đi theo bắt Cửu vĩ linh hồ, được không nào?

Dương Quá nói: Được, cô nương nói ta coi.

Quách Tương nói: Có một vị anh hùng trấn thủ thành Tương Dương, quên mình chống lại Mông Cổ, bảo cảnh an dân. Như thế có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?

Dương Quá giơ ngón tay cái, nói: Được! Quách Tĩnh Quách đại hiệp đúng là một vị đại anh hùng.



Chàng có ngờ đâu Quách Tương đang nói về cha nàng! Hi hi.


Quách Tương lại nói: Còn một vị nữ anh hùng, phò tá phu quân, kháng địch thủ thành, mưu trí vô song, liệu sự như thần. Có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?

Dương Quá nói: Cô nương định nhắc đến Quách phu nhân Hoàng bang chủ phải không? Ồ, cũng có thể coi là một vị đại anh hùng.



Chàng có ngờ đâu Quách Tương đang nói về mẹ mình. Hi hi!


Quách Tương nói tiếp: Còn một vị lão anh hùng, ngũ hành kỳ thuật, quỉ thần khôn lường, Đạn chỉ thần công, môn nào cũng thạo. Như thế có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?

Dương Quá nói: Đó là Đào Hoa đảo chủ Hoàng Dược Sư, tiền bối võ lâm, ta hằng kính ngưỡng. 



Như vậy, xem như chàng đồng ý rằng Hoàng Dược Sư là một anh hùng. Chàng có ngờ đâu Quách Tương đang nói về ông ngoại mình. Hi hi.


Quách Tương nói ba người, thấy chàng đều thừa nhận, thì rất đắc ý. Nhưng khổ nỗi nàng còn quá nhỏ tuổi, chưa từng ra chốn giang hồ. Nên ngoài ba người thân của mình, nàng đâu biết ai khác. Bèn nói: Còn có một vị suất lĩnh Cái Bang, trừ gian sát địch, dốc lòng vì nước vì dân, có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?

Dương Quá nói: Cô nương định nói về Lỗ Hữu Cước Lỗ bang chủ phải không? Người này võ công không cao lắm, cũng chưa có công lao gì đặc biệt, nhưng với mười chữ “trừ gian sát địch, dốc lòng vì nước vì dân”, có thể coi là một nhân vật đáng nể.


Quách Tương có mối tình buồn đơn phương với Dương Quá (do Dương Mịch đóng)

Như vậy, xem ra Dương Quá không đồng ý với lựa chọn này của nàng.


Quách Tương khi đó nghĩ: “Đại hiệp tài giỏi, nhãn giới cực cao, mình nói thêm, e rằng chàng sẽ bảo không đúng. Huống hồ, ngoài cha mẹ, ông ngoại, Lỗ lão bá ra, mình không nghĩ ra được ai nữa”.

Dương Quá thấy vẻ mặt trù trừ của nàng, nghĩ: “Quách bá bá, Quách phu nhân, Hoàng đảo chủ, Lỗ bang chủ bốn người là hào kiệt nổi danh thiên hạ, tiểu cô nương kể ra được cũng không có gì lạ”, bèn nói: Cô nương chỉ cần nói đúng một vị nữa, ta sẽ dẫn cô nương đến đầm Hắc Long bắt Cửu vĩ linh hồ.



Khi đó, Quách Tương đang bí rị, không biết kể ra ai nữa, dù chỉ một người. Nhưng quả nàng có gen thông minh của mẹ, nên đã nghĩ ra ngay một người, bèn nói: "Được, còn một vị cứu khốn phò nguy, trừ cường phù nhược, ai nấy tán dương, Thần điêu đại hiệp! Vị ấy mà không được coi là vị đại anh hùng, thì đại hiệp khó tính quá trời".


Hê hê. Như vậy, vị anh hùng thứ tư và cũng là cuối cùng mà nàng chọn chính là chàng. Mà thực ra ngay từ đầu nàng đã thực lòng tin và nói như vậy với Dương Quá. Nàng còn rất dễ thương và láu lỉnh khi nói: "Vị ấy mà không được coi là vị đại anh hùng, thì đại hiệp khó tính quá trời". Hi hi.


Dương Quá nghe xong cười, nói: "cô nương nói rất hay".


Như vậy là chàng ta cũng khoái, cũng tự thấy mình xứng với danh tụng là anh hùng đại hiệp! Chắc chàng ta đã quên rằng việc này là mâu thuẫn chính mình, vì trước chàng đó đã nói: "ta đâu có gì là anh hùng". Hi hi.


Như vậy, điều thú vị ở đây là Quách Tương kể ra 4 vị anh hùng, thì chỉ có Dương Quá là người ngoài gia đình nàng, nhưng lại chính là người đang "chấm thi" cho nàng! Còn lại 3 người thì hết thảy đều là người thân, thậm chí là ruột thịt nhất của nàng!


Quách Tương đúng là đã "ăn may", vì nàng còn quá nhỏ tuổi, chưa từng lăn lộn ngoài chốn võ lâm giang hồ nên cũng không thể biết ai khác ngoài những người trong gia đình mình. Chính điều đó cũng cho thấy nàng là người rất may mắn và có quá nhiều lợi thế so với biết bao nhiêu người khác. Nàng sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại anh hùng võ lâm!


Qua việc Quách Tương chọn và luận anh hùng, hẳn nhiều người cảm thấy thú vị, tủm tỉm và cũng có phần thán phục nét láu lỉnh, thông minh của Quách Tương. Song cũng có thể có vị nghĩ rằng cô gái nhỏ này đã "ăn gian", thiếu công bằng. Hay thậm chí là thiếu khiêm tốn, tự cao tự đại khi chỉ cho rằng người trong nhà mình là anh hùng thôi mà không phải là ai khác ngoài chốn giang hồ.


Tuy nhiên theo tại hạ, nếu suy ngẫm kỹ lại, chúng ta hẳn sẽ không thấy buồn cười nữa. Vì những nhận xét, đánh giá của Quách Tương về những nhân vật mà cô gọi là anh hùng đại hiệp trong võ lâm thực ra tuy ngắn gọn nhưng đều rất sâu sắc, đa dạng và cũng thật sự chính xác, xác đáng. Những lời bình bàn của nàng hoàn toàn không phải là nói nhảm!


Bốn vị anh hùng mà Quách Tương đã chọn ra, gồm đủ hai phái nam nữ, có tuổi tác, vị trí khác nhau trong võ lâm. Dù vậy, ai cũng mười phân vẹn toàn. Một sự lựa chọn không hề thiên vị - mặc dù đúng là nàng cũng không biết ai khác để mà chọn!


Qua đây, tại hạ nghĩ rằng phải chăng đây chính là quan điểm của Kim Dung về anh hùng võ lâm?


Trong số bốn vị anh hùng Quách Tương kể tên, tại hạ muốn bàn thêm về trường hợp lão đông tà Hoàng Dược Sư. Quách Tương tuy chọn ông ngoại mình là anh hùng, nhưng chỉ nói ông giỏi võ, kiến thức uyên thâm, chứ không nói ông mình có lòng yêu nước, hay có những hành động có tính cao thượng - như cha mẹ nàng Quách Tĩnh - Hoàng Dung. Thế nhưng Dương Quá vẫn đồng ý.


Ây là vì Dương Quá lúc này đã trên 40 tuổi, từng trải cuộc đời, đã biết đủ hương vị hạnh phúc, và khổ đau. Biết về sự mất mát và lòng hy sinh trong tình yêu, biết về lòng chung thủy. Do vậy nên chàng hiểu về con người của lão đông tà.


Trên thực tế, Hoàng Dược Sư là một người chồng hết mực chung thủy, một người cha hết mực thương con. Tuy mang danh "đông tà", nhưng thực tế ông cũng chưa làm điều gì khuất tất, không ngay thẳng. Hoàng Dược Sư không giết người bừa bãi (trong tác phẩm hầu như ông không giết ai), dù tính khí thoạt nhìn có phần khắc nghiệt, cổ quái và cao ngạo. Nhưng rõ ràng lão đông tà không hại ai! Ông cũng đã hết lòng ủng hộ con rể Quách Tĩnh, góp sức chống giặc ngoại xâm ... Vậy nên ông rất xứng đáng với danh hiệu anh hùng đại hiệp vậy.


Cũng qua đoạn "thi và chấm thi" nói trên, người ta thấy giữa Dương Quá và Quách Tương có nét đồng điệu, ăn ý và hợp chuyện đến kỳ lạ, khó tìm.


Cuộc luận bàn về anh hùng đại hiệp võ lâm ở trên là lần nói chuyện giao tiếp đầu tiên và riêng tư giữa hai người, một nam, một nữ cách tuổi nhau đến trên 30 năm. Vậy mà cứ như hai người bạn đã tâm đầu hợp ý. Quách Tương biết cách làm Dương Quá vui, cười. Nàng dám cả gan xưng "muội" (em) với Dương Quá trong khi chỉ đáng tuổi con của chàng! Ngược lại Dương Quá rõ ràng rất thích nghe nàng nói chuyện, thích tranh luận với nàng... và rất có cảm tình với nàng.


Mấy mươi năm trước, Quách Tĩnh và Hoàng Dung dìu nhau trên con đường rừng lạc đến đầm Hắc Long nơi Anh Cô ở, giữa hai người tình ý càng thêm thắm thiết. Bây giờ Dương Quá và Quách Tương, cũng trên con đường tìm tới đầm Hắc Long, hai người đã có cơ hội riêng tư với nhau. Tình cảm đã nảy sinh. Tuy chưa phải là tình yêu, nhưng chí ít cũng đã là một thứ tình cảm nhuốm màu luyến ái nam nữ.


Chính vì vậy, nếu trong câu chuyện này không có tiên nữ Tiểu Long Nữ, thì có lẽ tình yêu đã phát sinh và nảy nở giữa hai người người này, như là một tất yếu ở thì tương lai.


Quách Tương xinh đẹp dễ thương biết bao. Nhưng tiếc thay nàng không phải là người có được may mắn và hạnh phúc trong tình yêu. Kể từ cuộc nói chuyện kể trên với Dương Quá, trong trái tim bé nhỏ của nàng đã in sâu mãi mãi bóng hình Dương Quá. Nhưng thương thay cho nàng, đó là tình yêu đơn phương, thầm lặng và chỉ là hư vô. Chính vì vậy, nàng rồi đây sẽ đau khổ vì tình yêu mà nàng đã dành cho Dương Quá. Vì không có cơ hội "cạnh tranh" với Tiểu Long Nữ.


Nhưng,... vì đây là một bài viết có mục đích vui vẻ thú vị, chứ không có ý khóc cho Quách Tương, nên tại hạ quyết định dừng bút tại đây.

-----------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét