Mạc Đại tiên sinh trong film Tiếu Ngạo Giang Hồ 2001
Kẻ thảo khách giang hồ đó đi trong sương khói.
Hiếm có một nhân vật nào đặc biệt như Mạc Đại Tiên Sinh trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Xuất hiện rất ít nhưng lại để lại ấn tượng cực kỳ khó phai. Tính ra trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tiên sinh hiện diện chỉ đếm trên đầu ngón tay:
– Lần đầu ông xuất hiện ở thành Hành Sơn trong một tửu điếm nhỏ để trừng trị những gã thảo mãng ăn nói vớ vẩn. Một lão già ốm nhom, sắc mặt tiều tụy, mặc một chiếc áo dài màu xanh, cũ đến nỗi màu xanh đã hóa thành màu trắng. Hồ cầm cất lên tiếng da diết, âm sắc rất thê lương. Rồi một ánh sáng chớp qua và vài tiếng đinh đinh. Thế kiếm chém đứt 7 miệng chén trà. Ông để lại ấn tượng về một tiếng đàn buồn bí ẩn và một võ công tuyệt thế.
– Lần thứ hai ông xuất hiện trong hình ảnh của một vị cứu tinh. Khi mà lưỡi gươm của Phí Bân chuẩn bị chém vào Lệnh Hồ Xung sau khi đã giết chết cô gái bé nhỏ Khúc Phi Yên và chuẩn bị giết thêm 3 mạng người nữa. Trong cái nụ cười đầy man rợ và khát máu của Phí Bân thì tiếng hồ cầm bỗng từ xa vọng lại.
Tiếng hồ cầm nỉ non da diết như chuông nguyện hồn một vong linh bé nhỏ. Tiên sinh xuất hiện, chẳng đẹp đẽ như một vị tiên trên trời, chẳng hiền hậu như trong chuyện cổ tích. Ông chỉ xuất hiện với 2 từ “Đáng giết” từ khóe môi của một người ăn mặc rách rưới như Cái Bang. Một ánh chớp như lá liễu quét lên, chiêu kiếm như mộng như ảo. Giết chết Phí Bân cứu sống Lệnh Hồ Xung.
-Lần thứ ba, trên bến đò bên sông Trường Giang. Nụ cười hiếm hoi nở ra trên khuôn mặt đầy khắc khổ của ông. Ông chén thù chén tạc với Lệnh Hồ Xung. Và trách cứ Lệnh Hồ Xung là kẻ phụ tình. “Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình”, Lệnh Hồ Xung không biết rằng Nhậm Doanh Doanh đang bị giam trên Thiếu Lâm Tự vì cứu chàng. Rồi ông khuyên chàng lên Thiếu Lâm cứu giá Doanh Doanh.
Cần phải nói thêm một chút ở chỗ này. Mạc Đại là chưởng môn lẫy lừng của chính phái. Doanh Doanh là thánh nữ của ma giáo. Vậy mà ông bảo tên lãng tử cầu bơ cầu bất Lệnh Hồ Xung đi cứu giá thánh nữ ma giáo. Ở đây, Mạc Đại đã vượt lên tất cả danh môn chính phái trong thiên hạ. Ông mang một cái tâm đầy nhân bản cao hơn cái duy lý của thiên kiến con người. Trong mắt Mạc Đại, Doanh Doanh không phải ma nữ tà giáo, mà chỉ là một cô gái nhỏ đã hy sinh tất cả cho người yêu dấu, nhảy vào hang hùm hang sói để cứu Lệnh Hồ Xung. Và điều đó cần được báo đáp chứ không phải là sự vô tình trong ánh mắt “chính giáo”.
Lệnh Hồ Xung ra đi, và Mạc Đại hứa rằng sẽ bảo vệ những ni cô phái Hằng Sơn. Ông đi phía sau, thầm lặng và chu đáo. Nhưng chính ở đoạn này, Kim Dung lại miêu tả “Phía sau lưng chàng, trong tửu điếm, tiếng đàn của Mac Đại trầm xuống dần, trong đêm tối tĩnh mịch nghe rất buồn thảm.”
Than ôi!
Lần cuối xuất hiện của Mạc Đại tiên sinh cũng là lúc những nét chấm phá của Kim Dung cho Tiếu Ngạo đi về cuối. Trong ngày hạnh phúc của Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh. Ông xuất hiện. Ông đánh khúc ca Phụng Cầu Hoàng để chúc cho đôi uyên ương sát cánh.
Mạc Đại giải cứu Lệnh Hồ Xung thuở đầu, kết uyên ương cho chàng và Doanh Doanh, và phút cuối lại thêm một tiếng réo rắt. Nếu bảo tầm thường, ắt không tầm thường. Kim Dung dành rất nhiều tình cảm cho Mạc Đại.
Tiếng đàn ấy thê lương và não ruột như những giọt mưa nhỏ ai oán rơi trên lá cây bên bến đò Sông Tương, tiếng đàn ấy muôn đời ám ảnh người đọc. Là điều gì đã khiến bi thương? Là điều gì để khiến yêu thương Lệnh Hồ – Thánh Cô?
Mạc Đại tiên sinh là tiếng lòng của kẻ bác học cô đơn nhưng yêu cái “Tiếu Ngạo”.
“Cầm trung tàng kiếm-kiếm pháp cầm âm”
Trong đàn có dấu kiếm-Kiếm phát ra như tiếng đàn.
Kim Dung để cho người đọc tự luận. Một nỗi sầu thiên thu chẳng có ai hiểu nổi và chẳng ai biết vì sao?
C.N
“Mạc Đại tiên sinh – tên gọi đầy đủ của nhân vật này không ai rõ, chỉ biết đến họ là Mạc Đại và được mọi người gọi là Mạc Đại tiên sinh. Ông là chưởng môn nhân phái Hành Sơn, là người đặc biệt giỏi âm nhạc và kiếm pháp. Ông chơi đàn hồ cầm, và sử dụng một cây liễu kiếm mỏng giấu trong đàn. Ông nổi tiếng với bản “Tiêu Tương dạ vũ” (Đêm mưa trên bến Tiêu Tương) đầy bi ai, và luôn xuất hiện với bộ dạng một người ăn mày gầy gò đau khổ.” – theo Wikipedia
GIAI THOẠI VỀ VỀ KHÚC TIÊU TƯƠNG DẠ VŨ
Nhắc tới Tiếu Ngạo Giang Hồ, ta có thể thấy có một dấu ấn của Tiêu Dao phái trong tác phẩm này, đó là khúc đàn Tiêu Tương Dạ Vũ.
Tiêu Tương Dạ Vũ - Có nghĩa là Đêm mưa trên bến Tiêu Tương. Được sáng tác bởi Mạc Đại Tiên Sinh, chưởng môn phái Hành Sơn trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ. Người giang hồ miêu tả ông như sau: Ông là một ông lão, ngoài 60 râu tóc bạc phơ. Luôn xuất hiện với bộ dạng của một kẻ ăn mày nét mặt đau khô, tay cầm cây hồ cầm, bên trong cây hồ cầm là một thanh mỏng được giấu cẩn thận. Ông là người giỏi âm nhạc lẫn kiếm pháp.
Mạc Đại tiên sinh lần đầu tiên xuất hiện trong phần đầu của Tiếu ngạo giang hồ khi Lâm Bình Chi trên đường tìm cha mẹ ngồi ở quán rượu trong thành Hành Dương nghe mọi người bàn tán về việc Lưu Chính Phong ngày mai quy ẩn giang hồ. Đám đông trong quán trọ bàn tán về mối bất hòa giữa Lưu Chính Phong, sư đệ của Mạc Đại và Mạc Đại tiên sinh. Người ta đồn rằng Mạc Đại ghen tức với sư đệ mình là Lưu Chính Phong- tác giả của bản Tiếu ngạo giang hồ vì tài nghệ kiếm thuật kém hơn sư đệ mình. Lưu Chính Phong nổi danh với 36 đường Hồi phong lạc nhạn kiếm, một kiếm rút ra lia đứt đầu 3 con nhạn lớn. Đúng lúc đó, một ông lão ăn mày gầy gò xuất hiện, tay cầm chiếc hồ cầm đi qua chửi những kẻ bàn tán là nói càn, chỉ thoáng thấy tay lia chiếc dao cầm rồi đi khuất. Khi ông ta đi khỏi, trên bàn lăn lóc 7 chiếc chén trà bị kiếm chém đứt. Qua tiếng đàn thấp thoáng để lại, người ta nhận ra đó chính là Mạc Đại tiên sinh với khúc Tiêu tương dạ vũ bi thương, với danh hiệu Cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm thanh có nghĩa là Trong đàn giấu kiếm, kiếm phát tiếng đàn. Điều này chứng tỏ những lời đồn về việc ông ghen tị với sư đệ của mình do kém về kiếm thuật là hoàn toàn bịa đặt.
Trở lại với khúc Tiêu Tương Dạ Vũ đây là một khúc đàn mang đầy nỗi bi ai,u sầu. Khác với khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ mang đầy âm hướng hùng tráng, phiêu lãng và tự tại. Cũng vì đó mà gây nên sự bất đồng quan điểm giữa Mạc Đại và Lưu Chính Phong.
Qua giai thoại về Tiêu Tương Dạ Vũ trên chúng ta lại biết được nguồn gốc của một chiêu thức nữa của Tiêu Dao.
GIAI THOẠI VỀ MẠC ĐẠI TIÊN SINH TRONG TIẾU NGẠO GIANG HỒ
Dưới đây là một đoạn trích rất hay về Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại Tiên Sinh phái Hành Sơn.
Gã lùn mập đáp:
- Người ngoài đều nói Lưu tam gia là đệ nhị cao thủ phái Hành Sơn, người trong bổn phái từ trên xuống dưới đều biết rõ 36 đường "Hồi phong lạc nhạn kiếm" của Lưu tam gia đã đến mực thông huyền, cao thâm hơn cả chưởng môn nhân là Mạc Ðại tiên sinh rất nhiều. Mạc Ðại tiên sinh phóng một nhát kiếm chặt đứt được đầu ba con nhạn lớn. Còn Lưu tam gia phóng một nhát kiếm lại chặt rơi đầu những năm con. Cả bọn đệ tử dưới trướng Lưu tam gia tên nào cũng thắng được môn hạ bọn Mạc Ðại tiên sinh. Tình thế hiện giờ đã mỗi lúc một dở bét, nếu còn kéo dài thêm mấy năm nữa thì thanh thế Mạc Ðại tiên sinh nhất định bị Lưu tam gia đè bẹp. Nghe nói hai bên đã mấy lần xảy cuộc xung đột ngấm ngầm. Lưu tam gia không muốn tranh chấp hư danh với sư huynh mình, y liền rửa tay gác kiếm để từ đây yên ổn làm một phú gia ông.
Mấy người gật đầu nói:
- Té ra thế. Lưu tam gia thâm hiểu nghĩa lớn. Trên đời hiếm có người như y.
Lại có người nói:
- Mạc Ðại tiên sinh làm thế không được. Y áp bức Lưu tam gia rời khỏi võ lâm thì có khác gì làm suy yếu thanh thế của phái Hành Sơn?
Hán tử mặc áo bào lụa cười lạt nói:
- Việc thiên hạ có bao giờ chu toàn hết cả mọi mặt được? Chỉ cần sao giữ vững ngôi chưởng môn là được. Còn lực lượng bản phái tăng cường cũng hay mà suy yếu cũng vậy, họ quan tâm làm cóc gì?
Gã lùn mập uống mấy hớp nước trà rồi cầm nếp bình gõ keng keng la lên:
- Lấy trà đây! Lấy trà đây!
Rồi gã nói tiếp:
- Ðó là việc lớn của phái Hành Sơn đã rõ ràng. Các môn phái đều có tân khách đến mừng. Chính phái Hành Sơn...
Gã nói tới đây thì đột nhiên ngoài cửa bật lên những tiếng "tình tang" của cây hồ cầm.
Rồi có người cất tiếng hát:
- Ðáng buồn cho Dương gia dốc dạ trung trinh ý y... Nhà Ðại Tống...ý y... phù trì ...ý y ...
Hắn kéo gân cổ lên mà ngâm, thanh âm nghe rất thê lương. Mọi người đều quay về nhìn hắn thì thấy là một lão già gầy như hạc, vẻ mặt khô queo, mình mặc áo dài bằng vải xanh ngồi ở bàn bên. Áo lão giặt nhiều lần màu xanh đã bạc phếch. Coi bộ dạng lão có vẻ rất điêu linh, chẳng khác một tên kép hát để kiếm tiền.
Gã lùn mập quát lên:
- Thanh âm như quỷ gào mà cũng đòi hát để cắt đứt câu chuyện người ta đang nói dở.
Lão già liền hạ thấp giọng xuống, miệng vẫn ấm ớ hát:
- Bắn kim sa ý y... hội song long ý y... thua một trận xiểng liểng ý y.....
Có người hỏi:
- Ông bạn đều nói các môn phái đều có tân khách đến mừng mà chính phái Hành Sơn thì làm sao?
Gã lùn mập đáp:
- Bọn đệ tử Lưu tam gia dĩ nhiên phải ở trong thành để đón khách. Nhưng trừ bọn đệ tử do đích thân Lưu tam gia truyền dạy, ngoài ra các vị có gặp một tên đệ tử nào khác trong phái Hành Sơn không?
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau rồi đồng thanh nói:
- Ðúng thế! Sao lại không thấy một tên nào? Làm như vậy chẳng bẽ mặt cho Lưu tam gia lắm ư?
Gã lùn mập nhìn hán tử mặc áo lụa cười hỏi:
- Tại hạ có muốn nói tôn giá nhát gan không dám nói toạc chuyện tranh chấp nội bộ phái Hành Sơn ra. Thực tình có can hệ gì đâu? Phái Hành Sơn không phái một người nào tới thì còn ai nghe thấy nữa? Việc gì mà sợ ?
Ðột nhiên tiếng hồ cầm lại dần dần vang lên.
Một lão già quát lên:
- Hắn đã tới rồi! Thật là vạ lớn!...
Gã tuổi trẻ cũng quát theo:
- Ðừng ở đây rắc rối nữa! Lấy tiền rồi đi đi!
Gã giơ tay lên một cái, một xâu đồng tiền bay ra đánh chát một tiếng rớt xuống, đúng trước mặt lão già không sai một chút. Thủ pháp gã rất chuẩn đích.
Lão cất tiếng tạ ơn rồi thu lấy tiền.
Gã lùn mập cất tiếng khen:
- Té ra lão đệ là một danh gia sử dụng ám khí mới liệng trúng thế.
Gã tuổi trẻ cười nói:
- Cái đó có chi đáng kể? Theo lời đại ca thì Mạc Ðại tiên sinh nhất định không đến ư?
Gã lùn mập đáp:
- Y đến làm chi? Y đã cùng Lưu tam gia thành thế nước lửa. Hễ gặp nhau là rút kiếm động thủ. Lưu tam gia nhượng bộ chắc là y mãn nguyện rồi.
Bỗng thấy lão già hát vừa rồi đứng lên từ từ tiến đến trước mặt gã lùn mập, nghẹo đầu nhìn gã một lúc.
Gã lùn mập tức giận hỏi:
- Lão làm trò gì vậy?
Lão kia lắc đầu đáp:
- Ngươi hay nói càn lắm!
Rồi lão trở gót đi ra.
Gã lùn mập cả giận, vươn tay ra định nắm sau lưng lão, thì đột nhiên trước mắt một luồng thanh quang lóe ra. Thanh trường kiếm nhỏ bé loang loáng trên bàn. Keng keng mấy tiếng vang lên.
Gã lùn mập giật mình kinh hãi vội nhảy lùi về phía sau vì gã sợ thanh trường kiếm đâm tới mình. Nhưng lão già từ từ cài thanh trường kiếm vào đáy hồ cầm, không nhìn thấy nữa. Nguyên thanh trường kiếm này dấu ở trong cây hồ cầm, không để chìa ra ngoài nên không ai trông thấy. Ngờ đâu trong cây hồ cầm cũ rích lại dấu một thứ binh khí lợi hại như vậy.
Lão già lắc đầu nhắc lại câu: "Ngươi hay nói càn lắm." rồi từ từ ra khỏi quán trà.
Mọi người đưa mắt nhìn theo bóng sau lưng lão mất hút trong làn mưa. Tiếng hồ cầm thê lương còn văng vẳng vọng lại.
Bỗng có người cất tiếng la hoảng:
- Các vị coi kìa! Các vị coi kìa!
Mọi người nhìn theo tay gã trỏ thì thấy trên bàn gã lùn mập có đặt bảy chiếc chén trà mà chiếc nào cũng hớt tày nửa tấc. Những miệng chén này đều biến thành những vòng tròn trĩnh. Bảy cái vòng sứ rớt xuống bên chén mà những chén nước vẫn còn nguyên không nghiêng đổ một cái nào.
Mấy chục người trong quán trà đều bâu cả lại nghị luận xôn xao.
Có người hỏi:
- Người ấy là ai mà kiếm pháp ghê gớm đến thế?
Có người nói:
- Một nhát kiếm chém đứt bảy miệng chén trà mà không chén nào đổ thì thủ pháp thật là thần diệu.
Có người quay lại nhìn gã lùn mập nói:
- May mà vị lão tiên sinh này hãy còn nhân nhượng, không thì cả đầu lão huynh cũng chẳng khác gì bảy chén trà kia.
Lại có người nói:
- Lão tiên sinh đó dĩ nhiên là một tay cao thủ nổi danh mà sao kiếm thức cũng như người thường?
Gã lùn mập nhìn bảy chiếc miệng chén trà đứt ra vẻ mặt thẫn thờ, mặt không còn chút huyết sắc. Những câu người đứng bên nói dường như gã không nghe thấy gì.
Người đứng tuổi mặc áo lụa nói:
- Thấy chưa! ta đã khuyên tôn giá là ít mồm miệng chớ. Thị phi chỉ tại ngươi nhiều chuyện, phiền não là do tính hiếu danh. Hiện giờ thành Hành Sơn là nơi rồng ẩn cọp nấp, những cao nhân đến đây không biết bao nhiêu mà kể. Lão tiên sinh này chắc là bạn thân của Mạc Ðại tiên sinh. Lão thấy tôn giá nghị luận Mạc Ðại tiên sinh nên cho một bài học đấy.
Lão râu bạc họ Bành bỗng lạnh lùng lên tiếng:
- Cái gì mà bạn thân với Mạc Ðại tiên sinh? Chính Tiêu tương dạ vũ Mạc Ðại tiên sinh đó chứ có phải ai đâu?
- Sao? Mạc Ðại tiên sinh đấy ư? Sao các hạ biết?
Lão râu bạc đáp:
- Lão phu biết chứ. Mạc Ðại tiên sinh ưa gảy khúc Tiêu tương dạ vũ, một khúc nhạc thê lương khiến người nghe phải trào lệ. Tám chữ "Ðàn dấu trong kiếm, kiếm phát tiếng đàn" là để mô tả võ công của lão. Các vị đã đến thành Hành Sơn sao còn chưa biết? Vị huynh đài đây vừa nói những gì Lưu tam gia một kiếm chém đứt đầu năm chim nhạn, Mạc Ðại tiên sinh chỉ chém được ba nên lão lia nhát kiếm hớt bảy miệng chén trà. Chén trà còn chém đứt thì chém nhạn khó gì? Vì tiên sinh đã mắng huynh đài là hay nói càn.
Gã mập lùn chưa hết sợ hãi, cúi đầu xuống không dám trả lời. Hán tử mặc áo lụa tính trả tiền trà rồi kéo gã đi.
Mọi người trong quán trà thấy Tiêu tương dạ vũ Mạc Ðại tiên sinh thi triển thần công trên đời có một thì chẳng ai là không hồi hộp trong lòng. Họ đều nghĩ bụng:
- Vừa rồi gã lùn mập ca ngợi đức độ Lưu Chính Phong và buông lời dàm pha Mạc Ðại tiên sinh rồi mình cũng lên tiếng phụ họa. Thật là thị phi chỉ tại nhiều mồm miệng. Không chừng vì mấy câu nói vô mà mình rước vạ vào thân .
Bây giờ họ thấy người đứng tuổi mặc áo lụa kéo gã lùn mập lật đật đi ngay thì ai nấy cũng tính trả tiền trà xong ra khỏi quán. Chỉ trong khoảnh khắc, quán trà đang đầy khách ồn ào trở lại vắng teo.
Lâm Bình Chi nhìn bảy cái miệng chén nghĩ thầm:
- Lão này lia thanh trường kiếm mà hớt đứt bảy miệng chén trà! Nếu mình không ra khỏi Phúc Châu thì làm gì biết được trên đời có những nhân vật ly kỳ như vậy? Mình ru rú ở Phước Oai tiêu cục chẳng khác chi ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung vẫn tưởng những tay hảo thủ giang hồ dù lợi hại đến đâu bất quá chỉ tương tự như gia gia là cùng! Hỡi ôi! Mình có thờ lão này làm thầy rèn luyện võ công thì may ra mới báo được mối thù lớn kia, bằng không thì phải suốt đời ôm hận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét