Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

CHƯƠNG VII - HÀN SÁCH

 

CHƯƠNG VII

HÀN SÁCH

Thời Xuân Thu, vua Tấn phong Hàn Vũ Tử ở đất Hàn Nguyên (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây), các đời sau, họ Hàn làm quan đại phu cho Tấn.

Tới đời Chu Uy Liệt Vương (425-401), Hàn cùng với Triệu, Nguỵ chia ba nước Tấn, xưng làm vua chư hầu, (cho nên gọi là Tam Tấn). Thời Chiến Quốc, Hàn là một trong thất hùng, đóng đô ở Bình Dương (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), sau dời đô qua Dương Dịch (nay thuộc tỉnh Hà Nam), rồi qua Tân Trịnh (cũng thuộc tỉnh Hà Nam), cho nên có chỗ gọi Hàn là Trịnh. Thời thịnh nhất, đất Hàn gồm một phần tỉnh Thiểm Tây và một phần tỉnh Hà Nam ngày nay.

Sau cùng bị Tần diệt.



HÀN I

5. TÔ TẦN THUYẾT VUA HÀN THEO HỢP TUNG

(Tô Tần vi Sở hợp tung)

 

Tô Tần thay vua Sở thuyết vua Hàn (Tuyên Nguỵ Vương) theo kế hoạch hợp tung:

- Hàn, phía bắc có các miền Củng, Lạc 1 , Thành Cao kiên cố, phía tây có Nghi Dương và Thường Bản 2 hiểm yếu, phía đông có đất Uyển, đất Nhương 3 , và sông Vị, phía nam có núi Hình; đất rộng ngàn dặm, binh số tới mười vạn. Cung cứng nỏ mạnh trong thiên hạ đều sản xuất ở Hàn; các loại tên Khê tử, Thiếu phủ, Thời lực và Cư lai 4 đều bắn được xa ngoài sáu trăm bước. Quân Hàn đưa chân mà đạp nỏ 5 thì liên tiếp trăm phát không ngừng, xa thì bắn trúng bụng, gần thì xuyên qua tim. Kiếm và kích của Hàn đều sản xuất ở Minh Sơn, Thường Khê 6 , Mặc Dương và Hợp Bá 7 ; những kiếm Đặng Sư 8 , Uyển Phùng 9 chế tạo, những cây Long Uyên, Thái A 10 đều có thể ở trên cạn thì chém đứt ngựa, bò, ở dưới nước thì chém đứt chim hộc, chim nhạn; khi chiến đấu thì chém đứt những chiếc giáp cứng, những chiếc mộc, chiếc ủng bằng da, những giáp sắt che cánh tay, những áo da che vai, lườn, những dây đai cột mộc, (như vậy khí giới) không có gì là không đủ.

Quân Hàn dũng cảm mà bận áo giáp cứng, đạp nỏ mạnh, đeo kiếm sắc, thì một người chống nổi trăm người, điều đó chẳng cần phải nói nữa. Hàn cường thịnh mà đại vương lại hiền năng, vậy mà muốn hướng về phía tây thờ Tần, tự xưng là thần thuộc ở phía đông, xây cất hành cung cho Tần, chịu nhận áo mão cân đai của Tần, mùa xuân và mùa thu tiến cống, cung cấp đồ tế tự cho Tần, chắp tay đứng hầu Tần, làm nhục xã tắc mà bị thiên hạ cười chê, tới vậy là cùng cực, cho nên tôi xin đại vương nghĩ kỹ lại xem.

Đại vương chịu thờ Tần thì Tần tất đòi đất Nghi Dương, Thành Cao, nay đem dâng hắn thì sang năm hắn lại đòi cắt thêm nữa cho tới khi hết đất mới thôi; nếu không cho thì công trước của mình 11 sẽ mất toi mà còn chịu thêm hoạ về sau nữa. Vả lại đất của đại vương có hạn mà lòng tham của Tần thì vô cùng. Lấy số đất có hạn để đáp sự đòi hỏi vô cùng, như vậy là “chuốc oán mua hoạ”, rốt cuộc là chẳng có chiến tranh mà đất cũng bị chiếm đoạt hết! Tôi nghe tục ngữ có câu: “Thà làm mỏ gà còn hơn là làm mông bò”. Nay đại vương hướng về tây, khoanh tay mà thờ Tần, thì có khác gì làm mông con bò đâu. Hiền minh như đại vương, có quân đội cường thịnh như Hàn mà chịu mang cái tiếng làm mông con bò, tôi trộm xấu hổ thay cho đại vương!

Vua Hàn tím mặt, nổi giận, vung tay, nắm chặt cây kiếm, ngửa mặt lên trời, than:

- Quả nhân dù chết chứ nhất định không chịu thờ Tần; nay ông lại cho quả nhân hay lời chỉ giáo của vua Sở 12 , xin kính cẩn đem xã tắc để theo.

1       Củng và Lạc là những đất hiểm yếu, nay thuộc Hà Nam.

2       Thường Bản cũng gọi là Thương Bản, hoặc Thương Sơn, Thương Lạc Sơn, là một nhánh của Chung Nam Sơn, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây.

3       Nhương là tên đất, nay ở Hà Nam.

4       Bốn loại tên đó đều rất tốt, có danh tiếng.

5       Có sách giảng là: khi bắn tên đưa chân ra phía sau để lấy đà.

6       Thường Khê nay ở Hà Nam.

7       Bốn nơi đó đều sản xuất những thứ kiếm rất quí. Mặc Dương sản xuất loại kiếm “mạc da”.

8       Đặng Sư: Đặng là tên nước, nay ở Hà Nam. Đặng Sư là tên một người giỏi chế tạo kiếm ở nước Đặng.

9       Uyển Phùng: Uyển là tên nước nay ở Hà Nam; nước đó có một người tên là Phùng Trì giỏi chế tạo kiếm, nên gọi người đó là Uyển Phùng.

10     Long Uyên, Thái A: vua Sở nghe tiếng nước Ngô có một người tên là Can Tướng, nước Việt có một người tên là Âu Dã, đều giỏi chế tạo kiếm, bèn sai người đi mời hai người đó lại chế tạo cho hai cây kiếm tốt, tức cây Long Uyên và Thái A.

11     Ý nói công tặng đất trước kia cho Tần.

12     Tức Sở Uy Vương.


6. TRƯƠNG NGHI THUYẾT VUA HÀN THEO LIÊN HOÀNH

(Trương Nghi vi Tần liên hoành)

 

Trương Nghi thay vua Tần thuyết vua Hàn (Tương Vương) theo kế hoạch liên hoành:

- Đất Hàn hiểm ác 13 , dân phần nhiều ở trên núi, ngũ cốc sản xuất, nếu không phải là lúa mạch thì là đậu, thức ăn của dân đại để là cơm đậu và canh lá đậu, gặp năm mất mùa thì dân chỉ ăn bã rượu và cám mà cũng không được ăn no. Đất rộng không đầy chín trăm dặm, lương thực không dự trữ được đủ ăn cho hai năm. Tôi tính phỏng quân số của đại vương hết thảy không quá ba chục vạn, mà trong số đó kể cả những người làm tạp dịch, khổ công; những lính hiện dịch giữ gìn đồn trại cửa ải, che chở biên giới, bất quá chỉ có hai chục vạn thôi.

Tần thì binh lính đeo giáp có trên trăm vạn, chiến xa có ngàn cổ, chiến mã có vạn con, quân mạnh như cọp, đầu trần nhảy nhót, nắm tay thoi địch, vung kích đâm dịch thì không biết bao nhiêu mà kể. Ngựa của Tần rất tốt, binh lính lại đông, ngựa bốn chân sải ra chồm một cái vượt được ba tầm 14 , hạng ngựa đó không biết bao nhiêu mà kể. Quân các nước Sơn Đông phải bận áo giáp, đội mũ sắt để giao chiến; quân Tần thì cởi bỏ áo giáp, ở trần mà xung phong, tay trái nắm đầu địch, tay phải kẹp tù binh. Quân Tần so với quân Sơn Đông cũng như Mạnh Bôn so với một đứa nhát gan vậy; dùng sức mạnh mà áp đảo thì như Ô Hoạch 15 chế phục một đứa con nít vậy. Dùng những binh sĩ như Mạnh Bôn, Ô Hoạch để đánh những nước yếu không chịu phục tòng, không khác gì liệng vật nặng ngàn cân lên trên một đống trứng chim vậy, nhất định là không thoát được! Các nước chư hầu không lượng binh lực mình yếu, lương thực mình ít, nghe những lời đường mật của bọn chủ trương hợp tung mà liên kết với nhau, gạt gẫm lẫn nhau, đồng thanh bảo: “Theo kế của ta thì có thể làm bá chủ trong thiên hạ”. Họ không xét cái lợi lâu dài của xã tắc, mà nghe theo cái thuyết hão huyền nhất thời, lừa dối vua chúa đến như vậy là cùng.

Đại vương không thờ Tần thì Tần xuất binh chiếm Nghi Dương, cắt đứt đất Thương của Hàn, phía đông chiếm Thành Cao, Nghi Dương, thì cung điện Hồng Đài, vườn tược Tang Lâm không còn thuộc về đại vương nữa đâu. Thành Cao bị phong toả, đất Thương bị cắt đứt thì nước của đại vương sẽ bị chia xẻ. Sớm thờ Tần thì được yên, không thờ Tần thì nguy. Hướng về cái hoạ mà cầu phúc, kế đã nông mà oán lại sâu; nghịch với Tần mà theo Sở, dù muốn không mất cũng không thể được. Cho nên vì đại vương mà mưu tính thì không gì bằng thờ Tần. Tần chỉ muốn một điều là làm cho Sở yếu, mà làm cho Sở yếu thì không nước nào bằng Hàn; không phải vì Hàn mạnh hơn Sở đâu mà vì địa thế như vậy. Nay đại vương hướng về phía tây mà thờ Tần, đánh Sở để giúp tệ quốc thì vua Tần tất mừng. Đánh Sở để chiếm đất của Sở, chuyển hoạ thành phúc, làm vui lòng Tần, không kế nào lợi bằng kế đó. Cho nên vua Tần sai sứ thần dâng thư lên quan ngự sử của đại vương đợi đại vương quyết định.

Vua Hàn đáp:

- Quí khách vui lòng chỉ bảo cho, tệ quốc xin làm quận huyện của Tần, xây cất hành cung cho Tần, mùa xuân mùa thu tiến cống để cung phụng vào việc tế tự, tự xưng là nước thần thuộc ở phía đông của Tần, và cắt Nghi Dương tặng Tần.

13     Hiểm ác nghĩa khác hiểm yếu: hiểm trở mà lại cằn cỗi, nghèo nàn.

14     Mỗi tầm là bảy hay tám thước Trung Hoa.

15     Mạnh Bôn, Ô Hoạch: đều là những lực sĩ thời cổ.


11. NGUỴ THUẬN CỨU NƯỚC THỊ KHÂU

(Ngũ quốc ước nhi công Tần)

 

Năm nước (Sở, Triệu, Hàn, Nguỵ, Yên) liên minh với nhau để đánh Tần, vua Sở (Hoài Vương) làm tung trưởng 16 , không thể thắng được Tần, bèn bãi binh mà lưu lại ở Thành Cao. Nguỵ Thuận bảo vua Thị Khâu 17 :

- Năm nước bãi binh, tất sẽ đánh Thị Khâu để bù vào binh phí, nhà vua cung cấp phương tiện cho tôi, tôi xin vì nhà vua mà làm cho các nước đó không đánh Thị Khâu.

Vua Thị Khâu bằng lòng và sai Nguỵ Khâu đi sứ.

Nguỵ Khâu xuống phương Nam, yết kiến vua Sở, bảo:

- Đại vương liên minh năm nước để qua phía tây đánh Tần, không thắng được Tần, các nước kia thấy vậy sẽ khinh đại vương mà trọng Tần. Sao đại vương không dò xét ý tứ các nước đó xem giao tình của họ với Sở ra sao?

Vua Sở hỏi:

- Dò xét cách nào?

Nguỵ Thuận đáp:

- Năm nước đã bãi binh, tất sẽ đánh Thị Khâu để bù vào binh phí; đại vương ra lệnh đừng đánh Thị Khâu; nếu năm nước 18 trọng đại vương thì tất nghe lời đại vương mà không đánh Thị Khâu; nếu không trọng đại vương thì sẽ làm trái lời đại vương, mà đánh Thị Khâu. Như vậy thì rõ được họ khinh hay trọng đại vương.

Vì vậy mà vua Sở (theo lời), dò xét giao tình của các nước kia và Thị Khâu được bảo tồn.

16     Tung trưởng: tức là nước cầm đầu các nước theo hợp tung.

17     Thị Khâu: là một nước nhỏ, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Nơi đó, xưa là một cái huyện có chợ.

18     Bốn nước thì phải hơn, vì không nên kể Sở, còn lại các nước Triệu, Hàn, Nguỵ, Yên.


16. HÀN MẮC MƯU SỞ

(Tần, Hàn chiến ư Trọc Trạch)


Tần và Hàn đánh nhau ở đất Trọc Trạch 19 , Hàn ở trong tình thế nguy cấp, Công Trọng Bằng bảo vua Hàn (Tuyên Huệ Vương):

- Không thể trông cậy được các nước đồng minh. Nay Tần bản tâm muốn đánh Sở, đại vương nên nhờ Trương Nghi nói giùm để cầu hoà với Tần, tặng cho Tần một thành ấp lớn, rồi cùng với Tần đánh Sở; đó là cái kế “đem một mà đổi lấy hai” 20 .

Vua Hàn cho là phải rồi theo lời Công Trọng mà thi hành, sửa soạn qua phía tây để cầu hoà với Tần. Vua Sở (Hoài Vương) hay tin, hoảng sợ, vời Trần Chẩn kể lại cho hay sự tình. Trần Chẩn bảo:

- Tần đã muốn đánh ta từ lâu, nay được Hàn tặng một thành ấp lớn, cung cấp khí giới; Tần và Hàn cùng đem binh xuống phía nam đánh Sở, đó là điều mà Tần thường cầu nguyện mỗi ngày, nay có cơ hội rồi thì Sở tất bị đánh. Xin đại vương theo mưu kế của hạ thần: cảnh giới nhân dân trong bốn cõi, tuyển binh nói là để cứu Hàn 21 , bố trí binh xa đầy các đường xá, phái sứ thần, cho họ nhiều xe và nhiều tiền, làm cho Hàn tin rằng đại vương sẽ cứu Hàn. Ví phỏng Hàn không nghe ta thì cũng cảm kích đại vương, tất không cùng tiến binh một lượt với Tần để đánh ta. Như vậy, Tần và Hàn bất hoà với nhau mà dù binh có tới, Sở cũng không đến nổi nào. Còn như nếu Hàn nghe lời ta thì sẽ tuyệt giao với Tần, Tần sẽ nổi giận, thêm oán Hàn; Hàn được Sở cứu tất khinh thị Tần, đối đãi với Tần không cung kính nữa. Như vậy, ta làm cho binh của Tần và Hàn bị khốn đốn mà giải được cái hoạ cho Sở.

Vua Sở rất mừng, bèn cảnh giới nhân dân trong bốn cõi, tuyển binh nói là để cứu Hàn, phái sứ thần, cho họ nhiều xe và tiền, nói với vua Hàn:

- Tệ quốc tuy nhỏ, đã đem hết binh sang cứu đại quốc, xin đại quốc tự ý sử dụng để đối phó với Tần, tệ quốc xin chết theo với Hàn.

Vua Hàn cả mừng bảo Công Trọng đừng qua Hàn nữa. Công Trọng đáp:

- Không nên. Tần lấy thực tình mà nói với ta, còn Sở nói giúp ta, chỉ là hứa hão thôi. Cậy vào lời hứa hão mà nhẹ dạ cự tuyệt với cường Tần, tất bị thiên hạ cười chê. Vả lại Sở với Hàn không phải là hai nước anh em, cũng không hề có ước hẹn trước với nhau để đánh Tần; vì Tần muốn đánh Sở mà Sở mới khởi binh, nói là để cứu Hàn, đó nhất định là mưu kế của Trần Chẩn. Lại thêm đại vương đã sai người báo với Tần rồi, nay không thi hành thì là gạt Tần. Khinh thị cái hoạ cường Tần mà tin lời mưu thần nước Sở, đại vương sau này tất sẽ hối hận đấy.

Vua Hàn không nghe, tuyệt giao với Tần, Tần quả nhiên nổi giận, khởi binh khai chiến với Hàn ở Ngạn Môn 22 , cứu binh của Sở không tới, quân Hàn đại bại.

Quân Hàn không phải là yếu, dân Hàn không phải là ngu mà binh thì bị Tần bắt, mưu trí thì bị Sở gạt, chỉ vì lầm nghe lời Trần Chẩn, mà mắc mưu Hàn Bằng 23 vậy.

19     Trọc Trạch: là tên đất nay thuộc tỉnh Hà Nam.

20     Đem một đổi lấy hai: có nghĩa là chịu thiệt ít rồi sau thu lợi nhiều.

21     Có sách chú thích là tuyển lựa kế hoạch hay để cứu Hàn.

22     Ngạn Môn: có hai nơi mang tên đó, một ở Sơn Tây, một ở Hà Nam, không rõ ở đây chỉ nơi nào.

23     Hàn Bằng: (có sách chép là Hàn Minh – chữ Bằng «»«»), tức Công Trọng Bằng.


HÀN II

1. TRƯƠNG THUÝ XIN TẦN GIÚP HÀN ĐÁNH SỞ

(Sở vi Ung Thị)

 

Sở vây Ung Thị đã năm tháng. Hàn sai sứ giả cầu cứu với Tần, sứ giả qua lại nườm nượp (mão, lọng qua không ngớt), mà quân vẫn không xuống đất Hào. Hàn lại sai Thượng Cận đi sứ Tần, tâu với vua Tần (Chiêu Dương):

- Hàn đối với Tần, lúc yên tĩnh thì che cho Tần, lúc xuất binh thì cùng nối hàng nhau kẻ trước người sau. Nay Hàn lâm nguy mà quân Tần không xuống đất Hàn. Hạ thần nghe rằng môi hở thì răng lạnh, xin đại vương xét kỹ cho.

Tuyên thái hậu bảo:

- Sứ giả đã tới nhiều mà chỉ có lời của Thượng Tử là đúng.

Rồi vời Thượng Tử vô, bảo:

- Thiếp thờ tiên vương (tức Tần Huệ Vương), tiên vương gát đùi trên mình thiếp thì thiếp thấy không chịu nổi; mà đè cả người lên thiếp thì thiếp không thấy nặng là tại sao? Tại như vậy còn có chút lợi. Nay giúp Hàn, nếu binh lính không đông, lương thực không nhiều thì không đủ để cứu Hàn. Cứu Hàn có cái hại là mỗi ngày phí ngàn vàng mà chẳng làm cho thiếp được chút lợi nào cả.

Thượng Cận gởi thư về báo cho vua Hàn hay, vua Hàn sai Trương Thuý đi sứ. Trương Thuý cáo bệnh, mỗi ngày chỉ đi được một huyện. Khi Trương Thuý tới, Cam Mậu bảo:

- Tình cảnh của Hàn chắc nguy ngập lắm rồi. Cho nên tiên sinh đau mà vẫn phải tới.

Trương Thuý đáp:

- Hàn chưa nguy cấp mà lại nguy cấp!

- Tần là nước lớn mạnh, vua Tần là bậc minh trí, tình cảnh của Hàn gấp hay hoãn, vua Tần đều biết hết; nay tiên sinh bảo không nguy cấp, phỏng nghe có được không?

- Hàn mà nguy cấp thì đã cúi mình mà xin sáp nhập với Sở rồi, như vậy tôi đâu còn dám tới đây.

Cam Mậu bảo:

- Thôi, tiên sinh đừng nói thêm nữa.

Cam Mậu vô tâu vua Tần:

- Công Trọng cầm quyền ở Hàn, tin rằng được quân Tần giúp nên mới dám chống Sở; nay Ung Thị bị vây mà quân Tần không xuống đất Hào, như vậy sẽ mất Hàn. Công Trọng sẽ cúi đầu mà không vô triều nữa, Công Thúc sẽ (thay Công Trọng làm tướng quốc) đem Hàn hợp với Sở; Sở, Hàn hợp nhất thì Nguỵ không dám không theo hai nước đó, thế là Sở sẽ đem ba nước mà chiếm Tần. Như vậy cái việc đánh Tần sẽ thành hình. Không hiểu ngồi mà đợi người ta đánh mình với đem quân đánh người thì đằng nào hơn?

Vua tần đáp: “Phải”, rồi cho đem quân xuống đất Hào để cứu Hàn.



6. ĐỪNG KHINH TẦN

(Vị Công Thúc)

 

Có kẻ bảo Công Thúc:

- Đi thuyền, thuyền vô nước mà không trét lại thì thuyền chìm, trét chỗ rỉ nước rồi mà khinh sóng của thần Dương Hầu 24 thì thuyền đắm. Nay ông thường cậy được Tiết Công tin cẩn mà khinh thị Tần thì cũng như trét chỗ rỉ nước rồi mà khinh sóng của thần Dương Hầu vậy, xin ông nghĩ lại.

24     Dương Hầu: là thuỷ thần. Hồi xưa các chư hầu có tội thì nhảy xuống sông tự tử, linh thiêng mà thành thần, thường gây sóng lớn, người ta gọi là Dương Hầu.


11. CÔNG THÚC MUỐN GIẾT KI SẮT

(Công Thúc tương sát Ki Sắt)

 

Công Thúc muốn giết Ki Sắt. Có kẻ bảo Công Thúc:

- Thái tử sở dĩ trọng ông là vì sợ Ki Sắt. Ki Sắt mà chết thì thái tử không lo nữa, tất khinh rẻ ông. Các đại phu nước Hàn thấy vua đã già, mong rằng thái tử sẽ cầm quyền nên đều muốn thờ thái tử. Thái tử, ở ngoài không phải lo về Ki Sắt, ở trong kết nạp được các đại phu để giúp mình, thì sẽ tất khinh rẻ ông. Vậy đừng nên giết Ki Sắt, để thái tử phải lo sợ hoài mà tất sẽ trọng dụng ông suốt đời.



17. PHÉP CHÍNH DANH

(Sử Tật vi Hàn sứ Sở)

 

Sử Tật vì Hàn mà đi sứ qua Sở. Vua Sở hỏi:

- Ông khách theo chính sách nào?

- Tôi theo lời ông Liệt Ngữ Khấu 25 .

- Ông Liệt Ngữ Khấu trọng cái gì?

Đáp:

- Trọng phép chính danh.

- Phép chính danh có thể dùng để trị nước được ư?

- Được.

Vua hỏi:

- Nước Sở có nhiều trộm cướp. Phép chính danh có thể ngăn trộm cướp được không?

- Được.

- Muốn dùng phép chính danh để ngăn trộm cướp thì phải làm sao?

Vừa hỏi xong một chút thì có con chim khách lại đậu trên nóc nhà. Sử Tật hỏi:

- Xin hỏi đại vương người Sở gọi con chim đó là chim gì?

- Gọi là con chim khách.

- Gọi là con quạ được không?

- Không được.

- Nay nước của đại vương có các quan trụ quốc, lệnh doãn, tư mã, điển lệnh để cắt đặt, giao phó công việc cho các quan lại; họ phải liêm khiết, làm tròn nhiệm vụ. Thế mà giặc cướp lộng hành mà không ngăn được, thì họ không phải là con quạ, cũng không phải là con chim khách.

25     Liệt Ngữ «» Khấu: các sách thường chép là Liệt Ngự «» Liệt Tử. Nhưng theo một số học giả gần đây thì Liệt Tử là một bộ sách do nhiều người đời Hán viết, và Liệt Ngự Khấu chưa chắc là một nhân vật có thật.


19. TRUYỆN HIỆP SĨ NHIẾP CHÍNH

(Hàn Khôi tướng Hàn)

 

Hàn Khôi làm tướng quốc nước Hàn, lúc đó Nghiêm Toại được vua Hàn trọng dụng, nên hai người muốn hại lẫn nhau. Nghiêm Toại nghị luận chính trực, vạch những lỗi của Hàn Khôi. Hàn Khôi mắng Nghiêm Toại ở giữa triều. Nghiêm Toại rút gươm đâm, may có người chạy lại cứu Hàn Khôi. Sau vụ đó, Nghiêm Toại sợ bị xử tử, chạy trốn ra ngoài tìm người để nhờ báo thù cho. Tới nước Tề có người bảo: “Nhiếp Chính, người làng Chỉ, xóm Thâm Tỉnh 26 , là một dũng sĩ, vì trốn kẻ thù, phải ẩn cư làm đồ tể”. Nghiêm Toại bèn ngấm ngầm kết giao với Nhiếp Chính, cực kỳ hậu đãi Nhiếp Chính. Nhiếp Chính hỏi:

- Ông muốn dùng tôi vào việc gì đây?

Nghiêm Toại đáp:

- Tôi mới hầu hạ ông được có mấy ngày mà việc lại bức bách 27 , cho nên đâu đã dám nhờ cậy ông.

Rồi Nghiêm Toại bày tiệc rượu dâng lên mẹ Nhiếp Chính, thêm một trăm nén vàng để chúc thọ bà lão. Nhiếp Chính kinh hoảng, càng làm lạ rằng sao Nghiêm Toại hậu đãi như vậy nên nhất định từ tạ không dám nhận, nhưng Nghiêm Toại nhất định không nghe. Nhiếp Chính từ tạ rằng:

- Tôi có mẹ già, nhà thì nghèo, phải lưu lạc tha phương làm nghề đồ tể, để sớm tối có miếng ngọt bùi nuôi mẹ; mẹ tôi được cung dưỡng đủ rồi không dám nhận vật tặng của Trọng Tử 28 , e trái với điều nghĩa.

Nghiêm Trọng Tử đuổi các người chung quanh ra, nói với Nhiếp Chính:

- Tôi có một mối thù mà chu du nhiều nước chư hầu, tới Tề, nghe tiếng túc hạ là người có nghĩa khí rất cao, cho nên xin dâng túc hạ trăm nén vàng mua gạo xấu cung phụng cụ bà, mong túc hạ được vui lòng, chứ có dám cầu gì đâu.

Nhiếp Chính đáp:

- Tôi sở dĩ phải nén chí khí, chịu nhục ở chốn chợ búa này là để nuôi mẹ già, mẹ già còn sống ngày nào thì cái thân của Chính tôi không dám cho ai hết.

Nghiêm Trọng Tử hết sức nói mà Nhiếp Chính không chịu nhận, nhưng sau cùng Nghiêm Toại cũng giữ được đủ cái lễ chủ khách rồi mới đi.

Ít lâu sau, mẹ Nhiếp Chính mất, chôn cất xong, rồi tới lúc đoạn tang. Nhiếp Chính bảo:

- Ôi! Chính này là kẻ buôn bán ở chợ, cầm dao mổ chó, ông Nghiêm Trọng Tử là bậc khanh tướng nước chư hầu, vậy mà ông không ngại xa ngàn dặm, khuất thân cao quí, kết giao với tôi, mà tôi đãi ông rất bạc, chưa có chút công lớn nào để đáp lại. Ông đem trăm nén vàng chúc thọ mẹ tôi, tôi tuy không nhận, nhưng ông quả là biết rõ Chính tôi vậy. Bậc hiền nhân vì có cái giận “ngó nhau trừng trừng” 29 mà lại kết thân với kẻ ở nơi hẻo lánh, mà sao riêng Chính tôi cứ trầm lặng không đáp lại? Ngày trước ông ấy cậy Chính tôi báo thù giùm, tôi viện cớ là còn mẹ già, nay mẹ già trăm tuổi, thì Chính tôi đem thân mình cho người tri kỷ dùng chứ.

Nói rồi đi qua phía tây, tới Bộc Dương, thăm Nghiêm Trọng Tử, bảo:

- Trước kia tôi không nhận lời Trọng Tử chỉ vì còn mẹ già, nay mẹ già đã mất, thì xin Trọng Tử cho tôi biết muốn báo thù kẻ nào đó?

Nghiêm Trọng Tử kể lại đầu đuôi, bảo:

- Kẻ thù của tôi là tướng quốc nước Hàn tên là Hàn Khôi. Khôi lại là chú vua Hàn 30 , tôn thất đã cường thịnh mà lại có vệ binh nghiêm mật, tôi đã sai người ám sát mà không được. Nay may mà túc hạ không bỏ tôi, tôi xin dự thêm xe ngựa, tráng sĩ để phụ tá túc hạ.

Chính đáp:

- Hàn và Vệ cách nhau không xa, nay đi giết tướng quốc của Hàn, mà tướng quốc đó lại là người chí thân của vua Hàn, thì cái thế không nên đi nhiều người. Đi nhiều người thì không sao trốn về hết được, thế nào cũng có kẻ bị bắt; có kẻ bị bắt thì việc sẽ tiết lậu, việc tiết lậu thì hết thảy nước Hàn sẽ coi Trọng Tử là kẻ thù, như vậy chẳng nguy ư?

Rồi từ chối hết xe ngựa và người tuỳ tòng, từ biệt Trọng Tử, một mình ra đi, vác kiếm mà tới Hàn. Vừa lúc Hàn có hội họp ở Đông Mạnh, vua Hàn và tướng quốc đều ở lại đó; những kẻ cầm binh khí hộ vệ rất đông. Nhiếp Chính tiến thẳng vô, bước lên thềm đâm Hàn Khôi, Hàn Khôi chạy, ôm chằm lấy Ai Hầu 31 , Nhiếp Chính đâm trúng Hàn Khôi, trúng cả Ai Hầu; kẻ thị vệ tả hữu náo động lên, Nhiếp Chính hét lớn, đâm chết vài chục người, rồi tự rạch mặt, đâm mắt, đâm bụng lòi ruột ra và chết.

Nước Hàn đem thây Nhiếp Chính phơi ở chợ, treo giải thưởng ngàn vàng cho người nào nhận diện được; thây phơi đã lâu mà không ai nhận diện được. Người chị của Nhiếp Chính hay tin, bảo:

- Em tôi là người hiền, không nên vì tiếc tấm thân của tôi mà làm mai một cái danh của em tôi, em tôi chắc không muốn vậy 32 .

Rồi qua nước Hàn, nhìn thây Nhiếp chính, bảo:

- Dũng cảm thay! Khí phách hùng vĩ còn hơn cả Bôn, Dục, vượt hẳn Thành Kinh 33 ! Nay em chết mà không thành danh; cha mẹ đã mất, anh em trái lại không có ai; thế thì chính là vì chị mà em chết như vậy 34 . Tiếc cái thân mình mà không dương danh cho em, chị nỡ lòng nào mà làm như vậy!

Rồi ôm thây em mà khóc, bảo:

- Người này là em tôi, tên là Nhiếp Chính ở làng Chỉ, xóm Thâm Tỉnh đây.

Và cũng tự sát ở bên cạnh thây em.

Người các nước Tấn, Sở, Tề, Vệ hay tin đó đều khen:

- Không phải chỉ riêng Chính là có dũng khí, người chị cũng là liệt nữ nữa.

Danh của Nhiếp Chính sở dĩ truyền lại đời sau là nhờ người chị không sợ bị băm thây làm mắm mà dương danh cho em vậy.

26     Theo Hứa Khiếu Thiên thì Thâm Tỉnh Lý là tên xóm, hiện nay thuộc tỉnh Hà Nam.

27     Bức bách: đây nên hiểu là rất quan trọng.

28     Tức Nghiêm Toại, Trọng Tử là tên hiệu.

29     Nghĩa là giận đến nỗi muốn giết nhau.

30     Tức Liệt Hầu.

31     Tức Liệt Hầu (theo Hứa Khiếu Thiên).

32     Ý nói không muốn danh bị mai một.

33     (Mạnh) Bôn, (Hạ) Thành Kinh: đều là những dũng sĩ thời cổ. Có sách cho Thành, Kinh là hai người. Theo Hứa Khiếu Thiên thì là một người; không rõ sách nào đúng.

34     Nghĩa là vì chị mà tự huỷ để không ai nhận ra được tên tuổi mình nữa, sợ nhận ra được thì liên luỵ tới chị.


HÀN III

1. CÁI LỢI LÀM TRUNG GIAN TRONG CÁC HOÀ ƯỚC

(Hoặc vị Hàn Công Trọng)

 

Có người bảo Hàn Công Trọng:

- Trẻ sinh đôi rất giống nhau, chỉ người mẹ mới nhận ra được; cái lợi và cái hại rất giống nhau chỉ bậc trí giả mới phân biệt được. Hiện nay, ở nước ông, cái lợi và cái hại giống nhau y như trẻ sinh đôi giống nhau vậy, nếu theo chính đạo mà hành động thì vua được tôn hiển mà thân ông được yên ổn, nếu không theo chính đạo thì vua bị khinh rẻ mà thân ông bị nguy hại. Hiện nay hoà ước giữa Tần và Nguỵ sắp thành, nếu ông không kết thúc nó đi thì Hàn tất sẽ giảng hoà với hai nước đó 35 . Nếu Hàn theo Nguỵ kết thân với Tần thì thành nước phục tòng của Nguỵ, mà Hàn bị khinh, vua hoá ti tiện. Tần đã thân thiện với Hàn, tất sẽ sai người tín cẩn, sủng ái qua cầm quyền nước Hàn để cho thế lực được trọn vẹn, mà sẽ nguy hại cho ông. Nếu ông cùng với An Thành Quân 36 làm chủ hoà ước giữa Tần và Nguỵ, việc mà thành thì nhất định là tốt rồi, mà việc không thành công cũng là tốt nữa. Hoà ước giữa Tần, Nguỵ mà thành và ông lại có công kết thúc nó thì Hàn sẽ thành cửa ngõ của Tần, Nguỵ; địa vị của Hàn sẽ quan trọng mà vua Hàn sẽ được tôn hiển. An Thành Quân, phía đông được Nguỵ trọng, phía tây được Tần quí, như cầm phía mặt tờ khoán 37 , vì ông mà đòi Tần và Nguỵ đền ơn, cắt đất mà phong ông làm chư hầu. Làm cho Hàn, Nguỵ được yên, chung thân làm tướng quốc, chịu nhún mà phụng sự vua 38 , như vậy là vua được tôn hiển mà thân ông được an ổn. Nếu Tần và Nguỵ không tin nhau đến cùng, Tần 39 giận vì không được Nguỵ viện trợ thì tất muốn kết thân với Hàn để tuyệt giao với Nguỵ; Nguỵ không theo Tần tất tìm cách kết thân với Hàn để đề phòng Tần, thì ông tha hồ “lựa vải mà cắt” 40 . Vậy Tần và Nguỵ giảng hoà với nhau thì hai nước đều tranh nhau chiều chuộng ông; cho nên việc thành thì là tốt rồi mà không thành cũng tốt, xin ông đừng nghi ngờ gì nữa.

35     Vì Hàn ở giữa Tần và Nguỵ; Tần, Nguỵ thân nhau thì Hàn không thể đứng một mình được.

36     Chưa rõ là ai.

37     Hồi xưa mỗi tờ bằng khoán chia làm bên phải và bên trái, đương sự mỗi người giữ một bên. Ở đây ý nói là cầm chắc về phần mình.

38     Nghĩa là uy thế của ông quan trọng hơn vua, ông chịu làm tướng quốc, phụng sự vua là chịu nhún đấy. Có sách chú thích là vua Hàn phải nhún mình mà phục vụ ông.

39     Chúng tôi theo Diệp Ngọc Lân. Các bản khác chép đều, xét ra vô lý.

40     “Vải” ở đây chỉ Tần và Nguỵ. Ý nói tha hồ mà chế ngự cả Tần lẫn Nguỵ.


2. CÓ NGƯỜI KHUYÊN HÀN HỢP VỚI TẦN

(Hoặc vị Công Trọng)

 

Có người bảo Công Trọng:

- Có một việc có thể trung với vua, ích cho nước và lợi cho thân, xin ông thi hành đi. Nay các nước trong thiên hạ ly tán nhau mà thờ Tần thì địa vị của Hàn sẽ rất nhỏ; các nước kết hợp với nhau mà xa Tần thì cái thế của Hàn sẽ rất yếu; cứ hợp rồi ly, ly rồi hợp thì tình trạng của Hàn rất nguy và nguy trước nhất; đó là điều lo âu lớn của người làm vua và trị dân.

Nay ông đem Hàn kết hợp trước với Tần, rồi thiên hạ sẽ theo ông; thế là Hàn đem thiên hạ mà thờ Tần, Tần sẽ mang ơn Hàn rất sâu; thành thử Hàn cùng với thiên hạ thờ Tần mà riêng Hàn được nhận cái ơn sâu của Tần. Ông thi hành kế đó thì đối với vua là rất trung.

Nếu thiên hạ không kết hợp với Tần, Tần ra lệnh mà thiên hạ không nghe, thì tất dấy binh để diệt kẻ không phục tòng. Tần kết oán, gây khó với thiên hạ mà lâu không quyết thắng được, trong khi đó Hàn cho binh sĩ, dân chúng nghỉ ngơi để rình kẻ hở 41 của Tần. Ông thi hành kế đó thì đối với nước có ích lớn.

Xưa kia Chu Giảo 42 đem Tây Chu kết thân với Tần mà được phong ở Ngạch Dương 43 . Chu Khải 44 đem Đông Chu kết thân với Tần mà được phong ở Bình Nguyên 45 . Nay Hàn quan trọng hơn hai nước Chu biết bao, mà Tần lại cấp bách lợi dụng cơ hội gấp vạn lần thời Chu trước kia, nếu ông đem Hàn kết hợp trước với Tần thì Tần tất phong ông làm chư hầu để tỏ rõ cho thiên hạ thấy. Ông thi hành kế đó thì rất có lợi cho thân ông. Xin ông gắng sức làm việc ấy đi.

41     Nghĩa là rình lúc nào Tần lầm lẫn mà đánh Tần.

42     Một bề tôi của Tây Chu.

43     Tên đất, hiện nay thuộc tỉnh Sơn Tây.

44     Một bề tôi của Đông Chu.

45     Tên đất ở nước Triệu, nay thuộc tỉnh Sơn Đông.


3. TÔ TẦN BIỆN HỘ CHO HÀN

(Hàn nhân công Tống)

 

Hàn đánh Tống, vua Tần (Chiêu Vương) cả giận, bảo:

- Ta yêu nước Tống ngang với Tân Thành, Dương Tấn. Hàn Mân giao hảo với ta mà lại đánh nước ta rất yêu, là tại sao?

Tô Tần vì Hàn bảo vua Tần:

- Hàn Mân đánh Tống là vì đại vương đấy. Mạnh như Hàn mà có thêm nước Tống thì Sở, Nguỵ tất sợ; sợ tất hướng về phía tây mà thờ Tần, thế là đại vương chẳng gãy một mũi tên, mất một người lính, ngồi không mà được An Ấp. Hàn Mân cầu phúc cho Tần là nghĩa vậy.

Vua Tần hỏi:

- Ta vẫn khó dò được lòng Hàn, lúc liên hoành, lúc hợp tung, thế nghĩa là làm sao?

Đáp:

- Xem tình hình thiên hạ thì vẫn có thể biết được lòng Hàn. Vì Hàn đã đánh Tống rồi thì tất phải quay mặt về phía tây mà thờ Tần, để dựa vào một nước vạn thặng 46 ; không quay mặt về phía tây mà thờ Tần thì dù chiếm được Tống cũng không yên. Các kẻ sĩ bạc đầu ở Trung Quốc đi ngao du khắp nơi, đều vắt óc tính chuyện ly tán Tần và Hàn; những kẻ đánh xe 47 rong ruổi qua phía tây, chưa thấy có người nào nói tốt cho Hàn, còn những kẻ đánh xe rong ruổi qua phía đông thì chưa thấy có người nào nói tốt cho Tần cả. Họ không muốn cho Tần và Hàn kết hợp nhau là tại sao? Tại họ cho là Tấn, Sở mới khôn mà Hàn, Tần là dại. Tấn, Sở mà kết hợp với nhau thì tất dòm ngó Hàn, Tần; Hàn, Tần mà kết hợp với nhau thì tất mưu đánh Tấn, Sở, xin đại vương quyết định lấy.

Vua Tần bảo phải: “Phải”.

46     Chỉ Tần.

47     Nguyên văn là những kẻ buộc ngựa (hay bò) vào cây ngang, vào cái ách ở phía trước xe.


4. LÀM SAO CỨU ĐƯỢC SƠN ĐÔNG?

(Hoặc vị Hàn Vương)

 

Có người bảo vua Hàn:

- Vua Tần muốn xuất quân đánh Lương và muốn đánh ấp Giáng An 48 , Hàn tính sao bây giờ? Tần muốn đánh Hàn để dòm ngó nhà Chu ở phía đông, họ muốn quá lắm rồi, chỉ lúc ngủ mới quên thôi. Nay Hàn không xét mà muốn kết thân với Tần thì tất gây hoạ lớn cho Sơn Đông. Tần muốn đánh Lương là tính chiếm được Lương rồi thì xâm lăng Hàn; sợ Lương không chịu nên làm hại Lương để bắt Lương kết giao thâm thiết với mình 49 . Đại vương không xét lẽ đó mà muốn trung lập, Lương tất giận Hàn không giúp mình và sẽ uốn mình để cho Tần sai bảo; và lúc đó Hàn tất bị chiếm, xin đại vương tính kỹ cho.

Không bằng gấp sai một viên sứ quan trọng qua Triệu, Lương kết ước với nhau, lại làm anh em, khiến cho các nước ở Sơn Đông đều đem binh tinh nhuệ lại đóng giữ biên cương phía tây của Hàn, Lương 50 , không vậy thì không thể cứu Sơn Đông được, đó là kế vạn đời đấy. Tần muốn thôn tính thiên hạ để làm chủ cả thiên hạ, khác với các vua đời xưa 51 , thờ nó dù có như con thờ cha thì nó cũng diệt; hành động dù có như Bá Di thì nó cũng diệt, hoặc dù có như Kiệt, Trụ thì nó cũng diệt. Khéo thờ nó thì cũng vô ích, không thể nhờ vậy mà tự bảo tồn được đâu, mà chính là khiến cho mình càng mau chết thôi. Vậy các nước ở Sơn Đông không biết hợp tung, kết thân với nhau thành như một khối cứng thì tất sẽ đều bị diệt vong hết.

48     Tên đất, nay thuộc tỉnh Sơn Đông.

49     Ý muốn nói Tần đem binh đánh Lương để bắt Lương phục tòng mình, bảo sao cũng phải nghe.

50     Tức chỗ giáp ranh với Tần.

51     Ý nói Tần tàn bạo, không dùng nhân nghĩa như các vị thiên tử đầu đời Chu.


5. MUỐN DỰNG NGHIỆP BÁ THÌ NÊN SỚM THỜ TẦN

(Vị Trịnh Vương)

 

Có người bảo vua Trịnh 52 :

- Chiêu Li Hầu 53 là minh quân trong một đời, Thân Bất Hại 54 là hiền sĩ trong một đời. Hàn và Nguỵ là hai nước ngang hàng nhau, mà Thân Bất Hại cùng với Chiêu Li Hầu cầm ngọc khuê lại yết kiến vua Lương 55 , không phải là thích sự ti tiện mà ghét sự tôn quí, cũng không phải là vụng suy mà tính lầm. Thân Bất Hại mưu tính như vầy: “Ta cầm ngọc khuê yết kiến vua Nguỵ, vua Nguỵ tất tự đắc rằng Hàn phải thần phục mình tất sẽ miệt thị thiên hạ, thế là nguy cho Nguỵ vì chư hầu ghét Nguỵ tất sẽ thờ Hàn, mà ta chịu khuất thân ở dưới một người để được duỗi mình ở trên vạn người. Làm cho binh lực của Nguỵ suy nhược đi và làm cho quyền thế của Hàn mạnh lớn lên, thì không gì bằng triều phục Nguỵ.

Chiêu Li Hầu thi hành kế đó, quả là một vị minh quân; Thân Bất Hại mưu tính việc nước mà bày kế đó ra, quả là một kẻ trung thần. Nước Hàn ngày nay yếu hơn nước Hàn hồi đầu mà nước Tần ngày nay mạnh hơn nước Tần hồi đầu; Tần có cái lòng của vua Lương (tức Nguỵ) 56 mà đại vương cùng các quan không tính việc tôn Tần để cho Hàn được yên ổn, tôi trộm nghĩ rằng đại vương hành động không sáng suốt bằng Chiêu Li Hầu, mà các bề tôi của đại vương trung không bằng Thân Bất Hại 57 (…).

Trong cuộc hội nghị ở Đông Mạnh, Nhiếp Chính và Dương Kiên 58 đâm chết tướng quốc và đâm nhầm cả vua Hàn. Hứa Dị ngầm đá Hàn Ai Hầu, có ý khuyên Ai Hầu giả đò chết, nhờ vậy Ai Hầu thoát nạn. Được lập làm Trịnh Quân 59 và được dân Hàn đều tuân lệnh thì Hứa Dị là người đầu tiên. Ai Hầu làm vua mà Hứa Dị suốt đời làm tướng quốc, dân Hàn tôn trọng Hứa Dị cũng bằng tôn trọng Ai Hầu. Hiện nay ta tuy không có cái thế làm được như Trịnh Quân (tức Hứa Dị) nhưng vẫn còn có thể suốt đời được làm tướng quốc ở Hàn, vậy mà ta không làm, há chẳng là tính lầm ư 60 .

Xưa Tề Hoàn Công chín lần họp chư hầu mà chưa hề không theo lệnh Chu Tương Vương; vậy thì tuy tôn trọng Chu Tương Vương mà đã dựng được nghiệp bá. Chư Hầu chín lần hội họp tôn Hoàn Công cũng như tôn Tương Vương vậy. Ngày nay không thể làm được thiên tử, nhưng còn làm được như Hoàn Công, mà ta không làm như Hoàn Công, thì há không phải là tính lầm, không biết cái gì là tôn quí ư?

Nhân sĩ nước Hàn được vài chục vạn, đều tôn thờ Ai Hầu làm vua, mà riêng Hứa Dị được giữ chức tướng quốc, nguyên do có gì lạ đâu; các vua chư hầu đều làm quan cho nhà Chu mà riêng Hoàn Công được làm bá chủ, nguyên do cũng không có gì khác. Hiện nay cường quốc (tức Tần) muốn cái uy thế đế vương, nếu ta đem nước qui phục cường quốc đó trước hết thì có khác gì Hoàn Công, Hứa Dị, như vậy chẳng là khéo tính ư?

Là nước đầu tiên giúp cường quốc, ta được cái lợi là nếu cường quốc lập được vương nghiệp thì ta tất sẽ làm bá; nếu cường quốc không lập được vương nghiệp thì ta cũng tránh được hoạ binh đao vì nước đó sẽ không đánh ta. Vậy cường quốc mà thành công thì ta tôn nước đó làm đế mà ta xưng là bá; cường quốc mà không thành công thì sẽ mang ơn ta rất sâu. Kết thân với cường quốc, cường quốc mưu việc mà thành thì ta có lợi, chẳng thành thì ta cũng khỏi lo. Vậy thì nước nào đầu tiên giúp cường quốc là biết cái kế hoạch của thánh nhân đấy.

52     Tức vua Hàn vì Trịnh lúc này đã bị Hàn diệt rồi.

53     Tức Hàn Chiêu Hầu.

54     Thân Bất Hại: là tổ của bọn Pháp gia, tức bọn chính trị gia chủ trương dùng hình pháp để trị dân, trái với bọn Nho gia chủ trương dùng nhân nghĩa để trị dân; Thân làm tướng quốc cho Hàn Chiêu Hầu, giúp Hàn trở nên mạnh.

55     Tức Lương Huệ Vương. Hồi đó đế vương phong chư hầu thì cấp cho một viên ngọc khuê để làm bằng; khi chư hầu tới triều kiến đế vương thì cầm viên ngọc đó. Vậy là Chiêu Li Hầu chịu cúi mình thần phục vua Nguỵ (tức vua Lương).

56     Nghĩa là muốn được nước khác phục mình.

57     Bài này với bài sau, theo bản Diệp Ngọc Lân (Quảng Ích thư cục) gom lại làm một, mà theo bản Cao Dụ (Thương Dụ ấn thư quán) và bản Hứa Khiếu Thiên (Tân Lục thư cục) chép rời làm hai; bài sau bắt đầu từ câu: “Trong cuộc hội nghị ở Đông Mạnh…”.

Chúng tôi cũng tách rời làm hai, nhưng theo một cách khác: tách một đoạn ở giữa ra – tức ở chỗ có đánh dấu này (…) – cho vô bài sau vì nội dung của nó khác hẳn nội dung trong hai đoạn trên và dưới nó. (Đại ý trong đoạn giữa đó là: có hai cách tấn công; còn đại ý hai đoạn đầu và cuối là khuyên nên sớm thờ Tần).

58     Dương Kiên: là người giúp Nhiếp Chính giết Hàn Khôi (coi bài Vệ II 18). Có sách chép là Dương Thụ vì chữ thụ «» hơi giống chữ kiên «».

59     Kinh đô của Hàn ở nước Trịnh (lúc đó Hàn đã chiếm được Trịnh), cho nên gọi Hàn là Trịnh…

60     Ý nói, ta nên noi gương Hứa Dị, giúp một cường quốc để hễ cường quốc đó thành công thì ta sẽ được hưởng tước lộc của cường quốc đó mãi mãi.


6. HAI CÁCH TẤN CÔNG

(Tích giả, Tần Mục Công nhất thắng ư Hàn Nguyên)

 

(Có người bảo vua Trịnh:)

- Xưa kia Tần Mục Công một lần thắng ở Hàn Nguyên 61 ; mà xưng bá ở Tây Châu 62 . Tấn Văn Công một lần thắng ở Thành Bộc mà an định được thiên hạ; như vậy là một lần thắng mà lập được pháp lệnh tôn nghiêm, gây được công danh sự nghiệp. Nay Tần đã mấy đời cường thịnh, đại thắng các nước khác cả ngàn lần, tiểu thắng cả trăm lần, lớn thì không thành vương nghiệp mà nhỏ cũng không thành bá nghiệp, cái danh vị tôn nghiêm không lập nên được, cái chế độ pháp lệnh không thi hành được. Nhưng mà thời Xuân Thu dùng binh không phải để cho vua được tôn nghiêm, thành danh trong thiên hạ 63 .

Xưa kia tiên vương đánh đâu thì hoặc là vì danh, hoặc là vì thực. Vì danh thì tấn công cái lòng của địch (bắt phải hàng phục mới thôi); vì thực thì tấn công về hình thể (để chiếm đất của địch).

Xưa kia Ngô và Việt đánh nhau, Việt đại bại, còn giữ được phía trên miền Cối Kê, người Ngô vô nước Việt, vỗ về dân Việt, vua Việt (Câu Tiễn) sai quan đại phu là Chủng xin đầu hàng Ngô, đàn ông thì làm nô bộc cho Ngô, đàn bà thì làm tì thiếp cho Ngô, vua Việt thân hành cầm lễ vật mà theo sau kẻ tuỳ tùng vua Ngô (Phù Sai). Ngô bằng lòng giảng hoà với Việt mà không bắt kết ước ăn thề, như vậy là tấn công cái lòng của địch.

Sau Việt đánh nhau với Ngô, Ngô đại bại, cũng xin đàn ông thì làm nô bộc cho Việt, đàn bà thì làm tì thiếp cho Việt, dùng lại cái lễ trước kia Việt thờ Ngô để đem thờ Việt. Việt không chịu, rồi diệt nước Ngô, cầm tù vua Ngô là Phù Sai, như vậy là tấn công về hình thể.

Nay đại vương tính tấn công 64 về lòng ư? Thì nên làm như Ngô. Tính tấn công về hình thể ư? Thì nên làm như Việt. Tấn công về hình thể không làm như Việt mà tấn công về lòng lại cũng không làm như Ngô, mà vua tôi, trên dưới, già trẻ, sang hèn đều hô lớn là muốn lập sự nghiệp bá vương thì tôi trộm nghĩ rằng không khác chi kẻ ở đáy giếng mà bảo: “Tôi đi kiếm lửa cho ông đây”.

61     Hàn Nguyên: nay thuộc tỉnh Sơn Tây.

62     Tây Châu: tức Tây Nhung, chỉ các rợ ở phía tây.

63     Nguyên văn: Xuân Thu dụng binh giả. Chúng tôi theo Diệp Ngọc Lân dịch là: Thời Xuân Thu dùng binh… Hứa Khiếu Thiên cho chữ xuân thu đó nghĩa là mùa xuân mùa thu, tức: mỗi năm dùng binh…

Đoạn này tối nghĩa, chúng tôi không nhận ra được mạch văn ra sao.

64     Không rõ lúc đó Trịnh tính tấn công nước nào.


23. KHÔNG BIẾT DÙNG SỞ TRƯỜNG

(Đoàn Can Việt Nhân vị Tân Thành Quân)

 

Đoàn Can Việt Nhân 65 bảo Tân Thành Quân 66 :

- Học trò của Vương Lương 67 đánh xe mà dùng ngựa thiên lý, gặp học trò của Tháo Phủ 68 . Học trò của Tháo Phủ bảo: “Ngựa đó không phải là ngựa thiên lý”. Học trò Vương Lương bảo: “Ngựa đó là ngựa thiên lý, hai con ở giữa cũng là ngựa thiên lý, không chạy được ngàn dặm là tại sao?”. Đáp: “Là vì không biết dùng sở trường của ngựa”. Không biết dùng cái sở trường vào việc, dù chỉ là một phần trong vạn phần, cũng khó mà đi được ngàn dặm; nay tôi tuy bất tiếu cũng là một phần trong vạn phần của nước Tần, mà tướng quốc không cởi mở những chướng ngại cho tôi tức là không biết dùng chỗ sở trường của tôi vậy.

65     Đoàn Can Việt Nhân: là người nước Nguỵ, lúc đó ở tại nước Tần. Đoàn Can là họ, Việt Nhân là tên.

66     Tân Thành Quân: tức Hoa Dương Quân là người thân tín của Tuyên thái hậu nước Tần.

67     Vương Lương là người giỏi đánh xe thời cổ.

68     Tháo Phủ cũng là người giỏi đánh xe ở đời Chu Mục Vương.

--------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét