Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

CHƯƠNG III - TỀ SÁCH

 


CHƯƠNG III

TỀ SÁCH

Chu Vũ Vương (1134-1115) phong Thái Công Vọng ở đất Tề, (đô ở Doanh Khâu nay thuộc tỉnh Sơn Đông, huyện Lâm Tri).

Thời Chiến Quốc, một bề tôi của Tề, họ Điền, chiếm ngôi vua.

Sau Tề thành một trong thất hùng.

Đất của Tề nay nằm một phần trên tỉnh Sơn Đông, một phần trên tỉnh Hà Bắc, phía đông nam giáp biển.

Cuối đời Chiến Quốc Tề bị Tần diệt.

TỀ I

3. NƯỚC VỚI CÁ

(Tĩnh Quách Quân tương thành Tiết)

Tĩnh Quách Quân 1 muốn xây thành Tiết, trong số khách có nhiều người can ngăn. Tĩnh Quách Quân ra lệnh cho người hầu hễ có khách nào muốn can ngăn thì đừng cho vô. Có người nước Tề xin rằng: “Cho tôi được nói ba tiếng thôi. Nếu tôi nói thêm một tiếng thì xin cứ luộc tôi đi”.

Tĩnh Quách Quân bèn cho vô. Ông khách tiến tới, nói:

- Biển cá lớn.

Rồi quay lưng chạy.

Tĩnh Quách Quân gọi lại:

- Mời khách ở lại.

Khách đáp:

- Kẻ thô bỉ này không dám đùa với cái chết.

Tĩnh Quách Quân bảo:

- Không sao. Cứ nói tiếp đi.

Đáp:

- Ngài không nghe nói loài cá lớn chăng? Lưới không bủa được nó, câu không kéo được nó, nhưng nếu nó xông xáo mà sa vào chỗ cạn thì con dế, con kiến có thể bu lại hành hạ nó. Nước Tề nay đối với ngài cũng như nước đối với con cá lớn đấy. Ngài còn nước Tề thì đất Tiết này có kể chi, nếu mất Tề thì dù có cất thành Tiết cao tới đụng trời cũng vô ích.

Tĩnh Quách Quân khen:

- Phải.

Rồi dẹp việc xây thành Tiết.

1

Tĩnh Quách Quân: tức Điền Anh, được phong ở đất Tiết, muốn xây thành Tiết cho thật kiên cố. Tiết là một miền của Tề, tại đó có tôn miếu của các vua Tề. Điền Anh chỉ nghĩ cách củng cố địa vị của mình mà không nghĩ đến nước Tề. Bài này có chép trong thiên Thuyết lâm hạ, bộ Hàn Phi Tử.


5. TỀ MẠO BIỆN CỨU TRI KỶ

(Tĩnh Quách Quân thiện Tề Mạo Biện)

Tĩnh Quách Quân rất tương đắc với Tề Mạo Biện. Tề Mạo Biện có nhiều tật, người trong nhà Tĩnh Quách Quân thấy vậy không vui. Sĩ Uý vạch rõ những tật ấy, Tĩnh Quách Quân không nghe, Sĩ Uý bèn cáo từ mà bỏ ra đi. Mạnh Thường Quân 2 cũng lựa lời cản ngăn, Tĩnh Quách Quân nổi giận:

- Các người chết đi, đừng phá nhà ta. Nếu có thể ân hận vì Tề Mạo Biện thì ta cũng làm, chứ không từ.

Rồi cho Tề Mạo Biện ở phòng tốt nhất, sai con trưởng là Ngự sáng chiều hầu hạ cơm nước.

Được vài năm, Uy Vương mất, Tuyên Vương lên ngôi, Tĩnh Quách Quân rất không được lòng Tuyên Vương, từ chức mà lại về đất Tiết, cùng ở với Tề Mạo Biện. Không được bao lâu, Tề Mạo Biện từ tạ, xin đi để yết kiến Tuyên Vương. Tĩnh Quách Quân bảo:

- Nhà vua vốn ghét Anh này lắm, ông đi thì chắc chết đấy.

Tề Mạo Biện đáp:

- Tôi vốn không mong sống, xin cứ cho tôi đi.

Tĩnh Quách Quân ngăn không được.

Tề Mạo Biện tới Tề, Tuyên Vương hay tin, nén giận mà đợi. Tề Mạo Biện vô yết kiến. Vua Tề hỏi:

- Ông là người được Tĩnh Quách Quân yêu quý, nói gì cũng nghe, phải không?

Tề Mạo Biện đáp:

- Yêu thì có mà nghe thì không. Hồi đại vương còn là thái tử, Biện tôi có bảo Tĩnh Quách Quân rằng: “Thái tử có tướng bất nhân, má phị mà mắt húp như mắt heo, tướng đó là tướng phản bội, nên phế thái tử mà lập con bà Vệ Cơ, tên là Giao Sư” 3 . Tĩnh Quách Quân khóc mà đáp rằng: “Không nên, tôi không nhẫn tâm được”. Nếu nghe lời Biện tôi mà làm thì đâu có cái lo ngày nay? Đó là một chuyện. Đến đất Tiết, Chiêu Dương 4 xin đem đất rộng gấp mấy lần đất Tiết để đổi lấy đất Tiết. Biện tôi lại khuyên: “Nên đổi đi”. Tĩnh Quách Quân đáp: “Đất Tiết do tiên vương 5 phong cho, bây giờ tuy bị hậu vương 6 ghét, chết đi (xuống âm phủ) tôi biết trả lời tiên vương ra sao? Vả lại miếu của tiên vương ở đất Tiết, tôi lẽ nào lại đem miếu của tiên vương mà giao cho Sở?”. Lại không nghe Biện tôi nữa. Thế là hai chuyện.

Tuyên Vương cảm động hiện ra nét mặt, bảo:

- Tĩnh Quách Quân đối với quả nhân một lòng như vậy ư? Quả nhân nhỏ tuổi không được hay chuyện đó. Ông có thể vì quả nhân mà vời Tĩnh Quách Quân về triều không?

Tề Mạo Biện đáp:

- Xin vâng.

Tĩnh Quách Quân bận áo mão của Uy Vương ban cho, đeo kiếm cũng của Uy Vương ban, Tuyên Vương thân hành ra đón ở ngoài thành, trông thấy mà khóc. Tĩnh Quách Quân tới, vua mời ông làm tướng quốc, Tĩnh Quách Quân từ chối không được, phải nhận; được bảy ngày lại cáo bệnh, hết sức từ chức không được, ba ngày sau đành phải vâng lời vua. Lúc đó Tĩnh Quách Quân đáng gọi là biết xét người. Biết xét người cho nên vì người bị chê bai mà vẫn không đổi ý. Còn Tề Mạo Biện kia tuy là thấp hèn mà vui vẻ sẵn sàng cứu được hoạn nạn cho người.

2

Mạnh Thường Quân: tên là Điền Văn, con của Điền Anh, tức Tĩnh Quách Quân.

3

Vệ Cơ: là vợ thứ của Uy Vương. Giao Sư là con của Vệ Cơ, em của Tuyên Vương.

4

Chiêu Dương: là một tướng của vua Sở.

5

Tiên vương: trỏ Uy Vương.

6

Hậu Vương: trỏ Tuyên Vương, con của Uy Vương.

6. TỀ CỨU TRIỆU MÀ HẠI CẢ TRIỆU LẪN NGUỴ

(Hàm Đan chi nan)

Khi Hàm Đan (của Triệu) bị (Nguỵ) vây, Triệu cầu cứu với Tề. Điền Hầu 7 vời các quan đại thần vô hỏi:

- Nên cứu hay không nên cứu Triệu?

Trâu Tử 8 đáp:

- Đừng cứu là hơn.

Đoàn Can Luân đáp:

- Không cứu thì không có lợi cho ta.

Điền Hầu hỏi:

- Sao vậy?

- Nếu Nguỵ chiếm Hàm Đan thì có lợi gì cho ta không?

- Phải.

Rồi Điền Hầu ra lệnh cho quân đóng ở ngoài thành Hàm Đan.

Đoàn Can Luân bảo:

- Thần bàn về lợi và không lợi, nghĩa không phải vậy. Cứu Hàm Đan mà đóng quân ở ngoài thành như thế thì Triệu không mất mà Nguỵ không bị thiệt chút gì. Cho nên không bằng đem quân xuống phía nam tấn công Trương Lăng để cho Nguỵ quân mệt mỏi. Hàm Đan bị chiếm mà quân Nguỵ mệt mỏi, thì Triệu mất nước mà Nguỵ suy yếu.

Điền Hầu khen phải, rồi đem quân xuống phía nam tấn công Trương Lăng. Bảy tháng sau Hàm Đan mất. Tề nhân Nguỵ mệt mỏi, đại phá quân Nguỵ ở Quế Lăng.

7

Điền Hầu: tức Tề Uy Vương.

8

Tức Trâu Kị. Sử ký chép là Sô Kị.


8. CÔNG TÔN HÃN MƯU HẠI ĐIỀN KỊ

(Thành Hầu Trâu Kị vi Tề tướng)

Thành Hầu là Trâu Kị làm tể tướng nước Tề, Điền Kị 9 làm tướng quân, hai người không vừa ý nhau. Công Tôn Hãn bảo Trâu Kị:

- Sao ông không bàn với vua đem quân đánh Nguỵ? Thắng thì do mưu kế của ông mà ông có thể được thưởng công; không thắng thì là Điền Kị không chịu mạnh tiến mà tử chiến, như vậy là phạm quân pháp tất bị giết.

Trâu Kị cho là phải, thuyết với vua sai Điền Kị đánh Nguỵ, Điền Kị ba lần đánh ba lần thắng. Trâu Kị cho Công Tôn Hãn hay. Công Tôn Hãn sai người cầm mười nén vàng ra chợ bói một quẻ, nói với thầy bói: “Tôi là người của ông Điền Kị đây. Chủ tôi ba lần đánh Nguỵ, ba lần thắng, danh tiếng chấn động thiên hạ, nay muốn mưu đại sự, thầy bói cho một quẻ xem có tốt không?”

Thầy bói đi báo người đi coi bói. Họ khai hết trước mặt vua. Điền Kị phải bỏ nước trốn đi.

9

Điền Kị: là tướng của Tề, có thuyết cho rằng Điền Kị chính là Trần Thần Tư.


12. TRÂU KỊ KHUYÊN VUA TỀ NGHE LỜI CAN GIÁN

(Trâu Kị tu bát xích)

Trâu Kị thân cao trên tám thước, dong mạo đẹp đẽ. Một buổi sáng bận áo đội mão ngắm trong gương rồi hỏi vợ:

- Tôi và Từ Công ở phía bắc thành, ai đẹp hơn ai?

Vợ đáp:

- Mình đẹp lắm, Từ Công sao bằng mình được!

Từ Công ở phía bắc thành là người nổi tiếng đẹp trai của nước Tề.

Kị không tin, lại hỏi người thiếp:

- Tôi với Từ Công, ai đẹp hơn ai?

Người thiếp đáp:

- Từ Công làm sao đẹp bằng ông được!

Hôm sau có khách tới chơi, cùng ngồi đàm đạo. Kị hỏi khách:

- Tôi với Từ Công, ai đẹp hơn ai?

Khách đáp:

- Từ Công không đẹp bằng ông.

Hôm sau nữa, Từ Công lại chơi. Kị ngắm kĩ ông ta, tự cho mình không đẹp bằng, liếc ngó dong mạo mình trong gương lại càng thấy mình kém xa.

Đêm nằm suy nghĩ:

- Vợ lớn khen ta đẹp là tư vị với ta; vợ nhỏ khen ta đẹp là vì sợ ta; khách khen ta đẹp là vì muốn cầu cạnh ta.

Hôm sau vô triều, yết kiến Uy Vương, tâu:

- Thần biết chắc mình không đẹp bằng Từ Công. Vợ lớn của thần tư vị thần, vợ nhỏ của thần sợ thần, khách của thần muốn cầu cạnh thần, cho nên đều khen thần là đẹp hơn Từ Công. Nay nước Tề vuông ngàn dặm, có tới một trăm hai chục thành, cung nữ và kẻ tả hữu trong cung có ai là không tư vị với đại vương; bề tôi ở triều đình có ai là không sợ đại vương; người trong bốn cõi có ai là không cầu cạnh đại vương. Xét như vậy thì biết đại vương bị che lấp quá lắm rồi!

Uy Vương đáp:

- Đúng.

Rồi ra lệnh: “Quan lại và dân chúng ai chỉ trích thẳng vào mặt quả nhân một lỗi nào thì được thưởng hạng nhất; ai mà dâng thư can gián quả nhân thì được thưởng hạng nhì; ai mà chê bai quả nhân ở chợ hoặc ở triều đình, mà đến tai quả nhân thì được thưởng hạng ba”.

Lệnh mới ban, quần thần tới can gián, cửa cung náo nhiệt như cảnh chợ; ít tháng sau lời can gián giảm bớt, một năm sau, dù có muốn nói cũng không có gì để can gián.

Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ hay tin đều lại triều kiến vua Tề. Như vậy là “chiến thắng ngay tại triều”.



16. TÔ TẦN THUYẾT VUA TỀ THEO HỢP TUNG

(Tô Tần vi Triệu hợp tung)



Tô Tần thay vua Triệu, thuyết Tề Tuyên Vương theo kế hoạch hợp tung:

- Tề, phía nam có núi Thái Sơn, phía đông có núi Lang Nha, phía tây có sông Thanh Hà, phía bắc có biển Bột Hải 10 , như vậy là một “nước có bốn bề hiểm trở”. Đất Tề rộng hai ngàn dặm, binh lính được vài chục vạn, lúa chất như gò núi, chiến xa của Tề tốt, cùng với năm nước kia 11 , tiến nhanh như tên, tấn công mạnh như sấm chớp, ào tới như mưa gió, như có chiến tranh thì cũng vị tất vượt được núi Thái Sơn, cắt đứt được sông Thanh Hà, qua được biển Bột Hải. Bảy vạn nhà ở Lâm Tri, thần đoán phỏng chừng mỗi nhà ít nhất có đến ba người trai trẻ, vậy là cả thảy có ba bảy hai mươi mốt vạn. Không cần bắt lính ở các huyện xa, nội Lâm Tri cũng được hai mươi mốt vạn rồi. Lâm Tri rất giàu và súc tích đầy đủ, không người dân nào là không thổi ống vu, gảy đàn sắt, đàn cầm, đàn trúc, chọi gà, đua chó, chơi trò lục kỳ 12 , đá cầu. Đường Lâm Tri náo nhiệt, bánh xe qua lại sát nhau, người chen vai nhau, vai áo tiếp nhau thành như bức màn, tay áo đưa lên thành bức rèm, mồ hôi vẩy ra thành mưa, nhà nào cũng đôn hậu, giàu có, người nào cũng có chí khí hiên ngang. Nhờ đức hiền minh của đại vương với sự cường thịnh của nước Tề nên không nước nào chống nổi Tề. Nay Tề quay về phía tây 13 mà thờ Tần, thần trộm vì đại vương mà lấy làm nhục.

Vả lại, Hàn, Nguỵ sở dĩ sợ Tần là vì biên giới tiếp với Tần, xuất binh mà đánh nhau thì chỉ trong mười ngày là cái cơ thắng bại, tồn vong quyết định được rồi. Hàn, Nguỵ đánh mà thắng Tần thì binh cũng mất một nửa mà không giữ được biên giới bốn bề; đánh mà không thắng thì tất là mất nước. Cho nên Hàn, Nguỵ sợ việc chiến tranh với Tần mà thần phục Tần.

Tần mà đánh Tề, thì sự thể khác hẳn: phía sau có Hàn, Nguỵ quấy rối, lại phải qua miền Dương Tấn 14 của Vệ, và miền Cang Phụ 15 hiểm trở, đường hẹp, xe không tránh nhau được, ngựa không chạy hàng hai được, một trăm người giữ chỗ hiểm yếu thì ngàn người không qua được. Tần muốn vào sâu thì phải lấm lét như chó sói, coi chừng Hàn, Nguỵ tập hậu. Vì vậy chỉ làm bộ giậm doạ, mà không dám tiến, và Tần không hại Tề được, lẽ đó minh bạch rồi.

Không xét kỹ cái thế của Tần không làm gì được Tề mà muốn quay về hướng tây thờ Tần, thế là quần thần nước Tề tính sai rồi. Nay (kế hoạch của thần là làm cho) Tề không mang tiếng thờ Tần mà có cái thực lực của một cường quốc, thần xin đại vương thử lưu ý tới.

Vua Tề đáp:

- Quả nhân vụng tính, nay ông đem lời của vua Triệu ban bảo cho, quả nhân xin kính đem xã tắc để theo kế hoạch hợp tung.


10. Lang Nha: tên núi, nay ở tỉnh Sơn Đông; Thanh Hà: ở phía tây nước Tề, nước sâu và trong nên có tên đó. Bột Hải: là một cái biển ở Sơn Đông.


11. Tức những nước: Triệu, Hàn, Nguỵ, Yên, Sở.


12. Một trò đánh cờ, mỗi bên dùng sáu quân cờ, một bên trắng, một bên đen.


13. Vì Tần ở phía Tây của Tề.


14. Dương Tấn: vốn là đất của Vệ, nay ở tỉnh Sơn Đông.


15. Cang Phụ: là đất của Tề, nay cũng ở Sơn Đông.



17. TRƯƠNG NGHI THUYẾT VUA TỀ THEO LIÊN HOÀNH

(Trương Nghi vi Tần liên hoành)

Trương Nghi thay vua Tần thuyết vua Tề Mẫn Vương theo kế hoạch liên hoành:

- Cường quốc trong thiên hạ, không nước nào hơn Tề; bậc đại thần, bậc cha anh đông đúc giàu có, vui vẻ, không nước nào hơn Tề. Nhưng đại vương đã tính sai, chỉ nghĩ đến việc nhất thời, không lo tới cái lợi vạn đại. Bọn theo kế hoạch hợp tung tất bảo đại vương rằng nước Tề, phía tây có nước Triệu hùng cường, phía nam có Hàn, Nguỵ, lại là một nước dựa vào bể. Đất rộng, dân đông, binh lính mạnh mẽ, dũng cảm, tuy có trăm nước Tần cũng không làm gì được Tề. Đại vương nghe lời đó mà không xét cái thực tại. Bọn hợp tung liên kết với nhau thì không ai không cho hợp tung là nên. Nhưng thần nghe nói, Tề với Lỗ ba lần đánh nhau, Lỗ ba lần thắng, mà sau đó Lỗ hoá ra nguy vong, là vì tuy có cái danh là thắng mà thực tế thì là mất. Tại sao vậy? Là vì Tề lớn mà Lỗ nhỏ.

Nay Triệu so với Tần, thì cũng không khác gì Lỗ so với Tề. Tần, Triệu đánh nhau ở phía trên Hà Chương 16 , đánh hai lần, thắng Tần hai lần, đánh ở phía dưới Phiên Ngô 17 , đánh hai lần, thắng Tần hai lần. Nhưng sau bốn lần chiến thắng đó, Triệu mất vài chục vạn quân, chỉ còn giữ được đất Hàm Đan, thành thử tuy có cái danh là thắng Tần mà sự thực là nước bị tàn phá. Tại sao vậy? Là vì Tần mạnh mà Triệu yếu.

Nay Tần và Sở thông hôn với nhau 18 thành hai nước anh em. Hàn dâng đất Nghi Dương, Nguỵ dâng đất Hà Ngoại 19 . Triệu tới Mãnh Trì 20 để triều kiến vua Tần, lại cắt đất Hà Gian để thờ Tần. Nếu đại vương không thờ Tần, Tần sẽ xua Hàn, Nguỵ đánh miền nam của Tề, thống suất hết binh mã của Triệu, qua Hà Quan mà tiến về Bác Quan 21 ; Lâm Tri, Tức Mặc 22 sẽ không còn là đất của đại vương nữa. Khi mà quí quốc bị công phá thì dù có muốn thờ Tần thì cũng không được nữa. Cho nên thần xin đại vương nghĩ kỹ lại.

Vua Tề đáp:

- Tề là nước hẻo lánh, thô lậu ở trên bờ Đông Hải, chưa được nghe cái lợi lâu dài cho xã tắc. Nay quí khách vui lòng lại chỉ bảo cho, xin đem xã tắc để thờ Tần.

Rồi đem một miền ba trăm dặm có nhiều lợi về cá và muối mà dâng Tần.


16. Hà Chương: là tên con sông bắt nguồn từ Sơn Tây, chảy qua Hà Nam, Trực Lệ rồi rót vô Bột Hải.


17. Phiên Ngô: thuộc về nước Triệu, nay ở Trực Lệ.


18. Trương Nghi có nói với Sở Hoài Vương nếu liên kết với Tần thì sẽ tâu với vua Tần gả con gái cho Sở Hoài Vương.


19. Hà Ngoại: chỉ miền phía nam sông Hoàng Hà.


20. Mãnh Trì: là tên thành, nay ở Hà Nam.


21. Hà Quan: là miền Thành Hà; Bác Quan: nay ở Sơn Đông. Có sách chép là Đoàn Quan.


22. Tức Mặc: là đất của Tề, nay ở Sơn Đông.


TỀ II

2. TRƯƠNG NGHI LẬP MƯU ĐỂ ĐƯỢC VŨ VƯƠNG TIN DÙNG

(Trương Nghi sự Tần Huệ Vương)

Trương Nghi thờ Tần Huệ Vương. Huệ Vương mất, Vũ Vương lên ngôi. Kẻ tả hữu của Vũ Vương ghét Trương Nghi, tâu với Vũ Vương:

- Nghi thờ tiên vương mà không trung…

Nói chưa hết câu thì sứ giả của Tề cũng vừa tới để trách Vũ Vương sao dùng Trương Nghi làm tể tướng. Trương Nghi nghe được, bảo Vũ Vương:

- Nghi tôi có một kế ngu, xin dâng đại vương.

Vũ Vương hỏi:

- Kế ra sao?

Đáp:

- Tính việc xã tắc, thì có gây đại biến ở phía đông 23 , đại vương mới có cơ hội cắt được nhiều đất. Nay vua Tề (Mẫn Vương) rất ghét Nghi tôi, Nghi tôi ở đâu thì tất đem binh đánh đó, cho nên Nghi tôi xin đem cái thân bất tài này qua Lương 24 , như vậy Tề tất đem quân đánh Lương. Quân Tề và quân Lương cầm chân nhau ở dưới thành, đại vương thừa lúc đó đánh Hàn, vô đất Tam Xuyên, đem binh ra khỏi ải Hàm Cốc, chẳng cần đánh cũng chiếm được Chu, chở hết đồ tế tự, bắt được thiên tử, lấy bản đồ cùng sổ sách, thế là thành nghiệp đế vương.

Vua Tần khen hay. Rồi sửa soạn cho ba chục binh xa để Trương Nghi qua Lương.

Tề quả nhiên đem binh đánh Lương, vua Lương lo sợ. Trương Nghi bảo:

- Xin đại vương đừng lo, tôi có kế làm cho Tề phải lui binh.

Rồi sai một người tay chân tên là Phùng Hỉ qua Sở, rồi từ Sở qua Tề. Xong công việc Tề, Sở rồi, Phùng Hỉ nhân cơ hội, bảo vua Tề:

- Đại vương rất ghét Nghi, nhưng (chính) đại vương đã uỷ thác Nghi cho vua Tần một cách thực là trọng hậu.

Vua Tề hỏi:

- Quả nhân rất ghét Nghi, Nghi ở đâu thì quả nhân đem quân đánh đó, vậy thì làm sao bảo là quả nhân uỷ thác Nghi cho vua Tần?

Đáp:

- Chính vậy là uỷ thác Nghi đấy. Khi Nghi ra khỏi Tần, có hứa với vua Tần rằng: “Mưu tính giúp đại vương thì có gây biến ở phía đông, đại vương mới có cơ hội cắt được nhiều đất. Vua Tề rất ghét Nghi tôi; Nghi tôi ở đâu thì tất đem quân đánh đó; cho nên Nghi tôi xin đem cái thân bất tài này qua Lương, như vậy Tề tất đem quân đánh Lương. Quân Tề và quân Lương cầm chân nhau ở dưới thành, không dám nghỉ ngơi, đại vương thừa lúc đó đánh Hàn, vô đất Tam Xuyên, đem binh ra khỏi ải Hàm Cốc, chẳng cần đánh cũng chiếm được Chu, chở đồ tế tự, bắt được thiên tử, lấy bản đồ cùng sổ sách, thế là thành nghiệp đế vương”. Vua Tần cho kế đó là phải, sửa soạn cho ba chục binh xa để Nghi qua Lương. Quả nhiên Tề đánh Lương. Thế là đại vương ở trong tự làm cho mình suy nhược mà đánh nước liên kết với mình, mở rộng đất của nước giáp ranh với mình để tự hại mình, mà làm cho Nghi được vua Tần càng tin. Vậy thần bảo rằng đại vương uỷ thác Nghi cho vua Tần.

Vua Tề bảo: Phải.

Rồi thôi không đánh Lương nữa.

23. Phía đông trỏ lục quốc, đều ở phía đông Hào Sơn của Tần.


24. Lương (hoặc Đại Lương) là kinh đô của Nguỵ, vì vậy cũng có chỗ Lương trỏ Nguỵ.


4. VẼ RẮN THÊM CHÂN

(Chiêu Dương vi Sở phạt Nguỵ)

Chiêu Dương vì Sở mà đánh Nguỵ, phá quân giết tướng, chiếm được tám thành, rồi chuyển quân qua đánh Tề. Trần Chẩn do vua Tề (Mẫn Vương) sai qua yết kiến Chiêu Dương, lạy Chiêu Dương hai lạy, mừng Chiêu Dương đã chiến thắng Nguỵ, rồi đứng dậy hỏi về pháp lệ của Sở:

- Phá quân giết tướng thì được chức tước gì?

Chiêu Dương đáp:

- Chức thì là Thượng trụ quốc, tước thì là Thượng chấp khuê 25 .

- Cao sang hơn chức đó là chức gì?

- Chỉ có chức lệnh doãn 26 mà thôi!

Trần Chẩn bảo:

- Chức lệnh doãn sang thật, nhưng vua Sở không đặt hai chức lệnh doãn. Tôi xin trộm đưa tỉ dụ này để ông hiểu. Sở có người cúng giỗ xong rồi cho bọn người nhà một chén rượu. Bọn người nhà bảo nhau: “Mấy người uống thì không đủ, một người uống thì dư. Bây giờ đây, chúng ta vẽ một con rắn trên đất, ai vẽ xong trước thì được uống”. Một người vẽ xong trước, lấy rượu uống, tay trái cầm chén, tay phải vẽ thêm vào hình con rắn, bảo: “Tôi có thể vẽ thêm chân cho nó”. Vẽ chưa xong thì một người khác đã vẽ xong rắn, giật lấy chén rượu, bảo: “Rắn vốn không có chân, sao anh lại vẽ chân cho nó?”. Rồi uống hết chén rượu, thế là người vẽ rắn thêm chân kia mất uống. Nay ông giúp Sở mà đánh Nguỵ, phá quân, giết tướng, được tám thành mà quân lính không suy nhược; ông lại muốn đánh Tề, Tề sợ ông lắm, vì vậy danh ông vang lừng, như vậy là đủ rồi, còn chức không thể cao hơn được nữa. Ông cầm quân lần nào cũng thắng mà không biết dừng lại, tới khi thân chết rồi, tước về người sau, thì có khác gì vẽ rắn thêm chân không?

Chiêu Dương cho là phải, lui binh về.


25. Thượng chấp khuê: thời xưa những quan lớn vô triều, tay cầm một phiến ngọc trên nhọn dưới vuông, gọi là ngọc khuê.


26. Lệnh doãn: là chức thượng khanh của Sở.

7. TÔ TẦN THUYẾT VUA TỀ GIÚP TRIỆU

(Tần công Triệu Trường Bình)

Tần đánh Triệu ở Trường Bình. Tề, Sở cứu Triệu. Vua Tần nghĩ: “Tề, Sở cứu Triệu, nếu họ đoàn kết với nhau thì mình lui binh, không thì mình đánh”.

Triệu thiếu lương thực, xin Tề giúp lúa, Tề không chịu, Tô Tần bảo vua Tề:

- Nên giúp đi để lui binh của Tần, không giúp thì binh Tần không lui. Như vậy là Tần mưu tính đúng, mà Tề, Yên mưu tính sai. Vả lại Triệu đối với Yên, Tề, được hai nước đó che cho như răng có môi, môi hở thì răng lạnh. Hôm nay mà mất Triệu thì ngày mai tới phiên Tề, Sở. Lại thêm cái việc cứu Triệu phải cẩn thận như việc bưng vò nứt, tưới cái nồi nóng. Cứu Triệu là một việc nghĩa cao thượng, lui được binh Tần là có tiếng tăm rỡ ràng. Được cái ân nghĩa là cứu Triệu khỏi mất nước, và cái uy danh là lui được binh Tần, không lo việc đó mà chỉ nghĩ tiếc lúa thì là tính sai việc nước.



TỀ III

 1. MƯU MÔ TÔ TẦN

(Sở vương tử)

Vua Sở (Hoài Vương) mất, thái tử (Hoành) làm con tin ở Tề. Tô Tần bảo Tiết Công:

- Sao ông không giữ thái tử lại để chiếm lấy phía đông của Sở?

Tiết Công đáp:

- Không nên. Ta mà giữ thái tử lại, đất Dĩnh Trung lập vua khác thì ta có con tin cũng như không, mà lại mang tiếng làm điều bất nghĩa trong thiên hạ.

Tô Tần 27 bảo:

- Không phải vậy. Đất Dĩnh Trung mà lập vua khác thì ông sẽ bảo vua mới: “Tặng tôi miền phía đông, tôi sẽ vì đại vương mà giết thái tử; nếu không thì tôi sẽ đem binh ba nước 28 qua Sở mà cùng lập thái tử lên ngôi”. Như vậy, Sở tất nghe mà ta chiếm được phía đông của Sở (miền giáp giới Tề).

Mưu đó của Tô Tần: 1. Có thể giúp Tô Tần xin (Tiết Công) đi được; 2. Có thể khiến cho vua Sở phải vội vàng đem tặng (Tề) miền phía đông; 3. Có thể giúp Tề cắt thêm đất của Sở; 4. Có thể làm cho thái tử trung với Tề mà khiến Sở cắt thêm đất cho Tề; 5. Có thể vì vua Sở đuổi gấp thái tử; 6. Có thể làm cho thái tử trung thành và phải trốn đi gấp; 7. Có thể làm cho có người nói xấu Tô Tần với Tiết Công; 8. Có thể làm cho Tô Tần được phong ở Sở; 9. Có thể khiến người thuyết Tiết Công nên thân thiện với Tô Tần; 10. Lại có thể khiến Tô Tần tự biện hộ với Tiết Công 29 (Là vì như sau: )

1. Tô Tần bảo Tiết Công:

- Tôi nghe nói mưu mà tiết lậu thì việc tất hỏng, tính toán rồi mà không quyết thi hành thì danh không thành. Nay ông giữ thái tử lại để bắt chẹt Sở phải tặng phía đông của Sở. Nếu Sở không gấp tặng phía đông thì là Sở tính thay đổi kế hoạch; thay đổi kế hoạch thì ông tuy giữ con tin cũng như không, mà lại mang tiếng với thiên hạ.

- Phải. Vậy làm cách nào bây giờ?

- Tôi xin vì ông mà qua Sở, khiến Sở phải vội đem quân vô đất các nước phía đông. Sở mà chịu tặng thì mưu kế của ông không thể nào thất bại được.

- Phải.

Rồi Tô Tần qua Sở.

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần giúp cho Tô Tần có thể xin Tiết Công đi được”.

2. Tới Sở, Tô Tần bảo vua Sở:

- Tề muốn suy tôn thái tử mà lập làm vua Sở. Tôi xét ra thì Tiết Công giữ thái tử lại là để bắt Sở phải tặng Tề miền phía đông. Nay đại vương không gấp tặng miền phía đông, thì thái tử sẽ tặng Tề một số đất bội đất đại vương tặng để Tề suy tôn mình lên làm vua Sở.

Vua Sở đáp:

- Xin vâng lệnh ông.

Rồi đem dâng Tề miền phía đông.

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần khiến vua Sở phải vội đem tặng miền phía đông”.

3. Tô Tần về Tề, bảo Tiết Công:

- Sở phải ở vào cái thế phải cắt nhiều đất cho ta.

Tiết Công hỏi:

- Sao vậy?

- Xin ông cho thái tử hay đầu đuôi mọi sự, khiến thái tử thưa với vua để tỏ lòng trung 30 với ông. Rồi cho Sở hay việc đó, thế là Sở phải cắt thêm đất cho Tề.

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể giúp cho Tề cắt thêm đất của Sở”.

4. Rồi Tô Tần lại bảo thái tử:

- Tề ủng hộ thái tử mà muốn lập thái tử làm vua, vua Sở xin cắt đất để giữ thái tử lại; Tề chê cắt đất ít, thái tử sao không cắt đất gấp bội để tặng Tề? Như vậy Tề tất ủng hộ thái tử.

Thái tử đáp: Phải. Rồi cắt gấp bội đất Sở để cho Tề rộng thêm 31 .

Vua Sở nghe tin, đâm lo, lại cắt thêm đất để dâng Tề, mà vẫn còn sợ việc không thành.

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần khiến cho Sở tặng thêm đất cho Tề”.

5. Rồi Tô Tần lại bảo Sở:

- Tề sở dĩ dám đòi cắt nhiều đất như vậy là vì nắm được thái tử; nay Tề đã được đất rồi mà vẫn không ngừng là vì dùng thái tử để mặc cả với đại vương. Tôi có thể làm cho thái tử phải đi. Thái tử mà đi thì Tề không còn nói gì được nữa, tất không còn đòi đại vương cắt thêm đất nữa. Sau đó, đại vương nên qua đất Tề mà kết giao, Tề tất chịu, như vậy là đại vương đuổi được kẻ thù mà kết thân được với Tề.

Vua Sở rất mừng, đáp: Xin đem nước mà theo kế ông.

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể vì vua Sở đuổi gấp thái tử”.

6. Rồi Tô Tần lại bảo thái tử:

- (Hiện nay) người có quyền tài chế Sở là vua Sở, còn thái tử chỉ có cái danh mà không có thực, Tề dùng để bắt chẹt Sở thôi. Tề chưa chắc là tin lời thái tử mà Sở tặng Tề gì thì cái đó thấy rõ. Sở mà kết giao với Tề được thì thái tử tất nguy! Xin thái tử tính đi.

Thái tử đáp: Xin nhận lệnh ông.

Rồi cho đánh xe, đi ngay tối hôm đó.

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể làm cho thái tử trốn đi gấp”.

7. Tô Tần sai người nói với Tiết Công:

- Người khuyên ông giữ thái tử lại là Tô Tần. Tô Tần không thành tâm vì ông đâu, mà làm lợi cho Sở đấy. Tô Tần sợ ông hay điều đó, cho nên bắt Sở cắt nhiều đất để xoá hết dấu vết đi (để ông khỏi nghi). Nay khuyên thái tử đi, cũng lại là Tô Tần nữa mà ông không hay. Tôi trộm vì ông mà lấy làm ngờ.

Tiết Công rất giận Tô Tần.

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể làm cho có người nói xấu Tô Tần với Tiết Công”.

8. Tô Tần lại sai người nói với vua Sở:

- Người khiến cho Tiết Công giữ thái tử lại là Tô Tần, ủng hộ đại vương lên thay thái tử ở Sở cũng lại là Tô Tần; bày mưu cắt đất để kết chặt Sở với Tề, cũng lại là Tô Tần, trung với đại vương mà làm cho thái tử phải ra đi, cũng lại là Tô Tần. Nay người ta nói xấu Tô Tần với Tiết Công, trách Tô Tần là bạc bẽo với Tề mà đôn hậu với Sở. Xin tâu đại vương hay điều đó.

Vua Sở đáp:

- Xin nhận lệnh ông.

Rồi phong cho Tô Tần làm Vũ Trinh Quân 32 .

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần làm cho Tô Tần được phong ở Sở”.

9. Tô Tần lại sai Cảnh Lí 33 nói với Tiết Công:

- Ông sở dĩ được kính trọng trong thiên hạ, là nhờ thu phục được nhiều kẻ sĩ trong thiên hạ mà có quyền lớn ở Tề. Nay Tô Tần là bậc biện sĩ trong thiên hạ, ít có người tài như ông ta. Ông không trọng Tô Tần thì là bao vây, ngăn lấp kẻ sĩ trong thiên hạ, không có lợi cho con đường tiến ngôn của kẻ sĩ. Như vậy có kẻ không phục ông mà suy tôn Tô Tần, và thế của ông nguy mất. Nay Tô Tần được vua Sở trọng mà ông không sớm thân với Tô Tần thì ông thành kẻ thù của Sở. Cho nên ông nên thân với Tô Tần, quí trọng ông ta, như vậy là được nước Sở.

Nhờ vậy mà Tiết Công lại quí trọng Tô tần.

Vì vậy mà bảo rằng: “Mưu của Tô Tần có thể làm cho Tô Tần thuyết phục Tiết Công để Tiết Công trọng Tô Tần”.

(Và 10. Như vậy ta đoán được Tô Tần tự biện hộ được với Tiết Công ra sao) 34 .


27. Chắc lầm, Tô Tần lúc này đã mất rồi. Nghi là Tô Đại, em Tô Tần, hoặc Tô Lệ.


28. Tức Tần, Hàn, Nguỵ.


29. Đoạn này chúng tôi đánh số thêm, chứ trong nguyên văn không đánh số.


30. Crump dịch là: bảo thái tử rằng ông muốn thêm đất và bắt thái tử thưa với vua rằng thái tử muốn vậy để tỏ lòng trung…


31. Crump dịch thêm: và vẫn ở lại Tề.


32. Vũ Trinh: là tên đất, thuộc nước Sở. Đất đó đem phong cho Tô Tần.


33. Cảnh Lí: là tướng quốc của Sở Hoài Vương.


34. Hai hàng này [vì trong sách là hai hàng. (Godfish)] chúng tôi thêm vô.


2. ĐOÁN TÂM LÝ VUA

(Tề Vương phu nhân tử)

Vợ vua Tề (Uy Vương) mất, có tới bảy mỹ nữ đều được vua yêu. Tiết Công muốn biết vua sẽ lựa người nào, dâng vua bảy đôi hoa tai, riêng một đôi đẹp hơn cả. Hôm sau, thấy đôi bông đó được ai đeo thì khuyên vua lựa người đó.



3. TÔ ĐẠI CAN MẠNH THƯỜNG QUÂN

(Mạnh Thường Quân nhập Tần)

Mạnh Thường Quân muốn vô nước Tần, có cả ngàn người can mà ông không nghe. Tô Tần muốn ngăn, Thường Quân bảo: “Về nhân sự, tôi đã được nghe hết rồi; chỉ còn chưa được nghe quỉ sự 35 thôi”

Tô Đại 36 đáp:

- Tôi tới đây chủ ý là không dám nói về nhân sự mà chỉ nói về quỉ sự vậy.

Mạnh Thường Quân bèn tiếp. Tô Đại bảo:

- Hôm nay, khi lại đây, tôi có đi ngang qua miền Tri Thượng, được nghe một tượng nặn bằng đất và một tượng được đẽo bằng cành đào nói chuyện với nhau. Tượng bằng cành đào bảo tượng bằng đất: “Anh vốn là đất ở bờ phía Tây, được nặn thành hình người; tới tháng tám, mưa xuống, nước sông Tri dâng lên thì anh sẽ rã rời, tan nát”. Tượng bằng đất đáp: “Không phải vậy. Tôi là đất ở bờ phía tây, tôi rã rời, tan nát thì lại thành đất bờ phía tây. Còn anh là cành đào ở biển đông 37 . Người ta đẽo trổ anh thành hình người, mưa xuống, nước sông Tri dâng lên, cuốn anh mà chảy đi, anh sẽ phiêu bạt, chưa biết ra sao đâu!”.

Nay Tần là nước bốn bề đều có những chỗ hiểm yếu, khác gì miệng cọp, ông mà vô đó thì tôi không biết ông sẽ ra ngả nào!

Mạnh Thường Quân bèn thôi, không qua Tần nữa.


35. Quỉ sự: nghĩa là việc quỉ thần. Tần Chiêu Vương nghe tiếng Mạnh Thường Quân là người hiền, mời Mạnh Thường Quân qua Tần chơi để được gặp mặt.


36. Theo Sử ký thì là Tô Tần.


37. Theo truyền thuyết, biển đông có một ngọn núi tên là Độ Sóc Sơn, trên núi có một cây đào cổ thụ, cành cong queo, tán rộng ba ngàn dặm, ma quỉ thường tụ ở đó. Ở đây, tượng bằng cành đào ám chỉ Mạnh Thường Quân.


10. THUẦN VU KHÔN VỚI KẺ SĨ

(Thuần Vu Khôn nhất nhật nhi kiến thất sĩ)

Thuần Vu Khôn một ngày mà dắt bảy kẻ sĩ vô yết kiến Tề Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương bảo Thuần Vu Khôn:

- Ông lại đây! Quả nhân nghe nói rằng ngàn dặm mà có được một kẻ sĩ thì cũng như là kẻ sĩ đứng kề vai nhau rồi; trăm đời mà có được một vị thánh thì cũng như là các vị thánh nối gót nhau rồi 38 . Nay ông chỉ trong một buổi sáng mà dắt bảy kẻ sĩ vô đây, như vậy kẻ sĩ chẳng phải là nhiều ư?

Thuần Vu Khôn đáp:

- Không phải vậy. Loài chim cùng cánh với nhau thì đậu chung với nhau; loài thú cùng chân với nhau 39 thì cùng chạy với nhau. Tìm sài hồ và cát cánh 40 ở nơi đất ẩm thấp ngập nước thì mấy đời cũng không được một cây, nếu tìm ở phía bắc núi Dịch Thử, núi Lương Phủ 41 thì đem xe tới mà chở cũng không hết. Vật nào cũng có đồng loại. Khôn tôi là đồng loại của bậc hiền giả. Nhà vua mà nhờ Khôn tôi cầu kẻ sĩ thì cũng như vốc nước ở sông, lấy lửa ở đồ đánh lửa 42 . Rồi đây Khôn tôi còn gặp nhiều kẻ sĩ nữa, chứ nào chỉ có bảy kẻ sĩ mà thôi.


38. Kề vai nhaunối gót nhau: đều có nghĩa là đông lắm, nhiều lắm.


39. Cùng cánhcùng chân: Ý nói là cùng loài.


40. Sài hồcát cánh: là hai loại cây dùng làm thuốc, chỉ mọc ở những chỗ đất cao, khô ráo.


41. Núi Dịch Thử: không biết ở đâu. Núi Lương Phủ: nay thuộc tỉnh Sơn Đông.


42. Thời cổ có hai thứ đồ đánh lửa; một thứ để lấy lửa ở mặt trời, gọi là kim toại; một thứ để lấy lửa ở cây, gọi là mộc toại.


11. CHÓ ĐUỔI THỎ, NÔNG PHU BẮT ĐƯỢC CẢ HAI

(Tề dục phạt Nguỵ)

Tề muốn đánh Nguỵ. Thuần Vu Khôn bảo Tề Tuyên Vương:

- Con lư ở nước Hàn là loài chó chạy nhanh trong thiên hạ; con thuân ở Đông Quách là loài thỏ nhanh nhẹn trong hải nội. Con lư nước Hàn đuổi con thỏ Đông Quách, ba lần chạy vòng quanh núi, năm lần leo núi; thỏ phía trước đã khốn đốn mà chó phía sau cũng mệt đừ; cả chó lẫn thỏ đều kiệt sức, đều lăn ra chết. Lão nông phu trông thấy chẳng phí một chút sức mà bắt được cả hai. Nay Tề và Nguỵ cầm cự nhau lâu làm cho binh sĩ khốn đốn, dân chúng khổ sở; tôi e rằng nước Tần và nước Sở hùng cường kia đứng ở phía sau sẽ thừa cơ mà thành công như lão nông phu mất.

Vua Tề sợ, lui binh, cho tướng sĩ nghỉ ngơi.



TỀ IV

 1. PHÙNG HUYÊN LÀM THỰC KHÁCH NHÀ MẠNH THƯỜNG QUÂN

(Tề nhân hữu Phùng Huyên)

Nước Tề có một người tên là Phùng Huyên nghèo khổ thiếu thốn, không thể tự mưu sinh được, cậy người lại xin Mạnh Thường Quân cho được ăn nhờ 43 trong nhà. Mạnh Thường Quân hỏi: “Ông khách thích cái gì?” 44 . Đáp: “Khách không có sở thích nào cả”. Hỏi: “Khách có tài năng gì không?”. Đáp: “Khách không có tài năng gì cả”. Mạnh Thường Quân cười rồi nhận cho: “Được”.

Kẻ tả hữu trong nhà Mạnh Thường Quân thấy chủ mình khinh rẻ người khách đó, nên cho khách ăn rau cỏ. Ở được ít lâu, Phùng Huyên dựa cột, gõ nhịp vào thanh kiếm mà hát: “Kiếm 45 dài ơi, về đi thôi! Ăn không có cá”. Kẻ tả hữu thưa với Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân bảo: “Dọn cá cho ông ấy”. Từ đó đãi Phùng Huyên vào hàng khách ở trong nhà.

Được ít lâu, lại gõ nhịp vào thanh kiếm mà hát: “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Đi không có xe”. Kẻ tả hữu đều cười, rồi thưa với Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân bảo: “Đánh xe cho ông ấy”. Từ đó đãi Phùng Huyên vào hàng môn khách có xe. Vậy là Phùng Huyên ngồi lên xe, giơ cao thanh kiếm, lại chơi bạn bè, bảo: “Ông Mạnh Thường Quân đãi tôi vào bậc khách”.

Được ít lâu lại gõ nhịp vào thanh kiếm mà hát: “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Không có gì gởi về nhà”. Kẻ tả hữu đều ghét là tham, không biết thế nào là đủ. Mạnh Thường Quân hỏi: “Ông Phùng còn người thân không?”. Đáp: “Còn mẹ già”. Mạnh Thường Quân sai người chu cấp thực dụng, không để thiếu thốn. Từ đó Phùng Huyên không hát nữa.

Sau, Mạnh Thường Quân giở sổ ra, hỏi các môn khách: “Vị nào quen việc kế toán, có thể vì Văn 46 đi thu tiền nợ ở đất Tiết không?”. Phùng Huyên viết tên mình vào sổ, đáp: “Tôi đi được”. Mạnh Thường Quân lấy làm lạ hỏi: “Vị này là ai vậy?”. Kẻ tả hữu đáp: “Là người gõ kiếm hát: “Kiếm dài về đi thôi” đó”. Mạnh Thường Quân cười bảo: “Ông khách quả có tài năng, tôi đã phụ ông ta, không thường hội diện”. Xin mời lại gặp mặt và tạ lỗi: “Văn tôi mệt mỏi về việc quan, lo lắng quá nên tâm thần mê loạn, tính lại vốn nhu nhược, mê muội, chìm đắm vào việc quốc gia, đến nổi đắc tội với tiên sinh, tiên sinh chẳng lấy làm nhục, lại có ý thay tôi qua đất Tiết thu nợ giùm chăng?”. Phùng Huyên đáp: “Tôi xin đi”. Như vậy rồi sửa sang xe, ngựa, hành trang, chở theo những trái khoán, khế ước. Khi từ biệt, hỏi: “Nợ thu hết rồi, tôi mua gì mang về?”. Mạnh Thường Quân đáp: “Tiên sinh coi nhà này thiếu thứ gì thì mua thứ đó”.

Phùng Huyên dong ngựa tới đất Tiết, sai một viên thư lại gọi dân tới, ai thiếu nợ thì đối chiếu với tờ khoán. Đối chiếu xong cả rồi, Phùng Huyên đứng dậy, thác lời Mạnh Thường Quân, cho hết số nợ, rồi đốt tờ khoán đi. Dân đều hô vạn tuế.

Lại dong ngựa vội về Tề, sáng sớm xin vô yết kiến Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân lấy làm lạ sao mà đi mau vậy, mặc áo đội mũ ra tiếp, hỏi: “Nợ thu được hết không? Sao mà về nhanh thế?”. Đáp: “Thu hết rồi”. Hỏi: “Mua gì về?”. Phùng Huyên đáp: “Ngài bảo: “Coi nhà này thiếu thứ gì thì mua thứ đó”. Thần nghĩ trong cung của ngài chứa đầy châu báu, ngoài chuồng đầy cả ngựa, chó, hậu đình chật cả mỹ nữ, nhà ngài có thiếu chỉ là thiếu “nghĩa” thôi, nên thần đã trộm phép mua “nghĩa” về”. Mạnh Thường Quân hỏi: “Mua “nghĩa” là làm sao?”. Đáp: “Nay ngài có đất Tiết nhỏ hẹp đó, đã không vỗ về yêu dân mà lại đi cướp cái lợi của dân, nên thần thác rằng ngài ra lệnh cho dân hết số nợ, rồi đốt các tờ khoán, dân hoan hô ngài vạn tuế. Thần mua “nghĩa” về cho ngài là thế”. Mạnh Thường Quân không vui, bảo: “Được! Thôi tiên sinh về nghỉ!”.

Khoản một năm sau, Tề Vương 47 bảo Mạnh Thường Quân: “Quả nhân không dám dùng bề tôi của tiên vương làm bề tôi cho mình”. Mạnh Thường Quân về đất Tiết, chưa tới, còn cách trăm dặm, dân đất Tiết dắt già bồng trẻ đi đón rước đầy đường suốt ngày. Mạnh Thường Quân quay lại bảo Phùng Huyên: “Tiên sinh mua “nghĩa” cho Văn này, đến hôm nay tôi mới được thấy”. Phùng Huyên đáp: “Thỏ khôn phải có ba hang mới có thể thoát chết được. Nay chỉ mới có một hang, chưa thể gối cao mà ngủ yên, tôi xin vì ngài đào thêm hai hang nữa”.

Mạnh Thường Quân cấp cho Phùng Huyên năm chục cổ xe, năm trăm cân vàng, qua phía tây du thuyết ở nước Lương. Phùng Huyên tâu với vua Lương: “Vua Tề đuổi bậc đại thần là Mạnh Thường Quân; nước chư hầu nào đón trước được ông ấy thì sẽ giàu có mà binh mạnh”. Như vậy vua Lương mới bỏ trống chức vị cao nhất 48 , đem vị đương thời tướng quốc xuống làm thượng tướng quân, sai sứ mang ngàn cân vàng, trăm cổ xe lại đón Mạnh Thường Quân, Phùng Huyên dong về trước, khuyên Mạnh Thường Quân: “Ngàn cân vàng là vật trọng, trăm cổ xe là chức cao. Vua Tề tất hay tin này”. Viên sứ nước Lương ba lần về không, vì Mạnh Thường Quân cố từ không chịu đi.

Tề hay tin, vua tôi đều sợ hãi, sai quan thái phó đem ngàn cân vàng, hai cổ xe đẹp bốn ngựa, một thanh gươm của vua đeo và một phong thư lại tạ lỗi với Mạnh Thường Quân. Thư rằng: “Quả nhân gặp vận bất tường, quỉ thần tôn miếu giáng hoạ, nên bị bọn nịnh thần mê hoặc, đắc tội với ông. Quả nhân vô dụng, xin ông đoái nghĩ tới tôn miếu của tiên vương, tạm trở về nước mà thống trị vạn dân, được chăng?”. Phùng Huyên khuyên Mạnh Thường Quân: “Ngài nên xin những đồ tế tự tiên vương rồi lập tôn miếu ở đất Tiết”. Tôn miếu cất rồi, Phùng Huyên về báo cáo với Mạnh Thường Quân: “Ba hang đã đào xong, ngài tạm có thể gối cao mà sống vui”.

Mạnh Thường Quân làm tướng quốc mấy chục năm, không gặp một cái hoạ nhỏ nhặt nào cả, là nhờ mưu của Phùng Huyên vậy.

43. Mạnh Thường Quân, họ Điền, tên Văn, người nước Tề đời Chiến Quốc, nổi tiếng hào hiệp, biết kết nạp kẻ sĩ, trong nhà luôn luôn có ba ngàn thực khách, tức những kẻ sĩ được ông nuôi và đãi như khách, lâu lâu mới có việc nhờ cậy, ai giúp được ông việc gì thì giúp. Thực khách chia làm ba hạng, tuỳ tài đức mà được trọng hay không: có hạng ăn rau, có hạng ăn thịt cá, cao nhất là hạng được cung cấp xe để đi ra ngoài. Xét chung thì tài đức của họ rất tầm thường, hạng người giỏi đâu chịu ăn bám như vậy.
Phùng Huyên «馮煖» cũng có chỗ chép là: «馮諼» (cũng đọc là Huyên), hoặc Phùng Hoan «馮驩».


44. Ý muốn nói có tài đức gì không.


45. Nguyên văn: giáp là chuôi gươm.


46. Tên huý của Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân là tên hiệu.


47.Tức Tề Tuyên Vương.


48. Tức chức tướng quốc (để đợi Mạnh Thường Quân). Lương Vương là Tương Huệ Vương. Nước Lương tức nước Nguỵ là một trong thất hùng thời đó.


2. CÔNG TÔN HOẰNG ĐI SỨ TẦN

(Mạnh Thường Quân vi tung)

Mạnh Thường Quân mưu tính hợp tung, (người nước Tề là) Công Tôn Hoằng bảo Mạnh Thường Quân:

- Sao ông không sai người quan sát vua Tần (Chiêu Vương) trước đã. Nếu vua Tần là hạng quân chủ có đức đế vương thì ông chỉ lo rằng không được làm bề tôi ông ta, đâu có rảnh mà nghĩ đến chuyện hợp tung để làm khó ông ta; còn nếu như vua Tần là hạng quân chủ bất tiếu thì lúc đó ông tính chuyện hợp tung để làm khó ông ta, cũng không trễ.

Mạnh Thường Quân:

- Phải. Vậy xin nhờ ông đi giùm cho việc đó.

Công Tôn Hoằng vâng lời, dùng mười chiếc xe, qua Tần. Chiêu Dương nghe tin, muốn dùng lời lẽ làm nhục Công Tôn Hoằng.

Công Tôn Hoằng vào yết kiến. Chiêu Vương hỏi:

- Đất của Tiết Công được bao nhiêu?

Công Tôn Hoằng đáp:

- Trăm dặm.

Chiêu Vương cười, bảo:

- Đất của quả nhân rộng ngàn dặm, mà quả nhân chưa dám gây khó với ai. Nay đất Tiết của Mạnh Thường Quân chỉ có một trăm dặm mà muốn gây khó với quả nhân, có thể nào được không?

- Mạnh Thường Quân biết trọng người, đại vương không biết trọng người.

- Mạnh Thường Quân trọng người ra sao?

Công Tôn Hoằng đáp:

- Hạng người giữ chính nghĩa, không làm bề tôi các vị thiên tử (không có đức), không làm bạn với các vua chư hầu (không có đức), đắc chí thì làm nhân chủ mà không thẹn, không đắc chí thì không chịu làm bề tôi, hạng người đó, (Mạnh Thường Quân) có được ba vị; hạng người về việc trị nước có thể làm thầy Quản Trọng, Thương Ưởng, bàn bạc về nghĩa lý, nghe điều phải rồi thi hành, hạng người được như vậy, (Mạnh Thường Quân) có tới năm vị; hạng người đi sứ tới triều một vua uy nghiêm của một nước vạn thặng, bị vua đó làm nhục mà lui ra tự sát để lấy máu mình vấy vào áo vua đó, như tôi đây, hạng người đó, (Mạnh Thường Quân) có được mười người.

Chiêu Vương cười, xin lỗi:

- Sao khách lại có thái độ như vậy? Quả nhân chỉ là đàm đạo với khách thôi mà. Quả nhân quí Mạnh Thường Quân, muốn được tiếp đãi ông ấy, xin khách bày tỏ giùm ý muốn của quả nhân với ông ấy.

Công Tôn Hoằng đáp:

- Xin vâng.

Có thể bảo là Công Tôn Hoằng không chịu nhục. Chiêu Vương là vua một nước lớn, Mạnh Thường Quân chỉ là vua một nước nhỏ có ngàn cổ xe. Dựng được cái danh nghĩa cho một nước nhỏ mà làm cho nước lớn không thể xúc phạm được, như vậy là làm hết trách nhiệm của một vị sứ giả.



3. MẠNH THƯỜNG QUÂN CHƯA BIẾT TRỌNG KẺ SĨ

(Lỗ Trọng Liên vị Mạnh Thường Quân)

Lỗ Trọng Liên bảo Mạnh Thường Quân:

- Ông chưa thật trọng kẻ sĩ. (Ông thử nghĩ) Ung Môn Tử nuôi Tiêu Diệc, Dương Đắc Tử nuôi… 49 chia cơm xẻ áo với nhau nên người nào cũng có kẻ sĩ chết vì mình. Nay nhà ông giàu hơn hai ông đó, mà ông chưa có một kẻ sĩ nào hết lòng hi sinh cho ông cả.

Mạnh Thường Quân đáp:

- Chỉ vì Văn tôi chưa gặp được bậc sĩ đó, nếu gặp được thì sao các bậc đó lại không hết lòng hi sinh cho tôi?

Lỗ Trọng Liên bảo:

- Trăm con ngựa trong chuồng của ông đều bận áo thêu và ăn lúa ngon, có phải con nào cũng là loài kì lân, lục nhĩ cả đâu 50 . Mười nàng phi trong hậu cung của ông đều bận gấm lụa, ăn gạo quí thịt ngon, có phải người nào cũng là Mao Tường, Tây Thi cả đâu? 51 Mĩ nhân và ngựa thì ông lựa ở thời này, vậy kẻ sĩ hà tất phải đợi người thời cổ! Cho nên tôi bảo rằng ông chưa thực trọng kẻ sĩ.


49. Nguyên văn: Ung Môn dưỡng Tiêu Diệc Dương Đắc Tử dưỡng. Bản Thương Vụ ấn thư quán và Tân Lục thư cục đều chấm câu sau chữ Tiêu; mà chẳng chú thích gì cả, nên chúng tôi không đoán được nghĩa. Chúng tôi dịch như trên là theo Crump. Ông chấm câu: Ung Môn (Tử) dưỡng Tiêu Diệc, Dương Đắc Tử dưỡng (…) và ông cho rằng thiếu một tên người sau chữ dưỡng. Ông còn bảo theo Tứ Bộ Tùng San thì có một tên là Ung Môn Tử Thu, và có một tên là Ung Môn Tử Chu.


50. Tên các loài ngựa quí.


51. Tên các mĩ nhân thời cổ.


4. ĐÀM THẬP TỬ KHUYÊN MẠNH THƯỜNG QUÂN NÊN QUÊN OÁN

(Mạnh Thường Quân trục ư Tề)



Mạnh Thường Quân bị đuổi ở Tề, sau lại trở về Tề, (người nước Tề là) Đàm Thập Tử đi đón ở bờ cõi 52 , hỏi Mạnh Thường Quân:

- Ông có lòng báo oán các sĩ, đại phu của nước Tề không?

Mạnh Thường Quân đáp:

- Oán!

- Ông có ý muốn giết họ ư?

- Giết!

- Có những sự thể tất phải đến, có những tình lý cố nhiên bất biến, lẽ đó, ông biết không?

- Không.

Đàm Thập Tử bảo:

- Ai cũng phải chết, đó là sự thể tất phải đến; mình giàu sang thì người ta bu lại, mình nghèo hèn thì người ta lảng ra, đó là một tình lý cố nhiên bất biến. Có những sự thể tất phải đến, những tình lý cố nhiên bất biến là vậy đó. Tôi xin lấy một ví dụ: chợ buổi sáng sớm thì đông người, chiều tối thì vắng vẻ, không phải là vì lẽ buổi sáng người ta yêu chợ mà buổi chiều người ta ghét chợ; chỉ vì lẽ còn nhu cầu (mua bán) thì người ta còn tới chợ, hết nhu cầu (đó) thì người ta bỏ về. Vậy xin ông đừng oán.

Mạnh Thường Quân bèn đem chẻ những bản tre khắc tên năm trăm người mà ông oán, rồi thôi không nói tới việc đó nữa.


52. Năm thứ mười ba đời Tề Mẫn Vương, Điền Giáp làm phản, bắt cóc vua Tề tên là Tướng, Mạnh Thường Quân phải trốn đi. Sau một xá nhân của Mạnh Thường Quân dâng thư lên vua Tề minh oan cho ông, nên ông được vua Tề Mẫn Vương gọi về.


5. NHAN XÚC THUYẾT TỀ TUYÊN VƯƠNG

(Tề Tuyên Vương kiến Nhan Xúc)

Tề Tuyên Vương vời Nhan Xúc (người nước Tề) lại bảo:

- Xúc lại đây!

Xúc cũng bảo:

- Vua lại đây!

Tuyên Vương không vui. Kẻ tả hữu của nhà vua bảo Nhan Xúc:

- Vua là bậc quân thượng, Xúc là kẻ bề tôi. Vua bảo Xúc: lại đây, Xúc cũng bảo vua: lại đây, như vậy có phải lẽ không?

Xúc đáp:

- Vua bảo Xúc: “Lại đây”, mà Xúc lại thì là Xúc mộ quyền thế; Xúc bảo vua “lại đây” mà vua lại thì là vua chuộng kẻ sĩ; để cho Xúc mang tiếng mộ quyền thế thì không bằng để cho vua được tiếng chuộng kẻ sĩ.

Tuyên Vương giận tím mặt, bảo:

- Vua quí hay kẻ sĩ quí?

- Kẻ sĩ quí chứ! Vua đâu có quí.

- Có chứng cứ gì không?

- Có chứ! Xưa kia, Tần đánh Tề, ra lệnh: “Trong khoảng năm chục bước chung quanh mộ Liễu Hạ Quí, ai mà dám vô đốn củi thì bị tội chết, không tha” 53 . Lại ra lệnh: “Ai mà chặt được đầu vua Tề thì được phong làm vạn hộ hầu, thưởng ngàn nén vàng”. Do đó mà xét thì cái đầu một ông vua còn sống, có khi không bằng nấm mồ một kẻ sĩ đã chết.

Tề Tuyên Vương làm thinh, vẻ không vui. Kẻ tả hữu đều nói:

- Xúc lại đây! Xúc lại đây! Đại vương chiếm cứ một nước ngàn cổ xe, đúc những cái chuông nặng ngàn thạch treo trên những cái giá nặng vạn thạch 54 , kẻ sĩ trong thiên hạ người nào mà nhân nghĩa thì đều lại phục dịch, người nào mà minh trí thì cũng đều lại yết kiến để đàm luận; đông tây nam bắc, người bốn phương đều qui phục; vạn vật không thiếu thứ gì mà trăm họ đều kính mến. Nay có một kẻ sĩ dù có cao thượng cũng chỉ gọi là một kẻ sĩ “thất phu”, đi thì đi bộ, ở thì ở chỗ đồng ruộng, thô lậu quê mùa, nhà cửa tồi tàn, như vậy thì kẻ sĩ rất đổi là ti tiện vậy!

Xúc đáp:

- Không phải vậy. Xúc nghe hồi xưa, vua Đại Vũ làm chủ vạn nước chư hầu là nhờ đâu? Nhờ vua Đại Vũ có đức dày và được kẻ sĩ giúp sức. Cho nên vua Thuấn ở chốn đồng ruộng dấy lên, xuất thân nơi thô lậu quê mùa mà sau làm thiên tử. Đến đời vua Thang, chư hầu chỉ còn có ba ngàn nước. Hiện nay quay mặt về phía nam mà tự xưng “quả nhân” chỉ còn hai mươi bốn người 55 . Do đó mà xét thì chẳng phải là do chính sách khác nhau, người tốt kẻ xấu ư? Lần lần mà bị diệt vong, cái lúc mà bị diệt vong, không còn thân thuộc gì nữa thì dù muốn có một căn nhà tồi tàn, phỏng có được không? Cho nên Dịch Truyện chẳng từng có câu này đấy ư?: “Ở ngôi cao không có cái thực mà thích cái danh, thì thế nào cũng có những hành động kiêu xa, ngạo mạn, mà hễ kiêu xa ngạo mạn thì cái hoạ tất sẽ theo sau”. Thế cho nên không có cái thực mà thích cái danh thì tất bị tước đoạt, không có đức hạnh mà lại muốn có phước thì tất bị vướng mắc; không có công lao mà muốn hưởng lộc thì tất bị nhục, hoạ tất thâm! Cho nên có câu rằng: “Khoe công thì không thành, nguyện vọng hão huyền thì không đạt”. Đó đều là chỉ thích cái hư danh đẹp đẽ mà không có thực đức. Vì vậy mà vua Nghiêu có chín người phụ tá, vua Thuấn có bảy người bạn hiền, vua Vũ có năm vị trọng thần, vua Thang có ba vị phụ bật; từ xưa tới nay, không có ai không có thực đức mà thành danh trong thiên hạ bao giờ. Vì vậy bậc quân vương không hổ thẹn vì phải học hỏi kẻ dưới; nhờ học hỏi kẻ dưới mới hoàn thành được đạo đức mà lưu danh lại đời sau, đó là trường hợp vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang, và Văn Vương nhà Chu. Cho nên bảo rằng: “Cái không có hình thể là chủ của cái có hình thể; cái không có đầu mối là gốc của mọi sự thể”. Trên thì xét được nguồn, dưới thì thông được dòng, bậc thánh nhân hiểu rõ đạo lý thì có gì mà chẳng tốt lành! Lão Tử nói: “Tuy sang mà phải lấy hèn làm gốc, tuy cao mà phải lấy thấp làm nền; vì vậy bậc vương hầu mà tự xưng là “cô”, “quả”, “bất cốc” 56 là lấy sự ti tiện làm gốc đấy. Kẻ cô, quả là kẻ ti tiện, khốn khổ, ở địa vị thấp, mà bậc vương hầu tự xưng như vậy, há chẳng phải tự hạ mình mà tôn quí kẻ sĩ đấy ư? Vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn truyền ngôi cho vua Vũ, vua Chu Thành Vương trọng dụng ông Chu Công Đán mà đời đời được khen là minh quân, là vì các ông ấy hiểu rõ rằng kẻ sĩ đáng quí.

Tuyên Vương nói:

- Ôi! Người quân tử, có cách nào làm nhục được đâu, quả nhân đã tự chuốc lấy cái nhục. Nay đã được nghe lời người quân tử và nghe hành vi của kẻ tiểu nhân, xin được làm học trò của tiên sinh. Xin Nhan tiên sinh cùng đi chơi với quả nhân, ăn thì tất có thịt bò, thịt dê, thịt lợn, đi thì tất có xe, vợ con tiên sinh đều được tặng y phục đẹp đẽ.

Nhan Xúc từ tạ, đáp:

- Ngọc sinh ở núi, đem nó mà chế tạo thì nó tất vỡ, lúc đó không phải là nó không quí, nhưng không còn được vẹn cái mộc mạc tự nhiên của nó nữa. Kẻ sĩ sinh ở chỗ thô lậu quê mùa, được tuyển dụng làm quan, thì không phải là không vinh hiển, nhưng không còn được vẹn cái bản chân nữa. Xúc tôi xin được về, ăn trễ thì cũng ngon như ăn thịt, thủng thẳng đi bộ thì cũng thích như ngồi xe, không tội thì cũng sướng như kẻ tôn quí, lấy sự thanh tĩnh, chính trực làm vui. Đặt ra hiệu lệnh là nhà vua, tận trung, trực ngôn là Xúc tôi; đạo lý gì cần nói thì Xúc tôi đã nói rồi, nay xin nhà vua cho phép lui ra, thong dong mà trở về nơi cố hương.

Nói rồi vái hai vái, từ biệt mà đi.

Xúc là người tri túc, phục hồi được thiên chân, như cục ngọc chưa đẽo, vì vậy mà suốt đời không bị nhục.

53. Tức Liễu Hạ Huệ, có khí tiết, họ Lỗ, tên Triển Cầm, không chịu làm quan, đói quá thì ngồi dưới gốc cây liễu, nhổ cỏ mà ăn, người đời sau gọi là Liễu Hạ Quí; khi ông mất rồi, người ta kính trọng ông, không lại hái củi ở gần mộ ông. Huệ là tên thuỵ của ông. Tần đánh Tề, quân lính phải qua nước Lỗ, cho nên mới có lệnh đó.


54. Mỗi thạch là 120 cân.


55. Vua Trung Hoa khi lâm triều đều quay mặt về phía nam, đều tự xưng là “quả nhân”. Câu này có nghĩa là hiện nay chỉ còn 24 nước.


56. Cô, quả, bất cốc: đều là những lời khiêm tốn của nhà vua tự xưng với người khác và đều có nghĩa là: ít tài đức.


6. VƯƠNG ĐẨU YẾT KIẾN TỀ TUYÊN VƯƠNG

(Tiên sinh Vương Đẩu)

Ông Vương Đẩu (người nước Tề) tiến tới cửa cung, đòi yết kiến Tề Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương sai sứ giả ra mời vào, Vương Đẩu bảo (sứ giả nói lại):

- Đẩu tiến tới trước để ra mắt vua, là Đẩu thích quyền lợi; vua tiến tới trước để đón Đẩu là vua chuộng kẻ sĩ; ý vua ra sao?

Sử giả trở vô báo Tề Tuyên Vương, vương bảo:

- Phiền tiên sinh đợi một chút, quả nhân xin ra đón!

Tề Tuyên Vương bèn tiến ra cửa cung để đón Vương Đẩu rồi cùng vô. Vương bảo:

- Quả nhân được kế thừa tôn miếu của tiên vương mà giữ gìn xã tắc, nghe tiếng tiên sinh nói ngay can thẳng mà không kiêng nể.

Vương Đẩu đáp:

- Lời đồn đó quá. Đẩu sinh ở đời loạn, thờ ông vua loạn, đâu dám nói ngay can thẳng.

Tuyên Vương có sắc giận, không vui. Được một lát, Vương Đẩu bảo:

- Xưa, tiên vương Hoàn Công chín lần hội họp chư hầu khuông chính thiên hạ, được thiên tử phong đất, lập làm thái bá, nay sở thích của nhà vua có bốn điều giống tiên vương.

Tuyên Vương vui vẻ hỏi:

- Quả nhân ngu xuẩn, giữ nước Tề mà chỉ lo giữ không nổi, sao mà có được bốn điểm giống tiên vương?

Vương Đẩu đáp:

- Không phải vậy. Tiên vương thích ngựa, nhà vua cũng thích ngựa; tiên vương thích chó, nhà vua cũng thích chó; tiên vương thích rượu, nhà vua cũng thích rượu; tiên vương ham sắc, nhà vua cũng ham sắc, duy có điều tiên vương thích kẻ sĩ, nhà vua không thích kẻ sĩ

Tuyên vương hỏi:

- Đời này không có kẻ sĩ thì làm sao quả nhân mến kẻ sĩ được?

Vương Đẩu đáp:

- Đời này không có loài ngựa tốt kì lân, lục nhĩ, mà xe nhà vua cũng đã có đủ ngựa; đời này không có loài Đông Quách, tuấn lư 57 mà nhà vua cũng đã có đủ chó săn; đời này không có Mao Tường, Tây Thi mà trong cung nhà vua cũng đã đầy mỹ nhân. Chẳng qua nhà vua không thích kẻ sĩ, nếu thích thì lo gì không có kẻ sĩ.

Vua bảo:

- Quả nhân lo việc nước mà yêu dân, vẫn mong được kẻ sĩ để trị nước.

Vương Đẩu đáp:

- Nhà vua lo việc nước và yêu dân không bằng yêu một thước sa mỏng.

Vua hỏi:

- Ý muốn nói gì vậy?

Vương Đẩu đáp:

- Nhà vua sai người làm cái mũ thì không dùng kẻ tả hữu được sủng ái mà dùng một người thợ làm mũ, là vì đâu? Là vì người thợ đó biết làm mũ. Nay nhà vua trị nước Tề, hễ ai không phải là kẻ tả hữu được sủng ái thì nhà vua không dùng, cho nên tôi bảo rằng nhà vua yêu nước không bằng yêu một thước sa mỏng.

Tuyên Vương tạ lỗi, đáp:

- Quả nhân có tội với quốc gia.

Rồi lựa năm kẻ sĩ, cho làm quan. Nhờ vậy nước Tề rất bình trị.

57. Đông Quách có giống thỏ chạy nhanh, nước Hàn có giống chó lư chạy cũng nhanh.


7. TRIỆU UY HẬU HỎI THĂM NƯỚC TỀ

(Tề vương sử sứ giả)

Vua Tề (tên là Kiến) sai sứ giả qua thăm Triệu Uy hậu (vợ Triệu Huệ Văn Vương). Thư chưa mở, Uy hậu hỏi sứ giả:

- Năm nay được mùa không? Dân chúng không sao chứ? Nhà vua cũng không sao chứ?

Sứ giả không vui, bảo:

- Tôi phụng mệnh tới vấn an thái hậu, thái hậu không hỏi thăm vua trước mà hỏi thăm mùa màng và dân chúng trước, như vậy chẳng phải là hỏi thăm cái ti tiện trước, hỏi thăm ngôi tôn quí sau ư?

Uy hậu đáp:

- Không phải vậy. Không có mùa màng thì làm sao có dân? Không có dân thì làm sao có vua? Thế thì sao lại có cái lẽ bỏ gốc mà hỏi thăm ngọn trước.

Rồi lại hỏi thăm thêm:

- Tề có một vị xử sĩ là Chung Li Tử 58 , ông ấy mạnh giỏi chứ? Ai có lương thực thì ông ấy giúp lương thực cho, ai không có lương thực thì ông ấy cũng giúp lương thực cho; ai có quần áo thì giúp quần áo cho, ai không có quần áo thì cũng giúp quần áo cho; như vậy là ông ấy giúp vua Tề nuôi dân, sao mà đến bây giờ vẫn không giao chức vụ gì cho ông ấy? Ông Diệp Dương Tử 59 mạnh giỏi chứ? Ông ấy là người thương xót những kẻ quan, quả, cô, độc, giúp đỡ những kẻ khốn cùng, thiếu thốn, như vậy là giúp vua Tề cứu vớt, an ủi nhân dân, sao mà đến bây giờ vẫn không giao chức vụ gì cho ông ấy? Cô Bắc Cung Anh Nhi Tử 60 mạnh giỏi chứ? Cô ấy lột hết cả trâm, vòng, ở vậy cho tới già để nuôi cha mẹ, như vậy là làm gương cho dân chúng, cảm hoá dân chúng giữ đạo hiếu, sao mà đến bây giờ không phong cho cô ta làm mệnh phụ! Hai vị sĩ đó không được nhận chức vụ gì cả, một cô gái hiếu hạnh đó không được phong làm mệnh phụ thì làm sao vua Tề trị được nước, nuôi nấng được muôn dân? Tử Trọng ở Ô Lăng 61 còn sống không? Hắn là người, trên thì không biết thờ vua, dưới thì không biết tề gia, ở giữa thì không biết kết giao với chư hầu, như vậy là thống suất nhân dân mà hoá ra vô dụng, sao mà đến bây giờ vẫn chưa giết hắn đi?


58. Chung Li Tử: Chung là họ, Li Tử là tên. Là một người có tài đức mà không làm quan (xử sĩ).


59. Diệp Dương Tử: không rõ tên họ là gì. Diệp Dương là tên đất; ông ta ở Diệp Dương, nên gọi như vậy.


60. Bắc Cung Anh Nhi Tử: Bắc Cung là họ, Anh Nhi Tử là tên. Có sách lại bảo Bắc Cung là tên đất.


61. Ô Lăng Tử Trọng: Ô Lăng là tên đất, nay ở tỉnh Sơn Đông. Tử Trọng là tên người. Chính ra, phải chép là Trọng Tử mới đúng. Trọng Tử tức là Trần Trọng, một thế gia của Tề, khinh phú quí, ngạo vương hầu, không chịu thờ vua Tề vô đạo, mà ẩn ở đất Ô Lăng, rồi chết đói, có tiết tháo liêm khiết như Bá Di, bị Mạnh Tử chê trong chương Đằng Văn Công, hạ.


9. QUẢN YÊN TRÁCH KẺ SĨ

(Quản Yên đắc tội)

Quản Yên (người nước Yên) bị tội với vua Tề Tuyên Vương, hỏi kẻ tả hữu:

- Các ông có ai cùng với tôi trốn qua các nước chư hầu không?

Kẻ tả hữu làm thinh không đáp.

Quản Yên khóc ròng, bảo:

- Buồn thay! Kẻ sĩ sao mà dễ được và khó dùng đến thế!

Điền Nhu 62 đáp:

- Kẻ sĩ ba bữa ăn không được no, mà ông thì ngỗng vịt ăn không hết; mỹ nữ trong hậu cung, thì bận là lụa, phủ sa, the mà kẻ sĩ không có áo để mặc. Vả lại của cải là cái mà ông khinh (nghĩa là vung phú), còn cái chết là cái mà kẻ sĩ trọng. Ông đã không thể đem cái ông khinh để tặng kẻ sĩ mà lại đòi kẻ sĩ đem cái họ trọng để thờ ông. Đâu phải là kẻ sĩ dễ được mà khó dùng!

62. Điền Nhu: là tể tướng nước Nguỵ.


TỀ V

1. TÔ TẦN THUYẾT TỀ MẪN VƯƠNG

(Tô Tần thuế Tề Mẫn Vương)

Tô Tần bảo Tề Mẫn Vương:

- Tôi nghe rằng khởi binh mà muốn trước thiên hạ thì phải lo lắng; kết ước mà muốn làm chủ thiên hạ thì tất gây oán thù mà bị cô lập. Khởi binh sau thiên hạ thì được sự nương tựa, mà thừa thời cơ thì tránh được oán hận. Vì vậy thánh nhân hành động thì tất dùng phép quyền biến làm chỗ nương tựa, nhân thời cơ mà dấy lên. Nương tựa vào phép quyền biến thì thống suất được vạn vật, lợi dụng được thời thế thì làm chủ được trăm việc. Cho nên không dùng phép quyền biến, làm trái với thời thế mà thành công được là điều rất hiếm.

Nay tuy có những cây kiếm quí Can Tướng và Mạc Da 63 mà không có nhân lực thì cũng không cắt được gì cả; tuy có tên cứng mũi nhọn mà không có nỏ và dây cung thích hợp thì cũng không bắn được xa mà giết được người. Không phải tại mũi tên không nhọn, lưỡi kiếm không bén. Thế thì tại cái gì vậy? Tại mất sự nương tựa. Tại sao biết được vậy? Xưa kia Triệu đánh úp Vệ, người đánh xe thông tin không ngừng. Vệ cắt thành cầu hoà 64 , tám cửa thành đắp đất lên để chống cự, còn hai cửa thành đã bị phá, như vậy là cái thế mất nước rồi. Vua Vệ đi chân không, qua cầu viện vua Nguỵ (Vũ Hầu), vua Nguỵ khoác áo giáp, mài lưỡi kiếm, đánh nhau với Triệu trong thành Hàm Đan, kỵ mã chạy mù, miền từ Hoàng Hà tới Thái Hàng Sơn náo loạn, Vệ nhờ vào đó mà thu thập binh lính, tiến lên phía bắc, phá được Cương Bình, hạ được ngoại thành ở Trung Mâu. Không phải là Vệ mạnh hơn Triệu, Vệ chỉ như mũi tên nhọn mà Nguỵ là cây nỏ và dây cung, nhờ được sức của Nguỵ mà chiếm được đất Hà Đông, làm cho Triệu phải sợ.

Người Sở cứu Triệu mà đánh Nguỵ, khai chiến ở Châu Tây, từ Lương Môn tung ra, quân đóng ở Lâm Trung, ngựa uống nước ở sông lớn. Triệu nhờ được vậy cũng đánh úp miền Hà Bắc của Nguỵ, đốt phá miền Cức Cấu, hạ được Hoàng thành, Cương Bình bị phá, Trung Mâu và Hoàng thành 65 bị hạ, Cức Cấu bị đốt, đều không do ý muốn của Triệu, Nguỵ. Thế mà hai nước đó tận lực tiến quân là do lẽ gì vậy? Do Vệ rõ được cái lẽ nương tựa vào thời thế và quyền biến.

Các người trị nước ngày nay thì không vậy. Binh yếu mà lại thích chống với nước mạnh, nước suy mà lại thích kết oán với người. Việc hỏng rồi mà lại thích tiếp tục, binh lực bạc nhược mà lại không chịu ở dưới người, đất hẹp mà lại thích chống với nước lớn, việc hỏng rồi mà lại thích dùng mưu gian. Có sáu hành động đó mà muốn được làm bá chủ thì khó thay!

Tôi nghe nói người khéo trị nước thì thuận ý dân, mà liệu binh lực rồi sau mới theo sau thiên hạ 66 . Cho nên kết ước thì không vì người mà chuốc lấy oán thù, chinh chiến thì không vì người mà toả chiết cường địch. Như vậy thì không hao binh, không khinh dụng quyền mưu, đất đai có thể mở rộng mà nguyện vọng có thể đạt. Xưa Tề cùng với Hàn, Nguỵ đánh Tần, Sở; chiến tranh không phải là rất kịch liệt, cắt đất (của Tần, Sở) lại không nhiều gì hơn Hàn, Nguỵ, vậy mà thiên hạ riêng đổ tội cho Tề (chứ không đổ tội cho Hàn, Nguỵ) là tại sao? Chỉ tại Tề vì Hàn, Nguỵ mà chuốc lấy oán. Khắp thiên hạ, nước nào cũng dụng binh, Tề với Yên đánh nhau mà Triệu thôn tính được Trung Sơn, Tần và Sở đánh nhau với Hàn, Nguỵ không ngớt, Tống và Việt chuyên tâm dụng binh. Mười nước đó đều nghĩ tới việc đánh nhau, mà thiên hạ chỉ riêng chú ý tới Tề là tại sao? Là vì khi kết ước thì Tề thích đứng vào địa vị gây oán, đánh thì thích toả chiết cường địch.

Vả lại nước mạnh bị hoạ thường là do có ý muốn làm chủ các nước khác, nước yếu bị tai ách thường là do có ý muốn lừa gạt nước khác; vì vậy mà nước lớn thì nguy mà nước nhỏ thì bị diệt. Kế hoạch của nước lớn không gì bằng cử sự sau người ta và coi trọng sự thảo phạt những nước bất nghĩa. Cử sự sau người ta thì được cái lợi là có nhiều nước giúp mà binh của mình lại mạnh, như thế lấy số quân đông và mạnh mà đánh số quân ít và mệt, nhất định phải thành công; việc làm của mình không ngăn tuyệt lòng qui phục của thiên hạ thì cái lợi tất dồn về mình. Nước lớn hành động như vậy thì cái danh chẳng phải cầu cũng tới, sự nghiệp bá vương chẳng phải làm cũng thành. Còn nước nhỏ thì không gì bằng cẩn, tĩnh, đừng nhẹ dạ vội tin chư hầu. Cẩn, tĩnh thì các nước láng giềng không phản mình, ít tin chư hầu thì không bị chư hầu bán đứng mình. Ở ngoài không bị oán, ở trong không bị phản thì hoá vật chứa chất được nhiều tới hư thối mà không dùng tới, lụa vải súc tích đến mục nát mà không mặc tới 67 . Nước nhỏ mà theo chính sách đó thì không cầu khấn mà được phúc, không vay mượn mà tự túc được. Cho nên bảo: “Theo đạo nhân thì dựng được nghiệp vương; lập điều nghĩa thì làm được nghiệp bá; còn ham dùng binh thì bị diệt vong”.

Làm sao biết được điều đó? Xưa Ngô Vương là Phù Sai, ỷ rằng nước mình mạnh lớn nhất thiên hạ, đánh úp nước Dĩnh (tức nước Sở) và cầm tù Việt Vương, bắt các vua chư hầu phải phục tòng; vậy mà kết cục thân chết, nước mất, bị thiên hạ giết, là tại sao? Là tại Phù Sai bình thời tính chuyện làm chủ thiên hạ, cậy nước mạnh và lớn mà thích thống lĩnh thiên hạ, cho nên mới mang hoạ. Xưa kia nước Lai, nước Cử thích dùng mưu kế, nước Tần, nước Thái thích dùng trá thuật; sau Cử ỷ vào Việt mà bị diệt, Thái ỷ vào Tần mà bại vong. Đó là cái hoạ ở trong thì dùng trá thuật, ở ngoài thì tin chư hầu. Do đó mà xét thì cái hoạ của các nước mạnh, yếu, lớn, nhỏ đều thấy rõ ở các việc trước rồi. Ngạn ngữ có câu: “Ngựa kì, ngựa kí khi già yếu thì chạy thua cả con ngựa dở; Mạnh Bôn lúc suy nhược thì sức thua cả đứa con gái”. Gân cốt, sức mạnh của loài ngựa dở, của hạng con gái đâu hơn được gân cốt, sức mạnh của loài kì, kí, của Mạnh Bôn; thế thì tại sao lại thắng được? Chỉ tại cử sự sau thôi 68 .

Ngày nay, thế lực các nước trong thiên hạ ngang nhau, không thể diệt nhau được, nước nào biết án binh mà cử sự sau các nước khác, diệt kẻ không chính trực, mà qui oán cho nước khác, giấu cái ý dụng binh mà mượn cái chính nghĩa, như vậy thì các việc thôn tính thiên hạ có thể vắt chân mà đợi.

Hiểu rõ cái tình ý của chư hầu, xét kỹ cái hình thế đất đai, không kết thân, không trao đổi con tin mà lòng tin vẫn vững; không chạy mà vẫn tiến mau, cộng tác mà không phản phúc, cùng nhau cắt đất của địch mà không ghen ghét lẫn nhau, cùng là cường quốc mà vẫn thân nhau, là nhờ đâu vậy? Nhờ cùng lo với nhau về hình thế đất đai và dùng binh để cùng tìm cái lợi.

Sao biết được như vậy? Xưa kia, Tề và Yên đánh nhau ở chỗ uốn khúc của núi Hoàn Sơn, Yên thua, chết mười vạn quân, rợ Hồ thừa cơ đánh úp các huyện Lâu Phiền, bắt bò, ngựa. Rợ Hồ vốn có thân gì với Tề đâu, mà lúc dùng binh cũng không kết ước hoặc trao đổi con tin gì với Tề để cướp Yên, mà cả hai nước đó đánh Yên, là tại sao? Tại hình thế đất đai làm cho hai nước đó cùng lo như nhau và họ dùng binh để cùng tìm cái lợi như nhau. Do đó mà xét, kết ước với một nước hình thế đất đai giống nước mình thì cái lợi sẽ lâu dài; cử sự sau thì các nước khác hùa với ta và giúp ta. Cho nên bậc minh quân cùng hạng tể tướng giỏi mà thực có cái chí dựng nghiệp bá vương thì không coi chiến tranh là việc phải mưu tính trước hết, vì hễ chiến tranh thì nước sẽ suy tàn, đô thành quận huyện sẽ hao tổn; nước đã suy tàn, hao tổn mà có thể làm cho chư hầu tòng phục mình thì là điều ít thấy.

Chiến tranh là tàn mạt: nghe tin có chiến tranh, kẻ sĩ thì gom của riêng mà cấp cho binh đội; người ở chợ thì gom những đồ ăn uống mà cấp cho lính cảm tử; quan trên ra lệnh chặt đòn ngang của xe để làm củi, giết bò (cày) để đãi lính, như vậy là đưa binh đội đến chỗ suy nhược! Người thường thì cầu khấn, vua chúa thì tế lễ các tử sĩ, từ kinh đô tới các huyện nhỏ đều đặt bàn thờ cúng kiếng, ấp nào có chợ thì cũng ngưng mọi hoạt động mà phục vụ nhà vua, như vậy là làm cho nước hoá rỗng không. Hôm trước hết chiến tranh thì hôm sau lo chôn thây người, giúp đỡ kẻ bị thương, dù có công thắng trận nhưng hao tổn về quân phí, nhân dân bi thảm khóc lóc, cũng đau lòng cho vua. Nhà nào có người chết thì khuynh gia bại sản vì việc ma chay; nhà nào có người bị thương thì dốc hết tiền để lo việc thuốc thang; nhà nào không có người chết hoặc bị thương thì bày tiệc mừng, rượu chè chơi bời, phí tổn cũng không kém những nhà có người chết hoặc bị thương. Phí tổn vào chiến tranh, mười năm thu lúa thì cũng chưa đủ bù. Quân đội mà chiến đấu xong thì mâu và kích gãy, vòng và dây cung đứt, nỏ hao tổn, xe hư hỏng, ngựa mệt mỏi, tên mất thì già nửa, áo giáp cùng binh khí triều đình phát ra, kẻ sĩ và đại phu giấu đi một phần, sĩ tốt lấy trộm một phần, dù thu thuế ruộng mười năm cũng chưa đủ bù vào. Trong thiên hạ, nước nào hao phí đến hai lần 69 như vậy mà làm cho chư hầu tòng phục mình thì là việc ít thấy.

Đánh thành là việc tốn kém, quần áo dân chúng rách hết, đem binh xa và chiến xa để phá thành; người dân ở nhà thì phải cùng nhau làm việc, trốn dưới hang, hầm, tiền của dùng hết 70 ; chiến sĩ khốn khổ vì công việc xây đắp, tướng thì không lúc nào bỏ áo giáp, một vài tháng mà hạ được thành, đã là mau rồi. Người trên mệt mỏi không còn lo việc giáo hoá dân được nữa, dân chúng thì vì chiến tranh mà bỏ cả việc làm ăn; cho nên ít khi hạ được ba thành mà thắng được địch 71 . Cho nên nói: “Chiến tranh không phải là việc phải làm trước”.

Sau biết được như vậy? Xưa kia Trí Bá Dao đánh Phạm và Trung Hàng, giết được vua, diệt được nước, rồi phía tây vây Tấn Dương, thôn tính hai nước 72 , làm cho một ông vua (tức Triệu Tương Tử) phải lo lắng, dùng binh mà như vậy là giỏi; nhưng kết quả là Trí Bá thân chết, nước mất, bị thiên hạ chê cười, là tại sao? Là vì bị cái nạn coi chiến tranh là việc phải làm trước mà giết Phạm và Trung Hàng.

Xưa Trung Sơn dốc hết binh mà nghinh chiến Yên và Triệu, phía nam đánh ở Trường Tử, thắng được Triệu, phía bắc đánh ở Trung Sơn, thắng được quân Yên, giết được tướng Yên; Trung Sơn là nước ngàn cổ xe mà đánh hai nước vạn cổ xe, hai lần đánh hai lần thắng, dùng binh như vậy là giỏi tuyệt. Vậy mà rồi nước cũng diệt vong, vua Trung Sơn phải thần phục Tề, là tại sao? Tại không hạn chế cái hoạ của sự chinh chiến. Do đó mà xét thì sự suy bại do chiến tranh, có thể thấy ở các việc trước rồi.

Ngày nay người nào chiến tranh hoài không ngừng, thắng lợi liên tiếp, giữ thành không để cho địch công phá được, như vậy thì được khen là khéo dùng binh. (Nhưng) nước nào được người như vậy để giữ gìn bờ cõi thì không phải là cái lợi cho quốc gia. Tôi nghe nói đánh nhau mà đại thắng, thì tướng sĩ chết nhiều mà binh lực càng yếu, giữ thành mà không cho địch công phá được thì trăm họ mệt mỏi mà thành quách phơi ra 73 . Tướng sĩ chết ở ngoài, dân chúng tàn mạt ở trong, thành quách phơi ra, đâu phải là cái vui của vua. Cái đích để nhắm bắn kia, có tội gì với người đâu mà giương cung nỏ bắn vào, trúng thì được khen, không trúng thì xấu hổ. Lớn nhỏ, sang hèn đều đồng lòng bắn lủng nó, là vì sao vậy? Là vì ghét rằng nó thách thức người ta. Nay người ta đánh nhau không ngừng, thắng lợi liên tiếp, giữ thành không chịu để cho công phá, không phải chỉ là thách thức người mà còn là làm hại người nữa. Như vậy thì nhất định bị thiên hạ cừu thị. Làm cho binh sĩ mệt mỏi, quốc gia thành quách phơi ra mà gây sự oán cừu của nhiều nước trong thiên hạ, bậc minh quân tất không theo chính sách đó. Thường dùng binh thì binh mạnh sẽ hoá yếu, vị tể tướng giỏi tất không theo chính sách đó. Bậc minh quân và tể tướng giỏi thì không dùng tới năm thứ binh khí 74 mà chư hầu phục tòng, thái độ khiên nhượng mà của cải tới nhiều. Cho nên bậc minh quân tác chiến, không dùng đến giáp binh mà thắng được địch, không dùng đến chiến xa để công hãm thành mà thành ở biên cương phải đầu hàng, nhân dân không biết gì cả 75 mà vua dựng được nghiệp. Bậc minh quân trị nước, dùng ít tiền bạc, tuy mất nhiều ngày giờ nhưng cái lợi được lâu dài. Cho nên bảo: “Dấy binh sau nước khác mà chư hầu ùa lại phục dịch cho ta”.

Tôi nghe nói rằng cái đạo chiến tranh không cần thầy dạy, vậy mà gặp quân đội trăm vạn, có thể ngồi ở trên thềm mưu tính mà đánh đuổi được giặc; tuy địch có những tướng như Hạp Lư, Ngô Khởi, có thể ngồi trong phòng mưu tính mà bắt sống được; cái thành cao ngàn trượng, có thể ngồi ở tiệc rượu mưu tính mà hạ được; chiến xa dài trăm thước, có thể ngồi trên chiếu mưu tính mà phá gẫy được. Cho nên tiếng chuông, tiếng trống, tiếng địch, tiếng cầm không lúc nào ngớt, mà đất có thể mở rộng, nguyện vọng có thể đạt; tiếng ca, tiếng cười của bọn con hát không ngừng mà trong một ngày có thể cầm tù được các vua chư hầu. Cho nên danh tiếng ngang trời đất mà không cho là quá tôn, lợi trùm cả hải nội mà không cho là quá hậu. Cho nên khéo dựng nghiệp vương thì làm cho thiên hạ lao khổ mà mình được thảnh thơi, làm cho thiên hạ loạn lạc mà mình được yên ổn; làm cho sự thảnh thơi yên trị về ta, sự khó nhọc, loạn lạc về thiên hạ, đó đó là cái đạo của bậc vương giả. Binh tinh nhuệ tới thì chống cự, mối lo lắng tới thì gỡ rối, khiến cho mưu mô của chư hầu không thành thì chư hầu không làm cho ta lo lắng lâu được.

Làm sao biết được vậy? Xưa kia vua Nguỵ đất rộng ngàn dặm, binh nhiều ba mươi sáu vạn, cậy mạnh mà đánh lấy Hàm Đan, phía tây vây Định Dương, lại cùng với mười hai chư hầu triều kiến thiên tử để mưu đánh nước Tần. Vua Tần lo lắng, ngủ không yên, ăn không ngon, ra lệnh trong nước, đặt chiến cụ ở trên tường các thành để đề phòng, lập bộ đội cảm tử, an bài binh tướng để đợi quân Nguỵ. Vệ Ưởng bàn tính với vua Tần rằng: “Nguỵ lập được công lớn mà hiệu lệnh được khắp thiên hạ theo, lại cùng với mười hai nước chư hầu triều kiến thiên tử, phe của Nguỵ tất phải đông. Cho nên một nước Tần mà địch với nước Nguỵ lớn, e không đủ sức. Sao đại vương không sai tôi yết kiến vua Nguỵ? Tôi xin làm cho quân Nguỵ phải bỏ chạy”. Vua Tần bằng lòng. Vệ Ưởng bèn yết kiến vua Nguỵ, tâu: “Công của đại vương lớn lắm! Mệnh lệnh của đại vương thi hành khắp trong thiên hạ! Nay mười hai nước chư hầu theo đại vương, nếu không phải là Tống, Vệ, thì là Trâu, Lỗ, Trần, Thái, toàn là những chư hầu mà đại vương có thể dùng roi ngựa để sai khiến 76 , nhưng cũng chưa đủ cho đại vương làm chủ thiên hạ. Không bằng đại vương, phía bắc chiếm Yên, phía đông đánh Tề, như vậy Triệu tất phục tòng; phía tây chiếm Tần, phía nam đánh Sở, như vậy Hàn tất phục tòng. Đại vương đã có cái ý đánh Tề, Sở mà lại thuận theo chí hướng của thiên hạ, thì vương nghiệp tất thành. Đại vương trước hết nên dùng phục sức của bậc vương giả, rồi sau hãy mưu chiếm Tề, Sở”. Vua Nguỵ vui vẻ theo lời Vệ Ưởng, nên mở rộng cung điện, may áo đỏ dựng cờ cửu du, cờ thất tinh 77 , toàn là những biểu hiệu của thiên tử mà vua Nguỵ đem dùng; do đó Tề, Sở nổi giận, chư hầu chạy theo Tề hết. Tề bèn đánh Nguỵ, giết thái tử, phá mười vạn quân Nguỵ, vua Nguỵ hoảng sợ, chạy chân không, trấn áp binh trong nước mà sang Tề, rồi sau thiên hạ mới tha cho. Lúc đó vua Tần buông tà áo, chắp tay 78 mà nhận những đất ở phía ngoài miền Hà Tây, không chịu phục vua Nguỵ. Cho nên bảo rằng: Vệ Ưởng khi cùng với vua Tần mưu việc, tính toán ở trên chiếu, bàn bạc ở trong tiệc rượu, mưu tính thành công ở chỗ thềm cung mà tướng Nguỵ bị quân Tề bắt, chiến xa chưa ra mà những đất ở phía ngoài miền Hà Tây đã nhập vô Tần rồi. Như vậy tôi gọi là: “Ngồi ở thềm mà đánh đuổi được địch, ngồi trong phòng mà bắt được tướng địch, ngồi trên tiệc rượu mà hạ được thành của địch, ngồi trên chiếu mà phá vỡ được chiến xa của địch”.

63. Can Tướng: vốn là tên một người đời cổ giỏi đúc kiếm. Lần đó đúc kiếm không thành, người vợ tên là Mạc Da, bèn cắt tóc và móng tay, móng chân của mình bỏ vô lò đúc, nhờ vậy người chồng tạo được hai thanh kiếm quí, một chiếc tên là Can Tướng, một chiếc tên là Mạc Da.


64. Chúng tôi chấm câu theo bản Thương Vụ ấn thư quán, Diệp Ngọc Lân chấm khác: xa xá nhân bất hưu, truyền Vệ quốc, thành cát bình; và dịch là: người điều khiển binh xa tiến không ngừng, binh đến Vệ, trong thành cắt đất cầu hoà.


65. Có sách chép là Cao Thành.


66. Ý nói là để các nước khác cử binh trước đi, mình đợi thời rồi sẽ cử binh sau.


67. Ý nói dư nhiều quá, vì nước giàu.


68. Ý nói đợi khi người ta suy yếu rồi mà mình còn sung sức, cho nên thắng được.


69. Ý nói trong chiến tranh đã hao phí mà sau chiến tranh lại hao phí hơn.


70. Nguyên văn: đao kimTừ Hải không có, Hứa Khiếu Thiên giảng là binh khí. Thời cổ có thứ đao tiền, tức đồng tiền hình con dao.


71. Ý nói hạ được ba thành rồi mà chưa thắng được địch, thì sức mình đã suy nhiều, khó mà chiến thắng được nữa.


72. Hai nước: tức Hàn và Nguỵ chăng? Nhưng theo truyện Triệu I 2 Trí Bá chưa thôn tính được hai nước đó, chỉ mới cắt được ít đất thôi.


73. Ý nói: địch tuy hạ không được thành nhưng thành cũng không còn gì để che chở nữa.


74. Năm thứ binh khí: là cái cung, cây thù, cái mâu, cây qua, cây kích.


75. Ý nói không phải dùng đến sức nhân dân.


76. Ý nói những nước chư hầu đó nhỏ, yếu.


77. Cửu du, thất tinh: là tên những cây cờ mà chỉ thiên tử mới được dùng. Có sách chú thích: Cửu du là chín cây cờ “du”, thứ cờ dài rộng.


78. Ý nói ung dung ngồi một chỗ mà thành công.


TỀ VI

1. TỀ MẪN VƯƠNG TÀN BẠO, MÀ BỊ GIẾT

(Tề phụ quách chi nhân)

Ở ngoại ô thành nước Tề, có một người tên là Hồ Huyên, chính nghị 79 , Mẫn Vương sai chém ở Đàn Cù (tên một con đường ở chợ) nên trăm họ không ưa; trong tôn thất nước Tề có một người tên là Trần 80 Cử hay trức ngôn, Mẫn Vương sai giết ở cửa đông nên tôn tộc xa ghét; Tư Mã Nhương Thư làm quan, Mẫn Vương sai giết đi, nên đại thần không thân tín nữa.

Vì vậy mà Yên dấy binh, sai Xương Quốc Quân 81 làm tướng đem quân đánh Tề. Tề sai Hướng Tử làm tướng cầm quân nghinh chiến. Quân Tề thua, Hướng Tử còn giữ được một chiếc binh xa, chạy trốn. Đạt Tử thu thập tàn binh, quân đội lại phấn phát lên, chiến đấu với Yên, xin Mẫn Vương cho thêm binh để báo thù, Mẫn Vương không cho thêm được, quân đội bị đánh tan, Mẫn Vương chạy trốn qua nước Cử.

(Tướng nước Sở là) Náo Xỉ 82 kể tội Mẫn Vương:

- Ở khoảng từ Thiên Thặng tới Bác Xương 83 , vuông vức mấy trăm dặm, mưa máu ướt áo, nhà vua có hay không?

- Không.

- Ở khoảng Doanh và Bác 84 , đất nứt ra sâu tới mạch suối, nhà vua có hay không?

- Không.

- Có người khóc ở chỗ cửa khuyết, tìm thì không thấy người, mà bỏ đi thì nghe thấy tiếng khóc, vua có hay không?

- Không.

Náo Xỉ bảo:

- Trời mưa máu ướt áo là trời cảnh cáo nhà vua đấy; đất nứt tới mạch suối là đất cảnh cáo nhà vua đấy; người khóc ở cửa khuyết là người cảnh cáo nhà vua đấy. Trời, đất, người đều cảnh cáo nhà vua mà nhà vua không biết răn mình, làm sao mà không đáng chết cho được?

Rồi giết Mẫn Vương ở Cổ Lí. Thái tử phải cởi bỏ y phục, trốn vào nhà quan thái sử, giả làm người tưới vườn. Con gái quan thái sử – sau làm hoàng hậu – biết thái tử là bậc quí nhân, đặc biệt đãi ngộ.

(Sau) Điền Đan dùng thành Tức Mặc và tàn binh của Tề đánh Yên, dùng mưu gạt Kị Kiếp 85 , mà khôi phục được nước Tề, đón thái tử ở nước Cử về làm vua. Tương Vương 86 lên ngôi, phong Quân Vương hậu (tức con gái quan thái sử) làm hoàng hậu, hậu sinh ra Tề Vương Kiến 87 .

Vương Tôn Giả năm mười lăm tuổi thờ Mẫn Vương, Mẫn Vương trốn đi, không biết tìm ở đâu. Người mẹ bảo:

- Sáng con ra đi mà chiều về thì mẹ tựa cửa ngóng con; chiều con ra đi mà không về thì mẹ tựa cổng ngóng con. Nay con thờ vua, vua trốn đi, con không biết tìm đâu thì còn về nhà làm gì?

Vương Tôn Giả bèn lại giữa chợ, bảo:

- Náo Xỉ làm loạn nước Tề, giết Mẫn Vương, ai muốn cùng tôi giết nó thì để hở cánh tay mặt đi!

Ở chợ, bốn trăm người theo, cùng vấn tội Náo Xỉ rồi đâm chết Náo Xỉ.


79. Chính nghị: Bàn bạc, phê bình theo chính nghĩa.


80. Có sách chép là Điền. Xưa hai chữ Trần «陳» và Điền «田» dùng th


81. Tức Nhạc Nghị, được phong làm Xương Quốc Quân. Xương Quốc là tên thành, nay ở Sơn Đông. Việc xảy ra vào năm 31 đời Chu Noãn Vương.


82. Sở sai Náo Xỉ đem quân qua cứu Tề.


83. Thiên Thặng  Bác Xương đều là tên đất, nay ở Sơn Đông.


84. Doanh  Bác cũng là tên đất, nay ở Sơn Đông.


85. Kị Kiếp: là tướng Yên. Điền Đan cho phao tin rằng ông chỉ sợ quân Yên cắt mũi quân Tề rồi xua ra trận mà quân Tề sẽ thua; quân Yên hay được, bắt được lính Tề nào cũng đem cắt mũi, quân Tề nổi giận. Ông lại phao tin rằng chỉ sợ quân Yên phá mồ mã ở ngoài thành, quân Yên hay tin bèn đào mã ở ngoài thành; quân Tề thấy vậy khóc lóc, uất hận vô cùng, hăng tiết quyết chiến với quân Yên.


86. Tề Tương Vương (283 tr.T.L-265 tr.T.L). (Godfish).


87. Vương Kiến sau đầu hàng Tần và nước Tề mất từ đó. Crump chỉ dịch tới đây.


2. LỖ TRỌNG LIÊN THUYẾT TƯỚNG YÊN

(Yên công Tề, thủ thất thập dư thành)

Yên đánh Tề, chiếm được trên bảy mươi thành, chỉ còn hai thành Cử và Tức Mặc là không hạ được. Tướng Tề là Điền Đan giữ Tức Mặc để đánh Yên, giết Kị Kiếp. Mới đầu, tướng Yên hạ được Liêu thành, có người chê bai 88 , tướng Yên sợ bị giết, giữ chịt lấy Liêu Thành, mà không dám về nước. Điền Đan tấn công Liêu Thành, trên một năm, binh sĩ chết già nửa mà không hạ được. Lỗ Trọng Liên bèn viết thư, buộc vào mũi tên, bắn vào trong thành cho tướng Yên. Thư rằng:

- Tôi nghe nói, bậc trí giả không nghịch thời cơ mà bỏ lợi; bậc dũng sĩ không sợ chết mà huỷ danh, bậc trung thần không nghĩ đến thân mình trước mà nghĩ đến vua sau. Nay ông vì một buổi giận dữ 89 mà không nghĩ rằng vua Yên sẽ mất bề tôi 90 , như vậy không phải là trung thần; ông chịu chết, làm tan nát Liêu Thành, mà uy lực không được Tề nể 91 , như vậy không phải là dũng sĩ; sự nghiệp hỏng, thanh danh tiêu, đời sau không ai khen, như vậy không phải là trí giả. Cho nên bậc trí giả không tính đi tính lại, bậc dũng sĩ không sợ chết 92 . Tử sinh, vinh nhục, tôn ti, quí tiện đều ở trong lúc này cả, xin ông mưu tính cho kỹ lưỡng, đừng theo thói thường nhân.

Sở đánh Nam Dương, Nguỵ đánh Bình Lục, Tề không có ý hướng về phía nam, cho rằng cái hại mất Nam Dương không bằng cái lợi được Tế Bắc 93 , cho nên đã quyết tâm chiếm được Liêu Thành. Hiện nay Tần đem binh cứu Tề, Nguỵ không dám hướng ra phía đông đánh Bình Lục; Tần và Tề liên hoành với nhau mà hợp lực lại thì cái thế của Sở hoá nguy. Vả lại Tề bỏ Nam Dương, cắt Hữu Nhương 94 (tức Bình Lục), để giữ Tế Bắc, kế đó thế nào cũng đem thực hành.

Nay Sở, Nguỵ đều lui binh, cứu binh của Yên không tới, không nước nào mưu chiếm nước Tề; Tề với Liêu Thành cầm cự với nhau một năm thì, theo tôi thấy, ông không thể nào thắng được Tề đâu. Tề nhất định ăn thua với Liêu Thành, mà lỗi lầm của ông không sửa lại được nữa.

Nước Yên kia đại loạn, vua tôi tính lầm, trên dưới mê hoặc, Lật Phúc 95 đem tới trăm vạn quân mà năm lần bị đánh bại ở ngoài, nước ông là một nước vạn thặng mà bị Triệu vây, đất bị cắt, vua bị khốn, bị thiên hạ nguyền rủa, ông hay điều đó chứ? Nay vua Yên cô lập, đương sợ sệt, đại thần không đáng tin, quốc gia khốn đốn, tai hoạ thì nhiều, lòng dân hoang mang, mà ông lại đem số dân khốn đốn của Liêu Thành chống cự với binh hoàn chỉnh của Tề, một năm ròng mà không bỏ, đó là “lối giữ thành của Mặc Địch!” 96 Ăn thịt người, đốt xương người làm củi, quân sĩ không có lòng làm phản, đó là “binh của Tôn Tẩn và Ngô Khởi!”, bấy nhiêu có thể làm cho ông hiển danh trong thiên hạ rồi 97 .

Cho nên ở vào địa vị ông mà mưu tính thì không bằng bãi binh, hưu chiến, bảo toàn binh xa khí giới mà về báo tin cho vua Yên, vua Yên tất mừng, mà nhân dân nước Yên thấy ông sẽ mừng như thấy cha mẹ; bạn bè gặp nhau, nắm tay nhau mà đàm luận thế sự, sự nghiệp của ông có thể rỡ ràng rồi. Trên thì thờ vua cô độc để khống chế quần thần, dưới thì nuôi trăm họ để giúp đỡ các biện sĩ, sửa đổi quốc chính, cải cách phong tục trong thiên hạ, công danh ông có thể là vững vàng rồi.

Hoặc giả ông muốn làm suy tổn nước Yên, không kể tới sự phê phán của người đời, mà qua chơi phía đông là nước Tề ư? Nếu vậy thì Tề xin cắt đất để phong cho ông, ông sẽ giàu ngang họ Đào, họ Vệ 98 , đời đời xưng cô quả, cùng với Tề trường tồn, đó cũng là một cách nữa. Hai cách đó đều là hiển danh, tăng lợi, xin ông xét kỹ rồi lựa lấy một.

Tôi lại nghe: quá chú trọng tới tiểu tiết thì không làm được sự nghiệp lớn lao; hận về cái sỉ nhục nhỏ thì không lập được danh tiếng vẻ vang. Xưa Quản Trọng bắn Tề Hoàn Công 99 , trúng cái khoá dây lưng, vậy là phản nghịch; công tử Củ chết mà không chết theo, vậy là khiếp nhược, chân tay bị cùm, trói, vậy là nhục thân. Bị ba cái đó thì người trong làng xóm không giao du với nữa, mà các vị quân vương không dùng làm bề tôi nữa. Nếu Quản Trọng suốt đời uất ức, tự giam trong nhà mà không ra ngoài vì xấu hổ sợ người ta thấy mặt, như vậy tới khi chết, thì rốt cuộc chỉ là kẻ bị nhục, hành vi đê tiện mà thôi! Nhưng Quản Trọng tuy có đủ ba cái lỗi đó mà nắm chính quyền của Tề, khuông chính thiên hạ, chín lần họp chư hầu, làm cho vua Tề đứng đầu hàng ngũ bá, danh tiếng cao nhất trong thiên hạ, vinh quang chiếu tới các nước láng giềng.

Tào Mạt 100 làm tướng cho vua Lỗ, ba lần ra quân ba lần chạy dài, để mất cả ngàn dặm đất. Nhưng nếu Tào Tử chân không rời khỏi trận địa, mưu tính mà không nghĩ đến việc sau, ra trận (không thắng) thì nhất định chết chứ không chịu sống, thì rốt cuộc chỉ là một viên tướng bại trận bị bắt. Tào Tử cho rằng tướng bại trận bị bắt thì không phải là dũng; mà công nghiệp phải bỏ, thanh danh tiêu ma, thì không phải là trí. Cho nên ông chịu bỏ cái nhục ba lần thua chạy, lui về cùng bàn tính với vua Lỗ, và Tào Tử có dịp lập công 101 . Tề Hoàn Công gồm thâu thiên hạ rồi, triều hội chư hầu, mà Tào Tử chỉ có một thanh kiếm, bức hiếp Hoàn Công ở trên đàn, nhan sắc không đổi, lời nói, thần khí không loạn; thành thử những đất đai mất trong ba lần chiến bại kia chỉ trong một ngày mà thu hồi lại được, thiên hạ phải chấn động, chư hầu phải hoảng sợ, uy vọng lan tới Ngô, Sở, thanh danh truyền tới hậu thế.

Hai ông đó không phải là không giữ được những cái tiểu tiết, không phải là không biết chết vì cái nhục nhỏ; nhưng cho rằng thân chết, lìa đời rồi mà công danh không thành thì không phải là trí. Cho nên bỏ cái lòng phẫn hận để lập cái danh cho suốt đời, nén cái phẫn uất vì nhục để lập sự nghiệp đời đời. Nhờ vậy sự nghiệp của họ mới cùng với tam vương tranh nhau hơn kém, danh vọng của họ mới cùng với trời đất trường tồn. Xin ông xét cho!

Tướng Yên đáp:

- Xin tuân lệnh ông.

Rồi bãi binh, đảo ngược cái bao cung 102 mà lui quân.

Vậy giải vây cho Tề, cứu sống cho trăm họ là nhờ lời biện thuyết của Trọng Liên.


88. Có sách chú thích là: có người đặt ra lời hát để phản đối. Chưa tra được sự thực ra sao.


89. Crump dịch là: nay ông chịu sự oán hận của cả một triều đình. Nguyên văn: hành nhất triêu chi phẫn.


90. Ý nói tướng Yên sẽ chết nếu cố giữ Liêu Thành.


91. Crump dich là: uy danh không ra khỏi nước Tề. Nguyên văn: uy bất tín ư Tề.


92. Có bản chép: dũng sĩ bất tái kiếp. Crump dịch là: dũng sĩ không bại tẩu hai lần.


93. Nam Dương: là đất của Tề, nay ở Sơn Đông. Tế Bắc: là miền ở phía bắc sông Tế, tức miền Liêu Thành. Sở và Nguỵ ở phía nam nước Tề. Tề không có ý hướng về phía nam, nghĩa là không có ý đánh Sở và Nguỵ.


94. Hữu Nhương: là đất ở phía mặt của Tề. Có bản chép là Thạch Nhương.


95. Lật Phúc: là tướng nước Yên.


96. Mặc Địch: tức Mặc Tử. Công Thâu Ban đánh Tống, chín lần tấn công một thành, Mặc Tử chín lần đẩy được.


97. Câu này có ý khen quân Yên bị vây, thiếu gạo, thiếu củi, thiếu đủ thứ mà vẫn một lòng cầm cự.


98. Họ Đào trỏ Nguỵ Nhiễm ở đất Đào; họ Vệ trỏ Thương Ưởng.


99. Tề Hoàn Công tức là công tử Tiểu Bạch.


100. Có bản chép là Tào Muội.


101. Nguyên văn: dĩ vi tao. Diệp Ngọc Lân dịch là: cho rằng trước kia thua chỉ tại không gặp may. Chúng tôi theo Crump.


102. Crump theo Hoành Điền Duy Hiếu mà sửa là túi tên.


3. QUÁN CHÂU KHUYÊN TỀ TUYÊN VƯƠNG

(Yên công Tề, Tề phá)

Yên đánh Tề, Tề thua, Mẫn Vương trốn qua nước Cử, Náo Xỉ giết Mẫn Vương. Điền Đan cố giữ thành Tức Mặc, phá quân Yên, thu phục được đất cũ của Tề. Tương Vương làm làm thái tử, tỏ vẻ nghi rằng Tề đã phá Yên 103 thì Điền Đan muốn tự lên ngôi mà dân chúng nước Tề cũng cho rằng Điền Đan muốn tự lên ngôi.

Tương Vương lên ngôi rồi, Điền Đan làm tướng quốc. Có lần qua sông Tri, thấy một ông già lội qua sông, bị lạnh cóng, lên bờ rồi không đi được nữa, ngồi ở bãi cát. Điền Đan thấy vậy, muốn bảo bọn tuỳ hành ở xe sau xẻ áo cho ông lão, nhưng không ai có áo để cho. Điền Đan bèn cởi chiếc áo cừu đưa ông lão mặc. Tương Vương có vẻ nghi kỵ, bảo:

- Điền Đan thi ân như vậy là tính chiếm nước của ta chăng? Ta không sớm liệu thì e trễ mất.

Nhìn chung quanh không thấy ai cả; chỉ thấy ở dưới chân núi có một người tên là Quán Châu. Tương Vương gọi người đó lại hỏi:

- Ngươi nghe được lời ta nói không?

- Thưa nghe.

- Theo ý ngươi thì nên ra sao?

- Đại vương nên nhân đó mà coi là cái hay của mình. Đại vương nên khen Đan rồi hạ lệnh bảo: “Quả nhân lo dân đói, Đan gom dân đói về nuôi; quả nhân lo dân rét, Đan cởi áo cừu mà cho dân mặc; quả nhân lo trăm họ phải khó nhọc, Đan cũng lo cho trăm họ, thật hợp ý quả nhân”. Đan có chỗ nào tốt, nhà vua khen Đan là tốt, thì cái tốt của Đan cũng là cái tốt của vua.

Vua đáp:

- Phải.

Rồi tặng Đan thịt bò và rượu, khen hành vi của Đan.

Ít ngày sau, Quán Châu lại yết kiến vua, bảo:

- Ngày về triều 104 đại vương nên vời Điền Đan tới rồi vái chào Điền Đan ở triều, uỷ lạo ông ta, và hạ lệnh tìm những kẻ đói rét trong nước, gom về mà nuôi nấng.

(Tương Vương làm theo lời) rồi 105 sai người nghe ngóng trong dân gian, thiên hạ nói với nhau rằng: “Ông Điền Đan yêu dân, ha! Đó là ân trạch của nhà vua đấy!”.


103. Nguyên văn: chưng Tề dĩ phá Yên. Có học giả ngờ rằng chữ chưng «徵» phải sửa thành chữ vi «微». Diệp Ngọc Lân dịch là: Tương Vương làm thái tử, mới rõ sự thực Tề đã phá Yên. Crump dịch là: Thái Tử tánh nhỏ mọn. Khi đã phá Yên.


104. Crump dịch là: lần sau họp triều.


105. Crump dịch là: làm như vậy rồi, nhà vua sẽ sai người nghe ngóng trong dân gian và sẽ được nghe người ta nói với nhau…


4. ĐIÊU BỘT BÊNH VỰC ĐIỀN ĐAN

(Điêu Bột thường ố Điền Đan)

Điêu Bột thường huỷ báng Điền Đan: “An Bình Quân 106 là hạng tiểu nhân!”.

An Bình Quân hay được, đặt tiệc rượu, mời Điêu Bột tới, bảo:

- Đan có gì đắc tội với tiên sinh mà thường bị tiên sinh chê ở triều đình?

Điêu Bột đáp:

- Con chó của tên Chích 107 cắn vua Nghiêu, không phải là yêu tên Chích mà ghét vua Nghiêu; loài chó hễ không phải chủ của nó thì nó cắn, thế thôi. Nay, ví phỏng Công Tôn Tử là người hiền mà Từ Tử là kẻ bất tiếu mà hai người đó đánh nhau thì con chó của Từ Tử khắc vồ lấy mà cắn bụng chân của Công Tôn Tử. Nếu nó rời ông chủ bất tiếu đi mà lại ở với ông chủ hiền thì há nó chỉ vồ lấy cắn bụng chân của ông mà thôi đâu!

An Bình Quân bảo:

- Xin vâng lời chỉ giáo.

Hôm sau Điền Đan đề cử Điêu Bột với Tương Vương. Tương Vương có chín người bề tôi được sủng ái, họ đều muốn hại An Bình Quân, cùng nhau nói với vua:

- Khi Yên đánh Tề, vua Sở sai tướng đem vạn quân qua giúp Tề. Nay nước đã yên, xã tắc đã vững, sao không sai sứ sang tạ ơn vua Sở?

Vua hỏi:

- Trong số tả hữu, ai là người đi được?

Bọn chín người đều đáp:

- Điêu Bột đi được.

Điêu Bột đi sứ qua Sở. Vua Sở (Khoảnh Tương Vương) thết tiệc đãi. Mấy ngày không về. Bọn chín người kia cùng bảo vua Tề:

- Một kẻ tầm thường (trỏ Điêu Bột) mà làm cho vua một nước vạn thặng lưu lại như vậy, chẳng phải là nhờ cậy một thế lực nào đó ư? (ám chỉ Điền Đan). Vả lại An Bình Quân đối với nhà vua, không giữ lễ vua tôi, không phân biệt trên dưới; lại nuôi cái ý chẳng tốt (ý nói muốn làm phản), ở trong thì vỗ về bách tính, thu phục nhân tâm, giúp đỡ kẻ nghèo khốn, thiếu thốn, ban ân đức cho dân, ở ngoài thì chiêu nạp Nhung, Địch (chỉ các người nước ngoài) cùng kẻ hiền sĩ trong thiên hạ, ngầm kết giao với các kẻ anh hùng tuấn kiệt ở các nước chư hầu là có ý muốn làm phản, xin nhà vua xét kỹ xem.

Một hôm Tương Vương ra lệnh:

- Gọi tướng quốc Đan lại đây!

Điền Đan bỏ mão, tụt giày, cởi áo để lộ thân thể mà vô; khi lui ra, xin chịu tội chết 108 .

Năm ngày sau, Tương Vương bảo:

- Ngươi không có tội với ta. Ngươi giữ đúng cái lễ bề tôi của ngươi, ta giữ đúng cái lễ quân vương của ta, chỉ có thế thôi!

Điêu Bột từ Sở về, vua liền bày tiệc đãi. Trong lúc ngà ngà, vua ra lệnh:

- Gọi tướng quốc Đan lại đây!

Điêu Bột rời chiếu, dập đầu xuống sàn, thưa:

- Nhà vua sao có giọng mất nước đó? Nhà vua, ở trên, so với Chu Văn Vương thì ai hơn?

Vua đáp:

- Ta không bằng Chu Văn Vương.

Điêu Bột bảo:

- Phải. Tôi vẫn biết rằng nhà vua không bằng. Ở dưới 109 , so với Tề Hoàn Công thì ai hơn?

- Ta không bằng Tề Hoàn Công.

- Phải. Tôi vẫn biết rằng nhà vua không bằng. Vậy mà Chu Văn Vương được Lữ Thượng, gọi Lữ Thượng là Thái Công, Tề Hoàn Công được Quản Di Ngô, gọi Quản Di Ngô là Trọng phủ 110 , nay nhà vua được An Bình Quân mà chỉ gọi cộc lốc là “Đan”! Vả lại từ buổi khai thiên lập địa, có loài người tới nay, làm kẻ bề tôi mà có công lớn thì có ai hơn được An Bình Quân không? Mà nhà vua cứ gọi “Đan! Đan!”, sao lại có cái giọng mất nước đó? Thử nghĩ coi, nhà vua không giữ được xã tắc của tiên vương, Yên dấy binh mà đánh úp đất Tề, nhà vua phải chạy trốn vào miền núi ở Thành Dương; thành Tức Mặc ở trong cơn nguy cấp khủng cụ, An Bình Quân dùng bảy ngàn tàn binh trong cái thành rộng ba dặm, quách dài năm dặm đó mà bắt được quan tư mã của Yên, thu hồi được ngàn dặm đất cho Tề, đó là công của An Bình Quân. Lúc đó nếu ông ấy đóng cửa Thành Dương mà xưng vương ở Thành Dương thì trong thiên hạ có ai mà ngăn ông ấy được; nhưng ông ấy nghĩ tới đạo nghĩa, cho hành động như vậy là không phải, cho nên mới làm đường sạn đạo mộc các 111 mà đón nhà vua cùng hoàng hậu ở trong núi miền Thành Dương về, nhờ vậy nhà vua mới được về triều mà cai trị trăm họ. Nay nước đã định, dân đã yên, thì vua lại gọi “Đan!”; tới con nít cũng không có thái độ như vậy. Nhà vua không giết ngay bọn chín kẻ kia đi mà tạ tội với An Bình Quân thì nước sẽ nguy mất!

Tương Vương bèn giết chín người kia, đuổi hết cả nhà họ đi, lại phong An Bình Quân một vạn nhà ở Dạ Ấp 112 .


106. Điền Đan được phong là An Bình Quân. An Bình là tên đất, nay ở Sơn Đông.


107. Chích: là một tên giặc cướp đời Xuân Thu.


108. Vì vô lễ, vào chầu vua mà y phục không chỉnh tề. Điền Đan biết Tương Vương muốn coi mình như đầy tớ, nô lệ, muốn làm nhục mình, nên làm như vậy cho Tương Vương hả dạ.


109. Trên và dưới ở đây là nói về tài đức; tài đức cao thì như Chu Văn Vương, thấp thì như Tề Hoàn Công.


110. Thái Công: là tiếng để chỉ cha. Chu Văn Vương coi Lữ Thượng như cha chú mình nên gọi như vậy. Trọng phủ, có hai thuyết: một thuyết là Trọng phủ nghĩa là ông Trọng (Trọng là tên của Quản Di Ngô); một thuyết là trọng phụ, cũng là tiếng tôn xưng, coi như cha chú mình.


111. Sạn đạo: là đường trong núi, lấy cây gác qua gác lại mà đi. Mộc các: là cái gác bằng cây, cũng tức như lấy cây dựng thành thang để leo núi.


112. Cũng gọi là Dịch Ấp. («掖»)


5. TẠI SAO ĐIỀN ĐAN KHÔNG THẮNG RỢ ĐỊCH

(Điền Đan tương công Địch)

Điền Đan sắp đánh rợ Địch, lại thăm Lỗ Trọng Tử. Trọng Tử bảo:

- Tướng quân đánh rợ Địch, không thắng được đâu!

Điền Đan đáp:

- Tôi trước kia chỉ dùng tàn quân của một cái thành rộng năm dặm, quách dài bảy dặm mà phá được quân của Yên là nước vạn thặng; khôi phục được đất của Tề; nay đánh rợ Địch mà không thắng là tại sao?

Nói xong, chẳng thèm cáo từ, lên xe mà đi, rồi đánh rợ Địch. Ba tháng mà không thắng được. Có một đứa trẻ nước Tề hát bài đồng dao này: “Mão lớn tày thúng, gươm dài tới cằm, đánh Địch không thắng, chỉ chiếm đồi cằn”.

Điền Đan nghe vậy, hoảng sợ, hỏi Lỗ Trọng Liên:

- Tiên sinh bảo Đan không thắng được rợ Địch là tại sao?

Lỗ Trọng Liên đáp:

- Tướng quân hồi ở Tức Mặc, ngồi thì đan sọt, đứng dậy thì cầm mai cuốc đất, ca bài này cho sĩ tốt nghe: “Phải tiến quân chừ, xã tắc mất rồi, hồn phách phiêu bạt, biết quay về đâu!”. Lúc đó tướng quân có lòng quyết tử mà sĩ tốt không có lòng tham sinh, nghe lời ca đó, không ai không rơi lệ, vung tay quyết chiến, nhờ vậy mà thắng được Yên. Ngày nay tướng quân, ở phía đông có Dạ Ấp cung phụng, phía tây có Tri Thượng giúp vui, đai vàng đeo ngang lưng, rong ruổi trong khoảng từ sông Tri tới sông Thằng, có tấm lòng vui sống, không có cái ý quyết tử, vì vậy mà không thắng được rợ Địch.

Điền Đan bảo:

- Đan tôi có con tâm, nhờ tiên sinh mà nó theo được đường chính!

Hôm sau, Điền Đan khích lệ sĩ khí và đi tuần ở gần thành, phơi mình dưới mũi tên, hòn đạn, thân cầm dùi thúc trống; rợ Địch phải hàng.

-------------------------------

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét