CHƯƠNG V
TRIỆU SÁCH
Tổ tiên của Triệu họ
Doanh, trước làm quan nước Tấn.
Nhà Chu, Uy Liệt Vương
(425-401) phong cho tước hầu 1 , từ đó Triệu thành một nước chư hầu, đô ở
Hàm Đan (nay thuộc tỉnh Trực Lệ), tới đời Triệu Tương Tử dời đô qua Tấn Dương
(Sơn Tây ngày nay). Truyền ngôi được 182 năm rồi bị Tần diệt. Thời Chiến Quốc
cũng là một trong thất hùng.
Đất của Triệu nay nằm
trên các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây và Hà Nam (phía bắc sông Hoàng Hà).
1 Uy Liệt Vương
(sách in sai thành Ung Liệt Vương): Năm 403, Chu Uy Liệt Vương phong hầu cho ba
đại phu của nước Tấn là Triệu Tịch (tức Triệu Liệt hầu), Nguỵ Tư, Hàn Kiền.
TRIỆU I
2. TRÍ BÁ QUÁ THAM MÀ BỊ
DIỆT
(Trí Bá suất Triệu,
Hàn, Nguỵ)
Trí Bá thống lĩnh quân
của ba nước Triệu, Hàn, Nguỵ, đánh hai họ Phạm và Trung Hàng và diệt được; vài
năm sau, sai người qua Hàn đòi đất. Hàn Khang Tử định không cho, Đoàn Qui can:
- Không nên vậy. Trí Bá
là con người ham lợi và hung bạo, hắn sai người lại đòi đất mà không cho thì hắn
tất dấy binh đánh Hàn. Nhà vua nên cho hắn để hắn quen mùi, lại đòi đất của nước
khác, nước khác không chịu, hắn tất đem binh đánh, như vậy Hàn tránh được hoạ
mà đợi xem sự thể chuyển biến ra sao.
Khang Tử đáp:
- Hay!
Rồi sai sứ giả đem một ấp
một vạn nhà dâng Trí Bá. Trí Bá mừng, lại sai người đòi đất của Nguỵ. Nguỵ
Tuyên Tử định không cho. Triệu Gia can:
- Hắn đòi đất của Hàn,
Hàn cho; nay đòi đất của Ngụy, Nguỵ không cho thì Nguỵ ở trong lòng là tự thị
mình mạnh, mà ở ngoài là chọc giận Trí Bá; như vậy Trí Bá tất đem quân đánh Nguỵ!
Không bằng cho hắn đi.
Tuyên Tử đáp:
- Phải.
Rồi sai người đem một ấp
một vạn nhà cho Trí Bá. Trí Bá mừng, lại sai người qua Triệu; đòi đất Thái và
Cao Lăng 2 . Triệu Tương Tử không cho, Trí Bá bèn lén
liên minh với Hàn, Nguỵ định đánh Triệu.
Triệu Tương Tử vời Trường
Mạnh Đàm vô cho hay và bảo:
- Trí Bá là con người
lá mặt lá trái, ba lần sai sứ giả đi đòi đất, Hàn, Nguỵ cho mà quả nhân không
cho, thế nào hắn cũng đem binh qua đánh Triệu, chúng ta nên đề phòng cách nào
bây giờ?
Trương Mạnh Đàm đáp:
- Xưa Đổng Ất An
Vu 3 là bề tôi giỏi của Giản Chúa 4 . Ông ta cai trị đất Tấn Dương, sau Doãn
Trạch 5 theo chính sách của ông ta, tới nay đất đó
còn giữ được chính giáo cũ, nhà vua nên thiên đô lại Tấn Dương.
Vua đáp:
- Phải.
Rồi sai Diên Lăng Vương
thống lĩnh chiến xa và kị binh, tới Tấn Dương trước, còn mình theo sau. Tới nơi
xem xét ngay thành quách, kho, phủ cùng lẫm lúa, rồi vời Trương Mạnh Đàm vô hỏi:
- Thành quách kiên cố,
kho và phủ đủ dùng, lẫm đầy lúa, nhưng không có tên, làm sao bây giờ?
Trương Mạnh Đàm đáp:
- Tôi nghe nói Đổng Tử
khi xây dựng Tấn Dương, tường các cung và dinh thự đều làm bằng các loại cây cỏ
địch, cảo, hộ, sở 6 , và đều cao trên một trượng. Nhà vua nên
phá ra mà dùng.
Vua bèn đem những thứ
cây cỏ đó ra dùng thử thì thấy dẫu đến tên bằng loại trúc quần lộ 7 cũng không cứng hơn được.
Lại bảo:
- Tên như vậy là có đủ
rồi, nhưng đồng ít quá, làm sao bây giờ?
Trương mạnh Đàm đáp:
- Tôi nghe nói khi xây
thành Tấn Dương, cột các phòng trong cung đều làm bằng đồng đã luyện, xin nhà
vua phá ra mà dùng thì sẽ có dư đồng.
Vua đáp:
- Phải.
Thế là hiệu lệnh đã
ban, các khí cụ phòng bị đã đủ. Binh ba nước tới thành Tấn Dương, quân Triệu
nghênh chiến, ba tháng mà địch không phá được thành. Địch bèn nghỉ tấn công mà
bao vây, đào sông Tấn tháo nước vô thành. Vây tới ba năm. Trong thành dân phải
làm ổ trên cây mà ở, treo nồi lên mà đun nấu, thức ăn gần hết, quân lính đau ốm.
Tương Tử bảo Trương Mạnh
Đàm:
- Lương thực cạn, sức
chống cự hết, sĩ và đại phu đau. Tôi không còn giữ thành được nữa, muốn xin
hàng đây, ông nghĩ sao?
Trương Mạnh Đàm đáp:
- Tôi nghe nói: nước sắp
diệt vong mà không bảo toàn được, thế muốn nguy mà không cứu được thì còn quí kẻ
tài trí làm gì? 8 Nhà vua nên bỏ cái kế đó đi 9 , đừng nói nữa. Tôi xin đi yết kiến vua
Hàn và vua Nguỵ.
Tương Tử đáp:
- Vâng.
Trương Mạnh Đàm bèn lén
yết kiến vua Hàn và vua Nguỵ, bảo:
- Tôi nghe nói môi hở
thì răng lạnh. Nay Trí Bá đem quân của hai nước (Hàn, Nguỵ) mà đánh Triệu. Triệu
sắp mất rồi. Triệu mất thì sẽ đến phiên nước của hai vua đấy.
Vua Hàn, vua Nguỵ đáp:
- Chúng tôi biết như vậy,
Trí Bá là con người hung bạo, ít lòng nhân ái, nếu mưu kế của chúng tôi chưa kịp
thực hành mà hắn đã biết được thì hoạ lớn cho chúng tôi. Tính sao bây giờ?
Trương Mạnh Đàm đáp:
- Mưu kế từ miệng hai
vua phát ra, đi thẳng vào tai tôi, không ai biết được.
Vua Hàn và vua Nguỵ
cùng với Trương Mạnh Đàm lén liên kết quân ba nước, hẹn nhau một ngày nào đó,
đương đêm sẽ cho quân tới thành Tấn Dương. Trương Mạnh Đàm về báo với Tương Tử.
Tương Tử vái Trương Mạnh Đàm hai vái. Rồi Trương Mạnh Đàm triều kiến Trí Bá,
khi ra, gặp Trí Quá ở ngoài viên môn 10 . Trí Quá vô yết kiến Trí Bá, bảo:
- E rằng hai vua Hàn,
Nguỵ sẽ phản loạn.
Trí Bá hỏi:
- Sao biết?
- Tôi gặp Trương Mạn
Đàm ở viên môn, thấy hắn ý chí tự đắc, hành vi ngạo mạn.
- Không phải. Ta đã kết
ước với hai vua Hàn, Nguỵ rồi; hễ phá Triệu xong thì chia đất làm ba phần đều
nhau, ta thân thiện với hai vua đó, họ tất không lừa ta. Thôi đừng nói nữa.
Trí Quá ra, qua yết kiến
hai vua Hàn, Nguỵ, rồi lại vô nói với Trí Bá:
- Hai vua Hàn, Nguỵ sắc
diện và tâm ý đều biến động, thế nào cũng phản bội nhà vua, nên sai người giết
đi.
- Binh đóng ở Tấn Dương
này đã ba năm. Chỉ trong sớm tối là phá được mà hưởng lợi, lúc này mà còn đổi
tâm là việc không thể có 11 . Thôi, ông đừng nói thêm một lời nào nữa.
- Nếu không giết họ thì
nên thân thiện với họ.
- Thân thiện làm sao?
- Mưu thần của Nguỵ Hàn
Tử là Triệu Gia, mưu thần của Khang Tử là Đoàn Qui, hai người đó đều có thể làm
thay đổi mưu kế của chủ. Nhà vua kết ước với hai vua, hễ phá Triệu rồi thì nhà
vua phong cho hai mưu thần đó mỗi người một huyện một vạn nhà. Như vậy lòng hai
vua kia sẽ không thay đổi mà dục vọng của nhà vua sẽ đạt.
Trí Bá bảo:
- Phá Triệu rồi chia đất
làm ba phần đều nhau, mà ta phải phong cho hai người đó mỗi người một huyện một
vạn nhà, phần của ta nhỏ quá. Không được.
Trí Quá thấy vua không
dùng mình, không nghe lời mình, ra về, đổi thành họ Phụ, rồi đi đâu mất biệt.
Trương Mạnh Đàm hay
tin, vô yết kiến Tương Tử, bảo:
- Tôi gặp Trí Quá ở
ngoài viên môn, hắn có vẻ nghi tôi, hắn vô yết kiến Trí Bá, rồi trở ra đổi tên
họ. Tối nay mà không tấn công ngay thì lỡ mất cơ hội.
Tương Tử đáp:
- Vâng.
Rồi sai Trương Mạnh Đàm
yết kiến hai vua Hàn, Nguỵ, hẹn nhau đêm đó giết tên quan coi đập 12 , mà cho nước sông ùa vào chỗ quân Trí Bá
đóng. Quân Trí Bá lo việc cứu thuỷ mà hỗn loạn; Hàn, Nguỵ hai bên đánh vào
hông, còn tướng sĩ của Tương Tử đánh phía trước, phá tan quân Trí Bá, cầm tù
Trí Bá.
Trí Bá chết rồi, mất nước,
đất bị chia, thiên hạ cười là tham lam vô độ. Vì không nghe lời Trí Quá nên mới
bị diệt vong. Họ Trí bị diệt hết, duy có họ Phụ là còn.
2 Hai đất đó, đều
của Triệu nay thuộc tỉnh Sơn Tây.
3 Đổng Ất An Vu:
cũng gọi là Đổng An Vu là gia thần của Triệu Giản Tử. Trong sách Hàn Phi, gọi
là Đổng Vu.
4 Tức Triệu Giản
Tử, cha của Tương Tử.
5 Doãn Trạch:
cũng là gia thần của Triệu Giản Tử. Trong sách Quốc ngữ gọi là Doãn Đạc
6 Những cây cỏ
đó đều dùng làm tên.
7 Một loại trúc
rất tốt.
8 Ý nói như vậy
thì kẻ tài trí hoá vô dụng mất.
9 Tức ý định đầu
hàng.
10 Viên môn là cửa
ngoài các nha thự.
11 Ý nói vua Hàn
và vua Nguỵ dại gì mà phản Trí Bá lúc này.
12 Cái đập này
ngăn nước sông Tấn để nước chảy vô thành Tấn Dương.
4. TRUYỆN DỰ NHƯỢNG
(Tấn Tất Dương chi
tôn)
Cháu Tấn Tất Dương tên
là Dự Nhượng, mới đầu thờ hai họ Phạm và Trung Hàng, không được như ý, mới qua
thờ Trí Bá, được Trí Bá rất quí. Đến khi Tam Tấn phân chia đất của họ Trí, Triệu
Tương Tử rất oán Trí Bá, dùng đầu lâu Trí Bá làm tô đựng rượu. Dự Nhượng trốn
vào trong núi, bảo:
- Than ôi! “Kẻ sĩ hy
sinh vì tri kỷ, đàn bà tô điểm vì người yêu”. Thế nào ta cũng báo thù cho họ
Trí.
Rồi đổi họ, giả dạng
làm người bị tội, vô cung quét dọn 13 cầu tiêu để có cơ hội đâm Tương Tử. Tương
Tử vô cầu tiêu, thấy tâm xao động, bắt người quét dọn cầu tiêu ra tra hỏi thì
là Dự Nhượng. Dự Nhượng đã mài nhọn cái “thiên” 14 , đáp: “Muốn báo thù cho Trí Bá”.
Kẻ tả hữu muốn giết Dự
Nhượng, Triệu Tương Tử can:
- Hắn là nghĩa sĩ, ta
nên cẩn thận tránh hắn thôi. Vả lại Trí Bá chết, không có kẻ nối dõi, bề tôi
thay con cháu của chủ mà báo thù cho chủ thì là người hiền trong thiên hạ.
Rồi tha Dự Nhượng.
Dự Nhượng lại sơn mình
thành người cùi, cạo hết râu và lông mày, tự huỷ hoại thân thể để biến đổi dung
mạo, giả trang làm kẻ ăn mày đi ăn xin. Vợ nhận không ra, bảo:
- Dong mạo thì khác chồng
mình mà sao giọng nói thì rất giống?
Dự Nhượng nghe vậy bèn
nuốt than để đổi giọng cho hoá khàn khàn. Một người bạn bảo Dự Nhượng:
- Việc anh làm đã rất
khó khăn mà không công hiệu. Bảo rằng anh có chí thì đúng, còn bảo rằng anh có
trí thì không. Dùng tài của anh mà thờ Tương Tử thì Tương Tử tất thân tín anh,
được thân tín rồi, mới thi hành việc anh muốn làm thì việc rất dễ mà công tất
thành.
Dự Nhượng cười, đáp:
- Như vậy thì là vì báo
thù cho người tri kỷ trước mà hại người tri kỷ sau, vì vua cũ mà giết vua mới,
làm loạn cái nghĩa vua tôi đến vậy là cùng cực. Chí hướng của tôi là muốn làm
sáng cái nghĩa vụ vua tôi, chứ không phải là muốn lựa việc dễ mà làm. Vả lại đã
làm lễ tương kiến 15 mà thờ người ta mà lại còn muốn giết người
ta thì là ăn ở hai lòng với người ta. Tôi sở dĩ lựa việc khó mà làm là cũng muốn
cho những kẻ bề tôi trong thiên hạ sau này mà ăn ở hai lòng với vua thì phải xấu
hổ.
Ít hôm sau, Tương Tử có
việc phải đi tuần thú, Dự Nhượng nép ở dưới một chiếc cầu mà Tương Tử sẽ qua.
Tương Tử tới cầu thì con ngựa bỗng hoảng, Tương Tử bảo:
- Tất có Dự Nhượng núp
đâu đây.
Sai người tra vấn 16 , quả nhiên là Dự Nhượng. Tương Tử bèn vạch
mặt Dự Nhượng, kể tội:
- Ngươi từng thờ hai họ
Phạm và Trung Hàng đấy chứ? Trí Bá diệt họ Phạm và Trung Hàng mà ngươi không
báo thù cho vua, lại làm lễ tương kiến thờ Trí Bá. Trí Bá đã chết, sao ngươi
riêng quyết tâm phục thù cho Trí Bá như vậy?
Dự Nhượng đáp:
- Tôi thờ hai họ Phạm
và Trung Hàng, Phạm và Trung Hàng coi tôi như mọi người thường, cho nên tôi
cũng lấy tư cách của mọi người thường mà đáp lại. Trí Bá coi tôi như bậc quốc
sĩ, cho nên tôi lấy tư cách quốc sĩ đáp lại.
Tương Tử, bùi ngùi, sa
lệ, than:
- Ôi! Ông Dự! Ông vì
Trí Bá mà hành động như vậy cũng đã là được tiếng rồi! Mà tôi tha ông một lần
như vậy cũng là đủ rồi! Ông tự xử lấy đi 17 , tôi không tha ông nữa đâu.
Rồi sai lính vây Dự Nhượng.
Dự Nhượng đáp:
- Tôi nghe nói bậc minh
quân không che lấp lòng trung nghĩa của người, mà bực trung thần không tiếc chết,
miễn là thành danh. Ngài trước đã khoan dung phóng thích tôi, trong thiên hạ
không ai không khen ngài hiền; việc hôm nay, tôi đành chịu tội chết, chỉ xin
ngài cho tôi mượn chiếc áo của ngài để tôi đâm vào, như vậy chết sẽ không hận.
Tôi chỉ xin bày tỏ nguyện vọng như vậy, còn thì tuỳ lượng ngài.
Tương Tử trọng nghĩa
khí đó, sai người cầm áo của mình đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng tuốt gươm ra, nhảy
lên ba lần kêu trời chứng giám, vừa đâm vào áo vừa nói:
- Ha, có thể báo thù
Trí Bá được rồi.
Rồi đâm cổ tự tử. Hôm mất,
kẻ sĩ nước Triệu không ai là không nhỏ lệ.
13 Nguyên văn là đồ
xí «塗廁». Các
nhà nho nước ta thời trước và cả Diệp Ngọc Lân đều giảng là quét dọn cầu tiêu.
Crump dịch là trát cầu tiêu. Chữ đồ nghĩa là bùn, nhớp, tô màu lên vật khác, lấp
chỗ hở. Vậy hiểu theo nghĩa nào cũng được.
14 Nguyên văn là
nhẫn kỳ hãn «刃其扞». Hứa Khiếu Thiên giảng nhẫn là chặt, hãn là mũi nhọn của
cây thương, (cũng gọi là đạc «鐸», nhưng trong Từ Hải về chữ đạc không thấy ghi nghĩa này).
Diệp Ngọc Lân dịch nhẫn kỳ hãn là để lộ binh khí ra (lộ xuất binh khí) thì sai
quá. Crump trên đã dịch đồ là trát, nên dịch hãn là cái bay, và nhẫn kỳ hãn là
mài nhọn cái bay thành lưỡi dao. Nhưng tra Từ Hải, Từ Nguyên chúng tôi không thấy
hãn có nghĩa là cái bay. Chỉ thấy trong Từ Hảicó chữ thiên «扦» (rất giống
chữ hãn) nghĩa là một vật dải, nhọn hình như lá tre để nạo những vật dơ. Chúng
tôi đoán có lẽ là chữ thiên nên dịch: “đã mài nhọn cái thiên”.
15 Nguyên văn: uỷ
chí là giao lễ vật. Hồi xưa khi mới tương kiến, thường có vật tặng nhau; kẻ sĩ
muốn xin làm bề tôi một người quyền quí nào cũng mang theo lễ vật.
16 Nguyên văn là vấn
«問». Crump dịch là: tìm
kiếm.
17 Nguyên văn là:
Tử tự vi kế, Crump dịch là: Ông tất phải biết rằng…
8. TÔ TẦN THUYẾT LÍ
ĐOÁI
(Tô Tần thuế Lí Đoái)
Tô Tần thuyết Lí Đoái rằng:
- Tô Tần ở Lạc Dương
(…) 18 , nhà nghèo, cha mẹ già, không có xe tồi
ngựa hèn, không có xe bánh bằng gỗ dâu, tráp đương bằng sậy, nên đùi quấn xà cạp,
chân đi dép cỏ, đội sách, đeo đẫy, giẫm cát, dầm sương, qua sông Chương, chân
thành chai, trăm ngày mới ngừng 19 , tới cửa ngoài, xin được yết kiến ngài
mà đàm đạo việc thiên hạ.
Lí Đoái đáp:
- Tiên sinh đem lời ma
quỉ kể với tôi thì được, còn nhân sự thì Đáo tôi biết hết cả rồi.
Tô Tần đáp:
- Tôi vốn có ý đem lời
ma quỉ kể với ngài đây, không phải là kể những lời của người sống đâu.
Lí Đoái bèn cho yết kiến.
Tô Tần bảo:
- Ngày tôi lại đây, trời
đã tối mà còn ở ngoài cửa thành, kiếm một chiếc chiếu để nằm cũng không có, phải
vô tá túc một trại ruộng. Bên cạnh trại có một bụi cây lớn. Nửa đêm, một hình bằng
đất cải nhau với một hình bằng gỗ, bảo: “Mày không bằng tao. Tao là đất, dù có
gặp gió lớn, mưa dầm, tao có bị tan rã thì cũng trở về với đất. Còn mày, nếu
không phải là rễ thì là cành cây, mày mà gặp gió lớn mưa dầm thì trôi vào sông
Chương rồi phiêu bạt qua đông, tới bể, không biết ngừng ở đâu”.
Tôi trộm nghĩ rằng hình
bằng đất thắng hình bằng gỗ. Nay ngài giết chúa và diệt dòng dõi của chúa, địa
vị của ngài trong thiên hạ nguy như trứng để đầu đẳng 20 , ngài mà nghe kế của tôi thì sống, không
nghe thì chết.
Lí Đoái đáp:
- Xin tiên sinh về nghỉ,
ngày mai lại vô yết kiến Đoái tôi.
Tô Tần ra. Kẻ tả hữu của
Lí Đoái bảo Lí Đoái:
- Tôi trộm nghĩ, chúa
công và ông Tô bàn bạc với nhau thì tài biện bác của ông Tô hơn chúa công. Chúa
công có chịu theo kế của ông Tô không?
Lí Đoái đáp:
- Không.
- Chúa công đã không chịu
theo thì xin bịt kỹ hai lỗ tai lại, đừng nghe ông Tô nói nữa.
Hôm sau Tô Tần lại vô yết
kiến, đàm đạo suốt ngày rồi đi. Kẻ tả hữu của Lí Đoái tiễn Tô Tần ra cổng. Tô Tần
hỏi người đó:
- Hôm qua lời bàn bạc của
tôi thô bạo mà chúa công của ông động lòng; hôm nay lời của tôi tinh tế mà chúa
công của ông không động lòng là tại sao?
- Là vì kế hoạch của
tiên sinh lớn mà mục đích của tiên sinh lại cao, chúa công tôi không dùng được,
cho nên tôi xin người bịt hai tai lại, không nghe lời tiên sinh bàn bạc. Nhưng
ngày mai, tiên sinh cứ lại, tôi sinh chúa công tôi trọng thưởng tiên sinh.
Hôm sau, Tô Tần lại vô,
vỗ tay mà bàn bạc. Lí Đoái tặng Tô Tần một viên ngọc châu minh nguyệt 21 , một viên ngọc Hoà thị 22 , một chiếc áo bằng da điêu đen và trăm
nén vàng. Tô Tần có số đó chi dùng, mà qua phía tây vô nước Tần.
18 Nguyên văn có
ba chữ: thừa hiên xa (ngồi xe có hiên, xe của đại phu), chúng tôi ngờ rằng dư.
Crump cũng không dịch ba chữ đó. Muốn dịch từng chữ cho đủ thì có thể dịch là: Ở
Lạc Dương người ta đi xe sang trọng, mà Tô Tần nhà nghèo…
19 Nguyên văn có bốn
chữ: “nhật bách nhi xá”, chúng tôi dịch như vậy không chắc đã đúng. Crump bỏ
không dịch.
20 Dịch đúng
nguyên văn: trứng chất đống (thế nào trứng trên ngọn cũng rớt xuống và vỡ tan).
21 Minh nguyệt: thứ
ngọc châu ban đêm chiếu sáng dịu như ánh trăng.
22 Ngọc Hoà: là thứ
ngọc quí ở nước Sở, do người họ Hoà kiếm được, dâng lên Lệ Vương. Một người thợ
ngọc bảo Lệ Vương: “Đá đấy, không phải là ngọc”. Lệ Vương nổi giận, sai chặt
chân trái của người họ Hoà. Người này lại dâng ngọc cho Vũ Vương, cũng vì lẽ trên,
bị chặt chân bên phải nữa. Khi Văn Vương lên ngôi, họ Hoà cầm viên ngọc mà khóc
ở chân núi tại Sở, luôn ba ngày ba đêm, tới hết nước mắt rồi ra máu. Văn Vương
sai người hỏi duyên cớ; đáp rằng: “Không buồn vì chặt chân, mà buồn vì ngọc quí
mà cho là đá, kẻ trong sạch mà cho là nói láo”. Văn Vương cho người coi kỹ lại
viên ngọc, quả là quí, bèn gọi viên ngọc đó là viên ngọc Hoà thị (họ Hoà).
Ở trong bài này, không phải là viên ngọc ấy, mà chỉ là một
thứ ngọc quí thôi.
TRIỆU II
2. TÔ TẦN THUYẾT TRIỆU
TÚC HẦU THEO HỢP TUNG
(Tô Tần tòng Yên chi
Triệu)
Tô Tần từ Yên qua Triệu
để khởi xướng cho chính sách hợp tung, bảo vua Triệu:
- Trong thiên hạ, từ bậc
nhân tướng khanh thần đến kẻ sĩ áo vải, không ai không phục hành vi, nghĩa khí
của đại vương là cao cả, đã từ lâu không ai không mong được tới trước mặt đại
vương bày tỏ hết lòng trung và xin đại vương dạy bảo cho. Nhưng vì Phụng Dương
Quân 23 ghen ghét kẻ hiền năng mà đại vương lại
không được chuyên quyền, cho nên những khách ở nước ngoài và những kẻ sĩ du
thuyết không dám tới trước mặt đại vương để bày tỏ hết lòng trung. Phụng Dương
Quân đã chết, đại vương từ nay trở đi được tiếp xúc với nhân dân, cho nên tôi mới
dám tới dâng ý nông cạn và hết sức bày tỏ lòng trung ngu muội. Tôi vì đại vương
mà mưu tính, nghĩ rằng không gì bằng dùng chính sách an dân, đừng “hữu
vi” 24 bày đặt việc này việc khác. Gốc của sự an
dân ở chỗ chọn nước mà giao hảo; khéo chọn nước mà giao hảo thì dân được an
nhàn, không khéo chọn nước mà giao hảo thì suốt đời lao đao.
Tôi xin bàn về cái hoạ
của nước ngoài. Tề và Tần là hai địch thủ lớn của Triệu, nên dân Triệu không được
an nhàn. Dựa vào Tần mà đánh Tề thì dân không được an nhàn, dựa vào Tề mà đánh
Tần thì dân cũng không được an nhàn. Cho nên tính chuyện với vua nước khác để
đánh nước người, thì lời nói thường vội vàng mà đoạn tuyệt tình ban giao của
người 25 , xin đại vương thận trọng đừng thốt ra
những lời đó. Xin đại vương cho bọn tả hữu lui ra để tôi phân biệt hai chính
sách âm dương 26 .
Nếu đại vương quả thật
theo mưu kế của tôi thì nước Yên tất cống hiến những đất có dạ, áo lông, chó ngựa;
Tề tất dâng những đất có cá, muối ở bờ biển; Sở tất dâng đất miền Vân, Mộng, có
quất, bưởi; Hàn, Nguỵ đều dâng những ấp mà thuế má dùng vào việc tắm gội; thân
thích cha anh đại vương đều được những đất phong hầu. Việc cắt đất và thu tiền
tài hoá vật như vậy, ngũ bá hồi xưa chịu hy sinh tướng sĩ mà làm cho được; để
cho thân thích được phong hầu, vua Thang, vua Vũ thời xưa phải giết Kiệt, Trụ
mà tranh lấy đất. Nay đại vương chỉ cần rủ áo chắp tay 27 mà được cả hai 28 , đó là điều tôi vì đại vương mà mong mỏi.
Đại vương mà thân thiện
với Tần thì Tần tất xâm lược Hàn, Nguỵ; thân thiện với Tề thì Tề tất xâm lược Sở,
Nguỵ. Nguỵ suy yếu rồi thì tất phải cắt đất Hà Ngoại, Hàn suy yếu rồi thì tất
phải dâng đất Nghi Dương, Nghi Dương dâng rồi thì Thượng Quận 29 bị cách tuyệt. Hà Ngoại cắt rồi thì đường
nghẽn 30 ; Sở suy yếu rồi thì không còn ai cứu viện
nữa. Ba kế sách đó không thể không tính cho kỹ 31 .
Tần đem quân chiếm Chỉ
Đạo 32 thì Nam Dương biến động, rồi cướp nước
Hàn, vây nước Chu mà Triệu tự nhiên tan rã. Tần mà chiếm cứ nước Vệ,
được đất Kỳ thì nước Tề tất triều kiến Tần. Tần đã tới được Sơn Đông rồi thì tất
đem quân nhắm nước Triệu; quân Tần qua sông Hoàng Hà, vượt khỏi Lâm Chương, chiếm
Phiên Ngô thì tất đem quân đánh nhau với Triệu ở dưới chân thành Hàm Đan; đó là
điều tôi lo giùm cho đại vương.
Đương lúc này, các nước
ở Sơn Đông, không nước nào mạnh bằng Triệu, đất Triệu rộng hai ngàn dặm, binh
giáp được vài chục vạn, chiến xa được ngàn cỗ, chiến mã được vạn con, lúa chi
dùng được mười năm. Phía Tây có Thường Sơn, phía nam có Hà Chương 33 , phía đông có Thanh Hà, phía bắc có nước
Yên. Yên là một nước yếu, không đáng lo. Trong thiên hạ Tần không hận nước nào
bằng Triệu, mà Tần không dám cử binh đánh Triệu là vì sao? Là vì sợ có Hàn, Nguỵ
đánh lén phía sau Tần. Như vậy thì Hàn, Nguỵ là cái phên che phía nam của Triệu.
Nhưng nếu Tần đánh Hàn, Nguỵ thì tình hình sẽ khác; không có núi cao sông rộng
ngăn cách, cứ lần lần tàm thực cho tới khi tới kinh đô mới ngừng; Hàn, Nguỵ
không chống được Tần tất xin thờ Tần. Hàn, Nguỵ thờ Tần rồi, Triệu không có
Hàn, Nguỵ ngăn cách với Tần nữa mà hoạ sẽ tới Triệu; đó là điều tôi lo giùm cho
đại vương.
Tôi nghe nói vua Nghiêu
không có được ba trăm mẫu ruộng, vua Thuấn không có được một tấc đất mà làm chủ
được thiên hạ; vua Vũ không có trăm người theo mà làm vua chư hầu, quân lính
không quá ba ngàn người, chiến xa không quá ba trăm cỗ mà vua Thang, vua Võ lên
ngôi thiên tử, chính là nhờ hiểu được các đạo cường thịnh. Cho nên bậc minh
quân, ở ngoài thì lượng sức mạnh yếu của địch, ở trong thì xét sĩ tốt nhiều ít,
có hiền tài hay không, không đợi đến lúc quân mình với quân địch giao chiến mà
cái cơ thắng bại tồn vong đã thấy rõ từ trước ở trong lòng rồi, đâu có bị lời đại
chúng làm mê muội, mà quyết đoán một cách hồ đồ.
Tôi xin trộm đem địa đồ
trong thiên hạ ra xét, đất của chư hầu rộng gấp năm Tần, tôi phỏng binh sĩ của
chư hầu nhiều gấp mười Tần. Sáu nước 34 đoàn kết làm một, quay về phía tây đánh Tần
thì Tần tất mất. Nay sáu nước để cho Tần đánh tan, hướng về phía Tần mà thờ Tần,
làm bề tôi cho Tần. Phá tan nước người với bị nước người phá tan, người làm bề
tôi mình với mình làm bề tôi người, hai cái đó khác nhau xa. Bọn người chủ
trương liên hoành kia đều muốn cắt đất của chư hầu để cầu hoà với Tần. Họ cầu
hoà với Tần thì có thể xây cất đài cao, sửa sang cung đẹp, nghe tiếng sáo, tiếng
(đàn) sắt, nếm những món thơm ngon, phía trước có xe ngựa, phía sau có sân đài,
có người đẹp cười duyên, nhưng rồi khi có cái hoạ vì Tần thì bỏ mặc vua. Thế
cho nên bọn chủ trương liên hoành kia ngày đêm đem cái quyền uy của Tần doạ các
chư hầu để chư hầu cắt đất cho Tần, xin đại vương nghĩ kỹ về điều đó.
Tôi nghe rằng bậc minh
quân không do dự, không nghe lời gièm pha, mà gạt bỏ những lời không chứng cứ,
lấp cái cửa bè đảng, cho nên thần xin trung thành dâng lên đại vương cái kế làm
cho vua được tôn quí, đất được mở rộng, binh được hùng cường. Tôi trộm vì đại
vương mưu tính thì không gì bằng sáu nước Hàn, Nguỵ, Tề, Sở, Yên, Triệu hợp tung
thân thiện với nhau để chống cự với Tần; khiến cho các vị tướng quốc, tướng
soái trong thiên hạ đều họp nhau ở trên bờ sông Viên, các nước trao đổi con tin
với nhau, giết ngựa trắng, cùng thề với nhau rằng: “Tần mà đánh Sở thì Tề, Nguỵ
sẽ đem binh tinh nhuệ ra giúp Sở, Hàn sẽ cắt đứt đường vận lương của Tần, Triệu
sẽ đem quân qua sông Hà Chương, Yên sẽ giữ phía bắc miền Thường Sơn. Tần mà
đánh Hàn, Nguỵ thì Sở sẽ cắt đứt phía sau của Tần, Tề sẽ đem binh tinh nhuệ ra
giúp Hàn, Nguỵ. Triệu sẽ đem quân qua Hà Chương, Yên sẽ giữ miền Vân Trung. Tần
mà đánh Tề thì Sở sẽ cắt đứt phía sau của Tần, Hàn sẽ giữ thành Cao, Nguỵ sẽ chặn
ở Ngọ Đạo, Triệu sẽ đem quân qua sông Hà Chương, đóng ở Bắc Quan, Yên sẽ đem
quân tinh nhuệ ra giúp Tề. Tần mà đánh Yên thì Triệu sẽ giữ Thường Sơn, Sở sẽ
đem quân đóng ở Vũ Quan, Tề sẽ đem quân qua Bột Hải, Hàn và Nguỵ sẽ đem quân
tinh nhuệ để giúp Yên. Tần mà đánh Triệu thì Hàn sẽ đem quân đóng ở Nghi Dương,
Sở đem quân đóng ở Vũ Quan, Nguỵ sẽ đem quân đóng ở Hà Ngoại, Tề sẽ đem quân qua
bột Hải, Yên sẽ đem quân tinh nhuệ ra giúp Triệu. Nước chư hầu nào bội ước trước
thì năm nước kia sẽ cùng đem quân đánh”. Sáu nước hợp tung, thân thiện với nhau
để chống cự Tần thì Tần không dám đem quân khỏi cửa Hàm Cốc mà đánh phá Sơn
Đông, như vậy nghiệp bá của đại vương sẽ thành.
Vua Triệu đáp:
- Quả nhân nhỏ tuổi, cầm
quyền mới được ít ngày, chưa từng được nghe kế hoạch trường cửu để trị nước;
nay quí khách có ý bảo vệ thiên hạ, an định chư hầu, quả nhân xin kính cẩn đem
nước Triệu ra theo kế hoạch của quí khách.
Rồi phong Tô Tần làm Vũ
An Quân, tặng trăm cổ xe trang sức đẹp đẽ, ngàn nén vàng, trăm đôi bạch ngọc,
ngàn tấm gấm vóc để Tô Tần đi liên hợp các chư hầu.
23 Phụng Dương
Quân là em vua Triệu. Mới đầu, Tô Tần tới Triệu, không được Phụng Dương Quân niềm
nở tiếp, nên bỏ qua Yên, nay mới trở lại Triệu.
24 “Hữu vi” ở đây
có nghĩa là “nhiễu sự”.
25 Chỉ những người
theo chính sách liên hoành.
26 Tức chính sách
hợp tung và liên hoành, hai chính sách trái ngược nhau như âm với dương.
27 Ý nói ngồi
không, không phải khó nhọc.
28 Tức vua Triệu
đã chiếm được thêm đất của các nước kia, mà thân thích vua Triệu lại được đất
phong nữa.
29 Có lẽ lầm, là
Thượng Đảng thì phải hơn vì Thượng Đảng ở gần Nghi Dương, chỉ cách một con
sông, còn Thượng Quận thì ở cách xa lắm.
30 Ý nói: Nguỵ suy
rồi, phải cắt đất ở Hà Ngoại cho Tần và con đường tới Thượng Quận sẽ bị nghẽn.
31 Đoạn này lý luận
không minh bạch. Chủ ý Tô Tần là ngăn Triệu liên hợp với Tần mà sao lại kể cái
hại liên hợp với Tề? Mà ba kế sách đó là những kế sách nào?
32 Chỉ Đạo nay ở
Thiểm Tây.
33 Hà Chương không
rõ là một hay hai con sông, Từ Hải không có Hà Chương, chỉ có Chương Giang và
Chương Hà.
34 Tức: Hàn, Nguỵ,
Tề, Sở, Yên, Triệu.
3. TRƯƠNG NGHI THUYẾT
TRIỆU VŨ LINH VƯƠNG THEO LIÊN HOÀNH
(Trương Nghi vi Tần
liên hoành)
Trương Nghi vì Tần chủ
trương kế hoạch liên hoành, bảo vua Triệu:
- Vua Tần của tệ quốc,
sai tôi mạo muội dâng thư lên quan ngự sử của đại vương 35 . Đại vương thống lĩnh thiên hạ để chống
Tần, quân Tần không dám ra khỏi cửa Hàm Cốc đã mười lăm năm rồi. Uy quyền của đại
vương đã lan ra khắp miền Sơn Đông, trong thiên hạ; tệ quốc sợ sệt, cúi nép, chỉnh
đốn binh khí, huấn luyện binh sĩ, sửa sang chiến xa, luyện tập kỵ xạ, gắng sức
cày ruộng, trữ lúa, bảo vệ biên cảnh bốn bề, ở trong cảnh lo sầu, sợ sệt đó
không dám vọng động, chỉ vì đại vương có ý trách lỗi Tần vậy.
Nay, Tần vì thấy uy lực
đại vương phía tây chiếm Ba Thục, nước Hán Trung 36 , phía đông thu phục Đông Chu, Tây Chu mà
dời chín đỉnh, giữ bến Bạch Mã, cho nên tuy ở nơi hẻo lánh, xa xôi, mà lòng oán
hận sầu muộn đã từ lâu rồi. Nay vua Tần tới đem binh giáp tồi tàn đóng ở Thằng
Trì, định qua Hà Chương, chiếm cứ Phiên Ngô, nghinh chiến với Triệu ở dưới chân
thành Hàm Đan. Định tới ngày Giáp Tí 37 , giao chiến với Triệu, để noi gương (Chu
Võ Vương), diệt Ân Trụ thời xưa, nên sai tôi cung kính lại báo trước cho kẻ tả
hữu của đại vương hay.
Đại thể, đại vương sở
dĩ tin chính sách hợp tung là trông cậy ở mưu kế của Tô Tần quyến rũ, mê hoặc
được chư hầu, làm cho họ tin phải là trái, trái là phải. Nhưng Tô Tần muốn phản
phúc nước Tề mà không được 38 , khiến cho chính mình bị xé xác ở chợ nước
Tề. Vậy thiên hạ không thể hợp nhất được, lẽ ấy đã rõ.
Nay Sở với Tần đã là
hai nước anh em, mà Hàn, Nguỵ đã là những nước phiên thuộc ở phía đông. Tề đã
dâng Tần những đất có muối, cá, như vậy là chặt mất cánh tay phải của Triệu rồi.
Người đã mất cánh tay phải mà còn mong chiến đấu với kẻ khác, đảng đã tan mà
mình cô lập, như vậy thì làm sao khỏi nguy được?
Nay Tần phái ba vị tướng
thống suất quân sĩ: một đạo quân chẹn lấp Ngọ Đạo 39 , rồi bảo Tề đem quân qua Thanh Hà 40 đóng ở phía đông Hàm Đan; một đạo quân
đóng ở Thành Cao, đốc suất quân Hàn, Nguỵ mà đóng ở Hà Ngoại; một đạo quân đóng
quân ở Thằng Trì, cùng hẹn với nhau rằng: “Bốn nước liên kết như một để đánh
Triệu, phá được Triệu rồi thì chia đất Triệu làm bốn phần”. Vì vậy tôi không
dám giấu giếm tình ý, xin báo trước với người tả hữu của đại vương.
Tôi trộm vì đại vương
mưu tính, không gì bằng hẹn với Tần ở Thằng Trì, hội kiến nhau rồi kết thân với
nhau. Tôi xin án binh, không tấn công, xin đại vương quyết định đi.
Vua Triệu đáp:
- Sinh thời của tiên
vương, Phụng Dương Quân làm tướng quốc, chuyên quyền, che lấp chí tiên vương, độc
đoán việc nước. Quả nhân lúc đó ở trong cung, thuộc quyền quan sư phó, không được
mưu tính việc nước. Khi tiên vương bỏ quần thần mà qui tiên, quả nhân tuổi còn
nhỏ, tới nay coi việc tế tự chưa được bao ngày 41 , nhưng lòng riêng vẫn trộm nghi ngờ, cho
rằng kế hợp tung chống Tần không phải là cái lợi trường cửu của nước; cho nên
đã có ý thay đổi kế hoạch, cắt đất để tạ tội cũ mà xin thờ Tần; đương cho sửa
soạn xe để qua Tần thì vừa được tin sứ giả mang chiếu lệnh sáng suốt của vua Tần.
Rồi cho đánh trăm cổ
xe, tới Thằng Trì triều kiến vua Tần, cắt đất Hà Giang để thờ Tần.
35 Lời khiêm tốn:
không dám dâng thẳng lên vua Triệu mà dâng lên quan ngự sử.
36 Vậy là Triệu đã
chiếm Sở mà uy hiếp Ba Thục ư? Hay là nước khác chiếm mà Trương Nghi trách như
vậy vì Triệu là tung trưởng?
37 Ngày Giáp Tí là
ngày Chu Võ Vương đánh bại vua Trụ.
38 Coi bài Sở I
17.
39 Ngọ Đạo: là tên
đất ở phía đông nước Triệu, phía tây nước Tề.
40 Thanh Hà: nay ở
Trực Lệ, qua khỏi Thanh Hà thì tới phía đông Hàm Đan.
41 Ý nói: cầm quyền
chưa được bao lâu.
4. VŨ LINH VƯƠNG MUỐN BẬN
HỒ PHỤC
(Vũ Linh Vương bình
trú nhàn cư)
Vũ Linh Vương gặp lúc
ban ngày ngồi không. Phì Nghĩa ngồi hầu, tâu:
- Đại vương có nghĩ đến
việc đời biến hoá, đến việc sử dụng vũ khí binh lính, hay nhớ đến sự nghiệp của
Giản Tử, Tương Tử 42 để lại, tính đến cái lợi về phía Hồ, Địch 43 không?
Vũ Linh Vương đáp:
- Một ông vua nối nghiệp
không quên công đức của tiên vương, đó là cái đạo của người làm vua; trao đổi ý
tưởng và chứng minh để làm sáng tỏ cái sở trường của vua mình, đó là phép bàn
luận của người làm tôi. Vì vậy mà bậc minh quân khi ngồi không thì có bổn phận
dạy dân để dắt dẫn dân cho công việc trị nước được tiện lợi, khi hành động thì
có bổn phận làm sáng tỏ một phần trong trăm phần sự nghiệp của các tiên vương đời
trước. Làm bề tôi, lúc khốn cùng thì giữ cái lễ từ nhượng với người trên, lúc
hiển đạt thì lập cái công cứu dân giúp chúa. Vua tôi khác nhau ở hai chỗ đó.
Nay ta muốn kế tục sự nghiệp của Tương Vương, mở mang đất đai của rợ Hồ, rợ Địch
mà trọn đời không thành công. Địch quốc yếu thì ta dùng ít binh lực mà công được
nhiều, có thể không bắt dân chúng hết sức lao khổ mà hưởng được công lao của cổ
nhân. Hễ có cái công lao xuất thế thì tất chịu cái tai tiếng là không theo thế
tục; hễ có những tư tưởng độc đáo, sáng suốt thì tất làm cho người đời lo ngại.
Nay ta muốn bận y phục của người Hồ, dùng cách cỡi ngựa bắn tên của họ để dạy
dân, nhưng như vậy tất bị người đời dị nghị.
Phì Nghĩa đáp:
- Tôi nghe nói: “Sự
tình mà còn nghi hoặc thì không thành công, hành động mà còn nghi hoặc thì
không thành danh”. Đại vương nếu muốn có những tư tưởng khác đời thì xin đừng
chú ý tới lời dị nghị của thiên hạ. “Người nào bàn đến cái đức cực cao siêu thì
không hợp với thế tục; người nào lập được công lớn thì không mưu tính với thường
nhân”. Xưa vua Thuấn múa mà Hữu Miêu đầu hàng 44 ; vua Vũ loã lồ vào một nước có tục khoả
thân 45 , hai vị đó đâu phải là túng dục cầu vui,
mà là muốn luận đức và lập công vậy. “Kẻ ngu, việc thành rồi mà vẫn còn tối tăm
chưa thấy; người khôn thì đã thấy trước từ khi việc chưa manh nha”. Xin đại
vương cứ thi hành ý của mình.
Vũ Linh Vương nói:
- Quả nhân không chê y
phục người Hồ, chỉ sợ thiên hạ cười chê thôi. Thấy kẻ cuồng vui nhộn, bậc trí
giả thương cho họ; thấy kẻ ngu cười giỡn bậc hiền giả buồn cho họ. Nếu có người
theo ta thì sự bận Hồ phục có kết quả tốt, chưa biết tới đâu. Dù người đời đều
chê cười ta thì ta cũng không thể vì vậy mà bỏ đất Trung Sơn của rợ Hồ.
Vũ Linh Vương bèn bận Hồ
phục, sai Vương Tôn Tiết bảo công tử Thành:
- Quả nhân bận Hồ phục
sắp lâm triều đây, muốn chú cũng bận Hồ phục như ta. Ở trong nhà nghe lời cha mẹ,
ở triều đình nghe lời vua, đó là cái đạo từ xưa đến nay; con không trái ý cha mẹ,
bề tôi không trái ý vua, đó là cái phép chung của các tiên vương. Nay quả nhân
đã ra lệnh đổi y phục, nếu chú không tin thì sợ thiên hạ dị nghị. Trị nước có
phép thường, là lấy lợi dân làm gốc, trị dân có phép nhất định, là trước hết lệnh
ban ra phải thi hành. Cho nên muốn làm sáng cái đức thì phải giảng sao cho bọn
ti tiểu đều hiểu rõ, muốn thi hành chính sách thì phải làm sao cho bọn quyền
quí đều tin theo. Ta có cái ý bận Hồ phục không phải là để túng dục cầu vui; lý
do là ta muốn làm nên sự nghiệp; việc nên công thành rồi thì sau mới thấy được
cái đức của ta. Ta sợ chú không tuân lệnh, cho nên phải nói rõ để chú biết mà
phán đoán. Ta nghe nói rằng việc nào có lợi cho nước thì không phải là việc bậy,
mà nhân danh quí thích mà làm thì không bị mang tiếng, cho nên ta muốn mượn cái
tiếng tăm đạo nghĩa của chú để lập cái công nghiệp do Hồ phục gây nên, và sai
Tiết lại yết kiến chú, xin chú bận Hồ phục.
Công tử Thành lại hai lạy,
đáp:
- Tôi đã được nghe nói
nhà vua bận Hồ phục, nhưng vì đau, không đi được, nên không tới sớm được, nay
nhà vua ra lệnh, tôi xin đem hết lòng trung thành ngu muội ra bày tỏ. Tôi nghe
nói Trung Quốc là nước của những người thông minh tài trí, chỗ tụ họp của tài sản
vật dụng, là đất được các vị hiền, thánh giáo hoá, chỗ thi hành điều nhân
nghĩa, chỗ mà Thi, Thư, Lễ, Nhạc được dùng, các kỹ nghệ mới mẻ được thí nghiệm,
là nơi mà các người phương xa quan chiêm, các rợ man di noi gương mà hành động.
Nay nhà vua bỏ cả mà bận theo y phục của người phương xa, biến đổi giáo hoá
cùng đạo lý cổ thời, làm trái lòng người, ngược với hạng trí thức, ly khai với
văn hóa Trung Quốc. Tôi xin đại vương xét kỹ cho.
Sứ giả về tâu lại với
Vũ Linh Vương. Vua đáp:
- Ta biết trước rằng
chú không tán thành.
Rồi tới nhà Công Thúc
Thành, đích thân giảng giải:
- Y phục cốt sao tiện
cho việc sử dụng; lễ pháp cốt sao tiện cho việc thi hành. Vì vậy mà thánh nhân
xem xét dân tình trong miền để hợp với phong tục, tuỳ sự tình mà đặt lễ pháp, cốt
lợi cho dân mà ích cho nước. Cắt tóc, xâm mình, vẽ lên cánh tay, vạt áo lớn ở
bên tả, đó là phong tục dân Âu Việt 46 ; nhuộm răng, sơn đầu, dùng da cá niêm lớn
làm nón, may vá cực xấu xí, đó là phong tục dân Đại Ngô, lễ phục tuy khác nhau
mà đều là tiện lợi cả. Vì vậy mà khác miền thì cách dùng cũng đổi, khác sự tình
thì lễ pháp cũng biến. Cho nên thánh nhân chỉ cầu lợi dân, cách dùng bất tất phải
nhất luật; chỉ cần tiện việc, bất tất lễ pháp phải giống nhau. Những người học
nho cùng học một thầy mà lễ chế khác nhau. Trung Quốc cùng một phong tục mà
giáo hoá khác nhau, như vậy thì nói chi đến miền sơn cốc, cốt tiện thì thôi.
Cho nên tới lui biến hoá dù bậc trí giả cũng không thể cứ giữ một lối được, về
cách phục sức ở các miền, dù thánh hiền cũng không thể bắt đều như nhau được.
Phong tục miền xa xôi có nhiều cái lạ, các học thuyết tà khúc thường ham tranh
biện; không biết thì vẫn nghi ngờ, thấy khác mình mà không chê, đó mới là công
tâm cầu thiện. Lời của khanh là theo thói tục, lời của ta là muốn sửa phong tục.
Nước ta phía đông có sông Hà, sông Bạc Lạc 47 , chung dòng với nước Trung Sơn, nước Tề
mà chúng ta không biết dùng thuyền; từ Thường Sơn cho tới miền Đại, Thượng Đảng,
cùng chung biên giới với miền Đông Hồ của Yên, phía tây có miền Lâu Phiền, giáp
ranh với Tần, Hàn mà không có đủ lính kỵ biết bắn. Cho nên quả nhân mới đóng
thuyền, chiêu mộ những dân ở miền sông nước để giữ sông Hà, sông Bạc Lạc, thay
đổi y phục, dạy cưỡi ngựa bắn tên để phòng bị biên giới Tam Hồ, Lâu Phiền, Tần,
Hàn.
Vả lại trước kia Giản
Vương không chẹn miền hiểm yếu từ Tấn Dương đến Thượng Đảng 48 , Tương Vương thôn tính Nhung, Đại rồi muốn
đánh các rợ Hồ, điều đó dù kẻ ngu cũng thấy rõ. Hồi trước Trung Sơn cậy có Tề mạnh,
đem quân xâm lược nước ta, bắt trói dân ta, dẫn nước vô để vây thành Hạo, nếu
thần linh xã tắc không phù hộ thì thành Hạo khó mà giữ được, cho nên tiên vương
phẫn uất về việc đó, hận đó đến nay vẫn chưa báo. Nay đổi y phục, bận đồ lính kỵ
bắn tên, cái lợi gần là hoàn bị được sự phòng vệ Thượng Đảng, cái lợi xa là báo
được cái hận Trung Sơn, mà chú cứ theo cái tục Trung Quốc, làm trái cái ý Giản
Vương, Tương Vương, ghét cái tên biến đổi y phục, mà quên cái nhục nước, quả
nhân có ngờ đâu chú lại như vậy.
Công tử Thành lạy hai lạy,
dập đầu đáp:
- Tôi ngu muội, không
hiểu được mưu kế của đại vương, cho nên chỉ bàn về thế tục. Nay đại vương muốn
nối ý của Giản Vương, Tương Vương để theo chí của tiên vương, tôi đâu dám không
tuân lệnh.
Nói xong, lạy hai lạy.
Vũ Linh Vương cấp cho Hồ phục.
*
Triệu Văn tiến lên can:
- Dân cày thì phải khó
nhọc để nuôi người quân tử 49 , đó là lẽ thường trong việc trị nước; kẻ
ngu thì bày tỏ ý kiến và bậc trí giả bàn luận, phê bình, đó là cái đạo của việc
dạy dỗ. Bề tôi không giấu lòng trung, vua chúa không che lấp lời phải, đó là
cái phúc của nước. Tôi tuy ngu, xin tỏ hết lòng trung.
Vũ Linh Vương đáp:
- Suy nghĩ không phải
là làm loạn, trung trực không phải là có tội, ngươi cứ nói.
Triệu Văn đáp:
- Thời nào kỷ cương ấy;
y phục có phép tắc, đó là sự chế định của lễ; sửa phép mà không lầm, đó là
nghĩa vụ của dân. Ba cái đó là lời dạy bảo của thánh nhân thời xưa. Nay đại
vương bỏ ba cái đó mà theo y phục của người phương xa, sửa đổi giáo huấn của cổ
nhân, biến cải đạo của cổ nhân, cho nên tôi xin đại vương nghĩ kỹ lại.
Vũ Linh Vương đáp:
- Lời ngươi nói đó là lời
thế tục. Hạng thường dân thì chìm đắm ở thế tục, hạng có học thì chìm đắm ở điều
học được (ở sách vở); hai hạng đó chỉ để dùng làm quan tốt, theo chính lệnh,
không có thể nhìn xa bàn sâu được. Đời Tam đại y phục không giống nhau mà đều
là vương cả, đời Ngũ Bá giáo huấn không giống nhau mà đều giỏi trị nước cả; bậc
trí giả lập ra giáo huấn mà kẻ ngu bị bó chặt vào giáo huấn; bậc hiền giả bàn về
phong tục mà kẻ bất tiếu thì câu nệ. Hạng dân theo tục về y phục, không thể tỏ
hết lòng với họ được; hạng dân câu nệ về phong tục, không thể tỏ hết ý với họ
được. Cho nên thời thế phải cùng với phong tục mà biến hoá, lễ cũng phải biến
theo, đó là cái đạo của thánh nhân. Theo lời dạy bảo mà hành động, theo phép chứ
không được riêng tư, đó là nghĩa vụ của dân. Người biết đọc, có thể tuỳ sự học
hỏi mà biến đổi, người hiểu được sự biến hoá của lễ thì có thể tuỳ thời thay đổi;
cho nên kẻ biết học (học để cho mình tiến ích) thì không trông đợi ở người, người
qui định luật lệ cho đời nay thì không theo cổ. Ngươi nên hiểu điều đó.
Triệu Tạo can rằng:
- Giấu lòng trung mà
không tận lực thì thuộc vào hạng gian tà, vì tư lợi mà làm hại nước thì thuộc
vào hạng đạo tặc. Phạm tội gian thì phải chết, làm hại nước thì phải giết cả họ.
Hai cái đó là hình pháp rõ ràng của bực tiên thánh, và là cái tội lớn của kẻ bề
tôi. Tôi tuy ngu, xin tỏ hết lòng trung mà không trốn tử tội.
Vũ Linh Vương đáp:
- Bề tôi bày tỏ hết ý
mà không kiêng nể là trung, vua không che lấp lời của bề tôi là sáng suốt.
Trung thần không tránh cái nguy, minh quân không cự người nói thẳng, ngươi cứ
nói.
Triệu Tạo đáp:
- Tôi nghe nói bực
thánh nhân không thay đổi thiên tính của dân khi dạy dỗ, bậc trí giả không biến
cải phong tục khi hành động; tuỳ theo thiên tính của dân mà dạy thì không mệt
mà thành công, căn cứ vào phong tục mà hành động thì suy nghĩ mau mà dễ thấy.
Nay đại vương đổi cũ mà không theo tục, bận Hồ phục mà chẳng kể gì đến thế tục,
đó không phải là để dạy dân và giữ được lễ. Vả lại ăn mặc mà kỳ dị thì lòng
sinh ra phóng đãng, phong tục rắc rối thì làm cho dân sinh loạn. Cho nên người
trị nước không theo y phục kỳ dị, rắc rối; người Trung Quốc thì không có hành động
giống với man di, vì cái đó không phải là để dạy dân và giữ lễ. Vả lại theo
phép cũ thì không mắc lỗi, theo lễ tục thì không có tà tâm (không cong queo).
Tôi xin đại vương nghĩ kỹ lại.
Vũ Linh Vương đáp:
- Mỗi đời phong tục
không giống nhau, thế thì biết theo thời cổ nào? Các vị đế vương không theo lễ
của nhau, thế thì biết theo lễ nào? Phục Hi, Thần Nông dạy dân mà không dùng tử
hình, hoàng đế Nghiêu, Thuấn dùng tử hình mà không giận lây. Đến đời Tam vương
tuỳ thời mà định pháp lệnh, tuỳ việc mà đặt ra lễ, pháp lệnh chế độ đều tuỳ
nghi cả, y phục khí giới đều tuỳ tiện cả. Cho nên muốn trị dân thì không nhất định
phải theo đạo nào, muốn tiện lợi cho nước thì bất tất phải theo cổ. Bậc thánh
nhân dựng nghiệp chẳng bắt chước nhau mà đều thành vương nghiệp; tới đời Hạ, đời
Ân suy vi, không thay đổi lễ pháp mà bị diệt. Như vậy thì trái với cổ, chưa chắc
đã đáng chê, mà theo cổ chưa đủ để khen. Vả lại y phục kỳ dị mà chí phóng đảng,
là trường hợp nước Trâu, nước Lỗ, hai nước đó không có những hành động khác thường;
phong tục rắc rối mà lòng dân biến đổi, là trường hợp nước Ngô, nước Việt, hai
nước đó không có những dân tài giỏi. Thế cho nên thánh nhân thấy có ích cho
thân thể thì dùng làm y phục, thấy tiện cho việc trị dân thì đem làm giáo dục,
biết tiến biết lui thì coi là có lễ tiết. Chế định y phục là để sửa dân thường,
không phải để xét bậc hiền giả, cho nên thánh nhân thì thông tục mà hiền giả
thì tuỳ biến. Ngạn ngữ có câu: “Theo lời trong sách mà đánh xe thì là không hiểu
thấu tình ý ngựa; theo thời xưa mà chế định thời này thì là không rõ sự biến đổi
của sự tình”. Cho nên cái việc theo phép không đủ để hơn đời, cái học theo cổ
không đủ để chế định thời nay. Thôi ngươi đừng phản đối ta nữa.
42 Giản Tử, Tương
Tử trong bài này cũng gọi là Giản Chúa, Tương Chúa là hai vua nước Triệu thời
trước.
43 Hồ, Địch là các
rợ phương bắc.
44 Rợ Hữu Miêu là
dòng dõi rợ Tam Miêu. Rợ Hữu Miêu không theo mệnh lệnh của vua Thuấn. Vua Thuấn
sai ông Vũ đánh ba tuần mà Hữu Miêu vẫn chưa chịu quy phục. Vua Thuấn sai thu
binh về, mở mang văn đức, cho múa mộc và quạt vả ở hai bên thềm, bảy tuần sau
chúa Hữu Miêu quy phục.
45 Theo sách Hậu
Hán thư, Đông Di truyện, nước đó ở phía nam Trung Quốc, từ Chu Nho Quốc (?) đi
thuyền về phía đông nam một năm mới tới. Sách Hoài Nam Tử chép rằng vua Vũ khi
vô nước đó thì cởi bỏ hết y phục, khi ra khỏi nước đó thì lại bận y phục lại,
như vậy để theo phong tục thổ dân.
46 Âu Việt: tức từ
miền từ Quảng Đông xuống tới Bắc Việt.
47 Sông Hà, sông Bạc
Lạc: Có sách chấm câu là: có sông Hà, sông Bạc, sông Lạc; lại có sách chấm câu
là: sông Hà Bạc, sông Lạc. Từ Hải không có Bạc Lạc, Bạc Thủy, Hà Bạc; chỉ có Lạc
Thuỷ, nhưng lại ở Thiểm Tây. Chưa rõ ra sao.
48 Sự kiện này
cũng chưa tra ra được.
49 Quân tử: ở đây
chỉ nhà cầm quyền.
TRIỆU III
1. TRIỆU XA GIẢNG TẠI
SAO PHẢI TĂNG BINH LỰC
(Triệu Huệ Văn Vương)
Năm thứ ba mươi đời Triệu
Huệ Văn Vương 50 (con Vũ Linh Vương), tướng quốc Đô Bình
Quân Điền Đan 51 hỏi Triệu Xa:
- Không phải là tôi
không khen binh pháp của tướng quân, chỉ có một điều không phục là tướng quân
dùng nhiều quân quá. Dùng nhiều quân quá thì dân không thể làm ruộng được,
lương thực xâu thuế không đủ cung cấp; như vậy là cái lẽ ngồi đấy mà tự phá
mình, Đan tôi không làm vậy. Đan nghe nói bực đế vương dùng binh không quá ba vạn
quân mà thiên hạ phải hàng phục. Nay tướng quân đòi có mười vạn, hai chục vạn rồi
mới chịu dùng, đó là điều Đan tôi không phục.
- Ông không những không
biết phép dùng binh mà lại còn không rõ thời thế nữa. Cây kiếm Can Tướng 53 nước Ngô dùng thử để chặt thịt thì chặt đứt
được đầu bò, đầu ngựa; dùng thử để chặt đồ kim thuộc thì chặt đứt được mâm và
chậu; nhưng dằn nó vào cây cột mà bẻ thì nó gẫy làm ba, chém nó vào mỏm đá thì
nó bể ra làm trăm mảnh. Nay dùng ba vạn quân mà chống với binh các cường quốc
thì không khác gì dằn kiếm vào cột, đập kiếm vào đá. Vả lại cây kiếm Can Tướng
nước Ngô khó có, sống nó không dày, mũi nó không nhọn, chỗ gần lưỡi nó không mỏng,
mà lưỡi nó không mẻ; có đủ hai cái đó rồi mà thiếu cái vòng, cái chuôi, cái đốc,
cái dây, thiếu những tiện lợi đó thì cầm kiếm mà đâm, đâm chưa vô sâu mà tay
mình đã đứt. Ông không có hai chục vạn quân thì cũng như kiếm không có cái
vòng, cái chuôi, cái đốc, cái dây, thiếu tất cả các tiện lợi; mà đem ba vạn
quân đánh thiên hạ thì làm sao thành công được?
Vả lại xưa kia, khoảng
trời đất trong bốn bể chia làm vạn nước; thành tuy lớn mà cao không quá ba trăm
trượng, người tuy nhiều mà không quá ba ngàn nóc nhà. Như vậy mà gom ba vạn
binh để đánh thì có gì là mà khó? Nay vạn nước hồi xưa gom lại còn bảy nước, nước
nào cũng có mười vạn binh, ông đem ba vạn quân mà chống thì mất ngày giờ cầm cự
nhau hằng mấy năm, rồi sẽ lâm vào cảnh nước Tề thôi 54 . Tề đem hai chục vạn quân dẹp nước Kinh,
năm năm mới xong; Triệu đem hai chục vạn quân đánh Trung Sơn, năm năm mới về.
Nay Tề và Hàn thế lực ngang nhau, vậy mà khi chiến tranh còn phải đem toàn lực
ra đánh thành, vây thành, chứ đâu dám nói rằng: ta đem ba vạn quân ra cứu viện!
Nay thành cao ngàn trượng, những ấp vạn nóc nhà ngó thấy nhau 55 , mà chỉ đem ba vạn quân vây một cái
thành cao ngàn trượng, bất quá chỉ vây được một góc; còn đánh nhau ở giữa đồng
thì binh không đủ dùng. Ông tính dùng binh đó để đánh đâu đây?
Đô Bình Quân bùi ngùi
thở dài, đáp:
- Đan tôi kiến thức
không bằng ông.
50 Triệu Huệ Văn
Vương, còn gọi là Triệu Vương (298 tr.T.L-266 tr.T.L), tên là Hà.
51 Đô Bình Quân:
là tước phong cho Điền Đan.
52 Mã Phục: là tước
phong cho Triệu Xa.
53 Vợ chồng Can Tướng
là người nước Ngô, chế được đôi kiếm rất tốt, cây “dương” gọi là Can Tướng, cây
“âm” gọi là Mạc Da.
54 Ám chỉ việc Tề
đem mười vạn quân đánh nước Kinh. Có sách lại bảo ám chỉ việc Tề bị Yên Chiêu
Vương đánh thua.
55 Ý nói ấp nọ gần
ấp kia, vì dân đã đông đúc.
9. VUA TRIỆU DO DỰ
KHÔNG BIẾT NÊN CẮT ĐẤT CHO TẦN HAY KHÔNG
(Tần công Triệu ư Trường
Bình)
Tần đánh Triệu ở Trường
Bình, đại thắng, kéo binh về rồi sai người qua Triệu đòi dâng sáu thành để giảng
hoà. Vua Triệu (Hiếu Thành Vương) còn do dự, thì Lâu Hoãn vừa ở Tần qua. Vua
Triệu bàn tính với Lâu Hoãn:
- Cho Tần sáu thành thì
sẽ ra sao? Mà không cho thì sẽ ra sao?
Lâu Hoãn nhúng nhường
đáp:
- Điều đó tôi không thể
biết được.
- Nhưng ông cứ thử cho
ý kiến đi.
- Nhà vua biết chuyện của
Công Phủ Văn Bá không? Công Phủ Văn Bá làm quan ở Lỗ, đau rồi chết, mười sáu
người đàn bà tự sát ở trong phòng để chết theo; bà mẹ hay chuyện đó, không hề
khóc. Người vú nuôi bảo: “Người đâu con chết mà không khóc”. Bà mẹ đáp: “Khổng
Tử là người hiền, bị đuổi ở Lỗ, thằng đó không đi theo Khổng Tử, nay nó chết mà
mười sáu người đàn bà chết theo nó, thế là nó bạc bẽo với bề trên mà hậu hĩnh với
đàn bà”. Vậy lời đó xuất từ miệng người mẹ thì mẹ là hiền, nếu xuất từ miệng
người vợ thì người vợ không khỏi mang tiếng là ghen tuông. Cũng là một lời, người
nói mà khác thì lòng người cũng khác. Nay tôi mới ở Tần qua, mà bảo không nên cắt
đất cho Tần thì kế hoạch đó hỏng, mà bảo là nên cắt đất thì sợ nhà vua ngờ tôi
là vị Tần, cho nên tôi không dám đáp. Tôi mà vì nhà vua mưu tính thì không gì bằng
cho đi.
- Phải.
Ngu Khanh hay tin, vô yết
kiến vua, vua kể lại lời của Lâu Hoãn. Ngu Khanh bảo:
- Đó là mượn cớ mà nói.
(Tần đã giải vây cho
Hàm Đan, vua Triệu vô triều, sai Triệu Thích hứa thờ Tần và cắt đất sáu huyện để
cầu hoà) 56 .
Vua hỏi:
- Sao vậy?
- Tần đánh Triệu, nhà
vua cho rằng vì mệt mỏi mà rút quân về, hay còn dư sức để tiến, nhưng vì quí mến
nhà vua mà không tiếp tục đánh?
- Tần đánh ta, không
còn dư sức, tất là vì mệt mỏi mà rút quân về.
- Tần dùng sức công phá
mà không chiếm được, mệt mỏi mà phải về; nay nhà vua lại đem cái thành họ chiếm
không nổi mà tặng họ, thế là giúp cho Tần mạnh mà đánh lại mình. Sang năm Tần sẽ
tấn công nhà vua nữa, lúc đó vô phương cứu.
Vua lại kể lại lời của
Ngu Khanh cho Lâu Hoãn hay. Lâu Hoãn bảo:
- Ngu Khanh biết rõ hết
lực lượng của Tần không?
Nếu quả thực biết lực
lượng của Tần không đủ thì dẫu chỉ là một hòn đất, cũng không cho. Đợi sang năm
Tần lại tấn công, lúc đó nhà vua có thể không cắt đất trong nước để cầu hoà
không?
Vua hỏi:
- Nghe lời ông mà cắt đất
cho Tần, ông có thể cam đoan rằng sang năm Tần không tấn công ta nữa không?
Lâu Hoãn đáp:
- Điều đó tôi không dám
cam đoan. Xưa kia, Tam Tấn giao thiệp với Tần, hai bên rất thân thiện. Nay Tần
phóng thích Hàn, Nguỵ mà chỉ đánh nhà vua thì nhất định là nhà vua không thờ Tần
như Hàn, Nguỵ thờ. Muốn giải trừ cái hoạ vì trái ý Tần mà bị Tần đánh, thì mở cửa
ải, lưu thông hoá tệ, cùng thân thiện với Tần như Hàn, Nguỵ. Sang năm, nếu nhà
vua riêng không được Tần vừa lòng thì tất do nhà vua thờ Tần không bằng Hàn,
Nguỵ thờ Tần. Điều đó, tôi không dám cam đoan.
Vua đem lời Lâu Hoãn kể
lại cho Ngu Khanh. Khanh bảo:
- Lâu Hoãn bảo: “Không
cầu hoà thì sang năm Tần lại đánh và lúc đó nhà vua có thể không cắt đất mà cầu
hoà được không?”. Mà nay cầu hoà thì Lâu Hoãn lại không cam đoan rằng sang năm
Tần sẽ không đánh. Như vậy, cắt đất có ích lợi gì? Sang năm lại bị đánh, lại phải
cắt đất mình giữ không được để cầu hoà, đó là một cách tự tử, tốt hơn là không
cầu hoà. Tuy Tần giỏi đánh nhưng không chiếm được sáu thành; Triệu tuy không giữ
được nhưng không đến nổi mất cả sáu thành. Tần mệt mỏi mà rút quân về, tất phải
giải binh; ta dùng năm thành mà thu lòng thiên hạ 57 , để đánh Tần vì mệt mỏi mà giải binh,
như vậy ta có mất thành cho thiên hạ nhưng lại được bồi thường lại ở Tần, mà
còn có lợi. So với cách ngồi yên cắt đất, tự làm cho mình yếu đi để cho Tần mạnh
lên, thì cách nào hơn?
Lâu Hoãn bảo: “Tần thân
thiện với Hàn, Nguỵ mà đánh Triệu, nguyên do tất phải là vì nhà vua thờ Tần
không bằng Hàn, Nguỵ thờ Tần”. Kế ấy khiến cho nhà vua mỗi năm đem sáu thành
dâng Tần, như vậy là ngồi đó mà trông thấy đất đai mất lần cho tới hết! Sang
năm Tần lại đòi cắt đất, nhà vua sẽ cho không? Không cho thì là mất toi công
trước 58 mà lại gây hoạ với Tần; cho thì còn đất
đâu mà cho? Tục ngữ có câu: “Kẻ mạnh thì giỏi tấn công, kẻ yếu thì không biết tự
vệ”. Nay ngồi yên tuân lệnh Tần, Tần không làm mệt binh sĩ mà được nhiều đất,
như vậy là làm cho Tần thêm mạnh mà Triệu thêm yếu. Tần đã mạnh lại làm cho nó
mạnh thêm, Triệu đã yếu lại còn cắt đất cho nó yếu thêm. Cứ như vậy, không biết
tới đâu mà ngừng. Vả lại Tần là nước sài lang, không có lòng lễ nghĩa, đòi cắt
đất hoài, mà đất của nhà vua thì có hạn. Đem số đất có hạn để cung cấp lòng yêu
sách vô cùng, nước Triệu thế tất bị diệt vong mất. Cho nên tôi bảo lời của Lâu
Hoãn là mượn cớ mà nói, nhà vua nhất định đừng cắt đất cho Tần.
- Phải.
Lâu Hoãn hay được, vô yết
kiến vua, vua lại kể lại lời của Ngu Khanh, Lâu Hoãn bảo:
- Không phải vậy. Ngu
Khanh chỉ biết một mà không biết hai. Tần với Triệu gây chiến với nhau, mà
thiên hạ đều vui là tại sao? Họ đều nói: “Ta sẽ nương thế kẻ mạnh mà xâm chiếm
kẻ yếu” 59 . Nay quân Triệu bị khốn vì quân Tần thì
những nước trong thiên hạ mừng kẻ thắng tất đều đứng về phe Tần. Cho nên không
gì bằng gấp cắt đất cầu hoà để nghi gián thiên hạ, lấy lòng Tần. Không vậy thì
thiên hạ sẽ nhân lúc Tần giận dữ mà Triệu thì khốn đốn, cùng nhau cắt xẻ đất
Triệu. Triệu mất rồi thì còn mưu tính đánh Tần sao được nữa? Xin đại vương nghĩ
vậy mà quyết đoán đi, đừng bàn gì thêm nữa.
Ngu Khanh hay được, lại
vô yết kiến vua, bảo:
- Nguy mất! Lâu Tử làm
tay sai cho Tần rồi! Binh Triệu mà bị khốn vì Tần, nay lại cắt đất cầu hoà thì
lại càng làm cho thiên hạ thêm nghi, mà có làm vui lòng cho Tần được chỗ nào
đâu? Như vậy chẳng phải là tuyên bố với thiên hạ rằng mình yếu ư? Vả lại khi
tôi bảo đừng cho đất thì không phải chỉ là không cho đất mà thôi. Tần đòi sáu
thành của nhà vua, nhà vua đem năm thành hối lộ nước Tề, Tề với Tần vốn thâm
thù nhau, nay Tề được năm thành của nhà vua sẽ đem toàn lực qua phía tây mà
đánh Tần. Tề sẽ nghe liền, không đợi nhà vua nói hết lời nữa. Như vậy nhà vua mất
đất cho Tề mà được bù lại ở Tần, làm một việc mà kết thân được với ba nước 60 mà lại cùng với Tần đổi lẫn tình thế của
nhau 61 .
Vua Triệu đáp:
- Phải.
Rồi sai Ngu Khanh qua
phía đông yết kiến vua Tề, bàn mưu đánh Tần. Ngu Khanh đi chưa về thì Tần đã
sai sứ tới Triệu. Lâu Hoãn hay tin vội bỏ trốn.
56 Câu này có vẻ
như dư hoặc đặt không đúng chỗ (để đầu truyện thì phải hơn), nên chúng tôi cho
vào trong ngoặc.
57 Ý nói đem năm
thành đó tặng cho nước khác để nước đó cùng với mình đánh Tần.
58 Ý nói trước cắt
đấng để được lòng Tần, nay Tần đòi nữa mà không cho thì sẽ mất lòng Tần, mà trước
kia cắt đất hoá ra chẳng có lợi gì cả.
59 Kẻ mạnh đây chỉ
Tần.
60 Tức Tề, Hàn,
Nguỵ.
61 Ý nói Tần đương
mạnh sẽ hoá yếu còn Triệu đương yếu sẽ hoá mạnh.
12. LỖ TRỌNG LIÊN KHÔNG
CHỊU TÔN VUA TẦN LÀM ĐẾ
(Tần vi Triệu chi
Hàm Đan)
Tần vây thành Hàm Đan của
Triệu. Vua Nguỵ là An Hi Vương sai tướng là Tấn Bỉ cứu Triệu. Tấn Bỉ sợ Tần,
đóng quân ở Thanh Âm, không tiến nữa. Vua Triệu sai một khách tướng 62 là Tân Viên Diễn lén vào Hàm Đan, nhờ
Bình Nguyên Quân tâu với vua Triệu:
- Tần sở dĩ gấp vây Triệu
là vì trước kia tranh hùng với Tề Mẫn Vương để lên ngôi đế, sau Tần bỏ đế hiệu
cũng là tại Tề 63 . Nay Tề yếu hơn hồi Mẫn Vương, chỉ có Tần
là xưng hùng trong thiên hạ. Tần đánh Triệu không nhất định là tham thành Hàm
Đan đâu mà thâm ý là muốn làm hoàng đế. Nếu Triệu sai sứ sang tôn Tần làm đế, Tần
tất mừng mà lui binh.
Bình Nguyên Quân âm thầm
do dự, chưa quyết định ra sao. Lúc đó Lỗ Trọng Liên vừa qua Triệu, gặp lúc quân
Tần vây Triệu, nghe nói tướng Nguỵ thuyết Triệu tôn Tần làm hoàng đế, bèn vô yết
kiến Bình Nguyên Quân, hỏi:
- Sự thể tính ra sao?
Bình Nguyên Quân đáp:
- Thắng tôi đâu dám bàn
về việc ấy! Cả trăm vạn quân Triệu thua trận ở ngoài, ngày nay Tần lại vô trong
vây Hàm Đan, không có cách nào triệt họ được. Vua Nguỵ sai tướng là Tân Viên Diễn
bảo Triệu tôn Tần làm hoàng đế, người đó hiện còn ở đây, Thắng tôi đâu dám bàn
về việc ấy!
Lỗ Trọng Liên bảo:
- Trước kia tôi cho ông
là một vị công tử hiền năng trong thiên hạ, bây giờ tôi mới biết rằng ông không
phải là một vị công tử hiền năng trong thiên hạ. Ông khách nước Lương là Tân
Viên Diễn đó ở đâu? Tôi xin thay ông mà trách ông ta và bảo ông ta về nước đi.
- Thắng tôi xin mời ông
ta lại yết kiến tiên sinh.
Nói xong Bình Nguyên
Quân đi kiếm Tân Viên Diễn, bảo:
- Nước phía đông 64 có ông Lỗ Trọng Liên, ông ấy có mặt tại
đây, Thắng tôi xin giới thiệu với tướng quân để hai người hội kiến.
Tân Viên Diễn bảo:
- Tôi nghe danh ông Lỗ
Trọng Liên là bực cao sĩ nước Tề; Diễn là bề tôi, vua sai đi có nhiệm vụ riêng,
nên tôi không muốn gặp ông Lỗ Trọng Liên.
Bình Nguyên Quân đáp:
- Thắng tôi đã lỡ tiết
lộ việc đó rồi.
Tân Viên Diễn bèn nhận
lời.
Lỗ Trọng Liên gặp Tân
Viên Diễn mà không nói gì cả. Tân Viên Diễn hỏi:
- Theo tôi thấy, những
ai vô trong cái thành bị vây này cũng là muốn cầu cạnh ông Bình Nguyên Quân một
việc gì. Nay tôi thấy mặt ngọc của tiên sinh thì ra không phải có điều gì muốn
cầu cạnh ông Bình Nguyên Quân hết; thế thì sao tiên sinh ở lâu trong cái thành
bị vây này mà không đi?
Lỗ Trọng Liên đáp:
- Người đời đều cho rằng
Bào Tiêu không khoan dung với mình mà đến nỗi chết, lời đó sai. Người thường
không biết, cho rằng ông ấy chết chỉ vì cái thân của ông ấy (sự thực là ông ấy
có hoài bảo khác) 65 . Tần kia là nước bỏ lễ nghĩa, trọng cái
công chặt đầu người 66 , dùng thủ đoạn mà sai khiến tướng sĩ,
dùng chính sách nô lệ mà sai khiến dân chúng; nếu nó càn rỡ xưng đế, thậm chí
thống trị thiên hạ 67 , thì Liên tôi gieo mình xuống biển đông
mà chết thôi, chứ không cam tâm làm dân của nó. Tôi sở dĩ lại yết kiến tướng
quân là muốn giúp Triệu đấy.
- Tiên sinh giúp cách
nào?
- Tôi sẽ khuyên Ngụy và
Yên giúp Triệu, Tề và Sở vốn sẵn lòng giúp Triệu rồi.
- Nói về nước Yên thì
tôi xin đồng ý với tiên sinh 68 , còn nói về nước Lương thì tôi là người
Lương đây, tiên sinh làm cách nào cho Lương giúp Triệu?
- Là vì nước Lương chưa
thấy cái hại Tần xưng đế đấy, nếu Lương thấy được cái hại Tần xưng đế thì tất sẽ
giúp Triệu.
- Tần xưng đế thì hại
ra sao?
- Xưa Tề Uy Vương từng
làm điều nhân nghĩa, thống lĩnh chư hầu lại triều kiến vua Chu. Thời đó nước Chu nghèo
yếu, chư hầu không chịu triều kiến, chỉ có một mình Tề lại triều kiến. Hơn một
năm sau, vua Chu Liệt Vương băng. Các chư hầu đều tới điếu tang, riêng Tề là tới
trễ, vua Chu An Vương 69 giận, mắng Tề rằng: “Thiên tử băng cũng
như trời sụp đất lở, vị thiên tử mới nối ngôi phải nằm trên chiếu cỏ, ở nhà
lá 70 ; ngươi, Điền Anh nước Tề, là bề tôi ở
phía đông, tới trễ, đáng tội chết chém!” Tề Uy Vương cũng nổi giận mắng lại: “Hừ!
hừ! Đồ con cái nữ tì kia!”. Vì vậy Chu An Vương bị thiên hạ cười chê. Thành thử
hồi Chu Liệt Vương còn sống thì Tề Uy Vương lại triều kiến, khi Chu Liệt Vương
mất thì lại chửi rủa Chu An Vương, là vì nhịn không được thói khắt khe của Chu
An Vương. Các vị thiên tử vốn có thói đó, không có gì là lạ 71 .
Tân Viên Diễn bảo:
- Tiên sinh không lẽ
nào không thấy bọn đầy tớ kia! Mười người theo hầu một kẻ. Nào có phải vì mười
người đó sức không hơn, trí không bằng kẻ kia. Vì sợ đấy!
Lỗ Trọng Liên đáp:
- Vậy thì Lương đối với
Tần như đầy tớ đối với chủ sao?
- Chính vậy.
- Nếu vậy thì tôi sẽ
khiến vua Tần đem vua Lương mà nấu nướng, làm mắm cho rồi!
Tân Viên Diễn tỏ vẻ
không vui, than rằng:
- Ôi! Tiên sinh sao nói
quá như vậy! Tiên sinh làm sao có thể khiến vua Tần đem vua Lương nấu nướng,
làm mắm được?
Lỗ Trọng Liên đáp:
- Có chứng cớ đấy, đợi
tôi kể cho mà nghe! Xưa kia, Quỷ Hầu, Ngạc Hầu 72 , Văn Vương làm chức tam công 73 cho vua Trụ. Quỷ Hầu có một người con gái
đẹp, đem dâng cho vua Trụ, vua Trụ không ưa nàng, đem Quỷ Hầu làm mắm, Ngạc Hầu
vội biện hộ và can vua Trụ, mà bị vua Trụ sai xẻ thịt làm khô, Văn Vương hay
tin, buồn rầu than thở, nên bị giam vào ngục Dữu Lí trăm ngày, suýt bị tội chết
nữa. Thế thì vì đâu tôn người ta làm đế vương mà rồi bị người ta đem ra làm mắm,
làm khô thịt?
Khi Tề Mẫn Vương muốn
qua Lỗ, một người ở Di Duy 74 cầm roi ngựa theo hầu, hỏi người nước Lỗ:
“Các ông dự bị gì để đãi vua nước ta”. Người nước Lỗ đáp: “Chúng tôi sẽ làm lễ
mười bò, dê, lợn để đãi vua nước ông”. Người ở Di Duy bảo: “Như vậy là ông theo
cái lễ nào mà đãi vua nước ta vậy? Vua nước ta là thiên tử, thiên tử đi tuần
thú thì chư hầu phải rời chính thất của mình, nộp khoá, chìa khoá, vén áo, ôm
ghế 75 , đứng ở dưới thềm, hầu cơm thiên tử, đợi
thiên tử ăn xong rồi mới lui mà thính triều 76 “. Người nước Lỗ nghe vậy, liệng chìa
khoá đi, không chịu nộp. Tề Mẫn Vương không vô được nước Lỗ, định qua nước Tiết,
phải mượn đường nước Trâu. Lúc đó vua nước Trâu mới băng. Mẫn Vương tính lại điếu
tang. Người ở Di Duy nói với vua kế vị nước Trâu: “Thiên tử tới điếu tang thì
chủ nhân 77 phải quay lưng vào quan tài, đem linh vị
đặt ở phía nam mà hướng về phía bắc, rồi sau thiên tử mới hướng về phía nam mà
điếu 78 “. Quần thần nước Trâu bảo: “Nếu phải như
vậy thì chúng tôi xin dùng gươm tự sát”. Thế là Mẫn Vương không dám vô nước
Trâu. Các bề tôi của Trâu và Lỗ, hồi vua của họ còn sống, không được phụng sự
cung dưỡng vua, khi vua của họ mất, không được làm lễ phạn hàm 79 mà Tề bắt họ phải dùng cái lễ thiên tử
đãi vua Tề, họ còn không chịu thay 80 . Tần có vạn cỗ xe, Lương cũng có vạn cỗ
xe, đều là những nước vạn thặng, đều xưng vương. Lương mới thấy Tần thắng một
trận mà đã muốn phục tòng, tôn Tần làm đế, thế thì ra các vị đại thần Tam Tấn
không bằng bọn nô tì của Trâu, Lỗ ư?
Vả lại Tần không bỏ cái
dã tâm, một ngày kia mà xưng đế thì thay đổi hết các vị đại thần của các nước
chư hầu. Họ sẽ triệt hết những người mà họ cho là bất tiếu, bổ nhiệm những kẻ họ
cho là hiền năng, triệt hết những người họ ghét mà bổ nhiệm những kẻ họ yêu; họ
lại sai con gái và hạng tì thiếp sàm nịnh, làm phi tần các vua chư hầu, vô ở
trong cung nước Lương thì vua Lương làm sao mà ở yên được? Và tướng quân làm
sao mà còn được sủng ái như trước nữa.
Tân Viên Diễn nghe
xong, đứng dậy, vái hai vái, tạ lỗi:
- Trước tôi cho tiên
sinh là hạng phàm nhân, nay tôi mới biết rằng tiên sinh là bậc sĩ trong thiên hạ!
Tôi xin về đây, không dám bàn về việc tôn Tần làm đế nữa.
Tướng Tần hay tin đó,
bèn lui binh năm chục dặm. Vừa may gặp lúc công tử nước Nguỵ là Vô Kỵ 81 đoạt được binh của Tấn Bỉ 82 , tới cứu Triệu, đánh Tần, Tần phải rút
quân về.
Lúc đó, Bình Nguyên
Quân muốn phong Lỗ Trọng Liên, Lỗ Trọng Liên ba lần từ chối, tới cùng không chịu
nhận. Bình Nguyên Quân bèn bày rượu mời, đương lúc vui chén, đứng dậy lấy ngàn
vàng tặng Lỗ Trọng Liên, Lỗ Trọng Liên cười đáp:
- Kẻ sĩ sở dĩ đáng quí
trong thiên hạ là vì giải trừ được hoạn nạn, cởi bỏ được mối rối loạn mà không
chịu nhận một chút báo đáp nào cả. Nếu nhận sự báo đáp thì thành con buôn rồi,
Lỗ Trọng Liên tôi không nỡ làm như vậy.
Rồi từ biệt Bình Nguyên
Quân, tới chết, không ai còn được thấy ông nữa.
62 Khách tướng: là
một người ở nước khác, lại nước Nguỵ, được vua Nguỵ dùng làm tướng lãnh. Chữ
khách đó cũng như chữ khách trong khách khanh. Nước Lương tức nước Nguỵ. Thời
Nguỵ Huệ Vương, đổi tên nước là Lương.
63 Tô Đại thuyết Tề
Mẫn Vương bỏ đế hiệu, vì vậy Tần cũng phải bỏ đế hiệu.
64 Tề ở phía đông,
cho nên gọi như vậy.
65 Bào Tiêu: là một
ẩn sĩ đời Chu, chán đời, tự tử. Lỗ Trọng Liên đây muốn nói rằng: mình không rời
thành bị vây này là vì không nghĩ tới thân mình mà có hoài bảo khác. Diệp Ngọc
Lân và Crump đều dịch là: ngày nay người ta không hiểu tôi mà cho rằng tôi hành
động là vì bản thân tôi.
66 Theo phép luật
của Tần, ai có công chém được đầu giặc thì được thăng một cấp.
67 Crump dịch là:
nếu kẻ càn rỡ đó được tôn làm đế mà những hành động quả quyết của hắn được làm
mực thước trong thiên hạ.
68 Crump dịch là:
tôi đã có thể xin liên kết được rồi.
69 Tức con Chu Liệt
Vương.
70 Hồi đó, tục để
đại tang như vậy.
71 Trong đoạn này,
Lỗ Trọng Liên muốn cho Tân Viên Diễn thấy rằng Tần mà làm thiên tử thì sẽ đối xử
với chư hầu cũng khắc khe, vênh váo như vậy.
72 Quỷ Hầu, Ngạc Hầu:
đều là chư hầu của Chu.
73 Tam công: ba chức
quan lớn nhất thời đó: thái sư, thái phó, thái bảo.
74 Di Duy: là tên
đất, nay ở Sơn Đông.
75 Ý nói phải hầu
hạ như đầy tớ hầu hạ chủ.
76 Thính triều: là
vô triều nghe các quan tâu mọi việc.
77 Chỉ vua kế vị.
78 Theo nghi lễ thời
đó, thiên tử trong các buổi lễ, đều ngồi quay mặt về phía nam, chư hầu quay mặt
về phía bắc.
79 Lễ phạn hàm:
khi khâm liệm người chết, người ta cạy miệng ra bỏ ít hột gạo và vài viên ngọc
vào. Tục đó, đến gần đây, người ta còn giữ.
80 Ý nói các bề
tôi của Trâu và Lỗ đó, tình đối với vua không thực là thân thiết, không nhất
thiết là những cận thần, chỉ như hạng tôi tớ của vua, mà còn biết giữ thể diện
cho vua, cho nước như vậy, huống hồ là vua Lương mà lại chịu nhục với vua Tần
ư?
81 Vô Kỵ: tức Tín
Lăng Quân, con vua Nguỵ.
82 Tấn Bỉ: sợ quân
Tần, không dám tiến, Vô Kỵ giết Tấn Bỉ, chiếm lấy quân đem đánh Tần.
15. COI QUỐC GIA KHÔNG
BẰNG MỘT THƯỚC LỤA
(Kiến Tín Quân quí ư
Triệu)
Kiến Tín Quân được vua Triệu (Hiếu Thành Vương) sủng ái. Công tử Nguỵ Mâu 83 qua Triệu, vua Triệu ra đón rồi trở về chỗ cũ ngồi, trước mặt có thước lụa mà ông bảo thợ dùng làm mão. Người thợ làm mão thấy khách tới bèn lui ra.
Vua Triệu bảo Nguỵ Mâu:
- Công tử ngồi xe chậm 84 tới thăm, quả nhân lấy làm hân hạnh, mong
công tử chỉ cho cách trị nước.
Nguỵ Mâu đáp:
- Nếu đại vương biết
quí nước của đại vương như thước lụa này thì nước của đại vương tất rất thịnh
trị!
Vua Triệu không vui, vẻ
mặt bất bình, bảo:
- Tiên vương không biết
rằng quả nhân bất tiếu nên mới giao xã tắc cho quả nhân, nhưng quả nhân đâu dám
khinh nước Triệu đến vậy!
Nguỵ Mâu đáp:
- Xin đại vương đừng giận,
để tôi xin giảng. Đại vương có thước lụa này sao không ra lệnh quan lang
trung 85 đây cắt làm chiếc mão?
- Quan lang trung đâu
biết làm mão.
- Làm mão mà hỏng thì
có hại gì cho nước đại vương đâu, vậy mà đại vương phải đợi có thợ rồi mới sai
làm. Còn việc nước thì cơ hồ như khác: xã tắc 86 hương tàn khói lạnh 87 , tiên vương không được cúng tế 88 vì đại vương không giao việc nước cho người
tài giỏi, lại giao cho kẻ trẻ và đẹp 89 . Vả lại, tiên đế của đại vương cưỡi đầu
tê mà đánh xe ngựa chiến đấu với Tần, Tần phải tránh, không dám đương đầu. Nay
đại vương lông bông ngồi xe 90 Kiến Tín để chiến đấu với cường Tần, tôi
e rằng Tần sẽ làm tan nát hông xe của đại vương mất.
83 Công tử nước
Nguỵ tên là Mâu.
84 Nguyên văn: hậu
xa là xe ở sau, nghĩa là xe đi chậm, sau những xe khác.
85 Nguyên văn: tiền
lang trung nghĩa là quan lang trung ở trước mặt
86 Xã: là nền tế
thần đất, tắc là nền tế thần nông.
87 Nguyên văn: hư
lệ: là trống rỗng, sụp đổ.
88 Nguyên văn: huyết
thực là ăn huyết; hồi xưa giết các con bò, dê, lợn… lấy huyết tươi để cúng.
89 Chỉ Kiến Tín
Quân.
90 Vì đã chơi chữ
như trên, Nguỵ Mâu ở đây dùng chữ tiễn là ngồi chiếc xe của vua. Ngồi xe Kiến
Tín là ngồi xe do Kiến Tín đánh.
16. NẰM MỘNG THẤY VUA
TÁO
(Vệ Linh Công cận
Ung Thư)
Vệ Linh Công gần gũi bọn
Ung Thư, Di Tử Hà 91 . Hai người đó chuyên quyền mà che lấp kẻ
tả hữu của vua. Phục Đồ Trinh 92 nói với vua:
- Đêm qua tôi nằm mộng
thấy vua.
Vua hỏi:
- Mộng ra sao?
- Mộng thấy vua Táo.
Vua giận, hằm hằm bảo:
- Ta nghe nói mộng thấy
mặt trời thì là mộng thấy vua; nay ngươi nói mộng thấy Táo Quân mà lại bảo là mộng
thấy vua. Giảng được thì tha cho, không giảng được thì bị tội chết!
Đáp:
- Mặt trời thì chiếu khắp
thiên hạ, không vật gì che nổi; còn Táo Quân thì không vậy, có người đứng trước
che khuất thì người đứng sau không sao thấy được. Nay tôi ngờ rằng có người che
khuất đại vương, cho nên nằm mộng thấy vua Táo.
Vua bảo:
- Được!
Rồi đuổi bọn Ung Thư,
Di Tử Hà mà dùng Tư Không Cẩu.
91 Ung Thư là sủng
thần của Vệ Linh Công, Hán Thư chép là Ung Cử. Di Tử Hà là một tên kép thời đó,
rất đẹp trai, cũng được Vệ Linh Công yêu.
92 Phục Đồ Trinh:
là người nước Vệ.
TRIỆU IV
1. TỀ THUYẾT TRIỆU NÊN
THÂN THIỆN VỚI TỀ
(Vi Tề hiến thư Triệu
Vương)
Có người thay vua Tề
dâng thư lên vua Triệu (Hiếu Thành Vương), bảo vua Triệu:
- Tôi chỉ được yết kiến
một lần là có thể khiến cho nhà vua ngồi đó mà hưởng được danh hiệu và đất đai
trong thiên hạ 93 , tôi trộm lấy làm lạ rằng sao mà nhà vua
không thử cho tôi yết kiến, để cho tôi phải khốn cùng. Quần thần tất có nhiều
người cho rằng tôi bất tài, cho nên nhà vua mới không cho tôi yết kiến. Những kẻ
cho là bất tài, nguyên do không có gì lạ. Họ muốn dùng binh đội của nhà vua mà
thực hiện lợi riêng của họ. Nếu không vậy thì là trong giao tình có chỗ thiên lệch.
Nếu không vậy nữa thì là trí lực của họ không đủ. Nếu không vậy nữa thì là họ
muốn đem cái trọng trách trong thiên hạ ra doạ nhà vua để nhà vua làm theo ý họ.
Tôi cho rằng nước Tề chịu theo thờ nhà vua thì nhà vua có thể diệt được Yên, có
thể diệt được Hàn, Nguỵ, có thể tấn công Tần, làm cho Tần cô lập. Tôi cho rằng
Tề mà tặng nhà vua cái danh chí tôn thì còn nước nào dám không tặng nhà vua cái
danh chí tôn? Tôi cho rằng Tề mà tặng nhà vua đất đai thì còn nước nào dám
không tặng nhà vua đất đai? Tôi cho rằng Tề mà thay nhà vua cầu danh 94 với Yên và Hàn, Nguỵ thì nước nào mà dám
chối từ? Cái tài của tôi coi việc trước cũng đủ thấy rồi. Tề có tôn trọng nhà
vua rồi thì thiên hạ mới đều tôn trọng nhà vua; không có Tề thì thiên hạ đều
khinh nhà vua. Tần mạnh như vậy, vì không có Tề giúp nên mới tôn trọng nhà vua;
Yên, Nguỵ vì không có Tề giúp nên mới tôn trọng nhà vua. Nay nếu nhà vua không
có Tề giúp thì làm sao mà không mất lòng tôn trọng của thiên hạ cho được? Cho
nên những kẻ khuyên nhà vua nên tuyệt giao với Tề, nếu không phải là trí lực bất
túc thì là có lòng bất trung. Nếu không phải vậy thì là muốn dùng binh đội của
nhà vua mà thực hiện lợi riêng của họ. Nếu không phải vậy nữa thì là họ muốn
đem cái trọng trách trong thiên hạ ra mà doạ nhà vua để nhà vua làm theo ý họ.
Nếu không phải vậy nữa thì là chức vị của họ cao mà tài năng của họ thấp. Xin
nhà vua suy nghĩ kỹ về cái lợi hại không được Tề giúp.
93 Ý nói là bá hay
đế, đất đai các chư hầu thuộc về mình hết.
94 Có lẽ muốn nói:
Tề có thể bảo Yên, Nguỵ, Hàn tôn Triệu làm bá hay đế.
6. PHẠM TOẠ SUÝT BỊ NGU
KHANH HÃM HẠI
(Ngu Khanh thỉnh Triệu
Vương)
Ngu Khanh hỏi Triệu
Vương:
- Lòng con người là muốn
được người triều phục mình hay là muốn triều phục người?
Vua Triệu đáp:
- Ai cũng muốn được người
khác triều phục mình chứ có lý gì lại muốn triều phục người.
Ngu Khanh bảo:
- Nguỵ làm minh chủ các
nước hợp tung mà người chống đối là Phạm Toạ 95 . Nay nhà vua đem trăm dặm đất hoặc một ấp
vạn nóc nhà dâng vua Ngụy để vua Nguỵ giết Phạm Toạ, Phạm Toạ chết rồi thì chức
minh chủ các nước hợp tung sẽ dời về Triệu.
- Phải.
Rồi sai người đem trăm
dặm đất dâng vua Nguỵ để xin giết Phạm Toạ. Vua Nguỵ bằng lòng, sai quan tư đồ
giam Phạm Toạ nhưng chưa giết.
Phạm Toạ dâng thư lên
vua Nguỵ, tâu:
- Tôi nghe vua Triệu
dâng nhà vua trăm dặm đất, quả là lợi lớn, tôi xin trộm vì đại vương mừng về việc
đó! Nhưng có điều này là trăm dặm đất đã không thể được mà kẻ bị giết cũng
không sống lại được, mà đại vương tất bị thiên hạ chê cười. Tôi trộm nghĩ rằng
dùng kẻ chết để cầu lợi thì không bằng dùng kẻ sống để cầu lợi.
Rồi gởi thư cho vị tướng
quốc sau 96 là Tín Lăng Quân. Thư rằng:
- “Triệu và Nguỵ là hai
nước ngang sức nhau. Vua Triệu gởi một bức thư ngắn tới 97 . Vua Nguỵ khinh suất định giết kẻ vô tội
là Toạ tôi, Toạ tuy bất tiếu nhưng đã từng làm tướng quốc cho Nguỵ, đã từng vì
Nguỵ mà mang tội với Triệu. Trong nước mà không biết dùng bề tôi thì ở ngoài nước,
tuy có được đất cũng không giữ được. Ngày nay, người giữ được nước Nguỵ thì
không ai bằng ông. Sau khi nhà vua nghe lời Triệu mà giết Toạ rồi, cường Tần tất
đánh lén Triệu 98 , phản đối sự Triệu cắt đất cho Nguỵ thì
ông sẽ dùng kế gì mà ngăn Tần? Đó là nỗi lo của ông đấy”.
Tín Lăng Quân bảo: “Phải”.
Rồi vội vô tâu với vua phóng thích Phạm Toạ.
95 Các bản đều
chép: “nhi vi giả Phạm Toạ dã” và chúng tôi dịch đúng ra như vậy, nhưng thú thực
không hiểu rõ ý ra sao. Phạm Toạ chống đối ai? Chống đối cái gì? Có sách (Bạch
thoại Chiến Quốc Sách độc bảncủa nhà Quảng Ích thư cục – 1947) dịch ra bạch thoại
là: chống đối nước Nguỵ, nghe không xuôi vì Phạm Toạ là người nước Nguỵ. Hay là
chống đối chính sách hợp tung? Nhưng dù Phạm Toạ chống đối chính sách hợp tung
thì giết Phạm Toạ rồi, vua Nguỵ vẫn có thể làm minh chủ các nước hợp tung, chứ
sao chức đó lại dời về Triệu được? Hay Phạm Toạ chống Triệu?
96 Có lẽ là Tín
Lăng Quân thay Phạm Toạ mà làm tướng quốc cho Nguỵ.
97 Nguyên văn: bức
thư “dài một thước, một tấc”. Hồi đó chắc còn viết trên thanh tre.
98 Chỗ này cũng tối
nghĩa. Nhiều bản chép: “Cường Tần tập Triệu chi dục”. (Dịch từng chữ: Cường Tần
đánh lén cái ý muốn của Triệu) và có bản chú thích rằng chữ “dục” (ý muốn) đó
nghĩa như chữ “tục” tức pháp chế cũ của Triệu. Chúng tôi đành theo hạ văn (phản
đối sự Triệu cắt đất cho Nguỵ thì ông dùng kế gì để ngăn Tần?) mà đoán ý tạm dịch
ra như vậy.
12. PHÙNG KỴ YẾT KIẾN
VUA TRIỆU
(Phùng Kỵ thỉnh kiến
Triệu Vương)
Phùng Kỵ xin yết kiến
vua Triệu (Hiếu Thành Vương), người hầu cho vô. Phùng Kỵ chắp tay, cuối đầu, muốn
nói mà không dám. Vua hỏi tại sao. Đáp:
- Khách (của Phục Tử) dẫn
người vào yết kiến Phục Tử, khi người đó ra rồi, khách hỏi Phục Tử người đó có
lỗi gì không. Phục Tử đáp:
“- Khách của ông chỉ có
ba lỗi: ngó tôi mà cười, như vậy là nhờn; đàm luận mà không tâng bốc, như vậy
là bội nghịch; giao tình còn sơ mà lời thâm thiết, như vậy là loạn.
“Khách đáp:
“- Không phải vậy. Ngó
người mà cười là có hoà khí; nói mà không thưa bẩm là lời bình thường, tự
nhiên; giao tình còn sơ mà lời thâm thiết là có lòng trung. Xưa kia, vua Nghiêu
gặp ông Thuấn ở chỗ nhà cỏ mái tranh, trải chiếu trên đất ruộng ở dưới bóng cây
dâu, ngồi nói chuyện, tới khi bóng dâu ngả thì đã giao thiên hạ cho ông Thuấn rồi.
Ông Y Doãn 99 phải bưng đỉnh, mâm để gặp vua Thang, lúc
đó tên tuổi ông chưa ai biết mà ông được phong chức tam công. Nếu cứ giao tình
còn sơ, không được nói lời thâm thiết thì ông Thuấn đâu được vua Nghiêu truyền
cho thiên hạ mà ông Y Doãn đâu được phong chức tam công”.
Vua Triệu khen:
- Rất đúng.
Phùng Kỵ hỏi:
- Thế bây giờ kẻ ngoại
thần 100 này, giao tình còn sơ muốn bàn việc thâm
thiết, được không?
Vua đáp:
- Xin được nghe lời dạy
bảo.
Như vậy rồi, Phùng Kỵ
bèn đàm luận.
99 Y Doãn muốn gặp
vua Thang, nhưng không có cách nào xin yết kiến được, phải làm chức đầu bếp cho
họ Tần, rồi mượn việc nấu nướng, gia vị mà khuyên vua Thang về cách trị nước.
100 Bề tôi nước này
tự xưng với vua nước khác là ngoại thần.
13. LỰA NGỰA VÀ LỰA TƯỚNG
QUỐC
(Khách kiến Triệu
Vương)
Có người khách (tức người
ngoại quốc) vô yết kiến vua Triệu, hỏi vua Triệu:
- Tôi nghe nói nhà vua
muốn sai người đi mua ngựa, có chăng?
Vua đáp:
- Có.
- Sao tới bây giờ vẫn
chưa sai người ta đi?
- Chưa tìm được người
biết coi tướng ngựa.
- Thế sao nhà vua không
sai Kiến Tín Quân đi?
- Kiến Tín Quân bận việc
nước, vả lại không biết coi tướng ngựa.
- Thế sao nhà vua không
sai bà Kỉ Cơ 101 đi?
- Kỉ Cơ là đàn bà,
không biết coi tướng ngựa.
- Mua được ngựa tốt có
ích gì cho nước không?
- Không ích gì cho nước.
- Mua phải ngựa xấu thì
có hại gì cho nước không?
- Không hại gì cho nước.
- Vậy thì mua được ngựa
tốt hoặc mua phải ngựa xấu cũng vậy thôi, không ích mà cũng không hại cho nước.
Thế mà nhà vua muốn mua ngựa phải đợi được người giỏi coi tướng ngựa rồi mới
sai đi. Nay trị thiên hạ, hành động mà thất đáng thì quốc gia nguy tan, xã tắc
tro tàn khói lạnh 102 , mà nhà vua không đợi tìm được người giỏi,
đem giao phó cho Kiến Tín Quân là sao vậy?
Vua Triệu chưa biết đáp
sao thì khách đã hỏi tiếp:
- Yên Quách có phép gọi
là “tang ung” 103 , nhà vua có biết không?
Vua đáp:
- Chưa hề nghe nói.
Bảo:
- “Tang ung” trỏ những
bề tôi thân cận, sủng ái và những phu nhân, những con gái trẻ đẹp được vua yêu.
Bọn đó đều khéo nhân cái lúc nhà vua say mê mà xin nhà vua điều họ muốn. Bọn họ
mà đắc sủng ở trong thì đại thần làm trái phép ở ngoài. Cho nên mặt trời mặt
trăng 104 sáng rỡ ở ngoài đấy mà ở trong có bệnh;
cẩn thận đề phòng cái mình ghét mà bị tai hoạ về cái mình yêu.
101 Kỉ Cơ là một phi
Tần được vua Triệu sủng ái.
102 Nguyên văn: thần
xã tắc không được cúng tế nữa. Thần xã tắc là thần đất và thần lúa. Ý nói mất
nước.
103 Tang ung nghĩa
là cây dâu bị sâu đục. Yên Quách, cũng gọi là Quách Yển, Cô Yển hoặc Bốc Yển, một
vị quan coi việc bói ở nước Triệu.
104 Người ta thường
ví vua như mặt trời. Câu này ám chỉ vua Triệu.
14. LƯỢNG NGHỊ ĐI SỨ TẦN
(Tần công Nguỵ, thủ
Ninh Ấp)
Tần đánh Nguỵ, chiếm
Ninh Ấp 105 , các nước chư hầu đều chúc mừng Tần.
Vua Triệu sai sứ tới mừng, sứ ba lần đi về mà không được tiếp. Vua Triệu lo, bảo
kẻ tả hữu:
- Tần mạnh mà lại được
đất Ninh Ấp để khống chế Tề, Triệu. Các nước chư hầu đều chúc mừng. Ta sai người
qua mừng mà riêng sứ của ta không được tiếp. Như vậy tất Tần đem quân đánh ta,
biết làm sao bây giờ.
Kẻ tả hữu đáp:
- Sứ giả tới ba lần mà
không được tiếp thì nhất định là vì người sai đi đó không khéo nói. Lượng Nghị
là bậc biện sĩ, đại vương sao không thử dùng ông ta.
Thế là Lượng Nghị nhận
mệnh ra đi. Tới Tần, dâng thư lên vua Tần (Chiêu Vương), thưa:
- Đại vương mở rộng đất
tới Ninh Ấp, chư hầu đều chúc mừng; vua tệ quốc cũng trộm tự mừng, không dám thờ
ơ, nên sai bầy tôi đem lễ vật lại, ba lần tới triều đình đại vương mà không được
yết kiến. Nếu sứ giả vô tội thì xin đại vương đừng làm mất cái vui của họ, nếu
sứ giả có tội thì xin đại vương cho biết.
Vua Tần sai người hồi
đáp:
- Ta sai bảo Triệu điều
gì, bất kỳ là lớn nhỏ, phải nghe lời ta thì ta mới nhận thư và lễ vật, nếu
không theo lời ta thì sứ giả về đi!
Lượng Nghị đáp:
- Hạ thần tới đây vốn
là xin được vâng ý đại quốc, đâu có dám không theo; nếu đại vương có ban lệnh
gì thì hạ thần xin phụng mệnh mà về phía tây 106 , không dám trì nghỉ.
Vua Tần bèn tiếp sứ giả,
bảo:
- Triệu Báo 107 và Bình Nguyên Quân mấy lần khinh lờn quả
nhân. Nếu vua Triệu giết hai người đó thì êm; nếu không giết thì quả nhân xin
thống lĩnh chư hầu mà đợi lệnh vua Triệu ở dưới chân thành Hàm Đan.
Lượng Nghị đáp:
- Triệu Báo và Bình
Nguyên Quân là em ruột cùng mẹ của vua tệ quốc, cũng như Diệp Dương Quân và
Kinh Dương Quân đối với đại vương vậy. Đại vương có tiếng là dùng hiếu mà trị
thiên hạ, y phục thứ nào thích hợp với thân thể, món ăn thứ nào hợp với khẩu vị,
đều chia sớt cho Diệp Dương Quân và Kinh Dương Quân. Xe ngựa, y phục của Diệp
Dương Quân và Kinh Dương Quân đều là một thứ với xe ngựa, y phục của đại vương.
Hạ thần nghe nói rằng “thấy có ổ chim bị phá, trứng chim bị đập bể thì phượng
hoàng không bay ra; thấy có loài thú bị mổ thai, loài thú con bị thiêu đốt thì
kỳ lân không hiện”; nay đại vương bảo hạ thần nhận mệnh đại vương về báo với tệ
quốc thì vua tệ quốc sợ sệt, không dám không thi hành, nhưng như vậy chẳng làm
thương tâm Diệp Dương Quân và Kinh Dương Quân ư?
Vua Tần bảo:
- Phải. Vậy thì đừng
cho hai kẻ đó tham chính.
Lượng Nghị đáp:
- Vua tệ quốc có em ruột
cùng mẹ mà không biết dạy dỗ để đắc tội với đại quốc, xin biếm truất hai ông đó,
không tham chính nữa để hợp ý đại quốc.
Vua Tần hoan hỉ, nhận lễ
vật và hậu đãi sứ giả.
105 Ninh Ấp: nay thuộc
tỉnh Hà Nam.
106 Về phía tây (tây
hành) nghĩa là làm sao, chúng tôi không hiểu.
107 Triệu Báo tức là
Bình Dương Quân.
18. XÚC CHIỆP THUYẾT
THÁI HẬU NƯỚC TRIỆU
(Triệu thái hậu tân
dụng sự)
Thái hậu nước Triệu mới
cầm quyền, Tần đem quân tấn công liền. Triệu cầu cứu với Tề, Tề đáp: “Phải đưa
Trường An Quân 108 qua đây làm con tin rồi mới xuất quân cứu
viện”. Thái hậu không chịu, các quan đại thần cố khuyên. Thái hậu nói thẳng với
kẻ tả hữu: “Ai còn nói đến chuyện đưa Trường An Quân đi làm con tin thì già này
tất nhổ vào mặt!”.
Quan Tả sư là Xúc Chiệp 109 , xin vào yết kiến, thái hậu có vẻ giận
mà tiếp. Xúc Chiệp tiến vô, chậm chạp bước, tới trước mặt thái hậu rồi tự tạ tội
rằng:
- Lão thần có bệnh ở
chân cho nên không bước nhanh được. Trộm phép thái hậu tự thứ cho tội đó. Sợ ngọc
thể không biết có sao không, nên hôm nay xin vào hầu 110 .
Thái hậu đáp:
- Già này nhờ xe mới đi
được.
- Mỗi ngày ăn uống
không giảm chứ?
- Chỉ nhờ cháo thôi.
- Lão thần gần đây
không muốn ăn, phải gắng sức đi bộ mỗi ngày ba bốn dặm mới hơi thèm ăn, nhờ vậy
thân thể được điều hòa.
- Già này không gắng được
như vậy.
Sắc mặt Thái hậu đã hơi
nguôi. Quan Tả sư nói:
- Đứa con hèn của lão
thần là Thu Kì còn nhỏ lắm mà chẳng có tài năng gì cả, nhưng thần suy yếu, nên
yêu dấu nó, xin thái hậu cho nó sung vào đoàn thị vệ 111 cho đủ số 112 để nó bảo vệ vương cung, thần sợ sệt mà
tâu thái hậu.
- Xin vâng. Tuổi nó bao
nhiêu?
- Mười lăm. Tuy nó còn
nhỏ, nhưng trong lúc thân thể chưa bị vùi lấp xuống hố, rãnh 113 lão thần xin đem nó phó thác thái hậu.
- Bậc trượng phu mà
cũng yêu thương con nhỏ sao?
- Còn hơn đàn bà nữa.
- Lão thần trộm nghĩ bà
lão 115 yêu Yên hậu 116 hơn yêu Trường An Quân.
- Ông lầm rồi. Kém xa
Trường An Quân.
- Cha mẹ yêu con thì
tính kế lâu dài cho con. Bà lão lúc tiễn chân Yên hậu, níu lấy gót mà khóc,
nghĩ thương cho cảnh xa xôi, thực là xót xa vô cùng. Khi Yên hậu đã đi rồi,
không phải là không nhớ, vì lúc tế tự bà lão đều có cầu chúc cho Yên hậu, cầu rằng:
“Xin cho đừng trở về”. Như vậy há chẳng phải là lo tính chuyện lâu dài, mong
cho Yên hậu có con cháu nối nhau làm vua ở Yên sao?
- Phải.
- Nay xét trở lui lại
ba đời trước, từ hồi nước Triệu thành nước Triệu, con cháu các vị vua Triệu được
phong hầu mà kế tiếp nhau giữ ngôi tới nay còn ai không?
- Không còn.
- Chẳng riêng gì nước
Triệu, các nước chư hầu khác cũng vậy, tới nay còn ai không?
- Già này không nghe
nói.
- Như vậy mà xét, họa gần
thì xảy ngay trong đời mình, họa xa thì xảy ra trong đời con cháu. Có phải là tại
con cháu các bậc vua chúa đều bất tiếu cả đâu; chỉ tại ngôi cao mà không có
công, bổng lộc hậu mà không phải khó nhọc, lại ôm vàng ngọc quá nhiều đấy thôi.
Nay bà lão tôn quí cái vị của Trường An Quân, phong cho những đất phì nhiêu, lại
cấp cho nhiều vàng ngọc mà không bảo Trường An Quân nhân lúc này lập chút công
với nước, thì rồi một ngày kia, gò núi sụp đổ, 117 Trường An Quân biết lấy gì mà gởi thân
mình ở nước Triệu? Lão thần cho rằng bà lão tính kế cho Trường An Quân quả là
ngắn ngủi, vì vậy mà bảo yêu Trường An Quân không bằng yêu Yên hậu.
Thái hậu đáp:
- Phải. Tùy ý ông tính
sao cho nó thì tính.
Thế là sửa soạn trăm cỗ
xe, đưa Trường An Quân qua làm con tin ở nước Tề, Tề mới xuất quân cứu Triệu.
Tử Nghi 118 nghe chuyện đó, nói: “Con bậc vua chúa,
tình thân như cốt nhục kia, mà không thể cậy vào cái tước quí không công lao mà
được, cậy vào cái bổng lộc không khó nhọc mà được, để giữ nổi những đồ vàng ngọc
quí báu, huống chi là kẻ bề tôi!”.
108 Trường An Quân
là con nhỏ của Triệu thái hậu, và là em của Hiếu Thành Vương. Triệu thái hậu là
vợ của Huệ Văn Vương nước Triệu; khi chồng mất bà lên cầm quyền vì con còn nhỏ.
Tần nhân dịp đó tấn công. Trường An là tên hiệu thái hậu phong cho.
109 Xúc Chiệp là một
vị lão thần của Triệu.
110 Chữ «郄», Cổ Văn Quan chỉ chú
thích là: “Như chữ khích «隙»: là kẽ tường, chỗ hở: Xúc Chiệp không dám nói thẳng tên bệnh
ra nên nói bóng như vậy”. – Cổ văn bình chú giải nghĩa: “Đọc là khước «却», nghĩa là chân không
đi được. Xúc Chiệp cùng bệnh già với thái hậu, nay đau chân, e rằng thái hậu
cũng đau, nên vào thăm”.
111 Nguyên văn là hắc
y: nhung phục đen, dùng để chỉ chức thị vệ.
112 Lời nói nhũn: có
ý bảo con trai mình không đáng được chức đó, vô làm cho đủ số lính thị vệ, chứ
không được việc gì cả.
113 Ý nói: vùi xuống
huyệt.
114 Theo Cổ văn bình
chú thì câu này nghĩa là: đàn bà yêu con khác đàn ông và hơn đàn ông nhiều.
115 Ta nhận thấy: giọng
lúc này thân mật lắm rồi.
116 Con gái của Triệu
thái hậu, gả cho vua Yên.
117 Ý nói: khi thái
hậu trăm tuổi rồi.
118 Tử Nghi: là một
người hiền của nước Triệu.
--------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét