Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

CHƯƠNG II - TẦN SÁCH

CHƯƠNG II

TẦN SÁCH

Tổ tiên nhà Tần họ Doanh, tới đời Chu được phong tước Bá, từ Bá Ế truyền được mười đời, tới Phi Tử, Chu Hiếu Vương (909-894) phong cho Phi Tử một nước phụ thuộc ở đất Tần (nay thuộc Thiểm Tây, huyện Thanh Thủy).

Tới Tần Tương Công, vì có công với nhà Chu, được phong làm chư hầu, lúc đó mới lấy tên là nước Tần. Mới đầu lập kinh đô ở đất Khiên, sau dời đổi mấy lần, tới đời Tần Hiếu Công thì dựng đô ở Hàm Dương (nay gần huyện Hàm Dương).

Thời Chiến Quốc, Tần là một trong thất hùng, mỗi ngày một mạnh, sau cùng diệt các nước khác mà thống nhất Trung Quốc.


TẦN I

1. TRUYỆN VỆ ƯỞNG

(Vệ Ưởng vong Nguỵ nhập Tần)

Vệ Ưởng bỏ Nguỵ mà qua Tần. Tần Hiếu Công dùng làm tướng quốc, phong cho ở đất Thương, nên gọi là Thương Quân 1 . Thương Quân cai trị Tần, phép lệnh rất công minh, vô tư: phạt thì không kiêng kẻ có uy quyền lớn, thưởng thì không vì tư tình. Hình pháp thi hành lên tới cả thái tử, thích chữ vào má và cắt mũi quan sư phó 2 . Một năm sau, trên đường có của rơi không ai dám lượm, dân không dám lấy bậy của người khác, quân lính rất mạnh, chư hầu đều sợ. Nhưng phép nghiêm quá mà ít thi ân, thành thử người ta chỉ miễn cưỡng mà phục.

Hiếu Công thi hành phép của Thương Ưởng được tám năm 3 tới khi đau nặng muốn truyền ngôi cho Thương Quân, Thương Quân không nhận 4 .

Hiếu Công mất rồi, Huệ Vương lên thay, trị vì được một thời gian thì Thương Quân xin về Nguỵ. Có người bảo Huệ Vương:

- Đại thần mà quyền lớn quá thì nước nguy; kẻ tả hữu mà thân cận quá thì bản thân nguy. Nay ở Tần, đàn bà trẻ con đều nói: pháp lệnh của Thương Quân chứ không nói: pháp lệnh của đại vương, thế thì ngược lại chính Thương Quân mới là vua mà đại vương hoá thành bề tôi. Vả chăng, Thương Quân vốn là kẻ thù của đại vương xin đại vương xét kỹ 5 .

Thương Quân trở về Tần 6 , Huệ Vương cho xe ngựa xé thây 7 , mà người nước Tần không ai thương xót.


1. Vệ Ưởng: là công tử nước Vệ, họ Tôn, làm thủ hạ của tể tướng nước Nguỵ tên là Công Thúc Toa. Công Thúc Toa đau nặng, tiến cử Vệ Ưởng với Nguỵ Huệ Vương và dặn: “Nếu đại vương không dùng hắn thì giết hắn đi, đừng cho hắn ra khỏi nước Nguỵ”. Công Thúc Toa chết, vua Nguỵ không dùng mà cũng không giết Vệ Ưởng. Sau Tần Hiếu Công hạ lệnh cầu hiền, Vệ Ưởng qua Tần được phong ở đất Thương (tỉnh Thiểm Tây ngày nay) nên cũng gọi là Thương Ưởng.

2. Thái tử sau lên ngôi, tức Huệ Văn Vương; trong bài này gọi là Huệ Vương. Thái tử phạm phép nước, Vệ Ưởng nghĩ rằng thái tử nối ngôi, không thể gia hình được, nên bắt sư phó (thầy dạy thái tử) chịu tội thay vì không biết dạy thái tử.

3. Có sách chép là mười tám năm.

4. Có sách giảng rằng Thương Ưởng không nhận vì giữ đúng chủ trương của Pháp gia: bề tôi giữ phận bề tôi.

5. Vì trước đã xử tội thầy học của Huệ Vương, làm nhục Huệ Vương.

6. Thương Ưởng biết Tần khó dung mình, trốn đi tới một lữ điếm, chủ lữ điếm không dám chứa, bảo: “Theo lệnh của Thương Quân, khách tới xin trọ, phải có “bằng cứ” – tức cũng như thẻ căn cước ngày nay – thì mới được phép chứa. Ông không có “bằng cứ”, chứa ông thì tôi bị tội”. Thương Ưởng không có chỗ trú, phải trốn qua Nguỵ, người Nguỵ bắt giao lại cho Tần. Có sách chép rằng Thương Ưởng tự trở về Tần, dùng binh lực chống lại vua nhưng thất bại.

7. Xé thây là tội rất nặng: người ta cột đầu và tứ chi vào năm con ngựa, đánh cho ngựa chạy về năm phía, để xé thây làm năm đoạn. Chắc hồi đó cột phạm nhân vào xe ngựa, nên mới gọi là “xa liệt” (xe xé thây).

2. TRUYỆN TÔ TẦN 8

(Tô Tần thuỷ tương liên hoành)

Tô Tần 9 mới đầu đem kế liên hoành 10 thuyết Tần Huệ Vương 11 rằng:

- Nước của đại vương phía Tây có những nguồn lợi của Ba, Thục 12, Hán Trung 13; phía bắc có những sản vật như lạc đà đất Hồ, ngựa đất Đại 14; phía nam có Vu Sơn và Kiềm Trung hiểm trở, phía đông có Hào Sơn và Hàm Cốc 15 kiên cố. Ruộng thì phì nhiêu, dân thì phong phú, chiến xa có vạn cổ, quân lính hăng hái có trăm vạn, cánh đồng màu mỡ rộng ngàn dặm, lương thảo súc tích nhiều, địa thế tiện lợi (cho việc công và thủ). Như vậy gọi là kho của trời, quả là một nước mạnh trong thiên hạ. Đại vương thì hiền minh, dân chúng thì đông đúc, chiến xa và ngựa thì tốt, sĩ tốt thuần thục về binh pháp, nhờ những điểm đó có thể kiêm tính được chư hầu, nuốt được thiên hạ, xưng đế mà thống trị. Xin đại vương lưu ý một chút cho thần bày tỏ mưu kế công hiệu.

Vua Tần đáp:

- Quả nhân nghe rằng lông, cánh chưa đủ thì chưa thể bay cao được; pháp lệnh 16 chưa thành thì chưa thể dùng hình phạt được; đạo đức chưa dầy thì chưa thể sai dân được; chính giáo chưa thuận thì chưa thể làm phiền nhọc đại thần được. Nay tiên sinh không ngại đường xa ngàn dặm, nghiêm chỉnh đến tận nơi chỉ giáo quả nhân, nhưng xin hẹn một ngày khác.

Tô Tần thưa:

- Thần vốn ngờ rằng đại vương không dùng kế của thần. Xưa vua Thần Nông đánh Bổ Toại 17, vua Hoàng Đế đánh miền Trác Lộc, cầm tù Xi Vưu 18, vua Nghiêu đánh Hoan Mâu 19, vua Thuấn đánh Tam Miêu 20, vua Võ đánh Cung Công 21, vua Thang đánh Hữu Hạ 22, vua Văn Vương đánh Sùng Hầu Hổ 23, vua Vũ Vương đánh Trụ 24, vua Tề Hoàn dùng chiến tranh mà làm bá chủ thiên hạ 25. Do đó mà xét thì có ông vua nào mà không dùng chiến tranh. Hồi xưa rong ruổi chiến xa mà đánh nhau, dùng lời mà kết ước với nhau, mà thiên hạ thống nhất. Sau hợp tung liên hoành với nhau, và việc binh đao không lúc nào nghỉ. Rồi bọn văn sĩ khéo tô điểm lời nói, chư hầu bị mê hoặc, vạn sự do đó phát ra, không thể dùng đạo lý mà sửa lại được. Pháp lệnh đã đầy đủ mà dân càng có thái độ hư nguỵ, thư tịch nhiều mà tạp loạn, trăm họ vẫn không đủ ăn, trên oán dưới, dưới oán trên, trăm họ không biết trông cậy vào đâu; càng giảng rõ và bày tỏ đạo lý thì chiến tranh càng nổi; kẻ khéo nói thì được chức cao áo đẹp mà chiến tranh không bao giờ ngừng. Văn từ càng phồn thịnh thì thiên hạ càng loạn. Mỏi miệng, điếc tai mà chẳng kết quả gì. Làm điều nhân nghĩa, giữ đức tín, mà thiên hạ cũng không thân với nhau. Như vậy mới bỏ văn mà dùng võ, hậu đãi bọn chiến sĩ cảm tử, may áo giáp, mài binh khí, quyết thắng trên chiến trường. Ở không mà mong được lợi, ngồi yên mà mong đất đai được mở rộng thì các bực ngũ đế, tam vương, ngũ bá 26 , minh chủ hiền quân thời xưa đều muốn như vậy cả, nhưng cái thế không thể được, nên phải dùng đến chiến tranh. Cách xa nhau thì dùng xe mà tấn công, sát lại gần nhau thì dùng gậy kích mà đâm, có vậy mới lập được sự nghiệp lớn. Thế cho nên binh mà thắng ở ngoài thì nhân nghĩa mới mạnh ở trong, uy vọng vững ở trên, thì dân mới phục tòng ở dưới. Nay muốn thôn tính thiên hạ, xâm chiếm nước có vạn cổ xe, khuất phục địch quốc, thống trị hải nội, khiến con dân phải ngoan ngoãn 27, chư hầu phải thần phục thì tất phải dùng binh. Các bậc vua chúa nối nghiệp ngày nay bỏ cái đạo dùng binh đó mà đều loạn về chính giáo, mê hoặc về ngôn ngữ, chìm đắm vào biện luận 28. Lấy đó mà xét 29 thì đại vương vốn không thể thực hành việc bá chủ được.

Tô Tần mười lần dâng thư thuyết vua Tần mà không có kết quả. Áo cừu đen đã rách, trăm cân vàng đã tiêu hết, thiếu tiền chi dụng, phải bỏ nước Tần về quê nhà, đùi quấn xà cạp, chân đi dép cỏ, đội sách, đeo đẫy, hình dung tiều tuỵ, mặt mày xanh xạm, có vẻ xấu hổ.

Về tới nhà, vợ thản nhiên không rời khung cửi, chị không nấu cơm cho ăn, cha mẹ không hỏi han tới. Tô Tần bùi ngùi than rằng: “Vợ không coi ta là chồng, chị không coi ta là em, cha mẹ không coi ta là con, đều là lỗi của Tần này cả” 30.

Đêm đó lấy trong tráp cũ ra mấy chục bộ sách, tìm được bộ binh pháp Âm phù của Khương Thái Công 31, gục đầu trên án mà đọc, lựa chọn mà luyện cho thật nhuần, suy xét vào thời thế mà tìm cách ứng dụng. Đọc sách mệt mà buồn ngủ thì tự cầm dùi đâm vào vế, máu chảy tới bàn chân, bảo: “Có lẽ nào du thuyết bọn vua chúa mà không làm cho họ đem vàng ngọc gấm vóc tặng mình, đem chức khanh tướng tôn quí phong mình không?”.

Được một năm, công tinh luyện đã thành, Tô Tần tự nhủ: “Bây giờ thực là có thể du thuyết các vua chúa đương thời được”. Nghĩ vậy rồi qua miền Yên Ô, Tập Quyết, yết kiến Triệu Vương, thuyết Triệu Vương trong một ngôi nhà lộng lẫy 32 , vỗ tay mà đàm luận.

Triệu Vương rất mừng, phong Tô Tần chức Vũ An Quân, giao cho tướng ấn, cấp cho binh xa một trăm cỗ, gấm vóc ngàn tấm, ngọc bích trắng một trăm đôi, hoàng kim một vạn nén 33 mà theo hầu nhà vua để lập ước hợp tung 34, ly tán phe liên hoành và ức chế cường Tần. Vì vậy, Tô Tần làm Tể tướng ở Triệu mà cửa quan Hàm Cốc không thông với Tần nữa.

Đương thời đó, những nước lớn trong thiên hạ, những đám dân đông tới hàng vạn, những bậc vương hầu uy thế, những mưu thần có quyền hành đều muốn theo chính sách Tô Tần. Không phí một đấu lương, chưa làm mệt một tên lính, chưa dùng tới một tướng sĩ, chưa làm đứt một sợi dây cung, chưa làm gẫy một mũi tên, mà chư hầu thân ái nhau hơn là anh em một nhà. Một bậc hiền nhân được giao trách nhiệm 35 mà thiên hạ quy phục: một người được trọng dụng mà thiên hạ đều theo. Cho nên có câu rằng: “Mưu đồ vương bá, phải dùng chính trị chứ không dùng vũ dũng, phải dùng ở trong triều đình chứ không dùng ở ngoài cõi”.

Đương thời thịnh của Tô Tần, có vạn nén vàng để chi dùng, ngựa xe nối tiếp nhau rực rỡ trên đường mà các nước ở phía đông núi Hào đều qui phục Triệu như thuận theo chiều gió khiến cho Triệu rất được tôn trọng.

Tô Tần vốn chỉ là kẻ sĩ ở trong hang cùng, cửa khoét trong tường, nhà bằng gỗ dâu mà then cửa cong queo 36 mà được ngồi xe, cưỡi ngựa, du lịch khắp thiên hạ, đến triều đình các vua chư hầu để thuyết phục, bịt được miệng kẻ tả hữu của họ, thiên hạ không ai kháng cự nổi.

Khi Tô Tần đi du thuyết vua Sở, đường qua Lạc Dương, cha mẹ hay tin, cọ nhà quét sân, bày nhạc đặt tiệc, ra ngoài ba chục dặm để đón rước, vợ chỉ dám liếc trộm, nghe trộm 37, còn chị thì bò như rắn, lạy bốn lạy, tự quỳ xuống tạ tội. Tô Tần hỏi:

- Này chị! Sao trước ngạo mạn thế mà nay cung kính thế!

Người chị đáp:

- Vì Quí tử 38 chức trọng mà tiền nhiều.

Tô Tần than:

- Ôi! Nghèo khốn thì bố mẹ không nhận làm con, giàu sang thì thân thích sợ sệt. Người sinh ở đời, thế lực, chức vị và tiền của có thể coi thường được đâu!

8. Trong các sách Cổ văn quan chỉ, Cổ văn bình chú, dùng nhan đề: Tô Tần đem kế liên hoành thuyết vua Tần, nhưng xét ra nhan đề đó chỉ đúng với nửa trên của bài này thôi.

9. Truyện này xảy ra ở cuối thời Chiến Quốc, vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ IV trước Tây lịch. Các nước nhỏ đã bị các nước lớn thôn tính lần lần, rốt cuộc chỉ còn có thất hùng: Tề, Hàn, Nguỵ, Triệu, Tần, Sở, Yên. Tần thịnh hơn cả. Tô Tần người ở Lạc Dương, nước Triệu, hiểu rõ tình thế thiên hạ, dâng Tần kế liên hoành.

10. Liên hoành: hoành có nghĩa là ngang, từ tây qua đông; liên là liền. Kế liên hoành là kế làm cho các nước suốt từ tây qua đông liên hiệp với nhau mà thờ Tần.

11. Tần Huệ Vương: là con Tần Hiếu Công, lên ngôi năm 338, tự xưng vương năm 325, giữ ngôi tới năm 293.

12. Ba, Thục: là quận Ba và quận Thục (nay ở Tứ Xuyên), sau gộp với nhau, gọi chung là đất Ba Thục.

13. Hán Trung: nay ở Thiểm Tây và Hồ Bắc, vốn là đất của nước Sở.

14. Hồ: tên gọi chung các rợ ở phương Bắc, nơi đó có loại lạc đà.

Đại: là một châu thời cổ, nay ở Sơn Tây và Hà Bắc, sản xuất nhiều ngựa.

15. Hào Sơn: núi ở Hà Nam, địa thế hiểm trở.

Cửa Hàm Cốc: cũng ở Hà Nam, một nơi rất hiểm trở, hễ đóng cửa quan đó lại thì thời xưa không quân đội nào có thể vượt qua được.

16. Nguyên văn: là “văn chương”, có sách chú thích là lễ nhạc.

17. Thần Nông: theo truyền thuyết là một vị vua thời Thượng cổ, dạy dân cày cấy.

Bổ Toại: là tên một nước thời cổ.

18. Hoàng Đế cũng là một vị vua thời Thượng cổ. Trác Lộc: là tên núi, nay ở Hà Bắc. Xi Vưu: là một chư hầu thời Hoàng Đế, bạo ngược vô đạo, bị Hoàng Đế đem quân các chư hầu lại trừng trị, cầm tù rồi giết.

19. Hoan Mâu: một người đời vua Nghiêu, nổi tiếng là ác, bị vua Nghiêu trị.

20. Tam Miêu: cũng gọi là Hữu Miêu, tên nước thời xưa, bị vua Thuấn đem quân diệt.

21. Cung Công: cũng là một họ tàn bạo thời vua Thuấn, vua Thuấn sai vua Võ đánh.

22. Hữu Hạ: tức vua Kiệt, một bạo chúa thời cổ.

23. Sùng Hầu Hổ: là một quan khanh của vua Trụ, giúp vua Trụ làm điều tàn bạo, nên vua Văn Vương đem quân đánh.

24. Trụ: một bạo chúa thời cổ.

25. Tề Hoàn Công: một ông vua chư hầu thời Xuân Thu, nhờ Quản Trọng tổ chức lại chính trị, kinh tế, quân sự mà mạnh, Tề thành bá chủ các chư hầu.

26. Ngũ đế: Năm đời vua thời thượng cổ: Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.

Tam vương: Ba đời vua thời thượng cổ: Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương và Võ Vương.

Ngũ bá: Năm nước chư hầu mạnh thời Xuân Thu: Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Công.

27. Nguyên văn: tử nguyên nguyên, có nghĩa là thân ái trăm họ. Chúng tôi dịch như vậy cho hợp với ý trong đoạn.

28. Ý nói: chỉ bàn suông về nhân nghĩa, tranh nhau về lý thuyết đạo lý mà không chú trọng vào những cách thực tế làm cho binh mạnh nước giàu.

29. Crump dịch là: cứ xét lời bàn của đại vương.

30. Crump dịch là: Lỗi tại nước Tần cả. (Tô Tần trách vua Tần chứ không tự trách mình).

31. Khương Thái Công: tức Lã Vọng, thuỷ tổ của Tề, có sách cho Âm phù là cuốn sách chép binh pháp của Lã Vọng, có sách lại cho sách chép binh pháp của Quỉ Cốc truyền lại.

32. Nguyên văn: Hoa ốc, Crump cho là tên ngôi nhà. Có sách chú thích Hoa là núi Hoa Sơn, Hoa ốc có nghĩa là nhà cao như núi Hoa Sơn: ép.

33. Nguyên văn: giật là 24 lượng.

34. Tung: chính giữa là dọc, trái với hoành: là ngang. Tô Tần trước kia đem thuyết liên hoành thuyết Tần Huệ Vương, Tần Huệ Vương không nghe, nay dùng kế liên hợp các nước dọc từ phương Bắc đến phương Nam, từ Yên tới Sở để chống Tần ở phương Tây, vì vậy gọi là hợp tung. Theo sử thì mới đầu Tô Tần yết kiến Văn Hầu nước Yên, bàn kế hợp tung. Văn Hầu nghe, nhờ đi thuyết Triệu, Hàn, Nguỵ, Tề, Sở. Ông thành công, được mang tướng ấn của sáu nước. Và Triệu làm tung trưởng (đứng đầu trong trục Nam – Bắc đó).

Kế đó làm cho Tần nguy vì sáu nước hợp nhất thì đất rộng gấp năm Tần, binh lực gấp mười Tần. Nhưng luôn luôn có những mâu thuẫn trong những vụ liên kết như vậy, và rốt cuộc chính sách của Tô Tần chỉ thi hành được có ba năm rồi sự kết liên tan rã. Lúc đó Tần dùng lại chính sách liên hoành mà lần này do Trương Nghi đề nghị, rồi nhờ tài cầm quân của Bạch Khởi mà lần lần diệt được hết sáu nước kia.

35. Trỏ Tô Tần.

36. Tả cảnh nhà cửa tồi tàn của Tô Tần.

37. Nguyên văn: liếc mắt mà nhìn, nghiêng tai mà nghe, tỏ ý sợ sệt, không dám đối diện.

38. Có sách bảo Quí tử là tên tự của Tô Tần. Có sách bảo “Quí tử” chỉ có nghĩa là “ông út”; người chị gọi Tô Tần như vậy.




3. TẦN HUỆ VƯƠNG MUỐN PHÁ KẾ HỢP TUNG CỦA TÔ TẦN

(Tần Huệ Vương vị Hàn Tuyền Tử)

Tần Huệ Vương bảo Hàn Tuyền Tử 39 :

- Tô Tần khinh quả nhân muốn dùng cái trí của hắn lừa gạt các vua Sơn Đông 40 , dùng kế hợp tung để khinh Tần. Triệu vốn cậy đông nên bày mưu cấp vàng lụa cho Tô Tần để kết ước với các chư hầu. Chư hầu không thể hợp nhất được, kế đó chỉ như cột chân gà với nhau bắt chúng cùng phải đậu một chỗ, điều ấy đã rõ. Quả nhân phẫn uất, nén giận đã lâu, nay muốn sai Vũ An Hầu 41 đi giảng giải cho chư hầu.

Hàn Tuyền Tử khuyên:

- Không nên. Phá thành bạt ấp thì xin dùng Vũ An Tử; tuyên truyền cho quốc gia, đi sứ chư hầu thì xin dùng khách khanh là Trương Nghi 42 .

Tần Huệ Vương đáp:

- Xin vâng lời chỉ giáo.

39. Hàn Tuyền Tử: là một vị ẩn sĩ học rất rộng của Tần.

40. Sơn Đông: đây trỏ sáu nước: Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ, Tề, Sở đều ở phía đông Hào Sơn của Tần.
 41. Vũ An Hầu: tức Bạch Khởi.

42. Trương Nghi: là người nước Nguỵ, một thuyết khách có tài ngang với Tô Tần. Ông đem kế liên hoành giúp Tần Huệ Vương, được dùng làm khách khanh (nghĩa là một chức khanh phong cho người nước khác tới giúp Tần).

5. TRƯƠNG NGHI THUYẾT TẦN HUỆ VƯƠNG

(Trương Nghi thuế Tần Huệ Vương)

Trương Nghi bảo vua Tần (Huệ Vương):

- Thần nghe nói: không biết mà nói thì là bất trí, biết mà không nói thì là bất trung. Làm bề tôi mà bất trung thì đáng chết. Tuy nhiên, thần xin đem hết kiến văn ra bày tỏ, xin tuỳ lượng đại vương định tội. Thần nghe nói thiên hạ, từ Yên ở phương Bắc tới Nguỵ ở phương Nam liên hợp với Kinh (tức Sở), cố kết với Tề, thu phục thêm nước Hàn mà thành thế hợp tung, tính sẽ hướng về phía Tây Nam để làm khó cho Tần. Thần trộm cười kế đó. “Đời có ba lẽ bại vong mà thiên hạ đều mắc cả”. Lời đó đúng với bọn đó chăng?

Thần nghe nói: “Loạn mà đánh trị thì bại vong, tà mà đánh chính thì bại vong, nghịch mà đánh thuận thì bại vong”. Nay kho tiền bạc, binh khí của thiên hạ 43 không đầy, lẫm lúa rỗng không, đem hết cả dân chúng ra, dàn cả mấy triệu quân, phía trước là dao, phía sau là búa mà đều bỏ chạy, không biết chiến đấu tới chết. Không phải là dân chúng không biết chiến đấu tới chết, tại bề trên họ không biết trị đấy 44 . Hứa thưởng mà không thưởng, đe phạt mà không phạt, thưởng phạt không thi hành cho nên dân không chịu chiến đấu tới chết.

Nay Tần ban hiệu lệnh rồi thi hành thưởng phạt, có công hay không có công thì cứ theo đúng sự thực mà xét. Từ khi lọt lòng mẹ ra cho tới khi lớn không từng thấy giặc, mà khi nghe có chiến tranh thì đứng dừng lại, phanh ngực ra, tay không mà sấn tới đạo nhọn, giẫm lên than hồng, quyết chết như vậy đó. Quyết chết và quyết sống khác nhau xa 45 , mà dân dám quyết chết là vì thích ganh đua với nhau, một có thể thắng mười, mười có thể thắng trăm, trăm có thể thắng ngàn, ngàn có thể thắng vạn, vạn có thể thắng cả thiên hạ.

Nay địa hình của Tần, cắt chỗ dài bổ vào chỗ ngắn thì vuông vức được vài ngàn dặm, lính giỏi có cả trăm vạn. Hiệu lệnh, thưởng phạt của Tần, địa thế lợi hại của Tần, trong thiên hạ không nước nào bằng. Lấy những sở trường đó mà tranh đấu với thiên hạ thì thiên hạ không đủ cho Tần thôn tính. Vì vậy mà hiểu tại sao Tần hễ chiến là thắng, hễ đánh là chiếm được, hễ tấn công là phá được. Mở đất được mấy ngàn dặm, đó là công lớn; nhưng quân đội đã mệt mỏi, nhân dân khốn khổ, của cải suy giảm, ruộng đất bỏ hoang, kho lẫm trống rỗng, chư hầu bốn bên không phục, không làm bá vương được; nguyên do có gì lạ đâu, chỉ tại bọn mưu thần không tận trung đấy thôi.

Thần xin nhắc lại chuyện xưa. Xưa Tề ở phương nam phá nước Kinh 46, ở trung ương phá nước Tống, ở phương tây qui phục được Tần, ở phương bắc dẹp được Yên, ở trung ương sai khiến được vua Hàn, vua Nguỵ; đất rộng mà binh mạnh, hễ chiến thì thắng, đánh đâu chiếm đấy mà ra lệnh cho thiên hạ. Con sông Tế trong, con sông Hà đục 47, hai con sông đó đủ làm chướng ngại; Trường thành 48 luỹ lớn đủ làm quan tái, Tề là nước năm lần đánh thắng, chỉ có một lần thua mà Tề bị tiêu diệt 49. Do đó mà xét chiến tranh là lẽ tồn vong của nước vạn thặng.

Vả thần lại nghe nói: “Đẽo gốc, đào rễ, đừng ở gần cái hoạ thì hoạ sẽ mất”. Tần đánh nhau với Kinh, đại phá Kinh, đánh úp đất Dĩnh, chiếm Động Đình, Ngũ Chử, Giang Nam; vua Kinh thua chạy, qua đông trốn ở Trần. Đương lúc đó, đuổi đánh quân Kinh, thì có thể chiếm được Kinh mà dân Kinh, đất Kinh sẽ làm lợi cho mình. Phía đông thắng Tề, Yên, giữa chiếm lấy Tam Tấn, như vậy chỉ một lần ra quân mà danh thành bá vương, chư hầu bốn bề triều phục. Nhưng bọn mưu thần không dùng kế đó, rút quân về, giảng hoà với Kinh, để cho Kinh thu lại được đất đã mất 50 , gom lại được dân đã tan, lập được ngôi vua, dựng được tôn miếu, thống nhất thiên hạ mà hướng về phía Tây làm khó cho Tần ở phía Tây. Đó là lần thứ nhất thiếu chính sách dựng nghiệp bá.

Những kẻ đồng chí 51 trong thiên hạ đem quân lại phía dưới Hoa Dương 52, đại vương dùng mưu phá được; binh tới ngoài thành Lương, vây quanh Lương vài tuần 53 thì có thể diệt Lương được. Lương tan rồi thì Nguỵ có thể chiếm được, Nguỵ chiếm rồi thì Kinh, Triệu không còn chí chiến đấu nữa, Kinh, Triệu hết chí chiến đấu thì Triệu nguy. Triệu nguy thì Kinh hoá cô lập; rồi phía đông sẽ thắng được Tề, Yên, phía trung ương sẽ xâm chiếm Tam Tấn. Như vậy chỉ một lần ra quân mà lập được cái danh bá vương, chư hầu bốn bề phải triều phục. Nhưng bọn mưu thần không dùng kế đó, rút quân về, giảng hoà với Nguỵ, để cho Nguỵ thu lại được đất đã mất, gom lại được dân đã tan, lập được ngôi vua, dựng được tôn miếu. Đó là lần thứ nhì thiếu chính sách dựng nghiệp bá.

Trước kia Nhương Hầu 54 làm tể tướng nước Tần, dùng binh một nước mà muốn lập công cho hai nước 55, cho nên quân lính suốt đời phải phơi sương dãi nắng ở ngoài, dân chúng ốm yếu bệnh hoạn ở trong mà danh bá vương không thành. Đó là lần thứ ba thiếu chính sách dựng nghiệp bá.

Triệu là nước ở trung ương 56, chỗ mà dân cư hỗn tạp; dân nông nổi khó dùng, hiệu lệnh không nghiêm, thưởng phạt không giữ đúng, địa thế bất lợi, người trên không dùng hết sức dân. Nước đó vốn có cái địa thế vong quốc, mà lại không lo cho dân chúng, đem hết dân chúng, quân sĩ giàn ra phía dưới Trường Bình 57 để tranh đất Thượng Đảng của Hàn 58, đại vương dùng mưu phá được mà giết Vũ An Quân (là Triệu Quát). Đương lúc đó, nước Triệu vua tôi ghét nhau, kẻ sang người hèn 59 không tin nhau, vậy mà không chiếm Hàm Đan 60. Nếu hạ Hàm Đan, làm chủ Hà Gian 61, rồi dẫn quân đi, phía tây đánh Tu Vũ 62, vượt Dương Trường 63, bắt Đại, Thượng Đảng phải đầu hàng. Đại có ba mươi sáu huyện, Thượng Đảng có mười bảy huyện; không dùng một chiếc mũ trụ, một chiếc áo giáp, không làm khổ một người dân, mà Tần chiếm được hết; không đánh Đại và Thượng Đảng mà hai đất đó về Tần. Đông Dương 64, Hà Ngoại 65 không đánh mà trở lại về Tề; từ Trung Sơn, Hô Trì 66 trở lên phía Bắc, không đánh mà về Yên. Nhưng lúc đó chiếm Triệu thì Hàn tất mất, Hàn mất thì Kinh, Nguỵ không đứng một mình được; Kinh, Nguỵ không đứng một mình được thì chỉ ra quân một lần là làm cho Hàn sụp, Nguỵ suy; kẹp nước Kinh rồi qua phía đông để làm cho Tề, Yên yếu, khai thông vàm sông Bạch Mã 67 để làm ngập nước Nguỵ; một lần ra quân mà Tam Tấn mất, những nước hợp tung đều thua, đại vương chắp tay (ngồi không) mà đợi, thiên hạ qui phục mình, danh thành bá vương. Nhưng mưu thần không dùng kế đó mà rút quân về, giảng hoà với Triệu. Đại vương sáng suốt mà binh Tần lại mạnh, sự nghiệp bá vương đã không thành mà lại bị các vong quốc kia lừa, đều do sự vụng về của bọn mưu thần. Vả lại Triệu đáng mất mà không mất; Tần đáng làm bá mà không được làm bá, thì thiên hạ biết mưu thần của Tần ra sao rồi: đó là một. Lại đem hết quân lính đánh Hàm Đan mà không hạ được, liệng cả binh giáp, sợ sệt bỏ chạy, thiên hạ lượng cái sức Tần ra sao rồi: đó là hai. Kéo quân về, họp ở Lý Hạ 68 , đại vương lại gom quân để chiến đấu, không đại thắng được, lại thua chạy nữa, thì thiên hạ lượng cái sức Tần ra sao rồi: đó là ba. Họ biết rõ mưu thần của ta ở trong triều, binh lực của ta ở ngoài cõi. Do đó mà xét, thần cho rằng kế hợp tung của thiên hạ há chẳng khó cho ta ư? Ở trong thì quân đội của ta mệt mỏi, dân chúng khốn đốn, của cải suy giảm, đồng ruộng bỏ hoang, kho lẫm trống rỗng; ở ngoài thì thiên hạ đồng lòng cố kết với nhau, xin đại vương lo lắng về việc đó.

Tục ngữ có câu: “Đau đáu lo lắng, cẩn thận từng ngày”. Nếu cẩn thận theo đạo thì chiếm được thiên hạ. Sao thần biết như vậy? Xưa, vua Trụ làm thiên tử, thống suất cả triệu quân lính trong thiên hạ, bên trái uống nước sông ở Kỳ Cốc, bên phải uống nước sông Viên Thuỷ 69. Nước sông Kỳ cạn mà nước Viên Thuỷ không chảy (vậy mà còn) lo đánh ông Vũ nhà Chu. Vũ Vương đem ba ngàn quân binh khí thô lậu đánh vua Trụ vào ngày Giáp Tí, đại phá quân Trụ, cầm tù vua Trụ, chiếm đất, chiếm dân, thiên hạ không buồn rầu gì cả. Trí Bá thống suất quân ba nước 70, đánh Triệu Tương Tử ở Tấn Dương, khơi sông cho nước chảy vào Tấn Dương, ba năm, thành bị hạ. Tương Chủ dùng mu rùa cỏ thi coi quẻ đoán cát hung, xem nên hàng nước nào. Rồi sai Trương Mạnh Đàm đi sứ, Trương Mạnh Đàm lén đi, phản bội lời ước với Trí Bá, nhờ được thêm quân của hai nước Hàn, Nguỵ tấn công nước của Trí Bá, cầm tù Trí Bá mà lập được sự nghiệp cho Tương Tử.

Nay đất Tần, cắt chỗ dài bổ vào chỗ ngắn thì vuông vức được vài ngàn dặm, lính giỏi có tới cả trăm vạn. Hiệu lệnh, thưởng phạt của Tần, địa thế lợi hại của Tần, trong thiên hạ không nước nào bằng. Lấy đó mà tấn công thiên hạ thì có thể thôn tính được thiên hạ. Thần không sợ chết, xin yết kiến đại vương, bàn cái kế công phá chính sách hợp tung của thiên hạ, thắng Triệu, diệt Hàn, bắt Kinh, Nguỵ phải thần phục, bắt Tề, Yên phải thân với Tần, để thành danh bá vương, thần phục chư hầu bốn bên. Xin đại vương thử nghe thuyết của thần, một lần ra quân mà quân trong thiên hạ không bị phá, Triệu không thua, Hàn không mất, Kinh, Ngụy không thần phục, Tề, Yên không kết thân với Tần, danh bá vương không thành, chư hầu bốn bên không triều phục, thì xin đại vương chém đầu thần đi để cho người trong nước biết rằng thần mưu tính mà không trung thành với chúa.

43. Thiên hạ: ở đây trỏ lục quốc.

44. Nguyên văn: bất năng sát (không biết giết). Diệp Ngọc Lân dịch là bất hành, không làm, không thi hành. Chúng tôi theo nghĩa câu sau mà dịch như vậy.

45. Ý nói quyết chết là việc rất khó.

46. Kinh: tức Sở.

47. Sông Tế, sông Hà: là hai con sông ở phía Tây Bắc nước Tề. Sông Tế chảy qua Sơn Đông, rồi ra biển, quanh năm nước trong; sông Hà tức Hoàng Hà, quanh năm nước đục.

48. Tức một khúc của Vạn lý trường thành sau này. Vua Tề xây khúc đó để chống với rợ Hung Nô phương bắc; sau Tần thống nhất Trung Hoa, xây tiếp cho ra tới biển.

49. Việc đó xảy ra ở đời Chu Noãn Vương, năm 31; Yên liên hiệp với Tần, Nguỵ, Hàn, Triệu đánh Tề, vua Tề thua chạy ra nước ngoài mà mất nước.

50. Việc xảy ra đời Chu Noãn Vương, năm 39. Sở Tương Vương thu được đất phía Đông, rồi đoạt lại được đất ở phía Tây, đánh Tần, ba bốn năm sau giảng hoà với Tần.

51. Trỏ những nước theo chính sách hợp tung.

52. Hoa Dương: nay thuộc tỉnh Hà Nam.

53. Mỗi tuần là mười ngày.

54. Nhương Hầu: tên là Nguỵ Nhiễm, là em của mẹ Tần Chiêu Vương, được phong cho đất Nhương, nên gọi là Nhương Hầu. Đất Nhương trước của Hàn sau bị Tần chiếm, nay ở Hà Nam.

55. Ý nói Nhương Hầu làm tể tướng nước Tần, mà vừa lo giúp Tần vừa ngầm lập riêng thành trì cho Nguỵ.

56. Triệu ở phía nam nước Yên, phía tây nước Tề, phía bắc nước Nguỵ, phía đông nước Tần, vì ở trung ương, dân các nước bốn bên thường lại cư trú, nên dân hoá hỗn tạp.

57. Trường Bình: nay thuộc tỉnh Sơn Tây.

58. Tướng Tần là Bạch Khởi đem quân đánh Hàn, chiếm đất Dã Vương, cắt đường tới Thượng Đảng, Thượng Đảng lâm nguy, đầu hàng Triệu. Tần đánh phá Thượng Đảng, dân chúng Thượng Đảng chạy qua Triệu, tướng Triệu là Liêm Pha đem quân tới Trường Bình để cứu Thượng Đảng. Sau Triệu lại sai tướng là Triệu Quát thay thế Liêm Pha, Tần sai Bạch Khởi thay thế Vương Hột, Bạch Khởi giết được Triệu Quát.

59. Sang trỏ các quan khanh, hèn trỏ các kẻ sĩ.

60. Hàm Đan: là kinh đô nước Triệu, nay ở tỉnh Trực Lệ.

61. Hà Gian: theo Hứa Khiếu Thiên là nơi biên giới chung của ba nước Yên, Triệu, Tề, nay ở tỉnh Trực Lệ. Ở hai bờ con sông Chương Hà, nên gọi là Hà Gian. Crump đoán là ở phía tây nước Nguỵ nhưng còn hồ nghi.

52. Tu Vũ: cũng có tên là Ninh Ấp, nay ở Hà Nam.

63. Dương Trường: có nghĩa là ruột dê, là một cửa ải hiểm yếu của Triệu. Chỗ đó đường hẹp mà quanh co, dài ba dặm nên có tên ấy. Nay thuộc tỉnh Sơn Tây, phía nam huyện Hồ Quan.

64. Đông Dương là đất của Triệu, nay ở Sơn Đông.

65. Hà Ngoại: là miền ở phía ngoài Thanh Hà, thuộc nước Tề, và ở biên giới Triệu, nay thuộc tỉnh Trực Lệ.

66. Trung Sơn, Hô Trì: Hô Trì là tên sông; Trung Sơn thuộc Triệu, phía bắc Hô Trì, sau bị Yên cướp.

67. Bạch Mã: nay ở tỉnh Hà Nam.

68. Lý Hạ: là tên một thành trì nay ở Hà Nam.

69. Kỳ Cốc: tên đất, nay thuộc tỉnh Hà Nam, ở đó có con sông Kỳ chảy qua. Viên Thuỷ: là sông Viên. Hai nơi đó gần kinh đô vua Trụ.

70. Ba nước: chỉ nước Hàn, nước Nguỵ và nước của Trí Bá.

7. TƯ MÃ THÁC BÀN VỀ LẼ NÊN ĐÁNH THỤC

(Tư Mã Thác thỉnh phạt Thục)

Tư Mã Thác 71 tranh luận với Trương Nghi ở trước mặt Tần Huệ Vương. Tư Mã Thác muốn đánh Thục, Trương Nghi bảo đánh Thục không bằng đánh Hàn. Vua Tần bảo:

- Xin cho biết vì lẽ gì?

Trương Nghi đáp:

- Kết thân với Nguỵ, Sở, đem binh xuống Tam Xuyên 72 bít những cửa của Hoạn Viên, Câu Thị, chặn đường Đồn Lưu, lúc đó quân Nguỵ dẹp được Nam Dương, quân Sở chiếm được Nam Trịnh, binh Tần đánh Tân Thành, Nghi Dương thẳng tiến tới ngoài thành của hai nước Chu, thảo tội vua Chu, rồi chiếm luôn Nguỵ, Sở, Chu tự biết không có cách nào thoát khỏi được, tất phải dâng bảo vật là chín cái đỉnh cho Tần. Làm chủ chín cái đỉnh rồi, cứ theo bản đồ cùng hộ tịch, mượn danh thiên tử mà ra lệnh cho thiên hạ, thiên hạ ai dám không nghe, như vậy tất dựng được nghiệp vương 73 . Còn như Thục là nước hẻo lánh ở phía Tây, làm lãnh tụ các rợ Nhung, Địch, đem quân đánh thì binh lính mỏi mệt, dân chúng lao khổ mà không thành danh 74 , dù chiếm được đất thì cũng không lợi. Thần nghe nói: “Tranh danh thì ở chốn triều đình, tranh lợi thì ở chỗ thị tứ”. Nay đất Tam Xuyên và nhà Chu là chỗ triều đình, thị tứ của thiên hạ, mà đại vương không tranh chỗ đó, lại đi tranh đất mọi rợ, thế là bỏ cái nghiệp vương xa quá 75 .

Tư Mã Thác bảo:

- Không phải vậy. Thần nghe nói: “Muốn cho nước giàu thì trước phải làm cho nước rộng; muốn cho binh mạnh thì trước phải làm cho dân giàu, muốn dựng nghiệp vương thì trước phải rộng thi hành nhân đức; ba cái đó mà đủ rồi thì tự nhiên được nghiệp vương trong thiên hạ”. Nay đất của đại vương còn hẹp, dân còn nghèo, cho nên thần xin tính cái việc dễ đã. Đất Thục kia là nước hẻo lánh ở phía tây, làm lãnh tụ các rợ Nhung, Địch, mà lại có cái loạn Kiệt, Trụ 76 , nước Tần mình đem quân đánh thì có khác gì dùng chó sói đuổi đàn dê. Chiếm đất của Thục thì đủ làm rộng đất của Tần, chiếm được tài nguyên của Thục thì đủ làm giàu dân Tần. Chỉ cần chỉnh lý quân bị, không phải làm khó nhọc dân chúng mà Thục vội phải hàng phục ngay. Như vậy diệt được một nước mà thiên hạ không cho mình là bạo ngược, chiếm hết vật quí trong bốn bể 77 mà chư hầu không cho mình là tham lam, thế là ta chỉ nhất cử mà danh lợi đủ hai, lại được cái tiếng tốt là trừ kẻ bạo, dẹp cảnh loạn. Nay đánh Hàn mà uy hiếp thiên tử, uy hiếp thiên tử thì mang tiếng xấu mà vị tất đã có lợi; mà lại mang tiếng bất nghĩa, vì đánh nước Chu là việc thiên hạ không ưa, như vậy tất nguy! Thần xin bày tỏ lý do: Chu là tôn thất 78 của thiên hạ; Hàn là nước thân thiện với Chu, Chu tự biết rằng sẽ mất chín cái đỉnh, Hàn tự biết là sẽ mất đất Tam Xuyên, thì hai nước đó tất hiệp lực với nhau mà mưu tính việc chống đỡ, rồi liên hợp với Tề, Triệu mà xin Sở, Nguỵ giải cứu, đem chín cái đỉnh tặng Sở, cắt đất tặng Nguỵ, đại vương làm sao ngăn được; vì vậy mà thần cho là nguy, không bằng đánh Thục là ổn hơn.

Huệ Vương khen:

- Phải. Quả nhân nghe lời ông.

Rồi đem binh đánh Thục, mười tháng chiếm được, bình định xong. Vua Thục tự xưng là hầu, dùng Trần Trang 79 làm tướng Thục. Thục đã qui phục rồi, Tần càng cường thịnh, phong phú, mà coi rẽ chư hầu.

   

71. Tư Mã Thác: là người nước Tần. Tư Mã nguyên là một chức quan, sau thảnh tên họ.

         72. Tam Xuyên: tức sông Hà, sông Lạc, sông Y, ba con sông đó bao Đông Chu và Tây Chu.

73. Dựng được nghiệp vương: nghĩa là làm thiên tử như nhà Chu.

74. Không thành danh: nghĩa là không được làm thiên tử.

75. Bỏ cái nghiệp vương xa quá: nghĩa là đánh Thục thì làm sao mà dựng được nghiệp vương.

76. Ý nói nước Thục có vua dâm loạn.

77. Bốn bể: tức là tứ di, bốn rợ.

Do câu này trong Nhĩ Nhã thích: “Cửu di, bát địch, thất nhung, lục man, vị chi tứ hải”, nghĩa là chín rợ di, tám rợ địch, bảy rợ nhung, sáu rợ man, gọi là tứ hải.

Có sách chép là Tây hải và giải thích là: biển có nhiều sản vật, nơi nào có nhiều sản vật, cũng gọi là “bể”. Thục ở phương Tây, mà lại có nhiều sản vật, nên gọi là Tây hải.

78. Ý nói: Chu được các nước chư hầu tôn trọng vì là thiên tử.

79. Trần Trang: là người nước Tần.

10. TẦN GIÚP NGUỴ ĐỂ NUỐT NGUỴ

(Sở công Nguỵ)

Sở đánh Nguỵ. Trương Nghi tâu với vua Tần (Huệ Vương):

- Nên giúp Nguỵ cho Nguỵ mạnh. Nguỵ mà thắng Sở thì sẽ nghe lời Tần, mà miền ở ngoài Tây Hà 80 sẽ về Tần; nếu không thắng, thì suy, không giữ được nước, đại vương sẽ chiếm lấy.

Vua Tần dùng kế Trương Nghi, đem vạn quân ở đất Bì Thị 81 , trăm cổ xe để giúp Nguỵ. Tê Thủ thắng Sở Uy Vương 82 , quân Nguỵ xong trận đó thì mệt mỏi, sợ Tần, quả nhiên phải dâng miền ở ngoài Tây Hà cho Tần.


80. Tức phía tây sông Hà, nay ở Thiểm Tây, Đại Lệ, Nghi Xuyên.

81. Bì Thị: là đất của Nguỵ, nay thuộc tỉnh Sơn Tây.

82. Tê Thủ: chỉ Công Tôn, tên là Diễn, người nước Nguỵ. Tê Thủ chính là một chức quan, Công Tôn Diễn làm chức đó.

Việc này xảy vào năm 39 đời Chu Hiển Vương.

11. TRẦN CHẨN ĐÁP VUA TẦN

(Điền Tân chi vị Trấn Chẩn thuế Tần Huệ Vương)

Điền Tân vì Trần Chẩn 83 mà tâu với Tần Huệ Vương:

- Thần e rằng đại vương cũng như vua nước Quách 84 mất. Tấn Hiến Công muốn đánh nước Quách mà ngại Chu Chi Kiều 85 còn ở triều. Tuân Tức 86 bảo: “Chu Thư 87 có câu: “Mỹ nhân làm cản trở lời can gián”. Rồi Tấn tặng vua Quách một đội nữ nhạc để làm loạn triều chính, Chu Chi Kiều can mà vua không nghe, bỏ đi, lúc đó Tấn mới đánh Quách, Quách thua. Rồi lại muốn đánh nước Ngu mà ngại Cung Chi Kỳ 88 còn ở triều. Tuân Tức bảo: Chu Thư có câu: “Trai trẻ mỹ miều làm mê được ông già”. Rồi Tấn tặng vua Ngu những trai trẻ mỹ miều, chỉ cho họ cách hại Cung Chi Kỳ; Cung Chi Kỳ can mà vua không nghe, rồi bỏ đi. Lúc đó Tấn mới đánh Ngu mà chiếm được.

Nay Tần tự xưng vương. Có thể làm hại Tần là Sở. Sở biết Hoành Môn Quân 89 khéo dùng binh, Trần Chẩn là bực minh trí cho nên trọng dụng Trương Nghi, cho coi việc năm nước mà sau này tất hãm hại hai người kia 90 .

Xin đại vương đừng nghe.

Trương Nghi quả nhiên lại từ biệt vua Tần rồi nhân đó nói về Chẩn. Vua Tần giận, không nghe. Trương Nghi lại nói xấu Trần Chẩn với vua Tần: Chẩn rong ruổi 91  ở khoảng Sở và Tần, nay Sở không thân thiện với Tần mà thân thiện với Chẩn, thế là Chẩn vì mình chứ không phải vì nước. Vả lại Chẩn muốn bỏ Tần mà qua Sở, đại vương không hay ư?.

Vua Tần bảo Trần Chẩn:

 Ta nghe người ta nói ông muốn bỏ Tần qua Sở; có thực vậy không?

Trần Chẩn đáp:

 Dạ có.

Vua Tần bảo:

Lời của Nghi quả là đáng tin.

Đáp:

 Chẳng phải chỉ riêng Nghi biết điều đó, kẻ đi đường, ai cũng biết cả 92 . Hiếu Kỷ 93  kính yêu cha mẹ, thiên hạ ai cũng muốn có con là Hiếu Kỷ, Tử Tư 94 trung với vua, trong thiên hạ vua nào cũng muốn có bề tôi là Tử Tư. Nô bộc tì thiếp mà bán ở trong làng trong xóm được thì là nô bộc tì thiếp tốt 95 ; thiếu nữ mà gả trong làng trong xóm được là thiếu nữ ngoan. Tôi mà không trung với đại vương thì Sở làm sao tin được là Chẩn tôi sẽ trung với Sở. Trung với đại vương mà còn bị đại vương bỏ, bây giờ tôi không qua Sở thì qua đâu?

Vua Tần bảo:

 Đúng.

Rồi bỏ việc đó đi.

83. Trần Chẩn: làm quan ở Tần, rồi sau qua Sở.

84. Quách: cũng gọi là Quắc, nay ở Thiểm Tây; khi nhà Chu dời đô qua phía đông (thời Đông Chu) thì nước Quắc dời qua Hà Nam ngày nay, sau bị Tấn diệt.

85. Chu Chi Kiều: là đại phu nước Quách.

86. Tuân Tức: là đại phu nước Tấn.

87. Chu Thư: một phần trong Thượng Thư, tức Kinh Thư.

88. Cung Chi Kỳ: là đại phu nước Ngu. Nước Ngu thuộc tỉnh Sơn Tây, sau bị Tấn diệt.

89. Hoành Môn Quân là tướng của Tần.

90. Chỉ Hoành Môn Quân và Trần Chẩn.

91. Rong ruổi: đây nghĩa là qua lại để giao thiệp với Sở.

92. Trong các bản đều có chữ viết (nói rằng) ở đây. Crump bỏ, chúng tôi cũng bỏ.

93. Hiếu Kỷ: người đời Ân, mỗi đêm dậy năm lần để hầu hạ cha mẹ; mẹ mất sớm, cha nghe lời vợ kế mà đuổi ông, ông chết ở xa nhà.

Rồi trong đoạn in nghiêng ở bài 11, khoảng giữa đoạn đó, câu: Hiếu Kỷ kính yêu cha mẹ, ai cũng muốn có con là Hiếu Kỷ, Crump đưa xuống dưới câu: Tử Tư trung với vua, trong thiên hạ vua nào cũng muốn có bề tôi là Tử Tư; như vậy cho hợp với thứ tự cũng của hai ý đó trong đoạn cuối bài 12, chỗ in nghiêng (đoạn vua Tần nhắc lại lời Trần Chẩn cho Trương Nghi nghe).

94. Tử Tư: tức Ngũ Viên, người nước Sở, làm quan nước Ngô, hay can gián vua Ngô, vua giận, muốn giết, ông tự tử, vua đem bêu đầu.

95. Vì nô bộc tì thiếp mà tốt thì ra khỏi nhà có người mua liền, không phải đem bán nơi xa. Bài này 11 và bài sau 12, chúng tôi theo bản của Thương Vụ ấn thư quán và của Tân Lục thư cục. Bản dịch của Crump (trang 85-87) mà ông đánh số là 14.11 và 14.12, gom cả hai bài làm một, sau khi đảo lên đảo xuống một vài đoạn, như vậy có thứ tự mạch lạc hơn.

Đoạn chúng tôi cho in nghiêng ở bài 11, khoảng giữa đoạn đó, câu: Hiếu Kỷ kính yêu cha mẹ, ai cũng muốn có con là Hiếu Kỷ, Crump đưa xuống dưới câu: Tử Tư trung với vua, trong thiên hạ vua nào cũng muốn có bề tôi là Tử Tư; như vậy cho hợp với thứ tự cũng của hai ý đó trong đoạn cuối bài 12, chỗ in nghiêng (đoạn vua Tần nhắc lại lời Trần Chẩn cho Trương Nghi nghe).



12. TRẦN CHẨN LẠI ĐÁP VUA TẦN

(Trần Chẩn khứ Sở chi Tần)

Trần Chẩn ở Sở về Tần. Trương Nghi tâu với vua Tần:

- Trần Chẩn là bề tôi của đại vương mà đem tình hình trong nước bày tỏ với Sở. Nghi tôi không thể cộng sự với hắn được, xin đại vương đuổi hắn đi. Đuổi hắn mà hắn lại qua Sở thì xin đại vương giết hắn đi.

Vua Tần đáp:

- Đuổi hắn thì làm sao hắn dám qua Sở nữa?

Rồi gọi Trấn Chẩn vào, bảo:

- Tôi có thể chiều ý ông 96 . Ông muốn đi đâu? Ta cho sửa soạn xe đưa ông.

Trần Chẩn đáp:

- Thần xin qua Sở.

Vua Tần bảo:

- Trương Nghi cho rằng ông sẽ qua Sở. Tôi cũng tự biết rằng ông sẽ qua Sở. Ông không qua Sở thì còn đi đâu nữa.

Chẩn đáp:

- Thần mà ra khỏi nước Tần thì tất là đi qua Sở để cho hợp với sự mưu tính của đại vương và của Nghi và làm cho thiên hạ thấy rõ rằng thần qua Sở có phải để giúp Sở không. Nước Sở có một người nọ có hai vợ. Có kẻ ghẹo người vợ lớn tuổi, bị người này mắng cho; rồi ghẹo người vợ nhỏ tuổi, người này tỏ ý thuận. Không bao lâu người chồng có hai vợ đó mất. Có người bạn hỏi người ghẹo vợ người ta đó: “Anh cưới cô lớn tuổi hay cưới cô nhỏ tuổi?”. Đáp: “Cưới cô lớn tuổi”. Hỏi: “Cô lớn tuổi đã mắng anh, còn cô nhỏ tuổi đã thuận anh. Thế thì sao lại cưới cô lớn tuổi?”. Đáp: “Trước kia ghẹo người ta thì muốn cho người ta thuận mình; nay muốn cưới làm vợ thì muốn được người ta trung thành với mình mà mắng lại những kẻ sàm sỡ”.

Nay vua Sở Hoài Vương là bực minh quân, mà Chiêu Dương là bực tướng quốc hiền tài. Chẩn là bề tôi Tần mà nếu thường đem tình hình của Tần bày tỏ cho Sở biết thì vua Sở tất sẽ không dùng tôi mà Chiêu Dương tất sẽ không chịu cộng sự với tôi. Như vậy sẽ đuổi tôi đi mà thiên hạ sẽ thấy rõ rằng tôi qua Sở không phải để giúp Sở.

                                                          *

Chẩn ra, Trương Nghi vào, hỏi vua Tần:

- Trần Chẩn sẽ đi đâu?

Vua Tần đáp:

- Cái ông Chẩn đó, quả là bậc biện sĩ trong thiên hạ. Ông ta nhìn chăm chăm quả nhân mà bảo: “Chẩn tôi tất phải qua Sở”. Quả nhân không biết nói sao nữa. Rồi quả nhân hỏi: “Ông mà tất qua Sở thì lời của Nghi đáng tin quá”. Chẩn đáp: “Không phải chỉ riêng có Nghi nói như vậy, kẻ đi đường ai cũng nói như vậy. Xưa kia Tử Tư trung thành với vua, trong thiên hạ vua nào cũng muốn có Tử Tư là bề tôi; Hiếu Kỷ có hiếu với cha mẹ, ai cũng muốn có con là Hiếu Kỷ. Cho nên nô bộc tì thiếp mà bán ở trong làng trong xóm được thì là nô bộc tì thiếp tốt; thiếu nữ mà gả trong làng trong xóm là thiếu nữ ngoan. Tôi mà không trung với đại vương thì Sở làm sao tin được rằng Chẩn tôi sẽ trung với Sở. Trung với đại vương mà còn bị đại vương bỏ, bây giờ Chẩn tôi không qua Sở thì qua đâu?

Vua Tần cho lời đó là phải nên trọng đãi Chẩn.

96. Các bản chữ Hán chúng tôi dùng đều chép: Ngô năng thính tử ngôn. Crump dịch là: Ta không dùng lời khuyên của ông được. Cơ hồ như Crump cho rằng có thêm chữ bất trước chữ năng. Ông bạn Trương Cam Khải cho mượn cuốn Quốc Sách tinh hoa (Thế giới thư cục) của Tần Đồng Bồi chú dịch, tăng đính thì đúng là: Ngô năng thính tử ngôn. Crump sai.

TẦN II

1. SỞ MẮC MƯU TRƯƠNG NGHI

(Tề trợ Sở công Tần)

Tề giúp Sở đánh Tần, chiếm Khúc Ốc 97 . Sau Tần muốn đánh Tề (để phục thù) nhưng Tề, Sở thân thiện với nhau, nên (Tần) Huệ Vương khó nghĩ, hỏi Trương Nghi:

- Ta muốn đánh Tề mà Tề, Sở hoà hảo với nhau, ta lấy làm khó nghĩ, làm sao bây giờ?

Trương Nghi đáp:

- Xin đại vương cho sửa soạn xe cùng tiền bạc, thần xin đi thử xem.

Trương Nghi xuống phương nam, yết kiến vua Sở (Hoài Vương), tâu:

- Người mà vua tệ ấp chúng tôi quí nhất, không ai hơn đại vương, người mà Trương Nghi tôi rất mong được thờ nhất cũng không ai hơn đại vương. Người mà vua tệ ấp chúng tôi ghét nhất không ai hơn vua Tề (Mẫn Vương), người mà Trương Nghi tôi ghét nhất cũng không ai hơn vua Tề. Nay tội vua Tề đối với vua tệ ấp chúng tôi rất lớn, chúng tôi muốn đánh Tề mà đại quốc thân thiện với Tề, thành thử vua tệ ấp chúng tôi không phụng sự đại vương được mà Trương Nghi tôi không làm bề tôi đại vương được. Nếu đại vương có thể đóng cửa ải, tuyệt giao với Tề thì tôi xin tâu với vua Tần dâng đại vương đất Thương Ô vuông sáu trăm dặm, như vậy Tề (không được Sở làm hậu viện) tất yếu, yếu thì tất bị đại vương sai khiến. Thế là phía bắc làm cho Tề yếu, phía tây được ân huệ của Tần, mà lại được cái lợi làm chủ đất Thương Ô, một việc mà được ba cái lợi.

Vua Sở rất mừng, tuyên bố ở triều đình:

- Quả nhân được đất Thương Ô vuông sáu trăm dặm.

Quần thần có mặt đều mừng vua Sở. Duy có Trần Chẩn vô yết kiến sau là không mừng. Vua Sở bảo:

- Quả nhân không làm nhọc một tên lính, không làm hại một người dân mà được đất Thương Ô vuông sáu trăm dặm, quả nhân tự cho là khôn, các quan sĩ đại phu đều mừng quả nhân, duy có ông là không mừng, tại sao vậy?

Trần Chẩn đáp:

- Thần cho rằng đã không thể làm chủ được đất Thương Ô mà còn thêm tai vạ nữa, cho nên không dám mừng càn.

Sở Vương hỏi:

- Sao vậy?

Đáp:

- Tần sở dĩ kính nể đại vương vì đại vương thân với Tề. Nay đất Thương Ô chưa có thể làm chủ được mà Tề đã tuyệt giao với mình trước rồi, thì Sở hoá cô lập, Tần còn kính nể gì một nước cô lập? Vả lại mình đòi được đất trước rồi mới tuyệt giao với Tề thì Tần tất không chịu; mình tuyệt giao với Tề trước rồi mới đòi đất thì tất bị Trương Nghi gạt; bị Trương Nghi gạt, đại vương tất hối hận, như vậy là phía tây thêm lo vì Tần, phía bắc tuyệt giao với Tề, hai nước đó tất đem quân đánh mình.

Vua Sở không nghe, bảo:

- Việc ta làm là phải rồi! Ông đừng nói nữa, đợi rồi sẽ biết.

Vua Sở sai người đi sứ tuyệt giao với Tề. Sứ giả chưa về, lại sai một người nữa đi. Trương Nghi trở về Tần, sai người đi qua Tề ngầm kết giao với Tề. Sở sai một vị tướng lại nhận đất Thương Ô của Tần. Trương Nghi về tới Tần rồi, cáo bệnh không vô triều. Vua Sở bảo:

- Ông Trương cho rằng quả nhân không tuyệt giao với Tề ư?

Rồi sai dũng sĩ qua cự nự vua Tề. Trương Nghi biết rằng Sở đã tuyệt giao với Tề rồi, mới ra tiếp sứ giả, bảo:

- Xin ông nhận đất từ đó tới đó, bề ngang rộng sáu dặm.

Sứ giả đáp:

- Tôi nghe nói sáu trăm dặm, chứ không nghe nói sáu dặm.

Nghi bảo:

- Nghi tôi vốn nghèo, làm sao có được sáu trăm dặm?

Sứ giả về tâu với vua Sở. Vua Sở rất căm, muốn đem quân đánh Tần. Trần Chẩn hỏi:

- Thần được phép nói chăng?

Vua Sở đáp:

- Được, ông nói đi.

Chẩn tâu:

- Đánh Tần, kế ấy hỏng, đại vương nhân việc này mà hối lộ cho Tần một đô ấp lớn, để Tần giúp mình đánh Tề; thế là mình mất cho Tần mà được đất của Tề để bù lại mà nước Sở mới bảo toàn được. Nay đại vương đã tuyệt giao với Tề, mà lại trách Tần là gạt đại vương, thế là làm cho Tề và Tần liên hợp với nhau, Sở tất nguy to.

Vua Sở không nghe, đem quân đánh Tần, Tần liên hợp với Tề, Hàn cũng theo giúp (Tần và Tề), quân Sở đại bại ở Đỗ Lăng. Đất đai, dân chúng nước Sở đâu phải là yếu đuối, suy nhược, mà xuýt nguy vong vì không nghe lời Trần Chẩn mà quá nghe lời Trương Nghi.

97. Khúc Ốc: vốn của Nguỵ, lúc này Tần đã chiếm được. Nay ở tỉnh Hà Nam.
Việc này xảy ra thời Khuất Nguyên và Khuất Nguyên rất đau lòng cho tổ quốc (Sở).

2. TRẦN CHẨN THUYẾT VUA TẦN

(Sở tuyệt Tề)

Sở tuyệt giao với Tề, Tề đem quân đánh Sở, Trần Chẩn bảo vua Sở:

- Đại vương nên cắt đất để phía đông giảng hoà với Tề, phía tây giảng hoà với Tần.

Vua Sở sai Trần Chẩn qua Tần, vua Tần bảo:

- Ông là người Tần, quả nhân với ông có tình cố cựu 98 . Quả nhân bất tài, không thể tự coi việc nước được, cho nên ông bỏ quả nhân mà qua thờ vua Sở. Nay Tề, Sở đánh nhau, có người bàn nên cứu, có người bàn không nên cứu. Ông có thể nào lấy lòng trung mưu tính cho chúa công của ông rồi, còn dư tài thì tính giúp quả nhân được không?

Trần Chẩn đáp:

- Đại vương có nghe câu chuyện người nước Ngô qua chơi nước Sở không? Vua Sở rất mến người đó, người đó đau, nên sai người lại thăm.

Vua Sở hỏi: “Ông ta có thực đau không? Hay là nhớ cố quốc đấy?”. Kẻ tả hữu đáp: “Thần không rõ ông ta có nhớ cố quốc không. Nếu nhớ thì tất hát những bài ca nước Ngô”.

Nay Chẩn tôi vì đại vương mà hát bài ca nước Ngô. Đại vương có nghe câu chuyện Quản Dữ 99 không? Có hai con hổ tranh nhau một người mà vồ nhau. Quản Tranh Tử muốn đâm hai con hổ đó. Quản Dữ can:

- Hổ là loài thú dữ, thích thịt người, cho thịt người là ngon.

Nay hai hổ tranh nhau một người mà vồ nhau, con nhỏ tất chết, con lớn tất bị thương. Ông đợi lúc đó đâm con bị thương thì một lần mà được cả hai con, không mệt sức phải chiến đấu với một con (còn mạnh) mà được tiếng là đâm cả hai con.

Nay Tề, Sở đánh nhau, thì Tề tất thua, lúc đó đại vương đem quân cứu Tề, được cái lợi là cứu Tề mà không có cái hại đánh Sở. Tôi bày mưu như vậy với đại vương, còn nghe hay không, biết trước sau hay không là tuỳ đại vương. Mưu tính là gốc của việc làm, nghe lời phải hay không là then chốt của sự tồn vong. Mưu tính sai mà nghe theo thì khó giữ được nước lắm. Cho nên có câu: “Mưu kế nào mà người ta đã cân nhắc kỹ lưỡng thì khó có thể lầm; nghe mà hiểu được đầu đuôi thì không mê loạn”.

98. Vì trước Trần Chẩn làm quan ở Tần.
99. Quản Dữ: cũng gọi là Biện Dữ. Trong Sử ký gọi là Quản Thụ Tử.

5. BIỂN THƯỚC MẮNG VUA TẦN

(Y Biển Thước kiến Tần Vương)

Y sư Biển Thước 100 yết kiến Tần Vũ Vương. Vũ Vương kể bệnh, Biển Thước xin trị. Kẻ tả hữu can:

- Đại Vương đau ở phía trước tai, phía dưới mắt. Trị thì chưa chắc đã hết mà tai lại hoá điếc, mắt lại hoá mờ mất.

Vũ Vương đem lời đó nói với Biển Thước, Biển Thước giận, liệng cục đá xuống, bảo:

- Đại vương vấn kế bực trí giả mà lại nghe lời kẻ ngu để hỏng việc. Điều đó cho tôi thấy chính trị của nước Tần; chỉ vì một hành động của đại vương mà mất nước.

100. Biển Thước là một y sư danh tiếng đời vua Hiên Viên. Thời Chiến Quốc, đời Triệu Giản Tử có một y sư họ Tần, tên Việt Nhân, nhà ở đất Lỗ cũng rất có tài, nên được người đương thời gọi là Biển Thước.

6. CAM MẬU SỢ TẦN VŨ VƯƠNG NGHE LỜI GIÈM PHA

(Tần Vũ Vương vị Cam Mậu)

Tần Vũ Vương bảo Cam Mậu:

- Quả nhân muốn đem chiến xa vào đất Tam Xuyên 101 để cướp ngôi nhà Chu, như vậy quả nhân chết rồi danh sẽ bất hủ.

Cam Mậu đáp:

- Thần xin qua Nguỵ dụ Nguỵ đánh Hàn.

Vũ Vương sai Hướng Thọ đi theo để phụ tá. Cam Mậu tới Nguỵ, bảo Hướng Thọ: “Ông về cáo với vua Tần: “Vua Nguỵ nghe mưu kế của tôi, nhưng xin đại vương đừng đánh Hàn vội”. Như vậy việc mà thành thì công thuộc cả về ông”.

Hướng Thọ trở về, báo với vua Tần. Vua Tần thân đi đón Cam Mậu ở Tức Nhưỡng. Khi Cam Mậu tới, vua Tần hỏi nguyên do tại sao không đánh Hàn, Cam Mậu đáp:

- Nghi Dương là một huyện lớn; Thượng Đảng, Nam Dương là những nơi của cải súc tích đã lâu đời, tuy gọi là huyện mà thực ra là quận. Nay đại vương vượt nhiều nơi hiểm trở, xông pha cả ngàn dặm để đánh, thần e khó được. Thần nghe nói Trương Nghi phía tây thôn tính đất Ba Thục, phía bắc chiếm miền ở ngoài Tây Hà, phía nam lấy được Thượng Dung; thiên hạ không khen Trương Nghi mà ca tụng tiên vương 102 là hiền. Nguỵ Văn Hầu sai tướng là Nhạc Dương đánh Trung Sơn ba năm mà chiếm được, Nhạc Dương về kể công, Văn Hầu đưa cho ông ta coi một tráp đầy những thư nói xấu ông ta. Nhạc Dương cuối đầu sát đất, lại hai lạy, tâu: “Đó không phải là công của thần mà là nhờ uy lực của bệ hạ”. Nay thần là kẻ bề tôi ở xa; khi Xư Lý Tật, Công Tôn Diễn giúp Hàn mà thuyết phục đại vương, đại vương tất nghe hai ông ấy. Như vậy là đại vương gạt nước Nguỵ mà thần bị Công Trọng Xỉ 103 oán.

Xưa kia, Tăng Tử 104 ở đất Bí. Đất Bí có một kẻ sát nhân trùng tên, họ với Tăng Tử. Người ta báo tin cho bà mẹ Tăng Tử: “Tăng Sâm đã giết người!”. Bà mẹ Tăng Tử bảo: “Con tôi không khi nào giết người!”, rồi lại thản nhiên ngồi dệt. Được một lát, có người lại nói: “Tăng Sâm đã giết người!”. Bà mẹ Tăng Tử vẫn thản nhiên ngồi dệt. Được một lát, lại có người nói: “Tăng Sâm giết người!”. Lần này, bà mẹ Tăng Tử sợ, liệng thoi, leo tường mà trốn. Tăng Sâm hiền như vậy, bà mẹ ông ta tin ông ta như vậy mà có ba người nghi thì bà mẹ hiền đó cũng không tin con được nữa. Nay thần không có đức bằng Tăng Sâm, mà đại vương tin thần lại không bằng bà mẹ Tăng Tử tin con. Thần e rằng số người nghi thần không phải chỉ có ba, vậy đại vương phải vì thần mà liệng thoi mất.

Vua Tần bảo:

- Quả nhân không nghe họ đâu, xin thề với ông.

Và hai bên thề với nhau ở Tức Nhưỡng. Rồi mạnh mẽ tấn công Nghi Dương, năm tháng mà không hạ được. Xư Lý Tật, Công Tôn Diễn đều can vua, vua muốn nghe, vời Cam Mậu vào cho hay. Cam Mậu đáp:

- Tức Nhưỡng còn đó 105 .

Vua Tần bảo:

- Phải.

Rồi dùng hết binh lực, lại sai Cam Mậu tấn công nữa và hạ được Nghi Dương.

101   Miền Tam Xuyên lúc đó thuộc Hàn. Hàn ở sát Chu. Đánh Hàn tức hiếp Chu.

102   Chỉ Huệ Vương, cha của Vũ Vương.

103   Công Trọng Xỉ: là một bề tôi của nước Hàn.

104   Tăng Tử: tức Tăng Sâm, môn đệ của Khổng Tử, hiệu là Tử Dư.

105   Ý muốn nhắc lại lời thề với nhau hồi trước.



7. PHÙNG CHƯƠNG GẠT VUA SỞ

(Nghi Dương chi dịch)

Trong trận Nghi Dương, Phùng Chương bảo vua Tần:

- Không hạ được Nghi Dương thì Hàn, Sở thừa lúc ta suy nhược mà đánh, nước ta sẽ nguy. Vậy nên hứa cho Sở đất Hán Trung để Sở đẹp lòng. Sở đẹp lòng mà không tiến quân thì Hàn tất lẻ loi, không làm gì được Tần.

Vua Tần đáp:

- Phải.

Rồi sai Phùng Chương đem Hán Trung hứa với Sở. Hạ được Nghi Dương. Vua Sở nhắc lời hứa đòi Phùng Chương phải nộp đất Hán Trung.

Phùng Chương tâu với vua Tần:

- Đại vương đuổi thần đi.

Rồi, vua Tần đáp vua Sở:

- Quả nhân có hứa gì đâu?


8. CAM MẬU ĐÁNH NGHI DƯƠNG I

(Cam Mậu công Nghi Dương)

Cam Mậu đánh Nghi Dương, ba lần thúc trống mà quân không tiến tới được. Hửu tướng của Tần có một viên uý thưa với Cam Mậu:

- Ông không lượng sức, tất nguy to.

Cam Mậu bảo:

- Ta là người xa lạ mà được làm tể tướng ở Tần là nhờ đem việc Nghi Dương ra dẫn dụ vua. Nay đánh Nghi Dương mà không chiếm được, ở trong thì bị Công Tôn Diễn, Xư Lý Tật lật, ở ngoài thì bị Công Trọng (Xỉ) đem việc nước Hàn làm khốn, thế là không có ngày lập công được nữa 106 . Ngày mai thúc trống lần nữa mà không hạ được thì đất Nghi Dương này là nơi chôn ta!

Rồi xuất tiền riêng ra để tăng tiền thưởng cho quân lính, hạ được Nghi Dương.


106. Nguyên văn: Thị vô phạt chi nhật dã. Crump dịch là: Ở đâu thì ngày ra trận cũng là ngày cuối cùng của ta. Chúng tôi đoán Cam Mậu muốn nói: đàng nào thì cũng chết.

9. CAM MẬU ĐÁNH NGHI DƯƠNG II

(Nghi Dương vị đắc)

Nghi Dương chưa chiếm được mà quân Tần bị thương đã nhiều, Cam Mậu muốn ngưng binh. Tả Thành bảo Cam Mậu:

- Ông ở trong thì bị Xư Lý Tật, Công Tôn Diễn công kích, ở ngoài thì bị Hàn Xỉ 107 oán, nay ông dụng binh mà không lập được công thì ông tất nguy. Ông nên tiến đánh Nghi Dương, hạ được Nghi Dương thì công ông lớn lắm. Xư Lý Tật, Công Tôn Diễn không có cớ công kích ông nữa, mà quân Tần chết nhiều, sẽ thâm oán hai ông đó (là những người đã bày mưu đánh Nghi Dương).

107Hàn Xỉ: tức Công Trọng, làm tể tướng nước Hàn.

10. HÀN, SỞ ĐỀ PHÒNG NHAU

(Nghi Dương chi dịch)

Trong trận Nghi Dương, Sở phản Tần mà liên hợp với Hàn. Vua Tần lo. Cam Mậu tâu:

- Sở tuy liên hợp với Hàn nhưng không vì Hàn mà khai chiến với Tần đâu. Hàn cũng sợ nếu đánh nhau với Tần thì Sở sẽ gây rối ở phía sau, vậy Hàn, Sở tất phải đề phòng nhau. Sở nói rằng thân thiết với Hàn mà không nhắc lại oán cũ với Tần, vì vậy mà thần biết rằng Sở phải đề phòng Hàn.


11. CAM MẬU KHUYÊN VUA TẦN

(Cam Mậu)

Vua Tần bảo Cam Mậu:

- Người Sở đi sứ qua nước mình, có nhiều người giỏi, tranh biện với quả nhân, nhiều lần quả nhân đuối lý. Làm sao bây giờ?

Cam Mậu đáp:

- Xin đại vương đừng lo. Người giỏi mà đi sứ thì đại vương đừng nghe họ biện thuyết, người dở mà đi sứ thì đại vương hãy nghe. Như vậy thì (vua Sở) sẽ dùng kẻ dở mà không dùng kẻ giỏi, mà đại vương áp đảo được.


12. TÔ ĐẠI GIÚP CAM MẬU

(Cam Mậu vong Tần)

Cam Mậu bỏ Tần 108 , định trốn qua Tề, ra khỏi cửa ải (Hàm Cốc), gặp Tô Tử 109 hỏi:

- Ông có nghe câu chuyện người con gái chưa chồng trên bờ sông không?

Tô Tử đáp:

- Chưa.

Cam Mậu kể:

- Trên bờ sông nọ, có một người con gái chưa chồng, nhà nghèo, không có đèn đóm. Các người con gái chưa chồng ở chung quanh bàn với nhau muốn đuổi nàng đi 110 . Người con gái nhà nghèo không có đèn đóm đó, khi sắp đi, bảo các người con gái chưa chồng kia: “Tôi vì nhà không có đèm đóm, nên thường tới quét nhà, trải chiếu cho các chị. Các chị tiếc chi chút ánh sáng thừa thiếu vào bốn bức vách? Xin các chị gia ân cho tôi, tôi có làm hại gì các chị đâu. Tôi tự cho là giúp ích được cho các chị, sao lại đuổi tôi đi?”. Các người con gái chưa chồng kia cho rằng lời đó đúng, nên giữ lại.

Nay tôi là kẻ bất tiếu, vua Tần đuổi mà ra khỏi cửa ải, xin quét nhà và trải chiếu cho túc hạ, túc hạ đừng đuổi tôi đi.

Tô Tử bảo:

- Được. Tôi xin giúp cho ông được trọng dụng ở Tề.

Rồi qua phía tây thuyết vua Tần (Chiêu Tương Vương):

- Cam Mậu là người hiền, không phải là kẻ sĩ tầm thường, ở Tần đã được trọng dụng mấy đời. Từ Hào Tái, Khê Cốc 111 địa thế chỗ nào hiểm trở đều biết rõ. Nếu để ông ta giúp Tề kết thân với Hàn, Nguỵ và mưu tính chống Tần thì không lợi cho Tần.

Vua Tần hỏi:

- Vậy thì phải làm sao?

Tô Đại đáp:

- Nên đem nhiều đồ lễ và bỗng lộc mà đón ông ấy về; ông ấy về thì an trí ông ấy ở Hoè Cốc, suốt đời không cho ra khỏi nơi đó, như vậy thiên hạ làm sao mà mưu tính hại Tần được.

Vua Tần bảo:

- Phải.

Rồi phong cho chức thượng khanh, giao cho tướng ấn, đón Cam Mậu ở Tề, Cam Mậu không tới. Tô Đại dối trá bảo Tề Mẫn Vương:

- Cam Mậu là người hiền. Nay Tần đem chức thượng khanh và tướng ấn để đón. Mậu mang ơn đại vương nên không đi, chỉ xin được làm bề tôi đại vương. Đại vương tính lấy lễ gì đãi ông ta? Nếu đại vương không giữ ông ta lại, thì ông ta tất không mang ơn đại vương. Họ được Cam Mậu là bậc hiền tài giúp sức mà chuyên dùng dân của cường Tần, thì ta khó mà thắng được.

Vua Tề bảo:

- Phải.

Rồi phong cho Cam Mậu chức thượng khanh và hậu đãi ông ta.

  108. Lúc đó Cam Mậu bị Hương Thọ, Công Tôn Diễn gièm pha, phải bỏ trốn đi.

109Tô Tử: tức Tô Đại, lúc đó đi sứ cho Tề và qua Tần nên gặp Cam Mậu.
110Vì ngại đêm hôm nàng lén lút làm bậy mà mang tiếng cho cả xóm.
111
Hào Tái: có lẽ là biên giới ở núi Hào Sơn.
Khê Cốc: trong Sử ký gọi là Quỷ Cốc, nay ở Thiểm Tây.

13. VUA TẦN ĐUỔI CÔNG TÔN DIỄN

(Cam Mậu tướng Tần)

Cam Mậu làm tể tướng nước Tần. Vua Tần (Vũ Vương) yêu Công Tôn Diễn, hứa có cơ hội sẽ phong chức cao cho, vì vậy bảo Công Tôn Diễn:

- Quả nhân sắp phong ông làm tể tướng.

Một kẻ lại của Cam Mậu giữa đường vô tình nghe được, cho Cam Mậu hay. Cam Mậu bèn vào yết kiến vua:

- Đại vương lựa chọn tể tướng giỏi, xin lạy mừng đại vương.

Vua hỏi:

- Quả nhân giao việc nước cho ông, sao lại còn được tể tướng nào giỏi nữa?

Đáp:

- Đại vương sắp phong tê thủ 112 làm tể tướng mà.

Vua hỏi:

- Ông nghe ai nói vậy?

Đáp:

- Tê thủ cho thần hay.

Vua Tần giận tê thủ bép xép, đuổi tê thủ đi.

112Tức Công Tôn Diễn (tê thủ là một chức quan).

16. TUYÊN THÁI HẬU BẮT NGUỴ XÚ PHU CHẾT THEO MÌNH

(Tần Tuyên thái hậu ái Nguỵ Xú Phu)

Tuyên thái hậu nước Tần yêu Nguỵ Xú Phu. Thái hậu đau nặng gần chết, ra lệnh: “Chôn ta thì phải chôn sống Nguỵ Tử theo ta”. Nguỵ Tử lo.

Dung Nhuế hỏi thái hậu:

- Thái hậu cho rằng chết rồi còn biết không?

Thái hậu đáp:

- Không.

Bảo:

- Thần linh như thái hậu, biết rõ rằng chết rồi thì không còn biết nữa. Vậy sao bắt người mà hồi sống mình yêu phải chết theo rồi chôn ở bên cạnh xác chết vô tri của mình, như vậy ích gì đâu? Còn như bảo rằng chết rồi còn biết thì tiên vương uất hận đã lâu, thái hậu lo cứu lỗi của mình còn không xong, đâu có rảnh mà tư tình với Nguỵ Xú Phu nữa?

Thái hậu đáp:

- Phải.

Rồi bỏ việc đó.


TẦN III

2. KHUYÊN YÊN ĐÁNH TỀ

(Tần khách khanh Tạo thuế Nhương Hầu)

Khách khanh của Tần tên là Tạo bảo Nhương Hầu:

- Tần phong ông đất Đào 113 , ông nhờ thế lực của Tần mà phục chế các nước khác được vài năm. Việc đánh Tề mà thành, Đào (được đất của Tề) mà thành nước vạn cổ xe, đứng đầu các nước nhỏ mà chầu thiên tử, thiên hạ tất nghe, sự nghiệp như ngũ bá 114 . Đánh Tề mà không thành, Đào sẽ bị các nước láng giềng ghét mà không chống cự nổi. Cho nên đánh Tề là cái lẽ tồn vong của Đào. Ông muốn thành công, sao không sai người qua bảo tướng quốc nước Yên như vầy: “Thánh nhân không tạo được thời thế, nhưng thời thế tới thì không bỏ lỡ. Vua Thuấn tuy hiền, nếu không gặp vua Nghiêu thì không được làm thiên tử 115 ; vua Thang, vua Vũ tuy hiền, nếu không gặp Kiệt, Trụ thì không lập được nghiệp vương 116 , cho nên hiền như Thuấn, Thang, Vũ mà không gặp thời thì cũng không thành đế, vương. Nay đánh Tề, là thời cơ lớn của ông đấy. Nhân sức của thiên hạ mà đánh nước thù địch là Tề, rửa cái nhục của Huệ Vương, lập được cái công của Chiêu Vương 117 , trừ được cái hại cho vạn đời; đó là cái lợi lâu dài của Yên và là cái danh lớn của ông. Kinh Thư có câu: “Trồng đức không gì bằng tưới bón nó; trừ hại không gì bằng trừ cho hết”. Ngô không diệt Việt thì Việt tất diệt Ngô 118 ; Tề không diệt Yên thì tất diệt Tề 119 . Tề bị Yên diệt, Ngô bị Việt diệt, đó là do trừ hại mà không trừ cho hết. Không nhân thời này mà lập công cho ông, trừ hại cho ông, nếu Tần bỗng vì việc khác xảy ra mà về phía Tề, Tề với Triệu liên hiệp, thì Tề thù ông tất sâu. Mang mối thù ông, họ sẽ đánh Yên, sau ông có hối cũng không kịp. Ông nên dốc hết binh của Yên mà đánh gấp Tề đi, thiên hạ sẽ theo ông; như cùng nhau báo cái thù cha con. Nếu diệt được Tề, ông sẽ được phong đất ở Hà Nam, thành nước lớn, tiếp thông với Trung Quốc 120 , phía nam liên kết với nước lân cận là Đào, đời đời khỏi lo. Xin ông chuyên tâm vào việc đánh Tề mà đừng lo gì khác nữa.


113. Đào: nay ở tỉnh Sơn Tây. Trước Nguỵ Nhiễm được phong ở đất Nhương, nên gọi là Nhương Hầu.

114. Ngũ bá: năm nước chư hầu mạnh đời Xuân Thu: Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tần Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Công.

115. Vì vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn.

116. Vì vua Thành Thang diệt vua Kiệt để dựng nhà Thương; vua Vũ Vương diệt vua Trụ để dựng nhà Chu.

117. Thời vua Chiêu Vương phong Nhạc Nghị làm tướng, đánh Tề, phá được 70 thành; khi vua Chiêu Vương mất, con là Huệ Vương nghi Nhạc Nghị làm phản, Nhạc Nghị phải chạy trốn qua Triệu; Điền Đan nước Tề phá Yên, chiếm lại được những đất đã mất về Tề; vì vậy nói là rửa cái nhục cho Huệ Vương, lập được cái công của Chiêu Vương (Coi bài Yên II 10).

118. Đời Chu Kính Vương năm 26, Ngô Vương là Phù Sai thắng Việt Vương là Câu Tiễn, rồi cho Câu Tiễn cầu hoà; tới đời Chu Nguyên Vương năm thứ ba, Việt Vương mạnh lên, diệt lại được Ngô.

119. Đời Chu Noản Vương năm đầu, Tề đánh Yên, chiếm được Yên. Dân nước Yên đưa Chiêu Vương lên ngôi, ba mươi năm sau, Yên đánh lại Tề, Tề thua.

120. Tiếng Trung Quốc thời đó trỏ miền trung ương của Tàu, tức miền ở Chu, Hàn, Nguỵ, hai bên bờ sông Hoàng Hà.

8. PHẠM TUY DÂNG THƯ LÊN TẦN CHIÊU VƯƠNG

(Phạm Tử nhân Vương Kê nhập Tần)

Phạm Tử 121 theo Vương Kê 122 vô Tần, dâng thư lên Tần Chiêu Vương:

- Thần nghe rằng bậc minh chủ trị nước, kẻ có công thì được thưởng, có tài thì được dùng, kẻ khó nhọc nhiều thì được bổng hậu, kẻ có công nhiều thì được tước cao, giỏi trị dân thì được chức lớn, cho nên kẻ vô tài thì không dám nhận chức mà kẻ có tài không dám lẫn trốn. Nếu đại vương cho lời nói của thần là phải thì xin thi hành cho thêm lợi; không thi hành thì giữ thần ở lại lâu không ích gì.

Tục ngữ có câu: “Bực dung chủ 123 thưởng kẻ mình yêu mà phạt kẻ mình ghét”. Bực minh chủ thì không vậy, thưởng thì tất thưởng kẻ có công, trị thì tất trị kẻ có tội. Nay bụng của thần không chịu nổi dao dùi, lưng của thần không chịu nổi búa rìu 124 , thần đâu dám đem việc còn khả nghi mà trình bày để thử thách đại vương. Đại vương tuy cho thần là hèn mọn mà khinh bỉ làm nhục thần, không trọng dụng thần, nhưng người đã đảm bảo cho thần ở trước mặt đại vương có thể nào phản phúc, trước sau bất nhất được không?

Thần nghe nói nước Chu có ngọc Chỉ Ách, nước Tống có ngọc Kết Duyên, nước Lương có ngọc Huyền Lê, nước Sở có ngọc Hoà Phát 125 , bốn bảo vật đó, đều có danh trong thiên hạ mà bọn thợ thì không biết là quí. Vậy thì cái mà bậc thánh vương bỏ đi, không đủ để làm lợi cho quốc gia ư? 126

Thần nghe nói muốn khéo làm lợi cho nhà thì cướp của nước, muốn khéo làm lợi cho nước thì cướp của chư hầu. Trong thiên hạ có bực minh chủ thì chư hầu không dám chuyên làm lợi cho mình. Tại sao vậy? Là do lẽ khinh trọng vậy 127 . Bậc lương y biết con bệnh sống hay chết, bậc thánh chúa biết rõ được sự thành bại, lợi thì làm, hại thì bỏ, còn ngờ thì cứ thử qua, tuy Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang tái sinh cũng không sửa được chính sách của bậc đó. Những lời cực thâm thuý thì thần không dám chép lại trong thư này, còn những lời thô thiển thì không đáng đại vương đọc. Hay là thần ngu mà lời không hợp với lòng đại vương chăng, hay là người giới thiệu hèn mọn, không đáng nghe chăng? Nếu không phải vậy thì cái chí của thần là xin đại vương du lãm còn dư thì giờ gia ân cho thần được ra mắt đại vương.

Thư dâng lên, vua Tần mừng, cảm tạ Vương Kê, rồi sai người đánh xe đón Phạm Tử.


121. Phạm Tử: tức Phạm Tuy, tên hiệu là Thúc, người nước Nguỵ, cũng có chỗ gọi là Phạm Thư.

122. Vương Kê: là người vua Tần Chiêu Vương sai đi qua các nước chư hầu, lúc đó ở Nguỵ về Tần, Phạm Tuy theo mà vô Tần.

123. Dung chủ: bực vua tầm thường, tối tăm, trái với minh chủ.

124. Ý nói tôi đâu có chịu được hình phạt, đâu có dám nói càn để bị tội.

125. Bốn thứ ngọc đó đều là ngọc quí.

126. Ý nói tôi là kẻ tầm thường, nhưng cũng có thể giúp nước Tần được.

127. Ý nói lợi riêng cho nước mình là nhỏ (khinh), lợi cho thiên hạ mới là lợi lớn (trọng).


9. PHẠM TUY THUYẾT VUA TẦN

(Phạm Tử chí) – QC – BC

Phạm Tuy tới, vua Tần Chiêu Vương xuống thềm mà đón, kính cẩn dùng lễ tân chủ mà tiếp. Phạm Tuy từ tạ, khiêm nhượng. Hôm đó tiếp kiến Phạm Tuy, các bề tôi ở triều Tần đều kinh dị biến sắc. Vua Tần đuổi hết kẻ tả hữu ra ngoài, trong cung không còn ai.

Vua Tần quỳ xuống hỏi:

- Tiên sinh có điều gì dạy bảo quả nhân không?

Phạm Tuy đáp: Dạ, dạ.

Một lát vua Tần lại hỏi. Phạm Tuy lại đáp: Dạ, dạ. Như vậy ba lần. Vua Tần quỳ mọp xuống hỏi:

- Tiên sinh không muốn dạy bảo quả nhân chăng?

Phạm Tuy tạ tội:

- Đâu dám vậy. Thần nghe xưa Lữ Thượng 128 lúc gặp vua Văn Vương chỉ là một lão đánh cá, câu bên bờ phía bắc sông Vị, như vậy giao tình còn sơ lắm. Nhưng khi Lữ Thượng bàn bạc xong thì Văn Vương phong ngay làm thái sư mà mời ngồi chung xe về triều, là vì lời của Lữ Thượng thâm thiết. Sau quả nhiên Văn Vương nhờ Lữ Thượng mà thành công, gồm thâu thiên hạ, lên ngôi đế vương. Giá trước kia Văn Vương sợ Lữ Thượng mà không nghe lời thâm thiết của ông thì nhà Chu không có cái đức làm thiên tử mà vua Văn, vua Võ không dựng vương nghiệp được.

Nay thần là người lạ tới đây, đối với đại vương còn là sơ tình, mà những điều thần muốn bày tỏ là để củ chính sự tình của vua tôi, xen vào tình cốt nhục của người; thần nguyện tỏ tấm lòng trung thành ngu muội mà chưa biết rõ lòng đại vương, vì vậy đại vương hỏi ba lần mà thần không dám đáp. Không phải là thần sợ mà không dám nói, thần biết rằng, hôm nay nói thì ngày mai sẽ bị giết, biết vậy nhưng thần không hề sợ chết. Đại vương tin mà thi hành lời của thần, thì chết thần đâu có sợ, bị trục xuất thần đâu có lo, phải sơn mình thành thằng cùi, xoã tóc thành thằng điên, thần đâu có lấy làm nhục. Thánh như ngũ đế 129 mà còn chết, nhân như tam vương 130 mà còn chết, hiền như ngũ bá 131 mà còn chết, mạnh như Ô Hoạch 132 mà còn chết, dõng như Mạnh Bôn, Hạ Dục 133 mà còn chết, ai mà thoát khỏi chết đâu; chịu cái thế tất nhiên để giúp Tần được chút nào chăng, đó là cái ước nguyện lớn của thần, có gì mà lo?

Ngũ Tử Tư trốn trong đãy mà qua thoát cửa Chiêu Quan 134 , đêm đi, ngày núp ở Lăng Phù 135 , không có gì để bỏ vô miệng, bò lết đi không nổi, vỗ bụng làm trống, thổi ống tiêu mà xin ăn ở chợ nước Ngô mà sau phục hưng được nước Ngô, giúp Hạp Lư 136 làm được nghiệp bá. Nếu thần được dâng mưu như Ngũ Tử Tư rồi có bị đày trong ngục tối suốt đời, không được gặp lại đại vương nữa, thì là mưu kế của thần được thi hành rồi, có gì mà buồn?

Kỉ Tử, Tiếp Dư 137 , mình sơn như cùi, tóc xoã như điên mà không ích gì cho vua Ân, nước Sở. Nay nếu thần được có cái hành vi của Kỉ Tử, Tiếp Dư, có thể giúp được cho bực quân chủ hiền minh, thì đó là cái vinh lớn của thần, có gì mà nhục?

Thần sợ là chỉ sợ sau khi thần chết rồi, thiên hạ thấy thần tận trung mà thân bị giết, ai cũng câm miệng chùn chân, không dám tới giúp Tần nữa.

Bệ hạ trên thì sợ uy thái hậu 138 , dưới thì bị kẻ gian thần mê hoặc, ở trong chốn thâm cung, không rời khỏi tay thái bảo, thái phó 139 , suốt đời mê hoặc, không phân biệt được đâu là gian trá; hoạ mà lớn thì tôn miếu sụp đổ, nhỏ thì bản thân hoá cô lập mà lâm nguy, đó là điều thần sợ vậy. Còn như cái cảnh thần bị khốn cùng, nhục nhã, tử vong, thì thần đâu có sợ. Thần chết mà nước Tần được thịnh trị thì chết mà hơn sống.

Vua Tần quỳ xuống, nói:

- Sao tiên sinh lại nói thế! Nước Tần ở chỗ hẻo lánh, quả nhân ngu muội, tiên sinh hạ cố mà tới đây, đó là Trời vì quả nhân mà làm rầy tiên sinh để bảo tồn tôn miếu của tiên vương. Quả nhân được tiên sinh dạy bảo, thế là Trời quý tiên sinh mà không bỏ kẻ cô độc này vậy! Sao tiên sinh lại nói thế! Bất kỳ việc lớn việc nhỏ, trên từ thái hậu, dưới tới đại thần, có điều gì xin tiên sinh cứ dạy hết cho, chứ đừng nghi ngờ quả nhân.

Phạm Tuy lạy hai lạy, vua Tần cũng lạy hai lạy.

Phạm Tuy nói:

- Nước của đại vương, bắc có Cam Tuyền, Cốc Khẩu, phía nam có sông Kinh, sông Vị, phía hữu có Lũng, Thục, phía tả có Quan Bản 140 ; chiến xa có ngàn cổ, quan lính hăng hái có trăm vạn. Dùng số quân lính dũng cảm, số xe và ngựa chiến đông đảo của Tần mà đánh chư hầu thì không khác gì xua chó nước Hàn 141 mà săn bầy thỏ què, có thể dựng nghiệp bá vương được. Nay trái lại, Tần đóng cửa ải mà không dám đem binh ra Sơn Đông 142 , đó là tại Nhương Hầu mưu tính việc nước mà không trung, mà kế của đại vương hỏng rồi.

Vua Tần nói:

- Xin được nghe kế nào hỏng.

Tuy đáp:

- Đại vương vượt qua Hàn, Nguỵ để đánh nước Tề mạnh, kế đó hỏng. Nếu ra quân ít thì không đủ để đánh bại Tề, nếu ra quân nhiều thì có hại cho Tần. Tần đoán ý đại vương là muốn ra quân ít, mà dùng hết quân của Hàn, Nguỵ, như vậy là bất nghĩa. (Lại thêm) ngay như những nước liên hợp với mình cũng không thể thân được, vậy thì vượt qua nước người ta để đánh nước khác là điều có nên không? Như vậy là mưu tính không kỹ.

Xưa Tề thắng Sở, quân Sở tan, tướng Sở chết, mở rộng cả ngàn dặm, kết quả là chút đất nhỏ hẹp ở ngoài cũng không được: có phải là Tề không muốn được đất đâu, vì hình thế mà không thể chiếm được đấy. Chư hầu thấy Tề tỏ vẻ mệt mỏi, vua tôi không thân với nhau, mới đem binh đánh, vua nhục mà quân tan, thiên hạ cười cho; sở dĩ vậy là vì đánh Sở để cho Hàn, Nguỵ béo bở. Thế là đưa đao cho giặc, cấp lương cho trộm vậy.

Tốt hơn là đại vương liên kết với nước ở xa mà đánh nước ở gần, được tấc đất nào thì tấc đất ấy là của đại vương, được thước đất nào thì thước đất ấy cũng của đại vương. Nay không dùng chính sách đó mà đi đánh nước ở xa, chẳng phải là lầm ư?

Vả lại, xưa kia, đất Trung Sơn rộng năm trăm dăm, Triệu riêng chiếm cứ, công thành danh toại, lại thêm lợi, thiên hạ không nước nào hại Triệu được. Nay Hàn, Nguỵ là những nơi ở khoảng giữa, là cái chốt của thiên hạ, nếu đại vương muốn dựng nghiệp bá, thì phải thân thiện với miền trung gian, coi đó là cái chốt của thiên hạ, để uy hiếp Triệu, Sở. Triệu mà mạnh thì Sở dựa Triệu; Sở, Triệu dựa vào nhau thì Tề rất sợ; sợ thì tất nhún lời và tặng Tần nhiều tiền của để thờ Tần. Tề mà dựa vào Tần thì Hàn, Nguỵ có thể diệt được.

Vua Tần bảo:

- Quả nhân muốn thân với Nguỵ, nhưng Nguỵ là nước đa trá, quả nhân không thân với được. Xin hỏi muốn thân với Nguỵ thì phải làm sao?

Phạm Tuy đáp:

- Nhún lời và tặng nhiều tiền của để thờ; không được thì cắt đất mà dâng, không được nữa thì đem binh đánh.

(Vua Tần sau đem binh đánh đất Hình Khâu, hạ được Hình khâu và Nguỵ xin quy phục).

Phạm Tuy bảo:

- Địa thế của Tần, Hàn xen lẫn nhau như bức thêu, Tần mà có đất của Hàn như gỗ mà có sâu mọt, người mà có bệnh ở tim, bụng. Thiên hạ có biến, thì làm hại cho Tần không gì bằng Hàn. Đại vương thu phục Hàn là hơn cả.

Vua Tần hỏi:

- Quả nhân muốn thu phục Hàn, Hàn không nghe thì phải làm sao?

- Đem quân đánh Huỳnh Dương 143 thì đường Thành Dịch bị nghẽn, phía bắc cắt đường Thái Hàng 144 thì binh Thượng Đảng không xuống được, một lần đánh Huỳnh Dương mà nước đó bị cắt làm ba, Hàn thấy nước mình tất mất, sao lại không nghe? Hàn mà chịu quy phục thì nghiệp bá thành được.

Vua Tần khen phải.

Phạm Tuy bảo:

- Thần ở Sơn Đông, chỉ nghe nói Tề có Điền Đan chứ không nghe nói có vua; chỉ nghe nói Tần có thái hậu, Nhương Hầu, Kinh Dương, Hoa Dương chứ không nghe nói có vua. Thống trị trong nước thì gọi là vua, có uy quyền cho sống hay bắt chết thì gọi là vua. Nay thái hậu chuyên quyền không đoái gì tới đại vương, Nhương Hầu đi sứ ra ngoài mà không báo cho đại vương hay, Kinh Dương, Hoa Dương dùng hình phạt mà không kiêng kị gì cả. Có đủ bốn vị quí nhân đó mà nước không nguy thì là việc chưa từng thấy. Vua ở dưới bốn vị đó, cho nên bảo là không có vua; như vậy thì quyền làm sao không nghiêng mà lệnh làm sao xuất phát từ vua được? Thần nghe nói người khéo trị nước, ở trong thì củng cố cái uy, ở ngoài thì làm cho quyền mình được tôn trọng. Nhương Hầu tự ý đi sứ, thế là nắm cái tôn nghiêm của đại vương mà chia sẻ chư hầu, cắt hợp thiên hạ, đánh dẹp các nước, không ai dám không nghe. Đánh mà thắng, tấn công mà chiếm được thì lợi về đất Đào; mà Tần sẽ mệt mỏi, bị chư hầu chế phục. Đánh mà thua, thì gây oán với trăm họ mà hoạ quy về xã tắc. Kinh Thi có câu: “Trái mà sai quá thì cành tất gẫy toác ra, cành gẫy toác ra thì ruột cây bị thương; kinh đô mà lớn quá thì nguy cho nước, bề tôi mà uy quyền quá thì vua bị khinh rẻ”. Náo Xỉ nắm quyền của Tề, rút gân của Mẫn Vương, treo lên cái rường nhà tôn miếu, rồi Mẫn Vương chết; Lý Đoái chuyên quyền ở Triệu, bắt vua ăn bớt đi, trăm ngày rồi chết vì đói. Nay thái hậu, Nguỵ Hầu chuyên quyền, Cao Lăng 145 , Kinh Dương phụ lực, rốt cuộc rồi không còn vua Tần nữa; như vậy có khác gì hạng Náo Xỉ, Lý Đoái? Nay thần thấy đại vương lẻ loi ở triều miếu, và thần lo rằng đời sau, người làm vua nước Tần không phải là con cháu đại vương đâu!

Vua Tần sợ, bèn truất phế thái hậu, đuổi Nhương Hầu, đày Cao Lăng, Kinh Dương ra ngoài cửa ải.

Chiêu Vương bảo Phạm Tuy:

- Xưa vua Tề được Quản Trọng, gọi Quản Trọng là Trọng phủ 146 , nay tôi được tiên sinh, cũng xin gọi là phủ.


128. Lữ Thượng: tức Lữ Vọng, họ Khương tên Thượng, tổ tiên được phong ở đất Lữ nên gọi là Lữ Thượng.

129. Ngũ đế: là năm đời vua thời thượng cổ: Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.

130. Tam vương: là ba đời vua: Hạ Vũ, Thương Thang và Chu Văn Vương với Võ Vương.

131. Ngũ Bá: là năm đời bá đời Xuân Thu: Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tần Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Công.

132. Ô Hoạch: là lực sĩ đời xưa.

133. Mạnh Bôn, Hạ Dục: đều là dũng sĩ của nước Vệ.

134. Ngũ Tử Tư: là người nước Sở đời Đông Chu. Cha và anh bị vua Sở giết, ông trốn qua Ngô, giúp cho Ngô mạnh lên rồi đem binh mà diệt Sở để trả thù nhà.

Chiêu Quan: nay ở tỉnh An Huy.

135. Lăng Phù: là tên sông, ở Giang Tô, cũng gọi là Lật Thuỷ, Vĩnh Dương Giang.

136. Hạp Lưu: là vua nước Ngô.

137. Kỉ Tử: là chú của vua nhà Ân, làm chức thái sư, vì can vua Trụ mà bị bỏ ngục, giả làm người điên.

Tiếp dư: là người nước Sở thời Xuân Thu. Cũng giả làm người điên để trốn đời.

138.Lúc đó mẹ Tần Chiêu Vương chuyên quyền.

139. Thái bảo: người nuôi nấng thái tử.

Thái phó: người dạy dỗ thái tử.

140. Núi Cam Tuyền: nay ở Thiểm Tây.

Cốc Khẩu: là tên cửa ải.

Lũng: nay ở Thiểm Tây.

Thục: tức tỉnh Tứ Xuyên, địa thế hiểm trở.

Quan Bản: cũng ở Thiểm Tây.

141. Nước Hàn có loài chó rất khôn, gọi là con lư.

142. Sơn Đông: trỏ lục quốc, vì sáu nước đều ở phia đông cửa Hàm Cốc, núi Hào Sơn.

143. Huỳnh Dương: là tên thành nay ở Hà Nam.

144. Thái Hàng: là tên núi, cũng gọi là Ngũ Hành Sơn, chạy từ Hà Nam tới Sơn Tây.

145. Trên nói Hoa Dương, sao đây nói Cao Lăng?

146. Trọng phủ: phủ là tiếng tỏ vẻ kính trọng, dùng với đàn ông lớn tuổi. Tề Hoàn Công gọi Quản Trọng là Trọng phủ, tức như ông Trọng. Nhưng có sách bảo phải đọc là trọng phụ, tiếng để gọi một người mà mình coi như cha, chú.


10. BỀ TÔI MẠNH QUÁ THÌ NGUY CHO VUA

(Ưng Hầu vị Chiêu Vương)

Ưng Hầu hỏi Tần Chiêu Vương:

- Đại vương có nghe truyện thần bụi cây (ở Hằng Tư) không? Ở Hằng Tư có một thiếu niên bạo gan, rủ bụi cây đánh bạc, bảo: “Ta mà thắng bụi cây thì bụi cây phải cho ta mượn thần bụi cây trong ba ngày; nếu ta thua thì bụi cây muốn làm gì ta tuỳ ý”. Nói rồi, tay trái nó gieo con thò lò thay bụi cây, tay phải nó gieo cho nó, nó thắng bụi cây, bụi cây cho nó mượn thần bụi cây trong ba ngày. Khi hết hạn, bụi cây lại đòi thì nó không trả. Năm ngày sau bụi cây khô; bảy ngày sau, bụi cây chết.

Nước Tần là bụi cây của đại vương, quyền thế là thần của đại vương 147 , cho người khác mượn cái thần đó, có thể không nguy được không? Thần chưa từng thấy ngón tay mà lớn hơn cánh tay, cánh tay mà lớn hơn bắp vế; nếu có như vậy thì bệnh tất nặng lắm. Một trăm người kiệu một cái bầu mà chạy nhảy 148 không bằng một người bưng nó mà đi; nếu một trăm người kiệu một cái bầu thì cái bầu tất tan tành. Nay nước Tần, Hoa Dương dùng, Nhương Hầu dùng, thái hậu dùng, đại vương cũng dùng nữa; nó không phải là một đồ dùng như cái bầu (ai cũng uống được) thì phải thôi đi 149 ; nếu nó là một đồ dùng như cái bầu ai cũng uống được, thì thế nào nó cũng tan tành.

Thần nghe nói rằng trái mà sai quá thì cành tất gãy toác ra, cành gãy toác ra thì ruột cây bị thương; kinh đô mà lớn quá thì nguy cho nước; bề tôi mà mạnh quá thì nguy cho vua. Nay trong ấp của đại vương, từ kẻ lương được một đấu trở lên 150 , cho đến quan uý, quan nội sử 151 có người nào không phải là người của quan tướng quốc không? Nước mà bình yên thì thôi 152 , nước mà loạn lạc thì thần tất mong được thấy đại vương độc lập ở triều đình. Thần trộm lo thay đại vương, sợ rồi vạn đời sau, người làm chủ nước Tần này không phải là con cháu đại vương đâu.

Thần nghe rằng người xưa khéo trị nước, có quyền uy ở trong thì kiểm soát kẻ phụ tá, ở ngoài thì ban bố hiệu lệnh ra bốn cõi 153 ; chính trị không loạn không nghịch, sứ giả cứ theo đường thẳng mà đi, không dám làm khác 154 . Nay sứ giả của thái hậu 155 làm chia rẽ các chư hầu, mà con dấu làm tin do Nhương Hầu phát ra, thiên hạ đều công nhận; ông ta thao túng cái uy thế của một đại quốc, ép buộc trưng binh để đánh chư hầu; khi chiến thắng, chiếm được đâu thì bao nhiêu cái lợi thu về đất Đào của ông ta cả. Tiền bạc tơ lụa vô hết trong kho thái hậu, còn lợi trong nước thì chạy vào Hoa Dương cả. Cái mà cổ nhân gọi là cái đạo hại vua diệt nước, tất phải bắt đầu như vậy.

Ba vị quý nhân đó làm khánh kiệt quốc gia để tự củng cố cho mình thì mệnh lệnh làm sao còn do đại vương xuất phát được nữa? Làm sao quyền không bị phân tán? Thế là quả thực đại vương chỉ giữ được một phần ba thôi!.


147. Chúng tôi dịch theo bản chữ Hán. Theo mạch văn thì phải hiểu là: quyền thế là thần của nước (quốc gia). Và Crump đã dịch ra như vậy.

148. Nguyên văn: Bách nhân dư biều nhi xô. Hứa Khiếu Thiên chú thích: đội, đeo trên mình gọi là dư, chạy nhảy gọi là xô. Nhưng có một cái bầu thì làm sao trăm người đội, đeo trên mình được. Crump cho dư là cái xe (cart), xô là xô lấn (scramble); “một trăm người xô lấn để chở (kéo) một cái bầu bằng xe” (A hundred men scrambling to fetch a gourd by cart). Chúng tôi nghĩ chữ dư theo Từ Hải còn có nghĩa là kiên dư, tức cái kiệu, nên tạm dịch như vậy, chứ không chắc là đúng.

149. Chúng tôi theo ý của Crump mà dịch như vậy, chứ dịch đúng từng chữ thì là: không coi cái bầu là một đồ dùng thì thôi (bất xưng biều vi khí tắc dĩ).

150. Trỏ những viên chức thấp nhất, lương ít nhất.

151. Uý: là một chức quan võ; nội sử: là một chức quan chuyên coi việc cai trị kinh thành.

152. Nguyên văn: Quốc vô sự tắc dĩ. Crump dịch là ngay cả khi nước bình yên cũng không nên để cho xảy ra như vậy.

153. Nguyên văn: kỳ uy nội phù kỳ phụ ngoại bố nhi trị. «其威内扶其辅外布而治». Nhiều nhà hiệu đính đã sửa chữ nhi thành chữ tứ «» và bản Thương Vụ ấn thư quán cũng in là tứ và chấm câu sau chữ phù, chữ bố; còn Crump theo Huang P’ei-lieh (không rõ chữ Hán viết ra sao), chấm câu ở sau chữ phù và chữ trị. Chúng tôi theo Crump.

154. Ý muốn nói rằng: sứ giả, vua sai đi đâu thì đi đó, không dám tự tiện, tự chuyên.

155. Theo nguyên văn: Kim thái hậu sứ giả… Crump đổi là sứ giả của Nhương Hầu và như vậy hợp với đoạn dưới hơn; nhưng ông cũng nhận rằng thái hậu có thể có sứ giả riêng của bà được.


11. ĐỪNG TẤN CÔNG ĐẤT MÀ NÊN TẤN CÔNG NGƯỜI

(Tần công Hàn)

Tần đánh Hàn, vây thành Hình 156 , Phạm Tuy bảo Tần Chiêu Vương:

- Có kẻ tấn công người, có kẻ tấn công đất đai. Nhương Hầu mười lần đánh Nguỵ mà không làm hại được Nguỵ, không phải là vì Tần yếu mà Nguỵ mạnh, chỉ vì Nhương Hầu tấn công đất đai mà đất đai là cái mà bậc vua chúa rất quí. Nhân thần là kẻ vui vẻ chết vì vua chúa. Tấn công cái mà bậc vua chúa rất quí (tức đất đai), thì phải chiến đấu với những kẻ vui vẻ chết vì vua chúa, vì vậy mà mười lần đánh vẫn không thắng được.

Nay đại vương đánh Hàn, vây thành Hình, thần xin đại vương đừng riêng tấn công đất mà tấn công người của Hàn. Đại vương đánh Hàn, vây thành Hình, xin cứ nói là tấn công Trương Nghi. Nếu quyền lực của Trương Nghi lớn, hắn sẽ (thuyết vua Hàn) cắt đất để chuộc tội với đại vương; mấy lần cắt đất thì Hàn làm sao còn tồn tại được? Nếu quyền lực của Trương Nghi yếu thì vua Hàn sẽ đuổi Trương Nghi đi mà dùng một kẻ không bằng Trương Nghi để thương thuyết với ta, như vậy đại vương đòi Hàn cái gì cũng được hết.


156. Hình: là tên đất, nay ở tỉnh Sơn Tây.

- Truyện này nhiều người ngờ là không đúng. Chung Phượng Niên bảo: “Bão Bưu đặt truyện này vào năm 23 đời Tần Chiêu Vương và nhận xét rằng Trương Nghi đã chết 44 năm trước khi Phạm Tuy làm tướng quốc, như vậy truyện tất sai rồi”.

Sử ký của Tư Mã Thiên cũng bảo không phải Trương Nghi mà là một người khác.

Hứa Khiếu Thiên bảo Trương Nghi không hề làm tướng quốc nước Hàn.

13. CÁC KẺ SĨ TRONG THIÊN HẠ TRANH NHAU ĂN

(Thiên hạ chi sĩ hợp tung)

Các kẻ sĩ trong thiên hạ theo chính sách hợp tung, họp nhau ở Triệu, muốn đánh Tần. Tể tướng Tần là Ưng Hầu (tức Phạm Tuy), bảo vua Tần:

- Đại vương đừng lo, thần xin giải tán họ. Kẽ sĩ trong thiên hạ không có gì oán Tần, họ họp nhau mà muốn đánh Tần là mong được phú quí đấy thôi. Đại vương thấy bầy chó của đại vương không? Nằm thì cùng nằm, dậy thì cùng dậy, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau. Nhưng ném cho chúng một khúc xương thì chúng vùng dậy mà nhe răng ra cắn nhau. Tại sao vậy? Tại tranh ăn.

Vua Tần bèn sai Đường Tuy đem theo đội âm nhạc với năm ngàn nén vàng, lại đất Vũ An bày tiệc ăn uống. Bảo người Hàm Đan: Ai muốn vàng thì lại mà lấy. Những mưu sĩ hợp tung tuy không phải ai cũng được tặng vàng, nhưng kẻ nào đã được tặng thì thân với Tần như thể anh em.

Phạm Tuy lại bảo Đường Tuy: “Ông muốn lập công cho Tần thì đừng kể tới tiền nong, tiêu tiền cho hết thì công ông càng nhiều. Nay sai người lại đem năm ngàn nén vàng giao cho ông nữa”.

Đường Tuy bèn ra đi, tới Vũ An, tiêu chưa hết ba ngàn nén mà kẻ sĩ mưu hợp tung trong thiên hạ đã tranh nhau rồi.


17. THÁI TRẠCH THUYẾT PHẠM TUY

(Thái Trạch kiến trục ư Triệu)

Thái Trạch 157 bị đuổi ở Triệu, Hàn và Nguỵ, đi đường bị kẻ giật mất nồi bát. Nghe tin Ưng Hầu, tể tướng nước Tần, đương thẹn thùng vì hai người Ưng Hầu tiến cử, Trịnh An Bình và Vương Kê 158 đều bị trọng tội; bèn đi qua phía tây, vô Tần. Trước khi yết kiến Chiêu Vương, Thái Trạch muốn chọc giận Ưng Hầu, sai người phao tin rằng: “Khách của nước Yên là Thái Trạch là kẻ sĩ tuấn kiệt hùng biện, ông ấy mà yết kiến vua Tần thì thế nào vua Tần cũng dùng làm tể tướng, và Phạm Tuy sẽ mất chức”.

Ưng Hầu nghe vậy, sai người vời Thái Trạch. Thái Trạch vô vái Ưng Hầu. Ưng Hầu vốn đã không vui, khi yết kiến Ưng Hầu, Thái Trạch lại có vẻ ngạo mạn. Ưng Hầu trách:

- Ông thường tuyên bố rằng sẽ thay tôi làm tể tướng nước Tần, phải vậy chăng?

- Phải?

Ưng Hầu nói:

- Xin cho nghe vì lẽ gì.

Thái Trạch đáp:

- Ôi! Sao ngài hiểu chậm thế! Bốn mùa thay phiên nhau, thành công rồi thì đi. Sống ở đời, chân tay khoẻ mạnh, tay mắt sáng suốt, thánh trí, có phải là sở nguyện của kẻ sĩ không?

- Phải.

- Giữ vững nhân nghĩa, hành đạo, ban đức trong thiên hạ, thiên hạ vui vẻ kính yêu, mong được một bậc quân vương như vậy, đó chẳng phải là nguyện vọng của những biện sĩ thông minh ư?

- Phải.

Thái Trạch nói tiếp:

- Phú quí vinh hiển, sử trị vạn vật, vạn vật đều mãn nguyện; được sống hết tuổi trời, không phải chết yểu. Thiên hạ nối giềng mối của mình, giữ sự nghiệp của mình mà truyền hoài cho các đời sau. Danh tiếng hoàn toàn tốt đẹp, ơn huệ lưu đến ngàn đời, tiếng ca tụng không bao giờ tuyệt, khi nào thiên hạ dứt thì mới dứt. Như vậy chẳng phải là cái biểu trưng của đạo, mà thánh nhân gọi là điềm lành, việc tốt đấy ư?

Ưng Hầu đáp:

- Phải.

- Còn như Thương Quân ở Tần, Ngô Khởi 159 ở Sở, đại phu Chủng 160 ở Việt, chết đi như họ có nên không?

Ưng Hầu biết rằng Thái Trạch muốn thuyết cho mình bí, nên hỏi vặn:

- Có gì là không nên? Công Tôn Ưởng thờ Hiếu Công, tận tâm không ai hơn, chỉ lo cho công nghĩa chứ không nghĩ đến tư lợi, thưởng phạt theo đúng phép mà nước rất yên ổn, đem hết tài năng, tỏ hết tình trong trắng mà chịu lời oán trách, là lừa gạt bạn cũ để bắt sống công tử Cung của Nguỵ 161 ; vì Tần mà bãi tướng, phá quân của địch, cướp đất ngàn dặm. Ngô Khởi thờ Điệu Vương, không để việc riêng làm hại việc công, lời gièm pha không che lấp được lòng trung, ngôn hạnh nghiêm trang, không cẩu hợp, làm việc nghĩa thì chẳng kể lời khen chê, nhất định làm cho Sở thành một nước bá chủ hùng cường, không từ tai hoạ. Quan đại phu Chủng thờ Việt Vương, vua gặp cảnh khốn nhục 162 mà vẫn giữ lòng tận trung, vua tuy mất nước mà hết lòng thờ chứ không bỏ; công nhiều mà không khoe, giàu sang mà không kiêu ngạo sơ suất, ba ông đó đều là tận trung, tận nghĩa. Bậc quân tử sát thân thành danh, cứ theo đúng điều nghĩa dù có chết cũng không ân hận, như vậy có gì là không nên?

Thái Trạch đáp:

- Vua mà thánh, bề tôi mà hiền là cái phúc của thiên hạ; vua mà sáng suốt, bề tôi mà trung thì là cái phúc của nước; cha mà từ, con mà hiếu, chồng mà trí, vợ mà trinh, thì là cái phúc của nhà. Tỉ Can 163 trung mà không bảo tồn được nhà Ân, Tử Tư 164 trí mà không bảo tồn được nhà Ngô; Thân Sinh 165 hiếu mà nước Tần loạn; như vậy là có trung thần, hiếu tử mà quốc gia bị diệt, loạn. Tại sao vậy? Tại không có bực minh quân, hiền phụ nghe lời những người đó, cho nên thiên hạ thương cho bọn bề tôi và con bị vua, cha giết hoặc làm nhục đó. Còn đợi tới lúc chết rồi mới rõ được lòng trung mà để danh ở đời (thì là vụng), cho nên Vi Tử 166 không đáng gọi là nhân, Khổng Tử không đáng gọi là thánh mà Quản Trọng không đáng gọi là tài.

Ưng Hầu khen là phải. Được một lát, Thái Trạch lại hỏi:

- Người ta có thể nguyện làm được như Thương Quân, Ngô Khởi, quan đại phu Chủng, làm bề tôi hết lòng, tận lực, nhưng Hoành Yêu 167 thờ Văn Vương, Chu Công giúp Thành Vương, chẳng phải là trung ư? Lấy cái lẽ vua tôi mà bàn thì Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng với Hoành Yêu, Chu Công, nên như người nào?

Ưng Hầu đáp:

- Thương Quân, Ngô Khởi, đại phu Chủng không bằng hai ông kia.

- Vậy thì chúa công của ngài nhân từ và thân với trung thần, không gạt bạn cũ, so với Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương ai hơn?

- Chưa biết được.

- Chúa công của ngài thân với trung thần không bằng Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương; ngài vì chúa công của ngài mà trị loạn, trừ hoạn nạn, mở rộng đất để trồng trọt, làm cho quốc gia giàu có, chúa mạnh, uy quyền trùm hải nội, công lao tỏ rõ ra ngoài vạn dặm, nhưng không hơn được Thương Quân, Ngô Khởi, quan đại phu Chủng. Mà tước vị bổng lộc của ngài cao, nhà riêng của ngài giàu hơn ba ông kia. Như vậy mà ngài chưa lui về, tôi trộm lo rằng nguy cho ngài đấy. Ngạn ngữ có câu: “Mặt trời tới đỉnh đầu rồi thì xế, mặt trăng tròn rồi thì khuyết”. Vật thịnh rồi suy, đó là lẽ thường trong thiên hạ. Tiến thoái, vơi đầy, biến hoá đó là lẽ thường của thánh nhân.

Xưa kia Tề Hoàn Công chín lần họp chư hầu, thu phục thiên hạ, tới khi họp ở Quỳ Khâu 168 , có vẻ kiêu căng, chín nước bèn làm phản không phó hội. Ngô Vương là Phù Sai 169 vô địch trong thiên hạ, khinh chư hầu, xâm lấn Tề, Tấn rồi thân chết nước tan; Hạ Dục, Thái Sử Khải 170 la hét làm cho tam quân phải sợ mà thân chết vì kẻ thất phu. Những người đó đều là không biết đạo rút lui khi đã cực thịnh 171 .

Thương Quân vì Hiếu Công chỉnh đốn cán cân quả cân, sửa lại độ lượng, điều lý nặng nhẹ, chia xẻ đất ruộng bằng bờ thiên bờ mạch 172 , dạy dân cày cấy, tập trận; cho nên khi dấy binh thì đất mở rộng thêm, hưu binh thì nước giàu thêm, mà Tần hoá ra vô địch trong thiên hạ, chư hầu phải sợ uy. Nhưng công thành mà bị xe ngựa phanh thây.

Nước Sở, quân lính cầm kích có tới trăm vạn. Bạch Khởi đem vài vạn quân đánh nhau với Sở, một trận lấy được Yên, Dĩnh, một trận nữa đốt Di Lăng 173 , phía nam thôn tính Thục, Hán, lại vượt qua Hàn, Nguỵ mà đánh nước Triệu hùng cường, phía bắc chôn sống Mã Phục, giết trên bốn chục vạn dân, máu chảy thành sông, tiếng nổi như sấm, giúp Tần dựng được nghiệp đế. Từ đó về sau Triệu, Sở khiếp sợ, qui phục, không dám đánh Tần, là nhờ thế mạnh của Bạch Khởi. Một mình ông ta hạ được hơn bảy chục thành rồi mà phải tự đâm cổ ở Đỗ Bưu 174 .

Ngô Khởi giúp Sở Điệu Vương, truất kẻ vô tài, phế kẻ vô dụng, rút bớt những quan chức không cần thiết, bịt những lời xin xỏ ở nhà riêng, thống nhất phong tục nước Sở, phía nam đánh Dương Việt 175 , phía bắc thôn tính Trần, Thái, phá tan thế tung và thế hoành, khiến cho bọn biện sĩ không còn mở miệng được nữa; công thành rồi mà bị phanh thây.

Đại phu Chủng giúp Việt Vương khẩn hoang lập ấp, vỡ đất trồng lúa, đem sức quân tướng bốn phương đánh nước Ngô hùng cường mà lập nghiệp bá cho Việt, sau bị Câu Tiễn đập chết 176 .

Bốn ông đó công thành rồi mà không lui về nên mới bị hoạ như vậy, đó đúng như lời: “Duỗi mà không biết co, tiến nhưng không biết lui”. Phạm Lãi 177 biết lẽ đó, nên siêu nhiên tị thế, làm ông Chu ở huyện Đào mà được sống lâu.

Ngài có xem người ta đánh bạc không? Hoặc muốn đánh một canh bạc lớn, hoặc muốn chia làm nhiều canh bạc nhỏ, lẽ đó ngài đã biết rõ. Nay ngài làm tể tướng nước Tần, tính ngồi hoài không dời chiếu, từ chỗ lang miếu mà ức chế chư hầu, khai thác cái lợi đất Tam Xuyên để làm đầy kho ở Nghi Dương, thông đường hiểm trở Dương Trường, chặn cửa

Thái Hàng, lại cắt đường của hai họ Phạm, Trung Hàng, mở đường sạn đạo 178 ngàn dặm, thông tới đất Thục, Hán, khiến cho thiên hạ đều sợ Tần. Nhưng Tần đã được thỏa mãn rồi, công của ngài đã đến cực điểm, nay là lúc Tần muốn chơi canh bạc nhỏ đây, như vậy mà ngài không lui về, thì sẽ như Thương Quân, Bạch Khởi, Ngô Khởi, đại phu Chủng đấy. Sao lúc này ngài không giao lại tướng ấn cho bậc hiền giả nhận lấy? Nên có đức liêm của Bá Di 179 , được giữ hoài chức Ưng Hầu, đời đời xưng “cô” 180 mà thọ như Kiều, Tùng 181 , ai mà hại ngài được? Sao, ngài lựa đường nào?

Ưng Hầu đáp: “Phải”, rồi mời Thái Trạch lên ngồi, đãi làm thượng khách. Ít ngày sau Ưng Hầu vô triều, tâu với Tần Chiêu Vương:

- Có người khách mới ở Sơn Đông qua, tên là Thái Trạch, vào bậc biện sĩ. Thần đã thấy rất nhiều người, không ai bằng ông ta, thần cũng không bằng.

Vua Tần vời Thái Trạch vô cung bàn luận, rất mừng, phong làm khách khanh. Ưng Hầu cáo bệnh, xin trả tướng ấn. Chiêu Vương rán lưu lại. Ưng Hầu viện lẽ bệnh nặng, được từ chức.

Chiêu Vương lại thích kế hoạch của Thái Trạch 182 , phong ông ta làm tể tướng. Khi Tần thu phục được nhà Chu ở phía đông, Thái Trạch còn làm tể tướng. Vài tháng sau, có người ghét ông ta, ông ta sợ bị vua giết, cáo bệnh, trả lại tướng ấn, được phong làm Cương Thành Quân, ở nước Tần trên mười năm, thờ Chiêu Vương, Hiếu Văn Vương, Trang Tương Vương, sau cùng thờ Thuỷ Hoàng Đế, vì Tần mà đi sứ qua Yên ba năm, và Yên sai thái tử Đan qua làm con tin ở Tần.


157. Thái Trạch: là người nước Thái, lấy tên nước làm tên họ, sau qua nước Yên thành người nước Yên.

158. Trịnh An Bình: là người nước Trịnh, cùng tới Tần với Phạm Tuy. Vương Kê là quan nước Tần.

Lúc đó Trịnh An Bình đem binh đánh Triệu, thua tướng Triệu là Vô Kị, rồi đem hai vạn quân đầu hàng Triệu. Vương Kê làm thái thú Hà Đông, tư thông với chư hầu, bị tội. Hai người đó đều do Phạm Tuy tiến cử. Theo pháp luật của Tần, người được tiến cử mà bị tội thì người tiến cử cũng bị chung tội.

159. Ngô Khởi: là người nước Nguỵ, bỏ Nguỵ qua Sở, làm tướng quốc ở Sở, sau khi Điệu Vương mất, các đại thần làm phản, bắn chết Ngô Khởi.

160. Đại phu Chủng: họ Văn, tên Chủng, tự là Tử Cầm, làm đại phu đời Việt Vương Câu Tiễn.

161. Công tử Cung: là con Nguỵ Huệ Vương. Tần sai Thương Ưởng đánh Nguỵ. Nguỵ sai công tử Cung chống cự, Cung vốn là bạn thân của Ưởng. Ưởng viết thư gạt Cung rồi bắt Cung.

162. Crump dịch là tuy bị vua làm nhục. Các bản đều chép: Chủ li khốn nhục. Nhà hiệu đính Nhật Bản Hoành Điền Duy Hiếu bảo chữ li «» phải sửa là tuy «».

163. Tỉ Can: là chú vua Trụ, làm chức thiếu sư, can vua Trụ, vua Trụ giận, sai mổ bụng.

164. Tử Tư: tức Ngũ Viên.

165. Thân Sinh: là con hoang của Hiển Công nước Tần và nàng Tề Khương, sau bị nàng Li Cơ gièm pha với Hiển Công, bắt Thân Sinh phải tự tử.

166. Vi Tử: tên là Khải, là anh vua Trụ.

167, Hoành Yêu: được Chu Văn Vương coi là một trong bốn bạn thân của mình.

168. Quỳ Khâu: ở nước Tống, nay thuộc tỉnh Hà Nam, nơi đó có dựng một cái đài để các chư hầu hội họp mà thề với nhau.

169. Phù Sai: con vua Hạp Lư nước Ngô.

170. hái Sử Khải: là một dũng sĩ thời cổ. Có bản chép là Thái Sử Khiếu.

Hạ Dục: không rõ là ai.

171. Nguyên văn: thử giai thừa chí thịnh, bất cập đạo lí dã. Có sách bảo phải đổi chữ cập «» ra chữ phản «» hoặc chữ cận «».

172. Đường ruộng từ đông qua tây gọi là đường mạch, từ nam qua bắc gọi là đường thiên.

173. Di Lăng: là một nơi có lăng tẩm vua Sở, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc.

174. Đỗ Bưu: nay ở Thiểm Tây.

175. Dương Việt: nay là miền Quảng Đông, Quảng Tây.

176. Nguyên văn là phẩu «» (lấy gậy đập); có sách bảo nên đổi là kiệt «» (kẹp) hoặc bội «» (phản lại).

177. Phạm Lãi: vốn là người nước Sở, qua nước Việt, hết lòng giúp Việt Vương Câu Tiển để báo trù Ngô Vương Phù Sai; khi thành công, ông viết thư từ biệt vua Việt, tới huyện Đào đổi tên là Chu Công, buôn bán, làm ruộng, thành đại phú.

178. Sạn đạo: nơi núi non hiểm trở, phải bắc những cây cầu bằng cây để qua, đường đó gọi là sạn đạo.

179. Bá Di: là con vua nước Cô Trúc. Khi Văn Vương phạt Trụ, Bá Di, Thúc Tề ra cản đầu ngựa, can: “Cha mới chết mà dấy binh thì không phải là hiếu; làm bề tôi mà đánh vua (tức Trụ) thì không phải là trung”. Vua Văn Vương không nghe, Bá Di, Thúc Tề, từ khi Văn Vương diệt Trụ rồi, không ăn thóc nhà Chu (tức thóc của Văn Vương), mà ở ẩn trong núi Thú Dương, hái rau vi mà ăn.

180. Phạm Tuy được phong tước hầu, nên được xưng là “cô”. Cô là tiếng nhũn, nghĩa như: “Kẻ ít đức này” mà bọn vương hầu thường dùng để tự xưng.

181. Kiều, Tùng: là hai sơn nhân thời cổ, tức Vương Tử Kiều thích thổi ống tiêu và Xích Tùng Tử, tiên ở núi Côn Lôn thời Thần Nông.

182. Vì trước đã thích kế hoạch của Phạm Tuy, nên đây dùng chữ lại.


TẦN IV

3. VUA TẦN QUYẾT ĐỊNH CẮT ĐẤT

(Tam quốc công Tần)

Ba nước (Tề, Hàn, Nguỵ) đánh Tần, tới cửa Hàm Cốc. Vua Tần hỏi Lâu Hoãn 183 :

- Quân ba nước vô sâu quá rồi. Quả nhân muốn cắt đất Hà Đông 184 để giảng hoà.

Đáp:

- Cắt đất Hà Đông là điều thiệt thòi lớn, mà tránh được cái nạn của ba nước là điều lợi lớn. Đó là trách nhiệm của bậc cha anh trong nước 185 . Đại vương sau không vời công tử Trì 186 mà hỏi ý kiến?

Vua Tần vời công tử Trì lại hỏi, công tử Trì đáp:

- Giảng hoà cũng ân hận mà không giảng hoà thì cũng ân hận.

- Sao vậy?

- Đại vương cắt đất Hà Đông mà giảng hoà, quân ba nước lui rồi, đại vương tất bảo: “Tiếc quá! Quân ba nước lui rồi mà ta phải đem đất ba thành 187 tặng họ”. Đó mà giảng hoà mà ân hận. Còn đại vương không giảng hoà, quân ba nước vào Hàm Cốc, Hàm Dương tất nguy, đại vương lại bảo: “Tiết quá! Mình quí đất ba thành mà không giảng hoà!”. Đó là không giảng hoà mà cũng ân hận.

Vua Tần bảo:

- Đem hai cái ân hận mà so sánh, thà mất ba thành mà ân hận còn hơn là để cho Hàm Dương lâm nguy mà ân hận. Quả nhân quyết chí giảng hoà.

Rồi sai công tử Trì cắt ba thành để giảng hoà và ba nước lui binh.


183   Lâu Hoãn: là người nước Triệu, làm tể tướng nước Tần, vua Tần đây là Tần Chiêu Tương Vương.

184   Hà Đông: là tên đất, mới đầu thuộc Nguỵ, sau về Tần. Nay ở tỉnh Sơn Tây.

185   Ý nói: việc đó phải do họ nhà vua quyết định.

186   Công tử Trì «» tức công tử Tha «», sách Hàn Phi Tử gọi là công tử Tỉ «» (ba chữ trì, tha, tỉ hơi giống nhau).

187   Ba thành: là ba huyện của đất Hà Đông.


7. ĐỐN NHƯỢC THUYẾT VUA TẦN

(Tần Vương dục kiến Đốn Nhược)

Vua Tần muốn gặp Đốn Nhược 188 . Đốn Nhược nhắn: “Theo cái nghĩa, tôi không chịu lạy, nếu nhà vua cho tôi khỏi lạy thì tôi vô yết kiến, nếu không thì thôi”. Vua Tần bằng lòng.

Như vậy, Đốn Nhược vô yết kiến, bảo:

- Trong thiên hạ có người có đủ thực và danh, có người có danh mà không có thực, lại có người danh thực đều không, đại vương hay điều đó không?

Vua Tần đáp:

- Không.

Đốn Tử nói:

- Có thực mà không có danh, tức như bọn con buôn: không cuốc, không bừa mà có lúa chất đống, đó là có thực mà không có danh. Không có thực mà có danh tức như nông phu: tuyết mới tan mà phải cày, phơi lưng ra mà bừa, mà không có lúa chất đống, đó là có danh mà không có thực. Còn không danh, không thực thì tức như đại vương. Làm vua một nước vạn thặng, mà không có “danh” là hiếu, cắt đất ngàn dặm để nuôi mẹ mà không có cái “thực” là hiếu.

Vua Tần phật ý, nổi giận. Đốn Nhược bảo:

- Có sáu nước địch ở Sơn Đông, uy không bị khuất ở Sơn Đông mà bị khuất vì mẹ 189 , tôi trộm nghĩ rằng đại vương không chịu như vậy.

Vua Tần bảo:

- Có thể thôn tính các chư hầu ở Sơn Đông không?

Đốn Tử đáp:

- Hàn là cái cuống họng của thiên hạ, Nguỵ là cái bụng của thiên hạ. Đại vương cho tôi vạn nén vàng đi chu du, tôi sẽ thuyết cho Hàn, Nguỵ sáp nhập vào Tần mà thần phục Tần, như vậy là Hàn, Nguỵ theo ta; Hàn, Nguỵ theo ta thì có thể lấy được thiên hạ.

Vua Tần bảo:

- Nước quả nhân nghèo, sợ không đủ để cấp số vàng đó.

Đốn Tử bảo:

- Thiên hạ không lúc nào là không biến, nếu không theo chính sách hợp tung thì theo chính sách liên hoành. Kế liên hoành mà thành thì nước Tần làm chủ thiên hạ, kế hợp tung mà thành thì Sở làm chủ thiên hạ. Tần làm chủ thiên hạ thì thiên hạ phải cung dưỡng; Sở làm chủ thiên hạ thì đại vương tuy có vạn nén vàng cũng không giữ làm của riêng được.

Vua Tần khen: Phải

Rồi cấp cho vạn giật vàng, sai đi qua phía đông du thuyết Hàn, Nguỵ, thu phục được tướng quốc và tướng lãnh của họ, phía bắc du thuyết Yên, Triệu mà giết Lý Mục 190 . Vua Tề phải qua Tần triều phục, bốn nước kia không thi hành được kế hợp tung nữa. Như vậy là nhờ công du thuyết của Đốn Tử.

188. Vua Tần, đây, sau khi thống nhất Trung Hoa rồi lên ngôi hiệu là Thuỷ Hoàng Đế.

Đốn Nhược: là người nước Tần.

189. Mẹ Tần Thuỷ Hoàng là nàng Hạ Cơ, vốn là vợ bé của Lữ Bất Vi; khi có mang với Lữ Bất Vi rồi về làm vợ Dị Nhân, tức bố Tần Thủy Hoàng. Sau mẹ Tần Thuỷ Hoàng vẫn tư thông với Lữ Bất Vi và với một người khác nữa (Coi truyện Tần V 5).

190. Lý Mục: là danh tướng nước Triệu.

8. HOÀNG YẾT THUYẾT VUA TẦN THÂN THIỆN VỚI SỞ

(Khoảnh Tương Vương nhị thập niên)

Đời Khoảnh Tương Vương 191 năm thứ hai mươi, tướng Tần là Bạch Khởi hạ Tây Lăng 192 của Sở, một đội quân khác hạ Yên, Dĩnh, Di Lăng, đốt mộ các tiên vương, vua Sở phải dời lên đông bắc ở Trần Thành 193 , Sở hoá ra suy nhược, bị Tần khinh. Lúc đó Bạch Khởi lại đem quân đánh. Nước Sở có người tên là Hoàng Yết 194 , du học rộng, hiểu nhiều, vua Tương Vương dùng làm biện sĩ, sai đi sứ ở Tần, thuyết Chiêu Vương như sau:

- Trong thiên hạ, không có nước nào mạnh bằng Tần với Sở. Nay nghe nói đại vương muốn đánh Sở, như vậy khác nào hai con cọp tranh nhau để cho loài chó ngựa ở ngoài hưởng lợi; tốt hơn là đại vương nên thân thiện với Sở, thần xin giảng tại sao.

Thần nghe nói thịnh cực thì suy như hết hạ sang đông, chất cao quá thì đổ như chồng quân cờ.

Nay đất của quí quốc gồm nửa thiên hạ, từ đông qua tây, từ khi có loài người đến nay, chưa có một nước vạn thặng nào được như vậy. Luôn ba đời, đời các tiên đế Văn Vương, Trang Vương, và đời đại vương, chưa khuếch trương đất đai tới Tề để bẻ gãy cái lưng của các nước hợp tung 195 , nay đại vương ba lần sai Thịnh Kiều 196 giúp việc ở Hàn, Thịnh Kiều khiến cho Yên triều phục Tần, thế là đại vương không dùng quân, không ra uy mà chiếm được đất trăm dặm, đại Vương đáng gọi là có tài. Đại vương lại cử binh đánh Nguỵ, chẹn cửa Đại Lương; chiếm Hà Nội, hạ đất Toan Tảo 197 của Yên, diệt hết dân đất Đào. Quân Sở, Yên, chạy hết, không dám đọ sức, công của đại vương quả là nhiều vậy.

Đại vương nghỉ chinh chiến hai năm rồi lại đánh, lại chiếm Bồ và Diễn 198 , Thủ Viên 199 , để xâm lăng Nhân, Bình, Tiểu Hoàng, Tế Dương 200 , Anh Thành 201 , mà Nguỵ phải thần phục. Đại vương lại cắt phía bắc Bộc, Ma 202 mà cho Yên, cắt cái lưng của Tề, Tần, cái xương sống của Sở, Nguỵ; năm lần sáu nước họp binh mà không dám cứu nhau, cái uy của đại vương cũng đáng sợ thật. Nếu đại vương biết giữ cái công, cái uy đó, bớt cái lòng hiếu chiến đi mà nuôi cái lòng nhân nghĩa, để khỏi có hậu hoạn thì trong sử sách nào chỉ có tam vương với ngũ bá mà thôi đâu. Còn như nếu đại vương cậy dân chúng nhiều, binh giáp mạnh, đã huỷ cái uy của Nguỵ rồi lại muốn dùng sức bắt bậc chúa trong thiên hạ phải thần phục mình thì thần lo rằng sẽ có hậu hoạn đấy.

Kinh Thi có câu: “Việc nào cũng có lúc khởi đầu mà ít việc có chung cục mỹ mãn” 203 . Kinh Dịch nói: “Con hồ qua sông ướt cái đuôi” 204 đều là nói bước đầu thì dễ, lúc cuối mới khó. Sao biết được vậy? Họ Trí hồi xưa thấy cái lợi đánh Triệu mà không biết cái hoạ Du Thứ 205 ; Ngô thấy cái lợi đánh Tề mà không biết cái hại thua ở Can Truỵ 206 . Hai nước đó không phải là không lập được công lớn, nhưng chỉ nghĩ đến cái thắng lợi buổi đầu mà chuốc lấy cái tai hoạ ở bước sau. Ngô tin Việt, bỏ Việt mà đánh Tề 207 , đã thắng Tề ở Ngải Lăng, rồi sau bị Việt Vương bắt giết ở bến Tam Giang 208 ; họ Trí tin Hàn, Nguỵ, liên hợp với Hàn, Nguỵ mà đánh Triệu, công hãm thành Tấn Dương, thấy được ngày thắng được rồi mà Hàn, Nguỵ phản bội, giết Trí Bá Dao ở trên Tạc Đài.

Nay đại vương ghét rằng Sở chưa bị diệt mà quên rằng Sở mà bị diệt thì Nguỵ mạnh lên, thần vì đại vương lo tính, cho rằng không nên vậy. Kinh Thi nói: “Đại đội binh mã không mệt nhọc qua núi qua sông mà tới nơi xa”. Do câu đó mà xét thì nước Sở ở xa là nước giúp cho Tần mà lân bang của Tần mới là kẻ thù của Tần. Kinh Thi nói: “Lòng người khác giảo hoạt ra sao ta đoán ra được, như con thỏ nhảy qua nhảy lại, có lúc bị chó vồ” 209 .

Nay đại vương giữa đường tin rằng Hàn, Nguỵ thân thiện với đại vương, chính như Ngô tin Việt vậy. Thần nghe nói kẻ thù không thể khinh thị, thời không thể bỏ lỡ; thần lo rằng Hàn, Nguỵ nhún lời, lo sợ mà thực là gạt đại quốc đây. Tại sao vậy? Là vì đại vương không có cái ơn mấy đời cho Hàn, Nguỵ mà cái oán nhiều đời với họ. Cha con anh em Hàn, Nguỵ nối gót nhau mà chết ở Tần đã nhiều đời rồi. Quốc gia suy tàn, xã tắc huỷ hoại, tôn miếu đổ nát, bụng bị mổ, mép bị rạch, đầu thân chia lìa. Xương phơi trong bụi chằm, đầu cổ cứng đơ, ngó nhau trong cõi 210 , cha con già trẻ bị trói làm nô lệ, theo nhau trên đường. Quỷ thần không ai cúng kiến, trăm họ không chỗ nương dựa để sống, họ hàng li tán, lưu vong làm thần, thiếp người ta khắp thiên hạ. Hàn, Nguỵ mà không mất thì là mối lo cho xã tắc nhà Tần. Nay đại vương đánh Sở, chẳng là thất sách ư?

Vả lại ngày đại vương đem quân đánh Sở thì xuất binh qua đường nào? Đại vương mượn đường của các nước thù địch là Hàn, Nguỵ chăng? Nếu vậy thì ngày xuất binh là ngày đại vương lo rằng binh sẽ không trở về, tức đem binh mà tặng kẻ thù là Hàn, Nguỵ vậy. Còn như đại vương không mượn đường của kẻ thù là Hàn, Nguỵ thì tất phải đánh Tuỳ Dương, Hữu Nhương 211 ; Tuỳ Dương, Hữu Nhương là đất sông rộng, nước sâu, rừng núi, hang vực, không sản xuất được gì, dù có chiếm được cũng như không. Vậy là đại vương được cái danh là phá Sở mà không được cái thực là được đất.

Lại thêm, ngày mà đại vương đánh Sở, bốn nước 212 tất nổi cả lên tập kích đại vương; Tần Sở gặp binh hoạ không ngớt thì Nguỵ tất xuất binh mà đánh đất Lưu, Phương Dư, Trất, Hồ Lăng, Nãng, Tiêu, Tương 213 mà Tống tất mất nước. Tề đem quân xuống phương nam mà phía bắc sông Tứ 214 tất bị chiếm. Đó đều là những đất bình nguyên màu mỡ, thông với bốn phía, mà đại vương nhường cho Tề, Nguỵ tự ý chiếm lấy.

Thế là đại vương phá Sở để làm béo bở Hàn, Nguỵ mà làm cho Tề mạnh lên. Hàn, Nguỵ mạnh lên có thể đương sức với Tần được. Tề, phía Nam chiếm được đất Tứ, phía đông nhờ có bể che chở, phía bắc nhờ vào sông Hoàng Hà mà không lo gì về sau nữa và trong thiên hạ không có nước nào mạnh hơn Tề. Tề, Nguỵ được đất phì nhiêu, mà khéo dùng quan lại thì chỉ một năm sau là dựng được nghiệp đế, nếu chưa được thì cũng có dư sức để ngăn đại vương xưng đế.

Đất của đại vương rộng, dân của đại vương đông, binh giáp của đại vương mạnh mà xuất quân thì kết oán với Sở, hạ lệnh thì Hàn, Nguỵ không nghe, bị họ khuất phục vì đem ngôi đế tặng cho Tề, thế là đại vương tính lầm rồi.

Thần vì đại vương mưu tính thì không gì bằng thân thiện với Sở; Tần, Sở họp lại làm một đánh Hàn thì Hàn tất phải phục tòng. Nước đại vương, chỗ vạt áo thì có Sơn Đông hiểm trở, chỗ đai lưng thì có Hoàng Hà uốn khúc, che chở; Hàn tất vì Tần mà dò xét tình hình chư hầu, như vậy đại vương đem mười vạn binh đóng ở Trịnh, Lương tất phải sợ. Các đất Hứa, Yên Lăng, Anh Thành, Thượng Thái 215 ; Triệu Lăng không qua lại với Nguỵ được nữa. Như vậy thì Nguỵ thành chư hầu của Tần.

Đại vương mà thân thiện với Sở, hai nước vạn thặng ở trong cửa quan đều hàng phục 216 , biên giới của Tần và Tề tiếp nhau thì đất phía mặt của Tề 217 có thể ngồi không mà có. Như vậy đất đai của đại vương thông hai biển 218 , từ đông qua tây, cắt ngang thiên hạ. Thế là Yên, Triệu không có Tề, Sở; Tề, Sở không có Yên, Triệu; sau này đại vương có thể đem lẽ nguy hại ra giảng cho Yên, Triệu phải sợ mà nắm được Tề, Sở. Bốn nước đó chẳng đợi bị đánh mà cũng qui phục Tần 219 .

191    Khoảnh Tương Vương: có sách chép là Đinh Tương Vương, con của Hoài Vương.

192    Tây Lăng: nay thuộc tỉnh Hồ Bắc.

193    Trần Thành: nay thuộc tỉnh Hà Nam.

194    Hoàng Yết: là hậu vệ của vua nước Hoàng, làm tướng quốc ở Sở, được phong tước Xuân Thân Quân.

195    Hàn, Nguỵ, về địa thế, ở vào khoảng giữa sáu nước, nên gọi là cái lưng của các nước hợp tung.

196    Thịnh Kiều: là người nước Tần.

197    Toan Tảo: tên đất, nay ở phía bắc huyện Diên Tân.

198    Thành Bồ: nay ở Trực Lệ; Thành Diễn: nay ở Hà Nam.

199    Thủ Viên: sau đổi là Trường Viên, nay ở Trực Lệ.

200    Nhân: cũng gọi Nhâm, nay ở Sơn Đông. Bình: nay ở huyện Trường Viên. Tiểu Hoàng: nay ở Hà Nam.

Tế Dương: nay ở Hà Nam.

201    Anh Thành: là tên đất, không rõ ở đâu.

202    Bộc: là sông Bộc; Ma: là tên đất ở gần sông Bộc.

203    Câu đó ở trong bài Đãng Chi, thiên Đại Nhã.

204    Câu đó ở trong quẻ Vị tế, ý nói con hổ không muốn cho ướt đuôi, cho nên khi chạy qua chỗ có nước thì vểnh đuôi lên, chỉ lúc nào không thể tránh được mới chịu ướt.

205    Du Thứ: là tên đất, nay ở Sơn Tây, có thuyết nói Trí Bá thua ở đó, có thuyết nói Trí Bá chết ở đó.

206    Can Truỵ: nay ở tỉnh Giang Tô, là nơi Ngô Vương tên là Phù Sai đâm cổ tự tử.

207    Trỏ Ngô Vương Phù Sai và Việt Vương Câu Tiễn.

208    Ngải Lăng: tức Ngải Lăng đình, nay ở tỉnh Sơn Đông. Tam Giang: là ba con sông: Lâu, Tùng, Đông.

209    Câu đó ở trong bài Xảo ngôn, thiên Tiểu Nhã.

210    Nguyên văn: tương vọng ư cảnh. Diệp Ngọc Lân dịch là trong nước chỗ nào cũng thấy cảnh đó.

211    Tuỳ Dương: cũng gọi là Tuỳ Thuỷ, nay ở Hồ Bắc.

212    Tức Tề, Triệu, Hàn, Nguỵ.

213    Lưu: nay ở Giang Tô; Phương Dư: nay ở Sơn Đông; Hồ Lăng: nay ở Giang Tô; Trất: nay ở An Huy; Nãng: nay ở Giang Tô; Tương: nay ở An Huy; Tiêu: nay ở Giang Tô. Những đất đó đều thuộc Tống.

214    Sông Tứ: nay ở Sơn Đông. Phía bắc sông Tứ trỏ nước Lỗ. Phía bắc sông Tứ tất dấy lên: nghĩa là Tề tất thôn tính nước Lỗ.

215    Hứa thành, Yên Lăng thành, Thượng Thái: đều ở Hà Nam ngày nay.

216    Câu này tối nghĩa. Nguyên văn: nhi quan nội nhị vạn thặng chi chủ. Chúng tôi dịch theo Diệp Ngọc Lân; như vậy thì hai nước vạn thặng đó chỉ có thể là Hàn, Nguỵ, nhưng Hàn, Nguỵ ở ngoài, chứ sao lại ở trong cửa Hàm Cốc. Chúng tôi ngờ rằng có thể hiểu như vầy nữa: vua hai nước vạn thặng ở trong cửa Hàm Cốc tức Tần và Sở, biên giới tiếp với Tề (vì Sở tiếp với Tề), thì đất phía tay mặt của Tề có thể ngồi không mà có.

217    Đất phía tay mặt của Tề tức đất Bình Lục, nay ở Sơn Đông.

218    Hai biển tức Đông Hải và Tây Hải. Tây Hải tức Thanh Hải.

219    Bản Hứa Khiếu Thiên còn thêm hai hàng nữa mà các bản khác không có. Chúng tôi bỏ.

TẦN V

5. LỮ BẤT VI BUÔN VUA

(Bộc Dương nhân Lữ Bất Vi)


Người đất Bộc Vương tên là Lữ Bất Vi, buôn bán ở Hàm Đan, gặp công tử Tần là Dị Nhân 220 làm con tin ở Triệu, về nhà hỏi cha:

- Làm ruộng thì lời gấp mấy?

- Gấp mười.

- Buôn bán châu ngọc thì lời gấp mấy?

- Gấp trăm.

- Buôn vua để lập quốc thì lời gấp mấy?

- Vô kể.

- Nay tận lực lao khổ làm ruộng mà không được no cơm ấm áo; còn lập vua dựng nước thì ân huệ có thể lưu lại đời đời. Con xin đi làm việc đó.

Con vua Tần là Dị Nhân làm con tin ở Triệu, ở tại Liêu Thành, Lữ Bất Vi bèn tới đó, thuyết phục Dị Nhân:

- Tử Hệ 221 có địa vị nối ngôi, lại có mẹ được vua yêu; còn ông không có mẹ được vua yêu mà lại đem gởi ở một nước ngoài không biết lòng dạ ra sao. Ngày nào mà có sự bội ước giữa Tần và Triệu thì thân ông rẻ như đất bùn. Tôi khuyên ông nên xin về nước để sau được ngôi Tần. Tôi xin vì ông mà vận động. Tần tất cho người đón ông về.

Rồi Lữ thuyết với em trai hoàng hậu nước Tần là Dương Tuyền Quân:

- Tội của ông đáng chết! Ông hay không? Kẻ môn hạ của ông thì không ai là không ở chức vị cao, còn kẻ môn hạ của thái tử thì không có người giàu sang; phủ của ông chứa trân châu bảo ngọc, tuấn mã của ông đầy chuồng ở phía ngoài, mỹ nữ của ông chật nhà ở phía sau. Tuổi của vua đã cao, ngày nào mà vua băng hà, thái tử lên nối ngôi, thì ông nguy như trứng để đầu đẳng 222 không thọ hơn loài hoa bông bụt 223 đâu. Tôi có một kế khiến cho ông giàu sang ngàn vạn năm, vững như núi Thái Sơn có bốn ngọn núi chầu bốn bên, tuyệt nhiên không còn lo nguy vong nữa.

Dương Tuyền Quân đương ngồi trên chiếu, tụt xuống, hỏi kế đó ra sao. Bất Vi đáp:

- Tuổi vua năm nay đã cao! Hoàng hậu không có con. Tử Hệ có địa vị nối ngôi, Sĩ Sương lại phụ tá; ngày nào vua băng, Tử Hệ lên ngôi, Sĩ Sương cầm quyền, thì cửa cung hoàng hậu tất ngập cỏ bồng cỏ cảo. Công tử Dị Nhân là người hiền tài, bị bỏ ở nước Triệu, không còn mẹ ở trong nước, ngỏng cổ nhìn về phương tây, chỉ mong được dịp về. Nếu hoàng hậu có xin vua mà lập làm thái tử thì công tử Dị Nhân không có nước mà hoá có nước, hoàng hậu không có con mà hoá có con.

Dương Tuyền Quân bảo:

- Phải.

Rồi vô nói với hoàng hậu. Hoàng hậu xin vua Triệu cho đón Dị Nhân về. Vua Triệu chưa cho đi.

Bất Vi vô tâu vua Triệu:

- Công tử Dị Nhân là con cưng của vua Tần, không còn mẹ ở trong nước, nhưng hoàng hậu muốn dựng làm con. Nếu Tần muốn diệt Triệu, không vì đại vương có công tử Dị Nhân mà diên trì kế hoạch, thì đại vương chỉ là ôm đứa con tin vô ích; nếu Triệu cho công tử Dị Nhân về nước để được lên ngôi, lại sai người long trọng đưa về thì công tử Dị Nhân không dám vong ơn bội nghĩa, như vậy là đại vương dùng ơn nghĩa mà kết hiếu với Tần. Vua Tần già rồi, một ngày kia mà mất, thì lúc đó dù đại vương có giữ Dị Nhân cũng không đủ để buộc mối tình của Tần.

Vua Triệu bèn cho Dị Nhân về nước.

Dị Nhân về tới nơi, Bất Di bảo ông ta bận y phục nước Sở mà yết kiến thái hậu, thái hậu thấy vậy rất vui lòng, khen là khôn ngoan, bảo: “Ta là người nước Sở”.

Và coi Dị Nhân là con, đổi tên là Sở.

Vua Tần bảo Dị Nhân đọc sách, Dị Nhân đáp:

- Thần từ nhỏ bị bỏ ở nước ngoài, không có quan sư phó dạy bảo, không được tập đoc.

Vua Tần thôi không bắt đọc nữa, nhưng giữ lại. Một lát sau, Dị Nhân tâu:

- Đại vương đã từng dừng xe ở Triệu 224 , kẻ hào kiệt ở Triệu biết rành đại vương không phải là ít. Nay đại vương trở về nước, họ đều hướng về phía tây 225 , ngóng đại vương. Đại vương không sai một sứ giả tới uỷ lạo họ, thần sợ họ tất có lòng oán. Nên ra lệnh cho cửa ải ở biên giới đóng sớm mà mở trễ.

Vua Tần cho là phải, khen kế đó là lạ. Hoàng hậu khuyên vua lập Dị Nhân làm thái tử. Vua bèn vời tể tướng vô, ra lệnh rằng: “Con quả nhân không ai bằng Sở, ta lập nó làm thái tử”.

Công tử Sở lên ngôi rồi, dùng Bất Vi làm tể tướng, gọi là Văn Tín Hầu, thực ấp được mười hai huyện Lam Điền. Hoàng hậu được phong Hoa Dương thái hậu. Các nước chư hầu đều đem đất dâng Tần.

220    Dị Nhân: sau lên ngôi vua Tần, hiệu là Trang Tương Vương.

221    Tử Hệ: là anh cùng cha khác mẹ của Dị Nhân, mẹ của Tử Hệ được vua Tần yêu.

222    Nguyên văn là trứng chất cao.

223    Nguyên văn là triêu sinh. Từ Hải giải nghĩa là loài “mộc cẩn”, tức loài bông bụt, nhưng cũng có người cho là một loài nấm rất mau tàn.

224    Ý nói: vua Tần đã có hồi phải ở Triệu để làm con tin.

225    Chỉ Tần.

6. CAM LA THUYẾT TRƯƠNG ĐƯỜNG VÀ VUA TRIỆU

(Văn Tín Hầu dục công Triệu)


Văn Tín Hầu muốn đánh Triệu để mở rộng đất Hà Gian 226 , sai Cương Thành Quân Thái Trạch qua thờ vua Yên. Ba năm sau, thái tử Yên 227 qua làm con tin ở Tần, Văn Tín Hầu nhân đó xin cho Trương Đường 228 làm tể tướng nước Yên, có ý muốn dụ Yên cùng với Tần đánh Triệu để mở rộng đất Hà Gian. Trương Đường từ chối, đáp:

- Muốn qua Yên thì phải qua Triệu; người nước Triệu treo giải ai mà bắt được Đường tôi thì sẽ được thưởng trăm dặm đất 229 .

Văn Tín Hầu bỏ ra về, vẻ mặt không vui. Thiếu thứ tử 230 là Cam La hỏi:

- Sao quân hầu có vẻ không vui như vậy?

Văn Tín Hầu đáp:

- Ta sai Cương Thành Quân Thái Trạch qua thờ vua Yên ba năm, thái tử Yên đã vô Tần để làm con tin, nay tự ta tới xin Trương Khanh qua Yên làm tể tướng mà ông ta không chịu đi.

Cam La bảo:

- Thần xin đi thuyết ông ta.

Văn Tín Quân mắng:

- Ta đích thân mời mà không được, ngươi mời làm sao được?

Cam La đáp:

- Xưa Hạng Thác 231 mới bảy tuổi mà làm thầy Khổng Tử; nay tôi đã được mười hai tuổi rồi. Xin ông cứ thử cho tôi đi, chứ sao vội mắng tôi như vậy?

Cam La yết kiến Trương Đường, hỏi:

- Công của ông với công của Vũ An Quân, ai hơn?

Đường đáp:

- Vũ An Quân chiến thắng không biết bao nhiêu trận, phá thành chiếm ấp không biết bao nhiêu chỗ. Công của tôi không bằng công Vũ An Quân.

Cam La hỏi:

- Vậy là ông biết rõ rằng công ông không bằng công Vũ An Quân ư?

- Biết rõ.

Cam La lại hỏi:

- Ưng Hầu với Văn Tín Hầu, làm tể tướng ở Tần, ai được chuyên dùng?

- Ưng Hầu không được chuyên dùng bằng Văn Tín Quân.

- Vậy là ông biết rõ rằng Ưng Hầu không được chuyên dùng bằng Văn Tín Hầu ư?

- Biết rõ.

Cam La lại hỏi:

- Ưng Hầu muốn đánh Triệu, Vũ An Quân không chịu 232 ra khỏi Hàm Dương bảy dặm 233 , Ưng Hầu bóp cổ Vũ An Quân cho chết. Nay Văn Tín Hầu đích thân mời ông làm tể tướng nước Yên mà ông không chịu đi, tôi không biết ông sẽ chết ở nơi nào đây?

Đường đáp:

- Xin nghe lời em nhỏ này mà đi.

Ra lệnh cho lấy xe trong kho, lấy ngựa trong chuồng, vàng lụa trong phủ. Ngày đi đã định 234 , Cam La bảo Văn Tín Hầu:

- Xin cho tôi mượn năm chiếc xe, tôi vì Trương Đường mà qua báo trước vua Triệu.

Cam La qua yết kiến vua Triệu. Vua Triệu ra đón ở ngoài thành. Tâu với vua Triệu:

- Đại vương nghe tin thái tử Đan nước Yên vô Tần làm con tin không?

- Có.

- Nghe Trương Đường qua làm tướng quốc nước Yên không?

- Có.

- Thái tử Yên vô Tần là Yên không gạt Tần; Trương Đường qua làm tướng quốc nước Yên là Tần không gạt Yên. Tần và Yên không gạt nhau mà đánh Triệu, Triệu tất nguy. Tần Yên không gạt nhau, chỉ là muốn đánh Triệu để mở rộng đất Hà Gian chứ không có lẽ gì khác. Nay đại vương tặng thần năm thành để mở rộng đất Hà Gian thì thần xin Tần trả thái tử Yên về nước, khiến cho Tần giúp cường quốc là Triệu tấn công nhược quốc là Yên.

Vua Triệu lập tức cắt năm thành để mở rộng đất Hà Gian và Tần trả thái tử Yên về nước. Rồi Triệu đánh Yên, được ba mươi sáu huyện Thương Cốc, cắt mười một thành tặng Tần 235 .

226    Lúc đó Tần đã chiếm từ phía đông Thái Hàng Sơn tới sông Hoàng Hà. Hà Gian đây chỉ miền ở sông Hoàng Hà. Văn Tín Hầu: tức Lữ Bất Vi.

227    Tức thái tử Đan.

228    Trương Đường: là người nước Tần.

229    Trước Trương Đường do Tần Chiêu Vương sai qua đánh Triệu, bị Triệu oán, có ra bố cáo ai bắt được Trương Đường thì được thưởng trăm dặm đất.

230    Một chức quan.

231    Hạng Thác: rất thông minh, bảy tuổi mà Khổng Tử phải phục là giỏi hơn mình.

Cam La: là cháu nội Cam Mậu.

232    Tần Chiêu Vương đánh Sở không thắng, sai Vũ An Quân đi, Vũ An Quân không chịu, sau Tần Chiêu Vương lại sai Ưng Hầu dụ Vũ An Quân, Vũ An Quân khăng khăng không chịu.

233    Theo Sử ký thì là mười dặm.

234    Crump cho câu này là lời nói của Trương Đường và dịch là: “Bảo sửa soạn xe ngựa và tiền bạc vì ngày mai tôi đi”.

235    Crump dịch là “tặng một phần mười”. Nguyên văn: “dữ Tần thập nhất”. Theo Sử ký thì là mười một thành.

8. DIÊU CỔ ĐÁP VUA TẦN

(Tứ quốc vi nhất)


Bốn nước (Yên, Triệu, Ngô, Sở) liên kết với nhau để tính đánh Tần. Vua Tần 236 với quần thần tân khách gồm sáu chục người để hỏi:

- Bốn nước liên kết với nhau để tính chiếm Tần, quả nhân bị áp bức ở trong triều mà trăm họ chia rẽ ở ngoài nước, làm sao bây giờ?

Quần thần làm thinh, Diêu Cổ 237 đáp:

- Cổ tôi xin đi sứ bốn nước để phá mưu của họ mà dẹp được binh đao.

Vua Tần bèn cho Diêu Cổ trăm chiếc xe, ngàn cân vàng, lại ban mủ áo và cây kiếm để đeo. Diêu Cổ cáo từ, đi sứ, phá được mưu bốn nước, dẹp được việc binh đao, thân thiện với bốn nước, báo tin cho vua Tần hay, vua Tần rất mừng. Cổ được phong làm thiên hộ hầu, chức là thượng khanh.

Hàn Phi 238 hay tin đó, tâu với vua Tần:

- Cổ đem châu báu, phía nam đi sứ Kinh, Ngô, phía bắc đi sứ ở vùng Yên, Đại. Sau ba năm, tình giao thiệp với các nước vị tất đã thân mà châu báu trong nước thì không còn gì. Như vậy là Cổ dùng quyền của đại vương, bảo vật của quốc gia mà tự kết giao với chư hầu, xin đại vương xét lại. Vả lại tên lính giữ cửa của nước Lương đó đã ăn cướp ở Lương; lại có lần làm bề tôi ở Triệu mà bị đuổi 239 , rồi phải làm tên lính giữ cửa. Quân cướp lớn ở Lương, kẻ bề tôi bị đuổi ở Triệu mà đem bàn việc xã tắc với hắn thì còn đâu cái phép nghiêm khắc đối với quần thần.

Vua Tần bèn vời Diêu Cổ vô, hỏi:

- Ta nghe ông lấy tiền bạc của quả nhân mà kết giao với chư hầu, có vậy không?

- Có.

- Thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn quả nhân nữa?

- Tăng Sâm có hiếu với cha mẹ, thiên hạ ai cũng muốn có con là Tăng Sâm, Tử Tư trung với vua, vua trong thiên hạ ai cũng muốn có bề tôi là Tử Tư; con gái mà trinh tiết, khéo léo thì thiên hạ ai cũng muốn cưới về làm vợ. Nay Cổ tôi trung với đại vương mà đại vương không biết, bây giờ Cổ tôi không về thờ bốn nước kia thì còn đi đâu? Nếu Cổ tôi không trung với đại vương thì vua bốn nước kia còn dùng cái thân của Cổ này làm gì? Vua Kiệt nghe lời gièm pha mà giết lương tướng 240 , vua Trụ nghe lời gièm pha mà giết trung thần 241 , rồi đến nổi thân chết, nước mất; nay đại vương nghe lời gièm pha thì không có bề tôi trung đâu.

Vua Tần bảo:

- Ông đã làm tên lính coi cửa, làm tên cướp lớn ở Lương, làm bề tôi của Triệu mà bị đuổi.

Diêu Cổ đáp:

- Thái Công Vọng 242 bị vợ đuổi ở Tề, làm tên đồ tể bỏ đi ở Triều Ca, là kẻ bề tôi bị đuổi ở Tử Lương, người đất Cức Tân ghét không thèm mướn, nhưng vua Văn Vương tin dùng mà dựng nên nghiệp vương; Quản Trọng là con buôn tham bỉ, là con người u uất bất đắc chí ở Nam Dương, làm tù nhân của Lỗ rồi được thả, vua Tề Hoàn Công tin dùng mà dựng được nghiệp bá 243 . Bách Lý Hề là tên ăn xin ở đất Ngu, Mậu Công đem năm bộ da dê chuộc về, vua Tần Mục công dùng làm tể tướng mà thống chế được Tây Nhung 244 ; vua Tần Văn Công dùng tên cướp ở Trung Sơn mà thắng ở thành Bộc 245 ; bốn kẻ sĩ đó đều xấu xa đê tiện, bị thiên hạ phỉ báng, mà bực minh chúa tin dùng là vì biết rằng có thể giúp mình lập công được. Còn như hạng Biện Thuỳ, Vụ Quang, Thân Đổ Địch 246 , thì bực nhân chủ có dùng họ được không? Cho nên bực minh chủ dùng người thì không nệ người đó dơ bẩn, không quan tâm tới chỗ xấu của người đó, chỉ xét người đó có giúp được cho mình không, nhờ vậy mà bảo tồn được xã tắc. (Bọn có tài ấy) tuy người ngoài có kẻ phỉ báng thì cũng không nghe; còn kẻ có tiếng tăm là cao khiết, mà không có lấy một chút xíu công lao thì cũng không thưởng. Vì vậy mà quần thần không dám dùng cái danh hão mà mong được vua thưởng.

Vua Tần khen:

- Phải.

Rồi lại dùng Diêu Cổ mà giết Hàn Phi.


236    Tức Tần Thuỷ Hoàng sau này.

237    Diêu Cổ: là người nước Nguỵ.

238    Hàn Phi: là công tử nước Hàn, giỏi về chính trị, lúc đó qua giúp nước Tần.

239    Diêu Cổ: hồi trước làm lính giữ cửa ở Lương, ăn cướp ở Lương rồi làm quan ở Triệu, sau bị đuổi, qua Tần.

240    Vua Kiệt giết tướng giỏi là Quan Long Phùng.

241    Vua Trụ giết tôi trung là Tỉ Can.

242    Thái Công Vọng: tức Lữ Thượng, là người nước Tề, nhà nghèo, bị vợ đuổi đi, có lúc bán thịt ở Triều Ca (Kinh đô của vua Trụ, nay ở Hà Nam).

243    Quản Trọng: hồi nghèo đi buôn dầu với Bảo Thúc, khi chia tiền thường ăn gian của bạn, sau qua nước Lỗ thờ công tử Củ, chống với công tử Tiểu Bạch của Tề; công tử Củ chết, vua Lỗ bắt giam Quản Trọng, nạp cho Tiểu Bạch, Tiểu Bạch tha tôi cho Quản Trọng, tin dùng mà lập nên nghiệp bá.

244    Bách Lý Hề: là người ở nước Ngu, ăn xin ở nước Tề. Khi Tần diệt Ngu, tróc nã Bách Lý Hề, Bách Lý Hề trốn qua đất Uyển, bị người nước Sở bắt được, Tần Mậu Công đem năm bộ da dê đổi. Tây Nhung: là rợ ở phía Tây Trung Hoa.

245    Tên cướp ở Trung Sơn…: không rõ là ai. Bộc Thành: nay ở tỉnh Sơn Đông.

246    Biện Thuỳ, Vụ Quang: là hai người hiền đời vua Thang mà không chịu làm quan. Vua Thang giết vua Kiệt rồi nhường ngôi cho hai ông đó, họ không chịu, trốn đi.

Thân Đổ Địch: là người đời Ân hay Chu, cũng rất thanh cao, chán nhân tình thế thái, gieo mình xuống dòng suối ở dưới chân núi.

--------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét