Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

CHƯƠNG IV - SỞ SÁCH

 

CHƯƠNG IV

SỞ SÁCH

Chu Thành Vương (1115-1078) phong Hùng Dịch ở đất Sở, đô ở Đan Dương (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc). Thời Xuân Thu, Sở xưng vương, thời Chiến Quốc, thành một trong thất hùng, sau bị Tần diệt. Đất Sở nay nằm trên các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Giang Tây, Chiết Giang và phía nam tỉnh Hà Nam. Nước Sở cũng gọi là nước Kinh.



SỞ I

1. TỬ TƯỢNG KHUYÊN TỐNG ĐỪNG GIÚP TỀ

(Tề, Sở cấu nạn)


Tề, Sở đánh nhau, Tống xin được trung lập. Nhưng bị Tề áp bức, Tống phải hứa giúp Tề. Tử Tượng vì Sở mà thuyết vua Tống:

- Nếu Sở vì hoà hoãn mà mất Tống (vì Tống đứng về phía Tề), thì Sở sẽ theo gương Tề mà áp bức Tống (để Tống đứng về phía Sở). Tề dùng áp bức mà được Tống giúp thì sau này tất (quen mưu) thường dùng áp lực. Như vậy Tống theo Tề mà đánh Sở, vị tất đã có lợi (cho Tống). Tề mà thắng Sở, thế tất nguy cho Tống; không thắng thì là nước Tống nhược tiểu mà dám phạm tới nước Sở hùng cường. Như vậy là Tống khiến cho hai nước vạn thặng có thói dùng áp lực (với Tống) để được toại nguyện, Tống tất nguy mất!



3. CÁO MƯỢN OAI CỌP

(Tuyên Vương vấn quần thần)


(Kinh) Tuyên Vương hỏi quần thần:

- Ta nghe nói các nước phương bắc sợ Chiêu Hề Tuất 1 , thực sự là vì đâu?

Không ai trả lời. Giang Nhất 2 thưa:

- Con hổ tìm các con thú để ăn thịt, gặp con cáo. Con cáo bảo: “Mày không dám ăn thịt tao đâu! Thượng đế sai tao làm thủ lãnh các loài thú, mày mà ăn thịt tao thì trái lệnh Thượng đế. Mày không tin lời tao thì tao đi trước, mày theo sau, xem các loài thú thấy tao có phải chạy trốn không”. Con hổ cho là phải, rồi cùng thử đi với con cáo. Các thú thấy đều chạy, con hổ không biết rằng chúng sợ mình mà chạy, tưởng rằng chúng sợ con cáo. Nay đất của đại vương vuông năm ngàn dặm, binh sĩ có trăm vạn mà riêng uỷ thác cả cho Chiêu Hề Tuất, cho nên các nước phương bắc sợ Chiêu Hề Tuất, thực ra là sợ quân của đại vương, cũng như các loài thú sợ hổ vậy.

1       Chiêu Hề Tuất: là tể tướng nước Sở.

2       Giang Nhất: có chỗ viết là Giang Ất («»), là người nước Nguỵ mà làm quan nước Sở. Xưa hai chữ ất và nhất dùng thay nhau được.


5. SỞ CỨU TRIỆU ĐỂ CHIẾM ĐẤT CỦA NGỤY

(Hàm Đan chi nạn)


Trong trận Hàm Đan 3 , Chiêu Hề Tuất bảo vua Sở:

- Đại vương đừng nên cứu Triệu, mà nên giúp cho Nguỵ mạnh. Nguỵ mạnh thì đòi cắt đất của Triệu nhiều hơn, Triệu không chịu, tất cố chống cự, rốt cuộc là hai nước đều mệt mỏi.

Cảnh Xá (người nước Sở) bảo:

- Không phải vậy! Chiêu Hề Tuất không hiểu gì cả. Nguỵ đánh Triệu, thì sợ nhất là bị Sở tập hậu. Nay ta không cứu Triệu, thì Triệu sẽ nguy mà Nguỵ không phải lo Sở (tập hậu), thế cũng tức như Sở, Nguỵ cùng đánh Triệu, hại cho Triệu càng lớn, chứ làm sao mà “hai nước đều mệt mỏi” (như Chiêu Hề Tuất nói)?

Vả lại Nguỵ đem binh 4 thâm nhập Triệu mà chiếm đất, Triệu thấy cái thế nguy rồi, mà Sở lại không cứu mình, thì tất liên hợp với Nguỵ để đánh Sở.

Cho nên tốt hơn, đại vương nên đem một ít quân cứu Triệu, Triệu cậy có Sở mạnh, tất chiến đấu với Nguỵ. Nguỵ thấy Triệu có thái độ đó, tất nổi giận; lại thấy cứu binh của Sở (ít) không đáng sợ, nhất định không tha Triệu. Như vậy Triệu và Nguỵ đều mệt mỏi. Tề và Tần sẽ hưởng ứng Sở và Nguỵ sẽ bị diệt.

Sở bèn sai Cảnh Xá đem binh cứu Triệu, Hàm Đan bị phá, và Sở chiếm được đất (của Nguỵ) từ sông Tuy đến sông Hối.

3       Hàm Đan: kinh đô của Triệu, bị Nguỵ vây.

4       Có bản chép là hợp «» (chứ không phải là linh «»), nghĩa là tập hợp binh lại.


7. GIANG ẤT GHÉT CHIÊU HỀ TUẤT

(Giang Ất ố Chiêu Hề Tuất)


Giang Ất ghét Chiêu Hề Tuất, bảo vua Sở:

- Một người có một con chó khéo giữ nhà nên cưng nó lắm. Con chó đó có lần đái vào giếng. Người hàng xóm thấy nó đái vào giếng, muốn vô mách chủ nhà. Con chó ghét người hàng xóm, đứng ở cửa mà sủa, người hàng xóm sợ, không vô mách được.

Trong trận Hàm Đan, Sở tiến quân mà chiếm Đại Lương. Chiêu Hề Tuất chiếm được những bảo khí của Nguỵ. Hồi đó thần ở Nguỵ nên biết được việc đó, vì vậy mà Chiêu Hề Tuất không muốn cho thần yết kiến đại vương.



8. GIANG ẤT GIÈM PHA CHIÊU HỀ TUẤT

(Giang Ất dục ố Chiêu Hề Tuất)


Giang Ất muốn gièm pha Chiêu Hề Tuất, nói với vua Sở:

- Người dưới mà kết đảng thì người trên nguy, người dưới mà chia rẽ tranh nhau thì người trên yên, đại vương biết điều đó chứ? Xin đại vương đừng quên. Có người thích khen cái hay của người khác thì đại vương xét người đó ra sao?

Vua đáp:

- Người đó là hạng quân tử, nên thân cận với.

Giang Ất hỏi:

- Có người ưa vạch cái xấu của người khác thì đại vương xét người đó ra sao?

Vua đáp:

- Người đó là hạng tiểu nhân, nên tránh xa ra.

Giang Ất bảo:

- Như vậy, nếu có đứa con giết cha, kẻ bề tôi giết vua, rồi rốt cuộc đại vương cũng không biết. Là tại sao? Tại đại vương chỉ thích nghe cái tốt mà không muốn nghe cái xấu của người.

Vua đáp:

- Phải. Quả nhân xin nghe cả hai.



9. AN LĂNG QUÂN XIN CHẾT THEO VUA

(Giang Ất thuế ư An Lăng Quân)


Giang Ất nói với An Lăng Quân 5 :

- Ông không có một thước đất, không có tình cốt nhục với vua, mà được hưởng địa vị tôn quí, bổng lộc hậu hĩnh, người trong nước thấy ông, ai cũng xốc áo mà vái, cúi mình mà chào, là nhờ đâu?

Đáp:

- Nhờ vua quá đề cử đấy thôi, nếu không thì đâu được vậy.

Giang Ất bảo:

- Dùng tiền bạc kết giao, hết tiền thì hết tình; dùng nhan sắc mà kết hợp, sắc suy thì tình đổi. Cho nên người ái thiếp thì chưa nát chiếu mà đã bị chồng đuổi; kẻ sủng thần thì chưa hư xe mà đã bị vua bỏ. Nay ông riêng được quyền lớn ở Sở mà chưa có gì thâm thiết giao kết với vua, tôi trộm lấy làm nguy cho ông!

An Lăng Quân hỏi:

- Vậy thì phải làm sao bây giờ?

Giang Ất đáp:

- Ông nên xin được chết với vua, đem thân mà tuẫn táng với vua, như vậy thì được trọng dụng hoài ở Sở.

- Xin tuân lời dạy bảo.

Ba năm sau, An Lăng Quân không hề nói gì với vua, Giang Ất lại tới thăm, bảo:

- Lời tôi nói với ông trước kia nay vẫn chưa làm, ông không dùng kế của tôi, tôi xin từ nay không dám yết kiến ông nữa.

An Lăng Quân đáp:

- Không dám quên lời dạy của tiên sinh, chỉ vì chưa có cơ hội đấy thôi.

Sau vua Sở đi săn ở Vân Mộng 6 , nghìn cỗ xe bốn ngựa nối tiếp nhau, cờ xí rợp trời, lửa đốt đồng nổi lên như mây ráng, huỷ 7 rống, cọp gầm vang như sấm động. Có một con huỷ cuồng nộ chạy theo xe vua, muốn đâm càn vào xe, vua giương cung bắn một phát chết. Vua rút ra một khúc cán cờ, đè lên đầu con huỷ rồi ngửa mặt lên trời, cười:

- Cuộc săn hôm nay vui quá! Quả nhân khi vạn tuổi rồi, còn vui với ai được như vậy nữa?

An Lăng Quân nước mắt ròng ròng, tiến lên tâu:

- Thần ở trong cung thì ngồi gần chiếu đại vương, ra ngoài thì ngồi hầu cùng xe với đại vương, đại vương vạn tuổi rồi, thần xin được tự đem thân xuống chốn suối vàng thử làm cái nệm che cho đại vương khỏi bị sâu kiến, cái vui đó so với cái vui này mới ra sao!

Vua Sở mừng, phong cho làm An Lăng Quân 8 .

Người quân tử nghe chuyện đó, bảo:

- Giang Ất giỏi bày mưu thật, mà An Lăng Quân giỏi lựa cơ hội thật.

5       An Lăng Quân: tên là Triền, người nước Sở, được phong ở đất An Lăng, nay thuộc tỉnh Hà Nam.

6       Vân Mộng: là tên hai cái hồ, Vân hồ ở Giang Bắc và Mộng hồ ở Giang Nam. Lại có thuyết rằng Vân Mộng tức Động Đình hồ. Ở đây nên theo thuyết sau.

7       Huỷ: là con tê cái.

8       Lúc đó Triền mới được phong là An Lăng Quân.


15. VUA SỞ LỰA TỂ TƯỚNG CHO TẦN

(Sở Vương vấn ư Phạm Hoàn)


Vua Sở (Hoài Vương) hỏi Phạm Hoàn:

- Quả nhân muốn cử một người làm tể tướng nước Tần, nên cử ai?

- Tôi không biết được.

- Ta cử Cam Mậu được không?

- Không được.

- Sao vậy?

- Sử Cử là người coi cửa ở Thượng Thái, việc lớn thì không biết thờ vua, việc nhỏ thì không biết trị gia, nhờ tính hà khắc liêm khiết mà được nổi tiếng, Cam Mậu hầu hạ người đó mà rất hoà thuận. Cho nên sáng suốt như vua Huệ Vương, xét nét như vua Vũ Vương, hay gièm pha người khác như Trương Nghi mà Cam Mậu thờ những người đó, mười lần được thăng quan, không hề bị tội lần nào, quả thật Mậu là người hiền, nhưng không thể làm tể tướng nước Tần được! Tần mà có ông tể tướng hiền, không phải là cái lợi cho Sở. Vả lại nhà vua đã từng cử Triệu Hoạt 9 làm quan ở Việt, sở dĩ gây cái nạn ở Cú Chương và Muội 10 , là vì Việt có nội loạn mà Sở mới chiếm được miền Lại Hồ ở phía nam, biên giới mới mở rộng tới Giang Đông. Xét công của nhà vua được như vậy là vì Việt loạn mà Sở trị. Chính sách đó nhà vua dùng ở Việt, mà nay lại không dùng ở Tần, nên tôi cho rằng nhà vua mau quên quá! Nhà vua mà muốn đặt tể tướng ở Tần thì như Công Tôn Hác là được. Công Tôn Hác là người thân cận của vua Tần, hồi nhỏ mặc chung áo của nhau, lớn lên ngồi chung xe với nhau, bận y phục của vua mà trị nước, đúng là người mà nhà vua nên cử làm tể tướng. Nhà vua mà cử người ấy thì là cái lợi lớn cho Sở.

9       Triệu Hoạt: là người Sở.

10     Có sách lại giải thích là: gây cái nạn ở Chương Muội tức Đường Muội «唐昧».


16. TÔ TẦN THUYẾT SỞ UY VƯƠNG

(Tô Tần vi Triệu hợp tung)


Tô Tần thuyết vua Sở Uy Vương theo chính sách hợp tung của Triệu:

- Sở là cường quốc trong thiên hạ; đại vương là hiền vương trong thiên hạ. Nước Sở, phía tây có Kiềm Trung, Vu Quận, phía đông có Hạ Châu, Hải Dương, phía nam có hồ Động Đình, núi Thương Ngô, phía bắc có sông Phần, núi Hình hiểm trở. Miền Tuân Dương 11 rộng năm ngàn dặm, binh sĩ được trăm vạn, chiến xa được ngàn cỗ, chiến mã được vạn con, thóc lúa đủ chi dùng mười năm như vậy đủ giúp đại vương lập nghiệp bá vương. Nước Sở hùng cường mà đại vương hiền minh, thiên hạ không sao địch nổi, vậy mà nay đại vương muốn quay mặt qua phía tây thờ Tần thì chư hầu không nước nào không quay mặt về phía nam 12 hướng về Chương Đài 13 mà triều phục Tần.

Trong thiên hạ, Tần lo nhất vì nước Sở; Sở mạnh thì Tần yếu, Sở yếu thì Tần mạnh, thế hai nước phải một mất một còn, cho nên đại vương mà mưu tính thì không gì bằng hợp tung để cho Tần hoá cô lập. Đại vương mà không hợp tung thì Tần tất dẫn hai đạo binh, một đạo ra khỏi Vũ Quan, một đạo xuống Kiềm Trung 14 như vậy đất Yên, đất Dĩnh tất chấn động. Tôi nghe nói khi chưa loạn thì phải trị nước đi, việc chưa phát sinh thì nên lo trước đi chứ đợi tới rồi mới tính thì không kịp nữa; cho nên tôi xin đại vương tính sớm cho.

Đại vương mà theo kế của tôi thì tôi xin khiến các nước ở Sơn Đông bốn mùa tiến cống đại vương, tuân theo pháp chế sáng suốt của đại vương, đem xã tắc tôn miếu phó thác cho Sở, thao luyện binh sĩ để tuỳ ý đại vương sử dụng. Nếu đại vương quả thực theo kế ngu của tôi thì những con gái hát hay, sắc đẹp của Hàn, Nguỵ, Tề, Yên, Triệu, Vệ sẽ chật hậu cung của đại vương, những ngựa tốt và lạc đà của Triệu 15 , Đại sẽ đầy chuồng ở sân của đại vương. Cho nên kế hợp tung mà thành thì Sở lập nên vương nghiệp, kế liên hoàn mà thành thì Tần dựng nên đế nghiệp. Nay đại vương bỏ cái nghiệp bá vương mà mang tiếng là thờ người, tôi trộm nghĩ rằng đại vương không lựa chính sách đó.

Tần là nước hổ lang, có ý thôn tính thiên hạ. Tần là kẻ thù của thiên hạ, các người theo chính sách liên hoành đều muốn cắt đất của chư hầu để thờ Tần, như vậy là phụng dưỡng kẻ cừu địch. Làm bề tôi mà cắt đất của vua để giao kết với nước Tần cường bạo như hổ lang ở ngoài, cho Tần xâm chiếm thiên hạ thì rốt cuộc phải chịu cái hoạ của Tần. Cậy cái uy lực của Tần ở ngoài mà ở trong hiếp đáp vua của mình để đòi vua cắt đất cho Tần, đại nghịch, bất trung đến vậy là cùng cực. Cho nên hợp tung mà thành thì chư hầu cắt đất để thờ Sở, liên hoành mà thành thì Sở phải cắt đất để thờ Tần, hai chính sách đó khác nhau rất xa, đại vương lựa chính sách nào?

Vì vậy mà vua Triệu của tệ quốc sai tôi dâng đại vương ngu kế của tôi, xin đại vương ước định, nước tôi sẽ tuân lệnh đại vương.

Vua Sở đáp:

- Nước của quả nhân phía tây giáp với nước Tần, Tần có cái ý chiếm Ba Thục, thôn tính Hán Trung. Tần là nước hổ lang, không thể thân được. Mà Hàn, Nguỵ bị Tần uy hiếp, quả nhân không thể mưu tính thân thiết với hai nước đó, sợ họ phản quả nhân mà tố cáo với Tần, mà rồi mưu tính chưa thành, nước Sở đã lâm nguy. Quả nhân tự liệu đem Sở mà chống Tần, chưa chắc đã thắng được, mà ở trong triều mưu tính với quần thần, thì không biết ai đáng tin cậy, cho nên quả nhân ngủ không yên, ăn không ngon, lòng dao động như ngọn cờ treo, không biết dựa vào đâu. Nay ông muốn thống nhất thiên hạ, vỗ về chư hầu, bảo tồn các nước lâm nguy, quả nhân xin kính cẩn đem xã tắc theo kế hoạch của ông.

11     Tuân Dương: tức Tuần Quan, nay ở tỉnh Thiểm Tây.

12     Cả ba cuốn chúng tôi dùng điều ghi là phía nam, nhưng cuốn của Diệp Ngọc Lân khi dịch ra bạch thoại lại ghi là phía tây. Tần chính ở phía tây.

13     Chương Đài: cũng gọi là Tần Đài ở Thiểm Tây.

14     Tần đem quân ra khỏi Vũ Quan để chiếm đất Yên «» mà xuống Kiềm Trung để chiếm đất Dĩnh của Sở.

15     Có sách chép là nước Yên.


17. TRƯƠNG NGHI VÌ TẦN MÀ PHÁ THẾ HỢP TUNG

(Trương Nghi vi Tần phá tung)



Trương Nghi vì Tần phá thế hợp tung, dựng thế liên hoành, thuyết với Sở (Hoài) Vương:

- Nước Tần chiếm nửa thiên hạ, binh lực địch nổi bốn nước, có núi (Chung Nam và Thái Hoà) làm áo, có sông (Long Môn) làm đai 16 , bốn phía hiểm trở, non sông vững vàng, binh sĩ hùng hổ trên trăm vạn, chiến xa ngàn cỗ, chiến mã vạn con, lúa thóc chất cao như núi, pháp lệnh đã nghiêm minh, quân lính lại không sợ gian nan, vui vẻ tử chiến, vua thì uy nghiêm sáng suốt, tướng thì đã trí lại dũng; tuy không xuất binh mà chiếm được đất Thường Sơn 17 hiểm trở, dễ như cuốn chiếu, chặt gãy cái xương sống của thiên hạ, nước nào mà chậm phục tòng thì bị diệt liền. Vả lại những kẻ chủ trương hợp tung kia có khác gì đuổi một bầy dê để săn mãnh hổ, dê địch sao nổi hổ, lẽ đó minh bạch. Nay đại vương không kết thân với mãnh hổ mà ngược lại, kết thân với bầy dê, tôi trộm nghĩ rằng đại vương đã tính lầm rồi vậy!

Là cường quốc trong thiên hạ, không Tần thì Sở, không Sở thì Tần, hai nước đó thế lực ngang nhau mà tranh nhau thì phải một mất một còn. Nếu đại vương không liên kết với Tần, Tần sẽ đem binh chiếm Nghi Dương, những miền ở phía trên nước Hàn sẽ bị gián cách; rồi Tần đem quân đánh Hà Đông, chiếm thành Cao, Hàn tất phải thần phục Tần. Hàn thần phục Tần rồi thì Nguỵ tất theo gót Hàn ngay. Tần đánh phía Tây của Sở; Hàn, Nguỵ đánh phía bắc, thì xã tắc Sở làm sao không nguy?

Vả lại bọn chủ trương hợp tung kia tụ tập một bầy yếu đuối để đánh một nước rất mạnh; dùng yếu mà đánh mạnh, không lượng sức mà khinh chiến, nước thì nghèo mà lại cử binh gấp (không dự bị trước), thuật đó là thuật nguy vong. Tôi nghe nói rằng binh lực không bằng người thì đừng khiêu chiến, thóc lúa không bằng người thì đừng cầm cự với người. Bọn chủ trương hợp tung kia, mồm mép huênh hoang, đề cao tiết hạnh của vua chúa, chỉ bàn tới lợi mà không xét tới hại, rốt cuộc bị cái hoạ của Tần, cứu không kịp đa! Cho nên tôi xin đại vương suy tính kỹ cho.

Tần, phía tây có Ba Thục, thuyền sắp hàng hai, chở lúa, khởi hành từ Vấn Sơn, theo dòng mà xuôi tới Dĩnh, đường dài ba ngàn dặm. Gom thuyền chở lính, một chiếc chở được năm chục lính với ba tháng lương thực, trôi theo dòng một ngày được ba trăm dặm. Đường tuy dài mà không phải phí sức và mồ hôi của ngựa, không đầy mười ngày đã tới Cản Quan. Làm cho Cản Quan kinh hoảng rồi 18 mới theo Cánh Lăng mà qua đông, bao nhiêu thành sẽ chiếm hết mà đất Kiềm Trung và Vu Quận không còn thuộc đại vương nữa. Tần lại đem quân ra khỏi Vũ Quan, hướng về phía nam mà tấn công, và cắt đứt được miền phía bắc của Sở. Tần đánh Sở chỉ trong ba tháng là Sở nguy, mà Sở trông cậy vào sự cứu viện của chư hầu thì phải già nửa năm cứu viện mới tới, như vậy thế lực của Sở không địch được Tần rồi. Cứ trông cậy ở sự cứu viện của mấy nước yếu đuối mà quên cả cái hoạ cường Tần, điều đó tôi lấy làm lo cho đại vương!

Vả lại đại vương đã từng đánh nhau với Ngô năm lần, thắng được ba mà diệt được Ngô, cựu binh chết hết rồi, mà lại phải rải rác đi giữ các thành mới chiếm được, thành thử dân chúng khốn khổ. Tôi nghe nói rằng đánh nước lớn thì sẽ nguy mà dân chúng khốn khổ sẽ oán hận người trên. Muốn lập cái công dễ nguy mà làm trái ý cường Tần, tôi trộm lấy làm nguy cho đại vương!

Vả lại Tần sở dĩ mười lăm năm không xuất quân ra khỏi cửa Hàm Cốc là âm mưu muốn thôn tính thiên hạ. Sở đã từng gây hấn với Tần, đánh nhau ở Hán Trung, Sở không thắng được, chết mất trên bảy chục vị thông hầu 19 cầm ngọc khuê rồi mất Hán Trung; vua Sở cả giận, khởi binh đánh úp Tần ở Lam Điền, lại thua nữa. Như vậy là hai con cọp vật nhau. Tần, Sở tàn hại nhau, Hàn và Nguỵ dùng toàn lực khống chế phía sau của Tần, Sở, như vậy không còn gì nguy hiểm bằng, cho nên tôi xin đại vương xét cho kỹ đi.

Tần đem binh đánh Vệ và Dương Tấn, tức là đóng cái bụng thiên hạ 20 , lúc đó đại vương tất đem quân đánh Tống, không tới vài tháng là chiếm được Tống, chiếm Tống rồi tiến binh qua phía đông, và mười hai nước chư hầu ở trên sông Tứ 21 sẽ về đại vương.

Trong thiên hạ người tin và kiên quyết theo chính sách hợp tung là Tô Tần, Tô Tần được phong là Vũ An Quân làm tướng quốc nước Yên, âm mưu với vua Yên để phá Tề rồi cùng chia đất của Tề. Hắn tính như vậy rồi giả đò là có tội, trốn qua Tề, vua Tề dùng hắn làm tướng quốc, trên hai năm sau âm mưu mới phát giác, vua Tề cả giận, dùng xe xé thây Tô Tần ở chợ. Một kẻ gian trá phản phúc như Tô Tần mà muốn kinh doanh 22 thiên hạ, thống nhất chư hầu thì không thể thành công được, lẽ ấy rõ ràng quá.

Nay Tần với Sở sát nách nhau, về hình thế vốn là thân cận với nhau. Nếu đại vương theo mưu kế của tôi thì tôi xin cho thái tử của Tần làm con tin ở Sở, thái tử của Sở làm con tin ở Tần, xin đem con gái vua Tần gả cho đại vương để trông nom việc quét dọn, và dâng đại vương một đô ấp có vạn nóc nhà để đại vương lấy thuế dùng vào việc tắm gội (trước khi tế lễ), hai nước sẽ vĩnh viễn làm anh em với nhau, suốt đời không đánh nhau, tôi cho không có kế nào tiện lợi hơn kế đó. Vì vậy mà vua Tần của tệ quốc sai tôi đi sứ theo sau xa giá, dưới làn gió của đại vương mà dâng thư; dám mong đại vương quyết định.

Vua Sở đáp:

- Nước Sở ở một nơi hẻo lánh, thô lậu, nhờ ở gần Đông Hải; quả nhân nhỏ tuổi, chưa quen tính kế lâu dài cho quốc gia; nay may được quí khách đem chính sách sáng suốt dạy bảo cho, quả nhân xin nghe lời, kính cẩn đem nước Sở theo Tần.

Rồi sai người thống lĩnh trăm cỗ binh xa, dâng vua Tần “sừng kê hãi” 23 cùng ngọc dạ quang 24 .

16     Ý nói núi che chở ở phía sau, sông uốn khúc chảy qua cõi,

17     Thường Sơn: cũng gọi là Đằng Sơn, Bắc Nhạc, nay ở tỉnh Trực Lệ, nó liền với Thái Hàng Sơn, như cái xương sống của Trung Quốc.

18     Ý nói phá tan Cản Quan rồi.

19     Thông hầu: là tên một chức tước để phong các tướng có công và được coi gần như người trong vương thất. Trước gọi là triệu hầu, sau kiêng tên Hán Vũ Đế, đổi làm thông hầu.

20     Thường Sơn là xương sống của Trung Quốc; mà nước Vệ và Dương Tấn là cái bụng của Trung Quốc vì miền đó ở chỗ giao nhau của biên giới các nước Tần, Tấn, Tề, Sở. Ý nói Tần mà chiếm được Vệ và Dương Tấn thì các nước kia mắc nghẽn, hết giao thông với nhau được.

21     Chỉ các nước Tống, Lỗ Lữ…

22     Tiếng kinh doanh này dùng theo nghĩa cổ là mưu tính việc nước, việc thiên hạ.

23     Một thứ sừng tê có vân trắng, như sợi chỉ, đặt hạt gạo lên sừng đó thì gà trông thấy, sợ, không dám mổ hạt gạo.

24     Một thứ ngọc ban đêm toả ra ánh sáng.


19. MẠC NGAO TỬ HOA ĐÁP SỞ UY VƯƠNG

(Uy Vương vấn ư Mạc Ngao Tử Hoa)


(Sở) Uy Vương hỏi Mạc Ngao 25 Tử Hoa:

- Từ đời tiên quân là Văn Vương đến đời quả nhân, phỏng có bề tôi nào không vì tước cao, lộc hậu mà hết lòng lo việc xã tắc không nhỉ?

Mạc Ngao Tử Hoa đáp:

- Hoa tôi không biết được.

- Nếu các đại phu cũng không biết thì quả nhân hỏi ai bây giờ?

- Nhưng đại vương muốn hỏi về hạng người nào? Có người chỉ nhận chức thấp, sống trong cảnh nghèo để lo việc xã tắc; có người muốn chức cao, lộc hậu để lo việc xã tắc; có người tự cứa cổ mổ bụng, nhắm mắt luôn cho tới vạn đại, không biết làm như vậy có lợi gì không, để lo việc xã tắc; có người lao thân sầu tư để lo việc xã tắc; có người không vì tước cao lộc hậu mà lo việc xã tắc.

- Ông nói đó là những ai đấy?

Mạc Ngao Tử Hoa đáp:

- Xưa kia, quan lệnh doãn Tử Văn 26 vào triều thì bận áo lụa thâm, ở nhà thì bận áo lông bằng da hươu, từ mờ sáng đứng ở triều, sẩm tối mới về nhà, ăn cơm có bữa sáng không nghĩ tới bữa tối, không khi nào chứa thóc gạo đủ một tháng 27 . Nhận chức thấp, sống trong cảnh nghèo để lo việc xã tắc, tức là quan lệnh doãn Tử Văn đấy.

Xưa kia, Diệp Công Tử Cao 28 giữ chức (lớn) ở triều 29 , lộc ngang chức trụ quốc 30 , giết được Bạch Công, làm yên được nước Sở, khôi phúc được những đất ở phía ngoài Phương Thành thời tiên quân, bốn bờ cõi không bị xâm lược, không bị khuất nhục với các nước chư hầu. Lúc đó không nước nào dám đem binh hướng về phía nam (tức Sở) và Diệp Công Tử Cao được hưởng sáu trăm khoảnh ruộng. Muốn chức cao và lộc hậu để lo việc xã tắc, tức là ông Diệp Công Tử Cao đấy.

Xưa kia, Ngô với Sở đánh nhau ở Bách Cử 31 , trong khi hai bên giao chiến, Mạc Ngao Đại Tâm vỗ vào tay người đánh xe, quay lại, thở dài than: “Hỡi ơi! Này anh, tới ngày 32 nước Sở mất rồi! Tôi sắp tiến sâu vào quân Ngô đây, nếu anh đập được một tên giặc, đâm trúng được một tên giặc cho Đại Tâm tôi thì xã tắc chưa đến nỗi nào!” 33 . Cứa cổ, mổ bụng, nhắm mắt luôn cho tới vạn đại, không biết làm như vậy có lợi gì không để lo việc xã tắc, tức là ông Mạc Ngao Đại Tâm đấy.

Xưa kia, Ngô với Sở đánh nhau ở Bách Cử, sau ba trận, Ngô vô được đất Dĩnh, vua Sở Chiêu Vương phải chạy trốn, các quan đại phu đều chạy theo vua, trăm họ ly tán, Phần Mao Bột Tô 34 bảo: “Nếu ta bận áo giáp cứng, cầm binh khí nhọn, qua nước địch hùng cường mà chết thì bất quá chỉ như một tên lính, không bằng chạy qua các nước chư hầu”. Rồi vác lương thực, lẻn đi, leo những ngọn núi cheo leo, lội những khe nước thăm thẳm, tét chân, rách đầu gối, bảy ngày tới triều đình vua Tần, đứng như con chim tước 35 , không nhúc nhích, sáng rên, chiều khóc bảy ngày mà không được tâu với vua Tần, không uống một giọt nước, tới té nhào chết giấc 36 , không nhận được ra ai nữa. Vua Tần (Ai Công) hay tin, chạy vội lại, mão đai xốc xếch, tay trái đỡ đầu Phần Mạo Bột Tô, tay phải đổ nước vào miệng, Bột Tô mới hồi tỉnh lại. Vua đích thân hỏi: “Ông là ai?”. Phần Mạo Bột Tô đáp: “Tôi chính là sứ giả của Sở, mới đắc tội với đại vương, Phần Mạo Bột Tô đây chứ không ai khác. Ngô với Sở đánh với nhau ở Bách Cử, sau ba trận, Ngô vô được đất Dĩnh, quốc quân của tôi phải chạy trốn, các quan đại phu đều theo vua, trăm họ ly tán, sai tôi qua (Tần) báo tin mất nước và xin cứu viện”. Vua Tần cúi xuống bảo đừng ngồi dậy: “Quả nhân nghe nói rằng ông vua một nước vạn thặng đắc tội với một kẻ sĩ thì xã tắc lâm nguy, lời đó nói về lỗi của quả nhân bây giờ đây”. Rồi phát ngàn cỗ chiến xa, vạn binh sĩ, giao cho Tử Mãn và Tử Hổ 37 vượt biên giới mà tiến sang phía đông, giao chiến với quân Ngô ở Trọc Thuỷ, đánh bại quân Ngô rồi lại đánh 38 Toại Phố. Lao thân, sầu tứ để lo việc xã tắc, tức là Phần Mao Bột Tô vậy.

Ngô với Sở đánh nhau ở Bách Cử, sau ba trận, Ngô vô được đất Dĩnh, vua Sở phải chạy trốn, các quan đại phu đều chạy theo, trăm họ ly tán. Mông Cốc 39 cùng với binh sĩ hết lòng chiến đấu ở phía trên đất Cung Đường, rồi bỏ cuộc chiến đấu mà chạy về đất Dĩnh, bảo: “Nếu vua Chiêu Vương còn có con côi 40 thì xã tắc của Sở không đến nỗi nào!”. Rồi vô trong cung, ôm những sổ sách thất tán ra, chở đường thuỷ, trốn vào đất Vân Mộng. Khi vua Chiêu Vương trở về Dĩnh, năm quan 41 mất hết pháp điển, trăm họ hỗn loạn. Mông Cốc dâng pháp điển, năm quan có được pháp điển mà trăm họ đại trị. Công của Mông Cốc lớn, ngang với công bảo tồn được quốc gia, vua phong cho tước “Cầm ngọc khuê” và sáu trăm khoảnh ruộng. Mông giận, bảo: “Cốc không phải là bề tôi của người mà là bề tôi của xã tắc, nếu xã tắc còn được cúng tế thì lo gì không có vua?”. Nói rồi bỏ đi, vào trong núi Ma Sơn 42 . Không vì chức cao bổng hậu mà lo việc xã tắc, tức là Mông Cốc đấy.

Uy Vương thở dài bảo:

- Những vị đó là người thời xưa! Người đời nay đâu được như vậy!

Mạc Ngao Tử Hoa đáp:

- Xưa kia tiên quân là Linh Vương thích những người lưng thon, mà những kẻ sĩ ở Sở đều nhịn ăn, yếu đến nỗi phải dựa rồi mới đứng được, phải vịn rồi mới ngồi dậy được. Ăn thì ai chẳng muốn mà họ kiên tâm rán nhịn, chết thì ai chẳng sợ mà họ tìm tới cái chết chứ không tránh. Hoa tôi nghe nói rằng vua mà thích bắn thì bề tôi rán luyện cung tên 43 . Đại vương không thích kẻ hiền đấy thôi, nếu thực tâm thích thì năm vị bề tôi thời cổ có thể tìm được lắm chứ.

25     Theo Crump thì Mạc Ngao là một chức lớn ở Sở, theo Hứa Khiếu Thiên thì là tên họ. Có thể là tên chức, sau thành tên họ, như tiếng Tư Mã.

26     Tử Văn: tức Đấu Tử Văn, một vị quan nước Sở. Khi mới sanh, bị cha bỏ ở ngoài đồng, được một con hổ cái cho bú, ba ngày sau cha thấy vẫn còn sống mới đem về nuôi.

27     Nguyên văn: là nguyệt (tháng), Crump đồi là nhật (ngày) cho hợp với hàng trên.

28     Diệp Công Tử Cao: làm chức Tả Tư Mã của Sở.

29     Nguyên văn: là thân hoạch ư biểu bạc. Chúng tôi theo chú thích của Hứa Khiếu Thiên. Crump cho là rất tối nghĩa và dịch là: mặc dầu có thời nghèo khó ở quê nhà.

30     Cũng gọi là Thượng trụ quốc, một chức cao ở triều đình.

31     Bách Cử: nay ở tỉnh Hồ Bắc, miền đó có núi Bách Tử và sông Cử Thuỷ nên gọi là Bách Cử.

32     Có sách chép là nguyệt (tháng).

33     Mạc Ngao Đại Tâm quyết chiến với quân địch và nghĩ rằng ai cũng một lòng như vậy thì có cơ cứu được nước.

34     Phần Mao Bột Tô: trong Tả truyện gọi là Thân Bao Tư.

35     Ta thường dịch là chim sẻ. Crump theo Hoành Điền Duy Hiếu dịch là chim sến.

36     Chúng tôi dịch thiếu chữ mao «» ở đây vì không hiểu nghĩa.

37     Tử Mãn và Tử Hổ: đều là quan đại phu của Tần.

38     Theo Crump, chữ văn «» (nghe) ở đây phải sửa là chữ đấu «» (tranh).

39     Mông Cốc: là người nước Sở.

40     Lúc vua Chiêu Vương trốn qua nước Tuỳ, sống chết chưa biết ra sao, nếu chết mà còn con côi thì quốc dân sẽ lập con lên làm vua.

41     Năm quan: là các quan tư đồ, tư mã, tư không, tư sĩ, tư khấu.

42     Ma Sơn: nay ở tỉnh Hồ Bắc.

43     Nguyên văn là quyết thập, chỉ những vật để bao ngón tay cái bên phải và đeo vào cánh tay trái trong khi bắn để khỏi đau hoặc bị thương.


SỞ II

1. VIỆC ĐỀ CỬ CAM MẬU LÀM TƯỚNG QUỐC NGUỴ

(Nguỵ tướng Địch Cường tử)


Tướng quốc nước Nguỵ là Địch Cường chết. Có người vì Cam Mậu bảo vua Sở:

- Người có hy vọng làm tướng quốc ở Nguỵ là công tử Kính. Kính mà làm tướng quốc Nguỵ thì Tần và Nguỵ rất thân thiện với nhau; Tần và Nguỵ hoà hảo với nhau thì địa vị của Sở tất kém. Cho nên nhà vua nên kết ước với Tề, cùng giúp cho Cam Mậu làm tướng quốc Nguỵ. Vua Tề thích được tiếng ở trên người khác 44 , nay ta sai người xin vua Tề đề cử Cam Mậu làm tướng quốc Nguỵ, vua Tề tất mừng rỡ. Nguỵ mà không chịu thì gây ác cảm với Tề; Tề, Nguỵ mà ghét nhau thì tất tranh nhau thờ Sở. Còn như Nguỵ chịu dùng Cam Mậu làm tướng quốc, Cam Mậu với Xư Lý Tật (tướng quốc của Tần) là kẻ thù không đội trời chung với nhau, sự bang giao giữa Nguỵ và Tấn tất gay cấn mà Nguỵ tất phải nhờ cậy, kính trọng Sở.

44     Nghĩa là: vua Tề thích được vua các chư hầu coi là bề trên mà hỏi ý kiến mình.


4. CẨN THƯỢNG BÀY KẾ CỨU TRƯƠNG NGHI

(Sở Hoài Vương câu Trương Nghi)



Sở Hoài Vương giam Trương Nghi, tính đem giết 45 . Cẩn Thượng 46 vì Trương Nghi bảo vua Sở:

- Giam Trương Nghi thì vua Tần (Chiêu Vương) tất giận, thiên hạ thấy Sở không được Tần ủng hộ tất coi rẻ Sở.

Rồi Cẩn Thượng lại bảo ái phi của vua Sở là nàng Trịnh Dữu:

- Bà cũng tự biết rằng sắp bị vua rẻ rúng chứ?

Trịnh Dữu hỏi:

- Sao vậy?

Thượng đáp:

- Trương Nghi là bề tôi trung tín, có công lao của vua Tần. Nay Sở giam Trương Nghi, vua Tần muốn Sở phóng thích ông ta. Vua Tần có người ái nữ diễm lệ, lại lựa trong cung những mỹ nữ giỏi đàn ca để cho theo hầu, lại tặng vua Sở kim ngọc bảo vật cùng sáu huyện Thượng Dung để vua Sở thu thuế chi phí về việc tắm gội, sai Trương Nghi dâng lên vua Sở, vua Sở tất yêu con gái vua Tần, con gái vua Tần sẽ dựa vào cha mà địa vị được tôn trọng, lại cậy vào bảo vật và đất đai 47 , tất sẽ được làm hoàng hậu mà giữ địa vị tôn quí ở Sở. Vua Sở ham vui mà hoá ra mê ám, tất rất tôn quí, yêu dấu con gái vua Tần mà bỏ rơi bà, bà sẽ bị coi rẻ mà mỗi ngày mỗi bị lơ là.

Trịnh Dữu bảo:

- Mọi sự nhờ ông, nên tính sao bây giờ?

Đáp:

- Sao bà không gấp nói với vua thả Trương Nghi ra? Trương Nghi được thả, mang ơn bà hoài, con gái vua Tần sẽ không tới 48 mà vua Tần tất quí bà. Ở trong thì giữ được lòng yêu quí của vua Sở, ở ngoài thì kết giao với Tần, giữ Trương Nghi lại để mà dùng, như vậy con cháu của bà sau này tất làm thái tử nước Sở, lợi đó không phải tầm thường đâu 49 .

Nàng Trịnh Dữu lập tức thuyết vua Sở thả Trương Nghi 50 .

45     Trương Nghi là người nước Nguỵ, mới đầu khuyên vua Sở tuyệt giao với Tề thì Tần sẽ tặng Sở sáu trăm dặm ở Thương Ô. Vua Sở nghe lời Trương Nghi, nhưng rồi vua Tần nuốt lời, chỉ giao cho có sáu dặm, vì vậy vua Sở oán Trương Nghi, tới khi Trương Nghi qua Sở, vua Sở sai giam lại, tính đem giết. (Coi bài Tần II 1 trang 118).

46     Cẩn Thượng: là sủng thần của Sở Hoài Vương, rất thân với Trương Nghi.

47     Tức bảo vật và đất đai mà vua Tần tặng Sở khi gả con gái cho vua Sở.

48     Vì Trương Nghi sẽ tìm cách ngăn cản vua Tần trong việc gả con gái cho vua Sở, để đáp ơn Trịnh Dữu.

49     Nguyên văn: “Không phải là cái lợi của kẻ áo vải đâu” (phi bố y chi lợi dã). Ý nói lợi đó là cái lợi lớn của bậc vua chúa.

50     Việc này làm cho Khuất Nguyên rất uất hận. Lúc đó ông không có mặt ở triều, không kịp can vua Sở.


7. THẬN TỬ GIẢI NẠN CHO SỞ

(Sở Tương Vương vi thái tử)


Hồi xưa, Sở Tương Vương 51 còn là thái tử, phải làm con tin ở Tề. Khi Sở Hoài Vương (là cha) băng, thái tử từ biệt vua Tề để về nước. Vua Tề làm khó, bảo:

- Tặng ta năm trăm dặm ở miền Đông của Tề thì ta mới cho về, nếu không thì không được về.

Thái tử đáp:

- Tôi có quan sư phó là Thận Tử 52 .

Thân Tử khuyên:

- Cứ tặng đi! Đất đai là để giúp ích cho người. Vì tiếc đất mà không về tống táng cha là bất nghĩa, cho nên tôi khuyên nên tặng đất đi.

Thái tử vô yết kiến vua Tề, bảo:

- Tôi xin dâng năm trăm dặm đất.

Vua Tề bèn cho thái tử về nước.

Thái tử về nước rồi, lên ngôi vua, vua Tề sai người đem năm chục chiến xa tới Sở để tiếp thu đất ở miền Đông.

Vua Sở hỏi Thận Tử:

- Tề sai người tới đòi đất miền Đông, làm sao bây giờ?

Thận Tử đáp:

- Ngày mai, nhà vua triều kiến quần thần, hỏi kế hoạch của mỗi người xem sao.

(Hôm sau) quan Thượng trụ quốc là Tử Lương vô yết kiến (trước). Vua hỏi:

- Quả nhân sở dĩ được về nước để tống táng tiên vương, gặp lại quần thần, làm chủ xã tắc là nhờ đã hứa tặng vua Tề năm trăm dặm ở miền Đông. Nay Tề sai người qua đòi đất, làm sao bây giờ?

Tử Lương đáp:

- Nhà vua không thể không tặng đất được. Lời nói của nhà vua tôn quí như tiếng ngọc, đã hứa với một nước mạnh có vạn cỗ xe là nước Tề rồi không giữ lời thì là bất tín, sao này làm sao kết ước với chư hầu được. Vậy xin trước tặng đất rồi sau tấn công. Tặng đất là để giữ lời hứa; tấn công là dùng vũ lực; vì vậy tôi bảo nên tặng đất.

Tử Lương lui ra, Chiêu Thường vô. Vua hỏi:

- Tề sai người qua đòi năm trăm dặm ở miền Đông, làm sao bây giờ?

Chiêu Thường đáp:

- Không cho. Một nước vạn cỗ xe, là nhờ có đất đai rộng mới có được vạn cỗ xe. Nay bỏ năm trăm dặm ở miền Đông tức là mất đi một nửa sức chiến đấu 53 của quốc gia, thành thử chỉ còn cái danh là một nước vạn cỗ xe mà thực sự không bằng một nước ngàn cỗ xe. Điều đó không nên, cho nên tôi bảo đừng cho đất. Thường tôi xin bảo vệ đất đó.

Chiêu Thường ra, Cảnh Lý vô. Vua hỏi:

- Tề sai người qua đòi năm trăm dặm ở miền Đông, làm sao bây giờ?

Cảnh Lý đáp:

- Không nên cho. Tuy nhiên nước Sở ta không thể một mình bảo vệ đất đó được. (Lời nhà vua nói quí như tiếng ngọc, đã hứa với một nước mạnh vạn cỗ xe là Tề mà rồi không giữ lời thì mang tiếng bất nghĩa trong thiên hạ. Mà Sở không thể một mình bảo vệ đất đó được) 54 . Tôi xin qua phía tây cầu cứu với Tần.

Cảnh Lý ra, Thận Tử vô. Vua Sở kể lại mưu kế của ba vị đại phu kia cho Thận Tử nghe:

- Tử Lương vào yết kiến quả nhân bảo: “Không thể không cho được, nhưng cho rồi sẽ tấn công”. Thường vào yết kiến, bảo quả nhân: “Không nên cho, Thường tôi xin bảo vệ đất đó”. Lý yết kiến quả nhân, bảo: “Không nên cho, nhưng Sở không thể một mình bảo vệ đất đó được, tôi xin qua Tần cầu cứu”. Ba kế đó, quả nhân nên dùng kế nào?

Thận Tử đáp:

- Dùng cả ba.

Vua Sở tỏ vẻ bực mình hỏi:

- Thế là nghĩa làm sao?

Thận Tử đáp:

- Tôi xin giảng giải và nhà vua sẽ thấy rằng lời của tôi thành thực 55 . Nhà vua sai quan Thượng Trụ quốc là Tử Lương đem năm mươi cỗ xe lên phương bắc dâng năm trăm dặm đất cho vua Tề; Tử Lương đi hôm trước thì hôm sau nhà vua sai Chiêu Thường làm Đại tư mã tới bảo vệ miền Đông; Chiêu Thường đi hôm trước thì hôm sau nhà vua sai Cảnh Lý đem năm mươi cổ xe qua phía tây cầu cứu với Tần.

Vua bảo: Phải đấy.

Rồi sai Tử Lương lên phía bắc dâng đất cho vua Tề; Tử Lương đi hôm trước thì hôm sau phong Chiêu Thường làm Đại tư mã, sai bảo vệ miền Đông; lại sai Cảnh Lý qua phía tây cầu cứu với Tần.

Tử Lương tới Tề, nước Tề sai người đem quân lính tới nhận đất miền Đông. Chiêu Thường nói với sứ giả Tề:

- Tôi có nhiệm vụ quản thủ đất miền Đông này, nguyện cùng sống chết với miền này, dùng hết những quân lính từ trẻ đến già 56 gồm trên ba mươi vạn người, bận áo giáp rách, cầm binh khí nhụt mà quyết giao chiến với quí quân đây.

Vua Tề (hay tin đó) hỏi Tử Lương:

- Ông tới dâng đất mà Thường thì tới đó cố thủ, nghĩa là làm sao?

Tử Lương đáp:

- Tôi đích thân nhận lệnh của vua tệ quốc. Thường giả mạo lệnh vua tệ quốc đấy, xin đại vương cứ tấn công đi.

Vua Tề bèn cử hùng binh đánh miền Đông của Sở, thảo phạt Chiêu Thường; chưa kịp vượt biên giời thì Tần đã đem năm mươi vạn quân xâm lăng miền đất ở phía hữu nước Tề, bảo:

- Làm khó thái tử nước Sở mà không cho về nước, là bất nhân; lại muốn cướp năm trăm dặm miền Đông của Sở, là bất nghĩa. Thu binh về đi thì còn được, nếu không thì đợi đó mà giao chiến với ta.

Vua Tề sợ hãi, xin Tử Lương trở về phía nam nói với vua Sở cho Tề giảng hoà, rồi qua phía tây, nói giùm với vua Tần. Thế là Sở giải được nạn của Tề, không phải dụng binh mà bảo toàn được miền Đông.

51     Sở Tương Vương: tức Sở Khoảng Tương Vương (298 tr. T.L-263 tr.T.L)

52     Tức Thận Đáo (370?-290?) là người nước Triệu, trong phái Pháp gia, được Thân Bất Hại và Hàn Phi phục là giỏi.

53     Diệp Ngọc Lân và Crump đều bỏ chữ chiến mà dịch là: mất đi một nửa quốc gia.

54     Các nhà hiệu đính từ Tăng Củng tới nay đều cho rằng mấy hàng này người trước chép dư.

55     Crump dịch là: lời các ông đó đều thành thực.

56     Nguyên văn: từ những thanh niên cao năm thước tới những người sáu chục tuổi. Crump dịch là: những người từ 16 – 60 tuổi.


SỞ III

1. TIẾN HIỀN LÀ VIỆC KHÓ NHẤT

(Tô Tử vị Sở Vương)


Tô Tử bảo vua Sở:

- Người nhân từ đối với dân thì thực tâm yêu họ và khuyên họ điều phải; con có hiếu đối với cha mẹ thì thật tâm yêu cha mẹ và đem tiền của phụng dưỡng cha mẹ; bề tôi trung đối với vua thì tiến cử người hiền để giúp vua.

Nay bậc đại thần và thân thích của nhà vua ưa làm hại kẻ hiền để tự tiến thân, thu thuế nặng của các quan nhỏ và trăm họ, khiến cho vua bị dân ghét, như vậy không phải là bề tôi trung. Bậc đại thần vạch lỗi của vua với trăm họ, lấy đất của vua mà hối lộ các chư hầu, như vậy là phản lại cái mà vua yêu, cũng không phải là bề tôi trung. Vì vậy mà nước nguy.

Tôi xin nhà vua đừng nghe lời huỷ báng lẫn nhau của quần thần, phải thận trọng khi đề cử các đại thần và quí thích, dùng những người mà dân khen là hiền, tiết chế bớt thị dục của mình đi. Vì việc khó làm nhất đối với trăm họ và các quan, là đừng ganh ghét lẫn nhau mà biết tiến cử người hiền. Vì vua mà chết là việc dễ, như trong vụ Thuỳ Sa 57 , kẻ chết (vì vua) có tới số ngàn; vì vua mà chịu nhục là việc dễ, từ chức lệnh doãn trở xuống, kẻ hầu hạ nhà vua có tới số ngàn. Đến như không ganh ghét nhau mà biết tiến cử người hiền thì chưa thấy một ai. Cho nên bậc minh quân mà xét bề tôi tất phải xem họ có lòng ganh ghét nhau, có hay tiến cử người hiền không; mà bậc hiền thần thờ vua thì phải đừng ganh ghét nhau và phải tiến cử người hiền. Tiến cử người hiền là việc khó vì người hiền được dùng thì mình bị bãi, người hiền được tôn quí thì mình hoá ra mất tôn quí, vì vậy mà người ta cho việc đó là khó khăn.

57     Vụ Thuỳ Sa: năm thứ mười đời vua Chiêu Vương, nước Ngô đào con sông Chương Hà, sông này chảy tới Xích Hồ (tên hồ) rồi vô đất Dĩnh (kinh đô của Sở); Ngô dùng con sông đó để đánh Sở; khi đào sông, số người chết rất nhiều. Thuỳ Sa, cổ tự viết là Hoà Sa «禾沙», mà Hoà Sa chính là hai chữ Xích Hồ viết lầm: «赤湖» (Chữ Hoà hơi giống chữ Xích, chữ Sa cũng hơi giống chữ Hồ viết tháu).


2. GẶP VUA SỞ KHÓ NHƯ GẶP THƯỢNG ĐẾ

(Tô Tần chí Sở)


Tô Tần tới nước Sở, đợi ba ngày mới được yết kiến vua Sở, nói chuyện xong, xin từ biệt vua đi ngay. Vua Sở hỏi:

- Quả nhân nghe tiếng tiên sinh như nghe tiếng hiền nhân thời cổ. Nay tiên sinh không ngại đường xa ngàn dặm, lại đây với quả nhân, mà không chịu ở lâu, xin tiên sinh cho biết vì lẽ gì vậy.

Đáp:

- Thức ăn ở Sở đắt như ngọc, củi đắt như quế, kẻ thông báo của nhà vua khó được thấy mặt như quỉ, mà nhà vua khó được yết kiến như Thượng Đế. Nay nhà vua (giữ tôi lại là) bảo tôi ăn ngọc, đốt quế, nhờ quỉ thông báo để xin hội kiến với Thượng Đế ư?

Vua Sở đáp:

- Xin tiên sinh về nghỉ ở khách quán, quả nhân đã hiểu ý tiên sinh.



4. THUẬT XOAY TIỀN CỦA TRƯƠNG NGHI

(Trương Nghi chí Sở, bần)


Trương Nghi tới nước Sở, nghèo khổ; kẻ tả hữu giận, đòi về. Trương Nghi bảo họ:

- Anh em thấy áo mão rách cả mà đòi về chứ gì. Hãy đợi đó, vì anh em tôi vô yết kiến vua Sở (Hoài Vương) đã.

Lúc đó bà Nam Hậu và nàng Trịnh Dữu 58 đều được vua Sở sủng ái. Trương Nghi vô yết kiến vua Sở, vua Sở không vui. Trương Nghi bảo:

- Đại vương không dùng tôi, tôi lên phương bắc yết kiến vua Tấn.

Vua Sở đáp:

- Được!

- Đại vương có cần món gì ở Tấn không?

- Hoàng kim, châu ngọc, sừng tê, ngà voi đều là sản vật ở Sở, quả nhân không cần món gì ở Tấn cả.

- Thì ra đại vương không hiếu sắc nhỉ!

- Sao vậy?

Trương Nghi đáp:

- Bọn con gái nước Trịnh, nước Chu, thoa phấn tô mày 59 rồi đứng ở bên đường, ai không biết mà thấy họ thì tưởng là tiên nữ.

Vua Sở nói:

- Sở là nước hẻo lánh, thô lậu, chưa từng thấy con gái Trung Nguyên 60 đẹp tới như vậy, sao lại chỉ riêng có quả nhân là không hiếu sắc?

Nói rồi tặng Trương Nghi châu ngọc.

Bà Nam Hậu và nàng Trịnh Dữu hay tin đó, đâm hoảng. Nam Hậu sai người nói với Trương Nghi:

- Thiếp nghe nói tướng quân qua Tấn. Vừa may có được ngàn cân vàng đây, xin tặng bọn tả hữu của tướng quân để họ chi tiêu vào việc mua cỏ, lúa cho ngựa.

Trịnh Dữu cũng tặng năm trăm cân vàng.

Trương Nghi vô từ biệt vua Sở:

- Quan san cách trở, giao thông bất tiện, không biết bao giờ mới được tái ngộ, xin đại vương cho tôi một chén rượu.

Vua nói:

- Được.

Rồi bày rượu đãi Trương Nghi.

Trương Nghi uống đã nửa say, lại hai lạy, xin vua Sở:

- Ở đây không có người ngoài, xin đại vương cho vời những người đại vương sủng ái lại, chuốc rượu cho tôi.

Vua bảo:

- Được!

Rồi cho vời Nam Hậu và Trịnh Dữu ra chuốc rượu cho Trương Nghi. Trương Nghi lạy vua hai lạy, thưa:

- Nghi tôi đáng tội chết với đại vương.

- Sao vậy?

- Nghi tôi đã đi khắp thiên hạ rồi, chưa từng thấy ai đẹp như hai bà này! Như vậy mà Nghi tôi xin đi tìm mỹ nhân cho đại vương thì quả là lừa dối đại vương rồi.

- Thôi, đừng bận tâm về chuyện đó. Ta vẫn biết rằng trong thiên hạ không có ai đẹp hơn hai bà này.

58     Nam Hậu: là hoàng hậu của vua Sở. Trịnh Dữu là ái phi của vua Sở.

59     Có bản chép là: phấn bạch, mặc hắc và giải thích là mặt thoa phấn trắng, tóc đen như mực.

60     Nguyên văn: Trung Quốc, trỏ miền trung ương của nước Tầu thời đó, tức miền ở hai bên bờ sông Hoàng Hà; miền đó văn minh sớm nhất đối với những miền ở chung quanh còn thô lậu, nên cũng gọi là Trung Hoa.


SỞ IV

2. TRỊNH DỮU GHEN

(Nguỵ Vương di Sở Vương mỹ nhân)


Vua Nguỵ tặng vua Sở (Hoài Vương) một mỹ nữ, vua Sở rất thích. Bà Trịnh Dữu biết rằng vua quí người mới (tức mỹ nữ đó), cũng rất yêu người mới. Y phục cùng đồ trang sức, nàng thích thứ nào bà lựa cho thứ đó; cung thất cùng giường nệm, nàng thích thế nào thì bà trang bị cho thế ấy, bà yêu nàng còn hơn vua yêu nàng nữa.

Vua Sở nói:

- Đàn bà nhờ sắc mà được thờ chồng (được chồng yêu), thì ghen tuông là thường tình. Nay Trịnh Dữu biết rằng quả nhân yêu người mới, nàng cũng yêu người mới còn hơn quả nhân yêu nữa, như vậy là có lòng hiếu của người con thờ cha, lòng trung của bề tôi thờ vua.

Trịnh Dữu biết nhà vua tin mình không ghen, mới bảo mỹ nữ kia:

- Vua yêu vẻ đẹp của em nhưng ghét cái mũi của em. Khi gặp vua thì em che mũi đi nhé.

Mỹ nữ nghe lời, gặp vua thì che mũi. Vua hỏi Trịnh Dữu:

- Người mới hễ thấy quả nhân là che mũi, sao vậy?

Trịnh Dữu đáp:

- Thiếp biết tại sao, nhưng…

Vua bảo:

- Có cái gì xấu cũng cứ nói đi.

Trịnh Dữu đáp:

- Cơ hồ như nó không ưa cái hơi thối của đại vương.

Vua Sở bảo:

- Hỗn láo thật!

Rồi ra lệnh cắt mũi của nàng đó, không được trái lệnh.



4. TRANG TÂN DÙNG NGỤ NGÔN KHUYÊN SỞ TƯƠNG VƯƠNG

(Trang Tân vị Tương Vương)



Trang Tân bảo Sở Tương Vương:

- Nhà vua (ngồi xe) bên tả có Châu Hầu, bên hữu có Hạ Hầu; sau xe có Yên Lăng Quân và Thọ Lăng Quân 61 . Bốn người đó chuyên dâm loạn, xa xỉ, không lo việc nước, Dĩnh đô 62 tất nguy mất.

Tương Vương bảo:

- Tiên sinh già rồi lẫn chăng? Hay là muốn rủa nước Sở đấy?

Trang Tân đáp:

- Tôi thực tâm thấy tất nhiên phải như vậy, không dám rủa nước Sở. Nếu nhà vua cứ sủng ái bốn người đó mãi như vậy, thì nước Sở tất mất! Tôi xin được lánh qua Triệu, ở đó một thời gian để quan sát những biến cố của Sở.

Trang Tân qua Triệu ở năm tháng. Quả nhiên Tần chiếm những đất Yên, Dĩnh, Vu, Thượng Thái, Trần của Sở, Tương Vương phải chạy trốn 63 tới Thành Dương, sai người kỵ mã dẫn đường qua Triệu đón Trang Tân. Trang Tân bằng lòng đi.

Trang Tân tới. Tương Vương bảo:

- Quả nhân không biết dùng lời khuyên của tiên sinh, nay sự thể đã như vậy, làm sao bây giờ?

Trang Tân đáp:

- Tôi nghe tục ngữ có câu: “Thấy thỏ rồi mới nghĩ tới chó săn, cũng không phải là muộn; mất bò rồi mới lo rào chuồng cũng chưa phải là trễ”. Tôi nghe nói xưa kia vua Thang, vua Vũ chỉ có trăm dặm đất mà hưng thịnh lên được; vua Kiệt, vua Trụ có cả thiên hạ mà bị nguy vong. Hiện nay nước Sở tuy nhỏ, cắt chỗ dài bù vào chỗ ngắn thì cũng còn được vài ngàn dặm, chứ nào phải trăm dặm mà thôi.

Nhà vua không thấy con chuồn chuồn kia ư? Nó có sáu chân, bốn cánh, bay lượn giữa khoảng trời đất, cuối mổ (!) con muỗi, con ruồi để ăn, ngửa hứng nước sương ngọt ngào để uống, tự cho rằng chẳng lo lắng gì cả, vì không cạnh tranh gì với ai; có ngờ đâu một đứa nhỏ cao năm thước lấy mật làm keo bôi vào tơ, cột ở đầu cái gậy dài bốn nhẫn 64 mà bắt được con chuồn chuồn, chuồn chuồn rơi xuống đất, bị kiến ăn thịt. Con chuồn chuồn còn là vật nhỏ.

Đến như con chim sẻ vàng kia, cúi thì mổ những hạt gạo trắng, ngửa 65 thì đậu ở trên cây rậm rạp, hăng hái vỗ cánh, tự cho rằng chẳng lo lắng gì cả vì không cạnh tranh với ai; có ngờ đâu rằng có cậu công tử vương tôn nọ, tay trái giương ná, tay phải cầm đạn, bắn nó ở chỗ cao mười nhẫn, đem về làm chim mồi bắt chim sẻ khác; ban sáng nó còn bay nhảy trên cây rậm mà tối đã bị xào nấu với muối dấm, chỉ trong khoảnh khắc đã rớt vào tay cậu công tử nọ. Con sẻ còn là vật nhỏ.

Đến như con hộc 66 vàng kia bay lượn trên sông biển, đậu ở cái đầm lớn, cúi thì mổ con lươn, con cá chép, ngửa thì ăn củ ấu, cây hoành 67 , hăng hái vỗ cánh mà lướt luồng gió mát, bay lượn trên cao, tự cho rằng chẳng lo lắng gì cả vì không cạnh tranh với ai. Có ngờ đâu người thợ săn sửa soạn mũi tên và cây cung đen, buộc sợi dây tơ vào cây tên 68 , bắn nó ở chỗ cao trăm nhẫn, nó bị trúng mũi tên nhọn, bị sợi dây tơ kéo về (phía người thợ săn) và rớt xuống đất trong luồng gió mát; ban sáng nó còn bay lượn trên sông biển mà buổi tối đã bị nấu nướng trong cái đỉnh cái vạc rồi. Con hộc vàng còn nhỏ.

Đến như việc Thái Linh Hầu 69 thì cũng vậy. Phía nam, ông ta đi chơi miền Cao Pha 70 , phía bắc ông ta leo núi Vu Sơn, uống nước suối Như Khê, ăn cá sông Tương, tay trái ôm hầu non, tay phải đỡ ái thiếp, cùng với họ dong ruổi ở trong miền Cao Thái mà không lo gì việc nước cả. Có ngờ đâu rằng Tử Phát 71 được lệnh của Sở Tuyên Vương 72 , bắt trói ông ta bằng dây tơ đỏ, đem về cho Tuyên Vương.

Việc của Thái Linh Hầu còn là nhỏ. Đến việc của nhà vua; ngồi xe, bên trái có Châu Hầu, bên phải có Hạ Hầu, sau xe có Yên Lăng Quân và Thọ Lăng Quân, ăn lúa gạo của đất được phong, chở vàng trong kho do bốn phương tiến cống, cùng với bọn đó rong ruỗi ở miền Vân Mộng, mà không lo gì việc quốc gia thiên hạ cả. Có ngờ đâu rằng Nhương Hầu phụng mệnh của vua Tần 73 , đem binh lại đóng đầy trong thành Mãnh Tái mà nhà vua phải trốn ra khỏi thành đó 74 .

Tương Vương nghe xong, mặt tái mét, toàn thân run rẩy, rồi cầm viên ngọc khuê trao cho Trang Tân, phong Trang Tân làm Dương Lăng Quân, và cho hưởng đất Hoài Bắc 75 .

61     Châu, Hạ là những nơi thuộc Hồ Bắc; Yên Lăng nay thuộc Hồ Nam, còn Thọ Lăng thì không biết ở đâu. Bốn nơi đó là đất phong cho bốn sủng thần của Sở Tương Vương.

62     Dĩnh đô: chỉ kinh đô nước Sở.

63     Nguyên văn: có chữ yểm là che. Crump dịch là chống giữ.

64     Mỗi nhẫn bằng tám thước.

65     Chữ cúi, ngửa ở đây có nghĩa là ở dưới thấp, ở trên cao.

66     Hộc là một loài chim giống con nhạn.

67     Một loại cỏ thơm.

68     Để kéo cây tên về, khi đã bắn xong.

69     Không rõ là ai.

70     Có sách giải thích là miền gò núi.

71     Tử Phát: là đại phu nước Sở. Trong Tả truyện và Sử ký, gọi là công tử Khí Tật.

72     Có lẽ là Sở Linh Vương thì phải hơn.

73     Tức Tần Chiêu Vương.

74     Cổ văn quan chỉ và Margouliès trích tới đây.

75     Nguyên văn: dữ Hoài Bắc chi địa dã. Diệp Ngọc Lân dịch là: dùng kế hoạch của Trang Tân mà khôi phục được miền Hoài Bắc.


7. DOẠ CẮT ĐẤT ĐỂ ĐƯỢC GIÚP ĐỠ

(Trường Sa chi nạn)



Trong vụ chiến tranh ở Trường Sa 76 , thái tử Hoành 77 của Sở làm con tin ở Tề. Tới khi vua Sở mất, Tiết Công cho thái tử về Sở, rồi nhân đó cùng với quân của Hàn, Nguỵ theo thái tử để tấn công phía đông nước Sở. Thái tử sợ. Chiêu Cái bảo thái tử:

- Bất nhược sai Khuất Thự đem tặng Tề miền đông mới chiếm được 78 để giảng hòa với Tề; làm cho Tần náo động; Tần sợ Tề chiếm được miền đông, tất bảo (các nước khác trong) thiên hạ lại cứu nước ta.

Thái tử đáp:

- Phải.

Rồi sai Khuất Thự đem miền đông giảng hoà với Tề. Vua Tần hay tin đó, đâm sợ, sai Tân Nhưng bảo Sở rằng:

- Đừng cho Tề miền đông, tôi sẽ đem quân giúp Sở.

76     Năm thứ chín đời Tần Chiêu Vương, Tần đánh Sở, chiếm được tám thành của Sở.

77     Thái tử Hoành lên ngôi, hiệu là Khoảnh Tương Vương.

78     Chúng tôi theo bản Thương Vụ ấn thư quán: dĩ tân đông quốc vi hoà ư Tề. Có học giả cho rằng chữ tân đó dư.


8. THUỐC BẤT TỬ

(Hữu hiến bất tử chi dược)



Có người dâng thuốc bất tử lên vua Kinh 79 . Viên thị thần đem thuốc vô cung 80 . Người lính (thị vệ) cầm cung tên hỏi:

- Uống được không?

Đáp:

- Được!

Rồi người lính giật lấy mà uống.

Vua Kinh giận, sai giết người lính đó.

Người lính cậy người tâu với vua:

- Tôi hỏi viên thị thần, viên này đáp là uống được, cho nên tôi mới uống. Như vậy là tôi không có tội mà tội ở viên thị thần. Vả lại người khách nào đó dâng thuốc bất tử, tôi uống vào mà bị vua giết thì thuốc đó là thuốc tử. Vua giết một bề tôi vô tội mà lại tỏ rằng kẻ dâng thuốc đã gạt vua.

Vua bèn tha, không giết.

79     Nước Sở còn có tên là Kinh. Vua Kinh đây tức là vua Sở Khoảnh Tương Vương.

80     Crump dịch là: dẫn người đó vô cung. Bài này có chép trong thiên Thuyết lâm thượng bộ Hàn Phi Tử.


10. CHIM KHÔNG BỊ TÊN CŨNG RỚT

(Thiên hạ hợp tung)


Các nước trong thiên hạ hợp tung (để cự Tần), Triệu sai Nguỵ Gia lại yết kiến Xuân Thân Quân ở Sở, hỏi:

- Ông có một tướng quân nào không?

Đáp:

- Có! Tôi định phái Lâm Vũ Quân 81 làm tướng.

Nguỵ Gia nói:

- Tôi hồi nhỏ ham bắn, xin đem việc bắn làm tỉ dụ, được chăng?

Xuân Thân Quân đáp:

- Được.

Gia kể:

- Một hôm, Cánh Luy cùng với vua Nguỵ ngồi ở dưới một cái đài cao, ngửa mặt nhìn chim bay. Cánh Luy tâu với vua Nguỵ: “Tôi xin không dùng tên mà hạ được con chim cho nhà vua coi”. Vua bảo: “Bắn tài được đến vậy ư?”. Cánh Luy đáp: “Thưa được”. Một lát sau, có một con nhạn từ phương đông bay lại, Cánh Luy dùng cung không tên mà hạ được. Vua Nguỵ khen: “Bắn tài được như vậy ư?”. Cánh Luy đáp: “Con nhạn đó vốn có bệnh sẵn”. Vua hỏi: “Làm sao tiên sinh biết được?”. Đáp: “Nó bay chậm mà tiếng kêu bi thảm. Bay chậm là vì đã bị thương, tiếng kêu bi thảm là vì đã lạc bầy từ lâu. Vết thương chưa lành mà lòng sợ hãi chưa hết; nghe tiếng dây cung bật, hoảng hốt vội bay cao, vết thương vỡ ra, nó phải rớt xuống”. Nay Lâm Vũ Quân từng bị Tần đánh bại, (vốn còn sợ Tần), không thể dùng làm tướng cự Tần được.

81     Lâm Vũ Quân: là tướng nước Sở, thường bàn binh pháp với triết gia Tuân Tử.


11. KẺ SĨ KHÔNG GẶP NGƯỜI BIẾT MÌNH

(Hãn Minh kiến Xuân Thân Quân)



Hãn Minh muốn yết kiến Xuân Thân Quân, đợi 82 ba tháng mới được tiếp. Đàm đạo xong, Xuân Thân Quân thích lắm. Hãn Minh muốn bàn thêm, Xuân Thân Quân bảo:

- Tôi đã hiểu tiên sinh rồi, xin tiên sinh nghỉ ngơi đã!

Hãn Minh buồn rầu 83 , đáp:

- Minh tôi muốn hỏi ngài một câu, ngài có vẻ như cố nài; tôi không biết ngài với ông Nghiêu, ai thánh triết hơn.

Xuân Thân Quân bảo:

- Tiên sinh nói quá, làm sao tôi dám ví với ông Nghiêu được!

- Thế thì ngài xét tôi với ông Thuấn, ai hơn?

- Tiên sinh tức là ông Thuấn rồi!

- Không phải? Tôi xin được giảng hết lời: ngài thực không hiền bằng ông Nghiêu, tôi cũng không bằng được ông Thuấn. Hiền như ông Thuấn mà thờ bậc thánh như ông Nghiêu, còn phải ba năm mới biết nhau được; nay ngài chỉ trong một lúc mà biết tôi rồi thì ngài quả là thánh hơn ông Nghiêu mà tôi cũng hiền hơn ông Thuấn rồi.

Xuân Thân Quân đáp:

- Hay!

Rồi sai thư lại ghi tên Hãn Minh vào sổ tân khách cứ năm ngày được vô yết kiến một lần.

Hãn Minh lại bảo:

- Ngài có biết chuyện con ngựa ký không? Khi nó tới tuổi già, người ta bắt nó kéo xe muối lên núi Thái Hàng, móng nó duỗi ra 84 , đầu gối nó khuỵu lại 85 , đuôi nó, chân nó mồ hôi đầm đìa, rỏ giọt xuống đất trộn với mồ hôi trắng. Giữa dốc nó thụt lùi 86 , (rán) đội càn xe lên nhưng không leo lên được nữa. Bá Nhạc gặp nó, xuống xe, vịn (ôm) đầu mà khóc, cởi áo mà phủ cho nó; nó cúi đầu xuống mà phì hơi, ngửng cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời, trong trẻo như tiếng kim tiếng thạch. Tại sao vậy? Là vì Bá Nhạc hiểu nó.

Tôi là kẻ bất tiếu, khốn đốn ở chỗ châu quận, sống trong hang cùng ngõ hẻm, bị vùi trong chỗ dơ dáy bỉ lậu đã từ lâu. Hôm nay mới được riêng ngài vô tình rửa sạch cho, đề bạt cho. Ngài có cho tôi được lớn tiếng gào lên cái nỗi khuất nhục của tôi ở Lương không?

82     Có sách chép là vấn «»: hỏi, tức xin đi vô yết kiến; có sách chép là gián «»: cách, nghĩa là không được tiếp. Hãn Minh là môn khách của Xuân Thân Quân.

83     Các sách đều chép là xúc «», nghĩa là buồn rầu, bực tức (theo Từ Hải), Hứa Khiếu Thiên giảng là kinh hoảng; Ngô Sư Đạo bảo: chính chữ «», cũng đọc là xúc, nghĩa là bực tức.

84     Nguyên văn là thân «». Crump dịch ý là: suy nhược.

85     Nguyên văn là chiết «». Crump dịch ý là: run rẩy.

86     Nguyên văn: trung phản thiên diên «中阪迁延»: giữa gò nó trùn lại. Crump dịch là: giữa đường nó nghỉ.


12. XUÂN THÂN QUÂN MUỐN LÀM CHA VUA

(Sở Khảo Liệt Vương vô tử)



Vua Sở là Khảo Liệt Vương không có con. Xuân Thân Quân lấy làm lo, kiếm những phụ nữ có tướng mắn con để dâng, đã dâng nhiều người mà vẫn không có con. Người nước Triệu là Lý Viên muốn dâng em gái cho vua Sở, ngờ rằng tướng em không mắn con, sợ rồi cũng không được vua yêu, bèn xin được làm người nhà hầu hạ Xuân Thân Quân. Rồi một hôm Lý Viên xin về nhà, quá hẹn mới trở lại, vô trình bẩm với Xuân Thân Quân. Xuân Thân Quân hỏi nguyên do trở lại trễ; đáp:

- Vua Tề sai sứ giả lại xin cưới em gái tôi, tôi đãi tiệc sứ giả nên trễ hẹn.

Xuân Thân Quân hỏi:

- Đã gả chưa?

- Thưa chưa.

- Cho tôi gặp mặt được không?

- Thưa được.

Lý Viên bèn đem em gái dâng Xuân Thân Quân, nàng được Xuân Thân Quân sủng ái liền.

Viên biết rằng em gái đã có mang, bày mưu cho nàng thừa dịp, nói với Xuân Thân Quân:

- Vua Sở yêu quí ông hơn là anh em ruột, nay ông làm tướng quốc nước Sở đã trên hai chục năm, mà vua không có con, sau này vua trăm tuổi rồi, tất lập anh hoặc em. Vua sau lên ngôi rồi lại yêu quí người thân cận của mình, thì ông giữ sao được mãi sự sủng ái nữa? Chẳng những vậy, ông giữ chức đã lâu năm, chắc nhiều lần đã thất lễ với anh, em của vua, mấy người này mà được lên ngôi thì tất có hoạ cho ông. Làm sao còn giữ được tướng ấn cùng đất được phong ở Giang Đông nữa? Nay thiếp tự biết mình đã có mang mà người khác thì không ai biết. Thiếp được hầu hạ ông chưa bao lâu, được ông yêu quí, nay ông dâng thiếp cho vua Sở thì vua Sở tất sủng ái thiếp. Nhờ trời mà thiếp có con trai thì con ông sẽ làm vua, ông có thể chiếm được hết đất Sở, so với cái hoạ có thể bị tội thình lình thì đằng nào hơn?

Xuân Thân Quân cho rằng kế đó rất hay, bèn cho em gái Lý Viên ra ở một nhà riêng, rồi nói chuyện với vua Sở. Vua Sở vời nàng vô cung, yêu quí nàng, nàng sinh con trai, lập làm thái tử, lập em gái Lý Viên làm hoàng hậu. Vua Sở yêu cả Lý Viên và Lý Viên được cầm quyền.

Khi em gái đã được làm hoàng hậu, cháu được lập làm thái tử, Lý Viên sợ Xuân Thân Quân tiết lậu việc đó mà càng hóa kiêu ngạo, mới lén nuôi bọn thích khách, muốn giết Xuân Thân Quân để trừ cái hoạ miệng. Chuyện đó nước Sở đã có một số người hay.

Xuân Thân Quân làm tướng quốc nước Sở được hai mươi lăm năm, vua Khảo Liệt Vương đau, Chu Anh bảo Xuân Thân Quân:

- Đời có cái phước bất kỳ, lại có cái hoạ bất kỳ. Nay ông ở vào cái đời biến đổi bất thường, lại thờ một ông vua phản phúc bất định, thì sao lại chẳng dùng con người cuồng vọng?

Xuân Thân Quân hỏi:

- Thế nào là cái phước bất kỳ?

Đáp:

- Ông làm tướng quốc nước Sở đã trên hai chục năm, danh tuy là tướng quốc mà sự thực là Sở Vương. Năm người con của ông đều làm tướng quốc các nước chư hầu. Nay vua bị bệnh nặng, có thể mất trong sớm tối, thái tử thì suy nhược, đau không dậy được, mà ông làm tướng quốc cho vua còn nhỏ tuổi, nhân cơ hội này mà làm nhiếp chính, trị nước như Y Doãn, Chu Công thời xưa, đợi khi vua lớn lên, giao trả lại chính quyền; nếu không vậy thì quay mặt về phía nam mà xưng vương, rồi chiếm cả nước Sở; như vậy là cái phước bất kỳ đấy.

Xuân Thân Quân lại hỏi:

- Thế nào là cái hoạ bất kỳ?

- Lý Viên không trị nước 87 , nhưng là cậu của vua, không làm tướng quân, nhưng lén nuôi thích khách đã từ lâu. Vua Sở mà băng thì Lý Viên tất vô cung trước cả, chiếm địa vị then chốt, giả mạo vương lệnh mà chuyên quyền để giết ông mà diệt cái hoạ miệng; như vậy là cái hoạ bất kỳ đấy.

Xuân Thân Quân nói:

- Còn thế nào là người cuồng vọng?

- Trước hết ông cho tôi làm chức lang trung, khi nào vua băng, Lý Viên vô cùng trước, tôi xin vì ông mà đâm bụng hắn để kết liễu đời hắn; như vậy tôi là con người cuồng vọng đấy.

Xuân Thân Quân bảo:

- Tiên sinh gác chuyện đó lại, đừng bàn tới nữa. Lý Viên là người nhu nhược, tôi với ông ta lại rất hoà hiếu với nhau, đâu tới nỗi như vậy?

Chu Anh hoảng, bèn trốn mất.

Mười bảy ngày sau, Sở Khảo Liệt Vương băng, quả nhiên Lý Viên vô cung trước cả, cho mai phục thích khách ở trong cửa Cức Môn. Xuân Thân Vương vô sau, tới cửa Cức Môn, bị thích khách của Viên đâm chết, chặt đầu liệng ra ngoài cửa Cức Môn, rồi sai bộ hạ giết hết gia thuộc Xuân Thân Quân, mà người con của em gái Lý Viên – nàng trước kia được Xuân Thân Quân yêu, có mang, rồi Xuân Thân Quân đem dâng cho vua 88 – thì được lập là Sở U Vương.

Năm đó Tần Thuỷ Hoàng đã lên ngôi được chín năm, Lạo Mục cũng làm loạn ở Tần, việc vỡ lở, bị tru di tam tộc, và vì vậy Lữ Bất Vi bị phế làm dân thường.

 

87     Ý nói không làm tướng quốc.

88     Hai hàng chúng tôi đặt trong dấu gạch này, rõ ràng là thừa, làm cho văn rườm và hoá non.

--------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét